SỐ 142 (A)
PHẬT NÓI KINH NGỌC-DA NỮ
Hán dịch: Mất tên người dịch -Phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ trưởng giả Cấp Cô Độc cưới vợ cho con trai mình, được người con dâu con nhà trưởng giả giàu sang, xinh đẹp hơn người, nhưng kiêu căng, ngạo mạn, không theo lễ dâu con để phục vụ chồng và cha mẹ chồng. Gia đình Cấp Cô Độc bàn luận:

–Cô dâu này kiêu mạn, nên dùng pháp gì để giáo dục? Nếu dùng roi vọt thì không phải là phương pháp thiện. Nếu không giáo huấn thì tội của cô ta ngày càng tăng thêm. Chỉ có Đức Phật là Bậc Đại Thánh mới giỏi giáo huấn. Chúng ta hãy sửa soạn các thức ăn uống ngon quý, ngày mai thỉnh Đức Phật đến cúng dường!

Sau khi nhận lời, sáng hôm sau, Đức Phật cùng chúng Tăng đến nhà trưởng giả. Cả nhà Cấp cô độc đều ra lễ Đức Phật. Ngọc-da không chịu ra, Đức Phật liền phóng hào quang màu vàng ròng rực rỡ chiếu vào phòng Ngọc-da. Đức Phật hiện rõ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, Ngọc-da trông thấy tướng hảo của Đức Phật sáng tỏa, rất kinh hãi, sinh tâm sợ sệt, liền ra ngoài phòng làm lễ Đức Phật.

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Phép tắc của người nữ là không nên ỷ lại vào sự đoan chánh của mình để sinh kiêu mạn. Hình dáng đoan chánh chưa phải là đoan chánh thật sự, chỉ tâm ý và hành động đoan chánh khiến người yêu kính mới đúng là đoan chánh. Không được ỷ vào diện mạo xinh đẹp mà kiêu mạn buông lung, sau đó trở nên hèn hạ để bị người trách phạt sai khiến.

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Phép của phụ nữ có ba chướng và mười ác, con có hiểu biết không?

Ngọc-da bạch Phật:

–Ba chướng, mười ác là gì?

Đức Phật bảo Ngọc-da:

  1. Lúc còn nhỏ bị chướng ngại nơi cha mẹ.
  2. Khi xuất giá bị chướng ngại nơi chồng.
  3. Đến già thì bị chướng ngại nơi con cháu.

Đó là ba sự chướng ngại.

Còn mười ác là gì? Đó là:

  1. Khi sinh ra, cha mẹ không vui.
  2. Nuôi dưỡng không vừa ý.
  3. Thường sợ chồng cưới không đủ lễ.
  4. Đến đâu cũng sợ người.
  5. Phải xa lìa cha mẹ.
  6. Sống nhờ vào nhà cửa người khác.
  7. Mang thai rất gian nan.
  8. Khi sinh đẻ rất khó khăn.
  9. Thường sợ chồng.
  10. Thường không được tự do.

Ngọc-da nghe Đức Phật nói về ba chướng ngại, mười điều ác, nên thân tâm lo sợ, bạch Phật:

–Cầu mong Thế Tôn dạy bảo con về phép làm vợ.

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Phép làm vợ có năm điều. Năm điều ấy là gì?

  1. Vợ như mẹ.
  2. Vợ như bề tôi.
  3. Vợ như em gái.
  4. Vợ như nô tỳ.
  5. Như vợ với chồng.

Thế nào là vợ như mẹ? Vợ yêu chồng như con, đó gọi là vợ như mẹ.

Thế nào là vợ như bề tôi? Vợ thờ chồng như vua, nên gọi là vợ như bề tôi.

Thế nào là vợ như em gái? Vợ thờ chồng như anh trai, nên gọi vợ như em gái.

Thế nào là vợ như nô tỳ? Vợ thờ chồng xem mình như hàng tỳ thiếp nên gọi vợ như nô tỳ.

Thế nào là như vợ với chồng? Rời khỏi gia đình thân thuộc để đến gia đình khác, xa lìa nơi sinh quán, yêu thương gần gũi với chồng, thân tuy khác nhưng tâm đồng, tôn kính thận trọng, không có thái độ kiêu mạn, khéo léo chăm sóc việc trong ngoài, làm cho gia đình thịnh vượng, sung túc, giao tiếp khách đến, nói tốt về chồng.

