KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 33

 

HỌC ĐẠO THANH VĂN, CHƯƠNG CÁC QUỐC VƯƠNG THÁI TỬ

1. QUÂN LÂN NHO NGỘ ĐẠO

Vua Phạm-ma-nan thường cúng dường Phật và chúng Tăng. Mỗi lần đến ngày chay, vua dẫn đoàn tùy tùng đi đến chỗ Phật. Mỗi khi Phật thuyết pháp, vua đều hoan hỷ cung kính lắng nghe.

Thái tử Quân Lân Nho chí tâm tinh tấn, ngộ đời vô thường, không sanh, không tử, không tham vinh hoa ở đời, nên tâu với vua cha:

– Phật ở đời khó gặp, kinh pháp khó được nghe, con xin được làm Sa-môn.

Nhà vua chấp thuận. Quân Lân Nho từ giã vua cha đi đến chỗ Phật xin làm Tỳ-kheo. Đức Phật lấy tay xoa đầu thái tử, tóc trên đầu thái tử tự rụng, ca sa đắp trên thân, vâng giữ các giới trọng, ngày đêm tinh tấn tu hành, trải qua ba tháng đắc quả A-la-hán.

Bấy giờ, nhà vua chưa biết thái tử đã đắc đạo. Thấy con cần khổ, ăn uống đạm bạc, nên mỗi lần vua cha đến đều cúng dường thái tử khác hơn chúng Tăng. Vì tâm phân biệt, nên vua bảo thái tử: bảy báu thần kỳ, sơn hào hải vị trong nước ta không thiếu thứ gì, sao con cứ thích làm Sa-môn.

Nghe vua cha nói thế, Quân Lân Nho nhẹ nhàng cất mình lên trụ giữa Hư không, bay đi biến hóa, phân tán thân thể, xuất nhập không ngừng.

Thấy vậy, vua cha buồn vui lẫn lộn, năm vóc sát đất lễ Quân Lân Nho. Đức Phật bảo Quân Lân Nho thuyết pháp Tứ đế khổ, không, vô thường cho vua cha. Nhà vua nghe xong, tâm ý khai mở, đắc quả Tuđà-hoàn.

(Trích kinh Phạm-ma-nan Quốc Vương)

2. ĐẾ TU XUẤT GIA ĐẮC QUẢ A-LA-HÁN

Vua A-dục vừa lên ngôi, lập em trai là Đế Tu làm thái tử (Đế Tu, kinh A-dục Vương gọi là Tỳ-đa-du-kha, kinh Thất Diệu gọi là Thiện Dung ). Vua bảo em rằng: Em hãy đặt hết lòng tin vào Phật pháp.

Về sau, Đế Tu đi săn, vào trong rừng, thấy một tiên nhơn đang đốt từng phân trên thân, liền khởi lòng tin sâu sắc, đầu mặt lễ chân rồi hỏi:

– Ngài sống ở đây bao lâu rồi, ăn mặc như thế nào, hay là nằm yên mà khởi lòng tham dục.

Tiên nhơn đáp:

– Sống ở đây đã mười hai năm, thường ăn lá cây, kết cỏ làm áo quần, bện cỏ làm giường nằm. Thấy con nai hành dâm khiến tôi ham muốn.

Đế Tu nghi ngờ tiên nhân đã tu khổ hạnh, như vậy mà còn khởi lòng dục, huống chi các vị đệ tử Phật sao có thể nói là an lạc, thấy chuyện dâm dục mà có thể không khởi tâm? Đã khởi lòng dục thì làm sao chán bỏ được? Đế Tu liền nói kệ:

Tiên nhơn tự sống khổ
Hớp hơi, không ăn thịt
Chỉ dùng lá, rễ, quả
Ái dục còn chưa dứt
Đệ tử Phật Thích Ca
Thường ăn ngon, mặc ấm
Mọi thứ đều đầy đủ
Sao bỏ được dục vọng.

Rồi Đế Tu lại nói:

– Đệ tử của Thích Ca lừa dối bảo vua làm công đức.

Vua A-dục nghe được liền bảo đại thần:

– Em ta tin tưởng ngoại đạo. Ta phải dùng phương tiện để cho nó hiểu đúng. Ta muốn tắm, sẽ vào phòng tắm. Khanh hãy lấy thiên quan đội lên cho em ta, bảo nó lên ngồi ngai vàng của ta.

Trong lúc vua tắm, quan đại thần khuyên Đế Tu, Đế Tu làm theo lời. Khi trông thấy, vua phán:

– Ta nay chưa chết mà ngươi đã tiếm vị.

Vua liền ra lệnh giết Đế Tu. Nhiều người cầm gậy bao quanh Đế Tu. Quan đại thần tâu:

– Đế Tu là em bệ hạ. Xin bệ hạ bớt giận.

Nhà vua phán:

– Được rồi. Trong bảy ngày hãy tạm giao nước cho hắn làm vua, cung cấp cho hắn các loại kỹ nhạc và các thể nữ. Tất cả thần dân đều đến thăm hỏi. Người hành quyết cầm dao đứng chựt ở cửa, mỗi ngày tâu vua cho đến ngày thứ bảy để vua chuẩn bị. Các đại thần của vua A-dục dẫn Đế Tu cũng đến thăm hỏi A-dục. Bấy giờ vua phán hỏi:

– Bảy ngày làm vua, ngươi có nghe, có thấy các loại kỹ nhạc không?

Đế Tu dùng kệ đáp:

Hạ thần trong bảy ngày
Chẳng thấy, chẳng nghe gì
Chẳng thưởng thức mỹ vị
Cũng chẳng thấy xúc chạm.
Thân trang nghiêm đủ cách
Các thể nữ vây quanh
Vì chỉ nghĩ đến chết
Nào màng các thứ này.
Kỹ nữ cùng ca vũ
Cung điện với giường nằm
Các trân báu đầy khắp
Chẳng có lòng hoan hỷ.
Thấy người hành quyết kia
Cầm dao đứng ngay cửa
Lại nghe tiếng chuông rung
Khiến lòng lo sợ chết.
Chết ám ảnh tâm tôi
Còn biết chi năm dục
Đã mang bệnh sợ chết
Nào có được ngủ yên.
Nghĩ cái chết sắp đến
Bất giác đêm đã tàn.

Vua A-Dục lại hỏi em:

– Ngươi trong một đời nghĩ cái khổ phải chết nên tuy được ngũ dục thương diệu mà chẳng còn ưa thích. Các Tỳ-kheo xuất gia đối với mười hai nhập phải tư duy về sanh tử và những cái khổ trong ba đường ác lại còn suy nghĩ đến cõi người, cõi Trời, dong ruổi bốn hướng rốt cuộc cũng tiêu tan giống như xóm vắng không người, vì lửa vô thường thiêu đốt thế gian. Các đệ tử Phật thường quán như thế, làm sao phiền não khởi lên được?

Nhà vua dùng Phật pháp làm phương tiện giáo hóa em. Đế Tu tâu:

– Nay em xin quy y Phật, Pháp, Tăng.

