KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 1
Phẩm 1: MỞ ĐẦU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành Vương xá. Nơi ấy là chốn thanh vắng, tịch tĩnh, thuận tiện cho công việc tu tập, xa lìa phiền não, cũng là nơi an trụ thích hợp để Đức Thế Tôn thực hiện các pháp định về Không, Vô tướng, Vô nguyện.
Lúc này, đã quá trưa, Tôn giả Tuệ mạng Xá-lợi-phất liền ra khỏi cảnh giới thiền định, đi đến chỗ Phật, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra ngồi một bên. Các vị Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-chiên-diên, Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Kiếp-tân-na, Ma-ha Quân-đà, Tu-bồ-đề, Ma-ha La-xà-ba-kỳ-xá, Nan-đà, Nan-đề-già Bạt-nan-đà, A-nan, Kim-tỳ-la, Na-la-đà Bà-tư-sá, Ma-hê-la, Ưu-baly… các bậc Tỳ-kheo như vậy có đến năm trăm vị. Vào lúc quá trưa, thảy đều xuất định, cùng đi tới chỗ Đức Phật, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra, theo thứ tự ngồi qua một bên.
Cùng lúc, lại có các vị Tỳ-kheo Danh Văn, Tỳ-kheo Hộ Quốc, Tỳ-kheo Thiên Kính, Tỳ-kheo Lạc Danh Văn, Tỳ-kheo Lạc Chúng, Tỳ-kheo Lạc Dục… các vị Tỳ-kheo như thế có đến năm trăm người đều thực hiện xong công việc an cư kiết hạ ở nước Xá-vệ, lên đường đi tới thành Vương xá, đến vườn trúc chỗ Đức Phật, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra ngồi một bên.
Lúc bấy giờ Bồ-tát Di-lặc cùng với ba vạn vị Bồ-tát đã hoàn tất công việc an cư kiết hạ ở nước Chiêm-bà nên cùng trở về vườn trúc, chỗ Đức Phật, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra ngồi một bên. Các vị Bồ-tát như Bồ-tát Bạt-đà-bà-la, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Tinh Đắc, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Nhân-đà-đạt, Bồtát Thủy Thiên, Bồ-tát Phạm Thiên, Bồ-tát Thiện Lực, Bồ-tát Đại Ý, Bồ-tát Thắng Ý, Bồ-tát Tăng Ý, Bồ-tát Bất Hư Kiến, Bồ-tát Thiện Phát, Bồ-tát Đại Lực, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Nhât Tạng, Bồ-tát Trì Thế, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Trì Cam Lộ Vị, Bồ-tát Thiện Trụ Ý, Bồ-tát Vô Lượng Ý, Bồ-tát Kiên Ý, Bồ-tát Việt Tam Giới, Bồ-tát Vô Biên Lực, Bồ-tát Vô Lượng Lực, Bồ-tát Kim Cang Lực, Bồ-tát Vô Đẳng Lực, Bồ-tát Vô Động Lực, Bồ-tát Tật Biện, Bồ-tát Lợi Biện, Bồ-tát Thâm Biện, Bồ-tát Vô Biên Biện, Bồtát Vô Lượng Biện, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi, Pháp vương tử Hoa Đức Tạng, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, Bồ-tát Bảo Thủ, Bồ-tát Trì Bảo, Bồ-tát Chuyển Vô Lượng Kiếp Trang Nghiêm, Bồ-tát Chuyển Nữ Tướng Nguyện, Bồ-tát Chuyển Nam Tướng Nguyện, Bồ-tát Chuyển Chúng Sinh Tướng Nguyện, Bồ-tát Vô Biên Tự Tại, Bồ-tát Vô Lượng Tự Tại, Bồ-tát Hoại Tự Sinh Duyên Tự Tại,… các vị Bồ-tát ấy đều có thể tùy thuận theo vô lượng chúng sinh mà thể hiện các hạnh nguyện nhằm độ thoát họ. Mỗi vị đều ở nơi trú xứ của mình hoàn tất công việc an cư kiết hạ, đi dạo qua nhiều nước, cùng gặp nhau ở giữa đường và đều đến nơi chỗ Phật, cung kính đảnh lễ rồi lui ra ngồi một bên.
