KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm 30: KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Hôm nay Như Lai sẽ dứt trừ mối nghi của các vị, cũng khiến cho về sau này khi đọc tụng kinh ấy, người thuyết giảng và kẻ lãnh hội đều được dứt sạch nghi hoặc.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như Lai chính là bậc đã đạt được Nhất thiết trí, là người đã có được tri thức về tất cả cũng như thuyết giảng về tất cả, không pháp nào là không thấy, không nghe không biết, không pháp nào là không thông tỏ, thấu đạt cả ba đời không chút trở ngại.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như Lai chính là bậc không gì hơn, không gì có thể so sánh, đối với tất cả các pháp thảy đều đạt được sự hiểu biết đúng đắn, an nhiên tự tại, không có chỗ nào phải quy ngưỡng. Như Lai nay muốn ở trong đại chúng tạo nên tiếng sư tử rống. Gác bỏ trường hợp kẻ ngu si hành động theo pháp của tà đạo, chẳng nên nói nhiều. Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì đối với pháp ấy phải nên nhất tâm siêng năng thực hiện. Vì sao? Vì phải nên suy nghĩ như vầy: “Chư Phật trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đã tập hợp các pháp Vô thượng Bồ-đề. Ta ở trong pháp ấy, nếu sinh biếng trễ, tất sẽ trở thành kẻ bất tín, trái nghịch, chẳng lãnh hội, chẳng có thể thông tỏ được.”

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát nếu thực hiện theo bốn pháp thì sẽ chính là kẻ hủy hoại các pháp Vô thượng Bồ-đề của chư Phật. Những gì là bốn pháp?

Nếu xa lìa bạn lành, gắn bó với hàng ác tri thức, chạy theo sở

học của những hạng ấy để hủy hoại các pháp Đại thừa. Đó là pháp thứ nhất.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát do tri kiến đạt được của mình quá lầm chấp về tâm ngã, nên đối với việc nghe các kinh điển hết mực thâm diệu thì lại sinh tâm kinh sợ lớn nên bị rơi rớt vào chốn hầm hố sâu. Đấy là pháp thứ hai.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát theo học một cách lộn xộn các thứ kinh sách của ngoại đạo, xảo biện trong sự tranh luận khiến được nhiều người kính nể. Người ấy chẳng thể tự điều phục tâm mình, cũng lại không thể điều phục các pháp, do không thể chế ngự được nên chẳng đi theo nẻo Đại thừa. Đó là pháp thứ ba.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát hủy hoại những điều ngăn cấm, chẳng có thể thuận theo các giới luật do Phật chế ra, nghe các giới pháp thâm diệu thanh tịnh, tự tại ấy thì tâm chẳng thấu đạt, chẳng thể tin vui, mà lại trái nghịch chẳng thọ nhận. Đấy là pháp thứ tư.

Bồ-tát nếu đã có bốn pháp ấy thì chẳng thể tin thọ mà còn hủy hoại con đường giác ngộ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Nếu gần tri thức ác
Cùng theo nẻo hành ấy
Nên chẳng thích Phật đạo
Phá hoại đạo Vô thượng.
Trộm học kinh sách ngoài
Xảo biện, ham tranh cãi
Mọi phát ngôn từ đấy
Đều là hủy hoại đạo.
Tuy tự xưng kẻ trí
Mà chính là người ngu
Do duyên buộc như vậy
Nên chẳng tin nẻo giác.
Nếu người tham đắm ngã
Theo sở kiến đạt được
Nghe các pháp thâm diệu
Mà sinh tâm kinh sợ
Người ấy chẳng thể rõ
Như thật không, tịch diệt
Chẳng thấu nẻo giác ngộ
Nên chẳng thể tin, vui.
Do từ duyên phá giới
Nên tạo nghiệp bất thiện
Chẳng thể thuận tu học
Giới luật theo Phật dạy
Ác khẩu cùng hai chiều
Thích nêu lỗi kẻ khác
Người như thế chẳng tốt
Ác nào mà chẳng làm!
Vì thế nên xa lánh
Kẻ chẳng tin Bồ-đề
Theo pháp chỗ ta khen
Thường nên dốc tu học
Nếu người muốn thấy Phật
Muốn rõ pháp như thị
Nên an trụ giữ giới
Từ đấy sinh trí tuệ.
Nếu người giữ giới tịnh
Tâm Bồ-đề vững chuyển
Do trì giới thanh tịnh
Dứt mọi sở kiến ác
Nên kẻ cầu Bồ-đề
Phải giữ giới nghiêm tịnh
Người ấy nơi Phật đạo
Mọi nghi nạn đều dứt.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát có bốn pháp nhờ đấy có thể hộ trì Phật đạo. Những gì là bốn pháp?

  1. Tự mình thực hiện việc giữ giới, phát huy tâm thiện, an trụ trong giới.
  2. Rộng nghe, gắng học đối với các sách vở chân chánh, không bị cuốn vào nẻo tà luận.
  3. Nghe kinh pháp của Phật thì siêng năng đọc tụng.
  4. Luôn có được sự an lạc ở nơi riêng lẻ, thuận theo hạnh xa lìa.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát nếu thành tựu được bốn pháp như thế thì có đủ khả năng hộ trì Phật đạo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Bồ-tát trụ trong giới
Không từ giới tự cao
Lại mong cầu pháp diệu
Quyết đạt nghĩa thâm huyền.
Đem pháp thâm sâu nhất
Cầu Vô thượng Bồ-đề
Chỉ tu chánh pháp Phật
Chẳng theo luận ngoại đạo.
Trọn chẳng thích đọc tụng
Kinh điển Lộ-già-da
Chẳng ưa Ky Thích Luận
Chỉ hộ trì pháp Phật.
Thường hành pháp tịch diệt
Vui trú xứ vắng lặng
Dứt mọi cảnh sắc dục
Nên tâm không loạn động.
Ta nay chỗ khen ngợi
Bốn pháp vi diệu ấy
Quyết thành tựu Phật đạo
Các vị nên tu học.
Ta ở trong các đời
Luôn hành theo pháp ấy
Đã hộ trì pháp Phật
Nên thành tựu đại trí.
Do hộ trí pháp Phật
Chẳng đọa nẻo xấu hèn
Thường sinh chốn tôn quý
Được nhiều người theo hầu.
Giàu sang lắm của cải
Mà chẳng hề phóng dật
Đem hết tạo phước đức
Biết tài sản vô thường.
Như thí là thuộc mình
Chẳng thí, mình chẳng được
Thân ta cùng tài sản
Mạng chung đều lìa bỏ
Nên được quyến thuộc thiện
Cũng được Thiện tri thức
Cha mẹ, các thân tộc
Đều an trụ pháp Phật
Thường vui hành pháp lành
Cùng khiến người tin vui
Do được niềm vui lớn
Nên ta tu chánh pháp
Luôn sinh nơi thế gian
Nhà sang giàu danh giá
Cuộc sống không phóng dật
Thường vui hành pháp lành
Nơi thân mạng, tài lợi
Chẳng sinh trưởng bền lâu
Chư Phật thật khó gặp
Xứ không nạn cũng khó
Gặp Phật dứt các nạn
Nên khởi lợi ích lớn.
Tâm thường thích xuất gia
Nhân đấy trí tuệ sinh
Tâm sinh hoan hỷ lớn
Mà cầu tuệ tối thắng
Luôn an trụ trong pháp
Phát khởi đạo Vô thượng.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát có bốn pháp, nhờ đấy mà tâm luôn vui vẻ, tu tập đạo pháp, tự đem lại sự an định, có thể tự giúp mình biết rõ là nhất định sẽ làm Phật, được chúng sinh trong mười phương biết đến. Những gì là bốn pháp?

