KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ

QUYỂN 10

Phẩm 34: PHÁP MÔN

Đức Phật bảo Bồ-tát Kiên Ý:

–Pháp là không nghĩ không lường, không hình tướng, không tạo tác, không nhớ không suy, thanh tịnh vi diệu, không duyên, không có văn tự, cũng không ngôn thuyết, chẳng thể làm cho hiển lộ.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Các pháp không hợp với các căn, không thể dùng trí tuệ để nhận thức, cũng không thể dùng vô trí để lãnh hội, chẳng có thể nhận thức, chẳng không thể nhận thức.

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Pháp là do các duyên mà thành tựu, Như Lai có thể nhận thức, mà nhận thức của Như Lai ấy không thể ngôn thuyết, nên Như Lai đem pháp chẳng thể thuyết để thuyết về các pháp ấy.

Chỗ có thể thuyết về đạo đức là Pháp môn. Vì sao? Vì dùng các “hành ấn” ấn chứng lên tất cả các pháp khiến tạo được một vị.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Các pháp là vô tận, là cõi tận cùng của sự vô tận ấy.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Các pháp rốt ráo là không tăng không giảm, hòa nhập vào cõi tận cùng. Do từ diệu nghĩa ấy nên Như Lai dùng ngôn ngữ văn tự phân biệt thuyết giảng.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Từ “cửa chữ A” đi vào tất cả các pháp. Dùng “cửa chữ A” để phân biệt các pháp. Trước là đi vào “cửa chữ A”, sau đấy mới đến các chữ khác lần lượt tiếp theo. Vì thế nên cho rằng, từ chữ A biến hiện thêm tạo ra các chữ, từ các chữ hợp lại thành ra các câu, dùng các câu để có thể thành các nghĩa. Do vậy mà Như Lai nói là từ cửa chữ A đi vào tất cả các pháp.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nơi pháp môn ấy, những gì là pháp?

Này Bồ-tát Kiên Ý! Chỗ gọi là pháp ấy tức là xưa nay không tạo tác, không thuyết giảng, không chỉ rõ. Không nhận thức nên mới nhận thức được. Không thuyết giảng nên mới thuyết giảng được. Không chỉ rõ nên mới chỉ rõ được. Chữ A như thế là có thể tạo nên tất cả ngôn ngữ ấy. Đó gọi là Pháp môn. Nếu các thiện nam, thiện nữ đi vào cửa ấy sẽ đạt được trí tuệ vô tận cùng biện tài vô tận.

Những người đã được vô tận ấy có được sự vô tận về quá khứ, và trong sự tận cùng của vô tận đó là không hình tướng không ngôn thuyết. Vì mọi đối tượng của nhận thức đều là không thể nhận thức. Vì mọi đối tượng để chỉ dẫn đều là không thể chỉ dẫn. Vì mọi đối tượng để phân biệt đều không thể phân biệt. Nên được gọi là vô tận.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đó gọi là cửa. Đó là cửa gì? Nơi các pháp môn ấy thì những gì là pháp mà nơi Phật chẳng đạt được? Lại từ cửa ấy để quan sát tất cả các pháp dẫn vào sự dứt mọi tư duy. Vì sao? Vì tất cả ngôn ngữ đều là phi ngôn ngữ. Tất cả ngôn thuyết đều là không có tận cùng. Tất cả ngôn ngữ đều là Như không lìa Như. Tất cả trí đều là phi trí.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đó gọi là Kim cang cú vậy. Vì sao được gọi là Kim cang cú? Nếu các pháp là không tạo tác thì nó cũng không thể hoại. Do không thể hoại nên gọi là Kim cang cú. Các pháp là không nghiệp. Nếu đã không có nghiệp thì không có báo. Vì thế nên Như Lai nói tất cả các pháp là không nghiệp không báo. Đó là pháp ấn, Như Lai ở chỗ có thể thuyết về nghiệp về báo là đều do từ Ấn ấy. Ấn ấy là không thể hủy hoại.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu các thiện nam, thiện nữ muốn nhận thức về nghiệp báo thì nên đi vào cửa ấy.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Hết thảy các pháp là không đến không đi, đó là đi vào pháp môn. Ta từ cửa ấy, vì chúng sinh mà thuyết giảng về mọi sai biệt của sinh tử.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu các thiện nam, thiện nữ muốn đi vào cõi sinh tử của chúng sinh để có được trí tuệ, thì nên dùng Ấn ấy để đi vào, đó là pháp Ấn. Danh là không văn tự, Ấn cũng không làm chướng ngại cho Ấn.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Mọi nẻo ngôn thuyết của Như Lai đều xuất phát từ ấn ấy. Hết thảy mọi thân đều là thân Như Lai. Vì sao? Vì tính của các thân ấy là chẳng trái nhau. Phật dùng ấn ấy để nói về thân tướng của chúng sinh. Đó gọi là thân ấn. Lại dùng ấn ấy để diễn nói làm hiển lộ hết thảy mọi thân tướng. Vì sao?

Này Bồ-tát Kiên Ý! Vì các pháp là không có môn nên chẳng có thể đi vào được. Các pháp không thể đi vào nên không đi ra. Các pháp không lối ra nên không thể đi vào. Vì vậy mà Như Lai, nếu có chỗ nói đều không lìa thì đó là nói về cõi không chướng ngại, dùng cõi không còn chướng ngại để nói về tất cả các pháp. Cũng dùng cõi ấy để nhận thức về mọi chúng sinh theo sự thích hợp mà thuyết giảng.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Cõi vô ngại ấy tức là cõi vô biên. Cõi vô biên ấy tức là thể tánh cửa hết thảy chúng sinh. Đó gọi là cõi môn (Tế môn). Đi vào cõi môn ấy thì có thể mở ra diễn nói ngàn ức Pháp tạng, cái gọi là Pháp tạng ấy tức chẳng phải tạng.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Trong các Pháp tạng mà Như Lai đã từng thuyết pháp là đều thuyết về cõi ấy. Lại có sắc tạng, thọ tưởng hành thức tạng. Tạng ấy là phi tạng, chẳng phải là tạng tự tại. Đó gọi là các Tạng đều dùng cửa chữ A để đi vào.

Bấy giờ Bồ-tát Kiên Ý thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Cửa ấy là hết sức thâm diệu.

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta chẳng dấy niệm đó là sâu xa hay nông cạn. Không nên dấy niệm là bạch Thế Tôn! Phật có thuyết pháp chăng?

Này Bồ-tát Kiên Ý! Không như hàng phàm phu chỉ nói về nẻo tham đắm của mình, đây là chỗ lý giải đối với kẻ trí. Kia là Như Lai thuyết pháp Như. Mọi sở trí như thật của Như Lai là không thể chỉ rõ, không ngôn thuyết.

