SỐ 285
KINH DẦN ĐỦ TẤT CẢ TRÍ ĐỨC
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 4: TRỤ HUY DIỆU

Bồ-tát Kim Cang Tạng lại nói:

Các Phật tử, hãy lắng nghe! Bồ-tát Đại sĩ đã thanh tịnh Trụ Địa thứ ba, liền tiến lên an trụ Địa thứ tư, vượt qua và thâm nhập vào Mười minh diệu. Mười pháp ấy là gì? 1. Đi trong cảnh giới chúng sinh. 2. Đi khắp pháp giới. 3. Quán khắp tam thiên đại thiên thế giới. 4. Quán cõi hư không là vô tận. 5. Tỉnh giác nguồn thần thức. 6. Sống trong cõi dục. 7. Qua lại trong cõi sắc. 8. Giáo hóa ở cõi vô sắc. 9. Tâm chí đặt ở đạo giải thoát tối thượng. 10. Tánh rộng rãi, tâm dịu dàng. Đó là mười việc của Bồ-tát Đại sĩ. Lại có mười pháp để thấy được ánh sáng pháp, từ Trụ thứ ba nhập vào Trụ thứ tư. Phật tử! Hạnh nghiệp của Bồ-tát thực hành ở Trụ thứ tư là Huy diệu. Đạt trụ này, sẽ bảo hộ được hạt giống Phật, nội pháp đầy đủ, giáo hóa bằng mười tuệ. Mười tuệ đó là gì? 1. Là tâm tánh hạnh đạt được không xoay chuyển. 2. Là tin sâu Tam bảo không ai hoại được, dù đi đến nơi nào cũng đạt đến chỗ rốt ráo. 3. Là siêng tu hạnh nghiệp thanh tịnh Huyền diệu. 4. Là tự nhiên liễu ngộ đạo hạnh cao quý. 5. Là phân biệt mọi việc thành bại của thế gian đều do duyên sinh. 6. Là hiểu rõ tất cả mọi sự thọ sinh đều theo tội phước mà thành. 7. Là diễn giải nguồn gốc sinh tử, Niết-bàn. 8. Là hiểu rõ cội rễ của cõi chúng sinh. 9. Là ý thông quá khứ, vị lai. 10. Là phân tích giảng thuyết hạnh không cùng tận, nhờ đó thành tựu hạt giống Như Lai. Đó là mười việc.

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói:

