SỐ 291
KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Trúc pháp hộ, đời Tây Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Nghe như vậy:

–Một thuở nọ, Đức Phật du hóa tại cõi nước mà Như Lai kiến lập. Đức Phật hiển bày Pháp thân thâm diệu an lạc chiếu kiến khắp cả các lầu gác cung điện, đó là cung điện Lưu ly tạng (Đại quang minh

tạng) trang nghiêm và rực sáng là chốn hành hóa của Như Lai. Lúc ấy, Đức Phật hưng khởi ra vô lượng đạo lộ ánh sáng làm cung điện pháp giới. Ánh sáng Pháp thân ấy tự quán chiếu khắp trùm Pháp thân và tòa Sư tử của chư Bồ-tát, đồng thời bao hàm tất cả pháp thể Bồ-tát làm đại pháp tòa, tuyên bày khắp pháp giới. Thánh chỉ của Như Lai duyên với hư không giới, hành không chướng ngại, hiểu rõ bản tế Thánh tuệ, thấu giải Phật tuệ, phân minh Thánh đạo. Quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật đều cùng một Pháp thân bình đẳng. Tất cả các hành của chư Phật đều hành bình đẳng với sức thần thông không chướng ngại. Pháp thân tuệ thể của chư Phật rốt ráo vô tướng. Với pháp độ vô cực (pháp Ba-la-mật), chư Phật đi khắp pháp giới, không có sự vọng hành, nhiệm mầu vô hạn mà làm bậc Tối chánh giác. Như vậy chư Phật đều vượt qua các tâm hành, không còn sự che lấp cửa giải thoát do năm ấm. Pháp giới ấy rộng khắp như hư không, vì Như Lai thường du hành mười phương cõi nước chư Phật vô lượng, vô biên, không một chỗ nào mà không thấy biết. Trăm ngàn vạn ức na-do-tha chư Bồ-tát nhiều như vi trần số, tất cả chư vị đều là những bậc Nhất sinh bổ xứ.

Mỗi vị đều ở trong cõi nước chư Phật khác nhau, chí nguyện vô hạn, làm theo trí tuệ. Mỗi vị cũng đều nhập vào pháp giới bình đẳng không hề hư hoại. Cõi giới của các vị là sự vô hạn của không giới, không chỗ sở đắc, không thấy hành trung đạo, không thấy có tự nhiên, cũng không chỗ sinh diệt, tỏ rõ tất cả các pháp cũng là như vậy. Thân chúng Bồ-tát không chỗ động xả, đạt đến các thông tuệ, biến khắp các Phật quốc mà không chỗ khởi niệm. Ở trong Phật đạo tuân theo trí tuệ Như Lai, hiện tại đạt đến ánh sáng sáng tỏ rốt cùng, đi chỗ đi của bậc Đại Thánh, không thấy có sự chuyển động. Trí tuệ trên một thân mà hiện ra chỗ hành vô lượng thể, trùm khắp trong pháp giới vô hạn, khéo phân biệt rõ ràng cảnh giới chúng sinh cho đến quả Không thoái chuyển. Các Bồ-tát ấy đều đạt đến bản tế, pháp giới không gốc đã diệt sạch tự ngã, thân thường nhu thuận, không chỗ sợ hãi. Như Lai chiếu sáng tất cả thiện căn vì các đồ chúng.

Những vị ấy là: Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Phổ Xưng Tôn, Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ, Bồ-tát Kim Cang Tràng Anh, Bồ-tát Vô Cái Nguyệt Tịnh, Bồ-tát Nhật Quang Ly Cấu Tạng, Bồ-tát Đại Thần Thông Biến Động, Bồ-tát Ly Cấu Quang Thủ Thập Phương Tinh Tấn Vương Đại Sư Tử Ngu Lạc Thần Thông… Các vị Bồ-tát trong mười phương như thế không thể tính hết, như số vi trần đầy khắp trong trăm ngàn ức na-do-tha cõi Phật. Các chúng hội Bồ-tát cũng nhiều như vậy.

Lúc ấy, có ánh quang minh gọi là Như Lai Thánh Chỉ được lưu xuất từ giữa chân mày Đức Thế Tôn. Trăm ngàn vạn ức na-do-tha vô tận số ánh sáng chiếu tỏa vô lượng, vô biên không bờ mé. Như Lai thị hiện oai thần lực, hiển bày khắp mười phương Phật quốc thế giới chỉ dạy cho trăm ngàn ức na-do-tha vô tân số chúng Bồ-tát. Oai thần tức là thế giới chư Phật khiến cho tất cả các đường ác thảy đều tiêu diệt, các cung điện của ma quân đều bị che khuất. Lại có chư Như Lai thành tựu quả vị Tối chánh giác, thị hiện ra các chúng hội đạo tràng của chư Phật, làm giác ngộ cho những người chưa giác ngộ, xuất sinh các tòa ánh sáng nghiêm tịnh hiển sáng pháp giới, bậc nhất không giới, một chỗ mà trùm khắp tất cả chỗ, đạt đến cảnh giới chư Phật. Ánh sáng ấy lại trở về nhiễu quanh tất cả đạo tràng Bồ-tát, rồi thể

nhập nơi đỉnh môn của Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ. Tất cả Bồ-tát và chúng hội thấy điều kỳ lạ chưa từng có như vậy nên thân tâm hoan hỷ và cho rằng ánh sáng như thế tự nhiên xuất hiện thì nhất định hôm nay phải có sự thần biến vô biên, tuyên thuyết đại pháp. Lúc ánh sáng ấy ẩn tàng thì Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh từ chỗ ngồi ở tòa liên hoa đứng dậy quỳ gối chắp tay, nghĩ về công Đức Như Lai, dùng kệ tụng:

