KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 28

 

1. HOÀNH HƯNG PHÍ ĐIỀU BỊ GIAN THẦN GIẾT CHẾT, HỒN NHẬP VÀO XÁC CŨ LẠI LÀM VUA

Bình Sa Vương có một đại thần do phạm tội nên bị đày đến Nam Sơn cách nước đó ngàn dặm. Nơi ấy vắng vẽ không lúa gạo, nhưng khi vị đại thẩn đến thì nước suối ở đây bỗng nhiên tuôn ra, ngũ cốc được mùa. Những ngưòi đói rét ở các vùng lân cận đều đến đây ở, chỉ trong vòng mấy năm đã có đến ba bốn ngàn nhà. Người nào mới đến cũng được cấp cho ruộng đất để sinh sống. Ở vùng nầy có ba trưởng lão lớn nhất họ cùng bàn ban với nhau rằng nước không có vua, như thân không đầu. Chúng ta nên đến mời vị đại thần lên làm vua. Vị đại thần nói:

– Nếu chọn ta làm vua thì phải chế lập phép tắc như vua các nước khác, phải có đủ đại thần, văn võ, tướng sĩ, trên dưới triều cống, lập cung thất, tuyển mỹ nữ và nộp thuế lúa, vải đúng theo phép chế định cho người dân.

– Xin vâng theo lời Ngài.

Rồi nhất nhất theo phép tắc vua chúa lập vị đại thần lên làm vua, lại lập ra văn võ, quần thần trên dưới, đốc súât dân chúng xây thành, cất cung điện, lầu gác. Vì thế nhân dân phải chịu đói khổ không thể kham nỗi nên họ có mưu đồ tạo phản.

Bọn gian thần dẫn vua đi săn, khi ra khỏi kinh thành khoảng ba mươi đến bốn mươi dặm, đến chổ đầm lầy vắng vẽ họ trói vua lại định giết.Vua hỏi cận thần:

– Vì sao mọi người lại muốn giết ta?

– Tâu bệ hạ! Dân chúng vì yêu chuộng sự ấm no an vui mới đề cử Ngài lên làm vua, nhưng nay dân chúnng lại lầm than đói khổ nên có âm mưu tạo phản. Vua nghe thế liền nói: “đó là do các khanh làm ra chớ nào phải do ta. Nay kẻ nào giết oan ta sẽ có Thánh thần chứng biết. Hãy để ta phát một lời nguyện, dẫu có chết cũng không oán hận.”

Sau đó vua phát nguyện: Ta vốn khai hoang vùng đất này, nuôi dưỡng nhân dân, người nào đến đây đều được giàu có an vui. Từ khi các ngưòi cử ta lên làm vua chiếu theo phép tắc của các nước khác để cùng nhau thực hành, nay các ngươi trở lặi muốn giết ta. Ta thật sự không có lỗi lầm với người dân ở đây. Nếu ta chết nguyện sẽ làm La sát nhập trở lại thân cũ để báo oán nầy. Bọn cận thần thắc cổ vua chết. Họ bỏ đó rồi đi. Sau ba ngày hồn vua nhập vào thân cũ tự xưng là A-la-ba và trở về cung. La sát giết vua mới, và các thể nữ trong hậu cung cùng các gian thần. Ba vị trưởng lảo kỳ cựu bàn bạc rồi tự trói mình rồi đến trước La sát thú tội: đây là do gian ta gây ra, chớ dân đen nào có tội tình gì. Xin Ngài hãy rộng lòng tha thứ mà trở về trị nước như xưa.

La sát đáp:

– Ta là La sát, muốn ta làm việc như cũ thì bữa ăn của ta phải có thịt người, vậy các khanh phải cung cấp thịt người cho ta.

Biết La sát tính tình nóng nãy, dể nổi giận, không thể can gián được, nên các vị trưởng lảo đành nói: “Nước là của bệ hạ ban cho, nên nên về việc ăn uống chúng tôi xin vâng theo sự sai bảo của Ngài”.

Các vị trưởng lảo ra lịnh cho nhân dân từ đây về sau một nhà phải cống nạp một đứa trẻ để làm thức ăn cho vua La sát. Cứ thế cho đến ba bốn ngàn nhà, đến phiên một gia đình kia là đệ tử của Phật. Cả nhà điều tinh tấn giữ gin năm giới. Khi đến phiên gia đình họ phải cống nạp trẻ con cho triều đình, mọi người trong nhà đều buồn rầu than khóc hướng về núi Kỳ-xà-quật đảnh lể Đức Phật, ăn năn tự trách những lỗi lầm đã qua. Phật dùng đạo nhãn thấy được sự đau khổ của họ, bèn nói: “đứa trẻ này về sau sẽ độ vô số người”

Ngài liền dùng thần thông bay đến trước cửa cung La sát, hiện ra tướng ánh sáng chiếu khắp trong cung. La Sát trông thấy ánh sáng nghi là có người khác thường nên vội bước ra, vừa trong thấy Phật La sát liền khởi ác tâm trước tiên muốn nuốt ánh sáng của Phật vì đã làm chói mắt nó. Hắn lại dời núi khạc lửa nhưng đều bị Phật hoá thành tro bụi. Đợi cho La sát mõi mệt, Ngài mới hàng phục nó. Sau đó la sát thỉnh Phật lên tòa cung kính đảnh lễ Ngài. Chú tâm nghe Phật thuyết pháp. Nghe xong La sát xin thọ năm giới làm ưu bà tắt. La sát lại thúc dục cận thần đem trả đứa bé kia. Người nhà đứa bé nghe tin khóc lóc chạy theo. người đến xem rất đông ai ai cũng động lòng thương xót. Vị quan bế đứa trẻ đến trước La- sát. La sát đở lấy rồi quỳ xuống bạch Phật:

– Bạch Thế tôn người trong nước lần lượt đem trẻ con đến cho con ăn thịt, con nay đã thọ năm giới nên không ăn thịt người nữa, xin đem đứa trẻ này cúng dường Đức Phật để Ngài sai bảo.

Đức Phật nhận lấy đứa trẻ rồi thuyết pháp chú nguyện, La-sát nghe xong vô cùng vui mừng đắc quả Tu-đà-hoàn. Đức Phật đặt đứa trẻ vào trong bát bưng ra khỏi cửa cung, trả lại cho cha mẹ của nó. Ngài bảo:

– Các người hãy chăm sóc nó, chớ có lo buồn nữa.

