SỐ 285
KINH DẦN ĐỦ TẤT CẢ TRÍ ĐỨC
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 5: TRỤ NAN THẮNG

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói:

–Này các Phật tử! Bồ-tát Đại sĩ đã tu tập thành tựu Trụ thứ tư, đã ở Trụ thứ tư, tiến lên Trụ thứ năm, thì phải thực hành mười ý mới thông đạt được. Mười ý đó là gì? Nghĩ về pháp của chư Phật đời quá khứ, cũng nghĩ về pháp của chư Phật đời vị lai và tưởng nhớ pháp của chư Phật đời hiện tại; tu tập giới thanh tịnh; tâm sáng suốt, diệt trừ sáu mươi hai tà kiến; hiểu rõ việc cầu đạo; thực hành hạnh thanh tịnh; tu hạnh Thánh tuệ; phân biệt rõ sự vi diệu của pháp ba mươi bảy phẩm Bồ-đề thanh tịnh; đó là mười việc.

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói:

–Lại có Bồ-tát Đại sĩ đã đạt Trụ thứ năm, sau mới thành tựu hạnh nghiệp tu thiện, thực hành ba mươi bảy phẩm pháp, tâm ý thanh tịnh, đạo nghiệp càng thù thắng, thệ nguyện rộng lớn. Nhờ nguyện lực mà gần gũi Như Lai, thương yêu chúng sinh, không bao giờ quên bỏ, tích lũy công đức, tu tập thánh tuệ, tinh tấn ân cần không biếng nhác, có phương tiện quyền xảo, học những gì chưa đạt được, luôn vui vẻ, trụ nơi sáng suốt, rất thích sự kiến lập thật nghĩa của Như Lai, đem tâm ý mình thâm nhập vào oai lực của Phật, tâm niệm chuyên nhất không thoái chuyển, xét đoán và hiểu rõ bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Tận, Đạo; để có thể thành tựu rốt ráo danh đức, phân biệt Thánh đế, thấu đạt nguồn gốc giới hạn, hiểu rõ các tướng. Thánh đế chánh chân thì không có phương tiện, phải tùy thuận mà tuyên thuyết. Hiểu đúng chánh chân, phân biệt đế, ấy là hành Thánh đế; phân biệt được việc đã được là đã Thọ Thánh đế.

