KINH ĐỆ NHẤT NGHĨA PHÁP THẮNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Bà-la-môn Cù-đàm Bát-nhã Lưu-chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, sau khi thành đạo chưa bao lâu, Đức Phật trú tại thành Già-da, cùng với các Tỳ-kheo tối thắng trong hàng tối thắng, với chín mươi chín ức các Bồ-tát, hai mươi tám ức chư Thiên, tám vạn sáu ngàn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc,Ưu-bà-di, sáu vạn lực sĩ, mười hai ức Ni-kiền-đà, tám vạn bốn ngàn Tiên nhân chứng năm thần thông, dùng năm lửa đốt thân, ốm yếu không còn chút thịt, chỉ còn da bọc xương, da bụng dính với xương sống đầu tóc bện thành mảng, lưng gù uốn khúc, mặc áo bằng da nai, hoặc áo bằng vỏ cây tay cầm bình rửa cùng đi đến chỗ Phật, vì muốn tranh luận.
Bấy giờ, ánh sáng tối thắng từ Đức Thế Tôn phát ra rất trang nghiêm rực rỡ, vượt hơn cả các vị tiên, như núi chúa Tu-di giữa núi Đen; như con voi chúa sáu ngà giữa đàn bò; như sự rực rỡ của mặt trời mặt trăng giữa loài đom đóm; như đôi cánh lộng lẫy của chim chúa Ca-lâu-la giữa bầy chim; như hoa Mạn-đà-la giữa các loài hoa thường. Cũng như vậy, Đức Phật trang nghiêm rực rỡ giữa các vị Tiên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập vào Tam-muội Xả báu, thị hiện vô lượng vô số thần thông, hai bên đều phóng vô lượng hào quang, hiện ra vô lượng ức thân Như Lai, vô lượng ức thân Bồ-tát, vô lượng ức thân Đế Thích, Thiên vương, Đại phạm Thiên vương tôn chủ của thế gian, lại hiện ra vô lượng trăm ngàn La-hán, lại hiện ra vô lượng muôn ngàn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, lại hiện ra vô lượng Chuyển luân thánh vương, Đại chuyển luân vương, Tiểu chuyển luân vương, người ở phía Nam. Người được chú thuật Tiên nhân, người thuộc vùng biên giới, hoặc giòng tộc Sát-đế-lợi, Bà-lamôn, cư sĩ hàng trưởng giả, người và phi nhân đủ các loại hình sắc tốt đẹp khác nhau; tất cả đều có tên gọi cho đến cả chúng trời cũng đều từ nơi thân của Đức Như Lai hiện ra.
Bấy giờ, đại chúng đều sinh tâm lo ngại: “Làm thế nào để lần lượt chiêm ngưỡng đây?”. Trong đại chúng ấy, tất cả hàng Bồ-tát đều rất vui mừng, mưa rải các thứ báu, khắp tất cả đều trang nghiêm.
Khi ấy Đức Thế Tôn xuất khỏi Tam-muội Xả báu, như sư tử dũng mãnh nhanh nhẹn quán sát khắp mười phương, ngay khi ấy liền quán sát khắp cả mười phương, cho đến những cảnh giới được thấy bằng Phật nhãn, thấy tất cả chư Phật Thế Tôn trong thế giới chư Phật khắp mười phương, tất cả chư Phật ấy đều quán sát cõi Ta-bà như quán sát lòng bàn tay, tất cả chư Phật ấy đều thị hiện thần thông giống như Đức Thích-ca Mâu-ni đã thị hiện. Các hóa thân mà các Đức Như Lai kia hóa hiện ra hết thảy đều giống như vậy, tất cả đều đi đến nơi chúng hội của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn. Đến nơi, họ đều nhập vào chúng hội của Đức Thế Tôn.
Bấy giờ, trong hội này có vô lượng Bồ-tát cùng với vô số chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, đều đem vô số các vật dụng quý giá cúng dường, đến cúng dường Đức Thế Tôn, cúng dường xong, đứng qua một bên. Cũng như vậy, các vị Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-ladà, Người, chẳng phải người thấy các việc thần thông của Đức Thế Tôn, cũng đều đi đến chỗ Phật. Khi ấy, các Bồ-tát trong mười phương dùng vật cúng dường vô thượng đến cúng dường Đức Thế Tôn. Cúng dường xong, các Bồ-tát đi đến tòa ngồi mà an tọa; cứ như thế cho đến hàng người, chẳng phải người, lần lượt theo nhau đi về chỗ ngồi.
Hóa thân của Đức Thế Tôn biến hóa trên từ cung điện các trời ở cõi A-ca-ni-tra xuống dưới đến địa ngục A-tỳ, lại cả đến những nơi trong địa ngục A-tỳ. Các hóa thân của chư Phật trong mười phương hóa hiện ra, tất cả đều nhập vào hết thảy lỗ chân lông của Đức Thích-ca Mâu-ni. Tất cả các hóa thân của Đức Thích-ca Mâuni hóa hiện ở cõi này cũng đều nhập vào thân chư Phật trong mười phương.
