KINH DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG THẤT PHẬT BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh, chùa Phật quang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN THƯỢNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật đi hóa độ ở các nước, đến thành Quảng nghiêm, dừng lại dưới cây Nhạc âm, cùng với tám ngàn vị đại Tỳkheo, ba vạn sáu ngàn vị Đại Bồ-tát như: Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi, Bồtát Quán Tự Tại, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Thiện Hiện, Bồ-tát Đại Tuệ, Bồ-tát Minh Tuệ, Bồ-tát Sơn Phong, Bồ-tát Biện Phong, Bồ-tát Trì Diệu Cao Phong, Bồ-tát Bất Không Siêu Việt, Bồ-tát Vi Diệu Âm, Bồ-tát Thường Tư Duy, Bồ-tát Chấp Kim Cang… các vị Đại Bồ-tát như vậy làm thượng thủ, cùng với các quốc vương, đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, tám bộ chúng trời, rồng… người và phi nhân… hội đủ, vô lượng đại chúng cung kính vây quanh để nghe Phật thuyết pháp. Văn tự và ý nghĩa nơi pháp ấy ban đầu, chặng giữa và kết thúc đều khéo léo, vi diệu, hoàn toàn thanh tịnh, đầy đủ tướng phạm hạnh trong sáng, giáo hóa khiến được lợi ích, hoan hỷ và làm cho tất cả đều đầy đủ hạnh nguyện vi diệu, đạt đến đại Bồ-đề.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Pháp vương tử Mạn-thù-thất-lợi nương nơi oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay, có vô lượng đại chúng trời, người… vì muốn nghe pháp nên đều đã vân tập. Chỉ có chư Phật Thế Tôn mới biết rõ được chư Phật ở các cõi nước từ lúc mới phát tâm cho đến nay, trải qua vô lượng kiếp nhiều như cát bụi. Cúi xin Đức Như Lai vì chúng con và chúng sinh thời tượng pháp ở đời vị lai mà thể hiện tâm Từ bi, diễn nói tướng sai biệt về danh hiệu, bản nguyện, công đức, cõi nước trang nghiêm và phương tiện thien xảo của chư Phật, khiến cho người được nghe tiêu trừ nghiệp chướng, cho đến không thoái chuyển nơi đạo Bồ-đề.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
–Lành thay! Lành thay! Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lơi! Ông có tâm Từ bi rộng lớn, thương xót, nhớ nghĩ đến chúng sinh với vô lượng nghiệp chướng, các thứ bệnh tật, lo buồn, khổ não, muốn cho họ được an lạc nên thỉnh cầu Như Lai giảng nói về danh hiệu, bản nguyện, công đức và cõi nước trang nghiêm của chư Phật, nhờ năng lực, oai thần của Như Lai nên khiến ông thưa hỏi về điều này. Nay, ông hãy lắng nghe và khéo tư duy, Như Lai sẽ giảng nói.
Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Như Lai giảng nói, chúng con xin lãnh hội.
Đức Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
–Về phương Đông, cách đây bằng số cõi Phật nhiều như số cát trong bốn sông Hằng, có thế giới tên là Quang thắng, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Cát Tường Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy có vô lượng ức chúng Bồ-tát không thoái chuyển vây quanh, an tọa trên tòa sư tử trang nghiêm bằng bảy báu thù thắng, đẹp đẽ, hiện đang thuyết pháp.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Cõi nước của Đức Phật ấy trang nghiêm thanh tịnh, rộng lớn hàng trăm ngàn do-tuần, dùng vàng chiêm bộ làm đất, bằng phẳng, mềm mại, không khí thơm như hương cõi trời, không có các cõi ác và tên người nữ, cũng không có ngói, sỏi, cát, đá, gai gốc; cây báu thẳng hàng, hoa qua sum suê, có nhiều ao tắm đều dùng vàng, bạc, trân châu và các loại báu làm thềm.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Chư Bồ-tát ở cõi nước ấy đều từ hoa sen bảy báu hóa sinh. Do đó, thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, đều nên nguyện sinh về cõi nước của Đức Phật ấy.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đức Phật ấy từ lúc mới phát tâm đến khi thực hành đạo Bồ-tát, đã phát tám nguyện lớn. Những gì là tám?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, nếu có chúng sinh bị các bệnh tật bức bách thân thể như: bệnh nóng sốt, các thứ độc hại, yêu quái khởi lên, hoặc ma chết… quấy nhiễu, mà có thể chí tâm xướng lên danh hiệu tôi, thì nhờ thần lực này, các bệnh khổ của người ấy đều được tiêu trừ, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, có chúng sinh nào bị các bệnh khốn khổ như: đui, điếc, câm, ngọng, bệnh hủi, điên cuồng…; nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu tôi, thì nhờ thần lực này, người ấy được các căn đầy đủ, các bệnh đều tiêu trừ, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, có chúng sinh nào bị tham, sân, si trói buộc, tạo tội vô gián và làm các việc ác, chê bai chánh pháp, không tu các pháp thiện, sẽ bị đọa vào địa ngục, chịu nhiều khổ sở; nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu tôi, thì nhờ diệu lực này, khiến cho tội vô gián và các nghiệp chướng của người ấy đều được tiêu diệt, không có chúng sinh nào bị đọa vào đường ác, thường được sinh ở cõi trời, người thù thắng, an lạc, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, có chúng sinh nào thiếu thon về y phục, thực phẩm, chuỗi ngọc, giường chiếu, tài sản, châu báu, hương hoa và âm nhạc…; nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu tôi, thì nhờ thần lực này, người ấy không còn thiếu thốn, tất cả của cải đều đầy đủ, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ năm: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, có chúng sinh nào bị gông cùm xiềng xích, bị hình phạt về roi vọt, chịu các khổ não, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu tôi, thì nhờ năng lực này, người ấy liền được thoát khỏi các khổ đau, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ sáu: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, có chúng sinh nào ở chỗ nguy hiểm, hoạn nạn, bị các loài thú dữ như: gấu, sư tử, hổ, báo, chó sói, rắn độc, bò cạp… làm hại, hoặc muốn giết người ấy nên rống lên tiếng lớn, hoặc khi chịu các khổ đau, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu tôi, thì nhờ năng lực này, người ấy liền được thoát khỏi sự sợ hãi, các thú dữ đều khởi tâm Từ, người ấy thường được an lạc, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ bảy: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, có chúng sinh nào do tranh cãi, kiện tụng mà dấy khởi phiền não, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu tôi, thì nhờ năng lực này, mọi tranh cãi, kiện tụng đều được dứt hẳn, cùng hướng về tâm Từ, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tám: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, có chúng sinh nào đi trên sông, biển gặp bão ập đến, nhưng ghe thuyền của họ không thể cập vào bến bãi, nên họ rất kinh sợ, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu tôi, thì nhờ năng lực này, tùy theo tâm nguyện của người ấy, ghe thuyền liền được đến nơi an ổn, nên người ấy rất vui mừng, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đó là tám nguyện lớn vi diệu mà Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác ấy đã phát nguyện khi Ngài còn thực hành đạo Bồ-tát. Lại nữa, Đức Thế Tôn ấy, từ lúc mới phát tâm, đã thường dùng định lực để giáo hóa chúng sinh, cúng dường chư Phật, làm trang nghiêm các cõi Phật. Hàng Bồ-tát quyến thuộc của Ngài thảy đều đầy đủ, phước đức của các vị không thể nghĩ bàn, tất cả hàng Thanh văn và các bậc Độc giác, dù trải qua nhiều kiếp cũng không thể nói hết được, chỉ trừ Bồ-tát bổ xứ thành Phật.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin, hoặc vua, đại thần, trưởng giả, cư sĩ… mà có tâm mong cầu phước đức, đoạn trừ các phiền não, nên xướng lên danh hiệu của Đức Phật ấy, đọc tụng kinh điển này, hoặc luôn chí tâm tôn trọng, cung kính cúng dường Đức Như Lai kia thì hết thảy tội ac, nghiệp chướng và các bệnh tật của người ấy đều được tiêu diệt, mong cầu điều gì thì đều được như ý, tâm không hề thoái chuyển, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số cõi Phật nhiều như số cát trong năm sông Hằng, có thế giới tên là Diệu bảo, Đức Phật hiệu là Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… có vô lượng ức Bồ-tát vây quanh, hiện đang thuyết pháp. Ngài đều giảng nói về ý nghĩa sâu xa vi diệu của pháp Đại thừa.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đức Phật ấy, từ lúc mới phát tâm cho đến khi thực hành đạo Bồ-tát, đã phát tám nguyện lớn. Những gì là tám?