KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 28: CÁC PHÁP THÂM DIỆU

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát có bốn pháp, nhờ đấy có thể đạt đến tất cả các pháp diệu tối thắng. Những gì là bốn pháp?

  1. Nếu người phát tâm Đại thừa, thấy đạo pháp đang hồi suy diệt, vì muốn cho chánh pháp được trụ thế lâu dài, nên siêng năng tinh tấn cầu pháp không biết mệt mỏi.
  2. Nếu thấy các tháp miếu của Như Lai bị hư hại, thì nên dốc tâm tu bổ sửa sang khiến được tồn tại lâu bền.
  3. Lại vì dốc vui thích chánh pháp mà không tiếc thân mạng.
  4. Nhận thấy bao nỗi khổ của chúng sinh nên dấy tâm Từ bi rộng lớn, cùng thêm tinh tấn thực hiện các hạnh nguyện như vầy: “Đến lúc nào mình sẽ tu tập thành tựu Phật đạo dứt trừ mọi nỗi khổ kia, vì họ mà thuyết giảng chánh pháp.”

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát luôn cầu pháp không biết chán, vì nhằm cầu pháp nên phát tâm sâu rộng lớn lao mà dấy khởi sự mong muốn to tát. Đại Bồ-tát vì cầu trí tuệ lớn với những thần lực và công đức không gì hơn được nên phải diệt trừ tâm kiêu mạn. Đại Bồ-tát thường ở nơi chúng sinh vui thích thực hiện tâm Từ bi, vì chúng sinh mà mong cầu lợi lạc, nên suy nghĩ thế này: “Những chúng sinh đó không có ai là người cứu giúp, chỉ một mình ta nên phải dốc sức.” Đại Bồ-tát vì đã dứt mọi sân hận, nên tu tập thể hiện tâm Từ bi lớn lao. Đại Bồ-tát vì đã dứt mọi ganh ghét đố kỵ, nên đã khiến cho chúng sinh có được niềm vui về chân trí tuệ mà mình đạt được. Đại Bồ-tát vì tâm không còn keo lận, nên luôn đem pháp thí để nhiếp phục chúng sinh. Đại Bồ-tát vì sự bố thí lớn lao ấy, nên có thể dốc hết tâm mình an vui với Phật đạo. Đại Bồ-tát đối với tất cả các pháp, tâm không hề tham đắm. Đại Bồ-tát vì luôn khéo léo trong sự thuyết pháp, nên dung mạo luôn hòa nhã vui vẻ, ngôn ngữ thường vui tươi, nhận thấy bao nỗi khổ của chúng sinh thì càng gia tăng siêng năng tinh tấn tu học. Đại Bồ-tát luôn vui thích với Phật pháp cùng an lạc trong pháp Phật. Đại Bồ-tát vì đạt pháp vô sở úy, nên ở trong đại chúng tạo được tiếng rống của Sư tử. Đại Bồ-tát vì đã dứt hết mọi kinh sợ nên luôn an trụ trong Phật pháp. Đại Bồ-tát luôn siêng năng tinh tấn trong sự hành hóa, nên có thể tập hợp được mọi căn lành và vun đắp chúng. Đại Bồ-tát ở nơi các cõi nước thành ấp thôn xóm không hề tạo sự dính líu vướng mắc. Đại Bồ-tát luôn siêng năng trong giáo hóa hết thảy chúng sinh trong mười phương thế giới. Đại Bồ-tát luôn là hạng người thông minh, căn trí hơn người, thông tỏ hết thảy các pháp. Đại Bồ-tát cầu ý nghĩa chân thật, nên luôn tư duy như thật về tất cả các pháp. Đại Bồ-tát đối với các pháp Phật luôn mong đạt được diệu nghĩa chân thật, là nhằm để đạt đến sự giác ngộ vô thượng. Đại Bồ-tát do đạt được giác ngộ nên khéo biết được hoàn cảnh thuận tiện để giáo hóa chúng sinh.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát có thể theo đúng chánh pháp để diệt trừ các luận thuyết của ngoại đạo. Đại Bồ-tát đối với tất cả các pháp, luôn là người có được sự quyết định về ý nghĩa của chúng. Đại Bồ-tát luôn thể hiện được chân tính của Phật pháp. Đại Bồ-tát vì là phước điền của Pháp bảo, nên luôn đem lại sự sống cho Pháp bảo. Đại Bồ-tát ví như biển lớn, luôn nhận lấy tất cả các pháp không bao giờ cho là đủ. Đại Bồ-tát như núi Thiết vi, có khả năng ngăn chận làn gió tạo nên bao thứ phiền não cho vô lượng, vô số chúng sinh. Đại Bồ-tát như nước nơi biển rộng, luôn diễn nói thuyết giảng các pháp vô tận. Đại Bồ-tát do tâm luôn được tịnh diệu, nên luôn bao la như hư không. Đại Bồ-tát vì đã chứng đắc tính chất vô tận của các pháp nên cùng hòa hợp với hư không. Đại Bồ-tát như núi Tudi nên luôn tích chứa các pháp lành. Đại Bồ-tát ví như đại địa, luôn nhận lấy bao sự yêu ghét đủ nẻo. Đại Bồ-tát ví như ruộng tốt, nên gieo trồng các căn lành không hề bị mất mát. Đại Bồ-tát ví như mặt trời dũng mãnh nên có thể đem lại cho muôn loài ánh hào quang chánh pháp sáng chói. Đại Bồ-tát cũng giống như mặt trăng trong