KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 6: NÓI VỀ NIỆM XỨ

Đức Phật bảo Bồ-tát Bạt-đà-bà-la:

–Bấy giờ những người thiện ở đời nên suy nghĩ như thế này: “Chúng ta sẽ tự nương theo bốn Niệm xứ.” Bốn Niệm xứ ấy đối với Thánh pháp, có thể xem tất cả các pháp đều là niệm xứ. Vì sao? Vì tất cả các pháp tự tánh của chúng là thường trụ, không gì có thể hủy hoại được. Đó là cửa niệm xứ, là cửa an trụ của các pháp, là cửa bắt đầu hội nhập với pháp, là cửa gồm tám con đường của bậc Thánh, là cửa của ba nẻo giải thoát. Nẻo giải thoát ấy là dùng pháp bất nhị để xa lìa nhị biên, đạt đến cảnh giới giải thoát của bậc Thánh. Pháp bất nhị đó là không chốn có. Đã không chốn có tức là vô tận. Đây chính là chánh kiến, xa lìa nhị biên. Biên là tự không, không có chân thật.

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Bồ-tát nên biết rằng, Như Lai không dùng tới cái tri kiến về biên để đạt được sự lìa biên, mà vốn không có biên, cho nên mới gọi là lìa biên. Chư Phật Thế Tôn luôn lìa hết thảy các pháp. Chỗ lãnh hội của kẻ trí không như hàng phàm phu.

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Cầu tìm chân tướng của các pháp thực chất là bất khả đắc, vì thế nên gọi là lìa. Pháp ấy là hư vọng, không được không mất.

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Diệu nghĩa chính là ở đấy. Ngày trước, từng có vị trời đến hỏi ta rằng: “Sa-môn vui vẻ chăng?” Ta liền đáp: “Ta có được việc gì mà vui vẻ?” Lại hỏi: “Lo buồn chăng?” Ta lại đáp: “Vì mất việc gì mà phải lo buồn?” Lại hỏi: “Chẳng vui chẳng buồn chăng?” Đáp: “Đúng như vậy!”. Vị trời ấy nói: “Lành thay! Chẳng vui chẳng buồn!” Ta bèn hỏi vị trời: “Ông lãnh hội được ý gì nơi tôi?” Vị trời ấy đáp: “Tôi cho rằng Sa-môn an xứ tịch diệt.”

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Bồ-tát hãy xem vị trời ấy đã mau chóng thấu đạt pháp của ta! Vị trời thời xa xưa ấy, hiện nay ở trong chúng hội này đã thông tỏ hết thảy các pháp bản tánh vốn tịch diệt. Nên biết rằng, vị trời ấy từ xưa đã từng cúng dường năm trăm vị Phật, do vậy mà đối với pháp của ta đã mau chóng thông đạt. Vì thế Phật thường nói: Không vun trồng căn lành, căn lành chưa thuần thục thì đối với các pháp của hàng Thanh văn hãy còn chưa thể lý giải, huống hồ nơi pháp của ta lại có thể mau chóng thông đạt được?

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Nếu được nghe pháp ấy mà có thể mau chóng thông hiểu thì công đức đó ít nhất cũng như ở nơi ngàn vị Phật mà vun đắp gốc các điều lành. Vì sao? Vì căn lành vốn rất là rộng lớn, cho đến có thể thông đạt được trí tuệ thâm diệu.

Bấy giờ Bồ-tát Bạt-đà-bà-la cùng với các vị Bồ-tát như Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Tinh Đắc, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Đế Thiên, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồ-tát Thiện Lực, Bồ-tát Đại Ý, Bồ-tát Ích Ý, Bồ-tát Tăng Ý, Bồ-tát Bất Hư Kiến, Bồ-tát Thiện Trụ Ý, Bồtát Quá Lực, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Nhật Tạng… có tới năm trăm vị Bồ-tát, mỗi vị đều dùng những đóa hoa tung lên cúng dường Đức Phật và thưa rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh cầu tìm những kinh ấy và đều được nghe thì nên khiến họ có được sự không thoái chuyển đối với con đường giác ngộ của Phật, Bồ-tát. Lại nhờ nhân duyên ấy nên khiến cho chư Phật hiện tại trong mười phương được cung thỉnh trụ thế lâu dài cùng thuyết pháp nhằm đem lại cho chúng sinh đầy đủ các pháp trợ giúp sự giác ngộ.

