KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 34

 

1. CHỌN PHẬT LÀM PHÒ MÃ

Phu nhân quốc vương Ba-la-nại sanh được một nàng công chúa thân màu vàng kim, tóc xanh biếc. Năm lên mười sáu tuổi, cha mẹ thấy con đã khôn lớn, muốn kén phò mã cho con, nhưng công chúa thưa:

Thưa cha mẹ, con chưa muốn lấy chồng, nếu cha mẹ chọn thì người ấy phải có thân hình giống con, con mới chịu.

Nghe vậy, song thân cho người tìm kiếm khắp nơi nhưng tìm hoài vẫn không thấy người xứng ý với công chúa.

Lúc ấy có một thương buôn nước Xá-vệ đến nước Ba-la-nại buôn bán. Vua nước Ba-la-nại mời ông vào thăm hỏi, trò chuyện và thuật lại ý muốn của con gái mình, có ý nhờ ông tìm giúp.

Thương nhân tâu:

– Trong nước thần có một người gọi là Phật đẹp hơn cả công chúa nhà vua.

Nghe vậy, vua rất vui, bảo thương buôn đến đón Phật.

Thương buôn liền viết một bức thư giử đến Phật. nội dung bức thư nói về công chúa của quốc vương Ba-la-nại nhan sắc tuyệt trần, muốn chọn Phật làm phò mã.

Phật đang thuyết pháp cho mấy ngàn Tỳ-kheo ở Tinh xá Kỳ-hoàn thì người đưa thư đến trao bức thư tận tay Phật.

Biết trước những lời lẽ trong thư nên đức Phật xé nát đi và viết một bức thư trả lời cho cô gái với nội dung:

“Con người sanh ra rồi sẽ già, khi tuổi già phải đau bệnh, từ bệnh dẫn đến chết, rồi sầu bi khổ não sẽ kéo theo sau. gốc của đau khổ là ân ái”.

Công chúa nhận được bức thư liền đọc, tư duy, đắc ngũ thông: mắt thường thấy thấu suốt, tai nghe thông suốt, biết được ý niệm người khác, biết được chỗ sanh về, bay đi tự tại. Lúc đó cô liền đến xin phép cha mẹ rồi bay đến chỗ Phật.

Thấy cô, Phật mỉm cười, từ miệng Phật phóng ra một luồng ánh sáng năm sắc. Thấy vậy, A-nan hỏi Phật. Phật bảo:

A-nan! Ngươi thấy người nữ này xinh đẹp như thế nên muốn biết nguyên do phải không?

– Vào thời Phật Ca-diếp, cô gái sắc vàng này đã làm vợ một người nghèo, tay chân co quắp không thể đi đứng được. Lúc ấy có một vị vua tên Cơ Lập có một cô công chúa dung nhan xinh đẹp, đeo vòng vàng anh lạc đến chỗ Phật Ca-diếp để thọ giới. Người thiếu phụ nghèo này khoác một tấm vải thô cũng đén chỗ Phật nhưng người gác cổng không cho cô vào trước. Cô suy nghĩ:

Cớ gì công chúa được vào trước còn ta thì không!

Phật biết được tâm niệm cô nên cho người gọi cô vào trước.

Thiếu phụ nghèo đảnh lễ Phật, hỏi:

– Vì sao công chúa này giàu sang như thế còn con thì bần cùng nghèo khổ như vầy?

Phật trả lời:

– Vì công chúa này đời trước thích tụng kinh và cúng dường y phục cho các vị Sa-môn nên ngày nay được xinh đẹp và giàu sang, còn ngươi đời trước không thích kinh pháp lại tham lam bỏn xẻn nên ngày nay phải chịu nghèo khổ khốn cùng như thế.

Thiếu phụ nghèo ấy thưa:

– Con ngu si, xin Phật chỉ dạy kinh pháp cho con.

Phật Ca-diếp liền dạy kinh cho cô ta.

Được nghe kinh pháp, thiếu phụ nghèo ấy liền ngồi dưới gốc cây đọc kinh, tư duy rồi nhặt những lá cây bệnh thành áo để che thân mình và đem tấm chăn đang khoác trên mình cúng dường cho Phật. lúc ấy, Trời Đế thích thấy được lòng chí thành của cô nên đem thiên y, vàng bạc và thức ăn đến cho cô.

Được y phục và thức ăn, thiếu phụ nghèo ấy lại đem cúng dường cho Phật. đến lúc mạng chung được sanh lên cõi Trời, khi hết phước sanh xuống nhân gian làm con gái vua, vẫn thích tụng kinh và bố thí, cho nên thân có màu vàng kim và tóc xanh biếc.

(Trích kinh Kim Sắc Nữ)

2. GẶP PHẬT ĐƯỢC TĂNG PHƯỚC

Phu nhân của vua Ba-tư-nặc nước Xá-vệ tên Mạt-lợi sanh được một nàng công chúa tên Ba xà la (đời lương gọi là Kim Cang), mặt mũi xấu xí, thân thể thô kệch, da như da lạc đà, tóc như lông ngựa. Thấy con như vậy, nhà vua rất buồn, ra lệnh giam giữ nàng trong cung và cho người chăm sóc nàng chu đáo, không để bất cứ một ai nhìn thấy.

