Kinh Đại Tập Những Điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

Kinh Đại Tập Những Điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật
Bộ Đại Tập, Đại Tạng Kinh, Kinh Bồ Tát, Tạng Kinh

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Sa-môn Bất Không
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo tại Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Bồ-tát thành tựu bốn pháp để tu hành tịnh Giới ba-la-mật giống như hư không. Những gì là bốn? Nghĩa là: Biết thân như hình bóng, biết âm thanh như tiếng vang trong hang sâu, biết tâm như huyễn hóa, biết tuệ như hư không. Đó là bốn pháp mà Bồ-tát thành tựu để tu hành tịnh Giới ba-la-mật giống như hư không. Lại nữa, nếu Bồ-tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành thanh tịnh tịnh Giới ba-la-mật. Những gì là tám? Nghĩa là: Vì không xa lìa tâm Bồ-đề nên giới được thanh tịnh. Xa lìa tâm Thanh văn, Duyên giác được tâm không giới hạn nên giới được thanh tịnh. Không xả bỏ tất cả các học xứ nên trí tuệ được thanh tịnh. Thọ sinh vào tất cả các cõi nên Nguyện được thanh tịnh. Thực hành không biếng nhác đối với Giới, an nhiên không tạo tác nên hạnh được thanh tịnh. Hồi hướng đến Bồ-đề nên Tâm ma được thanh tịnh. Tâm không bị khổ não thiêu đốt nên phiền não được thanh tịnh. Đại nguyện viên mãn nên Bồ-đề được thanh tịnh. Đó là tám pháp mà Bồ-tát thành tựu thì có thể tu hanh thanh tịnh tịnh Giới ba-la-mật. Này thiện nam! Như hư không thanh tịnh, Bồ-tát trì giới cũng thanh tịnh như vậy. Như hư không không nhơ uế, Bồ-tát trì giới cũng không bị nhơ uế như vậy. Như hư không vắng lặng, Bồ-tát trì giới cũng vắng lặng như vậy. Như hư không không có giới hạn, Bồ-tát trì giới cũng không có giới hạn như vậy. Như hư không không bị ràng buộc, Bồ-tát trì giới cũng không bị ràng buộc như vậy. Như hư không chẳng hề vướng mắc, Bồ-tát trì giới lìa mọi vướng mắc cũng vậy. Như hư không không thể chứa nhóm, Bồ-tát trì giới không tích tập cũng vậy. Như hư không chẳng xa lìa tánh, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như tánh hư không là thường, còn, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không rốt ráo không cùng tận, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng có hình tướng, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng có đến, đi, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không dứt mọi hý luận, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không xa lìa các lậu, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng tạo tác, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng biến đổi, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng phân biệt, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không hiện bày khắp nơi, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không không bị hủy hoại, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng có cao thấp, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Như hư không tánh xa lìa mọi ô nhiễm, Bồ-tát trì giới cũng vậy. Này thiện nam! Đó là Bồ-tát tu hành tịnh Giới Ba-la-mật giống như hư không.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Trì giới, tâm thanh tịnh không nhơ
Diệt trừ phiền não, không chấp giữ
Nghiệp thân, miệng, ý không lỗi lầm
Tất cả luật nghi đều đầy đủ.
Bậc trí chẳng kiêu mạn vì giới
Tâm thường vắng lặng không tán loạn
Bậc trí thường nương tâm Bồ-đề
Nên tâm ý không hề ô nhiễm.
Xa lìa các nghiệp, không lo nghĩ
Như vậy không còn sự phân biệt
Từ bỏ màu xanh, vàng, đỏ, trắng
Cũng không trụ vào nẻo danh sắc.
Tâm không lấy, bỏ, không đắm nhiễm
Ví như hư không, chẳng chướng ngại
Giới này bậc trí đã tán thán
Không khen ngợi văn chương, nghĩa lý.
Nhờ giữ giới này tâm tịch tĩnh
Khiến các phiền não được thanh tịnh
Đạt đến tận cùng nơi Chỉ Quán
Tự nhiên hiển hiện được giải thoát.
Bậc Thánh cởi bỏ hết trói buộc
Đều được an trú nơi Tịnh giới
Nên giới là giải thoát bậc nhất
Là pháp căn bản của Bồ-đề.
Các bậc Đầu-đà nơi thanh vắng
Ít muốn, biết đủ, dứt mong cầu
Xa lìa náo nhiệt, trụ thiền định
Tâm sạch phiền não được khinh an.
Như vậy, Tịnh giới là căn bản
Tư duy pháp thanh tịnh giải thoát
Nên dùng Tịnh giới làm trang nghiêm
Tất cả các nẻo đều an lạc.
Xa lìa hết thảy sự tán loạn
Trừ diệt phiền não và kiến chấp
Lòng từ ban khắp như hư không
Đoạn trừ chấp thủ, khiến thanh tịnh.
Nên chắc chắn đạt quả giác ngộ
Đối với Bồ-đề không phân biệt
Bậc trí nếu đủ đức như vậy
Đều nhờ Tịnh giới đến bờ kia.

