SỐ 285
KINH DẦN ĐỦ TẤT CẢ TRÍ ĐỨC
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 3: TRỤ HƯNG QUANG

Bồ-tát Kim Cang Tạng bảo:

–Phật tử! Bồ-tát Đại sĩ đã thông suốt trụ Địa thứ hai, liền được nhập Trụ thứ ba, phải suy xét thực hành mười việc. Mười việc đó là gì? 1. Chí tánh thanh tịnh. 2. Tánh hạnh có ích, sáng suốt thông đạt. 3. Trừ bỏ ý tham vinh hoa phú quý. 4. Tâm không tỳ vết, nhơ uế. 5. Chí niệm quyết không thoái chuyển. 6. Tâm kiên cố, không khiếp sợ. 7. Suy nghĩ cao rộng không cùng. 8. Tánh hạnh nhanh lẹ không chậm lụt. 9. Hạnh vi diệu cao cả. 10. Tâm rộng lớn không hẹp hòi. Giả sử Bồ-tát Trụ Địa thứ ba, là phải quán vạn vật: vô thường, khổ, không, bất tịnh, không thể tin tưởng, sẽ hư hoại, không tồn tại lâu, vừa sinh đã diệt, quá khứ không có chỗ thành, vị lai chưa đến, hiện tại không trụ, là phải quán sát mọi vật có được đều sẽ hoại diệt. Nếu đã nhập vào địa Vô sở hữu thì tất cả đều là khổ đau, đầy dẫy sự nguy ách, hoạn nạn, sát hại, bị trói trong nghiệp yêu ghét, sầu khổ nhiều, đều bị vô thường, bị lửa tham, sân, si thiêu đốt, do nhân duyên đó mà không có chỗ để nương tựa. Phải xét tất cả đều như huyễn, tất cả vạn vật đều rất đáng sợ, không có sự cứu hộ, tâm luôn thay đổi, trái với trí tuệ căn bản. Phải thấy trí tuệ của Như Lai là không thể nghĩ bàn, không thể hạn lượng, không thể khen ngợi chuyển tải hết được, rất là cao xa, không tạp loạn, cũng không nguy ách; đó là pháp vô vi luôn tồn tại và là vô sở úy thứ nhất, là không còn thoái chuyển; là đem lại nhiều lợi ích, bình đẳng thấy biết. Đã thấy được vô số Thánh tuệ của Như Lai và thấy các ách nạn, thì càng thương xót chúng sinh, càng phải thực hành mười việc. Mười việc đó là gì? 1. Luôn nghĩ cách cứu kẻ cô độc khốn khổ. 2. Thường giáo hóa người nghèo khổ để họ được sống trong đạo pháp. 3. Dập tắt ngọn lửa tham, sân, si đang hừng hực cháy. 4. Tâm xoay vần trong sinh tử nhưng không mê loạn. 5. Luôn luôn muốn dứt trừ nhơ uế của trần lao, giác ngộ cho người chưa giác ngộ. 6. Tâm sáng suốt tự tại. 7. Không dạy kẻ bỏ pháp lành được vui trong đại pháp. 8. Đưa những người quên Phật pháp được vào chánh đạo. 9. Đưa những kẻ đang mê muội, trôi trong dòng sinh tử trở về nguồn cội. 10. Đem đến sự không lo sợ cho những kẻ lạc đường, bị sợ hãi. Đã quán sát vô số nguy ách của chúng sinh và tai họa trong ba cõi; thì phải siêng năng tu tập, để cứu giúp tất cả chúng sinh, độ họ được giải thoát thanh tịnh; được qua khỏi hết thảy. Giáo hóa khai ngộ, chỉ dạy khiến cho họ được diệt độ. Đã được như vậy rồi, tức đạt đến chỗ vô vi, hòa nhập vào muôn loài mà từ đó cứu độ hết thảy chúng sinh. Sự giáo hóa như vậy làm đầy đủ thêm Nhất thiết trí và Thánh tuệ của Như Lai, thêm siêng năng tu tập, ủng hộ chúng sinh. Lại suy nghĩ xem, phải tìm nhân duyên, phương tiện gì để độ vô số loài chúng sinh đang ở trong ách nạn của trần lao khổ não, đang bị thiêu đốt, để làm cho chúng sinh được an ổn mãi, không còn bị trở lại. Trụ ở Ba môn giải thoát vô ngại, thiết lập giáo pháp để khai ngộ, giáo hóa người, dùng trí tuệ của Ba môn giải thoát không chướng ngại mà không làm gì khác để hiểu rõ tất cả