KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: NÓI VỀ CÔNG ĐỨC

Lúc bấy giờ trong chúng hội có một vị Bồ-tát tên là Kiên Ý, từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chắp tay thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Con đối với pháp môn ấy đã đạt được pháp sáng tỏ, vì thế mà con sẽ dốc tu tập theo pháp môn ấy, khiến cho được đầy đủ. Vì sao? Vì con hiện nay sẽ xin tạo nên sự trang nghiêm như vậy, để tìm cầu học hỏi hành động đầy đủ pháp ấy, trước sau không chút biếng trễ hay dừng nghĩ, và vào đời vị lai sẽ trở lại được nghe Pháp tạng của Như Lai.

Đức Phật bảo Bồ-tát Kiên Ý:

–Lành thay! Lành thay! Ông đã có thể dốc lòng cầu chư Phật Như Lai trong vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp, về chỗ tập hợp các pháp lớn.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu như cõi tam thiên đại thiên thế giới này có những chúng sinh, hoặc có hình sắc, không hình sắc, có tưởng, không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng… giả như trong một thời, hết thảy đều được thân người. Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ cung cấp cho hết thảy chúng sinh ấy đầy đủ tất cả mọi thứ an lạc, tùy theo chỗ cầu về sắc, hương, vị, tiếp xúc mà đều có thể chu toàn. Rồi đem hết thảy chúng sinh đó đặt gọn trong lòng bàn tay, hoặc hơn một kiếp, hoặc ít hợn một kiếp. Lại dùng tay kia để trừ bỏ, xua đuổi mùi hôi hám nhơ bẩn đi xa tới chốn khác. Này Bồ-tát Kiên Ý! Theo ý của Bồ-tát thì thế nào? Chỗ làm của người ấy nên cho là lớn lao chăng?

Bồ-tát Kiên Ý thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức lớn lao.

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu lại có người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hoặc vào lúc Phật tại thế hay sau khi Phật diệt độ, có thể cầu được hỗ trợ các pháp Bồ-đề cùng các kinh tạng Bồ-tát như vậy và suy nghĩ: “Ta tu tập theo pháp Đại thừa này, vì chúng sinh mà thuyết giảng về sự đoạn trừ tham lam, sân hận, si mê, xa lìa sinh, già, chết với bao nỗi lo buồn khổ não.” Lúc mong cầu như vậy, nếu có được một bài kệ bốn câu của kinh này, có thể vì chúng sinh mà đọc tụng, giải thuyết, thì so với công đức ở trước, trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn phần hãy còn chẳng bằng một, kể cả việc dùng thí dụ cũng không thể đủ để diễn tả. Bồ-tát như vậy là đem nhân duyên cầu các pháp thâm diệu ấy mà có thể tạo được lợi ích lớn lao cho hết thảy chúng sinh.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đối với sự việc đó, ai là người có thể tin tưởng? Chỉ có chư Phật là thông tỏ một cách rốt ráo. Cũng như các đệ tử của bậc Thánh cùng với những vị phát tâm cầu Phật đạo thì mới có thể tin tưởng, thọ nhận. Vì sao? Vì các vị Bồ-tát lúc mới bắt đầu phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tự nguyện sẽ vì những chúng sinh không được cứu độ mà tạo sự cứu giúp họ, không có nơi trú ngụ thì tạo chỗ trú ngụ, không biết đến đạo giác ngộ thì chỉ rõ con đường ấy. Ta sẽ tu tập theo pháp Đại thừa ấy, là trí tuệ của Phật sẽ khiến cho vô lượng, vô số chúng sinh đứng vững trong pháp vô lậu.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Giả sử như người ấy, từ lúc sớm đến lúc bữa ăn dùng các thứ châu báu tích chứa như núi Tu-di cùng với mỗi mỗi người, giữa buổi, vào quá trưa, vào lúc bắt đầu, sau, giữa đêm, dốc hết sức lực của mình, ngày đêm sáu thời đem số lượng châu báu tích chứa ấy cấp cho chúng sinh. Này Bồ-tát Kiên Ý! Theo ý của Bồtát thì thế nào? Tâm của chúng sinh ấy có được thỏa mãn đầy đủ chăng?

