KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 29

 

(HÀNH ĐẠO THÁNH VĂN PHẦN HẠ, CÁC QUỐC VƯƠNG BỘ 6)

1. VUA KÍNH DIỆN MUỐN CẤT ĐIỆN MỚI

Vào thời quá khứ, vua nước Ca-thi dùng chánh pháp trị nước, nhân dân an vui, không có hoạn nạn. Lâu nay nhà vua không có con, bỗng phu nhân được mang thai, sau mười tháng sinh ra đứa bé không có mắt mũi.

Đứa con sinh ra được bảy ngày, nhà vua mở đại hội họp các quần thần, thầy tướng, đạo sĩ để đặt tên cho con. Bấy giờ, theo phép nước đó, đặt tên cho con hoặc căn cứ vào phước tướng, hoặc theo tinh tú, hoặc theo cha mẹ.

Bà-la-môn hỏi:

– Thân thể vương tử có tướng lạ gì?

Người hầu cận thưa:

– Vương tử đây mặt bằng phẳng, mắt mũi đều không có.

Bà-la-môn nói:

– Nên đặt tên là Kính Diện.

Nhà vua nhờ bốn nhũ mẫu cung cấp nuôi dưỡng: một người tắm gội lau mình, một người dọn dẹp tả lót, một người ẵm bồng, một người cho bú. Vương tử mỗi ngày mỗi lớn lên như hoa sen, được bốn nhũ mẫu này hầu hạ. Đến khi vương tử trưởng thành, phụ vương băng hà, quần thần liền tôn Kính Diện lên ngôi. Song nhờ đời trước Thái tử đã gieo trồng nhiều cây đức, nên tuy sanh ra không có mắt nhưng lại có thiên nhãn, đủ sức làm quốc vương.

Nhân dân trong nước nghe tin Thái tử Kính Diện làm vua, ai nấy đều lấy làm lạ. Khi ấy, có vị đại thần muốn thử vua, nhưng chưa có dịp. Nhân dịp vua ra lệnh các đại thần lập thêm cung điện mới cho vua, trên đó điêu khắc vẽ vời các loại tranh màu, đại thần liền thử vua bằng cách dùng một con khỉ, mặc áo quần cho nó, rồi may cái túi da đựng nó vào, vác trên vai, đem đến trước mặt vua, tâu:

– Thợ khéo đã tới, xin bệ hạ giao việc.

Vua biết đại thần thử mình, liền nói kệ:

Xét loại chúng sanh này
Mắt chớp, mặt nhăn nhó
Tánh nghịch ngợm thô tháo
Việc thành, nó phá hư
Người có tánh khí này
Làm sao xây cung điện
Chặt phá cây hoa quả
Bất trung người thân gần
Đâu thể xây cung điện
Mau tống về rừng hoang.

Vua Kính Diện lúc ấy nay chính là ta.

(Trích luật Tăng kỳ quyển 7)

2. VUA BẤT-LÊ-TIÊN-NÊ THỈNH PHẬT GIẢI MỘNG

Vua Bất-lê-tiên-nê đêm nằm mộng thấy mười điềm:

1/ Thấy ba chiếc bình, hai bình hai bên đầy khí và tuôn ra, khí của bình này chui vào bình kia và ngược lại, nhưng không chui vào bình trống ở giữa.

2/ Thấy ngựa, miệng ăn, đít cũng ăn.

3/ Thấy cây con trổ hoa.

4/ Thấy cây con ra trái

5/ Thấy một người cầm dây, người đi sau dắt dê, chủ dê ngậm sợi dây của người đi trước.

6/ Thấy chồn nằm giường vàng, ăn bát vàng.

7/ Thấy trâu mẹ bú sữa trâu con.

8/ Thấy bốn con trâu từ bốn phía kêu rống lên, toan muốn húc nhau, nên tập hợp lại mà chưa tập hợp được vì không biết chỗ trâu ở.

9/ Thấy nước trong ao lớn, ở giữa đục, bốn phía trong.

10/ Thấy dòng nước khe lớn có màu đỏ thẩm.

Tỉnh giấc, vua kinh sợ, lo mất nước, mất mạng, liền triệu tập công thần và mời các đạo nhân biết giải mộng đến hỏi mười điềm ấy. Có một Bà-la-môn cho mười điềm ấy đều không tốt, bảo:

– Phải đem giết hết phu nhân, Thái tử yêu dấu của vua, và tất cả nô tỳ hầu hạ thân cận hai bên để tế Thiên vương. Có bao nhiêu đồ nằm và vật quý báo trang sức trên thân đều phải đốt đi để tế Trời. Nếu làm được như thế, vua mới được bảo toàn.

Nghe Bà-la-môn nói vậy, nhà vua không vui.

Phu nhân hỏi vua:

– Vì sao lo buồn?

Vua bảo:

– Đêm qua, trẫm mơ thấy mười việc, sợ e nước mất, mạng vong.

Có vị Bà-la-môn giải mộng, cho mười điềm ấy đều chẳng lành.

Phu nhân tâu:

– Bệ hạ chớ lo buồn. Nay có Phật đang ở tịnh xá cách nước ta không xa. Sao bệ hạ không đến hỏi Phật ý nghĩa điềm mộng. Phật giải thế nào, bệ hạ làm theo thế ấy.

Nhà vua liền đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ chân Ngài, bạch với Phật mọi việc là vua sợ mất nước, mất mạng và mất cả vợ con, cúi xin Phật chỉ dạy.

Đức Phật bảo:

– Đại vương chớ sợ. Theo như điềm mộng của vua, người đời sau sẽ không sợ phép cấm, tham lam, dâm dật, tật đố không biết nhàm chán, không biết thiếu đủ, không lòng nhân từ, không biết xấu hổ.

Điềm mộng thứ nhất: người giàu sang kết thân với nhau, không màng đến kẻ nghèo hèn.

Điềm mộng thứ hai: thấy ngựa hai chỗ đều ăn, tức đời sau, vua chúa và các đại thần đã được hưởng bổng lộc, lại bóc lột nhân dân không biết chán, không biết đủ.

