KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 27: NÓI VỀ NHIỀU THỨ PHÁP

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Có bốn pháp cứu độ. Những gì là bốn pháp?

  1. Chúng sinh bị sợ hãi, Như Lai có thể cứu độ.
  2. Những kẻ đi lạc vào nẻo tà, đạo pháp giải thoát có thể cứu độ.
  3. Người tạo các nghiệp ác, pháp Niệm xứ có thể cứu độ.
  4. Kẻ đang bị tám nạn, Bồ-tát có thể cứu độ.

Đó là bốn pháp cứu độ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Có bốn pháp an lạc. Những gì là bốn pháp?

  1. Sinh ra được gặp Phật.
  2. Được sinh ở nơi chốn không có các nạn.
  3. Luôn tin tưởng nơi Phật pháp.
  4. Có được đầy đủ chánh kiến của Bậc Giác Ngộ.

Đó là bốn pháp an lạc lớn.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Lại có bốn pháp có thể thành tựu được sự nghiệp. Những gì là bốn pháp?

  1. Thân tứ đại được điều hòa, khiến thân tâm luôn được an lạc.
  2. Tâm thanh tịnh, tư chất chánh trực, có thể đạt được chánh kiến.
  3. Gặp Phật, có được lòng tin, làm nhân cho mọi sự an vui.
  4. Phát tâm vô thượng nhằm dứt trừ bao thứ bệnh phiền não của vô số lượng chúng sinh.

Đó là bốn pháp có khả năng thành tựu sự nghiệp.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ở đời có bốn thứ mong được.

Những gì là bốn thứ?

  1. Các người bị bệnh tật ốm đau mong muốn được lành bệnh, khỏe mạnh.
  2. Kẻ bị đói khát bức bách mong muốn được ăn uống no đủ.
  3. Những người bị khổ não giày vò mong muốn được an lạc.
  4. Những kẻ đi trên đường nguy hiểm mong được an ổn. Đó là bốn thứ mong được ở đời.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế gian luôn có bốn nơi chốn tham đắm, do sự tham đắm ấy bị đọa vào các nẻo ác. Những gì là bốn?

  1. Tham đắm về thân.
  2. Tham đắm về thọ mạng.
  3. Tham đắm đối với tài sản.
  4. Tham đắm về ái dục.

Đó là bốn nơi chốn tham đắm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Có bảy nơi chốn chứa đựng. Đó là chốn chứa đựng của gió, cái sống, chín, lạnh, nóng, kiến thức và tham dục. Trong các sự chứa đựng ấy, chốn chứa đựng về tham dục là bền chắc hơn hết. Nơi chốn chứa đựng tham dục đó đã nương tựa vào cái gì để tồn tại? Chính là nương tựa nơi thân tướng con người với bao thứ nước mắt, nước bọt, đờm dãi, máu mủ, gân xương, da thịt, tim gan, ngũ tạng, phân, nước tiểu…

Bấy giờ trong chúng hội có một vị Cư sĩ tên là Tuyển Trạch. Vị Cư sĩ này có người vợ tên là Diệu Sắc; dung mạo đoan nghiêm, nhân sắc diễm lệ. Cư sĩ Tuyển Trạch hết sức yêu thương say đắm nên luôn bị phiền não dấy khởi. Cư sĩ nghe Phật nói liền đứng dậy thưa với Phật rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn chớ nên cho rằng tâm tham dục đã dấy khởi từ chỗ nhơ uế của con người. Vì sao? Vì như vợ con, vốn là người rất đoan nghiêm xinh đẹp, không có điểm nào xấu tệ cả.

Đức Phật biết vị Cư sĩ này vốn nhiều tham ái sâu nặng, tức thì hóa ra một người đàn bà dung mạo đoan nghiêm xinh đẹp giống như Diệu Sắc, đang thong thả đi vào chỗ chúng hội. Cư sĩ Tuyển Trạch trông thấy liền suy nghĩ: “Vợ ta do duyên gì đi đến chúng hội này?” Suy nghĩ như vậy rồi bèn hỏi người đàn bà kia:

–Nàng vì sao mà lại đi đến nơi này?

