KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 22: CHỨNG NGHIỆM TÂM BỒ-TÁT

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Nên dùng ba sự việc để nghiệm chứng tâm của Bồ-tát. Những gì là ba sự việc?

Thứ nhất, là có thể lìa bỏ tất cả mọi sở hữu mà không mong báo đáp. Nên biết, đó đích thực là tâm của Bồ-tát.

Thứ hai, là cầu pháp mà không hề có sự tham tiếc. Thà chịu mất thân mạng chứ không bỏ pháp. Đấy chính đích thực là tâm của Bồ-tát.

Thứ ba, là không trái nghịch với các pháp thâm diệu, dùng sự tin tưởng để lý giải diệu lực nơi sự giác ngộ của Phật, không sinh nghi hoặc. Đó cũng chính đúng là tâm của Bồ-tát.

Cũng dùng ba tâm ấy để chứng nghiệm các vị Bồ-tát.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Cũng có ba sự việc để chứng nghiệm tâm Bồ-tát. Những gì là ba sự việc? Là luôn siêng năng tinh tấn cầu pháp không biết mệt mỏi. Pháp ấy tức là những tạng kinh Bồtát Đại thừa. Do có được kinh đó mà tự mình làm tăng trưởng các căn lành cho chúng sinh. Luôn theo pháp sư cung kính cúng dường, cho dẫu phải trải qua hàng ngàn năm mới có thể được nghe dạy về căn lành tương ứng với bài kệ bốn câu. Đã được nghe thì luôn thuận theo, không được trái nghịch, không thể mất đi hay bị thoái chuyển. Phải nên gần gũi bên mình Pháp sư, tăng thêm lòng cung kính, thường tự trách về lỗi của mình: “Ta do từ đời trước tạo nơi tội lỗi, làm ngăn trở chánh pháp nên không được nghe pháp, chứ không phải lỗi của Pháp sư. Nay sẽ dốc gần gũi, cung kính đối với pháp sư, khiến cho mọi nghiệp tạo tội lỗi ngăn trở đạo pháp của ta thảy đều bị tiêu diệt.” Đó cũng chính là đích thực là tâm của Bồ-tát. Vì thế mà phải biết rằng, Đại Bồ-tát từ thâm tâm cầu chánh pháp là luôn theo đuổi, thân cận pháp sư, nhờ đó mới có thể thành tựu được tất cả các pháp Phật.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Về thời quá khứ xa xưa, trải qua vô lượng, vô biên chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp, kiếp ấy tên là Diệu trí, bấy giờ có Đức Phật hiệu là Phổ Đức Tăng Thượng Vân Âm Đăng, thọ mạng là nửa kiếp. Chúng hội Thanh văn số lượng như hằng sa. Trong mỗi mỗi hội thuyết pháp đều có hằng hà sa số người chứng đắc đủ ba Minh cùng quả vị đại A-la-hán giải thoát. Chúng hội Bồ-tát số lượng cũng như Thanh văn, trong mỗi mỗi hội thuyết pháp ấy đều có hằng sa Bồ-tát chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh, an trụ nơi địa Bất thoái. Số người mới bắt đầu phát tâm đông đảo không thể kể hết. Đức Phật Phổ Đức Tăng Thượng Vân Âm Đăng sắp nhập Niết-bàn vô dư. Lúc này, ở trong trăm ức cõi Diêm-phù-đề, nơi mỗi mỗi cõi ấy đều có đặt để một vị đại Pháp sư đều nhằm tăng thêm thần lực. Sau khi Đức Phật diệt độ, chánh pháp trụ thế tám trăm ngàn vạn ức na-do-tha năm. Bấy giờ ở trong cõi Diêm-phù-đề này, chốn đặt để kia có vị Pháp sư tên là Thanh Minh, vì Đức Như Lai trước đây mà làm tăng thần lực, theo chánh pháp mà trụ nơi thế gian để giữ gìn thành trì đạo pháp, tu tập hạnh Bồ-tát, chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh, an trụ nơi địa Bất thoái. Đức Phật diệt độ được tám vạn ức năm, Pháp sư Thanh Minh đi du hóa khắp các quốc độ. Từ thôn ấp này đến thôn ấp khác, ở mỗi nơi mỗi xứ ấy, pháp sư đều diễn nói về sự tập hợp các pháp Phật trong vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp của Đức Phật Phổ Đức Tăng Thượng Vân Âm Đăng.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bấy giờ, nơi biên cảnh cõi Diêm-phùđề có một thành tên là Kiên lao, ở trong thành ấy có một vị Cư sĩ tên là Kiên Chúng, tuổi còn trẻ, khỏe mạnh, làm chủ cai quản các thành, khởi tâm suy nghĩ: “Ta sẽ làm thế nào để có được trí tuệ lớn lao, đem trí tuệ ấy để khiến cho chúng sinh tu tập các pháp, lìa bỏ nẻo tạo tác thế tục.” Suy nghĩ như vậy rồi, tức thì có một vị trời hiện ra, nói lớn rằng: “Này vị Cư sĩ nên biết! Là có Đức Phật xuất hiện ở thế gian hiệu là Phổ Đức Tăng Thượng Vân Âm Đăng, hiện nay Đức Phật đã diệt độ.”

