Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung
Sa môn An Thế Cao dịch từ Phạn ra Hán
Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm dịch và giải

Đoạn hai: Quả báo của nghiệp sát sanh.

1.- A-Nan thỉnh bạch Phật.

CHÁNH VĂN:

A-Nan lại bạch Phật rằng: Có người không phải tự tay mình sát sanh, không tự tay mình sát sanh là không có tội, phải vậy không, bạch đức Thế Tôn?

LỜI GIẢI:

A-Nan hỏi Phật điều nầy là nhằm để cho đại chúng trong pháp hội nhận thức rõ ràng, ngõ hầu đem lại nhiều lợi lạc cho chúng sanh. Bởi vì tất cả chúng sanh đều sợ khổ và chết, nhất là chết thê thảm lại càng kinh sợ hơn. Thế nên lấy sát sanh làm đệ nhất ác hạnh. Đức Phật giảng dạy giáo lý thế gian thiên nhơn và giáo lý xuất thế gian Tam thừa, Phật quả đều lấy giới không sát sanh hộ mạng làm đệ nhất thiện hạnh. Văn hóa đạo đức căn bản của nhà Nho lấy nhân đứng đầu trong ngũ thường, đó là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Kinh đây tuy chỉ nói mỗi việc sát sanh, nhưng hàm ý toàn bộ giới luật của nhà Phật. Căn bản giới luật của đạo Phật, giới sát đứng đầu. Luật học của đạo Phật cũng như lễ học của đạo Nho, căn bản ở chỗ nêu cao đức tánh của con người, thể hiện hành vi sinh hoạt chân, thiện, mỹ, trí, trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, tinh thần giáo lý của đạo Phật tuyệt đối không có ý bó buộc con người, mà tùy sở nguyện chịu thực tâm thi hành giới pháp. Bổn kinh nầy đây chỉ lược nêu giới sát, còn những giới khác theo đó suy ra tự biết.

Sau khi đức Phật giảng giải cho tôn giả A-Nan về việc kính phụng Phật nhận lấy quả kiết hung khác biệt, an Nan lại nêu tiếp vấn đề khác để thỉnh giáo Phật, tôn giả hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, giả sử có người không phải tự tay mình sát sanh thì không mắc tội, có phải vậy không. Ngài A-Nan đặt câu hỏi nầy làm nhân duyên để đức Phật giảng rộng: Hoặc tự mình sát, hoặc bảo người sát, hoạc thấy người sát mà vui mừng đều có tội. Còn không có ý sát, không tự tay mình sát đương nhiên là không có tội.

2.- Phật giảng về tội khinh trọng của nghiệp sát.

CHÁNH VĂN:

Phật dạy rằng: Sai khiến người làm việc sát sanh tội nặng hơn là tự mình làm? Vì sao? Bởi vì, hoặc là kẻ nô tì, người ngu muội, trẻ con, hạng thấp hèn không biết tội phước, hoặc là bị quan quyền sai sử chứ không phải tự ý xuất phát làm việc sát sanh. Do đó, tuy mắc tội sát sanh, nhưng tâm và việc chẳng đồng, khinh trọng khác biệt. Sai khiến người sát sanh là cố ý phạm, âm thầm ôm lòng ngu ác, thích thú tự tay sát hại sanh mạng chúng sanh, như thế thiếu mất từ tâm, khi dối Tam Bảo, lừa đảo lương tâm, tổn thương sanh mạng, tội nặng không biết đường nào!

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây Phật khai thị cho A-Nan thấu rõ trách nhiệm nặng nhẹ của tội sát sanh. Đại ý có 3 điểm: 1/- Sai khiến người khác sát sanh thì tội nặng hơn là chính tay mình sát. 2/- Không có ác ý mà người bị bứt buộc làm việc sát sanh thì tội nhẹ. 3/- Biết rõ mà cố ý sát thì mắc tội rất nặng.

“Sai khiến người làm việc sát sanh”. Theo luật pháp thế gian ngày nay gọi là tội sai sử toa rập. Đức Phật thuyết giảng cho tôn giả A-Nan biết tội ác về nghiệp sát sanh nặng nhẹ tùy theo trường hợp. Nếu sai sử hoặc toa rập với người sát sanh thì nội nặng hơn là người bị sai xúi làm việc giết. Bởi người bị sai xúi làm việc sát sanh không cố ý, vô tri, đôi khi bị ép buộc phải làm, mà lòng không muốn. Chẳng hạn kẻ nô tỳ ngu muội, người thuộc hạ hay dâu rễ bị kẻ bề trên quyền thế sai khiến làm việc sát sanh, họ chỉ là người phải tuân hành, nên tội nhẹ hơn kẻ bề trên quyền thế sai khiến. Còn kẻ nô tỳ ngu muội họ không biết tội phước nhân quả, nên gọi là vô tri. Ở đây chúng ta thấy đức Phật nêu ra hai trường hợp sát sanh: Một là gia đình ông bà cha mẹ sai sử dâu rễ, con cháu, kẻ ở, người ngu. Hai là ở chốn công đường quan quyền sai sử thuộc hạ. Như thế làm việc sát ánh tùy trường hợp mà tội nặng nhẹ có sự phân minh khác biệt.