Điềm mộng thứ ba: cây con trổ hoa tức người đời sau tuổi chưa đầy ba mươi mà đầu đã bạc, tham lam, dâm dật, mong muốn càng nhiều, nên già trước tuổi.

Điềm mộng thứ tư: cây con ra trái tức người đời sau tuổi chưa đầy mười lăm đã có chồng con mà không biết xấu hổ.

Điềm mộng thứ năm: một người cầm dây, người đi sau dắt dê, chủ dê ngậm sợi dây của người đi trước, tức người đời sau, khi người chồng đi vắng, người vợ thông đồng với kẻ khác, phá hết tài sản của chồng.

Điềm mộng thứ sáu: chồn nằm giường vàng, ăn bát vàng, tức người đời sau kẻ thấp hèn càng được quý trọng, được người giàu có kính sợ. Con cháu hàng công hầu càng bần tiện, ngồi dưới, ăn sau.

Điềm mộng thứ bảy: trâu mẹ bú sữa trâu con, tức người đời sau không có lễ nghĩa. Người mẹ làm mai mối dụ dỗ con trai của người ta lấy con gái của mình, bắt con gái mình kiếm tiền để mình tiêu xài mà không biết xấu hổ.

Điềm mộng thứ tám: Mộng thấy bốn con trâu từ bốn phía kêu rống lên, toan muốn húc nhau, nên tập hợp lại mà chưa tập hợp được vì không biết chỗ trâu ở, tức đời sau vua chúa, quan lại, nhân dân đều không có lòng chí thành, lại thêm dối trá, ngu si, sân nhuế, không kính Trời đất. Vì vậy, mưa gió trái mùa. Quan lại nhân dân cầu đảo xin mưa. Bấy giờ, Trời nổi mây bốn phía, sấm chớp vang rền, quan lại, nhân dân đều nói: “Lát nữa, Trời sẽ mưa”. Nhưng mây tan, Trời sáng. Vì sao? Vì vua chúa, quan lại, nhân dân không có trung chánh, nhân từ.

Điềm mộng thứ chín: nước trong ao lớn giữa đục, bốn phía trong, tức đời sau, nước ở giữa sẽ nổi loạn, trị vì chẳng yên, người dân không hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng bậc trưởng lão. Còn các nước xung quanh được thái bình, nhân dân hoà mục, hiếu thuận cha mẹ.

Điềm mộng thứ mười: dòng nước khe lớn có màu đỏ thẩm, tức đời sau các nước sẽ căm phẫn, dấy binh đánh nhau, tập hợp mọi người công phạt lẫn nhau, khiến cho xa binh, bộ binh, kỵ binh, cùng chiến đấu, giết hại nhau, nhiều không kể xiết. Thây chết đầy đường, máu chảy thành sông.

Sau khi nghe Đức Phật giải giảng, nhà vua quỳ bạch Phật:

– Con nghe Ngài chỉ dạy, lòng rất vui mừng.

Vua đảnh lễ Phật, rồi trở về cung, thêm quý kính phu nhân, tước hết bổng lộc của các đại thần, cũng không tin Bà-la-môn ngoại đạo. (Trích kinh QuốcVương Bất-lê-tiên-nê Thập Mộng)

3. VUA ÁC THIỂU NHIỄU THÁP DẸP GIẶC

Ở nước Nhục Chi có vua tên Ác Thiểu. Dân chúng nước này đều quy phục. Vua được mẹ dạy:

– Nếu gặp nạn sắp chết, cẩn thận chớ nhiễu bên trái chùa Phật, phải nhớ nhiễu bên phải: Thận trọng! Chớ trái lời mẹ dặn.

Bấy giờ, vua Ác Thiểu cử đại binh tấn công thành ngập máu. Tự tay vua cầm kiếm giết chết ba ức người. Về sau, cuộc chiến thất bại. Vua cưỡi voi chạy trốn, trông thấy tháp Phật. Nhớ lời mẹ dặn, vua liền quày voi nhiễu tháp về bên phải. Nước địch thấy vậy, ai nấy đều khuất phục, bỏ đi. Vua thấy giặc lui binh, liền tiếp tục tiến vào, giành lại được thành, giam cầm vua địch.

Vua lại nhớ lời Phật dạy: Người tự quy y Phật là người tôn quý nhất, không ai sánh kịp. Nếu ta không nhiễu về bên phải, há có thể đánh dẹp được bọn giặc này ư?

(Trích kinh Xuất Diệu quyển 16, Tạp Thí Dụ bản xưa đại khái cũng giống như vậy)

4. VUA NẠN QUỐC CƯỚI VỢ CHO CON MÀ ĐƯỢC GIẢI THOÁT

Đức Phật ở nước Xá-vệ có vua Nạn Quốc tên Phân-hòa-đàn rất thích làm việc đạo đức. Mỗi ngày nhà vua cúng dường cho hơn nghìn vị đạo sĩ. Một hôm, vua tự nghĩ:

– Trí tuệ của ta không ai sánh kịp, nên lấy sắt buộc bụng lại, sợ e trí tuệ bung ra mất. Muốn cưới vợ cho con, vua tập hợp các quần thần hỏi:

– Trong thiên hạ có ai có trí tuệ như ta không? Nếu có, ta sẽ cưới con gái của họ cho con ta. Trong nước không có, vua ra lệnh cho sứ giả đi tìm nơi khác. Đến nước Xá-vệ, được nhân dân cho biết:

– Phật là bậc trí tôn hơn hết.

– Phật có con gái không?

– Đạo nhân không có con gái.

– Kế Phật, còn có ai không?

– Có A-nan Bân-để là người hiền lành, ưa chuộng đạo đức, có con gái bậc nhất.

– Căn cứ vào đâu mà gọi là bậc nhất?

– Có lần tranh ruộng vườn với thái tử Kỳ-đà để dâng cúng Đức Phật, đem voi chở mấy triệu ức vàng vòng, không tham của quý, chỉ thích làm thiện.