  1. Mọi sở hữu trong ngoài nên dốc hết để thi ân giúp đỡ.
  2. An trụ trong giới luật, tu tập các công đức.
  3. Ở nơi đám kẻ trí là bậc hết mực tôn quý không ai hơn, vì các pháp thâm diệu mà chẳng hề tiếc thân mạng.
  4. Thấy có người đọc tụng kinh thâm diệu này thì nên tăng thêm sự cúng dường kính lễ, hộ trì.

Đạt được đầy đủ bốn pháp ấy thì tâm luôn được vui vẻ, có thể tự đem lại cho mình sự khích lệ lớn: “Ta nhất định sẽ thành tựu đạo quả Phật-đà, tôn hiệu được chúng sinh trong mười phương biết đến.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên đọc bài kệ:

Thảy lìa mọi tài sản
An trụ trong giới tịnh
Tối thắng trong hạng trí
Chẳng nghi pháp không tịch
Nếu thấy người đọc tụng
Thọ trì cùng diễn nói
Kinh thâm diệu như thế
Cúng dường mọi an lạc.
Vì vậy Bồ-tát ấy
Hành đạo tâm luôn vui
Nên tự nhận làm Phật
Thường làm Thế Trung Tôn.
Như quá khứ, vị lai
Cùng chư Phật hiện tại
Đều bày lời thọ ký
Người tất sẽ giác ngộ.
Nếu người theo học ấy
Các pháp nơi chư Phật
Nên biết Bồ-tát đó
An trụ đạo Vô thượng.
Pháp ấy được Phật khen
Nẻo hành chư Bồ-tát
Người đó trụ trong pháp
Nên thành tựu Phật đạo.
Ví như dùng bình đất
Từ cao rơi xuống thấp
Khoảng giữa không gì ngăn
Nên biết tất vỡ nát.
Bồ-tát cũng như thế
Siêng tu tập đạo ấy
Khoảng giữa không kẻ phá
Tất sẽ thành quả Phật.
Ví như người đang dệt
Sợi dọc, ngang thứ lớp
Trong ấy đều thông suốt
Nên mau được thành tựu.
Bồ-tát cũng như vậy
Thường tu tập pháp ấy
Hành hóa không biếng trễ
Nên đạt đến quả Phật.
Nếu người nơi ruộng tốt
Gieo trồng cây ăn trái
Luôn chăm sóc bón, tưới
Dần khiến được tươi tốt
Theo thời mà nuôi giữ
Ngăn che gió, nóng, lạnh
Cây ấy dần thêm lớn
Hoa trái trĩu nhánh cành.
Bóng rợp thật mát mẻ
Khiến người vui dừng chân
Hoa trái đơm cho người
Vì người tạo lợi ích.
Bồ-tát cũng như thế
Trước gieo tâm Bồ-đề
Dần tu nẻo Bồ-tát
Học hỏi hạng đa văn
Theo lúc hành trí tuệ
Luôn giữ giới thanh tịnh.
Ngoài các pháp Bồ-tát
Đều thực hiện chẳng quản
Lần lượt trên nẻo ấy
Sẽ an tọa đạo tràng
Phá trừ đám quân ma
Đạt Vô thượng Bồ-đề.
Theo thời chuyển pháp luân
Khắp mọi nẻo thế gian
Dần độ thoát chúng sinh
Dẫn dắt vô lượng chúng
Bậc Đại trí như vậy
Phát tâm vô thượng ấy
Đời đời không thoái chuyển
Cho đến khi giác ngộ.
Vì thế, các vị nay
Nên dốc tu pháp ấy
Đến lúc sẽ thành Phật
Tùy thời chuyển pháp luân.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát có bốn pháp, nhờ đấy mà chung cuộc không hề thoái chuyển đối với đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Xả thân đương là Chuyển luân thánh vương để đạt được phước đức tùy ý. Có được thân tướng to lớn mạnh mẽ như Na-la-diên. Làm bậc Chuyển luân thánh vương lìa bỏ bốn cõi thiên hạ mà xuất gia cầu đạo. Đã xuất gia rồi nên được tự tại tu bốn pháp phạm hạnh, mạng chung được sinh lên cõi Phạm thế, là bậc Đại phạm thiên. Những gì là bốn pháp?