Mọi người trong thấy Đức Phật đều kinh ngạc tự hỏi: “Đây là vị thần nào? Đứa trẻ này có phước gì mà chỉ mình nó được cứu độ”?

Đức Phật nói kệ:

Nhờ giữ gìn giới đức
Phước báo thường theo ta
Trọn lìa ba đường ác
Đắc pháp, người cao quý
Giữ giới trừ sợ hãi
Phước báo tam giới tôn
Quỷ rồng tà độc hại
Không phạm người trì giới.

Mọi người nghe kệ xong trong lòng vui mừng đều được kiến đạo và trông thấy hào quang sáng chói của Đức Phật, họ đều xin làm đệ tử của Ngài.

(Trích kinh Pháp Cú quyển )

2. MẾN PHẬT NGHE PHÁP ĐẮC QUẢ TU-ĐÀ-HOÀN

Trong nước Xá-vệ có hai người thương buôn. Người thứ nhất nói rằng thân Phật cao một trượng sáu da màu vàng tía rất đẹp, trên đỉnh đầu Phật một nhục kế và có hào quang tỏa sáng chung quanh,Phật giống như một vị vua, các Tỳ-kheo giống như các đại thần, hễ vua nói lên lời gì thì các đại thần liền trùng tuyên lại và làm rõ thêm những lời ấy. Phật đúng là bậc rất đáng tôn quý. Phật biết được tâm niệm của người ấy nên tỏ vẽ sự thân thiện, người ấy rất vui sướng mỗi khi nghĩ đến Phật.

Người thứ hai lại cho rằng Phật như là bò,hàng đệ tử như các cỗ xe, hễ bò đến đâu thì kéo xe đến đó. Phật biết được người này có tâm ác như vậy,về sau ắt sẽ bị quả báu. Ngài vô cùng thương xót.

Một hôm nọ hai người rủ nhau ra ngoài thành, đi khoảng ba mươi dặm thì dừng nghỉ trong một quán rượu nhỏ bên đường. Hai người cùng uống rượu và chuyện trò với nhau. Người có tâm thiện nói: Đó là nhờ Trời Tứ Thiên vương sai Thiên thần đến giúp đỡ chúng ta. Người có tâm ác lại nói: Đó là nhờ quỷ thần trong núi Thái sơn đưa rượu vào bụng chúng ta. Nên khi rượu vào thì toàn thân nóng như thiêu đốt.

Hai người ra khỏi quán đến ở chỗ trống nằm soài ra đất rồi người từ từ ngã lăn vào trong vết bánh xe. Người có tâm ác tự nhiên nằm lọt trong đường xe đi. Đến sáng hôm sau, có một người thương buôn dẫn năm trăm cỗ xe bò đi ngang qua vô tình cán chết người có tâm ác. Người tâm thiện thấy bạn chết liền nghĩ: “ta nay thật là xui xẻo nếu về làng thì sẽ bị nghi ngờ. lại mang tiếng là người bất nghĩa. Ông buồn bã bỏ tất cả tài sản, trốn đến một nước nọ cách nước Xá-vệ khoảng mấy vạn dặm.” Gặp lúc vua nước ấy vừa băng không có con kế vị. Trong sấm thư nước này có ghi rằng: trong nước có một người dân hèn sẽ nối ngôi vua cai trị đất nước. Các quần thần cùng nhau bàn bạc. Một vị nói:

– Đất nước không có vua như người mất đầu, làm sau tồn tại lâu dài được. Chúng ta phải gấp rút tìm người xứng đáng làm vua trị vì trăm họ. Nhưng biết tìm ai đây? Tôi có cách này, Vua chúng ta có một con ngựa thường hay lạy vua. Chúng ta thả ngựa ra, nếu ngựa quỳ trước người nào, thì người ấy sẽ là vua vậy.

Mọi người đều tán thành.

Thế là họ cột con ngựa ấy vào cỗ xe được trang hoàng lộng lẫy,trước xe có treo dãi ấn của vua, rồi cho đứng giữa đường. Mọi người thấy vậy không ai cầm được nước mắt.

Lúc ấy người thương buôn cũng đến xem. Đột nhiên quan Thái sử nói:

– Đằng kia có mây giống như chiếc lộng vàng, chắc nơi ấy sẽ có vua!

Vừa nói xong ngựa thần liền đi thẳng đến quỳ xuống liếm chân người thương buôn. Các quan vui mừng vô cùng đem hương hoa đến tắm gội cho người thương buôn rồi tôn người ấy lên làm vua và tự xưng là bề tôi. Người thương buôn nói:

– Tôi vốn là thương buôn không có đức gì với dân, đâu dám nhận chức thiên tử.

Các quan đều nói:

– Ngài sẵn có đức lớn nên ngựa thần mới quỳ xuống trước mặt Ngài.

Các quan liền thỉnh người lái buôn vào cung tôn làm vua cai trị đất nước.

Ngồi trên bệ rồng cao quý tột bực, vua nghĩ: “Ta đâu có tạo chút phước gì, sao lại được làm vua, chắc đây là nhờ ơn Phật”.

Hôm sau lâm triều, Vua hết lời khen ngợi công đức của Phật, rồi dẫn quần thần trở về nước Xá-vệ lễ bái Phật. Vua nói:

– Kẻ hạ tiện này nhờ ơn Phật, nay mới được làm vua. Nơi này xưa nay chưa từng biết đến Phât, ngay cả sách vở cũng không thấy nhắc đến. Nguyện đức Thế tôn từ bi đem chánh Pháp đến nơi này để khai hoá người dân trong nước của con và xin các Thánh chúng hãy đến nơi này an cư ba tháng.

Phật nghe được lời thỉnh cầu của vua liền dạy các Tỳ-kheo ngày mai đến chỗ vua. Tất cả đều phải làm phép biến hoá, để cho người dân thấy được mà phát khởi lòng tin. Chư thiên biết tin Phật đến nước ấy để giáo hoá, liền dẫn nhau đi theo. Họ cùng trỗi lên các thứ âm nhạc ca ngợi công đức Phật, phan lọng rợp Trời, hoa rải khắp nơi, đồng thời ánh sáng rực rỡ chói cả mắt. Đức Phật và các vị A-la-hán đều ngồi trên chánh điện.vua đích thân lo liệu mọi thứ thỉnh Phật thăng tòa thuyết Pháp. Rồi đặt chiếc ghế nhỏ trước Phật để ngồi nghe pháp.