Công chúa lớn dần theo năm tháng, nhà vua ra lệnh cho quần thần tìm một người nghèo để định liệu tương lai cho công chúa.

Quần thần vâng lệnh, tìm được một kẻ sĩ nghèo đem đến trình vua. Vua bảo:

– Công chúa con trẫm, xấu ma chê quỷ hờn, nếu khanh bằng lòng thì trẫm sẽ cho không khanh.

Chàng trai quỳ thưa:

– Thần xin vâng theo sắc lệnh của bệ hạ.

Được chàng trai nhận lời, nhà vua cho xây một cung điện có bảy lớp cửa và dặn chàng mỗi khi ra ngoài thì phải đóng cửa cài then cho thật chặc kẻo người ngoài trông thấy diện mạo kỳ quái của nàng. Vua còn cung cấp cho chàng rất nhiều của báu và phong cho chàng một chức quan to.

Có nhiều tiền của, tháng nào chàng cũng tập hợp những nhà giàu sang, mở hội ăn uống. Những gia đình khác thì có đôi có cặp, chỉ riêng quan đại thần là đi một mình.

Thấy lạ, mọi người nghi ngờ và bàn tán:

– Phu nhân của vị quan này có thể là đẹp vô song nhưng cũng có thể là xấu ma chê quỷ hờn, cho nên ông không dắt theo. Rồi họ thì thầm với nhau: chúng ta phục rượu cho quan say mèm, sau đó lén lấy chìa khoá chạy về nhà xem vợ ông thế nào.

Trong lúc đó cô vợ ở nhà đang buồn rầu, tự trách mình:

– Ta có tội tình gì mà bị chồng ghét, nhốt hoài trong gian nhà này, chẳng được gặp một ai. Trách rồi lại nghĩ:” Phật còn ở cõi đời, thường cứu tất cả khổ ách cho chúng sanh”.

Nghĩ rồi bà chí thành, từ xa đảnh lễ Phật, xin Phật rũ lòng thương xót, tạm đến trước con để ban lời giáo huấn.

Biết được lòng khẩn thiết chí thành, Phật từ dưới đất hiện lên đến chỗ phu nhân, phu nhân rất đỗi vui mừng, tướng xấu tiêu mất, thân thể trở nên đẹp đẽ đoan trang giống như tiên nữ, không ai sánh bằng. Phật thương xót thuyết pháp vi diệu cho bà nghe. Nghe xong, nghiệp ác tiêu trừ, bà liền đắc quả Tu-đà-hoàn.

Năm người bạn của chồng bà mở cửa bước vào, thấy vợ bạn mình đẹp đẽ vô song thì rất ngạc nhiên, nghĩ: “ vợ đẹp như thế, tại sao không dắt theo”? Thế rồi họ trở ra, khoá cửa,trở về để lại chìa khoá trong túi chủ nhân.

Khi tỉnh rượu, vị quan trở về nhà thấy vợ mình nhan sắc tuyệt đẹp, trong đời ít ai sánh bằng thì vừa vui mừng, vừa ngạc nhiên, hỏi:

– Cô là ai?

– Thiếp là vợ chàng.

– Sao hôm nay nàng đẹp quá vậy?

Người vợ thuật lại sự tình.

Nghe xong, quan liền vào cung tâu lên vua:

– Nhờ ân đức của Phật, vợ con hôm nay đẹp đẽ đoan trang y như tiên nữ vậy.

Nghe được tin này, vua rất vui mừng đón cô vào cung rồi cả bốn (vua, Hoàng hậu và hai vợ chồng công chúa) đến đảnh lễ Phật thưa:

– Bạch Thế tôn! Không rõ con gái con đời trước toạ phước đức gì mà nay được sanh vào gia đình giàu sang nhưng thân hình lại quá xấu xí?

Phật trả lời:

– Thưở xưa ở nước tên Ba-la-nại có một vị trưởng giả giàu có vô song, cả gia đìng ông luôn cúng dường một vị Bích chi PHẬT Bích chi Phật ấy thân thể thô kệch, hôi hám. Thấy vậy, đứa con gái út của trưởng giả sanh tâm khinh thường, mắng: Mặt mày xấu xí, da như da lừa, ai mà thương cho nỗi.

Vị Bích chi Phật nhận vật cúng dường của gia đình ấy, lúc sắp Niết-bàn, Ngài hiện mười tám món thần biến: bay lên không trung hiện các món thần biến rồi trở vào nhà trưởng giả.

Thấy vậy, trưởng giả vui mừng gấp bội, đứa con gái út hối lỗi đến trước tôn giả xin sám hối. Vị Bích chi Phật đồng ý cho cô bé sám hối.