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào làm kinh doanh, nghề nông hoặc buôn bán… khiến tâm bị loạn động, không the tu theo đạo giải thoát và pháp thiện thù thắng, đối với sinh tử không thể nào thoát khỏi, lúc nào cũng chịu khốn khổ không cùng tận, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu của tôi, thì nhờ năng lực này, các thứ y phục, thực phẩm, vật dụng cần thiết cho đến vàng, bạc, châu báu… tùy theo ý nguyện của người ấy đều được đầy đủ, những căn lành của người ấy đều được tăng trưởng, không hề bỏ tâm Bồ-đề, được thoát khỏi tất cả các sự khổ nơi đường ác, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, nếu chúng sinh ở các thế giới khắp mười phương bị lạnh, nóng, đói khát giày vò, chịu nhiều khổ sở, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu của tôi, thì nhờ thần lực này, những nghiệp ác đời trước của người ấy đều được tiêu diệt, không còn khổ đau, hưởng an lạc của trời, người, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, trong các thế giới khắp mười phương, có người nữ nào bị tham lam, dâm dục, phiền não che lấp tâm trí, lúc mang thai thì nhàm chán điều ác, lúc sắp sinh chịu nhiều khổ đau, nếu được nghe danh hiệu của tôi hoặc chí tâm nhớ nghĩ đến, thì nhờ năng lực này, các sự khốn khổ của người ấy đều được tiêu trừ, bỏ thân này rồi, thường được làm thân người nam, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào cùng với cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, quyến thuộc và bạn bè đi vào nơi nguy hiểm, bị giặc làm hại, chịu mọi khốn khổ, nếu được tạm nghe danh hiệu của tôi hoặc nhớ nghĩ đến, thì nhờ thần lực này, họ được thoát khỏi tai nạn, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ năm: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào đi trong đêm tối, tạo tác các nghiệp, bị quỷ thần ác quấy nhiễu nên rất lo buồn, khổ sở, nếu được tạm nghe danh hiệu của tôi hoặc nhớ nghĩ đến, thì nhờ thần lực này, người ấy từ đêm tối gặp được anh sáng, khiến các quỷ thần ác khởi tâm Từ, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ sáu: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào làm các điều ác, không tin Tam bảo, trí tuệ kém cỏi, không tu pháp thiện, không tu tập theo các căn, lực, giác chi, Thánh đạo, niệm, định và tổng trì…, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu của tôi, thì nhờ năng lực này, trí tuệ của người ấy dần dần được tăng trưởng, có thể tu tập theo ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tin sâu xa đối với ba ngôi Tam bảo, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ bảy: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào thích sự thap kém, tu tập theo đạo của hàng Nhị thừa, quay lưng với đạo Bồ-đề vô thượng thắng diệu, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu của tôi, thì được bỏ kiến chấp đối với Nhị thừa, không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng giác, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tám: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào gặp kiếp sắp hoại, khi nạn lửa sắp phát khởi nên rất lo sợ, buồn khổ, khóc than, do sức nơi nghiệp ác đời trước của người ấy nên mới chịu các khổ sở, không có chốn nương tựa, nếu có thể chí tâm xướng lên danh hiệu của tôi, thì mọi lo buồn, khốn khổ của người ấy đều được tiêu diệt, được an lạc, mát mẻ. Sau khi lâm chung, người ấy được sinh vào cõi nước của tôi, hóa sinh từ hoa sen, thường tu pháp thiện, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đó là tám nguyện lớn vi diệu của Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác ấy đã phát nguyện khi còn thực hành đạo Bồ-tát. Lại nữa, cõi Phật mà Đức Như Lai ấy cư trú rộng lớn, trang nghiêm, thanh tịnh, đất bằng phẳng như lòng bàn tay, cây thơm quý báu cõi trời xếp thẳng hàng, hoa trời rải khắp, nhạc trời trổi vang, các linh đẹp cõi trời treo khắp nơi, tòa sư tử được trang hoàng bằng báu cõi trời, các ao tắm đẹp được trang hoàng bằng thềm báu cõi trời, đất ở cõi ấy mịn màng, không có ngói, gạch, không có người nữ và các phiền não, đều là chúng Bồ-tát không thoái chuyển, từ hoa sen hóa sinh, nếu khi nào khởi niệm thì thức ăn uống, y phục và các vật dụng cần thiết đều tùy theo ý muốn mà hiện ra. Do đó, cõi nước ấy có tên là Diệu Bảo.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin hoặc quốc vương, vương tử, đại thần, phụ tướng và các thể nữ trong cung… suốt ngày đêm siêng năng, chí tâm cung kính, cúng dường Đức Phật Thế Tôn ấy và xướng lên danh hiệu, hoặc làm hình tượng, dùng hương hoa, âm nhạc, hương đốt, hương bột, hương xoa để cúng dường, thanh tịnh trang nghiêm suốt bảy ngày, giữ gìn tám giới, khởi tâm Từ bi đối với chúng sinh, để nguyện sinh về cõi nước kia, thì người ấy sẽ được Đức Phật Thế Tôn và chúng Bồ-tát ở cõi kia hộ niệm, khiến tất cả nghiệp chướng của họ đều được tiêu trừ, không hề thoái chuyển nơi đạo Bồ-đề vô thượng, dần dần giảm nhẹ tham, sân, si, không có các bệnh khổ, tuổi thọ tăng thêm, tùy theo sự mong cầu đều được như ý, những người tranh cãi, oán thù đều phát khởi tâm hoan hỷ, bỏ thân này rồi, được sinh vào cõi nước ấy, từ hoa sen hóa sinh ra. Ngay lúc hóa sinh, vị ấy hiểu rõ tất cả các niệm, định, tổng trì…
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Ông nên biết, danh hiệu của Đức Phật ấy có vô lượng công đức như vậy, nếu được nghe thì tất cả sự mong cầu đều được thành tựu.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số cõi Phật nhiều như số cát trong sáu sông Hằng, có thế giới tên là Viên mãn hương tích, Đức Phật hiệu là Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác…, có vô lượng ức vạn Bồ-tát vây quanh, hiện đang thuyết pháp. Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đức Như Lai ấy, từ lúc mới phát tâm đến khi thực hành đạo Bồ-tát, đã phát bốn nguyện lớn. Những gì là bốn?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào tạo tác đủ các nghiệp về giết hại như giết hại các chúng sinh… do nghiệp ác này mà chịu khổ nơi địa ngục, giả sử được làm thân người thì mạng sống ngắn ngủi, chịu nhiều tật bệnh, hoặc gặp tai nạn về lửa, nước, dao độc làm bị thương, chịu sự chết đau đớn, nếu được nghe danh hiệu của tôi hoặc chí tâm trì niệm, thì nhờ năng lực này, các nghiệp ác của người ấy đều được tiêu diệt, không còn bệnh tật, sống lâu, không bị chết oan, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác, trộm cắp tài sản của người khác, sẽ bị đọa vào cõi ác, nếu được làm người thì sinh vào nhà bần cùng, y phục, thực phẩm đều thiếu thốn, thường chịu các điều khổ sở, nếu được nghe danh hiệu của tôi hoặc chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, tất cả nghiệp ác của người ấy đều được tiêu trừ, không còn thiếu thốn về y phục, thực phẩm, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào đánh chiếm lẫn nhau, hoặc là kẻ thù, hiềm khích thù oán, nếu được nghe danh hiệu của tôi hoặc chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, mọi người đều khởi tâm Từ giống như cha mẹ, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào bị tham dục, sân hận, ngu si trói buộc, hoặc bảy chúng nam nữ xuất gia, tại gia… hủy phạm giới cấm mà Như Lai đã chế ra, tạo các nghiệp ác, sẽ bị đọa vào địa ngục, chịu các quả báo khổ, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, nghiệp ác của người ấy đều được tiêu trừ, dứt sạch các phiền não, tôn trọng, giữ gìn giới luật, luôn khéo léo giữ gìn thân, lời nói và tâm không bao giờ thoái chuyển, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đó là bốn nguyện lớn vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đã phát nguyện khi còn thực hành đạo Bồ-tát.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Lại nữa, cõi nước của Đức Phật ấy rộng lớn, trang nghiêm, thanh tịnh, đất bằng phẳng như lòng bàn tay, đều được làm bằng châu báu, thường thoảng hương thơm như hương Chiên-đàn quý. Lại có cây thơm xếp thẳng hàng, các loại ngọc báu, chuỗi ngọc quý đẹp đẽ của cõi trời rũ xuống khắp nơi, có nhiều ao tắm được trang hoàng bằng báu cõi trời, nước thơm tràn đầy, có đủ các công đức, tơ lụa đẹp đẽ giăng khắp bốn phía, khắp các nẻo đường đều trang nghiêm. Hết thảy chúng sinh không có phiền não và lo buồn, đau khổ, cũng không có người nữ, phần đông là chúng Bồ-tát an trụ nơi các địa, các nhạc cụ thù thắng không gõ mà tự tấu lên, giảng nói pháp Đại thừa vi diệu, sâu xa. Chúng sinh nào được nghe âm thanh này thì không hề thoái chuyển nơi quả vị Bồ-đề vô thượng.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Do nguyện lực thuở xưa theo các phương tiện thiện xảo nên đã thành tựu cõi nước đều đầy đủ, trang nghiêm, Đức Như Lai ấy ngồi nơi tòa Bồ-đề, suy nghĩ như vầy:
Đời vị lai, có chúng sinh nào bị tham, sân, si trói buộc, các bệnh tật bức bách, bị oán thù làm hại, hoặc bị chết oan, hoặc do nghiệp ác phải đọa vào địa ngục, vô cùng khổ sở, Đức Phật ấy thấy chúng sinh khổ đau như vậy, vì muốn diệt trừ nghiệp chướng cho họ nên đã nói thần chú này, khiến cho chúng sinh thọ trì, trong đời này được lợi ích lớn, không còn khổ đau, an trụ nơi quả vị Bồ-đề:
–Đát điệt tha tất đệ tất đệ, tô tất đệ, mô chiết nễ mộc sát nễ, mang yết lệ, tứ lan nhã yết bính hạt thứ đát na, yet bính, tát bà át tha bà đãn nễ, bát la ma át tha, bà đãn nễ mạt nại tế, mạc ha mạt nại tế, át bộ đế át thất bộ đế, tỳ đa bà duệ, tô bạt nê khứ, bạt la ham ma, cù hiệp khứ, bạt la ham ma trụ hiệp đế, tát bà át thế số, a bát la tráp đế tát bạt đát la, a bát sát để hiết đế, chiết đổ sát, sắt trí bột đà câu chi, bà hiệp đế, nạp ma sa bà, đát tha yết đa nam, sa ha.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói thần chú có oai lực lớn này xong, trong chúng có các bậc Đại Bồ-tát, bốn vị Thiên vương, Đế Thích, Phạm vương… đều khen ngợi:
–Lành thay! Lành thay! Đức Thế Tôn có tâm Từ bi lớn mới có thể giảng nói về thần chú có năng lực lớn của Đức Như Lai đời quá khứ như vậy, vì muốn tạo lợi ích cho vô lượng chúng sinh, làm khô cạn biển phiền não, đạt đến bờ Niết-bàn, diệt trừ tật bệnh, mọi mong cầu của chúng sinh đều được đầy đủ.