Lúc này Đức Phật hỏi Bồ-tát Bạt-đà-bà-la:

–Chúng sinh đối với Bồ-tát thì có được những lợi ích gì mà có thể vì đấy để phát đại nguyện kia, cũng như cung thỉnh Phật trụ thế lâu dài để thuyết pháp, khiến cho chúng sinh có đầy đủ các pháp trợ giúp con đường giác ngộ?

Bồ-tát Bạt-đà-bà-la đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Chẳng phải do chúng sinh làm tổn giảm

hay tăng ích cho con mà còn phát nguyện về sự trang nghiêm. Con không suy nghĩ như thế này: “Do những chúng sinh ấy đem lại lợi ích cho ta, nên khiến Phật pháp được thường trụ. Còn như đem đến những tổn giảm cho ta thì chẳng khiến cho Phật pháp được thường trụ.” Các vị Bồ-tát khác cũng không có sự phân biệt như thế trong việc phát nguyện trang nghiêm. Ví như Đức Thế Tôn, hồi ở nơi cây Ba-lê-chất-đa Câu-ni-la, hoa lá tươi tốt, chư Thiên ở cõi trời Đao-lợi trông thấy cảnh cây sum suê ấy, tâm hết mực hoan hỷ, thường ở nơi bóng mát cây đó mà cùng nhau vui với năm thứ vui thú.

Kính bạch Thế Tôn! Chư Thiên cõi trời Đao-lợi ở nơi cây Thụ vương ấy có những tổn giảm hay tăng ích gì mà khiến cho họ sinh tâm yêu mến, vui thích, thường đi đến nơi cây đó để cùng vui? Chỉ vì trông thấy cây ấy là liền có được sự hỷ lạc, không gì có thể sánh kịp. Chư Bồ-tát cũng vậy, chẳng do chúng sinh có lợi ích hay bị tổn giảm mà Bồ-tát mới phát tâm trang nghiêm. Bồ-tát chỉ tâm niệm rằng: “Đến lúc nào thì mình có được đầy đủ trí tuệ như Phật, làm chỗ quy ngưỡng cho vô lượng chúng sinh trong mười phương thế giới, như cây Thiên thụ kia, hoa đó nở rộ làm chỗ vui thích của chư Thiên vậy. Sẽ khiến cho chúng sinh lấy năm căn của Phật làm pháp hoan hỷ để tự an vui, như cây Thụ vương kia đã khiến chư Thiên đến nơi bóng mát mà cùng vui với năm thứ an lạc.”

Lại nữa, kính bạch Thế Tôn! Nếu lìa chúng sinh mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng có được chúng sinh, giống như do lìa bỏ ta mà phát nguyện trang nghiêm thì cũng chẳng có được ta vậy. Do lìa bỏ pháp mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng có được các pháp. Lìa bỏ ấm mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng thể có được các ấm. Lìa bỏ giới mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng có được các giới. Lìa bỏ nhập mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng có được các nhập.

Kính bạch Thế Tôn! Trong sự trang nghiêm ấy không có các quả, là do sự trang nghiêm luôn xa lìa hết thảy. Do từ quả không ấy nên đối với các pháp, không lấy không bỏ, để từ đấy mà phát nguyện trang nghiêm.

Kính bạch Thế Tôn! Tướng trang nghiêm như thế là bất khả

đắc. Xứ trang nghiêm đó cũng như chốn làm nên sự trang nghiêm đều là bất khả đắc.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu có chỗ được ấy, thì đó là được cái ngã. Do vậy mà Bồ-tát không tham, không nhận, dù là ngã hay vô ngã. Nếu nhận vô ngã thì đó là ngã rồi. Còn nếu không gọi là vô ngã thì cũng không có nơi chốn để thọ nhận.

Kính Thế Tôn! Theo ý nghĩa như thế thì đó là sự trang nghiêm lớn lao xuất hiện ở thế gian. Trong sự trang nghiêm ấy không còn tướng đây kia.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bạt-đà-bà-la:

–Sự trang nghiêm như thế xét ra có lợi ích thế nào?

Bồ-tát Bạt-đà-bà-la đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Con phát nguyện trang nghiêm không còn thấy có hạng phàm phu và người tu học đạo pháp. Đối với con là xa, nhưng đối với Phật pháp là gần. Con cũng không còn thấy các pháp Phật ấy là pháp Phật như thế.