Cư sĩ Kiên Chúng được nghe nói đến tên hiệu Đức Phật liền sinh tâm hoan hỷ, nhưng biết là Phật đã diệt độ nên hết mực buồn rầu. Vị trời ấy bèn hỏi: “Cư sĩ do đâu mà trước thì hoan hỷ, sau lại buồn rầu?” Cư sĩ đáp: “Tôi được nghe ngài nói có Đức Phật xuất hiện ở đời nên sinh tâm hoan hỷ. Nhưng lại nghe là Đức Phật đã diệt độ, do cảm thấy bị mất một lợi lạc lớn lao nên mới buồn khổ, khóc lóc.”

Vị trời kia lại nói rằng: “Cư sĩ chớ nên ưu sầu, Đức Phật Phổ Đức Tăng Thượng Vân Âm Đăng lúc sắp diệt độ, đã đem diệu lực thần thông gia hộ cho một vị pháp sư tên là Thanh Minh. Pháp tạng của Phật đều được thọ trì, tức là Đức Phật ấy đã biết được người có khả năng nhận lãnh và giữ gìn Pháp tạng.” Vị Cư sĩ hỏi: “Pháp sư Thanh Minh hiện nay đang ở chốn nào?” Vị trời nọ đáp: “Pháp sư Thanh Minh hiện ở nơi thành Gia-tỳ-la, về phương Đông cõi này, trải qua ba trăm sáu mươi do-tuần.”

Cư sĩ Kiên Chúng nghe vị trời ấy nói như vậy, tức thì vào sáng sớm hôm sau, mang theo tám mươi ức vàng, một ngàn xâu chuỗi anh lạc, quý giá, cùng với nhiều người quyến thuộc tìm đến thành kia. Đến nơi rồi thì lo tìm kiếm chỗ ở của Pháp sư. Gặp Pháp sư, Cư sĩ liền cung kính rập đầu đảnh lễ ngang chân Pháp sư, rồi lui ra đứng một bên. Pháp sư Thanh Minh đang thuyết về pháp hết mực thanh tịnh thâm diệu nhằm dứt trừ mọi mối nghi, đem lại sự hoan hỷ, có thể tập hợp tất cả mọi căn lành của Bồ-tát. Đó là kinh Đại thừa. Bấy giờ, Cư sĩ Kiên Chúng được nghe kinh, tâm hoan hỷ, liền cầm vàng và các xâu chuỗi anh lạc, vì sự cung kính đối với chánh pháp, dâng lên Pháp sư, cũng đích thân mình cúng dường, cung cấp mọi việc cần thiết.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Cư sĩ Kiên Chúng vì dốc lòng cầu pháp nên luôn cung kính cúng dường Pháp sư, thường thân cận, gần gũi là nhằm có được kinh ấy để biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Từ lúc bắt đầu được nghe, đã trải qua sáu mươi ức năm luôn bị theo Pháp sư. Ở trong khoảng ấy lại còn chẳng được nghe giảng, huống hồ là được biên chép, thọ trì, đọc tụng! Cư sĩ luôn cúng dường pháp sư Thanh Minh, ở trong ngần ấy năm mà tâm không lìa bỏ, không dấy cảm giác về ham muốn, giận dữ, và phiền não, thường đứng ngoài cửa, nơi chỗ ở của Pháp sư, ngay đêm hầu hạ chẳng chút nghỉ ngơi.

