KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Sa-môn Bất Không
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát khéo biết rõ về phép tắc tu hành để xa lìa chỗ tối tăm, đạt được sự sáng suốt, không nhờ người khác mà được trí tự nhiên, mau đạt đến trí Nhất thiết trí của Đại thừa?

Này thiện nam! Nếu Bồ-tát đối với sự thực hành phép tắc về tất cả các hạnh mà không thoái lui, không lay động thì đạt được sự sáng suốt, gọi là sự sáng suốt về “trí tuệ tự nhiên của chánh pháp”, cũng gọi là “Trí đối với pháp không chướng ngại”, có thể xa lìa chốn tối tăm đạt được sự sáng suốt, không nhờ người khác mà đạt được trí tự nhiên. Vì sao? Vì khi Bồ-tát ấy trụ vào chỗ sáng tỏ của trí tự nhiên thì chiếu soi rõ ràng, quyết định đối với hữu tình và đối với pháp ấy, không nhờ vào người khác, mau chóng đạt được trí Nhất thiết trí.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Bậc trí giải thoát các kiến chấp
Đầy đủ phước đức trong sinh tử
Trụ vào thiền định, lìa các tướng
Hồi hướng Bồ-đề không cùng tận.
Đầy đủ hành trang Nhất thiết trí
Trí vô biên, tánh tựa hư không
Không có sắc, tướng, không có pháp
Thì đạt đầy đủ Nhất thiết trí.
Nên niệm Phật vượt qua sinh tử
Tâm ý vị ấy không tán loạn
Không chấp sắc tướng và dòng họ
Như vậy gọi là niệm Như Lai.
Thể tánh các pháp lìa tham dục
Trong lặng, tịch tĩnh thường vô tướng
Nếu xa lìa đối tượng duyên dựa
Như vậy mới chính là niệm pháp.
Vô vi, chẳng nhiễm, thường giải thoát
Như vậy gọi là niệm Tăng-già
Tất cả của cải và vật dạng
Đều đem bố thí không tham đắm.
Thanh tịnh, không tư duy, phân biệt
Như vậy gọi là niệm về xả
Giới vô vi không còn lậu, hoặc
Lìa thân, miệng, ý chẳng đổi dời.
Chẳng sinh ba cõi, không chỗ nương
Là chánh niệm về giới vô lậu
Chư Thiên Tịnh cư thể trong sạch
Ở trời Đâu-suất nối Pháp vương.
Như vậy là niệm thiên thanh tịnh
Chẳng bao lâu nữa, ta cũng vậy
Nếu giữ gìn chánh pháp của Phật
Không nên chấp giữ tạo phiền não.
Pháp và phi pháp đều giải thoát
Đó là giữ gìn pháp chư Phật
Như Phật đã chứng tướng Bồ-đề
Giữ gìn pháp ấy cũng như vậy.
Biết được “bản tế” không cấu nhiễm
Đó là giữ gìn pháp chư Phật
Ngã thanh tịnh, nên chúng sinh tịnh
Bậc trí tu hành pháp thanh tịnh.
Biết tâm chúng sinh luôn trong lành
Nhờ hành như vậy để thành tựu
Chẳng làm đoạn diệt cõi hữu tình
Cũng chẳng thấy có tăng hay giảm.
Vì họ thuyết pháp, trừ kiến chấp
Độ vô lượng chúng được thanh tịnh
Nên nói các cảnh giới thế gian
Chẳng khác với cảnh giới Như Lai.
Cảnh giới của Phật như hư không
Cảnh giới thế gian cũng như vậy
Tất cả ngôn ngữ và văn tự
Đều như tiếng vang nơi hang rỗng.
Trong ấy chẳng có đối tượng nghe
Như vậy là đã đạt “Tổng trì”
Thọ giữ, tu tập và đọc tung
Giảng nói hết ý nghĩa các pháp.
Không có ngã, nhân và tướng pháp
Đó là an trụ Đà-la-ni
Giữ gìn tất cả pháp chư Phật
Khéo giảng nói, người nghe hoan hỷ.
Chánh niệm chẳng rời Tam-ma-địa
Do đấy nhất định được “Tổng trì”
Tâm không loạn động đối với pháp
Cũng không nghi hoặc ở nơi pháp.
Giống như Long vương tuôn mưa lớn
Vị ấy thuyết pháp cũng như thế
Không còn vướng buộc chẳng chướng ngại
Có thể nói ngàn ức kinh điển.
Chẳng có phap tưởng về chúng sinh
Được biện tài, công đức thù thắng
Nương oai thần Phật nói diệu pháp
Trong ngàn ức kiếp luôn thuận hợp.
Khiến tâm chúng sinh thường hoan hỷ
An trụ biện tài, công Đức Phật
Nếu biết nghĩa lý tất cả pháp
Thể tánh đều giống như hư không.
Chẳng có người, mạng và thọ quả
Đó là giữ gìn chánh pháp Phật
Bản tánh chúng sinh đều tịch tĩnh
Các pháp rốt ráo vốn không sinh.
Cảnh giới Ta-bà chẳng nhơ, sạch
Được vậy gọi là không buông lung
Quán thấy các uẩn đều như huyễn
Tức thấy tánh chân thật các pháp.
Rõ sáu xứ cũng như cõi vắng
Có thể vượt qua ma năm uẩn
Như mây nổi lên giữa không trung
Tất cả lậu hoặc cũng như vậy.
Siêng nang quan sát lý chân chánh
Thì vượt qua được ma phiền não
Nếu biết vô sinh thường chẳng sinh
Thì biết tịch diệt cũng chẳng diệt.
Pháp không quá khứ và vị lai
Chắc chắn không bị tử ma hại
Chẳng động, chẳng tư duy nơi pháp
Chẳng trụ Bồ-đề, tưởng giác ngộ.
Khởi tâm cứu giúp, không ngã, nhân
Quyến thuộc thiên ma bị hàng phục
Thấy thức và trí đều bình đẳng
Chẳng trụ vô vi và hữu vi.
Biết thế gian tâm như huyễn hóa
Gọi là dũng mãnh, kho khuất phục
Không còn chấp giữ nơi bờ giác
Nói pháp, tu tập đều tương ưng.
Độ chúng sinh, chẳng tưởng có nhân
Đó là bậc thầy của Bồ-tát
Quán xét ba cõi như đồng trống
Cũng như tánh không, chẳng đổi dời.
Không còn đường hướng, người cứu giúp
Đó là đại thương chủ thuyết pháp
Khéo giảng pháp hữu, vô, chân thật
Biết pháp xưa nay thường thanh tịnh.
Bi và lý tịch diệt tương ưng
Gọi là bậc Thầy của Bồ-tát
Tâm lưu chuyển trước sau nối tiếp
Hai tâm như vậy, không hòa hợp.
Rõ tánh của tâm là thay đổi
Là sự dũng mãnh của Bồ-tát
Thấu tánh các pháp vốn thanh tịnh
Như trăng đáy nước, như hư không.
Chẳng đắm nhiễm nơi các phiền não
Bồ-tát thanh tịnh thường khen ngợi
Nếu biết một pháp, đồng các pháp
Như huyễn, dợn nắng, không chấp thủ.
Hư vọng, vắng lặng, chẳng thường còn
Người ấy sẽ mau thành Chánh giác.