-Phật tử hãy lắng nghe! Nếu có Bồ-tát trụ Địa thứ tư, tự quán sát trong thân để thực hành sự vắng lặng; tự chế ngự ý, không ôm giữ pháp thế tục. Lại quán sát kỹ cả trong ngoài, cũng không chỗ khởi lên, cũng không có chỗ để hoại; quán sự đau đớn bên trong, xét cả tâm pháp, cả gốc pháp, chỗ thực hành của pháp; quán xét cả pháp trong ngoài, mà thực hành sự vắng lặng; tự chế ngự ý, không nhớ pháp thế tục và các pháp ác, không để phát sinh những pháp ác chưa sinh, siêng năng nhiếp phục tâm, thành tựu các phương tiện, để dứt trừ hẳn pháp ác. Siêng năng, vui thích tìm ra những phương tiện để phát sinh những pháp thiện chưa sinh; luôn làm lành không để mất, làm cho phước đức ngày càng rộng lớn; siêng tu đạo địa, thực hành đầy đủ, nhiếp phục tâm không biết mệt mỏi, trừ hẳn uế trược; xem sự tu hành là hơn hết, định tâm bỏ tham, suy nghĩ và thực hành thần túc, thành tựu sự vắng lặng, tâm ý rốt ráo không dục vọng; cho đến khi Diệt tận vẫn luôn tu phước; siêng năng thiền định, dự trù đầy đủ cho hạnh nghiệp, cắt bỏ để tâm được định, được an trụ ở các hạnh, đoạn thức định, để thực hành thần túc, thành tựu sự vắng lặng, nên tâm ý rốt ráo không còn dục vọng; cho đến khi Diệt tận vẫn luôn tu phước. Niệm hành tín căn, tinh tấn cần cù, niệm căn, định căn và tuệ căn đều thành tựu tĩnh lặng, không còn các ham muốn, trừ hết các trần. Niệm hành khuyến đức, tín đức, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực, đều thành tựu tĩnh lặng, không muốn diệt tận. Niệm định, giác ý, khuyến khích đức, tu pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hoan hỷ giác ý, vững tin giác ý, quán hộ giác ý, đều thành tựu tĩnh lặng, khiến cho vô dục, trừ hết các trần. Niệm hành khuyến đức, chánh kiến, chánh niệm, chánh ngôn, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh ý, chánh định, thành tựu tĩnh lặng, khiến cho vô dục, trừ hết các trần, quán sát khắp các đức, mắt thấy nơi ở của tất cả chúng sinh, vì họ mà giảng thuyết về bổn nguyện đời trước, có tâm thương yêu không cùng, phát tâm từ lớn, làm cho chúng sinh sớm đạt Nhất thiết trí, mau rốt ráo được sự thanh tịnh cõi Phật, đầy đủ Mười Lực, Bốn vô úy của chư Phật, đủ các tướng tốt, lời lẽ âm thanh của bậc Tối thượng, tất cả đều đầy đủ; cầu học pháp nhiệm mầu, như pháp môn giải thoát của Phật, mà thực hành phương tiện quyền xảo không cùng. Lại nữa, Phật tử hãy lắng nghe! Bồ-tát nếu trụ địa Huy diệu này, phải quán sát biết là do tập khí từ trước: Tham tự thân, dựa vào ngã sở mà chấp có con người; dựa vào hình dáng, thọ mạng, các ấm, các đại, sự tham sống trong cõi người, nổi chìm lên xuống, chọn lựa nghi ngờ, thật quá mệt nhọc; nương cây tài nghiệp cho là của ta, cho là thật có, thì nên đoạn trừ hết tất cả, những sự nương tựa đắm trước cũng đều dứt bỏ; phải suy nghĩ những việc như vậy là đáng chê bai. Phải chịu đựng khổ đau mà siêng tu lập chí, khéo điều khiển được trí tuệ, đi khắp mọi nơi, xem Đạo là quý báu, thực hành hoằng dương giáo pháp, làm cho tâm thấm nhuần sự mềm dịu, bao dung nhân từ, hòa nhã thương yêu, không chán ghét, để luôn cầu tâm tối thượng, mến thích tâm trí tuệ thù thắng, cùng bảo vệ giáo hóa nuôi lớn tâm chúng sinh, tôn kính thầy bạn để tùy thuận tâm ứng khí, nhiếp tâm phụng hành theo pháp đã nghe, đạt tuệ Huyền diệu, thích thú việc đã làm nhân từ hiền dịu, ở nơi an ổn, bình tĩnh hiền hòa, chí tánh ngay thật, thực hành không mong thọ nhận, không tự đại, không kiêu ngạo; thọ trì giáo pháp, đem mạng quy thuận không làm trái. Thực hành được những điều ấy thì sự tu hành, thọ trì tĩnh lặng là Đạo địa tối thắng, trụ pháp thanh tịnh, siêng năng suy xét, cùng chúng hội tu tập, sự tu hành tiến triển, không thoái lui; siêng năng không ngừng, không mỏi mệt, không lười biếng, không còn trong vòng luân hồi, việc thờ phụng, việc tu hành không lường, hành hạnh cao xa không lường, siêng năng tối thượng, không ai sánh bằng, tất cả là để bảo hộ chúng sinh, không dám hủy phạm.