Lúc này có một ma ác tên là Thường Cầu Viện, vì mong điều xấu cho Cư sĩ Kiên Chúng nên biến hóa làm pháp sư Thanh Minh cùng với một nữ nhân bày chuyện dục lạc. Thực hiện xong việc xấu ấy, liền hiện ra nói với Cư sĩ: “Ông xem thầy của ông đấy, thường cho rằng mình là bậc có trí tuệ hạng nhất của chư Phật, nghe rộng biết nhiều như biển. Ông nay hãy xem hành động phi pháp vừa rồi, làm sao dạy bảo kẻ khác tu hành, giữ giới thanh tịnh, mà bản thân mình lại hủy hoại giới cấm? Thầy ông tự cho mình là người tu phạm hạnh mà lại phá giới hạnh thanh tịnh. Thường vì người thuyết giảng về việc thực hiện các pháp thâm diệu thanh tịnh, thế mà nay cớ sao lại tự mình làm chuyện phi pháp? Cư sĩ hãy nên dừng lại, lìa bỏ kẻ ấy, chớ cho ông ta là thầy mình. Cư sĩ là người giữ giới thanh tịnh, ít dục, biết đủ, vui với cuộc sống xa lìa, luôn tinh tấn kiên trì chánh niệm đối với trí tuệ. Cư sĩ có thể tự mình thành tựu được công đức như vậy, đâu cần phải thờ ông ấy làm thầy.”

Cư sĩ Kiên Chúng nghe nói như thế liền suy nghĩ: “Ta từ ở nơi nhà mình đã có vị trời đến nói là: “Có vị Phật xuất hiện ở đời hiệu là Phổ Đức Tăng Thượng Vân Âm Đăng, hiện nay đã diệt độ. Lúc sắp nhập Niết-bàn, Đức Phật đã trao lại trong trăm ức cõi Diêmphù-đề mỗi cõi là một vị Pháp sư, là nhằm để tăng thêm thần lực. Cõi Diêm-phù-đề này thì có vị pháp sư tên là Thanh Minh, mọi chỗ thuyết giảng của Đức Phật kia, vị pháp sư đều có thể thọ trì. Đó chính là người đã giữ gìn Pháp tạng của Đức Như Lai kia, ông nên đến để gần gũi học hỏi.” Ta được nghe nói vậy, cho là sẽ được lợi ích lớn lao nên mới thân hành đến chỗ của Pháp sư này. Lúc này Pháp sư đã vì ta mà thuyết giảng về tạng kinh Bồ-tát nhằm dứt trừ mọi mối nghi của chúng sinh, khiến họ được hoan hỷ, để dẫn dắt tâm ta, khiến ta rất vui mừng, nên đã đem nhiều vật quý giá dâng lên cúng dường Pháp sư, lại cũng tự thân mình lo mọi việc cúng dường hầu hạ, xem đấy là những việc làm đúng đắn. Nay người này lại đến cho ta biết vị Pháp sư đã gây ra lỗi lầm như thế, thật chẳng nên tôn thờ nữa! Hẳn đây là việc làm của loài ác ma! Vì sao? Vì chỗ được Phật hộ niệm tăng thêm thần lực ấy nếu tạo ra sự việc kia thì đã không có được chốn đây. Việc này chắc chắn là do đám ác ma ác tạo ra. Vì sao? Vì trong chỗ thuyết pháp của Pháp sư Thanh Minh không có sự việc ấy. Ta sẽ quan sát hình tướng nữ nhân cầu pháp cùng pháp nữ nhân cầu. Lại tìm hiểu hình tướng nam nhân cùng đem các pháp nam nhân cầu để đối chiếu. Nếu ta chạy theo hình tướng hư dối đó thì không việc ác nào mà không làm. Vì sao? Vì tất cả sự tạo nghiệp gây nên tội lỗi đều từ sự tưởng nhớ, phân biệt và phát sinh. Nếu ta theo hình tướng ở chỗ trông thấy mà khinh giận pháp sư thì cũng có thể bày báng Phật và hủy nghịch Phật pháp. Pháp sư ấy là người đã được Đức Phật Phổ Đức Tăng Thượng Vân Âm Đăng gia hộ thần lực. Nay ta sẽ lập lời thề: “Nếu vị Pháp sư đó là chỗ được Đức Như Lai kia gia hộ thần lực thì ta cũng lại là người dốc tâm cầu pháp.”