Đây chính là đạo vợ chồng đúng nghĩa hơn hết.

Đức Phật bảo tiếp:

–Phục vụ cha mẹ chồng và chồng cũng có năm điều thiện, ba điều ác.

Ngọc-da bạch Phật:

–Năm điều thiện, ba điều ác là gì?

Đức Phật bảo Ngọc-da:

1. Ngủ trễ dậy sớm, luôn chăm sóc việc nhà. Có thức ăn ngon không được ăn riêng, nên đem đến cho cha mẹ chồng và chồng.

2. Xem xét vật dụng trong nhà, không để cho tổn thất.

3. Thận trọng về lời nói, luôn nhẫn nhục, ít giận dữ.

4. Luôn nghiêm trang cẩn trọng, chỉ sợ làm chưa đúng mức.

5. Một lòng hiếu thảo với cha mẹ chồng, thuận hợp vợ chồng,  đem lại tiếng tốt cho gia đình, thân tộc vui mừng, được mọi người khen ngợi.

Đây là năm điều thiện. Còn ba điều ác là gì?

1. Trời chưa tối đã ngủ, trời sáng chưa chịu dậy. Chồng giận trách, chê mắng lại.

2. Ăn lén các thức ăn ngon, đưa thức ăn dở cho cha mẹ chồng và chồng. Sắc diện gian xảo dối trá, trong lòng tà ác.

3. Không lo nghĩ đến sinh kế, chỉ rong chơi trong thế gian, bàn đủ chuyện xấu tốt của người, tìm kiếm chỗ hay dở của kẻ khác, cãi cọ lắm lời, thân tộc thù ghét, bị người khinh rẻ.

Đây là ba điều ác.

Ngọc-da nghe Đức Phật giảng về năm điều thiện, ba điều ác, thì sinh tâm tin kính, hoan hỷ, biết hổ thẹn nên bạch Phật:

–Đệ tử ngu si, khi chưa được gặp Phật, chưa được nghe pháp đã gây ra bao nhiêu oan khiên, lầm lỗi vô cùng và các chướng ngại đều do không tự hiểu biết. Nay con được nghe Phật giảng dạy, tâm ý khai mở thông tỏ mới biết rằng hành động từ trước đến nay là sai lầm. Từ nay trở về sau, con xin quyết sửa đổi những việc đã làm, tu tỉnh đối với vị lai, thuận theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.

Ngưỡng mong Thế Tôn từ bi thương xót cứu giúp, cho con được sám hối để tiêu trừ tội lỗi. Con xin thọ năm giới, được làm Phật tử.

Đức Phật dạy:

–Lành thay Ngọc-da, cho phép con sám hối, đừng tái phạm nữa.

Đức Phật ban giới pháp, Ngọc-da kính thọ tu hành. Đức Phật dạy:

–Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ.

Ngọc-da thưa:

–Xin vâng Thế Tôn, nguyện được thọ trì.

Đức Phật dạy Ngọc-da:

–Giữ giới thứ nhất: Tự tay không được giết hại người và quần sinh.

Giữ giới thứ hai: Thanh tịnh thân không trộm cắp, bớt phần mình để giúp đỡ mọi người.

Giữ giới thứ ba: Trinh khiết không tà dâm, hành động không cấu nhiễm.

Giữ giới thứ tư: Không được nói dối, cho đến chỉ là nói đùa giỡn.

Giữ giới thứ năm: Tránh xa rượu không được uống, không phạm điều ác.

Giữ gìn giới cấm như cứu đầu bị cháy. Tự quán sát thân hình không thể tồn tại lâu dài. Mạng sống nguy khổ này vụt qua nhanh như điện chớp, như gió thoảng nơi sân, trẻ khỏe rồi sẽ suy tàn, từ bỏ vinh hoa ở đời, hành pháp Bồ-tát. Nay con tu hành có thể đạt đến giác ngộ. Phật đạo không thể không học, kinh pháp không thể không nghe. Nay Ta đã giác ngộ, ca ngợi việc thiện, thiết đặt giáo lý rộng lớn, bất kỳ người nam nữ nào ưa thích nghe pháp đều được kết quả tùy theo ước nguyện.