Phật bảo:

– Cô bé ấy nay là công chúa, vì hủy nhục vị Hiền Thánh này nên hôm nay thân hình xấu xí, về sau thấy thần biến nên được thân hình đoan chánh đẹp đẽ. Do phước cúng dường Phật nên đời đời sanh vào nhà giàu sang và sẽ được giải thoát.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 2)

3. CÔNG ĐỨC CÚNG DƯỜNG

Phật đến nhà Ca la việt khất thực, khi vừa đến nơi thì chủ nhà mở cửa nghinh đón Phật và cả phái đoàn, rồi sau đó dâng cúng thực phẩm cho tất cả.em ông ta thấy vậy tỏ vẻ không thích, can ngăn không cho mọi ngưới, bảo: nếu làm theo ý mình thì các Tỳ-kheo đến đây tôi sẽ chặt chân các ông.

Hai anh em mỗi người đi một hướng nhưng họ đều đến một gốc cây nằm nghỉ. Người vì có tâm ác nên bị một con trâu đến húc gãy chân, còn người anh vì tâm thiện nên mặt Trời nghiêng về phương tây, bóng cây ngã xuống che mát cả người.

Lúc ấy, chàng rễ của vua Ba-tư-nặc chết, nhà vua rất đau lòng, bảo các Bà-la-môn tìm một người phước đức để gả công chúa cho.

Các Bà-la-môn vâng lệnh ra đi, thấy một người nằm dưới gốc cây, mặt Trời ngã về Tây mà bóng cây vẫn che mát anh ta nên mừng rỡ, nói:

Đây là người phước đức. Họ liền về tâu lên vua.

Vua hỏi:

– Sao các khanh biết?

Các Bà-la-môn trình bày lại sự việc.

Vua bảo họ đến gọi chàng trai ấy dậy, tắm rửa sạch sẽ, mặy y phục thật đẹp rồi gả công chúa cho.

(Trích kinh Thí Dụ bộ mười quyển, quyển 4)

4. TÂM THIỆN ĐƯỢC PHƯỚC

Thuở xưa có các bạch y ở ngoại thành Đầu-ca-la, hàng năm thường thỉnh Sa-môn về nhà cúng dường. Sa-môn là bậc A-la-hán, lúc ăn cơm có một con chó đến ngồi bên cạnh, Ngài trích một phần ăn của mình cho chó ăn.

Chú chó được ăn cơm nên sanh lòng nên sanh lòng ưa mến, ngày nào cũng đợi Sa-môn đến. Đến giờ thọ trai, chú chó cứ nhìn Sa-môn, Ngài lại trích một phần cơm của mình cho chó ăn nên chú chó rất thích gần gũi thầt. Ngày nào cũng vậy cho đến lúc nó chết.

Chết rồi, chú chó tái sanh làm con gái vua nước An Tức. Mới sanh ra, cô bé đã biết: kiếp xưa mình vốn là chó, bỏ thân chó được sanh làm con gái nhà vua.

Trong nước không có chùa thờ Phật, cũng không có Sa-môn, lúc ấy vua nước Nhục Chí ai sứ đến nước An Tức. Thấy sứ giả hiền minhnên vua muốn gả con gái mình cho.

Sứ giả bằng lòng và dẫn công chúa đi. Trên đường về nước, công chúa gặp một thầy Sa-môn, lòng rất vui mừng, nhớ lại trước kia mình làm thân chó, được vị Sa-môn này hằng ngày thường cho cơm ăn và chú chó ấy cũng thường quấn quýt bên Sa-môn. Nay được làm thân người, ta phải cúng dường thật nhiều cho các thầy Sa-môn.

Lúc đó, trong nước Nhục Chi có rất nhiều Sa-môn, người vợ của sứ giả này ngày nào ngày nào cũng đích thân dâng cúng thức ăn cho ba trăm năm mươi vị Sa-môn mà không nhờ một ai khác. khi chư vị Samôn ăn xong, tự tay bà dọn dẹp chỗ các vị ngồi ăn.. thấy lạ, các nô bộc, tỳ nữ trong nhà đều thưa:

– Phu nhân vốn là một công chúa mà đến nơi này thường quét dọn cúng dường chư vị Sa-môn, bọn chúng tôi rất ái ngại.

Thế là bọn chúng giấu chổi. Đến lúc định quét nhà mà chẳng ai tìm ra chổi, phu nhân liền cởi chiếc khoác đang mặc quấn vào một thẻ tre, làm chổi quét.

Thấy vậy, chồng cô cau có:

– Tuy nàng cung kính Phật pháp nhưng việc gì phải lấy áo mới làm chổi? Lấy chổi mà quét.

– Thiếp chỉ dùng tấm lòng tốt dâng cúng chư vị Sa-môn, hai năm nay thiếp đã mặc chiếc áo này rồi, hôm nay lấy nó làm chổi quét, có gì mà chàng phải khó chịu chứ! Bởi vì kiếp trước thiếp không có cúng dường, chỉ có thiện tâm tin Phật pháp mà được phước này. Vả lại, chiếc áo này có được cũng chẳng phải do cực khổ làm lụng.

– Tuy nàng tin Phật pháp, cúng dường Sa-môn nhưng ta chưa từng thấy chư vị Sa-môn cho nàng một đồng bạc nào cả. Chiếc áo là tất cả công sức của ta.