Bồ-tát này tâm tánh thanh tịnh, chí khí hiền hòa, thành tựu được đức tin cho các cõi, nuôi lớn gốc công đức, trừ hẳn tham lam, ganh tị, kiêu mạn buông lung, bỏ nghi ngờ, thân cận nơi cao quý, được đầy đủ pháp môn giải thoát không chướng ngại, nhờ cùng chúng hội tu pháp môn không chán nản, lười biếng, sớm được gần gũi Như Lai, thuận tâm Phật, không so lường được. Bồ-tát trụ địa Huy diệu này, gặp được vô số trăm ngàn ức Phật, cúng dường thức ăn, y phục, thuốc men, giường chiếu, phụng trì pháp đã nói, tỏ bày sự thọ nhập hạnh tôn quý, đến chỗ chư Phật xuất gia tu đạo, hành hạnh Sa-môn, lợi ích tăng trưởng, siêng tu tập, tâm tánh nhân hòa, tin hiểu và thực hành thanh tịnh, trải qua vô số trăm ngàn ức kiếp, không bỏ phế đức hạnh, mà ngày càng làm cho tăng trưởng tốt tươi cao đẹp. Ví như thợ ngọc gia công làm ra các vật báu đẹp, như vòng xuyến, hoa trâm, vật trang sức bằng ngọc. Bồ-tát Đại sĩ cũng vậy, trụ ở địa Huy diệu, thì gốc của phước đức ngày càng tăng trưởng, hơn cả các Bồ-tát ở trong các trụ dưới. Phật tử, giống như ngọc Như ý rực sáng và trong suốt, ánh sáng của nó sẽ che lấp các thứ ánh sáng ở bên cạnh làm cho không hiện rõ; cũng vậy, Bồ-tát trụ địa ở địa Huy diệu thì không ai sánh bằng, công đức của Bồ-tát ở những trụ địa dưới không hiện ra được; ma chướng trần lao đều bị tiêu diệt hết. Này Phật tử! Bồ-tát Đại sĩ trụ ở địa Huy diệu thứ tư này, sống trong bình thản hòa nhã, nếu ở cõi trời sẽ làm Thiên vương, khai hóa chúng sinh, với những kẻ tham chấp thân, chỉ bày sự tạo nghiệp bố thí, trí tuệ, nhân ái, làm lợi ích cho mọi loài, cứu giúp hết thảy chúng sinh, luôn nghĩ đến chư Phật, không bao giờ quên bỏ, cho đến khi được đầy đủ đạo Nhất thiết trí, làm sao để thành bậc tối tôn trong chúng sinh, đầy đủ hết thảy sự không cùng của Thánh tuệ, để cứu độ, dẫn dắt, đem lợi ích cho chúng sinh, vừa phát tâm ân cần tinh tấn thì được liền trăm ngàn ức Tam-muội định, được trăm ngàn Bồ-tát làm quyến thuộc vây quanh, nhờ lực Bồ-tát nên đạt được sở nguyện, sở nguyện được thù thắng, nên biến hóa tự tại, thành tựu vô số oai thần công đức, trải qua trăm ngàn ức kiếp, cũng không thể tinh được.

Bấy giờ, Bồ-tát Kim Cạng Tạng muốn phân biệt lại cho rõ chỗ quy hướng của thật nghĩa, nên nói kệ rằng:

Tu, đạt được ánh sáng
Đến trụ Địa thứ ba
Chúng sinh ở thế gian
Qua lại không tránh khỏi
Trụ Địa thứ ba này
Bình đẳng như hư không
Chí tánh tin sâu xa
Hạnh thanh tịnh không phạm
Vừa đạt đến Quang diệu
Trụ oai lực lớn lao
Nuôi lớn hạt giống Phật
Chí thành mà qua lại
Trụ Phật không nghi ngờ
Pháp, Thánh chúng, cũng vậy
Lập hạnh nguyện thanh bạch
Để thấy khắp các loài
An vui ở trong đời
Do quả báo từ trước
Mà rơi vào sinh tử
Cõi nước và chúng sinh
Dù pháp là vô thỉ
Dấy lên không cùng tận
Thực hành luôn cẩn thận
Quy y đấng Thế Tôn
Tích lũy pháp như vậy
Thương xót các chúng sinh
Tự thân tuân hạnh đạo
Tâm pháp trừ bệnh tật
Hạnh trong ngoài tương ưng
Suy nghĩ ý chân chánh
Siêng năng tu tập pháp
Trừ bỏ vật sở hữu
Dứt sạch các pháp ác
Nuôi lớn các pháp lành
Trừ hết mọi lỗi lầm
Tu hạnh nghiệp thứ tư
Thực hành bốn Thần túc
Năm căn và năm lực
Bảy giác ý vi diệu
Tám con đường chân chánh
Thương xót các chúng sinh
Muốn thân tộc tĩnh lặng
Thực hành thệ nguyện lớn
Đều vì hạnh từ bi
Chí nguyện Nhất thiết trí
Trang nghiêm các cõi Phật
Oai lực thù thắng nhất
Tâm suy xét kinh pháp
Dũng mãnh không lo sợ
Giáo hóa bằng Phật pháp
Tha thiết và cần cầu
Thích tiếng Phật vi diệu
Là đạo báu sâu xa
Là nơi đến giải thoát
Tích đức để suy xét
Phương tiện thiện xảo lớn
Đã bỏ thân tham chấp
Dứt sáu hai tà kiến
Lìa hẳn tâm nương nhờ
Và chẳng chấp có mạng
Không năm ấm, bốn đại
Các loại khác cũng thế
Đã trụ Địa thứ tư
Là trừ hết chướng ngại
Dứt bỏ hết cao ngạo
An trụ không kiêu căng
Không tham cầu khoái lạc
Nơi sinh ra tội khổ
Trừ sạch những nhơ uế
Tánh hạnh rất thanh tịnh
Siêng năng tu các đức
Tu thiện, không tham thân
Tâm tư luôn mềm dịu
Sở hạnh không buông thả
Tâm nhân hòa, ngay thật
Từ bi và hiền hòa
Mong cầu nghĩa tối thượng
Không bao giờ chán xa
Vui thích trí tuệ Thánh
Tu nghiệp vì chúng sinh
Cung kính bậc sư trưởng
Xa lìa cầu ái dục
Làm người sống lễ nghĩa
Không nịnh, thuận dạy thân
Không kiêu không đắm ái
Tâm tánh luôn vui vẻ
Siêng năng không đổi thay
Phụng sự bậc tối tôn
Đã an lập hạnh nguyện
Trụ vi diệu thứ ba
Nội tánh phải có thể
Trị tâm làm thanh tịnh
Ai thấy cũng tin vui
Tăng trưởng pháp thanh bạch
Bỏ nhơ uế ô trược
Và tất cả si mê
Bồ-tát trụ Địa này
Thù thắng không đắm trước
Nuôi dưỡng các chúng sinh
Trải qua vô số kiếp
Xuất gia làm Sa-môn
Chuyên cần nghe thọ pháp
Thành đạo không gì bằng
Vàng ròng thành anh lạc
An trụ trong thật nghĩa
Đức trí tánh thấm hòa
Khéo làm đủ trí tuệ
Tu hàng nghiệp thanh tịnh
Trải qua trăm ngàn kiếp
Chúng ma không quay lại
Phụng hành pháp vi diệu
Như làm bạn với ma
Đã an trụ thật nghĩa
Cúng dường bậc Tối thượng
Thành tựu đạo vắng lặng
Pháp cao cả rộng lớn
Thấy sáu hai tà kiến
Của tất cả chúng sinh
Nhờ phụng hành trí tuệ
Thù thắng và tối thượng
Siêng năng tu và học
Trăm ngàn bậc Trung Tôn
Gặp Phật không nghĩ khác
An hòa nghiệp rộng lớn
Mong đến nhà Thánh tuệ T
ôn quý hạnh huân công
Đó là Trụ thứ tư
Hạnh: Thanh tịnh vi diệu
Danh đức hợp nghĩa tuệ
An trụ đúng giáo pháp.

