KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

NHỮNG SỰ KIỆN THỜ XÁ LỢI SAU PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

A. XÂY THÁP XÁ LỢI PHẬT

  1. Thiên nhơn, Long vương chia xá lợi xây tháp.
  2. Vua A-dục xây tám vạn bốn ngàn tháp.
  3. Nhơn duyên xây tám vạn bốn ngàn tháp.
  4. Vua Phất-sa-mạt-đa-la phá tám vạn bốn ngàn tháp xá lợi Phật.
  5. Vua Thiên-ái-đế-tu xây tháp thỉnh xá lợi và cây Bồ-đề.
  6. Ca-la-việt cùng bốn người xây tháp, được phước báo bàn tay tuôn mưa bảy báu.
  7. Tu-đạt xây tháp thờ tóc, móng của Phật.
  8. Thiên nhơn được giáo hoá, dựng tháp thờ tóc, móng của Phật.
  9. Thiên nhơn dựng tháp thờ răng và xương khuyết bồn của Phật.
  10. Đồng tử đắp cát làm tháp.
  11. Di Hầu dùng đất đá làm tháp.
  12. Bốn tháp ở cõi trời.
  13. Bốn tháp ở nhân gian.
  14. Tháp thờ xương của Ma-ha-tát-đỏa.
  15. Phật hiện tháp xá lợi khi còn tu đạo Bồ-tát.
  16. Vua Cấm-mị xây tháp thờ xá lợi của Phật-Ca-diếp.
  17. Trùng tu tháp cũ của Phật Ca-diếp.
  18. Vua Đức-chủ xây năm trăm tháp.
  19. Tháp báu từ dưới đất nổi lên.
  20. Xá lợi của chư Phật trong tháp kim cương.
  21. Xây tháp giữa chừng hối hận, đời sau sanh làm cá kình.

 

1. THIÊN NHƠN, LONG VƯƠNG CHIA XÁ LỢI XÂY THÁP:

Sau khi Phật nhập Niết-bàn, chúng Mạt-na nước Ba-ba (đời Lương gọi là Lực-sĩ), chúng Bạt-ly nước Giá-la-phả, chúng Câu-lợi nước Mala-già, chúng Bà-la-môn nước Tì-lưu-đề, chúng Thích-Trụ nước Cala-vệ, chúng Ly-xa nước Tỳ-xá-ly, vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà đều trang bị bốn binh (Trong Thai Kinh chép: vua Ưu-điền, vua Đảnh-sanh, vua Ác sanh A-xà-thế đều có bốn binh: Tối binh mã chủ, Dung nhan binh mã chủ, Xí thịnh binh mã chủ, Kim cang binh mã chủ). Vua A-xàthế phái Bà-la-môn họ Hương đến tâu vua Lực-sĩ nước Câu-thi:

– Phật là thầy chúng tôi, là người chúng tôi tôn quý. Ngài đã diệt độ trong nước của quý quốc, nên chúng tôi từ xa đến đây xin phần xá lợi về nước xây tháp cúng dường. Nếu được chia phần, cả nước chúng tôi sẽ hết lòng quý trọng gìn giữ.

Vua Lực-sĩ đáp:

– Đức Thế Tôn đã xót thương xứ này mà đến diệt độ tại đây. Sĩ dân nước tôi sẽ tự cúng dường. Quý quốc dù có từ xa nhọc nhằn đến đây cũng không có phần xá lợi.

Vua các nước cùng nhau bàn bạc: “Chúng ta hạ mình năn nỉ nếu không được chia thì quyết liều mình dùng vũ lực chiếm lấy.

Vua Lực-sĩ vẫn không nhường:

– Nếu quý quốc muốn khởi binh, chúng tôi cũng đủ sức đương đầu quyết không để mất xá lợi.

Khi ấy Bà-la-môn họ Hương đứng trước mọi người nói to:

– Đức Thế Tôn đã dày công tu hạnh nhẫn nhục trong vô lượng kiếp. Quý Ngài cũng nên học theo và khen ngợi hạnh ấy. Sao lại có thể kéo binh đánh nhau để tranh giành xá lợi. Đây chẳng phải việc làm thể hiện lòng tôn kính Đức Thế Tôn. Bây giờ chúng ta nên chia xá lợi thành tám phần để nhân dân mỗi nước đều được cúng dường. Quý Ngài cũng là những người thân thọ giới Phật, miệng nói lời Phật dạy thì có nên vì tranh xá lợi mà tàn hại lẫn nhau?

Vua Lực-sĩ xuống giọng:

– Chúng tôi xin cung kính làm theo ý kiến của quý Ngài.

Bà-la-môn họ Hương đại diện chia xá lợi thành tám phần. Khi ấy Thích-đề-hoàn-Nhân hiện làm người đến thưa tám quốc vương:

– Chư Thiên chúng tôi cũng phải có phần. Nếu không sẽ dùng sức tranh đoạt, thắng bại sẽ rõ. Còn như may mắn được chia phần sẽ không làm khó dễ nhau.

Cùng lúc ấy các vị Long vương A-nậu-đạt, Văn-lân, Y-na-bát cũng đến thưa các quốc vương:

– Long vương chúng tôi cũng phải có phần. Nếu không được chia cũng đủ sức chinh phục nhau.

Ưu-Bà-cát lên tiếng:

– Thôi, thôi, quý Ngài đừng tranh cãi nhau nữa, hãy cùng nhau phân chia.

Bà-la-môn họ Hương liền chia xá lợi thành ba phần, một phần cho chư Thiên, một phần cho Long vương, phần còn lại cho tám vua. Ông ta lấy một cái bình bôi mật vào bên trong để lường xá lợi.

Chư Thiên đem phần của mình về thiên cung xây tháp bảy báu tôn thờ. Long vương cũng đem phần của mình về long cung xây tháp báu tôn thờ.

Vua A-xà-thế đếm lại các phần chia, mỗi phần đều được tám vạn bốn ngàn viên xá lợi. Khi ấy có một sợi râu trên mép Phật không ai dám lấy. Mọi người cùng đồng ý ban cho A-xà-thế. Vì trong thời gian cầu xin xá lợi, vua là người chí thành, vất vả nhất. Được cho thêm phần, vua A-xà-thế vui mừng khôn tả, trỗi nhạc vang lừng.

Trên đường trở về nước, A-xà-thế gặp Long vương Nan-đầu-hòa chặn lại:

– Phật để lại xá lợi hãy cho tôi một phần.

A-xà-thế lắc đầu:

– Không được.

Long vương dọa:

– Ta là Nan-đầu-hòa có thể nhấc nước của vua lên, ném xa hơn tám vạn dặm, nát nhừ như cát bụi.

Vua A-xà-thế sợ quá đem sợi râu của Phật trao cho Long vương.

Long vương vui mừng trở về dưới núi Tu-di xây tháp thủy tinh lưu ly cao hơn tám vạn bốn ngàn dặm tôn thờ.

Sau này, vua A-xà-thế băng hà, vua A-dục thống nhất các nước Ấn Độ. Một hôm có vị đại thần tâu với A-dục:

– Trước đây Long vương Nan-đầu-hòa áp đảo tiên vương A-xà-thế lấy đi sợi râu của Phật.

A-dục nghe xong liền ra lịnh cho quỷ thần vương làm võng sắt, chiếu sắt đặt xuống nước dưới núi Tu-di để vây bắt Long vương. Long vương sợ quá cùng nhau bàn kế: “Vua A-dục là người tôn thờ Phật, chúng ta hãy rình khi ông ta ngủ say sẽ dời cung điện ông ấy xuống đây. Ta đến tháp gặp mặt và kể rành rõ sự việc, chắc ông ấy sẽ hết giận”.

Bàn xong, Nan-đầu-hòa sai đồ chúng đi dời cung điện của A-dục.

Tỉnh dậy A-dục không biết mình đang ở đâu. Chợt thấy tháp thủy tinh cao tám vạn bốn ngàn dặm, vua thấy lòng buồn vui lẩn lộn. Lúc ấy Nan-đầu-hòa xuất hiện lên tiếng chối:

– Ngày ấy tự vua A-xà-thế đem râu Phật cho ta, không phải ta đọat lấy. Xưa kia Đức Thế Tôn có giao ước với ta:”Sau khi ta nhập Niết-bàn, đến thời mạt pháp sắp hết, tất cả kinh, luật, y, bát đều đem cất vào tháp này. Đến khi Phật Di-Lặc giáng thế sẽ lấy ra”.

Vua A-dục nghe xong hết giận. Long vương đưa cung điện của vua về chốn cũ.

Khi chia xá lợi Phật xong, Bà-la-môn họ Hương lên tiếng:

– Cho tôi xin bình đựng xá lợi này (Bồ-tát thai kinh ghi chữ bồn) để đem về làng Đầu-na-la xây tháp thờ.

Vua Lực-sĩ đem bình cho ông ấy. Bà-la-môn họ Hương đem bình và những viên xá lợi dính trong bình (do bôi mật) cùng xây tháp báu tôn thờ.

Cư sĩ Bà-la-môn Ba-la-diên-na đến xin than trà tỳ Phật đem về nước xây tháp tôn thờ. Vị đạo sĩ ở Hoành quốc cũng đến xin tro về nước xây tháp thờ. Vua Lực-sĩ đều bằng lòng. Lại có người xây tháp báu nơi trà tỳ Phật.

Hết thảy tro, than và đất nơi trà tỳ Phật là bốn mươi chín hộc, được xây bốn mươi chín tháp báu tôn thờ. Mỗi tháp đều được trang trí tràng phan rực rỡ, biểu thị cho sự trường tồn của giáo pháp.

(Trích bài tựa Nê Hoàn Thập Tụng Luật, kinh Bồ-tát Xử Thai và kinhA-Dục Vương ).

2. VUA A-DỤC XÂY TÁM VẠN BỐN NGÀN THÁP:

Vua A-dục trang bị đầy đủ bốn binh kéo đến bảy cửa tháp lấy xá lợi của Phật, chỉ còn tháp của Long vương chưa lấy. Long vương mời vua vào cung tâu:

– Tháp này là nơi tôi cúng dường Phật, xin Ngài vị tình tôi mà để lại.

A-dục bằng lòng, kéo quân về nước, cho thợ làm tám vạn bốn ngàn hộp báu, phân xá lợi ra mỗi hộp. Vua còn cho làm tám vạn bốn ngàn bình báu cùng tràng phan bảo cái. Sau đó vua giao cho Dạ-xoa xây tháp từ đất liền cho đến biển cả, khắp cõi Diêm-phù-đề.

Trước tiên vua đến thưa với Ngài Da-xá:

– Con muốn trong một niệm, trong một ngày đều hoàn thành tám vạn bốn ngàn ngôi tháp.

Ngài Da-xá vô cùng hoan hỷ, hết lời khen ngợi vua A-dục.

Về sau A-dục cùng Long vương so công đức. Hai bên gần bằng nhau, nhưng Long vương có phần trội hơn. Từ đó A-dục thường thỉnh chúng Tăng cúng dường gieo thêm công đức. Sau một thời gian hai bên lại so sánh thì đã ngang bằng nhau. Vua A-dục chuyển sang tu tập. Khi biết công đức đã nhiều, vua liền kéo binh đánh Long vương. Vua mới đến giữa đường, Long vương cùng quyến thuộc đều ra nghinh đón, đồng thời đem tháp xá lợi dâng vua.