Nghe vậy, cô liền kể túc mạng của mình cho chồng nghe:

– Kiếp trước thiếp là một con chó, lúc đó trong làng mọi người thỉnh nhiều vị Sa-môn về nhà thọ trai, có một vị trích phần cơm của mình cho con chó đó ăn, nên nó rất thích gần gũi vị thầy ấy. Khi chết, con chó đó được sanh làm con gái nhà vua.

Nghe xong, chồng cô rất vui, bảo:

– Nàng chỉ đem một tấm lòng tốt đến với vị Sa-môn mà được phước đức nhiều như vậy.

Trước kia, ông ta là người keo kiệt nhưng nay nghe vợ kể như thế thì rất thích cúng dường và cúng không tiếc món gì. Ông còn tinh chuyên giữ giới, tạo chùa thờ Phật. ông nghĩ:

– Chỉ dùng thiện tâm thôi mà được công đức như thế.

Vợ ông bảo, thiện tâm có thể chuyển người thành Phật, hoặc được sanh lên cõi Trời, đắc quả A-la-hán, quả Bích chi Phật. còn tâm niệm ác sẽ đoạ vào địa ngục.

(Trích kinh Minh Cẩu Mạng Chung Tác Quốc Vương Nữ Tự Thức Túc Mạng, lại trích kinh Phước Báo)

5. BẢY NÀNG CÔNG CHÚA VÂNG GIỮ GIỚI PHÁP

Đạo tràng nước Ba-la-nại, từ dưới đất lên trên toàn là vàng ròng, thế nên vãy của những con vật như cá, rùa, ba ba lần lượt to, cứng lên, chư Phật thuở xưa đã từng ngồi lên đó. Vua nước này tên Chi tuần ni, vốn là một vị Ưu bà tắc, thông suốt kinh điển, ông xây một ngôi chùa rất đẹp cúng dường Phật.

Vua có bảy cô công chúa, dung mạo rất xinh đẹp và đều vâng giữ năm giới, không chịu lấy chồng. Cô con gái lớn tên Thục Điều, cô thứ hai tên Dị Diệu, cô thứ ba tên Trừ Tham, cô thứ tư tên Thanh Thủ, cô thứ năm tên Tức Tâm, cô thứ sáu tên Tịnh Hữu và nàng út tên là Tăng Kỳ. Đến ngày mùng tám, mười bốn, rằm, hăm ba, hăm chín và ba mươi, cả bảy cô đều vâng giữ tám giới, hành các pháp bố thí, thiền dịnh và trí tuệ.

Một hôm, sau ngày trai giới, bảy cô xin vua cha ra bãi tha ma ở ngoại thành để dạo chơi.

Vua bảo:

– Nơi dó ghê tởm lắm, chỉ có thây ma, những xương cốt lăn lóc ngỗng ngang, những loại hồ li, chim xí, Cưu bu đến ăn xác người và người sống gào khóc kêu la đầy trong đó, có gì đáng xem. Ơ trong cung ta có vườn thượng uyển, có ao tắm, trong ao có hoa sen năm màu, trong vườn có các loài chim quý như giao thanh, uyên, quyết bay luợng trong đó. Các con nên đến một nơi có cây cối tươi mát, quả mòng thơm ngon, mặt đất phủ thảm cỏ xanh mượt với nhiều màu hoa sặc sở để vui chơi.

Bảy công chúa đều thưa:

– Thưa phụ hoàng, những quả mộng ngon và cây đẹp có lợi ích gì cho chúng con? Chúng con thấy đời người chẳng được bao lâu, một ngày kia cũng phải chết. Chúng con vì muốn thoát khỏi ràng buộc của chồng con nên không ham thích cảnh sắc tươi đẹp, quả mộng thơm ngon. Chúng con muốn quán pháp vô thường, trừ bỏ lòng tham, xin phụ hoàng thương xót cho chúng con đi.

– Được, cha bằng lòng.

Được vua cha cho phép, bảy công chúa dẫn nhau ra khỏi thành, đến bải tha ma, nơi có mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. vừa nghe tiếng người gào khóc, cả bảy cong chúa đều rợn người, dợn tóc gáy, nhưng vẫn đi thẳng về phía trước, quan sát các xác chết: có xác đầu một nơi, tay chân một ngã hoặc có những xác chết đã khô cỏ phủ xanh rì, hoặc có một nơi dành cho tội nhân, trong những thi thể bị cột bằng cỏ tươi, có tội nhân chưa chết, gia đình họ gào khóc van xin cho được tha tội. Lại có người vác tử thi từ trong thành đi ra. Bảy công chúa nhìn khắp mội nơi còn thấy rất nhiều xác chết, các loài chim bay thú chày tranh nhau đến ăn thịt. Hoặc có loài thú kéo tử thi từ dưói đất lên, tử thi ấy đã trương sình, trùng bò rút rỉa bên trong hôi thối không thể đển gần. Thế rồi bảy cô đi nhiểu quanh các thay ma một vòng rồi bảo nhau, không bao lâu nữa thân thể chúng ta cũng như vậy.

Thục Điều nói:

Người đời quý thân thể
Mặc áo đẹp hương báu
Se sua thân thật đẹp
Vì muốn người ngắm xem.
Chết bỏ thân ngoài mộ
Trang sức có ích gì.

