KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 7
Phẩm 23: VƯƠNG TỬ ĐẮC NIỆM
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Tôn giả vẫn muốn tiếp tục được nghe nói về tâm của Bồ-tát chăng?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
–Kính bạch Thế Tôn! Nay chính là lúc nên được nghe Thế Tôn thuyết giảng tiếp về tâm đích thực của Bồ-tát. Chính nhờ tâm chân thực ấy mà có thể tu tập đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Về thời quá khứ xa xưa, trải qua vô lượng, vô biên chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp, bấy giờ có Đức Phật hiệu là Đức Vương Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời. Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vị Phật Đức Minh Vương ấy, hội lớn của hàng Thanh văn có đến tám vạn bốn ngàn vị, hội lớn của chúng Bồ-tát số lượng cũng như thế. Thời ấy, nơi hàng Thanh văn, trong mỗi mỗi hội thuyết pháp đều có tám vạn bốn ngàn người đắc quả A-la-hán. Các vị Bồ-tát, trong mỗi mỗi hội thuyết pháp cũng có tám vạn bốn ngàn người đạt được pháp không thoái chuyển. Đức Phật Đức Minh Vương đã dứt sạch hết thảy mọi thứ lậu vốn có, tâm luôn được tự tại. Bậc đại A-la-hán, các vị chứng các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, số lượng còn nhiều hơn nữa.
Cùng thời này có vị vương tử tên là Đắc Niệm đã thân hành đến chỗ Đức Phật, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui đứng một bên. Vương tử trông thấy Đức Phật có uy đức lớn lao, liền suy nghĩ rằng: “Phật là bậc hy hữu, đã thành tựu bao công đức hết sức thâm diệu. Ta nên tạo duyên gì để có được trí tuệ cùng thân tướng tốt đẹp như Đức Phật?” Liền theo chỗ suy nghĩ của mình mà đọc bài kệ hỏi Đức Phật rằng:
Con nay thấy Thế Tôn
Nguyện sẽ được trí ấy
Hành nhân duyên nghiệp nào
Đạt tuệ Vô thượng đó?
Sắc thân Phật bậc nhất
Như thể trăng trong sao
Lực thần thông hơn hẳn
Nên thuận chúng thuyết pháp
Trí tuệ không ai hơn
Như Thích Thiên Tôn quý
Nơi pháp luôn tự tại
Con nay xin được hỏi
Trí Phật tịnh, vô ngại
Ba đời thảy thông đạt
Tất cả chúng tôn kính
Vì con giảng việc ấy?
Thế Tôn xưa từng gặp
Vô số các vị Phật
Hỏi về nhân Bồ-đề
Nguyện nay vì con giảng?
Nay hỏi trí vô ngại
Làm sao chứng Phật đạo
Chốn nương của muôn loài
Độ hết khổ sinh tử?
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Lúc này Đức Phật Đức Minh Vương dùng kệ đáp lại rằng:
Đồng tử! Chỗ con nêu
Sự thực ấy như thế
Ta từng thấy chư Phật
Số nhiều như hằng sa
Thấy Phật hơn hằng sa
Tên, số chẳng kể hết
Cũng nơi hằng sa kiếp
Hỏi Phật việc như vậy
Con phát tâm Bồ-đề
Sẽ thành Lưỡng Túc Tôn
Nay nghe ta thuyết giảng
Nghe xong, như lời hành
Luôn hành thí không chán
Trí giới chẳng dừng nghĩ
Đa văn không nhàm đủ
Tu tập chân trí tuệ
Phật lược nói kệ ấy
Thấy Đồng tử ham thích
Muốn khiến thành Phật đạo
Lại vì phân biệt khắp
Con luôn luôn bố thí
Trì giới tịnh không mỏi
Hỏi bậc Trí đâu chán
Đó, nhân duyên chân trí
Chân trí không nơi chốn
Cũng không nơi thường trụ
Do nhân hỏi chư Phật
Nên sinh chân trí tuệ
Trí Phật không nương nhãn
Tánh nhãn vốn tự không
Do vậy chẳng nên chấp
Để cầu trí tuệ Phật
Nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn
Cùng ý cũng như vậy
Các nhập ấy đều không
Tướng không nên tham vướng
Bốn đại hợp nên thân
Tâm, nơi chốn nương tựa
Theo đấy, dấy tưởng nhớ
Tưởng nhớ cũng chẳng có
Như chẳng nương tựa thân
Cũng chẳng dựa thọ mạng
Lại chẳng bám tài lợi
Ắt đạt được Phật đạo
Luôn nên cầu xuất gia
Và siêng năng tinh tấn
Thường chán lìa uế dục
Do lìa xa nẻo ác
Nẻo con làm bố thí
Vì hết thảy chúng sinh
Nơi chúng không phân biệt
Cũng chẳng thí hý luận.
Bấy giờ, vương tử Đắc Niệm, dấy tâm tin tưởng hoan hỷ, liền ở nơi trước Đức Phật đọc bài kệ:
“Thế Tôn dứt sạch nghi
Chỉ nẻo vượt sinh tử
Thuyết pháp tịnh thâm diệu
Vì con tạo lợi lớn
Con cho là thành Phật
An tọa nơi đạo tràng
Trừ diệt mọi ma buộc
Do theo Phật nghe pháp
Con bèn làm người dẫn
Nên động khắp đại thiên
Hiện vô số thần thông
Do theo Phật nghe pháp
Cho là bỏ mạng lớn
Đã nhập cõi Niết-bàn
Tất cả pháp đều không
Chân trí do đấy sinh
Rõ pháp, dứt sạch tướng
Pháp diệt không chốn cõi
Pháp hữu vi đều dứt
Dứt sạch tức là không
Con nay đến cha mẹ
Nêu bày cùng tạ từ
Nơi pháp Phật xuất gia
Tu hành đạo giác ngộ.”