– Con vốn là người hèn hạ không có công đức gì, sao lại được làm vua?

Phật nói:

– Trước kia thấy vua nước Xá-vệ cúng dường Phật. Ngài hoan hỷ nghĩ rằng: Phật giống như một vị vua, các Tỳ-kheo giống như các quan văn võ. Nói vậy, tức Ngài đã gieo được hạt giống lành, nay đúng thời trổ quả như thế đấy. Còn người bạn của Ngài lúc ấy có tâm ác nghĩ:Phật như bò, các Tỳ-kheo như những cỗ xe. Nói vậy tức người ấy đã gieo

nhân xấu, nên bị xe cán chết, đến nay vẫn còn bị xe lửa cán trong núi thái sơn, tự chuốc lấy quả khổ. Ngôi vị hiện tại của Ngài thật sự không phải là khả năng của Ngài có được, mà do kết quả của việc thiện Ngài đã làm trước đó. Làm lành thì phước đến, làm ác thì họa vào. Nhân quả theo nhau như bóng theo hình,chẳng phải do Trời rồng hay quỷ thần ban giáng,cũng không phải do ông bà tổ tiên nào làm ra. Khởi là do tâm thành là do khẩu.

Phật lại nói kệ:

Tâm là gốc muôn pháp
Chuyên làm chủ dẫn dắt
Nếu tâm nghĩ tưởng ác
Nói ra hoặc hành động
Quả khổ ruổi theo sau
Như xe lăn theo vết.
Tâm là gốc muôn pháp
Chuyên làm chủ dẫn dắt
Nếu tâm nghĩ tưởng thiện
Nói ra hoặc hành động
Phước báo sẽ theo sau
Như bóng theo hình vậy.

Này Đại vương! có năm điều ác tội nặng nhất là:

1/ Bất hiếu, bất trung (Giết cha, giết mẹ, giết vua, vì làm cho nước mất nhà tan).

2/ Cố tâm hại bậc A-la-hán, Vì A-la-hán là nguời đã đắc đạo thay Phật cứu giúp chúng sanh.

3/ Có tâm ác phỉ báng Phật, vì Phật là bậc đã diệt được các tội, phước đức vô lượng, có đầy đủ tướng hảo và mười lực, từ bi thương xót cứu giúp chúng sanh hơn cả cha mẹ.

4/ Nói đâm thọc làm chúng Tăng mất hoà hợp, vì chúng Tăng là đoàn thể Sa-môn hòa hợp tu hành thanh tịnh, lập chí cao vời, thay Phật hoằng truyền Kinh Pháp giáo hóa chúng sanh. Nếu người phá hòa hợp Tăng thì chánh Pháp sẽ bị hủy diệt. Nếu chánh pháp hủy diệt thì chúng sanh mê loạn sa vào ba đuờng ác.

5/ Trộm cắp và phá hoại chùa miếu, vì những thứ ấy đều do thí chủ có lòng thành dâng cúng Tam bảo.

Năm tội này nặng hơn cả núi Tu di, nếu đã phạm thì không thể sám hối, hãy cẩn thận đừng phạm.

Phật nói Kinh xong vua và quần thần đều chứng quả Tu-đà-hòan.

Tất cả đều xin thọ ngũ giới làm ưu-bà-tắc. Từ đó trong nước của vua bắt đầu có Sa-môn và hàng cư sĩ giữ giới. Vua áp dụng ngũ giới thập thiện vào luật pháp của nước. Nhờ vậy đất nước ngày càng hưng thạnh, được hàng Chư thiên giúp đỡ.

(Trích Kinh Bách Ái )

3. PHƯỚC BÁU CỦA VUA BA-TƯ-NẶC

Vua Ba-tư-nặc đời trước trồng nhiều công đức nên đời nay được hưởng quả báo tương ưng.

Trong hậu viên của vua tự nhiên mọc lên một loài mía. Nước ngọt từ thân cây chảy ra suốt ngày đêm không dứt. Cũng nơi ấy, lại sanh ra một loài lúa đỏ. Lúa trổ rất nhiều bông, gặt hái hoài không hết. Vua ăn mãi những thứ này không biết chán. Thân thể vua ngày càng mập ra, hơi thở nặng nề, đi lại khó khăn.

Vua đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Phật nói kệ rằng:

Người chuyên tâm tu tập
Ăn uống vừa biết đủ
Chỉ mong giữ thân mạng.
Để nuôi dưỡng đạo đức.

Vua nghe kệ xong vô cùng vui mừng, từ biệt Phật trở về cung.

Vua thường bảo người dọn cơm đọc bài kệ này để nhắc nhở vua chớ ăn nhiều.

Về sau vua giảm ăn, thân thể liền được nhẹ nhàng, tới lui thoải mái.

(Trích kinh Xuất Diệu quyển 17)

4. VUA BA-TƯ-NẶC THỈNH PHẬT GIẢI MỘNG

Một đêm nọ vua Ba-tư-nặc ngủ, mộng thấy mười điều:

  1. Cây con trổ hoa.
  2. Cây con kết trái
  3. Trâu mẹ theo bú trâu con.
  4. Loài người cắt sợi dây loài dê theo sau ăn.
  5. Mười cái nồi chồng lên nhau, nước trong nồi trên, chảy xuống nồi cuối cùng.
  6. Ngựa có hai đầu.
  7. Máu chảy thành dòng.
  8. Nước bốn bên trong,ở giữa đục.
  9. Chó tiểu trong chén vàng.
  10. Bốn con trâu từ bốn phía, bỗng chạy đến húc vào nhau, rồi trở về chỗ của mình.

Vua sợ hãi, giật mình thức dậy, nghĩ rằng: Phải chăng đây là điềm báo ta sắp mạng chung hay sẽ mất vương vị?