Bấy giờ, trong chúng hội có một Đại Bồ-tát tên Thắng Âm, từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, dùng kệ tán thán:
Hiếm thay! Chúa muôn loài
Thị hiện khắp thế gian
Xưa nay chưa từng có
Quân ma đều lẩn trốn.
Nhìn nhau, lần lượt nói:
Việc này rất hy hữu
Ta vì sao đến đây
Để khiến cho tan hoại
Chư Tiên chẳng phải Tiên
Thân gầy da bọc xương
Già yếu không vui vẻ
Không chứng thần thông này.
Bậc thần thông không lường
Trừ chướng ngại pháp Phật
Đệ tử Phật vui mừng
Tôn làm chủ pháp Phật.
Chúng sinh tưởng hy hữu
Tâm thanh tịnh hoan hỷ,
Chúng cõi trời đều nói:
Nguyện được Phật làm chủ.
Ở trong hội chúng này
Đức Văn-thù hướng dẫn
Vô lượng đệ tử Phật
Theo nhau đến hội này.
Văn-thù-sư-lợi đây
Đã từng cúng dường Phật
Phật trong đại chúng này
Thị hiện đủ thần thông.
Đây là tướng pháp gì?
Đức Phật muốn làm gì?
Trong chúng có nghi ngờ
Xin nguyện Phật giảng rõ.
Bấy giờ, Đức Phật Như Lai dùng năng lực oai thần, khiến cho trong chúng hội có Đại tiên tên Quang Minh Cự nói với Bồ-tát Thắng Âm:
–Đồng tử hãy im lặng! Đồng tử hãy im lặng! Hôm nay tôi muốn thưa hỏi, nếu người nào có thể giải thích một cách rõ ràng, thì rất tương xứng với danh hiệu Nhất Thiết Trí. Hoặc trời Na-la-diên, trời Ma-hê-thủ-la được tạo ra bởi mật chú Đà-tỳ-la huyễn hóa, những nhà làm trò huyễn hóa như vậy chẳng có gì đặc biệt cả, trò huyễn hóa phàm con người đều có thể làm được không hẳn là Đức Phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn mỉm cười, nhìn khắp các vị Tiên xong, liền bảo với Đại tiên Quang Minh Cự:
–Này Tuệ mạng Đại tiên! Ông hãy nên thưa hỏi, tùy theo năng lực của ông, ta có thể giải thích rõ ràng cho ông.
Khi ấy, Đại tiên Quang Minh Cự thưa:
–Tôi xin hỏi Cù-đàm! Cù-đàm giảng thuyết rõ ràng cho tôi: Tất cả chúng sinh từ đâu sinh ra? Sao gọi là chúng sinh? Vì nhân duyên gì mà có kiếp thiêu tận diệt? Chúng sinh ở quá khứ do hòa hợp ở nơi nào mà sinh ra trong loài người? Dựa vào tướng nào biết được những vi tế bên trong thân chúng sinh? Ngã bằng một khuỷu tay, bằng hai khuỷu tay, bằng hai ngón tay, bằng một ngón tay, bằng hạt lúa mạch lớn, bằng hạt lúa mạch nhỏ, bằng hạt đậu, bằng hạt mè hay bằng hạt cải?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Đại tiên Quang Minh Cự:
–Lành thay, lành thay! Này Đại tiên! Ông đã sống qua sáu mươi kiếp tuổi và luôn luôn tu hành, hôm nay ông có thể đem những điều như vậy để hỏi.
Trong chúng Tiên nhân lại có một Đại tiên tự suy nghĩ: “Mình thường hành đạo trong rừng mà sao không biết không thấy đại tiên Quang Minh Cự này sống ngần ấy tuổi, cũng chưa có người nào nói cả, tại sao Sa-môn Cù-đàm biết được?”
Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Đại tiên Quang Minh Cự:
–Đại tiên hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, hôm nay ta sẽ trả lời câu hỏi của ông: “Tất cả chúng sinh từ đâu sinh ra?” Ý nghĩa này không thể dùng văn tự, cũng không thể thuyết giảng được. Nhân duyên từ vô minh cho đến sinh, già, chết mà sinh ra chúng sinh. Lại nữa, này Đại tiên! Từ nhân duyên mà sinh ra chúng sinh, nghĩa là cha mẹ là nhân duyên sinh ra chúng sinh. Lại nữa, này Đại tiên! Cha mẹ hòa hợp là nhân của chúng sinh, nghĩa là trải qua kiếp khởi, cơn gió hành nghiệp được thổi theo vào nữ căn, đây là nhân duyên. Lại nữa, này đại tiên! Nghĩa là bị thâu nhiếp vào bốn Đế: Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ diệt đạo đế, nên gọi là chúng sinh, lại bị chi phối của năm thủ ấm, mười tám giới, gọi là chúng sinh. Đại tiên nên biết! Bốn đế, năm ấm, mười tám giới tức là chúng sinh, không khác hành nghiệp, người có hành nghiệp như vậy thì không khác chúng sinh. Đại tiên nên biết! Chúng sinh không giảm cũng không tăng.