Tức thời lễ chân Phật
Nhiễu ba vòng rồi đi
Đến ngay chỗ cha mẹ
Giữa đường gặp ma ác
Ma ác dấy niệm này:
“Vương Tử muốn xuất gia
Ta sẽ tạo chướng ngại
Quấy nhiễu hoại tâm ấy.”
Liền đứng ở giữa đường
Vờ hỏi Vương tử rằng:
“Đi gấp đến chốn nào?
Hãy dừng để xin hỏi.”
Vương tử nghe bèn đáp:
“Tôi từ chỗ Phật lại
Được nghe pháp Vô thượng
Nay muốn theo tu tập.”
Ma nói: “Người lành thay!
Tinh tấn cầu Phật đạo
Chỉ nên trước thọ dục
Rồi sau sẽ xuất gia.
Ngươi sinh chốn tôn quý
Dân giàu có vô lượng
Trước sẽ thọ vui đời
Chớ để sau sinh tiếc.
Chốn tôn quý như thế
Năm dục lạc khó được
Nếu nay, bỏ xuất gia
Sau tất sinh tâm hối.”
Vương tử tức thì bảo:
“Thọ dục trọn chẳng tham
Ông đem thân điên đảo
Khen pháp dối uế ấy
Ông nói phú quý khó
Lìa tám nạn khó hơn
Tôi nay gặp việc này
Xuất gia tu Phật đạo
Tôi đã rõ cõi Dục
Cõi Sắc, Vô sắc vượt
Ba cõi Khổ, Vô thường
Dứt ái, đạt tịch diệt
Sẽ chứng pháp vô vi
Chúng sinh được lợi lớn
Thoát khỏi sinh, bệnh, tử
Qua lại mọi cảnh khổ.”
Lúc này ma ác Thất Niệm nói với Vương tử rằng:
–Nhân giả tự bảo là dốc chí cầu Phật pháp. Nay ta cũng sẽ cùng tạo ra lợi ích.
Vương tử Đắc Niệm nói:
–Hãy để tôi nói, nghe xong thì sẽ rõ.
Ma ác nói:
–Nên bày lời thệ nguyện rồi ngươi mới nói.
Vương tử đáp:
–Ôi thôi Hiền giả! Tôi trước nên nói, nghe xong thì mới rõ.
Ma ác bảo Đắc Niệm:
–Ngươi chẳng nên nói là “nghe xong thì sẽ rõ”. Nên nói như thế này: Chỉ thấy sự giáo hóa và sẽ theo lời chỉ dạy ấy mà hành động.
Vương tử Đắc Niệm đáp:
–Tôi nay không nên như đệ tử đối với pháp theo lời chỉ dạy là làm ngay. Vì sao? Vì như ông đấy, ở nơi pháp thì sinh tưởng phi pháp, ở nơi phi pháp thì dấy tưởng là pháp, do đó những lời ông chỉ dẫn tôi, tôi phải suy nghĩ: Điều thiện thì sẽ theo và thực hiện, còn điều bất thiện thì từ bỏ. Vì vậy kẻ trí đối với pháp, nghe xong thì mới rõ. Ông muốn khiến tôi trước hãy lập thệ nguyện như lời chỉ dẫn và hành động ngay. Đó là sự việc của hàng phàm phu, không phải là nẻo hành động của kẻ trí. Đấy là chỗ ma làm, chẳng phải là Phật Pháp. Như thế nên tôi không theo ông trước quyết bày tỏ lời thệ nguyện. Sợ có kẻ trí chê cười tôi rằng: Làm sao lập thệ rồi mà về sau chính mình làm trái lại!
Bấy giờ ma ác bèn suy nghĩ: “Gã vương tử này thật thông minh sáng dạ, đã không chịu lập thệ nguyện thì khó có thể lừa dối mê hoặc được.” Suy nghĩ như vậy xong, liền nói với Vương tử Đắc Niệm:
–Lành thay, Vương tử! Pháp của kẻ trí là chẳng nên lập thệ nguyện trước. Tuy nhiên ta nay sẽ chỉ dẫn cho ngươi, ngươi sẽ tin, thọ. Như ở trong sự việc gì, thấy có nhiều lầm lỗi thì phải nên lìa bỏ, còn nếu thấy chỉ có ít lỗi lầm thì nên gần gũi.
Vương tử nghe bảo thế liền nói với ma ác:
–Ôi thôi kẻ trượng phu! Ông nay chẳng nên nói những lời như vậy! Vì sao? Vì dù lỗi lầm hay ít lỗi lầm thì cũng đều chẳng được gần gũi. Ví như có nhiều chất độc có thể làm hại người, thì ít chất độc cũng có thể làm hại người vậy. Như bậc Chuyển luân vương trong khi ăn cơm gặp chất độc có thể bị hại đến thân mạng, còn như kẻ hạ tiện trong lúc ăn uống gặp chất độc thì cũng có thể nguy hại đến tánh mạng vậy. Vì thế nên biết rằng, nhiều hay ít lỗi lầm thì đối với người có trí tuệ sâu rộng đều nên lìa bỏ. Pháp mà kẻ trí nên gần gũi là không có lỗi lầm sai trái, không nóng nảy, buồn phiền, là bất động tịch diệt dẫn tới cứu cánh an lạc.
