SỐ 285
KINH DẦN ĐỦ TẤT CẢ TRÍ ĐỨC
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 10: TRỤ PHÁP VŨ

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói với Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt:

–Này Phật tử! Ý Thánh tuệ của Bồ-tát Đại sĩ thật là cao cả khôn lường. Với hạnh nghiệp nghiêm tịnh như vậy, khi tới đạo Địa thứ chín, thì Bồ-tát đã đầy đủ pháp thanh tịnh sáng suốt không ngằn mé, chứa nhóm công đức, đời đời tự nghĩ việc tạo lợi ích cho chúng sinh; tìm đủ cách cứu giúp ba cõi, khéo léo thâu nhận, tuệ đức vô cùng, tâm Từ vô lượng, hạnh sâu rộng lớn lưu bố khắp nơi; phân biệt hiểu rõ thế giới vô biên; vào trong cõi chúng sinh, qua lại trong sự vắng lặng, trước sau như một, khai hóa đạo nghiệp tối thượng của Như Lai, niệm về sự tư duy, về Lực, về Vô sở úy; kinh điển của Phật trống rỗng vô lượng, hết thảy các mẫn tuệ; thành tựu đầy đủ bậc Nhất sinh bổ xứ là như vậy. Lại nữa, Phật tử! Nhập thánh nghiệp của Bồ-tát như vậy là gần hạnh Nhất sinh bổ xứ. Vừa trụ được hạnh này thì đạt Tam-muội hiệu là Vô cấu; Bồ-tát tuyên thuyết pháp giới và những đạo tràng của Bồ-tát tên là Trang nghiêm tịnh, là Cự hải tạng. Lại có tên là Hải ấn, là Quảng như hư không, là Nhất thiết pháp tự nhiên, là chúng sinh tâm hành… đủ các loại như vậy; gần đạt tới trăm ngàn a-tăng-kỳ chánh định pháp. Vừa đạt định ý này, dùng chánh thọ lại đạt được Tam-muội Thiện đức, thực hành các phương tiện, nhờ nhân duyên ấy và định ý này cho đến khi thông đạt Nhất thiết mẫn trí, mà có sự đặc thù. Đó mới là gần Tam-muội của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ. Nhờ đạt gần được Tam-muội này mà mười ba ngàn cõi ở mười phương tự nhiên phát sinh vô số trân bảo kỳ lạ, hoa sen thanh tịnh đầy khắp trong nhà, báu lớn tự nhiên tràn đầy, vượt qua hết thảy các cõi pháp giới; phụng hành đạo nghĩa, chánh pháp chí chân, đầy đủ cội gốc đức, độ thoát chúng sinh, thành tựu rốt ráo sự mầu nhiệm tự nhiên. Lại nữa, ở pháp giới ấy việc tu tập thanh tịnh, phô diễn ánh sáng của bậc Thánh. Cọng sen to lớn bằng ngọc minh nguyệt lưu ly gộp lại vượt các cõi trời. Lá và hoa bằng vô số trân bảo chiên-đàn, mã não, vàng ròng. Ánh sáng rực rỡ, không sao so lường được. Hoa sen rực rỡ ấy, đều do các trân bảo hợp thành, bay lên hư không, trải dài như tấm màn trân báu che khắp, ví như số bụi đầy trong tam thiên đại thiên thế giới ở mười phương, không thể kể được. Trăm ngàn hoa sen đầy khắp trong hư không ở mười phương, hương thơm xông thấm khắp thân hình Bồ-tát Đại sĩ đã đầy đủ Nhất thiết trí. Người an trụ định Tam-muội Nhất sinh bổ xứ, sẽ được ngòi trên hoa sen to này; an tọa ở đây xong, lại biến hóa vô số hoa sen, không sao đếm được, các Bồ-tát quyến thuộc vây quanh, ngồi trên những hoa sen đó. Mỗi Bồ-tát đều đạt trăm ngàn vạn Tam-muội, dùng chánh thọ, quán sát các Bồ-tát. Nhờ chánh thọ ấy mà vô số cõi Phật không cùng tận, ở mười phương đều tự nhiên thanh tịnh. Các Đức Như Lai dùng giáo pháp soi rọi đạo tràng. Vì sao? Vì Bồ-tát ngồi trên hoa sen lớn này, ở dưới chân, phóng ra vô số ánh sáng, chiếu khắp mười phương, đến tận ngục A-tỳ vô gián, diệt khổ não hoạn nạn cho chúng sinh. Hai đầu gối cũng phóng ra ánh sáng như vậy chiếu đến các loại ngạ quỷ, súc sinh để chấm dứt khổ đau. Hai bên hông cũng phóng ra ánh sáng, chiếu đến cõi người, khắp mười phương đều được nương nhờ ánh sáng. Hai tâm bàn tay cũng phóng ra ánh sáng, chiếu đến cung điện cõi trời, A-tu-luân. Hai vai, khủy tay cũng phóng ra hai loại ánh sáng, chiếu đến các Thanh văn. Não và lưng cũng phóng ra ánh sáng, chiếu đến tâm các Duyên giác mười phương. Mặt, miệng cũng phóng ra ánh sáng vi diệu, chiếu đến các Bồ-tát ở Địa thứ chín. Bạch hào giữa chặng mày cũng phóng ra ánh sáng rực rỡ, chiếu soi tất cả cung ma ở mười phương, làm tan hết bóng tối. Dùng thân của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, bay lên hư không, chiếu soi vô số trăm ngàn cõi Phật, vô số các Đức Như Lai, vô số chúng hội đạo tràng, rồi nhiễu quanh Phật mười vòng; trụ trong hư không, giăng thành tấm màn ngọc sáng lớn tên là Đại quang, rực rỡ dâng cúng Như Lai, tăng thêm công đức. Nhờ sự cúng dường ấy, mà từ lúc phát tâm cho đến trụ được Địa thứ chín, tùy thuận phụng sự Như Lai, tùy thời vắng lặng gấp trăm ngàn lần, không sao ví dụ được. Tấm màn ngọc sáng lớn đó, rực rỡ cao vợi, chiếu đến tất cả các cảnh giới ở mười phương; rải đủ các loài hoa, hương hoa, tạp hương, trù hương, y phục, cờ phướn, lọng báu, tơ lụa, trải trân báu minh nguyệt khắp các cõi ở mười phương, làm đấng Vô thượng Chánh chân với đầy đủ căn lành phước đức, làm mưa rải các hoa lớn, mà mỗi giọt mưa lại có bao nhiêu là vật để cúng dường hội chúng ở đạo tràng, cúng dường phụng hành các Đức Như Lai ở mười phương. Chúng sinh nào thấy được, đều phát đạo tâm Vô thượng Chánh chân. Rải các loại hoa vi diệu như thế, ánh sáng ấy lại bao quanh các Đức Phật và hội chúng ở đạo tràng mười vòng, rồi nhập vào tâm bàn chân Phật. Ánh sáng hoa ấy bỗng nhiên tỏa sáng các Như Lai và Bồ-tát, khiến được thấy các Bồ-tát lập hạnh như vậy, đạt địa Nhất sinh bổ xứ, các Bồ-tát ở mười phương, các Bồ-tát trụ Địa thứ chín, đều đến đông đủ không thể tính kể. Các Bồ-tát ấy và quyến thuộc tu hạnh cúng dường; quán sát thấy các Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, dùng Tam-muội chánh thọ trang nghiêm, đứng đầu, gọi đó là Thủ huyễn, vững chắc như kim cang, hàng phục được ma oán. Mỗi ánh sáng ấy phóng vô số trăm ngàn ánh sáng khác, chiếu khắp các cõi Phật ở mười phương, hiển hiện thần biến. Ánh sáng đó tự nhiên biến mất, nhập vào Thủ huyễn trang nghiêm, đứng đầu hàng Bồ-tát. Ánh sáng đó mất chưa lâu, thì các Bồ-tát nhờ oai thần uy lực soi sáng lại càng rực rỡ. Phật tử! Lúc ấy, lại có ánh sáng lớn, tên Nhất thiết tuệ thần thông thánh quan, từ hào tướng giữa mày của Đấng Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác phóng ra vô số những tia sáng, cùng các ánh sáng quyến thuộc chiếu sáng vô số cõi ở mười phương, nhiễu quanh các cõi Phật mười vòng, rồi hiển hiện các Đức Như Lai, với những thần túc cảm động biến hóa và dạy bảo vô số trăm ngàn ức Bồ-tát. Các cõi Phật chấn động sáu cách, tiêu diệt tất cả các nẻo ác, che lấp cung điện của ma. Chư Phật nơi mười phương, đều tự nhiên hiển hiện, hiện ra các chúng hội đạo tràng của các Đấng Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, oai thần nghiêm tịnh, pháp giới bình đẳng, biến khắp hư không, chiếu khắp cả các cõi ở mười phương, ánh sáng xoay quanh rồi bay lên hư không, vây quanh từ bên phải tất cả Bồ-tát, thể hiện sự nghiêm tịnh lớn. Các ánh sáng đó biến mất, tự nhiên từ trên cao nhập vào đỉnh đầu của Bồ-tát. Ánh sáng đó biến mất, các Bồ-tát từ trước đây chưa đắc định, nay nương theo oai quang của Phật, liền được trăm vạn Tam-muội. Ánh sáng đó cùng lúc chiếu trên các Bồtát, như tất cả các Đức Như Lai, không có gì khác. Ánh sáng biến mất, các Bồ-tát thành bậc Nhất sinh bổ xứ, đó gọi là cảnh giới Chí chân của Như Lai, có đầy đủ mười Lực, bình đẳng chánh