Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung
Sa môn An Thế Cao dịch từ Phạn ra Hán
Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm dịch và giải
Đoạn bảy: Đại chúng nghe A-Nan nói kệ đều hoan hỷ phát tâm Bồ đề
1- Đại chúng phát tâm Bồ đề.
CHÁNH VĂN:
A-Nan nói như thế rồi, đại chúng trong pháp hội thấu hiểu đều phát chánh tâm tinh tấn cầu đạo vô thượng Bồ đề.
LỜI GIẢI:
Tôn giả A Nan vừa nói kệ xong, tất cả đại chúng trong pháp hội đều thấu hiểu lời khuyến lệ quý giá của tôn giả, đồng phát chánh tâm tinh tấn quyết sớm đạt đạo vô tượng Bồ đề. “Phát chánh tâm tinh tấn” nghĩa là đem hết tâm chân thành y theo lời Phật dạy nhứt tâm dốc chí dồn hết tâm lực ngày đêm tu hành, chứ không giống như những kẻ chỉ hiểu tin suông tà tà qua ngày đoạn tháng, môi mép phê phán thị phi, đi đến dâu cũng xưng là đã quy y lâu năm, Phật tử kỳ cựu mà tâm tánh hủ lậu sâu mọt đạo pháp, thì không phải là phát vô thượng tâm.
2- Đại chúng phát tâm tự độ độ tha.
CHÁNH VĂN:
Hương xông thơm ba cõi, từ đây được độ thoát, mở bày đường giác ngộ, bắt cầu độ chúng sanh.
LỜI GIẢI:
Ở đây tôn giả A Nan nói người tu học Phật lấy ngũ phần hương trang nghiêm mình và tang nghiêm pháp giới. Khi ngũ phần hương pháp thân viên mãn thì xông thơm khắp ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới trùm cả tam thiên đại thiên. Ngũ phần hương là: 1/ Giới phần hương pháp thân, tức là các đức Phật dứt sạch lỗi lầm của ba nghiệp thân miệng, ý gọi là giới hương pháp thân. 2/ Định phần hương pháp thân, tức là các đức Phật chân tâm tịch tĩnh lìa sạch hết vọng niệm gọi là định hương pháp thân. 3/ Huệ phần hương pháp thân, tức là các đức Như Lai chân trí viên minh, quán suốt pháp tánh, gọi là huệ phần hương pháp thân, tức là căn bổn trí. 4/ Giải thoát phần hương pháp thân, tức là thân tâm của các đức Như Lai tự giải thoát không còn bị vướng bận dính mắc những thứ dục lạc ái ân phiền lụy thế gian, nên gọi là giải thoát hương pháp thân, tức là đức tánh Niết bàn. 5/ Giải thoát tri kiến phần hương pháp thân, tức là phần hương pháp thân, tức là sự hiểu biết của các đức Phật đúng như sự thật, trí huệ của các đức Phật thật như chân lý, không dính mắc thường đoạn, tà chân ngụy, ngời sáng như mặt trời, suốt trong như pha lê, bao la như hư không, trí huệ như vậy gọi là giải thoát tri kiến hương pháp thân, tức là hậu đắc trí, hay còn gọi là đại viên cảnh trí. Do giới định huệ mà được giải thoát. Do ba nghiệp thanh tịnh giải thoát mà được tri kiến giải thoát, tức là kiến giải minh liễu, siêu xuất tam giới. Khởi đi từ sự tu nhân giới định huệ để đạt quả giải thoát, giải thoát tri kiến, đức trí vẹn toàn, thân Phật trọn đủ năm phần pháp thân hay ngũ phần hương pháp thân, tức là thân Phật. Thế nên hành giả tu học Phật muốn đạt được quả Phật, không thể nào xem nhẹ giới luật. Cho dù bất cứ lý do nào mà cố ý chế tạo hoặc cải biến giới luật của Phật, thì đó là kẻ mang tâm tà ngụy hành đạo không còn thuần chân Phật đạo, mà phải biết đó là kẻ tà đạo, đích thực là ma tỳ kheo được khéo trang bị lớp võ Phật đạo. Giới luật của Phật chế tùy khả năng lãnh thọ không có sự bắt buộc gượng ép, nhưng tuyệt đối không nên ngụy tạo hay cải đổi giới luật.
Người hành Phật đạo một khi giới luật trang nghiêm thì sẽ được trọn vẹn ngũ phần hương, hương thơm xông khắp ba cõi, tự nhiên thành người dẫn đường giác ngộ cho muôn loài, làm cầu giải thoát cho chúng sanh. Chúng sanh ba cõi được mong nhờ ngũ phần hương mà giải thoát. Năng lực của giới pháp vi diệu như vậy, nên kinh Phạm Võng nói: “Giới như đèn sáng lớn soi sáng đêm tối tăm. Giới như ngọc ma ni cứu giúp những kẻ nghèo. Người gìn giữ giới luật là phước đức hơn cả”. Giới pháp có năng lực vi diệu trang nghiêm hành giả, hướng đạo chúng sanh trong cuộc hành trình giác ngộ giải thoát. Giới pháp vô cùng vi diệu thơm khắp mười phương, có thần lực diệu dụng đưa chúng sanh thẳng đến quả vị Niết bàn tịch tịnh an lạc.
3- Thính chúng trong pháp hội tâm trí khai thông đồng hân hoan tiếp nhận lời Phật và A-Nan nói.
CHÁNH VĂN:
Vua quan thần dân, thiên long quỷ thần nghe kinh hoan hỷ tiếp nhận những điều A Nan vừa nói. Tất cả đại chúng vừa buồn vừa sợ, cúi dầu đảnh lễ chưn Phật và lạy A-Nan thọ giáo mà lui ra.
LỜI GIẢI:
Đại chúng dự nghe kinh trong pháp hội nầy có đủ vua quan dân chúng thiên long quỷ thần, điều đó cho ta thấy đương thời Phật pháp hưng thạnh biết dường nào. Đại chúng đều vui mừng lãnh thọ lời Phật thuyết pháp và hai mươi tám bài kệ của tôn giả A Nan. Khi nghe xong lòng đại chúng vừa buồn thương vừa lo sợ. Buồn thương cho những chúng sanh thiếu duyên lành không được diện kiến Phật để nghe Phật thuyết pháp đoạn trừ ác tập nghiệp sâu, tránh sao cho khỏi đắm chìm trong đường ác chịu khổ. Lại lo sợ cho chính mình nếu chẳng may lại vọng tâm duyên trần lôi cuốn làm mê mất chánh đạo, đọa lạc đường tà ác. Đây là tâm trạng thận trọng của đại chúng vừa mừng vừa lo là tâm trạng cẩn trọng thuần chân của người tu học Phật chân chánh. Đại chúng đồng thời nhất thành kính đảnh lễ tạ ơn Phật từ bi giáo huấn và đồng thời hết lòng cảm kích lạy ngài tôn giả A Nan đã khuyến hóa sách tấn trên đường tu tập. Tất cả đại chúng đều hoan hỷ lãnh thọ giáo huấn và nhất tâm thực hành để khỏi phụ ân đức từ bi của Phật và sự kỳ vọng của tôn giả A Nan.