Ác ma bèn suy nghĩ: “Nay chỉ bày cho kẻ này, đã chẳng chịu tin thọ mà lại còn đối đáp trái ngược, vậy nó tất có thể thông đạt trái với những điều khiến ta nghi ngờ. Tuy vậy, vẫn còn có một lẽ: Gã vương tử này, tâm đối với trường hợp nhiều hay ít lỗi lầm đều chẳng muốn thọ nhận. Mà hạnh Bồ-tát thì có nhiều thứ lỗi lầm. Sống lâu trong cảnh sinh tử, qua lại nhiều nẻo, bao thứ lỗi lầm về tham dục sân giận ngu si, kẻ cầu mong chẳng đúng lúc cũng ào đến, theo chỗ đòi hỏi về những vật quan trọng mà mình yêu thích “Đầu mắt tủy não cùng các chi phần nơi thân mạng.” Hạnh Bồ-tát có những lỗi lầm như thế. Tâm của gã Vương tử này, đối với trường hợp ít lỗi lầm hãy còn xa lánh huống là đối với trường hợp nhiều sai phạm. Nay nếu được nghe nói trong hạnh Bồ-tát ấy có những lỗi lầm như thế thì hoặc sẽ thoái chuyển đi vào các pháp Tiểu thừa, hay nhập Niết-bàn như vậy cũng là sai. Thế là cũng làm được việc hủy hoại lớn đối với tâm của gã ấy.”
Suy nghĩ như vậy rồi bèn nói với Vương tử Đắc Niệm rằng:
–Lành thay! Lành thay! Đúng như chỗ ngươi đã nói, dù nhiều hay ít lỗi lầm đều chẳng nên gần gũi. Đó là pháp của kẻ trí. Chỗ ta đã nói là không đúng nên tâm ngươi không chấp nhận. Vương tử nên biết rằng, chỉ có cảnh giới Nê-hoàn là dứt sạch hết mọi lỗi lầm. Vì thế ngươi nên nhất tâm dốc cầu, chớ đừng qua lại trải khắp các cõi sinh tử nhận lấy bao nỗi thống khổ. Vương tử cũng nên rõ, thọ thai là rất khổ, thời gian ở trong thai cũng khổ, sinh ra lại khổ, yêu thương mà ly biệt là khổ, oán ghét mà gặp nhau là khổ. Thân này là vô thường, là không, là chẳng bền chắc. Nuôi dưỡng cực nhọc, nhưng thọ mạng luôn nguy khốn dễ bị hư mất, đó là sự vô thường rất đáng kinh sợ, mà cõi sinh tử thì vô biên làm sao có thể đi đến khắp hết được? Người trí nghe thế thì đủ phát sinh sự chán lìa rồi. Ngươi hãy tự hướng vào mình mà nghĩ xem! Chư Phật khó gặp, tám nạn thì khó lìa, thân người khó được, kinh pháp khó được nghe, nghe và tin càng khó. Ngươi nay đều có được đầy đủ các thứ ấy, chẳng nên không lìa bỏ mà phải sinh lòng chán lìa, tức đối với thân này nên nhập Nêhoàn. Bản ý của ta chính là nhằm bày tỏ điều đó. Vì thế, trước khiến ngươi nên quyết định lập thệ nguyện. Đấy, đúng là ta nói, nghe xong thì sẽ rõ.
Vương tử Đắc Niệm đáp:
–Theo như nhân giả nói rằng sinh, lão, bệnh, tử là phải nhận lấy vô số nỗi khổ, điều ấy là đúng. Nhưng bảo là thân này nên nhập Nê-hoàn thì không thể được. Tôi khi nghe xong việc ấy thì đối với chúng sinh lại tăng thêm lòng Từ bi, chúng sinh thật đáng thương vì ở nơi cảnh lão bệnh tử phải chịu lấy vô số nỗi khổ. Lúc tôi đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhằm chuyển vô lượng nỗi khổ của lão bệnh tử, nên vì họ mà thuyết pháp khiến họ được vĩnh viễn xa lìa. Này Nhân giả! Ít có lúc được nhìn thấy lợi ích lớn lao. Tôi lúc nghe ông nói về nỗi khổ của sinh tử, liền đối với chúng sinh mà khởi lòng thương xót lớn nhằm cứu giúp họ. Nếu thân tôi đây mà nhập Nêhoàn liền thì ai sẽ là người cứu giúp? Lại nữa, nay được nghe ông nói sự việc ấy thì tôi lại càng thêm kiên cố hơn trong đại nguyện trang nghiêm của mình.
Bấy giờ, ma ác nói với Vương tử Đắc Niệm:
–Ngươi bảo rằng đối với trường hợp ít lỗi lầm hãy còn chẳng nên gần gũi. Nay vì lý do gì mà muốn đi vào cõi sinh tử?
Vương tử đáp:
–Này Nhân giả! Trong đạo Vô thượng Bồ-đề không hề có một chút lỗi lầm, do đó mà nên học tập gần gũi.
Ma ác nói:
–Này Vương tử! Trong đạo Vô thượng tuy không có lỗi lầm, nhưng ai sẽ cùng tìm đến? Ta cầu Phật đạo hãy còn chẳng có thể được, huống hồ là ngươi mà được sao? Ta vốn đã dấy ý niệm là sẽ đạt được Phật đạo. Phát tâm tà ấy, tức thì liền có vô số kẻ ăn xin ào tới theo ta đòi hỏi nào đầu mắt tủy não cùng các chi phần thân thể.
Ma ác lại nói với Vương tử:
–Ta đã đem đầu mắt cùng tay chân… cho đám người ăn xin ấy, máu tuôn ra thành luồng, người muốn xem chăng?
Vương tử đáp:
–Tôi muốn được xem, điều ấy cũng có lợi ích.
Ma ác liền suy nghĩ: “Gã Vương tử này dốc tâm nơi đạo Vô thượng, nhưng hầu như có thể chuyển.” Liền nói rằng:
–Ta muốn thấy điều ấy đem lại lợi ích.