Ngoài ra, vua A-dục còn xây tháp kỉ niệm nơi Phật thành đạo, thuyết pháp giáo hóa… (Trích kinh A-Dục Vương quyển một và kinh Tạp Thí Du quyển thượng).

Trên lãnh thổ của vua A-dục có hết thảy một ngàn hai trăm ngôi chùa. Vua cho dệt một ngàn hai trăm tràng phan bằng sợi vàng cùng hoa bằng vàng ngàn cánh và muốn tự tay mình treo lên tất cả chùa. Nhưng mới bắt đầu làm thì vua lâm bịnh nặng. Vì sợ ý nguyện không thành, vua lo buồn, nước mắt đầm đìa.

Có vị Sa-môn đến thăm bảo:

– Vua đã tạo vô lượng công đức, đáng lẽ phải vui, tại sao lại buồn. Chỉ cần nhà vua nhất tâm, ta sẽ gíúp cho được kết quả như nguyện.

Nói xong Sa-môn dùng thần lực dời một ngàn hai trăm ngôi chùa đến trước vua. Vùa nhìn thấy vua liền khỏi bịnh, trong lòng muốn treo tràng phan. Hễ những sát-sa-đê (?) đến tay vua thì tràng phan được treo như ý muốn.

Vua khỏi bịnh, sống thêm hai mươi lăm năm (Theo kinh Ca Diếp và kinh Tạp Thí Dụ). Suốt hai mươi năm lại miệt mài gieo trồng công đức. Đến lúc lâm chung, lòng vua luôn hướng về Tam bảo, không có gì nuối tiếc cho đến khi tâm tư nhẹ nhàng vào cõi an vui giải thoát. (Trích kinh Tạp A-hàm, quyển 2).

3. NHÂN DUYÊN XÂY TÁM VẠN BỐN NGÀN THÁP: Một hôm Ngài A-nan bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Trong quá khứ Thế Tôn đã gieo nhân gì mà sau khi nhập Niết-bàn được xây tám vạn bốn ngàn tháp báu tôn thờ?

Phật bảo:

– Trong quá khứ có vị vua tên Ba-tắc-kỳ cai quản tám vạn bốn ngàn nước ở cõi Diêm-phù-đề. Khi ấy có Phật ra đời hiệu Phất Sa. Vua và dân chúng đều tôn kính cúng dường Phật cùng chúng tăng.

Một hôm, vua nghĩ: “Những người dân nơi xa xôi hẻo lánh ở các

nước nhỏ vùng biên cương không có điều kiện tu phước”. Sau đó vua quyết định triệu tập các họa sĩ vẽ tượng Phật để đem đến các nước vùng xa, cho tất cả dân chúng đều được cúng dường. Nhưng khi các họa sĩ nhìn tướng hảo của Phật, hễ vừa vẽ được nét này thì quên các nét khác, vẽ hoài cũng không xong. Thấy thế, vua Ba-tắc-kỳ tự tay pha màu và vẽ một bức làm mẫu. Các họa sĩ theo bức vẽ ấy vẽ ra tám vạn bốn ngàn bức. Vẽ xong vua cho phân bố tượng đến khắp tám vạn bốn ngàn nước nhỏ. Vua cùng dân chúng các nước ấy đều có nhân duyên được tôn kính cúng dường Phật.

Phật kết thúc:

– Vua Ba-tắc-kỳ nay chính là ta. Nhờ công đức ấy mà nay thân ta có ba mươi hai tướng đẹp. Sau khi nhập Niết-bàn lại có người xây tám vạn bốn ngàn tháp cúng dường xá lợi.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển bốn)

4. VUA PHẤT-SA-MẠT-ĐA-LA PHÁ TÁM VẠN BỐN NGÀN THÁP XÁ LỢI PHẬT:

Vua A-dục băng hà. Quần thần muốn lập thái tử nối ngôi. Đại thần A-thố-la-địa thưa:

– Trước đây tiên vương A-dục có nguyện đem mười vạn ức tiền vàng làm việc công đức, còn thiếu bốn ức, vì thái tử khóa kho không cho lấy. Để được như nguyện, tiên vương đã đem cõi Diêm-phù-đề này dâng cúng Tam bảo. Nay cõi nước này đều thuộc Tam bảo sao lại lập thái tử làm vua?

Quần thần lập tức đem đủ bốn ức tiền vàng cúng chùa. Sau đó mới lập thái tử nối ngôi. Đó là đời vua thứ tư tên Phất-sa-mật-đa-la. Một hôm, vua hỏi quần thần:

– Ta nên làm những việc gì để danh tiếng, sự nghiệp được bền lâu?

Có đại thần tâu:

– Tiên vương A-dục xây dựng tám vạn bốn ngàn tháp tôn thờ xá lợi Đức Như Lai. Nay bệ hạ nên trùng tu tháp cúng dường thì tiếng tăm, công đức sẽ lưu truyền mãi mãi.

Vua thoái thác:

– Tiên vương là người có oai đức lớn mới có htể làm đưỡc việc như thế. Ta không làm được, hãy nghĩ đến việc khác.

Vị đại thần khác tâu:

– Trên đời có hai việc làm được lưu danh muôn thuở. Đó là việc thiện và việc ác. Tiên vương đã xây tháp, nay bệ hạ nên phá tháp, cả hai việc đó đều trở nên bất hũ.

Vua nghe theo, lập tức kéo binh đi phá chùa viện. Trước tiên vua đến chùa Kê Tước. Trước cửa chùa có tượng sư tử bằng đá. Vua vừa đến sư tử liền rống lên. Vua sợ hãi trở về. Cứ như thế đến lần thứ ba, vua gọi các vị Tỳ-kheo ra hỏi:

– Trong hai việc phá tháp xá lợi Phật và phá phòng chúng Tăng, việc nào là thiện?

Tỳ-kheo đáp:

– Cả hai vệc đều không nên làm. Nhưng nếu không thể bỏ qua thì phá phòng tăng, chớ nên phá tháp.

Vua liền ra lịnh giết hại chúng Tăng, phá hoại chùa tháp. Khi đến nước Ba-già-la vua bảo:

– Ai lấy được đầu của Sa-môn ta sẽ thưởng ngàn vàng.

Trong nước có vị La-hán nghe tin này liền hóa ra nhiều đầu Tỳkheo rồi gọi dân chúng đến lấy đầu đi lãnh thưởng, làm cho kho báu của vua cạn kiệt. Về sau, vua biết việc này do La-hán làm, vô cùng tức giận, kéo quân đến giết La-hán. La-hán nhập diệt tận dịnh, vua chẳng hại được. Vì sức của diệt tận định có khả năng bảo vệ thân thể không bị tổn thương.

Cứ như thế, vua Phất-sa-mật-đa-la lần hồi đã kéo quân đến một cửa tháp bên cạnh tháp thờ răng Phật. La-hán liền đến nhờ vị thần ở đây giúp đỡ.

Vị thần thưa:

– Lúc trước có thần Trùng Hành đến cầu hôn con gái của con, nhưng con không đồng ý. Nay vì bảo vệ Phật pháp, con sẽ gả con gái cho ông ấy.

Khi trao con gái cho Trùng Hành, vị thần kia ra điều kiện:

– Ông hãy tiêu diệt vị vua này, chớ để ông ta phá họai chánh pháp.

Nhận lời, thần Trùng Hành đến vùng biển phía Nam sắp đặt những ngọn núi lớn rồi xô ụp xuống vua và bốn binh. Tất cả không ai sống sót.

Mọi người đều reo lên:

– Vui quá! Vui quá! Con cháu Khổng Tước từ nay không còn.(Trích kinh Tạp A-hàm quyển 2)

5. VUA THIÊN-ÁI-ĐẾ-TU XÂY THÁP THỈNH XÁ LỢI VÀ CÂY BỒ-ĐỀ:

Vào một mùa hạ, sau khi nhận bốn món cúng dường trong ba tháng của vua Thiên-ái-đế-tu nước Sư-tử xong, nhóm Tỳ-kheo Ma-sẩnđà đến từ giã vua:

– Tâu Đại vương Trước đây, nương dưới sự chăm sóc của Sư phụ, chúng tôi sớm tối hầu hạ, lễ bái cúng dường. Xa Sư phụ đã lâu, nay chúng tôi muốn trở về.

Nhà vua thưa:

– Lâu nay con nương Pháp sư được thọ Tam quy, ngũ giới. Trong bốn thứ cúng dường có gì không vừa lòng khiến các Ngài đòi trở về? Trước đây, Ngài viện lí do Phật nhập Niết-bàn, nay lại nói muốn trở về thăm.

– Thật sự Phật đã nhập Niết-bàn, vẫn còn để lại xá lợi.

– Thưa Pháp sư! Nay con muốn xây tháp thờ xá lợi, xin quý Ngài chọn cho con một nơi thích hợp.

Được các vị Tỳ-kheo chỉ dẫn, vua Thiên-ái-đế-tu liền đến gặp Sa-di Tu-ma-na, thưa:

– Thưa Ngài! Tôi phải làm thế nào để có được xá lợi của Phật?

– Tâu đại vương! Đại vương chỉ cần cho dọn dẹp đường sá sạch đẹp, đốt hương, rải hoa. Đại vương cùng quyến thuộc đều thọ tám giới, rồi cùng nhau đến vườn Na-già chí thành cầu nguyện.

Vua lập tức làm theo.

Sa-di Tu-ma-na trở về gặp ông nội là vua A-dục thưa việc vua Thiên-ái-đế-tu muốn xây tháp và xin đuợc ban xá lợi.

Vua A-dục bảo:

– Con nên đến cõi trời Đao-lợi thưa với Đế thích. Đế thích có hai lọai xá lợi. Một là chiếc răng phải chắc là Đế thích giữ lại cúng dường. Hai là xương khuyết bồn phải chắc chắn Đế thích sẽ cho con đem về. Nói xong vua A-dục mở hộp lấy xá lợi đặt vào trong bát trao cho Sa-di. Xá lợi tỏa ánh sáng trắng đầy cả bát giống như ánh sáng của chơn châu.

Sa-di từ giã vua, đến cung của Đế thích xin xương khuyết bồn phải. Nghe Sa-di trình bày, Đế thích hoan hỷ nhận lời, mở hộp lấy xá lợi trao cho Sa-di. Sa-di trở về, đem xá lợi vua A-dục cho, trao cho vua Thiên-ái-đế-tu.

Nhận xá lợi vua liền nghĩ: “Xá lợi của Đức Như-Lai ta nên đội lên đầu”. Đang nghĩ, chú voi của vua bỗng quỳ sụp xuống, chiếc dù trắng cũng tự hạ, hộp xá lợi bay lên đảnh vua. Toàn thân nhà vua cảm thấy khoan lạc như được uống cam lộ. Khi ấy trời mưa lất phất, mặt đất rung động.

Vua thưa Ma-sẩn-đa:

– Thưa Pháp sư! Tôi phải sắp xếp như thế nào?

– Đại vương hãy xuống voi, đặt hộp xá lợi lên đầu nó. Nó sẽ cất lên âm thanh cúng dường xá lợi. Trời, rồng, quỷ thần đều rất vui mừng. Khi ấy chúng ta vào thành, nhân dân vui mừng cúng dường xá lợi. Sau đó di vòng theo cửa phía Nam chọn đất xây tháp. Xá lợi của chư Phật trong ba đời cũng xây tháp trong vườn này.

