KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

(NÓI VỀ HIỆN THÂN LÀM LỢI ÍCH CHÚNG SANH)

  1. Chữ vạn trước ngực Phật phóng quang phát âm.
  2. Ba thứ mật.
  3. Việc Đức Phật ăn lúa ngựa.
  4. Nhân duyên Đức Phật cùng năm trăm chúng Tăng ăn lúa ngựa.
  5. Hiện quả báo cây giáo sắt.
  6. Đức Phật hóa độ bốn vị Phạm chí bịt tai không chịu nghe pháp.
  7. Đức Phật hoá làm vị Phạm chí để độ vua Đa-muội-tượng.
  8. Đức Phật hóa độ trưởng giả Lư Chí đổi binh khí thành các loại hoa.
  9. Đức Phật hoá làm Sa-môn độ năm vị Tỳ-kheo.
  10. Đức Phật hiện làm Sa-môn hóa độ hai vợ chồng xan tham keo kiệt.
  11. Đức Phật hóa độ con nhà đồ tể và các Phạm chí đều được đắc đạo.
  12. Đức Phật hoá độ những người không có tín tâm ở bên sông lớn.
  13. Đức Phật hoá độ năm trăm giặc cướp xuất gia đắc đạo.
  14. Đức Phật thổi thuốc Hương sơn vào mắt năm trăm giặc mù khiến mắt họ sáng lại.
  15. Đức Phật hoá làm con của Bà-la-môn có tánh chấp trước khiến cha mẹ trở lại bản tâm.
  16. Đức Phật hóa độ dâm nữ sanh tâm chán khổ.
  17. Đức Phật hóa năm ngón tay thành năm con sư tử.
  18. Đức Phật dùng ngón chân làm vỡ tảng đá lớn.

 

1. CHỮ VẠN TRƯỚC NGỰC PHẬT PHÓNG QUANG PHÁT ÂM

Đức Phật du hóa nơi thế giới Diệu Lạc. Ngài muốn hiện trí tuệ để hóa độ tất cả, liền hội họp các đệ tử, Bồ-tát, Đế-thích, Phạm vương, Thiên, Long tại tịnh xá. Từ chữ vạn, Ngài phóng ánh sáng, phát âm thanh tịnh xa gần cùng khắp.

Năm pháp Âm lớn:

  1. Pháp Âm độ người tu pháp Đại thừa
  2. Pháp Âm độ người dứt đối đãi
  3. Pháp Âm độ người không có duyên giác ngộ
  4. Phương tiện để độ người chưa dứt tình tưởng
  5. Pháp Âm thuyết pháp để độ người luân hồi sanh tử thoát khỏi trần lao.

Quốc vương Xứ Lưu cùng với nhân dân đến đảnh lễ Phật, cung kính thưa: Từ lâu, con nghe Đức Như Lai thuyết pháp giáo hoá, độ thoát sanh tử, không có giới hạn. Quyến thuộc chúng con trôi lăn trong sanh tử, chưa được giải thoát, xin Đức Thế Tôn thùy từ giáo hóa để chúng con rõ được pháp mầu”. Trời đất chấn động khi Đức Phật nói về pháp tu Bồ-tát hạnh.

(Trích kinh Hiện Phật Hưng Vạn Tự).

2. BA THỨ MẬT:

Tâm mật là gì? Đó là bốn hạnh thanh tịnh, không mất thần thông, lập hạnh nghiệp đại bi vô lượng, dùng thần thông biến hiện hiển bày rộng khắp tất cả, dùng ngôi nhà trí tuệ chánh đạo thấy tất cả pháp, như thế thông suốt, nhiếp phục tất cả. Pháp chân thật ấy là trí tuệ thần thông hiện bày tất cả sự vật, hiện tượng và hết thảy Phật pháp, hoá độ tất cả chúng sanh trong mười phương khiến họ thâm nhập kinh, luật, được nhan sắc thù thắng, chuyển hóa tất cả pháp. Đây là hạnh nghiệp tâm mật của Bồ-tát. (Trích kinh Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ quyển 2).

Bồ-tát trụ trong kim cang tam-muội này, dùng một âm thanh giảng nói, tất cả chúng sanh, tùy theo Kim chủng loại của mình đều hiểu rõ. Bồ-tát thị hiện một sắc tướng, tất cả chúng sanh mỗi mỗi đều thấy các loại sắc tướng an trụ một chỗ, thân không dời đổi, có thể khiến cho chúng sanh tùy theo nghiệp lực của mình mà tự thấy được. Bồ-tát giảng nói một pháp, hoặc Giới, hoặc Nhập, tất cả chúng sanh tùy theo chỗ hiểu của mình đều nghe được. (Trích kinh Đại Niết-bàn quyển 22)

Đức Phật dùng một âm thanh diễn nói các pháp, chúng sanh tùy theo chủng loại đều hiểu được, cho là Đức Thế Tôn nói cùng thứ tiếng của mình. Chúng sanh tùy theo chỗ hiểu của mình đều thọ trì, thực hành và được lợi ích. Nếu có sợ hãi, hoặc vui mừng, hoặc sinh tâm nhàm lìa, hoặc nghi ngờ, đây là pháp Thần lực bất cộng. (Trích kinh Duy Ma quyển 1).

Bồ-tát thực hành không thủ trước tất cả pháp tướng, dựng bảo tràng thù thắng. Khi Đức Phật phát ra một loại âm thanh lớn, nếu Bồtát thích nghe công đức bố thí để được giải thoát thì liền được nghe Như Lai giảng nói lợi ích của sự bố thí; Hoặc ưa thích nghe về Giới, Tuệ… cũng lại như vậy. Khi Đức Phật thuyết pháp Đại thừa, tất cả chúng sanh đều được giải thoát. (Trích kinh Quán Phật Tam Muội quyển 3).

Đức Phật dùng một ngôn ngữ diễn thuyết tất cả pháp, chúng sanh trong đại thiên thế giới cùng một lúc dùng vô lượng âm thanh để hỏi, mỗi chúng sanh đều hỏi khác nhau. Ngay trong một niệm, Đức Phật dùng một âm thanh để đáp, khiến họ đều hiểu rõ. (Trích kinh Hoa Nghiêm quyển 26, Minh Thân Mật Bi Hoa quyển 7, kinh Thập Phân Biệt, Phổ Minh Khẩu Mật phần lớn cũng như vậy).

3. VIỆC ĐỨC PHẬT ĂN LÚA NGỰA:

Tại nước Tùy-la-nhiên (hoặc gọi là Tỳ La Nhiên) có vua Bà-lamôn, tên A-kỳ-đạt, thông minh tài trí. Vua đến luận nghị với Ngài Anan, Mân-để-quảng. Nói chuyện xong vua hỏi Ngài Tu-đạt-đa:

– Xứ này có thần nhân nào đáng tôn trọng không?

Tu-đạt đáp:

– Có thái tử Tất-đạt xuất gia, tu thành Phật, tướng hảo thù thắng, được trơi người tôn kính.