Tức thì ma hóa ra bốn ao máu lớn, đầy ắp những máu. Nơi bờ ao có bốn con sông máu lưu thông với ao, chất đầy những đầu người cao như núi Tu-di, có người mới bị hoại, có cái máu ứ đọng với các màu xanh vàng trắng đỏ. Ma ác cũng lại biến ra những thây người chết chất đầy như các dãy núi. Những thây chết này, hoặc bị chặt tay chân, hoặc mắt bị lòi ra, hoặc bị cắt mất tai mũi chặt đứt các chi phần. Ma lại tạo ra Dạ-xoa cùng nhiều quỷ ăn thịt người, bốn bên bờ đều đầy dẫy, thật hết sức kinh sợ, hoặc cầm đao tượng cung tên mâu kích, vác núi phun lửa, sấm sét chớp giật liên hồi. Hoặc biến ra các thứ ác thú có đầu sư tử, gấu, bi, cọp, báo, hay đầu trâu, ngựa, lạc đà, voi, heo, chó, đầu rắn, đầu cá, đầu cá Ma-già. Những thứ quỷ này, hoặc tay nắm rắn độc, hoặc miệng phun lửa, hoặc có hai đầu, năm đầu, mười đầu, trăm ngàn vạn đầu. Hoặc có một lưỡi, hai lưỡi mười lưỡi, trăm ngàn lưỡi. Hoặc có một mắt hai mắt năm mắt mười mắt trăm ngàn vạn mắt. Mỗi con quỷ đều phát ra những tiếng kêu lớn nghe rất kinh hoàng. Tất cả lũ ấy đều cùng nói năng giận dữ, quắc mắt ngó trông khắp chỗ, cắn thịt xương, thè lưỡi dài bốn mặt vây quanh. Biến hóa ra những sự việc đáng sợ như thế xong, ma ác nói với Vương tử Đắc Niệm rằng:
–Ngươi hôm nay đã trông thấy bốn ao máu lớn ấy chảy ra nơi bốn con sông lớn đầy những máu chăng?
Vương tử Đắc Niệm đáp:
–Đã trông thấy.
Ma bảo:
–Những cái ấy đều từ gốc là ta phát tâm cầu đạo Vô thượng, lúc ấy có đám người ăn xin ào đến theo ta đòi hỏi phải cho họ đầu mắt tủy não cùng các chi phần nơi cơ thể, do đấy mới có máu chảy thành sông lớn như thế. Ngươi lại trông thấy đống đầu người chất cao như núi Tu-di chăng?
Vương tử Đắc Niệm đáp:
–Có trông thấy.
Ma nói:
–Cái đó đều là do từ xa xưa đến giờ đã từng cắt đầu bố thí cho đám người ăn xin kia. Ngươi lại trông thấy đống thây người chết chất cao như bốn núi ấy, hoặc bị chặt mất tay chân cùng tai mũi và những chi phần trên thân thể chăng?
Vương tử nói:
–Có trông thấy.
Ma bảo:
–Cái ấy cũng do từ gốc ta lúc thực hiện hạnh Bồ-tát theo Phật đạo, đã xả thân bố thí cho đám người ăn xin đấy. Ngươi lại có thấy nơi bốn bên bờ với đám Dạ-xoa, ác quỷ rất đáng kinh sợ chăng?
Vương tử nói:
–Có trông thấy.
Ma nói:
–Nếu người phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức thì liền bị đám quỷ buồn phiền kia ào theo xin nào đầu mắt tai mũi chân tay cùng vô số chi phần nơi thân thể. Ta từ xa xưa phát tâm đến nay, đã từng chặt đứt ngần ấy đầu và các chi phần trên thân thể mình đấy.
Ma lại hóa ra đám quỷ đại La-sát và nói với Vương tử rằng:
–Ngươi lại trông thấy đám La-sát ấy chăng?
Vương tử Đắc Niệm đáp:
–Trông thấy.
Ma bảo:
–Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, thì đám quỷ ác ấy sẽ ăn sạch hết ngũ tạng, uống những giọt máu nơi tim và cắt đứt mạng sống ngay. Ngươi nay nên biết, nếu chẳng lìa bỏ tâm Bồ-đề ấy thì không thoát khỏi cảnh khổ này. Ta vốn từng nghĩ suy rằng sự việc phát tâm ấy là hết sức khó khăn, chung cuộc là không thể đạt được vì không thể kham nhận bao thứ khổ não kia. Vì vậy mà nên thoái chuyển đối với đạo Vô thượng. Ngay lúc thoái chuyển là lìa thoát khỏi nỗi khổ đó và được an ổn khoái lạc. Do đó mà ta nay, vì lợi ích cho ngươi nên nêu bày rõ sự việc như thế đấy. Ngươi chớ nên phát tâm cầu đạo Vô thượng ấy nữa. Nếu ngươi phát tâm thì tất phải nhận lấy nỗi khổ kia mà cũng chẳng được giải thoát.
Vương tử Đắc Niệm bèn suy nghĩ: “Ta ở nơi chỗ Đức Phật phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, muốn đến chỗ cha mẹ ta để tỏ bày sự việc. Người này giữa đường gặp ta mà bày chuyện phá hoại như vậy, đó hoặc là ma hóa làm thân người, hay là do ma sai khiến, hoặc ở nơi Phật đạo mà dấy tâm thoái chuyển, biếng trễ cho nên đến để phá hoại ta. Người này ở đời trước tất có tội lỗi nặng nề, vì vậy mà nay mới có từng ấy kẻ ăn xin ào tới đòi hỏi cho đầu mắt cùng vô số các chi phần trên thân thể, cắt đứt mạng sống cũng như phải nhận lấy bao thứ khổ não. Lại nữa, những người ăn xin kia có thể là sự trợ giúp cho Bồ-tát thành tựu đạo Vô thượng. Vì sao? Vì những người ăn xin đó từ nhiều nơi chốn đến, đều do tham dục, sân giận, ngu si, ganh ghét, kiêu mạn, nên đã theo Bồ-tát, cầu xin không đúng lúc. Nếu ta không có thể làm thỏa mãn những nguyện vọng của đám chúng sinh ấy nơi thế gian thì làm sao có thể đem lại lợi lại xuất thế gian? Người này biếng nhác nên không thể có được sự an lạc sâu xa đối với đạo Vô thượng, bèn sinh tâm thoái chuyển. Ta nay nhận thấy sự việc này thì càng thêm tinh tấn dốc cầu đạo Vô thượng. Giả sử ta ở trong khoảnh khắc một hơi thở, lìa bỏ thân hiện có này cho tới thân rốt ráo sau cùng, luôn ở nơi một niệm lìa bỏ từng ấy thân, chung cuộc tâm không thoái chuyển. Ta nay sẽ dốc phát nguyện lớn trang nghiêm. Những chúng sinh này, do sức mạnh của phiền não mà dấy lên những tạo tác gây ra tội lỗi. Ta mong muốn sẽ đạt được quả vị Vô thượng Bồ-đề để dứt trừ mọi thứ phiền não…” Suy nghĩ như thế xong, Vương tử bèn nói với ma:
–Ôi bậc nhân giả! Thật là hết sức hy hữu vì được thấy lợi ích lớn lao! Là người mong đạt được an ổn! Là người chỉ dẫn nẻo giác ngộ! Đã có thể thị hiện trước mắt tôi bao sự việc như vậy. Tôi đã trông thấy đủ sự việc ấy rồi và xin phát sự trang nghiêm lớn làm tăng thêm sự kiên cố đối với nẻo an lạc sâu xa của đạo giác ngộ.