Ngọc-da bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, người vợ tốt, được an lạc vẻ vang gì? Người vợ xấu thì bị tai họa gì?

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Người vợ hiền thiện đời này được vinh dự như thân tộc kính mến, thọ phước sinh ở cõi trời, hết tuổi thọ nơi cõi trời thì sinh về thế gian là con cháu bậc vương hầu. Sinh ở chỗ nào cũng được mọi người tôn kính. Người vợ xấu ác thì luôn bị người thù ghét, ai cũng chán bỏ xa lìa, mong cho chết sớm. Người này sau khi chết sẽ bị đọa các nẻo địa ngục, súc sinh, nô tỳ, trôi lăn trong đó không có kỳ hạn thoát ra.

Ngọc-da nghe Phật nói về người vợ thiện ác, tâm sinh sợ hãi, tinh tấn tu hành, liền chứng đắc đạo quả thứ nhất (Tu-đà-hoàn). Từ đó nàng dùng gấm lụa trang trí, thêu vẽ chạm trỗ đẹp đẽ, treo cờ phướn, dù lọng, đốt các loại hương thơm cúng dường Phật, nhiễu tháp, tụng kinh, tiếng vang mười phương. Mọi người trông thấy đều vui mừng theo, đảnh lễ nơi các tháp miếu.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Kinh này gọi tên là gì?

Đức Phật dạy:

–Kinh này tên là giáo hóa người nữ, cũng gọi là kinh nói về nàng Ngọc-da. Nếu người nữ được nghe kinh này, thọ trì đọc tụng, theo như pháp tu tập thì khi bỏ thân nữ ấy không còn thọ thân nữ trở lại nữa.

Khi Đức Phật thuyết giảng kinh xong, đại chúng đều hoan hỷ, làm lễ, phụng hành.


SỐ 142 (B)
PHẬT NÓI KINH NGỌC-DA NỮ
Hán dịch: Mất tên người dịch -Phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ, vì bốn hàng đệ tử thuyết giảng kinh.

Bấy giờ, trong nước có gia đình Cấp Cô Độc cưới vợ cho con trai, là con gái của một trưởng giả, tên là Ngọc-da. Cô này xinh đẹp đặc biệt, nhưng không giữ lễ làm dâu, khinh mạn đối với cha mẹ chồng và chồng. Vợ chồng trưởng giả Cấp Cô Độc bàn luận: “Cô dâu này không thuận thảo, làm thế nào để giáo dục? Nếu dùng roi vọt thì không phải là phương pháp tốt. Nếu không giáo huấn thì tội lỗi của cô ta ngày càng tăng thêm”.

Trưởng giả đề nghị:

–Chỉ có Đức Phật mới giáo hóa được cô gái ấy. Sáng sớm, trưởng giả vận y phục nghiêm trang, đến gặp Đức Phật, lạy sát chân Ngài, bạch:

–Con cưới vợ cho con trai, được con gái nhà trưởng giả, nhưng cô ta rất kiêu mạn, không giữ phép làm dâu. Cầu mong Thế Tôn thương chúng con và các đệ tử, ngày mai con kính thỉnh Thế Tôn đến nhà con giảng dạy để tâm ý nó được mở mang.

Đức Phật nhận lời. Trưởng giả hoan hỷ lễ Phật, ra về. Đến nhà, trưởng giả lo sửa soạn chỗ ngồi trang nghiêm, rộng rãi.

Sáng ngày mai, Đức Phật đến nhà trưởng giả. Ông ta vui mừng rước Đức Phật vào nhà. Sau khi đại chúng an tọa, cả nhà đều ra lễ Phật rồi đứng qua một bên. Thọ trai xong, Phật vì mọi người giảng pháp. Chỉ có Ngọc-da là kiêu mạn không ra chào hỏi.

Đức Phật thương xót cô ta, liền phóng thần lực lớn, biến hóa nhà trưởng giả trở thành thủy tinh, trong ngoài đều trong sáng không có chướng ngại. Ngọc-da thấy Đức Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thì toàn thân đều nổi gai ốc, kinh hoàng sợ hãi, liền ra làm lễ Đức Phật, đứng qua một bên, chắp tay cúi đầu, không nói được gì.