Này thiện nam! Nếu Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì tu hạnh Nhẫn nhục ba-la-mật như hư không. Thế nào là bốn? Nghĩa là bị người khác mắng nhiếc không nói lại vì biết rõ lời nói như hư không. Bị người khác đánh không đánh lại, vì biết thân như hư không. Bị người khác giận không giận lại, vì biết tâm như hư không. Bị người khác trêu chọc không đáp trả, do biết tâm ý như hư không. Đó là bốn pháp mà Bồ-tát thành tựu thì tu hạnh Nhẫn nhục ba-la-mật như hư không. Lại nữa, nếu Bồ-tát nào thành tựu tám pháp thì có the tu hành thanh tịnh Nhẫn nhục ba-la-mật. Thế nào là tám? Nghĩa là đối với chúng sinh, tâm không có giới hạn giống như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Đối với các sự lợi dưỡng không sinh tham đắm như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Đối với việc làm lợi ích cho chúng sinh thì bình đẳng như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Thân tâm không thể bị hủy hoại như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Xa lìa các phiền não như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Xa lìa cảnh của đối tượng được quan sát như hư không nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Quan sát tánh của các pháp không sinh không diệt như hư không nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Đối với cõi Sắc và cõi Vô sắc dùng lòng từ duyên khắp giống như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Đó là tám pháp mà Bồ-tát thành tựu thì có thể tu hành thanh tịnh Nhẫn nhục ba-la-mật như hư không.

Này thiện nam! Lại có tám pháp, có thể quan sát kỹ lưỡng để tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật. Thế nào là tám? Đó là nhẫn nhục tánh không nên không hủy bỏ các tri kiến. Nhẫn nhục vô tướng nên không bị các tướng chi phối. Nhẫn nhục vô nguyện nên không bỏ tâm Bồ-đề. Nhẫn nhục vô hành nên không đoạn tận pháp hữu vi. Nhẫn nhục vô sinh nên không trụ vào pháp vô vi. Nhẫn nhục không dấy khởi nên không trụ vào pháp sinh diệt. Nhẫn nhục không hữu tình nên không hủy hoại thể tánh. Nhẫn nhục như như nên không từ bỏ ba đời. Như vậy, này thiện nam! Đó là tám pháp nhẫn nhục, nếu quan sát kỹ lưỡng thì có thể tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật. Lại nữa, này thiện nam! Khi tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật, nếu bị ai mắng nhiếc, chê bai mà ta phải chịu đựng thì gọi là ngã nhẫn nhục, không phải là Nhẫn nhục ba-la-mật. Nếu thấy người mắng nhiếc và cách thức mắng nhiếc mà ta phải chịu đựng, gọi là ngã nhẫn nhục, chẳng phải là Nhẫn nhục ba-la-mật. An trú vào hạnh không tranh cãi là âm thanh nhẫn nhục, chẳng phải là Nhẫn nhục ba-la-mật. Thực hành gia hạnh đúng đắn, ta và người đều không. Tư duy, chịu đựng, ta và người đều vô thường. Tư duy, chịu đựng như vậy gọi là nhẫn nhục được sắp đặt, chẳng phải là Nhẫn nhục ba-la-mật. Này thiện nam! Tất cả đều không có chủ thể thực hành và đối tượng được thực hành. Như có người cầm búa bén, vào rừng Đại sa-la để chặt mé cành nhánh, cây cối không hề suy nghĩ người kia là chủ thể chặt và cây cối là đối tượng bị chặt, đều không sinh thương ghét. Này thiện nam! Bậc Đại Bồ-tát khi thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật, cũng không có thương ghét như vậy, không có chủ thể phân biệt và đối tượng được phân biệt. Đó là Bồ-tát tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật giống như hư không.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Đạt được Nhẫn vô sinh thanh tịnh
Tâm ý thuần thục, không nhiễm trần
Trong, ngoài vắng lặng, không nương tựa
Tâm tịnh nhẫn nhục như hư không.
Thân ấy như ảnh như cỏ cây
Tâm hình như huyễn, không chân thật
Pháp này tánh không chẳng thể thấy
Thân tâm biến đổi giống như thế.
Dù có khen chê chẳng vui, buồn
Không còn phân biệt, không cao thấp
Biết nhẫn như đất, như then cửa
Y theo nhẫn nhục, độ chúng sinh.
Tuy biết tánh các pháp là không
Không nhân, không ngã, không thọ mạng
Chẳng trái nhân duyên và tạo tác
Nhẫn này hạnh chân thật bậc nhất.
Nghe lời nói ác không giận dữ
Biết tánh ngôn ngữ như hư không
Tu tập thân tâm cũng như vậy
Nên dạy chúng sinh tu nhẫn này.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tu hành Tinh tấn ba-la-mật như hư không? Nếu Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì tu hành Tinh tấn ba-la-mật như hư không. Những gì là bốn? Nghĩa là siêng năng tu tập các căn lành, biết tất cả các pháp chưa trọn vẹn, ở chỗ chư Phật thực hành sự cúng dường lớn nên hiểu rõ thân Như Lai là bình đẳng. Thường ưa thích làm cho vô lượng chúng sinh được thành tựu, nên biết tất cả hữu tình là không thủ đắc. Theo chư Phật thọ trì chánh pháp nên không thấy tính chất chán lìa của các pháp. Đó là bốn pháp mà Bồ-tát thành tựu thì tu hành Tinh tấn ba-la-mật như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ-tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành Tinh tấn ba-la-mật thanh tịnh. Những gì là tám? Do trang nghiêm thân để siêng tu tinh tấn nên biết thân như hình ảnh, không chấp thủ. Do trang nghiêm ngữ để siêng tu tinh tấn nên biết tánh của ngôn ngữ như sương, không chấp thủ. Do trang nghiêm tâm để siêng tu tinh tấn nên đạt được thiền định, biết tâm là không phân biệt. Vì đầy đủ các phần Ba-la-mật để siêng tu tinh tấn nên tuần tự tu tập, tư duy, không chấp thủ. Do thành tựu tất cả pháp phần Bồ-đề để siêng tu tinh tấn nên tư duy về tánh tướng của Bồ-đề, không chấp thủ. Vì làm thanh tịnh cõi Phật để siêng tu tinh tấn nên biết các cõi Phật đều như hư không, không thủ đắc. Vì làm cho tất cả những điều đã nghe đều được thọ trì để siêng tu tinh tấn nên biết được các pháp đã nghe như tiếng vang, hoàn toàn không chấp thủ. Vì thành tựu tất cả pháp Phật để siêng tu tinh tấn nên biết pháp giới bình đẳng, một tướng, tư duy không chấp giữ. Đó là tám pháp mà Bồ-tát thành tựu thì tu hành Tinh tấn ba-la-mật thanh tịnh.