A-kỳ-đạt liền ra lệnh ngự giá đến Kỳ Hoàn. Sau khi được chiêm ngưỡng oai thần của Phật, vua khởi lòng kính trọng, liền đứng lên bạch Phật:

– Xin Đức Phật cùng chúng Tăng đến chỗ con an cư ba tháng hạ.

Đức Phật bảo:

– Chúng của ta đây đông nhiều mà ông chưa vẫn lòng tin.

Vua nói:

– Chưa phải nhiều đâu đông hơn gấp ba, con cũng thỉnh được. Đức Phật và năm trăm Tỳ-kheo cùng lúc nhận lời đến nước Tỳ-la-nhiên. Nước ấy, thành ấp nhỏ hẹp, hiểm trở, dân nghèo, ít có lòng tin Tam bảo, khất thực khó được, trước tiên là không có tịnh xá. Phía Bắc thành của nước này có rừng, nhánh lá xum xuê, đất đai bằng phẳng rộng lớn, Phật cho chúng Tăng dừng lại ở đây và bảo các Tỳ-kheo:

– Các ngươi nên biết, ấp này nhỏ hẹp nghèo nàn, dân chúng phần nhiều không tin Tam bảo, khất thực khó được. Nếu người nào muốn ở đây an cư thì ở, ai không muốn thì tùy ý.

Bấy giờ, Ngài Xá-lợi-phất một mình đến núi A-mâu-ca-mạt-ca vì đã nhận lời mời của trời Đế Thích và A-tu-la nữ cúng dường thức ăn cõi trời.

Khi ấy, vua bị Thiên ma mê hoặc trở về cung điện, say đắm ngũ dục: trang sức qúy báu, nữ nhạc, ăn mặc, vinh hoa lợi dưỡng, sắc dục. Vua trở vào hậu cung, ra lệnh cho người giữ cửa là trong vòng ba tháng không kể kẻ trên người dưới, việc ngoài lớn nhỏ đều không được tâu trình. Vua quên bẵng việc cúng dường cho Phật. Vua cũng quên ra lệnh cắt mọt phiên sáu ngày, cúng dường chư tăng.

Các Tỳ-kheo vì thế khất thực khổ nhọc khó được. Lúc ấy, Ngài Đại Mục-liên bạch Phật:

– Tại rừng Ha-lê-lặc và rừng A-ma-lặc có loại cây Uất-diêm-phù, con muốn hái lấy trái đó, cúng dường đại chúng. Xứ Uất-đơn-viết có lúa gạo tự nhiên, trời Đao-lợi có thức ăn vị Tu-đà, con đều muốn đến lấy về cúng dường đại chúng. Có vị đất ngọt, con dùng một tay nhấc thứ các chúng sanh lên, một tay lật đất xuống, để các Tỳ-kheo tự lấy ăn, xin được Thế Tôn cho phép.

Đức Phật bảo:

– Ngươi tự có đại thần lực, các Tỳ-kheo do quả báo ác hạnh đời trước đã đến không hề dời đổi. Ta không cho phép làm bất cứ việc gì.

Nước này có nước trong, cỏ ngon nên có người nước Ba-la đã lợi dụng cỏ nước ở đây nuôi ngựa và muốn đưa tráng đinh qua xứ này phụ giúp. Là người có lòng tinh thanh tịnh đối với Phật, người chủ ngựa thưa với các Tỳ-kheo:

– Chúng con biết Tăng chúng đói lắm mà thức ăn đã hết. Con đang có lúa ngựa, các vị có dùng được không?

Các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

– Ngựa thuộc về người chăn ngựa, họ có thể dùng cỏ ngon, nước muối để nuôi ngựa; còn lúa này chúng ta có quyền thọ dụng.

Bầy ngựa này có năm trăm con, một con ăn mỗi ngày hai thăng lúa. Người chăn ngựa trích mỗi phần ra phân nửa để cúng cho các Tỳkheo. (Luật Tứ Phần ghi: một con ngựa ăn một đấu, lấy ra năm thăng cúng chúng Tăng).

Trong đó, có một con ngựa tốt, mỗi ngày ăn bốn đấu, lấy ra phân nửa cúng Phật (Luật Tứ Phần ghi:hai đấu, lấy ra một thăng).

Ngài A-nan đem phần của Phật và của mình vào tụ lạc, rồi tán thán công đức Phật với một cô gái và nói cho biết vì có chút nhân duyên nên đến đây an cư; sau đó hỏi:

– Ngươi có thể nấu lúa ngựa thành cơm được không?

Cô gái thưa:

– Nhà tôi nhiều việc, không thể nấu được.

Có một cô gái ở kế bên nghe nói thế, thưa với Ngài A-nan:

– Ngài đem lúa ngựa đến đây, tôi sẽ nấu giúp. Nếu có vị Tỳ-kheo hiền lành, trí tuệ, trì giới cần nấu, tôi cũng nấu giúp.

– Cô gái nấu cơm xong đưa cho Ngài A-nan.

Ngài A-nan hết mực quý kính Đức Phật nên suy nghĩ:

– Đức Phật là dòng dõi vua chúa, thường dùng món ăn ngon quý. Cơm này dở, không bổ dưỡng cho cơ thể.

Ngài dâng cơm nước, rồi đứng nhìn Phật dùng, lòng buồn thương nghẹn ngào. Đức Phật hiểu lòng A-nan, muốn giải thích nguyên do, nhưng lại hỏi:

– Ngươi ăn cơm này được không?

A-nan thưa:

– Con có thể ăn được

Ngài A-nan phát hiện, vị cơm này rất khác thường, thật ra là do chư Thiên đã gia thêm mỹ vị. Ngài vô cùng vui sướng,không còn chút buồn bã nghẹn ngào. Ngài kể cho Đức Phật nghe về hai cô gái kia. Đức Phật bảo:

– Người nữ đầu tiên nếu chịu nấu cơm giùm thì sẽ làm đệ nhất phu nhân của Chuyển luân Thánh vương. Cô gái thứ hai không nhờ mà nấu, phước này vô lượng.

Lúc bấy giờ, các cư sĩ giàu sang trong nước, như đại phú Tát-bạt… nghe Đức Phật ăn lúa ngựa ba tháng, liền sửa soạn đủ các món ngon quý, rầm rộ chở đến cúng dường.

Còn hơn bảy ngày nữa là đến ngày Tự tứ, Đức Thế Tôn bảo Ngài A-nan:

– Ngươi hãy vào thành báo cho A-kỳ-đạt biết, an cư xong, ta lại du hành sang nước khác.

Ngài A-nan cùng với một vị Tỳ-kheo đi đến chỗ vua, thuật đầy đủ lời Phật dạy. Nhà vua vẫn chưa nhớ ra, liền hỏi:

– Phật đang ở đâu?

A-nan tâu:

– Đức Phật nhận lời vua thỉnh ba tháng, vừa mãn hạ nên nay còn ở trong nước của bệ hạ.