Khi Đức Phật giảng nói pháp môn quyết định này, có bảy vạn hai ngàn na-do-tha hàng Trời, Người, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ba vạn hai ngàn Bồ-tát đạt được pháp Nhẫn vô sinh, tam thiên đại thiên thế giới chấn động đủ sáu cách, ánh sáng lớn chiếu soi, trăm ngàn chư Thiên rải đủ các loại hoa xuống như mưa, trổi lên các loại âm nhạc để cúng dường, nêu kệ để khen ngợi. Vì các chúng sinh này đã được Như Lai dùng pháp ấn để ấn chứng, nên nếu người nào nghe pháp môn ấy thì sẽ phát sinh sự hiểu biết thù thắng, thọ trì, diễn nói, nếu theo đúng như pháp mà tu hành Nhất thiết trí thì ở nơi cõi Phật này, nên cung kính lễ bái để tự trang nghiêm. Vì sao? Vì Phật Thế Ton xuất hiện ở đời để diễn nói pháp môn quyết định bí mật này cho chúng ta nghe, chẳng phải vì sự thấy nghe của các chúng sinh khác.

Bấy giờ, Bồ-tát Đại Hư Không Tạng nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp này xong, liền đạt được sáu pháp môn thiền định thanh tịnh, Bồ-tát dùng lưới báu ma ni giá trị bằng tam thiên thế giới che trên Đức Phật để cúng dường, rồi chắp tay, nhất tâm thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay, Như Lai đã dùng trí vô ngại quan sát khéo léo hết căn tánh nơi tất cả chúng sinh, để diễn nói ý nghĩa sâu xa của pháp không hề chướng ngại, do đấy mà chúng hội đều rất hoan hỷ, khen ngợi Đại thừa.

