KINH ĐẠI TẬP VÍ DỤ VƯƠNG
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Lại nữa, khi nói pháp này, Mạng giả Xá-lợi-phất, từ chỗ ngồi, đứng dậy, sửa y Ưu đa-la tăng-già qua một bên, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con có một số việc muốn hỏi, cúi mong Thế Tôn cho phép và giải đáp theo những gì con hỏi.

Phật bảo Mạng giả Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Tùy theo những gì ông hỏi, Như Lai A-la-ha Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ theo câu hỏi đó, giải đáp, để cho ông được tự tại.

Mạng giả Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Trong châu Diêm-phù này, nếu có mưa thì mưa nơi nào mới gọi là mưa thiện?

Phật khen Xá-lợi-phất:

–Rất hay! Này Xá-lợi-phất! Ông hãy đem biện tài vi diệu của mình, để khéo suy nghĩ. Ông hỏi Như Lai về nghĩa này, là vì muốn lợi ích cho nhiều chúng sinh, muốn làm an lạc cho nhiều người, thương xót thế gian, vì lợi ích an lạc cho các hàng trời, người, cũng vì muốn khiến cho các thiện nam, thiện nữ ở hiện tại và vị lai, phát sinh tinh tấn, phát sinh Bồ-đề thừa.

Này Xá-lợi-phất! Hãy khéo lắng nghe, khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì ông mà nói.

Xá-lợi-phất thưa:

–Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Con rất muốn nghe.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Người trong châu Diêm-phù này, gieo trồng các giống: Nào là mía, nho, đại mạch, tiểu mạch, lúa, lúa tẻ, vừng, đậu lớn, đậu nhỏ, đậu giang, đậu tất, đậu Ca-trà-ha-lợi-na (giống như hạt đậu lớn, Trung Hoa không có). Nếu mưa xuống những ruộng đất đang gieo trồng những thứ ấy, gọi là mưa thiện. Vì sao? Vì nếu những nơi ấy, thu hoạch được các hương vị, nó sẽ nuôi sống người ở trong châu Diêm-phù; thế nên, mưa ở những nơi ấy, gọi là mưa thiện.

Xá-lợi-phất lại thưa:

–Thưa Thế Tôn! Nếu thiện nam, thiện nữ muốn bố thí pháp, thí ở nơi nào, mới gọi là bố thí thiện?

Phật đáp:

–Này Xá-lợi-phất! Ta nói pháp bố thí nếu ở nơi nào mà pháp được lan truyền khắp, gọi là thiện thí. Trong các pháp thí, bố thí pháp cho các Bồ-tát Ma-ha-tát mới là thiện thí tối thắng. Vì sao? Vì thiện nam kia, vì chúng sinh mà cầu pháp; thế nên, khi thí pháp ấy, gọi là thiện thí tối thắng.

Xá-lợi-phất! Ví như mưa ngoài biển cả, không phải là không có quả, không phải là không thọ dụng. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Khi thí pháp cho các Bồ-tát Ma-ha-tát, không phải là không có quả, không phải là không thọ dụng. Vì sao? Vì thiện nam đó, đã vì các chúng sinh mà cầu pháp.

Xá-lợi-phất! Ví như có người mài dũa châu ma-ni, nếu siêng năng ra sức, mới gọi là làm tốt. Vì sao? Vì lúc nào dũa châu ma-ni, cùng làm với trăm ngàn châu thủy tinh… Như vậy, này Xá-lợi-phất! Nếu các Bồ-tát ra sức thì mới gọi là làm tốt. Vì sao? Vì thiện nam đó đã vì các chúng sinh mà cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phát tâm hành Vô thượng Bồ-đề.

Xá-lợi-phất! Ví như biển cả, không chỗ nào, là không xuống

được, không chỗ nào, là không vào được. Vì sao? Vì biển cả dần dần sâu, dần dần cạn, thế nên không chỗ nào, là không xuống được, không chỗ nào là không vào được. Như vậy, Bồ-tát Ma-ha-tát tu hạnh Bồ-tát, đối với Trí tuệ ba-la-mật phương tiện thiện xảo thì không có pháp nào, mà không thể nói.

Xá-lợi-phất! Ví như lấy một ít nước trong ao, đem trồng hoa Ưu-bát-la, lá nó mọc lên, tuy là nước cùng một ao, nhưng hoa bên ngoài, lá của nó không được vi diệu như vậy. Do đó, không thể khen là quý trọng. Còn hoa mà được trồng bên trong ao, nhất định được thiện nam, thiện nữ khen là quý trọng.

Cũng thế, này Xá-lợi-phất! Thanh Văn và Độc giác cùng một pháp giới chứng, nhưng không được khen ngợi quý trọng; còn Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, lại được trời, người trong thế gian tán thán quý trọng. Thế nên, Xá-lợi-phất! Khi thấy được nghĩa này rồi, thiện nam, thiện nữ cần phát tâm ấy, chớ có chứng cùng một pháp giới mà đắc Thanh văn, Độc giác; thì sẽ không được tán thán quý trọng. Vậy nay chúng ta hãy phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mới được khen ngợi, quý trọng như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Ví như cây Trầm thủy hoặc cây Chiên-đàn, lá của nó, không được khen ngợi quý trọng như hương của lõi cây nó. Như thế, tuy cùng một pháp giới chứng, nhưng trí tuệ của Thanh văn, Độc giác không được đầy đủ, như hương chân thật; còn Như Lai A-laha Tam-miệu Tam-phật-đà, chân hương đầy đủ. Khi thấy được nghĩa ấy, các thiện nam, thiện nữ có được bao nhiêu thiện căn, đều nên hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Ta nói những người ấy, đều nhờ nơi thiện hữu, mà được thành tựu, sinh tâm hoan hỷ mến mộ đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi đem hướng dẫn, khuyến khích người khác siêng năng thực hành, sinh tâm hoan hỷ mến mộ. Vì sao? Vì xưa kia ta cũng nhờ thiện hữu giáo hóa, cho nên nay thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Ví như có người, muốn lấy châu báu; lại có người

thứ hai, cũng muốn lấy châu báu. Người thứ nhất, hướng dẫn cho người thứ hai về con đường đi đến châu báu và chỗ có châu báu. Ta cho người này không tham lam keo kiệt. Như vậy, Xá-lợi-phất! Người mà chỉ cho biết hết con đường đến chỗ châu báu, ta cho rằng, người này, cũng không tham lam keo kiệt.

Xá-lợi-phất! Có châu báu, giá trị đến trăm ngàn. Châu báu ấy được lấy từ trong biển, lúc nó còn ở trong biển, chưa có người mài dũa, nhưng khi đã được đưa lên châu Diêm-phù rồi, mới có người mài dũa.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Nếu có người muốn thấy Như Lai, phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khi thấy được mỗi mỗi công đức thù thắng của Như Lai rồi, liền thực hành rộng rãi, sẽ thành Thanh văn; cứ lần lượt hành như vậy, sẽ thành Độc giác, cho đến chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Còn các thiện căn khác đều nhờ gặp thiện hữu mà đều được thành tựu quảng đại. Thấy được nghĩa này rồi, thiện nam, thiện nữ; nên cầu thiện hữu, để thân gần thừa sự; thừa sự rồi, cần phải hành tập nhiều Phật sự; cứ làm như vậy, không bao lâu sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì xưa kia ta cũng được sự giáo hóa của thiện hữu, nên nay mới thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Như ngọc quý ma-ni, lúc mài dũa, có các mạt vụn rơi xuống, các mạt vụn đó không được cho là quý trọng; còn hạt báu ma-ni kia; hoặc vua, hoặc đại thần của vua cùng các người trí khác, mới có khả năng phân biệt nó là báu và khen ngợi quý trọng.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Thanh văn, Độc giác tuy là cùng một pháp giới chứng, nhưng không được khen ngợi quý trọng; còn Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà nhất định được hàng trời, người trong thế gian hoặc Càn-thát-bà, A-tu-la… khen ngợi quý trọng.

Xá-lợi-phất! Ví như có người tự đem một nén vàng, đến chỗ của người thợ vàng, hay chỗ học trò của người thợ vàng, nói: Ông hãy đem nén vàng này, làm cho tôi một chiếc vòng, để tôi đeo vào chân.

Khi ấy, người thợ vàng hoặc học trò sẽ nói với người đó: Thưa anh! Tôi sẽ đem nén vàng này làm thành chuỗi, rồi tùy anh, muốn đội lên đảnh hay đeo vào cổ, vào tay nhất định sẽ được mọi người thấy và sinh vui thích, khen ngợi anh.

Xá-lợi-phất! Dù người thợ vàng có khuyên cách nào đi nữa, nhưng người ngu kia vẫn không chấp nhận, mà cứ khăn khăn bảo người thợ vàng, làm vòng đeo chân cho tôi!

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Có thiện nam, thiện nữ nào, ở chỗ Như Lai, hay chỗ Thanh văn, hành pháp thí tối thắng. Khi ấy, nếu có thiện hữu đến đó nói với họ: “Này bạn, nay bạn thực hành pháp thí tối thắng này, là trái với việc thiện. Vì sao? Vì bạn đem pháp thí tối thắng này, ở trong pháp có hạn lượng, mà hồi hướng quả vị Thanh văn, quả vị Độc giác. Nay bạn thực hành pháp thí tối thắng này, để được các thiện căn thì phải đem thiện căn đó, hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Xá-lợi-phất! Trong pháp thế gian và xuất thế gian, trí tuệ tối thắng của chư Phật Thế Tôn là đệ nhất, thế nên chư Phật Thế Tôn tán thán Vô thượng Chánh Đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì đó là việc hồi hướng đến vô thượng. Khi thấy được nghĩa này rồi, các thiện nam, thiện nữ có bao nhiêu thiện căn đều nên hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Như có hai người, trong đó có một người chuyên làm sợi tơ kim sắc Kiếp-ba-bà rất giỏi, tuy cùng một loại cây làm ra, nhưng áo đó mịn màng giá trị đến trăm ngàn. Còn một người chỉ muốn làm áo thô kệch cho nộ bộc, người này đến chỗ thợ dệt nói: Này bạn! Sợi tơ sắc vàng Kiếp-ba-bà này của tôi, bạn hãy cố gắng lo liệu cho xong; cùng một loại cây, nhưng bạn làm sao giúp tôi làm sợi cho tốt.

Thợ dệt nói: Này bạn! Tôi sẽ cùng với bạn may áo giá trị trăm ngàn, cần gì đến loại áo to thô đó.

Người kia không nhận lời khuyên tốt của thợ dệt mà cứ bảo. Hãy làm áo thô kệch cho tôi.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Tuy cùng một pháp, cùng một thiện căn, nhưng lại có người vin theo quả vị Thanh văn, hoặc có người vin theo quả vị Duyên giác, Độc giác, hoặc có người trụ vào đạo Vô thượng. Xá-lợi-phất! Trong đó nếu có người vin theo quả vị Thanh văn, Độc giác thì nên nói với người ấy như vầy: “Thiện căn này của ngươi là nhân Như Lai.” Còn người cầu Vô thượng Bồ-đề, nên nói với họ như vầy: “Thiện căn mà ngươi có được, từ bố thí pháp, nên gom nó lại thành một khối, hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Hồi hướng như vậy rồi, đem thiện căn ấy thí cho chúng sinh, khởi tâm vô tận giáo hóa chúng sinh ấy. Nhân nơi thiện căn này, mà nguyện cho các chúng sinh sẽ được đầy đủ trí không thể nghĩ bàn, trí không thể kể, trí tối thắng vô thượng trong ba cõi… cũng như Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà.