Sứ giả liền đi đến chỗ ở của A-nan Bân-để, rồi trở về tâu vua. Vua phóng ngựa đến gặp ông ta. Vua Nạn Quốc chẳng mặc y phục gì cả, lõa hình đen xấu như quỉ.

A-nan Bân-để hỏi:

– Muốn xin cái gì?

Vua đáp:

– Nghe ông là người hiền lành, ưa chuộng đạo đức, có con gái bậc nhất, cho nên đến xin cưới con gái của ông cho con ta.

A-nan Bân-để mời vua ngồi trước mặt và thưa:

– Phải thưa việc này lên Đức Phật.

A-nan Bân-để thưa mọi việc lên Phật. Đức Phật bảo:

– Đem gả cho ông ấy đi.

A-nan Bân-để thưa:

– Sợ họ giết con gái của con.

– Không hề chi, nên gả ngay đi. Cô gái tên Tam-ma-kiệt ấy sẽ độ thoát tám vạn người.

A-nan Bân-để không dám hỏi lại Phật nhưng lòng rất buồn, liền trở về nói với vua Nạn Quốc:

– Tôi đồng ý gả con gái, cho nhà vua.

Vua liền đem sính lễ đến đón cô gái về nước. Ban đêm, thái tử đến chỗ Tam-ma-kiệt. Cô ta lấy chân đạp thái tử văng xuống đất. Đến bốn năm ngày sau, thái tử cũng không dám trở lại. Phu nhân nhà vua hỏi thái tử:

– Vì sao con không sống với vợ con?

Thái tử lặng thinh.

Phu nhân liền đi đến chỗ Tam-ma-kiệt, bảo:

– Ta cưới vợ cho con trai ta, nay phải làm tròn bổn phận. Cớ sao lại làm nhục con ta.

Tam-ma-kiệt thưa:

– Phu nhân, thái tử và những người trong nước hình thù đều giống như chó không khác gì súc sanh. Phu nhân tâu vua:

– Bệ hạ là ngươi trí tuệ không ai sánh bằng, đi xa cưới vợ cho con không ngại khó nhọc, nhưng nó chẳng nể sợ, làm nhục con thiếp, lại mắng cả thiếp nữa.

Nghe xong, vua liền đến chỗ Tam-ma-kiệt. Cô ta không bước ra lễ lạy.

Vua nói:

– Ta từ xa đến cưới vợ cho con ta, vì sao ngươi dám mắng phu nhân và làm nhục con ta?

Tam-ma-kiệt đáp:

– Đúng vậy. Nhân dân trong nước của vua đều giống như loài chó.

Vua hết sức kinh ngạc, nói:

– Ta thường lo sợ trí tuệ của ta bung ra khỏi bụng nên lấy sắt buộc nó lại, mỗi ngày dâng cơm cho hơn một nghìn vị đạo sĩ, đâu ai sánh kịp ta mà ngược lại ngươi dám mắng ta.

Tam-ma-kiệt đáp:

– Nam, nữ, già trẻ đều lõa hình. Tuy có tu phước nhưng chỉ khỏi nghèo cùng.

Vua đến thầy ngoại đạo thuật lại việc trên. Thầy bảo:

– Hãy trở lại hỏi Tam-ma-kiệt. Cẩn thận chớ nổi giận.

Vua liền trở về hỏi:

– Nhân dân trong nước ngươi coi trọng điều gì nhất?

Tam-ma-kiệt đáp:

– Nam nữ trong nước tôi đều có quần áo riêng biệt, phục sức theo địa vị cao thấp khác nhau, thân thể được che kín. Có vị đại nhân gọi là Phật, giáo hóa mấy tỉ người đều được đắc đạo, vào lửa không cháy, vào nước không chìm, có thể thấy ba ngàn mặt Trời, mặt trăng, một vạn hai ngàn thiên hạ, biết rõ ba đời, thân có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đạo đức toàn mỹ khiến Chư thiên kính phục.

– Ta có thể gặp được Phật không?

– Thỉnh từ xa cũng có thể được.

– Tốt lắm! Nên thỉnh thế nào?

– Chỉ cần tự đốt hương. Nhà vua, phu nhân, thái tử đều phải làm theo tôi.

Tam-ma-kiệt ở trên đài cao thỉnh:

– Vua Nạn Quốc mới nghe danh hiệu Như Lai. Cúi xin Phật thọ nhận bữa cơm của vua vào ngày mai.

Phật bảo Mục-liên ra lệnh các Tỳ-kheo ngày mai đều đến Nạn Quốc. Bấy giờ, Tam-ma-kiệt bảo vua, phu nhân, thái tử giữ trai giới, đốt hương, trải chiếu, bày thức ăn để cúng một ngàn hai trăm năm mươi người. Tam-ma-kiệt cùng vua, phu nhân, thái tử đều ở trong cung đình. Phật bảo các vị A-la-hán đến trước, Đức Phật đến sau. Tam-ma-kiệt nói:

– Đừng sợ hãi, cứ làm theo tôi.

Phật và các Tỳ-kheo mỗi mỗi tự biến hóa. Xá-lợi-phất hiện làm một cặp voi trắng, Mục-kiền-liên hóa thành sư tử. Các đại Tỳ-kheo đều biến hóa thân mình, thị hiện đủ loại, có vị làm chim nhạn, tất cả đều không giống nhau, từ trên cao hạ xuống. Nhân dân Nạn Quốc vô cùng kinh sợ. Tam-ma-kiệt nói:

– Đừng sợ.

Đức Phật đến sau cùng, thân xuất ra nước, ra lửa. Tam-ma-kiệt đến trước Phật làm lễ. Vua, phu nhân, thái tử cũng đảnh lễ Ngài. Các vị A-la-hán đến ngồi theo thứ lớp. Tam-ma-kiệt, vua, phu nhân, thái tử lần lượt dâng nước rửa tay, dâng cơm và thức ăn. Nhân dân trong nước lấy làm lạ về việc vua đóng cửa. Họ nổi giận, ai nấy đều xách búa đến toan phá cửa cung. Phật bảo:

– Ta muốn mọi người đều làm thiện.