Tiếp theo đức Phật nói: “Biết sai xúi người sát sanh là mắc tội rất nặng mà vẫn cố ý làm”. Như thế chứng tỏ ở nơi lòng ôm ấp ý niệm sát hại mà lại cố ý tránh né, để sai sử người khác làm, thì Phật gọi đó là người “thầm ôm lòng ngu ác, thích thú tự tay sát hại mạng chúng sanh, rõ ràng không có từ tâm”.

“Lòng ngu ác” là chỉ tâm sân không thanh tịnh, không sợ nhân quả, không có trí huệ minh mẫn thấu đạt đạo lý, thường tạo tác những việc ác tự mình không thể khắc chế được. Nếu là Phật tử phát Bồ đề tâm quy y Tam Bảo, tu Bồ Tát đạo, hành Bồ Tát hạnh mà tâm sát sanh không trừ thì mặc nhiên đã phạm tội “khi dối Tam Bảo, lừa đảo lương tâm”. Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, nơi nương tựa của người học đạo giác ngộ, là chỗ cao quý nhất của người thế gian và xuất thế gian, mà xem thường khi dối thì làm sao gọi là Phật tử, là người tu tâm sửa tánh được?

Từ đây chúng ta suy ra, những người vì bất mãn một vài điểm nào đó với các vị tu hành (chứ không phải tà sư ngụy tăng), hay không đồng ý một vài khía cạnh nào đó của chùa viện mà sanh tâm chống đối không đến chùa, lại còn khuyên dụ lôi kéo người khác đừng đến, xuyên tạc gây chia rẽ tạo xáo trộn chốn già lam, tâm niệm hành vi như thế chẳng những mắc phải tội khi dối Tam Bảo, lừa đảo lương tâm Phật tánh, mà còn mắc trọng tội chống phá Tam Bảo, gây việc xáo trộn nầy tác hại đến niềm tin Phật tử, và ảnh hưởng đến sự phát triển ngôi Tam Bảo. Tội ác nầy không khác tội xúi sử người sát sanh, khuyến dụ lôi kéo người theo tà sư ngụy thánh, phá hại chùa viện.

3.- Phật dạy tạo nghiệp sát oán thù không dứt.

CHÁNH VĂN:

Sát sanh tạo nghiệp oán thù tương báo, đời đời phải gánh chịu oan ương, không thể đoạn dứt, hiện đời bất an, thường gặp phải tai họa hung hiểm.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên dây cho chúng ta thấy, huệ nhãn của Phật quán thấy rõ chúng sanh do nghiệp sát mà oán thù vay trả cho nhau mãi mãi không dứt.

Trước nhứt chúng ta nêu câu hỏi là, nhà Phật nói nhân quả báo ứng, vậy làm thế nào để chứng thực điều đó? Xin trả lời, tất cả sự vật muôn hình vạn trạng hành hoạt trong cõi đời này đều không ra ngoài luật nhân quả. Xin quý vị thử bình tâm suy ngẫm có đúng vậy không? Nhân quả báo ứng là chân lý, là định luật tự nhiên bất biến, tuyệt đối không phải là điều mê tín. Phật nói: “Muốn biết đời trước tạo nhân gì, cứ xem chịu quả báo đời nầy. Muốn biết đời sau sẽ chịu quả báo như thế nào, cứ xem hành vi tạo tác đời này”. (Yếu tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả trì. Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị). Khổng tử nói: “Nhà ai vun bồi phước thiện thì nhất định an vui dư thừa. Nhà nào chứa chấp điều bất thiện thì tất phải tai ương dồn dập”. (Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương). “Họa phước không tìm đến nhà, chỉ do mình mời gọi đến”. (Họa phước vô môn, duy nhơn tự triệu). Sách Khổng tử gia ngữ chú giải rằng: “Hại người để mình được lợi ích thì sẽ không tốt cho thân mình. Nhà ai bỏ bê người già mà xem trọng người trẻ thì nhà đó có điềm không tốt. Quốc gia bỏ người hiền tài mà dùng kẻ tiểu nhơn bất tiếu thì quốc gia đó bất an suy thoái”. (Tổn nhơn tự ích, thân chi bất tường, Khí lão nhi thủ ấu, gia chi bất tường. Thích hiền nhi dụng bất tiếu, quốc gia bất tường). Trong xã hội mà người lớn thiếu giáo dục học vấn đạo đức, trẻ con không học những điều của thánh nhơn hiền triết, không được đào tạo hướng dẫn bằng đạo đức văn hóa truyền thống của dân tộc, thì đất nước vắng bóng các bậc hiền tài, kẻ ngu ác cưỡng nắm quyền cai trị thì hậu quả sẽ là quốc gia bất an lạc hậu, nhân dân đói khổ lầm than, lân bang xem thường khi thị. Sách Khổng Tử gia ngữ chú giải nói: “Người lớn không được giáo dục, trẻ nhỏ không được học hành, thì phong tục xấu. Thánh nhơn ẩn tàng, kẻ ngu chiếm quyền, nhân dân bất hạnh”. (Lão giả bất giáo, ấu giả bất học, tục chi bất tường, thánh nhơn phục nặc, ngu giả đàn quyền, thiên hạ chi bất tường). Những điều Phật thánh nói trên đây sự thật đã hiển bày xưa nay kim cổ. Không đâu xa, chúng ta thử bình tâm suy nghiệm thấy rõ ngay trên đất nước Việt Nam. Những kẻ vong bản, ác đảng vọng ngoại mang tà đạo tà thuyết gieo rắc áp đặt lên dân chúng làm xáo trộn nếp sống truyền thống đạo đức hiền hòa của dân tộc ngàn đời, đẩy đất nước vào vòng nô lệ, điêu đứng đói nghèo, lạc hậu như ngày hôm nay.