giác, bình đẳng như hư không. Phật tử! Ví như thái tử thứ nhất của Chuyển luân thánh vương, được hoàng hậu tôn quý, hoài thai sinh ra đầy đủ tướng xứng đáng làm Thánh vương. Lúc ấy, Chuyển luân vương ngồi tòa vàng ròng trên mình voi báu, nước bốn biển được lấy đem về để trong bình tắm bằng vàng, trang trí lọng báu, cờ phướn, trổi kỹ nhạc và lấy nước đó rưới lên đầu và thân thể thái tử. Rưới xong là thành Thánh đỉnh cái vương. Chuyển luân vương ấy đủ mười nghiệp lành vì thế gọi Thần đế là Chuyển luân thánh vương. Phật tử! Bồ-tát Đại sĩ cũng vậy, thành tựu trí tuệ lớn, là Bồ-tát phải thực hành đầy đủ vô số trăm ngàn khổ hạnh, công đức trí tuệ ngày càng tăng trưởng thì mới an trụ trong đạo địa Mưa pháp. Bồ-tát trụ địa Mưa pháp, hiểu thấu cõi dục, xét nó từ hữu tạo ra sắc giới, vô sắc giới, cõi chúng sinh, cõi vô thức, cõi hữu vi vô vi, cõi hư không. Tu tập trong pháp giới, hiểu rõ Niết-bàn, biết rõ từ hữu, hiểu rõ các tà kiến, vọng chấp, trần lao, năm thú; tu tập sinh diệt; các hạnh Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát; mười Lực, bốn Vô sở úy của Như Lai; sắc thân, Pháp thân, Nhất thiết trí, thành đấng Tối chánh giác, chuyển bánh xe pháp, thị hiện sự diệt độ. Thường dùng pháp bình đẳng, thâm nhập tất cả pháp, phân biệt vượt qua, hiểu rõ tập khí, xét nó từ đó phát sinh; vì nhập trí tuệ này nên ý càng tăng trưởng, làm cho chúng sinh, nhưng kẻ không có nghiệp lớn mà suy xét kỹ, lại được độ thoát khỏi nguồn gốc trần lao; không kiêu mạn ở trong pháp thế tục; không lo sợ, dù ở trong đạo pháp; cũng không tự đại, không bỏ tâm từ lớn, dù đạt pháp Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Như Lai; cũng không tự đại, không có sự thêm bớt trong vui vẻ sân hận; đạt được bậc Chí chân, cũng phải luôn xét kỹ kinh điển sự nghiệp của Phật đã kiến tạo. Lúc ở cõi trần, tùy thời mà lập nguyện, tu các hạnh cúng dường tư duy nhiều kiếp, kiến lập Thánh tuệ, suy xét để thông đạt tất cả. Các Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Giác ấy, sự thể nhập là huyền diệu, là biết trí tuệ cao xa, sinh tử xoay vần, hiểu rõ sự mầu nhiệm. Lúc thị hiện thọ sinh, bỏ nước, bỏ ngôi vua, thành bậc Tối chánh giác, biến hóa chỉ dạy độ thoát, hiểu rõ tuệ vi diệu; chuyển được bánh xe pháp, tuổi thọ dài ngắn, sự tạo lập cho đến khi diệt độ của tâm, pháp tạo ra nhiều ít, đều từ tuệ vi diệu. Lại hiểu rõ các pháp bình đẳng chánh giác, tạng xứ Phật pháp, nơi ở của thân, khẩu, ý, hữu thời vô thời, hạnh nghiệp bí mật, Bồ-tát lãnh thọ, ban ân, cứu độ chúng sinh. Có chúng sinh bị ngu muội che đậy, các sự mê mờ làm tăm tối, các bộ phận chính của căn tánh phải chấp giữ mà tạo nghiệp. Có chúng sinh, hiểu rõ hạnh của chánh giác, nên đủ oai thần thánh tạng, hiểu biết trong kiếp số này ra vào nhiều ít. Một kiếp, trăm kiếp, vạn kiếp, vô số kiếp cũng đều biết rõ. Làm cho vô số kiếp nhập trong một kiếp. Biết cả số vô số không thể tính đếm và biết cả số hạng của kiếp số nhàn tĩnh. Kiếp số nhàn tĩnh, có kiếp không kiếp cũng không niệm; có kiếp có niệm; niệm có hay không thảy đều biết; thành Chánh giác, Vô chánh giác, Tối chánh giác đều biết rõ, biết quá khứ, hiện tại, vị lai; biết mọi việc trong quá khứ, hiện tại, vị lai; biết hết quá khứ, hiện tại, vị lai kiếp số dài ngắn và các việc bình đẳng; thấu đạt hết tất cả các kiếp, năm tháng, xa gần, trời đất thành bại, không thể xưng kể cũng đều biết rõ hết. Các Đức Như Lai đều cảm ứng đến những việc rất nhỏ như nắm lấy sợi lông. Lại có các cõi nước thân hình nhiều như vi trần, trí tuệ Chánh giác Tối thắng; thân tâm của chúng sinh, trí tuệ là do giác ngộ, tất cả đều nhập vào trí tuệ chánh giác tối thắng, hiện ra rốt ráo; trí tuệ nhu thuận xuất hiện, biết cái nghĩ bàn được, cái không nghĩ bàn được, cảnh giới của chư Phật, sự hiểu biết của Thanh văn, Duyên giác, sự thông đạt của Bồ-tát và đạo minh Thánh tuệ của Như Lai chưa hiểu đạt được cũng đều biết hết. Phật tử! Trí tuệ của các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác rộng lớn khôn cùng. Bồ-tát an trụ đạo địa khôn lường này sẽ nhập tuệ vô cùng. Này Phật tử! Bồ-tát vì nhập đạo địa như vậy nên được nhập vào pháp, sự tạo lập giải thoát không thể nghĩ bàn của Bồ-tát có tên là pháp môn không che đậy, pháp môn Thanh tịnh cảnh giới, pháp môn Chiếu khắp; lại có hiệu Như Lai tạng, tạng không thể chống cự, tạng thâm nhập ba đời, pháp giới tạng lại có hiệu là Đạo tràng giải thoát ánh sáng thấu đạt, là nhập khắp pháp môn vô dư của Bồ-tát. Đó là mười pháp môn giải thoát mà Bồ-tát kiến tạo, cho đến trăm ngàn a-tăng-kỳ pháp môn như vậy mà không thể xưng kể. Bồ-tát nào trụ nơi đạo Địa thứ mười, sẽ đạt được Tam-muội như vậy, cho đến trăm ngàn môn Tổng trì thần thông vô hạn. Dùng trí tuệ này hiểu biết thâm nhập khắp mọi nơi không hạn lượng, suy nghĩ phương tiện chuẩn bị đầy đủ phước đức, cùng lúc lãnh thọ đạo nghĩa mà vô lượng chư Phật trong mười phương đã thuyết giảng; phóng ra ánh sáng Thánh pháp không thể lường, làm sáng rỡ pháp điển, làm mưa pháp thấm ướt, để được thọ trì. Phật tử! Ví như khi các con rồng làm mưa, những chỗ khác không thể chứa được, chỉ có biển lớn mới chứa được. Cũng thế, Phật tử! Nếu thâm nhập tạng bí mật của Như Lai, cũng lãnh thọ mưa pháp lớn, các chúng sinh khác không thể lãnh thọ, sẽ có duyên báo ứng, giữ gìn được các hạnh, Bồ-tát với hạnh nghiệp ở Địa thứ chín cũng không thể thọ trì. Bồ-tát trụ Địa thứ mười tức thấm nhuần đạo địa Mưa pháp, hiểu rõ và nắm giữ được tất cả tâm ý của chúng sinh. Phật tử! Ví như trong biển lớn có mây mưa lớn, tên là Thắng đế vô cực trùm khắp Nhị thừa, cùng lúc làm mưa cam lồ, khắp các cõi nước, làm cho khắp nơi châu thành lớn nhỏ trên dưới đều thấm nhuần. Vì sao? Vì biển lớn ấy, không thể đo lường được. Phật tử! Bồ-tát cũng thế, trụ đại Mưa pháp, giữ gìn mưa pháp của Như Lai, giáo hóa Nhị thừa, cho đến trí tuệ vô hạn của các Đức Như Lai, dù trải qua vô số kiếp cũng không thể bàn luận, không thể nêu, không thể đo lường được. Nó vô cùng vô tận, siêu vượt không thể đo đạt được, không thể ví dụ được. Các Đức Như Lai cùng lúc phóng ra ánh sáng lớn, làm mưa pháp thánh, thấm ướt khắp mười phương. Ai có thể tính đếm được số hạt mưa ấy? Lại hỏi: Lẽ nào thể tính đếm được hạnh của Bồ-tát ở trong các cõi Phật luận bàn mưa pháp nhiều ít sao? Có thể hiểu được chút ít sao? Đáp: Không thể nào tính kể ví dụ, đo lường được. Phật tử! Ví như không thể tính đếm được số chúng sinh nhiều như bụi trần trong vô số trăm ngàn cõi Phật ở mười phương. Số lượng kia cũng vậy, như bụi trần, không thể giảm ít. Mỗi chúng sinh, nếu có thể nghe và đạt được Tổng trì, đều là thị giả đứng đầu của Phật, là đệ tử lớn, rất tôn quý, học rộng, giống như Tỳ-kheo Đại Minh đứng đầu ở hội Đức Như Lai Kim Cang Thượng Liên Hoa Chí chân, học rộng nghe nhiều, đủ phương tiện, uy lực mạnh mẽ. Giả như tất cả chúng sinh ở khắp mười phương đều có trí tuệ như vị này; với công đức trí tuệ cao vời khôn lường, ai nấy đều thọ trì tất cả pháp môn. Phật tử! Ý ông thế nào? Chúng sinh học rộng này có nhiều không?