Này thiện nam! Bồ-tát có hai loại tinh tấn, là “Tinh tấn gia hạnh” và “Tinh tấn hạn tề”. Dùng “Tinh tấn gia hạnh” để thúc đẩy nơi thân, miệng, ý, tu tập thành tựu tất cả các pháp lành nên không có chỗ trụ, tư duy không thủ đắc. Dùng “Tinh tấn hạn tề” để trụ vào chỗ không xuất không nhập, nên tùy thuận nơi pháp giới không đến, không đi, như hư không, không thủ đắc. Như hư không không có màu sắc, Bồ-tát tinh tấn làm cho các chúng sinh được thành tựu sự tu tập cũng vậy, nương vào pháp của chư Phật để thành tựu tất cả các việc của chúng sinh. Như hư không hàm chứa tất cả các màu sắc, Bồ-tát tinh tấn cũng bao hàm khắp tất cả chúng sinh, làm cho họ xa lìa tất cả kiến chấp cũng vậy. Như các cỏ cây sinh trưởng không rễ không gốc trong hư không, Bồ-tát tinh tấn làm cho tất cả Phật pháp được tăng trưởng, không chấp ngã, kiến cũng vậy. Như hư không bao trùm khắp nơi mà không dao động, Bồ-tát tinh tấn đối với tất cả pháp lành cũng không lay động như vậy. Như hư không đồng thời hiện ra các loại màu sắc, Bồ-tát tinh tấn, bình đẳng vì các chúng sinh mà thị hiện tu tập tư duy bình đẳng, cũng không phân biệt như vậy. Này thiện nam!