Lại còn phải thực hành, hiểu rõ mọi việc Thánh đế Chánh nghiệp, tiếp đến mới tuyên thuyết hành Đạo thánh đế, diễn giải thật nghĩa Tận vô sinh đế, hiểu rõ sự thâm nhập vào nghiệp Trí đạo đế, từ đó nhập được khắp các trụ của Bồ-tát, dần dần được thành tựu biện tài, đạt tuệ lớn của Như Lai, trừ bỏ kết sử phiền não; tuyên thuyết Thánh đế, giáo hóa chúng sinh, khiến cho mọi người đều được vui vẻ; hiểu biết đúng thời, thông đạt Thánh đế, có thể nhập đạo nghĩa của một nhân, rồi dần dần hiểu rõ và thông đạt nguồn gốc Thánh đế chân chánh; đã hiểu được tướng của mình thì hiểu rõ các tướng Thánh đế, đã biết được chỗ quay về của chí tánh thì thông đạt được năm ấm và các loại triền cái; đặc biệt là từ Thánh đế thọ sinh, vượt qua được những hoạn nạn từ phiền não của thân, để hiểu rõ Khổ thánh đế. Trải qua đủ các thứ phiền não trói chặt, sau cùng mới hiểu được nguồn gốc của Tập đế. Diệt trừ hẳn tất cả phiền não thiêu đốt, về sau mới hiểu được Tận đế. Ban đầu không có hai lời, diễn giảng phải đúng như nghĩa, sau hiểu được Thánh tuệ của đạo đế. Tất cả đều hiểu rõ, cho đến khi đạt được tuệ của Như Lai, về sau hiểu đúng Tập thánh đế. Tuệ lực sáng suốt, tin chắc không mất, sự hiểu biết thì bất tận, khiến các khổ không còn. Nhờ phân biệt lý đế, nên đủ phương tiện hàng phục nguồn gốc sinh tử, từ đó hiểu rõ tất cả sự thọ sinh, đều từ pháp này; hiểu rõ ngu si giả dối, đều là không chân chánh. Đã hiểu tận nguồn gốc thì càng thương chúng sinh, gần gũi kẻ đáng thương, còn ở đời thì phát tâm từ vô tận. Khi đã đạt được đạo tài tuệ lực này, thì bảo hộ chúng sinh, ưa thích trí tuệ của Phật, quán sát các nẻo sinh tử của chúng sinh: từ xưa đến nay đều bắt nguồn từ vô minh, từ trong ba cõi ân ái, từ sự trôi lăn trong dòng sinh tử, từ sự đắm trước do các phiền não che lấp, từ đó dần dần làm tăng thêm khổ ấm. Nếu hiểu rõ không có chúng sinh: không ngã, không nhân, không thọ mạng và xa lìa được nhân ngã, thì sẽ hiểu được việc của quá khứ; vị lai và hiện tại cũng thế. Chỉ vì nghiệp ham thích trống không ngu si mà đi mãi trong sinh tử không bờ mé, không dừng lại được, không ai cứu được, do vậy mà sự hiểu biết không có, thầy bạn cũng không. Dù có thầy bạn, cũng không thọ lãnh được lời dạy dỗ. Đó chính là kẻ phàm phu, ngu si, vô trí, bị vô số những phiền não che khuất và trói buộc, không sao nói hết. Chỉ khi tự diệt hết các ngã đến tận chỗ phải tận thì không còn thọ thân, cũng không còn nơi thọ sinh. Nếu không tin Phật đạo, thì càng thêm nhiều khổ não hoạn nạn, càng bị trôi nổi trong sinh tử, không bỏ được các phiền não, chẳng chán bốn đại, chẳng diệt cống cao, nhận chịu bao nhiêu là bệnh tà kiến, không phân biệt tham, sân, chẳng trừ được vô minh, ở sâu trong nhà ngu tối, không dứt hoạn nạn của ao ái dục, không cầu hạnh nghiệp mười Lực của Đạo sư, đi trên con đường của ma, mãi mãi chìm nổi trong biển sinh tử, không có tư tưởng tốt lành, mất đi sự tự tại. Khổ hoạn này, thật không sao nói hết, vĩnh viễn không ai cứu hộ, không nơi trở về, chẳng người giúp đỡ, không lợi ích, đơn độc không bè bạn. Hãy tu hành, tu các nghiệp lành, tích lũy công đức, đời đời tự khắc phục; nhờ đó tu tập được trí tuệ, hiểu được tất cả chúng sinh vốn rốt ráo và thanh tịnh, nên thành tựu mười Lực, thông hiểu tuệ vô vi, sáng suốt và cao cả. Đã hiểu được trí tuệ giải thoát, thành tựu được đạo nghiệp thì tích lũy được công đức, tu tập hạnh nghiệp đều vì cứu hộ chúng sinh, thương xót phàm phu, đem an ổn cho khắp chúng sinh, rũ lòng thương đến tất cả, mong độ thoát chúng sinh mà không có tâm gây hại, không phỉ báng, quyết hóa độ chúng sinh, làm cho ai nấy đều vui vẻ, làm