Vua vô cùng lo lắng, liền đến Phật trình bày giấc mộng của mình. Phật bảo:

– Xin Đại vương chớ sợ hãi, mộng này không phải là điềm báo Đại vương sắp mất ngôi vị. Ta sẽ giải thích mười điềm mộng ấy cho Đại vương nghe. Tất cả các điềm mộng của đại vương đều chỉ cho chúng sanh đời sau thích làm việc phi pháp. Thấy cây con nở hoa là điềm báo chúng sanh không hiếu thuận cha mẹ, không kính thờ và cúng dường Sa-môn Bà-la-môn. Thấy cây con kết trái là con gái lấy chồng không bao lâu lại bồng con trở về nhà không chút hổ thẹn. Thấy trâu mẹ theo bú trâu con là mẹ đứng giữ cửa cho con gái làm việc tà hạnh để sinh sống. Thấy người cắt dây dê theo ăn là chúng sanh lấy tài sản của mình để mua vui với người ngoài. Thấy mười cái nồi chồng lên nhau nứơc từ nồi trên chảy xuống nồi cuối cùng là chúng sanh đời sau, con cái đuổi cha mẹ đoạt lấy nhà cửa. Thấy ngựa có hai đầu là chúnh sanh theo lệnh vua tước đoạt của cải của các Bà-la-môn giàu có, hoặc theo các Bà-la-môn giàu có cướp đoạt các kho báu của vua. Thấy máu chảy thành dòng là đời sau sẽ có vị vua không thích nước mình khởi binh xâm chiếm nước khác, nhưng không thể ép người làm theo ý mình.vì vậy mà rất nhiều người bị vua giết hại. Thấy nước bốn bên trong ở giữa đục là người dân tronng nước thích đấu tranh loạn lạc, còn người dân các nước lân cận không có các việc đấu tranh kiện tụng. Thấy chó tiểu trong chén vàng là chúng sanh sau này ngu si không biết đạo lý. Ta đã trải qua ba a-tăng- kỳ kiếp khổ nhọc mới tìm được kho báu chánh pháp, nhưng lại bị họ phỉ báng còn dùng dao gậy đánh đập, ngói gạch liệng ném. Còn những Sa-môn giảng nói phi pháp lại được ca tụng. Thấy bốn trâu từ bốn phía bỗng chạy đến húc nhau, rồi trở về chỗ của mình là sau này sẽ có mây từ bốn phía nổi lên, sấm nổ vang Trời, lát sau mây lại tan ra Trời không đổ xuống giọt mưa nào. Giấc mộng của đại vương có mười điều cảm ứng như vậy. Không có điềm nào báo rằng vua sẽ mạng chung hay sẽ mất vương vị.

Vua nghe xong vui mừng,đảnh lễ Phật rồi trở về cung.

(Trích kinh Tăng Nhất A-hàm quyển 41)

5. TÌNH THƯƠNG CON CỦA VUA BA-TƯ-NẶC

Con gái vua Ba-tư-nặc vừa qua đời. Vua vô cùng thương tiếc, quanh quẩn không lời. Tẩn liệm công chúa xong, vua tìm đến Đức Như Lai đê đầu đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên.

Đức Phật hỏi:

Tại sao vua buồn bả áo quần lem lấm, mặt mày ủ rủ như vậy?

– Bạch đức Thế tôn! Đứa con gái mà con thương yêu nhứt vừa qua đời, con muốn đem voi, ngựa, xe cho đến tất cả những vật quý giá nhất để đổi lấy mạng sống của con mình. Này đại vướng! Sự đau buồn khổ não đều do ân ái mà ra, sở dĩ như thế là tại sao?.

Này Đại vương! Xưa kia cũng tại thành Vương xá này, trong một gia đình nọ, có một người con vừa qua đời. Người mẹ vì quá thương conđến nỗi điên loạn, không còn lý trí. Bà ta đi khắp nơi cứ hỏi mọi người rằng: “có ai gặp con ta không?”

Đại vương! Lúc đó, ta dùng mọi cách để người ấy tự biết: “Đau buồn khổ não đều do ân ái mà sanh ra”. Nên lấy đó mà nay xin đại vương chớ có buồn rầu quá lắm! Tất cả ân ái đều phải chia lìa, phàm vật có sanh ắt sẽ có hoại diệt, cứ như thế Đức Phật giảng rộng các pháp lý cho vua nghe.

Vua lãnh thọ lời dạy của Đức Phật rồi từ biệt ra về.

(Trích kinh Tư-Nặc Vương Nữ Mạng Quá Thỉnh Phật)

6. VUA BA-TƯ-NẶC ĐI SĂN GẶP MẠC LỢI PHU NHÂN

Bấy giờ trong thành Xá-vệ có một Bà-la-môn rất giàu có tên Danhã-đa, nô tỳ tên là Hoàng Đầu, làm việc giữ vườn Mạc La.

Cô ta thường buồn rầu than thở: “chẳng biết đến bao giờ ta mới thoát khỏi kiếp nô tỳ này”.

Sáng nào khi đến vườn, cô cũng mang theo một phần cơm khô.

Một hôm, Đức Phật vào thành khất thực Hoàng Đầu trong thấy Đức Thế tôn liền nghĩ: “Ta nên đem phần ăn của mình cúng dường cho vị Sa-môn nầy may ra có thể thoát khỏi kiếp nô tỳ”. Nghĩ vậy liền đem thức ăn đến cúng dường Đức Phật. Đức Phật thương xót thọ nhận rồi trở về Tinh xá, còn Hoàng Đầu trở lại vườn Mạc La.

Nhân lúc vua Ba-tư-nặc dẫn binh đi săn, bọn tuỳ tùng chia nhau giăng lưới lùa bầy nai vào. Bấy giờ khí Trời nóng bứt, từ xa vua trông thấy một khu vườn liền quay xe đi về hướng khu vườn. Hoàng Đầu từ xa trông thấy một người tướng mạo, cử chỉ khác thường liền ra nghinh đón:

– May mắn thay được gặp đại nhân, mời Ngài ngồi nàng vội cởi chiếc áo khoác bên ngoài, trãi cho vua ngồi, rồi hỏi:

– Không biết Ngài có cần nước rửa chân không?

– Được cám ơn cô! Vậy thì quá tốt!

Hoàng Đầu liền đi lấy nước rửa chân cho vua, rồi hỏi:” Ngài có muốn rửa mặc không?” Vua đồng ý cô liền lấy nước cho vua rửa mặt. Rồi cô lại hỏi: “Ngài có khát không?” rồi cô liền đi đến bên ao lấy lá sen múc nước cho vua uống, rồi nói: “Ngài có muốn nghỉ ngơi một lát không? Vua tỏ vẻ đồng ý, cô liền cưỡi thêm một chiếc áo khoát, trải lên giường để vua nằm. Thấy vua đã nằm nàng quỳ một bên xoa bóp tay chân cho vua đỡ mệt mõi. Thân thể Hoàng Đầu mềm mại, đẹp đẽ giống như tiên nữ. Vua rất thích liền nghĩ: “Ta chưa từng gặp người con gái nào thông minh như vậy. Không cần chỉ bảo mà vẫn biết cách hầu hạ”. Liền hỏi:

– Nàng là con gái nhà ai?