Đáp:

–Vô hạn.

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói:

–Ta ân cần chỉ dạy, phó chúc cho các ông. Bồ-tát được trụ địa Mưa pháp này tức trụ địa Đạo Bồ-tát, cùng lúc lãnh thọ thân Như Lai, ban mưa Pháp khắp pháp giới, diễn nói đạo pháp ba đời vi diệu của Như Lai. Ánh sáng pháp này giống như trước. Vị ấy học rộng, đủ phương tiện gấp trăm ngàn vạn ức lần, không thể ví dụ được. Một Đức Như Lai trong cõi mười phương là vậy, vô số Đức Như Lai đầy khắp thế giới như bụi trần cũng vậy. Các Phật tử! Có vô số Đức Như Lai không thể kể được, đồng thời phát ra ánh sáng rực rỡ của đại Mưa pháp, pháp ấy thấm ướt khắp cả mà không thể so sánh, không thể ví dụ. Lại nữa Phật tử! Bồ-tát trụ địa Mưa pháp này, ở cõi trời Đâu-suất cho đến khi đạt đại diệt độ, đều là do thệ nguyện của Như Lai, oai thần uy lực, phát tâm Từ bi lớn, thuyết pháp không cùng, phóng ra ánh sáng pháp, nổi sấm thánh kinh, nương sáu thần thông, có trí ba đạt và bốn Vô sở úy, chiếu soi cùng cực, diệt trừ u tối trần cấu; dùng ánh sáng công đức trí tuệ lớn phá tan lưới nghi, tùy các loại thân hình mà thị hiện thân hình, diễn nói pháp lớn, không bỏ chúng hội, trừ các ấm cái, dập tắt lửa hừng trong mười phương như đã nói ở trước. Thế giới chư Phật như số bụi trong các cõi trần, trụ trong vô số trăm ngàn cõi Phật mà làm mưa cam lồ lớn, rồi tùy tâm tánh, hạnh nghiệp chúng sinh, mà tiêu diệt trần cấu, dập tắt lửa hừng. Nhờ nước pháp này mà ai nấy cũng đều vĩnh viễn an ổn. Lại nữa Phật tử! Bồ-tát trụ đạo địa này, diễn nói mưa pháp lớn, từ cõi khác đến cõi trời Đâu-suất diệt độ, kiến lập các hạnh nghiệp của Như Lai, rồi tùy tâm chúng sinh mà khai hóa, như bụi trần trong vô số trăm ngàn cõi Phật. Từ cõi trời Đâu-suất giáng hạ sinh, đến lúc diệt độ, tạo lập các hạnh nghiệp của Như Lai rồi tùy tâm chúng sinh mà hóa độ, đạt tuệ tự tại, đạt đến sự biến hóa của đại thần thông thánh minh, vừa phát tâm, biến được cõi nước nhỏ thành rộng lớn, làm cho nước lớn thành nhỏ; biến cõi nhơ uế thành thanh tịnh, cõi thanh tịnh thành nhơ uế. Tất cả cõi khác cũng như vậy. Vừa phát tâm, dùng một hạt bụi biến thành một cõi Phật; tạo ra ở tất cả cõi, đều có núi Thiết vi, Đại thiết vi, các hào khe suối, một, hai, ba cho đến mười, năm mươi, trăm, vô số cõi Phật được tạo lập, lại nhập vào một hạt bụi. Dù ở trong một hạt bụi nhưng không rộng hẹp, thêm bớt. Thị hiện các việc như vậy. Vừa phát tâm, hiển hiện nghiêm tịnh một cõi Phật, cho đến vô số cõi. Trong một niệm, hiện ra thân hình, biến khắp mười phương, đủ khắp các loài chúng sinh, ở một cõi nước, ở một cõi Phật cũng vậy; cho đến vô số cõi Phật cũng không thể kể được. Nhập vô số cõi Phật trong mười phương vào trong một sợi lông mà không làm tổn hại. Vừa phát tâm liền hiện nhập hết thảy cõi Phật vào một sợi lông, hiển hiện thật nghiêm tịnh. Vừa phát tâm, đồng lúc đã biến hóa ra nhiều ít như số bụi trần đầy trong vô số cõi Phật. Biến hóa hiện ra thân, có vô số tay, dùng tay siêng năng cúng dường chư Phật nơi mười phương. Mỗi mỗi bàn tay, thị hiện vô số hoa, như cát trong sông, đựng trong vạt áo, để cúng dường các đấng Thế Tôn; dùng các loại hương hoa để trang sức như tạp hương, hương cây, y phục, chăn, cờ phướn, lọng báu, làm tất cả các việc trang sức nghiêm tịnh như vậy. Mỗi mỗi thân, biến hóa ra nhiều đầu. Mỗi đầu hóa ra bao nhiêu là lưỡi, thăm hỏi các Đức Thế Tôn trong mười phương. Vừa phát tâm, đã đi khắp mười phương, trong một niệm, làm cho vô số chúng sinh không thể kể được, đều thành bậc Tối chánh giác, cho đến khi tạo được nghiệp thanh tịnh để đạt được diệt độ. Trong ba đời, tạo ra vô số thân, dùng thân mình hiện ra vô số Phật, vô hạn các cõi Phật, tạo lập sự thanh tịnh, lại làm cho thân mình ở khắp các cõi Phật, tan hoại hợp thành, làm cho thân mình có đủ khắp mọi nơi. Biến các cõi Phật vào trong một lỗ chân lông có vô số chúng sinh. Vừa phát tâm, biến hiện cõi Phật không cùng thành biển lớn, trong đó tạo ra các hoa sen; hoa sen ấy sáng sạch, chiếu soi vô số cõi Phật. Cũng ở trong đó, lại hóa hiện các cõi Phật, hết thảy đều mẫn huệ vời vợi. Thân đó có khắp trong cõi Phật nơi mười phương, chiếu khắp cả mặt trời, mặt trăng, tạo ra vô số pháp môn sáng tịnh, làm cho khắp nơi đều thấy vô số thế giới được tạo lập nhưng không làm cho chúng sinh sợ, cho đến lúc mười phương hư hoại; hiển hiện việc hư hoại ấy là biến ra tai họa gió, lửa, nước; vừa phát tâm là chỉ dạy chúng sinh chí nguyện như mình, biến hóa sắc thân, trang nghiêm chí tánh; biến thân mình thành thân Như Lai; biến thân Như Lai thành thân mình, dùng thân Như Lai tạo thành thân mình để ở trong cõi Phật, tạo lập thân Phật ở trong cõi mình. Phật tử! Hãy lắng nghe! Bồ-tát nào trụ trong hạnh nghiệp của đạo địa Mưa pháp thì hiện được sự biến hóa này và vô số trăm ngàn thần biến khác.