Do từ nhân duyên ấy mà hình tướng bất tịnh kia liền được tiêu diệt. Tức thì chắp tay nhất tâm niệm Phật và bày tỏ lời chân thực ấy. Lúc này, hình tướng nữ nọ liền bị diệt, không hiện trở lại. Cư sĩ Kiên Chúng diệt trừ việc ma xong liền suy nghĩ rằng “Ta đã dốc tâm như vậy để cầu pháp, Pháp sư Thanh Minh không vì ta mà thuyết giảng, lại có việc ma quấy phá ấy. Cũng lại do ta từ đời trước đã tạo tác những nhân duyên gây nên tội lỗi, làm ngăn trở chánh pháp, chứ chẳng phải lỗi của Pháp sư. Ta sẽ tự mình gắng sức, siêng năng tinh tấn trong hành động để nhằm diệt trừ mọi việc của ma.” Suy nghĩ như vậy xong thì càng thêm cung kính, luôn gần gũi hầu hạ Pháp sư, không hề dấy sự giận dữ, kiêu mạn.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả xem vị cư sĩ ấy với tâm thanh tịnh, bền vững, khó có thể hủy hoại. Từ lúc bắt đầu được nghe nói về vị Pháp sư ấy, trải qua sáu mươi ức năm, ở trong khoảng thời gian ấy cũng chẳng được nghe giảng. Như thế mà vẫn luôn dốc tâm cung kính thân cận. Bị ma ác Thường Cầu Viện lừa dối, mê hoặc như vậy mà tâm không đổi khác, lại tăng thêm sự kính trọng thầy, tâm tin tưởng càng thanh tịnh.

Cư sĩ Kiên Chúng trải qua sáu mươi ức năm, vào lúc mạng chung được sinh lên phương trên, thuộc thế giới thứ một ngàn, cõi ấy tên là Vô tránh, quốc độ đó có Đức Phật hiệu là Đại Kiên, một hội thuyết pháp, các bậc Thanh văn có đến chín mươi sáu ức vị. Bồ-tát Kiên Chúng được sinh vào hàng vương giả, lúc mới sinh có vị trời đến nói rằng: “Ngươi do đã nhất tâm cầu pháp, chính nhờ nhân duyên ấy mới được phước báo này.”

Bồ-tát Kiên Chúng nghe xong, liền suy nghĩ: “Nếu đúng là như thế thì từ nay ta sẽ đem thân cầu pháp ấy.” Sống trong ngàn năm, ở nơi pháp của Đức Phật Đại Kiên mà xuất gia học đạo, được Phật thuyết giảng chánh pháp. Do hạnh nguyện từ gốc cùng thần lực của Phật nên biết được thân mạng từ đời trước. Mọi Pháp tạng của Đức Như Lai Đại Kiên thuyết giảng đều được Bồ-tát Kiên Chúng thọ trì. Ở trong nửa kiếp tu hành Phạm hạnh, giáo hóa vô số, vô lượng chúng sinh đều khiến họ được an trụ nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi mạng chung, lần lượt được gặp Phật hiệu là Tu-di Kiên, sống trong bảy năm, ở trong pháp Phật xuất gia cầu đạo. Là người có được nhân duyên luôn dốc nhớ về bản nguyện cùng thần lực của Phật, nên mọi Pháp tạng do Phật Tu-di Kiên thuyết giảng đều có thể thọ trì trọn vẹn. Từ chỗ được nghe pháp nơi Phật Đại Kiên, cũng luôn ghi nhớ không quên. Lần lượt chuyển biến như thế và được gặp sáu mươi trăm ngàn vạn ức na-do-tha vị Phật. Mọi chỗ thuyết giảng của chư Phật, Bồ-tát Kiên Chúng đều có thể thọ trì, đọc tụng, lãnh hội, nêu bày, tu tập. Từ đó về sau, Bồ-tát Kiên Chúng trở thành bậc đa văn, trí tuệ rộng lớn mênh mông như nước biển cả trong lành không gì có thể sánh, như hư không thanh tịnh thâm diệu, khó có thể lường được bờ bến.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Theo ý của Tôn giả thì sao? Cư sĩ Kiên Chúng được nghe vị trời nói, đã mang vàng cùng nhiều xâu chuỗi anh lạc quý giá đến chỗ vị Pháp sư, nghe pháp hoan hỷ và dâng lên cúng dường pháp sư số châu báu kia. Lại cũng tự mình lo liệu mọi việc cúng dường khác. Do dốc lòng cầu pháp nên luôn gần gũi Pháp sư, trong sáu mươi ức năm lại chẳng được nghe pháp, còn bị ma ác Thường Cầu Viện lừa dối, quấy phá như thế. Nghe kẻ khác nói xấu về lỗi của thầy mà cũng không giận dữ, nghi ngại, luôn một lòng theo đuổi việc cầu pháp cho đến mạng chung. Vị Cư sĩ ấy là một người xa lạ chăng? Chớ nên nghĩ như thế. Đó là Đức Phật Đỉnh Quang vậy.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả đã thấy Bồ-tát dốc tâm tinh tấn cầu pháp như vậy nên đạt được phước báo lớn lao. Vì thế nên biết rằng: Các vị Đại Bồ-tát dốc tâm cầu pháp thì luôn mau chóng đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Pháp sư Thanh Minh cũng vì sự hộ trì chánh pháp của chư Phật trong ba đời, hiện đang có mặt nơi hội này.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Lại có ba sự việc để chứng nghiệm tâm của Bồ-tát.