Dị Diệu tiếp:

Ví thân như nhà ở
Người đi nhà hư hoại
Thần thức rời khỏi thân
Ai giữ thân không hoại
Ngu gì chổ đáng giữ
Đâu biết rồi sẽ mất.

Trừ Tham nói:

Khi thần thức gá thân
Như ngựa kéo xe đi
Xe hư, ngựa bỏ đi
Mới biết ấy vô thường.

Thanh Thủ bảo:

Đã thấy thành hoàn hảo
Người người thích an nhàn
Sở cầu chưa toại nguyện
Sao bổng thành trống không.

Tức Tâm tiếp:

Nếu nương thuyền qua sông
Đến bờ nên bỏ thuyền
Thân vô thường biến đổi
Thức đâu thể nương hoài.

Tịnh Hữu nói:

Thây chết nơi mộ hoang
Thân hình còn tươi tắn
Cứng đờ không nhúc nhích
Thần thức trụ nơi nào?

Tăng Kỳ tiếp:

Như chim sẽ trong bình
Miệmg bình lại phủ lưới
Lưới thủng chim bay đi
Thần thức cũng như thế.

Nghe được những bài kệ đó, Đế thích xuống khen rằng:

– Hay lắm! Hay lắm! Các cô có mong ước điều gì, ta sẽ đáp ứng điều ấy.

Bảy cô cùng hỏi:

– Ngài là Phạm thiên, Địa thần hay là Đế thích?

– Ta chính là Đế thích ở cõi Trời Đao Lợi.

Thục Điều thưa:

– Tôi muốn sanh ra từ một cây không có rễ, không có cành lá. Như thế là vui.

Dị Diệu ước:

– Tôi muốn sanh ra từ đất. Vì đất thanh tịnh không do lòng tham dục, không có nam nữ, vắng bặc các nhân duyên.

Trừ Tham nói:

– Tôi muốn như âm vang trong núi. Vì nó không đén không đi, tự nhiên vô hình tướng.

Thanh Thủ bảo:

– Tôi mong như Hư không. Vì Hư không vô thỉ vô chung, không có cái được sanh ra và thông suốt với đạo.

Đế thích ngắt lời:

Thôi! Được rồi. Những điều mong muốn của các cô rất hay. Các cô muốn làm vua của mặt Trời, mặt trăng cũng có thể được.

Bảy cô đều nói:

– Đế thích! Ngài có thần thông và đức độ cao vời, vì sao không thể đáp ứng được? Phật dạy, người hưởng phước, phước hết ắt sẽ sợ hãi giống như trâu già không thể giúp được người, đối với chúng ta có ích gì.

Đế thích nói:

– Các cô vâng giữ Phật giới, ta cũng vậy. Chúng ta sẽ là anh em trong đạo pháp, cùng vui với ước muốn hay. Nói xong biến mất.

(Trích kinh Phật thuyếtt Thất Nữ)

6. CÔNG CHÚA KIM CANG BỊ CHẾT THIÊU

Vua Ba-tư-nặc có một công chú rất mực xinh đẹp tên Kim Cang, vua rất yêu mến, xây cho nàng một cung điện và cho năm trăm thể nữ chơi đùa với nàng. Có một trưởng lão tên Độ Thắng thường đi chợ mua son phấn cho cong chúa.

Hôm nọ, bổng nhiên thấy rất nhiều người nam kẻ nữ đội hương hoa ra khỏi thành, Độ Thắng hỏi:

– Các ngươi định di đâu?

– Chúng tôi định đến viếng thăm đức Phật. Phật là bậc tôn quý trong ba cõi, độ thoát tất cả chúng sanh về đến Niết-bàn.

Nghe vậy, Độ Thắng liền nghĩ:

– Được gặp Phật là do phước đời trước. Nghĩ rồi, Độ Thắng bớt tiền mua hương để mua hoa đẹp rồi theo mọi người đến chỗ Phật, đảnh lễ, tán hoa, đốt hương, nhất tâm nghe pháp. Nghe xong, Độ Thắng đi ngang qua chợ mua một cây hương và những vật dụng. Do công đức nghe pháp, cây hương thơm hơn bội phần. Công chúa Kim Cang hoài nghi tra hỏi nguyên do.

Độ Thắng đáp:

– Ở đời có bậc Thánh sư, bậc tôn quý trong tam giới đang giảng dạy chân lý vo thượng, tôi đã theo mọi người đến dự nghe và đảnh lễ Ngài.

Nghe xong Kim Cang rất vui mừng lại than: “chúng ta có tội gì mà không được nghe những lời Ngài dạy”.

Công chúa quay sang bảo Độ Thắng:

– Ngươi hãy thử nói lại những lời Phật dạy cho ta nghe.

Độ Thắng vâng lời nhưng xin được đến chỗ Phật hỏi đầy đủ những nghi thức nói pháp rồi sẽ nói.

Khi Độ Thắng còn chưa về, Kim Cang cùng các thị nữ tụ tập chật cả sân, như con thơ chờ mẹ.