Đó là Bồ-tát tu tập Tinh tấn ba-la-mật như hư không.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Dũng mãnh phát sinh lực tinh tấn
Không tiếc thân mạng và tài sản
Thực hành oai đức đại Bồ-đề
Thường tạo lợi ích các chúng sinh.
Từ xưa đã tu các công đức
Luôn tu tập không hề mệt mỏi
Thích làm cho chúng sinh giải thoát
Hằng cúng dường các Đức Như Lai.
Nguyện được đến vô số cõi Phật
Phá trừ tất cả các ma ác
Thường ưa bố thí khắp mọi người
Thường ưa hộ trì giới thanh tịnh.
Luôn ưa ban phát tâm Từ bi
Luôn siêng tu tập các căn lành
Tư duy vô lượng tâm thiền định
Dùng trí tuệ lớn để quan sát.
Tâm từ vô lượng, bỏ giận dữ
Tu hành các công đức lợi ích
Đối với thân mạng không tham tiếc
Hoàn toàn thoát khỏi các phiền não.
Thường tu vô ngã, không, giải thoát
Lìa tướng, vô tướng, oai đức lớn
Lìa hẳn kiến chấp, tu Bồ-đề
Quán tự tánh như huyễn, sóng nắng.
Ưa nói pháp không, bặt suy nghĩ
Nương hạnh thanh tịnh, đọc kinh điển
Pháp và không pháp thay đều quên
Không bỏ âm thanh và văn tự.
Diễn nói kinh điển ở thế gian
Khen ngợi công Đức Phật vô lượng
Tâm hành chúng sinh rất khó lường
Bậc trí nên tinh tấn dũng mãnh.
Biết rõ căn tánh các hữu tình
Chẳng vướng mắc sinh và không sinh
Thường dùng tâm tinh tấn vô biên
Độ chúng sinh bằng pháp thanh tịnh.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tu hành Thiền định ba-la-mật như hư không? Nếu Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì tu hành Thiền định ba-la-mật như hư không. Những gì là bốn? Nghĩa là an trụ tâm ở bên trong thì nội tâm không chấp giữ, bên ngoài thì chế ngự nên tâm không phân biệt. Do tự tâm bình đẳng nên biết tâm của tất cả chúng sinh cũng bình đẳng. Tâm ấy và sự tư duy chứng biết bình đẳng đều như huyễn hóa. Đó là bốn pháp mà Bồ-tát thành tựu thì tu hành Thiền định ba-la-mật như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ-tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành Thiền định ba-la-mật thanh tịnh. Những gì là tám? Nghĩa là không nương vào uẩn, xứ, giới mà tu thiền định. Không nương vào đời này, đời khác mà tu hành thiền định. Không nương vào cõi Dục, sắc và vô sắc mà tu hành thiền định. Đó là tám pháp mà Bồ-tát thành tựu thì có thể tu hành Thiền định ba-la-mật thanh tịnh như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát tu hành Thiền định thanh tịnh với tâm chuyên chú. Thế nào là chuyên chú? Nghĩa là đối với danh tự của pháp không thêm, không bớt, không biến đổi, không sai khác, không tổn hại, không lợi ích, không lấy, không bỏ, không sáng, không tối, không phân biệt, chẳng phải không phân biệt, không tưởng, không tác ý, không một, không hai, chẳng phải không một, cũng chẳng phải không hai, không dao động, không suy nghĩ, không hý luận, không chứa nhóm cũng chẳng phải không chứa nhóm, không tư duy về tất cả tướng, tâm không trụ vào đâu, đó gọi là chuyên chú. Tâm chuyên chú không tán loạn, xa lìa sắc, mắt và nhãn thức nên tự tướng thanh tịnh. Tâm quán hạnh chuyên chú không tán loạn, xa lìa âm thanh, tai và nhĩ thức nên tự tướng thanh tịnh. Tâm chuyên chú không tán loạn, xa lìa hương, mũi và tỷ thức nên tự tướng thanh tịnh. Tâm chuyên chú không tán loạn, xa lìa vị, lưỡi và thiệt thức nên tự tướng thanh tịnh. Tâm chuyên chú không tán loạn, xa lìa sự xúc chạm, thân và thân thưc nên tự tướng thanh tịnh. Tâm chuyên chú không tán loạn xa lìa pháp trần, ý và ý thức nên tự tướng thanh tịnh. Này thiện nam! Như hư không, không bị cháy vào kiếp thiêu, không bị ướt lúc có tai nạn về nước, Bồ-tát tu hanh thiền định cũng vậy, không bị tất cả các thứ lửa phiền não thiêu đốt, hết thảy các pháp Tam-muội giải thoát, sự cuốn trôi của các loại nước thiền định thường không xen tạp khiến cho chúng sinh bị loạn động, an trú trong thiền định nhưng không chấp vướng nơi cảnh giới ấy, xuất định cũng không bị chướng ngại, đối với các bậc Thánh thường hiện tịch tĩnh, còn đối với chỗ loạn động của phàm phu thì luôn khiến họ an trụ trong định, bình đẳng để giáo hóa. Đối với người tâm không bình đẳng thì thuyết pháp để dẫn dắt, không thấy có bình đẳng và không bình đẳng, đối với bình đẳng và không bình đẳng cũng chẳng chống trái, tâm không hề bị chướng ngại như hư không. Đó gọi là người tu thiền định, cũng gọi là người tu thiền định nơi trí tuệ tối thắng hay người tu thiền định không trụ vào thức. Do thiền định này mà Bồ-tát đạt được thiền định vô trụ, giống như hư không.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Hộ trì các căn tu thiền định
Luôn định không chấp nơi hữu tình
Bình đẳng dẫn dắt cứu thế gian
Đối với trong, ngoài thường an trú.
Không nương vào uẩn, xứ và giới
Xa lìa cảnh giới, trụ vắng lặng
Tâm bậc trí thường ở trong định
Đối với tất cả đều bình đẳng.
Biết rõ pháp giới không cao thấp
Thấy tâm và ý đều tịch tĩnh
Vì muốn thành tựu cho thế gian
Thị hiện thiền định và biến đổi.
Nhưng không biến đổi và thiền định
Tâm được tự tại cũng như vậy
Hiện ra cảnh thiền định vô sắc
Thị hiện cõi Dục cũng như thế.
Đều vì thành tựu các chúng sinh
Mà không chấp giữ nơi hữu tình
Cảnh giới như hư không, huyễn hóa
Sóng nắng, nước, trăng, mộng và mây.
Biết rõ thiền định và thế gian
Chuyển tâm chúng sinh thành trí tuệ
Không thể ngăn che tâm của họ
Mới được phát sinh tâm tự tại.
Thấu rõ thiền định và thần thông
Trải qua vô số ức cõi nước
Có thể cúng dường khắp chư Phật
Đoạn trừ hết phiền não, ngu si.
Điều phục các căn, ý tĩnh lặng
Chứng đắc thiền định không phân biệt
Thế gian và ý đều thanh tịnh
Trí, lực luôn an định như vậy.
Tâm không phân biệt trụ bình đẳng
Nên gọi bình đẳng đều vô tướng
Đối với bình đẳng không chấp giữ
Đó gọi là người đạt thiền định.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tu hành Trí tuệ ba-la-mật như hư không? Nếu Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì tu hành Trí tuệ ba-la-mật như hư không. Những gì là bốn? Nghĩa là do hư không thanh tịnh nên tất cả chúng sinh thanh tịnh. Do trí thanh tịnh nên tất cả thức thanh tịnh. Do pháp giới thanh tịnh nên ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả đều được thanh tịnh. Do nghĩa thanh tịnh nên tất cả văn tự được thanh tịnh. Đó là bốn pháp mà Bồ-tát cần thành tựu để tu hành Trí tuệ ba-la-mật như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ-tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành Trí tuệ ba-la-mật thanh tịnh. Những gì là tám? Nghĩa là siêng năng tích tập tất cả pháp lành mà không chấp thường. Siêng năng đoạn trừ tất cả pháp ác mà không chấp đoạn. Biết rõ về pháp duyên khởi mà không trái với pháp Nhẫn vô sinh. Hiện bày bốn vô ngại giải mà không chấp vào đấy. Khéo có thể chọn lựa bốn pháp cú, không thấy vô thường, khổ, vô ngã, thanh tịnh. Nói rõ về quả của nghiệp mà không dao động. Trụ nơi không nghiệp quả, không hý luận. Thường dùng trí tuệ để diễn nói tướng sai biệt của tất cả pháp. Chứng đắc ánh sáng của tất cả pháp thanh tịnh. Giảng nói pháp thanh tịnh và tạp nhiễm cho chúng sinh. Đó là tám pháp mà Bồ-tát thành tựu thì có thể hành Trí tuệ ba-la-mật thanh tịnh.