Thứ nhất là Bồ-tát chuyên tâm cầu pháp thì có thể hành hóa khắp mọi nơi chốn có chúng sinh hoạt động. Đó là lúc mới phát tâm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát nếu dốc tâm cầu vô lượng pháp Phật, được nghe các pháp hết mực thâm diệu, không hề kinh sợ, lại đem tâm tin tưởng, không trái nghịch, nghe theo pháp thâm diệu ấy nên tâm tịnh không động. Đó là sự việc thứ nhì chứng nghiệm đích thực là tâm Bồ-tát.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu có người đi đến chỗ của Bồ-tát nói rằng: “Như có người phát tâm cầu đạo Vô thượng, có thể đem lại sự an vui cho tất cả chúng sinh. Nay tôi chính là người đau khổ nhất, sẽ được thấy sự an vui kia rồi sau mới trao cho hết thảy chúng sinh.” Nếu vị Bồ-tát ấy, khả năng có thể cứu độ mà không hứa giúp, lại sinh tâm thoái chuyển, cho rằng mình hãy còn chẳng thể đem lại sư an vui cho người này, huống là có thể tế độ cho tất cả chúng sinh. Nên biết rằng đó chẳng phải đúng là tâm của Bồ-tát. Nếu trông thấy người cầu ấy, tâm không thoái chuyển mà khởi lòng Từ bi nhằm đem lại sự an vui cho họ, thì đấy mới đúng là tâm của Bồ-tát.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu ngay vào lúc trao cho người mong cầu đầy đủ mọi sự an lạc mà họ trở lại dùng lời xấu ác để mắng nhiếc, nhục mạ, tâm không giận dữ, Bồ-tát chỉ sinh tâm Từ bi, cung cấp đủ mọi chỗ mong cầu của họ. Đã có thể điều phục tâm mình như vậy, tức thì dứt trừ được vô lượng nhân duyên tạo tác tội lỗi trong cõi sinh tử, mau được tiếp cận Phật đạo, trong mỗi mỗi niệm có thể thu nhiếp vô lượng, vô biên Phật pháp. Đó chính là sự dốc tâm theo phương tiện của Bồ-tát với chí nguyện không gì hủy hoại được. Như trong khi người cầu mong ấy buông lời mạ lị, bấy giờ Bồ-tát suy nghĩ cho rằng: “Người ấy chính là đã trao cho ta pháp Phật” nên ở trong hoàn ảnh đó không sinh tâm giận dữ, liền được tiếp cận Phật đạo. Đó chính là phương tiện thể hiện tâm đích thực của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu có người đến chỗ Bồ-tát bảo rằng: “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, pháp ấy thật hết sức khó khăn! Ông làm sao có thể tập hợp hết được tất cả các pháp Phật?” Bồ-tát nghe nói thế, sinh tâm thoái chuyển, thì đấy chẳng phải là đích thực. Nếu nghe họ nói như vậy mà mình dấy tâm tưởng là có thể thực hiện được, thì đấy mới đúng nghĩa là tâm của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như có người đến bảo Bồ-tát rằng: “Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở nơi thân mạng của chính mình chẳng có được tự tại, huống hồ là đối với tài sản của cải? Này thiện nam! Ông nay phải nên lìa bỏ tâm ấy đi, chớ đối với thân mạng mà cũng chẳng tự tại nữa là!” Bồtát nghe như thế bèn dấy sự tham đắm về thân mạng mà sinh thoái chuyển, thì nên biết, đấy đích thực không phải là tâm của Bồ-tát. Nếu nghe nói như vậy mà Bồ-tát suy nghĩ: “Tất cả chúng sinh đều luyến tiếc thân mạng, nhưng đối với lão, bệnh, tử thì không thể nào chống trả lại được. Lại chính là từ sự tham tiếc thân mạng mình ấy mà đã dấy khởi những tạo tác gây ra bao tội lỗi, và do nhân đó mà bị đọa vào nẻo ác, nên lại chẳng thể giữ gìn cho thân sau. Ta nếu tham tiếc, lo giữ gìn