Phật bảo Độ Thắng:

– Về nghi thức thuyết pháp, trước nên trải một toà cao để người thuyết pháp ngồi.

Vâng lời dạy, Độ Thắng trở về thuật lại cho mọi người nghe. Ai nấy đều vui mừng, cởi áo khoác xếp thành toà cao. Độ Thắng vào trong tắm rửa rồi nương oai thần Phật lên toà thuyết pháp. Công chúa Kim Cang cùng năm trăm tỳ nữ nghe pháp xong, buông bỏ được hết những phiền muộn, những tư tưởng xấu, chứng quả Tu-đà-hoàn. Sau thời thuyết pháp vi diệu, mọi người sơ ý để lửa phát cháy. Trong phút chốc, Kim Cang bị chết thiêu trong ngọn lửa, thần thức sanh lên cõi Trời.

Vua Ba-tư-nặc buồn bã chôn cất thi hài công chúa xong đến gặp Phật, Phật hỏi:

– Bệ hạ từ đâu đến, có vịêc gì?

Vua đáp:

– Bạch Thế tôn, Kim Cang bất hạnh trong cung để lửa sơ xuất nên Kim Cang cà xác tỳ nữ bị chết thiêu cả. Trẩm vừa chôn cất xong. Không rõ vì tội gì mà họ phải gặp tai hoạ này, xin Thế tôn giải thích rõ ràng cho con nghe.

Vào thời quá khứ, ở thành Ba-la-nại có một bà trưởng giả dẫn năm trăm thể nữ đến ngôi đền lớn ở ngoại thành. Phép tắc trong thành này rất khó xâm phạm, những người thuộc dòng họ khác, không kể là thân sơ đều không được đến gần, bà trưởng giả ấy đến ném lửa vào đền.

Lúc ấy ở đời có một vị Bích chi Phật tên Ca La ở trong núi, sáng đi khất thực, chiều tối trở về. Hôm ấy, Ngài đi khất thực ngang qua ngôi đền này, bà trưởng giả thấy Ngài bổng dưng nổi giận, ra lệnh cho mọi người trói Ngài ném vào trong lửa. Toàn thân bốc cháy, Ngài liền vận thần thông bay lên Hư không, tất cả tỳ nữ kinh sợ gào khóc đảnh lễ sám hối:

– Hàng nữ nhân chúng con ngu xuẩn không biết Ngài là bậc Chí Chơn, buông lung làm ác, huỷ nhục thần linh, tội cao như núi. Xin Ngài ban ân đức giúp cho chúng con thoát khỏi tội nặng này.

Vừa nghe xong, vị Bích chi Phật liền hạ xuống, vào cõi Niết-bàn. Tất cả những người nữ kia hoả thiêu thi thể của Ngài, xây tháp, cúng dường Xá-lợi.

Phật lại nói cho vua nghe thêm bài kệ:

Kẻ ngu gây tôi ác
Không thể tự trốn tránh,
Quả chín bị chết thiêu
Tội chiêu thành lửa dữ
Là chỗ thiêu thân người.
Không kể người gặp khổ
Hay kẻ gặp nguy nan
Đều là quả bất thiện.

Phật bảo vua:

– Bà trưởng giả thuở ấy nay chính là công chúa Kim Cang, năm trăm người hầu nay chính là Độ Thắng v.v…

(Trích kinh Ngu Ám Pháp cú quyển 2)

7. CÔNG CHÚA NGỘ LÝ VÔ THƯỜNG

Thuở xưa có một nàng công chúa được vua cha rất mực yêu thương, chưa từng rời xa. Một hôm Trời mưa lớn trên sông nổi lên nhièu bong bóng nước. Công chúa thấy những bong bóng nước thì rất thích bèn tâu vua:

– Con muốn lấy những bong bóng ấy kết tràng hoa đội đầu.

– Những bong bóng ấy không thể nắm thì làm sao lấy để kết thành tràng hoa được!

– Nếu không có ai lấy được thì con sẽ tự sát.

Nghe công chúa nói vậy, vua cuống lên liền ra lệnh cho những người thợ tài giỏi:

– Các ông là những người tài giỏi, không có việc gì mà không làm được, hãy nhanh chóng lấy những bong bóng nước ngoài kia kết tràng hoa cho công chúa. Nếu không làm được, ta sẽ chém đầu.

Những người thợ cùng đáp:

– Chúng thần không thể lấy bong bóng nước để kết thành tràng hoa được.

Khi ấy có một người thợ lớn tuổi thưa sẽ làm được. Vua rất vui mừng liền bảo công chúa:

– Nay có người có thể thể lấy bong bóng ấy kết tràng hoa cho con, con có thể đícg thân đến xem. Công chúa nghe lời vua cha, ra ngoài xem, người thợ già liền tâu công chúa:

– Tôi thật không phân biệt được bong bóng nào đẹp, bong bóng nào xấu. Xin công chúa hãy tự mình chọn lấy, tôi sẽ kết tràng hoa cho công chúa.