Người đàn bà đáp:

–Em đến là muốn được nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp.

Cư sĩ nghe vậy bèn dẫn vào chỗ ngồi và để vợ ngồi lên mé vạt áo mình. Đức Phật dùng thần lực khiến người đàn bà ấy phóng uế làm bẩn cả vạt áo gây mùi hôi thối, làm cho Cư sĩ Tuyển Trạch không thể chịu nỗi phải dùng tay bịt mũi quay đầu nhìn sang bên phải, có ý xem ai là kẻ làm chuyện xấu. Lúc này, người ngồi bên phải Cư sĩ là Bạt-nan-đà, bèn nói với Cư sĩ:

–Vì sao lại phải bịt mũi rồi quay sang phía tôi?

Cư sĩ Tuyển Trạch đáp:

–Vì phía bên này quá ư hôi thối không chịu nỗi!

Do thần lực của Phật nên Bạt-nan-đà cùng nhiều người trong chúng hội nhìn thấy người đàn bà kia đã làm xấu cả một vạt áo của Cư sĩ Tuyển Trạch. Bạt-nan-đà nói với Cư sĩ Tuyển Trạch:

–Hãy xem kìa, chính vợ anh đã gây ra chuyện hôi thối này.

Cư sĩ đáp rằng:

–Tôi không chút nghi ngờ về chuyện này! Vợ tôi trong lành, thân không chút nhơ nhớp. Nếu có người nào nghi ngờ thì tự mình nên xem lại chính mình. Lại như nói riêng với Bạt-nan-đà: “Ý tôi cho rằng anh là tác giả vụ này!”

Bạt-nan-đà nghe thế liền tức giận nên đứng phắt dậy nói với Cư sĩ:

–Anh thật không biết hổ thẹn! Ai là người đã tôn anh là Cư sĩ đấy? Anh nay đáng gọi là Cư sĩ hôi thối! Sao anh không tự tay mình đẩy vợ anh đang ngồi nơi vạt áo kia ra mà xem thử? Chính chị ta lúc ngồi lên vạt áo anh đã gây ra việc xấu ấy. Anh tự ngồi lên trên nên đã lãnh đủ. Vậy mà không xấu hổ lại còn muốn chê bai người khác.

Mọi người trong chúng hội bèn xướng to lên:

–Cư sĩ hôi thối ấy phải nên ra khỏi chúng hội!

Bèn nói với người đàn bà kia:

–Người quá đỗi bất tịnh không nên ở trong chúng hội! Nói xong liền dùng tay kéo người ấy ra bên ngoài.

Tuyển Trạch trong lòng nghi hoặc, nói với người đàn bà:

–Ta vốn quý trọng nàng nên mới để ngồi nơi vạt áo ta. Nàng là người lớn sao lại giở trò như vậy?

Người đàn bà đáp:

–Ông ngồi sát nơi chỗ nhớp nên mới đến nông nỗi ấy!

Cư sĩ Tuyển Trạch lúc này liền sinh tâm chán nản, muốn bỏ chiếc áo bẩn ấy lại sợ vấy lên người mình, bèn hỏi Bạt-nan-đà:

–Làm cách nào để tống khứ chỗ nhớp bẩn này?

Bạt-nan-đà đáp:

–Chẳng phải chính thứ phân nhơ ấy đã làm ô nhiễm thân anh, mà chính những suy kém mới là điều anh nên quan tâm! Nếu muốn lìa bỏ thì nên trốn đi một nơi xa nào, không trở về nữa! Do vợ anh làm xấu khiến cho đại chúng ở đây phải đau đầu, buồn bực, rối loạn.