Bấy giờ Đại tiên hỏi:
–Này Cù-đàm! Nếu chúng sinh không giảm không tăng thì chúng sinh ấy như thế nào? Hàng trời, người được tự tại, sau đó bị câu thúc, có trở lại làm trời, người được tự tại không?
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Ý nghĩa của ông nêu ra không đúng như vậy. Nếu được tự tại thì không còn lệ thuộc người khác. Như vậy, này Đại tiên! Nếu thân được tự tại thì vì sao sau đó không được tự tại nữa? Này Đại tiên! Cũng ví như con đom đóm khởi lên ý niệm: “Ánh sáng của ta có khả năng chiếu khắp tất cả cõi Diêm-phù-đề”, nhưng thực tế ánh sáng của đom đóm kia không đủ nhân duyên để có thể chiếu sáng khắp cõi Diêm-phù-đề. Như vậy, tất cả những ai không điều phục chế ngự được tâm thì không thực sự tự tại. Lại nữa, này Đại tiên! Nếu người tự tại, phiền não diệt, ít bị câu thúc. Còn phiền não, nhiều sự câu thúc mà tự tại thì không phải tự tại cũng là tự tại. Đó là tự tại cũng không phải tự tại. Nếu lệ thuộc vào sự câu thúc, tự tại thì cũng như phiền não đều bình đẳng, đó là chúng sinh không tăng không giảm.
Đại tiên nói:
–Này Cù-đàm! Lẽ nào không đoạn trừ được phiền não chăng?
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Phiền não không bao giờ dứt, ta hiểu rõ phiền não nên chẳng phải đoạn trừ phiền não.
Đại tiên nói:
–Nếu như vậy thì Cù-đàm đã được tự tại.
Đức Phật bảo với Đại tiên:
–Đúng vậy, đúng vậy! Do biết rõ phiền não không thật có nên ta được tự tại.
Đại tiên nói:
–Này Cù-đàm! Như lời nói vừa rồi của Cù-đàm, nếu cha mẹ hòa hợp sẽ sinh ra chúng sinh, có nhiều chúng sinh thì có nhiều tướng hòa hợp, nhưng có nhiều sự thọ nhận dục lạc mà ít sinh ra chúng sinh, nghĩa này là thế nào?
Đức Phật bảo với Đại tiên:
–Hôm nay ta dùng ví dụ để hỏi ông. Ví dụ như một hạt giống thì mọc lên một cây, một hạt giống, một cây sinh ra vô lượng quả. Trong vô lượng quả ấy, có quả trở lại làm giống, có quả không làm được, vì sao như vậy?
Đại tiên nói:
–Thưa Cù-đàm! Vì sức mạnh của gió thổi tan mất mầm hạt của cây.
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Quả chúng sinh cũng như vậy, bị gió nghiệp thổi tan mất. Đại tiên nên biết! Có chúng sinh ở trong thai tạng bị trùng ăn mất, lại có chúng sinh bị gió nghiệp thổi làm tan rã. Đại tiên nên biết! Loài ấy ít có chướng ngại, nhưng chúng sinh thì rất nhiều chướng ngại. Lại nữa, này đại tiên! Cảnh giới của chúng sinh từ sự phân biệt mà sinh ra. Đại tiên nên biết! Cảnh giới của chúng sinh do tâm và tâm sở xứ vận hành chuyển biến khắp nơi đều có nhân duyên. Nghĩa này đã nói xong, này Đại tiên! Như vậy là cảnh giới của chúng sinh từ sự phân biệt mà sinh ra.
Nghe xong điều này, Đại tiên liền nói:
–Này Cù-đàm! Đúng vậy, đúng vậy! Cù-đàm đã làm rõ được
nghi vấn thứ nhất cho tôi. Lại nữa, này Cù-đàm! Xin giảng thuyết lại ý nghĩa kiếp thiêu như thế nào?
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Do vô thường cho nên ta nói về kiếp thiêu của pháp giới như vậy. Đại tiên nên biết! Nếu như pháp giới kiếp thiêu có hai loại đó là có hữu thường cũng có vô thường, nếu người nói như vậy thì tất cả các Đức Như Lai đều nói không chân thật. Lại nữa, này Đại tiên! Nếu tất cả pháp đều vô thường, biến đổi không dừng, thì Như Lai được gọi là Bậc Nhất Thiết Trí.
Khi ấy Đại tiên vì Đức Phật mà nói:
–Tên gọi này mới thực sự thích hợp với danh hiệu của Bậc Nhất Thiết Trí.
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Giả sử Đức Như Lai không nói ra kiếp thiêu, thì tất cả chúng sinh không biết rõ thời tiết, không nhận biết tên gọi của kiếp số, không hiểu rõ thời nào loạn lạc, thời nào là bình yên. Đại tiên nên biết! Giả sử Như Lai không nói ra kiếp thiêu thì con người không thể biết quả báo khác nhau giữa thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Lại nữa, này Đại tiên! Nên biết đây là Như Lai phương tiện nói ra kiếp thiêu tận diệt này, những chúng sinh nào tin tưởng có kiếp thiêu tận diệt lo sợ bị thiêu đốt đều phải giữ gìn phước đức, tin vào Đức Như Lai.