Đức Phật bảo đại chúng:
–Nếu thiện nam, thiện nư nào có lòng tin thanh tịnh, hoặc quốc vương, vương tử, đại thần, tể tướng, các thể nữ trong cung… mong cầu phước đức, thì đối với thần chú này, nên khởi tâm kính tin, hoặc đọc tụng, giảng nói ý nghĩa của thần chú cho người khác, luôn khởi tâm Từ bi lớn đối với các chúng sinh, suốt ngày đêm dùng hương hoa, đèn đuốc ân cần, tôn trọng cúng dường, nên tắm rửa sạch sẽ, giữ gìn tám giới, chí tâm nhớ nghĩ, đọc tụng, thì những nghiệp chướng cực nặng nhiều vô lượng của người ấy đều được tiêu trừ, hiện tại không còn phiền não, lúc sắp lâm chung được chư Phật hộ niệm, liền được sinh về cõi nước ấy, từ hoa sen hóa sinh.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số cõi Phật nhiều như số cát trong bảy sông Hằng, có thế giới tên là Vô ưu, Đức Phật ở đấy hiệu là Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… hiện đang thuyết pháp cho chúng sinh.
Lại nữa, cõi Phật của Đức Như Lai ấy cư trú rộng lớn, trang nghiêm, thanh tịnh, đất bằng phẳng như lòng bàn tay, đều do châu báu làm thành, mịn màng, mềm mại, thường thoảng hương thơm, không lo buồn, không có những âm thanh đau khổ, xa lìa phiền não, cũng không có các cõi ác và tên gọi người nữ, khắp nơi đều có thềm bằng vàng ròng, ao tắm thì có nước thơm tràn đầy, cây báu thẳng hàng, hoa trái sum sue, các nhạc cụ thù thắng vi diệu không gõ mà tự trổi lên, công đức trang nghiêm giống như cõi nước Vô lượng thọ nơi thế giới Cực lạc ở phương Tây.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đức Thế Tôn ấy lúc còn thực hành đạo Bồ-tát có phát ra bốn nguyện lớn. Những gì là bốn?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào thường bị lo buồn, khổ đau trói buộc, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, những lo buồn, khổ đau của người ấy đều được tiêu diệt, lại được sống lâu, an ổn, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác, bị đọa vào những nơi tối tăm như địa ngục vô gián, hoặc trong các địa ngục lớn, chịu đủ sự thống khổ, nhưng do thân đời trước, người ấy được nghe danh hiệu của tôi, khi đó, từ thân tôi phóng ra ánh sáng chiếu đến người đang chịu khổ, nhờ thần lực này, nên lúc người ấy thấy ánh sáng thì các nghiệp chướng đều tiêu diệt, được thoát khỏi khổ đau, sinh trong loài người, cõi trời, theo ý muốn mà được an lạc, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác như sát sinh, trộm cắp, tà dâm… ngay trong đời này phải chịu khổ về đao, gậy đánh đập, sẽ bị đọa vào cõi ác, nếu được làm thân người thì mạng sống ngắn ngủi, nhiều bệnh tật, sinh vào nhà nghèo hèn, luôn thiếu thốn y phục, thực phẩm, thường bị các sự khổ sở như lạnh, nóng, đói khát… thân thể không được sạch sẽ, nếu có quyến thuộc thì đều là những người không hiền lương, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, tất cả sự nguyện cầu của người ấy về thực phẩm, y phục… đều được đầy đủ, được thân sáng tươi, đẹp đẽ như thân chư Thiên, gặp được quyến thuộc tốt, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào thường bị Dạ-xoa và các quỷ thần ác quấy nhiễu, hoặc bị đoạt hết tinh khí, phải chịu các khổ đau, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm nhớ nghĩ đến thì nhờ thần lực này, các Dạxoa… thảy đều tránh xa và chúng đều khởi tâm Từ, người ấy được thoát khỏi các khổ, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đó là bốn nguyện lớn vi diệu mà Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác ấy đã phát nguyện. Chúng sinh nào được nghe danh hieu của Đức Phật ấy, suốt ngày đêm xướng lên danh hiệu cho đến lễ bái, kính trọng, chí tâm cúng dường thì chúng sinh ấy được phát khởi tâm Từ bi, tiêu trừ nghiệp chướng, thoát khỏi lo buồn, khổ đau, không bệnh tật, được sống lâu, đạt được trí túc mạng, ở cõi chư Phật, từ hoa sen hóa sinh, thường được chư Thiên ủng hộ. Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Trì niệm danh hiệu của Đức Phật ấy thì có thể sinh khởi phước đức vô lượng như vậy. Công đức thù thắng trang nghiêm nơi cõi nước và nguyện lực của Đức Phật ấy, hàng Thanh văn, Độc giác đều không thể biết được, chỉ trừ Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số cõi Phật nhiều như số cát trong tám sông Hằng, có thế giới tên là Pháp tràng, Đức Phật ở đấy hiệu là Pháp Hải Lôi Âm, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… hiện đang thuyết pháp.
N
ày Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Cõi nước của Đức Phật ấy thanh tịnh, không nhơ uế, đất đai bằng phẳng do pha lê làm thành, thường phát ra ánh sáng, tỏa hương thơm ngào ngạt, dùng ngọc báu đế thanh làm thành quách, khắp các nẻo đường, các bậc thềm đều làm bằng vàng bạc; lâu đài, cung điện, nhà cửa, cửa ngõ, cửa sổ, lan can… đều được trang hoàng bằng đủ loại báu, hương thơm cõi trời, cây báu thẳng hàng khắp chốn, trên các cành cây treo tơ lụa cõi trời, khắp nơi lại có linh báu rũ xuống, gió nhẹ thổi đến khiến phát ra âm thanh cực hay, diễn nói về vô thường, khổ, không, vô ngã, chúng sinh nghe rồi, không còn sự trói buộc của tham dục, dần dần trừ được tập khí, đạt được định sâu xa. Lại có hương hoa đẹp đẽ, thơm lừng ở cõi trời đan xen rưới xuống, bốn phía của cõi ấy có tám ao tắm, đáy ao được trải cát bằng vàng, nước thơm tràn đầy.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Coi nước của Đức Phật ấy không có các nẻo ác, cũng không có người nữ, đều từ hoa sen hóa sinh ra, không có phiền não. Đức Như Lai ấy lúc thực hành đạo Bồ-tát có phát ra bốn nguyện lớn. Những gì là bốn?
Nguyện lớn thư nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào sinh vào nhà tà kiến, không có lòng tin thanh tịnh đối với Phật, Pháp, Tăng, xa lìa tâm Bồ-đề vô thượng, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, đêm tối vô minh tà kiến của người ấy được tiêu trừ, phát khởi niềm tin chân chánh, sâu xa nơi ngôi Tam bảo, không hề thoái chuyển cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào sinh vào nơi biên địa, do gần gũi bạn ác nên tạo ra các nghiệp dữ, không tu điều thiện, chưa từng được nghe danh tự Tam bảo, sau khi lâm chung bị đọa vào ba đường ác. Các chúng sinh ấy nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, được tiêu trừ nghiệp chướng, gặp tri thức thiện, không bị đọa vào cõi ác, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào thiếu thốn về y phục, thực phẩm, giường chiếu, thuốc thang và các vật dụng cần thiết, do đó, họ rất lo buồn, khổ sở, vì muốn tìm kiếm nhưng thứ ấy nên tạo ra các nghiệp ác, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, người ấy có thiếu thốn điều gì đều được đầy đủ theo ý muốn, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào do nghiệp ác đời trước mà tranh giành, không giúp đỡ nhau, dùng cung tên, đao, gậy làm thương tổn lẫn nhau, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, tất cả đều khởi tâm Từ, không còn hại nhau, các ý nghĩ ác còn không sinh khởi huống nữa là muốn giết hại người khác, thường thực hành hỷ, xả, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đó là bốn nguyện lớn vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác ấy đã phát nguyện khi thực hành đạo Bồ-tát. Nếu thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, được nghe danh hiệu của Đức Phật ấy mà chí tâm cung kính, lễ bái, ân cần cúng dường, thọ trì, tụng niệm thì người ấy được tiêu trừ nghiệp chướng, tâm không hề thoái chuyển nơi quả vị Bồ-đề, đầy đủ trí túc mạng, sinh ở chỗ nào cũng thường được gặp Phật, không bệnh tật, sống lâu, sau khi lâm chung được sinh về cõi nước của Đức Phật ấy, không bao giờ thiếu thốn về y phục, thực phẩm và những vật dụng cần thiết, mà vừa suy nghĩ liền có. Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lơi! Đức Thế Tôn ấy đầy đủ vô lượng công đức như vậy. Cho nên, chúng sinh thường nên nhớ nghĩ đến Ngài, chớ để quên mất.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số cõi Phật nhiều như số cat trong chín sông Hằng, có thế giới tên là Thiện trụ bảo hải, Đức Phật ở đấy hiệu là Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hý Thần Thông, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… hiện đang thuyết pháp. Này Bồ-tát Mạn-thù-thấtlợi! Đức Như Lai ấy lúc còn thực hành đạo Bồ-tát, có phát ra bốn nguyện lớn. Những gì là bốn?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác, gieo trồng cày cấy làm hại chúng sinh, hoặc khinh dể, lừa dối người khác, dùng binh khí ra chiến trận để giết hại, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, người ấy được đầy đủ của cải, không còn tìm cầu, thảy đều đủ đầy theo ý muốn, thường làm các việc thiện, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào tạo mười nghiệp ác như sát sinh… do nhân này nên bị đọa vào địa ngục, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì người ấy được thành tựu mười hạnh thiện, không đọa vào cõi ác, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào không được tự tại, phải lệ thuộc vào người khác, hoặc bị bắt giam, xiềng xích, gông cùm, roi gậy đánh đập cho đến bị cực hình, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, người ấy được thoát khỏi những tai nạn nguy hiểm, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác, không tin Tam bảo, theo những kiến chấp sai lầm, quay lưng với giáo lý chân chánh, ưa thích các đường tà, chê bai kinh Phật, nói sai lời bậc Thánh, cung kính thọ trì theo sách vở ngoại đạo, tự mình làm rồi dạy cho người khác, nên tất cả đều mê lầm, sẽ bị đọa vào địa ngục, không lúc nào thoát khỏi, nếu được làm người thì sinh vào nơi tám nạn, xa lìa đạo chân chánh, luôn tối tăm không có mắt trí tuệ, những người như vậy nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trừ niệm, thì nhờ thần lực này, lúc lâm chung, luôn được chánh niệm, thoát khỏi các tai nạn, thường sinh vào những vùng đất văn minh, được niềm vui thù thắng, vi diệu cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đó là bốn nguyện lớn vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác ấy đã phát nguyện lúc còn thực hành đạo Bồ-tát. Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Cõi nước của Đức Phật ấy có đủ các công đức trang nghiêm giống như cõi nước của Đức Như Lai Diệu Bảo ở trên.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số cõi Phật nhiều như số cát trong mười sông Hằng, có thế giới tên là Tịnh lưu ly, Đức Phật hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… hiện đang thuyết pháp. Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đức Thế Tôn ấy từ lúc mới phát tâm đến khi thực hành đạo Bồ-tát, đã phát mười hai nguyện lớn. Những gì là mười hai?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, ánh sáng nơi thân tôi chiếu khắp vô biên thế giới, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân tướng, khiến cho hết thảy chúng sinh cũng giống như tôi.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, thân như lưu ly, trong ngoài đều thanh tịnh, ánh sáng rộng lớn chiếu soi khắp nơi, tia sáng tỏa như lưới và trang nghiêm hơn cả mặt trời, mặt trăng, khiến cho chúng sinh ở các nơi tối tăm trong núi Tu-di đều được thấy nhau, hoặc những người đang đi nơi đêm tối ở cõi này thấy được ánh sáng của tôi thì tất cả đều được sáng suốt, làm mọi việc theo ý muốn của mình.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, dùng vô lượng, vô biên phương tiện trí tuệ, khiến cho tất cả chúng sinh đều được đầy đủ vật dụng, không thể cùng tận.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào đi theo đường tà thì làm cho họ thực hành theo nẻo Bồ-đề chân chánh, nếu người thực hành theo thừa Thanh văn, Duyên giác thì cũng khiến cho họ được an trụ trong pháp Đại thừa.