Vì sao? Vì hết thảy các pháp là không thể nói về tướng của nó. Chỉ có bậc trí thì có thể nhận thức. Hàng phàm phu nếu có chỗ nhận thức thì đều vướng chấp ở văn từ. Vì thế nên Phật nói là mọi văn tự ngôn ngữ đều phi ngôn ngữ.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Kiên Ý:

–Tất cả các pháp giống như mặt trời mặt trăng thanh tịnh. Theo chỗ xem xét đúng đắn mà đi vào không có giới mức.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Hết thảy các pháp đều có thể tỏa sáng, soi sáng, có thể làm dấy lên ánh sáng của mọi thứ trí tuệ.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Hết thảy các pháp là không hề có chỗ bị ngăn ngại, giống như hư không.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Hay có lối chấp theo hai pháp. Trong ấy Như Lai nhận thức theo nhãn vô ngại.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đó gọi là Pháp nhãn. Phật dùng Pháp nhãn ấy để nhận thấy hình tướng của hết thảy các pháp là không chướng ngại.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đó gọi là cửa không chướng ngại của các pháp. Các thiện nam, thiện nữ nếu đi vào cửa ấy thì mọi nẻo ngôn thuyết đều có lợi ích, đều không chướng ngại, đều làm rõ ý nghĩa sâu xa, đều nêu lên được diệu nghĩa dứt mọi tham đắm vướng chấp.

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Các pháp là không cấu, chẳng nhiễm, chẳng lìa.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Các pháp là không chốn quan hệ nên không thể thọ nhận.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Tất cả các pháp là vô biên, gốc ngọn không thể đạt được.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Mọi chỗ dùng ngôn ngữ văn tự để thuyết giảng thì nên biết là trong đó không có văn tự, cũng không có ngôn ngữ.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Cửa văn tự ấy làm sao để đi vào? Là vì, đã cho rằng pháp ấy là không có chướng ngại, đó chính là nẻo đi vào.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nẻo đi vào như thế tức gọi là chẳng phải đi vào, tức là hội nhập thể tánh của các pháp.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Như Lai những chỗ thuyết giảng về các cửa Tam-muội thì đó là những gì?

Này Bồ-tát Kiên Ý! Có Tam-muội Nhất tướng, có Tam-muội Chúng tướng. Về Tam-muội Nhất tướng, như có Bồ-tát được nghe nói về thế giới kia có Đức Như Lai kia hiện đang thuyết pháp, thì vị Bồtát ấy sẽ giữ lấy hình tướng Đức Phật kia ở nơi trước mặt mình, những hình tướng đó hoặc là lúc ngồi nơi đạo tràng chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Hoặc khi chuyển pháp luân, hoặc đang được đại chúng vây quanh và vì họ mà thuyết pháp Bồ-tát giữ lấy hình tướng như vậy, khiến cho niệm không loạn nhằm nhiếp phục các căn, tâm không vọng động tán loạn mà là chuyên niệm về một vị Phật không rời bỏ duyên ấy; cũng nhớ nghĩ về hình tướng của Đức Phật nơi thế giới kia, mà vị Bồ-tát đó, ở nơi hình tướng của Như Lai và thế giới, đã thông tỏ được nẻo vô tướng, luôn thực hiện và quan tưởng như thế không lìa duyên ấy. Đấy chính là lúc tạo được duyên với Phật liền hiện ra nơi trước mặt mình thuyết pháp.

Bấy giờ, Bồ-tát lại thêm tỏ ra cung kính lắng nghe, lãnh hội pháp ấy, theo chỗ tin hiểu sâu cạn mà càng tăng thêm sự tôn kính quý trong Như Lai. Bồ-tát trụ nơi Tam-muội ấy được nghe thuyết giảng về các pháp đều dứt sạch hết mọi chấp vướng về hình tướng. Nghe xong thì thọ trì và từ nơi Tam-muội đó xuất, có thể vì bốn chúng mà diễn nói pháp ấy.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đó gọi là đi vào cửa Tam-muội Nhất tướng.

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát an trụ nơi Tam-muội đó, có thể trở lại hủy bỏ hình tướng Đức Phật đã duyên với mình cùng hủy bỏ luôn về hình tướng chính mình và dùng sự hủy bỏ đó để hủy bỏ hết các pháp. Vì đã hủy bỏ hết thảy các pháp nên đi vào Tam-muội Nhất tướng. Từ Tam-muội đó xuất thì có thể vì bốn chúng mà thuyết giảng rõ về pháp ấy.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đấy gọi là đi vào cửa Nhất tướng Tammuội Phương tiện.

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát duyên với hình tượng Phật ấy mà dấy suy nghĩ: “Hình tượng đó từ chốn nào đến còn ta thì hướng tới cõi nào?” Suy nghĩ như vậy thì liền nhận biết hình tượng Phật là không từ đâu đến cả, còn ta thì không đi tới đâu.

Bấy giờ Bồ-tát dấy suy nghĩ rằng: “Tất cả các pháp cũng lại như thế, đều là không từ đâu đến, đi không đến đâu.” Bồ-tát hành và niệm như thế thì không lâu sẽ đạt được Pháp nhãn vô ngại. Đạt được

Pháp nhãn rồi bèn nhớ nghĩ về Sở tri của chư Phật thì các pháp thâm diêu đều hiện ra nơi trước mắt. Do từ các pháp thâm diệu đó mà đạt được biện tài vô ngại, tuy giảng nói về pháp mà không vướng chấp vào pháp.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Như Lai ở đời quá khứ có được trí tuệ vô ngại, cũng ở trong các hình tướng của trí đều không có chướng ngại. Ở đời quá khứ cũng không tạo duyên, cũng chẳng phải là không biết không theo các sự nhớ tưởng.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát cũng như vậy, an trụ nơi Tam-muội ấy, tuy diễn nói các pháp mà không thấy có pháp ấy. Bồ-tát an trụ nơi Tam-muội đó để dốc sức tu tập, theo chỗ được nghe về nhân duyên Đức Phật thứ nhì, giữ lấy hình tướng nơi trước mắt mình, hoặc là hình tướng ngồi nơi đạo tràng chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồđề, hoặc hình tướng chuyển pháp luân, hoặc đang được đại chúng vây quanh và vì họ mà thuyết pháp. Bồ-tát cũng thọ trì các pháp của vị Phật thứ hai đó mà không lìa bỏ hình tướng Đức Phật gốc, cũng thấy Đức Phật ấy. Như vậy là Bồ-tát đó đã cùng duyên với hai Đức Phật, giữ lấy hình tướng nơi trước mắt mình để lắng nghe và lãnh hội các pháp được thuyết.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đấy cũng gọi là đi vào cửa Nhất tướng Tam-muội.