Vua A- Dục đưa hai tay ôm lấy cổ em bảo:

– Ta không bỏ em đâu. Vì muốn em tin tưởng Phật pháp nên ta mới dùng phương tiện này.

Bấy giờ, Đế Tu dùng các loại hương hoa và các kỹ nhạc cúng dường tháp Phật, đem các thức ăn uống cúng dường chúng Tăng (Trích kinh A-dục Vương).

Lại một ngày khác, Đế Tu đi săn tới chỗ A-lan-nhã, trông thấy nơi ngủ của Tỳ-kheo Đàm Vô Đức, có một con voi bẻ lấy cành cây từ xa quạt cho Tỳ-kheo. Đế Tu vui vẻ, lại nghĩ: Biết chừng nào ta được như vị Tỳ-kheo kia. Tỳ-kheo Đàm Vô Đức (Kinh A-dục Vương gọi là Daxá, hơi khác một chút) biết được tâm nguyện của Đế Tu liền dùng thần thông bay lên Hư không, khiến cho Đế Tu trông thấy, bay đến chùa A Dục, ngồi trên nước ao, cởi y để giữa Hư không, nhảy vào ao tắm. Đế Tu trông thấy liền nói:

– Ta phải xuất gia.

Rồi Đế Tu trở về cung tâu vua :

– Xin bệ hạ thương tình cho em được xuất gia.

Vua bảo:

– Sung sướng trăm bề sao em lại xuất gia? Nhà vua dùng đủ cách khuyên can nhưng tâm Đế Tu đã quyết, dứt khoát không nghe theo. Đế Tu tâu vua :

– Vui sướng tạm bợ, hợp rồi sẽ tan.

Nhà vua tán thán: Lành thay!

(Trích Thiện Kiến Tỳ-bà-sa quyển 2 ).

Trước phải tập khất thực rồi sau mới xuất gia. Lúc bấy giờ, trong vườn vua có 1 cây to, vua sai lấy cỏ trải lên đất, cho Đế Tu ở đó. Vua trao cho một bình bát bảo ông vào cung khất thực. Đế Tu liền ôm bình bát đi vào cung. Bao nhiêu thức ăn ngon đều cho ông ấy. Vua hỏi người trong cung:

– Tại sao cho người khất thực món ăn ngon? Từ nay nên cho ông ta món ăn dở, thậm chí cơm gạo hẩm. Đế Tu nhận thức ăn ấy nhưng vẫn cho là ngon. Vua A-dục bảo em:

– Chớ ăn thức ăn này. Ta cho em xuất gia. Sau khi xuất gia, hãy thường đến thăm ta.

Vua phán xong, liền cho sắm sửa y bát, dùng ngàn cổ xe đưa em đến chùa Kê. Đế Tu nghĩ rằng: chỗ này không được yên tịnh, bèn qua chỗ Tỳ-kheo Đàm Vô Đức nước Tỳ Đề xuất gia. Các truởng giả tử hào quý trong nước cả thảy một ngàn người cũng theo ông xuất gia. Dân chúng tự hỏi nhau: Đế Tu còn xả bỏ vương vị, chúng ta thì sao? Rồi mọi người đều xuất gia. Cháu ngoại của vua A-kỳ là con trai của Bà-la-môn cũng xuất gia. Bá quan chư hầu cùng tôi trai tớ gái đều giữ năm giới, mỗi tháng tu Bát quan trai sáu ngày. Do đây có nhiều người dòng họ vua chúa xuất gia khiến Phật pháp hưng thịnh. Ngoại đạo suy tàn, mất hết cúng dường, họ đi khất thực khắp nơi không được, liền giả làm Samôn vào Phật pháp, nhưng vẫn giáo hóa nhân dân theo pháp cũ. Các Tỳ-kheo chân chính không đồng ý việc đó. Bấy giờ, Ngài Mục-liên-tử Đế Tu đem đệ tử giao cho Ma-thẩn-đà vào ẩn tu trong núi A-hưu-hà. Các Tỳ-kheo ngoại đạo muốn lấy cách tu của họ làm rối loạn Phật pháp khiến cho cấu trược, hoặc là thờ lửa, năm cách đốt thân, hoặc Trời thật lạnh lại ngâm mình trong nước, hoặc phá hoại Phật pháp. Như vậy lần lượt bảy năm không được thuyết giới.Vua A-dục sai một đại thần vào Đại già lam bạch với Thượng tọa: Vua muốn chúng Tăng hòa hợp thuyết giới. Vị Thượng tọa đáp:

– Các Tỳ-kheo chân chính không bố tát chung với Tỳ-kheo ngoại đạo.

Quan đại thần lần lượt chém đầu, đến phiên Đế Tu, đại thần hỏi:

– Ông là ai?

– Là em ruột của vua.

Thế là đình chỉ án lệnh. Quan đại thần tâu lên vua. Vua nghe tâu kinh ngạc, buồn bã, liền vào chùa hỏi:

– Này các Tỳ-kheo! Ai đắc tội?

Một Tỳ-kheo đáp:

– Cả hai đều mắc tội Một Tỳ-kheo tâu:

-Vua không có tâm sát, vua vốn vô tội.

Vua nghi ngờ, nên hỏi các Tỳ-kheo:

– Ai có thể giải nghi cho Ta? Nếu giải được tâm nghi, trẫm sẽ chấn hưng Phật pháp.

Các Tỳ-kheo tâu:

– Ngài Đế Tu có thể giải được.

Vua sai đưa thư đón Đế Tu. Sứ truyền ý vua:

– Nay Phật pháp suy đồi. Ngưỡng mong Đại đức đến cùng với Bệ hạ chấn hưng Phật pháp.

Đế Tu đáp:

– Ta xuất gia chính vì Phật pháp, nay đã đến thời.

Ban đêm, vua mộng thấy một con voi trắng lấy vòi rà đầu mình, nắm tay phải vua. Sáng sớm, vua hỏi thầy tướng về điềm mộng. Thầy Tướng đáp:

– Người nắm tay vua là Sa-môn.

Ngay lúc đó, nghe tin: Đế Tu nay đã đến, nhà vua ra nghinh tiếp. Đế Tu cầm tay vua. Quân lính xung quanh rút kiếm muốn hại Đế Tu. Vua thấy bóng cây kiếm trong nước liền nói:

– Xưa Ta bảo ngươi đến chùa khiến chúng Tăng hòa hợp thuyết giới, nhưng ngươi đã làm sai ý ta, giết các Tỳ-kheo, nay lại muốn giết ta ư?

Nói xong, vua dẫn Đế Tu vào vườn, lấy tay rửa chân và xoa dầu cho Đế Tu, cầu thỉnh:

– Trẫm muốn thấy thần lực của Đại Đức.

Đế Tu đi quanh bốn phía, cứ mỗi do tuần căng dây làm ranh giới. Phương Đông đặt xe, phương Nam đặt ngựa, phương Tây đặt người, phương Bắc đặt mâm nước đồng khiến cho mỗi lần đi trên giới mà ngoài giới chấn động. Phía dưới của ngoại giới cũng chấn động, phía dưới của nội giới thì không động.