Khi ấy, Đức Thế Tôn biết rõ là các chúng đệ tử thảy đều vân tập đến chỗ mình nên dùng diệu lực thần thông khiến cho các vị Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, từng ở lâu nơi nước Ma-giàđà, đều cùng đi tới vườn Trúc, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật và lui ra ngồi một phía.
Bấy giờ Trưởng lão Đại Ca-diếp đang ở nơi núi Vi-đề-ha, trong hang đá Đế Thích, cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo dừng nghỉ ở đấy.
Các vị đều tu hạnh Đầu-đà, mặc nạp y, khất thực, luôn vâng giữ pháp ngồi xếp bằng bên những gốc cây, ít ham muốn, biết đủ, vui với hạnh xa lìa mọi thứ phiền não trói buộc. Lúc này, Trưởng lão Đại Ca-diếp, do thần lực của Đức Phật nên hốt nhiên rời khỏi hang đá mà hiện ra ở vườn trúc, đi đến chỗ Đức Phật. Đức Thế Tôn từ xa trông thấy bèn nói với các vị Tỳ-kheo rằng:
–Các vị hãy xem kia! Đó là Trưởng lão Đại Ca-diếp đã từ chỗ ấy đến đây. Trưởng lão đó thường tu theo hạnh thanh tịnh tịch tĩnh, mặc nạp y khất thực, luôn dùng ba loại y thô xấu, thường ở những nơi chốn xa xôi hẻo lánh, ít ham muốn, biết đủ, an vui với hạnh xa lìa. Đối với tất cả các pháp, tâm không vướng mắc, đức hạnh của bậc Thanh văn thảy đều gồm đủ. Về hạnh Đầu-đà ấy, trong hàng đệ tử của ta không ai có thể bằng Trưởng lão Đại Ca-diếp. Các vị nên biết! Trưởng lão Đại Ca-diếp ấy hãy còn không thích cùng với chư Thiên nói năng bàn luận, huống chi là đối với con người.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngay từ xa đã bảo Trưởng lão Đại Cadiếp rằng:
–Hãy lại đây, Trưởng lão Đại Ca-diếp! Lâu lắm rồi mới được gặp nhau. Trưởng lão hãy đến ngồi vào nửa tòa của Như Lai đây này!
Lúc Đức Phật nhích người ra thì cả đại thiên thế giới đều hiện đủ sáu cách chấn động, có vầng ánh sáng lớn chiếu tỏa khắp các cõi cùng với âm thanh nghe vang khắp nơi như tiếng chuông vàng được gióng lên. Trưởng lão Đại Ca-diếp liền vắt một vạt y, để trần vai bên phải, đầu gối phải chạm sát đất, quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa Đức Thế Tôn:
–Phật là Bậc Đại Sư, con là hàng đệ tử. Sở hữu của Phật là y, bát và chỗ ngồi. Là đệ tử theo đúng pháp tất không được thọ dụng. Vì sao? Bởi rằng y của Đức Như Lai đã được hết thảy chư Thiên và mọi người trong thế gian cúng dường, cung kính hết mực như đối với tháp miếu của tổ tông vậy. Con từ trước theo Phật, được nhận y Tăng-già-lê, luôn cung kính tôn trọng, chưa dám mặc. Từ đấy trở đi, con không hề dấy sinh cảm giác về tham dục, về giận dữ, hay về buồn phiền. Cũng không sinh những thứ lửa về ham muốn, giận dữ, si mê để tự thiêu đốt những phiền não của mình.
Kính bạch Thế Tôn! Con xin tỏ bày những lời thâm thiết nhất. Từ lúc được dự vào hàng đệ tử tu học, con nhận được tấm y của Đức Thế Tôn, do luôn dốc lòng kính lễ, tôn quý mà liền được quả vị Ala-hán. Con vì thuận theo lời Phật dạy mà nhận tấm y của Đức Như Lai, nhưng thật tình là không dám dấy tâm cao thấp, chỉ dùng tay để cầm nắm giữ gìn chứ thân chưa hề được gần gũi. Nếu tay chưa được rửa sạch thì cũng không dám cầm lấy, lẽ đâu dám khinh mạn mà dùng làm gối lót đầu sao! Tấm y đó luôn ở bên mình con, chưa từng xa lìa, con giữ gìn nó quý kính như đối với xá-lợi vậy. Phật đã cho con tấm y ấy và con không dám mặc, từ khi được giữ gìn tấm y, tâm con luôn nhớ nghĩ đến Phật, chỉ trừ những khi nhập định. Những lúc nhập định ấy, không còn có hình tướng của bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong. Cũng không có hình tướng của đời này hay đời sau. Đối với các sở hữu về nghe, thấy, tiếp xúc nhận biết ở đấy đều là sự biến chuyển của tâm, trong đó không có tưởng, cũng không vô tưởng.
