KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: BỒ-TÁT VÕNG MINH

Bấy giờ, về phương Đông, trải qua vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ thế giới, có quốc độ tên Dân nhất cái, trong ấy có Đức Phật hiệu là Nhất Bảo Nghiêm, hiện tại đang thuyết pháp. Đức Phật ấy thọ ký cho Đại Bồ-tát Võng Minh sẽ thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác với lời ấn chứng rằng: “Kế sau ta, vị Đại Bồ-tát này sẽ thành Phật.”

Lúc này, Bồ-tát Võng Minh thưa với Đức Phật Nhất Bảo Nghiêm rằng:

–Hiện có ánh hào quang tỏa chiếu và âm thanh lớn vang vọng là do vị nào tạo ra?

Đức Phật bảo:

–Về phương Tây, cách xa cõi này vô lượng a-tăng-kỳ quốc độ có thế giới gọi là Ta-bà. Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Thích-ca Mâu-ni, hiện tại đang vì chúng Bồ-tát mà thuyết giảng về Bồ-tát tạng kinh “Thâu nhiếp hết thảy các pháp nhằm dứt mọi mối nghi vấn của chúng sinh, khiến cho mọi người đều được hoan hỷ.” Nơi chúng hội đó có vị Bồ-tát tên là Hoa Đức Tạng, muốn hỏi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni về việc thâu nhiếp hết thảy các pháp có thể làm phát khởi vô lượng pháp môn công đức. Bồ-tát Võng Minh nên biết rằng, tất cả các vị Bồ-tát trong thế giới Ta-bà ấy đều phát hạnh nguyện lớn lao vô hạn, các vị đó cùng vân tập đông đủ nơi chúng hội ấy. Ở các thế giới khác, ít đâu có được cảnh giới trang nghiêm lớn lao như thế. Chúng Bồ-tát ở các thế giới kia nếu được nghe, biết đến danh hiệu thôi, hãy còn đạt được lợi ích to lớn, huống chi lại được cúng dường hay gần gũi để tham vấn học hỏi.

Bồ-tát Võng Minh thưa với Đức Phật Nhất Bảo Nghiêm:

–Kính bạch Thế Tôn! Con muốn được đến nơi thế giới Ta-bà ấy để cúng dường, lễ bái, hầu cận Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, cùng được thấy cõi đó với đầy đủ sự trang nghiêm của các chúng Bồ-tát ở đấy.

Đức Phật Nhất Bảo Nghiêm đáp:

–Bồ-tát đã tự biết thật đúng lúc! Phải nên nhất tâm để được đi đến cõi ấy. Vì sao? Vì chư Bồ-tát ở cõi đó uy đức lớn lao, khó ai có thể hơn được.

Đức Phật Nhất Bảo Nghiêm trao những đóa hoa sen cho Bồ-tát Võng Minh và nói:

–Bồ-tát hãy đem những hoa này đến cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng nói thay ta lời kính mừng thăm hỏi, cầu chúc ít phiền, ít bệnh, ăn uống ngủ nghỉ có luôn được thư thái nhẹ nhàng, khí lực luôn an ổn chăng?

Bồ-tát Võng Minh cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi đi nhiễu quanh theo phía phải ba vòng, liền cùng với vô số đại chúng Bồ-tát trước sao vây quanh Đức Phật. Chỉ trong khoảnh khắc như sự co giãn cánh tay của vị đại lực sĩ, hốt nhiên Bồ-tát Võng Minh biến khỏi quốc độ mình, hiện đến thế giới Ta-bà, đi đến vườn Trúc, cung kính đảnh lễ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và thưa với Đức Phật rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Con là Võng Minh!

Đức Phật nói:

–Lành thay! Hiện Bồ-tát vẫn được an ổn.

Bồ-tát Võng Minh cung kính đảnh lễ xong, lui ra đứng một bên và thưa với Đức Thế Tôn:

–Phật Nhất Bảo Nghiêm xin gởi lời vấn an Đức Thế Tôn, thăm

hỏi mong cầu ít phiền, ít bệnh, ăn uống nghỉ ngơi có luôn được thư thái, khí lực luôn được an ổn chăng? Lại đem những đóa hoa sen này dâng lên Đức Thế Tôn.