Thức những kẻ còn mê
Siêu vượt các Đức vương
Hành ấy không ngăn ngại
Chỗ độ thoát vô cùng
Đại Thánh ấy an trú
Bình đẳng khắp ba đời
Nay cung kính đảnh lễ
Minh triết của trí tuệ
Nẻo hành không hình tướng
Tức qua đến bờ kia.
Lại có sự thị hiện
Khéo trang nghiêm thân tướng
Ánh sáng lìa trần cấu
Diễn xuất vô lượng quang
Hằng phục các ma sự
Cúi đầu quy mạng lễ.
Chấn động nhiều cõi nước
Các cung điện qua lãnh
Cho đến khắp mười phương
Tất cả các cõi nước
Không để cho một người
Phải chịu sự sợ hãi.
Oai thần của Phật đạo
Hưng khởi cũng như vậy
Đều bình đẳng kiến lập
Ở trong hư không giới
Pháp giới ấy như thế.
Thấu đạt các cảnh giới
Nghiêm tịnh khắp chúng sinh
Na-do-tha trần số
Dứt sạch nơi chúng sinh
Tất cả mọi tội chướng.
Chí nguyện rất kiên cố
Hành dụng trăm ngàn kiếp
Công đức tự tích tụ
Thù thắng nơi Phật đạo.
Thấu đạt ở nhất hành
Thánh tuệ không chướng ngại
Lấy một sự tự nhiên
Để thực hành Phật đạo.
Đạo sư vì như vậy
Chỗ diễn phóng ánh sáng
Thấy khắp cõi Ta-bà
Không chỗ nào chẳng tỏ.
Thị hiện cùng khắp cả
Oai thần lực biến hóa
Thân tôi đã vào trọn
Trong đó tự hành dụng.
Nay chính vì lẽ ấy
Hưng khởi niệm như vầy:
Hôm nay chính là lúc
Cúi lạy Đấng Pháp Vương.
Vô tận số Bồ-tát
Đều vân tập về đây
Thảy muốn được nghe pháp
Được phân minh Pháp sự.
Hôm nay các chúng hội
Trong lắng càng lắng trong
Ở trong các thế giới
Thân cận, vâng tu tập!
Thánh tuệ không bờ mé
Cảnh giới không ngăn ngại
Được công đức dũng mãnh
Oai thần đến vô biên
Thị hiện bạn cõi đời.
Chỗ hành vượt thần tiên
Trí tuệ khó nghĩ bàn,
Vượt ngoài sức tinh tấn
Mà ứng hiện ánh sáng
Chiếu tỏa chư Bồ-tát
Nay đệ tử cần hỏi
Pháp tối thượng thù thắng
Nơi cảnh giới nhận lãnh
Sự thông đạt Đại thánh
Tự phóng uy sáng ấy
Mà thị hiện khắp cùng.
Bậc Đạo sư tối thượng
Tuyên thuyết các cõi Phật
Ai Thánh trong cõi người
Bậc Chân thật tối thượng.

Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ nói lời kệ khen ngợi này xong thì cũng lúc ấy, từ trong kim khẩu của Đức Thế Tôn phóng ra ánh hào quang gọi là “bất khả kế ức số chiếu minh”, chiếu khắp tất cả thế giới chư Phật không có bờ mé, rồi nhiễu quanh các Phật quốc đủ mười vòng, thị hiện oai biến Như Lai Thánh chỉ, trăm ngàn ức na-dotha vô tận số Bồ-tát đều thấy rõ giáo sắc ấy. Thánh chỉ ấy chấn động khắp các Phật quốc cho đến các nẻo ác đều bị tiêu diệt, che lấp tất cả cung điện ma vương. Chánh giáo Như Lai bình đẳng mười phương, thị hiện đến các chúng hội, đạo tràng của chư Phật, giác ngộ người chưa giác ngộ. Ánh sáng ấy độ khắp pháp giới, bao trùm khắp tất cả hư không giới, thấu đến các Phật quốc rồi liền trở lại nhiễu quanh chư Bồ-tát và nhập vào diện môn của Bồ-tát Phổ Hiền. Lúc Bồ-tát Phổ Hiền vừa gặp ánh sánh đó thì cũng là lúc công đức, uy nhan và tòa Sư tử của Bồ-tát đều tăng lên gấp bội phần so với trước, vượt hẳn cả tòa Sư tử và thân Phật, lại còn vượt hẳn hình thể và tòa Sư tử của các Bồtát khác. Tòa Sư tử của Bồ-tát Phổ Hiền dáng vẻ đẹp đẽ cao lớn thù diệu, thị hiện tướng thù đặc thật là sáng đẹp.

Lúc ấy, Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ hỏi Bồ-tát Phổ Hiền:

–Thưa Phật tử! Công đức của Đại sĩ thật khó nghĩ bàn nên tất cả thế giới đều biết đến Đại sĩ hưng khởi sức đại thần biến làm Chư Bồtát hoan hỷ và cảm động vô cùng. Thưa Phật tử! Sự xuất hiện của Như Lai là ứng hiện điềm lành gì vậy?

Bồ-tát Phổ Hiền liền đáp lời:

–Như chỗ tôi nhớ, mỗi lúc thấy sự thị hiện biến hóa cảm động vô biên này của các bậc Bình đẳng giác thuở xưa thì lúc đó, sẽ diễn thuyết kinh điển Như Lai xuất hiện. Nay Đại Thánh vì muốn diễn thuyết nghĩa này nên thị hiện điềm lành biến hóa như vậy.

Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ vừa nghe đến tên kinh Như Lai xuất hiện này thì cùng lúc do sức oai thần của Phật mà đại địa chấn động. Khi đó, Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ nói với Bồ-tát Phổ Hiền:

–Lành thay Phật tử! Bồ-tát đã vì chư Bồ-tát Đại sĩ mà vui nhận việc tán dương sự xuất hiện thành tựu của Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác sao? Nay đây mười phương thảy đều nghiêm tịnh, trăm ngàn ức vô tận số chúng hội xưa nay khéo tu công hạnh thanh tịnh, tâm có chỗ về, trưởng dưỡng công đức đạo, khơi dòng giác tâm, diễn đại ngôn từ, siêu vượt bờ kia. Kiến lập tất cả công hạnh cùng oai đức tướng tốt Như Lai, một tâm hướng về chư Phật chưa từng quên mất. Hưng khởi đại Bi, quán nhìn chúng sinh cùng chư Đại Bồ-tát, khơi tỏ thần thông, biết rõ tất cả sự tinh cần của Như Lai, tự thân luôn vắng lặng và luôn được nghe tất cả pháp âm Thánh diệu của chư Phật tuyên thuyết. Các vị như vậy là công đức vang danh, bình đẳng dứt trừ tất cả sự thương ghét, chẳng kể thân sơ, làm cho chư Bồ-tát ấy đều vân tập đến.