Nguyện lớn thứ năm: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào tu hành thanh tịnh trong giáo pháp của tôi, thì tôi sẽ làm cho họ giữ trọn vẹn giới pháp, khéo léo phòng hộ ba nghiệp, không hề hủy phạm, cũng chẳng bị đọa vào cõi ác. Giả sử có người hủy phạm, khi nghe được danh hiệu tôi, liền siêng năng thọ trì, chí tâm phát lồ thì người ấy lại được thanh tịnh, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ sáu: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào các căn không đầy đủ, xấu xí, ít trí tuệ, bị dị tật bẩm sinh, các bệnh nan y… bị đủ các bệnh khổ như vậy bức bách, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì người ấy được thân thể đoan nghiêm, lành hẳn các bệnh tật.
Nguyện lớn thứ bảy: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào bần cùng khốn khổ, không nơi nương tựa, bị các bệnh ngặt nghèo, không có thuốc thang, nếu được nghe danh hiệu của tôi, thì các bệnh được lành, có nhiều quyến thuộc, đầy đủ tài sản, thân tâm an lạc, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ tám: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có người nào bị khổ sở về các sự khổ của thân nữ nên rất nhàm chán, phát nguyện bỏ thân nữ, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì ngay đời này, người ấy được chuyển thành thân nam, đầy đủ tướng trượng phu, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ chín: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, thì làm cho các chúng sinh thoát khỏi lưới ma, những ai ở trong các nẻo tà kiến, đều dẫn dắt họ phát sinh chánh kiến, dần dần tu tập theo các hạnh Bồ-tát, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ mười: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào bị vua quan bắt bớ, giam cầm, xiềng xích, đánh đập cho đến bị cực hình, lại thêm nhiều sự khổ sở, lo buồn liên miên, không lúc nào tạm dừng, nếu được nghe danh hiệu của tôi, thì nhờ oai lực, phước đức của tôi nên người ấy được thoát khỏi tất cả lo buồn, khổ sở, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ mười một: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào bị lửa đói khát hành hạ, vì tìm cầu miếng ăn nên tạo các nghiệp ác, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì trước hết, tôi sẽ cho họ thực phẩm hảo hạng, khiến họ được no đủ, về sau, tôi sẽ dùng pháp vị khiến họ an trụ trong an lạc thù thắng, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Nguyện lớn thứ mười hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, có chúng sinh nào thiếu thốn y phục, bị khổ sở vì muỗi mòng, lạnh, nóng, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì người ấy liền được những loại y phục bậc nhất, những vật trang sức bằng ngọc báu, các loại âm nhạc, hương hoa đều được đầy đủ theo sở thích, không còn các khổ đau, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đó là mười hai lời nguyện vi diệu bậc nhất của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đã phát nguyện khi thực hành đạo Bồ-tát.
QUYỂN HẠ
Bấy giờ, Đức Phật nói với Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
–Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Những nguyện lớn của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang đã phát nguyện khi còn thực hành đạo Bồtát và những công đức trang nghiêm nơi cõi nước của Đức Phật ấy, dù trải qua một kiếp hoặc hơn một kiếp, Như Lai có giảng nói cũng không thể cùng tận. Cõi nước của Đức Phật ấy hoàn toàn thanh tịnh, không có sự dục nhiễm cũng không có người nữ va tiếng khổ đau nơi ba đường ác, dùng lưu ly trong suốt làm đất, thành quách, cung điện, các mái hiên, cửa sổ, lưới giăng đều bằng bảy báu, công đức trang nghiêm giống như thế giới Cực lạc ở phương Tây. Cõi nước ấy có hai vị Bồ-tát: Vị thứ nhất tên là Nhật Quang Biến Chiếu, vị thứ hai tên Là Nguyệt Quang Biến Chiếu, là hai vị đứng đầu trong chúng Bồ-tát nhiều vô lượng ở thế giới ấy, có thể giữ gìn kho tàng chánh pháp của Đức Phật kia. Do đó, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Những thiện nam, thiện nữ có lòng tin thanh tịnh, nên nguyện sinh về thế giới của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Có chúng sinh nào không biết về thiện ác, chỉ ôm lòng tham lam, không biết bố thí và quả báo của sự bố thí, trí tuệ ít ỏi, không có lòng tin, chứa nhiều tài sản, giữ gìn khổ nhọc, thấy người đến xin thì không vui, giả sử do bất đắc dĩ mà bố thí thì tiếc của vô cùng như cắt vào thân mình. Lại có vô lượng chúng sinh tham lam, bỏn sẻn, cất chứa tài sản, ngay cả bản thân còn không dám sử dụng, huống nữa là cung cấp cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người làm công hay người đến xin, những chúng sinh ấy khi lâm chung ở cõi này thì sinh trong loài ngạ quỷ hoặc súc sinh, nhưng do thuở xưa ở nơi loài người, người ấy đã từng được nghe danh hiệu của Đức Như
Lai Dược Sư Lưu Ly Quang, tuy ở trong cõi ác vẫn nhớ lại danh hiệu của Đức Như Lai ấy, nên sau khi chết ở cõi đó, được sinh trở lại trong loài người, nhờ có được trí túc mạng nên nhớ lại, liền sợ hãi sự khổ cõi ác, không còn ưa ham dục lạc, thích thực hành bố thí, khen ngợi người khác bố thí, không hề tham tiếc đối với tất cả tài sản. Dan dần, người ấy còn có thể dùng đầu, mắt, tay, chân, máu thịt và những bộ phận khác trên cơ thể để bố thí cho người đến xin, huống gì là những tài sản bên ngoài.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Có người dù quy y nơi Thế Tôn, thọ trì các giới pháp nhưng lại phá giới, phá oai nghi và hủy bỏ chánh kiến. Có người trì giới, có chánh kiến nhưng không chịu học hỏi, nên đối với nghĩa lý sâu xa trong Khế kinh mà chư Phật đã giảng nói thì không thể hiểu rõ. Có người tuy hiểu biết nhiều nhưng lại kiêu mạn, do kiêu mạn, tự cho mình là đúng, người khác là sai, chê bai chánh pháp, kết bạn với ma. Những người ngu tối như vậy tự mình đã làm theo tà kiến, lai còn khiến cho vô lượng trăm ngàn ức chúng sinh rơi vào hố lớn nguy hiểm. Những chúng sinh này sẽ bị đọa vào địa ngục, súc sinh và loài ngạ quỷ, nhưng nếu đã được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang thì nhờ oai lực theo bản nguyện của Đức Như Lai ấy, nên ở trong địa ngục, họ nhớ lại danh hiệu Đức Phật, sau khi chết ở cõi ấy, được sinh trở lại làm người, luôn có chánh kiến, siêng năng, ưa thích các pháp thiện, bỏ thế tục xuất gia, ở trong pháp của Phật giữ gìn giới luật không hề hủy phạm, luôn có chánh kiến, học hỏi nhiều, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, không còn kiêu mạn, không chê bai chánh pháp, không làm bạn với ma, dần dần tu hành theo cac hạnh Bồ-tát, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Có những chúng sinh tham lam, ganh ghét, tạo các nghiệp ác, khen mình chê người, sau khi chết sẽ bị đọa vào ba cõi ác, trong vô lượng ngàn năm chịu mọi khốn khổ cùng cực, sau khi mạng chung ở cõi ấy thì sinh trong loài người, hoặc làm trâu, ngựa, lạc đà, lừa, thường bị đánh đập, đói khát hành hạ, luôn luôn chở nặng, khốn khổ vô cùng, làm tôi tớ, bị người khác sai khiến, thường mất tự do, nhưng nhờ thuở xưa, khi còn làm thân người, đã từng được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang, nhờ năng lực nơi căn lành ấy, nên nay được nhớ lại, người ấy liền dốc lòng quy y, nhờ thần lực của Phật nên được thoát khổ, các căn đều thông tuệ, có trí tuệ, hiểu biết nhiều, thường cầu pháp thù thắng, luôn gặp bạn tốt, dứt hẳn lưới ma, phá tan vỏ vô minh, làm khô cạn sông phiền não, thoát khỏi tất cả sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ đau, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Có những chúng sinh ưa thích chống đối, chia rẽ, tranh tụng làm rối loạn người khác nên thân, miệng, ý tạo các nghiệp ác ngày càng lớn dần, thường tạo những việc không lợi ích, làm hại lẫn nhau, cầu khẩn những vị thần như: thần rừng núi, thần cây cối, thần mồ mả…, giết hại chúng sinh, lấy máu thịt của chúng để cúng tế các vị thần Dạ-xoa, La-sát…, viết tên của người mà mình oán ghét hoặc làm hình tượng rồi dùng chú thuật ác để trù ếm, hoặc làm mê hoặc, dùng thuốc độc, đọc chú để sai khiến thây chết… để hại người ấy khiến cho họ chết. Những chúng sinh ấy nếu được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang thì các điều ác như trên không thể làm hại được, tất cả đều thay đổi, khởi lên tâm Từ bi, cùng tạo lợi ích, an lạc, không còn ý niệm làm tổn thương người khác và tâm hiềm khích nhau, đối với những vật sở hữu thì thường hoan hỷ, biết vừa đủ.