Khi ấy, các Bồ-tát khắp mười phương thế giới vân tập đến hiện có mặt trong chúng hội đều phóng ra ánh sáng, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nhờ Như Lai thuyết giảng pháp môn này, chúng con được lãnh hội, khiến cho tất cả đều rất vui thích và hoan hỷ.

Bấy giờ, trong chúng hội có vị Đại Bồ-tát tên Tấn Biện hỏi Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thưa Đại sĩ! Tên Đại sĩ là kho tàng như hư không, vậy Đại sĩ dùng hư không làm kho tàng hay sao? Bồ-tát Đại Hư Không Tạng đáp:

–Thưa Nhân giả! Tôi cũng là hư không mà cũng chính là kho tàng.

–Thưa Đại sĩ! Tôi muốn được thấy tướng sai biệt về kho tàng như hư không của Đại sĩ.

–Thưa Nhân giả! Nếu tâm của Nhân giả suy nghĩ về vật gì thì tôi sẽ vì Nhân giả làm cho trong hư không rưới xuong vật ấy.

Bồ-tát Tấn Biện nói:

–Thuở xưa, tôi đã từng thấy trong thế giới Liên hoa trang nghiêm của Đức Như Lai Ư-ba-la Cát Tường có hoa sen Nhất thiết quang minh biến chiếu. Hoa ấy lớn khoảng một câu-lô-xá, có hàng ngàn cánh tỏa hương thanh khiết, mềm mại như bông Ca-chỉ-lật-na, khi thân chạm vào có cảm giác rất dễ chịu, hương bay ngào ngạt khắp vô số trăm ngàn thế giới, Bồ-tát trong cõi ấy nghe hương thơm hoặc thấy hoa đều liền đạt Định. Cúi xin Nhân giả vì chúng hội này mà rưới xuống hoa ấy.

Bấy giờ, Bồ-tát Tấn Biện nhất tâm thanh tịnh, thời gian chưa bao lâu, Bồ-tát Đại Hư Không Tạng dùng diệu lực nơi thần thông, cùng uy lực nơi sự gia hộ của chư Phật, lập tức trong hư không rưới xuống loại hoa như vậy. Khi chúng hội thấy hoa ấy, vị nào cũng đạt được chánh định Ái lạc hoa, sau khi xuất định, họ đều đồng thanh khen ngợi Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Lành thay, lành thay! Thưa Đại sĩ, nhờ uy lực nơi trí tuệ của Đại sĩ gia hộ mà tất cả chúng sinh đều đạt được năng lực như vậy.

Lúc này, trong chúng hội có Bồ-tát Bảo Trang Nghiêm thưa Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thưa Đại sĩ! Xin Đại sĩ vì tôi và các chúng sinh mà từ nơi không trung rưới xuống bột vàng.

Chưa dứt lời thì từ không trung có vô số bột vàng tuôn xuống như mưa. Bồ-tát Bảo Trang Nghiêm lại thưa:

–Xin rưới xuống tất cả các loại châu báu.

Chưa dứt lơi, lại có vô lượng, vô số các vật báu, ngọc báu ma ni đủ tên gọi và màu sắc, rưới xuống như mưa, như vàng, bạc, pha lê, lưu ly, mã não, xích châu, ngọc báu mâu-sa-la, ngọc báu cát tường, kế-ta-la vô cấu, nguyệt quang, nhật quang, chiếu diệu; ngọc báu châu thắng, Thiệm-bộ quang, hỏa quang, xa cừ, ngọc bích, san hô, ngọc đế thanh, đức tạng, tịch tĩnh quang, trừng thanh trược thủy; ngọc báu bất hoại quang minh, kiến lập nhãn, toàn chuyển, Thích-ca lăng-già; ngọc báu thắng, đại thắng, oai đức xí thạnh, cát tường tạng vương; ngọc báu kim cương nhị, thế quang, quang vị, trì quang bán nguyệt, ngọc báu Thiệm-bộ đàn, Thiệm-bộ châu quang, thiên quang, cử hỏa quang, thắng trang nghiêm; ngọc báu tức nhiệt, vô nhiệt não, trừ bệnh; ngọc báu tịnh nhãn, tịnh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; ngọc báu chiếu diệu chi, chiếu diệu, thanh quang, huỳnh quang; ngọc báu pha-oai-ca, bạch pha-chỉ-ca và lưới báu. Nói tom lại, còn vô số loại báu khác cũng tuôn xuống, tên gọi của vô biên các loại báu như vậy, nếu nói trong một kiếp cũng không thể hết được.