Cư sĩ Tuyển Trạch nói:

–Con em giòng họ Thích đều giàu lòng Từ bi thương người, sao anh ác khẩu quá vậy?

Bạt-nan-đà nói:

–Như anh hôm nay thì làm sao có thể từ bi thương xót được? Lời Phật chỉ dạy mà dám trái nghịch. Ăn nói như thế này: “Vợ tôi đoan nghiêm, không hề có những gì xấu xa!” Anh nay tự xem thử có trong sạch không mà muốn phỉ báng tôi?

Cư sĩ Tuyển Trạch nói với người đàn bà:

–Nàng nên trở về nhà! Bạt-nan-đà đã nói như thế đấy. Ta hôm nay đã thấy rõ người nữ chẳng chút chính trực, lại đầy dẫy những lỗi lầm, bất tịnh, nên sinh tâm chán lìa, muốn ở nơi pháp Phật xuất gia tu tập.

Bạt-nan-đà nói:

–Anh nay hình thể nhơ nhớp như thế, nếu dùng hương thơm xoa lên thì cũng phải trải qua hàng năm trời, sau đấy mới có thể kham lấy nổi việc xuất gia.

Cư sĩ đáp:

–Nếu tôi dùng hương xoa lên người phải trải qua hàng năm trời, thì hoặc là thân tôi vô thường hoặc Phật diệt độ, như thế thì nhân duyên xuất gia cầu đạo của tôi sẽ hỏng mất. Nay nếu thấy được chấp thuận cho xuất gia thì tôi chẳng hề lai vãng đến các thành ấp, thôn xóm; lấy chốn A-lan-nhã làm tăng phòng, tinh xá, mặc nạp y khuất phục, luôn ở nơi chốn vắng vẻ u tịch. Thế thì ai biết tôi xú uế?

Đức Phật bảo:

–Này Cư sĩ! Ông muốn ở nơi pháp của ta mà xuất gia chăng? Cư sĩ Tuyển Trạch liền thưa:

–Đúng vậy! Kính bạch Thế Tôn!

Phật nói:

–Lành thay! Ông là Sa-môn tu tập phạm hạnh!

Tức thì râu tóc của vị Cư sĩ được cạo sạch, áo ca-sa mặc lên thân, tay nâng bình bát, đúng hình dạng một vị Tỳ-kheo. Đức Phật vì vị Tỳ-kheo mới này mà thuyết giảng về bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Được nghe bốn Thánh đế, vị này đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, thành tựu quả Tu-đà-hoàn. Những lần thuyết pháp giáo hóa tiếp theo dần dần giúp cho vị ấy chứng quả Tư-đà-hàm và Ana-hàm. Qua khỏi đêm hôm ấy, vị Tỳ-kheo này liền khoác y mang bình bát đi đến thành Vương xá lần lượt khất thực, bèn trở lại nhà mình đứng bên ngoài cửa. Lúc này người vợ tên Diệu Sắc, thấy chồng mình đầu cạo, thân mặc pháp phục thành người xuất gia học đạo, liền nói rằng:

–Ông đã chọn việc lìa bỏ gia đình làm vị Sa-môn chăng?

Tuyển Trạch đáp:

–Hôm nay, nàng đã làm một việc không hay khiến áo ta bị nhớp bẩn cả thân ta.

Diệu Sắc nói:

–Ông đã là Tỳ-kheo rồi mà còn muốn phỉ báng người khác sao? Tôi từ nơi nhà cha tôi trở lại nhà này, chưa hề thấy ai ở ngoài cửa, huống hồ lại đi tới vườn Trúc và có mặt trong chúng hội ở đấy sao?

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo mới này nói với Diệu Sắc:

–Có cả Bạt-nan-đà lúc ấy ngồi bên ta, và trong chúng hội đều thấy việc dẫn đưa nàng ra bên ngoài.