Lúc ấy, các Bồ-tát, Thiên, Long, Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Calưu-la, Chân-đà-la, Ma-hầu-lặc, Đế Thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương, đại Thần Diệu Thiên vương, Tịnh cư Thiên vương đang ở trong đạo tràng, đều nghĩ: “Bồ-tát có thần túc biến hóa, vô số công đức cao vợi, đi lại thản nhiên như vậy, còn oai thần của Như Lai Chí Chân hiện hóa ra sao?”

Bấy giờ, Bồ-tát Kim Cang Tạng, dùng oai lực Tam-muội tự nhiên ở các cõi Phật và chánh thọ an định tâm ý, làm cho các Bồ-tát, Thiên, Long, Thần, Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hầu-lặc, Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên vương, đại Thần Diệu Thiên vương, Tịnh Cư Thiên vương tự hiện thân mình vào thân Kim cang tạng, lại làm cho tất cả thấy tam thiên đại thiên thế giới cũng ở trong thân mình. Ở đó, tạo nghiệp thanh tịnh nhưng cũng không thể chiếm khắp thân, trải qua ức kiếp tu hạnh tinh tấn, ở dưới cây Bồ-đề của Phật. Cây ấy rộng ba mươi vạn dặm, nếu có trăm, hoặc ba ngàn ức cõi cao xa cây cũng trùm khắp. Ở đạo tràng, dưới cây Bồ-đề cao lớn như vậy, có tòa Sư tử; lại có vị Bồ-tát tên Chư Thần Thông, sẽ thành Đấng Như Lai, hiệu là Ý Vương cũng đến đại thọ nơi đạo tràng. Lúc ấy, chúng hội đều trông thấy từ xa, thấy Bồ-tát thật là trang nghiêm, khen ngợi oai đức nhưng không sao rốt ráo được. Hiện thần biến xong, Bồ-tát Kim Cang Tạng đưa chúng hội về chỗ cũ. Lúc ấy, hội chúng đều ngạc nhiên, im lặng không nói, thấy các Bồ-tát đều tịch tịnh an trụ.

Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt hỏi Bồ-tát Kim Cang Tạng:

–Phật tử, thật là hy hữu! Tam-muội định này, oai quang như vậy, cảnh giới vi diệu. Định của Bồ-tát này tên gì? Đáp:

–Tên là Nhất thiết Phật độ tự nhiên thân oai.

Lại hỏi:

–Tam-muội này dùng hạnh gì để đến cảnh giới nghiêm tịnh?

Đáp:

–Đủ tất cả hạnh. Thiện nam! Bồ-tát nào khéo tu định này, thì hình tượng giống loài ví như cát trong sông, bụi trong tam thiên đại thiên thế giới; các Bồ-tát ở trong tam thiên đại thiên thế giới, tự hiện thân mình, lại đạt đạo địa Mưa pháp. Bồ-tát nào trụ nơi đạo địa này, thì đạt được trăm ngàn định ý; số lượng của sự hiện thân và sự phụng hành không sao kể được, không thể đo lường được. Ngay các Bồ-tát trụ ở địa Thiện tai diệu ý cũng không thể biết được thân, khẩu, ý nghiệp của vị này, dù dùng sức thần túc không thể biết được, xét Tam-muội trong ba đời mà Bồ-tát nhập cảnh giới thánh tuệ, pháp biến hóa, pháp tạo tác, không thể lường biết được, ngay cả việc thường làm như cất chân lên đặt chân xuống cũng không ai biết được. Kể cả Bồ-tát hành nghiệp tinh tấn, hạnh trụ đạo địa Thiện tai diệu ý của Bồ-tát cũng không thể biết được. Phật tử! Đạo địa Mưa pháp của Bồ-tát này khi nói là bình đẳng nhưng kỳ thực nghĩa của nó rộng lớn, không thể hạn lượng, chỉ biết diễn thuyết đó là pháp chánh chân, không thể nghĩ bàn, phải nói lời đúng như thật. Dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng không thể ví dụ được.

Lại hỏi:

–Phật tử! Hạnh nghiệp và cảnh giới Huyền diệu của Như Lai ra sao mà làm cho các Bồ-tát lập hạnh nghiệp cảnh giới thần biến vô biên như vậy?

Đáp:

–Phật tử! Ví như có người, thị hiện thân hình khắp bốn cõi, cầm trượng lớn như bốn cõi; hoặc như hai, ba cõi, tay cầm cây gậy lớn đập vào đá to và nói: “Ta đập đá này nát như số bụi trong vô số cõi Phật ở mười phương”. Có ai biết được số bụi này không? Nếu ai biết được số bụi này, thì gọi là đã thành tựu đạo địa bình đẳng. Thành tựu đạo địa Mưa pháp của Bồ-tát thật là vô lượng, vượt qua thí dụ, nhưng trí tuệ của Như Lai thì không thể ví dụ được, vì để được trở hành bậc Chí chân Chánh giác thì phải tu tập các pháp Bồ-tát.

Lại nữa, Phật tử! Ví như có người nắm hết đất trong bốn cõi, tưởng nhiều nhưng đó chỉ là số ít không đáng kể. Cũng thế, Phật tử! Ta nay chỉ giảng nói, ca tụng một ít đạo địa của Bồ-tát Mưa pháp, dù trải qua vô số kiếp để khen ngợi công đức cũng không thể hết được, huống gì đạo địa của Như Lai. Nay đây, trước Đức Như Lai, ta ân cần giao phó. Nói tóm lại, Phật tử! Giả sử làm cho chúng sinh nhiều như số bụi trong vô số cõi Phật ở mỗi mỗi phương, đều đạt đạo địa như vậy, thì ở đó Bồ-tát phải nhiều như rừng mía, tre, gai, cỏ; phải trải qua vô số kiếp thành tựu hạnh Bồ-tát, đầy đủ các Thánh giả tuệ của Bồ-tát. Trí của Như Lai đối với Bồ-tát này, gấp cả trăm, cả ngàn, cả ức lần, không thể ví dụ được.

Phật tử! Bồ-tát nhập Thánh tuệ của Như Lai Chí Chân, thì thân, khẩu, ý nghiệp hợp nhau không hai. Đó là Bồ-tát không bỏ sức Tammuội, được gặp các Đức Phật, cúng dường và phụng sự. Ở trong mỗi kiếp, cung phụng chư Phật, không thể kể xiết, cúng dường tất cả, không thể thiếu thốn, lãnh thọ đạo pháp, quy y chư Phật, tạo lập giáo pháp, hạnh nghiệp tăng thêm không gì sánh bằng, học biết pháp giới, không sao kể được, dù trải qua trăm ngàn ức kiếp.