Này thiện nam! Nên biết trí tuệ là pháp thanh tịnh, nên có thể dứt trừ pháp “ác giác”. Trí tuệ là pháp không biến đổi nên tự tướng thanh tịnh, là pháp không phân biệt nên không có giới hạn, là pháp như thật nên tánh chân thực, là pháp chắc chắn nên không có dao động, là pháp thành thật nên không hư dối, là pháp thông tuệ nên cởi bỏ mọi sự trói buộc, là pháp viên mãn nên chính là công đức của bậc Thánh, là pháp thông suốt nên có thể khéo quán sát, là pháp Đệ nhất nghĩa nên không có đối tượng được nêu bày, là pháp bình đẳng nên không sai khác, là pháp bền vững nên không thể bị hủy hoại, là pháp không lay động nên không chốn nương tựa, là pháp kim cang nên có thể xuyên thủng mọi thứ ngăn ngại, là pháp cứu giúp nên chỗ tạo tác đã làm xong, là pháp thanh tịnh nên tánh không cấu nhiễm, là pháp không tối tăm nên không thể thủ đắc nơi ánh sáng, là pháp không hai nên không thể kiến lập, là pháp tận cùng nên diệt trừ tất cả, là pháp không cùng tận nên thường trụ vào vô vi, là pháp vô vi nên chẳng phải do sinh diệt thâu tóm, là pháp không nên thanh tịnh bậc nhất, là pháp hư không nên không hề bị chướng ngại, là pháp của đạo như hư không nên không có dấu vết, là pháp Vô sở đắc nên không có tự tánh, là pháp của trí nên trí và thức không hai, là pháp không thể suy xét nên xa lìa mọi sự đối trị, là pháp không thân nên không biến đổi, là pháp nhận biết đầy đủ về Khổ nên xa lìa “biến kế” về khổ, là pháp đoạn trừ Tập nên dứt hết mọi thứ tham dục, là pháp chứng đắc Diệt nên hoàn toàn là không sinh, là pháp tu tập Đạo nên hội nhập nơi đạo không hai, là pháp của Phật-đà nên có thể sinh khởi chánh giác, là pháp của chánh pháp nên hoàn toàn xa lìa nẻo dục.

Này thiện nam! Nghĩa lý của các pháp sai khác như vậy. Ánh sáng của trí tuệ không lệ thuộc vào người khác, theo pháp được thuyết giảng, dù chỉ hội nhập chút ít, đều không có chủ thể phân biệt và đối tượng được phân biệt. Đó là Bồ-tát tu hanh Trí tuệ ba-la-mật như hư không.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Trí tuệ đoạn trừ các phiền não
Thị hiện tạo nghiệp và nhân duyên
Chẳng nương ngã kiến và chúng sinh
Không trụ thọ giả và tướng nhân.
Ngã và vô ngã đều xa lìa
Diễn nói Bát-nhã đến nguồn chân
Bát-nhã diệt trừ mọi nẻo có
Bát-nhã vượt qua các phiền não.
Bát-nhã hay tạo nhân thanh tịnh
Bát-nhã kiến lập pháp giải thoát
Trí tuệ thanh tịnh lìa buộc che
Hiểu rõ hết thảy uẩn, xứ, giới.
Trí tuệ chiếu soi suốt ba cõi
Đối với năng, sở đều giải thoát
Tu hành trí tuệ được thanh tịnh
Không chấp giữ nơi pháp thế gian.
Thực hành thông đạt hạnh Bát-nhã
Luôn tu trí tuệ quán chân không
Năm mắt tịnh, năm căn thông lợi
Trừ năm cõi, thanh tịnh năm uẩn.
Đạt đến và an trú giải thoát
Hội nhập nơi pháp giới cũng thế
Bình đẳng rộng lớn như hư không
Khéo léo thuận theo trí tuệ Phật.
Thủ đắc, không thủ đắc đều lìa
Thị hiện pháp trung đạo, giải thoát
Thuận nẻo hành hóa của bậc Thánh
Khéo hay phân biệt, không phân biệt.
Thông đạt khổ, tập, trừ tham ái
Tu đạo, hiện diệt, hiển vô vi
Thành tựu ánh sáng tuệ chân thật
Thấu tỏ ba đời chẳng đến đi.
Đối với các cõi đều bình đẳng
Các pháp tịch tĩnh cũng như vậy
Biết rõ chúng sinh không ngã, nhân
Là bậc tu trí tuệ chân chánh.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tu hành phước đức như hư không? Này thiện nam! Tánh của tất cả các pháp như hư không, dùng tâm Bồ-đề làm hạt giống để tu tập phước đức, không lìa bỏ tâm Bồ-đề, chứa nhóm các căn lành, đều hồi hướng đến Nhất thiết trí. Vì thế, đạt được vô lượng phước đức giống như hư không. Này thiện nam! Bồ-tát nên phát tâm như thế, vì hư không vô lượng nên chỗ gây tạo phước đức cũng vô lượng. Vì sao? Do ý vô lượng nên phước cũng vô lượng. Bồ-tát đối với điều ấy nên quán xét như vậy. Này thiện nam! Lại có mười loại trang nghiêm vô lượng, Bồ-tát nên chứa nhóm đầy đủ phước đức như thế. Những gì là mười? Vì thân trang nghiêm vô lượng nên tướng hảo viên mãn. Vì lời nói trang nghiêm vô lượng nên thuyết giảng giáo pháp đều thanh tịnh. Tâm trang nghiêm vô lượng nên thấu rõ tâm ý của tất cả chúng sinh. Hành động nơi thân trang nghiêm vô lượng nên làm cho vô lượng chúng sinh được thành tựu đầy đủ. Hành tướng trang nghiêm vô lượng nên làm thanh tịnh vô lượng cõi Phật. Phước đức, thiền định, tinh tấn trang nghiêm vô lượng nên thành tựu viên mãn vô lượng oai nghi của Phật. Đạo tràng đại Bồ-đề trang nghiêm vô lượng nên thành tựu trọn đủ tất cả tướng và hạnh. Hội bố thí rộng lớn trang nghiêm vô lượng nên thành tựu đầy đủ vô số tướng bạch hào của Đức Phật. Cung kính, vô ngã trang nghiêm vô lượng nên thành tựu tròn đầy tướng nhục kế không thể thấy được của Đức Như Lai. Định tâm không gián đoạn trang nghiêm vô lượng nên thành tựu đầy đủ vô lượng tâm không dua nịnh, thuận theo ý thanh tịnh.