Lúc này, ma ác bèn nghĩ ngợi: “Nay gã Vương tử này đã trông thấy mọi sự biến hóa của ta, lại càng thêm tinh tấn, yêu thích đạo Bồđề.” Suy nghĩ như vậy rồi nói với Vương tử:
–Nhân giả nếu không tin, thọ lời ta nói, nay xin tạm ly biệt rồi sẽ tự biết.
Bấy giờ đám ma quân liền nói với ma ác rằng:
–Nay ông Vương tử này không chịu nghe theo lời chỉ dẫn của ngài, thì hãy tạm lánh đi, chúng tôi đói khát lắm rồi, sẽ hủy hoại thân ấy xơi sạch ngũ tạng, uống cạn máu huyết nơi tim.
Hoặc có gã quỷ nói:
–Ngài nên tạm lánh đi, tôi sẽ xé xác gã Vương tử này.
Hoặc có tên khác bảo:
–Ngài phải tránh nơi khác, tôi sẽ theo nó mà đòi lấy cái đầu!
Hoặc một tên quỷ khác bảo:
–Tôi sẽ theo nó mà đòi những mắt tai mũi lưỡi cùng các thứ chi phần nơi thân nó.
Lại có quỷ La-sát hỏi:
–Ngài hãy tạm lìa trong chốc lát, nay thì gã Vương tử này mạng số đã đến lúc hết rồi. Ngài muốn đem đến lợi ích cho nó mà nó chẳng chịu nhân. Tôi nay sẽ giết nó để xơi cả máu thịt tươi, đời đời nó thọ thai, ở trong thai và sinh ra, tôi sẽ luôn theo đuổi để hãm hại.
Đám quỷ Dạ-xoa lại cùng nói rằng:
–Gã ấy không có sức lực, chẳng nghe theo lời chỉ dẫn của chủ ta. Nay sẽ bắt lấy nó trói chặt lại rồi phanh thây xé xác nó ra là xong.
Ma Thất Niệm nói với đám quỷ La-sát:
–Các ngươi bay nên tạm dừng lại, ta sẽ khiến cho gã Vương tử Đắc Niệm này chuyển cái tà kiến ấy, vì cõi sinh tử tăm tối đó mà làm kẻ Thiện tri thức. Các ngươi tạm dừng lại thì nó sẽ biết ơn các ngươi. Ta nay muốn cho nó sinh tâm chánh kiến, nếu nó lại chẳng lìa bỏ các tà kiến ác kiến kia thì các ngươi sẽ cùng nhau tùy ý. Nếu có thể làm cho nó chuyển đổi thì nó sẽ báo ơn các ngươi, mà rồi gã Vương tử đó về sau cũng báo đáp ta. Thế rồi ma Thất Niệm hai ba lượt nói với Vương tử Đắc Niệm rằng:
–Nên nhận lấy lời này! Thâm tâm ta là muốn mong được lợi ích, vì người mà dốc sức làm một Thiện tri thức. Nay ngươi nên lìa bỏ cái tà kiến điên đảo kia. Vương tử nên biết! Đạo Vô thượng ấy thật khó được khó chứng. Ngươi có muốn được thấy các vị Đại Bồ-tát sau khi mạng chung sẽ sinh vào nơi chốn nào chăng?
Vương tử Đắc Niệm đáp:
–Muốn được thấy.
Ma Thất Niệm liền ở ngay nơi ấy hóa ra cõi đại địa ngục, rồi nói với Vương tử:
–Ngươi nay đã thấy cõi địa ngục ấy với những chúng sinh đang chịu vô số sự khảo tra đánh đập, nhận lấy bao thống khổ chăng?
Vương tử đáp:
–Có thấy.
Ma bảo:
–Những người đó đều do từ đời trước lúc mới bắt đầu phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, là kẻ cầu mong không đúng lúc, lại ào đến theo đòi hỏi những vật quan trọng mà mình ham thích. Do tham tiếc nên dấy tâm sân hận mà phải nhận lấy những tội báo ấy, chỉ vì những vật bên ngoài mà hãy còn sinh vào cõi đó, huống hồ lại còn đến đòi hỏi về đầu mắt tủy não mà tâm không sân giận? Do tâm giận dữ nên phải nhận lỗi ấy. Ngươi nếu còn tham tiếc không chịu nhận lấy điều ta nêu thì ắt sẽ sinh vào nơi đó. Vả lại, nếu chấp nhận mà sinh tâm giận dữ thì cũng đọa vào nơi đó. Hai nẻo không tránh khỏi đều phải nhận lấy thống khổ kia. Vương tử nên biết, nếu bố thí cho kẻ cầu xin chẳng nên sinh tâm giận dữ. Đám Dạ-xoa này cũng sẽ đối với lúc ngươi còn ở trong thai, lúc mới sinh hay đã sinh rồi đều tìm cách giết ngay, chặt thân, xé thây với mọi chi thể rồi mỗi đứa sẽ tự mang đi. Vương tử nên biết! Con đường của Bồ-tát, cả hai nẻo đều có lỗi lầm, nếu chấp nhận hay không cũng đều là bất thiện. Ngươi không tin lời ta thì sẽ hỏi những người đó xem do đâu mà sinh vào cõi ấy.