Nhân quả báo ứng hiện tiền như Ngô Đình Diệm và anh em ông. Chín năm cầm quyền giết hại tù đày không biết bao nhiêu người. Lại còn tà tâm âm mưu dem ngoại đạo tà thuyết “duy linh nhân vị” áp đặt dạy dân chúng. Do tâm tích tạo nhân ác nên phải quả báo chết thảm. Hồ Chí Minh phụng thờ chủ nghĩa cộng sản cùng với đám thiếu học vong bản, gian ác, nên đưa đất nước dân tộc dến tình trạng đổ nát điêu linh lạc hậu. Chúng ta đã thấy nhân quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng, không sai sót mảy may. Sự việc trên đời này sanh thành phát triển hoại diệt chuyển biến qua mọi trạng thái đều theo định luật nhân quả nhân duyên. Nhìn sự việc diễn biến trước mặt và xung quanh, bình tâm suy ngẫm chiều thâm sâu của nó, chúng ta thấy không có việc gì trên dời tách rời nhân quả. Có nhân quả hiện tiền, nhân quả ba dời. Nhân quả hiện tiền thì chúng sanh dễ thấy. Nhân quả ba đời thánh nhân suốt thấy, còn đối với người trần tục tâm phàm mắt thịt khó thấy dễ quên, nên chỉ sợ quả mà không sợ nhân! Phần đông người đời muốn hưởng quả tốt mà không chịu tạo nhân lành.

Do nhân quả ba đời hệ lụy triền miên, nên kinh nói: “Sát sanh thì phải nhận oán thù tương báo, đời đời gánh chịu oan ương”. Tương báo là người với ta gây oán sát phạt, hoặc dời trước đã gây nhân, thì đời nầy phải trả quả; hoặc đời nầy gây nhân, thì đời sau mới trả quả; hoặc gây nhân từ nhiều đời trước mãi đến đời này mới trả quả. Nghĩa là dã tạo nhân thì nhân vĩnh viễn tồn tại đến khi nhân duyên thuần thục thì kết thành quả báo. Kinh Phật nói: “Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”. Hễ đã gheo nhân, thì trước sau chậm mau gì rồi cũng phải thọ quả. Quả báo nặng nhẹ còn tùy tâm thiện ác. Có người đệ tử hỏi Phật: Vì sao Ngài đã giác ngộ thành Phật mà còn bị cô gái giả bụng chửa vu oan. Phật đáp: Trong một tiền kiếp xa xưa, ta là một vị vua. Một hôm khai triều, quần thần đang khấu bái vua, bỗng thấy vị Sa môn đi trước cửa hoàng cung, các quần thần liền xoay lưng lại kính bái vị Sa môn kia, vua tức giận quở máng các quần thần: Các khanh ngày ngày ăn bổng lộc của ta, nhờ ta mà các khanh có chức tước cân đai võng lọng. Ông Sa môn kia có ban cho các khanh những gì, mà sao các khanh tại tỏ ra cung kính bái chào xoay lưng vào mặt ta? Ban ngày họ làm bộ tu hành, ban đêm biết đâu họ lén lút có vợ con? Chỉ vì khinh nghi vị Sa môn, mắng quần thần mà nay ta phải nhận chịu quả báo vu oan nầy.

Thế gian lắm kẻ nông nỗi thấy người hiện đời làm việc bất chánh mà lại được giàu sang, rồi chê trách trời đất không có mắt, thánh thần không công minh. Họ đâu có biết nhân quả ba đời, rồi vội cho là không có nhân quả, sanh tâm khinh thường Phật thánh, tâm ý buông lung dong ruỗi theo dục vọng, mặc tình tạo ác nghiệp, để rồi dệt lấy hậu quả đời đời kiếp kiếp liên tục không dứt. Nên kinh Phật nói: “Đời đời gánh chịu oan ương liên tục không dứt”. Tất cả ác nghiệp tai ương hoạn nạn đều do vô tri điên đảo mê muội tạo nên ngày thêm sâu nặng, quả báo ngày thêm chất chồng thảm khốc. Ngày nào biết hồi đầu quy y Tam Bảo, thành tâm tu học biết “quán oán thân bình đẳng” thì mới thoát khỏi quả báo ác, mới giải thoát tất cả khổ, mới được chân thật an lạc. Ngược lại, ác nhân không đoạn, ác duyên tăng trưởng, đương nhiên nhận lấy ác báo “hiện đời bất an, thường gặp tai họa hung hiểm”.