Phật liền biến vách cung thành thủy tinh, trong ngoài đều thấy nhau. Nhân dân dừng lại, không dám phá nữa. Bấy giờ, Tân-đầu-lô ngồi trên núi bỗng đi đến Nạn Quốc, lấy kim châm xuống đất, luồng qua áo, chỉ và áo dính liền nhau, vận thần túc đi đến Nạn Quốc, núi liền theo sau. Trong nước, có ngưới nữ mang thai thấy núi đến, sợ núi rớt xuống. Vì quá sợ, nên cô ta té xuống chết. Phật bảo Mục-liên hỏi Tân-đầu-lô:

– Cái gì sau lưng ông vậy?

Tân-đầu-lô quay lại nhìn, ném núi về chỗ cũ cách xa tám ngàn dặm.

Đức Phật dạy:

– Ta giáo hóa để độ thoát ông. Mạng người là quan trọng, nhưng nay ông đã giết đi một mạng người chưa tới số, khiến ta không vui. Từ nay về sau, ông không được theo ta thọ thực, đợi đến khi Phật Di-lặc ra đời ông mới được nhập Niết-bàn.

Tân-đầu-lô im lặng, buồn khổ.

Vua bạch Phật:

– Nên cùng đấu đạo lực, nếu ai thua thì đâm đầu xuống giếng.

Phật bảo:

– Tốt lắm! Hỏi ba lần, ai thua thì phải đâm đầu xuống giếng phải không?

Vua đáp:

– Phải!

– Lúc tụng kinh thì như thế nào?

– Lúc tụng kinh, cứ bò từ từ, mệt thì nằm mọp xuống đất.

– Khi tụng kinh, ta ngồi, ngồi mệt thì đi kinh hành. Nếu tụng kinh mà bò thì có khác gì chó đi.

Vua chấp nhận thua, muốn đâm đầu xuống giếng nhưng hai tay chõi đất mà không dám nhảy vào.

Phật bảo:

– Hãy thôi.

Vua liền trở về nước vâng theo lời Phật dạy. Tam-ma-kiệt hầu hạ vua, phu nhân, thái tử, giáo hóa tám mươi ngàn người ở Nạn Quốc đều đắc quả Thánh văn.

(Trích kinh Phân-hòa-đàm-vương)

5. NHỜ PHẬT VUA A- CHẤT PHÁT KHỞI TÍN TÂM

Có vị quốc vương tên A – chất lãnh thổ rộng khắp trăm nghìn dặm. Vua không hiểu Phật pháp. Tánh tình rất độc ác hay đem quân chinh phạt các nước láng giềng, dân tình rất khổ sở.

Đức Phật và đại chúng đi đến nước ấy. Nghe tin, vua A -chất cùng với ba mươi hai người con có thân hình tráng kiện tâm độc ác liền dấy binh, tập hợp mấy triệu người muốn chống lại Phật. Biết được lòng dạ của vua, Đức Phật bảo A-nan:

– Ngày mai, cha con vua A-chất có ác tâm đối với Ta và đại chúng.

Các ông làm cách nào để hàng phục bọn họ?

Các vị thiên nhân đại sĩ phá lên cười, làm rung động Trời đất. Đức Phật hỏi nguyên do. A-nan thưa:

– Chỉ cười vua A-chất mà thôi.

Đức Phật bảo:

– A-chất ngu si, khởi lên ác tâm này, khiến người dân phạm tội, đã nổi đại binh, ỷ vào sức người, sức ngựa. Cho dù khắp bốn thiên hạ cũng không thể làm động mảy lông của ta, huống chi chỉ vài triệu người.

Đức Phật bảo A- nan:

– Hãy thông báo các vị Tỳ-kheo chuẩn bị. Ngày mai, sẽ đến trong quân vua A- chất để khuất thực.

Binh ngựa của cha con nhà vua rất nhiều khiến quỷ thần kinh hãi. Ngay lúc đó, Đức Phật đứng phía trước, phóng hào quang sáng rỡ để độ đoàn quân nước A-chất. Bấy giờ, chiên trống lặng thinh, cung nỏ không bắn được, đao binh rút không ra, voi ngựa ngã ngược, bộ binh kiệt sức, Trời đất tối mịt, mặt Trời không sáng, mặt trăng không tỏ. Vua và các con tối tăm mặt mày, hoảng sợ hụt hơi, khom mình bỏ chạy. Phật và đại chúng đứng đó, lấy cơm để vào đầy bát, rồi đi thẳng đến nước vua A-chất. Khi ấy, cửa thành tự mở. Phật tiến vào điện vua, lẳng lặng ngồi xuống. Tám mươi mốt vạn bảy ngàn thiên nhân cùng đến chỗ ngồi. Cung vua càng rộng lớn, toà cao tự hiện ra, bảo trướng giăng khắp, nhạc ngũ âm tự tấu lên. Vua và các con cùng nói với nhau:

– Sức mạnh của nhà vua không bằng sức mạnh của đạo đức.

Các quan quân đều kinh sợ. Các vương tử nói:

– Nay nghe Đức Phật đã vào trong cung, chúng ta nên trở về gặp Phật.

Vua bảo:

– Còn mặt mũi nào để gặp Phật nữa. Trên thì cảm thấy xấu hổ, dưới thì phụ bạc người dân.

Các vương tử thưa:

– Phật đã nhân từ, không có ý hại người.

Nhà vua liền triệu tập các quan quân, từ từ kéo trở về cung. Vừa gặp Phật, tất cả đều đầu mặt đảnh lễ Phật sát đất, xin sám hối.

Và thưa:

– Chúng con là kẻ thấp hèn, ngu muội, xấu xa, nhỏ nhen, không có học vấn, không biết lễ nghi, giống loài lang sói. Ngu si mê muội, trái phạm Trời người. Là kẻ đại Thánh mà không đoái hoài đến nước nhỏ nơi biên thuỳ. Nay làm nhọc Đức Thế tôn từ xa đến đất nước quê mùa, có vua tôi ngỗ nghịch này. Cúi xin Đấng Thiên Tôn thương xót cho kẻ vô trí này mà rũ lòng thương tưởng giáo hóa dân chúng ở đây.

