Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung
Sa môn An Thế Cao dịch từ Phạn ra Hán
Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm dịch và giải

 

Đoạn sáu: Thấy mình có phước duyên, lại thương xót chúng sanh tội nhiều phước mỏng lòng tin yếu kém. Tôn giả A Nan cảm kích nên lời thi kệ để tóm lược lời Phật dạy giảng nói để đại chúng dễ nhớ, đồng thời cũng khuyến pháp hội phát tâm Bồ đề.

1- Thỉnh Phật trụ ở đời.

CHÁNH VĂN:

A-Nan nhân đây mà nói kệ rằng.

LỜI GIẢI:

“Nhân đây” có nghĩa là tôn giả A-Nan cảm thấy mình được phước duyên gặp Phật nghe pháp tín thọ tu hành, đồng thời nghĩ đến những chúng sanh hiện đời và đời sau khó gặp được Phật, nên kính xin Phật trụ lâu ở đời để cho thế nhơn thấm nhuần ơn pháp nhủ, có đủ nghị lực phát tâm tu hành. Đồng thời tôn giả cũng làm hai mươi tám bài thi kệ khuyến hóa người đời. Hai mươi tám bài kệ có thể chia làm bảy đoạn:

CHÁNH VĂN:

1/ Phật hộ trì ba cõi
Ân đức khắp chúng sanh
Nguyện vì tất cả chúng
Nên chưa thể Niết bàn.

2/ Người gặp chánh pháp ít
Mê muội không rõ chân
Đáng thương kẻ bất thức
Tội chướng sâu như thế

3/ Có phước gặp Phật pháp
Vạn triệu chỉ một hai
Kinh pháp tiêu tán dần
Biết phải nương vào đâu.

LỜI GIẢI:

Ba bài kệ trên đây thuộc đoạn một. Đại ý A-Nan cầu thỉnh Phật ở đời thời gian lâu dài hơn để cho chúng sanh được khai thị mở mắt vô minh, thoát vòng khổ lụy.

Bài kệ đầu tôn giả A Nan ca ngợi ân đức của Phật. Phật là bậc đạo sư ba cõi, là cha lành của muôn loài, từ bi hộ trì tất cả chúng sanh, là nơi nương tựa của chúng sanh trong chín cõi, lục đạo tam thừa, chúng sanh từ Phật pháp mà thoát khỏi luân hồi sanh tử. Rồi A-Nan cầu thỉnh Phật vì thương tất cả chúng sanh, chưa nên vào Niết bàn.

Bài kệ thứ hai A-Nan thương trách chúng sanh sao quá mãi mê dục lạc giả tạm thế gian, như kẻ đui mù không phân biệt đâu là chân giả chánh tà. Thâït đáng thương cho kẻ vô ý thức tham đắm dục lạc trần gian mà mắc phải tội lỗi sâu nặng như thế. Do tội lỗi sâu nặng buộc ràng nên khó được cơ duyên nghe chánh pháp, gặp Phật, gặp minh sư. Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển sáu nói: “Vào thời mạt kiếp cách Phật lâu xa, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng. Cũng kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển chín nói: “Vào thời mạt pháp trong giáo pháp của ta, loài ma trà trộn xuất gia tu đạo, khiến cho kẻ chân chánh tu hành cũng bị (thế nhơn nhầm lẫn) xem là quyến thuộc của ma”. Qua đoạn kinh trên đây chính là lời Phật huyền ký cho chúng ta thấy rõ hiện nay lắm lẻ xưng là đệ tử Phật mà hành vi ngôn ngữ đời sống không có gì thể hiện là Phật tử cả, ngoài chiếc áo và hình thức tự xưng ra. Để khỏi rơi vào vòng tà sư mê hoặc, bạn ác dẫn dụ thì cần nên phát nguyện qui y Tam Bảo, thọ trì giới luật, chuyên tâm niệm Phật, cầu Phật lực hộ trì, thành tâm nhất chí niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh độ. Có như thế mới dứt được nghiệp duyên, thoát ly xiềng xích của tà sư tà pháp đoạn trừ vọng tâm ngũ dục ma chướng.