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát nếu trông thấy tháp miếu của chư Phật bị hư hại thì nên dốc sức tu sửa, thậm chí chỉ một ít đất đá hoặc hồ vữa. Đó là pháp đầu tiên cho đến khi được làm Đại Thiên vương.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát nếu ở những nơi ngã tư đường lớn nhiều người qua lại và xem thấy, xây dựng tháp miếu Phật, tạo lập các hình tượng, nhằm tạo duyên cho mọi người luôn nhớ nghĩ đến Đức Phật, cùng gây phước đức tốt đẹp. Như hình tướng của lúc chuyển pháp luân cùng xuất gia tìm đạo. Hoặc lúc ngồi nơi đạo tràng, hoặc lúc phá trừ đám ma quân, hoặc khi hóa hiện thần lực, hoặc lúc nhập Vô dư Niết-bàn, hoặc hình tướng từ trên cõi trời đi xuống cõi đời. Đấy là pháp thứ nhì, cho đến khi được làm Đại phạm Thiên vương.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát nếu thấy các vị Tỳkheo Tăng bị đổ vỡ vì hai bộ chúng tranh cãi, giận dữ nặng lời với nhau. Bồ-tát lúc bấy giờ phải dốc sức tìm kiếm phương tiện để giúp họ tạo lại sự hòa hợp cũ. Đó là pháp thứ ba, cho đến khi được làm Đại phạm Thiên vương.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát nếu thấy Phật pháp sắp bị suy diệt, thì có thể dốc tâm đọc tụng, thuyết giảng, thậm chí chỉ một bài kệ, khiến cho đạo pháp không bị dứt duyệt, từ đấy siêng năng tu tập. Vì sự nghiệp hộ pháp nên luôn cung kính cúng dường các vị Pháp sư, chuyên tâm hộ pháp chẳng tiếc đến thân mạng mình. Đó là pháp thứ tư.

Bồ-tát nếu thành tựu được bốn pháp ấy thì đời đời thân mạng lưu chuyển được làm bậc Chuyển luân vương, có được thân tướng to lớn với sức mạnh như Na-la-diên. Lìa bỏ bốn cõi thiên hạ mà thực hiện việc xuất gia cầu đạo, đã xuất gia rồi thì được theo ý tu tập bốn pháp phạm hạnh, mạng chung thì được sinh lên cõi Phạm thế làm bậc Đại phạm vương.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ thêm ý nghĩa ấy nên đọc bài kệ:

Thấy tháp miếu Phật hư
Nên dốc công tu sửa
Bồ-tát từ nhân ấy
Sẽ được thân lực khỏe
Nơi ngã tư đường chính
Tạo dựng tháp miếu Phật
Nêu rõ phước tướng Phật
Khiến mọi tâm thanh tịnh.
Do được phước báo lớn
Tiếng thơm mãi lưu truyền
Quyến thuộc thêm đông đảo
Lắm người được xưng tụng.
Như thấy Tăng chúng suy
Lại cùng nhau tranh cãi
Tìm phương tiện hàn gắn
Khiến trở lại hòa hợp.
Do từ phước duyên ấy
Dũng mãnh không ai hơn
Đạt được thân lực khỏe
Khác nào Na-la-diên.
Thấy Phật pháp suy diệt
Không còn người tin thọ
Nên dốc tâm hộ trì
Chẳng tham tiếc thân mạng
Thấy kẻ hộ trì pháp
Thêm cung kính cúng dường
Làm chư Thiên hầu cận
Được chư Phật hộ niệm
Do từ nhân hộ pháp
Sẽ làm Chuyển luân vương
Đi khắp bốn thiên hạ
Đem pháp hóa muôn nơi
Tuy thống lãnh các nước
Mà không hề phóng dật
Nên chán ghét mọi dục
Lìa nước để xuất gia
Siêng tu tập Tứ Thiền
Đủ mọi lực thần túc
Tịnh tu bốn phạm hạnh
Thường vui các pháp lành
Nơi ấy khi mạng chung
Được sinh cõi Phạm thế
Trong hàng chư Phạm thiên
Được làm Tự Tại Vương
Bốn pháp thượng diệu ấy
Chư Phật luôn khen ngợi
Ta vốn là Bồ-tát
Cũng gần gũi dốc tu
Theo chỗ lãnh hội pháp
Như đấy mà tu tập
Đầy đủ đến bờ giác
Đạt Vô thượng Bồ-đề.
Nếu người dốc tu học
Nẻo đạo pháp ta đi
Đời đời luôn tôn quý
Sức lớn khó ngăn, hoại.
Thường được muôn người kính
Chư Thiên vương Đao-lợi
Cũng nơi cõi Dục giới
Được làm Tự Tại Vương.
Lại đến cõi Sắc giới
Mà làm Tự Tại Vương
Mọi chốn đều tôn quý
Ai chẳng hành đạo ấy?
Quyết trì giới nghiêm tịnh
Luôn tự xét hổ thẹn
Sở nguyện đều thành tựu
Trụ gốc mọi phước thiện
Siêng tu tập không quản
Hành đủ Nhẫn, Thiền định
Đạt đại trí vô thượng
Thông tỏ hết thảy pháp.
Trăm ngàn vạn ức loại
Vô lượng pháp phương tiện
Thảy đều được trọn nên
Chóng đạt mọi diệu nghĩa
Nên chỉ trong một câu
Nêu giảng nghĩa vô lượng
Mọi ngành nghề thiện xảo
Luôn đạt hạn tối thắng
Trí tuệ lớn thường đạt
Đủ mọi nẻo biện tài
Chuyên tâm hành Bồ-tát
Lìa bỏ kiến thức khác
Tâm hành lối chánh trực
Nên khéo tu chánh kiến
Nên được gặp chư Phật
Dứt sạch hết mọi nạn
Thừa ấy là hơn hết
Chỗ chư Phật ngợi khen.
Nơi Thừa vi diệu đó
Không ngăn kẻ lỗi lầm
Không ngăn bao kẻ mù
Cũng không ngăn người điếc
Cùng tàn tật trăm bệnh
Câm ngọng bao xấu xí
Cũng không ngăn khổ nghèo
Cùng kẻ ít phước đức
Chẳng ngăn tạo nghiệp ác
Nẻo ác, kẻ gây nhân
Ai nghe khen thừa ấy
Dứt hết thảy mọi ác
Mà sẽ chẳng tu học
Chỉ trừ kẻ thích ác.
Vì thế kẻ cầu trí
Nên cầu Phật tuệ ấy
Do tu học tuệ đó
Đạt các pháp giải thoát
Ta đời đời thân chuyển
Luôn sinh chốn tôn quý
Tướng đoan chánh, khỏe mạnh
Quyến thuộc luôn đông đủ
Ta chưa từng biếng trễ
Siêng tu tập tinh tấn
Luôn tịnh giữ giới luật
Thường nhất tâm tu tuệ
Thời quá khứ ta từng
Tu tập nẻo pháp thiện
Nên được nhận báo này
Các vị hãy xem đủ
Qua trăm ngàn vạn ức
Vô số na-do-tha
Nơi từng ấy thế giới
Trí ta tất thông đạt
Cũng thấu rõ trong ấy
Hết thảy tâm chúng sinh
Lại biết mọi nẻo hành
Cùng cõi sâu an lạc.
Ta rõ nẻo hợp kia
Đem tâm Bồ-đề hóa
Cũng biết điều phục tâm
Lại khiến tâm phấn tấn.
Ta dùng Phật nhãn xem
Tâm mọi loài thế gian
Biết chỗ nên giáo hóa
Cứu độ nẻo sinh tử
Tùy thời đến thuyết pháp
Giáo hóa chỉ dẫn nẻo
Hiện diệu lực thần thông
Khiến đều được vui vẻ.
Chúng sinh nếu tham đắm
Thân sắc cùng của cải
Chỉ rõ mọi lầm lỗi
Nhân ấy đạt Niết-bàn.
Nếu người bị buộc nặng
Dựa nơi các tà kiến
Cũng chỉ rõ nẻo chính
Khiến biết được lỗi lầm.
Theo chỗ chúng sinh quý
Đủ mọi thứ sắc hình
Ta liền vì hóa hiện
Chỉ rõ nẻo đường chính.
Người ấy đã được pháp
Tâm hoan hỷ thêm kính
Liền nghĩ rằng Phật ấy
Thương mình nên giáo hóa
Tức thì quy y ta
Lại quy y Thánh pháp
Sau đấy dần khiến đạt
Nhổ sạch mầm khổ não.
Vì người ấy thuyết pháp
Khiến được đạo tịch diệt
Người ấy nghe pháp ta
Dần dần đạt Niết-bàn
Như ta hiện nay vậy
Các pháp thảy vô ngại
Quá khứ và vị lai
Trí ấy cũng như thế.
Thân Phật rất cao lớn
Vượt quá mọi hạn lượng
Kẻ có đại thần lực
Tướng đỉnh cũng không thấy
Phật lực thật vô lượng
Cũng vượt mọi giới mốc
Do từ lực vô lượng
Bao trùm hằng sa cõi.
Những gì là Như Lai
Hình sắc tướng chân thật?
Hết thảy mọi chúng sinh
Không ai lượng tính nổi.
Nếu có chúng sinh đến
Muốn thấy hình sắc Phật
Liền thấy đủ mọi thân
Chẳng thể giữ tướng định
Thấy thân Phật biến hóa
Tâm hoan hỷ hết mực
Đủ mọi lời tán dương
Đó chính là lầm lạc.
Hết thảy mọi chúng sinh
Không thể thấy thân Phật
Cho đến dùng Thiên nhãn
Cũng không thể thấy được.
Các vị nay chỗ thấy
Thần thông Phật như thế
Thân tướng chân Phật ấy
Thật chẳng thể nghĩ bàn.
Nơi một chân lông Phật
Hiện diệu lực thần thông
Nẻo lợi ích chúng sinh
Hãy còn vượt bàn luận.
Nơi một lỗ chân lông
Phóng vô số ánh sáng
Chiếu khắp hằng hà sa
Vô lượng các thế giới.
Các vị nay khen ta
Thực ngồi nơi chúng hội
Trong mười phương thế giới
Mỗi mỗi nơi cũng vậy.
Ta dùng Nhất thiết trí
Nói lực trí tuệ Phật
Hãy còn chẳng thể tận
Huống chi chư Thanh văn
Chư Phật khó nghĩ bàn
Pháp cũng vượt bàn luận
Nếu người vững tin tưởng
Phước báo cũng khó bàn.