Thưa xong, nhà vua lễ đầu mặt sát đất, chắp tay đứng yên. Ba mươi hai vị Vương tử, các công khanh, bá quan, nhân dân đều một lòng hướng về Phật, xin sám hối, tự trách lỗi mình.

Vua nhìn thấy hơn tám mươi mốt vạn vị thần đều ngồi ngay ngắn trên toà sư tử, có màn che giữa ngã tư đường, kỹ nhạc tự nhiên trỗi lên. Biết đó là oai thần của Phật. Vua bảo phu nhân, thể nữ ở hậu cung đều ra lễ Phật.

Vua dâng cúng món ăn trăm vị. Vua, phu nhân và ba mươi hai người con, kính cẩn dâng nước để Phật rửa tay, sớt thức ăn. Sau khi sớt thức ăn trên dưới đầy đủ, ai nấy đều nhất tâm cung kính, vui mừng. Đức Phật thọ trai xong, vua ra phía trước cúi đầu bạch Phật:

– Con xin đội ân Đấng Thiên Trung Thiên, nhờ phước nghiệp đời trước sâu dày, nhờ sự hổ trợ của đấng Tiên quân nên con được ở trên dân chúng. Cúi xin Đấng Đại Thánh Thiên Tôn thương tưởng nước con, trao giới cho dân chúng. Chúng con nguyện trọn đời vâng giữ. Con nên dùng pháp gì để trị dân được an ổn? Con sẽ kết nghĩa với nước láng, giềng bỏ ác hành thiện. Xin Phật lưu tâm cho.

Đức Phật bảo:

– Vua chinh phạt là phi nghĩa phi cầu. Muốn bảo tồn an ninh xã tắc, vua phải ân tín, nhân nghĩa, từ hiếu, trinh khiết, khoan nhu, nhẫn nhục, bố thí, giáo dân, che chở, tha thứ như đối với chính mình. Thực hành được những điều này mới có thể giữ gìn xã tắc lâu dài. Nếu không, xẽ khó bảo trì xã tắc.

Vua thưa:

– Thực hành thế nào? Cúi xin Ngài từ bi chỉ dạy.

Đức Phật bảo:

– Chúng sanh đều thương yêu quý tiếc mạng người. Của báu trong nước không đủ để cậy nhờ. Nhà vua phải quý tiếc mạng người như cha mẹ thương yêu con cái. Người dân thương vua còn hơn thương cha mẹ. Thiên hạ trong muôn nước đều cần được bảo dưỡng, chứ không riêng nước nào. Tuy vua có mấy triệu xa binh, mã binh, nhưng vừa đủ để kháng cự với quân địch bé nhỏ mà thôi. Khi ta hành đạo Bồ-tát, ngồi thiền dưới cội cây, ma vương và mười vạn tám ngàn binh quỷ thần đều biến hóa thành thân các loài cầm thú, súc sanh để phá hoại ý chí của Ta. Ta dùng thần lực, chỉ ngón tay phải xuống đất. Lúc ấy, Trời đất chấn động mạnh, bọn chúng đều bị lật nhào, không thể trở lại thân cũ. Ma vương phải hàng phục. Giờ đây, vua có sức của mấy triệu nhân dân sao bằng sức của ức số quỷ thần.

Vua thưa:

– Chính vì con ngu si, không biết gì cả.

Vua liền cúi đầu sám hối, xin sửa đổi lỗi lầm.

Đức Phật bảo:

– Ta vì lòng đại bi, độ tất cả chúng sanh trong mười phương đều được giải thoát, sớm chứng quả Phật. Ta độ tất cả những người chưa được độ thoát, chứ không riêng cha con nhà vua.

Nhà vua lại ăn năn, hối lỗi:

– Cúi xin Phật thương tưởng đến con, trao giới cho con. Con nguyện trọn đời vâng giữ, khiến cho dân chúng nước này được an ổn.

Đức Phật bảo:

– Vua phải nới lỏng hình phạt, bãi bỏ thuế khóa, ân tín rộng lớn, cấp dưỡng cho người cô độc, luôn tha tội cho tù nhân, người nghèo thì cứu giúp, người thiếu thì cho đủ, người đói được no. Nếu vua làm được như vậy, thì có thể bảo bọc tất cả mọi người.

Nghe Đức Phật dạy, nhà vua phát khởi đạo tâm, bảo các cận thần lấy châu báu trong kho đem dâng đức Thế tôn.

Đức Phật chú nguyện xong, rồi đem phân phát hết cho các cận thần đều được sung túc.

Ba mươi hai người con của vua nói với nhau: sống làm người vô nghĩa, thì chết làm ma bất nhân. Chi bằng anh em chúng ta xin làm Samôn. Họ cùng lên tiếng: Hay lắm!

Ngay khi đó, họ đi đến chỗ Phật, trình bày hoài bão của mình. Đức Phật biết tâm họ đã thâm nhập Phật trí. Trời Đế thích cạo đầu cho họ, tất cả đều trở thành Sa-môn. Ba nghìn phu nhân, thể nữ ở hậu cung, công khanh, bá quan, hết thảy dân chúng đều thọ năm giới, mỗi tháng ăn chay sáu ngày. Đất nuớc giàu sang. Nước lánh giềng nghe tin, xa xa đồng kính ngưỡng. Từ đây về sau, nhà vua trị nước với tâm rộng lượng, nhân từ, đạo tặc không còn. Nam nữ kính nhau, không lòng ham muốn, ai ai cũng hiền thiện. Vua đem bảy báu xây một Tinh xá lớn. Người dân trong nước đều hành Thập thiện, khi mạng chung, được sanh lên Trời, không đọa vào ác đạo.

Đức Phật dạy:

– Ta vì người mà cầu đạo, chỉ khiến họ được độ thoát, hàng Trời rồng quỷ thần không thể làm khuynh đảo được. Các ông hành theo đạo, sẽ được giống như Ta.