– Công chúa vội đưa tay chọn những bong bóng vừa ý, nhưng vừa chạm tay đến thì bong bóng vỡ tan. Cứ như thế suốt cả ngày công chúa vẫn không lấy được chiếc bong bóng nào cả. Quá mệt mỏi, bỏ tất cả những bong bóng, công chúa chạy về tâu vua:

– Bong bóng nước không thật, không thể tồn tại lâu, xin vua cha làm cho con tràng hoa bằng vàng tử ma, không bao giờ khô héo, còn bong bóng nước chỉ gạt người ta, tuy có hình bóng nhưng dễ tan vỡ. cũng như sóng nắng, bóng ngựa vậy. Thân người hư giả, khổ nhọc yêu thương rồi thân này cũng mất, vui ít khổ nhiều, các pháp luôn sanh diệt không tồn tại lâu, thay đổi liên tục không có hiện ngày.

(Trích kinh Thuỷ Bào Thượng)

8. CÔ MA XÀ NI BỊ BÀ-LA-MÔN ĐỐ KỴ

Công chúa con vua Cấm Mị, lúc mới sanh ra trên thân cô đã đeo một tràng hoa bằng vàng. Nên đặt tên là Ma-lỵ-ni. Vua cha rất vui, cho gọi năm trăm đứa bé gái sanh cùng ngày với công chúa vào cung làm tỳ nữ cho công chúa.

Đến lúc trưởng thành, ngày nào Ma-lỵ-ni cũng dâng thức ăn cho năm trăm vị Bà-la-môn. Hôm nọ, Phật Ca-diếp đang ở trong một khu vuờn, công chúa thường ra ngoài dạo chơi, hôm nay cô đến khu vườn Phật dang ở dạo chơi, người đánh xe đứng ngoài cửa.

Công chúa hỏi:

– Vườn nào ngươi cũng vào, tại sao vườn này không vào?

Người đánh xe đáp:

– Vườn này chỉ có một mình Sa-môn Ca-diếp cho nên không đánh xe vào.

Công chúa bảo:

– Vào đi.

Khi vào đến vườn, thấy thân sắc vàng của Phật, công chúa rất mừng, liền đê đầu đảnh lễ. Phật thuyết pháp vi diệu cho công chúa nghe. Nghe xong, cô xin thọ tam quy ngũ giới rồi vái chào ra về.

Về nhà, cô tư duy: Giai cấp Bà-la-môn không phải là ruộng phước tốt, ta không nên bố thí cho họ, nên dâng cúng Phật.

Bấy giờ các Bà-la-môn nghe Ma-lỵ-ni làm đệ tử của Phật Ca-diếp lại còn sắm sửa thức ăn ngon cúng dường nên sanh lòng ganh ghét.

Đêm đó vua Cấm Mị mộng thấy mười điềm, sáng sớm hôm sau, vua triệu tập quần thần, kể lại những điềm mộng đã thấy.

Quần thần khuyên vua nên hổi các Bà la môn.

Các Bà-la-môn đoán: Đây là điềm mộng không tốt hoặc vua sẽ mất nước hoặc sẽ mất mạng.

– Có cách gì tránh được không?

– Bảy ngày sau, vua phải đem rất nhiều trâu dê, voi ngựa và công chúa Ma-lỵ-ni cùng năm trăm quyến thuộc đến ngã Thừa tư đường giết để tế Trời thì tai hoạ này mới tiêu trừ.

– Nghe xong, vua liền ra lệnh cho chuẩn bị mọi thứ và cho gọi công chúa đến kể hết sự tinh và bảo: Trong sáu ngày cha cho phép con sống theo ý thích của mình, có chết cũng không tiếc.

Công chúa thưa: ngày thứ nhất, xin phụ vương cho tất cả mọi người trong thành đến chỗ Phật Ca-diếp để tất cả đều thọ tam quy ngũ giới.

– Vua thuận cho.

– Ngày thứ hai, con cùng phụ vương và quần thần đến chỗ Phật Ca-diếp để thọ tam quy ngũ giới.

Vua đồng ý.

– Ngày thứ ba, xin phụ vương cho con và tất cả các vương tử đều đến chỗ Phật.

– Ngày thứ tư, con cùng tất cả vương nữ đến chỗ Phât.

– Ngày thứ năm, phụ vương, mẫu hậu và thể nữ cùng đến chỗ Phật.

– Ngày thứ sáu, con cùng phụ vương đến chỗ của Phật.

Vua đồng ý tất cả và cùng mọi người đến chỗ Phật Ca-diếp.

Phật thuyết pháp vi diệu cho quần thần nghe. Nghe xong, mọi người đều đắc quả Tu-đà-hoàn, đều xin thọ tam quy, ngũ giới. Nhà vua xin Phật giải mười điềm mộng cho.

Phật bảo:

1. Cây non nở hoa: Tiên báo sau này có một vị Phật hiệu Thích-ca Văn xuất hiện ở đời. Người thời ấy mới hai mươi tuổi đầu đã bạc, đã sanh con cái.

2. Nghé con cày ruộng: Tiên báo, những đứa trẻ mới được mười tuổi đã đảm trách việc nhà, cha mẹ chúng không được quyền tự do.