Thưa Phật tử! Bồ-tát đã từng cúng dường, lễ bái, tham vấn, thọ giáo nơi trăm ngàn ức na-do-tha vô tận số chư Phật và hẳn nhiên đã từng siêng năng thi hành trì hạnh Bồ-tát, đắc đại thần thông và các môn Tam-muội. Thần thông pháp lạc ấy đều thể nhập vào tạng bí mật của Như Lai; dứt trừ các sự hồ nghi, và nhập vào sức tinh tấn vô úy của Như Lai. Thấu suốt tất cả căn tánh của chúng sinh và tin chắc vào chân đế giải thoát mà tuyên thuyết kinh điển, đạt Như Lai chủng, ấy là chỗ về của Thánh tánh. Tuyên thuyết tất cả pháp đạo rốt ráo Đệ nhất nghĩa của chư Phật, chứng đắc và độ thoát vô lượng, vô biên. Các việc như vậy và công đức thù đặc không thể lường tính.

Lành thay! Phật tử! Bồ-tát đã nguyện tuyên thuyết về chỗ thị hiện của Như Lai, ngôn âm diễn thuyết rộng khắp, chỗ có thể diễn thuyết là các cảnh giới tâm niệm hiện hành, ngợi khen các hành giả, thành tựu Tối chánh giác, chuyển đại pháp luân, xiển dương Phật pháp, thị hiện diệt độ, hiển bày tất cả đức bản và công hạnh của Như Lai.

Lúc ấy, Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ muốn giải nghĩa rõ ràng về chỗ sở quy một lần nữa, tức vì Bồ-tát Phổ Hiền mà nói kệ tụng:

Chỗ về không nhóm họp
Rõ thật tướng là giác
Trí tuệ ấy vô thượng
Bình đẳng lìa trần cấu.
Khen ngợi Bậc Tối thắng
Chỗ hành không giới hạn
Nghe pháp âm của Ngài
Tất cả đều phấn chấn.
Thù thắng của Bồ-tát
Làm thế nào hưng khởi?
Cho nên được chỗ về
Làm sao đạt chân thật?
Pháp âm của Như Lai
Thế nào là thân tâm?
Cảnh giới hành hóa ấy
Đại xưng ấy thế nào?
Sao gọi là chư Phật?
Gọi là lời Như Lai.
Sao gọi là Tối thắng?
Mà chuyển bánh xe pháp
Nguyện giảng sự an trú
Đạo quả của Niết-bàn
Những vị được an vui
Vô lượng chư Phật tử.
Ở khắp cả mười phương
Đại Pháp vương an trú
Tất cả chư chúng samh
Chỗ về của công đức.
Phước lạc những người ấy
Đại Thánh vì họ thuyết
Duyên gì thấy đạo ấy?
Làm sao được an trú?
Thế nào được nghe biết?
Danh hiệu của Như Lai
Chưa từng được tìm thấy
Các đại Thánh diệt độ
Giả sử tâm hoan hỷ
Cung kính với Thánh tôn
Xin rủ lòng dạy cho
Nhân nào thành đại tâm?
Nay vì hỏi điều này
Được đại nhân thanh tịnh
Vì nói chỗ phụng hành
Biển lớn của đại đức.
Quán thấy chư Bồ-tát
Tất cả đều chắp tay
Hỏi Phật và Hiền giả.
Cùng hỏi tôi phận mọn
Phải vì những vị ấy
Nói pháp báu thanh tịnh
Vì đoạn các hồ nghi
Được tuệ lớn không lường.
Vì họ dẫn ví dụ
Thị hiện chủng tánh Phật
Nếu chúng sinh nghe nhận
Phát đạo tâm thanh tịnh
Làm cho các cõi Phật
Trùm khắp không gì ngoài
Chư Phật thị hiện khắp
Bằng vô số thân hình
Biết giác pháp, thanh tịnh
Diễn nói hợp thời cơ
Nhân đó nên ví dụ
Mà thị hiện tuyên thuyết.
Na-do-tha Phật quốc
Khắp mười phương trăm ngàn
Ức bách na-thuật số
Vô lượng không thể lường
Khó có thể thấy gặp
Các Bồ-tát như thế
Như hôm nay vân tập
Thắng tự tại như vậy
Nên nguyện thuyết cho họ
An trú hạnh thanh tịnh
Do đó xiển dương rộng
Tộc tánh của Như Lai.
Chư vị Bồ-tát ấy
Tất cả chắp tay đứng
Muốn chí cầu pháp đạo
Khát ngưỡng nơi kinh điển.

Bồ-tát Phổ Hiền vì nhân duyên thỉnh hỏi của Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ nên nói khắp cho tất cả chúng Bồ-tát:

–Thưa các Tối thắng tử! Trụ xứ của chư Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác là không thể nghĩ bàn nên diễn bày sự hưng khởi của các vị cũng khó nghĩ bàn, sự tuần tự diễn bày pháp đạo cũng không thể suy lường. Như Lai thị hiện sự hưng thịnh lồng lộng như vậy. Tuy vì một việc mà không vì một việc và tất cả đều quy hướng về đạo. Vì sao? Thưa Phật tử! Có mười việc mà vô lượng pháp đều quy về trăm ngàn công đức không thể kể xiết, sở hành tu tập đều đạt đến ngôi vị Như Lai. Những gì là mười?

  1. Đạo tâm vô lượng, thu giữ khắp cả tâm niệm chúng sinh, quá khứ xa xưa đã từng tích lũy tâm niệm thiện hạnh.
  2. Chí tánh vô ngại, xưa nay thanh tịnh, nhóm họp vô cực.
  3. Đại Từ đại Bi vì các đường ác mà cứu độ chúng sinh.
  4. Nguyện hành vô tận không hề gián đoạn.
  5. Phước tuệ vô cực huân tập không chán, công hạnh luôn quay về.
  6. Giáo hóa chúng sinh bằng Phật tạng vô biên.
  7. Cũng vì các nẻo mà khéo biết rõ thanh tịnh.
  8. Vô lượng phương tiện quyền xảo của trí tuệ.
  9. Phụng hành vô lượng công đức, pháp đạo vô hạn, huân tập Thánh trí.
  10. Thông đạt trọn vẹn tạng kinh điển pháp nghĩa không bờ mé.