Vương tử hỏi:
–Ôi, các vị nhân giả! Các ngươi do cớ gì mà sinh vào cõi này?
Những người ấy thưa:
–Chúng tôi từ xa xưa lúc tu tập Phật đạo, đối với những kẻ đến cầu xin đều sinh tâm tham tiếc, do đó mà sinh ở chốn này. Lại nói thêm: Chúng tôi vốn cầu Phật đạo, những người xin ăn đến cắt chặt thân tôi, lúc ấy tôi sinh tâm giận dữ nên bị đọa vào cõi này. Vì thế, này Vương tử, ông phải thuận theo chỗ trình bày của người này, chớ nên đi vào cõi đây mà sau sinh hối hận.
Bấy giờ, Vương tử Đắc Niệm liền nói với ma:
–Hỡi ôi Nhân giả! Thật đã thấy được trọn vẹn lợi ích! Đã chỉ rõ cho tôi về cảnh địa ngục và con đường của Bồ-tát. Tôi từ hôm nay, đối với các vật quan trọng không còn dấy tâm tham tiếc chẳng chịu bố thí, nếu bố thí cho kẻ cầu xin thì không hề giận dữ. Vì sao? Vì những kẻ bị sinh vào cõi địa ngục đều là do quả báo của lòng tham lam keo lận không chịu bố thí. Hỡi ôi Nhân giả! Nay hãy cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật Đức Vương Minh, sẽ xin hỏi rõ việc này, theo chỗ Phật chỉ dạy mà cùng thực hiện.
Ma Thất Niệm nói:
–Ta nay đi tới chỗ Đức Phật để làm gì? Người muốn đến đấy thì cứ việc tùy ý. Vì sao? Vì ta sợ Đức Phật ấy sẽ lại bảo ta phát tâm cầu đạo Vô thượng.
Vương tử Đắc Niệm lại nói với ma:
–Ông tự cho mình là người làm lợi ích, là người mong có được an ổn, tất phải cùng tôi đi đến chỗ Đức Phật Đức Vương Minh, theo chỗ Phật chỉ giáo mà cùng tu tập.
Vương tử Đắc Niệm nói như vậy đến ba lần mà ma cũng không chịu nghe theo. Còn bảo:
–Vương tử hãy cứ để mặc tôi! Tôi vốn đã từng nghe theo lời Phật dạy mà phải nhận đủ bao nỗi khổ ải nên nay chẳng thể đến đó được.
Vương tử tức thì cầm lấy tay ma kéo dẫn thẳng tới chỗ Đức Phật, rập đầu đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra ngồi một bên, đem mọi việc đã luận bàn ở trước, cùng hướng về Đức Phật để nêu bày.
Đức Phật nói:
–Này Vương tử Đắc Niệm! Lành thay! Lành thay! Con đã không nghe theo những lời thuyết dụ của kẻ này. Đó chính là ma Thất Niệm đã lừa dối mê hoặc muốn ngăn chân con đường tu tập hạnh Bồ-tát của con.
Vương tử Đắc Niệm bèn nói với ma Thất Niệm rằng:
–Ông nay phải quy ngưỡng nơi Phật, Pháp, Tăng.
Ma nói:
–Chớ nên! Tôi không muốn quy mạng nơi Phật, Pháp, Tăng. Nói xong thì yên lặng.
Bấy giờ Vương tử Đắc Niệm đã được thấy rõ bộ mặt của ma liền nhất tâm lập lời nguyện:
–Nếu con là người chí tâm cầu Phật đạo, thì sẽ khiến cho ma này trở thành hình dạng vị Tỳ-kheo.
Vương tử nguyện xong tức thì ma Thất Niệm liền được cạo tóc mặc pháp phục, tay ôm bình bát đứng ở giữa chúng. Ma Thất Niệm tự thấy thân mình thành người xuất gia, mặc pháp phục mang bát, cầm gậy, đúng hình dạng một vị Sa-môn, liền thưa với Phật rằng:
–Kính bạch Thế Tôn! Nếu bản thân không có tâm quy mạng Tam bảo mà cưỡng ép biến thành hình dạng Sa-môn, pháp nên làm thế chăng?
Đức Phật bảo ma Thất Niệm:
–Ai đã cưỡng ép ngươi cạo đầu mặc áo pháp và thuận mang cầm các pháp khí ấy?
Ma nghe Phật nói thế liền suy nghĩ: “Không người nào trao cho cả! Ta được cạo đầu mặc áo pháp làm Sa-môn như thế này, sao ta không cởi bỏ ra mà đi?”
Liền muốn tự cởi bỏ pháp phục cùng các món ứng khí kia mà không thể rời được, bèn suy nghĩ: “Ta đứng ở đây kéo dài thì giờ chỉ làm cho người ta cười thôi! Nên trốn khỏi chỗ này mà trở lại cung điện cũ của mình.” Suy nghĩ như vậy rồi hốt nhiên biến đi, bay lên cung trời nói với đám quyến thuộc:
–Các ngươi chớ cho rằng ta là Tỳ-kheo. Ta vốn là ma vương Thất Niệm đây. Ta muốn đến chỗ Đức Phật Đức Vương Minh nhằm làm chuyện quấy nhiễu phá hoại, mà việc không thành, lại biến ta trở nên có hình dạng thế này, thật đáng cười thay!