Nhà vua vui mừng nói:

– Ta không còn nghi ngờ nữa. Nay ở trong Phật pháp, ác pháp đã dứt trừ.

Đế Tu thuyết kinh Bổn Sanh cho vua nghe:

– Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: trước do tâm suy lường, sau mới tạo nghiệp. Tất cả nghiệp đều do tâm (Trích luận Tỳ-bà-sa quyển 2).

Về sau, Đế Tu đắc quả A-la-hán, được cái vui giải thoát. Nhớ lại lời hứa là sau khi xuất gia thường đến thăm vua. Để thực hiện điều này, Đế Tu đi đến nước Ba-tra-lị-phất-đa.

Sáng sớm thức dậy, Đế Tu đắp y mang bát vào nước khất thực, theo thứ lớp đi đến thành của nhà vua, nói với người gác cổng:

– Ngươi vào tâu vua: Đế Tu hiện giờ đang ở ngoài cổng muốn gặp Đại vương.

Người giữ cổng vào tâu vua. Vua cho vào. Nhà vua lễ lạy như cây to đổ xuống, rồi đứng dậy chắp tay nhìn Đế Tu mãi không chán, nghẹn ngào nói:

Tất cả các chúng sanh
Nên vui trong hòa hợp
Ông nay bỏ hòa hợp
Vui với tâm tịch tĩnh
Ta nay rõ tâm ông
Lấy tuệ làm sự nghiệp.

Đại thần Thiện Hộ thấy Đế Tu mặc y phấn tảo, ôm bát sành theo thứ lớp khất thực, được thức ăn ngon dở đều thọ nhận, tâm không phân biệt. Ông ta tâu vua:

– Đế Tu ít muốn, biết đủ, việc cần làm đã làm xong.

Bấy giờ, vua thỉnh Đế Tu lên ngồi tòa đẹp, tự tay vua dâng các thức ăn uống. Thọ thực xong, Sư rửa bát, để vào một chỗ, rồi thuyết pháp cho vua nghe.

Vua nay được tự tại
Nên tu, đừng phóng dật
Tam bảo rất khó gặp
Phải tha thiết cúng dường.

Nói xong, Sư bay lên Hư không, mọi người đều thấy. Khi ấy, vua và đại chúng chắp tay mải miết nhìn theo. Vua nói:

Không còn tình thân hữu
Như chim bay trên không
Ta bị tham trói buộc
Không thể được tự tại.
Thiền định đạt thắng quả
Tất cả không quái ngại
Bị ái dục che tối
Không thấy được pháp này.
Ông nay nhờ thần lực
Xem thường ta khởi dục
Ta vốn có trí tuệ
Nay ông là bậc nhất
Ta chấp pháp thế gian
Gặp Thánh mới biết sợ
Nay chúng tôi than khóc
Vì ông đã bỏ ta.

Đế Tu đi đến biên địa thì bị bệnh nặng nổi mụt đầy đầu. Nghe tin, vua sai nguời cấp sự lo liệu thuốc men chữa bệnh cho Sư. Sau đó, bệnh Sư thuyên giảm thầy thuốc và người cấp sự đều trở về. Bấy giờ, cơ thể của Sư chỉ hợp với sữa bò. Vì việc khất thực nên Sư phải đến nơi nuôi nhiều bò.

Lại có nước Phân-na-bà-đà-na (Đời Lương dịch Tăng Trưởng ) tin theo ngoại đạo, có người thấy đệ tử Phật tới liền tâu vua. Trong khoảnh khắc, vua sai Dạ-xoa dẫn đệ tử ngoại đạo và đem hình vẽ đến. Vua rất tức giận nên cho giết tất cả ngoại đạo ở nước Phân-na-bà-đà-na; chỉ trong một ngày giết đến mười vạn tám ngàn kẻ ngoại đạo.

Lai có một đệ tử của ngoại đạo thích pháp ngoại đạo, thờ thần lỏa hình. Ông vẽ hình Đức Như Lai đang lạy dưới chân vị thần ấy. Nghe việc này, sai người khác đến bắt người ấy và cả thân thuộc của ông nhốt vào một nhà rồi châm lửa đốt. Khi ấy, vua lại ra lệnh, nếu ai lấy được đầu của Ni Kiền, ta sẽ thưởng cho một tiền vàng. Đế Tu ở chỗ nuôi bò bị bệnh lâu ngày nên râu tóc, móng tay, móng chân đều dài nhọn, y phục cũ rách, xấu xí khó coi. Thấy vậy, cô gái nuôi bò thầm nghĩ: Nay tên Ni Kiền này đã vào nhà ta. Thế rồi, cô liền bảo chồng:

– Anh hãy giết tên Ni-kiền này lấy đầu đem dâng vua nhất định sẽ được thưởng vàng.

Người chồng nghe lời, rút dao xông tới. Đế Tu suy nghĩ: Nghiệp báo đã đến, không thể tránh khỏi, liền chịu chết.

Họ đem đầu Đế Tu đến cho vua mong được nhận vàng. Vua nghi ngờ liền hỏi thầy thuốc và người cấp sự. Hai vị này đáp:

– Đây là đầu của Đế Tu.

Nhà vua chết ngất giây lâu.

Đại thần tâu:

– Người vô lậu không thoát khỏi khổ này, xin Đại vương nên ban sự vô úy cho chúng sanh.

Theo lời đại thần, vua ra lệnh tất cả mọi người không được giết Ni Kiền.

Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo sanh nghi, hỏi Ngài Ưu-ba-cấp-đa:

– Đế Tu xưa tạo nghiệp gì mà nay phải chịu quả báo này?

Ngài Ưu-ba-cấp-đa đáp:

– Vào thời quá khứ có người thợ săn giết rất nhiều nai. Bấy giờ, trong khu rừng lớn có một dòng suối, người thợ săn này bủa lưới, giăng dây khắp dòng suối, giết chết rất nhiều nai. Khi ấy, Phật chưa ra đời, có một vị Duyên giác ngồi ăn bên dòng suối; ăn xong, tắm gội và trở lại ngồi dưới gốc cây. Lúc bấy giờ, bầy nai nghe mùi của vị Duyên giác nên không đến bờ suối. Người thợ săn ngồi chờ nhưng không thấy nai đến, liền theo dấu chân đến chỗ vị Bích chi Phật. Ông ta nghĩ: Vì người này ngồi đây nên bầy nai không đến. Ông liền rút dao giết vị Bích chi Phật. Người thợ săn ngày trước là Đế Tu, vì giết nhiều nai nên nay chịu nhiều bệnh khổ. Lại vì giết vị Bích chi Phật nên năm trăm đời thường ở trong địa ngục chịu các khổ não. Đến khi sanh vào loài người thường bị người khác giết. Nay là quả báo cuối cùng, tuy chứng quả La hán vẫn bị người hại. Vào thời Phật Ca-diếp, ông ấy xuất gia, thích làm việc bố trí, thường khuyến hóa mọi người cúng dường chúng Tăng. Gặp tháp thờ tóc, móng tay, móng chân của Phật thì dâng cúng hoa hương,tràng phan, bảo cái, các thứ kỹ nhạc. Nhờ phước báo này, ông được sanh trong dòng họ cao quý, trong mười vạn năm thường tu phạm hạnh, lại phát tâm dõng mãnh. Do nhân duyên này, ông ấy chứng quả A-la-hán

(Trích Kinh A Dục Vương, quyển 3 )

3. THÁI TỬ KỲ-ĐÀ BỎ NGŨ GIỚI, TU THẬP THIỆN, CHỨNG SƠ QUẢ

Thái tử Kỳ-đà bạch Phật:

– Xưa con thọ ngũ giới, giới uống rượu khó giữ nên con sợ mắc tội, nay con muốn bỏ ngũ giới, thọ pháp thập thiện.