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát do đã khéo tu tập về hình tướng của một vị Phật, nên theo ý tự tại muốn thấy chư Phật thì đều hiện ra nơi trước mắt.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Ví như vị Tỳ-kheo tâm được tự tại quan sát tất cả các nhập và giữ lấy sắc tướng xanh, có thể đạt được sự tin, hiểu về tất cả thế giới đều một hình tướng xanh. Sở duyên của người ấy chỉ mỗi sắc xanh, quan sát hết thảy các pháp trong ngoài đều một màu xanh, tức ở trong duyên ấy đã có được lực tự tại.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát cũng lại như vậy, theo chỗ được nghe về tôn hiệu của chư Phật ở nơi thế giới nào thì liền giữ lấy hình tướng Đức Phật và thế giới ấy để đều duyên nơi trước mắt mình. Bồtát như thế là đã khéo tu tập về sự nhớ nghĩ duyên với Phật ấy. Xem các thế giới tận cùng đều thành Phật nên luôn khéo tu tập về lực quán tưởng đó, nên có thể thông tỏ tất cả các duyên đều là một duyên, tức là duyên với Phật hiện tại. Đó gọi là đạt được cửa Tammuội Nhất tướng.

Bồ-tát Kiên Ý thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Bồ-tát dùng phương tiện gì để đạt được Tam-muội ấy?

Đức Phật bảo Bồ-tát Kiên Ý:

–Đối với việc duyên với Phật ấy luôn nhớ nghĩ không chút tán loạn, không lìa duyên ấy. Đó là cửa Tam-muội.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Dùng một duyên ấy để có thể thông đạt được các pháp, nhận thức về tất cả các pháp thảy đều tương quan với nhau, đấy là Tam-muội Nhất tướng. Bồ-tát trụ nơi Tam-muội đó để lại đi vào Pháp môn, đó là tất cả các ngôn ngữ đều là ngôn ngữ của Như Lai, hết thảy mọi thân tướng đều là thân tướng của Như Lai, tức là không lìa Như vậy.

Lại nữa, Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát được nghe tôn hiệu của chư Phật, hoặc hai, ba tôn hiệu, hoặc bốn, năm, hoặc mười, hai mươi ba mươi bốn mươi năm mươi, hoặc trăm, ngàn, vạn, hoặc hơn số lượng ấy, một thời chuyên niệm để hiện ra hết nơi trước mắt mình cùng với các thế giới và chúng đệ tử, thảy đều hiện cung kính tôn trọng. Cũng nhớ nghĩ về Đức Phật ấy với đầy đủ diệu thân và hình sắc tướng hảo, thảy đều hiện ra nơi trước mắt và cùng cung kính tôn quý. Lại cũng nơi mỗi mỗi vị Phật đều giữ lấy ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân cùng tướng Bất hư hạnh, tướng Sư tử phấn tấn, tướng Vô kiến đỉnh, tướng Tượng vương quán, tướng Thủ đại quang, dùng sự tin hiểu để tạo nên vô lượng hình tướng. Cũng giữ lấy hình tướng của thế giới chư Phật, dùng sự tin hiểu xem xét để tạo nên vô lượng hình tướng thanh tịnh. Cũng giữ lấy hình tướng chúng đệ tử Phật, đem sự tin hiểu xem xét để tạo nên vô lượng hình tướng.

Bấy giờ, Bồ-tát khởi tư duy như vầy: “Chư Phật ấy là từ chốn nào đến, còn ta thì đi tới chốn nào?” Tức thì là rõ được chư Phật cùng bản thân mình là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Quan sát nhận thức như thế. Tin tưởng, lãnh hội như thế.

Lúc này, Bồ-tát nghĩ: “Trong các sự việc như vậy là không có pháp cố định.”

Đó gọi là Như Lai, lúc quán tưởng như vậy tức thì tỏ được hết thảy các pháp là không, là không hề có một tướng, là vô tướng. Dùng cửa vô tướng để đi vào tất cả các pháp. Theo sự tin hiểu như thế để thông đạt tính chất nhất tướng của hết thảy các pháp.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát có thể tạo duyên với chư Phật, luôn nhớ nghĩ về một xứ, đó gọi là cửa Tam-muội Chúng tướng.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu vị Bồ-tát nhập pháp Tam-muội ấy tất thông tỏ về một tướng của các pháp là vô tướng. Đấy là Tam-muội chúng tướng. Bồ-tát an trụ nơi Tam-muội ấy thì mọi sở tri sở kiến không gì là không Như Lai. Lại cũng chẳng tri chẳng kiến về Như Lai. Mọi sở tri kiến đều là pháp, nhưng cũng không có kiến về pháp. Mọi tri kiến hiện có đều là đệ tử Phật nhưng cũng không có tri kiến về chúng đệ tử Phật. Mọi sở tri kiến không gì là không thuyết pháp, nhưng cũng lại không có tri kiến về thuyết pháp. Mọi tri kiến hiện có đều là duyên ấy, nhưng cũng không thấy duyên. Mọi sở sở hữu tri kiến đều là biện tài, nhưng cũng không thấy có biện. Mọi tri kiến hiện có không gì là không cõi Phật, nhưng cũng không thấy có cõi Phật. Mọi tri kiến hiện có đều là thế giới, nhưng cũng không thấy thế giới. Mọi tri kiến hiện có đều là chúng hội, nhưng cũng không thấy có chúng hội. Không pháp nào là không thuyết giảng mà cũng không thấy có chỗ thuyết. Không pháp nào là không hiện ra mà cũng không có chỗ hiện. Không gì là không tin hiểu mà cũng không thấy có sự tin hiểu ấy. Không gì là không nhận rõ mà cũng không thấy có sự nhận rõ. Không pháp nào là không bị hoại nhưng cũng không có chỗ hoại. Không pháp nào là không xuất nhưng cũng không có chỗ xuất. Không pháp nào là không tỏa chiếu nhưng cũng không tỏ chốn tỏa chiếu.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đó gọi là cửa Tam-muội chư Bồ-tát. Người đi vào cửa ấy thì sẽ ở nơi các pháp đạt được trí vô ngại. Có thể quán tưởng như thế thì gọi là Nhãn vô ngại. Ở trong sự việc đó cũng không còn tham đắm vướng mắc thì đó là Pháp nhãn.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát dùng pháp Tam-muội ấy để có được vô biên biện tài vô ngại.

Bấy giờ, Bồ-tát Kiên Ý thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Có được bao nhiêu vị Bồ-tát ở đời vị lai thành tựu được pháp Tam-muội đó để có thể đạt được vô lượng, vô biên biện tài? Những gì sẽ giúp cho các vị Bồ-tát ở đời vị lai thành tựu được pháp Tam-muội ấy để có thể đạt được vô lượng, vô biên biện tài?