Bấy giờ, lại có Bồ-tát Thời Vương thưa Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thưa Đại sĩ! Thế giới Ta-bà này có vô lượng chúng sinh chịu nhiều khổ não, bần cùng, đói khát, không có đồ ăn thức uống, quần áo rách rưới, bao kẻ không có y phục che thân. Và các loại ngạ quỷ đói khát, tóc dài phủ thân, luôn nghĩ đến đàm dãi, máu mủ. Xin Đại sĩ thương xót các chúng sinh như vậy mà rưới xuống vô số các thứ y phục, thức ăn để cứu giúp họ.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Hư Không Tạng nhờ diệu lực gia hộ của chư Phật, giữa hư không mưa xuống đủ loại đồ ăn thức uống và nhiều y phục khác nhau, đủ trăm ngàn màu sắc, vô lượng, vô biên không thể đếm kể, đều là loại tốt đẹp bậc nhất, mềm mại hơn cả loại tơ Ca-chi-lật-na, khi thân xúc chạm có cảm giác rất dễ chịu. Tất cả chúng sinh bần cùng, côi cút và loài ngạ quỷ trong tam thiên đại thiên thế giới, nhờ đồ ăn thức uống và y phục tốt đẹp này nên đều được no đủ.

Bấy giờ, trong chúng hội lại có Bồ-tát tên Y Vương, thưa Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thưa Đại sĩ! Trong thế giới này có vô lượng chúng sinh mắc nhiều bệnh tật, lại không có người thân săn sóc, nên bệnh kéo dài triền miên, chịu nhiều đau khổ. Xin Đại sĩ vì các chúng sinh như vậy rưới xuống thuốc hay làm cho bệnh tật của họ đều được tiêu trừ. Chưa dứt lời, lập tức trong hư không mưa xuống vô lượng thuốc cam lộ vi diệu, nhờ thuốc này mà tất cả những người bệnh uống vào đều được bình phục.

Lại có Bồ-tát tên Tồi Ác Thú thưa Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thưa Đại sĩ! Xin Đại sĩ vì lòng Từ bi mà dứt trừ đau khổ cùng cực trong ba đường ác cho tất cả chúng sinh.

Chưa dứt lời, lập tức ở giữa hư không phóng ra ánh sáng lớn chiếu đến các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, khiến cho các chúng sinh trong các cõi đó không còn đau khổ, được an lạc. Lại ở trong hư không mưa xuống các loại vòng hoa, hương xoa, hương bột, phướn, lọng, đèn, đuốc, âm nhạc, nô tỳ, thê thiếp, đồng nam, đồng nữ, voi ngựa, xe cộ, nhà cửa, thành quách, thôn ấp, làng xóm, cõi nước, cung điện, lâu đài, vườn hoa, cửa sổ, giường chiếu, xe kiệu, xe bốn bò kéo, mười sáu bò kéo cho đến loại xe có ngàn bò kéo, đều từ hư không tuôn xuống như mưa, tất cả đều nhờ diệu lực gia hộ của Bồ-tát Đại Hư Không Tạng.

Bồ-tát lại bảo đại chúng:

–Này thiện nam! Các ông hãy tùy ý lấy những vật dụng trên để bố thí, sẽ khiến cho chư vi thực hiện đầy đủ Bố thí ba-la-mật.

Lại có Bồ-tát tên là Giới Trang Nghiêm thưa Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thưa Đại sĩ! Đại sĩ đã rưới xuống Bố thí ba-la-mật, sao lại không rưới xuống Giới ba-la-mật?

Chưa dứt lời, lập tức chư Phật và các Bồ-tát trong mười phương đều cùng khen ngợi công đức trang nghiêm của Giới ba-lamật. Từ hư không, phát ra tiếng khen ngợi công đức trang nghiêm của giới và tiếng khen ngợi công đức trang nghiêm của Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ ba-la-mật cũng vậy. Lại nghe trăm ngàn bài kệ của chư Phật, Bồ-tát khen ngợi các pháp không tăng không giảm, nhờ pháp âm này mà thức tỉnh tam thiên đại thiên thế giới, làm cho vô lượng, vô số chúng sinh tu học về ba thừa đều được thành tựu.

Lại có Bồ-tát tên Phổ Biến Quang Minh thưa Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thưa Đại sĩ! Kho tàng hư không của Đại sĩ chỉ thị hiện để làm lợi ích cho chúng sinh trong thế giới này hay cũng có thể thị hiện những việc như vậy ở các thế giới khác?

Bồ-tát Đại Hư Không Tạng nói:

–Thưa Nhân giả! Nhân giả đã đạt được Thiên nhãn vi diệu thanh tịnh, hãy quan sát thế giới của chư Phật khắp mười phương thì sẽ thấy được những vật gì?