Bồ-tát Kiên Ý thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không được thỏa mãn đầy đủ.

Đức Phật nói:

–Hoặc do cái nhân ấy nên bị đọa vào ba nẻo đường dữ, Bồ-tát suy nghĩ rằng: “Ta sẽ dốc cầu pháp thâm diệu vô thượng, cùng khiến cho mọi chúng sinh xem sự tích chứa các thứ châu báu trong tam thiên đại thiên thế giới cũng như nước mắt, nước bọt, chỉ sinh tâm lo sợ. Bậc Bồ-tát đại trí xem sự tích chứa châu báu ấy đều là ba thứ độc gây nên bao phiền não cho chúng sinh, là gốc của mọi nẻo sinh tử, qua lại các cõi địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ cùng những khổ não trong cõi người. Lúc mong cầu là gốc của khổ. Có được, giữ gìn lấy là gốc của khổ. Oán ghét, tranh cãi, dấy khởi các nghiệp, gây ra tội lỗi cũng chính là gốc của bao nỗi khổ.” Như thế thì Bồ-tát đối với sự tích tụ châu báu lớn lao nên sinh tâm chán lìa. Lại suy nghĩ rằng: “Đấy không phải là nơi chất chứa châu báu mà chỉ là sự tích chứa bao nỗi khổ não nơi các nẻo ác.”

Hoặc có chúng sinh do tham đắm nên bị đọa vào ba nẻo dữ. Này Bồ-tát Kiên Ý! Như đem cả cõi tam thiên đại thiên thế giới này cùng với mọi chúng sinh hiện có, cả chúng sinh trong vô lượng hằng hà sa số quốc độ khắp mười phương, hoặc có hình sắc, không hình sắc, có tưởng, không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng; giả như trong một lúc đều khiến trở thành thân người hết. Nếu có một người phát tâm cung cấp cho tất cả đủ mọi sự an lạc, tùy theo chỗ cần về sắc, thanh, hương, vị, thảy đều chu toàn; hoặc đặt ở trên đầu, hoặc dùng vai để gánh vác, trải qua hơn một kiếp hay giảm một kiếp, tùy ý mà ngồi, nằm, lại cũng dùng một tay để xua trừ các mùi hôi nhớp đi xa khỏi chốn khác. Này Bồ-tát Kiên Ý! Theo ý của Bồ-tát thì sao? Công việc làm của người ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Hết sức nhiều, kính bạch Thế Tôn!

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta nay bảo Bồ-tát lời chân thành này: Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mong làm được sự hỗ trợ cho các pháp Bồ-đề cùng các kinh tạng Bồ-tát như thế. Chỉ mới bắt đầu thực hiện mà phước đức thật không thể lường, cho tới khi đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề cũng không thể hết phước đức ấy, so với công đức trước thì đối với trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn phần còn không bằng một, kể cả việc dùng thí dụ cũng không đủ để diễn tả. Vì sao? Vì người đem lại sự an lạc đầy đủ ở trước thì đó là những kết sử thuộc nhân duyên hữu lậu, không thể lìa bỏ được sự khổ, đạt đến an ổn một cách trọn vẹn. Các vị Bồ-tát mong có được nhân duyên thuận hợp cho các pháp là nhằm làm tăng trưởng ba thứ giới, định, tuệ, cũng có thể thiện hiện đầy đủ hết thảy các pháp Phật, đạt được vô lượng không thể nghĩ bàn diệu lực của các phương tiện, thành tựu công việc hóa độ chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật. Này Bồ-tát Kiên Ý! Vì thế mà Phật nói về nhân duyên cầu pháp của Bồ-tát là nhằm đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, Bồ-tát Kiên Ý! Nếu như ở bốn châu thiên hạ trong ấy có vô số các Bậc Như Lai đông nhiều như thể những rừng cây, cánh đồng với lúa, mè, mía. Nếu như có một người dốc hết sức lực chính mình cúng dường y phục, đồ để nằm, thuốc men, cùng đủ thứ, đủ loại cần dùng cho các vị Như Lai ấy. Và sau khi các Bậc Như Lai nhập Niết-bàn, đã tôn tạo bảo tháp bằng bảy thứ châu báu, vuông vức mỗi chiều là một do-tuần. Hình dáng bên ngoài của bảo tháp rất trang nghiêm, luôn có hoa, hương, cờ phướn, dù, lọng, đèn đuốc thắp sáng để cúng dường, hoặc đến một trăm kiếp hay hơn nữa.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Theo ý của Bồ-tát thì sao? Người ấy có được phước đức nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều. Thật là vô lượng, vô biên!