lành, luôn xua tan mọi nẻo tăm tối. Đại Bồ-tát ví như chiếc lọng dày kín, có thể ngăn chận mọi nẻo dâm dục giận dữ si mê cùng bao lửa phiền não của chúng sinh. Đại Bồ-tát cũng như đám mây dày che phủ, vì mọi chúng sinh mà đem lại sự an ổn cho họ. Đại Bồ-tát giống như cây lớn, có khả năng làm chỗ quay về cho mọi chúng sinh. Đại Bồ-tát có thể vì thế gian mà làm người hóa độ, làm nơi chốn khiến cho mọi chúng sinh quay về, làm chỗ nương tựa cho họ, cùng trao cho họ pháp vô úy. Đại Bồ-tát là bậc thầy trong thế gian, nên đối với mọi nghề nghiệp kỹ xảo thảy đều thông tỏ. Đại Bồ-tát vì lợi ích của chúng sinh, nên có thể đem lại cho đời nay đời sau sự an lạc của Niết-bàn. Do vậy mà đối với Đại Bồ-tát, hết thảy chúng sinh đều nên kính lễ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu như các chúng sinh có thể biết được Bồ-tát đã vì họ mà làm những việc khó làm khổ nhọc như thế, đã vì nhân duyên mong có được an lạc mà đảm nhận những sự việc quan trọng như ta đã biết, thì hết thảy chúng sinh đều nên hết sức kính trọng ghi ân. Từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành tựu quả vị Phật-đà, trong khoảng thời gian ấy, tất cả chư Thiên và người trong thế gian với đầy đủ mọi thứ an vui hiện có, đều đem cúng dường, luôn bày tỏ sự cung kính hết mực. Lại nữa, đối với Bồ-tát ấy, thời gian hướng đến đạo tràng, nên dùng các loại y phục quý giá, hoặc loại Thiên y cùng các loại hoa sen tươi tốt bày ra thành tòa cao lên tới đỉnh đầu để cúng dường. Hoặc dùng các thứ Thiên y quý báu mà làm dù lọng, hiên che nhằm ngăn chận gió và ánh sáng mặt trời. Vị Bồ-tát ấy đã thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì đem các thứ hương, hoa, cờ phướn, các loại kỹ nhạc để cúng dường, cũng có thể tự thân lo liệu đảm nhận mọi công việc cúng dường, hầu cận. Những chúng sinh đó tôn kính cúng dường như vậy, cũng chưa có thể báo đáp hết được ân đức của Bồ-tát. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát, đã vì việc đem lại cho chúng sinh các pháp vô lậu tịnh diệu, sự an lạc của đạo pháp vô thượng, mà tạo nên được sự trang nghiêm lớn lao.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đem sự an lạc của thế gian mà so sánh với điều ấy, thì trong trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn phần, sự an lạc của thế gian hãy còn chẳng được lấy một. Thậm chí dùng thí dụ cũng không thể diễn tả hết được. Vì sao? Vì mọi thứ an lạc mà chúng sinh cúng dường cho Bồ-tát đều là các pháp thế gian hữu lậu, hư dối, vô thường biến đổi. Còn những an lạc mà Bồ-tát đem lại cho chúng sinh đều là các pháp xuất thế gian vô lậu, chân thật, là những an lạc dứt sạch mọi thứ phiền não nung đốt, những an lạc thường hằng, rốt ráo, không bến bờ, không hạng lượng. Vì vậy, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nên biết là chúng sinh dù đem hết thảy mọi thứ an lạc để cúng dường Bồ-tát, cũng không thể báo đáp đủ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát đối với những kẻ chìm đắm trong sự ngủ nghỉ thì làm cho họ thức tỉnh giác ngộ. Đối với kẻ buông lung thì làm cho họ trở nên siêng năng tinh tấn. Đối với kẻ mê cuồng thì giúp họ tu tập chánh niệm. Đối với kẻ tăm tối thì luôn vì họ mà làm ánh sáng mặt trời. Đối với kẻ bệnh tật ốm yếu thì làm bậc đại lương y. Đối với kẻ lạc vào nẻo tà kiến thì chỉ cho họ thấy chánh đạo. Đối với những chúng sinh chưa phát khởi các pháp lành thì giúp cho họ dấy khởi pháp lành. Đối với hạng chúng sinh chưa tăng trưởng các pháp lành thì giúp họ tăng trưởng.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Cần ghi nhận lời quan trọng này: “Rõ ràng là không một người nào khác có thể vì chúng sinh làm chỗ cho họ quy ngưỡng, làm người cứu độ họ, đem họ đến với đạo giải thoát rốt ráo. Chỉ có chư Phật mới làm được những điều ấy. Mà các pháp của chư Phật, các pháp của Như Lai, các pháp an nhiên tự tại ấy chẳng phải từ một ai sinh ra, tất cả đều được sinh ra từ nhân của Bồtát đạo.”

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32