Bài kệ thứ ba nói người chân chánh gặp được Phật pháp số lượng thật quá ít oi, vạn triệu người mơi có được một hai. Thảo nào cổ đức đã chẳng nói “bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ” để nhắc nhở trước mỗi lần tụng kinh. Chánh pháp ít người gặp, ít người tin theo, nên ít người tu học hoằng truyền, do vậy mà Phật pháp từ từ suy đồi. Khổng tử nói: “Nhơn năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhơn”. Người hoằng dương phát triển đạo chớ chẳng phải đạo hoằng truyền người. Nên người gặp được Phật pháp phải biết người đó tự đã trồng thiện căn từ nhiều đời trước. Với ý nghĩa nầy nên A-Nan nói: “Có phước gặp Phật pháp vạn triệu chỉ một hai”. Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nay chúng ta được thân người lại gặp Phật pháp mà không phát tâm tu tập thì chẳng khác nào con rùa mù ở biển cả ngàn năm nổi lên mặt nước một lần may gặp được bọng cây mà không chịu chui vào nằm nghỉ ngơi chờ dịp lên bờ rong chơi dưới ánh sáng mặt trời. Người không chịu tiếp nhận Phật pháp để trang bị cho bản thân được an lạc thì chẳng khác nào kẻ mù ăn mày được người thương nhận đem về uuôi chữa sáng mắt cho ăn học, nhưng từ chối lòng thương cứu giúp. Thật chẳng đáng thương tiếc làm sao?

Thế sự khó nhẫn, chúng sanh cang cường khó điều phục, khó hóa độ. Là đệ tử Phật phải cố gắng tối đa vận dụng năng lực tu hạnh nhẫn nhục khiêm cung, nguyện nhân lấy cái khổ người đời không thích là làm. Là đệ tử Phật xuất gia cũng như tại gia phải luôn luôn nhớ mình là đệ tử Phật, nội tại chuyên tâm trì giới, cố gắng tu học, khắc phục chướng duyên, ngoại tại phát triển tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh, hộ trì chánh pháp, mở lượng giúp đời. Phải nuôi dưỡng tâm nguyện thanh tịnh lợi tha mới chân thật là đệ tử Phật.

2- Nghi hoặc hủy báng Tam Bảo thì tội nặng.

CHÁNH VĂN:

4/ Ân Phật quá lớn lao
Tội do chúng sanh tạo
Trống pháp chấn tam giới
Thế sao không được nghe?

5/ Đời trược nhiều kẻ ác
Vẫn tự đọa điên đảo
Chê trách hủy báng Phật
Tà mị hủy chánh chân.

6/ Không tin đời có Phật
Nói Phật chẳng đại đạo
Người này chẳng phải người
Tự trồng các gốc tội.

LỜI GIẢI:

Ba bài kệ trên đây thuộc đoạn hai. Đại ý ân Phật đối vối chúng sanh thật quá lớn lao, trống pháp âm vang dội khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, vậy mà chúng sanh trong đời ngũ trược cũng vẫn chưa cảnh tỉnh để hồi tâm học đạo, lại còn mang tâm hoài nghi cho là không có Phật trong đời, còn nặng lời khinh chê bai hủy báng Phật pháp, đã mê lầm tội lỗi lại tiếp tục tạo thêm tội lỗi mê lầm.

Bài kệ thứ tư nói về ân đức Phật. Đức Phật dâng hiến trọn đời cho công cuộc hoằng pháp lợi sanh. Nhưng rất tiếc chúng sanh nghiệp chướng sâu dày mê tâm chấp trước không chịu nghe lời Phật dạy, chạy theo danh lợi, đắm theo dục vọng tự trói buộc mình, tự làm ngăn cách giữa mình với Phật thêm xa. Như kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nhận bọt nước cho là nước toàn biển cả”, tức là nhận vọng tưởng cho là chân tâm. Ba đời mười phương các đức Phật chư vị Bồ Tát lúc nào cũng thuyết pháp, tiếng trống pháp rền vang khắp ba cõi tam thiên đại thiên thế giới, vậy mà chúng sanh nghiệp chướng nặng nề không nghe. Chẳng khác nào kẻ điếc không nghe tiếng đàn rồi cho đàn không tiếng. Nhưng nước ngàn sông đều ảnh hiện bóng trăng, chỉ có nước sông sóng động đục ngầu mới không tiếp nhận được ánh trăng hiện vào. Tâm thanh tịnh thì nghe hiểu được pháp âm của Phật Bồ Tát. Tâm loạn động thì không nghe thấy. Đời nhà Tùy bên Tàu có Thiên Thai Trí Giả Đại sư chuyên tâm niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn thể đạt cảnh giới thanh tịnh, chính Ngài đích thực một lần thấy đức Phật và đại chúng trên pháp hội Linh Sơn vẫn còn câu hội.