pháp, biết không có sự hành hóa, giác ngộ cái gốc Chân đế, dẫn dắt chúng sinh thực hành hạnh “Vô sở hành”. Nhờ trí tuệ sáng suốt đó, mà không còn phải quán sát, lắng nghe, dựa vào giáo nghĩa của kẻ khác, chỉ cần học Phật pháp. Tâm lại luôn nghĩ: Làm sao đầy đủ tất cả nguồn gốc của Phật pháp? Chỉ có học nhiều, phân biệt nghĩa lý, dùng tuệ quán sát, gia tăng lợi ích tu hành, cần cầu Chánh pháp, chuyên cần tinh tấn thừa hành, ngày đêm suy xét pháp, muốn được nghe thọ, không hề chán ghét, thích chánh pháp không bỏ phế, phát sinh pháp vi diệu, cần cầu pháp chỉ dẫn, phát chí nguyện về pháp đều do pháp; pháp lưu chuyển, pháp quay về, cứu hộ pháp để bảo vệ pháp và thực hành pháp. Khéo biết cầu đạo pháp, không thích báu vật vô giá của thế gian, không dùng kho tàng có đầy đủ châu báu để được tự tại, phát tâm bố thí không nghĩ đó là khó khăn; chỉ vì giáo pháp, không được mến tiếc, phải cho hết những vật sở hữu trong ngoài, phải cho hết trí tuệ có được, cho hết bà con, ruộng đất, tài vật, nô bộc, kho tàng, châu báu, anh lạc, vợ con, trai gái, đầu, mắt, chân, tay, tai, mũi, xương, thịt, thân thể, cơm áo và mạng sống. Nhờ Phật pháp, nên không mến tiếc coi đó là sự ban ân. Nhờ kinh pháp, nên đem những vật quý trọng nhất như ngọc sáng Như ý, trân bảo vô giá mà ban cho. Lúc bố thí, còn khiêm nhường nhã nhặn, đem cho mà không hề hối tiếc, thân tâm không buồn; người thọ nhận nhờ đó được độ thoát. Vui vẻ khi nghe những pháp chưa nghe, còn hơn được châu báu trong tam thiên đại thiên thế giới. Thà nghe một bài kệ chứ không ham ngôi vị Phạm vương, Đế Thích; tu tập hạnh nghiệp vô số trăm ngàn kiếp, giả sử có người đến bảo: “Ngươi tu tập hạnh nghiệp bình Đẳng chánh giác, tịnh hạnh Bồtát, mà muốn nghe chánh pháp rộng lớn này, thì phải nhảy vào lửa, chịu bao nhiêu là tai nạn khổ sở”; nếu tự thân đã vượt qua lửa lớn, lại phải gặp nhiều khốn ách, rồi mới thành Phật đạo, thì nghĩ: “Ta đem thân cầu đạo pháp, thà được yêu thích một câu pháp, chứ không cần thân này! Dù phải nhảy vào ngọn lửa lớn đang thiêu đốt tam thiên thế giới cho tới khắp trời Phạm thiên, thì vì cầu pháp, ta vẫn nguyện vào đó, huống gì ngọn lửa nhỏ kia! Dù thân này rơi vào hết thảy các địa ngục, khốn khổ không an, ta vẫn cần cầu kinh pháp, sá gì gặp những phiền não của thế gian!” Nhờ những phương tiện ấy mà cầu kinh pháp. Nhờ được nghe pháp, quán sát đúng pháp, hết tâm thông đạt, tự điều phục tâm, luôn nghĩ đến đạo Vô thượng, biết rõ tâm ý, thông qua kinh điển mà thực hành pháp yếu, ham thích Phật đạo, hoàn toàn không khoe khoan, lời nói thanh tịnh. Quán sát như vậy, trụ trong địa Bồ-tát, sẽ dứt hết tình dục, tiêu diệt các điều ác và các pháp ác, chỉ thực hành nghiệp lành, vui vẻ an ổn, thành tựu Thiền thứ nhất. Lại trừ vọng niệm, trong tâm vắng lặng, tâm chuyên nhất, không còn tư tưởng, tùy thời mà thuận hành, vui vẻ an ổn, thành tựu Thiền thứ hai. Xa lìa sở thích, tu hạnh bình tĩnh, tâm tịch mịch, thân ý vui vẻ tự nhiên giống như lời dạy của Thánh chúng, quán sát tâm đó, an ổn, đó là thực hành Thiền thứ ba. Bỏ khoái lạc khổ não; dứt sạch gốc không khổ không vui, luôn chuyên cần tinh