Vua theo lời Tỳ-kheo, lập tức cho dọn dẹp gai góc… Trước tiên cho khởi công xây nền tháp cao đến đầu voi. Vua lại đến thưa Ma-sẩnđa:

– Thưa pháp sư! Hình dáng của tháp nên xây thế nào?

– Đại vương nên xây như hình một đống lúa.

– Ồ! Hay quá! Thưa pháp sư.

Vua lập tức cho xây ngôi tháp nhỏ để thờ xá lợi. Ngày đặt xá lợi vào tháp, dân chúng cả nước đều tụ tập. Xá lợi từ trên đầu voi bay lên hư không cao bảy cây Đa-la, hiện các thần biến: năm màu rực rỡ lung linh, có lúc tuôn nước, có lúc phun lửa. Khi đem xá lợi đặt vào tháp, trời đất đều rung động. Thấy sự thần biến như thế, A-thố-la phu nhân của vua xin Ma-sẩn-đà xuất gia. Ma-sẩn-đà bảo:

– Tôi không được phép độ người nữ xuất gia. Nhưng Tỳ-kheo-ni Tăng-già-mật-đa em gái tôi có thể độ cho phu nhân. Hiện nay em tôi đang ở nước Ba-tra-lợi-phất, đại vương có thể cho người đến đón cô ấy và xin rước cây Bồ-đề về trồng.

Vua liền phái A-phiêu-xoa, một người cháu gọi vua bằng cậu, lên đường.

Ma-sẩn-đà dùng thần thông đưa anh ta xuống thuyền, chỉ trong một ngày đã đến nơi. A-phiêu-xoa vào gặp vua A-dục tâu những điều Ma-sẩn-đà dạy.

Nghe xong vua A-dục bảo:

– Con ta Ma-sẩn-đà cùng cháu Tu-ma-na đều bỏ ta đi tu. Sau khi họ đi rồi, ta buồn nhớ không lúc nào nguôi, lòng đau như bị cắt đi tay chân. Nhưng mỗi khi nhìn thấy Tỳ-kheo-ni con ta, niềm đau trong ta cũng nguôi ngoai. Nay cô ấy đi nữa, chắc ta chết mất.

Nói xong vua A-dục quay sang bảo Tỳ-kheo-ni:

– Cô đừng đi nhé!

– Thưa phụ vương! Sự việc này khó lòng từ chối được. Hiện phu nhân đang đợi con đến để xuất gia.

Vua đồng ý và hứa cho cây Bồ-đề không thể dùng dao rựa chặt.

Mục-kiền-liên-tử-đế-tu tâu:

– Lúc còn tại thế, Đức Thế-Tôn có căn dặn năm điều:

1. Khi vua A-dục đem cây Bồ-đề cho nước Sư-tử không dùng dao rựa chặt. Cành cây phía Nam sẽ tự gãy ra, rơi xuống chậu bằng vàng.

2. Nhánh Bồ-đề ấy sẽ bay lên hư không, vượt qua các tầng mây và ở trên đó.

3. Sau ba ngày nhánh cây tự hạ xuống trong chậu vàng. Lá cây vàng óng, xum xuê tươi tốt, trái ra đều khắp các cành.

4. Vua nước Sư-tử muốn có được xá lợi của ta, trước hết phải làm các việc thần biến.

5. Nếu ai muốn có hình tướng của ta hãy đến nước Sư-tử sẽ được thấy ta như khi ta còn tại thế.

Vua A-dục nghe xong vui mừng lập nguyện:

– Nếu Phật đã hứa cho lấy cành Bồ-đề thì hãy khiến cho tất cả cành trên cây đều hướng về phía Nam. Nếu Phật đã hứa đến nước Sưtử thì cành cây tự rơi xuống cắm vào chậu vàng, cây Bồ-đề trở lại như cũ.

Nguyện xong, vua cho đem đất thơm để đầy chậu vàng. Xế chiều ngày mười lăm tháng tám, vua cho thợ vẽ vào chỗ cong của cành cây. Vừa vẽ xong mười nét thì nét thứ nhất ra rễ, nét sau cùng đứt ra. Rễ cái dài bốn tấc, lại sanh ra rễ con. Cành cây đâm chồi, ra lá xum xuê như võng lưới. Cành lớn cao mười khuỷu tay, mọc ra năm cành nhỏ, mỗi cành cao bốn khuỷu tay. Mỗi cành nhỏ lại kết một trái. Từ năm cành ấy lại đâm ra cả ngàn cành nhỏ nữa.

Vua A-dục thấy sự thần biến ấy vui mừng khôn xiết, hướng về phía cây reo lớn. Chúng Tăng cũng xướng họa theo. Tiểu vương, quần thần cùng mọi người cho đến địa thần cũng kinh ngạc reo lớn. Tiếng reo ấy thấu suốt hư không, lên đến cõi Phạm thiên.

Cành Bồ-đề từ trên cây rơi xuống chậu vàng đã có một trăm rễ. Mười rễ cái mọc thẳng xuống đâm thủng đáy chậu, chín mươi rễ con mọc ra quanh chậu. Qua một ngày đêm, cành cây cứ thế lớn lên thêm. Khi ấy mặt đất rung động sáu cách. Trên không trung chư Thiên trỗi nhạc. Núi, rừng, cây cối lay động như dáng người đang vui múa. Thiên nhơn vỗ tay, Dạ xoa sung sướng reo cười, A-tu-la vương ca tụng tán thán, Phạm vương hân hoan. Bỗng sấm chớp vang rần hư không, thú bốn chân vừa chạy vừa kêu, muôn chim chao liệng cất tiếng hót vang.

Trái Bồ đế phát ra ánh sáng sáu màu, chiếu khắp cõi Ta-bà, lên đến cõi Phạm thiên. Cùng khi ấy, cây Bồ-đề bay lên hư không, ở trên đó bảy ngày. Mọi người chỉ nhìn thấy ánh sáng, không nhìn thấy cây đâu cả.

Vua A-dục vội rời tòa cúng dường cây Bồ-đề. Trải qua bảy ngày, cây Bồ-đề lại phóng ánh sáng, chiếu khắp thế giới Ta-bà, lên đến cõi Phạm thiên. Sau đó cây thu ánh sáng, khắp các cành lá đều ra trái, hạ xuống chậu vàng. Bầu trời trở lại trong xanh. Thấy vậy, vua A-dục vui mừng đem cõi Diêm-phù-lợi cúng dường cây Bồ-đề nhỏ suốt bảy ngày. Sau đó vua lại phong cây Bồ đế làm vua cõi Diêm-phù-lợi bảy ngày nữa.

Ngày mười lăm tháng chín, chúng Tăng bố tát. Từ nơi sinh ra, cây Bồ-đề bay đến dưới cây Sa-la ở phía Đông cửa thành nước Ba-tra-lợiphất, cành lá xum xuê tươi tốt. Vua A-dục thấy vậy vui mừng, lại phong cây Bồ-đề làm vua cõi Diêm-phù-lợi.

Khi ấy vua A-dục bảo Tăng-già-mật-đa:

– Bây giờ cô có thể lên đường.

– Phải đấy! Thưa phụ vương. Con xin từ giã!

Vua A-dục liền sắp xếp cho tám bộ quỷ thần theo bảo vệ cây Bồđề. Ngoài ra còn có tám vị đại thần, tám vị Bà-la-môn, tám vị cư sĩ, tám vị Câu-ba-già, tám vị Lộc-la-xa, tám vị Ca-lăng-già cùng đi theo. Vua lại cho tám bồn vàng, tám bồn bạc để đựng nước tưới cây. Mọi người đều làm theo lời căn dặn của vua.

Khi ấy vua cùng mọi người nhiểu quanh cây Bồ-đề rồi tiển lên đường. Thiên nhơn, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la ngày đêm cúng dường. Lúc đến Đa-ma-phiêu, vua tự vác cây Bồ-đề lội xuống nước ngập đến tận cổ, rồi mới đắt cây lên thuyền cho Tỳ-kheo-ni. Vua gọi:

– Này A-phiêu-xoa! Cây Bồ-đề này ở nước ta, ta đã ba lần phong cho cây làm vua cõi Diêm-phù-lợi. Ta lại đích thân vác cây lội xuống nước ngập đến tận cổ để đặt lên thuyền. Ta dặn ngươi, khi cây Bồ-đề về đến nước Sư-tử, ngươi nên bảo vua của ngươi lội xuống nước ngập đến cổ rước cây Bồ-đề, vác lên bờ và cúng dường mọi thứ như ta đã cúng dường.

Vua dạy xong, mọi người cho thuyền rời bến. Nơi vùng biển thuyền đi qua, trong khoảng một do tuần không hề có một gợn sóng.

Thuyền đã ra khơi, vua nghĩ: “Cây Bồ-đề của Phật nay đã rời khỏi nước ta”. Nghĩ đến đó, vua không cầm được nước mắt, cứ đứng trông theo mãi. Khi ấy trên mặt biển đủ loại hoa nổi lên theo sau thuyền cúng dường. Trên hư không chư Thiên rãi hoa, trỗi nhạc cúng dường. Thủy thần cũng cúng dường như thế.

Những sự việc ấy dần dần thấu đến cung Long vương. Long vương lập tức xuất hiện, muốn đọat lấy cây Bồ-đề. Tỳ-kheo-ni liền vận thần thông hóa làm chim chúa Cánh vàng. Long vương sợ hãi đảnh lễ thưa:

– Nay tôi muốn thỉnh cây Bồ-đề cùng đại đức về long cung cúng dường trong bảy ngày.

Tỳ-kheo-ni nhận lời, cùng cây Bồ-đề và đại chúng theo Long vương xuống long cung. Long vương nhường vương vị của mình cho cây Bồ-đề. Sau bảy ngày cúng dường, Long vương đích thân tiễn cây Bồ-đề cùng đại chúng đến bến Câu-na-vệ xứ Diêm-phù.

Từ khi cây Bồ-đề rời bến, vua A-dục đứng trên bờ trông theo cho đến khi không còn nhìn thấy cây nữa mới than khóc trở về.

Tại nước Sư-tử, vua Thiên-ái-đế-tu đang cho sửa sang đường sá bằng phẳng như bàn tay từ trong thành dẫn đến bãi Câu-na-vệ.

Tỳ-kheo-ni Tăng-già-mật-đa dùng thần lực khiến cho vua đang ở trong cung thành nhìn ra xa thấy cây Bồ-đề đã về đến.

Vua vội ra bến Câu-na-vệ, lội xuống nước ngập đến tận cổ đón cây Bồ-đề. Khi ấy cây Bồ-đề phóng ánh sáng sáu màu. Vua nhìn thấy vui mừng liền đội cây lên bờ. Mười sáu dòng họ lớn, kì cựu trong nước đều theo vua ra đón. Cây lên đến bờ, vua đem nước Sư-tử cúng dường cây trong ba ngày. Mười sáu dòng họ lớn biết đây là việc nước của vua. Nên đến ngày thứ tư, họ vác cây Bồ-đề lần lượt đi qua nước A-thố-lađà. Nhân dân cả nước vui mừng lễ bái cúng dường.