thầy dắt dẫn chúng sinh để họ được diệt độ. Nhờ siêng năng tu tập, nên an trụ vào địa Nan thắng thứ năm. Từ đó đạt tự tại, tâm không quên sót, thông đạt nghiệp lành các cõi, ý chí kiên cường, khéo léo phân biệt trí tuệ, hiểu rõ thứ tự kinh điển, bàn luận các sách vở, ý luôn biết hổ thẹn, bảo vệ mình và người, ý chí dũng mãnh, giữ gìn giới cấm không phạm phải, ý luôn trong sáng để diễn giảng khắp nơi nơi, luôn thực hành chân chánh để thâm nhập khắp Thánh chúng, không tín ngưỡng đạo khác, đến gần với trí tuệ để thông đạt nghĩa lý; tùy thời mà thuyết giảng, được hạnh thần thông, dùng phương tiện cật vấn mà hiển bày giáo hóa, tu tập quyền biến, tùy phong tục mà dẫn dắt, tích lũy công đức, không cho là đủ, mong cầu đạo tuệ chưa từng lười bỏ, phụng hành tâm từ rộng lớn, tu tập lòng thương, tâm siêng năng cầu đạo nghiệp, không thoái lui ở chỗ nhàn hạ, tinh tấn ân cần, thực hành mười Lực và tuệ Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, luôn làm lành, suy xét, thâm nhập, để trang nghiêm cõi Phật, thực hành các hạnh, tích lũy tu tập những tướng tốt, siêng năng tu tập, chí cầu sự thanh tịnh trang nghiêm của Như Lai, thân, khẩu, ý hành đều tu tập nghiệp rộng lớn; tôn kính phụng hành giới pháp, tùy thuận các Bồ-tát, tôn trọng Pháp sư, không gây ách hại. Dùng phương tiện quyền biến của Bồ-tát mà đi lại trong thế gian; ngày đêm chuyên tâm trừ bỏ loạn niệm, luôn dùng đạo pháp giáo hóa chúng sinh, luôn tu hành như thế, dùng hạnh nghiệp bố thí, khuyên dạy chúng sinh, yêu kính lời nói lợi ích, đem lợi lớn, bình đẳng cứu giúp chúng sinh. Lại hiện ra các loại sắc thân hình thể để tuyên thuyết giáo pháp; từ đó thực hành nghiệp lớn của Như Lai Bồ-tát, khai hóa chúng sinh, thấy rõ sự nhơ uế của sinh tử, tán dương công huân Thánh tuệ của chư Phật; thực hành được như vậy là nhờ dùng đại thần túc cảm động biến hóa. Lại dùng lời nghị luận quyền biến dắt dẫn, giáo hóa chúng sinh; đã siêng năng giáo hóa như thế, thì thâm nhập vào trí tuệ của Phật, tánh luôn hành đạo, không bao giờ thoái chuyển; tu tập các công đức, cần cầu pháp thù thắng chân chánh, thương yêu chúng sinh, đi lại khắp nơi trong thế gian, trước tác và chú giải kinh điển, trao truyền cho đại chúng, cẩn thận giữ gìn sự giao phó, dùng như loại thuốc để chữa trị các chứng bệnh của thân tứ đại như lạnh nóng, gầy yếu, bị quỷ thần hại, bị trúng độc, bị bệnh cuồng loạn, hoặc các bệnh khác bức bách, tùy bệnh mà phối hợp các kỹ thuật để chữa trị, đi khắp nơi tuyên truyền, đem đến niềm vui cho mọi người. Quốc gia, xóm làng, quận huyện, sông hồ, ao suối, đều mọc những cây trái quý làm thuốc, hiện ra các vật báu: vàng bạc, ngọc Minh nguyệt, ngọc quý, thủy tinh, lưu ly và các loại báu Minh nguyệt; xóm làng, thành ấp, nhà cửa ruộng vườn, động đất, khi ngủ mê, nằm mộng quái lạ, đều nhập ở tất cả các hình tượng ấy, sự ứng hóa các tướng, đều được chữa trị hết; cẩn thận tuân hành nghiệp tài trở thành sự vật, thần thông thì vô sắc, không buông thả, thực hành bốn Đẳng tâm tạo ra sự chuyên cần tinh tấn để không gây nguy hại đến tâm thương xót đối với chúng sinh; nhờ tu tập, nên luôn được an ổn. Dùng hạnh này mà thương xót thế gian, dần dần tạo cho chúng sinh đứng vững trong chánh pháp của chư Phật. Bồ-tát ở địa Nan thắng, luôn cúng dường phụng sự vô số trăm ngàn ức Phật; dâng y phục, thức ăn, thuốc men, giường chiếu, ở chỗ các Như Lai; xả bỏ gia đình, xuất gia làm Sa-môn, theo chư Phật, nghe thọ kinh điển, trở thành Pháp sư. Lại tiếp tục nghe kỹ dần dần đạt pháp Tổng trì, ở trong vô số trăm ngàn ức kiếp, tu tập phát triển cội gốc công đức, đến chỗ rốt ráo thanh tịnh.