Lúc này, có tên ma ác vốn đã đi theo Tuyển Trạch, bèn nói xen vào:

–Hôm qua, người nhà ông thấy đó không phải là nàng Diệu Sắc đâu. Đấy là do biến hóa mà làm tâm ông bị huyễn hoặc đấy. Nay ông nên trở về nhà để tự vui thú với năm thứ dục lạc. Sa-môn Cù-đàm lừa dối ông. Ông nay đã làm chuyện hư vọng, đâu phải thực sự là một Tỳ-kheo. Sa-môn Cồ-đàm thường dùng thuật ấy để dối lừa mê hoặc nhiều người khiến họ xuất gia, như nay đã lừa dối ông vậy.

Tỳ-kheo Tuyển Trạch, vì đã thực chứng chánh pháp nên liền biết đấy là việc ma làm, bèn nói với kẻ ác rằng:

–Ông cũng biến hóa, tôi cũng biến hóa, chị Diệu Sắc này cũng đều là biến hóa. Phật thường thuyết giảng các pháp đều là không, như huyễn hóa cả.

Lúc bấy giờ, nàng Diệu Sắc được nghe pháp xong, liền đối với các pháp đã thấy được và xa lánh tính chất cấu uế bụi bặm, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, dứt trừ mọi mối nghi hoặc nên không nghe theo lời kẻ kia, và ở trong pháp Phật được diệu lực Vô úy, bèn nói với Tuyển Trạch:

–Việc ông làm là hết sức tốt đẹp. Đã có thể ở nơi pháp Phật vui thích tu tập phạm hạnh. Tôi nay cũng ở nơi pháp xin xuất gia học đạo.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì phải nên xa lìa bốn pháp. Những gì là bốn pháp nên lìa? Xa lìa bè đảng xấu ác, các hàng tri thức xấu ác và hành bất thiện. Đó là lúc mới phát tâm, chỗ nên lìa bỏ vậy.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, phải nên xa lìa đối với sự tham đắm hình tướng nữ nhân, không nên cùng với nữ nhân chung nơi chung chuyện. Đó là pháp thứ hai phải nên xa lìa.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, thì phải nên xa lìa đối với các thứ sách vở luân thuyết của ngoại đạo. Đấy là Lõa Hình luận, Lộc-già-da luận, Mạtgià-lê luận, đều chẳng phải Phật thuyết giảng, không nên gần gũi, nghe nhận, đọc tụng. Đấy là pháp thứ ba nên cần xa lìa.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, thì chẳng nên gần gũi các nẻo tà kiến, ác kiến. Đó là pháp thứ tư cần nên xa lìa.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như Lai không còn thấy có thêm một pháp nào khác nữa mà có thể tạo nên chướng ngại sâu dày cho Phật đạo như bốn pháp này. Vì thế, Bồ-tát phải nên xa lìa.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu muốn mau chóng đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, thì phải nên tu tập bốn pháp. Những gì là bốn pháp nên tu tập?

Bồ-tát phải nên theo các bậc Thiện tri thức. Các hàng Thiện tri thức ấy chính là chư Phật. Nếu như các vị Thanh văn có thể khiến cho Bồ-tát an trụ nơi các pháp Ba-la-mật của Pháp tạng thâm diệu, thì đó cũng là bậc Thiện tri thức của Bồ-tát, phải nên gần gũi, kính lễ, cúng dường.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát phải nên thân cận hàng xuất gia, cũng nên gần gũi với các pháp A-lan-nhã, nên xa lìa nữ sắc.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát phải nên thân cận tu tập theo chánh kiến lớn về không, nên xa lìa tà kiến.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu chư Bồ-tát muốn mau đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề thì phải nên gần gũi bốn pháp như thế.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ thêm ý nghĩa trên nên nói bài kệ:

Xa lìa nơi nữ nhân
Cùng lìa ác tri thức
Cũng rời ngoại đạo luận
Và bao nẻo tà kiến.
Nếu gần gũi nữ nhân
Cùng những ác tri thức
Theo ngoại đạo luận bàn
Tăng trưởng các tà kiến.
Do tà kiến tăng thêm
Nên mau đọa xứ nạn!
Lìa tám nạn khó được
Cũng khó tin Phật pháp.
Nếu người muốn làm ác
Liền tạo nên hạnh ác
Nếu tạo những hạnh ác
Ắt đọa vào nẻo ác.
Vì thế kẻ cầu đạo
Chớ nên gần nữ sắc
Thường phải sinh chán lìa
Xem đấy như chốn uế.
Chớ gần ác tri thức
Khiến lạc nẻo phi pháp
Nếu gần nẻo phi pháp
Khiến người mất mắt tâm.
Như thân cận ngoại đạo
Các luận nghĩa Ni-kiền
Ngôn từ tuy trau chuốt
Nhưng sinh bao lỗi lầm.
Tất lìa mọi nẻo đó
Ắt rời các đường tà
Ta nói bốn pháp ấy
Gốc lưu chuyển sinh tử.
Xa lìa pháp thấp kém
Tập gần hạnh thượng diệu.
Ta vốn siêng tu tập
Hành hóa pháp như thế
Xuất gia tu Phạm hạnh
Gần gũi Thiện tri thức
Chư Phật cùng đệ tử
Khiến ta trụ Phật đạo.
Ta thường tu hạnh không
Không, không cùng Đại không
Tuy hành pháp không ấy
Mà không chấp nơi không.
Nếu pháp cùng chốn đạt
Cả hai chẳng đều không
Đó gọi là chân không
Thế giới thật khó lượng.
Ta vốn vì Phật đạo
Nẻo tu tập các pháp
Pháp ấy rất vi diệu
Trí phàm phu khó kịp
Lúc ta cầu Phật đạo
Mọi chốn nghe kinh pháp
Tâm ý tự suy nghĩ
Chẳng theo người khác nói
Ta tự mình thông tỏ
Mà vì người khác thuyết
Đó là nẻo chánh đạo
Không, vô ngại, tịch diệt
Trong không chẳng có sinh
Cũng chẳng có già, bệnh
Trong không cũng không chết
Đó là tướng thường trụ.
Đó là tướng thật pháp
Chốn đạo tràng thông đạt
Trừ diệt các quân ma
Đạt giác ngộ vô thượng
Mọi pháp ta chứng đắc
Liền vì người diễn nói
Khiến chứng cõi vô thượng
Mà không chốn tướng chuyển
Như muốn đạt Phật đạo
Cùng an tọa đạo tràng
Muốn phá diệt chúng ma
Thường tu pháp không ấy.
Nếu có người muốn chuyển
Pháp luân diệu vô thượng
Độ vô lượng chúng sinh
Nên học pháp không ấy
Muốn trụ mười lực Phật
Cùng bốn Vô sở úy
Tạo tiếng rống Sư tử
Nên tu tập pháp ấy
Muốn có được tiếng tốt
Truyền tụng khắp mười phương
Phải chánh tâm tu tập
Thông tỏ pháp không ấy
Chư Bồ-tát bậc trí
Theo học pháp không ta
Đạt được nẻo giác ngộ
Đó là trí tối thắng.
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Nếu theo học hạnh ta
Cũng sẽ đạt giác ngộ
Như ta nay đã đạt.
Chẳng những hai chúng này
Mới hành pháp không ấy
Mà hết thảy chúng sinh
Cũng học, thành Phật đạo
Ta đem tám nẻo chánh
Tu tập pháp không này
Thông đạt các tướng pháp
Chứng Vô thượng Chánh giác.
Ta siêng tu pháp ấy
Nên được trí vô ngại
Là nẻo chính như Phật
Thường tu tập pháp không
Vì vậy, chư Bồ-tát
Dốc vì lợi muôn loài
Phải nên học pháp ấy