Nhà vua lại hỏi A-nan:

– Ai cung cấp?

A-nan tâu:

– Đức Phật và chúng Tăng ba tháng nay ăn lúa ngựa, khổ sở cùng cực.”

Nghe xong, nhà vua sực nhớ ra, mới biết do mình mà Phật và chúng Tăng phải ăn lúa ngựa ba tháng. Rồi đây tiếng xấu sẽ lan truyền cả nước, làm nhơ danh. Nhà vua lo lắng, hổ thẹn, sầu não, liền cùng hoàng thân đi đến chỗ Phật, thành tâm sám hối, thỉnh Phật lưu lại. Đức Phật nhận lời bảy ngày. Nhà vua sắm sửa đủ món ăn cúng dường, cúng Phật bốn tấm vải kiếp bối và một đôi giày, cúng chúng Tăng mỗi người hai tấm vải kiếp bối và một đôi giày (Thiện kiến Tỳ-Bà-sa ghi: Nhà vua tập hợp con cháu lại nói rằng: Trước kia, ta thỉnh Phật an cư ba tháng nhưng không cúng được ngày nào. Nay đem kỳ hạn cúng trong ba tháng thiết lễ vào ngày mai, cúng Phật ba y, cúng chúng Tăng ba y, lại cúng mỗi vị một cặp bạch-điệp, một tấm khâm-Bà-la, bát đâu-na-ba-tra, đời Lương gọi là quyến, một bát thuốc cao đầy)

Nhà vua đem lễ cúng dọn đầy giữa đường, muốn cho Phật và chúng Tăng giẫm qua.

Đức Phật dạy:

– Lương thực nên ăn, nên quý trọng, không được giẫm chân lên.

Đức Phật liền thọ nhận. Ngài và đại chúng đều chú nguyện.

Nhà vua vui mừng, không còn buồn lo, đắc pháp nhãn tịnh.

(Trích kinh Trung Bổn Khởi, hạ, quyển 10. Luật tụng Di-sa-tắc đại khái cũng vậy).

4. NHÂN DUYÊN ĐỨC PHẬT CÙNG NĂM TRĂM CHÚNG TĂNG ĂN LÚA NGỰA:

Vào thời quá khứ lâu xa, thuở Đức Phật Tỳ-Bà-diệp, tại thành Bàn-đầu-ma-bạt, vua tên Bàn-đầu, có Bà-la-môn tên Nhân-đề-kỳ-lợi thông suốt bốn bộ Vệ đà, các toán thuật và giới cấm của Bà-la-môn, dạy cho năm trăm đồng tử.

Một hôm, nhà vua mở hội thỉnh Phật cúng dường thịnh soạn. Trong chúng có Tỳ-kheo Di-lặc bị bệnh, không thể đến thọ thực. Thọ trai xong, chúng Tăng xin thức ăn về cho Tỳ-kheo bệnh. Vị Phạm chí không cho, lại mắng:

– Bọn Sa-môn đầu trọc đáng lẽ phải ăn lúa ngựa, không đáng ăn thức cúng dường ngon ngọt thế này.

Học trò của ông ta cũng đồng tình: “đúng vậy!” Đức Phật bảo:

– Này Xá-lợi-phất, Bà-la-môn thuở ấy chính là thân ta, năm trăm đồng tử nay là năm trăm vị A-La-hán, Tỳ-kheo bệnh nay là Bồ-tát Dilặc.

( Trích kinh Hưng Khởi Hành, quyển ha)

5. HIỆN QUẢ BÁO CÂY GIÁO SẮT:

Trong thành Xá-vệ có hai mươi người oán định với hai mươi người khác. bốn mươi người này ai cũng muốn tìm đủ mọi cách sát hại lẫn nhau. Họ tìm đến chỗ Phật để nương nhờ oai thần của Ngài. Đức Phật hóa độ cho bốn mươi người này. Ngay lúc đó, có cây giáo sắt (có chỗ gọi là Khư-đạt-la-thích) tự nhiên đâm vào ngón cái chân phải của Phật.

Khi Ngài nói chưa dứt lời, cây giáo cắm ngay trước mặt Ngài.

Bấy giờ, Ngài Mục-kiền-liên bạch Phật:

– Nay con xin nhổ cây giáo này bỏ sang thế giới khác.

Đức Phật bảo:

– Người muốn nhổ được cây giáo sắt này phải nhờ sức tinh tấn, cho dù làm chấn động mạnh ba ngàn đại thiên thế giới mà không thể làm cây giáo lay động.

Đức Phật lên cõi trời Phạm Thiên, cây giáo cũng theo lên. Ngài trở về thành Xá-vệ, cây giáo cũng hiện trước mặt. Ngài lấy tay nắm cây giáo, dùng chân đạp lên.

Thấy vậy, Mục-kiền-liên hỏi:

– Đức Như Lai vì tội gì mà bị cây giáo gieo họa?

Đức Phật bảo:

– Xưa có năm trăm người lái buôn tâm địa xấu ác. Ta liền hại họ.

Đó là dư báo của việc này.

Bốn mươi người kia nghe vậy, tự bảo nhau:

– Đấng Pháp vương còn như thế, huống nữa là bọn ta sẽ không bị tội báo sao!

Thế rồi, họ đều tự thú, hối lỗi, nhập trí bình đẳng. (Trích kinh Tuệ Thượng Bồ-tát, quyển hạ)

6. ĐỨC PHẬT HÓA ĐỘ BỐN VỊ PHẠM CHÍ BỊT TAI KHÔNG CHỊU NGHE PHÁP:

Xưa có bốn Bà-la-môn đều đắc thần thông, thân có thể bay đi tự tại vô ngại. Bốn vị Phạm chí này tự bảo nhau: Nếu có người dân đem thức ăn ngon qúy cúng dường Sa-môn Cù-đàm, liền được sanh lên trời, hưởng phước vô cùng. Người nào nghe pháp sẽ được giải thoát, còn bọn ta chỉ ưa phước trời, không muốn giải thoát, nên không cần nghe pháp.

Bấy giờ, bốn người cầm bốn bình mật ngon ngọt. Người thứ nhất đến trước dâng lên Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo Phạm chí:

– Các hành là vô thường.

Vị Phạm chí nghe vậy, liền bịt tai.

Đến vị thứ hai, Đức Phật bảo:

– Các pháp có thịnh suy.

Vị Phạm chí nghe vậy, cũng bịt tai.

Đến vị thứ ba, Đức Phật lại bảo:

– Có sanh thì có tử.

Phạm chí nghe vậy cũng bịt tai lại.

Sau cùng là vị thứ tư, Đức Phật lại bảo:

– Tịch diệt là an vui

Phạm chí nghe vậy cũng bịt tai.

Cả bốn vị đều bỏ đi, rồi hỏi nhau:

– Sa-môn Cù-đàm dạy những gì?

Người đầu tiên trả lời:

Tôi nghe một câu: Các hành là vô thường! Theo thứ tự, các vị khác cũng trình bày.