Khi Bồ-tát Đại Hư Không Tạng nói xong, Bồ-tát Phổ Biến Quang Minh liền dùng Thiên nhãn quan sát, thấy vô lượng, vô số thế giới khắp mười phương đã mưa xuống các vật báu, đồ ăn thức uống, y phục như ở cõi này không hề giảm bớt. Lại nghe trong hư không phát ra tất cả pháp âm vi diệu cũng không tăng không giảm.

Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Biến Quang Minh thấy như thế rồi, khen là điều kỳ diệu chưa từng có, liền dùng kệ để khen ngợi Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thật không thể nghĩ bàn, không thể suy lường được! Nhân giả

đã thể hiện vô số vật báu như vậy khắp tất cả các thế giới. Xin Nhân giả dùng diệu lực nơi thần thông của Phật và năng lực hộ trì của Nhân giả, khiến cho chúng hội này và tất cả chúng sinh trong những thế giới khác đều được thấy các loại báu như vậy, cùng được nghe pháp âm trong hư không.

Vừa dứt lời, Bồ-tát Đại Hư Không Tạng liền rưới xuống đủ loại báu, làm cho chúng hội và tất cả chúng sinh ở các cõi nước khác đều được thấy, họ đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, có năm trăm quả phụ ở thành Vương xá cùng đến chỗ Bồ-tát Đại Hư Không Tạng thưa:

–Chúng con nghe Đại sĩ có thể làm cho tất cả chúng sinh đều mãn nguyện. Hôm nay, chồng của chúng con đều đã qua đời, nhưng không biết là đi về đâu. Xin Đại sĩ chỉ bày cho chúng con được thấy.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Hư Không Tạng vì năm trăm quả phụ, liền vận dụng năng lực thần thông hiện ra tất cả hình tướng những người chồng của họ ở trước mặt mình, rồi bảo:

–Này các vị! Hãy xem đây có phải là chồng của các vị hay không?

Lúc này, tất cả các quả phụ đều được thấy chồng của mình nên buồn vui lẫn lộn. Những người chồng ấy đều theo họ trở về nhà, trong bảy ngày, vì những quả phụ mà thuyết pháp, làm cho họ đều được hiểu rõ, phát tâm Vô thượng Bồ-đề, trụ ở bậc Bất thoái chuyển. Năm trăm quả phụ cùng đến chỗ Bồ-tát Đại Hư Không Tạng, nhất tâm đồng thanh dùng kệ khen:

Chúng con đã biết tướng của pháp
Là huyễn hóa, tánh như hư không
Ngài vì chúng con, thị hiện chồng
Chúng con thành tựu pháp thù thắng.
Vì các pháp này đều biến hóa
Vốn không, không tâm, chẳng lay động
Nhờ đấy thông đạt pháp vô lậu
Vĩnh viễn không còn các phiền não.
Cho nên đều phát tâm Bồ-đề
Nguyện muốn cứu giúp các chúng sinh
Mong Bồ-tát thọ ký chúng con
Sẽ được thành Phật độ muôn loài.
Đồng hiệu Thiện Điều của Như Lai
Nhiều đời ve sau tu các hạnh
Chúng con được mưa diệu pháp này
Vì thế xưng tán đại Đạo sư.

Bấy giờ, lại có năm trăm người đàn ông sắp bị giặc giết hại, liền nghe trong hư không có tiếng nói:

–Các ông nên biết! Có Bồ-tát tên là Đại Hư Không Tạng có thể ban sự không sợ hãi cho các chúng sinh sợ hãi. Các ông nên đến cúi đầu quy y thì chắc chắn sẽ không bị hại.

Khi đó, vì lo sợ nên họ cùng nhau nhất tâm đồng thanh thưa:

–Kính lễ Bồ-tát Đại Hư Không Tạng.

Khi những người kia thưa nói xong, Bồ-tát Đại Hư Không Tạng liền hóa ra năm trăm người từ hư không xuống đứng trước những người kia, rồi nói với giặc:

–Giết hại những người nghèo khổ đó làm gì? Thà giết chúng tôi đây còn hơn. Chúng tôi sẽ cho các ông y phục, chuỗi ngọc và các vật cần dùng để được đầy đủ.

Lúc ấy, giặc liền giết những người được biến hóa. Năm trăm người đàn ông kia đều không còn sợ hãi, liền được an ổn, cùng nhau đến chỗ Bồ-tát Đại Hư Không Tạng, cung kính chắp tay, đảnh lễ dưới chân, thưa:

–Hôm nay, nhờ Đại sư mà chúng con được bảo toàn tánh mạng, nên đến đảnh lễ, không biết lấy gì để đền đáp ân rộng lớn của Bồ-tát. Cúi xin Bồ-tát vì chúng con mà nói pháp vi diệu, chúng con sẽ cùng nhau thọ trì để được thành tựu hai hạnh lợi ích.