Chính là các pháp không.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát lại có bốn pháp, nhờ đấy mà trải qua nhiều đời nhiều kiếp thân mạng chuyển biến cũng không mất chánh niệm, có thể theo như lời Phật chỉ dạy mà hành hóa, ở trong các pháp có được tâm quyết định; đạt được biện tài vô ngại, biện tài sắc sảo nhanh nhẹn, biện tài sâu xa cùng biện tài không gì hơn; chư Phật đã thấu đạt nên gia hộ thần lực và ở nơi đời sau sẽ dốc sức với việc giữ gìn bảo vệ thành trì chánh pháp. Những gì là bốn pháp ấy? Thường vui thích với việc xuất gia, đời đời tu tập theo pháp xuất gia ấy, vì tất cả chúng sinh nên cầu pháp không biết chán, thuyết pháp không ngại mệt mỏi, thực hiện các pháp Định không nương tựa để dứt trừ sự vướng mắc nơi hình tướng các pháp, luôn siêng năng tu tập pháp Tam-muội Niệm Phật, ở trong các duyên mà không dấy riêng lẻ. Đó là pháp đầu tiên để giữ gìn chánh niệm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát tự mình cầu Phật đạo cùng giáo hóa chúng sinh khiến họ được an trụ trong ấy, thường vui thích xưng tán thần lực, công đức của chư Phật. Đó là pháp thứ nhì nhằm giữ gìn chánh niệm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát có khả năng thành tựu pháp Nhẫn Vô Sinh hết mực thâm diệu. Đấy là pháp thứ ba nhằm giữ gìn chánh niệm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát ngay vào lúc mạng chung, tâm không hề tán loạn, luôn nhớ nghĩ đến chư Phật cùng các pháp thâm diệu, do từ pháp nhẫn thâm sâu ấy mà chánh niệm không bao giờ bị mất. Đấy là bốn pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Bồ-tát luôn cầu pháp
Cũng luôn hành pháp thí
Vì thế ở các pháp
Chánh niệm không hề mất.
Hóa độ vô lượng loài
Khiến trụ nơi Phật đạo
Đời đời thân lưu chuyển
Luôn giữ gìn chánh niệm.
Học hỏi nẻo Phật khen
Pháp không tịch thâm diệu
Vì vậy, Bồ-tát ấy
Mau đạt Nhẫn vô sinh.
Cũng chẳng dấy vô sinh
Vô sinh tức vô sinh
Do được nhẫn diệu ấy
Nên chẳng mất chánh niệm
Bồ-tát bậc trí đó
Mạng chung tâm chẳng loạn
Thường dốc niệm chư Phật
Cùng pháp diệu chư Phật
Người ấy lúc mạng chung
Tâm kia không thoái chuyển
Nên đời đời thân chuyển
Luôn giữ được chánh niệm.
Do đó, nếu có người
Muốn đạt đạo Vô thượng
Nên tu tập hết thảy
Bốn pháp lành như vậy.
Pháp ấy là hơn hết
Chư Phật luôn khen ngợi
Ta nay cũng xưng dương
Các vị phải tu học.
Mọi pháp Như Lai thuyết
Nhằm lợi lạc các vị
Phật vì lợi ích khắp
Chẳng buộc vì ông nói
Nếu quyết cầu trí Phật
Nên tu học đạo ấy
Do tu học đúng nẻo
Theo đấy sinh Phật tuệ
Nếu kẻ còn biếng trễ
Cùng sinh tâm thoái chuyển
Trọn chẳng được Phật đạo
Nên xa lìa nẻo đó.
Nếu người chấp tâm ta
Cùng vướng tưởng chúng sinh
Hoặc nương tựa vào pháp
Chẳng thể chứng Phật đạo.
Nên lìa bỏ tâm ấy
Thường tu học tướng không
Phá mọi chấp về pháp
Cùng chấp trí thâm diệu
Cũng chớ chấp chốn nương
Có nương tức tướng động
Ưa thích các pháp động
Nên mãi bị sinh tử.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32