Đức Phật hỏi:

– Khi ngươi uống rượu có làm gì ác không?

Kỳ-đà thưa:

– Những nhà cường hào trong nước thường bày tiệc rượu, cùng nhau bày trò giải trí. Do vì được vui vẻ nên không làm gì ác. Khi uống rượu, con nghĩ đến giới nên cũng không làm ác.

Đức Phật bảo:

– Nếu ai cũng như Thái tử thì trọn đời uống rượu có gì là ác? Người làm như thế sẽ được phước mà không có tội.

Người tu thập thiện có hai pháp:

  1. Hữu lậu
  2. Vô lậu

Người tu thiện hữu lậu được quả vui cõi Trời, cõi người. Người tu thiện vô lậu, thoát khổ sanh tử, được quả Niết-bàn.

Nếu người uống rượu không tạo nghiệp ác, nhờ tâm thiện nên được quả lành. Thái tử giữ năm giới như thế thì không có lỗi?

Trong thành Xá-vệ có những nhà hào tộc, công tôn vương tử dòng Sát Đế Lợi, từ tranh cãi nhỏ lần đến oán to, ai nấy bày mưu đem binh đánh nhau, hai bên đều là những kẻ hào kiệt trong nước, lại là bà con thân thích không thể hòa giải, họ gây chiến rối ren không nghe lời can gián. Con rất lo điều đó.

Lại tự nghĩ: Xưa có đại thần của Tiên Vương tên là Đề-vi-la, ỷ thế dòng họ cường hào phú quý nên khinh mạn, trêu ghẹo chê cười con. Đang lúc giận dữ, con rất muốn giết đi, nên đem việc này tâu vua cha. Vua cha không cho phép nên con giận dữ mà không biết làm sao được. Bấy giờ, con buồn rầu áo não không muốn ăn uống. Thái hậu thấy vậy, khuyên giải đủ điều mà con vẫn không nguôi. Nhân đó, thái hậu sai người tìm kiếm rượu ngon khuyên con uống, con liền thưa với mẫu hậu:

– Tổ tiên nhà ta truyền nhau thờ Trời Na-la-diên. Nếu nay con uống rượu e Trời sẽ giận, các Bà-la-môn sẽ quở phạt.

Trong đêm vắng, mẫu hậu đóng chặt cửa cung không để cho người biết. Bà mẹ đôi ba phen bức ép, nể mẹ, con phải vâng theo. Uống rượu vào, con quên đi buồn giận. Mẹ lại triệu tập cung nữ ca hát kỹ nhạc trong hai mươi mốt ngày, khiến con dứt hết buồn phiền. Nghĩ như vậy rồi, liền sai trung thần bày rượu và các món ăn ngon triệu tập quần thần trên điện vua. Trung thần bày chén lưu ly, mỗi chén đựng ba thăng. Trước tiên, nhà vua nâng một chén, bảo mỗi người phải nốc cạn ly thuốc bổ cam lồ này, rồi sau sẽ bàn việc nước và thưởng thức kỹ nhạc.

Mọi người được uống rượu và nghe âm nhạc, trong lòng vui vẻ, quên đi oán hận, phấn khởi không còn buồn phiền. Vua lại nâng chén nói với các quan rằng:

– Kẻ sĩ phu này tu đức trải qua nhiều kiếp tôn thờ Thánh giáo không dám sai phạm. Các khanh vì sao nhân việc nhỏ mà tức giận đánh nhau như thế. Nếu không nhường nhịn nhau e rằng mất nước, vì thế ta can gián lần nữa mong rằng các người nên tự chấm dứt. Các quan tâu vua:

– Kính vâng Thánh mệnh, không dám trái nghịch. Đây là nhờ công năng uống rượu nên hoà bình. (Trích kinh Vị Tằng Hữu quyển hạ )

4. CƯU-NA-LA MẤT NHỤC NHÃN, ĐƯỢC TUỆ NHÃN

Phu nhân của vua A-dục tên là Bát-ma-bà-để (đời Lương dịch là

Phù Dung Hoa) hạ sinh một bé trai thân hình đẹp đẽ, đặc biệt là đôi mắt rất sáng đẹp. Mọi người nhìn thấy cậu bé, không ai không yêu thương.

Người hầu tâu vua:

– Phu nhân hạ sinh một bé trai.

Vua rất vui mừng, đặt tên cậu bé là Đạt-ma-bà-đà-na (đời Lương dịch Đạt-ma là Pháp, Bà-đà-na là Tăng Trưởng). Người hầu bế cậu bé đến vua xem. Nhìn thấy cậu bé, vua mừng nói kệ:

Con ta mắt sáng đẹp
Do công đức tạo nên
Ánh mắt thật sáng rỡ
Như hoa Ưu-ba-la
Nhờ mắt công đức này
Khuôn mặt càng đẹp thêm
Mắt, mặt đều xinh xắn
Như trăng rằm đêm thu.

Cưu-na-la lớn lên, vua tuyển chọn quí phi cho Thái-tử. Phi tên Vugià-na-ma-la (đời Lương dịch Vu-già-na là Kim, ma-la là Man Hoa)

Bấy giờ, vua A-dục dẫn Cưu-na-la đến chùa Kê. Trong chùa, có vị A-la-hán thượng toà đã chứng Lục thông tên là Da-xá. Da-xá biết Cưuna-la không bao lâu nữa sẽ bị mất mắt, liền nói với vua:

– Sao Đại vương không bảo Cưu-na-la làm việc của mình?

Vua A-dục bảo Cưu-na-la:

– Đại đức bảo con làm điều gì, con nên nghe lời Đại đức.

Khi ấy, Cưu-na-la đảnh lễ và hỏi Da-xá:

– Đại đức dạy con làm gì?

Da-xá đáp:

– Mắt chẳng phải thường, con nên suy nghĩ.

Rồi Da-xá nói kệ:

Này Cưu-na-la
Thường tư duy mắt
Vô thường, bệnh, khổ
Chứa nhóm khổ đau
Phàm phu điên đảo
Sanh lỗi từ đây.