Kính bạch Thế Tôn! Con phát nguyện trang nghiêm ấy thì ở trong đó không còn thấy có lợi ích hay bị tổn giảm. Trang nghiêm như vậy và đem cái hình tướng ấy mà xuất hiện nơi thế gian.

Bấy giờ, các vị Bồ-tát đã tung hoa cúng dường Phật liền hiện diệu lực thần thông đi đến khắp mười phương để cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sinh, khiến họ luôn vững trong Phật pháp.

KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 7: BỒ-TÁT PHÁT TÂM TỨC CHUYỂN PHÁP LUÂN

Bấy giờ, ở phương Đông, cách xa thế giới này, trải qua vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ quốc độ có thế giới tên là Tướng đức tụ, Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Vô Tướng Âm, hiện đang thuyết pháp, đã vì Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề và nói rằng: “Vị Bồ-tát này nối tiếp sau ta sẽ đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Lúc này, Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân trông thấy

ánh hào quang lớn cùng âm thanh vang động, liền thưa với Đức Phật Vô Tướng Âm rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Ánh hào quang và âm thanh ấy là của Đức Phật nào tạo ra?

Phật Vô Tướng Âm nói:

–Về phương Tây cách xa cõi này trải qua vô lượng a-tăng-kỳ quốc độ, có thế giới tên là Ta-bà, Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Thích-ca Mâu-ni, là vị Phật đã phóng hào quang cùng âm thanh ấy. Đức Như Lai đó hiện nay đang vì các vị Bồ-tát mà thuyết giảng Bồtát tạng kinh về “Sự dứt trừ mọi mối nghi vấn của chúng sinh, khiến mọi loài đều hoan hỷ.” Các vị Bồ-tát ở đấy đều đã thành tựu đầy đủ vô lượng trang nghiêm.

Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân liền thưa với Đức Phật Vô Tướng Âm rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Con muốn đi đến thế giới Ta-bà ấy để cúng dường, kính lễ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng đông đảo các vị Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì các bậc Đại sĩ ấy hãy còn khó được thấy, huống hồ là được gần gũi thân tình.

Đức Phật Vô Tướng Âm bảo:

–Bồ-tát đã tự biết thật đúng lúc!

Lúc này Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân đã được Đức Phật Vô Tướng Âm chấp thuận, nên rời chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh theo phía tay phải rồi lui ra. Đức Phật Vô Tướng Âm trao một đóa hoa sen cho Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân và nói:

–Bồ-tát hãy mang hoa này dâng lên Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Trong đóa hoa sen đó sẽ thấy Phật Vô Tướng Âm vốn là vị Bồ-tát với công đức tu tập. Hoa ấy như thế là sẽ hóa hiện khắp thế giới Ta-bà, khiến cho mọi chúng sinh đều được thọ dụng.

Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân nhận lấy đóa hoa do Phật trao rồi đi đến thế giới Ta-bà. Bấy giờ ở thế giới này mọi thứ cây cỏ, hoa lá, quả trái, cho đến những thứ cây cỏ nhỏ nhất thảy đều từ trong tay của Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân hiện ra. Còn những chúng sinh nào có các thứ âm thanh thì cùng phát ra những tiếng Pháp âm về vô thường, khổ, không, vô ngã, Căn, Lực, Giác, Đạo, thiền định, giải thoát cùng các pháp Tam-muội.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất liền thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Lúc này lại thấy Như Lai thể hiện diệu lực thần thông.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Đấy không phải là thần thông của ta. Từ đây về phương Đông trải qua vô lượng a-tăng-kỳ quốc độ, có thế giới tên là Tướng đức tụ, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Vô Tướng Âm, hiện đang thuyết pháp. Có vị Bồ-tát tên là Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân, đang từ thế giới ấy đi đến thế giới Ta-bà. Bản nguyện của vị Bồ-tát đó là có được phước báo về diệu lực thần thông.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân ở đời quá khứ đã từng vun trồng căn lành gì mà có được phước báo về thần lực như vậy?

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Lành thay! Lành thay! Tôn giả đã dùng Phật lực để có thể hỏi Như Lai về Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân từng theo Phật thời quá khứ vun trồng căn lành. Vậy Tôn giả hãy nhất tâm lắng nghe.