Này Xá-lợi-phất! Ví như đệ nhất phu nhân của vua, sinh ra tám người con. Trong các người con ấy, chỉ có một người đầy đủ vương tướng, được thừa kế vương vị và được làm lễ quán đảnh; còn các người con khác chỉ làm cận thần, y theo pháp mà phụng sự.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Chẳng phải bụng người mẹ có lỗi lầm, khiến các người con khác không được quán đảnh, kế thừa vương vị chăng?

Xá-lợi-phất thưa:

–Không phải kế thừa Thế Tôn! Vì sao? Vì đời trước, các người con ấy, không tạo vương nghiệp, không trồng thiện căn, do nhân duyên đó, cho nên các người con này, không được kế thừa vương vị và quán đảnh.

Phật khen:

–Đúng thế! Này Xá-lợi-phất! Tuy cùng một pháp giới chứng, nhưng Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà được xưng là Pháp Vương. Còn các thiện nam chỉ được xưng là Thanh văn. Như vậy chẳng phải pháp giới này có lỗi lầm chăng?

Xá-lợi-phất thưa:

–Không phải thế, thưa Thế Tôn! Không phải pháp giới có lỗi lầm. Nhưng do đời trước, các thiện nam ấy, có các thiện căn, không hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề, không hành đạo này, không phát nguyện, cũng không tạo thiện căn tối thượng, lại không cầu sự hiểu biết rộng rãi để làm lợi ích, cho nên nay, chỉ được Thanh văn. Những thiện nam ấy, cũng không hành hạnh Như Lai, lại không có công đức của Như Lai, không đầy đủ thần thông như các Đức Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà. Do nghĩa đó, nên thiện nam, thiện nữ tạo các thiện căn, nên hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Này Xá-lợi-phất! Ví như cây Ba-lợi-chất-đa-la câu-tỳ-đa-la mới mọc, cả cõi trời Tam thập tam đều vui thích nói: Cây này đã mọc thì cõi trời Tam thập tam không còn trống không nữa.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Khi thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì khi đó có chánh tín với Tam bảo, nên được các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… tâm sinh phấn khởi, nói rằng: Đạo tràng này, nay không còn trống không nữa, rồi đây sẽ có Bồ-tát thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Xá-lợi-phất! Ví như cây Ba-lợi-chất-đa-la câu-tỳ-đa-la; cõi trời Tam thập tam thấy nó ra lá thì không còn khen ngợi, không còn quý trọng nữa; mà chỉ khen ngợi vui thích, khi nào thấy nó trổ hoa.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Thanh văn, Độc giác, tuy cùng một pháp chứng, nhưng không được hàng trời, người tán thán, quý trọng. Còn như thấy Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, liền sinh tâm phấn khởi. Vì sao? Vì Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, đủ các thiện căn và ba mươi hai tướng đại trượng phu, ánh sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng, chiếu khắp vô lượng cõi Phật và thương xót chúng sinh.

Xá-lợi-phất! Ví như cây Ba-lợi-chất-đa-la câu-tỳ-đa-la; đến lúc nó phát triển, cõi trời Tam thập tam biết, cây này không bao lâu nữa sẽ ra nhiều lá, nhiều đến trăm ngàn câu-chi na-do-tha lá, cho đến vô lượng a-tăng-kỳ lá, phủ kín khắp cả.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát, lúc mới phát tâm, lúc sinh, lúc lớn, nên biết sẽ có trăm ngàn câu-chi na-do-tha Thanh văn, cho đến vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ các chúng Thanh văn đến vây quanh Bồ-tát và có rất nhiều Thanh văn, Độc giác xuất hiện.

Xá-lợi-phất! Ví như núi chúa Tu-di, có một ngọn núi cao đến trăm du-xà-na, hoặc cao đến hai trăm du-xà-na, đến bảy trăm du-xàna. Ngoài ngọn núi này ra, các ngọn núi khác, không được gọi là núi đại Tu-di.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Từ trí Như Lai phát sinh Thanh văn, cũng không được cho trí ấy là tròn đủ, như các Như Lai A-la-ha Tammiệu Tam-phật-đà; cũng không tròn đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại trí của Như Lai. Còn Đức Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-

phật-đà thì tròn đủ các lực vô úy, trí vô ngại…

Xá-lợi-phất! Ví như trên núi chúa Tu-di, có rất nhiều Thiên tử, nhiều đến trăm ngàn câu-chi na-do-tha, cho đến vô lượng các Thiên tử đều xuất hiện trên đỉnh núi ấy. Họ luôn an lạc, với sự thọ hưởng phước báo của chư Thiên, muốn đi đâu thì tùy ý đi.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát mới phát tâm, lúc sinh, lúc trưởng thành, có các thiện căn, đều đem hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Nên biết, sẽ có rất nhiều chúng Thanh văn, trăm ngàn câu-chi na-do-tha, cho đến vô lượng, vô biên các chúng Thanh văn xuất hiện nơi đời, tự tại đi trên con đường mà chư Phật đã đi.

Xá-lợi-phất! Ví như nơi núi chúa Tu-di, cùng lúc bốn vách mọc lên không có trước sau. Như vậy, Bồ-tát Ma-ha-tát đem thiện căn hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề thì tức thời liền có Phật tánh, Phật địa, Phật trí, Phật công đức… cùng lúc phát sinh, cũng không có trước sau.

Xá-lợi-phất! Ví như núi chúa Tu-di, nếu cắt ra từng phần, đem so với các núi khác, nó vẫn còn cao lớn hơn nhiều. Như vậy, Bồ-tát Ma-ha-tát. Khi mới phát tâm, đem thiện căn hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề, nếu so với các thiện căn khác, cũng vẫn là chỗ rộng lớn tối thượng đáng giữ gìn.

Xá-lợi-phất! Ví như núi chúa Tu-di một bên có màu vàng ròng. Nếu các loài chim, thú đến bên ấy thì cũng cùng một màu vàng; như thế là cùng màu với sư tử chúa. Xá-lợi-phất! Tuy cùng một màu vàng với sư tử chúa, nhưng thế lực, công đức, danh xưng của nó thì không bằng dáng đi oai vệ và tiếng rống vô úy của sư tử chúa.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Thanh văn, Độc giác tuy cùng một vị giải thoát với Như Lai, nhưng không bằng Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà. Các vị ấy, không có công đức, thần lực vô úy và rống tiếng rống sư tử như Như Lai; trái lại Như Lai thì đầy đủ các pháp, trí tuệ, phương tiện. Trí tuệ phương tiện này, Thanh văn, Độc giác còn không được nghe đến thì làm gì có thể phát sinh. Như Lai diệu dụng; Như Lai cất tiếng sấm; Như Lai công đức; Như Lai rống tiếng rống sư tử, vượt hơn các thế gian.

Xá-lợi-phất! Như các loài chim thú kia tuy cùng màu vàng với sư tử chúa, nhưng không cùng công đức; như vậy thì không thể gọi là sư tử chúa.

Xá-lợi-phất! Thanh văn, Độc giác tuy cùng một vị giải thoát với Như Lai, nhưng không thể ngang bằng với Như Lai. Vì sao? Vì các vị ấy không được công đức, danh xưng; không được tôn xưng Như Lai vô thượng và thể Như Lai, lại cũng không được Bồ-đề vô thượng, các lực vô úy, trí vô ngại… Do đầy đủ các lực vô úy, trí vô ngại như thế, cho nên gọi là Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà. Thấy được nghĩa này, các thiện nam, thiện nữ có bao nhiêu thiện căn, đều nên hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Xá-lợi-phất! Ví như trời Tứ Thiên vương chỉ đứng bên đỉnh núi Tu-di, còn chư Thiên của cõi trời Tam thập tam, ở trên đỉnh núi.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Đỉnh núi Tu-di đâu phải không dung nạp trời Tứ Thiên vương, sao họ lại không ở trên đỉnh núi ấy?

Xá-lợi-phất thưa:

–Không phải thế, thưa Thế Tôn! Trên đảnh Tu-di kia không phải là không dung nạp Tứ Thiên vương; mà vì xưa kia, họ đã không gieo trồng phước báo ở đỉnh núi ấy. Do không gieo trồng như thế, cho nên nay, không được ở trên đảnh Tu-di.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Pháp thể này của ta cùng không có lỗi lầm, mà cũng không dung nạp các hàng Thanh văn, khiến họ không được trí mười phương thế giới. Vì do việc làm thiện căn đời trước của các vị ấy, không biết hồi hướng Vô thượng Bồ-đề; cũng không phát nguyện tu hạnh như vậy, không phát nguyện trí tâm biến trí tối thượng; cho nên nay chứng Thanh văn, không được đi trên con đường của Như Lai, không có công đức của Như Lai, cũng không đầy đủ các lực vô úy, trí vô ngại… Do Phật được tròn đủ trí tuệ này, nên gọi là Ngài là Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà.

Xá-lợi-phất! Ví như tử thi không dừng đứng nơi biển cả. Cũng vậy, Đại Bồ-tát A-bệ-bạt-trí không bao giờ ở cùng với sự keo kiệt.

Xá-lợi-phất! Ví như biển lớn, thủy triều lên xuống luôn đúng lúc. Cũng như vậy, Bồ-tát A-bệ-bạt-trí cũng như vị khất sĩ, đi khất thực không bao giờ quá thời.

Xá-lợi-phất! Ví như có người lấy nước ở biển cả, nước ấy chỉ có một vị, đó là vị mặn. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát, nếu đem cả trăm ngàn pháp môn, tạo ra các thiện căn, đều hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả đều thành một vị, đó là vị biến trí.

Xá-lợi-phất! Ví như tánh của vàng thì sinh ra vàng (đây nói là vàng mỏ), tùy theo ý của mỗi người mà làm ra các chuỗi, rồi chuyển thành nhiều tên của các thứ chuỗi. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Dùng một Phật trí, chuyển thành nhiều loại trăm ngàn chuỗi, nghĩa là sinh ra các thiện căn cho chúng sinh.

Xá-lợi-phất! Như nhà vua làm ra tiền, nếu đã in có chữ rồi thì mới được gọi là tiền, còn chưa có chữ, không được gọi là tiền.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát chưa được pháp Nhẫn vô sinh thì chư Phật Thế Tôn chưa thọ ký quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu được pháp Nhẫn vô sinh rồi thì chư Phật Thế Tôn liền thọ ký: “Này thiện nam! Đời vị lai, ông sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Xá-lợi-phất! Ví như ngoại đạo, Tiên nhân, có Thiên nhãn. Nếu thấy có người mới trụ trong thai, chưa nhận rõ sắc loài, vì thai nhi đó chưa thành tướng nam nữ. Về sau, đã thành tướng nam nữ rồi thì ngoại đạo, Tiên nhân, dùng Thiên nhãn xem thấy mới đoán là, sẽ sinh con trai hay con gái. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát chưa được pháp Nhẫn vô sinh thì chư Phật Thế Tôn chưa thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khi nào được pháp nhẫn rồi; khi đó, chư Phật Thế Tôn thọ ký: “Này thiện nam! Đời vị lai, ông sẽ chứng Như

Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà.”

Xá-lợi-phất! Ví như lúc mặt trời mọc, nó không có ý nghĩ: “Ánh sáng của ta, sẽ chiếu vào châu Diêm-phù-đề này.” Nhưng khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì Diêm-phù-đề được chiếu sáng và làm cho những chúng sinh ở châu Diêm-phù thấy rõ được các sắc. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát, khi đắc trí biến trí cũng không nghĩ rằng: “Ta sẽ chiếu sáng tam thiên đại thiên thế giới.”

Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát hành pháp hạnh này, ngồi phần địa này, đầy đủ tướng sinh này, đủ thiện căn này, sẽ chứng giác trí này. Bồ-tát Ma-ha-tát dùng giác trí này, tự chiếu sáng tam thiên đại thiên thế giới.

Xá-lợi-phất! Ví như có hai người, đều muốn được châu báu, nên cùng vào mỏ báu. Trong hai người ấy có một người lấy được châu báu vô giá, còn người thứ hai lấy được báu hữu giá.

Khi ấy, có người trí nói rằng: “Này bạn! Nơi đây có báu vô giá, vậy bạn nên lấy nó đi, nó là một loại báu rất có giá trị, được các hàng quốc vương đại thần, hoặc người trong thành ấp, cùng với những người trí khác, phân biệt, biết là báu thì sẽ công nhận nó là loại báu quý trọng tối thượng.” Người này không chấp nhận lời nói tốt của người trí kia, nên lấy báu hữu giá.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Giáo pháp của Phật cũng như kho châu báu, có người đến đó, rồi khởi lên ý niệm vô giá và thực hành trọn vẹn theo ý niệm, nghĩa là niệm tương ưng với bảo trí biến trí và xa lìa ý niệm Thanh văn, Độc giác. Lại có người thứ hai thực hành theo ý niệm tương ưng với Thanh văn, Độc giác.

Xá-lợi-phất! Cùng một pháp giới chứng, nhưng Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà thuộc trong số Pháp vương; còn những thiện nam khác, thành Thanh văn, lại thuộc trong số Thanh văn. Người chứng biến trí thì nằm trong số thông suốt tất cả, cũng như Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà.

Xá-lợi-phất! Ví như bảo châu như ý, khi nó thuộc về người nào thì người ấy được tự tại và được tất cả các vật báu. Như vậy, này Xálợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát, không có một chúng sinh nào, không cùng cộng tác làm việc báu; không có một chúng sinh nào, không chỉ dạy họ tạo thiện căn, cho đến chứng Niết-bàn vô vi.

Xá-lợi-phất! Ví như người làm ma-ni hoặc học trò của người làm ma-ni chuyên gọt dũa những phần thô xấu bên ngoài của ma-ni. Sau khi ma-ni được gọt dũa xong, nó sẽ loé lên những màu sắc và ánh sáng tối thượng. Biết được màu sắc tối thượng rồi, từ đó người làm ma-ni hay học trò của họ, sẽ được rất nhiều loại của cải để sinh sống.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát, tùy theo tâm của người khác, khiến cho họ sinh thiện căn, thiện căn ấy phải đem trí phương tiện tự tâm mà giáo hóa, nhờ thiện căn này, mà thành tựu pháp của chư Phật.

Xá-lợi-phất! Như ma-ni báu nếu chưa được trong sáng, cần phải cất kỹ. Vì sao? Vì ma-ni là vật vô giá.

Thế nên, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát mới phát tâm, các hàng Trời, Người, Càn-thát-bà, A-tu-la cần phải giữ gìn. Vì sao? Vì bậc Trượng phu ấy, đã vì các hàng Trời, Người, A-tu-la mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Như ma-ni báu, tuy chưa được mài dũa, nhưng được các hàng quốc vương, đại thần, hoặc người trong thành ấp, cùng những người trí khác, biết nó là báu, nên đều quý trọng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát mới phát tâm, cũng được chư Phật Thế Tôn, Bồ-tát, Thanh văn tán thán quý trọng.

Xá-lợi-phất! Ví như có người được thấy Phật, sinh tâm hy hữu như vầy

–Đức Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, luôn xuất hiện ở đời, nay ta nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm cho chánh pháp được hưng thịnh và đem chánh pháp này dạy các chúng sinh tích tụ thiện căn; rồi đem thiện căn đó hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc người ấy hồi hướng, nếu có người không tin như là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hoặc Ưu-bà-tắc, hoặc Ưu-bà-di, hoặc Ma-la-ba-ty, trời Ma-la-thân, đến chỗ của người ấy, mà nói lỗi của Đại thừa, làm cho người kia xa lìa, không còn tâm ưa thích nữa. Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Những hạng người này phải chăng đã vì trăm ngàn câu-chi na-do-tha chúng sinh, cho đến vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh, mà gây ra những việc vô nghĩa, làm việc không an ổn, khiến cho đau khổ đọa lạc chăng?

Xá-lợi-phất thưa:

–Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Đúng vậy! Thưa Đại Đức Bà-giàbà! Vì sao? Vì các chúng sinh, mà tạo ra những việc vô nghĩa, không an ổn, khiến phải đau khổ đọa lạc. Nghĩa là những hạng người ấy, đến chỗ của thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa kia, nói lên lỗi của Đại thừa, làm cho thiện nam, thiện nữ ấy, không còn ưa thích gì về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khiến phải thoái chuyển xa lìa.

Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Nếu muốn không rời bỏ Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, nên cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thế nên Xá-lợi-phất! Các thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa, đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cần phải ưa thích chớ có để cho thoái chuyển xa lìa. Vì sao? Vì ta nói, không rời bỏ Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, nghĩa là thiện nam, thiện nữ phải phát tâm Đại thừa đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và luôn ưa thích, không để thoái chuyển, xa lìa.

Xá-lợi-phất! Ví như gặp lúc đói khát, gieo trồng các thứ cây không mọc, khác gì đem gieo trồng trên đá. Lúc đó, hoặc vua, hoặc đại thần của vua, hoặc Sát-đế-lợi hay đại thần của Sát-đế-lợi, hoặc Bà-la-môn hay dòng họ Bà-la-môn, hoặc trưởng giả hay vợ của trưởng giả, hoặc dòng họ trưởng giả, ở nơi thành ấp đã vì mọi người, mà làm ra một kho lớn, chứa các thứ ngũ cốc. Khi ấy, mọi người đều đến kho lấy những thứ ấy đem về mà ăn. Trong lúc mọi người đến lấy thức ăn đó, có một người đến kho châm lửa đốt kho.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Người bất thiện này, phải chăng đã ở nơi trăm ngàn câu-chi na-do-tha vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh, tạo ra việc vô nghĩa, không an ổn, khiến cho phải đau khổ đọa lạc; mà lại còn phóng lửa đốt kho, phá hoại không cho thọ dụng chăng?

Xá-lợi-phất thưa:

–Đúng vậy! Thưa Thế Tôn!

Phật bảo:

–Xá-lợi-phất! Đúng thế, đúng thế! Lúc chánh pháp sắp diệt, có người nghe Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà ra đời, liền sinh tâm đại Bi. Sinh tâm đại Bi rồi thì phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc này, có một người bất thiện xuất hiện, đến chỗ thiện nam, thiện nữ nói ra các lỗi của Đại thừa, làm cho người ấy không còn ham muốn và xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Người bất thiện này, ở nơi vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh, làm việc vô nghĩa, không an ổn, khiến phải đau khổ đọa lạc. Nay ở chỗ thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa, lại nói lên cái lỗi của Đại thừa, làm cho họ không còn ưa thích xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất thưa:

–Đúng vậy! Thưa Thế Tôn!

Này Xá-lợi-phất! Ví như chủ buôn dắt rất nhiều khách buôn, trên đường đi gặp phải sông lớn hiểm trở, lại còn có rất nhiều dòng nước chảy xiết. Khi ấy, có người nói với người thứ hai: Này bạn, hãy tìm cách gì, hay ra sức mà tìm thuyền chứ.

Người thứ hai nói: Tôi ở đây, chứ không đi tìm thuyền.

Nghe người kia nói thế, người có chí có sức này, liền siêng năng, tìm cách kiếm thuyền, chèo đến bên bờ sông và chở vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh, từ bờ này sang bờ bên kia. Như vậy, tất cả mọi người đều được sang bờ bên kia, riêng người biếng nhác kia vô trí, sức kém, phước mỏng, nên vẫn ở bên này. Lại có những người khác cũng muốn qua sông, thấy người biếng nhác vô trí, kém sức, phước mỏng này, liền hỏi: “Này bạn! Sao bạn không qua sông?”

Người biếng nhác trả lời: Người bạn đi cùng với tôi, đã ra sức tìm kiếm được thuyền, chèo đến bên sông và đã chở chúng sinh nhiều vô số, từ bờ này sang bờ kia cả rồi.

Khi ấy, những người này nói: Lạ thay! Anh chàng biếng nhác

này! Sao không học theo bạn, mà cứ ở đây mãi, phải chịu khổ vô lượng!

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Ta thấy hai người thực hành bố thí, người thứ nhất nói với người thứ hai: Này bạn! Bạn có thể khéo tạo phương tiện cùng với việc dụng sức, để chứa nhóm thiện căn đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Người thứ hai nói: Tôi không chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà muốn đến A-la-hán thôi.

Nếu muốn đến A-la-hán, cũng phải cần dụng sức, dùng phương tiện tương ưng, mới được phát sinh đệ nhất Da-na, cứ như vậy sẽ sinh đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ Da-na, hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu vô biên xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Tam-mabạt-đế. Nếu trong khoảng thời gian ấy, mạng chung, sẽ nhờ đấy, mà sinh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, sống lâu vô lượng sống, cho đến tám vạn bốn ngàn kiếp, cho đến khi đó người này mới chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi giác ngộ rồi, nói pháp cho trăm ngàn chúng sinh, cho đến vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh. Thuyết pháp thành tựu rồi, mới chứng Niết-bàn vô dư mà nhập Niết-bàn. Lúc đó, người thứ hai vẫn nhờ đó, nhưng còn ở tại cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng.

Đức Phật nói như vậy rồi, Mạng giả Xá-lợi-phất thưa:

–Đúng vậy! Thưa Đại Đức Bà-già-bà! Đúng vậy! Thưa Đại Đức Tu-già-đà! Thật đúng như lời Thế Tôn nói. Thưa Thế Tôn! Người ấy chính là người biếng nhác.

Nếu thích đệ nhất Da-na, cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng; ham muốn vào nơi ấy thì lòng ham muốn đó, không hợp với pháp thượng nhân, không làm phương tiện để gắng sức dụng lực, không thân gần thiện hữu để tùy thuận thừa sự, không quán như thật về ba môn giải thoát. Nên biết, đây chính là người biếng nhác.

Thưa Thế Tôn! Người siêng năng tinh tấn là Bồ-tát Ma-ha-tát, còn Thanh văn ít tin kia, chính là người biếng nhác. Thấy được nghĩa này, các thiện nam, thiện nữ; có bao nhiêu thiện căn, đều nên hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Ví như người có ma-ni báu nó có rất nhiều công năng, đem hỏi người làm ma-ni báu: “Ma-ni báu này có những công năng gì?”

Người làm ma-ni theo sự hiểu biết của mình mà giải thích. Trong số người làm ma-ni đó, có người biết nhiều thì nói nhiều, người biết ít thì nói ít.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Cùng chứng một pháp giới, lại có người chuyển sinh trí Thanh văn; người ấy, tùy theo công đức thù thắng của mình mà biết, tùy công đức thù thắng mà nói, tùy theo câu hỏi mà đáp, tất cả đều lệ thuộc vào trí hữu hạn của chính mình. Những việc đó, đều là do đời trước phát nguyện hữu hạn. Còn trí của Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà là vô hạn, do đời trước phát nguyện vô hạn, cho nên có trí vô hạn vô ngại, có sáu pháp Ba-la-mật vô hạn, có phương tiện khéo léo tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh. Vì sao? Vì Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, xưa kia hành đạo Bồ-tát, đã tích tập nguyện vô biên. Do pháp công đức vô biên trang nghiêm đó, cho nên đã chứng biến trí.