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Trong bốn chúng Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, thiện nam, thiện nữ nào nếu có thể thọ trì tám giới quan trai, hoặc trải qua một năm hoặc trong ba tháng giữ gìn giới pháp ấy, rồi đem căn lành này nguyện được sinh vào thế giới Cực lạc ở phương Tây, gặp Đức Phật Vô Lượng Thọ, nếu được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang thì khi lâm chung, có tám vị Bồ-tát đến bằng thần thông để chỉ chỗ cho người ấy đi tới. Lập tức, vị ấy được tự nhiên hóa sinh trong hoa bằng các loại báu đủ màu sắc nơi thế giới ấy, hoặc nhờ nhân này, có người được sinh lên cõi trời. Tuy sinh trong cõi trời nhưng căn lành thuở xưa cũng không thể cùng tận, vị ấy không sinh trở lại trong các cõi ác khác, khi chấm dứt mạng sống ở cõi trời thì sinh ở cõi người, hoặc làm vua Chuyển luân, cai trị khắp bốn châu, oai đức tự tại, dẫn dắt cho vô lượng trăm ngàn chúng sinh tu tập mười nghiệp thiện; hoặc sinh vào dòng dõi quý tộc trong hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, cư sĩ… có nhiều tài sản, châu báu, các kho đều tràn đầy của cải, tướng mạo đoan nghiêm, quyến thuộc sum vầy, trí tuệ thông minh, dũng mãnh oai vệ như đại lực sĩ; nếu là thân nữ, khi được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang mà chí tâm trì niệm, thì đời sau không còn làm thân nữ.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Khi Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, do diệu lực từ bản nguyện quan sát chúng sinh bị các bệnh khổ, ốm yếu, khô gầy, chịu đủ thứ bệnh tật, hoặc bị ếm bùa chú, trúng độc, chết yểu, chết oan… vì muốn tiêu trừ những bệnh tật và làm mãn nguyện cho chúng sinh, nên Đức Thế Tôn ấy liền nhập vào chánh định tên là “Diệt trừ nhất thiết chúng sinh khổ não.” Sau khi nhập định, từ nơi tướng nhục kế của Như Lai phát ra ánh sáng lớn, trong ánh sáng này diễn nói đại thần chú:
–Nam-mô bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ lô, tích lưu ly bát lặc bà, hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đã dã, đát điệt tha. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã tam một yết đế, ta ha.
Bấy giờ, trong hào quang diễn nói thần chú này rồi, thì đại địa chấn động, phóng ra ánh sáng lớn, tất cả chúng sinh có bệnh tật đều được lành hẳn, được niềm vui, an ổn.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thấy người nam, người nữ nào bị bệnh khổ thì nên vì người bệnh đó mà nhất tâm, tắm rửa sạch sẽ, rồi dùng thực phẩm, hoặc thuốc men, hoặc nước sạch không có trùng, rồi trì chú này một trăm lẻ tám biến, đưa cho họ dùng, khiến tất cả bệnh tật đều tiêu trừ; nếu có mong cầu điều gì cũng nên chí tâm tụng niệm thì đều được như ý, không còn bệnh tật, được sống lâu, sau khi lâm chung, được sinh vào thế giới của Đức Phật ấy, không hề thoái chuyển cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề. Thế nên, này Bồ-tát Mạnthù-thất-lợi! Thiện nam, thiện nữ nào đối với Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang mà chí tâm ân cần tôn trọng, cung kính cúng dường, thì nên luôn trì chú này, đừng để quên mất.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, được nghe danh hiệu của bảy Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác như trên, nghe rồi trì niệm, sáng sớm đánh răng, tắm rửa sạch sẽ, dùng hương hoa, hương bột, hương đốt, hương xoa, tấu đủ loại âm nhạc để cúng dường hình tượng; đối với kinh điển này hoặc tự biên chép, hoặc dạy người khác chép, nhất tâm thọ trì, lắng nghe nghĩa lý, đối với Pháp sư thì nên cúng dường, đem tất cả các vật dụng, tài sản để cung cấp, không để vị ấy thiếu thốn, làm như vậy thì được chư Phật hộ niệm, thỏa mãn mọi ước nguyện, cho đến chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Khi ấy, Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Ở đời mạt pháp, con nguyện sẽ dùng đủ loại phương tiện, làm cho những thiện nam, thiện nữ có lòng tin thanh tịnh được nghe danh hiệu của bảy Đức Như Lai, cho đến trong giấc ngủ, con cũng dùng danh hiệu Phật khiến họ được giác ngộ.
Bạch Thế Tôn! Nếu đối với kinh này mà thọ trì, đọc tụng, hoặc giảng nói, chỉ bày cho người khác, hoặc tự chép hay bảo người khác chép, cung kính tôn trọng, dùng đủ loại hương hoa, hương xoa, hương bột, hương đốt, vòng hoa, chuỗi ngọc, cờ, lọng, âm nhạc… để cúng dường, dùng tơ lụa năm màu làm túi để đựng, để ở trên tòa cao, quét dọn đẹp đẽ, thì khi đó bốn vị đại Thiên vương cùng với quyến thuộc và vô lượng trăm ngàn chư Thiên đều đến chỗ vị ấy để cúng dường và hộ trì. Bạch Thế Tôn! Nếu nơi nào có kinh quý báu này lưu truyền và có người thọ trì thì nhờ diệu lực từ oai thần công đức, bản nguyện và được nghe danh hiệu của bảy Đức Như Lai kia, nên biết chỗ ấy không còn bị chết oan, cũng không bị các quỷ thần ác đoạt mất tinh khí, giả sử có bị đoạt mất thì trở lại như cũ, thân tâm an lạc.
Đức Phật bảo:
–Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, muốn cúng dường bảy Đức Như Lai ấy thì trước hết, nên cung kính tạo bảy hình tượng Phật, tôn trí nơi tòa đẹp, sạch sẽ, rải hoa, đốt hương, dùng các cờ phướn trang nghiêm chỗ ấy, trong bảy ngày bảy đêm, thọ trì tám giới quan trai, ăn thức ăn thanh tịnh, tắm rửa thân thể, mặc y phục mới, sạch sẽ, tâm không nhơ uế cũng chẳng sân hận, thường khởi tam bình đẳng, lợi ích, an lạc, từ bi, hỷ xả, trổi nhạc, ca ngâm khen ngợi công đức, nhiễu quanh bên phải tượng Phật, nhớ nghĩ đến bản nguyện của chư Như Lai ấy, đọc tụng kinh này, tư duy về nghĩa lý, diễn nói chỉ bày, tùy theo sự mong cầu của vị ấy như cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu chức vụ được chức vụ, cầu con trai, con gái thì được con trai, con gái…, tất cả đều được toại nguyện. Hoặc có người bỗng nhiên bị mộng ác, thấy các hình tướng ác, hoặc thấy loài chim quái lạ kéo đến, hoặc thấy trăm việc kinh dị xuất hiện trong nhà, người này nếu dùng những vật dụng hảo hạng để cung kính cúng dường chư Phật ấy thì những mộng ác, hình tướng ác, không an lành thảy đều biến mất, không thể làm người ấy lo sợ. Nếu gặp những sự sợ hãi như nước trôi, lửa cháy, đao binh, chất độc, bị treo bên sườn núi, vào đường nguy hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, chó sói, gấu, rắn độc, bò cạp, rít… có thể chí tâm nhớ nghĩ đến chư Phật ấy, cung kính cúng dường thì được thoát khỏi hết thảy mọi sự sợ hãi.
Nếu bị nước khác xâm chiếm, quấy nhiễu, trộm cướp, làm phản mà nhớ nghĩ, cung kính chư Như Lai ấy thì những oán thù đều tiêu tan.