Bạch Thế Tôn! Các hành vô tưởng và định vô tưởng luôn vượt qua các hành tưởng, vượt qua các định tưởng cùng nhiều hành tưởng. Con ở trong cảnh giới ấy không còn thấy có sự phân biệt giữa hàng tu học và hàng đã chứng quả; không còn thấy Như Lai hay pháp của Như Lai, cũng như hạnh của Như Lai. Ví như hư không có vô vàn tên gọi và gọi là hư không, hư dối, không chắc chắn, cũng không thực có. Không bám giữ, không lìa bỏ, không tranh cãi, không thọ nhận. Lại có tên là như thật, cũng được gọi là thanh tịnh. Nó không sắc, không hình, không thể thấy được. Tuy dùng bao nhiêu là tên chữ như thế để gọi, như tên chữ Hư không mà hình tướng của hư không thì chẳng có thể nêu bày được. Hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc cao, hoặc thấp, có biên vực hay không biên vực.
Kính bạch Thế Tôn! Trí tuệ của bậc Thánh gọi là có thể thông tỏ hết thảy, nhưng trí tuệ bậc Thánh ấy cũng không thể thông tỏ hết thảy mọi giới vực số lượng của hư không với từng ấy hình sắc cùng mọi hình tướng duyên hợp như thế.
Kính bạch Thế Tôn! Như Lai cũng vậy. Hoặc tôn xưng là Phật
hay Bậc Đại Sư, lại tôn xưng là Thế Tôn, là ngọn đuốc ngọn đèn soi sáng, là chỗ để quay về, để cứu độ, là chốn nghỉ ngơi của thế gian, là bậc đem ánh sáng soi tỏ khắp chốn, là bậc dẫn đường dẫn dắt mọi loài, là bậc trị lành các bệnh của chúng sinh, là bậc khai thị, giảng dạy về đạo giác ngộ, là bậc đã đạt tới cứu cánh của mọi nẻo đường, là bậc có được Nhất thiết trí. Có thể dùng rất nhiều ngôn từ giả danh của thế tục như vậy để xưng tán Như Lai. Con ở trong cảnh giới ấy không còn thấy có các pháp, không nhận, không được. Vì sao như thế? Vì hết thảy các pháp tự nó vốn là không. Ví như nhà ảo thuật huyễn tạo ra phép quán đảnh cho bậc Chuyển luân thánh vương, có đầy đủ bốn thứ binh chủng, bảy món châu báu, dạo khắp bốn cõi thiên hạ. Nhưng dân chúng ở đấy nhận thấy có vô số sự khác nhau về hình tướng cũng như ngần ấy ngôn ngữ, âm thanh.
Kính bạch Thế Tôn! Vị Chuyển luân vương ấy chẳng suy nghĩ rằng: “Ta là bậc tôn quý thống lĩnh bốn thứ binh chủng, cai quản cả bốn châu thiên hạ.” Còn bốn thứ binh chủng kia thì cũng lại không nghĩ là: “Vua là bậc chủ của ta, ta phải tuân theo.” Tuy có chỗ làm mà không tâm niệm.
Kính bạch Thế Tôn! Hình tướng của các pháp ấy cũng là như thế. Không có Như Lai, cũng không có hàng Thanh văn hoặc còn tu học hay đã chứng quả. Không có Bích-chi-phật cũng như không phàm phu.
Kính bạch Thế Tôn! Trong hình tướng của các pháp ấy, hoặc các pháp của Như Lai, cùng với hình tướng của Như Lai thảy đều không thể đạt được, cũng không thể thông tỏ, không được chấp giữ. Pháp của Bích-chi-phật, hình tướng của Bích-chi-phật cũng như pháp và hình tướng của Thanh văn, tâm pháp và nhân tướng của phàm phu đều không có thể đạt được, cũng không thể biết rõ, không được chấp giữ. Ở trong hình tướng của các pháp ấy, sắc tướng và sắc pháp đều không thể đạt được, không biết rõ, không nắm giữ. Bốn tuần: thọ, tưởng, hành, thức cũng như thức pháp, thức tướng cũng không thể đạt được, không biết rõ, không nắm giữ.