Xá-lợi-phất! Ví như cây Ba-lợi-chất-đa-la câu-tỳ-đa-la lúc hoa mới chớm, đã có hương thơm. Hương thơm của các loại hoa trong châu Diêm-phù này, như là hoa Tô-ma-na, hoặc Ba-lợi-sư, hoặc Chiêm-ba-ca, cho đến các loại hoa khác đều không bằng hương của hoa Ba-lợi-chất-đa-la câu-tỳ-đa-la mới chớm nở.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Các Thanh văn, Độc giác, có các thiện căn, hoặc danh tiếng, hoặc hương thơm, hoặc oai đức, hoặc thần lực, đều không bằng Bồ-tát Ma-ha-tát mới phát tâm Bồ-đề; Huống nữa là đã nhập hành; huống nữa đã là Bất thoái, huống nữa là Nhất sinh bổ xứ, huống đến lúc quán đảnh, huống trụ vào hạnh nguyện Phổ Hiền; huống là tại đạo tràng tối thắng, huống là tất cả hương thơm, tất cả oai đức, tất cả thần lực của Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà! Người đầy đủ thần lực này, chính là chư Phật Thế Tôn.

Xá-lợi-phất! Ví như suối, ao, hồ, sông, sông lớn, sông nhỏ… ở trong châu Diêm-phù này, đều chảy ra biển; nhưng biển cả ấy vẫn không chán ghét.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát đối với Đàn-na bala-mật là không có nhàm chán. Như vậy cho đến Thi-la ba-la-mật, Sằn-đề ba-la-mật, Tỳ-lê-da ba-la-mật, Đệ-da-na ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, phương tiện Biến trí và tất cả thiện căn cũng không nhàm chán.

Xá-lợi-phất! Ví như trong châu Diêm-phù này, có các suối, ao, hồ, sông, sông lớn, sông nhỏ… đều chảy ra biển và biển đều dung nạp cả.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Có các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân, cho đến tất cả chúng sinh; Bồ-tát Ma-ha-tát đều thu nạp cả, lại còn ban vị cam lồ, khiến cho họ được vui vẻ.

Xá-lợi-phất! Ví như Đại-na-già-na (thần đại lực sĩ) mới có thể mặc áo giáp sắt; còn người trong châu Diêm-phù này, đều không thể mặc nổi.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát, ở trong pháp Phật, mặc áo giáp sắt là vì các chúng sinh mà mặc áo giáp. Còn các Thanh văn, Độc giác thì không thể mặc áo giáp sắt đó.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Từ lúc mới phát tâm cho đến lúc ngồi đạo tràng tối thắng, Bồ-tát Ma-ha-tát không rời bỏ việc mặc áo giáp sắt hành hạnh Bồ-tát như vậy.

Xá-lợi-phất! Thiện nam, thiện nữ mới phát tâm Đại thừa, nên học như vầy: Phải siêng năng dụng lực, tu tập tương ưng với nghiệp thì mới mau thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Ví như phía Nam núi Tuyết chúa, có các cây đầy đủ các hoa, các quả, các hương, nhưng mà người trong châu Diêmphù này, không dùng được nó.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Thanh văn, Độc giác tuy có vô lậu, giới, định, trí giải thoát, giải thoát tri kiến, thiện căn, nhưng các chúng sinh không dùng được. Còn các Bồ-tát Ma-ha-tát có giới, định, trí giải thoát, giải thoát tri kiến, thiện căn thì các chúng sinh đều sẽ dùng được.

Xá-lợi-phất! Vì thế các Bồ-tát Ma-ha-tát, nên mặc áo giáp như

vậy, nhờ đó mà có giới, định, trí giải thoát, giải thoát tri kiến, thiện căn, làm cho các chúng sinh đều sẽ được dùng. Nếu như các chúng sinh không dùng được thì ta không có thiện căn, giới, định, trí giải thoát, giải thoát tri kiến như vậy.

Xá-lợi-phất! Ví như dòng nước chảy của sông Hằng, hễ nó chảy đến đâu, đều thấm nhuần đến đó; không những thế, mà còn cuốn đi đất, cát, bụi trần, cỏ, cây, lá…

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát đối với việc đi, đứng, nằm, ngồi trong châu Diêm-phù, những cử chỉ ấy, đều là giáo hóa chúng sinh và làm cho thiện căn của các chúng đó được tươi nhuần.

Lại nữa, các chúng sinh trong đi, đứng, nằm, ngồi, còn có thêm những tập khí vô trí, tập khí dục, sân, si, cho đến tập khí điên đảo bức bách; tất cả đều được Bồ-tát giáo hóa vào trong khuôn khổ đi, đứng, nằm, ngồi.

Xá-lợi-phất! Nếu thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa, mà nghe được lời dạy ở trên; tuy còn nhiều biếng nhác, nhưng nhất định phát đại tinh tấn.

Xá-lợi-phất! Ví như sông Hằng; có chỗ phát ra tiếng lớn, có chỗ phát ra tiếng nhỏ và có chỗ không phát ra tiếng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh; có nơi thị hiện thiện căn; có nơi tự thân thị hiện, tùy thuận thừa sự thiện hữu, có nơi tự thân làm thiện hữu cho người khác. Tùy theo khả năng gắng sức của chúng sinh, mà Bồ-tát tự thân thị hiện như vậy.

Xá-lợi-phất! Ví như mặt gương, nếu chưa được lau sạch thì không thấy rõ được hình bóng, nhưng khi mặt gương đã được lau sạch rồi, hình bóng kia đều thấy rõ ràng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát sơ nghiệp mà thấy được thiện căn của chính mình liền thừa sự thiện hữu, thừa sự thiện hữu rồi, sau đó tăng trưởng pháp Phật.

Xá-lợi-phất! Ví như sông Hằng, lúc nước dâng lên mạnh, nó sẽ cuốn phăng đi những thứ cỏ, cây, cành, lá ở hai bên bờ, đẩy thẳng ra bốn biển.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên mặc áo giáp sắt như vậy. Nếu có bị bờ này cản trở, rơi vào việc mờ ám, đi lạc vào đường hiểm của các kiến thì ta sẽ dẫn dắt trở về với Niết-bàn vô dư.

Xá-lợi-phất! Ví như sông Hằng, lúc nước dâng lên mạnh, bọt nước nổi lên rất nhiều, nó cuốn phăng đi tất cả cây cối, rễ nhánh, cành, lá, hoa, trái. Trong đó, lại có cây đại thọ thứ hai vẫn đứng yên. Sau hai năm, sông Hằng lại dâng cao hơn trước, cuốn phăng đi cây đại thọ và những cây cối khác.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nhờ thiện hữu, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, nhưng vì bị lực nơi cõi ác, bị nghiệp lực đời trước phải làm theo và thọ nhận mọi thứ vui của ngũ dục. Về sau cần phải thừa sự thiện hữu, cho đến khi được pháp Nhẫn vô sinh. Vì sao? Vì đã từng gieo trồng các thiện căn từ nơi chư Phật thì rốt cùng cũng không hề mất. Những người ấy, sẽ xuất hiện nơi đời và thành Phật, hiệu Biến Trí, hiệu Phổ Kiến.

Xá-lợi-phất! Ví như lúc kiếp thiêu cả tam thiên đại thiên thế giới, đều bị lửa đốt sạch; cùng một ngọn lửa phát ra ánh sáng, nhưng có vật thì bị cháy, có vật thì bị hoại, không đen, không hình bóng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát cần mặc áo giáp như thế, không có một chúng sinh nào, có thể thấy; ở trong cõi chúng sinh ấy, tất cả chúng sinh đều không hay không biết. Đối với các chúng sinh đó, ta khiến cho họ tu pháp bất thoái.

Xá-lợi-phất! Như đống lửa lớn kia khi bùng lên, nó sẽ đốt sạch những thứ thuốc, những thứ độc.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên mặc áo giáp như thế, chúng sinh hoặc hữu thừa hay vô thừa; đối với những người ấy, ta đều bình đẳng nói pháp, theo hạnh nguyện và niềm tin của người ấy. Các chúng sinh đó, nếu đầy đủ tín hạnh, sẽ mau chóng được độ, không khởi lên hai tướng. Vì sao? Vì các pháp không hai nên, không khởi lên hai tướng, các pháp là vô ngã nên đối với chân như, không thể biết bằng sự phân biệt.

Xá-lợi-phất! Ví như lửa cháy gom lại phát lên ánh sáng lớn, ánh sáng đó, chiếu đến cõi trời Quang âm, không thể chiếu xa hơn nữa.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Cùng chứng một pháp giới, mà Thanh văn, Độc giác tuy nhập bình đẳng, nhưng đối với mười phương thế giới, trí tuệ không lay chuyển. Như Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà chứng pháp giới rồi thì đầy đủ trí vô lượng.

Xá-lợi-phất! Ví như đống lửa lớn kia, tuy mười phương thế giới không đến, không đi, nhưng nó lại đốt tam thiên đại thiên thế giới. Như vậy lửa ấy cũng chẳng phải không nhân.

Xá-lợi-phất! Trí của chư Phật kia, dù mười phương thế giới không đến, không đi, cũng không gom lại; nhưng Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, lại đầy đủ trí, biết đúng như thật về tâm hạnh của chúng sinh trong mười phương thế giới. Như vậy, trí ấy cũng chẳng phải không nhân. Biến trí là tối thượng; phải thấy như vậy.

Xá-lợi-phất! Ví như mặt trời mọc, nó che lấp hết các ánh sáng khác, phát ra ánh sáng khắp mọi nơi.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát mới phát tâm, lúc sinh, lúc lớn, che lấp hết các phần trí đầy đủ của Thanh văn, Độc giác, phát ra ánh sáng cùng khắp. Vì sao? Vì Bồ-tát đem thiện căn hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên ánh sáng vô biên.

Xá-lợi-phất! Ví như khi mặt trời mọc ánh sáng phát ra, che lấp ánh sáng của các vì sao.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát từ Đâu-suất xuống, có cả trăm ngàn câu-chi na-do-tha chư Thiên theo đến châu Diêmphù này, cất tiếng nói: Hỡi các người! Bồ-tát Ma-ha-tát này, xả thân từ cung trời Đâu-suất.

Khi ấy, trong châu Diêm-phù này, có các Độc giác đầy đủ trí lớn, nghe tiếng đó rồi, liền phát tâm hướng đến Niết-bàn. Vì sao? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát có phước điền tối thắng, từ cõi trời Đâu-suất xuống, mà đã có sức tự tại như vậy; huống nữa là lúc sinh, lúc đi bảy bước, lúc cất tiếng nói: “Ta là bậc Tối đại tối thắng đối với thế gian này. Ta sẽ dứt sạch sinh, già, bệnh, chết.” Huống nữa là lúc xuất gia, lúc đến đạo tràng, chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nên, Như Lai đối với các chúng sinh có thể nói là tối thắng, tối thượng, tối đại, tối diệu, vô thượng, vô thượng thượng. Thấy được nghĩa này, các thiện nam, thiện nữ có các thiện căn đều nên hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Ví như trên đại địa này, có rất nhiều hạt giống, khi chúng nảy mầm lại có nhiều tên gọi. Cùng một đại địa, mà có các tướng khác nhau.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Cùng chứng một pháp giới rồi, mà chúng sinh ở mỗi mỗi giới, lại có mỗi mỗi tên, nhưng vẫn không hoại pháp giới.

