KINH NỮ KIÊN CỐ

Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Na-liên-đề Da-xá, người Bắc Ấn Độ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc thành Xá-bà-đề, nước Đô-ta-la.

Bấy giờ, Đức Phật bảo chúng Tỳ-kheo:

–Này các Tỳ-kheo! Các ông hãy lắng nghe, ta nay sẽ vì các ông mà giảng nói. Nếu có người nữ nào muốn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trước tiên phải nghĩ thế này: “Tất cả những thứ việc xấu ác hiện có nơi người nữ như: dua nịnh, ganh ghét, tham lam, sân hận, tà vạy, dối gạt, do nhân duyên phát tâm nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì vào đời vị lai, chúng không sinh lại nữa.” Lấy ý nghĩa đó nên bất cứ người nữ nào cũng phải phát tâm nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi Phật giảng nói như thế, trong chúng hội có một Ưu-bà-di tên là Kiên Cố liền từ tòa ngồi đứng dậy, sửa lại y phục ngay ngắn, chắp tay bạch Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Con nay vì muốn tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, vì ban cho tất cả chúng sinh được sự an vui, vì thương yêu chúng sinh khắp tất cả thế giới, vì muốn độ thoát tất cả hàng trời, người, nên con phát tâm nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

–Kính thưa Thế Tôn! Con đã ở trong sinh tử từ vô thủy nơi quá khứ cho đến vị lai, lưu chuyển không biên vực, nhưng không sợ hãi, chỉ vì con không đoạn mất hạt giống của Như Lai, không đoạn chủng tánh của Phật, không đoạn hạt giống của Nhất thiết trí, nên con phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu hạnh Bồ-tát.

–Kính thưa Thế Tôn! Con nay vì muốn đem lại an ổn cho tất cả chúng sinh, nên phát tâm Bồ-đề, vì những chúng sinh không người cứu giúp làm người cứu giúp. Vì các chúng sinh không có bạn thân làm bạn thân. Vì các chúng sinh không có nơi quy về nương tựa làm chốn quy y. Vì những chúng sinh không có nhà cửa làm nhà cửa.

Khi ấy, trong đại chúng, Trưởng lão Xá-lợi-phất khởi tâm suy nghĩ: “Nữ Kiên Cố này vì cùng tất cả chúng sinh làm bạn thân, nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, do nhân duyên phát tâm ấy, nên thế gian tức có các Thanh văn, Bích-chi-phật.” Suy nghĩ rồi, đứng dậy nói với nữ Kiên Cố:

–Này Kiên Cố! Cô do đã phát tâm Bồ-đề nên vào đời vị lai được thấy các bậc Thanh văn, Bích-chi-phật.

Nữ Kiên Cố bạch với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Thưa Tôn giả! Từ xưa đến nay, con lưu chuyển trong sinh tử chưa từng phát tâm Bồ-đề như vậy. Nay lần đầu con phát tâm liền được thiện lợi lớn, may mắn được thân người, may mắn được thọ mạng, ở đời quá khứ được gặp Thiện tri thức, chưa từng có một ý nghĩ phát tâm Thanh văn, Bích-chi-phật. Nhờ nhân duyên đó nay con lại có thể vì tất cả chúng sinh mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:

–Nay cô may mắn được lợi ích, được thân người, được thọ mạng, nên có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như vậy những gì cô nói, phải thực hành đúng như vậy.

Nữ Kiên Cố bạch với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Thưa Tôn giả! Con nhất định tu hành đúng như lời đã nói.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi nữ Kiên Cố:

–Thế nào là Bồ-tát tu hành đúng như lời nói?

Nữ Kiên Cố đáp:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát không thích quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật, chỉ vui với thân Như Lai, với quả vị Như Lai, với quả vị Nhất thiết trí. Như vậy, thưa tôn giả Xá-lợi-phất! Đó là Đại Bồ-tát tu hành đúng như lời nói.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu Đại Bồ-tát khi bố thí, nguyện được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không cầu quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật. Hoặc khi trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đều cầu đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không cầu quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật. Như thế gọi là Đại Bồ-tát tu hành đúng như lời nói.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi nữ Kiên Cố:

–Người tu hành đúng như lời nói được lợi ích gì? Hãy vì ta mà nói rõ.

Nữ Kiên Cố nghe câu hỏi đó, mới thưa với Tôn giả Xá-lợiphất:

–Tôn giả muốn thấy lợi ích gì?