Bấy giờ trong chúng hội có một đồng tử bảy tuổi tên là Tuyển Trạch, từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay hướng về Đức Phật cung kính đọc bài kệ:

Thế Tôn, con phát tâm
Nguyện sẽ như Pháp vương
Nghe pháp bất tư nghị
Mà tạo trang nghiêm lớn.
Thỉnh hết thảy chúng sinh
Mở hội pháp thí lớn
Tạo tiếng rống sư tử
Thành tựu mọi sở thuyết.
Thế Tôn, con từ nay
Hằng dứt tham gia quyến
Nay ở trong pháp Phật
Xuất gia tu chánh đạo.
Xuất gia, siêng tinh tấn
Cùng Thiền định, trí tuệ
Nên đạt chánh giác ấy
Nay con quyết tu học.
Con quyết cầu an lạc
Mong chóng được xuất gia
Cạo tóc, mặc pháp phục
Luôn tu tập chánh pháp
Sẽ đem lực tri kiến
Chọn lựa thế giới này
Con sẽ là Thế Tôn
Mong được cho xuất gia.
Con dứt tưởng chúng sinh
Do không có chúng sinh
Thông đạt được pháp ấy
Sẽ vì chúng sinh thuyết.
Trừ diệt chúng quân ma
Khiến chúng ngoại đạo sợ
Xua tan lưới tà kiến
Đem lợi lớn muôn loài
Hành hóa đạo an lạc
Mong đạt đến Niết-bàn
Đạo ấy tướng vô sinh
Nên chẳng thể nghĩ bàn
Đoạn trừ bao tối tăm
Ánh sáng pháp tỏa khắp
Sẽ thuyết pháp như thật
Theo tánh tướng các pháp
Đạt diệu lực thần thông
Hiện mọi sự hy hữu
Chúng sinh nếu được thấy
Dần dứt hết mọi nghi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đồng tử Tuyển Trạch:

–Lành thay! Lành thay! Này Đồng tử! Con đối với pháp của ta mong được xuất gia chăng?

Đồng tử Tuyển Trạch thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Đúng vậy!

Như Lai liền đọc bài kệ:

Tuy không mặc áo nhiễm
Tâm không chút nhiễm vướng
Chính ở nơi pháp Phật
Đúng là hàng xuất gia.
Tuy chẳng lìa trang sức
Mà dứt hết trói buộc
Tâm không buộc không mở
Đúng thực hàng xuất gia.
Tuy chẳng thọ giới cấm
Tâm luôn lìa mọi ác
Định tuệ ở đức hạnh
Đúng thực hàng xuất gia.
Tuy chẳng thọ trì pháp
Nên hoại được các pháp
Lìa hết thảy tướng pháp
Đúng thực hành xuất gia.
Như chẳng phân biệt ngã
Cũng chẳng chấp chúng sinh
Mà tâm không thoái chuyển
Đó là phát Bồ-đề.
Như phát tâm Bồ-đề
Chẳng chấp tướng tâm tận
Vô đắc mà chẳng động
Người ấy chẳng thể hoại.

Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất bèn suy nghĩ: “Hôm nay vị đồng tử này đã phát nguyện lớn và nguyện ấy như đã chờ đợi từ lâu. Đức

Thế Tôn đã vì đồng tử ấy mà nói về pháp hết mực thâm diệu.” Tôn giả Xá-lợi-phất liền đọc bài kệ hỏi Phật:

Đồng tử Tuyển Trạch này
Chốn hành hóa nhiều ít
Nghe pháp thâm diệu ấy
Mà tâm không kinh sợ?
Người đó ở đời trước
Từng gặp bao Đức Phật
Nghe pháp thâm diệu này
Bèn có thể tin thọ?
Từng theo bao Như Lai
Nghe pháp sâu như thế
Nay nghe Thế Tôn nói
Mà tâm không thoái chuyển?”

Tức thì Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lại:

“Đồng tử Tuyển Trạch ấy
Từng ở thế giới này
Theo vô lượng chư Phật
Nghe pháp thâm diệu đó.
Ta rõ Đồng tử đây
Nước Ưởng-già-ma-la
Chỗ nghe các pháp Phật
Tu tập Bồ-tát đạo
Nên thông tỏ mọi nẻo
Ấm, Giới cùng các Nhập
Rõ ba cửa giải thoát
Là Xứ, và Phi xứ
Ca-thi Kiêu-tát-la
Trong ấy chốn nghe pháp
Ta thảy đều nhận biết
Cũng như ở hai nước
Đồng tử Tuyển Trạch ấy
Đạt được trí giải thoát
Pháp lành mau tăng trưởng
Nên được trí như vậy
Toán số cùng các nghề
Cùng sách vở thế gian
Mọi nẻo trí thức ấy
Thảy đều không quên mất.
Hết thảy trí thế gian
Đều luôn được ghi nhớ
Nên trí tuệ xuất thế
Rõ mọi pháp là không
Nếu người thông tỏ được
Tướng không tất cả pháp
Trải qua vô lượng kiếp
Trọn không mất trí ấy
Đó là trí tuệ lớn
Diệt được mọi phiền não
Kẻ vui trí không đó
Nơi các pháp dứt nhiễm.

Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Đồng tử Tuyển Trạch:

–Đồng tử ở nơi pháp Phật muốn được xuất gia chăng?

Đồng tử Tuyển Trạch thưa:

–Con chẳng muốn xuất gia. Con nay đã là xuất gia rồi vậy!

Tôn giả Xá-lợi-phất bèn dùng kệ hỏi:

Ta nay chẳng thấy người
Thân mặc đủ pháp phục
Râu tóc cũng chưa cạo
Sao lại gọi xuất gia?
Ông chưa có bình bát
Hòa thượng, A-xà-lê
Lại chưa thọ giới luật
Làm sao gọi xuất gia?
Nơi chúng nào thọ giới
Ai là bậc Yết-ma
Như trong pháp Phật ấy
Pháp xuất gia theo đúng?
Ông chưa có đủ việc
Làm sao gọi xuất gia?
Mọi câu hỏi như thế
Mong sẽ được đáp lại.”

Đồng tử Tuyển Trạch dùng kệ đáp:

“Như chẳng chấp ca-sa
Chẳng chấp phi ca-sa
Chẳng bỏ chẳng nhận pháp
Mới thực mặc ca-sa.
Con thọ trì ca-sa
Chẳng sinh mọi ưu não
Y ấy tịnh, dứt cấu
Con luôn mặc áo đó.
Đoạn trừ mọi kết sử
Chính là cạo tóc râu
Do dùng tuệ lực dứt
Nên sau chẳng dấy lại.
Ứng khí con khó bàn
Nhận hết thảy các pháp
Chẳng đầy cũng chẳng giảm
Luôn giữ các pháp thiện.
Con tự hành pháp thiện
Trọn chẳng nhận nơi ngoài
Thành tựu Nhất thiết trí
Là thọ giới Cụ túc
Phật là Yết-ma con
Xem hết thảy các pháp.
Luôn tu tập Phật đạo
Gần gũi nơi chư Phật
Đấy là con xuất gia
Cũng là giới pháp con.
Chính là Y Bát con
Cũng là bậc Yết-ma,
Nẻo hành con vô lượng
Nơi pháp quý tạo nghiệp
Từ quốc độ Phật này
Đến quốc độ Phật khác
Yên ở nơi đạo tràng
Hành thí bất tư nghị
Con trọn chẳng riêng thọ
Luôn cùng vô lượng chúng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bèn nhìn chăm chú vào người Đồng tử Tuyển Trạch, tức thì râu tóc nơi thân Đồng tử liền được cạo sạch, y ca-sa mặc vào như vị Tỳ-kheo mới được cạo tóc. Bảy ngày sau thì chứng được năm thứ thần thông, liền ở nơi chốn ấy hốt nhiên biến mất.

Khi ấy, đại địa chấn động khắp thế giới này khiến chúng sinh lo sợ. Trống trời tự nhiên kêu vang, hàng trăm ngàn thứ kỹ nhạc cùng lúc được hòa tấu, có ánh hào quang lớn tỏa chiếu khắp trời đất.