Quá trưa ngày mười bốn tháng mười, cây Bồ-đề theo cửa phía Bắc vào giữa thành, rồi đi ra cửa phía Nam cách năm trăm cung. Đây là chỗ mà chư Phật trong quá khứ đều vào Tam muội. Cây Bồ-đề của Phật Câu-na-vệ tên Ma-ha-diệu-sa-bà. Cây Bồ-đề của Phật Câu-na-hàm tên Ưu-đàm-bát. Cây Bồ-đề của Phật Ca-diếp tên Câu-ni-đà.

Ở nước Già-di, Sa-di Tu-ma-na đang tiến hành đắp nền, cũng đã tính toán sắp đặt phòng ốc, nơi trồng cây Bồ-đề, nơi tôn trí phòng của vua… tất cả đều ngay thẳng. Mười sáu dòng họ lớn thấy vậy đều khâm phục, cùng nhau nhiễu quanh nền đất phòng vua. Khi vừa đặt cây vào vị trí. Cây liền bay lên hư không cao tám mươi khuỷu tay, phóng hào quang sáu màu chiếu khắp nước Sư-tử, lên đến cõi Phạm thiên. Mọi người thấy sự biến hóa đó vui mừng khôn tả. Cả vạn người cùng một lúc đồng niệm Phật, lần lượt xuất gia, đắc quả A-La-hán.

Mặt trời chưa tắt cây Bồ-đề vẫn còn trên hư không. Mặt trời lặn, sao Lâu, sao Tuệ và cây Bồ-đề đều hạ xuống. Mặt đất rung động. Tỳkheo Ma-sẩn-đà, Tỳ-kheo-ni Tăng-già-mật-đa, vua cùng dân chúng đều tụ tập dưới cây Bồ-đề. Trên cành phía Bắc có một trái chín rơi xuống để cúng dường Ma-sẩn-đà. Ma-sẩn-đà đem hạt bảo vua trồng. Vua liền gieo hạt vào chậu vàng, đem đất tốt lấp lại, lấy hương thơm rãi lên trên. Trong phút chốc, hạt ấy mọc lên tám cây. Mỗi cây đều cao bốn khuỷu tay, vua nhìn thấy, kinh ngạc, ngợi khen, đem dù trắng che cho cây và phong cho cây nhỏ làm vua. Sau đó vua cho đem tám cây Bồ-đề nhỏ lần lượt trồng ở bến Câu-na-vệ xứ Diêm-phù, thôn Bà-la-môn Bạc-câu-la, Thực-môn, vườn thờ tháp, chùa Ma-hê-thủ-la, ngọn núi giữa Chi-đế-da, thôn Lâu-hê-na, thôn Võng-la.

Bốn trái trên cây cũng lần lượt chín, rơi xuống, gieo lên ba mươi hai cây đều được trồng trong vườn Do-tuần… cứ như thế lần hồi trồng khắp nước Sư-tử. Từ khi có cây Bồ-đề, trong nước luôn an ổn không có các tai ương hiểm họa.

Phu nhân A-thố-la cùng ngàn người nữ đến xin xuất gia với Tănggià-mật-đa, làm Tỳ-kheo-ni, lần lượt đắc quả A-La-hán. A-phiêu-xoa và năm trăm người cùng xuất gia với Ma-sẩn-đà và lần lượt đắc A-Lahán.

Một ngày nọ, vua cùng Ma-sẩn-đà đến đảnh lễ cây Bồ-đề. Khi qua Thiết Điện, nhân dân đem hoa dâng vua.Vua cúng lại cho Ma-sẩnđà. Ma-sẩn-đà lại đem hoa cúng dường Thiết Điện. Hoa vừa rơi xuống, mặt đất rung động. Vua liền hỏi:

– Thưa pháp sư! Vì sao mặt đất bỗng nhiên rung động?

– Này đại vương! Tương lai chúng Tăng sẽ thuyết giới tại điện này, nên mặt đất hiện điềm như thế.

Hai người lại đến vườn Am-la. Có người đem trái Am-la thơm ngon dâng vua. Vua lại dâng cúng Ma-sẩn-đà. Ma-sẩn-đà dùng xong đưa hạt bảo vua trồng. Vua liền đem trồng, dùng nước tưới lên đất, mặt đất đều rung động. Vua hỏi:

– Thưa pháp sư! Vì sao mặt đất lại rung động?

– Này đại vương! Tương lai chúng Tăng sẽ vân tập tại đây, nên có điềm này.

Vua liền rãi hoa, đảnh lễ giả từ. Đến xứ Chi-đề-na có người đem hoa Chiêm-bặc dâng vua. Vua lại dâng cho Ma-sẩn-đà. Mặt đất lại rung động. Vua hỏi:

– Thưa đại đức! Vì sao mặt đất lại rung động?

– Này đại vương! Tương lai nơi đây sẽ xây đại tháp của Phật, nên có điềm lành này.

– Nay con sẽ xây tháp.

– Đại vương không cần xây, đại vương dã làm nhiều việc rồi.

Tương lai, vương tôn Mộc-xoa-ca-ma-ni-a-Bà-da sẽ xây đại tháp.

– Thưa đại đức! Da- cháu của ta có được gieo phước này không?

– Không, thưa đại vương.

Vua Thiên-ái-đế-tu liền cho khắc dòng chữ:”Tương lai, cháu của ta là Mộc-xoa-ca-ma-ni-a-Bà-da xây đại tháp của Phật tại đây” lên trụ đá cao hai trượng.

(Trích luật Thiện Kiến, luận Tỳ Bà Sa quyển ba).

6. CA-LA-VIỆT CÙNG BỐN NGƯỜI XÂY THÁP, ĐƯỢC PHƯỚC BÁO BÀN TAY TUÔN MƯA BẢY BÁU:

Ngày xưa trong nước vua A-dục có một người tên Ca-la-việt. Anh ta đã thỉnh hai mươi ngàn vị Tỳ-kheo cúng dường suốt một năm. Việc này truyền đến tai vua. Vua cho triệu anh ta vào cung hỏi:

– Trẫm nghe nói nhà khanh rất giàu có, của cải gồm những thứ gì?

– Tâu bệ hạ! Thật sự nhà thần không có tài sản gì cả.

Vua không tin, giữ Ca-la-việt lại, cho người đến xét nhà. Sứ giả đến nơi, thấy bảy lớp nhà cửa phòng nhà đều bằng bảy báu, đẹp hơn hoàng cung, phụ nữ cũng đẹp hơn cung nữ. Nhưng không thấy lúa gạo, gấm vóc, tiền bạc của báu đâu cả. Sứ trở về tâu vua. Vua vẫn chưa hiểu ra. Ca-la-việt bỗng mĩm cười. Vua hỏi:

– Khanh cười gì thế?

– Tâu bệ hạ! Có lẽ chưa thấy nên bệ hạ chưa thể tin được.

Nói xong Ca-la-việt đưa tay chỉ về phía Đông, bảy báu rơi xuống như mưa, chỉ về phía Nam, bảy báu cũng rơi xuống không thể tính đếm được. Vua cho Ca-la-việt về, rồi lập tức nghiêm giá đến Tinh xá gần hoàng cung. Gặp các vị Tỳ-kheo, vua cung kính đảnh lễ, hỏi vị thượng tòa:

– Bạch đại đức! Đời trước Ca-la-việt tạo phước gì mà đời này tự nhiên nghĩ đến của báo liền có?

Vị thượng tòa vào cảnh Tam muội, quan sát tâm niệm của chúng sanh trong khoảng bốn trăm do tuần, Ngài liền thấy đời trước của Ca-laviệt. Vào thời Phật Duy-vệ có bốn người cùng tạo chùa tháp. Trong đó có một người dụng ý rất ân cần tha thiết. Sau khi chùa tháp hoàn thành, người kia đem bảy báu vàng, bạc… cùng các thứ hoa đẹp trộn lẫn vào nhau rồi đem lên tầng tháp thứ ba rải khắp bốn phía. Và cầu nguyện đời sau được phước báu không dứt. Nguời đó nay chính là Ca-la-việt.

Vua nghe xong, tu tạo vô lượng công đức. (Trích kinh Thí Dụ quyển một)

7. TU-ĐẠT XÂY THÁP THỜ TÓC, MÓNG CỦA PHẬT:

Đức Thế Tôn đi du hóa lâu ngày ở các nước, trưởng giả Tu-đạt luôn nhớ thương trông chờ, nên đến bạch Phật:

– Xin đức Thế Tôn để lại cho con một ít vật riêng để thường được cúng dường.

Phật liền lấy tóc và móng cho trưởng giả. Trưởng giả xin Phật cho dựng tháp tôn thờ. Được Phật đồng ý, trưởng giả trở về Xá-vệ dựng tháp tôn thờ với cột trụ chạm trổ đủ màu.

(Trích luật Thập Tụng, Thiện Tụng quyển một)

8. TIÊN NHƠN ĐƯỢC GIÁO HÓA, DỰNG THÁP THỜ TÓC, MÓNG CỦA PHẬT:

Phật đến nước Nguyệt-chi thu phục nữ La-sát ở phíaTây. Trong hang đá hồi ấy Đức Phật tá túc đến nay vẫn còn hình bóng của Ngài. Một hôm có người vào bên trong xem thì không thấy nhưng ra khỏi cửa hang liền thấy một luồng sáng như hình của Phật.

Có hôm Phật đến núi của tiên nhân Lệ-bạt-đà ở nước Kế-tân, đứng trên hư không hàng phục vị tiên này.

Tiên nhân thưa:

– Bạch Thế Tôn, con thích ở núi này, xin Phật cho con một ít tóc và móng để xây tháp cúng dường.

Nay tháp ấy vẫn còn ở núi này. Ngoài tháp còn có chùa Ly việt, còn gọi là chùa Lệ-bạt-đà.

(Trích luận Đại Trí quyển mười hai)

9. THIÊN NHƠN DỰNG THÁP THỜ RĂNG VÀ XƯƠNG KHUYẾT BỒN CỦA PHẬT:

Thỉnh được chiếc răng phải và xương khuyết bồn phải của Phật, tiên nhân xây tháp tôn thờ tại châu Sư-tử cõi trời Đao-lợi. Nay tháp vẫn còn nơi cung của Đế thích.

(Trích Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa quyển hai)

10. ĐỒNG TỬ ĐẮP CÁT LÀM THÁP:

Lúc Phật đến nước Ba-la-nại, ở đây có năm trăm đồng tử kết bạn với nhau. Một hôm chúng cùng đến chơi ở bờ sông. Cả nhóm đắp cát làm tháp, đứa nào cũng tranh nhau: “Tháp của mình đẹp nhất, các cậu hãy bắt chước cách của mình”.

Năm trăm đồng tử này tuy có tâm lành, nhưng vì phước đời trước mỏng, nên hôm ấy trời bỗng đổ mưa lớn. Trong phút chốc nước sông dâng cao, năm trăm dồng tử đều bị chết chìm. Hay tin, cha mẹ chúng gào khóc, cùng nhau kíêm tìm thi thể để an táng nhưng chẳng ai thấy đâu cả. Họ đến gặp Phật, Phật dạy:

Các vị chớ buồn than oán trách, chỉ vì quí vị không biết việc đời trước. Những đồng tử này phải trả túc nghiệp như thế. Nay hết thảy đều được sanh lên cung trời Đâu Suất rồi.

Nói xong Phật phóng hào quang khiến cho những người này thấy được con của mình đang ở cõi trời Đâu suất. Cùng lúc ấy năm trăm đồng tử đều xuống chỗ Phật rải hoa cúng dường, được Phật ngợi khen:

– Hay thay! Các đồng tử nhờ đắp cát làm tháp mà được sanh lên trời, được gặp Phật Di-lặc.