Bấy giờ, Cưu-na-la ngồi tư duy ở nơi vắng vẻ trong cung: Các nhập như mắt v.v… là khổ, vô thường. Lúc đó, đệ nhất phu nhân của vua A-dục tên Vi-sa-lạc-khởi-đa đến chỗ Cưu-na-la, thấy cậu bé ngồi một mình, do nhìn kỹ vào mắt nên khởi lên dục tâm, lấy tay ôm cậu bé và nói kệ:

Vì sức mạnh lửa ái
Nay đến đốt tâm ta
Thí như lửa thiên củi
Con phải toại lòng ta

Cưu-na-la bịt tai lại, nói kệ:

Nay là mẹ ta
Đâu phải pháp ái
Phải mau xa lìa
Mở cửa ác đạo.

Phu nhân nổi giận, lại nói kệ:

Ta đến vì yêu ngươi
Nhưng ngươi không yêu ta
Mà lại có tâm ghét
Không bao lâu sẽ chết.
Cưu-na-la đáp lại:
Con nay thà chịu chết
Không khởi tâm nhiễm ô
Nếu người khởi tâm xấu
Mất pháp lành Trời người.
Pháp lành đã không vẹn
Nhờ đâu được sống còn.

Vi-sa-lạc-khởi-đa thường rình tìm lỗi của Cưu-na-la và muốn giết cậu ta.

Lúc đó, ở phía Bắc có nước Đức-xoa-thi-la trái nghịch với vua Adục. Vua A-dục bảo Cưu-na-la:

– Con hãy sang nước kia.

– Con xin vâng mệnh.

Vua suy nghĩ: Phải sửa sang đường sá bội phần, không để con ta chứng kiến cảnh già, bệnh, chết v.v…

Bấy giờ, vua và Cưu-na-la cùng cưỡi một xe đi. Đến con đường tắt, hai cha con định chia tay. Vua choàng tay ôm cổ con, nhìn thấy mắt Cưu-na-la, liền khóc lên, nói:

Nếu ai thấy được
Mắt Cưu-na-la
Với tâm hoan hỷ
Mọi bệnh đều lành.
 
Thầy tướng thấy vua chỉ quan sát mắt con mình, không để ý việc khác, bèn nói kệ

Mắt con vua sáng trong
Nhìn vào, vua hoan hỷ
Nhân dân trong cả nước
Thấy mắt đều vui sướng
Nếu mất đi mắt này
Tất cả sẽ sầu khổ.

Thế rồi, Cưu-na-la tuần tự đi đến nước Đức-xoa-thi-la. Người dân nước này nghe Cưu-na-la đã đi được nửa do tuần, liền sửa sang đường sá, chuẩn bị nước khắp nơi để chờ người đến. Khi ấy, dân chúng nói kệ:

Người Đức-xoa-thi-la
Cầm bình báu đầy nước
Và các vật cúng dường.
Tiếp đón Cưu-na-la.

Cưu-na-la đến nơi, người dân chắp tay, thưa:

– Chúng con nghinh tiếp Ngài không phải vì đấu tranh, cũng không vì hai vua hiềm thù nhau, nhưng vua phái đại thần đến nước chúng con để trị bọn vô đạo. Cúi xin Ngài dẹp trừ bọn chúng.

Nói xong, người dân đem các vật cúng dường dâng lên Cưu-na-la và rước vào nước.

Lúc ấy, vua A-dục lâm trọng bệnh. Phân ra bằng đường miệng, các thứ nước bất tịnh tiết ra từ lỗ chân lông. Tất cả thầy thuốc giỏi đều bó tay. Vua liền nói với bề tôi:

– Gọi Cưu-na-la trở về. Ta sẽ làm lễ quán đảnh, trao vương vị cho Thái tử. Ta nay không còn tham tiếc thân mạng.

Bấy giờ, Vi-sa-lạc-khởi-đa tâu vua:

– Thiếp có thể làm cho bệnh bệ hạ được lành hẳn.

Nghe nói vậy, vua ngưng mời các thầy thuốc.

Vi-sa-lạc-khởi-đa nói với các thầy thuốc:

– Nghe bên ngoài có ai bị bệnh giống như vua có thể dắt họ vào.

Bấy giờ, ở nước A-tỳ-la có một người bị bệnh giống hệt như vua.

Vợ của người bệnh đi tìm thầy thuốc. Thầy thuốc đáp:

– Lát nữa, ta muốn gặp ông ấy, sẽ làm thuốc trị bệnh.

Người vợ đưa chồng đến chỗ thầy thuốc. Thầy thuốc đem đến cho phu nhân. Phu nhân dắt người bệnh này để ở chỗ không có người, sai người mổ bụng ông ta, lấy hai tạng sinh, thục. Trong đó, có một con trùng lớn. Nếu trùng bò lên trên, thì phân ra đường miệng, nếu bò xuống dưới, thì phân ra đường dưới; nếu bò sang hai bên thì phân ra từ các lỗ chân lông. Phu nhân lấy Ma-lê-già để bên trùng, nhưng trùng không chết; lấy Tất-bát để bên trùng, nó cũng không chết; lại lấy gừng khô để bên trùng, nó cũng không chết; Đến khi lấy củ tỏi lớn để bên trùng, nó mới chịu chết.

Phu nhân đem việc này tâu lên vua, thưa:

– Nay Bệ hạ nên ăn tỏi, bệnh sẽ lành hẳn.

Vua đáp:

– Ta là dòng Sát-đế-lợi, nên không được ăn tỏi.

Phu nhân lại nói:

– Ăn chỉ vì mạng sống và làm thuốc chữa bệnh thôi.

Vua liền ăn tỏi, trùng chết, bệnh dứt, bài tiết bình thường. Vua tắm gôi xong, nói với phu nhân:

– Nay ái khanh muốn gì, ta sẽ chiều ý.

– Xin Bệ hạ cho phép thiếp làm vua bảy ngày.

– Nếu ái khanh làm vua, tất sẽ giết ta.

– Qua khỏi bảy ngày, thiếp sẽ trả ngôi vua.

Nhà vua chấp thuận.

Phu nhân giả làm vua, viết thư cho người Đức-xoa-thi-la, sai người lấy mắt Cưu-na-la. Thư được viết xong, cần phải đóng dấu hình răng. Khi vua ngủ, phu nhân muốn đóng dấu vào lá thư, liền đến bên vua.

Vua giật mình, phu nhân hỏi vua:

– Vì sao Bệ hạ hốt hoảng?

– Ta mộng thấy chim kên kên muốn lấy mắt Cưu-na-la.

– Cưu-na-la nay rất yên ổn.

Đêm thứ hai cũng nằm mộng, vua kinh hãi thức dậy nói:

– Ta nằm mộng lần nữa.

– Mộng thấy thế nào?

– Ta thấy Cưu-na-la râu, tóc, móng tay đều dài và nhọn, nhưng không nói được.

– Cưu-na-la vẫn an ổn, xin Bệ hạ chớ lo buồn.

Vua nằm ngủ, phu nhân lén lấy con dấu hình răng của Đại vương đóng vào lá thư, rồi sai sứ đưa cho người Đức-xoa-thi-la. Vua lại mộng thấy hai hàm răng mình đều rụng hết. Đến sáng sớm hôm sau, tắm gội xong, vua triệu thầy tướng và kể lại điềm mộng ấy. Thầy tướng tâu:

– Nếu người có điềm mộng này, người con sẽ bị mất mắt, chẳng khác gì mất con.