Vị Bồ-tát đó ở đời quá khứ, về chỗ gây dựng gốc công đức, như đối với mười phương chư Phật an tọa nơi đạo tràng lúc mới thành Phật, bấy giờ vị Bồ-tát ấy, hoặc là vị Phạm vương, Chuyển luân thánh vương hay Tiên nhân có được năm thần thông, luôn lui tới đạo tràng cúng dường chư Phật, cung thỉnh chư Phật chuyển pháp luân, số lần cung thỉnh ấy hoặc nhiều, hoặc ít. Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như ta hồi mới chứng đắc đạo Vô thượng, có vị Phạm thiên vương đến cung thỉnh ta rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Xin hãy chuyển pháp luân vì có những chúng sinh ở đời quá khứ đã tạo được những công hạnh sâu xa đối với các pháp lành, căn cơ thông lợi, trí tuệ phát triển, có thể lãnh hội ý của Phật. Nếu những người ấy không được nghe chánh pháp thời sẽ bị mất hết.”

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp

Luân ấy luôn khuyến thỉnh Phật chuyển pháp luân. Các công đức đó không cho ai làm thay mình, chỉ dốc lòng khuyến thỉnh Phật chuyển pháp luân thôi.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta nay sẽ nêu thí dụ để làm sáng tỏ ý nghĩa ấy. Kẻ trí thông qua thí dụ sẽ lãnh hội dễ dàng. Giả sử tam thiên đại thiên thế giới với trăm ức mặt trời mặt trăng, bốn trăm ức biển lớn, trăm ức bốn châu thiên hạ, bốn trăm ức na-do-tha các nước nhỏ thuộc bốn châu thiên hạ, trăm núi ức Tu-di, trăm ức núi Thiết vi… thảy đều làm một thứ đồ vật có hình dạng như hốc biển sâu, ở đấy đầy những hạt cải hay hạt mè, hạt gạo. Có vị đại lực sĩ đem hết sức mình nắm giữ chặt lấy rồi vẩy nước tung tóe khắp bốn phương. Gió lớn thổi lên khắp nên khiến cho một hạt cải rơi xuống một thế giới. Vậy thì theo ý Tôn giả thế nào? Những hạt cải rơi xuống khắp các thế giới ấy nên cho là nhiều chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, không thể lường tính hay nêu ra số lượng được.

Đức Phật nói:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta nay vì Tôn giả mà nêu rõ sự việc ấy. Tôn giả đã lãnh hội về số lượng hạt cải rơi xuống khắp các thế giới. Bây giờ hợp làm một vật dụng dài rộng cùng bằng nhau, chiều cao cũng như vậy, các vách luôn chắc chắn. Cái vật dụng lớn lao như thế bên trong chứa đầy cát mịn. Như dùng thúng, hộc để đong lường đống bột gạo vậy. Như vậy thì số lượng cát ấy nên gọi là nhiều chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, không thể nêu ra số lượng được.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Số lượng những cát ấy hãy còn có thể nhận biết về số lượng. Còn vị Bồ-tát kia công việc có thể đến đạo tràng khuyến thỉnh chư Phật chuyển pháp luân nhằm độ thoát chúng sinh thì chẳng thể nào biết được số lượng. Những căn lành được vun trồng ấy hầu như không hồi hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vị Bồ-tát kia lại còn đem những vòng ngọc làm bằng bảy thứ báu dâng lên Phật để khuyến thỉnh chuyển pháp luân, số lượng ấy càng thêm nhiều. Lại đem những vòng hoa làm bằng các thứ châu báu dâng lên cúng dường Phật để khuyến thỉnh chuyển pháp luân, số lượng đó lại càng gấp bội. Rồi dùng vòng hương quý dâng lên cúng dường Phật để khuyến thỉnh chuyển bánh xe chánh pháp, số lượng này lại càng nhiều hơn nữa. Huống chi vị ấy còn dùng vàng, bạc, lụa quý vẽ hình vòm cây dâng lên cúng dường chư Phật để cung thỉnh chuyển pháp luân. Mà sự vun trồng căn lành ấy cũng không hồi hướng về Phật đạo giác ngộ, chỉ dốc vào việc khuyến thỉnh Phật chuyển bánh xe chánh pháp thôi.