Khi ấy mỗi đồng tử đều an ủi cha mẹ chớ âu sầu, hãy nổ lực tinh tấn tu tập. Sau đó chúng nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ rồi bay về trời.

(Trích kinh Ngũ Bách Au Đồng và kinh Bổn Sanh quyển bốn)

11. DI HẦU DÙNG ĐẤT ĐÁ LÀM THÁP:

Phật ở nước La-duyệt-kì sai La-hán Tu-mạn đem tóc và móng của Phật đến ngọn núi phía Nam nước Kế-trân dựng một ngôi tháp tôn thờ. Trong chùa này có năm trăm vị La-hán thường chung sống, sớm hôm đốt hương nhiễu pháp lễ bái. Khi ấy có năm trăm chú khỉ nhìn thấy các Ngài cúng dường như thế mới dẫn nhau đến bên một khe suối sâu, lấy bùn đất xây tháp Phật. Chúng dựng một thân cây làm chùa rồi treo lên một tràng phan cũ rách, ngày đêm cùng lễ bái. Một hôm, nước lũ dâng lên tràn ngập, năm trăm chú khỉ đều bị chết trôi, thần thức sanh lên cung trời Đao Lợi liền dùng thiên nhãn thấy được đời trước của mình, nên cùng nhau đem hoa hương đến rải trên thi hài cũ, đồng thời trổi kỹ nhạc và đi nhiễu quanh thi hài bảy vòng. Các vị Trời từ xa trông thấy cũng rải hoa tấu nhạc, nhiễu quanh thi hài các chú khỉ. Khi ấy có năm trăm Bà-la-môn ngoại đạo tà kiến đến hỏi thiên nhơn:

– Tại sao quý vị lại hạ mình cúng dường những xác khỉ này?

Thiên nhơn đáp:

– Đây là thân cũ của chúng tôi. Trước đây còn ở thế gian, chúng tôi chơi đùa, bắt chước các vị Sa-môn làm tháp. Nhờ đó mà nay được quả báo sanh lên cõi trời. Các vị là những kẻ tà kiến, dù trải qua trăm kiếp siêng năng khổ nhọc cũng không được gì cả. Chi bằng hãy cùng nhau đến núi Kỳ-xà-quật lễ bái cúng dường thì phước ấy thật vô cùng.

Năm trăm Bà-la-môn nghe xong vui mừng cùng nhau đến chỗ Phật năm vóc đảnh lễ sát đất, rải hoa cúng dường.

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển một)

12. BỐN THÁP Ở CÕI TRỜI:

Trên cõi trời Đao-lợi, trong vườn Chiếu-minh phía Đông thành có tháp thờ tóc Phật. Trong vườn Thô-sáp phía Nam thành có tháp thờ móng Phật. Trong vườn Hoan-hỷ phíaTây thành có tháp thờ bát Phật. Trong vườn Giá-ngự phía Bắc thành có tháp thờ răng Phật.

(Trích Tập Kinh Sao, luận Trí Độ ghi: Đế thích đem tóc và y báu của Phật dựng hai tháp thờ ở ngoài cửa thành phía Đông.)

13. BỐN THÁP Ở NHÂN GIAN:

Tháp Phật đản sanh được xây ở nước Ca-duy-la-vệ, là một nước nằm ở trung tâm trời đất. Tháp Phật thành đạo được xây dưới cây Nguyên-cát ở đạo tràng Thiện-thắng nước Ma-kiệt-đà. Tháp Chuyển pháp luân xây trong vườn Lộc-dã nơi ở của tiên nhơn thuộc nước Ba-lanại. Tháp Bát Niết-bàn xây giữa những cây Tú lâm song thọ lãnh thổ của vua Lực-sĩ nước Câu-thi-la.

(Trích Tập Kinh Sao)

14. THÁP THỜ XƯƠNG CỦA MA-HA-TÁT-ĐỎA:

Thuở xưa có vị vương tử tên Ma-ha-tát-đỏa. Một hôm vương tử vào rừng du ngoạn, gặp một con hổ mẹ mới sanh bảy chú hổ con, đã nhiều ngày không được ăn uống, nên đói sắp chết. Vương tử liền cởi y phục, lấy cây trúc đâm vào cổ mình rồi lao từ trên cao xuống, nằm sóng soài trước mặt hổ mẹ. Hổ mẹ từ từ liếm máu rối ăn luôn thi thể vương tử.

Hôm ấy đại vương và người trong nội cung hay tin thái tử không trở về, lập tức cho người đi tìm. Sứ giả trở về tâu lại sự việc. Vua ra lệnh thâu lượm số xương còn lại của vương tử đem về xây tháp bảy báu tôn thờ.

(Trích kinh Kim Quang Minh quyển bốn)

15. PHẬT HIỆN THÁP XÁ LỢI KHI CÒN TU ĐẠO BỒ-TÁT:

Một hôm có một toà tháp bảy báu từ dưới đất nổi lên. Đức Thế Tôn rời toà đảnh lễ tháp. Thấy vậy, vị thọ thần ở Bồ-đề đạo tràng thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai là bậc tối thắng, tối tôn vì sao lại lễ tháp này?

Phật bảo:

– Vì trong tháp này có toàn thân xá lợi của ta khi còn tu hạnh Bồtát, nhờ thân này mà ta sớm thành Phật đạo.

Phật lại bảo Ngài A-nan mở cửa tháp đem xá lợi cho đại chúng xem. Ngài A-nan mở tháp rồi mở hộp báu, hiện ra xá lợi màu trắng hồng.

Phật bảo:

– Đó chính là sự kết tinh do huân tu giới-định-tuệ. Khó khăn lắm mới có thể thành tựu phước điền tối thượng này.

Đại chúng nghe xong đều vui mừng cung kính đảnh lễ. (Trích kinh Kim Quang Minh quyển bốn)

16. VUA CẤM MỊ XÂY THÁP THỜ XÁ LỢI PHẬT CA-DIẾP:

Thời Phật Ca-diếp có vua tên Cấm-mị. Sau khi Phật nhập Niếtbàn, vua liền đem vàng bạc xây tháp rộng nửa do tuần, cao một do tuần tôn thờ xá lợi. Vàng bạc chất làm hào đến nay vẫn còn trong lòng đất. Lúc ấy đức Ca-diếp Như Lai ra khỏi tháp cho đại chúng nhìn thấy toàn thân xá lợi của Phật vẫn nghiêm trang không hư rã.

(Trích luật Sa-di Tắc quyển ba mươi)

17. TRÙNG TU THÁP CŨ CỦA PHẬT CA DIẾP:

Phật Ca-diếp vào Niết-bàn, sau khi trà tỳ, xá lợi của Phật được dân chúng xây tháp bảy báu tôn thờ, hết lòng cung kính cúng dường. Trải qua nhiều đời không có người sửa sang, tháp tự hư hoại. Vùng ấy có ấp Nghĩa Hiệp dân số chín mươi ba ngàn người, vua Bình-sa là trưởng ấp. Một hôm vị trưởng ấp bảo mọi người:

– Quý vị mỗi người hãy tự nổ lực, cùng nhau tạo phước đức. Vì Phật ra đời thật khó gặp, được thân người cũng thật khó. Tuy được làm người nhưng có người lại sanh vào vùng biên địa, có người sanh vào nhà tà kiến. Chúng ta thì sao? Nếu chúng ta say đắm dục lạc ở đời chi bằng vui thích sửa sang chùa tháp cũ.

Mọi người nghe lời cùng nhau sửa tháp và cùng phát nguyện:

“Nếu có phước đức thì hồi hướng không bị rơi vào tam đồ bát nạn, cùng được sanh lên cõi trời, gặp Phật Thích Ca, trong hội thuyết pháp đầu tiên được độ thoát, ngôi vua là cao nhất”.

Khi dân chúng ấp ấy mạng chung đều được sanh lên cõi trời Đaolợi. Trải qua nhiều đời, đến khi đức Phật Thích Ca ra đời, chín mươi ba ngàn người này đều sanh vào nước Ma-kiệt-đà, vua la Bình-sa.

(Trích kinh Phổ Diệu quyển chín)

18. VUA ĐỨC CHỦ XÂY NĂM TRĂM THÁP:

Thuở xưa có vị Chuyển luân vương tên Đức-chủ đã từng xây năm trăm tháp, cao năm trăm do tuần trong một ngày.

(Trích luận Đại Trí quyển năm mươi bảy)

19. THÁP BÁU TỪ DƯỚI ĐẤT NỔI LÊN:

Một hôm, ở trước Phật có tháp bảy báu cao năm trăm do tuần, rộng hai trăm năm mươi do tuần từ dưới đất nổi lên, đứng trên hư không.

Tháp gồm năm ngàn lan can, vạn ức phòng nhà được trang trí rực rỡ bằng nhiều vật báu. Vô số chuổi anh lạc rũ xuống, vạn ức linh báu treo đầy trên tháp. Hương thơm của gỗ Đa-ma-la-bạt-chiên-đàn từ bốn cửa tháp thoảng ra cùng khắp thế giới. Tất cả tràng phan bảo cái đều được làm bằng hợp chất bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, chơn châu, hổ phách, cao đến cung trời Tứ-thiên-vương.

Khi ấy cõi trời ba ba rưới hoa Mạn-đà-la cúng dường tháp báu, tám bộ chúng cũng đem tất cả hương hoa, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỷ nhạc đến cúng dường. Bỗng trong tháp vang ra tiếng khen lớn: “Hay thay! Phật Thích-ca-mâu-ni có thể đem trí tuệ bình đẳng cùng pháp giáo hóa Bồ-tát dạy cho đại chúng”. Bốn chúng nghe từ trong tháp phát ra lời nói như thế đều được pháp hỷ, lấy làm lạ chưa từng có.

Trong tháp báu này có toàn thân của Phật Đa-bảo thời quá khứ, ở nước Bảo-tịnh cách đây vô lượng ngàn muôn thế giới về phương Đông. Lúc Phật Đa-bảo còn tu hạnh Bồ-tát có phát thệ nguyện lớn: “Nếu ta thành Phật thì sau khi diệt độ, trong cõi nước ở mười phương có nơi nào nói kinh Pháp Hoa, tháp của ta vì nghe kinh sẽ hiện ra trước chỗ đó làm chứng minh. Nếu có người nói kinh Pháp Hoa, toàn thân xá lợi của ta ở trong tháp sẽ khen: Hay thay! Hay thay!” Bồ-tát Đại-nhạo-thuyết bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con muốn được thấy toàn thân xá lợi của Phật Đa-bảo.

Phật bảo:

– Phật Đa-bảo có nguyện sâu nặng: “Khi tháp của ta vì nghe kinh pháp hiện ra trước các Đức Phật, Đức Phật nào muốn đem thân ta chỉ cho đại chúng xem thì các Đức Phật phân thân của vị Phật ấy ở trong mười phương đều nhóm về một chỗ, sau đó thân ta sẽ hiện ra”.

– Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn nhìn thấy những vị Phật phân thân của Đức Thế Tôn.

Khi ấy nơi bạch hào của Phật phóng ra một luồng sáng. Cùng lúc, các Đức Phật ở mười phương đều bảo các vị Bồ-tát: “Này thịên nam tử! Nay ta phải qua cõi Ta-bà, cõi nước của Phật Thích-ca-mâu-ni để cúng dường tháp báu của Phật Đa-bảo”.