Bài kệ thứ năm nói chúng sanh cam chịu đọa lạc do vì tạo tội hủy báng Phật pháp. Đời trược tức là cõi đời chúng ta đang sống đây thường gọi là cõi Ta Bà ác thế ngũ trược. Ta bà có nghĩa là kham nhẫn, tức là sự việc và hoàn cảnh không như ý muốn của chúng sanh. Ác thế là cõi đời xấu ác bất hạnh nhiều hơn tốt đẹp lành thiện. Ngũ trược là năm điều không được chắc chắn thanh tịnh an vui, phần nhiều tạo mười nghiệp ác. Bởi do chúng sanh tự tạo ác nghiệp rồi nghiệp dẫn đọa lạc điên đảo. Tục ngữ có câu: “Người hướng đến chỗ cao, nước chảy về chỗ thấp. vật cùng loài quần tụ, người hợp quần phân ly”. Lòng dục làm tâm tối, lợi danh làm trí mờ, tâm thức huân tập chủng tử ác, nên gặp phải ác duyên liền bộc phát mê loạn, như nước xuống dốc xuôi dòng càng chảy càng nhanh càng sâu. Nhưng kẻ ở nhà Phật, ăn cơm Phật, mặc áo Phật, tự xưng là đệ tử Phật mà hành nghi tâm hạnh không giống Phật, lại dua nịnh với kẻ quyền quý, mưu đồ tranh danh đoạt lợi, kết bè lập phái, phá trai phạm giới ngay chốn già lam, lấy đạo tạo đời, đó là những kẻ hình người tâm ma trà trộn trong Phật pháp, chê hủy báng người chân tâm chánh niệm nghiêm trì giới pháp làm cho thế nhân hoài nghi khi chê Phật pháp, khiến cho người thật tâm cầu đạo chẳng biết đâu để nương tựa, rồi từ đó thối thất tâm Bồ đề. Đây chính là quyến thuộc ma vương ngụy hình đệ tử Phật mưu đồ phá Phật pháp sớm tiêu diệt, nên tôn giả A-Nan nói: “Chê trách hủy báng Phật, tà mị hủy chánh pháp”. Cho dù vậy, chúng cũng như mây mù giông tố rộn ràng nhứt thời đâu có thể lâu dài che lấp ánh sáng mặt trời Phật pháp được.

Bài kệ thứ sáu nói kẻ tà kiến không tin có Phật ở đời. Phật là bậc đại giác ngộ, đại trí huệ, đại giải thoát, mà kẻ tà kiến lại cho Phật không phải là đại đạo. Khổng Tử nói: “Biết nói là biết, không biết nói là không là không biết thì mới là người thật sự biết”. Kẻ không biết Phật pháp, không nghiên cứu tu tập mà cuồng tưởng vọng ngôn cho là không có Phật ở đời, Phật không phải là bậc đại giác ngộ, thì rõ là đồ đệ của ma quân ngoại đạo. Lục tổ Huệ Năng khai thị cho Pháp Đạt Thiền sư rằng: “Phật cũng là giác ngộ, khai thị cho người đời ngộ nhập tri kiến của Phật. Hễ ai được nghe khai thị thì được ngộ nhập thể giác tri kiến, tức là bổn lai chân tánh hiển bày. Ông hãy cảm thận chớ nên giải thích sai lầm ý nghĩa kinh điển, lấy sự khai thị ngộ nhập của đạo khác mà tự cho đó là tri kiến của Phật, ấy là bọn người không biết biện biệt. Nếu đem giáo lý ngoại đạo so sánh giải thích, như thế chính là hủy báng Phật. Nếu chúng sanh có đủ tri kiến thì Phật cần gì phải khai thị? Ông nay tin rằng, tri kiến Phật chính tại tâm ông chứ không phải nơi Phật nào khác”.