Thế nên, Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát, cần phải mặc áo giáp như thế, ở những lúc ấy. Khi ta chứng một pháp giới rồi, chúng sinh ở đủ mọi cõi, đủ mọi danh tự, ta sẽ dùng trí mà nói pháp. Tuy phải dùng bao nhiêu trí lớn như thế, mà vẫn không hoại pháp giới; pháp giới cũng không tách ra làm hai, pháp giới cũng không tăng hay giảm.

Xá-lợi-phất! Thấy được nghĩa này, Bồ-tát Ma-ha-tát, nên suy nghĩ hành pháp như vậy. Tuy là hằng hà sa số chư Phật diệt độ, nhưng khắp nơi vẫn biết là không tăng không giảm. Hiện tại, mười phương thế giới, chư Phật Thế Tôn, đầy đủ trí vô ngại, còn Thanh văn thì trí không được đầy đủ; nhưng pháp giới cũng không tăng không giảm. Tận cùng của hư không giới, tương ưng với pháp giới, nên biết như vậy; tận cùng của pháp giới, tương ưng với pháp Phật; cũng nên biết như vậy.

Thế nên, Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát đối với pháp thâm diệu này, nên dùng trí mà quán để biết pháp là vô ngã.

Xá-lợi-phất! Ví như cõi hư không, không có sự tương tợ. Như vậy, pháp giới cũng không có sự tương tự.

Bồ-tát Ma-ha-tát đối với pháp thâm diệu này, nên dùng trí mà quán.

Xá-lợi-phất! Ví như có người, múc nước ở biển cả, nước mà được múc lên đó, cũng chỉ có một vị mặn.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Trong một pháp giới lại phát sinh Thanh văn. Vì sao? Vì pháp giới, chỉ có một, chứ không hai.

Bồ-tát Ma-ha-tát đối với chỗ sâu xa trong pháp thâm diệu này nên dùng trí mà phân biệt. Đối với Trí tuệ ba-la-mật trong pháp này cũng nên tùy thuận tu hành, chứ không phải như ở chỗ khác mà rộng nói thí dụ. Đối với pháp vô ngã thì nên tư duy, nên quan sát, nên mong cầu, nên hòa hợp, nên sinh tâm mong muốn, nên siêng năng tinh tấn dụng lực tạo nghiệp. Thiện nam, thiện nữ; đối với pháp thâm diệu này nên dùng trí quán để biết các pháp là vô ngã.

Xá-lợi-phất! Ví như trong biển, lớn có loại cá thân dài cả trăm du-xà-na, cho đến bảy trăm du-xà-na, các loài cá ấy thân có phát triển đến bảy trăm du-xà-na, nhưng biển cả có thể thấy là không tăng giảm; và đến khi cá ấy chết đi, biển cả cũng không tăng giảm.

Thế nên, Bồ-tát Ma-ha-tát cần học như vầy: Tuy có hằng hà sa số chư Phật diệt độ, nhưng pháp giới vẫn thấy không tăng không giảm. Lại có vô lượng Thanh văn diệt độ, pháp giới cũng không tăng giảm. Tuy là cùng một vị giải thoát, nhưng các Thanh văn không thể chuyển sinh trí này, như các Đức Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tamphật-đà.

Xá-lợi-phất! Ví như trong cung của Chuyển luân thánh vương, mới phát sinh ra các loại báu; các loại báu này, nó không phát sinh ở những chỗ khác. Vì sao? Vì xưa kia Chuyển luân thánh vương tạo ra nghiệp Chuyển luân vương; nhờ nghiệp nhân đó, cho nên chỉ có trong cung, mới phát sinh các báu.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát tâm thanh tịnh, đã dùng tâm tịnh mà phát tâm Vô thượng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên, nếu muốn bố thí cho người nào thì đều theo ý muốn mà phát sinh các thứ. Vì sao? Vì đời trước, Bồ-tát đã khéo có được tịnh tâm.

*********

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người, vào trong tánh báu (nghĩa là chỗ sinh ra châu báu), mới hỏi người vào trước: Này bạn! Trân báu giống cái gì? Và tướng của nó ra sao?

Người vào trước trả lời: Anh ngu quá vậy! Tại sao đã được vào tánh báu, tự thấy được các loại báu, lại đi hỏi báu?

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ hỏi như vầy: Pháp giới giống cái gì và tướng của nó ra sao?

Xá-lợi-phất! Lúc đó, các Bồ-tát Ma-ha-tát, nên mặc áo giáp như thế này. Nay ta sẽ chỉ bày về pháp giới ấy, để vì chúng sinh thuyết khiến cho họ được trụ.

Xá-lợi-phất! Tánh báu là pháp giới. Người kia đã vào trong tánh báu mà đi hỏi, đó là hàng phàm phu ngu muội. Còn người vào trong tánh báu trước, là Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà.

Này Xá-lợi-phất! Ví như biển cả không hề nghĩ như vầy: Ta phát sinh các ma-ni báu hữu giá, hoặc phát sinh các ma-ni báu vô giá.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Pháp giới cũng không nghĩ như vầy: Có ai biết ta đã phát sinh trí hữu hạn hoặc phát sinh trí vô biên.

Xá-lợi-phất! Như vậy, ở nơi pháp giới nhất định tùy theo sự hiểu biết, mà được trí hữu hạn, cũng lại ở nơi pháp giới, định tùy theo sự hiểu biết mà được trí vô biên.

Này Xá-lợi-phất! Ví như chưa hết một ngày, mà vẫn biết được bao nhiêu sát-na, bao nhiêu la-bà, bao nhiêu bình, bao nhiêu nhạc cụ, ống trúc như vậy mà biết được một ngày có bao nhiêu thứ.

Xá-lợi-phất! Chưa rốt ráo, nên phát sinh Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thế nên, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên biết đó là ta nói Bồtát thừa chứng tín, cho các thiện nam, thiện nữ chưa đến Bồ-đề.

Này Xá-lợi-phất! Ví như nước đổ dồn vào đại địa, nhưng nó cũng không làm cho hư không thêm lên.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Tuy là hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn Niết-bàn, nhưng pháp giới cũng không tăng giảm; vô biên các chúng Thanh văn diệt độ, pháp giới cũng không thấy tăng giảm.

Thế nên, Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên mặc áo giáp như vậy, tất cả chúng sinh giới không thấy tăng giảm, pháp giới cũng không thấy tăng giảm. Ta rống lên tiếng rống sư tử, cho đến giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất! Không có việc này, nhưng ta đưa ra để phân biệt giảng nói. Như có người đến bờ biển của Long vương nói lên như vầy: Ta muốn chẻ một sợi lông của ta ra làm trăm phần lông, dùng một phần để lấy một giọt nước.

Khi đó, Long vương nói: Này anh chàng! Anh muốn lấy một phần của sợi lông chẻ ra đó, để lấy một giọt nước thì ta không bỏ biển cả.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Đối với vô biên chúng sinh giới, cần phải dạy dỗ, khiến cho họ hoan hỷ trong việc tu tập thần lực. Nhưng các chúng sinh ấy lại nói: Chúng tôi không thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ta đối với pháp, cũng không có dự vào phần nào.

Này Xá-lợi-phất! Ví như sau mùa Xuân, mùa Hạ nắng gắt, có người đến sông Hằng uống nước, nhưng lại có một người ngăn cản không cho uống.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Người này không phải là chủ của con sông, mà lại đi ngăn cản, làm như thế có thuận không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Không thuận, thưa Thế Tôn.

Phật nói:

–Đúng vậy! Xá-lợi-phất! Không thâu giữ pháp giới, không thâu giữ các pháp Phật. Cũng có thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa, tin hiểu khát ngưỡng, nhưng cũng có chúng sinh nói lỗi của Đại thừa, để người khác xa lìa.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Người nói lỗi của Đại thừa có thuận không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Không thuận, thưa Bà-già-bà! Không thuận, thưa Tu-già-đà.

Phật nói:

–Do vậy, thiện nam, thiện nữ! Khi nghe lời này rồi, phải nhanh chóng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phát khởi tinh tấn, tương ưng với dụng lực. Thiện nam, thiện nữ đối với pháp thâm diệu này, nên dùng trí quán để biết các pháp là vô ngã.

Này Xá-lợi-phất! Ví như trong đại địa này, có một số đất, mà người trong châu Diêm-phù này không canh tác. Vì sao? Vì đất ấy hầm, hố, gò, trũng, vách đá, gai gốc, cao vút, như vậy chỉ có bỏ phế mà thôi.

Xá-lợi-phất! Trong các chúng sinh giới cũng có các chúng sinh không thể dùng được. Đó là những người phát tậm thừa Thanh văn, Độc giác. Những người ấy, đối với chúng sinh tức không chỗ sử dụng

Này Xá-lợi-phất! Ví như có một số đất ở trong đại địa này, được người trong châu Diêm-phù canh tác. Vì sao? Vì nó đầy đủ sự thuận tiện, như vườn, rừng, ao, hồ, hoặc có chỗ lại phát sinh kim ngân, nhờ vậy, mà người trong châu Diêm-phù có để thọ dụng.

Này Xá-lợi-phất! Trong chúng sinh cũng có chúng sinh dùng được, nhưng số được đó lại rất ít. Vì sao? Vì các chúng sinh ấy, nếu phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải làm chỗ nương tựa cho các chúng sinh và tạo mọi niềm vui rốt ráo cho chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Ví như trong biển cả, có ma-ni báu vô giá, nhưng người trong châu Diêm-phù không được thọ dụng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Tuy các A-la-hán, Thanh văn, có vô biên thiện căn, giới, định, trí, giải thoát tri kiến; nhưng những vị ấy đối với các chúng sinh, không thể là chỗ dùng được. Còn các Bồ-tát Ma-ha-tát, cũng có các thiện căn, giới, định, trí, giải thoát, giải thoát tri kiến, nhưng các vị ấy, lại là chỗ cho chúng sinh thọ dụng.

Thế nên, Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên mặc áo giáp như vậy. Nếu không làm chỗ thọ dụng cho chúng sinh, không tạo niềm vui rốt ráo cho chúng sinh thì không phải là thiện căn của ta.

Này Xá-lợi-phất! Ví như hạt Ni-cù-đà-tử, tuy nhỏ nhưng lúc sinh, lúc lớn, rễ của nó phát triển rất nhanh, nên tàng lá bao phủ rất rộng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát mới phát tâm, thiện căn lúc sinh, lúc lớn, nên biết những thiện căn khác đều không thể sánh bằng, nó trụ vào nơi tối thượng.

Thế nên, Xá-lợi-phất! Thiện nam, thiện nữ đã phát tâm Bồ-tát thừa, thiện căn tuy nhỏ, nhưng không thể khinh thường, chớ cho là không tăng trưởng. Vì sao? Vì người phát tâm Đại thừa, lúc thiện căn được tăng trưởng, nên biết nó sẽ tạo ra vô lượng a-tăng-kỳ.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người của cải giàu có, thọ hưởng vô cùng đầy đủ, có rất nhiều bối ngọc, san hô, kim ngân. Người đó là Sát-đế-lợi, con nhà giàu, hoặc Bà-la-môn con nhà giàu, hoặc trưởng giả con nhà giàu. Những người ấy, khi ra đường hay ra chợ, ai muốn nhìn thì nhìn, ai muốn đến thì đến, ai muốn hỏi thì hỏi. Người có các loại báu như là đại ma-ni báu, trị giá đến trăm ngàn, ai có muốn xem thì xem, muốn đến thì đến, muốn hỏi thì hỏi. Vì sao? Vì người ấy, tâm họ còn lớn hơn giá mua bán này.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát ở trong pháp Phật Đại thừa này, muốn hỏi thì hỏi, muốn nói thì nói. Vì sao? Vì lòng tin của các vị ấy, rộng lớn như thế, cho nên nói ra không bao giờ dứt. Do vậy, muốn đến thì đến, muốn hỏi thì hỏi, muốn xem thì xem, muốn nói thì nói.