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát, nếu ở đời sau này, từ chỗ các vị Tỳ-kheo được nghe pháp Tam-muội ấy thì nên biết là vị Tỳ-kheo đó đã thành tựu được pháp Tam-muội ấy, có thể đạt được vô lượng, vô biên biện tài.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Như chỗ Bồ-tát đã hỏi có bao nhiêu vị Bồtát thành tựu được pháp Tam-muội ấy để có được vô biên biện tài, thì nếu có người thường tu tập pháp Tam-muội đó thì đều có thể thành tựu được, và cũng đạt được vô lượng, vô biên biện tài.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Cửa ấy có thể mở ra tám trăm Pháp tạng, hiện tại ở cõi Đức Phật A-súc, các vị Bồ-tát ở đấy luôn dùng cửa đó.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Ở nơi một cửa ấy thâu nhiếp tất cả pháp môn cùng các cửa Tam-muội. Đấy gọi là Trùng cú môn. Vì vậy, này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu người theo đúng pháp muốn đi vào pháp môn tức cửa Tam-muội Trùng cú môn ấy thì phải nên gần gũi các bậc Thiện tri thức để học hỏi. Luôn hỏi: “Làm thế nào để thực hiện, để quan sát, làm thế nào để tu tập?” Sẽ tùy theo sự chỉ giáo của các bậc Thiện tri thức ấy mà tu hành.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Như có bốn pháp, theo đấy sẽ biết đó là bậc Thiện tri thức.

Những gì là bốn pháp?

  1. Có thể khiến cho con người đi vào các pháp lành.
  2. Có thể ngăn chận các pháp bất thiện.
  3. Có thể khiến cho con người an trụ nơi chánh pháp.
  4. Luôn có thể tùy thuận giáo hóa.

Có được bốn pháp ấy thì sẽ biết được ngay là bậc Thiện tri thức vậy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Nên gần Thiện tri thức
Ngăn chặn các pháp ác
Năng giảng pháp Phật khen
Người ấy nên gần gũi.
Theo Phật đạo giáo hóa
Khiến người dấy pháp lành
An trụ theo đúng nẻo
Trí tuệ thêm tăng trưởng.
Gắng gần pháp nên gần
Nên lìa pháp phải xa
Lìa nơi các pháp ác
Nên tu các pháp Phật.
Nếu muốn được biện tài
Cùng mở mang trí tuệ
Nên siêng tu định ấy
Luôn gần Thiện tri thức.
Theo chỗ dạy tu tập
Nơi pháp không mù quáng
Tự mong đạt pháp lành
Cũng vì người khác giảng.
Dốc tâm hành pháp ấy
Xa lìa mọi dua nịnh
Luôn gần Thiện tri thức
Tu tập pháp như vậy
Do gần Thiện tri thức
Nên xa tri thức ác.
Từ đấy đạt đa văn
Mau chứng Tam-muội đó!

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Như có được bốn pháp thì sẽ biết đó là hình tướng bậc Thiện tri thức. Những gì là bốn pháp ấy? Đó là khéo biết giáo hóa, khéo biết tu tập đạo pháp, biết giáo hóa lỗi lầm, biết tu tập sửa đổi lỗi lầm.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Có được bốn pháp ấy thì sẽ biết được đó là bậc Thiện tri thức.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đọc bài kệ:

Biết giáo hóa tu đạo
Cũng biết lỗi lầm kia
Đã biết rõ pháp ấy
Nay trụ pháp vô ngại.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Lại có bốn pháp, nhờ đấy sẽ biết được đó là thực tướng của bậc thanh tịnh. Những gì là bốn pháp? Đó là biết phong thổ, biết phương ngữ, biết người và biết mình. Làm thế nào để biết phong thổ? Ấy là theo người để biết. Làm thế nào để biết người?

Theo chỗ hành động của người ấy để biết.

Người ấy ở nơi có nhiều tham dục.

Người ấy ở nơi có nhiều giận dữ.

Người ấy ở nơi có nhiều si muội.

Người ấy ở nơi có tham dục rõ rệt.

Người ấy ở nơi có sân hận rõ rệt.

Người ấy ở nơi có si mê rõ rệt.

Người ấy ở nơi có tham dục giận dữ rõ rệt.

Người ấy ở nơi có tham dục si mê rõ rệt.

Người ấy ở nơi có giận dữ si mê rõ rệt.

Người ấy ở nơi có cả tham dục giận dữ si mê rõ rệt.

Chúng sinh đều ở những nơi có ba pháp bất thiện ấy, thảy đều có thể nhận biết. Đã nhận biết rồi thì tùy theo nơi ở để có sự giáo hóa thích ứng, theo vô số nẻo an vui của các vị Bồ-tát, đều có thể nhận biết.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu người thành tựu được bốn pháp ấy thì sẽ biết đó là bậc Thiện tri thức.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Lại có bốn pháp, nhờ đấy sẽ biết được đúng là bậc Thiện tri thức. Những gì là bốn pháp ấy? Đó là có thể điều phục ngôn ngữ khiến người an trụ trong chánh pháp thâm diệu; có thể tùy theo hoàn cảnh mà giáo hóa, theo đúng sự vận hành của thời thế, hoàn cảnh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Biết nẻo hành của người
Các chốn nhiều sai khác
Biết theo chốn giáo hóa
Nên mau được thành tựu
Năng thuyết pháp chế ngự
Khiến trụ pháp thâm diệu
Theo thời mà chê trách
Cũng tùy thời biến đổi.
Tuy có lời khôn khéo
Trái thời chẳng nên nhận
Vì thế bậc có trí
Theo thời mà thuận, lìa.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Lại có bốn pháp, theo đấy sẽ biết được là bậc Thiện tri thức đúng nghĩa, có thể khiến mọi người tu tập pháp Tam-muội ấy. Những gì là bốn pháp đó? Đấy là có khả năng khiến đệ tử xuất gia tu hạnh xa lìa; lại có thể khiến người đi vào các pháp quán thâm diệu; có thể khiến an trụ vững vàng nơi tất cả duyên mà không chút trở ngại trong việc lìa bỏ các hình tướng.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Có được bốn pháp đó thì sẽ biết đấy là bậc Thiện tri thức.

Đức Phật bèn nói bài kệ:

Nếu người khen xuất gia
Cùng hành lìa nơi chốn
Khiến đệ tử an trụ
Đó là Thiện tri thức.
Khiến trụ nghĩa bậc nhất
Nơi pháp tối thâm diệu
Trụ vững nơi vô tướng
Là chân Thiện tri thức.

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát nếu thành tựu trọn vẹn bốn pháp thì có thể tu tập được pháp Tam-muội ấy. Những gì là bốn pháp đó? Ấy là lìa bỏ tâm ý của cá nhân mình mà thuận theo sự chỉ dạy của thầy để xa lìa các duyên; vì pháp Tam-muội đó mà luôn siêng năng tinh tấn không chút trễ nải ngừng nghỉ; cũng nhằm đạt được pháp Tam-muội ấy nên luôn an vui trụ nơi chốn vắng vẻ, xa lìa mọi chốn náo nhiệt, rối rắm. Bồ-tát nếu thành tựu đủ bốn pháp ấy thì có thể tu tập đạt được pháp Tam-muội kia.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát lại có bốn pháp, nhờ đấy có thể mau chóng đạt được pháp Tam-muội kia. Những gì là bốn pháp đó? Đấy là luôn giữ lấy hình tướng Đức Phật, cho đến cả trong giấc mộng cũng thấy chư Phật. Khéo gắn bó với hình tướng thuyết pháp, cho đến cả trong giấc mộng cũng được nghe thuyết pháp, lại vì chúng sinh mà thuyết giảng không hề biết mệt mỏi. Đạt được pháp nhẫn thâm diệu để dứt bỏ sự ràng buộc của các pháp. Hành động không có sự nương tựa vào định, tâm luôn thuận hợp trong sự xa lìa hay gắn bó.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát có được bốn pháp ấy thì có thể mau chóng đạt pháp Tam-muội kia.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Người ấy không rời
Hình tướng Thế Tôn
Luôn duyên tướng Phật
Trước mắt chẳng lìa
Luôn gặp gỡ Phật
Ba mươi hai tướng
Nghe Phật thuyết pháp
Gắn bó tướng ấy
Thề không thoái chuyển
Đạt được pháp nhẫn
Không dựa thiền định
Tâm vui thuận lìa
Do pháp chẳng diệt
Hủy hoại các pháp
Các pháp chẳng pháp
Nẻo vui người ấy
Lúc quán các tướng
Không chốn phân biệt.
Tin, hiểu các pháp
Đều là thân Phật
Chẳng vướng ngôn từ
Không theo lời khác
Tự biết tướng ấy
Cũng vì người thuyết
Bồ-tát nếu đạt
Pháp nhẫn như thế
Đó là bậc trí
Đạt Tam-muội ấy
Gần Thiện tri thức
Tu pháp Phật khen
Giáo hóa chúng sinh
Trụ pháp định sâu.
Bồ-tát Kiên ý
Nếu có bốn pháp
Phải nên tu tập
Đạt Tam-muội ấy.

Những gì là bốn pháp đó? Ấy là khéo biết hình tướng các duyên, khéo phân biệt được các duyên, khéo biết sự biến chuyển của duyên và khéo biết được gốc của sự hành hóa. Có được bốn pháp ấy thì có thể mau chóng thành tựu, thông tỏ pháp định ấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Bồ-tát đa văn cùng hữu trí
Nên vì người thuyết Tam-muội ấy
Lại theo chư Phật nghe pháp lành
Cũng nên vì người mà diễn giảng
Duyên với thân Phật giữ lấy tướng
Tu pháp Tam-muội tịch diệt đó
Ở nơi thân tướng chư Thế Tôn
Giữ đủ vô số tướng sai biệt
Thân tướng với ba mươi hai tướng
Tướng hình, tướng sắc, tướng tỏa sáng
Dung mạo, đôi mày, nét Bạch hào
Nên giữ tướng Đại nhân như vậy
Giữ lấy các tướng nơi trước mắt
Nên luôn xem xét tướng sai khác
Cũng duyên với mỗi mỗi chi tiết
Chẳng lấy một pháp làm thân Phật
Dùng tâm phân tích thân chư Phật
Tâm ấy vô hình bản tánh tịnh
Mọi vọng theo duyên niệm niệm dứt
Nơi duyên cùng sinh các tướng lạ
Đã rõ tướng tâm chẳng ngừng nghỉ
Nên biết duyên ấy cũng sinh diệt
Pháp đó đều từ phân biệt sinh
Dứt mọi phân biệt đạt an lạc
Khéo biết tánh tâm là tướng chuyển
Cũng rõ các duyên là tướng chuyển
Biết thế gian không, như ánh lửa
Đã rõ được vậy niệm chẳng loạn
Nên tỏ nghĩa các pháp như thế
Liền biến hóa thành nhiều tướng Phật
Mà nơi tướng Phật không tham vướng
Nên rõ thế gian thảy là không
Ở nơi các duyên không chấp tướng
Nên biết thân tâm là tướng chuyển
Nơi pháp như vậy nên thông đạt
Nên chóng đạt pháp Tam-muội ấy
Nơi lúc thuyết pháp hiện thần lực
Cũng chốn thuyết giảng dứt lỗi lầm
Cùng khiến chúng sinh khởi phước lành
Cũng mau chóng đạt pháp như vậy.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát có bốn pháp, nhờ đấy có thể thành tựu được pháp Tam-muội ấy, và khi đã thành tựu được rồi thì có thể vì người khác mà thuyết giảng. Những gì là bốn pháp đó? Ấy là, vì nhằm đạt được pháp Tam-muội nên luôn siêng năng tu tập không dừng nghỉ; ngày đêm đi kinh hành, những lúc sắp an tọa thì trước hết nhớ nghỉ đến chư Phật tọa nơi đạo tràng như hiện đang có nơi trước mắt mình, đem pháp thí cho mọi chúng sinh không chút tiếc rẻ, đối với người thuyết pháp nên xem như Bậc Thế Tôn, phân tích ở thân mình chứ không dựa nơi pháp, đem sự không nương tựa ấy để vì chúng mà thuyết pháp. Bồ-tát phải nên hành hóa như thế, nhớ nghĩ như thế, duyên hợp như thế, thì sẽ an ổn nơi pháp tòa mà có thể hành hóa pháp thí rộng khắp đạt được pháp Tam-muội ấy, hoặc có Bồ-tát từ pháp tòa đứng lên và cũng đạt được pháp Tam-muội.

Lại nữa, Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát nếu thành tựu bốn pháp thì sẽ đạt được pháp Tam-muội ấy. Những gì là bốn pháp đó? Bồ-tát làm người xuất gia tu hạnh xa lìa, rời bỏ những chốn quen thuộc ồn ào náo nhiệt, chỉ sử dụng ba loại y và xa lìa mọi tham đắm ràng buộc, đối với chúng tại gia cũng như xuất gia không tạo nên các mối quan hệ gắn bó, nên lìa bỏ sự giao tiếp không đúng lúc, đạt được pháp nhẫn thâm diệu, an lạc với nẻo không tịch.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát thành tựu trọn vẹn bốn pháp đó thì tất đạt được pháp Tam-muội.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát tại gia, nếu thành tựu được bốn pháp này thì cũng có thể đạt được pháp Tam-muội ấy. Những gì là bốn pháp đó? Bồ-tát nếu ở gia đình mình thọ trì năm giới, thường ngày một lần mang thức ăn đến cúng dường nơi các tháp miếu, nên học rộng nghe nhiều để thấu đạt các kinh luận, cũng nên gần gũi với bậc Thiện tri thức có khả năng giáo hóa pháp Tam-muội ấy.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát tại gia nếu thành tựu bốn pháp ấy thì có thể đạt được pháp Tam-muội kia.

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát dù tại gia hay xuất gia, nếu thành tựu được bốn pháp này thì sẽ đạt pháp Tam-muội ấy. Những gì là bốn pháp?