Do đây, ta có thể biết Phật pháp đích thực là tự tánh chánh pháp, chân pháp, đại pháp rõ ràng như thế nào lại không tin? Kẻ không tin Phật pháp, tuy hình thức nội tâm mê muội tà ngụy đã mất căn bản nhơn cách. Phật pháp là thể hiện ánh sáng chân lý đạo đức mà họ không tin tưởng, không tiếp nhận, điều này mặc nhiên nói lên tâm họ không có ánh sáng chân lý đạo đức. Như học trò không tiếp nhận lời thầy giáo, không vào lớp học, đọc sách bông lung, thì chứng tỏ không còn tư cách học trò, con đường tối mò hiện ra trước mắt, ấy là kẻ hạ cấp hay triết gia khùng. Vô sư trí cũng như Thái tử Tất Đạt Đa cũng phải khởi đầu bằng lộ trình bái sư thọ giáo, khai trí bằng học tập. Nhơn cách của nhà Nho là ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhơn cách trong Phật pháp là: Ngũ giới, Thập thiện. Bỏ ngũ thường, không ngũ giới mà tự cho mình có nhơn cách, có tri thức đạo đức, đích thực đó là kẻ cuồng vọng tà kiến, tâm niệm hành vi của họ tạo nên bất hạnh cho gia đình, gây ra tai họa cho làng nước. Đấy là nguồn gốc của trọng tội. Vậy thì, con người tạo tội ác dẫn đến làng nước không thanh bình. Thế gian không an lạc là do con người không biết tôn sư trọng đạo, không tin Phật, không có nhơn cách. Hiện đời lo nghĩ tạo các việc bất an, khi thân tàn tâm loạn chôn thân vào lòng đất là lúc bắt đầu cuộc hành trình đi sâu trong ba đường địa ngục ngạ quỷ súc sanh.

3- Tội nào thì quả nấy

CHÁNH VĂN:

7/ Mạng chung đọa đường ác
Đao kiếm chẻ thân mình
Ác quỷ giết nuốt ăn
Ném vào trong dầu sôi.

8/ Dâm đảng ôm trụ đồng
Lửa dữ bừng thiêu đốt
Phỉ báng người thanh cao
Kềm sắt kẹp kéo lưỡi

9/ Say sưa không lễ tiết
Mê hoặc mất nhơn cách
Chết đọa vào địa ngục
Đồng sôi rót vào miệng.

10/ Gặp phải các ách nạn
Thống khổ không thể nói
Nếu được sanh làm người
Kiếp nghèo đói hạ tiện.

LỜI GIẢI:

Bốn bài kệ trên đây thuộc về đoạn ba: Kệ nầy nói người tạo trong tội thì nhất định đọa vào địa ngục vô gián chứ không cách nào thoát khỏi. Như tội ngũ nghịch, tội giết người, giết loài vật thì sẽ nhận lấy quả báo gươm đao, nước đồng sôi, gường sắt nóng, trụ đồng nung đỏ v.v… ác quỷ dạ xoa, đầu trâu mặt ngựa đâm chém cưa xẻ đúng những thứ hình phạt kinh khiếp đớn đau. Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, mê rượu là năm điều căn bản của nhân đạo. Bốn giới trước gọi là tánh tội, tức là bản chất phàm phu chúng sanh vốn sẵn có. Còn giới rượu gọi là giá tội, tức là hoàn cảnh huân tập mà có. Nên giá có nghĩa là ngăn ngừa để huân tập. Tuy là do huân tập nhưng một khi thành tập khí phạm rồi thì phạm luôn bốn giới sát, trộm, dâm, vọng, nên cũng thuộc trọng giới. Năm giới nầy là căn bản để hoàn thành nhơn đạo, từ đó tiến lên thánh quả Phật đạo. Ngược lại, nếu không giữ thì khó tránh được quả báo đau thương kinh khủng như kinh Thủ Lăng Nghiêm và kinh Địa Tạng Phật nói rất rõ. Tiếp theo sau đây là bốn đoạn.

4- Phước báo của người thọ trì giới.

CHÁNH VĂN:

11/ Không sát, được hưởng thọ
Thân thể thường an khang
Không trộm, được giàu sang
Tiền của đầy như ý.

12/ Không dâm, hương thanh khiết
Thân hình thuần thuần đẹp thơm
Thần khí thường minh mẫn
Phong thái vượt đại dương.

13/ Tín thành không dối trá
Được chúng nhơn kính tin
Không rượu say trí sáng
Phước huệ đời tôn kính.