Đức Phật Thích-ca liền nhận lấy hoa rồi giao cho Bồ-tát Di-lặc. Bồ-tát Di-lặc nhận lấy rồi gọi Bồ-tát Bạt-đà-bà-la cùng năm trăm vị Bồ-tát và nói:

–Này chư Thiện tri thức! Đức Như Lai trao cho ta những đóa hoa sen này, giờ ta trao lại cho các vị.

Lúc này, các vị Bồ-tát như Bồ-tát Bạt-đà-bà-la, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Tinh Đắc, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồ-tát Thiện Lực, Bồ-tát Đại Ý, Bồ-tát Thắng Ý, Bồ-tát Tăng Ý, Bồ-tát Bất Hư Kiến, Bồ-tát Trụ Ý, Bồ-tát Quá Lực, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Nhật Tạng, Bồ-tát Trì Thế, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Việt Tam Giới, Bồ-tát Vô Lượng Lực, Bồ-tát Kim Cang Lực, Bồ-tát Kiên Ý, Bồ-tát Vô Biên Tự Tại… đại thể có tới năm trăm vị Bồ-tát như vậy đều theo Bồ-tát Di-lặc nhận lấy hoa sen xong, liền thưa với Đức Thế Tôn rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Bản nguyện của chúng con là: Nếu có chúng sinh nào được nghe tên cùng được thấy chúng con thì thảy đều được pháp không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Kính bạch Thế Tôn! Bồ-tát Di-lặc đã trao cho chúng con những hoa này, hôm nay chúng con sẽ dùng để tung rải dâng lên chư Phật thời quá khứ, hiện tại, vị lai ở phương Đông, cũng dùng để cúng dường chư Phật ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai ở các phương Nam, Tây, Bắc cùng bốn hướng, hai phương trên, dưới. Nguyện cho chỗ hoa được tung rải cúng dường này sẽ bay đến khắp mười phương vô lượng thế giới. Mọi chúng sinh ở những nơi ấy nếu được trông thấy những hoa đó, hay nhận biết mùi hương của hoa thì sẽ thuận theo nẻo gốc chí nguyện của chúng con mà từ thâm tâm dấy khởi hành động theo đạo pháp, thể hiện sự lìa bỏ hết thảy nghiệp lực của chúng sinh, do đó mà tất cả đều đạt được quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, các vị Bồ-tát đem những đóa hoa sen ấy sắp sửa tung rải khắp mười phương thì Đức Phật bèn dùng tay xoa nhẹ lên mỗi mỗi đóa hoa. Từ trong mỗi đóa hoa đó thảy hiện ra thân tướng Đức Phật và chư Phật hóa hiện ấy từ cõi không đi đến, cùng nói rằng:

–Nếu có chúng sinh nào không tin tưởng các pháp là không, như huyễn hóa, vô tướng, vô duyên, thì những chúng sinh ấy, Phật không còn là vị thầy, mà họ cũng không phải là đệ tử của Phật.

Các vị Phật hóa hiện liền đọc bài kệ:

Các pháp không, vô tướng
Không thủ, không sở duyên
Hết thảy như huyễn hóa
Cũng như trăng trong nước
Chẳng do không, nên không
Tánh vốn luôn như vậy
Đó chính chỗ Phật dạy
Pháp vi diệu tối thượng.
Các pháp không, vô tướng
Cũng lại không có ngã
Nếu người hiểu như vậy
Ắt dứt mọi tham tranh.
Nếu người vui pháp ấy
Phật chính là bậc Thầy
Chúng con nhờ Phật lực
Sẽ đi khắp mười phương.