– Tôi là nô tỳ của gia đình Bà-la-môn Da-nhã-đạt. Họ sai tôi canh giữ khu vườn này.

Nói đến đây thì các vị đại thần tìm vua cũng vừa vào đến khu vườn, họ bái chào vua rồi đứng qua một bên. Vua cho người gọi Bà-lamôn Da-nhã-đạt đến. Vua hỏi:

– Cô gái này là nô tỳ của ngươi phải không?

– Tâu bệ hạ! Đúng vậy!

– Ta muốn cưới nàng về làm vợ, ngươi có đồng ý không?

– Nó là nô tỳ sao làm vợ Vua được?

– Không hề chi ngươi cứ tính giá đi!

– Nếu đúng giá thì phải một trăm ngàn lượng vàng, nhưng tôi lẽ nào lại lấy tiền của Bệ hạ. Như Ngài thích thì tôi sẵn sàng dâng hiến cho Ngài.

– Không nên như thế! Ta rước nàng về làm vợ sao lại không trả tiền.

Vua liền xuất một trăm ngàn lượng vàng đưa cho Bà-la-môn và đón Hoàng đầu về cung.

Từ đó về sau, cô gái giữ vườn Mạc Lợi thuở nào nay vào cung được vua yêu mến và phong làm Mạc Lợi phu nhân, vợ vua Ba-tư-nặc. Sau đó không lâu trong số năm trăm cung phi mỹ nữ, vua lập nàng làm đệ nhất phu nhân, được cùng vua ngự trên điện cao nàng nghĩ: “Ta nhờ phước báo gì mà vừa thoát kiếp nô tỳ, lại đựơc tôn làm đệ nhất phu nhân sung sướng tột bực thế này!”. Nàng lại nghĩ: “Chẳng phải trước kia ta đã cúng dường phần cơm khô cho vị Sa-môn. Nhờ vậy mà được thoát liếp nô tỳ, hưởng phước giàu sang sung sướng”.

(Trích phần đầu luật Tứ Phần quyển 13)

7. SỰ TÍCH TẮM PHẬT

Thuở xưa có Đức Phật hiệu là Thuỷ Vô, có vị vua tên là Hảo Tín. Vua rất mến mộ Phật pháp, lại thích ngắm nhìn thân tướng tốt đẹp của Như Lai. Ngay trong ngự uyển vua cho trồng cây Ni-câu-loại. Dưới gốc cây làm toà bằng gỗ chiên đàn, thỉnh Phật ngồi thyết pháp.

Đến khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Vua không còn gặp Phật. Ngài buồn bã nhớ đến Phật liền đặt tên cây Ni-câu-loại là cây Phật, để mỗi lúc thấy cây cũng như thấy Phật vậy. Ngày nào vua cũng đến ngồi dưới gốc cây, để nhớ lại lời Phật dạy.

Hoàng hậu thấy vậy ganh ghét bèn thuê các vị Bà-la-môn đến trù yếm cây Phật ấy.

Vào đêm mùng bảy tháng tư Bà-la-môn vào trong núi Nam lấy nộc độc của rắn bôi lên cây, cây bị nhiễm độc mà chết. Vua buồn bã khóc than thảm thiết. Đến nữa đêm mồng tám tháng tư khi sao mai vừa xuất hiện, vua lấy nước hương của các loài hoa tưới lên cây, cây sống lại. Vua liền phát nguyện: “Nay xin chư Phật trong muời phương khi ra đời, đắc đạo hay nhập Niết-bàn cũng vào ngày này.

Từ đó về sau, chư Phật ra đời đều nhằm ngày mồng tám tháng tư.

Thế nên, ngày ấy chính là ngày tắm Phật vậy.

(Trích kinh Túc Nguyện Quả Báo)

8. KỲ VỰC DƯỢC VƯƠNG THỈNH PHẬT VÀ TĂNG

Kỳ Vực Dược Vương thỉnh Phật và chúng Tăng đến nhà thọ trai, chỉ trừ Bàn Đặc là không thỉnh.

Bàn Đặc học trong bốn tháng mà không thuộc hai chữ “chổi quét”.

Như Lai và chúng Tăng đến nhà Kỳ Vực, gia chủ bưng nước rửa chân đến nhưng Như Lai không nhận. Kỳ Vực bạch Phật:

– Bạch Đức Thế tôn vì sao Ngài không nhận nước?

– Nay trong chúng Tăng này không có Tỳ-kheo Bàn Đặc, vì thế ta không nhận nước.

– Bàn Đặc là người ngu si, còn thua những kẻ chăn bò không xứng đáng thọ lảnh của cúng dường.

– Nếu ông không thỉnh Bàn Đặc thì ta không nhận nước.

Kỳ Vực nghe Phật nói thế, liền sai người gọi Bàn Đặc đến.

Phật bảo A-nan: “ngươi hãy trao bát của ta cho Bàn Đặc, để Bàn Đặc có thể ngồi từ xa mà dâng bát cho ta”.

Sau khi Bàn Đặc ngồi từ xa dùng thần thông dâng bát cho Đức Phật. Kỳ Vực thấy vậy hối hận nghĩ: “Than ôi! Ta quá sai lầm đã huỷ nhục bậc Hiền Thánh nay ta đã phạm khẩu nghiệp”.Vì vậy ông khởi tâm cung kính Tỳ-kheo Bàn Đặc hơn năm trăm vị Tỳ-kheo kia.

Thọ trai xong, Đức Phật gỉang: Vào thời quá khứ, Kỳ Vực là người buôn ngựa. Một hôm, ông ta lùa một nghìn con ngựa đi đến nước khác, giữa đường có một con ngựa sanh con, ông ta cho ngựa con ấy rồi tiếp tục lên đường.