Lại nữa, Tôn giả Xá-lợi-phất! Sau đấy có Đức Phật hiệu là Quá Trí Lực xuất hiện ở đời. Bấy giờ có vị Chuyển luân thánh vương tên là Danh Văn Lực, uy đức tự tại, thế lực tiếng tăm vang khắp đại thiên thế giới. Trong cung, vườn cảnh lầu gác, đền đài luôn nhộn nhịp với năm thứ dục lạc vui thích. Đám thể nữ ca hát xưng tán theo cảnh dục lạc ấy, nhưng tự nhiên các thứ tiếng đó lại phát ra những âm thanh vô thường, khổ, không, bất tịnh. Nhà vua nghe vậy liền lo sợ và sinh tâm chán lìa. Lúc này nhà vua bèn đi đến chỗ Đức Phật Quá Trí Lực. Đức Phật liền khuyên nhà vua tự nhớ lại về cái gốc mình đã từng vun trồng căn lành. Vua nghe lời Phật nói, bèn suy nghĩ: “Chư Phật Như Lai có trí tuệ vô ngại, thật là chưa từng có, khiến ta được biết về chỗ đã vun trồng bao căn lành nơi bao nhiêu Đức Phật. Ta chỉ vì buông thả trong năm thứ dục lạc mà tâm bị che lấp, lại phải lo chuyện trị nước yên dân với bao thứ công việc buộc ràng, hãy còn chẳng thể tự biết chỗ vun trồng các căn lành nơi một vị Phật. Ta từ xưa tuy theo chư Phật để gầy dựng gốc các điều lành nhiều như thế mà chẳng hồi hướng công đức ấy về Phật đạo Vô thượng, khiến cho bao căn lành đó ở trong trường hợp bất định. Ta nay sẽ dùng chỗ tạo hợp các căn lành ấy, vì đạo Vô thượng mà đem lại lợi ích cho chúng sinh, từ nơi chốn mình sinh trưởng, du hóa khắp các cõi Phật. Ở đấy mọi thứ ngôn ngữ của chúng sinh có được đều là những âm thanh thể hiện các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, cũng như các thứ cỏ cây, rừng núi, hoa lá, quả hạt nơi các thế giới đó thảy đều phát ra âm thanh vô thường, khổ, không, vô ngã. Ta xin đem những căn lành này trao cho chúng sinh để cùng được hưởng, nhờ đấy mà sẽ có được trí tuệ như Đức Phật Quá Trí Lực hiện nay đã đạt được.” Suy nghĩ như vậy rồi, vị vua ấy liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến đứng phía trước Phật, cung kính bày tỏ:

–Kính bạch Thế Tôn! Nay con xin đem hết thảy quốc độ của mình dâng lên Phật cùng Tăng chúng, mong được Đức Thế Tôn thọ dụng.

Sau khi phụng hiến xong, nhà vua liền xuất gia học đạo. Bốn thứ binh chủng được nghe biết việc này cũng theo nhà vua xuất gia. Đám thể nữ đến bốn chục na-do-tha người thảy đều xin xuất gia theo vua. Còn dân chúng thì có tám mươi ức na-do-tha kẻ cũng xin theo nhà vua mà xuất gia học đạo. Bốn chúng đệ tử của Đức Phật Quá Trí Lực lúc này đã tăng lên rất nhiều. Các vị xuất gia ấy đều chứng đắc năm thứ thần thông. Mỗi vị đều dùng thần lực để đi đến hằng sa cõi Phật ở phương Đông khuyến thỉnh vô lượng chư Phật đang an tọa nơi đạo tràng chuyển bánh xe chánh pháp tôn quý nhằm độ thoát chúng sinh. Các phương, Nam, Tây, Bắc, bốn hướng cùng phương trên, dưới cũng đều khuyến thỉnh vô lượng hằng sa chư Phật chuyển bánh xe chánh pháp để hóa độ muôn loài. Nhà vua Danh Văn Lực từ đó về sau không còn sinh ra theo ngã thọ thai, cũng không sinh vào các quốc độ bất tịnh. Thế giới mà ông đến du hóa, ở đấy chúng sinh cùng với cây cỏ, rừng núi thảy đều phát ra các âm thanh vô thường, khổ, không, vô ngã.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả cho rằng nhà vua Danh Văn Lực thời bấy giờ ở nơi Đức Phật Quá Trí Lực tự xét biết về đời trước đã từng vun trồng căn lành nên xuất gia học đạo, chứng đắc năm thứ thần thông, du hóa khắp vô lượng thế giới trong mười phương để khuyến thỉnh chư Phật chuyển bánh xe chánh pháp hóa độ chúng sinh ấy, há là người xa lạ sao? Vị ấy hiện nay chính là Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân vậy.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32