( Trích kinh A-chất Quốc Vương )

6. PHẬT DẠY VUA ƯU ĐIỀN CÁCH TRỊ NƯỚC

Vua Ưu-điền hỏi Phật:

– Bạch Đức Thế tôn, một vị quốc vương áp dụng những phương pháp nào mà chẳng bao lâu ở đời có giặc ngoài nổi lên, chưa tu hành mà chết đọa vào đường ác?

Đức Phật dạy:

– Có mười pháp:

  1. Ý không chuyên nhất vào các sự nghiệp.
  2. Tham ăn uống như loài hổ đói.
  3. Đắm trước rượu thịt, chẳng màng việc nước.
  4. Tánh hay sân hận, nhiều nỗi ưu phiền.
  5. Học thói ngu si, không nghe người can gián.
  6. Cậy vào quyền lực, chẳng chừa việc gì.
  7. Thường ưa sát sanh, hiếp đáp kẻ yếu.
  8. Luôn phái binh lính xâm chiếm nước khác.
  9. Nói năng nhiều lời không đúng sự thật.
  10. Không lòng nhân từ đối với mọi người.

Nếu vị quốc vương nào áp dụng mười pháp này, thì chẳng bao lâu ở đời có giặc nổi lên, mạng chung, sẽ đọa ba đường ác, tiếng xấu đồn xa.

Nhà vua lại hỏi:

– Vậy vị quốc vương phải áp dụng những phương pháp nào mà trụ lâu ở đời, không bị giặc ngoài xâm lấn, sau khi mạng chung được sanh lên Trời?

Đức Phật dạy:

– Có mười pháp khiến vị quốc vương trụ lâu ở đời, không bị giặc ngoài xâm lấn, sau khi mạng chung được sanh lên Trời. Mười pháp đó la:

1. Đối với các việc làm, ý chuyên nhất không hề lầm lẫn, luôn luôn xa lìa việc ác, gần gũi điềm lành.

2. Quốc vương không ăn uống. Sống đúng theo giới phẩm.

3. Không tham đắm thịt, rượu, biết rõ các lỗi lầm, tìm cách xuất ly.

4. Tánh không tham lam, ưa thích bố thí.

5. Vua có trí tuệ, thông hiểu nghĩa lý, thường tu thiện pháp, xa lánh ác pháp.

6. Không cậy quyền thế, không làm theo ý riêng. Trong nước có các Sa-môn, Bà-la-môn, quần thần, nhân dân thông minh khôn khéo, vị quốc vương nên tham vấn họ, đều được chỉ dẫn.

7. Không bạo ngược, giết hại nhân dân, thấy ai làm vậy, liền xử phạt nặng.

8. Không thường phái binh xâm chiếm người khác, luôn giao hảo với các nước lân cận.

9. Lời nói ra có tính qyết định không trùng lặp, xét lời người trước, sau mới phô bày.

10. Chăm lo việc nước với lòng thương nghĩ đến quần thần và nhân dân.

Vị quốc vương nào áp dụng mười pháp này sẽ trụ lâu ở đời, không bị giặc ngoài xâm lấn; Sau khi thân hoại mạng chung sanh lên Trời. Vị vua nào đem pháp đúng đắn này giáo hóa tiếng tăm vị ấy vang khắp thiên hạ.

Khi ấy, vua Ưu-điền bạch Phật:

– Đúng thế, người dùng pháp đúng đắn này giáo hóa dân chúng, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên Trời. Người dùng phi pháp giáo hóa dân chúng, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa ba đường ác, tiếng xấu đồn xa.

(Trích Tăng-nhất A-hàm quyển 39)

7. VUA ƯU ĐIỀN BỊ NGƯỜI NỮ MÊ HOẶC

Người dân trong nước đem mỹ nữ dâng cho vua Ưu – điền. Vua rất vui mừng, phong cho cha cô ấy làm Thái phó, xây cung điện và cho một ngàn người kỹ nhạc hầu hạ cô ta.

Chánh hậu của vua tu theo Phật, được quả Tu- đà-hoàn. Sau đó, Hoàng hậu bị gièm, nên vua đem một trăm phát tên bắn Hoàng hậu. Hoàng hậu nhìn thấy nhưng không run sợ, cũng không nổi giận, chỉ một lòng niệm Phật, từ hòa với vua. Các mũi tên bắn ra đều bay quanh Hoàng hậu ba vòng rồi trở lại rơi trước mặt vua. Trăm mũi đều như thế.

Thấy vậy, vua kinh sợ, liền cưỡi xe vàng, voi trắng đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ chân Ngài, thưa:

– Con có tội nặng đối với Tam tôn, dâm dật, phóng đãng dấy khởi tâm tà. Có ác tâm với Phật và Thánh chúng, hàng đệ tử bạch y còn thương xót, huống nữa là Đức Như Lai? Nay con xin sám hối tội lỗi, quy y ba ngôi báu. Cúi mong Ngài rũ lòng từ mẫn xá tội cho con.

( Trích kinh Ưu-Điền Vương )

8. RẮN CỨU HAI VỊ TỲ-KHEO

Xưa, vua nước Ba-hoàn đề hiệu là Đàn-na. Trong nước bị lũ lụt. Sau khi nước rút, bỗng có con rắn lớn bao quanh thành một vòng, đầu hướng về cửa thành. Cư dân trong thành hơn ba trăm triệu người. Lâu ngày không ra ngoài thành, nhiều người đói kém. Rắn không làm dữ gì nhưng hễ ai đi ra sẽ bị nó cắn. Nhân dân cả nước đều kinh sợ.

Bấy giờ, tại nước ấy, trong núi có hai vị đạo nhân tu hành thanh tịnh là Ma-ha-điều và Sa-ha-điều. Cả hai ngồi tư duy:

– Rắn là loài vật có độc, nay lại bao quanh thành sẽ nguy đến mạng người.

Nghĩ rồi, họ liền đến gặp nhà vua. Vua thấy hai vị đạo nhân, bèn nói:

– Do ta cai trị bất công nên xảy ra cái họa này. Cả nước hoang mang, ta không còn được lòng dân nữa.