Trong kinh Pháp Cú có đoạn nói về nghiệp tội: “Khi đức Phật ở Kỳ Viên tinh xá, có bảy vị Tỳ kheo từ phương xa muốn đến hầu thăm Phật. Đi giữa đường thì trời tối nên mới ghé vào một ngôi chùa xin nghỉ qua đêm. Sau chùa có một hang thất vừa đủ cho bảy vị nghỉ, bất ngờ nửa đêm một tảng đá từ trên cao lăn xuống lấp miệng hang thất. Thấy vậy cả chùa đều thất kinh. Tất cả Tăng chúng trong chùa cùng nhau ra sức để đẩy tảng đá nhưng tảng đá khổng lồ kia cũng vãn không di chuyển. Dân chúng các làng xung quanh nghe tin chạy đến xúm nhau dời đá, đá vẫn không nhúc nhích. Đến ngày thứ bảy bổng nhiên tảng đá tách khỏi miệng hang lăn xuống hố. Bảy thầy Tỳ kheo thoát khỏi tù hãm đói khát khổ sở, sau đó tiếp tục đến ra mắt Phật và đem sự việc hết sức lạ lùng vừa rồi đã xảy ra bạch lên Phật. Đức Phật mỉm cười đáp: Thuở quá khứ cách nay 14 kiếp, có bảy chú mục đồng nhân thấy con kỳ đà liền rượt đuổi bắt để ăn thịt, nhưng kỳ đã đã nhanh chưn chạy vào hang mới. Bảy chú mục đồng không tha, quyết tâm đuổi bắt, nên làm đủ mọi cách để cho kỳ đà ra khỏi hang, nhưng kỳ đà cố thủ ẩn núp không ra. Trời chiều tối, bảy mục đồng phải lùa trâu về chuồng, nên dùng đá lấp kín miệng hang để ngày mai trở lại bắt. Nhưng bảy mục đồng quen lệ nay cho trâu bò ăn đồng cỏ nầy, mai cho ăn đồng cỏ kia, mỗi ngày một đồng cỏ khác nhau, sau bảy ngày mới đáo hạn. Bảy ngày sau chúng trở lại đồng cỏ cũ, sực nhớ ra hang mối kỳ đà, chúng đến dời những viên đá lấp miệng hang, kỳ đà quá đói chẳng sợ chết liều mạng bò ra, bảy chú mục đồng kia thấy vậy động lòng thương bỏ ý định bắt ăn thịt. Đức Phật nhìn thẳng vào bảy vị tỳ kheo giảng tiếp: Bảy chú mục đồng kia chính là tiền thân của bảy người các ông ngày nay. Sự kiện xảy ra đá lấp miệng hang làm cho các ông khốn đốn đói khát suốt bảy ngày vừa rồi chính là quả báo mà các ông đã tạo đời trước, đời nay đến lúc phải nhận chịu”. Kinh Phật nói: “Nghiệp quả sở khiên thành nan đào tỵ”. Một khi nghiệp quả đã chín mùi rồi thành nghiệp lực lôi kéo khó mà tránh khỏi.

Người có trí huệ khi làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó. Một đóm lửa nhỏ có khả năng thiêu rụi cả rừng núi. Một con rắn nhỏ có thể cắn chết người. Từng giọt nước nhỏ có thể đầy hồ lớn. Kinh Phạm Võng Phật dạy: “Không nên khinh thường lỗi nhỏ. Nghĩa cử đức Phật đã cúi xuống xỏ kim cho bà già bên vệ đường là ý nghĩa nầy đây. Nên Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Chúng sanh sợ quả nghĩa là khi chịu quả báo khủng khiếp rồi mới sợ thì đã quá muộn.

CHÁNH VĂN:

Khi bỏ thân người thì phải đọa vào địa ngục, được ra khỏi địa ngục lại đọa vào súc sanh, bị người làm thịt. Cứ thế ba đường tám nạn số vạn ức kiếp thịt mình cung cấp cho người, chưa có lúc nào dứt, thân chịu khốn khổ, phải ăn cỏ uống nước mương rạch.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh đây nói về quả báo trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh trải uôn ức kiếp liên tục chịu khổ không thôi dứt.

Những đoạn kinh trước, Phật thuyết minh về quả báo sát sanh hại vật thì phải nhận lấy hậu quả khổ đau trong ba đường ác. Đoạn kinh nầy, Phật lại nói rõ hơn về chân tướng của quả báo. Y cứ vào lời Phật dạy thì chúng ta có nhận thức chính xác và một cách khẳng định rằng, tất cả người và các loài động vật đều có đời quá khứ, liên tục đến hiện tại và kéo dài đến đời vị lai vô tận. Thân xác chúng ta tùy theo nghiệp thiện ác mà có sự thay đổi hình thể, nhưng tánh linh của chúng ta thì mãi tồn tại và xuyên suốt tùy nghiệp mà có thấp cao thanh thô, thông minh hay đần độn theo nghiệp nhân mà thọ nghiệp quả, ở loài nào thì vui trong hoàn cảnh đó. Tức là phần tinh thần, linh hồn, tri giác, tánh linh theo nghiệp mà chuyển hình thể đời nầy qua đời khác tuần hoàn bất tận, tánh linh (linh hồn) không hoại diệt theo thân thể. Có nghĩa là khi làm thân trời thì hình thể thanh nhã, tinh thần an vui hiểu biết cao rộng theo phước báo của loài trời ở cõi thiên thượng. Khi làm người thì tinh thần lúc khổ lúc vui, tri giác thường tình của nhơn loại. Khi làm thân súc sanh thân hình thường đi ngang, mang lông đội sừng, tinh thân thường khổ nhiều vui ít, tánh linh thú vật ngu si, thiếu hẳn luân thường đạo lý, thường giành giựt cấu xé lẫn nhau. Tầng độ tri giác cao thấp tùy thuộc thọ thân của mỗi loài sinh vật trong kiếp chúng sanh. Nhưng điều chắc chắn là nghiệp báo tuần hoàn, nhân quả luân hồi bất tận. Điều nầy được phân tích rõ trong Duy thức học, nhân quả báo ứng là chân lý, là sự thật muôn đời chứ không phải là triết thuyết thuần lý cho việc lý luận truy cứu trắc nghiệm. Vì nhân quả báo ứng là chân lý tuyệt đối không sai sót tơ tóc, nên xưa nay các bậc thánh nhơn hiền triết đều có lời tha thiết khuyên nhắc người trần thế nên sống đời đạo dức, đề cao kiến thức, mở rộng tâm trí, mỹ hóa tánh linh, để được thọ dụng đời sống thăng hoa trong cảnh giới chí thân chí thiện chí mỹ chí huệ.