Cho nên, này Phật tử! Mười pháp hành ấy là đầu mặt của pháp. Đã hội đủ mười điều không thể nghĩ bàn này thì trăm ngàn vô lượng hàng quyến thuộc đều được quay về với Như Lai. Này Phật tử! Ví như trong ngàn thế giới sở dĩ có tên gọi ấy không phải vì một yếu tố hợp thành mà vì vô lượng nhân duyên mới hợp thành. Cũng như đám mây hợp thành rồi đổ mưa xuống tạo nên thời tiết. Có bốn nguyên nhân làm nên việc này:

  1. Gió thổi hiu hiu, phiêu diêu khắp nơi, gió ấy gọi là Chấp ngự, trong môi trường ngọn đại phong này có chứa nhiều nước nên nó chủ đạo về việc tuôn mưa.
  2. Có ngọn gió gọi là Khô kiệt tức là luôn làm tiêu tan hơi nước.
  3. Có ngọn gió gọi là Trụ lập, tức tạo lập tất cả các cung điện.
  4. Có ngọn gió gọi là Trang nghiêm tức làm cho tất cả chúng sinh thọ hình thể ở tam thiên thế giới thì tội phước của họ thảy đều tiêu dung.

Chư Bồ-tát thành tựu công đức cũng là như vậy, không thể hạn lượng, không thể nghĩ bàn. Cũng như bao nhiêu yếu tố lập nên tam thiên thế giới mới có các pháp thì cũng không thể biết được rõ ràng số lượng, gốc ngọn, đầu cuối của vô vàn nhân duyên, cũng không thể nhìn thấy, cũng không thể thấy tận nguồn gốc của nó. Cho nên, này Phật tử! Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác không vì một sự, không vì một nghĩa mà thị hiện.

Lại nữa, từ xưa chư Như Lai trước tiên đã từng hưng khởi mưa pháp rộng khắp, tâm luôn hành hóa mà không biết chán mệt, chí tánh kiên cố, luôn giữ gìn chẳng hề quên mất, không hề loạn động, quán chiếu tịch nhiên. Các vị luôn dùng trí tuệ làm đạo tràng, làm khô cạn tất cả trần lao ái dục, khuyến dụ huân tu, gieo trồng gốc đức mà khéo tiến lên, tiêu trừ kiêu mạn, thấu đạt rõ ràng các hành thanh tịnh, giảng thuyết dạy dỗ về công đức thanh tịnh cho chúng sinh. Công đức của Như Lai là nguồn đạo vô lậu nên đem lại những điều như vậy cùng ngôi vị Chí chân Chánh giác, thấu đạt các pháp. Ở cảnh giới ấy mà chưa thị hiện ra tất là nhập vào cửa thứ nhất là nẻo hành hóa của Bồtát đi đến chỗ hưng hiển của Như Lai.

Lại nữa, này Phật tử! Ví như tam thiên thế giới hưng khởi lên đám mây rộng lớn gọi là Bất khả hoại, đủ duyên thì mưa xuống. Ngoài mặt đất ra thì không gì có thể hứng chịu nước mưa ấy, chỉ có thế giới ba ngàn lúc gặp nước mưa đó mới lưu biến được. Cũng vậy, thưa Đại sĩ! Pháp giới chư Phật cũng có hồ chứa pháp trạch rộng lớn gọi là Vô hoại, tức là Phật chủng bất đoạn của chư Như Lai cùng các Thánh sĩ hợp lại, còn tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác không thể nhận lãnh, thọ trì, phụng hành được. Chỉ có chư Bồ-tát mới đủ năng lực lớn để thừa sự với tâm vô úy, thệ mặc áo giáp công đức, đó là cửa thứ hai.

Lúc đó, Bồ-tát nói kệ tụng:

Nghe rõ khắp mười phương
Tất cả trên thế gian
Không thể nào sánh được
Như sánh với hư không.
Chỗ hành của Đạo sư
Vô lượng không bờ cõi
Công đức đã biến khắp
Không thể tính đếm được.
Giả sử tư duy Phật
Do chỗ tâm niệm khởi
Các vị mười Lực ấy
Công đức không hạn lượng.
Lời nói của mọi người
Ngàn ức kiếp khen ngợi
Sư tử hùng vô biên
Cõi đời không có hai
Khắp mười phương tất cả
Vô số cõi nước Phật
Đều nghiền nát thành bụi
Kiếp số như bụi ấy
Ngàn ức lần như vậy
Nói về chư Mười Lực
Công đức bằng mảy lông
Cũng không thể nói hết.
Giả sử có một người
Muốn đo lường hư không
Cũng vậy người thứ hai
Tính nhanh các thọ tướng
Vô lượng không thể tính
Hư không không thể lường
Nên biết các mười Lực
Hành như vậy vô hạn.
Như người trong ba đời
Đều ở trong tam giới
Tính số lượng chúng sinh
Chỗ hành niệm của tâm
Trong khoảnh khắc tâm niệm
Đều biết rõ phần số
Mọi tư tưởng quần mê
Chốn niệm của thần thức
Thì cũng như pháp giới
Không hề có bờ mé
Cũng không thấy tất cả
Chỗ về của pháp giới.
Mười Lực cũng như vậy
Nẻo hành không hạn lượng
Tất cả, không tất cả
Pháp giới là tự nhiên.
Giống như cơn mưa lớn
Tên là Bất khả hoại
Nếu đức không thọ lãnh
Thì thủy tai vây bọc
Phật diễn hồ vô cực
Tiểu thừa không chịu nổi
Chỉ Bồ-tát thừa sự
Ban rải ở khắp nơi.
Không gốc như không gốc
Vắng lặng không hai tưởng
Vĩnh viễn không sinh diệt
Là bình đẳng rộng khắp
Trên thế gian tất cả
Cảnh giới cũng như vậy
Vốn bình đẳng tự nhiên
Đã thoát ngoài lợi hại
Giống như bản tế ấy
Chân bản tế không bờ
Ba đời là bình đẳng
Giải thoát khắp tất cả
Đều thương xót như vậy
Là nẻo hành Đạo sư.
Cùng ở khắp ba đời
Tất cả không ngăn ngại
Bản tế không tạo tác
Không tạo lẽ tự nhiên
Vốn tịnh như hư không
Không bẩn, không trần lao.
Bậc Tối thắng hiển bày
Tất cả đều nghiêm tịnh
Bỏ hết làm, không làm
Dứt sạch việc có không
Phóng hiện các ngôn âm
Cùng tất cả phát âm
Dứt ý niệm đi về
Diệt độ không chốn có.
Chư Mười Lực như thế
Với pháp luôn tự tại
Tất cả lời vô thanh
Cũng không thể nắm giữ
Tịch tỉnh cũng như vậy
Liễu rõ tất cả pháp
Như dấu chim trong không
Hoặc như đá trong không.
Duyên là chỗ thệ nguyện
Mà thị hiện sắc không
Tự quán các mười Lực
Chỗ biến hóa Tối thắng,
Giả sử muốn vào đó
Cõi Tối thắng như vậy
Phải chí niệm tuân đạo
Chí tánh ấy tự tịnh
Điều phục các tư tưởng
Ở nơi niệm vô niệm.
Như dấu chim trong không
Tâm vào đâu cũng vậy
Cho nên đã an trú
Tỉnh nơi Đạo sư hành
Nghe chỗ nói của tôi
Nêu rõ các ví dụ.
Nói về chư Mười Lực
Công đức không cùng tận
Huống gì nói nghĩa ấy
Giảng nói về Thánh tôn
Như loài chúng sinh kia
Tự nhiên hành hết mình
Không thể tính, nghĩ bàn
Chỗ hành các Đạo sư
Cảnh giới của mười Lực
Phật đạo tự tại chuyển
Thành tựu các gốc đức
Nghe nói thảy công đức.
Nay hiện làm cõi người
Nghĩ và làm không khác
Chưa từng nghĩ lãnh chịu
Nương nhân duyên hội tụ
Ngôn âm ngàn ức cõi
Phật nói khế hợp khắp.
Sở dĩ có ngôn thuyết
Vì có cõi tam thiên
Trên cõi người như thế
Những việc ấy tự nhiên
Công đức khó diễn bày
Chỗ biến khắp như vậy
Có thể biết số lượng
Tất cả niệm chúng sinh
Khó biết bậc thị hiện
Tự nhiên trong sở hành.

Lại nữa, này Phật tử! Như cơn mưa đó không từ đâu đến, chẳng đi về đâu mà có sự thấm nhuần. Đó là do chúng sinh có tội phước khác nhau nên thấy có sự đến đi vậy thôi.

Cũng thế, này Phật tử! Các Đức Như Lai hóa đạo cũng không từ đâu đến, không đi về đâu mà có ra cơn mưa pháp, chỉ do các oai lực nơi gốc đức của chư Bồ-tát mà hiện ra tướng hóa đạo ấy. Đó là việc thứ ba.

Bồ-tát nói kệ tụng:

Như mưa không đâu đến
Cũng chẳng đi về đâu
Phật giáo hóa tất cả
Không đến cũng không đi.

Lại nữa, này Phật tử! Ví như cơn mưa lớn ở tam thiên thế giới rơi vào thân mọi người thì họ không thể tính đếm được số giọt mưa ấy. Giả sử, ở một cõi Phật hưng khởi cho chúng sinh tư niệm về một hồ chứa rộng lớn thì mắt tâm của họ bị choáng ngợp, chỉ có Thiên tử Vũ Tôn chủ nhân về việc này trong tam thiên thế giới mới biết hết số lượng hạt mưa ấy không sót một giọt, đó là do gốc đức của đời trước đã từng đạt đến. Cũng vậy, thưa Đại sĩ! Tất cả chúng sinh, Thanh văn, Độc giác thì không thể tư duy biết rõ hồ pháp rộng lớn của Như Lai, chỗ khởi niệm của họ không thể theo kịp với đại tâm Như Lai. Giả sử có nghe cái đại tâm ấy thì cũng sẽ bị mê hoặc che lấp, chỉ có những chúng sinh tôn Bồ-tát đại nhân đã từng khéo tu đạo nghiệp ở đời Phật quá khứ, được oai lực vô thượng thì mới có thể biết được. Đó là việc thứ tư.

Bồ-tát nói kệ tụng:

Giả như có mưa lớn
Khắp ba ngàn cõi Phật
Chỉ Tôn Thiên tử biết
Ngoài ra không thể rõ
Kể cả hết thảy thừa
Thanh văn và Duyên giác
Không hiểu mưa Phật pháp
Chỉ Bồ-tát mới thông.

Lại nữa, này Phật tử! Lúc mây lớn nổi lên, lại có cơn mưa tên là Diệt trừ, nó làm tiêu diệt tất cả lửa đốt; lại có mưa lớn tên là Quán loạn, nó làm tiêu hoại nạn thủy tai; lại có cơn mưa gọi là Đoạn tuyệt, nó làm diệt trừ các loại gió; lại có mưa lớn tên là Hoại bại, nó hủy hoại các vật báu; lại có cơn mưa lớn gọi là Tiêu lạn, nó làm tiêu nát tam thiên thế giới. Cũng vậy, Như Lai thị hiện ra ở đời có đại mưa pháp tên là Diệt trừ để nêu bày hồ nước pháp, tiêu trừ tất cả trần lao ái dục; lại có đại mưa pháp tên là Tích nghiệp, nhằm tuyên diễn hồ nước pháp để tích lũy tất cả các gốc đức; lại có đại mưa pháp tuyên diễn hồ nước pháp gọi là Quyên thích, nhằm đoạn trừ tất cả sáu mươi hai tà kiến; lại có đại mưa pháp làm rõ hồ nước pháp khắp gọi là Hoại bại, khiến cho trí tuệ của tất cả các pháp được thành tựu; lại có đại mưa pháp diễn bày hồ nước pháp gọi là Tiêu hóa, hóa diệt tất cả chốn hành nơi tâm chí. Đó là việc thứ năm.