Các vị Phật hóa hiện, mỗi vị nói xong bài kệ ấy liền biến hiện đến khắp mười phương. Bồ-tát Võng Minh thưa với Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Các vị Bồ-tát ấy bản nguyện thanh tịnh thật là điều chưa từng có, có thể khiến cho chúng sinh đang chịu bao khổ não trong cõi này cùng với chúng sinh cũng đang bị bao thứ phiền não bức bách ở những thế giới khác, được nghe danh hiệu của các vị mà đều đạt pháp không thoái chuyển đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đúng ra thì Như Lai cùng các vị Bồ-tát chẳng nên sinh ở thế giới tạp ác này. Vì sao? Ví như ngọc báu Mani vô giá có thể dứt trừ hết thảy mọi suy nhược, buồn phiền của chúng sinh, giúp họ có được an ổn vui vẻ. Nếu có người trí khéo nhận biết hình tướng của ngọc báu ấy, được nghe ngọc báu kia có công năng rất lớn, nên luôn tâm niệm nhớ nghĩ, đi khắp nơi tìm kiếm, thấy ngọc báu ở nơi hầm đầy những thứ uế tạp, nhơ bẩn. Có những người thợ giỏi nhưng là hạng bần cùng, hạ tiện, xấu ác, đi đến dừng lại bên mép miệng hầm ấy, họ hãy còn không biết được ngọc báu kia, huống hồ lại có thể biết được công năng vốn có của ngọc báu? Bấy giờ người đi tìm ngọc báu thấy sự việc như vậy, liền nói rằng: “Ngọc báu này đáng ra không nên ở nơi chốn uế tạp như vậy.” Lúc này những người bần tiện bèn nói với người kia rằng: “Những gì là ngọc báu hiện có ở chỗ này?” Thế là người đi tìm ngọc báu đưa tay chỉ viên ngọc cho mấy người kia thấy, nhưng những người ấy là hạng vô trí nên không biết hình tướng của ngọc báu, bèn nói: “Ông tuy ca tụng ngọc báu ấy như thế, nhưng chúng tôi chỉ thấy công năng của ngọc báu ấy ra sao! Ông nói không thực thì ai có thể tin lời ông được!” Lúc này người đi tìm ngọc báu liền lấy ngọc báu ra khỏi chỗ đó và mang đi. Từ đấy về sau, những người bần tiện kia luôn gặp bao việc suy kém, buồn phiền, tật bệnh, tranh tụng, cùng bao thứ khổ sở bất an.

Kính bạch Thế Tôn! Thế giới Ta-bà cũng giống như vậy, thảy đều tàn hại, bần cùng hạ tiện, tạo nên các pháp xấu ác. Cũng như ngọc báu, nơi chốn có nó lại đầy dẫy những thứ cấu uế, ác xấu. Kính bạch Thế Tôn! Ngọc báu Ma-ni kia có công năng dứt trừ mọi thứ suy nhược, buồn phiền, đem lại cho muôn người sự an lạc, nên hiểu đó là Phật cùng với thế giới gồm đủ các chúng Bồ-tát trang nghiêm. Những người bần cùng hạ tiện từng đứng chung quanh miệng hầm có chứa viên ngọc báu ấy, nên biết đó là những chúng sinh tạo nghiệp ác nơi thế giới Ta-bà. Còn những kẻ nam, nữ được nghe nói về công năng lớn lao của ngọc báu bèn đi tìm kiếm và thấy nó ở nơi chỗ uế tạp, nên nói rằng: “Ngọc báu này đúng ra không nên ở nơi như vậy!”, thì đấy chính là chúng con từng được nghe chư Phật hiện tại trong mười phương quốc độ tán dương, ca ngợi Thế Tôn cùng với thế giới gồm đủ chúng Đại Bồ-tát trang nghiêm. Do vậy nên mới tìm đến để được trông thấy cùng kính lễ, vấn an. Nhưng mà thấy cõi này, chúng sinh với bao nỗi khổ não uế trọc, tội ác cấu nhiễm, phước báo mỏng manh, thật là đầy dẫy những thứ như thế!

Kính bạch Thế Tôn! Như ngọc báu kia ở nơi chốn cấu uế thì ánh sáng rực rỡ không hiện ra. Cũng như Đức Như Lai cùng với chúng Bồ-tát hết mực trang nghiêm hiện nay đang ở cõi này thì công đức cũng không hiển hiện. Như ngọc báu Ma-ni tuy ở nơi chốn cấu uế cũng có thể đem lại một ít lợi ích đối với những kẻ bần tiện, như hiện nay Thế Tôn ở nơi thế giới này chỉ mỗi hiện ra ánh hào quang lớn, còn hào quang với sắc tướng chân thực của Đức Như Lai cùng mọi dụng lực công đức, thần thông tự tại, diệu lực của bản nguyện… thảy đều không hiện ra.