Kính bạch Thế Tôn! Lại nữa, ở trong hình tướng của các pháp ấy, chỗ gọi là sắc–không chính là do các sắc vốn là không. Mà cái nơi chốn của sắc–không ấy đều không có thể đạt được. Thọ, tưởng, hành, thức là không, do chúng vốn là không. Mà nơi chốn của thứckhông ấy cũng không có thể đạt được.
Kính bạch Thế Tôn! Ở trong hình tướng của các pháp ấy gọi là “Như Lai Không”, chính vì chúng vốn là không, cho đến nơi chốn không ấy cũng đều không thể đạt được. Kể cả phàm phu, phàm phu pháp không là do chúng vốn là không, cho đến nơi chốn không đó cũng đều không thể đạt được. Giống như cảnh huyễn hóa về bậc Chuyển luân thánh vương cùng bốn thứ binh chủng, kỳ thật trong ấy không có Chuyển luân thánh vương, không có bốn thứ binh chủng, không có việc tạo tác từ huyễn ảo, không có địa và địa chủng, không có thủy, hỏa, phong cũng như thủy chủng, hỏa chủng và phong chủng. Không có thức về hư không và thức chủng về hư không.
Kính bạch Thế Tôn! Con quán tưởng các pháp thảy đều cũng như thế. Con từ trước đến nay chưa từng vướng chấp vào các pháp, ở trong các pháp ấy cũng không có sự phân biệt. Con chỉ dùng pháp ấy để nhớ nghĩ đến công đức của Phật, đó gọi là chánh đạo.
Kính bạch Thế Tôn! Nếu như thiện nam, thiện nữ nào, đối với đạo như vậy mà thực hiện các pháp kia, thuận theo lời thầy, kính tin theo giáo pháp, tức là có được chánh kiến nên không còn bị lệ thuộc vào sinh tử.
Kính bạch Thế Tôn! Con đối với pháp ấy không còn có chỗ nghi ngờ. Con đã hội nhập vào nẻo ấy và thông tỏ hết thảy các pháp đều cùng một tướng. Chỗ gọi là “ly tướng” tức không có nơi chốn nhận lấy các tướng. Con đang an trụ ở trong hang đá Đế Thích, vâng theo lời dạy của Thế Tôn nên đi đến vườn Trúc này, muốn đối với Phật pháp xin được bày tỏ chỗ nghi vấn. Mà nay được Đức Như Lai thương tưởng chỉ dạy chia cho chỗ ngồi, khiến cho đại thiên thế giới hiện đủ sáu thứ chấn động. Nên con xin thưa rằng: Như Lai đúng là bậc hy hữu, đã thành tựu được pháp lớn lao thâm diệu thanh tịnh, đã tự mình không đi theo con đường của những người đi trước mà giác ngộ được pháp vô thượng, an trụ nơi cõi từ bi rộng lớn mà bẻ gãy mọi thứ dấy khởi của kiêu mạn. Hôm nay lại thể hiện lòng thương tưởng đối với đệ tử mà chia cho chỗ ngồi. Như một người nghèo hèn đem tâm tôn kính khi được gặp vị Chuyển luân vương, lúc vị Chuyển luân vương ấy bảo mình cùng ngồi chung, và người nghèo hèn đó sinh tâm hy hữu. Đối với con, được gặp vị Thánh vương hãy còn là điều khó khăn, huống chi lại được chia cho chỗ ngồi để cùng ngồi! Phật cũng như vậy. Là bậc có được Nhất thiết trí với uy đức lớn lao, là bậc Pháp vương không thầy tự mình đạt đến giác ngộ. Hết thảy các hành Thanh văn cùng Bích-chi-phật không ai có thể hơn được, huống chi là trong thế gian, tất cả trời người, A-tula lại có thể sánh bằng? Con nay được gặp gỡ, gần gũi, hỏi han… đã là điều lợi ích lớn rồi, huống chi lại còn thấy có lời bảo ban, chia chỗ ngồi để cùng ngồi? Thật là hết sức hy hữu! Con có suy nghĩ như thế này: “Như Lai là bậc thể hiện đầy đủ, sâu rộng của tâm đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, không hề kiêu căng cao ngạo tự cho mình là đấng tối tôn, hơn hết trong thế gian. Công đức lớn lao của Như Lai cứ tự hiển hiện. Đó gọi là tính chất “Bất cộng” đối với tất cả các hàng Thanh văn, Bích-chi-phật vậy.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn khen ngợi Trưởng lão Đại Ca-diếp rằng:
–Lành thay! Lành thay! Như chỗ Trưởng lão đã bày tỏ, Như Lai là bậc Vô lượng vì đã thành tựu được các pháp lớn vô lượng, gọi là không thể lường tính được. Như về lãnh vực bố thí là Bố thí ba-lamật, trì giới là Giới ba-la-mật, nhẫn nhục là Nhẫn ba-la-mật, tinh tấn là Tinh tấn ba-la-mật, thiền định là Thiền định ba-la-mật, trí tuệ là Trí tuệ ba-la-mật. Về các pháp Tam-muội cũng là Tam-muội ba-lamật. Về công đức cũng là Công đức ba-la-mật. Về hạnh nguyện cũng là Hạnh nguyện ba-la-mật. Về phương tiện cũng là Phương tiện bala-mật. Về giải thoát cũng là Giải thoát ba-la-mật.