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Người nữ không nên dựa vào sắc đẹp của mình để không hòa thuận với chồng, đó không phải là đoan chánh. Tâm ngay hạnh đúng mới là đoan chánh. Trong thân phụ nữ có mười điều xấu mà không tự hiểu biết. Mười việc xấu là gì?

  1. Khi thác sinh nơi thai, cha mẹ khó nuôi dưỡng.
  2. Khi mang thai, cha mẹ thường ưu sầu.
  3. Khi sinh ra, cha mẹ không vui.
  4. Nuôi dưỡng không vừa ý.
  5. Cha mẹ luôn luôn quản lý, không khi nào rời.
  6. Đến đâu cũng sợ người khác.
  7. Thường lo lắng việc gả chồng.
  8. Ngay trong đời này phải xa lìa cha mẹ.
  9. Thường sợ chồng.
  10. Không được tự do.

Đây là mười việc xấu.

Ngọc-da kinh sợ, bạch Phật:

–Xin Đức Phật dạy cho con về phép tắc của người làm vợ.

Việc ấy như thế nào?

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Người con dâu phục vụ chồng, cha mẹ chồng, các bậc trưởng thượng có năm điều thiện, ba điều ác. Thế nào là năm điều thiện?

  1. Ngủ trễ, dậy sớm, thức ăn ngon phải dâng trước.
  2. Bị đánh mắng cũng không giận hờn.
  3. Một lòng với chồng, không được tà dâm.
  4. Mong chồng sống lâu, đem thân phụng sự.
  5. Chồng đi xa, lo chăm sóc đảm đang việc trong nhà, không có hai lòng.

Đây là năm điều thiện.

Còn ba điều ác là gì?

1. Khinh mạn chồng, không thuận theo các bậc trưởng thượng, ăn riêng thức ăn ngon, chưa tối đã đi nằm, trời sáng vẫn chưa dậy, chồng dạy bảo thường trừng mắt nạt nộ lại.

2. Gặp chồng, lòng không vui mừng, nghĩ đến việc tồi bại, tưởng đến đàn ông đẹp khác.

3. Mong chồng chết sớm để tái giá.

Đấy là ba điều ác.

Ngọc-da im lặng không nói được lời nào.

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Ta vì con nói rõ về bảy hạng vợ trong thế gian, hãy lắng nghe:

  1. Vợ như mẹ.
  2. Vợ như em gái.
  3. Vợ như tri thức.
  4. Vợ như vợ.
  5. Vợ như nô tỳ.
  6. Vợ như oan gia.
  7. Vợ như kẻ đoạt mạng.

Ngọc-da nói:

–Con không rõ về các ý nghĩa ấy.

Phật dạy:

–Hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích.

Thế nào là vợ như mẹ? Vợ yêu chồng như mẹ yêu con, ngày đêm chăm sóc không sơ suất, tâm thường yêu mến không chán, nghĩ đến chồng như con. Đó là vợ như mẹ.

Thế nào là vợ như em gái? Phục vụ chồng hết sức, cung kính thành thật, như anh em từ một gốc sinh ra, cốt nhục chí thân không có tình riêng, tôn trọng chồng như em gái phục vụ anh. Đó là vợ như em gái.

Thế nào là vợ như tri thức? Phục vụ chồng luôn dốc kính thuận, yêu mến luyến ái không rời nhau. Những việc kín riêng thường nói cho nhau nghe. Hành động luôn thuận hợp, dạy bảo nhau về việc lành, cùng làm tăng thêm trí tuệ sáng suốt, tương than tương ái, muốn cho chồng đem khả năng giúp đời, như hàng Thiện tri thức. Đó là vợ như tri thức.

Thế nào là vợ như vợ? Phục vụ chồng tận tình tận lực, không có hai lòng, luôn im lặng thực hiện bổn phận của người vợ một cách đầy đủ không thiếu sót. Tiến tới không bất nghĩa, lùi lại không bất lễ, thường lấy hòa làm quý. Đó là vợ như vợ.

Thế nào là vợ như nô tỳ? Tâm thường e sợ, không dám khinh mạn, trung hiếu, hết sức tiết hạnh. Miệng không nói lời thô, than không phóng dật, tự giữ gìn bằng lễ nghi như dân thờ phụng vua; được chồng kính trọng yêu quý thì không hề kiêu mạn. Nếu bị hình phạt, cung kính nhận lấy, bị mạ nhục, cũng im lặng không nói trả. Thân chịu vui buồn không có hai lòng, sửa mình theo phận vợ, không kén việc ăn mặc, phục vụ chồng như ông chủ. Đó là vợ như nô tỳ.