Kỳ vực đến gặp vua nước đó, vua nói với Kỳ Vực: “nghìn con ngựa này đều là ngựa thường, chỉ có một con ngựa tiếng kêu của nó nghe thật bi thương khác thường, nó có thể sanh ra tuấn mã. Con ngựa đó khi lớn lên trị giá bằng một nghìn con ngựa này. Nếu có con ngựa con đó ta sẽ mua hết đám ngựa này”.

Người buôn ngựa trở lại nơi chỗ cho ngựa con. Ngựa con chưa đầy một tuần lễ đã nói được tiếng người. Nó nói với chủ. Nếu ông buôn ngựa đến xin tôi, thì ông phải đòi đổi phải đổi năm trăm con ngựa khác”.

Khi người buôn ngựa đến muốn chuộc lại ngựa người chủ nuôi ngựa nói: “Tôi không muốn làm khó ông nhưng tôi khổ cực lắm mới nuôi sống được nó. Ông nay muốn xin lại phải đem năm trăm con ngựa đến chuộc. Người buôn ngựa liền đồng ý.

Con ngựa con trước bị khinh chê sau được quý trọng, nay chính là Tỳ-kheo Bàn Đặc. Kỳ vực trước khinh chê sau cung kính không phải chỉ đời này mà do nhân duyên kiếp trước.

(Trích kinh Thỉnh Bàn Đặc Tỳ-kheo)

9. BỐN ĐIỀU SỢ HÃI CỦA VUA BÌNH SA

Thuở xưa pháp trị tội kẻ trộm của tổ tiên vua Bình Sa là bắt họ tự lấy tay đánh vào đầu mình. Kẻ trộm vì thế rất hổ thẹn, về sau không dám làm nữa. Đến thời phụ vương của vua Bình Sa, nếu ngưòi nào ăn trộm sẽ đuổi ra khỏi thành và lấy đó làm nghiêm giáo. Kẻ trộm rất hổ thẹn về sau không dám làm nữa. Đến khi vua Bình Sa lên ngôi, nếu kẻ nào ăn trộm sẽ đuổi ra khỏi nước.

Bấy giờ, có một tên trộm bảy lần bị đuổi ra khỏi nước, nhưng vẫn trở lại thôn xóm cướp của giết ngưòi. Cuối cùng quan bắt được đem đến chỗ vua. Vua ra lệnh: “Hãy chặt ngón tay út của hắn đi”. Quan hữu ty cấp tốc thi hành ngay vì sợ vua đổi ý. Lúc ấy vua thử cắn vào ngón tay mình cảm thấy đau đớn, liền ra lệnh: “các khanh không được chặt tay kẻ trộm nữa. Thần đáp: “Tâu bệ hạ! Hạ thần đã chặt tay rồi”.

Vua vô cùng buồn bã và hối hận, nghĩ rằng: “Ta là vị vua cuối cùng trị dân đúng chánh pháp nhưng cũng là vị vua đầu tiên trị dân phi pháp. Phàm làm vua phải lo nghĩ đến dân chúng, sao ta lại chặt tay họ như vậy!”. Nghĩ rồi xa giá đi đến chỗ Phật, bạch Phật rằng: “Bạch Thế tôn, nhiều đời tiên vương cho đến phụ vương con đều dùng chánh pháp trị dân. Nhưng đến lượt con lại làm ác, ngày một tăng thêm nên chính sách giáo hoá ngày càng suy yếu. Con thật là sai lầm, làm vua mà lại gây thương tổn cho người dân. Con nghĩ mình thật là vô đạo, vì thế con rất hổ thẹn và sợ hãi”.

Phật bảo: Này đại vương! Theo phép trị nước người trộm bao nhiêu tiền thì tội đáng chết? Bao nhiêu tiền thì đuổi ra khỏi nước? Bao nhiêu tiền thì bị tử hình?

– Bạch Đức Thế tôn! Mười chín đồng tiền xưa tính là một kế lợi sa bàn ai trộm một phần tư kế lợi sa bàn thì tính vào tội đáng chết.

Phật thuyết pháp cho vua nghe, nghe xong vua lễ Phật rồi trở về cung.

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế tôn vì sao vua Bình Sa sợ tội như vậy.

– Ông ấy không những chỉ đời này sợ tội mà ở đời quá khứ cũng như vậy. Vào thời quá khứ vua Danh Xưng trị vì nước Ca Thi. Người dân trong nước ai cũng có nghề nghiệp để sinh sống. Người không có nghề nghiệp và kẻ trộm gọi là người ngu.

Lúc bấy giờ có một têm trộm bị quan bắt, đem đến chỗ vua. Vua nói: “Thôi đi! người kia mất của, người này ăn trộm, ta cần gì xử phạt để gây thêm một cái ác nữa?”

Vua lại nghĩ: “Từ xưa đến nay mới có một người ngu thôi nếu cả ngàn người như thế chắc ta chết mất. Nếu đủ một nghìn thì ta đã mạng chung. Vua giao người ngu cho đại thần nói:

– Ta cần một ngàn người ngu đề mở hội lớn, nếu ngươi bắt đủ số đó thì hãy báo cho ta biết.

Vị thần trói người ngu lại một chỗ. Vua thấy vậy nghĩ: “người ngu này e rằng không chịu được sự khổ sở”. Vua liền bảo đại thần: “Khanh phải quan tâm đến người này chớ để suy ốm, hãy đưa nó đến vườn vô ưu của ta để vui hưởng ngũ dục”.

Đại thần phụng mệnh, muốn lấy lòng vua nên càng chăm sóc người trộm chu đáo. Kẻ trộm nào bị bắt cũng xử trị như vậy, không bao lâu đã đủ một ngàn người. Đại thần tâu lên vua để vua xử lý họ. Vua nghe tin này rất buồn lo, nghĩ rằng: “Từ xưa đến nay lâu lắm mới có một người ngu, vì sao ngày nay chỉ trong một thời gian ngắn đã có tới ngàn người? Hay là đời sắp mạt pháp rồi nên ác pháp tăng trưởng.”

Vua ra lệnh quần thần vào vườn Vô Ưu quét dọn rưới nước, đốt hương treo tràng phan và chuẩn bị nhiều thức ăn ngon.

Mọi người làm xong, vua, quần thần và mười tám bộ chúng đến vườn Vô Ưu. Vua ra lệnh đưa những người ngu ra. Khi trông thấy họ áo quần dơ bẩn rách rưới, tóc tai bù xù, móng tay dài, vua ra lệnh cho họ tắm rửa thay áo mới và cắt tóc, móng tay cho họ. Sau đó vua lại ra lệnh ban phát cho họ những thức ăn ngon và tiền của, rồi bảo họ: “Các ngươi hãy trở về nhà phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo làm ăn chớ ăn trộm nữa!”