Nhưng đáng thương thay cho người đời nghiệp chướng vô minh sâu dày, khinh thường không tin, đã không tìm hiểu chân lý nhân quả luân hồi báo ứng để xây dựng cho mình cái nhân phước đức trí huệ, mở đường cho đời sống thăng hoa thánh thiện tươi sáng an lành, mà còn cho rằng tin nhân quả báo ứng luân hồi là mê tín dị đoan hoang đường tà mị, rồi tự hào cho mình là tiến bộ thế trí biện thông, thế học bằng cấp, ỷ quyền uy chức tước xuẩn động phế bỏ kinh điển thánh hiền, bất cần hiếu nghĩa luân thường đạo lý, chẳng để ý đến việc trao dồi đạo đức, cực đoan tà kiến tin theo tà thuyết, phụng thờ thần linh cầu mong xá tội ban phước. Không tin nhân quả báo ứng chẳng những tự hại mình mà còn là đại họa cho loài người. Nguồn gốc sâu xa của gia đình thiếu kỷ cương hạnh phúc, xã hội thiếu trật tự an ninh, quốc gia thiếu ổn định thạnh trị, nhơn loại thiếu hòa bình đều bắt nguồn từ sự không tin sâu nhân quả báo ứng. Bao nhiêu cuộc tang tóc đổ vỡ đều do không tin nhân quả báo ứng mà ra.

Lời Phật dạy cách đây ba ngàn năm từ khi nhơn loại còn đi xe ngựa xe bò, nay đã đi xe hơi, xe điện; khi nhơn loại còn đi thuyền chèo, nay đã đi tàu điện; khi nhơn loại còn đi dưới đất, nay đã đi trên trời; khi nhơn loại còn cày cấy bằng tay chưn, trâu bò, nay nhơn loại dùng cày máy; khi nhơn loại còn sống nơi làng mạc đồng áng với đèn cầy, ngày ngày cầy sâu cuốc bẫm, chưn lấm tay bùn đêm về ngắm trăng, nay đã bay lên không trung chưn bước lên mình chị Hằng; ngày sắt thép kim loại còn nằm sâu trong lòng đất, nay cả khối sắt bay lên trời. Ngày xưa nhân loại cách sông biển núi rừng bặt vô âm tín, ngày nay sống cách xa hằng ngàn dặm mà vẫn thấy nghe nhau. Nhơn loại văn minh đến mức độ không còn đo lường được, thế mà so lại những điều đức Phật nói trước dây ba ngàn năm chẳng những không khác, không thấm vào đâu, mà cả những công trình văn minh khám phá vũ trụ nhơn sinh của loài người cho đến nay vẫn chưa đạt hết những điều Phật nói trong kinh điển. Đứng về phương diện văn minh của nhơn loại có thể nói một cách có kiểm chứng rằng, kinh Phật là sách giáo khoa của nền phát minh khoa học của loài người đang trên đà phát triển. Nói cách khác, giáo lý của nhà Phật là học thuyết, mà phát minh của khoa học là thực nghiệm, nhưng chỉ mới thực nghiệm cụ thể phần nhỏ trong kho tàng giáo lý của đạo Phật thôi. Về triết học, đạo học, khoa học, luân lý học v.v… mọi văn minh khoa học, giáo lý đạo Phật vẫn là kim chỉ nam, là giáo khoa, là kho tàng tư liệu tinh hoa của sự an lành và phát minh của nhân loại.

Cho đến thời đại văn minh cao độ như hiện nay, giáo lý của đức Phật vẫn chứng tỏ không những không sai khác với các môn khoa học phát minh mà còn là ánh sáng soi đường, tư liệu chỉ điểm, giáo khoa chứng thực cho những phát minh khoa học. Dù cho ai cố tình chối cãi phủ nhận trí giác ngộ, tâm giải thoát của đức Phật đến đâu, lời Phật giáo hóa chúng sanh vẫn là chân lý muôn đời có hiệu năng khai thị tri kiến cho muôn loài sinh linh, thăng tiến trên đường thánh thiện an lành giác ngộ giải thoát. Tin đạo Phật, hành theo giáo lý của đạo Phật là chọn lẽ sống chân thật an lành tiến bộ. Nên đạo Phật là đạo từ hòa bình đẳng giác ngộ giải thoát.