Sau khi nói thành bài kệ, tâm trí họ khai mở, đắc quả A-na-hàm. Bấy giờ, bốn người này tự biết đã đắc đạo, nên tự quở trách mình. Họ đi đến chỗ Như Lai, đầu mặt lễ chân Phật, đứng qua một bên, bạch với Phật rằng:

– Cúi xin Đức Như Lai ngay đây cho phép chúng con được làm Sa-môn.

Đức Thế Tôn bảo:

– Lành thay, Tỳ-kheo, hãy gấp tu phạm hạnh.

Thế rồi, bốn vị này, tóc trên đầu tự rụng, áo đang mặc trên thân biến thành Ca-sa, liền đắc quả A-La-hán trước mặt Đức Phật.

(Trích kinh Vô Thường).

7. ĐỨC PHẬT HÓA LÀM VỊ PHẠM CHÍ ĐỂ ĐỘ VUA ĐA MUỘI TƯỢNG:

Xưa có Bà-la-môn tên Đa-muội-tượng. Vua nước này tôn thờ ngoại đạo. Một hôm, nhà vua chợt khởi thiện tâm, muốn bố thí rộng rãi theo phép Bà-la-môn. Vua cho đem bảy báu chất cao như núi. Hễ ai đến xin, cho phép tự lấy đủ nặng một túi. Mấy ngày như thế, của báu không thấy vơi bớt.

Đức Phật biết vị vua này có phước duyên đời trước đáng được độ. Ngài hóa làm vị Phạm chí đi đến nước kia, nhà vua ra đón tiếp, chào hỏi rồi bảo:

– Ông cầu xin việc gì, chớ có e ngại.

Vị Phạm chí đáp:

– Tôi từ xa đến đây, muốn xin châu báu để làm nhà cửa.

Nhà vua bảo: Tốt lắm! Cứ lấy cho đủ một túi.

Vị Phạm chí lấy một túi, đi được bảy bước quay để lại chỗ cũ.

Nhà vua hỏi: Vì sao vậy?

Phạm chí đáp: Chừng này tính ra chỉ đủ làm nhà, còn phải cưới vợ, sợ không đủ. Vì thế, không lấy.

Nhà vua bảo: Lấy thêm ba túi nữa đi.

Phạm chí liền lấy, đi được bảy bước, trở lại để chỗ cũ.

Nhà vua hỏi: Vì sao?

Phạm chí đáp: Số này chỉ đủ cưới vợ, không còn để mua ruộng đất, nô tỳ, trâu bò, nên không muốn lấy.

Nhà vua bảo: Lấy thêm bảy túi nữa đi.

Phạm chí liền lấy, đi dược bảy bước trở lại để chỗ cũ.

Nhà vua hỏi: Còn muốn gì nữa?

Phạm chí đáp: Nếu có con cái, còn phải cưới gả, chi dùng việc này việc nọ, tính ra không đủ dùng, nên không lấy.

Nhà vua bảo: Lấy hết đống báu đi, để chi dùng những việc ấy.

Phạm chí lấy, rồi bỏ lại.

Nhà vua lấy làm lạ, lại hỏi nguyên do.

Phạm chí đáp: Vừa rồi xin của báu, cốt để mưu sinh, nhưng nghĩ cho cùng, mạng người ở đời không lâu, vạn vật vô thường, sớm chiều khó bảo đảm, nhân duyên càng nhiều thì khổ não càng lắm, của báu chất cao như núi cũng không có ích gì cho ta; ham muốn mưu tính luống tự khổ nhọc, không bằng dứt tâm ham muốn, cầu đạo vô vi, cho nên không lấy.

Nhà vua tâm ý khai mở, vâng theo lời dạy.

Thế rồi, vị Phạm chí hiện lại thân Phật sáng chói, bay lên đứng giữa hư không, và nói kệ cho nhà vua nghe:

Tuy chứa nhiều của báu
Cao ngất đến tận trời
Khắp thế gian như thế
Cũng không bằng thấy đạo
Lành dữ đều như nhau
Yêu ghép nào có khác
Lấy khổ để làm vui
Điều kẻ ngu nhàm chán.

Nhà vua nhìn thấy hào quang của Phật, lại nghe được bài kệ này.

Vua và quần thần liền thọ năm giới, đắc quả Tu-đà-hoàn.

(Trích kinh Pháp Cú Dụ quyển 1)

8. ĐỨC PHẬT HÓA ĐỘ TRƯỞNG GIẢ LƯ CHÍ, ĐỔI BINH KHÍ THÀNH CÁC LOẠI HOA:

Ở Nam Thiên Trúc có một thành lớn tên Thủ-ba-la. Trong thành có trưởng giả Lư chí làm người chủ hướng dẫn mọi người.

Vào thời Đức Phật trong vô lượng kiếp quá khứ, trưởng giả này trồng các căn lành. Dân chúng thành này điều tin theo tà đạo, tôn thờ Ni-kiền-tử.

Bấy giờ, vì muốn độ trưởng giả này, Đức Phật từ thành Vương-xá đi đến thành ấp kia. Ni-kiền-tử nghe tin này, liền suy nghĩ:

– Nếu Sa-môn Cù-đàm đến đây, dân chúng thành này sẽ bỏ ta, không cung cấp cho ta nữa.

Ông ta mới bảo mọi người:

– Sa-môn Cù-đàm nay muốn đến đây, nhưng Sa-môn ấy bỏ bê cha mẹ, rong ruổi đông tây. Hễ ông ấy đi đến đâu thì nơi đó đất đai cằn cỗi, ngũ cốc mất mùa, nhân dân đói khát, người chết đầy đường, không chút an vui.

Người dân nghe xong, trong lòng lo sợ, thưa:

– Bạch Đại sư phải tính sao đây?

Ni-kiền-tử bảo:

– Sa-môn Cù-đàm, ưa thích nơi núi rừng có suối chảy, nước trong. Giả sử ngoài thành có những thứ ấy, nên phá bỏ đi. Các ngươi hãy cùng nhau ra ngoài thành đốn chặt cây cối, lấp hết ao hồ, sông suối làm cho hôi thối, đóng chặt cửa thành, mỗi người phải có cây gậy để phòng thân, phải xây tường bảo vệ, tự lo phòng thủ. Nếu ông ấy đến, hãy đuổi đi. Chúng ta cũng phải dùng các phép thuật làm cho Sa-môn Cù-đàm kia quay trở về.

Dân chúng trong thành vâng lời làm theo.