Những tên trộm nghe sắc lệnh vua đều vui mừng và vâng theo.

Về sau,Vua nhừơng ngôi cho thái tử, vào núi học pháp tiên nhơn.

Vị vua thuở đó chính là vua Bình Sa thường sợ tội báo.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Này các Tỳ-kheo! Vua Bình Sa không chỉ đời này ra lệnh chặt tay kẻ trộm lại hối hận mà vào thời quá khứ cũng như vậy. Vào thời quá khứ có một vị Bà-la-môn nghèo cùng khốn khổ xin ăn qua ngày, ông không có con. Trong nhà có nuôi một con trùng Na-câu-la nó sanh được một con. Bà-la-môn xem nó như con mình, nó cũng xem ông như cha. Không bao lâu sau vợ Ông ta sanh một đứa con mỗi khi đi xin ăn thường dặn vợ: “con ta còn quá nhỏ, nếu bà đi đâu nhớ bồng con đi theo nhé!” Một hôm, người vợ cho con bú xong, rồi đi đến một quán ở gần nhà. Đứa bé ở nhà một mình, vì nó thơm mùi sữa, nên rắn độc há miệng phun độc muốn giết chết nó. Trùng Na-câu-la thấy vậy nghĩ: “cha mẹ đi vắng tại sao rắn độc muốn cắn em mình.” nghĩ thế liền giết rắn độc cắn ra làm bảy khúc, lấy máu bôi vào miệng rồi đứng giữa cửa. Vì nó muốn cho ba mẹ vui khi trông thấy mình.

Lúc bấy giờ Bà-la-môn từ ngoài đi vào nhà, xa thấy vợ mình, giận dữ nói:

– Tôi bảo bà đi đâu thì đem con đi theo tại sao bà đi một mình.

Ngưòi chồng đi vào cửa, thấy miệng trùng Na-câu-la dính máu, liền nghĩ: “vợ chồng ta không có ở nhà e rằng trùng Na-câu-la đã ăn con ta?” Nghĩ thế ông ta vội vàng lấy gậy đánh chết trùng Na-câu-la. Nhưng khi bước vào trong nhà thấy con mình đang ngồi cắn tay cười giởn, lại thấy rắn độc bị cắn làm bảy khúc, bà-la-môn rất buồn bã hối hận nghĩ: “Na-câu-la-trùng cứu sống con mình. Ta không xem xét kỹ vội vàng đánh chết nó, thật đáng thương thay!” tức thời Bà-la-môn ngất xỉu té xuống đất. Lúc ấy trong không trung có tiếng Thiên nhơn nói kệ:

Nên quan sát thật kỹ
Chớ vội vàng nỗi giận
Xa bạn lành thương yêu
Giết hại người tin cậy.

(Trích luật Tăng-kỳ quyển 12 )

10. VUA BÌNH SA THÍCH ĂN NGON CHẾT SANH LÊN TRỜI TỨ THIÊN VƯƠNG

Vua Bình Sa hỏi Ngài Mục-liên:

– Thưa tôn giả cõi Trời nào có thức ăn ngon?

Mục-liên đáp:

– Thưa đại vương, cõi Trời Tứ Thiên vương có thức ăn ngon, nhưng Ngài nên sanh về cõi Trời Đâu suất.

Vua nghĩ: “Trước tiên ta phải sanh vào cõi Trời tứ Thiên vương, sau đó mới sanh vào cõi Trời Đâu suất”.

Về sau vua mạng chung sanh làm thái tử con vua Tỳ Sa-môn tên Là Tối Thắng Tử.

Như lời Mục-liên nói, người ban đầu đi bằng bụng gọi là Ma-hầu lặc, rồi sau đó sanh ra chúng sanh ba tay gọi là voi.

Có người hỏi:

– Sao gọi là người? Sao gọi là Ma-hầu-lặc? Sao gọi là voi?

– Chứng tỏ rằng những chúng sanh này từ cõi Trời Quang Âm sanh xuống đây. Đời nay làm súc sanh nhưng hình dáng giống người. Do họ ăn uống vô độ, tâm ý xấu xa, xảo trá ngày càng nhiều, nên đời tương truyền sau khi họ mạng chung sanh làm súc sanh hình dáng như ễnh ương

(Trích luận Tỳ Bà Sa quyển 14 )

11. BÌNH SA VƯƠNG VÀ PHẤT-CA-SA VƯƠNG THÂN THIẾT CÙNG TẶNG NHAU VẬT QUÝ

Vua nước Vương xá tên là Bình Sa. Thuở nhỏ khi còn làm thải tử, Ngài thường ước năm điều.

1/ Muốn làm vua khi còn tuổi nhỏ.

2/ Khiến cho trong nước mình có Phật.

3/ Muốn được tới lui viếng Phật.

4/ Muốn được nghe Phật thuyết kinh.

5/ Nghe kinh xong mau chóng được khai ngộ đắc quả Tu-đàhoàn.

Đến khi lên ngôi, những điều ước của thái tử đều được toại nguyện.