  1. Đó là giữ giới đầy đủ, cùng thực hiện cuộc sống thanh tịnh, lìa mọi nghi hoặc.
  2. Vì nhằm đạt pháp Tam-muội ấy nên không tham tiếc thân mạng, không dựa nơi pháp.
  3. Thuận hợp với những điều được nghe cùng sự giáo hóa của người đạt được pháp Tam-muội ấy.
  4. Đối với người đó nên sinh tưởng như đối với Bậc Thế Tôn. Lúc tu tập pháp Tam-muội niệm Phật như vậy, phải nên lìa bỏ tâm tham lam keo kiệt.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu hàng Bồ-tát tại gia xuất gia, có được bốn pháp ấy thì tất sẽ đạt pháp Tam-muội kia.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu có người phát tâm Đại thừa nhằm đạt được pháp Tam-muội ấy thì phải gắng sức tu tập bốn pháp này. Những gì là bốn pháp?

  1. Đó là nên thuận quán tưởng về thân, không dấy chấp về sự hiểu biết đối với thân.
  2. Nên thuận quán tưởng về thọ, không dấy chấp về sự hiểu biết đối với thọ.
  3. Nên thuận quán tưởng về tâm, không dấy chấp về sự hiểu biết đối với tâm.
  4. Nên thuận quán tưởng về pháp, không dấy chấp về sự hiểu biết đối với pháp.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Bồ-tát nếu thành tựu được bốn pháp ấy thì sẽ trợ giúp cho sự thông đạt pháp Tam-muội kia.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Bồ-tát nên tu tập
Niệm xứ Phật ngợi khen
Nẻo hành của Tỳ-kheo
Nên đạt Tam-muội ấy.
Phải nên phân tích thân
Cũng chẳng nên nương cậy
Đem tâm dứt dựa nương
Sẽ đạt Tam-muội ấy.
Nơi tâm thọ các pháp
Cũng không chốn nương tựa
Pháp ấy chẳng nghĩ bàn
Sẽ đạt Tam-muội đó.
Nên tu tập Tứ thiền
Cùng tu bốn chánh cần
Chẳng chấp vướng pháp ấy
Sẽ được Tam-muội đó.
Nơi bốn Như ý túc
Cùng bốn trí vô ngại
Nên tu tập pháp ấy
Chớ sinh tâm tham tiếc
Phải an trụ trong giới
Gần gũi Thiện tri thức
Bậc giảng Tam-muội đó
Nên kính như Thế Tôn.
Lấy đa văn làm gốc
Từ đấy khởi Tam-muội.
Theo nẻo chư Phật thuyết
Theo đúng giáo tu học.
Đó chính là Thượng nhãn
Pháp nhãn không gì hơn
Trong ấy không chướng ngại
Đem giáo hóa muôn loài
Là gốc của mọi kinh
Năng sinh pháp đa văn
Bồ-đề từ đấy thành
Vì thế nên tu học.
Chư Phật trong mười phương
Với bốn trí vô ngại
Đều từ trong ấy sinh
Vì vậy nên tu tập
Bồ-tát năng đạt được
Tam-muội như Phật dạy
Người ấy lúc thuyết pháp
Biện tài thật vô tận
Người ấy nơi các pháp
Thông tỏ được mọi tướng
Như biển không tăng giảm
Chẳng bao giờ cạn kiệt.
Nếu được Tam-muội ấy
Không theo nẻo kẻ khác
Nếu lúc nghe nhận pháp
Chẳng xem người khác thuyết.
Chư Thiên, Thần, Long vương
Dạ-xoa, Khẩn-đà-la
Cùng chúng Nhân phi nhân
Xem Bồ-tát thuyết giảng Đều nói:
“Làm sao trụ Làm sao để tu học?
Theo đâu được pháp ấy
Xin vì chúng tôi giảng?”
Trụ nơi Tam-muội đó
Rõ tâm sâu muôn loài
Cũng rõ nẻo tâm vui
Tùy nghi mà thuyết pháp.
Nay ta trong kinh ấy
Có nói về chư Phật
Do trụ Tam-muội đó
Nên thảy rõ tôn hiệu.
Cũng biết được chư Phật
Chỗ nói vô số pháp
Theo tâm duyên các niệm
Tức thì đều biết rõ.
Hết thảy chư Thế Tôn
Với mọi chúng đệ tử
Do trụ nơi Tam-muội
Nên thảy đều thấu đạt.
Rõ thế giới chư Phật
Đủ mọi vẻ trang nghiêm
Cũng rõ về thọ lượng
Đạt được Tam-muội ấy.
Rõ các kiếp, số năm
Cùng tháng ngày thời tiết
Trong mười phương thế giới
Chư Phật, Lưỡng Túc Tôn
Đều rõ chư Phật ấy
Cũng biết các cõi Phật
Và các Bậc Thế Tôn
Với từng ấy tôn hiệu.
Khéo tu Tam-muội đó
Nên thảy đều thông tỏ
Cũng rõ chư Thế Tôn
Với mọi chúng đệ tử
Vì chúng mà thuyết pháp
Thảy đều thông đạt tất
Nẻo hành hết thảy Phật
Cùng các pháp thâm diệu
Khéo học pháp Tam-muội
Nên thảy đều thông tỏ
Ở nơi đời vị lai
Vô lượng chư Thế Tôn
Tôn hiệu cùng chúng tánh
Thảy đều được thông đạt.
Cũng biết được thọ mạng
Cùng các chúng đệ tử
Các kinh pháp giảng thuyết
Thảy đều thông tỏ tất.
Rõ thế giới chư Phật
Với đủ vẻ trang nghiêm
Chư Phật diệt độ rồi
Thời gian chánh pháp trụ.
An trụ nơi Tam-muội
Thảy đều tỏ mọi sự
Nên kẻ cầu đa văn
Siêng tu Tam-muội ấy.
Thường tu Tam-muội ấy
Thấu đạt mọi diệu nghĩa
Nên biết Tam-muội đó
Cửa đầu vào trí Phật
Theo đấy chúng sinh khởi
Cũng sinh trí tuệ Phật.
Cũng từ đó sinh ra
Vô lượng các phước đức
Nếu có người phát tâm
Cầu Bồ-đề vô thượng
Cùng hết Phật quá khứ
Và các chúng đệ tử
Cúng dường mỗi mỗi Phật
Cùng với chúng đệ tử
Bỏ đầy khắp tam thiên
Đại thế giới châu báu
Đem từng ấy của báu
Đầy khắp trong một kiếp
Đều cúng dường như vậy
Chư Phật và Thánh chúng.
Ở trong đời vị lai
Với đủ chư Thế Tôn
Cũng đều dốc cúng dường
Cùng với chúng đệ tử.
Kiên Ý! Phải nên biết
Phước đức kẻ ấy được
Cầu pháp Phật vô thượng
Trí chẳng thể nghĩ bàn.
Nếu người cầu Phật đạo
Tu tập Tam-muội ấy
Từ pháp Tam-muội đó
Đa văn thêm thù thắng
Đã được đa văn rồi
Vì chúng sinh giảng khắp
Phước ấy vượt hơn kia
Chẳng thể lượng tính nổi.
Phước đó không hạn lượng
Giúp trí tuệ tăng trưởng
Nếu tu Tam-muội ấy
Khỏi phải cúng dường Phật.
Như đem các hương hoa
Y phục cùng thuốc men
Dùng cúng dường chư Phật
Chưa phải đúng cúng dường
Như Lai tọa đạo tràng
Chỗ đạt pháp vi diệu
Nếu người siêng tu học
Đó chính cúng dường Phật.
Nếu người cầu Phật đạo
Muốn được thấy chư Phật
Nên siêng tu pháp ấy
Chóng đạt pháp Tam-muội.
Như nghe Tam-muội ấy
Liền sinh tâm vui mừng
Nên biết chúng sinh đó
Từng thấy hàng ngàn Phật.