Lại nữa, này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, cho đến trọn đời không thờ cúng vị trời nào khác, chỉ nhất tâm quy y Phật, Pháp, Tăng, giữ gìn giới cấm, hoặc năm giới, mười giới, hai mươi bốn giới của Bồ-tát, hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo, năm trăm giới của Tỳ-kheo-ni, đối với các giới ấy có sự hủy phạm nên sợ bị đọa vào cõi ác, nếu có thể nhất tâm nhớ nghĩ đến danh hiệu của chư Phật kia, cung kính cúng dường thì chắc chắn không còn bị đọa vào ba cõi ác. Hoặc có phụ nữ nào, lúc sắp sinh, chịu đau đớn cùng cực, nếu có thể chí tâm trì niệm danh hiệu, lễ bái, khen ngợi, cung kính cúng dường bảy Đức Như Lai thì các khổ sở đều tiêu trừ, đứa con được sinh ra có dung mạo đẹp đẽ ai thấy cũng vui mừng, lanh lợi, thông minh, ít bệnh, yên ổn, không bị phi nhân đoạt mất tinh khí.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Công đức về danh hiệu của bảy Đức Như Lai ấy mà Như Lai đã khen ngợi, chính là cảnh giới sâu xa của chư Phật, khó có thể hiểu biết tường tận, Tôn giả đừng nên nghi ngờ.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đối với nghĩa lý sâu xa của Khế kinh mà Như Lai đã thuyết giảng con không hề nghi ngờ. Vì sao? Vì tất cả thân tướng, lời nói và ý nghĩa của Như Lai đều là chân thật. Bạch Thế Tôn! Vầng mặt trăng, mặt trời kia có thể làm cho rơi xuống, núi chúa Diệu Cao có thể bị chấn động, nhưng lời nói của chư Phật thì không bao giờ sai khác. Bạch Thế Tôn! Tuy nhiên, có chúng sinh không đầy đủ đức tin, nghe giảng nói về cảnh giới sâu xa của chư Phật thì suy nghĩ: “Sao chỉ nhớ nghĩ đến danh hiệu của bảy Đức Phật, mà đạt được nhiều công đức, lợi ích thù thắng như vậy?” Do suy nghĩ này, họ không tin, liền chê bai, phải ở trong đêm dài sinh tử, làm mất lợi ích lớn, bị đọa vào các cõi ác.
Đức Phật bảo:
–Này Tôn giả A-nan! Những chúng sinh ấy nếu được nghe danh hiệu của chư Phật mà bị đọa vào cõi ác thì không có điều ấy, chỉ trừ định nghiệp không thể chuyển đổi. Này Tôn giả A-nan! Đây là cảnh giới sâu xa của chư Phật, khó có thể lãnh hội, ông có thể tin nhận thì nên biết, đều là nhờ oai lực của Như Lai. Này Tôn giả A-nan! Tất cả hàng Thanh văn, Độc giác… đều không thể biết được, chỉ trừ hàng Bồtát Nhất sinh bổ xứ. Này Tôn giả A-nan! Thân người khó được, kính tin, tôn trọng đối với ngôi Tam bảo cũng thật là khó, được nghe danh hiệu của bảy Đức Như Lai lại càng khó hơn. Này Tôn giả A-nan! Vô lượng hạnh Bồ-tát, vô lượng phương tiện thiện xảo, vô lượng thệ nguyện rộng lớn của chư Như Lai ấy, nếu Như Lai có giảng nói trong một kiếp hoặc hơn một kiếp về những điều đó thì cũng không thể cùng tận.
Bấy giờ, trong chúng hội co một vị Đại Bồ-tát tên là Cứu Thoát, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Vào đời sau, khi thời tượng pháp xuất hiện, có chúng sinh nào bị các bệnh tật bức bách, thân hình gầy yếu, không thể ăn uống được, cổ và môi đều khô rát, mắt nhìn thì chỉ thấy tối tăm, tướng chết xuất hiện, cha mẹ, quyến thuộc, bạn bè vây quanh khóc lóc, thân tuy đang nằm trên giường, nhưng lại thấy sứ giả của Diêmma Pháp Vương dẫn thần thức của họ đến chỗ vua. Song, tất cả chúng sinh đều có vị thần câu sinh, ghi chép hết thảy tùy theo nghiệp thiện hay ác mà người ấy đã tạo ra, rồi đưa cho vị vua kia. Vua liền nương theo phép tắc để tra hỏi sự tạo tác của họ, tùy theo tội hay phước mà phán xử. Khi ấy, thân quyến, bạn bè của người bệnh nếu có thể vì người ấy mà quy y chư Phật, dùng các vật dụng trang nghiêm theo như pháp để cung dường, trải qua bảy ngày, hai mươi bảy ngày cho đến bảy mươi bảy ngày, thần thức của người ấy như được tỉnh dậy từ giấc mộng, tinh thần hồi phục như cũ, nên nhớ và biết hết tất cả quả báo của nghiệp thiện và bất thiện, do tự mình chứng kiến nghiệp báo là có thật, nên đến nỗi gặp nguy hiểm tới tánh mạng họ cũng không làm ác. Cho nên, thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh đều nên trì niệm danh hiệu của bảy Đức Phật, tùy theo khả năng của mình mà cung kính cúng dường.
Khi ấy, Tôn giả A-nan hỏi Bồ-tát Cứu Thoát:
–Thưa thiện nam! Làm thế nào để cung kính cúng dường bảy Đức Như Lai ấy?
Bồ-tát Cứu Thoát đáp:
–Thưa Đại đức! Có người bệnh nào muốn thoát khỏi bệnh tật và tai nạn, nên vì họ mà giữ gìn tám giới quan trai trong bảy ngày bảy đêm, dùng thực phẩm và những vật dụng khác, tùy theo khả năng của mình mà cúng dường Phật và chúng Tăng, suốt ngày đêm cung kính lễ bái bảy Đức Phật, đọc tụng kinh này bốn mươi chín biến, thắp bốn mươi chín ngọn đèn, tạo bảy hình tượng của bảy Đức Như Lai ấy, trước mỗi hình tượng tôn trí bảy ngọn đèn, bảy ngọn đèn ấy lớn bằng bánh xe, thap sáng suốt bốn mươi chín đêm không tắt, làm bốn mươi chín các phướn bằng tơ đủ màu sắc và một cái phướn dài bốn mươi chín thước, phóng sinh bốn mươi loài. Như vậy, người bệnh liền được xa lìa tai nạn nguy hiểm không bị các quỷ ác và các thứ ngang trái làm hại.
Thưa Đại đức A-nan! Đó là cách thức để cúng dường chư Như Lai. Nếu trong bảy Đức Phật này mà chỉ cúng dường, trì niệm danh hiệu của một Đức Phật thì đều được công đức vô lượng như vậy, có mong cầu gì đều được mãn nguyện, huống gì là có thể cúng dường đầy đủ bảy Đức Phật.
Lại nữa, này Đại đức A-nan! Nếu hàng Sát-đế-lợi hoặc vua đã thọ pháp quán đảnh… lúc các tai nạn phát khởi như dân chúng bị nạn dịch bệnh, nạn nước khác xâm chiếm, nạn trong nước làm phản, nạn các vì sao biến đổi kỳ lạ, nạn nhật thực, nguyệt thực, nạn mưa gió trái mùa, nạn hạn hán… Khi ấy, các hàng Bà-la-môn và vua quán đảnh ấy nên khởi tâm Từ bi đối với tất cả chúng sinh, ân xá cho những người bị tù đày, khiến họ thoát khổ, theo cách thức như trước để cúng dường chư Phật. Nhờ căn lành này và diệu lực nơi bản nguyện của chư Như Lai, nên cõi nước ấy liền được an ổn, mưa gió điều hòa, lúa thóc được mùa, dân chúng trong nước đều không bệnh tật, an vui, không còn các thần Dạ-xoa hung ác quấy nhiễu, tất cả các cảnh tượng ác đều biến mất, hàng Sát-đế-lợi và vua quán đảnh… đều được tăng thêm tuổi thọ, sắc tướng và sức mạnh, không bệnh, tự tại. Thưa Đại đức A-nan! Nếu các vị vua, hoàng hậu, phi tần, công chúa, thái tử, vương tử, đại thần, tể tướng, các thể nữ trong cung, trăm chức quan và dân thường… bị khổ sở vì bệnh tật và các tai nạn khác, thì cũng nên cung kính tạo hình tượng của bảy Đức Phật, đọc tụng kinh này, thắp đèn, làm phướn, thả các sinh vật, chí thành cúng dường, đốt hương, rải hoa liền được lành hẳn các bệnh, thoát khỏi các tai nạn.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan hỏi Bồ-tát Cứu Thoát:
–Thưa thiện nam! Sao mạng sống đã chấm dứt mà có thể tăng thêm được?
Bồ-tát Cứu Thoát đáp:
–Thưa Đại đức! Đại đức há khong nghe Đức Như Lai giảng nói chín loại chết oan hay sao? Do đó, Đức Thế Tôn mới nói thần chú như vị thuốc, tùy theo bệnh mà cứu chữa, nên thắp đèn, làm phướn, tu theo các nghiệp phước, nhờ tu phước nên được sống lâu.
Tôn giả A-nan hỏi:
–Thưa thiện nam! Thế nào là chín loại chết oan?