Lúc ấy, Đức Phật đi đến thành ấp kia, nhìn thấy các việc như thế, liền khởi tâm từ bi thương xót họ. Tất cả cây cối mọc trở lại như cũ không thể kể xiết. Sông suối, ao hồ, nước trong xanh, tràn ngập như lưu ly trong suốt, sinh ra các loại hoa phủ đầy trên mặt nước, tường thành biến thành lưu ly xanh biếc. Dân chúng trong thành đều thấy hết thảy Đức Phật và đại chúng. Cửa tự mở ra, tường cũng không thể ngăn được, cây gậy phòng thân biến thành các loại hoa. Trưởng giả Lư Chí làm thượng thủ và người dân ở đó đều cùng nhau đi đến chỗ ta. Đức Phật liền nói các pháp yếu cho họ nghe, khiến tất cả mọi người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

(Trích kinh Niết-bàn quyển 4)

9. ĐỨC PHẬT HÓA LÀM SA-MÔN ĐỘ NĂM VỊ TỲ-KHEO:

Xưa, tại một ngọn núi cách thành nước Ba-la-nại bốn trăm năm mươi dặm, có năm vị Sa-môn tu đạo. Sáng sớm, năm vị này xuống núi, vào nhân gian khất thực; khất thực xong, trở về đến núi thì trời đã tối; Tới lui mệt nhọc nên không thể tọa thiền, tư duy chánh định. Trải qua nhiều năm như thế, các vị này vẫn không đắc đạo.

Đức Phật thấy vậy, thương xót suy nghĩ: những người này tu hành khổ nhọc mà không có kết quả, nên hóa làm một đạo nhân đi đến chỗ họ, rồi hỏi:

– Các ông ẩn cư tu đạo không mệt nhọc ư?

Các Sa-môn thưa:

– Chúng tôi ở đây cách thành rất xa, tấm thân tứ đại cần phải ăn uống. Hằng ngày phải tới lui, cơ thể mệt nhọc, trải qua nhiều năm vẫn không đắc đạo, là điều đương nhiên, đến chết cũng vậy.

Đạo nhân nói:

– Là người tu đạo lấy giới làm gốc, nhiếp tâm làm hạnh, coi thường hình hài, qúy trọng chân lý, vứt bỏ thân mạng, ăn để nuôi thân, giữ tâm chánh định, trong học chỉ quán, dứt niệm đắc đạo. Nếu chăm chút thân này theo thói thường, sao thoát khổ được? Xin các đạo nhân ngày mai chớ đi, ta sẽ cúng dường.

Năm vị Sa-môn được nghỉ ngơi một ngày, lòng rất vui vẻ, lạ kỳ chưa từng có, tâm lý an định, không còn lo lắng.

Giữa trưa ngày mai, vị hóa thân này đem thức ăn đến, các vị ăn

xong, tâm ý thư thới, yên tỉnh, vị hóa thân nói kệ cho họ nghe xong, hiển hiện thân Phật sáng rỡ

Năm vị Sa-môn này tinh thần phấn khởi, đều tư duy về Giới, liền đắc quả A-La-hán.

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển 3)

10. ĐỨC PHẬT HIỆN LÀM SA-MÔN HÓA ĐỘ VỢ CHỒNG KEO KIỆT:

Ở nước Xá-vệ có một gia đình nghèo, cả hai vợ chồng đều tham lam keo kiệt, không tin đạo đức.

Đức Phật thương xót những người ngu này nên hiện làm một Samôn, đến nhà họ khất thực. Hôm ấy, người chồng đi vắng, người vợ ra mắng chửi:

– Đồ không biết điều.

Vị Sa-môn nói:

– Ta là đạo sĩ, xin ăn cốt để nuôi thân, không nên quở mắng, chỉ xin một bữa thôi.

Người vợ nói:

– Nếu ông chết ngay, cũng không có cơm; huống chi hiện đang khỏe mạnh, lại muốn ta cho, còn gì nữa, chẳng cút sớm đi.

Thế rồi, vị đạo nhân đứng trước mặt bà ta, nhắm mắt nín thở, liền hiện thân chết đứng. Cơ thể sình trương lên, giòi từ mũi miệng bò ra, ruột gan thối rữa, chất bất tịnh chảy tràn.

Thấy vậy, người vợ sợ hãi, thất thanh, bỏ chạy.

Vị đạo nhân cũng bỏ đi, đến ngồi nghỉ dưới cây, cách nhà ấy vài dặm.

Người chồng trở về, giữa đường gặp vợ có vẻ hốt hoảng, lấy làm lạ. Người vợ kể hết việc này cho chồng nghe. Người chồng nổi giận, hỏi:

– Ông ấy ở đâu?

Người vợ đáp:

– Đã đi rồi, có lẽ cũng chưa xa.

Người chồng liền cầm cung mang dao đuổi theo dấu chân, chạy thẳng đến trước mặt đạo nhân, rồi giương cung, rút dao muốn chém ông ta.

Vị đạo nhân mới hóa ra một thành lưu ly nhỏ bao quanh mình mấy vòng.

Người chồng không thể vào được, liền hỏi đạo nhân:

– Sao không mở cửa?

Đạo nhân bảo:

– Muốn ta mở cửa, ông hãy quăng bỏ cung đao xuống.

Người kia suy nghĩ: cứ tạm chiều ý đi, nếu ta vào được thì dùng tay đấm ông ấy.

Người kia quăng bỏ cung đao, cửa vẫn không mở, lại hỏi đạo nhân:

– Đã bỏ cung đao, sao cửa không mở?

Đạo nhân nói:

– Ta bảo ông hãy quăng bỏ cung đao ác ý trong tâm, chớ đâu phải cung đao trong tay.

Thế rồi, người kia thân tâm hốt hoảng, cho rằng đạo nhân là thần Thánh, mới biết tâm ta, liền cúi đầu tự trách hối lỗi, thưa với đạo nhân:

– Vợ con có lỗi, không biết Ngài là bậc chân tu, khiến con khởi tâm xấu ác. Xin Ngài dũ lòng thương xót, đừng bỏ rơi con. Nay con muốn sau này khuyến hóa bà ấy được tu theo Ngài.

Người chồng đứng dậy trở về nhà, người vợ hỏi:

– Sa-môn ở đâu?

Người chồng kể đủ công đức thần biến của Ngài, rồi nói:

– Ngài đang ở đằng kia, bà đi thẳng đến đó sám hối để dứt tội.

Nghe xong, vợ chồng cùng đi đến chỗ đạo nhân, năm vóc gieo xuống đất, sám hối tội lỗi, thưa:

– Con xin được làm đệ tử và xin được biết về thành lưu ly kiên cố, tâm ý Ngài định tĩnh, hoàn toàn không lo sợ là nhờ công đức gì mà được sự thần diệu như thế?

Đạo nhân bảo:

– Ta học rộng không nhàm chán, tôn kính pháp không giải đãi, tinh tấn trì giới, tâm không phóng dật. Nhờ nhân duyên đó nên đắc đạo, tự chứng Niết-bàn.

( Trích kinh Pháp Cú quyển 3).

11. ĐỨC PHẬT HÓA ĐỘ CON NHÀ ĐỒ TỂ VÀ CÁC PHẠM CHÍ ĐỀU ĐƯỢC ĐẮC ĐẠO:

Xưa, có năm trăm Bà-la-môn thường tìm cách để phỉ báng Phật.