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo, cúng dường cho việc tôn tạo sửa sang tháp miếu của Như Lai, thì sẽ đạt được đầy đủ bốn nguyện lớn thanh tịnh. Những gì là bốn?

  1. Đó là có thể được thân sắc tịnh diệu bậc nhất.
  2. Thường được sinh ở nơi chốn không có các nạn, có thể kiên tâm thọ trì các pháp lành.
  3. Được thấy chư Phật, có được lòng tin dần dà phát triển không gì hủy hoại được.
  4. Sẽ đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, chuyển bánh xe chánh pháp thâm diệu.

Đó là bốn nguyện lớn thanh tịnh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Kẻ trí nên cúng dường
Tôn tạo tháp miếu Phật
Đủ cả nẻo Phật khen
Bốn thứ pháp tịnh lớn
Thường sinh chốn lìa nạn
Luôn có được chánh kiến
Luôn được thấy chư Phật
Thấy rồi tâm được tịnh
Đạt tâm tính vững chắc
Chẳng động như Tu-di
Tất đạt được trí Phật
Chóng chuyển pháp vô thượng.

 

Phẩm 35: DẶN DÒ, GIAO PHÓ

Lại nữa, này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu pháp Đại thừa, hoặc Phật còn tại thế hay sau khi diệt độ, dùng các chuỗi hoa Anh lạc hoặc dùng hương hoa dâng lên cúng dường, do từ nhân duyên ấy mà đạt được tám thứ phước đức đầy đủ. Đó là thân sắc đầy đủ, của cải vật dùng đầy đủ, quyến thuộc đầy đủ, giữ giới đầy đủ, thiền định đầy đủ, đa văn đầy đủ, trí tuệ đầy đủ và sở nguyện đầy đủ. Đấy là tám thứ phước đức đầy đủ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Như kẻ cầu Phật đạo
Cúng dường tháp miếu Phật
Đời đời được phước báo
Bồ-tát nên lắng nghe
Thường thân sắc đầy đủ
Kẻ thấy tâm được định
Phước đức của cải nhiều
Lại được quyến thuộc tốt.
An trụ nơi giới luật
Nên hội nhập thiền định
Được trí tuệ đa văn
Mênh mông như biển cả
Mọi sở nguyện thông đạt
Thảy đều được thành tựu
Bậc tôn quý trong đời
Phước điền tốt bậc nhất.
Do từ căn lành ấy
Được ba mươi hai tướng
Các tướng đều hiện rõ
Thân tướng luôn trang nghiêm
Nơi mỗi mỗi tướng đó
Các vẻ đẹp tô điểm.
Trong mỗi mỗi tướng ấy
Có tám mươi vẻ sáng
Nơi mỗi mỗi vẻ đó
Ánh sáng luôn trong suốt
Ở tám mươi vẻ đẹp
Cũng tỏa ra ánh sáng
Từ các nghiệp duyên lành
Cũng từ nguyện nên sinh
Theo các nguyện sai khác
Nên được tướng như thế
Đủ luân tướng rõ nét
Dùng vẻ đẹp trang nghiêm
Đủ phước đức thần lực
Người nên nhất tâm nghe
Ta nơi chân tay này
Tướng tốt tên Chiếu sáng
Ánh sáng tên Cực cao
An trụ ở trong ấy
Nên phóng khắp hào quang
Giống như ngọc đáng quý
Hào quang như vầng trăng
Ở nơi núi Tu-di
Có tướng tên Kiên tập
Tám mươi ức vẻ sáng
Mỗi vẻ đều mang tên
Cũng đều có sắc tỏa
Ta từ một nét sáng
Phát ngàn thứ quang sắc
Vây quanh khắp đại thiên
Phương hạ làm Phật sự
Ta nay nếu phóng khắp
Nẻo sáng của nghiệp lành
Thế giới hoặc lớn nhỏ
Hết thảy đều mờ mịt.
Hào quang ấy hiện vô lượng Phật
Đều đến khắp mười phương thế giới
Giáo hóa chúng sinh làm Phật sự
Những diệu lực thần thông như thế
Ta có pháp Tam-muội tỏa khắp
Dùng Tam-muội ấy thấy thế giới
Tam-muội ấy tên Tu-di tướng
Trong đó ánh sáng tên Thiện Pháp.
Có Tam-muội tên Thủ-lăng-nghiêm
Là tối thắng trong tất cả pháp
Dùng nhân tâm tịnh nên đạt được
Thông tỏ mười phương không ngăn ngại.
Có người thấy Phật hiện diệt độ
Hoặc được thấy Phật mới vào thai
Người được thấy sinh vô sở úy
Tâm ấy an tĩnh đi bảy bước
Hoặc có người thấy tọa đạo tràng
Cho ta nay vừa mới thành Phật
Lại có người thấy chuyển pháp luân
Hay thấy tu tập Bồ-tát đạo.
Các vị xem lực Tam-muội đó
Phật trụ trong ấy được tự tại
Có người biết ta số kiếp thọ
Hoặc biết được ta thọ nửa kiếp
Lại thấy ta thọ một tiểu kiếp
Hoặc hai ba bốn hay hơn thế
Hay thấy ta thọ một ức năm
Lại thấy nhiều hơn hay lại ít
Người ở cõi Diêm-phù-đề này
Biết ta thọ mạng tám mươi năm
Lại thấy ta thọ một ngày đêm
Hay người biết ta thọ lâu dài
Như có cõi tam thiên đại thiên
Cho ta thọ thiên một đêm ngày
Ta biết kẻ ấy tâm an lạc
Theo chỗ vui ấy mà thuyết pháp
Tùy chỗ thích ứng mà thị hiện
Mỗi mỗi tự cho là ta thuyết
Được thấy hoan hỷ sinh tin hiểu
Diệu lực thần thông Phật ít có
Như ta chỉ ông việc phải làm
Hết thảy phàm phu đều lầm dối
Mọi nẻo hành hóa của Như Lai
Các vị dù thấy cũng chẳng rõ
Bồ-tát như tỏ nẻo ta hành
Người ấy đủ sức chuyển pháp luân
Mọi kẻ thuyết pháp đem an lạc
Chẳng thể biết tận nẻo ta hành
Nếu chẳng thể biết nẻo Phổ trí