Lại nữa, này Đại tiên! Ví dụ như có con trăn gọi là Tiên hô, mắt của con trăn ấy có khả năng thở ra, tai mũi miệng cũng có khả năng thở ra. Cũng vậy, này đại tiên! Như Lai có khả năng dùng bốn nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi ích và đồng sự.
Lại nữa, này Đại tiên! Ví dụ như có người đặt vàng vào lửa, chẳng phải vì ghét giận vàng mà đem bỏ nó vào lửa, chỉ vì muốn làm cho nó hoàn hảo hơn, thành vật báu tương ứng, nếu vật báu tương ứng thì rất quý giá. Đại tiên nên biết! Đó là lý do đem vàng làm cho thuần thục sáng suốt hơn. Cũng vậy, này Đại tiên! Chư Phật Như Lai cũng phải có nhân duyên để nói ra kiếp thiêu, chẳng phải có chúng sinh nào bị kiếp hỏa thiêu cả.
Bấy giờ Đại tiên Quang Minh Cự nói:
–Thật hy hữu thay! Đức Thế Tôn đặt ra kiếp hỏa thiêu nhưng không có chúng sinh nào bị kiếp hỏa thiêu. Lại nữa, này Đại tiên! Ví như khắp mười phương mưa xuống những hạt mưa rất nhỏ, số lượng các Đức Như Lai lại nhiều hơn số lượng hạt mưa ấy, có số Bồ-tát ở địa thứ mười cũng lại nhiều như vậy, đều an trú cõi ấy xong, đều dùng tay mình cứu vớt chúng sinh, làm cho chúng sinh được giải thoát. Này Đại tiên! Chúng sinh thấy sắc thân trang nghiêm của chư Như Lai và chư vị Bồ-tát, thấy như vậy xong liền thấy kiếp tận diệt, lửa lớn thiêu đốt, thấy tự mình được thoát ra, tâm vui mừng, phát lòng thanh tịnh, thệ nguyện như vầy: “Ta cũng cứu độ chúng sinh như vậy. Ta cũng được sắc thân trang nghiêm như vậy. Ta cũng có thân màu vàng ròng như vậy”. Nếu chúng sinh nào phát nguyện với tâm như vậy, thì khi được giải thoát, lập tức chứng quả A-la-hán. Vì thấy có kiếp thiêu, nên tâm sinh nhàm chán, hoặc có người chứng quả Tu đà hoàn, hoặc có người chứng quả Tư-đà-hàm, hoặc có người chứng quả A-na-hàm, hoặc có người chứng quả A-la-hán hoặc có người chứng quả Duyên giác, hoặc có người chứng Pháp nhẫn vô sinh, hoặc có người chứng địa không thoái chuyển, hoặc có người sinh vào cõi bốn vua trời, hoặc có người sinh vào cõi trời Tam thập tam, hoặc có người sinh cõi trời Dạ ma, hoặc có người sinh vào cõi trời Đâu-suất-đà, hoặc có người sinh vào cõi trời Hóa lạc, hoặc có người sinh vào cõi trời Tha hóa tự tại, hoặc có người sinh vào cõi Phạm thiên, Phạm phụ, Phạm chúng, lần lượt như vậy, cho đến người sinh vào cõi trời Sắc cứu cánh, hoặc có người được làm Chuyển luân thánh vương, Đại chuyển luân vương, Thiên chúc tiểu vương, Đại tiên, cho đến hoặc vào dòng Sát-đế-lợi, hoặc Bà-la-môn, hoặc Trưởng giả. Đại tiên nên biết! Dùng những phương tiện này khiến cho thấy được tướng sắc thân của Như Lai, khi thấy rồi sinh lòng sợ hãi, muốn được giải thoát. Biết rõ ân đức của Như Lai để báo đáp ân đức ấy, thân cận với các Đức Như Lai để lãnh hội pháp chân chánh, đã lãnh hội pháp rồi thì như hội pháp mà tu tập, không nên phóng túng. Dùng phương tiện như vậy khiến cho chúnh sinh không sa vào đường ác. Lại nữa, này Đại tiên! Cho đến có bao nhiêu số Bồ-tát ở Địa thứ mười, những địa giới mà cảnh giới mắt các vị ấy thấy được là còn hơn cả cảnh giới chúng sinh ở cõi này, chúng sinh cõi ấy thấy lỗi sinh tử nên tất cả đều muốn nhập vào cảnh giới Vô dư Niết-bàn. Đại tiên nên biết! Do nhân duyên này mà nói ra kiếp thiêu tận diệt.
Bấy giờ, Đại tiên Quang Minh Cự liền suy nghĩ: “Đức Thích-ca Mâu-ni này đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, là Bậc Tối Thắng đệ nhất trong các bậc Đại nhân, Ngài không gọi tên tự của mình ra mà gọi ta là Đại tiên, mình muốn thử thử xem có đúng là Nhất Thiết Trí hay chẳng phải là Nhất Thiết Trí? Nhưng hôm nay ta thật sự biết rõ chính là Bậc Nhất Thiết Trí, từ nay ta phải nên gọi danh hiệu đích thực của Ngài.”