Bồ-tát Cứu Thoát đáp:
–Một là, có chúng sinh tuy bị bệnh nhẹ nhưng không được khám bệnh và uống thuốc, giả sử được gặp thầy thuốc thì lại cho thuốc không đúng bệnh, thật ra không đáng chết mà lại chết oan. Lại nữa, do tin theo tà ma ngoại đạo ở thế gian, các vị thầy quái gỡ nói sai lạc về họa, phước liền lo sợ, không thể làm chủ tâm mình, lại xem bói lành dữ, giết hại chúng sinh để cầu thần cứu giúp, cầu khẩn yêu quái, xin được ban phước…, muốn được sống lâu nhưng không bao giờ được, do mê lầm và kiến chấp điên đảo nên phải chết oan, bị đọa vào địa ngục không lúc nào ra khỏi. Hai là, chết oan vì bị pháp luật nhà vua xử trảm. Ba là do săn bắn, chơi bời, đam mê dâm dục, rượu thịt, buông lung không chừng mực, nên chết oan vì bị hàng phi nhân đoạt mất tinh khí. Bốn là, chết oan vì bị lửa đốt. Năm là, chết oan vì bị nước cuốn trôi. Sáu là, chết oan vì bị các loài thú dữ ăn thịt. Bảy là, chết oan vì bị rớt xuống sườn núi. Tám là, chết oan vì thuốc độc, bị ếm trù, thư, hoặc bị các quỷ sai khiến thây chết… làm hại. Chín là, do đói khát khốn cùng, lại không được ăn uống nên bị chết oan. Đó là chín loại chết oan mà Đức Như Lai đã nói tóm lược, ngoài ra còn có vô số sự chết oan khác, khó có thể nói hết.
Lại nữa, thưa Tôn giả A-nan! Vua Diêm-ma kia có ghi chép về sổ sách ở thế gian, nếu chúng sinh nào bất hiếu, tạo năm tội đại nghịch, chê bai ngôi Tam bảo, hủy hoại phép tắc vua tôi, không giữ gìn giới cấm… thì Diêm-ma Pháp Vương sẽ xét tùy theo tội nặng hay nhẹ mà xử phạt. Do đó, nay tôi khuyên các chúng sinh nên thắp đèn, làm phướn, phóng sinh, tu phước khiến vượt qua khổ đau, nguy hiểm, không bị các tai nạn.
Khi ấy, trong chúng hội có mười hai vị đại tướng Dạ-xoa, các vị hiện đang có mặt nơi pháp hội, đó là: Đại tướng Cung-tỳ-la, đại tướng Bạt-chiết-la, đại tướng Mê-xí-la, đại tướng Át-nễ-la, đại tướng Mạtnễ-la, đại tướng Sa-nễ-la, đại tướng Nhân-đà-la, đại tướng Ba-di-la, đại tướng Bạc-hô-la, đại tướng Chân-đạt-la, đại tướng Chu-đỗ-la, đại tướng Tỳ-yết-la. Mười hai vị đại tướng Dạ-xoa này, mỗi vị đều có bảy ngàn Dạ-xoa làm quyến thuộc. Cùng lúc, các vị đều bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay, chúng con nhờ oai thần của Phật được nghe danh hiệu của bảy Đức Như Lai, nên chúng con không còn sợ hãi về các cõi ác nữa. Chúng con cùng nhau dốc lòng chí tâm cho đến trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng, phát nguyện sẽ gánh vác hết thay chúng sinh, tạo lợi ích an lạc cho họ, bất cứ ở nơi nào, hoặc thành ấp, xóm làng hay trong rừng hoang vắng, nếu có người nào truyền bá, đọc tụng kinh này, hoặc trì niệm danh hiệu bảy Đức Phật, cung kính cúng dường thì chúng con cùng quyến thuộc sẽ ủng hộ người ấy, khiến họ thoát khỏi các tai nạn, có mong cầu điều gì đều được mãn nguyện, hoặc có bệnh tật mà cầu được lành thì cũng nên đọc tụng kinh này, dùng tơ năm màu kết thành tên chúng con, khi được như ý rồi mới tháo ra.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi các đại tướng Dạ-xoa:
–Lành thay! Lành thay! Này các đại tướng Dạ-xoa, các ông nghĩ đến việc báo đáp ân đức của bảy Đức Như Lai thì nên luôn tạo lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh như vậy.
Khi ấy, trong chúng hội có nhiều chư Thiên ít trí tuệ, suy nghĩ như vầy: “Làm thế nào mà chỉ tạm nghe danh hiệu của chư Như Lai trong hiện tại cách đây bằng số cõi nước của chư Phật nhiều như số cát sông Hằng, liền được vô biên công đức thù thắng như thế?”
Bấy giờ, Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni biết rõ những suy nghĩ của chư Thiên, liền nhập vào định “Cảnh triệu nhất thiết Như Lai thâm diệu.” Vừa nhập định xong, tất cả tam thiên đại thiên thế giới đều hiện đủ sáu cách chấn động, rưới xuống hoa đẹp cõi trời và hương bột cõi trời. Bảy Đức Như Lai kia thấy tướng này rồi, mỗi vị đều từ cõi nước của mình đi đến thế giới Ta-bà để cùng thưa hỏi với Đức Như Lai Thích-ca. Khi ấy, nhờ năng lực nơi bản nguyện từ đời trước của chư Phật, nên mỗi Đức Thế Tôn đều tự mình an tọa trên tòa sư tử trang hoàng bằng báu cõi trời, các chúng Bồ-tát, tám bộ chúng như trời, rồng…, người và phi nhân… quốc vương, vương tử, các phi tần, công chúa trong cung và các đại thần, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ… đều vây quanh để nghe thuyết pháp. Lúc này, chư Thiên thấy chư Như Lai đều đã vân tập nên các vị ấy rất ngạc nhiên, tiêu trừ hết nghi ngờ, liền khen ngợi là điều chưa từng có, cùng nhau khen:
–Lành thay! Lành thay! Đức Như Lai Thích-ca đã tạo lợi ích cho chúng con, khiến chúng con tiêu trừ hết nghi ngờ và chư Như Lai đều đến nơi này.
Bấy giờ, trong đại chúng mỗi người đều tùy theo khả năng của mình, dùng hương hoa tốt đẹp, các chuỗi anh lạc và âm nhạc cõi trời để cúng dường chư Như Lai, rồi nhiễu quanh theo hướng bên phải bảy vòng, chắp tay kính lễ, cùng khen ngợi:
–Thật là hiếm có! Cảnh giới của chư Như Lai thật sâu xa, không thể nghĩ bàn, do diệu lực nơi thệ nguyện từ đời trước và phương tiện thiện xảo nên đều hiện bày tướng đặc biệt, kỳ lạ như vậy.
Trong đại chúng, mỗi người đều phát nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sinh đều đạt được định thù thắng giống như chư Như Lai.”
Khi ấy, Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, nhiễu quanh chư Phật bảy vòng, đảnh lễ nơi chân Phật, thưa:
–Bạch chư Như Lai! Lành thay! Lành thay! Năng lực thiền định của chư Như Lai là không thể nghĩ bàn, nhờ vào diệu lực nơi bản nguyện và phương tiện thiện xao để giáo hóa chúng sinh. Cúi xin chư Như Lai giảng nói thần chú có năng lực lớn, khiến cho chúng sinh phước mỏng ở đời sau, hoặc bị bệnh khổ bức bách, những tai nạn về mặt trời, mặt trăng và các vì sao, dịch bệnh, oán thù, đi vào đường hiểm trở, gặp những sự sợ hãi… làm nơi nương tựa, khiến họ được an ổn. Những chúng sinh ấy đối với thần chú này hoặc tự mình biên chép hay bảo người khác biên chép, hoặc thọ trì đọc tụng, giảng nói rộng rãi cho người khác thì thường được chư Phật hộ niệm và sẽ hiện thân đến khiến họ được mãn nguyện, không bị đọa vào cõi ác, cũng chẳng bị chết oan.
Các Đức Như Lai khen ngợi Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
–Lành thay! Lành thay! Đây chính là diệu lực từ oai thần của chư Như Lai, nên khiến ông thỉnh cầu chư Như Lai giảng nói thần chú, vì thương xót chúng sinh, làm cho họ không còn các nạn khổ.
Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, chư Như Lai sẽ giảng rõ.
Này Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi! Có đại thần chú tên là “Như Lai định lực lưu ly quang”, thiện nam, thiện nữ nào biên chép, đọc tụng, cung kính cúng dường, khởi tâm Từ bi lớn đối với chúng sinh thì có nguyện cầu điều gì đều được mãn nguyện, chư Phật sẽ hiện thân đến để hộ niệm, nên người ấy không còn các chướng ngại, phiền não, sẽ được sinh về cõi nước của chư Phật. Lúc này, bảy
Đức Như Lai đều dùng một âm thanh diễn nói than chú:
“Đát điệt tha, cụ mê cụ mê khánh ni mê nị tứ, mạt để mạt để, tiệp hài đát tha yết đa tam ma địa át đề sắt sỉ đế, át đế mạt đế ba lệ, ba bạt thâu đát nễ, tát bà ba bạt na thế dã, bột thê bột đồ, xướng đáp me ổ mê củ mê, Phật đạc khí đát la, bát lý thâu đát nễ cù mê ni cù mê, mê lỗ mê lỗ, mê lô thi khiết lệ tát bà ca la, mật lặc đổ, ni bà lại nễ, bột đề tô đề thê, Phật đà, đà át đề sắt sá nê na yết lạc xoa đổ mê tát bà đề bà, tam mê át bà Phật đà, bồ đề tát đỏa, thiêm mê thiêm mê, bát lạt khổ mê mạn, đổ mê, tát bà y để ổ ba đạt bà tát bà tỳ hà đại dã, tát bà tát đỏ a nan giả bổ lan nê, bổ lan nê, bổ lan dã mê, tát bà a xá, bệ lưu ly dã, bát rị để bà tế, tát bà ba bạt, trước dương yết lệ ta ha.”