Này Phật tử! ví như báu vật xa cừ để gần nhau thì càng thêm sáng tỏ. Bồ-tát cũng thế, trụ ở địa khai sĩ Nan Thắng này, dùng cội gốc đức ấy tu tập trí tuệ quyền biến, đạo nghĩa sẽ được cao cả. Lại thêm tu tạo công đức bằng pháp Đại thừa, mà không cần bè bạn. Phật tử! Ví như trong xóm làng, có ngọc dạ quang, soi sáng khắp ruộng vườn, nhờ gió thổi mây bay di chuyển nhẹ nhàng trong cung điện của chư Thiên; Bồ-tát cũng thế, đã trụ ở địa Nan thắng, thì dùng công đức, trí tuệ quyền biến, tâm hành thâm nhập được khắp nơi; luôn ở thế gian nhưng không ai làm cho loạn động. Đó là hạnh nghiệp của Bồ-tát Đại sĩ trụ ở Địa thứ năm. Bồ-tát trụ ở địa này, có thể làm nhiều điều an lạc, hoặc làm Thiên vương hàng phục các học thuyết tà vạy; có thể tạo lập cho mọi người yêu kính bố thí, đem lại nhiều lợi ích bình đẳng, biết tâm niệm của chúng sinh; tâm chưa từng rời xa việc tu hành pháp của chư Phật. Lại luôn nghĩ nhớ, suy xét tất cả trí nghiệp của các Thánh chúng, để tìm ra phương tiện cứu độ chúng sinh đạt cho được sự rộng lớn không cùng của nhà Đạo; vừa phát tâm tinh tấn, thì nhất thời đạt được ngàn ức vô số Tam-muội không thể tính được, có vô số trăm ngàn, các Bồ-tát làm quyến thuộc vây quanh, luận thuyết kinh pháp và đều được độ thoát; lập nguyện lực, thành tựu sự biến hóa thù thắng của Bồ-tát, không thể tính lường được công đức ấy. Cho dù phải trải qua trăm ngàn ức kiếp, cũng không ai hiểu rõ sự huân tập công đức của Bồ-tát.