Này Trưởng lão Đại Ca-diếp! Như Lai đã thành tựu bốn thứ trí tuệ không gì sánh bằng, nên đối với đại chúng, lời nói của Như Lai chính là tiếng rống của sư tử.
Những gì gọi là bốn thứ không gì sánh bằng. Đó là:
- Giới phẩm không gì sánh bằng.
- Định phẩm không gì sánh bằng.
- Tuệ phẩm không gì sánh bằng.
- Phật pháp không gì sánh bằng.
Đấy gọi là bốn thứ trí tuệ không gì sánh bằng của Như Lai.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn làm rõ những ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:
Trí chư Phật tột bực
Đời khó thể nghĩ bàn
Nẻo tâm luôn thanh tịnh
Chính tiếng rống Sư tử.
Tạo nên tiếng rống ấy
Chúng ngoại đạo kinh sợ
Nghe pháp Phật thâm diệu
Ắt rơi xuống hầm sâu.
Nếu kẻ chấp tướng ngã
Cùng chấp tướng chúng sinh
Kẻ ấy đối Phật pháp
Ta nói là ngoại đạo.
Nếu người bám tướng pháp
Bám tướng ngã, ngã sở
Người ấy đối Phật pháp
Ta nói là ngoại đạo.
Nếu kẻ tham vướng giới
Cùng mọi thứ công đức
Cậy biết nhiều, khinh mạn
Ta nói là ngoại đạo.
Nếu người chấp ít dục
Biết đủ, hạnh xa lìa
Cùng nạp y thô xấu
Ta nói là ngoại đạo.
Như cõi không vô ngại
Bụi bặm chẳng thể bám
Ta nói pháp Sa-môn
Dứt nhiễm cũng như thế.
Như người đem hoa đẹp
Hương xoa cùng hương đốt
Cúng dường nơi hư không
Hư không chẳng sinh vui.
Như đem bụi bặm nhiễm
Tánh hư không chẳng ố.
Do bản tánh vốn tịnh
Pháp Sa-môn cũng vậy.
Như miệng nêu lời ác
Hư không nào giận dữ
Pháp Sa-môn dứt nhiễm
So sánh cũng như thế.
Nếu người đối pháp ấy
Đã học, nay đang học
Tâm ý không tham vướng
Đó đúng bậc Sa-môn.
Như cõi không vô ngại
Bụi bặm nào nhiễm được
Pháp Sa-môn như vậy
Gốc tịnh không biến đổi.
Như trăng nơi không trung
Ánh sáng tỏa chiếu khắp
Mọi niệm không dấy khởi
Nẻo sáng ta tỏa rực
Tỳ-kheo vào nhà người
Tám pháp đời chẳng nhiễm
Cũng như trăng dứt niệm
Ta cũng luôn dứt nhiễm.
Tỳ-kheo vào nhà người
Chẳng nên dấy kiêu mạn
Tâm cũng chẳng cao ngạo
Nếu sinh đều nên diệt.
Nên đem tâm Từ bi
Dứt dục, không tham cầu
Nói pháp tạo lợi ích
Sống tịnh nơi cõi đời.