14/ Được năm phước hơn đời
Trời người cùng làm bạn
Đời kiếp ức vạn bội
Chân lý thật rõ ràng.

LỜI GIẢI:

Đoạn bốn này gồm có bốn bài kệ thuyết minh về phước quả khác biệt của ngũ giới. Kệ thứ mười một nói về quả báo thù thắng của người giữ giới không sát sanh. Phàm loài có máu huyết, có tri giác là có tánh linh, đồng thể tánh với tất cả. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Các pháp sanh thành do tâm hiện hành. Tất cả nhân quả thế giới vi trần do tâm thành thể, cho đến cỏ lá giây gai kết hợp đều có căn nguyên, hàm hữu thể tánh”. Như thế vật nhỏ nhít như vi trùng cũng khởi lòng thương hộ mạng, không nỡ giết hại mới chân thật là từ bi, mới được quả thù thắng an khang trường thọ. Người Phật tử chẳng những không sát sanh mà còn tích cực ăn chay, phóng sanh khuyến người phát triển tinh thần vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm. Vệ sinh là bảo vệ sinh lý tráng kiện không bịnh; vệ tánh là bảo vệ tánh tình linh hoạt minh mẫn không bất thường; vệ tâm là bảo vệ tâm lý an lạc không ưu tư sầu muộn, tức là thân tâm không bịnh hoạn, thường được kiện khang, trường thọ, đấy là quả báo thù thắng tất nhiên của giới sát, phóng sanh và trường trai.

Không trộm cắp mà còn bố thí thì được quả báo thù thắng vô cùng. Tâm bình đẳng bố thí tiền của vật chất thì nhận được quả báo giàu sang. Tâm hỷ xả bố thí vô úy thì được quả báo thù thắng an khang trường thọ. Giới kinh nói: Tiền bạc đồ quý cho đến cây kim cọng cỏ của người không cho thì không được lấy. Của thường trụ, của công cộng, của quan dân, tất cả những vật không cho thì không được lấy. Nếu lấy là thuộc về tội trộm cướp. Lén lấy, dối gạt cho đến trốn thuế, dối đò đều thuộc tội trộm cắp. Đã không trộm cắp lén dối lấy mà còn bố thí cứu giúp thì sẽ được quả báo tiền của như ý nguyện.

Kệ thứ mười hai nói về quả báo thù thắng của việc không dâm dục. Không dâm đảng thì được phước báo thân thể thanh khiết sắc tướng tốt đẹp, phong độ thần khí đoan trang, tinh thần minh mẫn được vua quan nể vì, phước báo làm công hầu khanh tướng. Kinh Phật nói: Thân đoạn dâm được phước báo sanh lên ba cõi trời Đâu suất thiên, Tha lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên. Tâm đoạn dâm, hành phước thiện thì được quả báo thù thắng sanh lên cõi trời Sắc giới, Vô sắc giới, Tứ thiền thiên, Tứ không thiên và còn có thể làm đến cả Thiên vương nữa.

Kệ thứ mười ba nói về phước báo thù thắng của việc không ngừng nói vọng ngữ. Đức Phật được chúng sanh trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới tôn trọng. Tất cả thánh hiền nhơn thiên quy ngưỡng phụng thờ, không có gì khác ngoài thành tín. Tâm chí thành là chân tâm, là chơn như bổn tánh, thâm nhập chân lý, ngộ nhập thật tướng, tức là thể nhập tâm vô duyên từ và đồng thể đại bi. Thế nên, căn bản của người học tu Phật là khởi đi từ thành tín, tâm địa chánh đại quang minh thì mới thể hội đầy đủ nguồn an lạc trong đạo pháp. Giữ trọn thành tín thì được người đời kính thuận ủng hộ không việc gì mà không thành.

Người tu học Phật thường “Nguyện đắc trí huệ chân minh liễu”. Muốn được trí huệ chân minh liễu thì phải đoạn sát, đạo, dâm vọng. Đặc biệt không uống rượu là nhân tố bảo trì thân tâm thanh tịnh, định huệ viên minh, tự độ hóa tha, khiến cho tất cả đều được đức trí, tương thân tương kính tương trọng.