3. Nấu cơm trong nồi đồng nhưng cơm dạt ra bốn phía, không ở chính giữa: Có nghĩa là người giàu sang càng tu phước bố thí còn người nghèo thì không làm được.

4. Thấy lạc đà hai đầu ăn cỏ: Tiên đoán sau này triều đình ăn bổng lộc của nhà vua và bóc lột nhân dân.

5. Thấy ngựa mẹ ăn thịt ngựa con: Tiên đoán, sau này người mẹ gả con gái lấy chồng vì để thâu tiền của về mình chứ không vì hạnh phúc của con.

6. Mộng thấy bát vàng xếp thành hàng ở trên Hư không là tiên đoán mưa gió trái mùa.

7. Thấy Dã Hồ tiểu trong bát vàng là tiên trai gái lấy nhau chỉ chọn giàu sang chứ không quan tâm đến dòng tộc.

8. Thấy khỉ vượn ngồi trên gường là tiên đoán sau này nhà vua không theo pháp luật, bạo ngược vô nhân đạo.

9. Thấy trâu bò đeo chiên đàn nhưng chỉ sánh ngang với cỏ mục là tiên đoán hàng Thích tử ham lợi dưỡng mà thuyết pháp cho mọi người.

10. Thấy dòng sông ở giữa đục xung quanh trong là tiên đoán Phật pháp trong nước sẽ bị tiêu diệt, Phật pháp nước láng giềng hưng thạnh, không có lợi cho bản thân nhà vua…

Vua lên toà bảo quần thần: Các súc vật tế thần nay chắc chắn không còn lo sợ. Từ nay về sau ta thà mất thân mạng chứ không giết hại sanh vật huống chi là giết người.

(Theo luật Di Sa quyển bốn mươi)

9. CÔNG CHÚA TUỲ THUẬN THEO NGƯỜI

Có một công chúa nọ tên Cẩu Đầu, một hôm trên đường đi, anh chàng giỏi bắt cá tên Thuật bà già, từ xa nhìn thấy dung nhan công chúa qua khung cửa sổ trên làu cao, liền đem òng yêu thương, lúc nào cũng nhớ nghĩ đến công chúa, không màng ăn uống. Mẹ anh lo lắng hỏi nguyên nhân. Anh thật lòng trả lời:

– Từ hôm gặp công chúa, con luôn thường nhớ, không sao quên được.

Mẹ anh cố dụ dỗ:

– Con là hạng người thấp hèn, công chúa là bậc tôn quý, sao có thể yêu thương thư thế được?

– Lòng con chỉ mong có ngày đoàn tụ, không thẻ nào quên nàng được. nếu không được như thế con sẽ không sống nỗi.

Người mẹ thương con, cố ý vào cung vua, nhiều lần dem cá ngon, thịt ngon biếu công chúa, không đòi hỏi giá cả. Thấy lạ, công chúa hỏi:

– Bà muốn cầu xin việc gì?

Bà rụt rè:

– Xin công chúa cho người hầu lui ra hết, tôi mới thưa sự tình.

– Tôi có một đứa con trai, tình cờ nhìn thấy công chúa, nó đem lòng yêu trộm nhớ thầm mà sanh bệnh, không còn sống được bao lâu nữa, xin công chúa thương xót, ban cho con tôi sự sống.

Công chúa bảo:

– Vào ngày rằm tháng này, bà bảo anh ấy đến đứng sau tượng Ngọc Hoàng của ngôi miếu kia.

Bà mẹ vui mừng vè báo tin cho con hay.

Đến ngày hẹn, anh chàng kia tắm gội, thay quần áo mới đến đứng sau pho tượng ở chỗ hẹn.

Hôm ấy công chúa đến tâu vua:

– Con có việc không tốt, cần phải dến miếu Ngọc Hoàng để cầu phước lành, xin phụ vương cho phép.

– Vua vui vẻ bằng lòng.

Công chúa liền cho năm trăm chiếc xe đến miếu.

Đến nơi, công chúa bảo mọi người ở ngoài cửa, chỉ một mìmh vào miếu. Thấy vậy, thiện thần suy nghĩ: “Việc này không nên để xảy ra, vua là bậc thí chủ ở đây, ta không nên để cho kẻ tiểu nhân kia huỷ nhục công chúa”

Thiên thần thiền khiến anh ta ngủ say, công chúa vào miếu thấy anh ta ngủ say, lay hoài không tỉnh liền đem chuỗi anh lạc giá trị một trăm lượng vàng để lại cho anh ta, rồi ra về. Khi tỉnh dậy, thấy có chuỗi anh lạc, anh ta hỏi mọi người mới biết có công chúa đến. Thế là cuộc hẹn hò không thành, người tình trong mộng tan thành mây khói, anh ta đau đớn nuối tiếc, lửa tình bốc cháy thiêu chết anh ta.

Qua câu chuyện đó có thể biết lòng người nữ không có chọn người sang hèn, chỉ muốn tuỳ thuận theo người.

Xưa cũng có một vị công chúa ăn ở với một người thuộc dòng

Chiên-đà-la, một vị tiên nữ chung sống với thầy…

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 14)