Phật tử! Ví như thợ vàng, dùng vật báu của trời xỏ xâu làm thành chuỗi anh lạc lớn; những hạt châu quý giá ấy trang sức nơi cổ của Tự tại Thiên vương thì không ai sánh bằng; cho dù những trân bảo kỳ dị quý hiếm có trong cõi trời, người cũng không trang nghiêm và tốt đẹp được như vậy. Cũng thế, Phật tử! Bồ-tát đạt được Trụ thứ mười là vì tịnh tu tuệ hạnh, siêu việt không ai bằng, ngay cả Bồ-tát đạt Địa thứ chín cũng không sánh bằng. Bồ-tát trụ địa này, ánh sáng rực rỡ thành tựu Nhất thiết mẫn tuệ, hạnh ấy không ai sánh được. Với Thánh khí ấy, cứu giúp được tất cả, giống như ánh sáng đại thần vi diệu của Thiên vương, vượt qua tất cả chỗ thọ sinh của chư thiên, soi chiếu các hành động của tâm tánh chúng sinh. Cũng thế, Bồ-tát đạt đạo địa Mưa pháp thứ mười, có ánh sáng Thánh tuệ mà tất cả Thanh văn, Duyên giác Bồ-tát khác, không sánh kịp, dù Bồ-tát trụ Địa thứ chín, cũng không sánh kịp. Lập hạnh như vậy, đạt được Nhất thiết mẫn tuệ, làm lợi ích cho chúng sinh, thâm nhập những đạo nghĩa. Lại nữa, Bồ-tát đó vì nhập Thánh tuệ của chư Phật Thế Tôn như vậy nên thông đạt tuệ không cùng của ba đời. Cảnh giới Thánh tuệ biến khắp tất cả các cõi Phật, soi rọi tất cả cõi Phật mới kiến lập, biết hết các pháp và các cõi chúng sinh, luôn dùng pháp bình đẳng, đạt Nhất thiết trí, nghe và thông hiểu tất cả âm thanh chúng sinh.

Phật tử! Bồ-tát Đại sĩ này, gọi là Bồ-tát Mưa pháp, trụ thứ mười. Bồ-tát trụ địa này, giả sử được làm đại thiên thần diệu hoặc làm Thiên vương thì sẽ giảng pháp, độ cho vô số Thanh văn, Duyên giác Bồ-tát; hỏi biết pháp giới thì không ai bằng. Tu các hạnh như bố thí, ái kính, lợi ích thật nghĩa, thường không lìa niệm Phật, cho đến không lìa niệm đầy đủ Nhất thiết chủng trí, thường suy nghĩ về cách làm bậc Tối thượng trong chúng sinh, có trí rộng lớn trong đạo, phát tâm hình sắc như vậy, ân cần tinh tấn trong khoảnh khắc đạt vô số trăm ngàn Tam-muội chánh thọ, như số bụi trần trong các cõi Phật, không sao kể hết. Có vô số Bồ-tát trong các cõi Phật, cũng như số bụi trên làm quyến thuộc vây quanh; theo chí nguyện ấy uy lực của Bồ-tát đặc biệt thù thắng; hoằng thệ rất rộng lớn, thần thông biến hóa đầy đủ, khen ngợi công đức không thể kể hết; hạnh nghiệp nghiêm tịnh, vui vẻ vững tin. Nếu có thị hiện thân để thực hành thì dùng nhãn thông để thấy và hiểu rõ hạnh nghiệp, âm thanh chủng tánh trong trăm ngàn ức kiếp.

Lại nữa, Phật tử! Bồ-tát thập trụ, nhập Nhất thiết trí và dần thành tựu pháp môn. Ví như từ ao lớn A-nậu-đạt, có bốn dòng sông chảy tràn đầy bốn cõi, ngày thêm tăng trưởng không cùng tận, chảy ra biển lớn, nhưng biển lớn không tràn ngập. Cũng thế, Bồ-tát bản nguyện, chí khí vững chãi, ban đủ nghĩa bốn ân cho chúng sinh, rồi khai hóa chúng sinh, công đức đó không thể cùng tận, ngày càng tăng trưởng, đạt Nhất thiết trí, hạnh nghiệp vô biên không bến bờ.

Lại nữa, Phật tử! Bồ-tát thập trụ, nhờ đó mà đạt Phật tuệ. Ví như mười núi lớn, nương mặt đất đứng vững. Mười núi đó là: 1. Tuyết sơn. 2. Hương huân. 3. Kha-đà-lợi. 4. Tật-đố. 5. Chấp-trìthuẫn. 6. Mã nhĩ. 7. Thuẫn-trì. 8. Thiết vi. 9. Anh-ý. 10. Đại thiết vi tu-di sơn vương. Như Tuyết sơn, có vô số cỏ thuốc dùng làm nhà cửa, trị bệnh chúng sinh. Cũng thế, Bồ-tát trụ địa Duyệt dự, tạo lập hạnh nghiệp, hiểu rõ tất cả hạnh thế gian, dùng lời nói truyền tụng kinh điển thần chú, học kỹ thuật thế tục, hóa độ vô cùng. Như núi Hương huân, tỏa ra các mùi thơm tràn khắp mọi nhà, không sao lường được. Cũng thế, Bồ-tát trụ địa Ly cấu, dùng giới làm nhà cửa, hương giới tỏa xa, giữ gìn pháp cấm, không sao hạn lượng được, cùng nuôi dưỡng nghĩa giới. Như núi Kha-đà-lợi, các báu vật rất trong sạch dùng làm nhà cửa sinh ra vô số hoa, hoa ấy thọ nhận khắp các loài hoa khác. Cũng thế, Bồ-tát trụ địa Hưng quang, làm nhà ở trong đời, tu pháp Thiền định giải thoát Tam-muội chánh thọ vô hạn, học hỏi tất cả các định ý. Như núi Tật-đố, thành làm toàn bằng báu vật trong sạch, đó là nhà của người đạt năm thần thông, là nơi ở của vô số tiên nhân. Cũng thế, Bồ-tát trụ địa Vi diệu; làm nhà cửa giảng thuyết đạo pháp, với vô số pháp môn, học hỏi các tuệ. Như núi lớn Chấp-trìthuẫn với báu chân tịnh, là nhà của quỷ thần có đủ thần thông, có vô số các loài quỷ. Cũng thế, Bồ-tát trụ địa Nan thắng có đầy đủ các thần túc, biến hóa giảng thuyết vô hạn, thần thông vô hạn. Như núi lớn Mã nhĩ toàn bằng báu vật, dùng làm nhà cửa, có đủ loại trái, thọ nhận vô số báu. Cũng thế, Bồ-tát trụ nơi đạo địa Mục kiến của Bồtát làm nhà cửa, tuyên thuyết độ thoát hết thảy hàng Thanh văn, tùy thời giảng thuyết đạt đạo quả không cùng. Như núi lớn Thuẫn-trì, là nơi ở của rồng thần lớn, đủ các loại rồng không hạn lượng được. Cũng thế, Bồ-tát trụ địa Huyền diệu tuyên thuyết giáo pháp. (Văn ví dụ bị thiếu). Cũng thế, Bồ-tát trụ đạo địa Vô động khai sĩ là nơi ở tự tại của Bồ-tát, đi lại một mình, học hỏi lãnh thọ khắp các cảnh giới ở mười phương. Như núi Anh-lý toàn bằng trân bảo, là nơi ở của vô số A-tu-nhân và đại thần. Cũng thế, Bồ-tát trụ địa Thiện-tai-ý lấy sự thành tựu chúng sinh làm nhà, hiện ra thân Phật không bến bờ, làm cho chúng sinh mười phương đều đến lãnh thọ, rốt ráo tuệ hạnh, học hỏi ngọn gốc nghiệp vô thỉ của chúng sinh, luân chuyển không cùng tận. Như ngọn núi Tu-di, dùng toàn trân bảo, làm chỗ ở của các chư Thiên thần túc và vô số A-tu-luân. Cũng thế, Bồ-tát trụ đạo địa khai sĩ Mưa pháp sẽ được mười Lực, bốn Vô sở úy của Như Lai, hiện ra vô số thân Phật.