tấn, quyết giữ tâm thanh tịnh, đó là thực hành Thiền thứ tư. Vượt qua được mọi sắc tưởng, đã vượt qua sắc tưởng thì đạt đến chỗ vô tưởng, nhập vào chỗ không còn danh hiệu; bấy giờ, suy xét bao nhiêu là danh tưởng, giữ lấy mà tu tập tưởng hư không trong vô lượng hư không; đã vượt được các tưởng hư không vô lượng, nhờ đó mà tu hành tưởng của thức tuệ vô lượng; vượt tưởng hư không mà không đắm trước, tu vô sở hữu; đã vượt qua hết thảy nghiệp vô sở hữu, nhờ đó mà tu tập vô tưởng nhưng không rời tưởng, không vui thích gì nữa, chỉ phát tâm, phụng thờ đạo pháp, nhờ đó tu tập cho tâm từ rộng lớn vô bờ bến, không thể hạn lượng; không oán không giận, chỉ muốn cứu hộ chúng sinh; chí hướng rộng lớn, vui vẻ chỉ dạy; thương yêu khắp mười phương, vui lòng thực hành bảo vệ chúng sinh. Bồ-tát cũng vậy, tâm rộng lớn để cứu giúp không cùng, không oán hận, muốn độ thoát chúng sinh, cứu hộ trong mười phương, đủ bốn Tâm bình đẳng, mọi loài đều mong nhờ sự an ổn. Lại tu tập, thành tựu các sự biến hóa, đầy đủ oai thần thị hiện, chấn động trời đất, biến một thân thành vô số thân, hợp vô số thân thành một thân, vượt thấu hư không, thông qua tường vách, vào ra núi Thái, núi Tu-di, núi Thiết vi mà không bị chướng ngại, như đi trong hư không; ngồi trong hư không giống như chim bay; đi trên đất như vào trong nước; đi trên nước như đi trên đất; thân phóng ra lửa như đuốc lớn; nhìn thấu mặt trời, mặt trăng, thần túc vời vợi, oai thần không cùng, đi khắp bốn cõi, trừ sạch tối tăm, đưa tay nắm cung điện, mặt trời, mặt trăng, thân vượt đến cõi Phạm Thiên, tai thanh tịnh nghe xa hơn cả cõi trời người. Lại còn biết rõ tâm niệm của chúng sinh; những tâm niệm đó có dục hay không dục, có sân hay không sân, có si hay không si, có phiền não hay không phiền não, nhỏ hẹp hay rộng lớn, có nhiều hay ít, có xuất ly hay không xuất ly, có quan trọng hay không quan trọng, tâm có loạn hay chánh, tâm định hay không định, tâm giải thoát hay không giải thoát, tâm tối thượng hay không tối thượng; tất cả đều được thấy biết tận gốc ngọn. Cứ thế mà phân biệt được tất cả tâm niệm của chúng sinh: Thiện, ác, họa, phước, đạo, tục, thật, giả; đều thông đạt tất cả. Lại biết được chỗ ở của vô số kiếp trước: Một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, đều biết hết được các việc của đời trước trong vô số kiếp mà không sao kể hết được; biết được kiếp hoại, kiếp thành và vô số trăm ngàn sự thành bại của trời đất. Biết mình từng ở những nước nào, họ tên gì, dạo chơi ăn uống, mạng sống dài ngắn, y phục tốt xấu, những chuyện vui khổ, chết ở kia, sinh ở đây và ngược lại. Chết rồi lại sinh, sinh rồi lại chết, chuyện sinh tử cứ thế mà xoay vòng. Đem so sánh với các loài, thì sự hiểu biết về những đổi thay đời trước là không cùng. Vậy là đã đạt được thanh tịnh, đúng là Thiên nhãn thanh tịnh. Dùng Thiên nhãn đó để thấy được sự quy tụ sinh tử, thiện ác của chúng sinh, biết kẻ sang, hèn, cao, thấp; do hậu quả tương xứng. Lại có chúng sinh, thân khẩu, ý đều hành thiện, không phỉ báng Hiền thánh, tu tập chánh kiến, khi bỏ thân, được sinh lên cõi trời. Lại có chúng sinh, thân khẩu ý đều làm ác, phỉ báng Thánh hiền, sống trong tà kiến, khi xả thân, bị đọa vào địa ngục. Dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy khắp hết cõi trời người và các loài côn trùng với những thiện ác họa phước đang diễn ra trong các nẻo. Lại nhất tâm chánh thọ Tam-muội; nếu sau đó xuất định, không dùng đến phước đức này, có sinh ở đâu cũng đều được đầy đủ đạo phẩm của Bồ-tát, vì nguyện cứu độ nên mới hiện sự thọ sinh, trụ trong địa Hưng quang của Bồ-tát; gặp vô số trăm ngàn ức Phật trong mười phương, phụng sự, cúng dường y phục, thức ăn uống, thuốc men, gường chiếu; quy y chư Phật, nghe giảng pháp, nghe rồi thọ trì; tùy căn cơ mà thọ nhận, chưa từng xa pháp, không bỏ lời Phật dạy; quán sát hết thảy chúng sinh, thương yêu như thân mình, như bà con thân tộc; muốn mở dây trói, đoạn trừ tà kiến, dục vọng có trong vô số trăm ngàn ức kiếp; tâm không hề nghĩ đến nhưng lại có thái độ tiêu trừ tà kiến, sân hận, ngu si. Như người thợ chăm chú dũa ngọc để làm thành những vòng xuyến, trâm, nhẫn anh lạc, ngọc khá đẹp đẽ. Bồ-tát cũng thế, trụ ở địa Hưng quang tức đã không dùng lời để dứt trừ kiến chấp và tham, sân, si. Với các gốc của phước đức, ngày càng phải làm cho cao tột, thanh bạch; dần dần làm cho đầy đủ nguồn gốc tâm nhân hòa, nhẫn nhục, thuận hành giới cấm không sai phạm, tâm không sân hận, không ôm ấp sự oán thù, chí tánh không đua nịnh, luôn thư thái không hoảng hốt; mọi việc làm đều thành tựu rốt ráo, không làm điều dua nịnh hư dối; tánh không chứa nhận những giả dối trống không; tu hạnh thanh tịnh sâu xa, nhớ đến bốn ân, tuyên thuyết điều yêu kính, làm việc lợi ích, chí thành thâm hậu, tu đủ mười Ba-la-mật, nhẫn nhục tinh tấn thực hành không cùng Bala-mật, lại khuyến hóa các Bồ-tát phải cẩn thận, thanh tịnh. Đó là pháp trụ Hưng quang thứ ba của Bồ-tát Đại sĩ. Bồ-tát trụ Địa này, các căn thông đạt. Nếu làm vua thì có đủ phương tiện quyền xảo để tạo việc có ích; nếu làm việc bố thí thì thực hành với tâm kính ái, tu hạnh lợi ích trên hết, nhất tâm niệm Phật không bỏ, bao trùm khắp nơi, luôn nghĩ đến nghiệp Nhất thiết trí. Phải dùng nhiều hạnh đưa chúng sinh đến chỗ tôn quý, thông đạt tất cả, vì chúng sinh mà làm bậc Đạo sư, vừa mới phát tâm ý thì siêng năng không cho ngừng nghỉ để cùng lúc có thể thông đạt trăm ngàn Tam-muội.

Bấy giờ, Đại sĩ Kim Cang Tạng, muốn nói rõ nghĩa về chỗ quy hướng của hạnh này, nói kệ rằng:

Người ý tánh thanh tịnh
Đủ đức tâm thông đạt
Tiêu trừ họa tham dục
Thành nghiệp không thoái chuyển
Phát tâm ý kiên cố
Mạnh mẽ và tinh tấn
Ý chí thật rộng lớn
Nên nhập Trụ thứ ba
Người trụ ở địa này
Chính là trụ Quang diệu
Thuyết khổ, không, vô thường
Pháp bất tịnh hủy hoại
Không tồn tại lâu dài
Như tiếng vang hư vô
Xét chúng là hữu vi
Không đến cũng chẳng đi
Do đó mang bệnh hoạn
Sầu khổ và khóc than
Luôn phải chịu buồn đau
Trói buộc trong ân ái
Khổ hoạn không nghĩ hết
Ba ngọn lửa hừng hực
Vì những nghiệp hữu vi
Phát sinh vô số nạn
Nếu chán ghét ba cõi
Tâm không hề tham mến
Mong cầu trí tuệ Phật
Không thay đổi ý chí
Độ thoát vô số ức
Thật không thể nghĩ bàn
Thấy chúng đều diệt độ
Đạt Thánh tuệ tối thắng
Đã được gặp chư Phật