Trở lại ván đề nhân quả báo ứng, đoạn kinh trên đây đức Phật giảng nói cho chúng ta biét sự thực của quả báo thật đáng kinh sợ. Tức là quả báo sát sanh không những chỉ hiện đời bất an, tai ương hung hoạn, mà đời sau còn phải đọa ba đường ác, tiếp nối vạn triệu kiếp đền trả quả khổ. Ngài xác định, người tạo nghiệp sát sanh thật khó tránh khỏi đọa địa ngục. Kinh điển Phật giáo đạo lý bao la, nơi nào cũng thuyết minh nghiệp nhân quả báo ứng của chúng sanh trong pháp giới, nhất là nói rõ nhân quả chúng sanh trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, như tâm tham dục nặng nề là nghiệp nhân của ngạ quỷ. Tâm sân hận nặng là nghiệp nhân của địa ngục. Tâm ngu si nặng là nghiệp nhân của súc sanh. Muốn rõ nghiệp nhân quả báo, nên đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm và kinh Địa Tạng. Đã tạo nghiệp thì phải gánh chịu quả báo, không sai chạy mảy may, không thất thoát hào ly, nên nói “ăn người tám lượng, trả người nửa cân”. Kinh Phật nói: “chìm nổi trong ba đường tám nạn, vạn ức kiếp chịu quả báo thống khổ”.

Ba đường tức là chỉ ba cảnh giới: 1/- Cảnh giới địa ngục, chỗ lửa dữ thiêu đốt, bất cứ thứ gì cũng lửa dữ nung đốt. 2/- Cảnh giới ngạ quỷ, nơi dao gậy bén nhọn để cưa chặt, cắt xẻ, đâm đánh. 3/- Cảnh giới súc sanh ăn tươi nuốt sống cấu xé lẫn nhau, loạn luân vô đạo. Trong mười cảnh giới thường gọi là Thập chúng sanh thì, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, người, Trời gọi chung là lục phàm, và tứ Thánh là chỉ Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật gọi chung là Thập pháp giới, còn có tên là Thập chúng sanh, Thập đạo. đặc biệt ba đường ác thì vô lượng khổ não, Phật khuyên chúng sanh cẩn trọng giữ thân miệng ý, nên tranh thủ thời gian tu tập đừng để nhàn không luống qua, thì mới mong tránh xa được ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Tám nạn: 1/- Địa ngục; 2/- Ngạ quỷ; 3/- Súc sanh; 4/- Mù, điếc câm; 5/- Thông bác thế pháp; 6/- Sanh trước Phật; 7/- Sanh sau Phật; 8/- Sanh cõi trời trường thọ. Chúng sanh rơi vào một trong tám nạn này thì khó thấy được Phật, được nghe chánh pháp, nó là chướng ngại trên đường tu hành đạt thành chánh quả. Nên bài kệ khai kinh nói: “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”.

Kinh Phạm Võng Phật dạy: “Một đời tạo nghiệp ác, vạn kiếp khó trả xong”. Trong ý nghĩa nầy, kinh đây nói “chưa lúc nào dứt làm thân thống khổ, ăn cỏ uống nước mương rạch”. Vậy thì phải nên “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, chớ tạo ác nghiệp mới”. Chớ để một đời luống qua, khi mất thân người thì muôn kiếp khó được lại thân người. Chỉ thân người mới hy vọng gặp Phật và chỉ hoàn cảnh kiếp người mới dễ tu dễ chứng.

CHÁNH VĂN:

Loài súc sanh cầm thú hiện nay trong đời, đều do tạo nhân đời trước, khi làm người thì vô đạo bạo ngược, ám hại tổn thương sanh mạng, không tin nhân quả, do vậy mà ngày nay phải cái quả báo như thế. Đời đời làm việc oán thù thì phải bồi thường cho nhau, đồng tánh linh mà mang thân khác biệt, tội sâu như vậy đó.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây đức Phật kết luật: Hiện đời nay làm loài súc sanh là do đời trước không tin nhân quả đã gây nghiệp sát, nên nay phải chịu quả báo mang lông đội sừng.

“Loài súc sanh cầm thú hiện nay trong đời”, câu nầy đức Phật nêu ra để chỉ bày cho chúng ta biết loài thú vật hiện nay là do nguyên nhân nào mà chúng ta phải làm thân súc sanh mang lông đội sừng khổ sở như vậy?

Đây là do đời trước hoặc nhiều đời trước “khi làm người, chúng vô đạo bạo ngược ám hại tổn thương sanh mạng”, do lòng tà ác nham hiểm không tin lời dạy của thánh hiền, không tin nhân quả báo ứng, không tin luân hồi tội phước, nên tự ý buông tình tạo thành vô số tội ác mà nay phải chịu quả báo khổ.