Này Xá-lợi-phất! Ví như chỗ có ma-ni báu, giá trị của nó có đến trăm ngàn. Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Ma-ni báu giá trị đó, có thể đem để chung với thủy tinh được không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Không được, thưa Bà-già-bà! Không được thưa Tu-già-đà! Vì sao? Vì ma-ni báu ấy, chỉ để chung với ma-ni báu mà thôi, chứ không thể để chung với thủy tinh, hay các thứ khác được và cũng không thể đem ví dụ.

Phật nói:

–Đúng thế, đúng thế! Xá-lợi-phất! Thiện nam, thiện nữ tu Bồtát thừa; thì cùng ở, cùng đi chung, cùng du hóa, thân gần, thuận theo, cấp dưỡng và tham cứu kinh điển với chúng sinh phát tâm Đại thừa. Trong thời gian đó, tỉnh thức nhớ nghĩ và học hỏi theo đó.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người muốn học bắn tên, nên lúc nào cũng thân gần, ghi nhớ lời của thầy dạy bảo. Vì sao? Vì người ấy cố học bắn giỏi. Do vậy, mà trong khoảng thời gian đó, thầy dạy phải làm thế nào để học trò luôn ghi nhớ phát giác, điều cần hơn hết là gần gủi để dạy học trò về cách sử dụng cung: Như mang cung như vầy, nắm cung như vầy, kéo cung như vầy và bắn như vầy. Nhờ sự dạy dỗ tận tình của thầy, học trò cứ theo đó mà học, nên sớm được thành tựu.

Xá-lợi-phất! Các thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa ấy, nên thân gần, tùy thuận, cúng dường Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ở chỗ của thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa đó, Như Lai sẽ cùng ở, cùng đi và cùng suy nghĩ. Các thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa ấy, đã thân gần, tùy thuận, cúng dường rồi thì nên dạy họ tỉnh thức ghi nhớ, điều cần nhất là an ủi phủ dụ làm sao cho họ học theo. Như học theo Đàn-na ba-la-mật, Thi-la ba-la-mật, Sằnđề ba-la-mật, Tỳ-lê-da ba-la-mật, Đệ-da-na ba-la-mật, Bát-nhã bala-mật, Phương tiện ba-la-mật học theo như vậy nên tất cả thiện căn và chủng trí đều biến khắp; ở trong đó, việc chỉ dạy phải khiến cho họ nhớ nghĩ, không những thế, lại còn an ủi khuyên bảo để thiện nam, thiện nữ đó học theo, mà được thành tựu.

Này Xá-lợi-phất! Ví như Chuyển luân vương đi qua châu Diêm-phù này, không làm cho chúng sinh kinh sợ hay gây thương tổn, mà vua còn để lại rất nhiều kim ngân, khiến mọi người trụ vào mười đạo nghiệp thiện. Do Chuyển luân vương làm việc như vậy, nên khi đi qua khiến cho vô lượng chúng sinh thương khóc, nhớ nghĩ đến công đức.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát ở trong các cõi Phật, lúc đi, lúc du hóa, nên học theo công đức thù thắng của chư Phật, mỗi một chỗ hành, đều thuận theo pháp giới hành. Chỗ đi qua ấy không làm cho chúng sinh kinh sợ hay thương tổn, không những thế, còn để lại nhiều kim ngân, khiến cho các chúng sinh trụ vào mười nghiệp thiện và trên mỗi đạo nghiệp thiện, đều khiến sinh pháp thiện, nên hành như vậy, để đạt đến cõi vô lậu. Như thế thì nơi đã trải qua đó; các chúng sinh nên học, nên ghi nhớ, đó mới là thiện hữu cùng đi với ta, cùng đem các pháp thiện trau dồi trí tuệ và cùng diễn thuyết pháp thâm diệu để giáo hóa chúng sinh. Bồ-tát Ma-ha-tát nên học theo công đức thù thắng tối thượng như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Ví như nơi Chuyển luân vương đi qua, hay sắp đi qua, những nơi ấy, có đến trăm ngàn vô lượng, vô biên chúng sinh, hoan hỷ, muốn được vua đến. Vì sao? Vì vua đã đem pháp thiện giáo hóa chúng sinh. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên mặc áo giáp như thế. Nơi mà ta đã đi qua, hoặc sắp đi qua, trong các cõi Phật, ở mười phương thế giới, có đến trăm ngàn vô lượng, vô biên chúng sinh đều hoan hỷ muốn ta đến. Vì sao? Vì ta đã dạy cho chúng sinh tu hành pháp thiện, lại còn dùng mọi phương tiện thiện xảo giáo hóa chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Ví như ma-ni báu, trị giá đến trăm ngàn, khi chúng sinh mong cầu sẽ từ đâu mà được? Từ chỗ bán ra mà được.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát tùy theo phương tiện ấy, thấy các chúng sinh có thể làm thành khí, rồi mới từ nơi đó,dùng thiện căn làm phương tiện dạy dỗ, ban cho mọi phương tiện khéo léo, khi đã được phương tiện rồi, dạy cho họ chứa nhóm pháp thiện, khuyến khích tu tâm Bồ-đề.

Này Xá-lợi-phất! Ví như các người con của vua, hoặc con bề tôi của vua, cùng nhau hợp bàn, nên giữ vương vị, nên chế phép nước, nên bảo vệ vương vị, nên tuyên truyền lời dạy của vua như vậy.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Các Bồ-tát Ma-ha-tát tu các thiện căn tròn đầy, thừa sự trăm ngàn na-do-tha chư Phật, trồng các thiện căn, khéo tu tập tâm Từ và luôn nghĩ đến tất cả, hành tâm đại Bi, vui thích Bồ-đề, vì nghĩ đến đạo tràng mà hành xả. Bồ-tát tin một cách vững chắc như vầy: “Rồi đây, ta sẽ rống tiếng rống sư tử; mưa trận mưa pháp, đánh trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, làm an ổn thuyền pháp, độ các chúng sinh trong bốn nẻo, trong vô lượng kiếp mặc áo giáp, mặc áo giáp vững chắc đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, muốn chuyển bánh xe pháp vô thượng, hàng phục Ma-la và quyến thuộc ma, muốn mặc áo giáp không thể nghĩ bàn, muốn mặc áo giáp không gì sánh bằng, muốn mặc áo giáp tối thượng trong ba cõi.”

Những điều như vậy, các thiện nam, thiện nữ ngồi lại với nhau, cùng bàn luận rằng: Chúng ta nên giáo hóa chúng sinh vào trong các thiện căn vô lậu, chúng ta nên làm cho chúng sinh hồi hướng cảnh giới Niết-bàn, chúng ta nên làm cho chúng sinh vào cảnh giới Niếtbàn vô vi.

Này Xá-lợi-phất! Ví như con của vua và các con bề tôi của vua tập hợp lại với nhau; còn những người hạ tiện khác không được đến nơi ấy.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Các Bồ-tát Ma-ha-tát ngồi tập hợp lại với nhau, còn các chúng sinh trí thấp kém thì không thể thấy các cảnh giới mà các Bồ-tát Ma-ha-tát thị hiện.

Xá-lợi-phất! Ví như trong biển cả có chúng sinh mà thân của nó chỉ bằng con rận, lại có chúng sinh thân lớn trăm du-xà-na, lại có chúng sinh thân lớn cho đến bảy trăm du-xà-na.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Biển lớn kia, đâu phải không dung chứa các chúng sinh thân nhỏ đó, hoặc các chúng sinh thân lớn đó?

Xá-lợi-phất thưa:

–Không phải thế, thưa Bà-già-bà! Không phải thế, thưa Tu-giàđà! Không phải biển cả không dung chứa, do sự tạo nghiệp, nên mới có chúng sinh thân nhỏ, hoặc chúng sinh thân lớn.

Phật nói:

–Đúng vậy! Xá-lợi-phất! Do lực phát nguyện, nên các Thanh văn trí cạn, còn Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà trí không thể lường, không thể đếm, không thể nghĩ bàn, không thể kể xiết, vô biên không thể nói. Vì sao? Vì xưa kia, Như Lai tu hạnh Bồ-tát, có hạnh nguyện vô lượng, vô biên không thể kể hết. Do tu nghiệp ấy, nên mới thành tựu trí vô ngại, công đức tối thắng.

Xá-lợi-phất! Ví như biển cả có các chúng sinh và ma-ni báu nhưng lại không gần nhau, không hòa hợp với nhau, không biết tên nhau, huống gì là thọ dụng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Có các thiện nam, thiện nữ sinh từ nơi pháp luật này, nên du hành khắp trong biển pháp ấy. Còn các Thanh văn, Độc giác không thể biết đến tên của Tam-ma-địa, huống nữa là muốn thực hành đầy đủ các Tam-ma-địa. Đức Như Lai do đầy đủ Tam-ma-địa, cho nên gọi là Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tamphật-đà.

Này Xá-lợi-phất! Ví như cách cầm cung của xạ thủ bậc thầy, một khi đã bắn ra thì không bao giờ trật. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát có phương tiện thiện xảo, đem phương tiện thiện xảo đó để thâu giữ, tròn đủ Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát, nếu đã phát tâm, sẽ không hề hư dối, không gì không nắm giữ, không gì không hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tâm Bồ-đề đó thì không bị rơi vào dục, sân, si, không bị dục làm ô nhiễm; không bị sân làm xấu; không bị si làm mê hoặc. Nếu Bồ-tát phát tâm Bồ-đề rồi thì không nhập vào sắc cho đến không nhập vào thức; không nhập vào ngã, cho đến không nhập vào thọ. Không nhãn giới, không Sắc giới; không nhập vào nhãn thức giới, cho đến không ý giới, không pháp giới; không nhập vào ý thức giới. Bồ-tát nếu phát tâm Bồ-đề thì lìa được dục, sân, si; nếu không có dục, sân, si thì là có đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả; nếu có đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả thì là bất khả đắc; nếu bất khả đắc thì không sinh diệt; nếu không sinh diệt thì không đoạn, thường; nếu không đoạn, thường thì là phát tâm Bồ-đề. Tận cùng của hư không giới là cứu cánh của pháp giới; hư không giới nghiệp, hợp với trí phương tiện thì gọi là phát tâm Bồ-đề.

Này Xá-lợi-phất! Ví như cây quý, lúc mọc, lúc phát triển không phải là không có công năng của các báu. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát đem các thiện căn hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cùng thâu giữ đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả. Do nghĩa đó cho nên biết Bồ-tát Ma-ha-tát đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng như cây báu.

Này Xá-lợi-phất! Ví như trong tam thiên đại thiên thế giới, chỗ nào có các thứ cỏ cây, nhành lá; những thứ ấy đều có thể đem làm đuốc. Trong tam thiên đại thiên thế giới này, có các núi chúa Tu-di, núi Luân, núi Đại luân, núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại mụcchân-lân-đà; ngoài ra còn có các núi đen và núi đá; những núi ấy đều là dụng cụ của đuốc. Trong tam thiên đại thiên thế giới, chỗ có sông, suối, ao, hồ, sông lớn, sông nhỏ, biển cả; những nơi ấy đều chứa đầy dầu. Nếu có Thanh văn thừa, Độc giác thừa, thiện nam, thiện nữ ở trước Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đốt lên các đuốc ấy.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Phước đức của các thiện nam, thiện nữ đó có nhiều không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Rất nhiều! Thưa Đại Đức Bà-già-bà! Rất nhiều! Thưa Đại Đức Tu-già-đà!