Bồ-tát nói kệ tụng:

Như mưa trừ diệt lửa
Có mưa hoại thủy tai,
Có mưa đoạn tuyệt gió,
Và mưa hủy núi báu.
Như Lai thị hiện đời
Diệt tất cả tham dục
Tích lũy các gốc đức
Trừ sáu hai tà kiến.
Mưa pháp khắp mười phương
Thành tựu tất cả tuệ
Hóa chí tánh chúng sinh
Khiến thuận theo Chánh giác
Không tham luyến bốn đại
Ba cõi không tự tánh
Tự nhiên từ vô lượng
Ba đạt không ngăn ngại.

Lại nữa, này Phật tử! Như nước mưa chỉ có một vị mà tưới nhuận vô hạn, thấm nhuần cùng khắp. Như Lai cũng vậy, dùng một tâm đại Bi mà mưa ra tất cả hồ nước pháp cùng khắp, tới tận vô biên, đạt đến Đại Thánh, cho nên gọi là Như Lai hiển hiện phân minh vô lượng pháp. Đó là việc thứ sáu.

Bồ-tát lại nói kệ rằng:

Như nước mưa một vị
Mà thấm ướt cùng khắp
Như Lai cũng như vậy
Bình đẳng không nghiêng lệch.
Dùng một tâm đại Bi
Mưa xuống khắp mọi người
Pháp trạch thật vô biên
Đem hết về đạo lớn.

Lại nữa, này Phật tử! Cũng như lúc tam thiên thế giới hình thành, trước hết hoàn thành thân các Thiên tử và các cung điện của cõi Sắc, thứ đến hoàn thành con người và chỗ ở của cõi Dục, sau đó thành tựu các loài chúng sinh. Như Lai xuất hiện ở đời cũng vậy, trước hết thành tựu trí tuệ chư Bồ-tát, sau đó diễn bày tuệ hạnh Duyên giác, thứ nữa mới hiển thị chốn hành gốc đức của trí tuệ Thanh văn, sau cùng mới chỉ bày chỗ hành trí tuệ nhóm họp gốc thiện cho tất cả chúng sinh khác. Đạo pháp chỉ một vị mà tùy theo sở thích, chỗ hành gốc đức, chỗ ở nhà cửa, xứ sở cung điện của mỗi một chúng sinh mà hiện ra mỗi một loại hoặc hiện ra mặt trái của sự tiện dụng. Pháp vị của Như Lai cũng như vậy, tùy theo trình độ chúng sinh và chỗ gieo trồng gốc đức mà tự nhiên hiển bày tuệ hạnh. Đó là việc thứ bảy.

Bồ-tát lại nói kệ rằng:
Như trước lập thiên cung
Sắc giới, Vô sắc giới
Sau đó mới hình thành
Cung điện của dục giới
Sau mới thành mặt đất
Muôn dân và xứ sở
Tất cả loại chúng sinh
Các rồng, Kiền-đạp-hòa.
Mười Lực cũng như vậy
Vốn hợp với tự nhiên
Tu hành không bờ mé
Oai nghi từ Bồ-tát
Sau mới thật tịch nhiên
Nhân duyên mà được thành
Thứ đến được tự tại
Mới sống cùng chúng sinh.
Các giọt mưa rơi xuống
Không xanh cũng không vàng
Nước thì thấm vào đất
Do vô số duyên sinh.
Và nhờ đất mới thành
Sinh cây cỏ núi rừng
Nước ấy không những thế
Còn tạo nhiều địa chủng.
Đạo sư ở chân lý
Trí tuệ là Thánh đạt
Bi tuệ như hư không
Cầm nắm các phương tiện.
Như pháp Bậc Tối thắng
Vào đó tức cúng dường
Trí tuệ rời cấu nhiễm
Thân ấy không chỗ trụ.

Lại nữa, này Phật tử! Như lúc hưng khởi thủy tai ngang bằng với hư không, trong thế giới ba ngàn hiện ra hoa sen tên là Thành đức bảo, tự nhiên sinh vô số loại làm che lấp nạn thủy tai ấy và chiếu khắp thế gian. Giả sử lúc hoa sen tự nhiên xuất hiện có, Thiên tử Đại Tôn và trời Tịnh cư thấy được cũng hoa sen ấy thì biết trong kiếp ấy phải có bao nhiêu bậc Bình đẳng giác xuất hiện ở đời. Ở đó có gió tự nhiên tên là Hiển diệu, lúc thổi lên khắp cùng thì nhà cửa cung điện của Thiên tử nơi Dục giới được thành lập. Lại có ngọn gió tên là Tịnh hiển minh, nó làm an ổn, thanh khiết và thành lập nhà cửa cung điện của Thiên tử Dục hành. Lại có ngọn gió gọi là Nhất loại, không hủy hoại mà còn thành lập núi Đại thiết vi, núi Kim cang. Lại có ngọn gió gọi là Đặc tôn, mỗi khi nó thổi lên thì thành lập núi chúa Tu-di sơn. Lại có ngọn gió tên là Trường lập, mỗi khi nó thổi lên thì thành lập bảy núi chúa Đại bảo. Đó là:

  1. Âm-đồ-lợi.
  2. Ý-thử-sơn-kỳ-lợi.
  3. Trừ hại bảo.
  4. Trừ-ưu-đà-la.
  5. Thoát hóa Dân-tùy-la.
  6. Mục-lân đại-mục-lân
  7. Hương sơn băng sơn.