Bấy giờ, Bồ-tát Đại Hư Không Tạng nói:

–Này thiện nam! Các ông đã không còn sợ hãi, hãy nên phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì được thành tựu tự lợi và lợi tha.

Bồ-tát nói xong, đồng thời họ đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại từ mình đem y phục hảo hạng giá trị hàng trăm ngàn, dâng lên cúng dường Bồ-tát Đại Hư Không Tạng. Cúng dường xong, họ liền cúng dường tất cả chư Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đều thọ ký cho họ. Trải qua vô lượng kiếp ở đời vị lai, tu các pháp phần Bồ-đề xong, sẽ được thành Phật, đều có danh hiệu là Vô Bố Úy Như Lai là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi Tử thưa Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Thưa Nhân giả! Nhân giả đạt được kho tàng như hư không này, đến nay đã được bao lâu rồi mà không khô cạn, chu cấp cho tất cả mà không hề cùng tận?

Bồ-tát Đại Hư Không Tạng đáp:

–Ý của Đại đức thì sao? Đâu có hư không nào mà khô cạn!

–Không phải thế, thưa Đại sĩ!

–Như vậy, thưa Đại đức Xá-lợi Tử! Tự tánh của hư không là không cùng tận, công đức, căn lành hiện có của tôi cũng vậy. Vì sao? Vì tôi là Bồ-đề, nên trong vô lượng kiếp đã tích chứa vô lượng, vô biên căn lành, đều hồi hướng không cùng tận như hư không, cho nên, chu cấp không thể hết được. Như Đại đức đã nói, trong hư không này, tôi đã thiết lập kho tàng trải qua bao lâu thì thời gian từ khi tôi phát tâm Bồ-đề đến nay, kho tàng trong hư không ấy cũng lâu gần bằng vậy.

–Nhân giả phát tâm Bồ-đề bao lâu rồi?

–Đức Phật Thế Tôn biết thời gian ấy là gần hay xa.

Tôn giả Xá-lợi Tử liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Đại Hư Không Tạng đã phát tâm Bồ-đề bao lâu rồi?

–Này thiện nam! Nếu ta nói đầy đủ thì hàng trời, người nghe rồi đều nghi ngờ.

Tôn giả Xá-lợi Tử thưa:

–Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin rũ lòng thương vì con mà khai thị. Trong hội này có vô lượng chúng cũng đều khát ngưỡng. Cúi xin giảng dạy khiến tất cả đều được lòng tin thanh tịnh.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi Tử:

–Ví như vi trần trong hằng hà sa số thế giới, mỗi vi trần là một kiếp, lấy số vi trần kiếp ấy làm một lạc-xoa (mười vạn), lại có vô lượng ức lạc-xoa số kiếp như vi trần, lấy hết số kiếp như vi trần ấy, thời gian Bồ-tát Đại Hư Không Tạng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đến nay bằng số kiếp trên.

Tôn giả Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Đại Hư Không Tạng lúc mới phát tâm đã gặp những Đức Phật nào?

Đức Phật nói:

–Lúc ấy, Đức Phật xuất hiện ở đời, danh hiệu là Nhất Thiết Thắng Nguyện Bảo Oai Đức Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thế giới tên là Hiện nhất thiết Phật sát, kiếp tên là Bảo trang nghiêm.

Này Xá-lợi Tử! Thế giới Hiện nhất thiết Phật sát đã thành tựu vô số công đức trang nghiêm dù ta dùng thọ mạng một kiếp cũng không thể nói hết.

Này Xá-lợi Tử! Đạo tràng của Đức Phật ấy đã ngồi, rộng hàng ngàn thế giới, lại có chúng Bồ-tát không thể tính kể làm quyến thuộc.

Này Xá-lợi Tử! Bấy giờ, trong thế giới đó có vua Chuyển luân tên là Nhất Thiết Thiên Quán Đảnh Vương cai trị tam thiên đại thiên thế giới. Nhà vua lại có kho báu không thể nghĩ bàn, có ba vạn sáu ngàn người con, tất cả đều là hóa sinh, có oai đức lớn. Thế giới của Đức Phật kia không có tên người nữ.