“Đời đời làm việc oán thù phải bồi thường cho nhau”. Câu kinh nầy, đức Phật nêu chân tướng của chúng sanh gây tạo oán thù sát hại, đời đời liên lụy đền trả cho nhau, Phật Đà với ngũ nhãn viên mãn quán chiếu thập phương pháp giới suốt biết cội nguồn vũ trụ nhơn sanh, dùng chơn ngữ, thật ngữ, như ngữ, tuệ nhãn thấu suốt cội nguồn muôn loài vạn pháp, thuyết minh sự tương quan giữa người và người, giữa người và vật, giữa người và Bồ Tát thánh hiền bản tánh vốn bình dẳng không hai. Tai hại của tình ái tham nhiễm thân sơ gia đình quyến thuộc, oan báo giữa cá nhân và muôn loài, thiện duyên giữa thánh hiền tiên Phật và chúng sanh, Ngài thuyết minh căn nguyên cội nguồn nhân quả rành rõ đã được tập thành hệ thống trong kinh điển. Kinh Pháp Hoa Phật nói: “Ta vì dại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, để khai thị chúng sanh thể nhập tri kiến Phật”. Như vậy, tri kiến Phật đã sẳn có trong tâm tánh của chúng sanh, nhưng chúng sanh mê muội không biết khai triển sử dụng mà lại ăn ở trái đạo để phải rơi vào kiếp trầm luân đau khổ. Kinh Pháp Bảo Đàn ghi rằng: Lục Tổ Huệ Năng khi nghe Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giảng kinh Kim Cang liền đạt ngộ chân tánh thốt lên: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt”. Sau khi đạt đạo, liễu ngộ chân tâm, Tổ Huệ Năng nhân định: “hai pháp không phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp không hai”. Tâm Phật, tâm chúng sanh vốn thanh tịnh đồng thể tánh sáng suốt giải thoát. Như chuyện đứa cùng tử trong kinh Pháp Hoa: “Ông Trưởng giả và đứa con của ông vốn cùng chung sống ở trong lâu đài nguy nga giàu sang cao quý. Nhưng vào một ngày nọ đứa con lại nghe theo lời dụ dỗ bỏ ông đi theo nhập bọn với bạn ác, sau đó phải chịu cảnh lang thang đói khổ của kẻ cùng tử”. Chúng sanh với Phật nào có khác kẻ cùng tử với ông Trưởng giả kia? Bỏ cảnh giới thanh tịnh giác ngộ giải thoát để dong ruỗi theo dục tình của trần gian để phải chịu kiếp đọa đày? Nào có khác dứa bé được mẹ buộc viên ngọc quý trong chéo áo mà không biết tháo ra dùng, lại cam phận làm kẻ cùng tử lang thang đầu đường xó chợ cam chịu làm kiếp ăn mày. Phật có khác nào mẹ hiền thương con. Giáo pháp của Phật có khác nào viên ngọc quý có khả năng hiển lộ Phật tánh của chúng sanh, làm cho chúng sanh không còn mờ mịt lang thang đói khát. Chúng sanh nào khác dứa bé cùng tử ăn mày tự mang trong người viên ngọc trong chéo áo. Đáng tội nghiệp cho kiếp chúng sanh khổ lụy vì si mê!

Người đời không hiểu ý nghĩa “vạn pháp nhất chơn, không tướng bất nhị” ta và chúng sanh tương duyên sanh, tương nghiệp quả thành, nên cứ thấy mình khác với người, mình phải hơn người, phải trên người, phải thắng người, băng không là mình thiệt thòi thua kém. Do tâm trạng phân biệt mê chấp, nên sợ của cải danh vị tổn thất mà ôm lòng lo nghĩ ưu tư bất an. Nếu biết tu tập theo Phật pháp, thường nghe giảng kinh chuyên tâm thực hành từ đó hiểu nhân quả báo ứng ba đời, thì sẽ được tỉnh ngộ không phải dong ruỗi lo âu oán trách. Không biết tỉnh ngộ để dừng chưn dong ruỗi mà tu tâm sửa tánh làm lành chánh tín, thì cho dù có chiếm được của tiền nhiều cho mấy rồi cũng phải tiêu tan, tài tán mạng nguy. Thiếu phước đức thì tiền của danh vị sẽ không bỏ ta thì ta cũng sẽ bỏ tiền của. Thiếu tâm đức thì dù có tài hoa dến đâu cũng không làm ích lợi gì, và tài hoa sẽ không lâu trở nên vô dụng. Nhưng phước đức và nghiệp duyên nhân quả nhứt định không bỏ ta và ta cũng không thể nào bỏ phước đức nghiệp duyên nhân quả được. Một khi nhân duyên hội tụ, nghiệp quả thuần thục rồi thì không thể nào chối từ tránh né trốn chạy được. Kinh Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đã tạo nghiệp, dù cho trải trăm kiếp cũng chẳng mất; một khi nhân duyên hòa hợp, thì theo đó mà chịu quả báo”. Kinh Thuyết Nhứt Thế Hữu nói: “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”. Nho gia cũng có câu: “Thiện ác rốt cùng đều có quả báo, chỉ đến chậm hay mau mà thôi”. Thế nên cổ đức tiên hiền nói: “Lưới trời lồng lộng, mảy may không sót lọt”. (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu).