Chúng quyến thuộc mắng rằng:
–Gã ngốc kia, chớ nói chuyện ngông cuồng! Ngươi đích thực không phải là ma vương ở cõi trời. Nay đã có vị vương ở nơi cung điện ấy rồi.
Ma Thất Niệm nghe nói vậy nên hết sức buồn phiền hối tiếc nên gào khóc thở than, rồi trở lại chỗ Đức Phật. Phật Đức Vương Minh dùng diệu lực thần thông tức thì hóa hiện cõi địa ngục A-tỳ, trong ấy có nhiều ngục tốt mang thỏi sắt nung đỏ rực lớn như núi Tudi, Đông tây tìm kiếm ma vương Thất Niệm hiện đang ở đâu. Có người hỏi: “Tìm để làm gì?”. Ngục tốt đáp: “Ta muốn đem thỏi sắt nung đỏ rất lớn này nhét vào miệng nó đấy!” Lại có người bảo: “Ma Thất Niệm đã làm vị Sa-môn được thoát khỏi cảnh địa ngục rồi!” Hoặc có ngục tốt vác ngọn núi lớn rực lửa nơi hai vai, chạy đôn chạy đáo tìm kiếm ma vương Thất Niệm hiện đang trốn ở đâu. Có người hỏi: “Tìm để làm gì?” Ngục tốt đáp: “Muốn đem ngọn núi rực lửa này thiêu đốt tan nát thân xác nó.” Có người cho biết: “Ma Thất Niệm ấy đã được xuất gia thoát khỏi cảnh khổ cõi địa ngục rồi.” Hoặc có ngục tốt mang trên vai mình đống dao sắt như núi, với những ngọn lửa dữ phụt lên, Đông, Tây tìm kiếm cho ra chỗ náu của ma vương Thất Niệm. Có người hỏi: “Tìm để làm gì?” Ngục tốt đáp: “Muốn dùng đao bén này để băm vằm thân xác nó đấy.” Một người bảo: “Ma Thất Niệm đã ở nơi pháp của Đức Phật Đức Minh Vương xuất gia làm Sa-môn, thoát khỏi cảnh khổ ở địa ngục.” Hoặc có ngục tốt vai mang cái chảo lớn đầy ắp nước đồng nung chảy, đông tây tìm kiếm ma vương Thất Niệm hiện đang ở đâu. Có kẻ hỏi: “Ông kiếm ma vương ấy để làm gì?” Ngục tốt đáp: “Tôi muốn đem nước đồng nung chảy này tộng vào miệng hắn đấy, thiêu đốt sạch ngũ tạng lục phủ của loài ma ác ấy.” Có người cho biết: “Ma Thất Niệm đó đã ở nơi pháp của Đức Phật Đức Minh Vương xuất gia nên thoát khỏi cảnh khổ cõi địa ngục rồi!” Hoặc có tên ngục tốt tay cầm chỉa ba bằng sắt cùng cung tên mâu kích đủ thứ khí giới, đôn đáo tìm kiếm và nói: “Ma Thất Niệm ở chốn nào?” Có người hỏi: “Tìm hắn để làm gì?” Ngục Tốt bảo: “Ta muốn dùng bao thứ khí giới này để chém chặt đâm bằm thân xác nó đấy!” Có người mách rằng: “ma vương Thất Niệm ấy đã được xuất gia nên thoát khỏi cảnh khổ cõi địa ngục rồi.”
Bấy giờ, ma Thất Niệm ở trong cảnh địa ngục được nghe đám ngục tốt buông lời giận dữ cùng mang theo các hình phạt dữ để trừng trị mình, nên quá đỗi kinh sợ, bèn suy nghĩ: “Nay đã tận mắt trông thấy không còn hồ nghi gì nữa! Ta rõ là suy thoái mất ngôi vị nơi Thiên cung, bị đưa vào cõi đại địa ngục! Đám ngục tốt ba bề bốn bên đều hô hoán tìm bắt ta. Ta nay biết nương cậy ở đâu? Chỉ có con đường xuất gia thì mới có thể nương tựa được thôi! Nếu Đức Phật tin tâm ta chí thành, sẽ ở nơi pháp Phật xuất gia theo đạo mong thoát được cảnh khổ nơi đại địa ngục này. Có thể đem ý này bày tỏ với Vương tử Đắc Niệm.” Suy nghĩ như vậy rồi, liền hướng về chỗ Vương tử Đắc Niệm bày tỏ hết sự việc và nói:
–Tôi muốn ở nơi Phật pháp xuất gia.
Vương tử Đắc Niệm đáp:
–Ông nếu có thể đem tâm thanh tịnh tin vui mà phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, sau đấy mới được ở nơi pháp xuất gia học đạo. Vì sao? Vì trong các pháp của Phật, không chỉ chính thức được cạo đầu mặc pháp phục mà được xem là xuất gia. Theo đúng nghĩa xuất gia là chỗ mình phải thực hành đúng pháp. Ông nên thực hành rồi mới được xem là xuất gia. Này Thất Niệm! Nên biết là ở trong Phật pháp, nếu có sự tham đắm về ngã và ngã sở cùng phân biệt thì chưa được gọi là xuất gia. Này Thất Niệm! Ông trước phải phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề sau đấy thì chánh quán. Do pháp nào nên gọi là cõi địa ngục? Thể tánh của địa ngục cần được suy tìm như thế, tất sẽ chẳng đạt được thể tánh cố định của địa ngục, cũng lại không thấy có pháp vào địa ngục cùng pháp chẳng vào cõi ấy.