Nghe thầy tướng nói vậy, vua đứng lên, chắp tay, hướng về thần phương Tây khấn nguyện:

Nay một lòng quy Phật,
Pháp và Tăng thanh tịnh
Các tiên nhân thế gian
Và tất cả Thánh chúng
Bậc tối thắng trong đời
Đều hộ Cưu-na-la.

Sứ giả đem thư đến nước Đức-xoa-thi-la. Người dân thấy thư đến, vì thương Cưu-na-la nên giấu đi, không cho Cưu-na-la xem. Họ lại suy nghĩ: Đại Vương A-dục thật đáng sợ, tâm không kính tin, đối với con mình còn muốn lấy mắt, huống chi đối với chúng ta, không khởi ác tâm sao được. Nghĩ thế xong, họ đưa thư cho Cưu-na-la xem. Sau khi đọc thư, Cưu-na-la nói với mọi người:

– Ai có thể lấy được mắt ta, thí cứ lấy giúp.

Họ liền gọi Chiên-đà-la:

– Ngươi nên móc lấy mắt Cưu-na-la.

Chiên-đà-la chắp tay thưa:

– Tôi không làm được việc này.

Rồi nói kệ:

Người có thể huỷ được
Ánh trăng sáng đêm rằm
Thời có khả năng diệt
Mắt sáng đẹp của Ngài.

Bấy giờ, Cưu-na-la cởi bỏ mũ báu, nói với Chiên-đà-la:

– Ngươi móc mắt ta, ta sẽ cho ngươi mũ báu này.

Lại có một người hình thù rất xấu xí, đáng ghê tởm, nói với Cưuna-la:

– Tôi có thể móc mắt Ngài.

Ngay khi ấy, Cưu-na-la nhớ lời Đại đức Da-xá dạy, liền nói kệ:

Nhớ Thiện tri thức
Nói lời chân thật
Tư duy nghĩa này
Rõ mắt vô thường.
Thiện tri thức ta
Bậc làm lợi ích
Đã từng nói rằng
Mắt nhân duyên khổ.
Ta thường suy gẫm
Tất cả vô thường
Là lời Thầy dạy
Thọ trì khắc ghi.
Ta không sợ khổ
Thấy pháp vô trụ
Nên tuân mệnh vua
Mắt ta, cứ lấy.

Cưu-na-la nói với người xấu xí ấy:

– Ngươi nên lấy một con mắt của ta, rồi đặt trong tay ta. Ta muốn ngắm nhìn nó.

Khi ấy, người xấu xí định lấy mắt Cưu-na-la, vô số dân chúng đều nổi giận, quát mắng, nói kệ:

Mắt trong sáng không uế
Như mặt trăng giữa
Trời Ngươi nay móc mắt ấy
Như nhổ sen trong hồ.

Vô số dân chúng buồn thương, khóc lóc, kêu gào. Người xấu xí này lấy một mắt đặt trong tay Cưu-na-la. Cưu-na-la giơ tay đón lấy, đưa lên mắt nói kệ:

Trước đây ta thấy
Các sắc rõ ràng
Nhưng nay ngược lại
Vì sao chẳng thấy?
Cái thấy trước đây
Do tâm ái sanh
Nay xét không thật
Chỉ là hư dối.
Ví như bọt nước
Chẳng thật, rỗng không
Ngươi không có sức
Nên không tự tại
Nếu biết điều này
Sẽ không khổ não.

Cưu-na-la quán chiếu: Các pháp đều vô thường, đắc quả Tu-đàhoàn. Lại bảo người xấu xí:

– Ngươi lấy luôn mắt kia đi!

Người xấu xí móc mắt đặt vào tay Cưu-na-la. Cưu-na-la mất đi nhục nhãn, nhưng được tuệ nhãn, liền nói kệ:

Ta ngày hôm nay
Bỏ nhục nhãn này
Nhưng được tuệ nhãn
Rất là khó được.
Vua nay bỏ ta
Nào phải con vua
Ta đã đắc pháp
Là con pháp vương.
Từ đây thanh nhàn
Lìa cung điện khổ
Lại lên cung điện
Tự tại pháp vương.

Cưu-na-la biết Vi-sa-lạc-khởi-đa sai người lấy mắt mình, nên nói kệ:

Mong phu nhân vua
Sống lâu hạnh phúc
Thọ mạng dài lâu
Không hề đoạn dứt
Nhờ phương tiện này
Ta được toại nguyện.

Vợ Cưu-na-la vừa nhìn thấy mắt chồng bị mất, liền chết ngất, vẩy nước mới tỉnh, khóc than nói kệ:

Ánh mắt sáng đáng yêu
Xưa nhìn vào hoan hỷ
Nay mắt bị mất rồi
Lòng thiếp rất buồn đau.

Cưu-na-la nói với vợ:

– Nàng chớ than khóc. Nghiệp tự khởi phát, ta phải chịu quả báo này.

Cưu-na-la nói kệ:

Tất cả thế gian
Do nghiệp thọ thân
Thân là gốc khổ
Nàng nên rõ biết.
Tất cả hoà hợp
Đều phải xa lìa
Biết rõ việc này
Đừng nên than khóc.

Cưu-na-la cùng với vợ từ nước Đức-xoa-thi-la trở về chỗ vua Adục. Từ khi sanh ra, hai người chưa hề đi chân đất, thân thể yếu mềm, khong làm được việc gì. Cưu-na-la giỏi đánh đàn cầm, cũng có thể ca hát, thổi sáo. Họ theo đường cũ, xin ăn nuôi sống, dần dần về đến nước. Họ muốn vào cửa cung, nhưng người giữ cửa không cho. Do không được vào, họ trở ra ở nơi chuồng ngựa. Đến tối hôm sau, Cưu-na-la vừa đàn vừa hát: “Tuy ta mất mắt, nhưng thấy Tứ đế ”, rồi nói kệ:

Nếu người có trí tuệ
Thấy được mười hai nhập
Nhờ đèn trí tuệ này
Thoát khỏi khổ tử sanh
Nếu muốn cầu pháp lạc
Nên tư duy như thế.

Nghe tiếng ca, vua rất vui mừng, liền nói kệ:

Được nghe bài kệ
Và tiếng đàn cầm
Tợ như con ta
Tiếng Cưu-na-la
Nếu con đã về
Sao không chịu gặp.

Vua bảo cận thần:

– Ta nghe Âm thanh tợ tiếng Cưu-na-la, trong trẻo, buồn thương khiến tâm ta lo lắng, như voi mất con bồi hồi không yên. Ngươi hãy đến đó xem, nếu đúng con ta thì đưa về đây. Người sứ đến thấy hai mắt không còn, áo quần rách nát, không nhận ra được, trở về tâu vua:

– Đó là kẻ mù cô độc, cả hai vợ chồng đang ở nơi chuồng ngựa.

Nghe vậy, vua buồn bã ưu tư, nói kệ:

Như điềm mộng trước đây
Cưu-na la mất mắt
Nay kẻ mù loà này
Cưu-na-la quyết chắc.
Ngươi đến lại chỗ kia
Cứ dắt người ấy về
Vì nhớ nghĩ đến con
Tâm ta không an ổn.