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Nếu thiện nam, thiện nữ phát tâm Đại thừa, nhưng chỉ cúng dường một ngọn đèn; nhân duyên như thế, phước đức có nhiều không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Người phát tâm Đại thừa, dù chỉ cúng dường một đèn nhưng phước lại rất nhiều, không phải như Thanh văn, Độc giác thừa, cúng dường vô lượng, vô biên đèn.

Phật khen Xá-lợi-phất

–Hay thay, hay thay! Này Xá-lợi-phất! Đúng thế, đúng thế! Thật đúng như lời ông nói! Vì sao? Nếu các Bồ-tát Ma-ha-tát Bố thí ba-la-mật thì các chúng sinh liền được thí Ba-la-mật. Nếu các Bồtát Ma-ha-tát Bố thí ba-la-mật thì các chúng sinh ấy liền được ăn uống, y phục, chuỗi ngọc, thọ dụng đầy đủ. Nếu các Bồ-tát Ma-hatát Bố thí ba-la-mật thì các chúng sinh ấy, liền được của cải giàu có như trưởng giả, lúa thóc đựng đầy kho, thọ dụng đầy đủ, lại còn có ruộng vườn, nhà cửa, thành ấp, cung điện, xóm làng, đất nước, kinh đô của vua.

Xá-lợi-phất! Lược nói về Thi-la, Sằn-đề, Tỳ-lê-da, Đệ-da-na, Bát-nhã của các Bồ-tát. Chúng sinh phá Thi-la ấy, cho đến chúng sinh vô trí đều sẽ trí tuệ. Vì sao? Vì chúng sinh mới phát tâm ấy, như gieo trồng hạt giống, nên thấy như vậy. Khi đã tu hành rồi thì như hạt giống phát triển, đạt đến quả vị Bất thoái chuyển như có nhành lá xum suê, đạt Nhất sinh bổ xứ thì như nở hoa, chứng quả Như Lai thì như kết trái. Trái đó, tùy theo chúng sinh muốn mà hái dùng. Như Lai Niết-bàn nên thấy như vậy.

Xá-lợi-phất! Vì nghĩa đó, nên biết là do mới phát tâm mà phát sinh Như Lai, do Như Lai xuất hiện, nên các chúng sinh được mọi niềm vui, cũng từ Như Lai mà phát sinh các Độc giác, Thanh văn. Thấy được nghĩa đó, nên các thiện nam, thiện nữ có các thiện căn, đều nên hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi-phất! Ví như khi mặt trăng mọc thì chúng ta nhìn thấy, trong các ao, hồ, suối, sông, sông lớn, sông nhỏ ở châu Diêmphù này, đều có mặt trăng, nhưng mặt trăng ở cung Thiên tử không bị lay động. Mặt trăng ấy, không gần bất cứ một nơi nào, nhưng ở các nơi đều in bóng trăng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát trụ ngôi mười Địa trong các cõi Phật, cho đến vô lượng, vô biên cõi Phật, đều tự thân thị hiện. Các cõi Phật ấy, có thôn xóm, đất nước, kinh đô và các nơi khác Bồ-tát Ma-ha-tát cũng tự thân thị hiện. Có chỗ thì thị hiện Đàn-na ba-la-mật, như là xả bỏ đầu, mắt, tay, chân, hoặc bỏ da, thịt, gân cốt, tim, tủy, hoặc bỏ con trai, con gái, vợ thiếp, nhà cửa, thôn xóm, thành ấp, đất nước, kinh đô, hoặc hiện đúng như pháp cúng dường đại hội, cần ăn cho ăn, muốn uống cho uống. Như vậy, cho đến cưỡi xe, y phục, hương đeo, hương xoa, tòa ngồi, gối kê, đèn đuốc. Những thứ như vậy đều xả là vì muốn giáo hóa chúng sinh keo kiệt, cho đến xả năm thọ tụ. Có chỗ thì thị hiện Thi-la ba-la-mật không khiếm khuyết, không xuyên lậu, không loang lỗ, không lộn xộn, cũng như trâu mao bảo vệ đuôi của nó. Vì muốn giáo hóa chúng sinh phá giới, cho đến vì muốn khiến trụ vào ba môn giải thoát. Có chỗ thị hiện Nhẫn nhục ba-la-mật cho đến có bị cắt chân tay, khoét mắt, nhưng Bồ-tát vẫn không nổi sân hận. Vì muốn giáo hóa loài chúng sinh cao ngạo ngã mạn, sân độc, tham đắm phú quý, cho đến vì muốn trụ vào pháp Nhẫn vô sinh. Có chỗ thì thị hiện Tinh tấn bala-mật để giáo hóa chúng sinh biếng nhác, phải nỗ lực tinh tấn, nhàm chán mọi thú vui của chính mình, mà trụ vào niềm vui của mọi người, giáo hóa chúng sinh biếng nhác ít tinh tấn trụ vào tinh tấn, cho đến trụ vào mười Địa. Có chỗ thì thị hiện Đệ-da-na Ba-lamật, du hý Đệ-da-na giải thoát Tam-ma-địa, Tam-ma-bạt-đề, để giáo hóa chúng sinh tâm loạn, thất niệm, không chánh tri, không có tâm Tam-ma-địa, được trụ vào kim cang Tam-ma-địa. Có chỗ thì thị hiện Trí tuệ ba-la-mật, nói pháp sâu xa, không có một pháp nào có thể hơn được, xứ phi xứ, địa phi địa, tất cả đều tùy thuận tâm hạnh của chúng sinh mà nói pháp.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát trụ vào mười Địa, dùng phương tiện khéo léo, thâu giữ đầy đủ Trí tuệ ba-la-mật, có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu cho chúng sinh. Chúng sinh tin các Ba-la-mật, liền thị hiện Ba-la-mật. Như chúng sinh tin sắc, liền thị hiện sắc. Tin pháp bản liền thị hiện thuyết pháp; khiến cho các chúng sinh ấy sẽ chứng Bất thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi-phất! Ví như, có một loài cây, có khả năng ban cho những gì mà con người mong muốn. Nếu có chúng sinh muốn được châu báu, mà đến bên cây thì cây liền đáp ứng đúng với sự mong muốn của chúng sinh ấy; như muốn thức ăn, chuỗi ngọc hay y phục đều được đầy đủ cả. Nếu chúng sinh, cần các châu báu, như kim ngân, lưu ly, pha lê đỏ, trân châu mã não, xa cừ thì cây liền đáp ứng đúng với mong muốn của chúng sinh ấy. Cây mong muốn đó, nếu bị cắt, bị chặt phá, vẫn không thấy hiện tượng bị cắt, bị chặt phá hay tổn hoại gì cả; trái lại, càng tăng thêm các thứ châu báu.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát trụ vào mười Địa. Có chỗ thị hiện Đàn-na ba-la-mật, có chỗ thị hiện Thi-la, Sằn-đề, Tỳlê-da, Đệ-da-na, Bát-nhã ba-la-mật, phương tiện thiện xảo làm đầu. Có chỗ thị hiện sinh vào cõi trời Tứ Thiên vương, hay cõi trời Tam thập tam, trời Tu-dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, trời Ma-la-thân; cho đến các cõi trời Phạm thân, trời Phạm quang, trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Đại phạm, trời Quang, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Tịnh, trời Biến tịnh, trời Quảng, trời Thiểu quảng, trời Vô lượng quảng, trời Quảng quả, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Thiện hiện; cho đến sinh vào cõi trời A-ca-na-tra, tự thân thị hiện nói pháp. Có chỗ thị hiện chúng sinh có tưởng không tưởng; cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng. Có chỗ thị hiện thân Chuyển luân thánh vương ngay tại châu Diêm-phù này nói pháp cho các chúng sinh. Có chỗ thị hiện Chuyển luân vương trong bốn phần, chỉ có một phần là hình sắc của vua. Có chỗ thị hiện hình sắc lực của vua Chuyển luân vương. Có chỗ thị hiện hình sắc của Sátđế-lợi, trưởng giả, đại thần, vương thần, Sa-môn, Bà-la-môn, Ni-kiền, Phạm chí, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân. Có chỗ thị hiện hình sắc Thanh văn, Độc giác. Có chỗ thị hiện, hạ sinh từ cung Đâu-suất, hoặc vào thai mẹ, hoặc đản sinh, hoặc Phạm thích ẳm bồng, hoặc đi bảy bước, hoặc cất tiếng nói: “Ta là bậc Tối thắng trong thế gian, đã hết sinh tử”, hoặc đến trường học, hoặc vào thiên miếu, hoặc ở trong cung, hoặc dưới cây Diêm-phù, hoặc xuất gia, hoặc đến đạo tràng, hoặc hàng phục quân ma, hoặc chứng Vô thượng Bồ-đề, hoặc chuyển pháp luân, hoặc nói pháp cho bốn chúng tám bộ, hoặc hiện Niết-bàn; hoặc toàn thân, hoặc bằng hạt cải, hoặc hiện chánh pháp hưng thịnh, hoặc hiện pháp diệt.

Xá-lợi-phất! Lược nói về sự nói pháp, theo lòng tin của chúng sinh là tự thân của Bồ-tát Ma-ha-tát thị hiện, để tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh. Như chúng sinh tin về pháp gốc thì Bồ-tát Ma-ha-tát liền nói pháp gốc, khiến cho các chúng sinh ấy được Bất thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi-phất! Ví như nhà ảo thuật, hay học trò của nhà ảo thuật, bày, mọi trò ảo thuật ở các nẻo đường, nào là trò voi, ngựa, xe, đi bộ.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Chỗ mà bốn bộ binh ấy đến, đi trong mười phương các thế giới có biết không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Không biết, thưa Bà-già-bà! Không biết, thưa Tu-già-đà! Trò huyễn đến đi đó, không thể biết được. Tuy là nói thế, nhưng trò huyễn thuật ấy, không phải là không nhân.

Phật nói:

–Đúng vậy! Xá-lợi-phất! Phật trí ấy, hoặc đến hoặc đi, trong mười phương các thế giới, cũng không thể biết được. Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, dùng trí đầy đủ này, mà biết đúng như thật về các tâm hạnh của chúng sinh, trong mười phương thế giới. Trí ấy, không phải không nhân. Trí tối thượng đó, nên thấy như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người yết hầu bị nghẽn thì các căn khác cũng đều bị nghẽn. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Nếu thiện nam, thiện nữ dùng tâm biến trí, tâm Bồ-đề, nhập vào các pháp, để hộ trì các chúng sinh, giáo hóa chúng sinh, giữ gìn chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người sống lâu trăm tuổi, đem một giọt nước đến đưa Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà và nói: Thưa Thế Tôn! Tôi gởi giọt nước này, Thế Tôn hãy giữ giúp tôi, chớ để nó hòa lẫn vào các dòng nước khác.

Sau khi Như Lai nhận lời rồi, ném nó vào sông Hằng, giọt nước theo dòng chảy ra biển. Qua một năm sau, người trăm tuổi ấy trở lại chỗ Thế Tôn, hỏi: Thưa Thế Tôn! Giọt nước mà trước kia, tôi gửi đó chắc không bị hòa lẫn vào các dòng nước khác chứ?