Họ bàn với nhau:

– Hãy sai con nhà đồ tể giết vật, rồi thỉnh Phật và chúng Tăng đến thọ trai. Phật sẽ nhận lời, khen ngợi con nhà đồ tể. Chúng ta liền đến chê bai ông ta.

Đức Phật nhận lời, bảo con nhà đồ tể:

– Quả chín tự rụng, phước đến tự hưởng.

Con nhà đồ tể trở về, dọn bày thức ăn uống.

Đức Phật dẫn các đệ tử đến nhà đàn việt trong làng đồ tể, các phạm chí lớn nhỏ đều vui mừng, cho rằng:

– Hôm nay có cơ hội chê Phật đây. Nếu ông ta tán thán phước đức, thì đem việc sát sanh là việc tạo tội để chê bai; nếu nói chuyện do tội ác thì đem phước đức của ngày hôm nay để vấn nạn. Cả hai điều này, hôm nay đều đã đúng lúc.

Đức Phật đến nơi, ngồi xuống, rửa tay chân, ăn cơm. Ngài quan sát tâm của đại chúng, xem ai là người đáng độ, liền lè lười che mặt, liếm tai, phóng ánh sáng lớn, chiếu khắp cả phòng, lại dùng Phạm Âm nói kệ chú nguyện:

Theo lời Phật dạy
Lấy đạo nuôi thân
Kẻ ngu tật đố
Thấy sanh tâm ác
Làm ác gặp ác
Như gieo giống đắng
Ác tự chuốc tội
Lành tự hưởng phước
Thiện ác thành thục
Không thể thay nhau
Làm lành gặp lành
Như gieo giống ngọt.

Năm trăm Phạm-chí nghe xong, tâm ý khai ngộ, năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ Phật, mong được lãnh thọ Thánh giáo, cúi xin Ngài thương xót cho phép làm Sa-môn.

Đức Phật hứa khả. Tất cả đều trở thành Sa-môn. Mọi người lớn nhỏ trong làng thấy Phật biến hóa, ai cũng vui mừng, đều đắc kiến đạo.

Cho nên gọi làng ấy là làng Hiền, không còn gọi tên làng đồ tể nữa. (Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển 1).

12. ĐỨC PHẬT HÓA ĐỘ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ TÍN TÂM Ở BỜ SÔNG LỚN:

Phía Đông Nam Xá-vệ có con sông lớn, vừa sâu vừa rộng. Hơn năm trăm gia đình cư ngụ bên bờ sông, không biết làm việc đạo đức, giúp đời, quen thói ngang tàng, lừa dối, tham lợi phóng túng cho thỏa thích tâm ý.

Biết những gia đình này có phước, đáng được độ, Đức Phật đến ngồi dưới gốc cây bên bờ sông.

Dân làng nhìn thấy Phật hào quang sáng rỡ kỳ lạ, đều kinh ngạc, đi đến kính lễ, hoặc lạy, hoặc chắp tay, thăm hỏi.

Đức Phật bảo họ ngồi, rồi nói pháp cho họ nghe. Mọi người nghe xong, lòng vẫn chưa tin. Đức Phật hóa ra một người từ phía Nam bờ sông đi đến, đi trên mặt nước, chỉ ngập tới mắt cá chân. Người này đến trước Phật, cúi đầu đảnh lễ. Ai thấy cũng kinh ngạc, mới hỏi vị hóa nhân:

– Chúng tôi vốn sinh sống bên bờ sông này, nhưng chưa từng thấy người nào đi trên mặt nước. Vậy ông là ai? Có phép thuật gì mà đi trên nước không chìm?

Vị hóa nhân đáp:

– Tôi là người ngu đần ở phía Nam con sông, vì nghe Phật ở đây và ưa thích đạo đức, nên đến bờ phía Nam; Gặp lúc không qua sông được, mới hỏi người bên bờ: “Nước sâu hay cạn?”. Người kia nói: “Nước chỉ ngang mắt cá.” Tôi tin lời người ấy, liền đi sang đây, không có phép thuật gì khác.

Đức Phật khen:

– Lành thay! Người có lòng tin chân thành có thể vượt qua vực thẳm sanh tử. Con sông mấy dặm, có gì là lạ.

Dân làng nghe xong, sanh lòng tin vững chắc, đều thọ năm giới, trở thành cư sĩ thuần thành.

( Trích kinh Pháp Cú quyển 3 )

13. ĐỨC PHẬT HÓA ĐỘ NĂM TRĂM GIẶC CƯỚP XUẤT GIA ĐẮC ĐẠO:

Bấy giờ, hai nước Xá-vệ và Tỳ-xá-ly có hiềm khích, đem quân đánh nhau. Vua nước Xá-vệ suy nghĩ:

– Ta là vua, phải dẹp giặc, an dân. Tại sao lại để bọn giặc hại người, cướp của?

Nhà vua liền ra lệnh cho các tướng sĩ:

– Các khanh hãy đuổi bắt, cầm tù bọn chúng.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo ở Xá-vệ vừa an cư xong, muốn đến Tỳ-xály, nhưng bị lạc đường, rơi vào tay bọn giặc kia. Các Tỳ-kheo hỏi: – Trưởng giả, ông định đi đâu?

Đáp:

– Về Tỳ-xá-ly.

Tỳ-kheo lại nói:

– Chúng tôi xin được kết bạn cùng đi.

Kẻ kia liền đáp:

– Chúng tôi là giặc cướp, thường băng qua rừng rậm gai góc, đi không chọn đường. Ông là người hiền thiện, sao lại theo chúng tôi?

Các Tỳ-kheo lại nài nỉ:

– Xin dẫn tôi đi cùng.

Các Tỳ-kheo nói chưa đứt lời, đoàn lính đuổi tới, bắt luôn các Tỳkheo, dẫn đến chỗ vua, tâu rằng:

Đây là bọn giặc.

Vua phán:

Hãy dẫn Tỳ-kheo đến đây trước.

Vua bảo các Tỳ-kheo:

– Các ông là người xuất gia, tại sao làm giặc cướp?- Chúng tôi chẳng phải giặc cướp – Sao cùng đi với giặc?

Tỳ-kheo đem việc trên tâu lên nhà vua, vua liền tha cho đi.

Vua lại hỏi bọn giặc:

– Những vị xuất gia này là bạn các ngươi phải không?

Đáp:

– Đúng là bạnVua phán:

– Dẫn giặc đi, gọi các Tỳ-kheo trở lạiVua hỏi:

– Tỳ-kheo đã nói dối, gạt quan. Bọn giặc nói các ngươi là bạn, sao các ngươi nói không phải?

Tỳ-kheo vẫn đáp như trước.

Vua liền ra lệnh thả Tỳ-kheo ra, còn giặc thì theo luật pháp trị tội. Nhà vua cho năm trăm giặc cướp mang gông, rồi đánh trống, truyền rao sẽ giết họ.

Bọn giặc kêu khóc. Đức Phật biết mà vẫn cố hỏi:

– Sao có nhiều tiếng kêu khóc thế?