Phật tử! Như mười núi báu bao quanh biển lớn; cũng thế, Bồtát trụ trí bình đẳng của mười Địa là để sáng suốt phụng hành Nhất thiết trí. Ví như biển lớn, thành tựu được mười việc mà không ai làm được. Mười việc đó là gì? 1. Dần dần được đầy đủ. 2. Không chứa tử thi. 3. Tiếp nhận nhiều cửa sông. 4. Thuần một vị. 5. Vô số trân bảo. 6. Màu sắc càng xa càng đậm. 7. Rộng lớn không bờ mé. 8. Nhận các thân lớn. 9. Nước không vượt bờ. 10. Nhận tất cả nước mưa mà không tràn. Cũng thế, Bồ-tát thực hành mười nghiệp tất không ai sánh bằng. Mười việc đó là gì? Từ lúc hành địa Duyệt dự, giữ thệ nguyện giáo hóa chúng sinh. Địa Ly cấu thì không ở chung với kẻ phạm giới. Địa Hưng quang hàng phục việc sát sinh của thế gian. Địa Huy diệu, vững tin Phật đạo, không ai hoại được, luôn tu các hạnh bình đẳng. Địa Nan thắng, đủ thần thông quyền biến, không thể hạn lượng, hóa độ thế tục tùy vào sở thích của chúng sinh. Địa Mục kiến, dùng nhân duyên sâu xa quán sát chúng sinh. Địa Huyền diệu, hiểu đúng đắn, các hành không trái. Địa Vô động, tu tập vô số hạnh nghiêm tịnh của Như Lai. Địa Thiện tai ý, hiểu sâu pháp môn giải thoát. Phật tử! Ví như châu Minh nguyệt lớn, vượt hơn mười loại trân bảo khác, nơi nào cũng đều được sáng soi; gặp thợ mài ngọc, khéo phối hợp mài dũa sẽ sáng đẹp và luôn trong suốt rồi dùng dây chắc thật xâu trân bảo làm thành dây lưu ly, trang sức ở đầu các phướn cờ cao, sẽ phóng ra ánh sáng chiếu khắp xa gần. Các bậc vua chúa, vì nhân dân mà giữ gìn trân bảo này, để được sáng soi. Cũng thế, Bồtát, phát khởi Nhất thiết trí thì tâm thông suốt, vào mười bậc Thánh hiền, biết đủ, thích ở nơi vắng, hiểu đúng việc tu đức, nhất tâm giải thoát Tam-muội chánh thọ; hiểu đúng việc tu tập ba pháp thanh tịnh, tu tập các việc đạo nghiệp chánh pháp; khéo tu thuần tịnh, thần thông quyền biến, phân biệt hiểu rõ mười hai nhân duyên và các phẩm hạnh; dùng trí tuệ quyền biến nắm giữ cờ thánh mà được tự tại, từ đó phóng ra ánh sáng, dùng trí tuệ quán hạnh chúng sinh, đạt đến vị Nhất sinh bổ xứ, thành tựu đạo Tối chánh giác, lại làm cho chúng sinh đều an trụ trong mười Địa. Đó mới gọi là Nhất thiết trí, là tu tập tích lũy hạnh Bồ-tát, là một phần của pháp môn tu tập công đức, đạt Nhất thiết mẫn tuệ. Chúng sinh nào không có công đức thì hoàn toàn không được nghe đạo nghiệp lớn này.

Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt lại hỏi:

–Thanh văn nào đạt được pháp này thì nhờ chứa nhóm những công đức gì?

Đáp:

–Đó là công đức phước, tức là thời xưa, từng phụng hành, tùy thuận Nhất thiết trí, nhưng vì không tùy thuận Thánh tuệ chiếu soi hoặc chiếu soi không xa, không hành đại Từ bi, đi khắp các nơi để ban ân bảo hộ. Nhờ đó đạt được các pháp sáng, hiện rõ công huân tập, làm cho công đức được tích lũy. Vì sao? Vì hiểu được pháp. Lại nữa, Phật tử! Nếu không phải là Bồ-tát, thì không thể nghe được pháp môn này, cũng không vững tin, thọ trì, đọc tụng; huống gì tu tập, siêng năng, phụng hành, hàng phục để thành tựu? Vì thế Phật tử! Người nhập Nhất thiết trí phải đủ công đức mới thọ trì pháp này. Ai nghe được pháp môn này, tin tưởng, suy xét phụng hành, siêng năng tu tập; thì nhờ oai thần của Phật ở vô số cõi Phật trong mười phương thế giới sẽ chấn động sáu cách, rền vang tiếng sấm, nương thánh chỉ Phật, nuôi dưỡng ân đức kinh điển, mưa các loại hoa trời, tỏa các hương thơm, trang sức cho cõi trời, y phục, trân bảo, anh lạc, tràng phan âm nhạc của trời không ai trổi mà tự vang, đàn cầm sắt và tiêu, không hầu tự nhiên phát ra tiếng hay hơn các vật của cõi trời. Nhờ Nhất thiết trí, nên được gần địa vô vi, cúng dường vật vi diệu. Pháp này âm vang khắp các cõi trên dưới trong mười phương, lên đến cung trời Tha hóa tự tại, Tự tại Thiên vương và các cung điện cõi trời.

Nương oai thần của Phật mà vô số Bồ-tát ở khắp mười phương

mười ức cõi Phật đều đến đại hội này, khen ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Hỡi người con Phật! Nhân giả có thể giảng thuyết pháp yếu của đạo địa Bồ-tát. Chúng tôi đều cùng một hiệu Kim Cang Tạng, từ thế giới Kim cang thủ đến đây. Đức Phật cõi ấy hiệu là Kim cang tạng. Tất cả các Đức Phật đều luân chuyển kinh điển chủ yếu và thánh chỉ của Phật ở các hội chúng, ở trong chương cú, nghĩa lý vi diệu, hình tượng thật nghĩa cũng đều y như vậy, tất cả phải thực hành để được lợi ích… không sai không khác, không dựa vào cái khác. Chúng tôi nương oai thần của Phật, đến chúng hội đây để chứng minh. Như chúng tôi đến cõi Phật này, mười phương vô lượng cảnh giới cũng vậy; ở mỗi cõi Phật, có khắp bốn phương, lên đến cung trời Tha hóa tự tại, Tự tại Thiên vương, cung Thiên vương, với châu Minh nguyệt tàng trữ khắp cung điện, vô số Bồ-tát đầy khắp trong mười phương ức cõi Phật cũng đến đây.

Lúc ấy, Bồ-tát Kim Cang Tạng quán sát các Bồ-tát ở mười phương, các bộ chúng, nhìn khắp pháp giới, học hỏi phát khởi tâm Nhất thiết trí; quán sát hạnh lực thanh tịnh của các Bồ-tát, nhập Nhất thiết trí; giảng thuyết đạo hạnh, tiêu trừ trần cấu, dùng trí dắt dẫn, thị hiện thần thông biến hóa, các công đức hạnh nghiệp không thể nghĩ bàn của Bồ-tát, tuyên thuyết đạo này, nương thánh chỉ Phật, nói kệ rằng:

Tịch mịch không mong cầu
Định tĩnh tâm chuyên tinh
Trống rỗng như hư không
Bằng phẳng như đồng hoang
Lìa tai họa, trừ cấu
An trụ nơi đạo tuệ
Nghe đức hạnh thù thắng
Các Bồ-tát chí tôn
Ngàn bộ chúng đức lành
Tâm hành vô số kiếp
Cúng dường đến Thánh giả
Trăm ngàn ức Như Lai
Tối thắng nhờ tự tại
Phụng kính không thể lường
Thương xót các chúng sinh
Phát khởi tâm Bồ-tát
Siêng năng suy xét pháp
Nhẫn nhục thêm nhân hòa
Hổ thẹn là trên hết
Công huân tuệ tối tôn
Tâm ý không nhơ uế
Tuệ tánh Phật sáng suốt
Sức thù thắng bình đẳng
Khuyên phát tâm Bồ-tát
Ba đời giúp đại chúng
Cúng dường là số một
Rộng lớn như hư không
Tất cả cõi thanh tịnh
Bình đẳng tùy thuận hết
Pháp thật nghĩa của Phật
Độ thoát lợi chúng sinh
Đến đạo tràng hàng phục
Đạt đạo địa thù thắng
Phát tâm không gì bằng
Vui vẻ vì Ly cấu
Tiêu trừ các pháp ác
Uy lực hạnh vi diệu
Nên thành pháp thanh tịnh
Phụng hành tâm Từ bi
Tiến dần nhập Thượng đạo
Giữ giới làm giàu đức
Từ tâm thương chúng sinh
Bỏ cấu, sạch không còn
Tức thành chí thanh tịnh
Xét tất cả thế gian
Bị ba lửa thiêu đốt
Chí rộng lớn, thứ ba
Siêu vượt lợi chúng sinh
Khổ não, không nhân ngã
Đầy tật bệnh đớn đau
Dứt trừ khổ ba cõi
Dập tắt ngọn lửa hừng
Ham thích công đức Phật
Tu sửa tỳ vết ố
Tuệ rộng lớn chiếu soi
Vượt hơn các ánh sáng
Tâm ý hạnh thanh tịnh
Nên đạt trí Thánh đạo
Khéo an trụ cúng dường
Trăm ngàn ức Đức Phật
Phụng sự đấng tối tôn
Tâm tịnh đủ công đức
Hàng phục tất cả chúng
Siêu vượt khó ai hơn
Thánh tuệ là quyền biến
Ý tu tập Thánh tuệ
Tạo nghiệp không thể lường
Hàng phục lợi chúng sinh
Cúng dường khắp mười phương
Dùng đạo độ chúng sinh
Thân cận không tạo tác
Được nhập Địa thứ sáu
Chúng sinh khó hiểu được
Tới lui trong thế gian
Dụng thân không hoạn nạn
Thọ, biết pháp hữu vi
Các pháp vốn sạch không
Từ mười hai duyên sinh
Sự thấp kém, vi diệu!
Được nhập Địa thứ bảy
Trí tuệ và quyền biến
Đạt tâm tịnh sáng suốt
Vượt xa khó ai tin
Trí lớn khó ví dụ
Vốn vắng lặng trong sạch
Tâm chí rất nhanh lẹ
Bình đẳng trước khổ vui
Vượt qua mọi lay động
Tạo bao nhiêu tội phước
Đủ các loại Thánh tuệ
Tối thắng trong cõi người
An trụ nơi tịch nhiên
Đạt được mười tự tại
Qua lại cõi chúng sinh
Để đưa các chúng sinh
Vào đạo ý giới lành
Đạt vi diệu thứ nhất
Trải qua tất cả cõi
Cứu độ các chúng sinh
Giải trừ mọi trần cấu
Đều phụng hành luật pháp
Đủ phước đức công huân
Hạnh nghiệp như hoa báu
Tuyên thuyết tuệ tối thượng
Thọ lãnh mọi hạnh nghiệp
Đời trước, hạnh thanh bạch
Đạt đến Trụ thứ chín
Được Thánh tuệ, công đức
Đủ các lực bố thí
Thích thánh pháp tối thượng
Vì gần công huân tuệ
Nên đạt được Phật đạo
Có được mười, trăm, ngàn
Tam-muội vô vi này
Được sáng suốt rộng lớn
Đi ở A-duy-nhan
Cảnh giới thật bao la
Tam-muội vô cùng tận
Dường như đạt rốt ráo
Thân cận Nhất thiết tuệ
Hoa sen lớn uy nghiêm
Và bao nhiêu trân bảo
Thân cao lớn uy nghiêm
An tọa trên hoa sen
Quyến thuộc thật tối thắng
Trụ yên mà suy xét
Đủ vô số phước đức
Và vô lượng ánh sáng
Tiêu diệt họa khổ não
Trong cõi nước mười phương
Sau làm người đứng đầu
Tỏa sáng trăm ngàn nơi
Là Bậc Nhân Trung Tôn
Vượt qua mười phương cõi.
An trụ trong hư không
Hóa thành tấm màn lớn
Lãnh thọ các hạnh Phật
Tùy thuận cúng dường Phật
Lúc đó, thấy chư Phật
Hiểu tất cả pháp mầu
Phật tử A-duy-nhan
Đạt được pháp Tối thượng
Phật tử đi khắp nơi
Để cúng dường chư Phật
Vị A-duy-nhan này
Phóng ánh sáng tối tôn
Giữa chặng mày của Phật
Đạt thành Nhất thiết trí
Ánh sáng phóng rất xa
Nhập vào trên đỉnh đầu
Thuyết vô lượng tịch diệt
Chấn động khắp các cõi
Các khổ não trong ngục
Tức thời được tiêu diệt
Giống như ta quay về
Tất cả pháp của Phật
Lại như vua tối tôn
Và thái tử cao quý
Ta cũng được như vậy
Rốt ráo Nhất thiết tuệ
Cứ thế dần đạt được
Đạo địa Mưa pháp này
Đấng Chí nhân trụ đó
Tuệ hạnh không thể lường
Chúng sinh đều khen ngợi
Đạt chánh giác thành Phật
Cõi sắc, cõi vô sắc
Cõi dục đều ca tụng
Chúng sinh các cõi nước
Khắp pháp giới ngợi khen
Hữu vi và vô vi
Cùng các cõi không thân
Tất cả đều phân biệt
Học hỏi bằng pháp mầu
Cứ thế càng tăng trưởng
Thắng nghiệp không kiêu mạn
Tạo lập hạnh như vậy
Tuệ vi diệu của Phật
Tạng bí mật Như Lai
Thông hiểu vô số kiếp
Như số cát, chân lông
Vào khắp các cảnh giới
Sinh trong cõi thế gian
Xuất gia hiểu thánh đạo
Vào trong núi Thiết vi
Thành tựu mà thị hiện
Hóa độ tất cả cõi
Vào pháp môn tịch diệt
Chí tánh đó đạt được
Nhập vào đạo thâm sâu
Chí lớn trụ vào đó
Diễn nói mưa pháp thù thắng
Quay vòng khắp tất cả
Nắm giữ tâm ý mình
Mưa thấm các chúng sinh
Như gió mang hơi nước
Mưa pháp của chư Phật
Cũng thấm nhuần như vậy
Dùng một pháp an trụ
Tiếng lớn vang khắp nơi
Vô số loại chúng sinh
Ở cõi Phật nơi mười phương
Nghe pháp và phụng trì
Tất cả là Thanh văn
Đủ vô số hạnh nghiệp
Là Bồ-tát học rộng
Hạnh tuệ đến uy lực
Đều nhờ hạnh từ xưa
Chỉ trong một khoảnh khắc
Đi khắp ức cõi Phật
Mưa tưới nước cam lộ
Vui diệt các trần lao
Mà tạo tánh nhân hòa
Mưa pháp của chư Phật
Dùng sáu thông an trụ
Siêu vượt đến cung trời
Cảnh giới Bậc Nhân Trung
Thị hiện khắp mười phương
Dần dần thay đổi khác
Vô số trăm ngàn kiếp
Dùng thánh minh an lập
Chỉ nhấc một bước chân
Đã đến Địa thứ chín
Chỗ trụ không đổi dời
Tổng trì công huân tuệ
Huống gì sợ chúng sinh
Chúng sinh trong ba cõi
Thành Thanh văn, Duyên giác
Tối thắng an trụ này
Lại thị hiện khắp cả
Ba cõi không ngăn ngại
Tuệ hiểu rõ pháp giới
Đi khắp tất cả cõi
Pháp chúng sinh không thừa
Đủ công huân chư Phật
Lại nương tựa Thế Tôn
Thánh đạt trụ nơi đây
Tu tập phụng sự Phật
Đi khắp các pháp giới
Tất cả cõi mười phương
Hiện các việc cúng dường
Phụng kính bao nhiêu vật
Thành tựu các công đức
Như trang nghiêm áo trời
Hiền thánh trụ ở đây
Dùng tuệ quang soi rọi
Tiêu diệt các tối tăm
Làm mất sáng chánh pháp
Minh tự tại tối thắng
Trừ hết loạn thế gian
Các Phật tử như vậy
Sáng soi từ trần lao
An trụ trong ba đời
Làm Đấng Tối Thượng Tôn
Dùng biện giải giảng đạo
Tuyên thuyết nghiệp ba thừa
Chỉ trong một khoảnh khắc
Đạt vô số Tam-muội
Ở khắp mười phương cõi
Thấy vô số Như Lai
Tạm tuyên thuyết đạo địa
Các Phật tử như vậy
Trải qua trăm ngàn kiếp
Khen ngợi đức không cùng
Dứt lìa sạch trần cấu
Địa này bình đẳng giác
Nương tựa giống như hoa
Như thái sơn tựa đất
Các Phật tử bậc nhất
Gặp oán không sân hận
Như tuyết phủ đỉnh núi
Mà có thuốc cho người
Thông hiểu đủ giới hạnh
Như xông ướp hoa thơm
Lại ví như hoa sen
Từ trong ao mọc ra
Pháp bảo không loạn động
Được ánh sáng Thánh trí
Tiên nhân ở trong núi
Vui vẻ với chính mình
Hương quỷ thần không tới
Đạt được năm thần thông
Giảng thuyết sáu quả báo
Như trân bảo, mã não
Bảy giác chi thù thắng
Như rồng mang điềm lành
Đạt đến tám tự tại
Như núi Thiết vi lớn
An nhập Trụ thứ chín
Bậc vi diệu Tối thượng
Mười công đức của Phật
Tựa Tu-di sáng soi
Đầy đủ nguyện thứ nhất
Hương giữ giới xưa ban
Hành công huân thứ ba
Rồi thực hành thứ tư
Thứ năm là Thanh tịnh
Hạnh thứ sáu Huyền diệu
Bảy, Ý không chỗ đắm
Giảng tám vô ương số
Lãnh thọ thánh thứ chín
Tâm cầu tuệ vi diệu
Qua lại trong chúng sinh
Nhưng an nhập Thánh tuệ
Mười việc của thân Phật
Nhờ Tổng trì các pháp
Hạnh rộng như biển lớn
Tâm Bồ-tát không sân
Đủ mười hạnh thông đạt
Vốn nhờ sự phát tâm
Tu mười hai trí hạnh
Nhất tâm định thứ ba
Thanh tịnh Địa thứ tư
Chiếu sáng Địa thứ năm
Thứ sáu trừ khổ não
Liền đạt Trụ thứ bảy
Tự nhiên giữ chánh pháp
Trụ thứ tám hòa nhã
Thứ chín nhận các hạnh
Ánh sáng tuệ chiếu xa
Thứ mười A-duy-nhan
Hiểu rõ tối thù thắng
Công huân báo thanh tịnh
Từ xưa hành như vậy
Đếm biết hết tất cả
Mười phương cõi hư hoại
Nhờ nhất tâm thấy được
Hiểu rõ tâm chúng sinh
Nếu dùng một sợi lông
Đo lường hết hư không
Trải qua trăm ngàn kiếp
Không hết công đức Phật.