Vâng mệnh vua, người sứ trở lại chỗ kia, hỏi Cưu-na-la:

– Ngươi là ai? Tên họ là gì?

Cưu-na-la đáp kệ:

Cha tên A-du-kha
Khổng tước họ Tăng Trưởng
Cả vùng rộng lớn này
Đều do ông cai trị
Ta chính con vua ấy
Tên là Cưu-na-la
Ngày trước thọ Pháp Phật
Nay là con Pháp vương.

Người sứ đưa vợ chồng Cưu-na-la về cung. Vua nhìn thấy Cưu-nala vẻ ngoài trần tục, lấy cỏ dại dẻ rách làm áo quần, hình mạo đổi khác, không thể nhận ra. Vua nghi ngờ, hỏi:

– Ngươi có phải là Cưu-na-la không?

– Thưa vâng.

Vua chết ngất, ngã xuống đất. Người xung quanh thấy vậy, liền nói kệ:

Vua thấy Cưu-na-la
Đã mất đi đôi mắt
Đau đớn, tự giày vò
Ngất đi trong giây lát.

Họ vẩy nước, nhà vua tỉnh lại, đi đến ghế ngồi, đặt Cưu-na-la trên đầu gối, ôm cổ khóc lóc thảm thương. Vua lấy tay vuốt đầu mặt con, nhớ lại hình mạo con mình xưa kia, rồi nói kệ:

Mắt con sáng đẹp
Nhân duyên vì sao
Nay không còn nữa
Hãy nói ta nghe,
Con nay không mắt
Như Trời không trăng
Hình dung đổi khác
Ai gây họa này?
Dung mạo ngày trước
Giống như tiên nhân
Kẻ nào tâm độc
Hại mắt của con.
Trên thế gian này
Ai là cừu địch
Gây nên họa kia
Khiến ta đau khổ.
Thân con xinh đẹp
Ai đã phá đi
Lửa tâm sầu não
Thiêu đốt thân ta.
Thi như sét đánh
Xô ngã cây cối
Sấm chớp sầu não
Phá hủy tâm ta.
Nhân duyên thế nào
Con hãy nói mau.

Lúc đó, Cưu-na-la đáp kệ:

Vua không nghe Phật răn
Quả báo không thể tránh
Cho đến Bích chi Phật
Cũng không thể thoát khỏi.
Tất cả các phàm phu
Đều do nghiệp tạo nên
Nhân duyên nghiệp thiện, ác
Thời đến phải lãnh thọ.
Tất cả các chúng sanh
Tự gây tự thọ báo
Vì con biết điều này
Không nói người hại mắt.
Khổ này tự con gây
Không do ai tạo nên
Như nhân duyên mắt này
Không phải do người khác
Tất cả khổ chúng sanh
Thảy đều là như vậy
Do nghiệp lực gây ra
Vua nên biết điều ấy.

Vua lại nói kệ:

Con cứ nói ngươi kia
Ta không khởi tâm giận
Nếu con không nói ra
Tâm ta động, chẳng an.

Khi biết Vi-sa-lạc-khởi-đa gây nên họa này, vua cho gọi Vi-salạc-khởi-đa và nói kệ:

Ngươi nay là đại ác
Sao không chui xuống đất
Ngươi đã làm trái phép
Có lỗi lớn với ta.
Ngươi nay đã là ác
Từ nay, ta bỏ ngươi
Cũng như người làm lành
Xả bỏ điều bất thiện.

Nhìn thấy Vi-sa-lạc-khởi-đa, vua nổi giận, lại nói kệ:

Hôm nay ta muốn
Móc lấy mắt ngươi
Lại dùng cưa sắt
Cưa đứt thân ngươi
Dùng búa đập nát
Rồi dùng cả dao
Cắt lưỡi và cổ
Lấy lửa đốt thân
Bắt uống thuốc độc
Để ngươi phải chết.

Nghe vua nói những việc như thế để trị tội của Vi-sa-lạc-khởi-đa, Cưu-na-la động lòng thương cảm, lại nói kệ: Vi-sa-lạc-khởi-đa

Lỡ tạo các ác nghiệp
Đại vương ngày hôm nay
Không nên giết bà ấy.
Như lời Thế tôn dạy
Trong tất cả sức mạnh
Nhẫn nhục là bậc nhất
Không pháp nào vượt qua.

Nhà vua không chịu nghe con nói, đưa Vi-sa-lạc-khởi-đa vào phòng, rồi lấy lửa đốt, lại sai người giết người Đức-xoa-thi-la. Bấy giờ, Tỳ-kheo nghi ngờ, hỏi Đại-đức Ưu-ba-cấp-đa:

– Cưu-na-la trước đây tạo nghiệp gì mà nay phải chịu quả báo như thế?

Ưu-ba-cấp-đa đáp:

– Thuở xưa, ở nước Ba-la-nại có một người thợ săn vào núi Tuyết giết chết rất nhiều nai. Có lần, ông ta đến núi Tuyết, gặp lúc Trời nổi sấm sét. Có năm trăm con nai vì sợ hãi nên núp vào hang đá. Nhân đó, thợ săn bắt được cả bầy. Ông ta suy nghĩ: Nếu giết chết một lượt, thịt sẽ thối rữa. Không biết phải làm sao, ông liền móc lấy hai mắt, khiến chúng khỏi chết mà cũng không biết đi đâu, sau đó giết lần. Thợ săn thuở ấy chính là Cưu-na-la, trải qua vô số năm, thường ở địa ngục. Mãn số địa ngục, ông ta được sanh làm người, trong năm trăm đời, thường bị móc mắt. Nay là quả báo cuối cùng.

Tỳ-kheo lại hỏi:

– Do nhân duyên gì, Cưu-na-la được sanh vào dòng họ cao quý và có cặp mắt sáng đẹp?

Ưu-ba-cấp-đa đáp:

– Từ thuở xa xưa, khi tuổi thọ con người là bốn ngàn tuổi, có Đức Phật hiệu là Ca-la-cưu-thôn-đại xuất hiện ở đời nhập Vô dư Niết-bàn. Khi ấy, có vị vua tên Du-phả (đời Lương dịch là Nghiêm) xây tháp bằng bốn thứ báu để tôn thờ Ngài. Sau khi vua băng hà, người em không tin Phật, nên đào lên, lấy vật báu dưới tháp, chỉ còn lại cỏ cây đất đá. Thấy tháp bị hủy hoại, mọi người đều sầu não khóc than. Có trưởng giả thấy vậy, hỏi: “Vì việc gì các vị sầu não đến thế? Họ trả lời: “Tháp của Đức Thế tôn vốn có bốn thứ báu, bây giờ đã bị phá hoại.” Trưởng giả liền lấy bốn thứ báu trang nghiêm như trước, còn làm cho cao rộng, đẹp đẽ hơn xưa.