Tỳ-kheo thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn, đó là tiếng kêu khóc của năm trăm giặc cướp bị nhà vua ra lệnh giết.

Đức Phật bảo A-nan:

– Ông hãy qua tâu vua; Bệ hạ là vua phải thương dân như con, tại

sao một lúc giết cả năm trăm người?

A-nan vâng lời, liền đến chỗ vua, tâu hết lời Phật dạy.

Vua nói:

– Thưa Tôn giả, trẫm biết việc này: giết một mạng người tội đã nhiều rồi, huống nữa giết tới năm trăm người; nhưng bọn này thường phá hoại xóm làng, cướp bóc nhân dân. Nếu Đức Thế Tôn có thể khiến họ không làm giặc nữa, trẫm sẽ tha cho họ sống.

A-nan trở về bạch lại với Phật.

Đức Phật bảo A-nan: tâu vua cứ thả họ ra, ta sẽ khiến họ từ nay về sau không làm giặc nữa.

A-nan vâng lời Phật dạy, trước hết đến chỗ hành hình, nói với quan coi về việc chém giết:

– Những tội nhân này, Đức Thế Tôn đã cứu rồi, các ông không nên giết họ.

A-nan lại đến chỗ vua, tâu:

– Đức Thế Tôn nói với vua là Ngài có thể khiến họ không làm giặc nữa.

Nhà vua liền tha mạng, nhưng chưa cởi trói, dẫn họ đến trước Đức Phật.

Đức Phật muốn độ những người kia, liền ngồi giữa đất trống. Bọn giặc từ xa trông thấy Phật, dây trói tự mở, đầu mặt lạy chân Phật, rồi đứng sang một bên. Đức Phật quán sát nhân duyên của họ rồi tùy cơ thuyết pháp, nói về việc báo ứng của hạnh nghiệp bố thí, trì giới; nói về pháp Tứ diệu đế khổ, tập, diệt, đạo. Ngay khi đó, họ đắc quả Tu-đàhoàn.

Đức Phật hỏi:

– Các ông có muốn xuất gia không?

Những người này thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn, trước kia nếu chúng con xuất gia thì đâu gặp phải khổ này. Nay xin Đức Thế Tôn độ cho chúng con được xuất gia.

Đức Phật bảo:

– Lành thay, Tỳ-kheo.

Bấy giờ, năm trăm giặc cướp y phục đang mặc trên người biến thành ba y, tự nhiên có đủ bình bát, oai nghi tề chỉnh giống như cựu Tỳkheo trăm tuổi, đều thành bậc A-La-hán.

( Trích luật Tăng-kỳ quyển 19).

14. ĐỨC PHẬT THỔI THUỐC HƯƠNG SƠN VÀO MẮT NĂM TRĂM GIẶC MÙ KHIẾN MẮT HỌ SÁNG LẠI:

Ở nước Kiều-tát-la có năm trăm giặc cướp. Vua Ba-tư-nặc khốn khổ vì sự quấy phá, lộng hành của chúng, nên sai binh lính vây bắt, móc mắt rồi đuổi họ vào khu rừng tối tăm rậm rạp.

Vào thời Phật quá khứ,bọn giặc này vốn đã gieo trồng trồng cội phước. Nay mắt mù phải chịu nhiều đau khổ nên ai cũng niệm: Nam mô Phật-đà.

Lúc ấy, ta đang ở tại tịnh xá Kỳ-hoàn, nghe tiếng họ niệm, liền khởi tâm từ. Bỗng có ngọn gió mát thổi các loại thuốc thơm trong Hương Sơn vào đầy mắt họ, khiến mắt họ sáng trở lại. Bọn giặc mở mắt ra, liền trông thấy Phật đang đứng trước mặt, thuyết pháp cho họ nghe. Bọn giặc nghe pháp xong, liền phát tâm A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.

(Trích kinh Đại Niết-bàn quyển 14, kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân quyển 7 phần lớn cũng giống như thế).

15. ĐỨC PHẬT HÓA LÀM CON CỦA BÀ-LA- MÔN CÓ TÁNH CHẤP TRƯỚC KHIẾN CHA MẸ TRỞ LẠI BẢN TÂM:

Ở nước Tỳ-xá-ly, có vị Bà-la-môn chấp chặt tà kiến. Vì không có con cái nên ông ta suy nghĩ: Ta thình lình chết đi, của cải sẽ sung vào của quan, liền đi cầu tự ở các thần núi, thần cây.

Bỗng nhiên người vợ có thai, đủ tháng sinh ra đứa bé trai kháu khỉnh, nên hai ông bà rất đỗi thương yêu. Đến năm mười hai tuổi, cậu bé đi dạo chơi; dọc đường gặp phải voi say giẫm chết. Hai ông bà sầu não, sinh ra điên cuồng, lõa thân chạy khắp nơi.

Đức Phật xót thương, hóa làm đứa con. Hai ông bà chạy đến ôm lấy, hết sức vui mừng, cuồng si liền dứt, trở lại bản tâm. Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe. Cả hai đều phát tâm tu hành.

( Trích kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân quyển 4)

16. ĐỨC PHẬT HÓA ĐỘ DÂM NỮ SANH TÂM CHÁN KHỔ: Đức Phật bảo A-nan:

– Xưa kia, khi ta an cư mùa hạ ở nước Ba-la-nại, có một dâm nữ tên là Diệu Ý vốn có duyên với Phật. Hàng ngày đi khất thực, Đức Phật dẫn Nan-đà đi ngang qua nhà dâm nữ, nhưng người nữ này chẳng hề cung kính ta, chỉ yêu mến một mình Nan-đà.

Bảy ngày trôi qua, người nữ nghĩ bụng:

– Nếu Sa-môn Cù-đàm có thể khiến Nan-đà, A-nan chiều theo ý ta, ta sẽ cúng dường ông ấy đủ thứ.

Đức Phật bảo A-nan, Nan-đà:

– Kể từ nay, hai ông chớ qua thôn ấy khất thực.

Một mình Đức Phật đến nhà dâm nữ. Ba ngày đầu, Đức Phật phóng ánh sáng sắc vàng, hóa ra các thiên nhân, dâm nữ vẫn không biết. Hôm sau, Đức Phật lại dẫn A-nan, Nan-đà đi đến nhà dâm nữ. Vì dâm nữ kính yêu hai Tỳ-kheo này, nên từ xa lấy hoa rải xuống Đức Phật và hai Tỳ-kheo.

A-nan bảo:

– Ngươi hãy lễ Phật.

Dâm nữ vì yêu mến A-nan nên tức thời lễ Phật. Đức Phật hóa làm ba đồng tử đều mười lăm tuổi, mặt mày khôi ngô. Dâm nữ nhìn thấy rất ưa thích. Dâm nữ cúi đầu kính lễ, thưa với hóa thiếu niên:

– Thưa chàng, nhà thiếp đây chẳng khác gì cõi trời công đức, cũng giàu sang, tự tại, của báu tốt đẹp nhiều. Thiếp nay xin tình nguyện làm nô tỳ quét tước dọn dẹp, hầu hạ chàng. Nếu được chàng đoái thương nhận lời, thỏa nguyện ước của thiếp, thiếp sẽ chu cấp tất cả,không tiếc thứ gì.