Này Xá-lợi Tử! Đức Phật ấy thọ mạng trăm ngàn kiếp, vua Nhất Thiết Thiên Quán Đảnh trải qua bốn mươi kiếp luôn phụng sự Đức Phật. Trong một ngày, nhà vua dùng ngàn ức vật dụng hảo hạng, chất cao như núi Tu-di để cúng dường, nên phước đức đã tích tập không thể nghĩ bàn. Các con và quyến thuộc của vua đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi Tử! Vua Nhất Thiết Thiên Quán Đảnh lúc đó, ông đừng nghĩ là ai khác, nay chính là Bồ-tát Đại Hư Không Tạng này.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu! Bồ-tát Đại Hư Không Tạng mặc áo giáp không thể nghĩ bàn, cho đến an trú trong Đại thừa, từ lâu xa mới có thể chứng đắc pháp hành oai đức như vậy.

Đức Phật nói:

–Này Tôn giả Xa-lợi Tử! Bồ-tát Đại Hư Không Tạng đã cúng dường vô lượng hằng hà sa số các Đức Phật, ở các cõi Phật ấy tu tâm Bồ-đề thanh tịnh, nơi hằng hà sa số các cõi Phật, tâm Bồ-đề luôn thanh tịnh nên chí nguyện thanh tịnh. Hằng hà sa số chí nguyện thanh tịnh nên gia hạnh thanh tịnh. Hằng hà sa số gia hạnh thanh tịnh nên chí nguyện lớn mạnh thanh tịnh. Hằng hà sa số chí nguyện lớn mạnh thanh tịnh nên Bố thí ba-la-mật thanh tịnh. Hằng hà sa số Bố thí ba-la-mật thanh tịnh nên Trì giới ba-la-mật thanh tịnh. Hằng hà sa số Trì giới ba-la-mật thanh tịnh nên Nhẫn nhục ba-la-mật thanh tịnh. Hằng hà sa số Nhẫn nhục ba-la-mật thanh tịnh nên Tinh tấn ba-la-mật thanh tịnh. Hằng hà sa số Tinh tấn ba-la-mật thanh tịnh nên Thiền định ba-la-mật thanh tịnh. Hằng hà sa số Thiền định ba-la-mật thanh tịnh nên Trí tuệ ba-la-mật thanh tịnh. Hằng hà sa số Trí tuệ ba-la-mật thanh tịnh nên Phương tiện ba-la-mật thanh tịnh. Hằng hà sa số Phương tiện ba-la-mật thanh tịnh nên tâm vô ngại, ánh sáng vô ngại đối với tất cả chúng sinh được thanh tịnh. Hằng hà sa số tâm vô ngại, ánh sáng vô ngại đối với tất cả chúng sinh được thanh tịnh nên lòng đại Từ thanh tịnh… cho đến đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, trí đại thần thông, thân, miệng, ý thanh tịnh. Do hằng hà sa số tâm ý thanh tịnh nên một tướng đại nhân thanh tịnh, diễn nói rộng rãi ba mươi hai tướng đại nhân như vậy, cho đến tất cả các tướng đại nhân, các căn lành đều thanh tịnh nên kho tàng hư không thanh tịnh… Này Tôn giả Xá-lợiphất! Do đó, Bồ-tát Đại Hư Không Tạng có thể thị hiện hết thảy các hạnh Bồ-tát như hư không.

Này Tôn giả Xá-lợi Tư! Ví như hư không không cùng tận, tất cả các hạnh nguyện thanh tịnh của Bồ-tát này cũng không cùng tận như vậy. Vì thế, gọi là kho tàng như hư không.

Khi Đức Phật nói pháp này xong, trong chúng hội có một vạn Bồ-tát đạt các nguyện nhẫn đầy đủ như vô số châu báu trong kho tàng hư không.

Khi ấy, trong pháp hội, Bồ-tát Pháp Vương thưa Bồ-tát Đại Hư Không Tạng:

–Tôi xin được nghe tiếng pháp vi diệu nơi hư không.

Bồ-tát Đại Hư Không Tạng nói:

–Lành thay, thiện nam! Ông hãy dốc lòng cung kính, an trú trong tâm hư không khởi tưởng về bậc Đại sư, tôi sẽ làm cho ông được nghe tiếng pháp nhiệm mầu.