Kính bạch Thế Tôn! Chúng sinh ở cõi này căn lành vốn mỏng manh, ít ỏi, hãy còn không thể tin chỗ hiện ra ánh hào quang công đức của Như Lai, huống chi lại có thể tin được nơi công đức của các vị Đại Bồ-tát sao? Chắc chắn là không có việc ấy.

Kính bạch Thế Tôn! Như người đi tìm ngọc báu, từ nơi chốn bất tịnh lấy được ngọc báu ấy và mang đi, từ đấy về sau những người bần tiện kia luôn gặp phải những sự suy kém buồn phiền, bệnh tật, tranh tụng cùng bao nỗi khổ sở bất an. Sau khi Phật diệt độ, những người đọc tụng, tu tập theo kinh điển như vậy thì không nên sinh vào cõi ấy. Vì ở trong thế giới đó có quá nhiều sự suy kém, buồn phiền, thống khổ, cho đến không được nghe cả tên gọi Phật pháp. Vì sao? Vì các chúng sinh ấy đã vui thích với nơi chốn có nhiều pháp ác xấu cũng như tàn hại lẫn nhau, chìm đắm trong vô vàn thứ suy nhược buồn chán, không có các nẻo hành động tạo tác thanh tịnh, phước đức, trí tuệ, nên chẳng có được những lợi ích lớn lao.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ muốn tìm cầu và mau chóng thành tựu Phật đạo thì chẳng nên sinh ở cõi ấy. Cầu đạt quả vị Thanh văn hãy còn không nên sinh vào thế giới đó, huống hồ là Bồ-tát! Vì sao? Như ở các địa ngục A-tỳ, Đẳng hoạt, Hắc thằng, Đại nhiệt, Tiểu nhiệt… chúng sinh ở các chốn ấy không hề có được chút giây lát an vui.

Kính bạch Thế Tôn! Ở cảnh giới của Như Lai cùng với các vị Bồ-tát mà nhìn thấy chúng sinh nơi thế giới Ta-bà đó, khác nào ở nơi các chốn địa ngục kia phải nhận lấy bao thứ khổ não! Chúng sinh ở nơi cõi nọ, khi sinh ra liền được an lạc, nếu con nói với họ điều ấy, vì họ chưa từng trải qua nên không thể tin được.

Kính bạch Thế Tôn! Con vì muốn được nghe pháp và hội nhập vào pháp môn thanh tịnh nên tìm đến chỗ Phật, chứ không phải nhằm đề cao cõi nọ là chốn an lạc. Vì sao? Vì hết thảy mọi sự khổ vui thảy đều là vô thường, không còn hình tướng quyết định. Chúng con muốn được nghe nói về không khổ không lạc; vô thường, chẳng phải thường; vô tưởng phân biệt; vô tu, chẳng phải tu; vô vi, chẳng phải vi; vô thuyết, chẳng phải thuyết; không có thế gian và xuất thế gian; vô lậu, chẳng phải lậu; không thật không hư; không có Bồ-đề cùng Bồđề phần; không lực, chẳng phải lực; không mờ không sáng; không đạo, chẳng phải đạo; không quả, chẳng phải quả; không khởi; không trụ; không có nơi chốn để đến.

Kính bạch Thế Tôn! Chúng con hôm nay muốn đựơc nghe các pháp ấy. Vì sao? Vì tất cả sự vui đều từ phước đức hư vọng do nhân duyên hợp tạo. Hiện ra nơi thế gian, các pháp của Như Lai là không, vô hình, vô tướng, không có mười Lực, cùng bốn Vô sở úy, không có các thứ thần thông, cũng không thuyết pháp, không khổ không lạc, lìa mọi niệm động cùng nẻo hành của tâm, đạt được tướng như vậy, cho nên gọi là Như Lai. Đối với kẻ theo niệm động, thì là thật là hư, là lậu vô lậu, là tên thế gian xuất thế gian, là giới chẳng phải giới, là lực chẳng phải lực, là úy vô úy, là phước điền của bậc Thánh, là chẳng phải phước điền, là tên gọi Như Lai, là chúng Bồ-tát, là chư Thanh văn, là Bích-chi-phật, là thông là nguyện. Như Lai tất dứt trừ mọi thứ hý luận ấy, do vậy mà đạt được diệu lực vô ngại, vô úy, nên ở nơi đại chúng tạo được tiếng rống của Sư tử hiện rõ âm thanh lớn lao của Phật.