Khi bảy Đức Phật diễn nói thần chú này, thì ánh sáng chiếu tỏa khắp nơi, đại địa chấn động, cùng lúc hiện ra đủ loại thần thông biến hóa. Tất cả đại chúng nơi pháp hội thấy điều này rồi, mỗi người đều tùy theo khả năng của mình, dùng hương hoa cõi trời, hương xoa, hương bột để dâng lên chư Phật và cùng khen ngợi “Lành thay!”, rồi nhiễu quanh theo bên phai chỗ chư Phật bảy vòng. Chư Thế Tôn cùng khen ngợi:
–Tất cả đại chúng trời, người các ông nên biết! Thiện nam, thiện nữ nào hoặc quốc vương, vương tử, phi tần, hoàng hậu, đại thần hoặc dân chúng, nếu đối với thần chú này mà thọ trì, đọc tụng, lắng nghe, giảng nói, dùng hương hoa quý để cúng dường, mặc áo mới sạch sẽ, ở chỗ thanh tịnh, thọ trì tám giới quan trai, thường khởi tâm Từ bi đối với tất cả chúng sinh, cúng dường như vậy thì được vô lượng phước đức. Những ai có cầu nguyện điều gì thì nên tạo lập hình tượng bảy Đức Phật ấy, tôn trí nơi tịch tĩnh, dùng hương hoa, treo phướn, lọng bằng lụa, thực phẩm hảo hạng và các loại âm nhạc để cúng dường, cũng nên cúng dường Bồ-tát và chư Thiên, ở trước hình tượng chư Phật, ngồi trang nghiêm tụng thần chú, thọ trì tám giới quan trai trong bảy ngày, tụng đủ một ngàn lẻ tám biến thì người ấy được chư Như Lai và các Bồ-tát đều hộ niệm, Bồ-tát Chấp Kim Cang, Đế Thích, Phạm thiên và bốn vị Thiên vương… cũng đến ủng hộ người ấy, nếu họ có tạo năm tội vô gián và tất cả các nghiệp chướng thì cũng đều được diệt trừ hết, không còn bệnh tật, tăng tuổi thọ, cũng chẳng bị chết oan và các dịch bệnh khác, tất cả các sự sợ hãi như nạn giặc cướp ở nước khác đến xâm lấn, giặc giã, chiến tranh, tranh chấp, oán thù, nạn đói, hạn hán… thảy đều tiêu trừ, khiến cùng khởi tâm Từ như cha mẹ, có mong ước điều gì thì đều được như ý.
Bấy giờ, Bồ-tát Chấp Kim Cang, Đế Thích, Phạm thiên và bốn vị Thiên vương, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, đảnh lễ nơi chân Phật Thích-ca Mâu-ni, rồi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con và đại chúng đã được nghe công đức thù thắng về bản nguyện của chư Phật và được diện kiến chư Phật, vì tâm Từ bi mà đến đây, khiến cho chúng con được gần gũi cúng dường. Bạch Thế Tôn! Ở nơi nào có kinh điển này, danh hiệu bảy Đức Phật và pháp Đà-la-ni lưu truyền, hoặc cúng dường cho đến biên chép, chúng con đều nương theo oai lực của Phật, liền đến nơi ấy để ủng hộ cho người đó, khiến cho quốc vương, đại thần, thành ấp, xóm làng, thiện nam, thiện nữ… không còn bị các khổ sở và các bệnh tật quấy nhiễu, thường được an ổn, tài sản dồi dào, đó là chúng con đã báo đáp ân đức của chư Phật. Bạch Thế Tôn! Chúng con đích thân ở trước Ngài để phát nguyện: “Thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, nhớ nghĩ đến chúng con thì nên tụng thần chú này.” Liền nói thần chú:
“Đát điệt tha, ác cù mạc cù, đát la cù, ma ma cù cụ lệ, ha hồ, tê, mạt la mạt la mạt la, khẩn thọ, lệ bố lệ, ta ha.”
Thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin, hoặc quốc vương, vương tử, đại thần, tể tướng và các thể nữ trong cung… trì niệm danh hiệu bảy Đức Phật và thần chú này, hoặc đọc tụng, biên chép, cung kính cúng dường thì trong đời hiện tại, người ấy không bệnh, được sống lâu, không còn khổ đau, không đọa vào ba cõi ác, đạt được không thoái chuyển cho đến quả vị Bồ-đề, được thọ sinh tùy ý đến cõi nước của chư Phật kia, thường gặp chư Phật, chứng đắc trí túc mạng, đầy đủ niệm, định và các pháp tổng trì, nếu bị các tai nạn về quỷ thần hoặc các bệnh về lạnh nóng… thì nên biên chép thần chú này rồi buộc vao cổ tay, khi bệnh đã bớt thì đem đến tôn trí nơi thanh tịnh.
Bấy giờ, Bồ-tát Chấp Kim Cang đi đến chỗ bảy Đức Phật, nhiễu quanh theo hướng bên phải ba vòng, đích thân kính lễ, rồi bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Cúi xin chư Phật Từ bi hộ niệm cho con. Hôm nay, con muốn tạo lợi ích cho thiện nam, thiện nữ thọ trì kinh này ở đời sau, nên vì họ diễn nói chú Đà-la-ni.
Lúc ấy, bảy Đức Phật liền khen ngợi Bồ-tát Chấp Kim Cang:
–Lành thay! Lành thay! Này Bồ-tát Chấp Kim Cang! Chư Như Lai sẽ gia hộ, ông nên nói thần chú để hộ trì cho những người ở đời sau thọ trì kinh này, khiến họ không còn phiền não, mọi mong cầu đều được mãn nguyện.
Bồ-tát Chấp Kim Cang liền nói thần chú:
–Nam ma tiệp đa nam, tam miệu tam Phật đà nam, nam ma tát bà bạt chiết la đạt la nam đát điệt tha. Án, bạt chiết lệ, bạt chiết lệ, mạc ha bạt chiết lệ, bạt chiết la ba xả, đà lặc nễ tam ma tam ma, tam mạn hài, a bát lặc để hiết đa, bạt chiết lệ, khổ ma khổ ma, bát la khổ mạn đổ mê, tát bà tỳ a đại dã, cự lỗ cự lỗ, tát bà yết ma, a phạt lặc noa nễ xoa dã, tam ma dã mạt nô tam mạt la bộ dà bạn bạt chiết la ba nễ tát bà hàm mê bát lý, bô lặc dã, ta ha.
Bạch chư Như Lai! Có người nào trì niệm danh hiệu bảy Đức Phật, nhớ nghĩ đến công đức, bản nguyện của chư Phật và thọ trì, đọc tụng, giảng nói thần chú này, con sẽ đáp ứng đầy đủ những mong ước của họ, không còn thiếu gì cả. Nếu muốn gặp con để thưa hỏi những việc thiện, ác thì nên biên chép kinh này, tạo hình tượng bảy Đức Phật và hình tượng của con, đối với những hình tượng ấy, phải tôn trí như xá-lợi của Phật, ở trước hình tượng ấy thì như trên đã nói, dùng đủ loại để cúng dường, lễ bái và nhiễu quanh, khởi tâm Từ bi đối với chúng sinh, giữ gìn tám giới quan trai, mỗi ngày tắm rửa và thay quần áo sạch sẽ ba lần, từ ngày mùng tám đến ngày mười lăm trăng sáng, mỗi ngày tụng thần chú này một trăm lẻ tám biến, tâm không tán loạn, ở trong giấc mộng của người ấy, con sẽ hiện thân để giảng nói cho họ, có cầu nguyện điều gì thì đều được đầy đủ.
Khi đó, các Bồ-tát trong đại chúng đều khen ngợi:
–Lành thay! Lành thay! Bồ-tát Chấp Kim Cang, thần chú này là không thể nghĩ bàn, Tôn giả thật đã khéo giảng nói.
Bảy Đức Như Lai nói:
–Chư Như Lai sẽ ủng hộ thần chú mà ông đã giảng nói, vì muốn
tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến họ được an lạc, thỏa mãn những ước nguyện, làm cho thần chú này được lưu truyền ở thế gian.
Bảy Đức Phật lại bảo các Bồ-tát, Đế Thích, Phạm thiên và bốn vị Thiên vương:
–Hôm nay, chư Như Lai đem thần chú và kinh điển này giao phó cho các ông. Ở đời vị lai, sau năm trăm năm, lúc chánh pháp sắp diệt, các ông nên ủng hộ, thọ trì kinh này, lợi ích, oai lực của kinh này rất nhiều, có thể tiêu trừ các tội lỗi, mọi ước nguyện đều được thành tựu, đừng để cho những chúng sinh phước mỏng, chê bai chánh pháp, khinh dể Hiền thánh mà thọ trì kinh này làm cho chánh pháp mau tiêu mất.
Bấy giờ, bảy Đức Thế Tôn ở phương Đông thấy đại chúng này việc làm đã xong, cơ duyên đã đầy đủ, không có tâm nghi ngờ, mỗi vị đều ngự trên tòa, bỗng nhiên biến mất và trở về cõi nước của mình.
Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, quỳ gối bên phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì? Chúng con làm thế nào để thọ trì?
Đức Phật bảo:
–Này Tôn giả A-nan! Kinh này tên là Thất Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác Bản Nguyện Công Đức Thù Thắng Trang Nghiêm, cũng gọi là Mạn-thù-thất-lợi Sở Vấn, cũng gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức, cũng gọi là Chấp Kim Cang Bồ-tát Phát Nguyện Yếu Kỳ, cũng gọi là Tịnh Trừ Nhất Thiết Nghiệp Chướng, cũng gọi là Sở Hữu Nguyện Cầu Giai Đắc Viên Mãn, cũng gọi là Thập Nhị Đại Tướng Phát Nguyện Ho Trì… các danh hiệu như thế, các ông nên theo đấy mà thọ trì.
Khi Đức Thế Tôn giảng nói kinh này xong, các Đại Bồ-tát, chúng Thanh văn, Trời, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, người và phi nhân… tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy đều rất hoan hỷ, tin nhận và thực hành.