Hai đạo nhân nói với nhà vua:

– Nay sẽ tìm cách giúp vua trừ khử.

Vua và quần thần đều cúi đầu cầu thỉnh:

– Nhờ ơn hai vị đạo nhân, nhân dân cả nước mới mong còn được sống sót.

Sa-ha-điều liền hóa thân làm một con ếch lớn nhảy qua rắn. Rắn đang đói khó nhịn được, liền đuổi theo ếch. Ma-ha-điều lại hóa làm một con cừu đuổi theo sau. Rắn thấy cừu liền kinh sợ chạy một mạch vào núi. Rắn đi rồi, nhân dân đều được yên ổn. Vua và các đại thần tìm đến chỗ ở của hai vị đạo nhân, dập đầu lễ tạ:

– Hai vị đạo nhân ở gần đây, tôi thật ngu si không sớm biết cúng dường. Đến lúc gặp nạn tai, được đạo nhân cứu giúp mới hay, rất mong dạo nhân về hoàng cung ở. Tôi và dân chúng được thay nhau cúng dường.

Đạo nhân bảo:

– Ta hành đạo thanh tịnh vô dục, không thích sự cúng dường

Nhà vua tự thân tu đạo. Nhân dân phụng hành chánh pháp. Cả nước trên dưới đều được an vui. Vua liền xin thọ năm giới, thập thiện, quy y Tam bảo, hàng tháng đều giữ trai giới. Từ đó về sau, nước mạnh dân an, bốn phương thịnh trị, luôn được thái bình.

Sa-ha-điều chính là Đức Phật. Ma-ha-điều là Phật Di-lặc. Vua là Cưu-ma-ca-diếp. Rắn là Điều-đạt.

(Trích kinh Bồ-Tát túc tạng )

9. QUỐC VƯƠNG BIẾT TU PHƯỚC

Xưa có vị Quốc Vương thích uống rượu, săn bắn. Mỗi lần đi săn về, nhà vua liền đốt đèn thắp hương, đội mâm làm lễ. Người hầu đứng bên thưa:

– Nhà vua uống rượu, săn bắn, lần nào trở về cũng đều đội mâm sẽ được phước gì?

Vua nghe rồi, liền sai người đốt lửa nấu một chảo nước lớn cho sôi, thả vào đó một bình vàng. Nước sôi sùng sục. Vua cho gọi người hầu đến bảo mò lấy bình vàng lên. Người hầu thưa:

– Nước nóng không thể lại gần.

Vua bảo:

– Ngươi phải tìm cách mà lấy, vì sao không được?

Người hầu thưa:

– Vì không biết làm cách nào để lấy.

Vua bảo:

– Ngươi hãy dập tắt lửa để nước nguội đi.

Người hầu làm theo lời vua, liền mò lấy được bình vàng.

Vua bảo:

– Khi ta uống rượu, săn bắn cũng như nước đang sôi. Khi ta đội mâm làm lễ cũng như dập lửa cho nước nguội, vì sao không được phước!

(Trích kinh Tạp Thí Dụ )

10. KHI LÂM CHUNG, QUỐC VƯƠNG GIẤU MINH CHÂU TRONG BÚI TÓC

Quốc vương nọ có viên minh châu như ý, giấu trong búi tóc ngày đêm rất yêu quí. Sau đó, vua băng hà. Theo phép nước, trước phải để thi hài nơi ruộng hoang cho thịt rã hết, rồi nhặt lấy hài cốt an táng. Thân thể nhà vua hư hoại, búi tóc trên đầu xổ ra, bày hạt minh châu. Khi ấy, có người vợ lính tên Gia-đà-lợi, đang đi thấy minh châu đem về.

Vương gia nhặt cốt quên mất hạt minh châu này. Thái tử lên ngôi, nhớ lại, treo bảng: “Nếu ai tìm được viên thần châu ấy sẽ được phong ấp vạn hộ, ban cho ngàn cân vàng.” Người vợ lính mang hạt châu đến nộp, liền được phong ấp. Vua đặt viên minh châu lên đầu. (Trích kinh Thí Dụ quyển 7).

11. BỊ CƯỚP NƯỚC MÀ KHÔNG KHÁNG CỰ

Có vua nước lân cận, dấy binh chinh phạt nước địch. Các đại thần nước ấy tâu với đại vương của mình.

– Binh nước kia sắp đến gần, xin đại vương chuẩn bị để đánh trả.

Vua bảo các quan:

– Đây là việc không đáng, cần gì đến ta.

Giặc đánh vào cổng thành. Các quan tâu vua:

– Giặc tuy ở ngoài nhưng chưa đáng lo, hãy lo việc riêng, đừng lo việc công.

Khi ấy, giặc hung hãn tiến thẳng vào thành. Tả hữu tâu lên vua:

– Giặc đã vào thành rồi.

Vua bảo các quan:

– Việc nhỏ nhặt như thế cần gì phải tâu.

Vua nước lân cận tiến vào cung. Các quan lại tâu:

– Vua nước lân cận nay đã vào điện, không biết Thánh Tôn có ý định gì không?

Vua bảo:

– Ta nay ở đời thấy sự đổi thay không dừng, hưng thì ắt có suy, hội họp có chia lìa, khó bảo đảm thường còn.

Nói rồi, đại vương liền thay hình đổi dạng như người đi xin, lui về núi sâu, tư duy về đạo đức để tự vui: “Giả sử nếu vua bạo ngược này muốn hại ta, không từ bỏ ác tâm. Nếu như vậy thì nước mất nhà tan đều do một người. Ta nay chịu chết để muôn dân được yên, há không phải được phước lớn lắm sao?”