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói:

–Sở dĩ gọi là Đại Quang Minh định ý là vì đạo tuệ đầy đủ, thành bậc Nhất sinh bổ xứ, hoàn tất Phật đạo, mọi người đều nhờ ân, ví như mặt trời sáng, thiên hạ đều tôn ngưỡng. Chư Phật nơi mười phương từ đây mà có, từ đây mà thành.

Đức Phật bảo các Bồ-tát:

-Lành thay! Lành thay! Bồ-tát Kim Cang Tạng đã giảng thuyết Hạnh Nghiệp Thập Trụ, mà các Bồ-tát phải thực hành, từ lúc mới phát tâm đến địa vị Nhất sinh bổ xứ.

Ví như vào ngày rằm, thì mặt trăng mọc tròn và sáng rực rỡ giữa các ngôi sao. Cũng thế, Bồ-tát dần dần đầy đủ các hạnh, năm giới, mười nghiệp lành, bốn Đẳng, bốn Ân, sáu Ba-la-mật, đại Từ đại Bi, phương tiện quyền biến, đạt thành Phật quả làm thấm nhuần chúng sinh.

Ví như trồng cây thì ra rễ, thân cành, nhánh, lá, hoa, trái, mọi người ăn để trừ đói khát. Cũng thế, Bồ-tát từ lúc phát tâm đến khi thành Phật đạo, ai nấy đều nhờ ân cứu giúp, nên mới đạt đạo.

Ví như các loài cây, trái, cỏ, thuốc; chúng đều từ đất mọc ra. Cũng thế, Bồ-tát hành mười trụ này, đến thành Phật sẽ độ thoát mười phương.

Ví như biển lớn, sản sinh các trân bảo, lợi ích khắp thiên hạ,

Kinh này cũng thế, thành tựu mười đạo Địa của Bồ-tát cho đến thành Phật, đức lớn hơn hư không, như mặt trời, mặt trăng chiếu sáng bốn cõi, thiên hạ đều tôn ngưỡng. Bồ-tát hành những hạnh nghiệp này, sẽ thành Phật, chúng sinh đều nhờ ân, trừ vô số nạn sinh, già, bệnh, chết để bay thẳng đến đạo tràng.

Ví như lương y, chữa bệnh cho mọi người, ai nấy đều lành bệnh. Kinh này cũng vậy, tiêu trừ bệnh tham, sân, si của chúng sinh, để đạt được Chánh chân. Như Chuyển luân vương giáo hóa bốn cõi, ai nấy đều tùy thuận mệnh lệnh, cũng thế, Bồ-tát dùng bốn Đẳng, bốn ân giáo hóa phân biệt nhân ngã, những kẻ nương bốn đại được đến chỗ không lo sợ, bốn việc không cần giữ, vĩnh viễn trừ hết tâm bệnh.

Ví như núi Tu-di, ở giữa bốn phương. Kinh này cũng thế là kinh đứng đầu trong các kinh, đạo đức rộng lớn, chí khí chân chánh, bình đẳng, thông hiểu không thân cho đến đạo Vô thượng Chánh chân, độ thoát tất cả những hoạn nạn từ sinh già bệnh chết đã có xưa nay. Chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại đều từ đây sinh ra, là biển sâu của các kinh, là cung điện của đạo đức, chứa các hạnh nghiệp của Bồtát, là nhà đạo mà người trong ba cõi tụ hội; là nguồn gốc cầu phước, làm cho bệnh tham, sân, si bỗng nhiên được tiêu mất.

Ví như hư không dung chứa được tất cả loài hữu tình, sinh ra lớn lên và là nhân của tất cả, cũng thế, kinh này là nơi các Bồ-tát, chư Phật thời quá khứ, hiện tại, vị lai từ đó sinh ra, đủ trí tuệ quyền biến, khai hóa chúng Thanh văn, Duyên giác để được độ thoát chúng sinh trong ba cõi đều được cứu tế, thoát khỏi ba khổ nạn, mở dây trói, phát đạo tâm, thâm nhập tạng pháp sâu xa, Pháp thân không cùng, khai hóa mười phương. Dù đem bảy báu có đầy trong vô số hằng hà sa cõi Phật mà cúng dường chư Phật nơi mười phương, cũng không bằng thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, chỉ dạy và học tập kinh này. Kinh này báo được ân đức của chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai. Kinh này là cõi của chư Phật, là nguồn gốc phước để thành đạo quả mười phương. Hư không còn có thể lường, biển lớn trong mười phương còn có thể biết, phước đức học được từ kinh này là không thể hạn lượng.

Bồ-tát Kim Cang Tạng thuyết pháp như vậy, Như Lai vui vẻ, hết thảy các Bồ-tát, Thiên, Long, Thần, Kiền-đạt-hòa, A-tu-luân, Đế Thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương, Đại thần diệu thiên, Tịnh cư thiên, Tha hóa tự tại; Thiên cung thứ sáu đang du hành ở bảo điện Minh nguyệt, từ lúc mới phát tâm tu địa Duyệt dự thứ nhất đến Địa thứ hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười thành Đấng Tối Chánh Giác; hết thảy chúng hội đều vui vẻ khi nghe lời giảng của Bồ-tát Kim Cang Tạng.

***

(Ngày 21, tháng 11 năm Nguyên Khang thứ bảy, Sa-môn Pháp Hộ ở chùa Thị Tây Trường An đã dịch từ chữ Phạm ra tiếng Tấn, làm cho chúng sinh trong mười phương đều nhờ ân, đạt đến chỗ vô hình, cứu độ chúng sinh, ai nấy đều vui vẻ cứu thoát. Nay giải thích mười trụ này từ tiếng Phạm ra tiếng Tấn. Trụ thứ I, tiếng Phạm là Mâu-đề-đà, tiếng Tấn dịch là Duyệt dự. Thứ II, tiếng Phạm là Duyma-la, tiếng Tấn là Ly cấu. Thứ III: tiếng Phạm là Bạt-ca-la, tiếng Tấn là Hưng quang. Thứ IV; tiếng Phạm là A-chí-mô, tiếng Tấn là Huy diệu. Thứ V; tiếng Phạm là Đầu-xà-da, tiếng Tấn là Nan thắng. Thứ VI; tiếng Phạm là A-tỳ mâu-khư, tiếng Phạm là Mục kiến. Thứ VII; tiếng Phạm là Đầu-ma-la-ca, tiếng Tấn là Huyền diệu. Thứ VIII; tiếng Phạm là A-dà-la, tiếng Tấn là Vô Động. Thứ IX; tiếng Phạm là Diểu-đầu-ma-đề, tiếng Tấn là Thiện tai ý. Thứ X; tiếng Phạm là Đàm-ma-di-ca, tiếng Tấn là Pháp Vũ.)

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10