–Ta muốn thấy lợi ích của việc phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

–Tướng của tâm đó như ảo, không có thật làm sao thấy có lợi ích.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại nói:

–Nếu cô là người có trí tuệ thì đối với thân này có thể dứt hết khổ, được A-la-hán. Còn nếu thân cô không thể chấm dứt khổ để đạt được A-la-hán thì trí tuệ của cô quá lầm lẫn.

Nữ Kiên Cố nói:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu thân của con được A-la-hán thì trí tuệ của con tức là điên đảo. Do con nơi thân này không giữ lấy quả vị A-la-hán, chỉ muốn vào đời vị lai chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên mới biết trí tuệ của con không gọi là điên đảo.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

–Cô phải trải qua bao lâu để chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Nữ Kiên Cố đáp:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Con chẳng phải Phật, chẳng phải A-la-hán, nên không biết bao giờ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nay Tôn giả đã được A-la-hán, trí tuệ vô lậu, lẽ ra phải biết con bao giờ thì được Chánh đẳng Chánh giác chứ.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Ta không có trí tuệ, nên không biết cô bao giờ chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nữ Kiên Cố nói:

–Như trí tuệ của Tôn giả, con nguyện đời đời kiếp kiếp không dùng, vì nó đã từ người khác mà lãnh hội, từ người khác sinh tin tưởng. Con nguyện được trí tuệ tự biết, tự hiểu của Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Bấy giơ, Tôn giả Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử suy nghĩ: “Chúng ta trụ nơi quả vị Tiểu thừa, được trí tuệ nhỏ. Nếu thấy trí của Như Lai mới biết trí tuệ của chúng ta đạt được là quá ư thấp kém, chỉ là trí tuệ nhỏ của quả vị nhỏ.” Còn Tôn giả Xá-lợi-phất trong tâm lại nghĩ: “Tuy chúng ta được quả A-la-hán, nhưng không thể làm lợi ích cho khắp chúng sinh, làm các việc của bậc đại trượng phu. Chỉ có bậc đại trượng phu đầy đủ pháp đại trượng phu, mới co thể đem nhiều lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Như nữ Kiên Cố vì lợi ích của mình và của tất cả chúng sinh mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Nghĩ rồi, liền hỏi nữ Kiên Cố:

–Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là pháp gì?

Nữ Kiên Cố đáp:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Trong tất cả các pháp, pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là pháp cao tột hơn hết, không có pháp nào hơn được, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Tuy nói là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng con không thấy pháp ấy là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Nếu không thấy có pháp gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vậy làm sao cô phát tâm Bồ-đề cầu giác ngộ?

Nữ Kiên Cố thưa:

–Nhằm khiến cho chúng sinh hành tà đạo, trụ nơi chánh đạo, nên con phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe nói vậy lai hỏi nữ Kiên Cố:

–Khi Đức Phật được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng không thấy pháp, không thấy đạo, không thấy quả. Còn cô muốn cầu đạt Bồ-đề, thấy lợi ích gì?

Nữ Kiên Cố thưa:

–Thưa Tôn giả! Khi con được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác như thế thì trong quốc độ những đệ tử hiện có như: Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên… thấy rõ sự việc đó nên con muốn giác ngộ Bồ-đề vô thượng.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Cô không thủ đắc nơi pháp, làm sao muốn giác ngộ?

–Đúng vậy, đúng vậy! Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Chính vì con muốn giác ngộ về pháp không thể thủ đắc ấy. Pháp không thể thủ đắc không phải là đắc, không phải là không đắc. Vì vậy nên con muốn giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngộ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi sẽ chuyển bánh xe pháp lớn, khi chuyển bánh xe pháp, sẽ làm cho chúng sinh khắp tam thiên đại thiên thế giới đều nghe biết.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

–Tôi làm sao biết vào đời vị lai, khi nào thì cô đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển bánh xe pháp lớn, có âm thanh ấy vang khắp tam thiên đại thiên thế giới.

Ngay lập tức, nữ Kiên Cố ấn mạnh ngón chân cái bên phải xuống đất thì mặt đất nơi tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động, nhưng khoảng đất chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi thì không động. Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Người nữ này dùng đại thần thông mới có thể làm mặt đất nơi tam thiên đại thiên thế giới chấn động, nhưng vì sao chỗ ngồi của ta đất không chấn động? Là nhờ nơi

oai lực của Phật hay là do oai lực của ta.”