Người ấy chỗ thuyết thật nông cạn.
Nếu nghe pháp ấy tâm thoái chuyển
Ta do lẽ ấy nên không nói.
Nếu người biết rõ nẻo Phổ trí
Người ấy tâm không hề thoái chuyển
Rõ hết thảy pháp đều bình đẳng
Người ấy thuận theo nẻo ta hành.
Kiên Ý nên biết các kinh đó
Nơi đời về sau không người nhận
Chỉ trừ hội này tám Bồ-tát
Nay ở trước ta chắp tay đứng
Kiên Ý! Nên biết các vị ấy
Ắt rõ nẻo thâm diệu ta hành
Cũng là hội trước đứng đầu pháp
Luôn đốt sáng lòa đuốc Phật pháp
Thường dạy chúng sinh tâm Bồ-đề
Luôn vì chư Phật nẻo khen ngợi
Như nay đang đứng ở trước ta
Trước Phật quá khứ cũng như thế
Như hằng sa số chư Thế Tôn
Người ấy đều hiện đứng ở trước
Thời năm trăm người cùng đứng dậy
Chắp tay thưa rằng xin hộ pháp
Đều là hàng hộ pháp theo Phật
Kiên Ý! Ông cũng trong số ấy
Lại có tám mươi vị Bồ-tát
Đều nhằm dốc hộ trì Phật pháp
“Bạch Thế Tôn! Con ở đời sau
Thọ trì pháp Phật hành đúng nẻo
Trong đời đục loạn đầy xấu ác
Thuyết giảng rộng khắp pháp chủng ấy.”
Thế Tôn bèn lần lượt thọ ký
Liền vút lên không bảy Đa-la
Tám mươi ức người hết sức vui
Mỗi mỗi tự nghe được thọ ký.
Bấy giờ Phật bảo A-nan rằng:
“Ông trong đời xấu ác sau này
Thọ trì các kinh như thế chăng?”
Thưa rằng: “Thế Tôn! Con chẳng kham!”
Phật biết nên hỏi Đại Ca-diếp:
“Ông nên, sau khi ta diệt độ
Thọ trì các kinh như thế chăng?”
Thưa rằng: “Thế Tôn! Con chẳng kham!
Con năng nắm giữ cõi tam thiên
Cùng biển lớn nước và rừng núi
Mọi vật nặng nhẹ thảy giữ được
Chẳng thể đời ác hộ trì pháp
Đời nay Tỳ-kheo nhiều xấu kém
Chẳng theo giáo pháp của Thế Tôn
Huống chi Thế Tôn đã diệt độ!
Ai tin thọ nổi kinh diệu ấy?
Tất sẽ cho lời con nói thế
Tuổi cao già cả trí tuệ kém
Làm sao dẫn dạy nổi chúng tôi
Là hạng lợi căn thông tỏ nghĩa
Thế Tôn! Người xấu ác như vậy
Vui đời, ham đọc sách ngoại đạo
Lìa bỏ nẻo diệu lạc Thiền định
Thảy đều vui đắm nẻo thế sự.
Nhiều dục, khó đầy, không biết chán
Tham đắm vị ngon, cầu lợi dưỡng
Con chẳng thể cứu kẻ ác đó
Trông thấy con càng thêm ưu não
Con lúc ở nơi riêng vắng lặng
Thích Phạm Chư Thiên đến nói rằng:
“Thế Tôn! Con thuyết pháp như thế
Khiến nhiều chúng sinh trụ đạo Thánh
Có bao Tỳ-kheo đạt vô lậu
Cùng được thần thông đến bờ giác.”
Con được nghe vậy tâm vui vẻ
Nên đáp lời rằng nào đủ lạ!
Nơi đời ác sau, Thích Phạm thiên
Lại đến chỗ con than khóc rằng:
“Đại đức nên biết Phật pháp hoại!”
Con được nghe vậy càng ưu não!
Chẳng thể nói rộng duyên tội ấy
Cũng lại chẳng thể giữ kinh đó.
Cũng chẳng thể làm cho sáng tỏ
Tỳ-kheo đời ác khó trao lời
Thời chư Thiên, Thần đều than khóc!”
Bấy giờ Phật nói với Ca-diếp:
“Ta cũng biết trước ông chẳng thể
Thọ trì, ủng hộ pháp chủng ta
Chư Thanh văn đệ tử của ta
Không thể thọ trì kinh như vậy
Chỉ chư Bồ-tát nương lực Phật
Mới thọ trì được pháp diệu này.
Nơi đời ác sau hoặc sinh nghi
Ta nay sẽ dứt người lầm đó
Kinh này do đâu trước lại không
Chỉ do Tỳ-kheo ấy tạo tác
Hoặc thấy kinh này nhiều vô lượng
Vì đọc tụng nên tâm kinh sợ:
Kinh ấy rộng lớn nhiều tán loạn
Ai người đọc tụng được rốt ráo!
Nếu người nay thấy ông hỏi ta
Cùng nghe ta nay vì ông nói
Người ấy nơi đời thậm ác sau
Được nghe kinh này liền hoan hỷ.”
Lúc Phật thuyết về việc hộ pháp
Vô lượng chúng phát tâm Bồ-đề
Những chúng sinh ấy đều nghĩ rằng:
“Ta ở đời sau nghe pháp này
Cũng dốc cúng dường chư Thế Tôn
Nhất tâm cầu tìm trí tuệ Phật
Cúng dường xá-lợi cùng tháp miếu
Tôn tạo tu sửa các hình tượng.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan liền đứng dậy, vắt một vạt y để trần vai bên phải, đầu gối bên phải chạm sát đất, chắp tay cung kính thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Kinh này sẽ được gọi tên là gì và làm thế nào để thọ trì?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Kinh này tên là Thâu Nhiếp Các Căn Lành, cũng gọi là Chốn Nương Tựa Của Phước Đức, Khích Lệ Tâm Các Vị Bồ-tát, Chỗ Hỏi Của Bồ-tát, cũng có tên là Dứt Trừ Tất Cả Mọi Mối Nghi Của Chúng Sinh, nên theo đúng những ý nghĩa ấy mà thọ trì.

Đức Phật nói kinh này xong, Tuệ mạng A-nan, Bồ-tát Kiên Ý, chư Thiên, Long, Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Nhân phi nhân cùng với hết thảy đại chúng đều hết sức hoan hỷ tin thọ lời Phật dạy.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10