Khi ấy cõi Ta-bà liền biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, vàng rồng làm dây ngăn tám đường, không có các tụ lạc thôn xóm, thành ấp, biển cả, sông ngòi, núi non, rừng rậm. Trời người đều dời đến nước khác, khắp nơi đốt hương báu lớn.

Mỗi Đức Phật ở mười phương đều đem theo một vị Bồ-tát làm thị giả, qua thế giới Ta-bà, đến dưới cây báu. Dưới mỗi cây báu đều có tòa sư tử cao năm trăm do tuần. Chư Phật mười phương đều đã đến ngồi ở tám phương và đều muốn mở tháp báu. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni liền rời tòa, bay lên đứng trên hư không. Tất cả bốn chúng cũng đều đứng dậy chắp tay một lòng nhìn Phật. Phật đưa tay phải mở cửa tháp báu vang ra tiếng lớn như mở ổ khóa cửa thành lớn. Tất cả chúng hội đều nhìn thấy Phật Đa-bảo ngồi tòa sư tử trong tháp báu, toàn thân không rã như đang nhập định. Rồi lại nghe Phât ấy nói: “Hay thay! Hay thay! “Phật Thích-ca-mâu-ni sắp nói kinh Pháp Hoa, ta vì nghe kinh này mà đến đây”.

Bốn chúng… thấy Đức Phật đã diệt độ cách đây vô lượng ngàn muôn ức kiếp nói lời như thế đều vui mừng đem hoa báu cõi trời tung rải trên Phật Đa-bảo và Phật Thích-ca-mâu-ni.

Đức Phật Đa-bảo ở trong tháp báu chia nửa tòa cho Phật Thích-camâu-ni ngồi. Đức Phật Thích-ca liền ngồi lên nửa tòa ấy và dùng thần thông tiếp hàng đại chúng cùng lên hư không.

(Trích kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển bốn)

20. XÁ LỢI CHƯ PHẬT TRONG THÁP KIM CƯƠNG:

Phật bảo đại chúng:

– Ta nhớ thuở xưa khi còn tu tạo công đức, bỏ thân này thọ thân khác nhiều vô số. Nay ta sẽ nói về sự hình thành của một thân: Quả đất này dày tám mươi bốn muôn ức dặm. Kế đến là lớp gió, lớp nước, lớp lửa, lớp cát, lớp kim cang, mỗi lớp đều dày tám mươi bốn muôn ức dặm. Toàn thân xá lợi và xá lợi nhỏ của chư Phật đều ở trong tháp kim cang của lớp kim cang này. Tháp kim cang cũng dày tám mươi bốn muôn ức dặm, còn gọi là tháp Diệu Hương. Phật hiệu Bất Trụ, đầy đủ mười hiệu, hiện đang thuyết pháp.

(Trích kinh Bồ-tát Xứ Thai quyển hai)

21. XÂY THÁP GIỮA CHỪNG HỐI HẬN, ĐỜI SAU LÀM CÁ KÌNH:

Ngày xưa có vị Sa-môn gia đình giàu có phát tâm dùng gỗ chiên đàn và bảy báu xây dựng chùa tháp. Lúc đang làm thì có năm trăm vị sa-môn từ phương xa đến. Năm trăm vị hiền giả trong nước đều đem y phục ca sa cúng dường năm trăm vị Sa-môn ấy.

Thấy vậy, dân chúng đều đến thưa với chủ chùa: “Những người từ xa đến phải đi ngay, chúng tôi sẽ đuổi họ. A-xà-lê thường trụ sẽ làm chủ chùa”.

Sa-môn ấy suy nghĩ: “Công đức của ta chất cao như núi Tu-di, không thể tính kể, vậy mà dân chúng không giúp đỡ ta xây dựng chùa tháp để cúng dường tất cả những người nghèo khó hay giàu sang khắp xa gần” nghĩ xong liền châm lửa đốt chùa tháp.

Sau khi chết đi Sa-môn ấy bị đoạ vào địa ngục, súc sanh, mỗi nơi chín mươi kiếp. Sau đó làm cá kình ở trong biển, thân dài bốn mươi dặm, mắt lớn như mặt trời, mặt trăng, răng dài hai mươi ngàn dặm trắng toát như núi Tuyết, lưỡi rộng bốn mươi ngàn dặm đỏ như núi lửa, miệng rộng năm mươi ngàn dặm.

Một hôm có năm trăm người vào biển tìm châu báu, đây chính là những người đã cúng dường y cho năm trăm vị Sa-môn. Vì nhân duyên đời trước, lúc ấy cá kình há miệng ra uống nước khiến cho thuyền của những người kia bị hút đi thật nhanh. Mọi người trên thuyền khiếp sợ, cùng nhau niệm Nam-mô-Phật. Cá kình nghe âm thanh ấy liền ngậm miệng lại lắng nghe, mặt nước trở lại bình thường. Cá kình lại nghe trên thuyền có tiếng tụng kinh, nước mắt tuôn trào và nghĩ đã từ lâu không được nghe âm thanh này. Từ hôm đó, cá kình không buồn ăn uống. Qua bảy ngày, nó chết trong biển, xác nổi lên bờ, thần thức sanh vào một gia đình theo chánh pháp. Vừa sanh ra, cậu bé đã biết nói và biết được đời trước của mình. Năm lên tám, cậu bé xuất gia tu tập, đắc quả A-La-hán, liền đến bờ biển kia, thấy xương thân cũ của mình chất cao như núi. La-hán ngậm ngùi quán sát đầu lâu suốt bảy ngày.

Chỉ vì đốt chùa tháp, vị Sa-môn ấy phải đọa đường ác trong một trăm tám mươi kiếp.

(Trích kinh Thí Dụ quyển bốn)

———————————

B. TẠO HÌNH TƯỢNG PHẬT

  1. Vua Ưu-điền tạc tượng Phật bằng gỗ Ngưu-đầu-chiên-đàn.
  2. Vua Ưu-điền đúc tượng Phật bằng vàng.
  3. Vua Ba-tư-nặc đúc tượng Phật bằng vàng.
  4. Vua Ba-tư-nặc tạc tượng Phật bằng gỗ Ngưu-đầu-chiên-đàn.
  5. Vua Thiện Dung tạc tượng Phật bằng đá.
  6. Hình bóng của Phật.

22. VUA ƯU-ĐIỀN TẠC TƯỢNG PHẬT BẰNG GỖ NGƯU-ĐẦUCHIÊN-ĐÀN:

Bốn bộ chúng lười biếng nghe pháp, Trời Đế-thích nhân đó thỉnh Phật lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp cho hoàng hậu Ma-da trong ba tháng an cư. Đức Như Lai muốn mọi người sanh lòng khát ngưỡng nên không đem theo thị giả, lặng lẽ ra đi.

Một hôm vua Ba-tư-nặc nước Xá-vệ và vua Ưu-điền nước Câu-dực đến hỏi Ngài A-nan Phật đang ở đâu. Ngài A-nan cũng không biết. Hai vua nhớ trông Như Lai đến phát bệnh. Vua Ưu-điền liền ra lệnh cho các thợ mộc khéo trong nước dùng gỗ Ngưu-đầu-chiên-đàn tạc tượng Đức Như Lai cao năm thước (Theo Tăng Nhất A-Hàm quyển mười chín).

Một hôm vua Ưu-điền đến bạch Phật:

– Bạch Đức Như Lai! Sau khi Như Lai diệt độ có người tạc tượng Ngài để cung kính cúng dường sẽ được phước gì?

– Nếu có người tạc tượng Phật thì đời đời sanh ra nơi nào cũng được thân hình hoàn hảo, sau khi chết được sanh lên cõi trời Phạm thiên thứ bảy. Về sau lại sanh lên cõi trời tốt đẹp hơn, thân hình xinh đẹp không ai sánh bằng. Nếu ở cõi Diêm-phù-đề thì thường sanh vào gia đình hào kiệt, sức mạnh xuất chúng, được mọi người yêu kính, giàu có vô cùng, hoặc sanh vào nhà đế vương, công hầu, hiền thiện, hoặc sanh làm Chuyển luân Thánh vương bay đi khắp trời đất, hoặc sanh vào gia đình có truyền thống đạo đức hiếu để, sau khi chết không sa vào ba đường ác.

(Trích kinh Tạc Tượng Nhân Duyên)

23. VUA ƯU-ĐIỀN ĐÚC TƯỢNG PHẬT BẰNG VÀNG:

Trong thời gian Phật lên cung trời Đao-lợi, vua Ưu-điền nhớ Phật không nguôi, liền lấy vàng đúc tượng Phật. Hôm hay tin Phật trở về, vua cho voi chở tượng ra đón, pho tượng trông giống như Phật vậy. Từ xa, vua trông thấy Phật dạo bước trên hư không, có hoa sen đỡ chân và phóng luồng ánh sáng lớn.

Phật bảo với pho tượng:

– Đời sau ông sẽ làm Phật sự lớn. Sau khi diệt độ ta phó chúc hàng đệ tử lại cho ông. Nếu có chúng sanh nào tạo hình tượng Phật, tôn kính cúng dường thì ở đời tương lai người đó chắc chắn sẽ được Niệm Phật thanh tịnh tam muội.

Phật lại bảo Ngài A-nan:

– Con hãy truyền lời dạy của ta đến hàng đệ tử. Sau khi ta diệt độ, người nào dùng những màu sắc tươi đẹp tạo hình tượng Phật đầy đủ tướng tốt cùng vô lượng hóa Phật, dùng viên pha lê đặt nơi tướng bạch hào của ta, khiến cho người nhìn thấy sanh lòng hoan hỷ. Người này có thể diệt được tội sanh tử trong trăm ức na do tha hằng hà sa kiếp.

(Trích kinh Quán Phật Tam Muội quyển sáu)

24. VUA BA-TƯ-NẶC ĐÚC TƯỢNG PHẬT BẰNG VÀNG:

Một hôm hay tin vua Ưu-điền đúc tượng Như Lai để cúng dường, vua Ba-tư-nặc liền triệu tập thợ khéo dùng vàng tử ma đúc tượng Như lai cao hơn năm thước. Lúc này trong cõi Diêm-phù-đề mới có hai tượng Phật.

(Trích Tăng Nhất A-hàm quyển mười chín)

25. VUA BA-TƯ-NẶC TẠC TƯỢNG PHẬT BẰNG GỖ NGƯU ĐẦU CHIÊN ĐÀN:

Đức Phật lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp cho hoàng hậu Ma-da suốt chín mươi ngày. Vua Ba-tư-nặc nhớ mong, muốn được gặp Phật, liền cho thợ dùng gỗ Ngưu-đầu-chiên-đàn tạc tượng Như Lai rồi đặt lên tòa của Ngài.

Sau chín mươi ngày Phật trở về tinh xá, tượng cũng ra đón. Phật bảo tượng: “Ông hãy trở lại chỗ ngồi, sau này ta vào Niết-bàn, ông có thể làm khuôn phép cho bốn bộ chúng”. Tượng liền trở về chỗ ngồi.

Đây là pho tượng có sớm nhất trong tất cả các tượng, là khuôn mẫu cho người đời sau.

Sau đó Phật đến ở tinh xá nhỏ bên cạnh tinh xá Kỳ-hoàn, cách tượng hai mươi bộ (33m).