Khi Đại tiên Quang Minh Cự suy nghĩ xong liền bạch với Đức Phật:
–Kính bạch Bậc Trí Tuệ vô lượng tích chứa công đức lớn! Bậc Nhất Thiết Trí, lại vì con mà thuyết giảng rõ những chúng sinh kia từ nơi nào hòa hợp?
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Ông nên biết chúng sinh không có nơi chốn hòa hợp, nên biết chúng sinh từ bình đẳng hòa hợp, gọi đó là hòa hợp, nên biết chúng sinh từ Nhất thừa hòa hợp, gọi đó là hòa hợp, tất cả đều là Bồ-tát hòa hợp, nghĩa là nơi cảnh giới Vô dư Niết-bàn. Đại tiên nên biết! Như vậy chúng sinh không có nơi chốn hòa hợp. Đại tiên nên biết! Ví như bao nhiêu sông lớn, sông nhỏ chảy vào biển cả đều cùng một vị mặn. Cũng vậy, này Đại tiên! Cảnh giới chúng sinh mà các lậu đã diệt hết, điều chung một vị giải thoát, tất cả Bồ-tát bình đẳng hòa hợp.
Lại nữa, này Đại tiên! Nếu chúng sinh ở trong biển sinh tử mà hòa hợp, thì ta gọi sự hòa hợp ấy chẳng phải là hòa hợp. Lại nữa, này Đại tiên! Ví như loài sâu bướm gió thổi thì hòa hợp, gió tàn cũng chia lìa. Như vậy, này Đại tiên! Cảnh giới của chúng sinh vì nghiệp lực trói buộc, đắp đổi nhau nên thực hành những hành nghiệp địa ngục, sinh trong địa ngục, hòa hợp trong địa ngục. Đại tiên nên biết! Chúng sinh vì nghiệp lực trói buộc đắp đổi nhau nên thực hành các hành nghiệp ngạ quỷ, sinh vào loài ngạ quỷ, hòa hợp ngạ quỷ, hoặc thực hành hành nghiệp súc sinh, hoặc thực hành hành nghiệp của trời người thì sinh vào cõi trời, người hòa hợp với trời người.
Đại tiên lại thưa:
–Thưa Bậc Nhất Thiết Trí! Bậc tự tại tất cả, bậc thích ứng với sự cúng dường của thế gian xin thuyết giảng cho con rõ: Làm thế nào để biết được chúng sinh thuộc loại gì được sinh trong loài người này? Hòa hợp nơi nào mà sinh đến đây?
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Nếu có chúng sinh ở trong địa ngục do hòa hợp mà sinh ra trong loài người. Khi gặp gỡ nhau thì sinh tâm xấu ác, những chúng sinh này ghét nhau lại thường gặp gỡ nhau, hoặc bị đau đầu, hoặc phóng đại tiện, hoặc mất tiểu tiện. Đại tiên nên biết! Đây là chúng sinh hòa hợp trong địa ngục mà sinh ra trong loài người, trong loài người nếu có tướng trạng như vậy thì nên biết đó là do hòa hợp trong địa ngục mà sinh đến.
Đại tiên lại thưa:
–Kính bạch Bậc Nhất Thiết Trí! Ánh sáng của thế giới, giảng thuyết cho con rõ: Làm thế nào để biết được những người do trong loài súc sinh hòa hợp rồi sinh ra? Lại có tướng trạng như thế nào?
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Nếu người nào thân trước ở trong loài súc sinh, hòa hợp mà sinh trong loài người, khi gặp gỡ nhau thì sinh tâm giận dữ, lại tìm cầu lỗi lầm sai xót, thường muốn dò xét, muốn làm não hại nhau. Đại tiên nên biết! Đây là tướng trạng của chúng sinh ở trong loài súc sinh hòa hợp đến sinh trong loài người. Nếu trong loài người có tướng như vậy, thì nên biết đó là trong loài súc sinh hòa hợp mà sinh đến. Lại nữa, này Đại tiên! Nếu người mà thân trước ở trong ngạ quỷ hòa hợp mà sinh đến trong loài người thì người ấy ưa thích ngửi mùi hôi, tánh ham ăn uống, keo kiệt không bố thí. Người ở trong loài ngạ quỷ sinh đến, thì thấy người khác giàu có liền sinh tâm ganh ghét, mong muốn vật của người khác. Đại tiên nên biết! Đây là tướng trạng của chúng sinh trong loài ngạ quỷ hòa hợp mà sinh ra trong loài người. Trong loài người, nếu có tướng trạng như vậy, tức là chúng sinh trong loài ngạ quỷ hòa hợp mà sinh đến, nên biết như vậy.
Lại nữa, này Đại tiên! Nếu người nào thân trước ở trong loài người nhưng khác nơi chốn, hòa hợp lại sinh trong loài người, những người này gặp gỡ nhau thì sinh tâm ái nhiễm. Nếu trong loài người có tướng trạng như vậy, thì nên biết đó là vốn từ trong loài người hòa hợp mà sinh đến:
Đại tiên bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu trời hòa hợp trở lại sinh trong loài người, tướng trạng ấy như thế nào? Làm sao biết được?