Ma Thất Niệm lúc này liền phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, thường vui thích với sự chánh quán về hình tướng các pháp như vậy, chẳng bao lâu thì đạt được pháp Nhẫn vô sinh.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vương tử Đắc Niệm đã hết lòng khai mở dẫn dắt ma Thất Niệm ấy xa lìa mọi nẻo ác, đạt đến quả địa vị bất thoái. Đức Phật Đức Vương Minh nhân đấy mà thọ ký đạo quả Vô thượng Bồ-đề cho Vương tử Đắc Niệm.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đó chính là tâm đích thực của bậc Bồ-tát. Các vị Bồ-tát ấy, do có được tâm đó, nên có thể tập hợp được vô lượng, vô biên pháp Phật.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả cho rằng Thất Niệm là một người nào xa lạ chăng? Chớ nên nghĩ thế! Đấy tức là vị Phật thời quá khứ hiệu là Câu-san-đề Phật, ở nơi Hiền kiếp này mà độ thoát chúng sinh xong và nhập Niết-bàn. Còn Vương tử Đắc Niệm thời đó, hiện nay là Đại Bồ-tát Kiên Ý, có mặt trong pháp hội này.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Lúc bấy giờ, Vương tử Đắc Niệm đi đến chỗ cha mẹ mình, đứng một bên và thưa với cha mẹ rằng:
–Con nay muốn được ở nơi pháp của Đức Phật Đức Minh Vương xuất gia tu học.
Rồi đứng trước mặt cha mẹ, Vương tử Đắc Niệm đọc bài kệ:
“Con nơi pháp xuất gia
Cha mẹ chớ ngăn ngại
Xuất gia, Phật luôn khen
Là gốc mọi an lạc
Muốn được lạc Đế vương
Sinh Thiên cùng phú quý
Muốn đạt tuệ công đức
Nên nơi pháp xuất gia.
Cha mẹ nay tôn quý
Phải tu hành thí, giới
Lại tạo gốc công đức
Sẽ được là Pháp vương
Gốc hành thí, giới, nhẫn
Nay được là Nhân vương
Nếu muốn thiện tăng trưởng,
Nay nên hành xuất gia
Phước báo người thọ hết
Sau đọa vào nẻo ác
Dấy nghiệp tạo tội nặng
Chẳng thể gặp chư Phật.
Nếu người bỏ phước ấy
Xuất gia hành pháp thiện
Ắt lìa khỏi tám nạn
Sẽ được gặp chư Phật.
Thấy Phật liền tín thọ
Từ tính sinh cung kính
Tâm kính thuận hành đạo
Chóng thành tựu Bồ-đề.
Nếu muốn lìa các nạn
Nên xa tri thức ác
Theo con học xuất gia
Là gốc mọi an lạc.
Chư Thiên, Long, Quỷ thần
Cùng chư Càn-thát-bà
Không thể tạo chướng ngại
Khiến con chẳng xuất gia.
Nếu muốn tạo chướng ngại
Tự dấy nghiệp tội lỗi
Như Tượng vương sức lớn
Theo ý hủy hoại dữ.
Con nay cũng như thế
Đoạn trừ dây tham ái
Dứt xong nên xuất gia
Không ai có thể chuyển.
Cha mẹ luôn kính đức
Mặc nhiên thuận xuất gia.”
Liền hữu nhiễu rồi lui
Đến thẳng nơi chỗ Phật
Tại đây, xuất gia xong
Vô lượng chúng sinh nghe
Tâm đều sinh tin, vui
Theo Vương tử xuất gia
Vương tử Thiện tri thức
Vô lượng con Trưởng giả
Tin Phật pháp vi diệu
Đều cùng nhau xuất gia.
Vua nghe con xuất gia
Bỏ nước cùng tôn vị
Liền cùng tám mươi ức
Bảy mươi na-do-tha
Đám quyến thuộc như vậy
Thảy cùng xin xuất gia
Bấy giờ phu nhân vua
Nghe vua đã xuất gia
Cùng tám vạn thể nữ
Cũng xin được xuất gia
Đều theo Vương tử ấy
Mà phát tâm Đại thừa
Khen xuất gia như thế
Ai chẳng theo tu học.”
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả cho rằng phụ vương của Vương tử Đắc Niệm đã vun trồng căn lành của mình thời ấy là một người xa lạ chăng? Chớ nên nghĩ vậy. Đó chính là ta đấy. Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn đọc bài kệ:
Thời vua cùng đại thần
Thể nữ, đám quyến thuộc
Hai vạn một ngàn năm
Đều tịnh tu phạm hạnh
Mạng chung lúc Phật ấy
Nơi chúng miệng mỉm cười
Thọ ký cho nhà vua
Nói về hạnh nguyện gốc
Vua ấy tu phạm hạnh
Phát nguyện theo Đại thừa
Chung cuộc lìa mọi nạn
Luôn sinh chốn dứt nạn.
Vua ấy vô lượng kiếp
Cúng dường vô số Phật
Hiền kiếp thành Chánh giác
Hiệu là Thích-ca Văn.
Quyến thuộc của vua ấy
Cùng Tỳ-kheo Đắc Niệm
Chốn Phật Thích-ca Văn
Xuất gia làm đệ tử.
Đều tịnh tu phạm hạnh
Rốt lại được thân người.
Sau khi Phật diệt độ
Xá-lợi phân bố khắp
Bấy giờ ở mạt thế
Lúc Phật pháp suy diệt
Trở lại cùng được nghe.
Ta nay nêu giảng kinh
Trí tuệ Phật vô ngại
Nơi thuyết trí sáng tỏa
Nơi mọi chốn ngôn luận
Chung quy đều chân thật.
Nếu người nghe pháp này
Thâm tín, thân rung động
Ắt không khởi hồ nghi:
“Ta chưa được thọ ký”
Nếu người nơi mạt thế
Nơi pháp sâu đắc nhẫn
Bèn nên suy nghĩ rằng:
“Ta nghe Pháp vương thuyết
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Các thiện nam, tín nữ
Nên vui với pháp diệu
Ta đều được thọ ký.”
Lúc Phật nói pháp này
Đại chúng nơi hội lớn
Đủ trọn tám mươi ức
Bảy mươi na-do-tha
Đều đạt Nhẫn nhu thuận
Làm Pháp vương tử nhỏ.