Này thiện nam! Đó là mười hai loại trang nghiêm vô lượng. Nếu Bồ-tát phát tâm rộng lớn như hư không thì đạt được phước đức cũng giống như hư không.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tu hành trí tuệ giống như hư không? Nếu Bồ-tát quán xét khắp tất cả chúng sinh có tâm tham, không có tâm tham; có tâm san, không có tâm sân; có tâm si, không có tâm si; có tâm tạp nhiễm, không có tâm tạp nhiễm đều nhận biết đúng như thật. Tự mình đã xa lìa tham dục, lại vì người khác mà nói pháp điều phục tham dục. Tự mình đã lìa sân hận, lại vì người khác mà nói pháp điều phục sân hận. Tự mình đã lìa si mê, lại vì người khác mà nói pháp điều phục si mê. Tự mình đã lìa tạp nhiễm, lại vì người khác mà nói pháp điều phục tất cả các phiền não. Không thấy mình có tham, sân, si, phiền não là tâm thấp kém. Xa lìa tham, sân, si, phiền não là tâm thắng thượng. Vì sao? Vì Bồ-tát kia đã chứng biết pháp giới bình đẳng, pháp môn thanh tịnh. Pháp giới như thế là cảnh giới của tham, sân, si. Pháp giới như thế là cảnh giới của tạp nhiễm. Cho nên pháp giới và tất cả pháp liên hệ lẫn nhau. Pháp giới tức là pháp. Pháp tức là pháp giới, không nơi chốn nào là không hiện bày. Nếu biết ngã giới tức là biết pháp giới, vì pháp giới và ngã giới chẳng khác nhau. Vì sao? Vì ngã thanh tịnh nên pháp giới thanh tịnh. Tất cả pháp đều thanh tịnh như vậy, nên ánh sáng hiển bày dung nạp thọ nhận cũng không dung nạp, thọ nhận, lìa tất cả tướng và vô tướng nên không có chỗ trụ, giống như hư không, gọi là trí vô ngại. Nhờ trí vô ngại nên hiểu rõ tất cả pháp không có chướng ngại. Đó là Bồ-tát tu hành trí tuệ giống như hư không.

Này thiện nam! Thế nào là Tùy niệm nơi Phật của Bồ-tát được Đức Phật ấn chứng? Là nhớ nghĩ về giới vô lậu tức là Tùy niệm nơi Phật về giới. Tất cả các pháp bình đẳng, không tán loạn, là Tùy niệm nơi Phật về định. Tất cả các pháp không có đối tượng phân biệt là Tùy niệm nơi Phật về tuệ. Không trụ nơi hai tâm là Tùy niệm nơi Phật về giải thoát. Không chấp vào Nhất thiết trí là Tùy niệm nơi Phật về giải thoát tri kiến. Ba đời bình đẳng, bất động là Tùy niệm nơi Phật về lực. Không trụ vào tất cả lậu hoặc là Tùy niệm nơi Phật về vô sở úy. Nhớ nghĩ đến thân tướng của Phật với tất cả các công đức hiện có như vậy đều là Tùy niệm nơi Phật theo pháp giới bình đẳng không có đối tượng phân biệt. Lại nữa, Tùy niệm nơi Phật là nhớ nghĩ đến tự tánh nơi các sắc tướng hiện có của Đức Phật là thanh tịnh. Do thấy tự tánh nơi các sắc tướng là thanh tịnh nên đạt được trí vô niệm. Cho đến thọ, tưởng, hành, thức, do thấy tự tánh của thức thanh tịnh nên đạt được trí vô niệm. Mười hai xứ, mười tám giới cũng vậy. Nhờ trí biết được tự tánh của hết thảy các pháp nên tất cả mọi tác ý đều là tuệ thù thắng bậc nhất , xa lìa mọi thứ kiến chấp, nên biết được sắc là không nhơ uế, niệm cũng không nhơ uế. Đó là Tùy niệm nơi Phật được Đức Phật ấn chứng. Lại nữa, Tùy niệm nơi Phật là nhớ nghĩ về tất cả oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi mà không chấp giữ, đối với việc Phật thuyết pháp hay im lặng, không chấp giữ, cũng không chấp niệm và chẳng phải niệm. Vì sao? Vì Phật là không có niệm, không tác ý, chẳng phải sắc, chẳng phải tướng, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, do sự duyên hợp của các tướng không hiện hành. Này thiện nam! Đó là Tùy niệm nơi Phật được Đức Phật ấn chứng.