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta nay bảo Bồ-tát lời chân thành này: Người ấy cúng dường cho vô số các vị Như Lai như thế, lại tôn tạo từng ấy ngôi tháp và luôn trong bao nhiêu kiếp cúng dường đủ thứ đủ loại. Nếu như có hàng thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mong được hỗ trợ cho các pháp Bồ-đề cùng tạng kinh Bồ-tát để thọ trì đọc tụng, thì so với phước đức ở trước, trong trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn phần hãy còn không bằng một, cho đến dùng thí dụ cũng không thể diễn tả hết. Vì sao? Vì trong các sự bố thí, pháp thí là hạng nhất; trong các việc cầu mong, cầu chánh pháp là hạng nhất. Vì thế, này Bồ-tát Kiên Ý! Các vị nên biết là trong khoảng năm trăm năm về sau này, nếu thọ trì đọc tụng các kinh như thế thì chỗ công đức đạt được là vô lượng, vô biên, cho đến lúc đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề cũng không thể hết.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta nay muốn dùng thí dụ để làm sáng tỏ sự việc này và Bồ-tát sẽ tin tưởng, thọ nhận. Ví như các quốc độ trong khắp cõi tam thiên đại thiên này được dùng làm một đồ vật, trong ấy chứa đầy những hạt cải như hạt mè đen, hạt gạo. Thế thì theo ý của Bồ-tát, số lượng hạt cải được chứa trong đồ vật ấy là bao nhiêu?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, không thể tính được số lượng.

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Giả sử cũng số lượng hạt cải như thế trong khắp cõi đại thiên thế giới hợp làm một đồ vật, trong ấy chứa đầy cát nhỏ, thì số lượng cát nhỏ đó là bao nhiêu?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều! Thật là vô lượng, vô biên!

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu có người với sức mạnh phi thường, mang số lượng cát nhỏ ấy tung rải khắp bốn phương. Bấy giờ gió lớn nỗi lên thổi tung đám cát kia, mỗi mỗi hạt cát rơi xuống trong một thế giới. Thế thì theo ý Bồ-tát, các thế giới đó số lượng là bao nhiêu?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, thật là vô lượng, vô biên chẳng thể nêu lên số lượng được!

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta nay nói cho Bồ-tát được thông tỏ, Như Lai có đầy đủ vô lượng thần thông từ diệu lực của việc trì giới, thiền định và trí tuệ, có thể dùng một bước vượt qua hết từng ấy thế giới, mà ở nơi chỗ từng ngồi thì oai nghi, bất động, đối với diệu lực thần thông cũng chẳng thể hiện hết.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Như Lai dùng một hạt cát này làm một

kiếp, dùng số lượng kiếp ấy làm một ngày, dùng số lượng ngày đó làm một tháng, dùng số lượng một tháng ấy làm một năm, dùng một ngàn năm như vậy để đi về phương Đông, không hề dừng nghỉ. Các phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và hai phương trên, dưới cũng lại như thế. Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ muốn nghe kinh này và thọ trì, đọc tụng, chỉ mới bắt đầu thực hiện thì chỗ công đức đạt được ấy, giả sử có hình sắc đối với từng ấy quốc độ mà Như Lai vượt qua như đã nói ở trên cũng không thể dung nạp hết. Như Lai chỉ biết rằng người ấy có được phước đức quả là vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn. Này Bồ-tát Kiên Ý! Phước đức ấy không thể dùng văn tự, toán số để nhận thức và diễn đạt được. Phước đức đó được thu nhiếp ở trong vô lượng số.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32