Xá-lợi-phất! Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà có các trí như vầy: Trí không nghĩ bàn, trí không gì sánh bằng, trí vượt qua ba cõi. Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà đầy đủ trí như vậy, rồi liền lấy giọt nước được gửi trước kia, từ biển ra mà không bị xen tạp các giọt nước khác, để trả lại cho người kia.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tamphật-đà nói pháp, không phải trong một cõi Phật, cũng không phải hai, ba, bốn, năm, cho đến ngàn cõi Phật, cũng không phải một vài phương tiện khéo léo giáo hóa chúng sinh. Vì sao? Vì Như Lai A-laha Tam-miệu Tam-phật-đà nói pháp trong bất khả lượng a-tăng-kỳ, bất khả thuyết vô lượng cõi Phật; với đủ mọi phương tiện khéo léo giáo hóa chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Ví như sau mùa Xuân, tháng đầu của mùa Hạ thì nóng bức; có một người cùng với đại chúng muốn vượt qua đồng trống, trong khi đang đi, mọi người thấy từ xa có sóng nước, người ấy mới an ủi mọi người: “Các bạn ơi! Hãy cố gắng đến chỗ có nước kia mà uống.” Người này nói thế, rồi đốc thúc đại chúng hướng đến chỗ có nước, mà đi không nghỉ. Nhờ vậy, mà mau chóng vượt qua đồng trống, liền được nghỉ ngơi, không bị thương tổn, được an ổn, không còn sợ hãi và đến cảnh giới của chính mình.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tamphật-đà, muốn khiến các Thanh văn nhập vào quả A-la-hán, nên vì họ mà nói pháp tương ưng với việc làm, dụng lực tinh tấn của A-lahán. Như Lai hành dụng như vậy rồi thì liền thu được lợi ích.

Xá-lợi-phất! Nếu tin vào pháp này, tức là tin vào pháp vô trần; nếu tin vào pháp vô trần tức là tin Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tamphật-đà; nếu tin Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà thì là tin pháp vô trần giải thoát; nếu ở nơi pháp vô trần giải thoát thì liền giải thoát sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có một A-la-hán lậu tận, tụng kinh ở núi A-la-noa là nơi xa xôi hiểm trở; nơi ấy, phát ra tiếng vang, lúc đó, lại có một dị nhân nghe tiếng kinh đó liền chứng quả A-la-hán.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Ai điều phục người ấy?

Xá-lợi-phất thưa:

–Thưa Thế Tôn! Là vị A-la-hán.

Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? A-la-hán lậu tận kia, đâu có nghĩ như vầy: “Ta tụng kinh sẽ có chúng sinh được điều phục.” Xá-lợi-phất thưa:

–Dạ không, thưa Bà-già-bà! Dạ không, thưa Tu-già-đà!

Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Tiếng vang ấy là từ trong, từ ngoài hay từ cả trong ngoài phát ra? Chớ hiểu như vậy. Nếu các chúng sinh đã phát ra lời nói thì nên tin như thế: Nếu có tiếng ấy nói ra thì cũng tùy ở mình.

Này Xá-lợi-phất! Ví như vợ của một anh chàng nọ, trong giấc mộng, chị ta thấy Như Lai và chúng Thanh văn vây quanh thuyết pháp.

Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Như Lai và chúng Thanh văn có đến thật không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Dạ không, thưa Bà-già-bà! Dạ không, thưa Tu-già-đà!

Phật nói:

–Đúng vậy! Xá-lợi-phất! Nếu người hiện thấy ta và chúng Thanh văn vây quanh nói pháp, nên tin như mộng; người ấy, liền đã thấy ta và pháp tăng trước mặt.

Này Xá-lợi-phất! Ví như biển cả không phải là không có báu, mà do người không tìm lấy được báu. Vì sao? Vì người ấy, đời trước chưa từng làm nghề lấy châu báu, cho nên, không phát hiện được mani báu màu đen kia là quý, nên không lấy. Nếu người đã từng làm nghề ma-ni báu mà vào được kho báu, liền lấy ma-ni báu.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Không phải là không pháp giới mà do không giác biết Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là do chúng sinh ấy, đời trước ở trong cảnh giới Phật, nhưng không tạo thiện căn, cũng không phát khởi. Thế nên, nay chỉ vào Thanh văn, không thể đi trên con đường mà Như Lai đã đi, cũng không có công đức như Như Lai, không đầy đủ thần lực vô úy… và trí vô ngại của Như Lai. Còn Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà, đầy đủ lực Như Lai, vô úy… và trí vô ngại.

Này Xá-lợi-phất! Ví như vợ của một anh chàng nọ, cầm gương tự soi mặt mình, thấy được diện tướng mình, liền sinh vui mừng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Phàm phu không nghe, nên không biết pháp gốc là dụ như bóng ảnh, cứ chạy theo dòng lưu chuyển mà sinh ham thích.

Thế nên, Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên mặc áo giáp như: Nay ta vì các chúng sinh, mà nói pháp, đề làm cho họ phải biết mà đoạn đi sự lưu chuyển đó.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên tin các pháp là hư dối, không chắc thật, hành như thế.

Này Xá-lợi-phất! Ví như Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phậtđà; khi hóa sinh thì không chỗ hóa sinh; khi diệt thì không chỗ diệt; ở nơi cảnh giới Phật, hoặc hỏi hoặc đáp, ấy chẳng phải là hai pháp. Khi Như Lai hóa sinh không chỗ sinh, khi diệt không chỗ diệt.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát được pháp Nhẫn vô sinh, biết các pháp không sinh; do biết thế, nên không được một pháp. Nếu lúc sinh mà sinh thì không có chỗ pháp sinh, nếu lúc diệt mà diệt thì cũng không hữu vi, vô vi. Vì sao? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát hiểu rõ các pháp không hai.

Này Xá-lợi-phất! Ví như bọt nước không chắc chắn; do không chắc chắn, nên tùy thuận mà biết.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Các pháp không chắc chắn, các pháp là không, nên tùy thuận mà biết; các pháp như biển, bản tánh không có hai tướng.

Này Xá-lợi-phất! Ví như bong bóng nước, từ nhân duyên sinh; nếu chỉ có mỗi một nhân thì không thể sinh được.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Phàm có chúng sinh là do không chánh niệm, muốn bám lấy sinh; việc đó là do hư vọng, trống rỗng, không chắc chắn. Chúng sinh đó đối với thật tế, không biết như thật, không thấy, không nhập, không biết. Ta vì các chúng sinh ấy, mà xưa kia đã mặc áo giáp như vậy; bằng mọi cách làm thế nào, để các chúng sinh ấy, thấy được thật tế; ta sẽ vì họ mà nói lưu chuyển luân hồi.

Này Xá-lợi-phất! Ví như chim bay lượn trên không, không có một vật gì cản trở.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Thiện nam, thiện nữ tu Bồ-tát thừa, đối với các pháp; không có biên vực nào làm chướng ngại; không có biên giới của vi trần; không có biên giới giữa bên này bên kia; tin vào trí biết cùng khắp. Ta nói thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát thừa này, nhất định chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi-phất! Ví như Tỳ-kheo có thần thông đi trong hư không, tuy thấy đi nhưng không thấy dấu vết.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Tuy thấy hạnh của Bồ-tát, nhưng không thể nói đến pháp ấy và chỗ hồi hướng thiện căn của Bồ-tát. Vì sao? Vì pháp mà ta đã biết, không thể nói ra; pháp ấy, các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già, Nhân phi nhân không thể thành tựu được. Chỉ trừ Bồ-tát Maha-tát đầy đủ trí tối thắng vô thượng, đã mặc áo giáp ở trong các thế giới. Vì sao? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát ấy, các hàng trời… đều không thể sánh bằng.

Này Xá-lợi-phất! Ví như tay chân có thể làm mọi việc. Như vậy, đối với pháp gốc này, cũng nên thấy như thế.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người, có khả năng dùng một ngón tay hiện ra năm ngón tay, ý ông nghĩ sao? Việc đó có khó làm không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Rất khó, thưa Bà-già-bà! Rất khó, thưa Tu-già-đà!

Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Ta nói việc này khó như hư không… pháp giới; hư không… pháp giới đã hiểu rồi thì sẽ vì người khác mà giải nói: Cái khó này là ở chỗ ấy. Ta nói việc này là hiếm có. Vì sao? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát này đã biết các pháp là bình đẳng như hư không, không thật, không tạo hý luận mà có thể tăng trưởng.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát với các thiện căn, có được; nên biết Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và các thiện căn đó đều là hư vô rỗng không, không chắc chắn. Cho đến lúc, thị hiện Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và các thiện căn đó thì mới không còn dối gạt; lúc đó là giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nên, Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát nên mặc áo giáp như: Ta tin các pháp là không chắc chắn. Nếu ai không nhập vào nhẫn này thì không thể thành tựu tám nhân pháp; pháp Tu-đà-hoàn, pháp Tưđà-hàm, pháp A-na-hàm và pháp A-la-hán; huống gì là giác ngộ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chỉ trừ Bồ-tát Ma-ha-tát đã đầy đủ trí tối thắng ở trong ba cõi.

Xá-lợi-phất! Các Bồ-tát Ma-ha-tát nên thân gần thiện hữu, cung cấp và cúng dường. Thế nào là thiện hữu? Là người hướng dẫn thực hành sáu pháp Ba-la-mật. Nếu dạy các việc khác thì không phải là thiện hữu. Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát nói như vậy, dạy như vậy, nên học các Ba-la-mật như vậy. Nếu học các pháp Bồ-tát như vậy. Đây mới là chân thật thiện hữu của Bồ-tát Ma-ha-tát.

Này Xá-lợi-phất! Ví như một giọt sữa đem ném vào biển cả, ý ông nghĩ sao? Giọt sữa đó có nhiều không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Không nhiều, thưa Bà-già-bà! Không nhiều, thưa Tu-già-đà!

So với lượng nước kia thì đây chỉ là một giọt.

Phật nói:

–Đúng thế, đúng thế! Này Xá-lợi-phất! Các Thanh văn, Độc giác có quá ít giới, định, trí, giải thoát, giải thoát tri kiến thì không thể làm lợi ích cho các chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Ví như lấy một giọt dầu, bỏ vào ao hoa, giọt dầu đó liền tan ra khắp không còn thấy đâu là giọt dầu nữa. Cũng vậy, này Xá-lợi-phất! Giới, định, trí, giải thoát, giải thoát tri kiến và kể cả các thiện căn của Bồ-tát Ma-ha-tát, đều là vì các chúng sinh để được thọ dụng, cho đến Niết-bàn rốt ráo.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có một người ở nơi biển cả, chẻ sợi lông ra làm trăm phần, rồi lấy một phần, để lấy một giọt nước; ý ông nghĩ sao? Giọt nước đó so với nước trong biển cả thì phần nào nhiều?

Xá-lợi-phất thưa:

–Thưa Thế Tôn! Giả sử như có lấy đến trăm du-xà-na cũng vẫn còn ít hơn; huống gì là chẻ trăm phần lông, rồi lấy một giọt nước, lượng nước đó có là bao.

Phật nói:

–Đúng vậy! Này Xá-lợi-phất! Trí của Thanh văn, Độc giác như một giọt nước; còn tri kiến của Bồ-tát Ma-ha-tát như nước của biển cả. Bồ-tát Ma-ha-tát đầy đủ tri kiến như vậy, cho nên có khả năng tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh, cho đến đưa tới Niết-bàn vô dư.

Khi Phật tán thán công đức pháp bản của các Bồ-tát Ma-hatát; có vô lượng a-tăng-kỳ vô biên các chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; có vô lượng a-tăng-kỳ vô biên các Bồ-tát Ma-ha-tát thiện căn càng mạnh mẽ, tăng trưởng, khuyến khích tu hành và được thành tựu; có vô lượng a-tăng-kỳ vô biên hàng trời, người xa lìa trần cấu, trong các pháp đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc Phật nói kinh này, Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Người, Càn-thát-bà, A-tu-la nghe Phật nói đều hoan hỷ.

 

HẾT

(Trọn bộ 2 Quyển)