Đức Phật bảo Đại tiên:
–Nếu có người thân trước ở trong loài trời hòa hợp sinh xuống loài người, mỗi khi gặp gỡ nhau, ưa thích nhìn nhau không rời. Trong loài người, nếu có người có tướng như vậy thì nên biết người ấy vốn ở trong loài trời hòa hợp mà sinh đến. Đại tiên nên biết! Đó là tướng nhân duyên hòa hợp của chúng sinh.
Khi nghe Đức Phật dạy xong, Đại tiên Quang Minh Cự sinh tâm vui mừng bạch với Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có người không mong cầu Nhất thiết trí, những chúng sinh như vậy, thì mọi tạo tác đều rỗng không, không có kết quả.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại tiên:
–Như ông đã hỏi, cái ngã vi tế bên trong thân của chúng sinh, ông nên lắng nghe, nếu có phân biệt được chúng sinh, thì phân biệt cái ngã vi tế của chúng sinh ấy. Đại tiên nên biết! Ví dụ như có người sinh ra bị mù, không thấy được. Có người đến hỏi: “Thế nào là màu trắng?” Ý ông thế nào? Người mù kia chưa từng thấy màu sắc, thì có thể nói ra một loại màu như thế được không?
Đại tiên đáp:
–Không thể nói được.
Đức Phật nói:
–Đúng vậy, đúng vậy! Này Đại tiên! Người mù kia chưa từng thấy màu sắc thì không thể diễn tả được. Cũng vậy, nếu không thấy ngã vi tế bên trong của chúng sinh, thì không thể nói được.
Lại nữa, này Đại tiên! Mắt cũng chẳng phải là chúng sinh. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chẳng được gọi là chúng sinh. Lại nữa, này Đại tiên! Chẳng phải năm năm uẩn được gọi là chúng sinh cũng chẳng phải mười tám giới, mười hai xứ mười hai nhân duyên được gọi là chúng sinh. Lại nữa, cũng chẳng phải nội không, ngoại không, chẳng phải nội ngoại không mà được gọi là chúng sinh.
Đại tiên nên biết! Đối với mắt, mỗi niệm không trụ, biến đổi không dừng. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều ngay trong mỗi niệm không trụ, biến đổi không dừng. Này Đại tiên! Năm uẩn cũng như vậy, một niệm không trụ, biến đổi không dừng. Này Đại tiên! Ba mươi sáu vật bất tịnh của thân cũng đều một niệm không trụ, biến đổi không dừng, cho nên tất cả những thứ trong thân đều không được gọi là chúng sinh.
Lại nữa, này Đại tiên! Vật chất thuộc về sắc hòa hợp với mạng căn gọi là chúng sinh. Nếu đem thân để suy lường, phân tích, quán sát rõ ràng, thì thân này không có được chút mạng sống nào, không có người được nuôi dưỡng, cũng không có người trưởng thành. Đại tiên nên biết! Nếu có chúng sinh, thì Như Lai không giảng thuyết bốn pháp Thánh đế; vì không chúng sinh, nên Như Lai mới giảng như vậy. Nếu người không hiểu rõ pháp thì chấp thủ trong sự hòa hợp và chấp thủ theo tâm.
Bấy giờ, Đại tiên Quang Minh Cự thưa:
–Bạch Thế Tôn! Quang Minh Cự con kể từ hôm nay mong cầu Nhất thiết trí! Bạch Thế Tôn! Nếu lấy một đại kiếp làm một ngày đêm, ba mươi ngày như vậy là một tháng, mười hai tháng như vậy làm một năm, với số năm như vậy làm một kiếp. Bạch Thế Tôn! Con thà trải qua vô số, vô biên kiếp như vậy thường ở trong hầm lửa của núi Tu-di-lâu cao lớn đến tận cõi trời Sắc cứu cánh, con thà trải qua vô số vô biên kiếp như vậy ở trên ngọn núi ấy, mỗi niệm, mỗi niệm tự gieo mình xuống đất. Cũng như kiếp hỏa thiêu, năm chỗ đều thiêu đốt, con thà ở trong vô số kiếp như vậy thường dùng năm thứ lửa tự thiêu đốt mình. Bạch Thế Tôn! Con thà chịu nhận những thống khổ như vậy, chứ không bao giờ xả bỏ Nhất thiết trí, mong cầu nhân duyên Nhất thiết trí, đối với con, tinh tấn không bao giờ dừng nghĩ.
Bấy giờ, các vị Tiên nhân chứng năm thần thông đang ngồi gần Đức Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Thế Tôn:
–Chúng con ngày hôm nay muốn cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bằng năng lực của mình để phát tâm chuyên cần tinh tấn.