Lúc này Đức Thế Tôn mỉm cười. Vô số loại màu sắc kỳ diệu cùng với vô lượng ánh sáng rực rỡ từ nơi miệng Đức Thế Tôn phát ra, chạy vòng quanh khắp thế giới ba lần rồi trở lại nhập vào nơi đỉnh Nhục kế.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng dậy, vắt một vạt y, để trần vai bên hữu, chắp tay hướng về Đức Phật, dùng kệ hỏi:

Điều Ngự Sư tối thắng nơi chúng
Nẻo phước đức tôn quý vòi vọi
Trí tuệ thông tỏ không chướng ngại
Nay hỏi Bậc Giác Ngộ vô thượng
Thế Tôn duyên gì mà mỉm cười?
Phật chẳng cười dối tất có nhân
Ai nên theo Phật được thọ ký
Mong được Thế Tôn dứt nghi con?
Thế Tôn từ miệng phóng hào quang
Sáng tỏ chiếu khắp mọi thế giới
Chạy vòng quanh thế giới này
Lại trở về nhập ở đỉnh thượng
Sẽ vì người nào tạo lợi ích
Ai nơi Phật tuệ được thọ ký
Nên khiến Thế Tôn hiện nụ cười
Hào quang lớn tỏa thế giới Phật
Thế giới ấy nay đều trang nghiêm
Hết thảy chúng sinh đều hoan hỷ
Mà tâm an tĩnh chẳng phóng dật
Hiện diệu lực thần thông như thế?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Tôn giả nay có thấy Đồng tử Tuyển Trạch thân mặc pháp phục, ở nơi chốn này hốt nhiên không còn thấy nữa chăng?

Tôn giả A-nan thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con có thấy.

Đức Phật bảo:

–Tôn giả A-nan nên biết! Hiện nay vị Đồng tử ấy, ở cõi này đã diệt độ rồi, và đã xuất hiện ở thế giới Diệu hỷ, quốc độ của Đức Phật A-súc. Cho đến hết thọ mạng ấy luôn tịnh tu phạm hạnh, liền ở nơi thân đó tiếp tục tăng thêm thọ mạng. Như Thiên đế Thích Đề-hoàn Nhân ấy liền ở nơi thân hiện tại mà tăng thêm thọ mạng, Đồng tử Tuyển Trạch cũng dùng thân đó từ một cõi Phật này đi đến một cõi Phật khác, và nơi các quốc độ ấy đều tiếp tục tăng thêm thọ mạng của mình, như thế cứ lần lượt chuyển biến trải qua vô lượng a-tăngkỳ kiếp chưa từng xa lìa Phật. Ở nơi cõi chư Phật đều dùng hiện thân ấy để tiếp tục tăng thêm thọ mạng. Trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, về sau này sẽ đạt đạo quả Vô thượng Bồ-đề, thành Phật hiệu là Đại Trí Tuyển Trạch, thế giới của Đức Phật ấy tên là Thường Chiếu Minh.

Này Tôn giả A-nan! Chúng sinh ở thế giới đó đều từ hóa sinh

mà có chứ không theo con đường thọ thai, thảy đều ở trên đóa hoa sen ngồi theo lối kiết già. Quốc độ của Đức Phật ấy có đủ vô số các thứ phước đức trang nghiêm kỳ diệu như vậy.

Này Tôn giả A-nan! Bồ-tát có bốn pháp, nhờ đấy thân mạng chuyển đổi sẽ làm hàng Thiện lai Tỳ-kheo, trọn không thọ thai, chỉ hóa sinh từ hoa sen và liền ở nơi thân hiện tại mà tiếp tục tăng thêm thọ mạng của mình. Những gì là bốn pháp?

Tự vui thích xuất gia tu học cùng khuyến khích người khác thực hiện việc xuất gia.

Cũng vì nhân duyên hỗ trợ cho việc xuất gia ấy, nên khi người kia đã xuất gia thì gì đấy mà thuyết pháp chỉ dẫn đem lại sự vui vẻ thích thú. Đó là pháp thứ nhất.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Bồ-tát tự mình có thể siêng năng thực hiện việc cầu pháp nơi chư Phật, cũng giáo hóa người khác làm công việc cầu pháp như mình. Đó là pháp thứ nhì.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Bồ-tát tu thực hiện các hạnh nhu hòa nhẫn nhục, cũng giáo hóa kẻ khác khiến họ an trụ trong pháp nhẫn ấy. Đó là pháp thứ ba.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Bồ-tát tự mình có thể học tập thực hiện các phương tiện để phát nguyện lớn, cũng giáo hóa người khác khiến họ thực hiện các phương tiện cùng phát nguyện lớn. Đấy là pháp thứ tư.

Này Tôn giả A-nan! Bồ-tát nếu thành tựu được bốn pháp ấy, thì trong quá trình thân chuyển đổi sẽ làm Thiện lai Tỳ-kheo, trọn không theo nẻo thọ thai mà đều từ hoa sen hóa sinh, liền ở nơi thân hiện tại mà tiếp tục tăng thêm thọ mạng.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Bồ-tát nếu thành tựu được bốn pháp, thì chung cuộc không hề bị thoái chuyển hay mất đi đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Những gì là bốn pháp?

  1. Bồ-tát kiên cố dốc phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
  2. Luôn vui thích được thấy Phật.
  3. Nghe pháp không chán
  4. Luôn thể hiện ngôn ngữ chân thật không ưa lối dối trá.

Này Tôn giả A-nan! Bồ-tát nếu thành tựu được bốn pháp ấy thì

đối với đạo quả Vô thượng Bồ-đề, chung cuộc không hề thoái chuyển.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Kiên cố quyết phát tâm
Thường vui thấy chư Phật
Nghe pháp không hề chán
Luôn giữ lời chân thật.
Thấy chúng sinh khổ não
Sinh lòng thương sâu xa
Rõ tâm mọi chúng sinh
Thuận hợp mà thuyết pháp.
Người ấy thường nghe pháp
Tâm kia không biết chán
Luôn tinh tấn tu tập
Nên trí tuệ tăng trưởng.
Thường vì kẻ thành tín
An trụ trong lời thực
Mọi ngôn thuyết tỏ bày
Trọn không chút lầm lạc.
Như nơi bốn pháp ấy
Theo thời mà tu học
Sẽ được đạo quả Phật
Chuyển pháp luân vô thượng
Ta nói trong pháp đó
Đạt phước báo vô lượng
Ai nghe được pháp ấy
Mà không chịu tu học!

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Đại Bồ-tát, nếu thành tựu được bốn pháp, thì trọn không khi nào quên mất đạo quả Vô thượng Bồ-đề, luôn được chư Thiên, Long, Thần đều đến khuyến trợ, luôn không lìa nơi phước điền của các bậc Thánh hiền. Nếu không có các bậc Thánh hiền thì liền ở nơi chúng hội tự làm phước điền. Những gì là bốn pháp?