Tinh xá Kỳ-hoàn gồm bảy tầng lầu, các vua tranh nhau xây dựng cúng dường mãi. Một hôm có chú chuột cắn bấc đèn làm cháy tràng phan bảo cái rồi lan ra thiêu rụi cả tinh xá. Các quốc vương và dân chúng đều rất đau buồn, nghĩ tượng chiên đàn đã bị cháy. Nhưng chừng bốn, năm ngày sau có người mở cửa phía Đông tinh xá nhỏ thì thấy tượng đang ở đó. Mọi người vô cùng vui mừng, chung nhau sửa sang tinh xá. Làm đến tầng thứ hai thì dời tượng về chỗ cũ.

(Trích Ngoại Quốc Đồ Ký)

26. VUA THIỆN DUNG TẠC TƯỢNG PHẬT BẰNG ĐÁ:

Một hôm, vua Thiện Dung (Còn gọi là Vi-đà-thủ-kỳ em vua Adục) vào núi săn bắn, gặp các vị Phạm chí lõa hình. Có người ăn lá cây, có người hớp gió uống khí, có người nằm trên gai góc. Tự hành hạ mình để cầu được quả thần tiên. Thiện Dung lên tiếng hỏi:

– Quý Ngài làm như thế mà không có kết quả sao?

Phạm chí đáp:

– Vì ở đây có bầy hươu, mỗi khi tôi trông thấy chúng giao hợp với nhau thì tâm dao động không thể kiềm chế được.

Thiện Dung vội bảo:

– Quý vị ăn mặc thiếu thốn cực khổ, thân thể suy yếu như thế mà còn tâm dâm dục, huống gì hàng Sa-môn Thích-tử ăn uống đầy đủ thức ngon vật lạ, y phục tuỳ thời, trang điểm hương hoa. Há không còn tâm dâm dục ư!

Vua A-dục nghe em mình nói như thế thì rất buồn bã lo lắng: “Ta chỉ có một đứa em, nay bỗng nhiên phát sanh nhận thức sai lầm, sợ rằng nó sẽ lún sâu vào những nhận thức ấy. Ta phải giúp nó trừ bỏ sai lầm này”.

Nghĩ rồi, vua ngầm ra lệnh ban kỹ nữ cho Thiện Dung vui chơi hưởng lạc. Sau đó đích thân đến bảo Thiện Dung:

– Sao ngươi dám tự ý đùa cợt vui chơi với cung nữ của ta?

Vua nóng giận muốn giết chết Thiện Dung. Đại thần khuyên:

– Bệ hạ chỉ có một đứa em lại thiếu người nối dõi, xin hãy gia hạn thêm bảy ngày rồi chúng thần sẽ làm theo lệnh.

Nhà vua im lặng đồng ý, rồi bảo quần thần cho Thiện Dung mặc áo, đội mão của mình vào cung vui chơi với cung nữ. Qua bảy ngày, vua cho người đến hỏi Thiện Dung:

– Mấy ngày qua được tự do thoải mái, Ngài có cảm thấy vui sướng không?

Thiện Dung đáp:

– Không thấy không nghe thì vui nỗi gì!

Vua đến hỏi:

– Nhà ngươi cũng vui chơi như ta tại sao nói không thấy không nghe?

– Thưa vương huynh! Một người khi biết mình sắp chết, tuy thân mạng vẫn còn nhưng chẳng khác nào như đã chết. Nên đâu còn lòng dạ nào say mê năm món dục.

– Nay ngươi chỉ có một thân này đã lo lắng trăm mối, chỉ sợ chết một thân này nên không còn thích thú dục lạc. Huống gì bậc Sa-môn lo nghĩ đến sanh tử trong ba đời. Thân này chết đi lại thọ thân khác, trăm ngàn ức kiếp chịu vô lượng khổ đau hoạn nạn. Tuy có lúc được làm người nhưng lại làm nô bộc cho người khác, cơm áo chật vật thiếu thốn. Nghĩ đến những khổ đau cay đắng này cho nên quý Ngài mới xuất gia tu tập với mục đích cầu được giải thoát, cứu độ chúng sanh. Nếu như quý Ngài không siêng năng tinh cần thì sẽ chịu khổ trong vô số kiếp. Nên ngươi chớ nói như thế.

Thiện Dung nghe xong vỡ lẽ mọi chuyện, tâu vua:

– Nay được nghe vương huynh chỉ dạy em mới tỉnh ngộ, biết được sanh, già, bịnh, chết thật đáng chán xa lo sợ. Ưu buồn khổ đau xoay chuyển vô cùng, vậy xin vương huynh cho phép em xuất gia tu tập.

Vua vui mừng bảo:

– Việc em xin thật đúng lúc.

Thế rồi Thiện Dung xuất gia, vâng giữ giới cấm, ngày đêm tinh cần, không bao lâu đắc quả A-La-hán (Theo kinh Cầu Ly Lao Ngục).

Truyện A-dục vương ghi: “Vua A-dục nghe tin em mình đắc đạo, trong lòng vô cùng vui mừng, cung kính cúi đầu đảnh lễ thỉnh cúng dường suốt đời. Nhưng Tỳ-kheo Thiện Dung đã thệ nguyện ở chốn núi rừng sống hết cuộc đời còn lại, nên vua A-dục liền sai quỷ thần tạo núi cao mấy chục trượng ngay trong nội thành, cấm tuyệt mọi người không được lui tới. Thiện Dung mới nhận lời vua, bán y phục, của cải tạc một bức tượng Phật bằng đá cao một trượng sáu đem vào núi dựng khám tôn thờ.

27. HÌNH BÓNG PHẬT:

Có vị Long vương thỉnh Phật ở mãi trong cung của mình: “Nếu Ngài không ở con sẽ khởi lòng ác thì Ngài không do đâu mà đắc đạo”.

Các vị Phạm-thiên-vương cũng ân cần khuyến thỉnh: “Xin Phật hãy vì lợi ích của tất cả chúng sanh, chớ ở luôn nơi đây”.

Khi ấy Long vương đem cung điện bảy báu dâng Phật. Phật bảo: “Không cần, chỉ đem hang đá của La-sát cho ta là được rồi”.

Phật thâu thần túc, một mình vào thất đá, tự trải tọa cụ ngồi kiết già. La-sát nữ cùng Long vương tạo năm thất đá dâng cúng bốn vị đại đệ tử và Ngài A-nan.

Trong thất đá, nhận lời thỉnh của vua ở thành Na-tiên-ha và các vua nước khác, Phật vận thần thông ngồi toà hoa sen biến khắp hư không, khiến cho nơi nào cũng được nhìn thấy.

Long vương thấy thế, phát thệ nguyện lớn: “Nguyện cho con ở đời sau thành Phật được như vậy”

Phật nhận lời thỉnh của Long vương ở lại bảy ngày, sau đó thâu thần túc ra khỏi hang đá cùng chúng Tỳ-kheo du hóa khắp nơi, Long vương cũng đi theo. Đến khi Phật trở về nước, Long vương khóc ròng, bạch Phật:

– Xin Đức Thế Tôn đừng bỏ con!

Đức Phật an ủi:

– Ta sẽ ở lại hang động của con thêm một ngàn năm trăm năm nữa.

Long vương cùng quyến thuộc vui mừng chắp tay thỉnh Phật vào hang. Phật ngồi trong hang hiện mười tám thứ thần biến, bay vọt vào hang đá, khiến cho hang đá trong suốt như gương. Phật ngồi bên trong mà bóng hiện bên ngoài. Đứng từ xa thì thấy lại gần thì không thấy. Lúc ấy có trăm ngàn chư Thiên cúng dường bóng Phật, bóng Phật cũng thuyết pháp. Hang đá này cao một trượng tám mét, sâu hai mươi bốn bộ (33m), màu đá trong suốt.

(Theo kinh Quán Phật Tam Muội quyển sáu)

C. CHÁNH PHÁP DIỆT TẬN

Phật dạy: “Ta đem chánh pháp giao lại cho Trời người, pháp của ta ngàn đời không thay đổi”.

Phật lại bảo với Đế thích Tứ thiên vương:

– Sau khi ta vào Niết-bàn, các ông mỗi người hãy ở mỗi nơi hộ trì chánh pháp. Qua một ngàn năm sau, cõi Diêm-phù-đề có nhiều tai ương họa hoạn: mưa to gió lớn, nhân dân đói khổ, vật chất ít dần, thức ăn không còn mùi vị, trân bảo biến mất. Phương tây có vua Bát-la-bà, phương bắc có vua Da-Bà-na, phương Nam có vua Thích-ca, phương Đông có vua Đâu-sa-la. Họ và quyến thuộc thường giết hại chư Tỳkheo, phá hoại chùa tháp, bốn phương đều loạn lạc.

Bấy giờ chúng Tỳ-kheo tập trung về nước chính giữa là Câuthiểm-di, vua tên Ma-nhân-đà-la-tây-na. Hoàng hậu của vua sanh một hoàng tử có cánh tay đỏ như máu, thân như áo giáp, có sức mạnh phi thường. Cũng trong ngày ấy, vợ của năm trăm đại thần đều sanh con trai có cánh tay và thân hình giống như hoàng tử. Một hôm trời bỗng tuôn một trận mưa máu, vua thấy điềm xấu lo sợ, đến hỏi thầy tướng. Thầy tướng tâu:

– Nay bệ hạ vừa sanh được một hoàng tử. Sau này hoàng tử sẽ làm vua cõi Diêm-phù-đề có nhiều người giết hại, nên đặt tên cho thái tử là Nan-đương.

Năm tháng dần trôi, hoàng tử đã trưởng thành. Bốn ông vua ác từ bốn phương kéo đến xâm chiếm. Vua Ma-nhân-đà-la-tây-na rất lo sợ, bỗng có vị thiên thần đến bảo: “Đại vuơng hãy lập Nan-đương lên ngôi, Nan-đương đủ sức đánh bại bốn ông vua ác này”.

Theo lời thiên thần, vua liền tập hợp năm trăm đại thần làm lễ quán đảnh truyền ngôi cho hoàng tử. Truyền ngôi xong, vua lập tức ra lệnh thái tử xuất binh diệt trừ những vua ác. Con của các vị đại thần cũng đội mũ mặc áo giáp theo vua đi diệt giặc. Bốn vua ác đều bị tiêu diệt, Nan-đương lên làm vua cõi Diêm-phù-đề trị vì nước Câu-thiểmdi.

Phật lại bảo với Tứ đại thiên vương:

– Sau này ở ấp Ba-liên-phất có Bà-la-môn tên A-kỳ-ni-đạt-đa thông đạt kinh luận Tỳ đà. Bà-la-môn này cưới vợ, vợ ông ta lúc mang thai lại thích tranh luận với người khác. Bà-la-môn đem chuyện này hỏi thầy tướng. Thầy tướng bảo đứa bé trong thai sẽ là một người thông đạt tất cả kinh luận. Quả nhiên, đứa bé sanh ra thông hiểu tất cả kinh luận và giỏi về y dược, làm thầy của năm trăm học trò. Ở trong pháp của ta đứa bé ấy xuất gia học đạo, thông đạt tam tạng kinh điển, giỏi thuyết pháp, khéo biện tài, thu phục nhiều quyến thuộc.