Bấy giờ, khi các vị Tiên nói lời ấy xong, từ giữa chặn mày,
Đức Thế Tôn phóng ra hào quang Tỳ-ni-bà-đế, hào quang này chiếu khắp mười phương. Từ giữa chặn mày của tất cả chư Phật trong mười phương cũng đều phóng ra hào quang như vậy nhờ năng lực của hào quang của Tỳ-ni-bà-đế khiến cho cả đại địa chấn động sáu cách nghĩa là chấn, chấn đều; động, động đều; nổi, nổi đều, phía Tây cao, phía Đông thấp; phía Nam cao, phía Bắc thấp. Chư Phật Như Lai trong mười phương dùng mưa hoa rải lên trên chúng hội của Đức Phật này; trống trời trổi âm thanh vị diệu rất khả ái, vua Càn-thát-bà trổi năm loại nhạc để cúng dường tán thán Đức Như Lai Thế Tôn, gió thổi hương trời để xông lên Như Lai, các Bồ-tát vui mừng dùng các chuỗi anh lạc phóng vào hư không ở trên Đức Như Lai, lại dùng hương, hoa, hương đốt, hương xoa, vòng hoa đẹp, đủ các hương thơm, đủ các loại vải đẹp, cờ, lọng, tràng phan để cúng dường Đức Như Lai. Các vị trời rất vui mừng, từ trên hư không, mưa xuống hoa Mạnđà-la, hoa Đại-mạn-đà-la tất cả chúng sinh tâm vui mừng, dùng y phục tốt đẹp đang mặc của mình để cúng dường Như Lai.
Bấy giờ, hào quang Tỳ-ni-bà-đế của Đức Thích-ca Như Lai chiếu khắp trên đến cung điện các vị trời cõi Sắc cứu cánh, xuống đến tận địa ngục A-tỳ, chiếu sáng như vậy rồi nhiễu quanh chư Phật Thế Tôn khắp mười phương, rồi sau đó trở lại nhập vào đỉnh đầu của Đức Thế Tôn.
Khi ấy, Tuệ mạng Tu-bồ-đề dùng kệ vi diệu thỉnh Đức Như Lai:
Mặt trời Đức Thích-ca
Ánh sáng chiếu mười phương
Tất cả phải có nhân duyên
Nguyện xin giảng cho con.
Thấy vị chúa dũng mãnh
Mọi người đều sinh nghi
Cũng có ý vui mừng
Tâm thanh tịnh hy vọng.
Hoặc có người chắp tay,
Hoặc nói lời lành thay,
Xin Như Lai thuyết giảng,
Trừ nghi cho chúng sinh.
Vua Đế Thích trong không,
Phạm vương, chủ thế giới,
Đều phát tâm vui mừng,
Tán thán công đức thật.
Chư Thiên trong hư không,
Mưa xuống các hoa báu,
Trổi nhiều thứ âm nhạc,
Không đánh, tự nhiên vang.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với Tuệ Mạng Tu-bồ-đề:
–Này Tu-bồ-đề! Ông có thấy Đại tiên Quang Minh Cự không? Này Tu-bồ-đề! Vị tiên này trong đời vị lai, ở thế giới Nguyệt quang sẽ được thành Phật, hiệu là Tỳ-bà-thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Trong hiền kiếp này có một ngàn Đức Như Lai, thì vị ấy ra đời cuối cùng. Này Tu-bồ-đề! Nếu có chúng sinh nào nghe được danh hiệu của Đức Tỳ-bà-thi Như Lai đều nương nhờ vào oai lực của Đức Phật này, như ngọc như ý muốn gì cũng được. Này Tu-bồ-đề! Tám vạn bốn ngàn Đại tiên nghe xong pháp môn này đều chứng quả vị không thoái chuyển. Này Tu-bồ-đề! Tất cả các vị trong pháp hội của Đức Phật Di-lặc sẽ chứng đến địa thứ mười của Bồ-tát. Sau ba trăm kiếp, sinh vào thế giới của Đức Phật Tự Đăng Minh Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Này Tu-bồ-đề! Vô lượng Bồ-tát nghe pháp môn này, lập tức đều chứng Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, Tammuội Âm thanh trí, Tam-muội Thọ thắng vị, Tam-muội Như huyễn, Tam-muội Giới thắng, Tam-muội Tuệ vương, Tam-muội Hảo tạng, Tam-muội Địa tạng, Tam-muội Hư không tạng, Tam-muội Đắc quang minh. Này Tu-bồ-đề! Có vô lượng vô số ức chư Thiên đều chứng quả vị Pháp nhẫn vô sinh, vô lượng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di, chứng quả A-la-hán. Này Tu-bồ-đề! Có vô lượng vô số chúng Trời, Người, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, người chẳng phải người… đều phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Đây là nhân duyên mà Đức Như Lai phóng hào quang Tỳ-ni-bà-đế chiếu khắp tất cả.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười xuất ra tướng lưỡi che khắp cả mặt. Từ trong tướng lưỡi phát ra vô số các loại sắc màu, nghĩa là màu xanh, vàng, đỏ, trắng, tím, màu pha lê chiếu khắp vô lượng, vô biên thế giới, sau đó trở lại nhập vào chân của Đức Thế Tôn. Khi ấy, Bồ-tát Vô Tận Ý từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, gối phải sát đất, chắp tay bạch với Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu không có nhân duyên thì Như Lai không cười. Hôm nay Đức Thế Tôn mỉm cười vì nhân duyên gì vậy?
Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Vô Tận Ý:
–Này thiện nam! Vì lợi ích của chúng sinh không có lòng tin, nên ta xuất ra tướng lưỡi mà cười, những kẻ vọng ngữ chẳng có được tướng lưỡi như vậy.
Bây giờ, Bồ-tát Vô Tận Ý bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có người nam người nữ nào, đối với pháp môn này, có khả năng thuyết giảng cho người khác một câu kệ sẽ được bao nhiêu phước đức?
Đức Phật nói:
–Này thiện nam! Công đức của người có được đem cúng dường cho tất cả chư Phật hiện có nơi cảnh giới Phật nhãn và tất cả chư Phật được thấy trong mười phương thế giới, tất cả những vật dụng tốt đẹp, cho đến khi chư Phật nhập Niết-bàn thì xây dựng tháp báu, sánh với người có khả năng thuyết giảng cho người khác về thật nghĩa của một câu kệ trong pháp môn này, thì công đức của người này được nhiều hơn của người trước.
Này thiện nam! Nếu có người đối với người thuyết giảng pháp môn tối thắng này mà sinh tâm thanh tịnh, dùng lời khen ngợi: “Lành thay !” với người như vậy tức đã tán thán tất cả chư Phật, nếu lại có thể cúng dường cho vị ấy thì cũng đã cúng dường cho ta không khác.
Bấy giờ, sau khi nhìn khắp tất cả trong chúng hội, Đức Thế Tôn bảo:
–Này các thiện nam! Lời nói chắc thật của ta hôm nay sẽ có những nơi tùy theo nơi nào mà có pháp môn này thì những nơi ấy sẽ được chư Phật nhìn đến. Này thiện nam! Pháp môn này giống như thuốc của chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề vào đời vị lai. Nếu người nào có thể đối với pháp môn này mà tu hành ba việc, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giảng thuyết cho người khác, thì người ấy chẳng khác nào khi Phật còn tại thế thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Này thiện nam! Nếu người có thể biên chép môn này thì người ấy rất dễ chứng được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không khó khăn gì, đối với tạng bí mật của chư Phật đều có thể an trú hộ trì. Này thiện nam! Người hành theo con đường xấu ác thì chưa bao giờ nghe đến pháp môn này. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh chỉ có một lần nghe qua pháp môn này, thì khi xả bỏ thân này sẽ được sinh vào thế giới thanh tịnh của Phật. Này thiện nam! Nếu có người cúng dường cho một ngàn chư Phật, gieo trồng căn lành, cũng bằng một người một lần nghe qua pháp môn này. Này thiện nam! Nếu có người nam người nữ nào, nghe được pháp môn này rồi liền sinh lòng tin kính, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết cho người khác, ta nói người ấy đắc đạo Bồ-đề trong tầm tay, Ta nói người này chắc chắn đạt được năm loại mắt. Từ đây về sau, các căn hoàn hảo, cho đến lúc lâm chung không đánh mất chánh niệm. Người ấy sẽ được Tammuội Nhất thiết chư Phật hòa tập, Tam-muội Tỳ-lô-giá-na phấn tấn, Tam-muội Đà-la-ni tạng, Tam-muội Châu ấn kế, Tam-muội Thọ ký, Tam-muội Quan thế ấn, Tam-muội Vô tự khiếp; chứng đắc Đà-la-ni Nhất thiết pháp thắng, Đà-la-ni Đoạn nghi, Đà-la-ni Đệ nhất nghĩa quyết định; chứng đắc vô lượng trăm ngàn môn Đà-la-ni như vậy, sẽ đạt được năm thần thông, tùy theo tâm nhớ nghĩ phát sinh tự tại.
Bây giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Ông đã cúng dường rất nhiều chư Phật Thế Tôn thì ông có thể hộ trì pháp môn này, lại có thể ở khắp mọi nơi thuyết giảng cho người khác. Này Văn-thù-sư-lợi! Căn lành hiện có của ông nhờ sự cúng dường, cung kính, cung cấp, thân cận với bao nhiêu chư Phật và được tôn trọng ngợi khen. Này Văn-thù-sư-lợi! Ý ông thế nào? Căn lành ấy có giới hạn hay không? Có thể tính đếm được không?
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:
–Bạch Thế Tôn! Không thể tính đếm được.
Đức Phật bảo:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu vào thời năm trước loạn lạc trong thế giới Ta-bà này, người nào có thể thuyết giảng pháp môn này cho người khác, thì phước đức của người này hơn hẳn phước đức của người kia. Này Văn-thù-sư-lợi! Ông tuy đã đem y phục, thức ăn, giường nằm, toa cụ, thuốc men cần thiết để cúng dường vô số chư Phật, nhưng không thuyết giảng pháp môn này cho người khác thì ông phải bị đắc tội với chư Phật ấy. Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu ông chưa từng cúng dường một vị Phật, mà thuyết giảng pháp môn cho người khác thì chính ông đã cúng dường tất cả các Đức Như Lai.
Khi Đức Phật thuyết giảng xong, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, Đại tiên Quang Minh Cự, hàng Trời, Người, Càn-thát-bà, A-tu-la, tất cả trong chúng hội được nghe Phật thuyết giảng, đều hoan hỷ cùng tán thán Phật.