  1. Đại Bồ-tát luôn siêng năng hành hóa không hề biếng trễ giáo hóa chúng sinh, khiến họ phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
  2. Siêng năng thực hiện không biếng trễ việc cúng dường Như Lai, nhằm cầu được chánh pháp.
  3. Đem tâm tôn kính ấy cúng dường các bậc Pháp sư.
  4. Như thấy chúng sinh luôn bị bao nỗi khổ não sợ hãi vây buộc thì đem pháp Vô úy bố thí cho họ.

Này Tôn giả A-nan! Bồ-tát nếu thành tựu đủ bốn pháp ấy thì đời đời không hề mất chánh niệm đối với đạo quả Bồ-đề.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại ý nghĩa vừa nêu nên nói bài kệ:

Cúng dường chư Phật
Tôn kính Phật pháp
Cũng đem tâm kính
Cúng dường Pháp Sư
Thấy bao khổ não
Chúng sinh sợ hãi
Liền thí vô úy
Cứu mọi khổ não
Do căn lành ấy
Thường được thấy Phật
Thiên thần khuyến trợ
Luôn siêng tu tập
Nếu chẳng thấy Phật
Cùng đệ tử Phật
Hay Bích-chi-phật
Phước điền các Thánh
Nên tự xuất gia
Tu trích tịch diệt
Nhập sâu thiền định
Dấy năm thần thông
Đạt được thần thông
Đến khắp thế giới
Vào nơi thôn xóm
Khiến chúng theo pháp
Chúng sinh được nghe
Lìa nẻo bất thiện
Không khởi nghiệp ác
Chuyển tướng kính thuận
Chúng sinh từ đấy
Đều được an lạc
Nhờ pháp quý đó
Ta cũng như thế
Người tự hành pháp
Được phước đức ấy
Tự lợi, lợi người
Ai chẳng hành thiện?
Nên cầu Phật đạo
Nên hành pháp ấy
Trọn luôn gần Phật
Trí chẳng nghĩ bàn.
Ta vốn tu pháp ấy
Độ phước lành giải thoát
Thông tỏ được pháp đó
Đạt Vô thượng Bồ-đề.
Ta chính Bậc Thế Hùng
Cũng tối thắng thế gian
Lại trao cho thế gian
Trí tuệ vô thượng diệu.

Này Tôn giả A-nan! Do từ nhân duyên ấy, nên biết rằng Bồ-tát có khả năng thực hiện pháp ấy đem lại lợi ích cho chúng sinh, chính nhờ đấy mà có thể tu tập đầy đủ các pháp Phật.

Này Tôn giả A-nan! Về thời quá khứ, trải qua vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp, ở cõi Diêm-phù-đề này có một vị đại Quốc vương tên là Phương Âm vương, phu nhân của nhà vua sinh được một Thái tử. Bấy giờ, các Thiên thần cùng cất tiếng nói lớn: “Con người sẽ hành hóa các pháp lành nay đã xuất hiện ở đời!”

Nhà vua nghe âm thanh ấy tức thì lo sợ cho là điều lạ lùng!

Thế nào là pháp? Thế nào gọi là phi pháp?

Này Tôn giả A-nan! Vị vương Thái tử ấy ngày một khôn lớn cho tới năm được được bảy tuổi, đã đi đến chỗ vua cha, cung kính đảnh lễ bái ngang chân cha, rồi lui ra đứng một bên, hỏi vua cha rằng: “Thế nào là pháp? Thế nào là công đức pháp?”

Lúc ấy, vua Phương Âm Vương đã dùng kệ đáp:

Hành thí, trì giới, đoạn ái dục
Hành nhẫn vững trụ các phước lành
Lìa giết, trộm, dâm, những bất thiện
Đó là pháp chư Thánh khen ngợi.”

Bấy giờ, Thái tử dùng kệ hỏi:

Cha mẹ từng nói pháp
Như tại nhà, trị nước
Được thiện hiện khắp chăng
Mong đáp rõ nghĩa ấy?
Thực hiện được, chẳng được
Kính mong đáp như thật
Lời thật vượt nẻo ác
Chẳng sợ đọa địa ngục.
Vọng ngữ đọa nẻo ác
Sẽ nhận khổ vô gián
Vì thế chớ vọng ngữ
Vì con nói như thật.

Lúc ấy, vua cha Phương Âm Vương dùng kệ đáp lời con:

“Như tại nhà trị nước
Chẳng thể đủ các thiện
Dao gậy bức hại người
Trong ấy có pháp gì?
Nếu người chẳng theo mệnh
Ta giận buông lời ác
Cưỡng đoạt tài vật người
Tăng biện pháp cấm, trị.
Ta nếu đi dạo xem
Dân chúng tất sợ hãi
Đều nghĩ vua nay xuất
Chúng ta gặp tội gì?
Nếu ta nơi chánh tọa
Có quan dẫn tội nhân
La liệt nơi trước ta
Nói vua theo ý trị
Ta xét kỹ tội lỗi
Tức thì tăng hình phạt
Do chỉ vì việc khác
Tự gây tạo mọi tội
Nếu buông lỏng sẽ hại
Cõi nước ắt loạn lạc
Nên ta theo pháp dữ
Dân chúng tất sợ hãi
Cho vua rất uy nghiêm
Rất ác chẳng thương xót!
Ai sẽ trụ nước này
Dám chẳng theo giáo lệnh?”
Giờ Thái tử Pháp Hành
Theo vua nghe kệ ấy
Sinh tâm chán, thưa cha:
“Con muốn hành đủ pháp
Con chẳng tham ngôi nước
Vì người tạo nghiệp tội
Sẽ xa lìa cha mẹ
Xuất gia siêng tu pháp
Nếu vua cha không thuận
Con nay sẽ tự hại
Độc dược, nhảy từ cao
Hoặc dùng đao tự sát.”
Vua nghe con thề thốt
Liền nặng ưu sầu bảo:
“Con tùy ý tự vui
Ta sẽ lo trị nước
Cho con nhiều tài sản
Chơi đùa mọi rừng, quán
Sao lại bỏ, xuất gia?
Bị người khác chê cười!
Cùng lớn thọ năm dục
Đến già hãy xuất gia
Mạng dục khó giữ, tin
Gắng chớ sinh tâm chán.”
Đáp rằng: “Thọ dục lạc
Không chán, thêm giận phiền
Xuất gia lìa mọi uế
Luôn tu hạnh từ, hỷ
Riêng nơi chốn vắng lặng
Ở đấy tịnh lạc hiện
Sẽ nương tựa chốn đó
Giữ giới tu phạm hạnh.
Vua nên cùng xuất gia
Nước, dân chúng ích gì
Vì người tạo nghiệp ác
Tự nhận khổ địa ngục
Luôn nuốt thỏi sắt nung
Cùng uống nước đồng sôi
Hành tà gây nghiệp tội
Quanh quẩn chốn địa ngục
Đinh sắt đóng vào thân
Sắt nung buộc quanh người
Lại dùng trâu cày sắt
Cày xới nát thân hình.
Ngục tốt thật đáng sợ
Mắt xanh mà đầu vàng
Dẫn người đến vạc dầu
Chỉa sắt xoay chuyển khắp.
Trải qua ngàn vạn năm
Chịu đủ mọi khổ não
Do nghiệp tội sâu nặng
Mong chết cũng không được!
Nếu từ vạc dầu ra
Lại vào hầm lửa lớn
Thân ấy lửa dữ bốc
Như đốt rừng tre khô.
Nếu ra chốn hầm lửa
Liền rơi trên núi lửa
Từ núi lửa rớt xuống
Lại gặp hầm phân nhơ.
Trong ấy lửa sôi sục
Ngậm sắt, thân trùng rỉa
Vô lượng ức ngàn năm
Chìm nổi luôn trong đó.
Hoặc thoát khỏi nơi ấy
Lại vào rừng tre gai
Lửa dữ cháy sáng rực
Than hồng luôn đốt thân.
Lúc vào rừng dữ đó
Bốn bề gió bùng lên
Khua vang cả rừng rậm
Đâm cứa vào thân thể.
Hoặc từ đấy thoát ra
Liền đưa tới rừng đao
Cành lá như kiếm kích
Giáo mác cùng đao, mâu.
Vừa vào tới rừng này
Ba bốn bề giáo dữ
Mưa trút bao mãi nhọn
Cắt từng khúc thân hình.
Đao kiếm tuôn như thế
Luôn băm vằm thể xác
Vô lượng ức ngàn năm
Luôn chịu bao khổ độc.
Như ra được nẻo ấy
Liền rớt xuống sông tro
Da thịt thảy cháy hết
Chỉ còn nắm hài cốt
Trải qua vô lượng năm
Nhận đủ mọi khổ não.
Hoặc được ra khỏi đấy
Lại vào dòng đồng sôi
Nước đồng nung lênh láng
Sóng dập tiếng vang xa
Xoay chuyển trăm ngàn vòng
Sóng lớn thêm dồn dập.
Hào địa ngục chảy quanh
Tội nhân cuộn vào đấy
Lúc vừa mới rơi xuống
Sóng dữ phủ trùm lên
Chẳng biết đâu bờ đáy
Cứ chìm nổi giữa dòng.
Hoặc từ đó được ra
La-sát đứng nơi bờ
Mắt vàng răng dài nhọn
Liền túm lấy trói chặt
Tra khảo rồi lại hỏi:
“Ngươi mong muốn điều gì?”
Đáp rằng: “Tôi đói quá
Chỉ cần được ăn uống”
Tức thì loài quỷ dữ
Đặt sắt nung lên đất
Bảo nuốt thỏi sắt kia
Đốt cháy sạch gan ruột
Trong ngoài đều những lửa
Xa trông dòng sông tro
Cho là dòng suối mát
Vội chạy tới lao đầu
Nếu thoát được cảnh này
Lại vào chốn đất phẩn
Núi đao cùng hố lửa
Luân chuyển bao cảnh khổ.
Vua giàu sang vô thường
Không lâu sẽ tán hoại
Thân mạng cùng ngôi vị
Phật dạy đều vô thường.
Nên sẽ nhận lời con
Bỏ nước cùng xuất gia
Mạng chung sẽ sinh Thiên
Cũng được lìa ba khổ.
Xuất gia nơi vắng vẻ
Tu tịnh giới, thiền định
Thường vui hạnh Từ bi
Cùng tu không, tịch diệt.
Bấy giờ sẽ tự biết:
Không có gì sánh bằng
Được an lạc tịch diệt
Cũng như Đại phạm vương.”
Thái tử nói như vậy
Vua cùng với phu nhân
Và hết thảy người thân
Không một ai ngăn ngại.
Vương tử được xuất gia
Cầu pháp tu thiền định
Được đủ năm thần thông
Vì mọi người thuyết pháp.
Tu tập, tâm tịch diệt
Giảng nói không, vô ngã
Các pháp không buộc, cởi
Luôn giảng pháp như thế
Mọi người nay đều nên
Nhất tâm pháp chánh quán
Trong ấm, giới, nhập ấy
Nào có ngã, ngã sở?
Trăm ngàn ức chúng sinh
Nghe pháp bèn xuất gia.
Vua cha cùng Phu nhân
Cũng theo pháp xuất gia
Người ấy xuất gia rồi
Phát nguyện lớn như vầy:
“Nẻo Vương tử cầu pháp
Tôi nguyện đều đạt được.
Theo học Bồ-tát ấy
Đều phát tâm Vô thượng
Thuận hợp chốn giảng pháp
Thánh Phật nhập Niết-bàn.”
A-nan, Vương tử đó
Cầu pháp độ cha mẹ
Khiến trụ nơi pháp Phật
Là người nào khác chăng?
A-nan! Chớ nghĩ thế
Đấy chính ta hiện nay.
Vì chúng tạo lợi lớn
Khiến trụ trong Phật đạo
Ta từ lúc phát tâm
Luôn dốc tâm cầu pháp
Tinh tấn sức vững bền
Trọn không chút biếng trễ
Ta thường tu pháp ấy
Tâm chưa hề mỏi mệt
Không một chút hồ nghi:
“Sẽ đắc Phật đạo chăng?”
Luôn vui đạo Bồ-đề
Nên tu tập tinh tấn
Đem tâm vui cầu pháp
Nên được tuệ tối thắng
Nếu người cầu Bồ-đề
Nên tu học như ta
Trọn chẳng hề thoái chuyển
Thành Phật chuyển pháp luân.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32