Kính bạch Thế Tôn! Như Lai cũng có thể ở trong chốn chán ghét việc ác mà phát sinh tưởng không chán ghét, ở trong cõi tịnh không chán mà dấy lên tưởng chán lìa, lại có thể cùng lìa, xả hạnh nhất tâm, đó gọi là hạnh của Phật, hạnh của bậc Thánh tự tại, hạnh không cùng chung với hàng Thanh văn và Bích-chi-phật.

Kính bạch Thế Tôn! Hạnh “bất cộng” ấy không ai có thể có được, mà cũng không gì có thể hủy hoại được. Vì sao? Vì ngoài hạng người trí lực thì không ai có thể hiểu được. Chư Phật Thế Tôn nói với các hạnh cùng bao nhiêu phần số như vậy, sâu xa như vậy, nhân duyên như vậy, tịch diệt như vậy, an lạc như vậy.

Kính bạch Thế Tôn! Các hành của Như Lai là vô hành, là chỗ chúng sinh không thể hành, do vậy, bạch Thế Tôn! Các hành của Như Lai, hết thảy hàng Thanh văn và Bích-chi-phật đều chẳng phải chỗ có thể hành được. Chẳng phải chỗ hành ấy là chẳng phải hành, cũng chẳng phải bất hành, tất cả hàng Thanh văn cùng Bích-chi-phật ở trong pháp ấy vốn không có diệu lực của hành. Vì vậy, Thế Tôn! Chỗ hành của Như Lai có tên là Vô biên hành. Hành vô biên ấy, chư Phật Như Lai với bản nguyện nhằm đem lại sự an lạc tột bậc, không còn có giới hạn.

Kính bạch Thế Tôn! Pháp ấy không thể dùng ngôn ngữ, văn tự để diễn nói. Dùng ngôn ngữ văn tự diễn nói tức là đã lìa hành ấy. Pháp đó có tên là Pháp môn nghĩa thú, có thể khai mở sáu vạn sáu ngàn pháp môn, thảy đều được soi sáng.

Kính bạch Thế Tôn! Đức Phật Nhất Bảo Nghiêm thường vì chúng sinh mà thuyết giảng pháp môn ấy. Lúc nói xong pháp môn ấy có đến bảy vạn bảy ngàn các chúng Bồ-tát đều đạt được pháp môn vô ngại đó, nên có thể tùy thuận một cách thích hợp với hành của Như Lai.

Các vị Bồ-tát ấy cùng cất tiếng thưa rằng: “Chúng con hôm nay đã tiếp cận đúng nẻo Vô thượng Chánh giác.” Có đến sáu vạn chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, tức thì họ đều được Đức Như Lai thọ ký. Lại có tới tám trăm vạn na-do-tha chúng sinh ở nơi các Pháp nhãn thanh tịnh. Cũng lại có ba vạn chúng Tỳ-kheo-ni không thọ nhận các pháp, các lậu được dứt sạch, tâm ý thông mở.

Bấy giờ Đức Phật Thích-ca mỉm cười, phóng ra ánh hào quang lớn chiếu khắp các thế giới, đại địa chấn động. Tôn giả A-nan liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt y, để trần vai bên hữu, đầu gối bên phải chạm sát đất, cung kính thưa với Đức Thế Tôn:

–Kính bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười và phóng ánh hào quang lớn tỏa chiếu khắp thế giới, đại địa lại chấn động?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Vì Bồ-tát Võng Minh đã nói về pháp môn ấy, nói về trường hợp bảy vạn bảy ngàn các chúng Bồ-tát đều đạt được pháp môn đó. Bồ-tát Võng Minh ở nơi thế giới ấy, trong một phần của hư không, đã từng theo tám vạn nơi chốn của chư Như Lai, được nghe pháp môn ấy, nghe xong thì đạt được pháp môn vô ngại đó và nhờ đạt được nên mới có thể du hóa vô lượng cõi Phật.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32