Khi ấy, Bồ-tát Pháp Vương và tất cả đại chúng đều nhất tâm chắp tay, hướng vào hư không, cung kính đảnh lễ và chiêm ngưỡng. Nhờ diệu lực gia hộ của Bồ-tát Đại Hư Không Tạng nên từ hư không liền phát ra kệ:

Tâm ý và các pháp
Đều như cõi hư không
Nay ta nói đôi phần
Các ông hãy lắng nghe.
Hư không chẳng thấy cao
Cũng chẳng phân biệt thấp
Các pháp cũng như thế
Tánh chẳng có cao thấp.
Hư không chẳng có sinh
Cũng không có sự diệt
Các pháp cũng như vậy
Không hề có sinh diệt.
Tánh hư không chẳng giảm
Lại cũng không tăng trưởng
Các pháp như hư không
Bình đẳng không tăng giảm.
Hư không chẳng tối tăm
Cũng không bị cấu nhiễm
Tâm tánh cũng như vậy
Không tối tăm cấu nhiễm.
Như ánh sáng nhật nguyệt
Hư không chẳng vướng mắc
Tâm cũng như hư không
Không ái cũng không nhiễm.
Như gươm giáo không thể
Làm thương tổn hư không
Bồ-tát quán các khổ
Không lo, không sợ hãi.
Như mưa xuống cam lộ
Hư không chẳng vui thích
Đối với các danh lợi
Bồ-tát không đắm vướng.
Khen chê không dao động
Khổ vui tâm luôn tĩnh
Đại địa dù lay động
Hư không vẫn thường trụ.
Đối với pháp thế gian
Bồ-tát không phân biệt
Hư không lửa chẳng thiêu
Tâm Bồ-tát dứt hoặc.
Hư không lìa sinh diệt
Pháp giới chẳng đến đi
Sắc hiện nơi hư không
Các pháp nương tâm trụ.
Hư không chẳng sắc, không
Tâm tánh cũng như vậy
Hư không chỉ giả danh
Tâm, ý, thức cũng thế.
Như hư không vô biên
Đức bậc trí cũng vậy
Hư không dấu khó thành
Hành Bồ-đề không tướng.
Hư không chẳng giới hạn
Tánh năm uẩn cũng thế
Bốn đại đời quá, hiện
Vị lai cũng đều không.
Như hư không kiếp thiêu
Khó đầy các chúng sinh
Năm dục gắn với tâm
Cũng khó đầy như vậy.
Đức Phật nói pháp lớn
Lìa dục, xuất thế gian
Giáo pháp rộng không bờ
Như hư không vô hạn.
Thấu đạt pháp chân thật
Không bỏ, không chấp tánh
Biết tánh là không tánh
Chánh kiến trụ cõi chân.
Tánh âm thanh là không
Tánh ngôn thuyết cũng thế
Thể pháp vốn không lời
Không tiếng cũng không nói.
Các pháp đều như huyễn
Như mộng, ảnh, tiếng vọng
Tịch tĩnh không gì bằng
Vì dạy nên ví dụ.
Pháp không tướng, nói tướng
Tướng năng, sở đều không
Bồ-tát đạt Chân như
Hư không chẳng thủ đắc.
Không chấp giữ, phân biệt
Không giác ngộ, hý luận
Chẳng độ các chúng sinh
Tánh như là Bồ-tát.
Chúng sinh vốn Niết-bàn
Nghe vậy không sợ hãi
Mặc áo giáp dũng mãnh
Gọi là trụ Bồ-đề.
Giống như nhà ảo thuật
Diệt bỏ sự biến hóa
Thật ra chẳng có diệt
Sự độ sinh cũng vậy.
Huyễn hóa và chúng sinh
Các pháp Phật chẳng khác
Nếu ngộ đồng một tánh
Không tự tánh là tánh.
Bồ-tát Hư Không Tạng
Đạt kho tàng hư không
Các chúng sinh đầy đủ
Kho tàng không cùng tận.
Vô biên các công đức
Đạt kho thanh tịnh này
Ông quán tánh các pháp
Tánh ấy không lay động.
Nên biết tat cả pháp
Nhân duyên hòa hợp sinh
Vì vậy, không cùng tận
Tạng pháp khó nghĩ bàn.
Thế Tôn thường diễn nói
Bốn loại pháp vô tận
Chúng sinh và hư không
Tâm Bồ-đề pháp Phật.
Như các vật ở đời
Có thể nói cùng tận
Không pháp nào không tận
Vì thế nói vô tận.
Pháp hoàn toàn diệt tận
Thảy đều không cùng tận
Vô tận, chẳng vô tận
Vì vậy nói vô tận.
Người nào nghe pháp này
Là Bồ-tát giác ngộ
Liền biết người như thế
Mau trụ đạo Bồ-đề.

Bấy giờ, nghe kệ ấy rồi, tám ngàn Bồ-tát trong chúng hội liền đạt pháp Nhẫn vô sinh, một vạn hai ngàn vị trời ở trong hư không, phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8