Bấy giờ, đại chúng nghe được trụ Địa thứ tư, vì là những người tối thắng, hiểu biết các pháp nên vui vẻ vô cùng, vui sướng trụ trong hư không, rải hoa trời cúng dường, khen ngợi:

-Lành thay! Phật tử, tuyên dương pháp rộng lớn, quỷ ma cũng suy tôn. Rồi cùng chư Thiên ở trong hư không, vui mừng cúng dường Đức Phật làm mưa hoa rải cúng các hoa đẹp mềm dịu, đem lại sự an trụ, các căn bình thản, dùng đàn sắt, đàn không hầu trổi nhạc rất hay; chư Thiên tập họp và mong muốn được phụng sự Thế Tôn. Thấy hình tượng tối thắng và sự tạo lập đạo tràng, tất cả đều cất tiếng nói như vầy:

-Nét mặt hoàn hảo, tánh hạnh cao cả, từ lâu hành đạo nay mới được như nguyện; đã lâu không gặp được bậc tôn quý của cõi trời người. Chư Thiên đến nơi thấy Đấng Năng Nhân trước mặt mà từ lâu chưa được thấy, làm kinh động cả biển lớn, đem ánh sáng lớn thanh tịnh chiếu thật xa, thật lâu, chúng sinh từ xưa đến nay mới được gặp để được an ổn. Từ xưa đến nay, hễ nghe được âm vang từ bi, ai nấy dù cách biệt xa xôi không đến được chỗ Thánh giả để được cứu độ và huân tập các công đức không cùng, nhưng cũng trừ bỏ được cống cao, đạt được sự vắng lặng tối thượng, biết tôn kính và cúng dường đại Sa-môn; thế gian cúng dường sẽ được lên đến cõi trời. Người được cúng dường thì an ổn vô hạn trong các nẻo, người cúng dường thì dứt hết các khổ não và đạt Thánh tuệ của Phật, coi sự hộ trì thanh tịnh như hư không, không chìm đắm trong thế gian, như hoa sen trong nước, vững chãi như núi Tu-di, tâm luôn vui vẻ phụng thờ bậc Tối thắng.

Nói xong, mọi người đều vui vẻ, hàng phục được vô số tà ma, vui mừng chiêm ngưỡng bậc đức độ như vậy. Lúc này, ai nấy đều lặng yên, như được ban thuyết tài báu lớn, như mặt trăng trừ tối, dũng mãnh không sợ, khen ngợi Trụ thứ tư, xin Bậc Tối Thắng giảng thuyết Trụ thứ năm.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10