Không còn các ách nạn
Cứu giúp và giải thoát
Kẻ không nơi tựa nương
Kẻ nghèo kém đạo pháp
Bị ba lửa thiêu đốt
Phải chịu bao khổ não
Trăm thứ trói buộc tâm
Ham thích các trần lao
Chí vô minh thấp hèn
Trôi trong dòng sinh tử
Lo sợ mong giải thoát
Ta nên bảo hộ chúng
Vững mạnh và siêng năng
Chí vui thích Thánh tuệ
Đưa đến đạo giải thoát
Không còn những chướng ngại
Thành tựu tuệ Như Lai
Tuệ ấy thật sáng suốt
Niềm vui người an trụ
Chỉ nghe trí tuệ ấy
Thành tựu tuệ Bồ-tát
Vừa được nghe thuyết pháp
Liền siêng năng phụng hành
Ngày đêm thường thọ trì
Không còn nghiệp nhân duyên
Pháp thật nghĩa an lạc
Cứu độ rất rộng sâu
Là ngọc quý minh nguyệt
Được thân thuộc yêu thương
Cõi nước rất rộng lớn
Giàu có và phồn thịnh
Vợ con, trai và gái
Thân quyến cùng tôi tớ
Nhờ học các kinh điển
Bố thí không tham tiếc
Đầu mắt hoặc tay chân
Thịt xương cả thân mình
Mắt thấy, miệng giảng nói
Cho máu như sông chảy
Bố thí cả tủy não
Cho những kẻ đồ tể
Không xem đó là khó
Không nghe pháp là họa
Giả sử có người đến
Nói những lời như vầy:
Muốn nghe thuyết an trụ
Pháp vi diệu giải thoát
Hãy nhảy vào ngọn lửa
Đang bốc cháy hừng hực.
Nghe rồi suy xét kỹ
Huân tập nghĩa từng câu
Nghe một câu pháp nghĩa
Đầu đội núi Tu-di
Giả sử ba ngàn cõi
Đang bị lửa thiêu đốt
Ta nghe pháp lợi ích
Ý đạt chỗ Huyền diệu
Nghe lời nói như vậy
Mặc cho mọi khổ não
Dù phải đến chỗ chết
Cầu đạo tuệ sáng suốt
Dù gặp nhiều hoạn nạn
Chịu khổ không buồn lo
Huống gì khổ thân người?
Bao nhiêu tai ách đó
Ta một tâm ngưỡng mộ
Chỉ muốn cầu nghe pháp
Được nghe pháp nhiều lần
Tùy thời mà suy xét
Bốn Thiền, bốn Đẳng tâm
Định Tam-muội Duyệt dự
Nương vào năm thần thông
Dần đầy đủ hạnh nghiệp
Nhờ thế được tự tại
Không sinh vào nơi cũ
An trụ trong phước đức
Tùy thuận vô số Phật
Luôn phụng hành cúng dường
Thọ trì các kinh điển
Hiểu rõ bỏ tà trụ
Phát khởi hạnh thanh tịnh
Ví như vàng không tạp
Được gọi là vàng ròng
Trụ công đức thanh tịnh
Được sinh trời Đao-lợi
Thực hành hạnh tôn quý
Xoay chuyển cõi ma thiên
Ma thiên có ngàn hội
Công đức có ngàn câu
Vì trụ ý không khác
Chỉ cầu công đức Phật
Phật tử đã trụ đây
Ân cần và tinh tấn
Đạt Tam-muội thiền định
Trăm ngàn vô số ức
Gặp được các Đức Phật
Đầy đủ những tướng tốt
Lợi ích càng vi diệu
Công đức không thể lường
Đây là Trụ thứ ba
Thân an trụ, tự thuyết
Thương xót các thế gian
Bậc Bồ-tát vô thượng.
Khi ấy trời người nghe hạnh lớn
Trụ địa vi diệu và cao xa
Đại chúng nhờ ân vui khôn xiết
Đem các hoa trời cúng Như Lai
Ngồi nơi gốc cây trì y cụ
Ca ngợi xưng tụng kinh điển này
Ma nữ khả kính, đẹp hiền dịu
Trổi nhạc khen ngợi pháp nhiệm mầu
Chư Thiên Tự tại vui khôn tả
Dùng báu minh nguyệt để cúng dường
Nói: Chúng ta nhờ có Phật!
Phát sinh phước đức, vượt bờ kia
Pháp thắng tối thượng vì cớ gì
Chỉ khen hạnh Bồ-tát cao tột?
Nay ta được nghe Địa vi diệu
Trong trăm ngàn kiếp khó được nghe
Thương chư Thiên, tuyên thuyết giảng giải
Hạnh nguyện Phật tử phải thù thắng
Nghe lời êm dịu, chúng hội Thánh
Phụng hành tinh tấn không tâm khác
Như mặt trăng trừ tối
Đã được an ổn rồi
Đạt đến Trụ thứ tư
Diễn giảng kinh Tối thượng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10