Trong ấp này lại có vị thương chủ lớn tên Tu-đà-na, vợ ông ta lúc mang thai tánh tình ngay thẳng nhu hoà, đi đứng khoan thai định tĩnh. Vị thương chủ cũng đem chuyện này đến hỏi thầy tướng. Thầy tướng bảo đứa trẻ trong thai rất hiền lành. Đủ tháng, đứa bé được sanh ra và được đặt tên là Tu-la-đà. Tu-la-đà lớn lên theo pháp ta xuất gia, tinh tấn tu học, chứng quả A-La-hán. Song Tu-la-đà lại là người ít học, tu hạnh thiểu dục tri túc, sống rày đây mai đó, hay đến núi Kiền-đà-ma-la thuyết pháp cho vua Nan-đương nghe. Hôm vua Ma-nhân-đà-la-tây-na qua đời, Nan-đương ôm thi thể phụ vương khóc than thảm thiết. Khi ấy vị Tỳ-kheo thông tam tạng thuyết pháp cho Nan-đương nghe, khiến Nan-đương vơi bớt nỗi đau buồn, sanh lòng kính tin Phật pháp nên phát nguyện: “Từ nay về sau con sẽ cúng dường chúng Tăng khiến cho quý vị được an vui vừa ý không còn lo sợ”. Nan-đương lại hỏi:

– Thưa Ngài, trước đây bốn vua ác đã phá hoại Phật pháp trong bao nhiêu năm?

– Trong mười hai năm.

– Vậy thì nay quý Ngài hãy đem giáo pháp giáo hoá cho chúng sanh, con sẽ cúng dường đầy đủ cho năm chúng trong suốt mười hai năm.

Ngày vua Nan-đương thiết lễ cúng dường, trời tuôn mưa thơm, khắp cõi Diêm-phù-đề lúa mạ đều tươi tốt. Nhân dân ở các nơi khác đều đem lễ vật đến nước Câu-thiểm-di cúng dường chúng Tăng. Nhưng cũng từ đó chư Tỳ-kheo, buông lung ba nghiệp, hý luận qua ngày, tham đắm lợi dưỡng, thích se sua quần áo đẹp, khác xa cách thức của người xuất gia. Tuy mang hình dáng Tỳ-kheo nhưng lại là giặc trong giáo pháp. Họ phá cờ chánh pháp, dựng phan ác ma, tắt đuốc chánh pháp, đốt lửa phiền não, làm khô biển chánh pháp, phá cầu chánh pháp, đánh chìm thuyền chánh pháp, nhổ cây chánh pháp.

Khi ấy chư Thiên, Long vương, Quỷ thần đều có ý xấu với chư Tỳ-kheo. Họ chán ghét, xa lánh, không ủng hộ chư Tỳ-kheo nữa. Một hôm họ cùng nhau gào khóc: “Bảy ngày sau Phật pháp sẽ diệt tận, đến ngày thuyết giới chư Tỳ-kheo chỉ thích tranh đấu, chánh pháp của Đức Như Lai do đây mà diệt mất”. Các vị Ưu-Bà-tắc nghe chư Thiên nói thế liền đến khuyên chư Tỳ-kheo đến ngày mười lăm nói giới.

A-La-hán Tu-la-đà ở núi Kiền-đà-ma-la nhập định quán sát ở cõi Diêm-phù-đề xem nơi nào hôm nay có chúng Tăng để đến thuyết giới.

Ngài chỉ thấy ở nước Câu-thiểm-di có chúng Tăng nhóm họp thuyết giới nên đến nước ấy. Trong nước có cả trăm ngàn người nhóm họp nhưng chỉ có A-La-hán và một vị tam tạng tên Đệ-tử từ nơi khác đến họp. Đây là lần chúng Tăng nhóm họp sau cùng trong chánh pháp của Như Lai.

Khi ấy vị Duy na kiểm chúng xong liền thưa vị Tam tạng:

– Chúng Tăng đã vân tập đầy dủ, xin Ngài hãy thuyết giới cho đại chúng.

Vị Thượng tòa tam tạng kia đáp:

– Đệ tử của Như Lai ở cõi Diêm-phù-đề đã vân tập cả trăm ngàn người. Trong chúng đây ta là người đứng đầu, thông đạt tam tạng, còn không học giới huống gì người khác. Vậy nay ta nói giới cho ai nghe đây!

A-La-hán Tu-la-đà đến trước vị thượng tòa thưa:

– Xin thượng toà chỉ thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa như lúc Phật còn tại thế. Vì tất cả những học pháp mà các vị đại Tỳ-kheo như Ngài Xálợi-phất, Mục-kiền-liên đã học nay tôi cũng học hết. Tuy đức Như Lai đã diệt độ hơn cả ngàn năm nhưng tất cả giới luật Ngài chế ra tôi đều giữ trọn.

Vị thượng tòa nghe Tu-la-đà nói thế có ý không bằng lòng. Angià-đà đệ tử của ông ta đùng đùng nổi dậy, đứng phắt dậy, chửi mắng A-La-hán:

“Ông là hạng Tỳ-kheo thấp kém ngu si mà dám hủy nhục thầy ta”, nói rồi vị ấy cầm dao giết chết A-La-hán.

Lúc ấy, quỷ Đại-đề-mộc-pháp-nghĩ rằng: “Trên thế gian chỉ có một vị A-La-hán này nay lại bị đệ tử của Tỳ-kheo ác hại chết rồi”. Nghĩ xong vị ấy cầm chày kim cang đập vào đầu tự sát.

Đệ tử của vị A-La-hán thấy thầy mình bị giết thì cũng tức giận không kiềm chế được liền giết chết Tam tạng. Lúc ấy trời, người cùng nhau than khóc: “Ôi đau buồn thay! Chánh pháp của đức Như Lai nay đã diệt mất”. Quả đất chấn động sáu cách, vô lượng chúng sanh không nơi nương tựa, than khóc thảm thiết. Vua Nan-đương nghe chư Tỳ-kheo giết hại A-La-hán và Tam tạng pháp sư thì buồn đau hãi hùng: “Bọn tà kiến này tranh nhau phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ-kheo. Từ đây Phật pháp sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng”. (Theo kinh Tạp A-hàm).

Phật lại bảo A-nan:

– Sau khi ta Niết-bàn, lúc chánh pháp sắp diệt, đời ác ngũ trược, ma đạo hưng thạnh, các Sa-môn quỷ phá hoại đạo ta. Chúng mặc y phục thế tục, ca sa năm màu sặc sỡ, uống rượu, ăn thịt, giết hại chúng sanh, tham đắm mùi vị, không có lòng từ, lại còn ganh ghét lẫn nhau.

Lúc ấy có vị Bồ-tát tinh tấn tu đức, tôn trọng mọi người, được mọi người tôn kính, Ngài đem giáo pháp giáo hoá khắp nơi, thương người nghèo, trọng người già, giúp đỡ dưỡng nuôi người khốn khó, thường ban kinh tượng dạy họ tôn thờ, gieo trồng phước đức. Ngài có tánh hiền lành, không làm tổn hại người khác, cứu giúp chúng sanh không tiếc thân mình, nhẫn nhục nhân hoà.

Những người như thế sẽ bị bọn Tỳ-kheo quỷ quái kia ganh ghét, chê bai nói xấu, đuổi đi nơi khác không cho chung sống. Từ đó về sau không có người tu đạo đức, chùa miếu hoang tàn, không người tu sửa dần dần mục nát. Bọn Sa-môn quỷ kia chỉ tham tích chứa của cải, không tạo phước đức, lại buôn bán nô tỳ, cấy cày trồng trọt, đốt núi phá rừng, giết hại chúng sanh, không có chút lòng từ. Họ không còn đạo đức, Tỳkheo làm nô bộc, Tỳ-kheo-ni làm nô ty, dâm dật hỗn loạn không phân trai gái. Đạo ta suy yếu cũng do bọn này. Lại có người vì trốn tránh sự truy bắt của quan huyện, nương vào đạo ta xin làm Tỳ-kheo, không tu giới luật, mỗi nữa tháng và cuối tháng giả danh giảng giới, uể oải lười biếng không muốn lắng nghe, bỏ bớt trước sau không chịu đọc hết. Kinh cũng không tụng, nếu có người tụng thì không rành câu cú, nói càn nói bướng, không chịu hỏi người trí, cống cao cầu danh, xem bói tướng thiên văn, mong được giàu sang, cầu người cúng dường. Sau khi bọn Tỳ-kheo quỷ này chết đi thần thức đoạ vào địa ngục Vô gián. Phạm tội ngũ nghịch họ phải lần lượt đoạ vào ngạ quỷ, súc sanh trong hằng sa kiếp, tội hết được làm người nhưng lại sanh vào nơi biên địa, không có Tam bảo.

Lúc chánh pháp sắp diệt, người nữ siêng năng tu tạo công đức, người nam biếng nhác, không chịu nghe pháp… Họ không có tín tâm mắt thấy Sa-môn như thấy phân đất. Từ đây pháp luân chìm mất, chư Thiên buồn khóc, mưa nắng thất thường, lúa đậu mất mùa, tai nạn, dịch bệnh xảy ra khắp nơi, người chết la liệt. Đời sống nhân dân khổ cực, quan huyện ra tay bóc lột, không tu đạo lý chỉ nghĩ đến việc ăn chơi phá hoại. Người ác ngày càng nhiều, người thiện ngày càng ít. Ngày tháng qua mau, mạng người ngắn ngủi, mới bốn mươi tuổi tóc đã bạc dần như người sáu mươi. Người nam tuổi thọ ngắn, người nữ sống lâu đến bảy, tám, chín, hoặc đến cả trăm tuổi.

Lúc ấy nước lớn dâng lên không có ngày rút. Người đời không tin cho là vịêc thường, cho nên tất cả chúng sanh không kể giàu nghèo đều bị chìm đắm, trôi dạt trong biển nước, làm mồi cho cá tranh. Các vị Tỳ-kheo Bồ-tát bị Tỳ-kheo quỷ đuổi đi không cho dự vào hàng tăng chúng. Các vị Bồ-tát ấy mới tìm vào núi sâu, tu tạo phước đức, vui với đời sống thanh bần đạm bạc. Từ đó tuổi thọ của họ kéo dài, được chư Thiên hộ vệ. Đến khi đức Nguyệt Quang ra đời, họ đều được gặp, cùng nhau chấn hưng đạo pháp trong năm mươi hai năm. Sau đó kinh điển lần lượt bị tiêu diệt, đầu tiên là kinh Thủ Lăng Nghiêm, Bát Nhã Tam Muội, rồi đến mười hai bộ kinh, tất cả đều không còn thấy văn tự nữa. Ca sa của Sa-môn tự nhiên biến thành màu trắng. Sau khi Thánh vương bỏ đi, pháp của ta diệt tận. Cũng giống như ngọn đèn trước khi sắp tắt vụt sáng bừng lên rồi tắt lịm. Lúc pháp của ta sắp diệt cũng giống như thế. Từ đó về sau khó lập lại nề nếp kĩ cương. Cứ như thế sau một thời gian rất lâu, đức Phật Di-lặc giáng sanh ở nhân gian. Thiên hạ sống đời thái bình, khí độc tiêu trừ, mưa hòa gió thuận, lúa đậu được mùa, cây cối xanh tươi. Thân người cao đến tám trượng, đều sống tám vạn bốn ngàn tuổi. Số chúng sanh được độ không thể kể xiết.

(Trích kinh Pháp Diệt Tận)