Thế nào là vợ như oán gia? Thấy chồng, vợ không vui vẻ, thường ôm lòng oán giận, ngày đêm mong cầu được mau xa lìa. Tuy là vợ chồng, lòng như tạm bợ. Đầu tóc lộn xộn, thích nằm, không e sợ tránh né gì cả, không chịu làm việc sinh sống, nuôi dưỡng con cái.

Làm việc dâm đãng không biết xấu hổ, sa vào tội phạm pháp luật, hủy nhục thân thuộc, chồng oán ghét nguyền rủa cho chết. Đó là vợ như oán gia.

Thế nào là vợ như kẻ đoạt mạng? Vợ ngày đêm luôn thao thức nuôi tâm độc ác dò xét chồng, dùng phương tiện gì để xa lìa chồng. Muốn hại chồng bằng thuốc độc nhưng sợ người biết, tư thông ngoại tình, thuê người hại chồng, lại sai tình nhân theo dõi để giết chồng. Chồng chết, tái giá cho thỏa ý nguyện. Đó là vợ đoạt mạng.

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Người vợ hiền được rạng danh, thân thuộc chín họ đều đượcvinh dự. Trời, Rồng, Quỷ thần luôn ủng hộ thân thể, khiến không bị tai nạn, của cải vật báu ngày càng tăng, nguyện nào cũng được, sau khi mãn phần sinh lên cõi trời, cung điện ao tắm hưởng thọ tự nhiên, được trời người mến chuộng. Hết tuổi thọ nơi cõi trời, lại sinh ở thế gian, thường làm con cháu hàng vương hầu, phú quý đoan chánh, xinh đẹp, mọi người đều tôn trọng.

Người vợ ác bị mang tiếng xấu xa, ngay thân hiện tại không được an ổn, thường bị quỷ thần ở trong gia đình gây bệnh phát họa, phải cầu khẩn đến thần minh, phải bị chết sớm, không được tuổi thọ, bị ác mộng khủng bố, ước nguyện không thành, gặp nhiều tai họa về nước lửa, luôn kinh sợ hàng ngày. Sau này chắc chắn thần hồn bị hình phạt, khi chết bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thân hình lùn ngắn, yết hầu như lỗ kim, nằm trên giường sắt nóng đến ngàn vạn kiếp. Chịu hết tội lỗi thì lại sinh vào nhà hung ác, bần cùng, áo quần không đủ che thân, lao nhọc suốt đời còn bị đánh đập, từ trẻ đến già không được vinh hoa. Làm thiện được điều lành, làm ác tự ngăn che. Thiện ác đúng như vậy, không phải hư đối.

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Bảy hạng vợ này, con làm theo hạng nào?

Ngọc-da khóc, bạch Phật:

–Trước đây con ngu si không thuận thảo với chồng và bậc tôn trưởng. Từ nay về sau con xin làm theo hạng vợ nô tỳ, trọn đời con không dám kiêu mạn.

Ngọc-da quỳ ở trước Phật cầu thọ ba quy y và mười thiện giớilà quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng. Thứ nhất không sát sinh, thứ hai không trộm cắp, thứ ba không tà dâm, thứ tư không nói dối, thứ năm không uống rượu, thứ sáu không ác khẩu, thứ bảy không nói lời thêu dệt, thứ tám không ganh ghét, thứ chín không sân hận, thứ mười tin thiện được thiện. Đây gọi là mười giới, hàng Ưubà-di phải tuân hành theo.

Đức Phật giảng kinh này xong, cùng các đệ tử muốn trở về. Gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc hoan hỷ lễ Phật, cáo lui.

Ngọc-da quỳ bạch thêm với Phật:

–Trước đây con ngu si kiêu mạn với chồng, nay nhờ ân Thế Tôn giáo hóa, khiến tâm con được khai mở, thông tỏ.

Đức Phật bảo Ngọc-da:

–Từ nay về sau hãy luôn gắng sức giúp đỡ gia đình con.

Ngọc-da vâng dạ, nhận lời Phật dạy, không dám làm sai, lạy sát chân Phật rồi cáo lui.