Nên biết khổ vui trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), nổi trôi trong sáu được (Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, người, Trời) đều do tâm tạo. Tâm đã tạo thì không sao tránh khỏi. Không dốc tâm quyết chí hồi đầu học đạo để tạo phước đức gieo duyên Bồ đề mà còn do dự chần chờ phải đợi đến bao giờ? Cổ đức tiên hiền đã cảnh giác chúng ta: “Thân người khó được nay đã được. Phật pháp khó được nay đã được. Phật pháp khó gặp nay đã gặp. Chân Tăng tuy hiếm nhưng dễ tìm”. Tam Bảo là ruộng phước, là con đường giác ngộ giải thoát, ta chịu gieo giống, chịu cất bước lên đường thì chắc chắn được phước quả an lành trong ánh sáng giác ngộ. Lục Tổ Huệ Năng nói: “Tất cả ruộng phươc đã gieo trồng, được kết quả tốt như lòng ước mong không rời gang tấc”. Phật dạy: “Kiết hung họa phước, đều do tâm tạo”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu ai muốn biết rõ ba đời các đức Phật từ đâu mà thành Phật, thì nên quán thật tánh của tất cả các pháp trong vũ trụ thảy đều do tâm tạo”. Kinh Phật dạy: “Tội phước hai đường, khổ vui hai quả”, đều là do ba nghiệp thân miệng ý tạo nên, tâm thức cảm triệu. Nên biết niệm sân hận, tà dâm là nghiệp địa ngục; thọ trì Ngũ giới là nghiệp làm người; chuyên tu Thập thiện là nghiệp làm trời; tu pháp Tứ đế chứng ngộ nhơn không là nghiệp Thanh Văn; quán tu Thập nhị nhân duyên, biết tánh các pháp do duyên sanh duyên diệt, chứng ngộ pháp không là nghiệp Duyên giác; tu pháp Lục độ trường trai là nghiệp Bồ Tát; chân trực từ bi bình đẳng là nghiệp của Phật quả. Tâm thanh tịnh thì được sanh vào cảnh giới thanh tịnh đài thơm cây báu thất bảo tạo thành; tâm ô trược phiền não thì sanh vào cõi nước nhơ bẩn bùn đất sình lầy núi đèo hầm hố. Tất cả cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh hay ô trược bất an đều do khởi niệm tối sơ đưa đến nghiệp dẫn duyên thành, để phải lìa xa uyên nguyên tâm thể quang minh chiếu diệu. Cảnh giới và chúng sanh lành dữ tốt xấu đều do nghiệp duyên tâm thức chiêu cảm hình thành, chứ không phải trời đất, thần linh thượng đế nào tạo cả. Thần linh, thượng đế đất trời cũng do tâm thức chúng sanh tạo nên. Nên Phật pháp nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Một khi nhận rhức rõ đạo lý nhân quả báo ứng mật thiết tương quan xuyên suốt ba đời, chúng ta nên tự chủ tâm ta, định hướng thuyền đời ta, dù sống trong hoàn cảnh nào cũng nên ra sức chống chèo nhẫn nhục khắc phục cảnh chướng duyên, miệng nở nụ cười hỉ xả với cõi lòng rộng mở bao dung, rủ sạch phàm tâm tục lụy, đoạn diệt ý niệm phân biệt thì sẽ thoát ly được quả báo thảm khổ đời đời ân oán, hình phạt vay trả đền bù.

“Đồng tánh linh mà mang thân hình khác biệt”. Nhà Phật thường nói tánh linh hay thần thức là chỉ cho phần tinh thần của người trần tục. Nếu là người có tu hành, khi chết xả bỏ thân tứ đại giả tạm ô uế về với cát bụi thì phần tinh thần còn gọi là giác linh. Người đời thường gọi là linh hồn, thần hồn, thần thức. Đặc biệt Khổng Tử gọi là du hồn, điều này cũng có lý. Bởi vì con người sau khi chết, rời bỏ thân xác thì chuyển qua đời sống thân trung ấm sống bằng thần thức, không khác gì sống trong cõi mộng, hoàn toàn ảnh hưởng bởi năng lực nghiệp thức dẫn dắt chuyển hành khắp nơi không ngừng, cho đến khi nhân duyên hội ngộ, quả báo hiện hành, mới tùy theo nghiệp nâhn thiện ác đã tạo mà chuyển sanh thân sau, để rồi lại luân lưu trong sáu cõi luân hồi. Kinh nói đồng tánh linh mà mang thân hình khác biệt, ý nói đồng là một con người một tâm thức, nhưng do tạo nghiệp nhân thiện hoặc ác mà theo đó thọ lấy quả báo khác nhau mang các thân hình người hoặc trời hay các loài súc sanh, ngạ quỷ v.v… Chẳng khác nào cùng một khối vàng, nhưng khi nung tạo thành nữ trang thì lại mang hình thức và tên khác nhau như bông tai, cà rá, giây chuyền, kiềng, vòng v.v… Kinh Phật nói theo nghiệp nhân đã tạo do đó nghiệp lực dẫn dắt thọ chịu nghiệp quả qua các hình thức khác biệt. Khổng Tử khi đề cập đến phần tinh thần của con người, Ngài nói: “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến”. Tính khí kết hợp làm thân, thần hồn du hành biến chuyển không ngừng.

Từ trước đến nay, đức Phật giảng nói cho A-Nan rõ tội ác về sát sanh và kiếp kiếp thọ nhận quả báo cực hình như thế nào rồi. Từ giới sát sanh, đây có thể suy ra quả báo của các giới khác, chúng ta nên biết để tự cảnh tỉnh mình ngõ hầu ngăn ngừa chấm dứt ác nghiệp, tránh thảm họa oan oan tương báo. Tiếp sau đây,đức Phật khuyên nên tu thiện.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9