thân mạng, dấy lên bao nhân duyên gây ra tội lỗi, bị rơi vào đường dữ, bị lưu chuyển trong cõi sinh tử, cùng với những kẻ ngu muội kia nào có khác gì! Ta nay chẳng nên tham tiếc thân mạng, chỉ nên có sự tham tiếc đối với trí tuệ của Như Lai, cũng như dốc giữ gìn Phật pháp, vì để cứu độ chúng sinh nên luôn siêng năng tinh tấn lìa bỏ tham ái cùng các thứ phiền não. Ta nay sẽ vì sự không buộc không mở mà cùng chúng sinh diễn nói các pháp.” Suy nghĩ như vậy xong, liền đáp lời người kia rằng: “Ông cho rằng thân mạng chẳng được tự tại! Các pháp tự nó là như thế. Tham tiếc và không tham tiếc đều là chẳng tự tại. Hỡi ôi kẻ nhân! Tất cả các pháp đều là không, không chủ thể, không chốn nương tựa, chỉ theo duyên hợp mà có.” Nếu có được sự chánh quán về các pháp như vậy thì đấy chính là đã tạo được phương tiện tốt thể hiện đúng thực tâm của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có người đến bảo Bồ-tát: “Ông đã phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nay nên vì tôi mà làm kẻ hầu hạ, sai khiến.” Bồ-tát đáp rằng: “Tôi chẳng riêng làm người hầu hạ, sai khiến cho ông. Tôi đã nguyện phục vụ mọi việc cho hết thảy chúng sinh. Vì sao? Vì tôi đã vì tất cả chúng sinh mà đảm nhận những việc quan trọng. Như đảm nhận sự an vui yên lành không đảm nhận sự mỏi mệt. Đảm nhận việc sinh nơi xứ thiện, đảm nhận việc có thể gặp Phật và được nghe chánh pháp của Phật, đảm nhận việc theo pháp thực hiện để đạt giải thoát… Những sự đảm nhận ấy không hề làm cho thân tâm mệt mỏi, biếng trễ. Không tự làm cho mình phiền não, mà cũng không gây phiền não cho kẻ khác. Đã không tự gây khổ cho mình, lại cũng không gây khổ cho kẻ khác. Như chỗ ông nói: “Muốn lấy tôi làm kẻ hầu hạ, sai khiến”, thế thì ông cần những việc gì?” Người ấy nếu bảo rằng: “Cần thân mạng ông” thì Bồ-tát nên nói: “Tôi nay cũng chẳng có sự tham tiếc thân mạng, chỉ thương xót, luyến tiếc về ông thôi! Chứ ở nơi tất cả các pháp là không, không có chủ thể, không có chốn nương tựa như thế để có được tâm tự tại, mà lại dấy khởi sự tạo tác gây nên tội lỗi, chính từ nhân duyên ấy mà bị đọa vào các đường ác. Tâm tôi là như vậy. Than ôi kẻ nhân! Chẳng muốn khiến ông dấy khởi duyên gây nên tội lỗi ấy mà bị rơi vào các đường ác. Tâm tôi là như vậy, nếu không tin thì sẽ theo ý ông thôi!” Nếu đã có thể chẳng tham tiếc thân mạng như thế thì đấy chính đúng thực là tâm của Bồ-tát. Liền xa lìa sinh tử, tiếp cận với đạo Vô thượng Bồ-đề, đạt tất cả trí tuệ, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật, cũng có thể làm tăng trưởng căn lành cho chính mình và cho người khác.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như đem ngọc báu ma-ni vô giá, dùng lửa nung lên tức thì màu sắc sẽ theo đấy mà tỏa sáng. Người chuyên sử dụng châu báu ấy có được tài lợi lớn. Ngọc báu đó có thể phát ra đủ thứ đủ loại kỹ năng. Nếu được xem thấy, không ai là không ham chuộng, yêu thích.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Các vị Đại Bồ-tát cũng như thế. Là vì chư Đại Bồ-tát có thể thực hiện tất cả các pháp bình đẳng, có thể hiện bày rõ cho chúng sinh thấy cái tâm đích thực của bậc Bồ-tát, theo chỗ hành hóa ấy mà làm cho các căn lành thêm sáng tỏ, trong sạch. Đại Bồ-tát luôn là chỗ hộ niệm của chư Phật, là chốn có thể đem lại sự an vui khi chiêm ngưỡng của vô lượng chúng sinh, là nẻo quy về nương tựa của tất cả chư Thiên, người trong thế gian.