Này thiện nam! Thế nào là Tùy niệm nơi pháp của Bồ-tát được Đức Phật ấn chứng? Pháp là lìa dục, vì đối với pháp tâm không cấu nhiễm, nên cũng không có sự tùy niệm của pháp. Pháp là không có A-lại-da, vì đối với pháp không ẩn mất, nên cũng không có sự tùy niệm của pháp. Pháp là tịch tĩnh, vì không có tâm, ý, thức bị nhiễm đắm nên cũng không có sự tùy niệm của pháp. Pháp là không hình tướng, vì đối với pháp không có tướng tùy thuộc nơi thức, nên cũng không có sự tùy niệm của pháp. Pháp là không tao tác, vì đối với pháp không trụ chấp, nêu bày, nên cũng không có pháp tùy niệm. Lại nữa, Tùy niệm nơi pháp là niệm không gián đoạn, không khởi tưởng về pháp, liền chứng đắc quả vị chân chánh và pháp Nhẫn vô sinh. Quán tất cả các pháp xưa nay không sinh, nên không có pháp để chứng, như quả vị của tất cả các bậc Hữu học, Vô học, Duyên giác, Bồ-tát, bậc Chánh đẳng Bồ-đề đã chứng, tất cả các pháp giải thoát mà các bậc Thánh đã chứng cũng không có tự tánh. Đó là Tùy niệm nơi pháp của Bồ-tát được Phật ấn chứng.

Này thiện nam! Thế nào là Tùy niệm nơi Tăng của Bồ-tát được

Phật ấn chứng? Tăng là vô vi, chư vị không thể dùng sự tạo tác để hành hóa, mà không hiện hành các nghiệp thân, miệng, ý, chỉ vì nhằm hiện bày mà có sự thực hành, nên gọi là Tăng vô vi, không trụ vào sự thực hành, vượt lên trên mọi sự luận bàn. Này thiện nam! Đó là Tùy niệm nơi Tăng của Bồ-tát được Phật ấn chứng.

Này thiện nam! Thế nào là Tùy niệm nơi xả được Phật ấn chứng? Nghĩa là xả bỏ tất cả các vật dụng trong đời sống, xả bỏ các pháp, cũng không có đối tượng để xả bỏ. Đó là xả bo bậc nhất. Đối với tất cả các pháp không lấy, không bỏ cũng không mong cầu, không có duyên dựa, cũng chẳng phải là không duyên dựa. Vị ấy, không khởi tâm, không có hành động, cũng không trụ nơi thức, không khởi tâm nên không chấp vào tâm. Đó là Tùy niệm nơi xả được Đức Phật ấn chứng. Lại nữa, Tùy niệm nơi xả của Bồ-tát là tu hành để hồi hướng đến Nhất thiết trí bình đẳng không thấy Bồ-đề là chỗ cần niệm. Vì sao? Vì tánh của Nhất thiết trí và tánh của Tùy niệm ấy vốn không hai. Này thiện nam! Như vậy, pháp và trí tương ưng. Đó là Tùy niệm nơi xả của Bồ-tát được Phật ấn chứng.

Này thiện nam! Thế nào là Tùy niệm nơi giới của Bồ-tát được Phật ấn chứng? Giới là vô vi, vô lậu, vô ngại, dứt hẳn mọi thứ dụng công để thành tựu tất cả giới cấm, không có thức, không có tướng, cũng chẳng trụ vào tâm để tu thiền định, là nơi nương tựa bậc nhất, cũng là nguồn gốc để phát sinh tuệ thanh tịnh, xa lìa tướng hý luận và tướng giải thoát, cũng không có hai thứ tướng phân biệt. Bậc trí khen ngợi thì không cần hiện bày nơi sắc tướng, cũng không hiện bày mà có thể dứt trừ phiền não, tùy theo hạnh được an lạc, cũng không đối trị tất cả các phân biệt. Bồ-tát thường tu tập về giới, không nhơ uế như vậy. Đó là Tùy niệm nơi giới của Bồ-tát được Phật ấn chứng.