Bấy giờ, phía Bắc nước Vương xá là nước Đức Sa Y La. Do vua Sất-ca-la trị vì. Vị vua này tài đức song toàn, đời trước đã từng gặp Phật nghe kinh, thông suốt sáu phần nói về địa, thuỷ, hỏa, phong,không, thức. Hai vị vua nầy từ trước đến nay tuy chưa từng gặp mặt nhưng đã nghe danh của nhau và kính yêu nhau như tình anh em, họ thường thư từ qua lại để hỏi thăm nhau. Trong nước của Phất-ca-sa Vương có một hoa sen ngàn cánh sắc vàng, vua đem tặng cho Bình Sa Vương. Bình Sa Vương trong thấy hoa vô cùng vui mừng nói: “ Phất-ca-sa Vương đã tặng cho ta một vật hiếm la xưa nay chưa từng thấy”. Bình Sa Vương liền viết thơ cảm ơn, trong thư nói: “ Trong nước tôi có rất nhiều vàng bạc trân bảo, tôi không cho là quý. Nay trong nước tôi có một hoa Người hiệu là Phật, thân sắc vàng tía co ba mươi hai tướng tốt”. Phất-ca-sa Vương nghe đến tiếng Phật thì vui mừng khôn xiết, liền viết thư cho Bình Sa Vương: “ Những điều Phật dạy xin thuật lại cho tôi biết”. Nhưng vài ngày vua lại nghĩ: “ Mạng người ngắn ngủi chỉ trong hơi thở, ta không thể chờ thư trả lời của Bình Sa Vương được”. Thế là vua ra lệnh cho vua các nước chư hầu cùng quần thần chuẩn bị xa giá để đến chỗ Phật. Vừa lúc ấy lại nhậ được thư của Bình Sa Vương, trong thư vua nói: “ Phật dạy người lìa bỏ gia đình, vợ con, đoạn trừ ái dục, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục làm Sa-môn. Vua lại nói sơ lược về mười hai nhân duyên.”. Phất-ca-sa Vương xem thư xong có vẽ suy nghĩ: “đợi đêm đến, khi mọi người đã ngủ yên, vua lặng lẽ bỏ đi đến một khu mộ, tự cắt tóc mặc pháp phục làm Sa-môn.

Phật dùng thiên nhãn thấy tất cả mọi việc. Khi vua đi đến thành Vương xá, dừng chân nơi nhà một người thợ gốm. Đức Phật nghĩ: “mạng sống của vua Phất-ca-sa ngày mai sẽ hết, Ngài liền vận thần thông đến nhà người thợ gốm, xin nghĩ nhờ một đêm”. Người thợ gốm nói:

– Ông có thể cùng ở chung với người kia.

Đức Phật ngồi thiền, Ngài nghĩ: “vua Phất-ca-sa tâm đang vắng lặng”. Vì thế Ngài xuất thiền đến trước mặt vua hỏi:

– Ai độ cho ông làm Sa-môn?

– Tôi nghe có Phật nay thờ vị ấy làm thầy.

Đức Phật nghĩ: “Hiền giả này vì tôn sùng ta mà làm Sa-môn, ta nên nói đời trước của ông ấy, ông ta sẽ hiểu”. Đức Phật nói với vua Ca Sa:

– Ta sẽ nói kinh ông nên lắng nghe.

– Hay thay!

Đức Phật thuyết pháp xong vua chứng quả A-na-hàm, mới biết đây chính là Phật, liền đứng dậy đảnh lễ Phật.

Sáng hôm sau vua Phất-ca-sa vào thành, đi một đoạn chưa bao xa thì bị con nghé húc chết. các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Bạch Đức Thế tôn! Vị Sa-môn hôm qua được Đức Phật thuyết kinh ở nhà người thợ gốm đã bị nghe húc chết sẽ sanh về cảnh giới nào?

– Khi nghe ta thuyết kinh vị ấy liền đắc quả A-na-hàm. Nay chết được sanh lên cõi Trời thứ mười sáu đắc quả A-la-hán.

Sau đó, Ngài bảo các Tỳ-kheo thâu nhặt nhục thân của Phất-ca-sa lại chôn cất và xây một ngôi tháp ở đó.

(Trích kinh Bình Sa Vương Ngũ Nguyện, lại trích kinh Phất-ca-sa Vương)

12. THIÊN TỬ XÍCH MÃ HỎI PHẬT NƠI KHÔNG CÓ SANH TỬ

Một hôm, thiên tử Xích Mã một người có tướng mạo rất đẹp, vào lúc Trời gần về sáng đã đi đến chỗ Phật mà bạch rằng:

– Bạch Đức Thế tôn, chúng ta có thể vượt qua thế giới này để đến một nơi không có sanh, già, chết không?

– Không thể đến đó được.

– Kỳ lạ thay! Thưa Thế tôn, xin Ngài nói rõ nghĩa này. Con nhớ vào đời quá khứ, con đã từng làm một vị tiên tu đạo tên là Xích Mã, chứng đắc thần thông lìa các ái dục. Bấy giờ con nghĩ: “Ta có thần thông đi lại rất nhanh như đại lực sĩ dùng tên bắn trong chốc lát vượt qua khỏi bóng cây đa la có thể lên đến núi Tu di, rồi qua Đông Hải, đến Tây Hải. Con nghĩ thần lực nhanh như vậy nay muốn vượt qua thế giới này”. nghĩ xong liền đi chỉ trừ lúc ăn uống nghĩ ngơi tiểu tiện, giảm bớt việc ngủ nghĩ, đi như thế cho đến trăm tuổi, nhưng giữa đường đã mạng chung mà vẫn chưa đến được. Nói xong vị Thiên Tử biến mất. (Trích kinh Tạp A-hàm quyển 29)

13. VUA ĐA TRÍ GIẢ ĐIÊN KHỎI HỌA

Ở nước nọ có một trận mưa độc, nước tuôn xuống sông hồ, giếng vũng. Người nào uống nhằm nước đó sẽ phát cuồng đến bảy ngày. Vua nước ấy đa trí, thấy mây biết mưa độc liền che miệng một cái giếng khiến cho nước mưa không rơi xuống. Bấy giờ quần thần đều uống nước mưa độc ấy nên phát cuồng, cởi quần áo, lấy bùn đất bôi lên đầu rồi đến ngồi trên điện vua. Trong triều đình chỉ có vua là người còn tỉnh táo. Tất cả quần thần không biết mình bị cuồng lại cho rằng vua bị cuồng, vì sao lại mặc áo quần không giống như những người khác. Họ đều cho rằng đây chẳng phải là việc nhỏ nên cùng nhau bàn tính. Vua sợ quần thần muốn tạo phản nên lo sợ bảo với họ:

Ta có thuốc hay có thể trị lành bệnh, các người chờ một lát, đợi ta uống thuốc.

Vua vào trong cũng cởi hết đồ như họ rồi đi ra. Tất cả quần thần trông thấy thế đều rất vui mừng.

Bảy ngày sau, quần thần tĩnh lại, rất hổ thẹn. Họ mặc quan phục đội mão vào triều chầu vua, vua vẫn loả thể ngự triều. Quần thần vừa sợ vừa lấy làm lạ hỏi:

– Bệ hạ bình thường rất đa trí, nay sao lại như vậy?

– Tâm ta thường an định không thay đổi, vì các ngươi cuồng nên lại cho rằng ta cuồng, tâm các ngươi chẳng thật. (Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 4 )