Dòng suy tư của Tôn giả Xá-lợi-phất vừa dứt, Đức Thế Tôn biết được ý nghĩ ấy, liền bảo:

–Ở trong khoảng đất này, từ thời quá khứ đã có ngàn người nữ cùng tên là Kiên Cố, đều ở ngay nơi chỗ ngồi của Tôn giả mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiện ra thần thông lớn được thọ ký Bồ-đề. Vào đời vị lai, khi Đức Phật Di-lặc xuất hiện, cũng ở chỗ này sẽ có ngàn người nữ đồng hiệu là Kiên Cố, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiện ra thần lực lớn được thọ ký Bồđề và sẽ thành Phật hiệu là Thắng Kiên Cố Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.

Nữ Kiên Cố bạch Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Nếu quả vị giác ngộ của Phật, quá khứ chẳng thủ đắc, hiện tại chẳng thủ đắc, vị lai cũng thế thì sao Thế Tôn lại nói có ba đời chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai?

Phật bảo:

–Đúng vậy, đúng vậy! Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai chẳng thủ đắc, nhưng sở dĩ Ta nói có ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai thì đấy chỉ là giả danh, nên nói có ba đời, chẳng phải cho là chư Phật có quá khứ, hiện tại, vị lai.

Nữ Kiên Cố bạch Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Theo pháp đó thì tự mình giác ngộ, tự mình hiểu biết, không theo nhân duyên nào khác, nên con phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo:

–Lành thay, lành thay! Nếu có thể nhận biết như thế thì vị lai sẽ đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nữ Kiên Cố bạch:

–Bạch Thế Tôn! Không thấy pháp như thế thì không đạt được Bồ-đề. Do đó con nay quyết định đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật hỏi:

–Vào đời vị lai, con sẽ giáo hóa chúng sinh chăng?

–Kính thưa Thế Tôn! Nếu chưa thấy pháp như thế thì không giáo hóa. Vì vậy con quyết định có thể giáo hóa chúng sinh.

Phật nói:

–Vào đời vị lai con sẽ làm Đại Đạo Sư chăng?

–Kính thưa Thế Tôn! Chưa thấy pháp như thế thì không làm đạo sư. Nay được rồi nên con quyết định làm Đại Đạo Sư.

Bấy giờ, trời Đế Thích cầm hoa sen đứng trước Phật, liền đưa hoa ấy cho nữ Kiên Cố và nói:

–Cô hãy đem hoa này tung rải lên Đức Thế Tôn.

Nữ Kiên cố liền nhận hoa, đem rải lên trên Đức Phật, đoạn nương nơi thần lực của Phật, trụ ở hư không.

Lúc này, Đức Thế Tôn liền mỉm cười. Pháp của chư Phật khi mỉm cười thì các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, pha lê, đủ loại ánh sáng từ trong kim khẩu xuất ra, chiếu tỏa khắp cho đến cõi Phạm thiên, rồi trở lại nhiễu vòng quanh Phật ba vòng, sau đó nhập vào đỉnh đầu Phật.

Khi ấy, Tôn giả A-nan hỏi Phật:

–Thưa Thế Tôn! Chư Phật khi mỉm cười luôn có nhân duyên không nhiều thì ít. Vậy vì nhân duyên gì mà Đức Thế Tôn mỉm cười?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông có thấy nữ Kiên Cố kia không? Người nữ ấy sau khi mạng chung sẽ bỏ thân nữ, thành thân nam, ở trong kiếp Tinh tú, chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là Phổ Kiến Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Đức Phật ấy, trong hội thuyết pháp đầu tiên sẽ có hai triệu vạn ức người dứt hết các lậu, xả bỏ gánh nặng, chứng A-la-hán. Lần thứ hai thuyết pháp sẽ có một triệu rưỡi vạn ức người được A-la-hán. Lần thứ ba thuyết pháp sẽ có một triệu vạn ức người được A-la-hán. Từ đó về sau, có vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha chúng sinh chứng được quả A-lahán. Như vậy, này Tôn giả A-nan! Trong quốc độ của Như Lai Phổ Kiến không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chúng sinh ở cõi nước đó đều thành tựu mười nghiệp đạo thiện, không làm các nghề buôn bán, ruộng vườn, quốc độ của vị Phật Phổ Kiến có vô lượng công đức, cho nên nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đối với người ấy, không nên khởi tâm khinh mạn. Chỉ có Như Lai mới biết rõ việc đó, còn các Thanh văn, Bích-chi-phật thì không thể biết được. Này Tôn giả A-nan! Nếu có ai kính mến, tôn trọng ta thì đối với Bồ-tát không được khởi tâm xem thường.

Phật giảng nói pháp này xong, Trưởng lão Xá-lợi-phất, Đại đức A-nan, Ưu-bà-di Kiên Cố và tất cả chúng trời, người… nghe Phật thuyết pháp thảy đều vui mừng.