Trưởng giả lại tạc tượng vàng tôn trí bên trong tháp. Việc làm thành tựu, ông ấy phát nguyện: Phật Ca-la-cưu-thôn-đại vốn là bậc Thầy của thế gian. Con nguyện sau này thờ Thầy cũng như ngày nay.

Tỳ-kheo nên biết: Trưởng giả thuở ấy chính là Cưu-na-la, nhờ sửa sang tháp của Phật Ca-la-cưu-thôn-đại nên được sanh vào dòng họ cao quý, nhờ tạc tượng Phật nên nay được thân trang nghiêm bậc nhất, nhờ phát nguyện gặp minh sư nên nay gặp Thích Ca và thấy pháp Tứ đế.

(Trích kinh A-dục Vương quyển 4)

5. CÁC THÁI TỬ GẶP PHẬT ĐỀU ĐƯỢC NGỘ ĐẠO

Thuở Đức Phật ở vườn Lộc Dã nước Ba-la-nại, thuyết pháp cho đại chúng. Khi ấy, thái tử con vua một nước lớn dẫn theo hơn năm trăm thế tử con vua các nước nhỏ, đi đến chỗ Phật, làm lễ rồi ngồi qua một bên, nghe Phật thuyết pháp. Các thái tử bạch Phật:

– Phật đạo thanh tịnh vi diệu cao xa khó lường. Từ xưa đến nay, có quốc vương, thái tử, đại thần, trưởng giả nào lại bỏ nước, quân dân, ân ái, vinh hoa để làm Sa-môn không?

Đức Phật bảo:

– Phải biết: Đất nước, vinh hoa, ân ái ở thế gian này đều huyễn hóa như mộng, như tiếng vang, cuối cùng cũng chết, không thể còn mãi được.

Đức Phật lại bảo:

– Quốc vương, thái tử do ba việc mà không thể đắc đạo. Một là kiêu ngạo buông lung, không nghĩ đến việc học hỏi diệu nghĩa kinh Phật để bồi dưỡng tinh thần. Hai là tham đắm, không nghĩ đến bố thí cho kẻ nghèo cùng, khốn khổ. Các quan, tướng sĩ có của cải mà không chịu hùn vốn làm ăn với dân chúng. Ba là không thể xa lìa các việc dâm dục, ân ái, xả bỏ các sự khổ não trong lao ngục, ưu phiền mà hành pháp Sa-môn, diệt trừ các khổ nạn để tu thân. Vì thế, hễ Bồ-tát sanh ra làm vua nơi nào đều từ bỏ ba việc này, tự thành Phật quả.

Lại có ba việc: Một là trẻ tuổi biết học tập việc cai trị quốc gia, khuyến khích dân chúng thực hành mười điều lành. Hai là đem của cải bố thí cho kẻ nghèo cùng, trẻ mồ côi, người góa bụa, làm cho quần thần, tráng sĩ, nhân dân đều vui vẻ. Ba thường nghĩ là sinh mạng vô thường, không lâu dài nên phải xuất gia làm Sa-môn, đoạn trừ nhân duyên các khổ, không còn sanh tử. Ba việc này nếu không thực hành thì chết chẳng được gì.

Đức Phật dạy:

– Xưa kia, ta làm Chuyển luân Thánh Vương hiệu là Nam Vương Hoàng đế, có đủ bảy báu. Ta tự nghĩ: Mạng người ngắn ngủi, vô thường khó giữ, phải lo làm phước để cầu Thánh đạo. Ta nghĩ phải luôn bố thí, bao nhiêu tài vật của nhân dân trên thế gian này đều ban cho dân để gieo trồng phước đức, chỉ có xuất gia làm Sa-môn, dứt hẳn tham dục mới diệt hết khổ.

Một hôm, người hầu chải đầu cho Thánh vương, nhổ tóc bạc để trên bàn. Vua khóc than:

– Sứ giả thứ nhất chợt nhiên lại đến. Ta phải xuất gia làm Sa-môn, cầu đạo Vô vi, đưa nắm tóc trong tay lên, tự nói bài kệ:

Nay trên đầu của ta
Tóc bạc phủ trắng rồi.
Đã có thiên sứ gọi,
Đúng thời phải xuất gia.

Thánh vương xuất gia làm Sa-môn, vào núi tu đạo, hết tuổi thọ sanh lên cõi Trời thứ hai, làm thái tử của Thiên Đế thích. Về sau, Thái tử cai trị thiên hạ cũng như Đại vương. Lại thấy tóc mình bạc, Thái tử xuất gia làm Sa-môn. Hết làm cha, lại làm con, hoặc làm Thiên Đế thích, hoặc làm Thánh vương, hoặc làm Thái tử, liên tiếp 36 lần, xoay vòng như vậy tới mấy mươi triệu năm. Vua thực hành mãi ba việc này, mới được thành Phật.

Người cha thuở ấy chính là thân ta. Thái tử là Xá-lợi-phất, cháu của vua là A-nan, cả ba thay nhau làm vua để giáo hóa mọi người.

Khi ấy, quốc vương, thái tử và nhân dân đều vui mừng, thọ năm giới là Ưu-bà-tắc, đắc quả Tu-đà-hoàn.

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển )

6. THÁI TỬ TỐI THẮNG GIEO TRỒNG PHƯỚC ĐỨC KIÊN CỐ

Xưa, vua Ti-tiên-nặc có hai phu nhân. Con của phu nhân thứ nhất tên là Lưu-ly. Con của phu nhân thứ hai tên là Kỳ (Đời Lương dịch là Tối Thắng). Ngày Kỳ mới sanh, các nước bốn phương đều đến dâng ngọc báu.

Nhà vua bảo:

– Các con của ta sanh ra chưa từng được như thế, nên đặt tên là Kỳ.

Lớn lên, Kỳ thông thạo tất cả. Vua cho xây cung điện riêng bằng bảy báu, vàng bạc, nam nữ đứng hai bên cửa, tay cầm bát quý đựng đầy bảy báu, hễ lấy bớt đi vẫn đầy lại như cũ.

Thái tử Lưu-ly ganh ghét, điều binh đến chiếm đoạt. Khi ấy, có hơn năm trăm kỵ binh Chư thiên hộ vệ nhà của Kỳ. Quân của Lưu-ly thấy thế sợ hãi, bỏ chạy trở về. Thái tử nổi giận, đến hỏi Kỳ:

– Ban đêm, ta sai binh đến bảo vệ ngươi, ngươi phục binh bên trong muốn làm phản ư?

Kỳ thưa:

– Không dám, không hề chứa quan binh văn võ, trong nhà không có gậy gộc gì.

Lưu-ly sai người kiểm tra, trong ngoài đều không có. Lưu-ly mới thôi, đem việc này bạch Phật.

Phật bảo:

– Kỳ gieo nhân phước đức kiên cố,vì thế không ai có thể chiếm đoạt.

Vào thời Phật Duy-vệ, có người đến chùa cúng dường chư Tăng xong, cho một tôi trai, tớ gái quét dọn sạch sẽ. Từ đó về sau, dù sanh trong loài người hay trên cõi Trời, người ấy luôn được phước vô lượng, tức là Tối Thắng vậy.

(Trích kinh Thí Dụ quyển 1)