Bấy giờ, Bồ-tát Đại sĩ Kim Cang Tạng, muốn nói lại cho rõ hạnh nghiệp của kinh điển này, nên nói kệ rằng:

Trụ Huy diệu thứ tư
Rất thanh tịnh như vậy
Tâm ý đã bình đẳng
Suy xét việc ba đời
Thực hành các giới cấm
Tu đạo đức thanh tịnh
Vừa xa lìa kết phược
Chuyển nhập Trụ thứ năm
Ý niệm về các căn
Nghe rồi không hồi chuyển
Nhờ có bốn định ý
Thích dắt dẫn sách, câu
Đã vượt qua năm Lực
Không có gì hoại được
Đầy đủ sức dũng mãnh
Được trụ Địa thứ năm
Mặc pháp phục hổ thẹn
Thanh tịnh hương cấm giới
Đeo vòng hoa giác ngộ
Huân tập bằng thiền định
Tuân phục nghiệp trí tuệ
Hành đạo tự nghiêm dung
Tổng trì là vườn tược
Hành định ý bình đẳng
Đi bằng bốn Thần túc
Ý tịnh là cửa ngỏ
Mắt từ bi thương yêu
Thấy Thánh tuệ thù thắng
Giữ gìn không ngã sở
Ý hàng phục trần lao
Liền nhập Trụ thứ năm
Trụ Sư tử cõi người
Nhập Trụ thứ năm này
Là đạo địa đặc biệt
Dùng đạo nghiệp thanh tịnh
Tu hành tiến dần lên
Nếu thanh tịnh chí tánh
Luôn cần cầu tối thắng
Thương chúng sinh hoạn nạn
Suy xét lìa ý niệm
Tích lũy các công đức
Trí tuệ cũng tôn trọng
Phát khởi vô số hạnh
Soi sáng hành đạo địa
Đứng vững nơi chư Phật
Niệm thánh ý, vô mạn
Tự nhiên liễu ngộ được
Không bỏ bốn Thánh đế
Thông suốt chân thật đế
Cùng nuôi dưỡng căn lành
Phân biệt được chân chánh
Dần vượt qua các Đế
Trừ diệt ý chấp trước
Thực hành các Đạo đế
Tâm bình đẳng sáng suốt
Dắt dẫn không chướng ngại
Dùng tâm chân vi diệu
Tu tập các Thánh đế
Tu trí tuệ giải thoát
Không phiền não ngăn che
Đã tu các công đức
Hành trí tuệ sâu xa
Vượt qua các nhân duyên
Cứu tất cả chúng sinh
Luôn giữ ý chân thật
Thành tựu các Đế này
Tự thông hiểu nghĩa lý
Đạt bản tịnh không khó
Từ bi không chỗ đắc
Đó là mới an trụ
Nghĩ chúng sinh hoạn nạn
Cầu đạo tuệ thánh chúng
Quán sát các nguồn gốc
Đều từ đó sinh ra
Do vô minh ngu si
Nhốt trong giống ân ái
Chúng sinh tham giữ ấm
Nên thành thân khổ não!
Đã không còn ta, người
Xét chúng như cỏ cây
Từ trần lao mà có
Luôn qua lại các cõi
Như xe lăn không ngừng
Các khổ hoạn phiền não
Ôi thôi, quên hết rồi!
Chúng sinh thật đáng thương!
Bị ngu si thiêu đốt
Trôi mãi trong sinh tử
Năm ấm giống con bò
Bị các ghẻ tà kiến
Lửa thiêu đốt tâm kia
Chí khí luôn tối tăm
Rơi vào sông ái dục
Mới tìm cầu nẻo sáng
Ở tại sông đau khổ
Mới cầu bậc Đạo sư
Vì thấy khó như vậy
Nên tu, không buông lung
Các nghiệp đã tu hành
Đều dùng độ chúng sinh
Chí mạnh, tánh an ổn
Ở đâu cũng thế lực
Dũng mãnh, biết hổ thẹn
Hiểu rõ, thành trí tuệ
Chứa đức, không nhàm chán
Hạnh Thánh Tôn như vậy
Không bỏ mất pháp thiện
Ý chí rất mạnh mẽ
Là ruộng phước tối thắng
Giảng nói tưởng Giác ý
Hành hóa không biết đủ
Tinh tấn, thương chúng sinh
Muốn giáo hóa chúng sinh
Hiện thân làm thợ mộc
Hoặc họa sĩ, khắc ấn
Biết trị bệnh cho người
Ai bị quỷ quấy nhiễu
Đều chữa trị khỏi bệnh
Kiến lập yếu nghĩa Kinh
Được an lạc, Từ bi
Hợp lại rồi ban phát.
Giả sử có đùa giỡn
Sông suối hoặc vườn tược
Ao hồ, cây, hoa trái
Kiến lập vô số nghiệp
Vì an ổn chúng sinh
Hiện vô lượng sắc tượng
Vô số báu quý giá
Nhặt lấy làm động đất
Thấy ánh mặt trời, trăng
Đủ các tướng chúng sinh
Đi lại khắp mọi nơi
Vô sắc tài thù thắng
Thần thông không thể lường
Tu tập và thương xót
An ổn cho chúng sinh
Đó là nghiệp trí tuệ
Địa Nan thắng kỳ diệu
Cúng dường vô số Phật
Nghe thọ các kinh pháp
Tu tập tâm nhân từ
Hiển bày hạnh thanh bạch
Như xa cừ, vàng ròng
Mài dũa thành sáng đẹp
Xây nhà bằng báu vật
Đi lại trong cung điện
Như gió thổi phía trước
Không ai không ủng hộ
Thực hành pháp thế tục
Đều là vì chúng sinh
Giao du với bạn tốt
Như hoa sen trong nước
Ở nơi pháp thuật ấy
Xây dựng ngôi tôn quý
Từ bỏ các tà thuyết
Hiểu tu việc vui vẻ
Thực hành các đức lành
Đều từ tuệ thù thắng
Cứu giúp loài chúng sinh
Nhờ đó đạt mười Lực
Uy lực được tôn trọng
Tinh tấn là trên hết
Thấy vô số trăm ngàn
An trụ Thiện Trung Thiên
Đạt Tam-muội kỳ diệu
Quán sát vô số cõi
Vì hạnh nguyện sai khác
Vượt qua công huân này
Là trụ Địa thứ năm
Bao nhiêu pháp thuật ấy
Giáo hóa những tà thuật
Soi sáng rõ chúng sinh.