Lại có ngọn gió tên là Thiện trú, mỗi khi thổi lên thì thành lập đại địa; lại có ngọn gió tên là Nghiêm tịnh, thành lập nhà cửa cung điện của chư Thiên Du địa, Thiên, Long, Kiền-đạp-hòa; lại có ngọn gió tên là Vô tận ý, thành lập và lưu thông tất cả vực sâu đáy biển trong tam thiên thế giới; lại có ngọn gió tên là Chiếu minh tạng, thành lập Bảo châu như ý khắp thế gian, lại có ngọn gió gọi là Kiên cố căn, mỗi khi thổi lên sẽ thành lập vỏ thân cây. Như vậy thưa Đại sĩ! Nước cơn mưa ấy chỉ là một vị, nước kia không hề tưởng nghĩ là nó hình thành vô số các pháp tự nhiên, nhưng vì chỗ biết và gốc đức của chúng sinh nên thấy các pháp có sự sinh diệt. Như các gió ấy, dùng nhiều loại gió mà phân biệt biết rõ tam thiên thế giới. Đức Như Lai Chánh chân Đẳng Chánh Giác sở dĩ mang lại tất cả gốc đức, thành tựu trí tuệ vô thượng, vô cực của các pháp, là vì làm đầu mặt cho cõi đời không để cho đoạn mất. Tánh Như Lai sáng bày vô cực, ánh sáng oai thần chiếu khắp thế gian không một chỗ nào mà không soi thấu. Lúc thấy ánh sáng ấy mỗi một chúng sinh đều phải chí tâm quy hướng Như Lai. Lại nữa, Đại Thánh cùng chư Bồ-tát không hề ngăn ngại, mỗi một đều tự nghĩ: “Hôm nay chư Như Lai sở dĩ hưng hiển là vì giáo hóa chư Bồ-tát nên hiện thân ở đời. Các vị diễn thuyết phân minh, trí tuệ bình đẳng và tánh chư Phật thanh tịnh lìa cấu nên hưng khởi ánh sáng này”. Như Lai gồm đủ ánh sáng đạo tuệ vô lậu gọi là Phổ chiếu, ánh sáng này tỏ rõ chủng tánh Chánh giác, trí tuệ pháp giới chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai. Lại có ánh sáng tên là Tổng trì mang đến oai lực bất động và sự hưng hiển không gì sánh kịp của Như Lai. Lại có ánh sáng gọi là Siêu việt nên mang lại trí tuệ vô úy và sự hưng hiển không có gì hơn của Như Lai. Lại có đạo ánh sáng gọi là Nhất thiết thông mang lại các thông tuệ không gì là không thuận theo sự giáo hóa ấy. Có đạo ánh sáng gọi là Hoại kiêu mạn, làm cho chúng Thanh văn thấy được gốc công đức, không chỗ hư vọng, không có khiếm khuyết và không hề dính mắt của chư Như Lai. Có tuệ ánh sáng gọi là Phổ đức làm cho tất cả chúng sinh lúc thấy được Phật đều phải quay về và được phước tuệ vô tận cũng như vậy. Có tuệ ánh sáng gọi là Viễn trung gian, tức Như Lai dùng trí tuệ thông diệu ấy để nhóm họp quy hướng tất cả đến pháp đạo Tam bảo, không cho đoạn tuyệt. Có tuệ ánh sáng gọi là Nhược can chủng trang giáo nghiêm tịnh, tức là Như Lai dùng ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp mang lại sự đầy đủ và vui sướng cho khắp tất cả chúng sinh. Lại có tuệ ánh sáng gọi là Vô đẳng luân, tức là Như Lai dùng ánh sáng ấy hóa độ tất cả bằng pháp điển, vào nơi cõi Phật, thọ mạng vô lượng ngang bằng hư không đến chỗ rốt ráo không cùng cực. Như vậy thưa Đại sĩ! Mưa pháp của Như Lai chỉ là một vị tuệ, Như Lai không chỗ tưởng nghĩ, chỉ bày Bồ-tát thành tựu pháp đạo, biết rõ căn tánh chúng sinh mà vì họ thuyết kinh pháp. Trí tuệ Như Lai bình đẳng tất cả, ánh sáng Thánh đạo không hề biện biệt, cho nên Như Lai xuất hiện ở đời.

Này Phật tử! Xem đó thì biết Như Lai đem đến một vị giải thoát, hiển hiện phân minh, công đức thanh tịnh không có hạn lượng, không thể nghĩ bàn, làm cho tất cả chúng sinh đều được thấu rõ, đó là chỗ kiến lập của các bậc Đại Thánh. Lại nữa, muốn cho “không chỗ kiến lập” của Như Lai hiển hiện pháp chưa từng có và muốn khuyến hóa ban bố cho một người đến chỗ vô thượng thì đó là sự hiển hiện đầy đủ gốc đức của Như Lai nếu có thể hiểu rõ và tưởng nghĩ về trí tuệ cùng công đức của Như Lai để được chứng đạt là điều chưa từng có. Thánh chỉ Như Lai siêu vượt các pháp nên vì chúng sinh mà phân biệt hiển hiện làm cho họ nhập vào nghĩa này, tỏ rõ pháp sáng không biết chán đủ. Như Lai không có các tưởng, không chỗ niệm khởi, không có sở đắc, cũng không mang đến, không chỗ tạo tác cũng không phải không tạo tác, không có tác giả cũng không từ đâu đến thì đấy mới là sự hưng hiển của Như Lai. Đó là việc thứ tám.

Bồ-tát lại nói kệ rằng:

Như hoa sen sinh ra
Biết Phật hiện ở đời
Chư Thiên đều hoan hỷ
Từng thấy Phật quá khứ.
Nhìn thấy nước ở đây
Cung điện đều sáng trong
Đời nay không lâu nữa
Đều sẽ có cõi nước
Ánh sáng Phật chân thiện
Ấy vốn là điềm lành
Chỗ niệm của Bồ-tát
Không gì không biết rõ
Tuệ thức ấy thanh tịnh
Thân tinh khiết không bẩn
Mười Lực cứu chúng sinh
Niệm hành các cõi Phật
Rõ tất cả trong đời
Chỗ tạo nghiệp vô lượng.
Như nương ở trên đất
Đất biểu hiện nơi nước
Đều ở tại hư không
Đó là đại cung điện
Lưỡng túc cùng Tứ túc
Chúng sinh cùng quy hướng
Tôn quý trong cõi người
Đã đạt ngôi Pháp vương
Vì tất cả mọi loài
Chúng sinh đều nương nhờ
Nhìn thấy hoặc được nghe
Đều tôn sùng hầu hạ
Phá tan trần ái dục
Chỗ nương nghiệp chúng sinh
Trên đến trời Phạm thiên
Đều không có bờ mé
Ai đã vì chúng sinh
Mà muốn an vạn loài
Không gặp sáng vì mê
Mà cầu nơi trí tuệ
Không thí dụ mà dụ
Nên Tối thắng thị hiện.