Này thiện nam! Thế nào là Tùy niệm nơi Thiện của Bồ-tát được Phật ấn chứng? Nên tùy niệm về hai cõi trời. Một là trời Ngũ tịnh cư, vì nơi cõi ấy có các bậc Thánh. Hai là trời Đâu-suất, vì hàng Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ hiện ở cõi trời này. Lại nữa, bậc Bo-tát Nhất sinh bổ xứ này, ở cung trời ấy có mười pháp Đảnh. Những gì là mười? Nghĩa là trong tất cả các Ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật là cao nhất. Trong hết thảy các thần thông, thần thông bất thoái là cao nhất. Trong tất cả các địa, chỉ có địa quán đảnh là cao nhất. Trong hết thảy các pháp phần Bồ-đề, chánh kiến bất thoái đạt định thù thắng là cao nhất. Trong tất cả các biện vô ngại, biện tài vô ngại về nghĩa là cao nhất. Trong hết thảy các trí, trí không chấp trước, không chướng ngại là cao nhất. Trong tất cả các căn, trí vô ngại nhận biết được bậc thượng, trung, hạ của các căn là cao nhất. Trong hết thảy các lực vô úy, trí thuận nhập sáng tỏ khắp mọi nơi chốn là cao nhất. Trong hết thảy các thứ nhãn, Phật nhãn quan sát tất cả các pháp Phật rõ ràng như trong bàn tay là cao nhất. Trong khi ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề, tâm trong sát-na sắp thành Chánh giác, tương ưng với chân chánh là cao nhất. Đó là mười tướng của pháp đảnh, hãy nên theo đấy mà nhớ nghĩ. Nếu Bồ-tát được niệm này rồi, sự nhận thức không loạn động, không bị phiền não trói buộc, không tán loạn do tác ý, hý luận, không tán loạn như vậy thì niệm không nhơ uế. Hãy nên nhớ nghĩ về các cõi trời ấy như vậy. Này thiện nam! Đó là Tùy niệm nơi Thiên của Bồ-tát được Phật ấn chứng.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát thực hành các hạnh bình đẳng đối với Niết-bàn? Niết-bàn là tịch tĩnh, nếu diệt trừ tất cả các phiền não, hết thảy mọi sự thọ nhận, xa lìa tất cả đối tượng được duyên, ra khỏi uẩn, xứ, giới thì vị ấy đạt được sự bình đẳng của Niết-bàn. Dùng diệu lực của thệ nguyện, tâm Từ bi tự tại và trí tuệ phương tiện nên được sự hộ trì của Như Lai, khéo tu tập ý lạc trí tuệ, an trú thanh tịnh nơi thiền định diệu dụng như huyễn, biết rõ về sinh tử, phiền não của chúng sinh đều như huyễn hóa nên thị hiện thọ sinh. Do đấy có thể đoạn trừ các trói buộc của sinh tử mà không bị nhiễm ô. Đó gọi là Niết-bàn. Vị ấy đã được tự tại, chẳng sinh mà sinh, không có chỗ nào là không sinh, cũng chẳng có đối tượng được sinh, thường an trú trong Niết-bàn mà cũng không dứt bỏ sinh tử, luôn tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh. Này thiện nam! Đó là hai môn trí tuệ, phương tiện đại Bi của Bồ-tát. Nếu Bồ-tát an tru nơi hai môn này đạt được Niết-bàn, thực hành bình đẳng hạnh Bồ-tát.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát biết rõ hành tướng của tất cả chúng sinh? Này thiện nam! Bồ-tát có tám vạn bốn ngàn hạnh, đây là hạnh căn bản. Nơi câu Ô-đà-nam nói hành tướng của chúng sinh có vô lượng sự sai khác, không thể nghĩ bàn, không thể nêu bày, chỉ có Phật mới biết được, hành Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đều không thể thấu đạt. Nhờ sự gia hộ của Phật và trí lực của bản thân, Bồ-tát biết được hành tướng của tất cả chúng sinh. Nghĩa là tướng của tự tánh như vậy, hành tướng như vậy, tướng của nhân như vậy, tướng của duyên như vậy, tướng tạo tác như vậy, tướng hòa hợp như vậy hoặc vô số các tướng, tướng xa lìa, các tướng tham, sân, si, tướng địa ngục, súc sinh, tướng của cõi Diễm-ma, tướng trời, tướng người, hoặc tướng của quả vị Thanh văn Bất thoái chuyển, tướng Duyên giác Bất thoái chuyển, tướng Phật Bất thoái chuyển, hoặc tướng nhân từ xa, tướng nhân ở trong, tướng nhân ở gần… các hành tướng của tất cả chúng sinh như thế, Bồ-tát đều biết đúng như thật, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí là Bồ-tát không thể thấu tỏ. Này thiện nam! Đó là Bồ-tát biết rõ về tánh tướng của tất cả chúng sinh.

Bài Viết Liên Quan

Kinh Trung Bộ

098. Kinh Vāsettha (Vāsettha sutta)

KINH TRUNG BỘ Majjhima Nikāya Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch   98. Kinh Vàsettha (Vàsettha sutta)   Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Icchanankala (Y-xa-năng -gia-la), tại khu rừng Icchanankala. Lúc bấy giờ có rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và...
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng

Tứ Phần Luật - Quyển 4

四Tứ 分Phần 律Luật Quyển 4 姚Diêu 秦Tần 佛Phật 陀Đà 耶Da 舍Xá 共Cộng 竺Trúc 佛Phật 念Niệm 等Đẳng 譯Dịch 四Tứ 分Phần/phân 律Luật 卷quyển 第đệ 四tứ (# 初sơ 分phân 之chi 四tứ )# 姚Diêu 秦Tần 罽kế 賓tân 三tam 藏tạng 佛Phật 陀Đà 耶da 舍xá 共cộng 竺trúc 佛Phật 念niệm 等đẳng 譯dịch...
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Giải - ht tịnh không

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký Tập 39

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không Thời gian: Tháng 05, năm 1998 Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu   TẬP 39 Mời mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang 23, chúng ta...
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng, Đại Tạng Kinh, Đại Tạng Phiên Âm (Nguyên Thuận)

Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận - Quyển 11

新Tân 華Hoa 嚴Nghiêm 經Kinh 論Luận Quyển 11 唐Đường 李 通Thông 玄Huyền 撰Soạn 新Tân 華Hoa 嚴Nghiêm 經Kinh 論Luận 卷quyển 第đệ 十thập 一nhất 長trưởng 者giả 李# 通thông 玄huyền 撰soạn 第đệ 三tam 從tùng 主chủ 稼giá 神thần 以dĩ 下hạ 。 至chí 主chủ 晝trú 神thần 。 此thử 十thập 眾chúng 神thần...
2035

Phật Tổ Thống Kỷ Quyển 13

PHẬT TỔ THỐNG KỶ Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh   QUYỂN 13 PHẦN 3 * Nối pháp ngài Quảng Trí Pháp sư (đời thứ hai gồm có:) Thần...
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng

Biệt Dịch Tạp A Hàm Kinh - Quyển 16

別Biệt 譯Dịch 雜Tạp 阿A 含Hàm 經Kinh Quyển 16 失Thất 譯Dịch 別Biệt 譯Dịch 雜Tạp 阿A 含Hàm 經Kinh 卷quyển 第đệ 十thập 六lục 失thất 譯dịch 人nhân 名danh 。 今kim 附phụ 秦Tần 錄lục 。 爾nhĩ 時thời 世Thế 尊Tôn 。 在tại 毘Tỳ 舍Xá 離Ly 。 獼Mi 猴Hầu 陂bi 岸ngạn 。...