Hóa nhân ngồi lên giường, chưa đầy thời gian một bữa ăn dâm nữ đến trước mặt thỏ thẻ:

– Xin chiều theo ý của thiếp đi.

Hóa nhân đồng ý. Một ngày một đêm, dâm nữ không hề mỏi mệt, nhàm chán. Đến ngày thứ hai, tâm ái giảm dần. Sang ngày thứ ba dâm nữ nói:

– Chàng nên dây ăn uống đi.

Hóa nhân ngồi dậy, còn muốn ân ái nữa. Dâm nữ đâm ra nhàm chán, nói:

– Chàng là người khác thường mới như vậy.

Hóa nhân bảo:

– Theo phép của ông bà ta, hễ gần người nữ phải liên tục mười hai ngày mới thôi.

Dâm nữ nghe nói vậy, như người ăn mắc nghẹn, nôn không ra, nuốt cũng chẳng được. Cơ thể đau đớn như bị giần; đến ngày thứ tư, như bị xe cán; sang ngày thứ năm, như hòn sắt nóng chạy trong cơ thể; tới ngày thứ sáu, khớp xương đau nhức, như tên bắn vào tim. Dâm nữ suy nghĩ:

– Ta nghe con vua Tịnh Phạm thường cứu giúp người khổ. Nay vì sao không đến cứu ta?

Nghĩ như thế rồi, dâm nữ buồn bã tự trách:

– Từ nay cho đến chết, ta thề không tham sắc dục, thà ở chung một nhà với cọp, beo, sư tử, ác thú, chứ không chịu nỗi những sự khổ này.

Trách xong, dâm nữ lại dậy ăn cơm, nhưng đi đứng dính chùm, không biết làm sao.

Hóa nhân nổi giận, mắng:

– Mụ đàn bà tệ ác, làm lở dở công việc của ta. Ta nay dính chùm với ngươi, chi bằng chết sớm còn hơn. Nếu cha mẹ họ hàng đến đây tìm ta, ta biết trốn ở đâu? Ta thà thắt cổ tự tử, chứ không chịu nỗi sự nhục nhã này.

Dâm nữ nói:

– Đồ quái vật, ta chẳng cần đâu, muốn chết thì chết đi.

Hóa nhân lấy dao đâm cổ, máu me dấy dơ thân dâm nữ, ngả ngang ra đất. Dâm nữ không làm gì được, cũng không ngăn khỏi chết. Trải qua hai ngày, thây chết bầm tím, hôi thối; Ngày thứ ba, sình trướng lên; Ngày thứ tư, thi thể nứt nẻ, phân và nước tiểu, trùng giòi, máu mủ dính đầy thân dâm nữ, cô ta chán ghét cực kỳ mà không làm sao rút ra được; Sang ngày thứ năm, da thịt lở loét; Qua ngày thứ sáu, thịt rơi rả hết; Đến ngày thứ bảy, chỉ còn xương hôi dính chặt vào người dâm nữ như keo, như sơn. Cô ta phát nguyện:

– Nếu các thiên thần, tiên nhân, con vua Tịnh Phạm có thể giúp tôi thoát khỏi khổ này. Tôi xin đem tất cả của báu trong ngôi nhà này cúng dường.

Cô ta vừa nghĩ như vậy, Đức Phật liền dẫn A-nan, Nan-đà và trời Đế thích đến trước mặt, bưng lò hương báu, đốt hương vô giá. Phạm Vương đi sau cầm bảo cái lớn. Vô lượng chư Thiên cùng trỗi kỹ nhạc. Đức Phật phóng ánh sáng rực rỡ khắp trời đất. Tất cả đại chúng đều thấy Như Lai đi đến nhà dâm nữ.

Khi ấy, dâm nữ nhìn thấy Phật trong lòng xấu hổ, không biết giấu xương ở đâu, mới lấy bạch điệp và nhiều loại hương gói đống xương hôi thối nhưng mùi hôi vẫn như cũ, không thể che giấu được.

Dâm nữ đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, thân che lên bộ xương, xương hôi bỗng nhiên dính trên lưng dâm nữ. Dâm nữ khóc lóc thưa:

– Đại đức Như Lai từ bi vô lượng. Nếu Ngài có thể giúp con thoát khỏi khổ này, con xin làm đệ tử, lòng không thối chuyển.

Nhờ thần lực của Đức Phật, xương hôi biến mất. Dâm nữ vui mừng, làm lễ bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, nay con xin đem tất cả của báu dâng cúng Phật.

Đức Phật chú nguyện, Phạm Âm vang khắp. Dâm nữ nghe rồi, sanh tâm hoan hỷ, ngay lúc ấy đắc quả Tu-đà-hoàn.

( Trích kinh Quán Phật Tam Muội quyển 7 )

17. ĐỨC PHẬT HIỆN NĂM NGÓN TAY HÓA RA NĂM CON SƯ TỬ:

Đức Phật kể lại:

Này thiện nam tử, ta vào thành Vương xá, thứ lớp khất thực. ĐềBà-đạt-đa xui vua A-xà-thế thả con voi say của Hộ Tài để hại ta và chúng đệ tử. Lúc ấy, ta liền nhập Từ bi quán, duỗi tay ra, tức thì năm ngón tay hóa thành năm con sư tử. Con voi thấy chúng, sinh tâm sợ hãi, văng cức té đái, toàn thân mọp sát đất kính lễ dưới chân ta. Này thiện nam tử, bấy giờ ngón tay ta thật ra không có sư tử chính là do sức thiện căn tu tập từ bi mà điều phục được con voi ấy.

( Trích kinh Đại Niết-bàn quyển bốn mươi )

18. ĐỨC PHẬT DÙNG NGÓN CHÂN LÀM VỠ TẢNG ĐÁ LỚN:

Lại nữa, này thiện nam tử, ta sắp nhập Niết-bàn. Lần đầu tiên đến thành Câu-thi, có năm trăm lực sĩ đang san bằng và quét dọn trên đường. Giữa đường có một tảng đá, họ muốn dời đi, tuy đã dùng hết sức nhưng không thể được. Thương cho họ, bấy giờ ta liền khởi từ tâm. Các lực sĩ kia thấy ta dùng ngón chân cái, nhấc tảng đá lớn này lên, ném vào hư không rồi dùng tay đỡ lấy. Ta đặt tảng đá trong tay, thổi vỡ vụn ra, rồi hợp trở lại khiến tâm cống cao của các lực sĩ ấy không còn. Ta giảng nói tóm tắt các môn pháp yếu, khiến họ đều phát tâm A-nậu-đa-la-tâmmiệu-tam-bồ-đề.

(Trích kinh Niết-bàn, quyển 14)