Lại nữa, này Phật tử! Ví như trong hư không tạo nên bốn thứ gió luôn nắm giữ nước. Những gì là bốn?

  1. Trụ phong.
  2. Khởi phong.
  3. Ngự phong.
  4. Kiên cố phong.

Đó là bốn loại gió nắm giữ nước trong hư không. Đất ở trên nước chẳng lay động, đó gọi là địa lực. Nước ở trong gió, gió khởi lập ở hư không, hư không thì không chỗ trú, vì không chỗ trú nên có tất cả các xứ sở ở khắp tam thiên thế giới. Giả sử Như Lai xuất hiện, kiến lập gồm đủ ở đời không hề ngăn ngại. Sự sáng suốt của trí tuệ gồm có bốn bộ, tuệ trường vô cực, nắm giữ tất cả gốc đức của chúng sinh.

Những gì là bốn?

  1. Dùng tuệ trường (cảnh giới của tuệ) vui thuận với chúng sinh.
  2. Tuệ trường kiến lập các pháp nhân duyên.
  3. Tuệ trường điều phục tất cả các việc và hộ trì các gốc đức.
  4. Trú ở cảnh giới vô lậu mà thấy tuệ trường. Đó là bốn tuệ trường.

Đem những điều ấy mà dạy dỗ tất cả chúng sinh, tâm đại Từ độ thoát quần mê, tâm đại Bi nắm giữ tiếng Sư tử. Vì có thể hưng lập đại Từ đại Bi này, phân biệt rõ ràng các chỗ hướng niệm của tất cả chúng sinh, trú ở phương tiện quyền xảo mà kiến lập hạnh từ, đó là hoài bảo xuất hiện của Như Lai được mãn nguyện. Lại nữa, Như Lai không chỗ ngăn ngại, sự sáng thông của Thánh đạt đều vô sở trú. Đó là việc thứ chín.

Bồ-tát lại nói kệ rằng:

Giống như hư không giới
Không hề có giới hạn
Thọ hữu sắc, vô sắc
Bao dung không giới hạn
Tám hướng cùng trên dưới
Cõi Phật, các sắc thân
Ba cõi không ra ngoài
Đó là hư không giới.
Như vậy các Thắng thân
Thị hiện ở cùng khắp
Quán sát khắp pháp giới
Ở chỗ có lẫn không
Tôn thể của Đại thánh
Tất cả không thể thấy
Nếu thấy các Đạo sư
Được khai hóa theo luật.

Lại nữa, này Phật tử! Giống như tam thiên thế giới rộng lớn vô hạn, có vô số hạnh của các loài chúng sinh, hoặc có phương tiện đều không lìa hư không, hoặc ở trên nước, hoặc ở trên đất, hoặc Phân địa lợi đều không thể lường xét, mỗi một đều hành phương tiện quyền biến; hoặc ở trong cung điện chư Thiên, cung trời Tự Tại, hoặc tại hư không, họ vì cái không mà tự buông thả. Như vậy thưa Đại sĩ! Giả sử Như Lai hiển hiện giáo hóa, tất cả chúng sinh thấy được đều kính ngưỡng. Nếu có kẻ kính cẩn, hoan hỷ, tùy thời buông xả thì được trú vào Giác lực. Kế đến huân tập giới cấm, vui thích nghiệp lớn của Hiền thánh độ đời, thần thông tự tại trí tuệ vô tướng, thuyết không ngăn ngại, đó là cửa Thánh đạt. Tu hành như vậy thì diễn thuyết sáng tỏ, tùy ý thành tựu mà không mất báo ứng, diễn giảng sáng tỏ, dẫn đạo các pháp, nhờ đó mà giáo hóa, không chỗ quên mất. Đó gọi là sự hiển hiện giáo hóa điều phục của Như Lai mà tất cả chúng sinh thảy đều kính ngưỡng, đó là pháp mười Lực.

Này Phật tử! Như Lai Chí Chân Đẳng Giác vì chư Bồ-tát mà thị hiện giảng thuyết kinh pháp, có chỗ quay về không hề giới hạn, không có buông lung, cũng không hý luận. Tâm ý thức ấy có chỗ hưng phát, chỗ về vô tướng, tự nhiên như không, biết rõ chúng sinh tất là tự nhiên không thấy ta mình, chẳng có bờ mé. Tất cả cõi Phật đều chẳng có cõi, các cõi đều không, chỗ về không thoái chuyển, chẳng hề đoạn mất. Vào đời vị lai đạt đến Thánh tuệ Như Lai không chỗ vui thích cũng không ai sánh cùng, chỗ về không hai. Các pháp hữu hình, vô hình, hữu vi, vô vi đều bình đẳng. Giả sử thông hiểu tất cả chúng sinh vâng tu đại đạo, nghiệp tự buông bỏ, ấy là sự khuyến giúp từ thuở xưa nên có thể đủ đầy sự kỳ đặc ấy. Này Phật tử! Các loại ngôn từ vô hạn, nhóm họp chỗ nói, mang lại sự hưng hiển đại đạo của Như Lai.

Bồ-tát lại nói kệ rằng:

Tất cả các chúng sinh
Nương nhờ ở cõi Phật
Đều nhờ hư không giới
Tức thuận theo giáo pháp.
Hoặc trong nước, trên đất
Hoặc ở cung điện trời
Quỷ thần cùng Long vương
Đều quy ngưỡng ở đó
Hư không không nghĩ vậy.
Nay ta tạo chỗ nào
Đã vì chỗ nào mất
Vì ai tạo hiện nghĩa.
Trên cõi người như vậy
Thân bày các duyên pháp
Theo tất cả mười phương
Mà tạo biết bao hạnh
Giới cấm tự vui thích
Việc lớn Thánh độ đời
Dùng tuệ sáng thần thông
Vì ai ích lợi nghĩa
Hiển thị pháp trong lắng
Rõ các kiến hữu vô
Chưa từng khởi tưởng nghĩ
Lợi ích nào nên đạo.

Pages: 1 2 3 4