Vua nước kia khen là việc chưa từng có, cất tiếng khen:

– Hay thay, đại vương, từ xưa đến nay chưa có ai sánh được với Ngài. Tôi tuy đã thắng vẫn không bằng đại vương. Đại vương đã mở mang đạo lớn, không nghĩ đến vinh hoa ở đời. Từ nay trở đi, đại vương hãy trở về nước của mình giáo hóa dân chúng. Hai vua đối xử với nhau thân thiết. (Trích kinh Bồ-tát tạng, quyển hạ)

12. QUỐC VƯƠNG THỬ MỘT VỊ QUAN CÓ TRÍ

Xưa có vị quốc vương muốn tuyển chọn những người thông minh trong nước để làm cận thần. Nhà vua sáng suốt nghĩ ra rất nhiều cách. Cuối cùng, nhà vua đã chọn được một người thông minh đĩnh đạc, ý chí thanh nhã, uy dũng mà không bạo ngược, tiếng tăm và đức hạnh vẹn toàn. Nhà vua muốn thử nghiệm, bèn gia trọng tội. Nhà vua bắt phạt, bảo bưng bát đựng đầy dầu, đi hai mươi dặm, hễ rơi một giọt thì chém đầu không cần thưa. Quần thần tuân hành. Người xem đầy đường.

Giống như mặt nước phẳng lặng, gió thổi đến làm nổi sóng, người này tâm bất an, nghĩ rằng: “Ta nay chết chắc”. Nếu bưng bát, dầu không đổ, đi đến nước ấy thì ta mới được sống, nên chỉ để ý đến bát dầu, bước đi vững vàng.

Khi ấy, các quan binh, phụ mẫu, tôn thân, người trong nước kéo nhau đến xem, bỗng gặp voi say chạy ra giữa đường rống lên dữ dội như tiếng sấm sét, đạp chết các loài voi ngựa, trâu, bò, heo, dê, giẫm nát xe cộ đổ ngã tán loạn. Người thấy đều sợ hãi, bỏ chạy tứ tán. Như gió thổi mây, như người bắn tên, người bưng bát không hề hay biết những việc xung quanh:voi đến, voi đi khi nào, trong thành lửa cháy thiêu đốt cung điện, Con ong nhả độc cắn người, các quan binh dập lửa, mây ngũ sắc kéo đến, Trời nổi sấm sét, gió thổi đất cát, ngói gạch lấp đầy đường. Cây trốc gốc, cành gãy, hoa rơi trái rụng, sấm rền chớp giật, chim chóc kêu la, Trời tuôn mưa đá. Tuy có những cảnh tượng như thế mà người ấy đều không hay biết, bưng cái bát đầy dầu đi đến nước kia, không đổ một giọt nào. Vua rất hoan hỷ, phong làm đại thần. (Trích kinh Tu Hành Hoan Hỷ)

13. VUA ĐẦU LỪA

Xưa có quốc vương mình đầu lừa. Phật bảo nhà vua:

– Ở núi Tuyết có loài cỏ thuốc tên Thượng Vị. Nhà vua dùng thuốc ấy có thể trở lại đầu người. Vua đến núi Tuyết lấy thuốc ăn, đầu không biến đổi. Vua trở về bạch Phật:

– Vì sao Ngài nói dối.

Phật bảo nhà vua:

– Đừng chọn cỏ thuốc gì cả thì tự trở lại đầu người.

Vua lại lên núi. Cỏ cây mọc trong núi đều để trừ bệnh. Nhà vua không chọn lựa nữa, ăn một miệng cỏ, liền trở lại đầu người.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ)

14. VUA KHÔNG NGỦ

Xưa có quốc vương, ngày đêm không hề chợp mắt. Người trực bên nhà vua nếu ngủ liền bị giết. Trước sau nhà vua đã giết bốn trăm chín mươi chín người.

Có một người con trưởng giả sắp phải vào trực. Cả nhà khóc lóc tiễn đi. Có một đứa bé hỏi:

– Vì sao lại khóc?

Trưởng giả nói hết sự thật.

Đứa bé thưa:

– Ông có thể mướn tôi, tôi sẽ thay thế cho.

Trưởng giả vui quá, ban cho một ngàn lạng vàng để vào trực.

Nhà vua hỏi:

– Ngươi vì sao vào đây?

Đáp:

– Tôi trực thay cho con trưởng giả.

Nhà vua bảo:

– Ngươi cẩn thận, chớ ngủ; nếu ngủ, ta sẽ giết ngươi.

Bấy giờ đứa bé ngủ. Nhà vua toan giết, bèn hỏi:

– Vì sao ngủ?

Đứa bé đáp:

– Không ngủ đâu, tôi đang suy nghĩ về một việc.

– Việc gì?

– Làm một đồ vật sức chứa một thăng nhưng lại đựng được hai thăng; đó là đựng đầy một thăng cát lại đựng được một thăng nước.

Vua thử nghiệm quả thật như vậy. Đứa bé lại ngủ lăn trên đất.

Vua định giết. Đứa bé nói:

– Đang nghĩ một việc.

Vua hỏi:

– Việc gì?

– Đào một cái hố sâu một thước rồi đem đất ấy lấp lại thì không đầy 8 tấc.

Vua sai người làm thử, thấy quả đúng vậy. Đứa bé lại ngủ, nằm sấp trên đất. Vua định giết, hỏi:

– Ngươi vì sao lại ngủ?

Đứa bé nói:

– Tôi đang nghĩ một việc đây. Nếu vua không bắt tội, tôi sẽ nói.

– Hãy nói.

– Vua giống như con quỷ.

Đứa bé nói rồi, liền bỏ đi.

Nhà vua suy nghĩ:

– Vì sao nó gọi ta là quỷ?

Nghĩ rồi, vua liền hỏi mẫu hậu. Hoàng hậu bảo:

– Con đúng là quỷ rồi. Khi ta mang thai con, đêm nằm mộng thấy quỷ giao hội với ta mà có con.

Nhà vua liền tỉnh ngộ, không giết người nữa, hối lỗi làm thiện, học đạo.

Vua bấy giờ chính là ta, bốn trăm chín mươi chín người nay là năm trăm đệ tử thượng thủ của ta. Đứa bé làm ta thức tỉnh là Văn Thù Sư Lợi.

(Trích kinh Thí Dụ quyển )