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ví như có người gieo trồng các cây thuốc, theo thời gian cùng sự chăm sóc như: tưới nước, ngăn che bớt gió, ánh nắng… khiến cho những cây thuốc ấy dần dà thêm lớn lên, tươi tốt, và khi đã lớn hẳn rồi thì có thể dùng để diệt trừ vô số các bệnh của chúng sinh, là chỗ đem lại sự an vui cho người già, bệnh khi họ được trông thấy. Các vị Đại Bồ-tát cũng như vậy. Vì chư Đại Bồtát phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, gieo trồng các căn lành, vì nhằm đạt đến trí tuệ như Phật mà nhất tâm cầu pháp, ngăn chận các loài ma cùng bao thứ phiền não, ở trong Phật pháp chỗ tạo nghiệp lành, dần dần được tăng trưởng. Và khi đã tăng trưởng đầy đủ thì có thể dứt trừ các thứ bệnh, phiền não vô số, vô lượng chúng sinh, có thể làm được việc tập hợp vô lượng a-tăng-kỳ thứ thuốc trí tuệ. Như lúc đạt đến quả vị Phật-đà, tất cả chúng sinh, còn cấu uế hay đã dứt sạch cấu uế, thảy đều an lạc khi được chiêm ngưỡng, là bậc được tôn quý hết mực của hết thảy chư Thiên, người, A-tu-la trong thế gian.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu có người đến bảo Bồ-tát rằng: “Như phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì người phát tâm ấy sẽ sinh trong cõi đại địa ngục. Vì sao? Vì theo chỗ nhằm độ thoát từng ấy chúng sinh thì phải nên ở nơi cõi đại địa ngục trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đảm nhận lãnh bao nỗi khổ thay của họ, sau đấy mới có được Vô thượng trí của Phật mà độ thoát chúng sinh. Ông nếu có thể làm được sự việc như vậy thì mới cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Bồ-tát nghe nói như thế liền sinh tâm thoái chuyển, dấy tưởng cho là khó đạt được, thì nên biết, đấy chẳng phải đích thực là tâm của Bồ-tát. Nếu nghe sự việc ấy mà Bồ-tát nhanh chóng tưởng cho là: không lâu xa có thể gắng gổ thọ nhận, nhất là dấy tưởng không thoái chuyển. Và suy nghĩ rằng: “Nếu ta đem cái nhân duyên đi vào cõi địa ngục, khiến cho mọi chúng sinh lìa được bao nỗi khổ, thành tựu được Phật đạo thì ta ắt có thể vì mỗi mỗi chúng sinh, trải qua ngần ấy atăng-kỳ kiếp ở trong cõi đại địa ngục nhận lấy bao nỗi khổ não. Vì sao? Vì với nhân ấy sẽ đạt được trí tuệ không gì hơn, đạt được Phật lực, Phật vô sở úy, không gì có thể sánh, cũng đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tột bậc. Lại có thể vì chúng sinh mà tạo lập các pháp hội lớn, pháp thí nhiều phần pháp bảo. Nếu người được nghe các phần pháp bảo ấy thì sẽ dứt trừ được vô số, vô lượng nỗi khổ. Cũng dứt được vô lượng khổ não trong a-tăng-kỳ kiếp ở đời vị lai. Lại có được nhiều niềm an lạc không gì sánh nổi do lìa bỏ tham dục. Vì thế mà ta sẽ gắng sức hết mực, vì vô lượng, vô số chúng sinh nhận lãnh thay cho mỗi mỗi người, bao nỗi khổ nơi địa ngục, tâm không thoái chuyển. Mà ở trong ấy sinh tưởng nhanh nhạy tưởng cho là không lâu xa, tưởng có thể kham nhận.” Đấy mới đích thực là tâm của Bồ-tát.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32