Khi nghe giảng thuyết về các hạnh của Bồ-tát, các Phật tử từ đất vọt lên, trụ trong hư không, vui vẻ rải hoa ngọc báu minh nguyệt, y phục bằng anh lạc, sáng suốt, thanh tịnh, cúng dường Phật, vui mừng khen ngợi: -Hay thay! Tất cả minh thần ở mọi nơi trong hư không và vô số trăm ngàn chúng đều vui vẻ, cúng dường đủ các loại báu đặc biệt tốt đẹp trong đời, các thứ hương hoa, hương xoa và các loại cờ, phướn lọng bằng lụa báu, quyến thuộc các ma, các con cõi trời Tự tại và các chư Thiên cũng đều đến, trụ ở trên cao, đi lại trong hư không, rải các hoa báu, tâm rất vui mừng được cúng dường đấng Tối Thắng, ghi nhớ vô số pháp và khen ngợi: “Hay thay!”, vô số trăm ngàn đệ tử thần túc của Phật đều tập họp, cùng trụ trong hư không, trổi các loại nhạc âm thanh rất hòa nhã, lại có các kỹ nữ ca hát. Tiếng vang của Phật nhân hòa, trừ hết trần lao ác độc, vắng lặng thanh tịnh, tiêu trừ các pháp tướng, giống hư hư không, không còn vọng niệm, đi lại thanh tịnh, thành tựu an trụ, không đắm thế tục, quyết không buông lung, gốc Không bình đẳng nhưng đều chân chánh, pháp không tưởng niệm. Ai hiểu rõ các pháp đều không thành không gốc, không còn nghiệp sở hữu, cũng không còn chỗ suy xét, phải thương xót chúng sinh, siêng năng tu tập mà cứu độ.

Phật tử, các Pháp vương tử, tu hạnh bố thí đều bỏ tướng chấp trước, giới đức bền vững, tâm tánh bình thản, vì chúng sinh mà nhẫn nhục, trao pháp tuệ vô tận và lực tinh tấn, làm cho các pháp vắng lặng nhập vào cửa Thiền định, trừ sạch các trần lao, quán sát vạn vật, tin hiểu chúng là trống không, thành tựu lực Thánh tuệ, bảo hộ tất cả. Người này đức hạnh cao cả, đã trừ sạch nhơ uế, tiếng tốt vang xa, âm thanh thuyết giảng tự nhiên, hòa nhã dịu dàng. Lúc bậc Thánh giả tối thắng im lặng, chư Thiên và ngọc nữ trong phút chốc đã trở về cõi trời.

Bồ-tát Kim Cang Tạng vui mừng, chí khí dũng mãnh, sự hóa độ được viên mãn, để thành Trụ thứ năm, đạt đến chỗ rốt ráo không ai phế bỏ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10