Kệ mười bốn nói về phước báo của việc giữ ngũ giới thì được năm phước siêu việt trong đời. Năm phước căn cứ bản kinh nầy là: 1/ Trường thọ do không sát sanh; 2/ Giàu sang do không trộm cắp; 3/ Thanh tịnh không dâm dục tức là tâm không phiền não lo âu, thân cảnh an hòa; 4/ Được người đời kính tin ủng họ do không nói vọng ngữ; 5/ Trí huệ hơn người do không uống rượu. Trong năm phước thì bốn điều là phước quả, điều thứ năm là trí huệ, nhân tố để tạo phước đức, nhân quả hỗ tương tạo thành phước đức trí huệ ngày thêm tăng trưởng, đời đời kiếp kiếp tiếp tục bồi dưỡng, phước báo vượt tam giới, đồng với Phật. Chân đế của ngũ giới là khơi nguồn cho đạo quả giải thoát. Tiếp theo dây là đoạn năm nói về sự nghi ngờ tội phước quả báo.

5/ Nghi quả báo tội phước.

CHÁNH VĂN:

15/ Mạt thế nhiều kẻ ác
Chẳng tin lắm nghi hoặc
Ngu sinh chẳng hiểu đạo
Vốn tội lại đào sâu.

16/ Chê Phật hại chánh pháp
Chết đọa đại thiết thành
Thần thức ở trong đó
Đầu đội bánh xe sắt

18/ Muốn chết cũng chẳng được
Giây lát đã biến mất
Chỉa ba cùng gươm giáo
Thi nhau đâm chém thân.

LỜI GIẢI:

Kệ thứ mười lăm, A-Nan nói đời mạt pháp nhiều kẻ ác chẳng tin Phật pháp, nghi ngờ nhân quả, ngu si chẳng biết nhận định chân lý chánh tà, tự ý buông tình nói xàm bậy, đã mang kiếp phàm phu đầy tội lỗi lại thêm chất chồng tội lỗi do không tin nhân quả tạo ra. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Tâm là nguồn ác, thân là rừng tội”. Người không tin nhân quả nghiệp báo thì khó tránh khỏi tạo mười nghiệp ác do thân miệng ý tạo ra và dễ dàng phạm tội ngũ nghịch. Như cộng sản phá hoại Phật pháp, sát hại người hiền, tiêu diệt luân thường đạo lý, đem cha mẹ bà con đấu tố, biến nơi thờ phượng trang nghiêm làm chỗ hý trường, xưởng đẻ, nuôi súc vật, kho chứa v.v… Cho đến cướp của giết người, đoạt vợ hại chồng đều do si mê cuồng vọng không tin nhân quả nghiệp báo. Như thế có phải tâm là nguồn ác, thân là rừng tội không? Người xuất gia mà mang lòng hoài nghi oai lực của chư thiện thần gia hộ, thần lực Tam Bảo phò trì, năng lực giới pháp đưa người đến giải thoát thì khó tránh sa vào tham cầu lợi dưỡng, hình đồng xuất gia mà tâm đã xa đạo!

Kệ thứ mười sáu nói về quả báo ác của việc phá hoại hoằng dương Phật pháp, làm chướng ngại người tu học. Bất luận là ai, hễ có tâm mờ ám bất chánh thì khó tránh khỏi quả báo đọa vào vô gián địa ngục. Phá hoại Phật pháp tức là phá hoại con mắt chánh giác của trời người. Trở ngại việc hoằng pháp là đoạn dứt con đường pháp thân huệ mạng của chúng sanh, nên chịu quả báo đầu đội vành bánh xe sắt lửa cháy hừng hựt. Là người tu học Phật phải nhận rõ thân nầy là vô thường huyễn mộng sống chẳng qua hơi thở, dài lắm là năm bảy mươi năm, sao không cố gắng lợi dụng thời gian để tu tâm sửa tánh hầu tiến bước lên trên đường ánh sáng thanh thoát của Phật thánh, lại chụp bắt ngũ dục trần gian, mang lòng ích kỷ trở ngại phá hoại đạo pháp, chính là tự hủy hoại bước tiến thăng hoa thánh thiện của mình.

Kệ thứ mười bảy nói mạng sống trong địa ngục vô gián, thân hình chịu khổ liên tục không ngừng, tâm thần thống khổ liên miên, lúc đó cho dù muốn chết để thoát kiếp khổ đọa đày cũng chẳng được. Do tạo nghiệp hủy báng chánh pháp, trở ngại người chánh tâm hành đạo mà phải nhận lấy ác quả báo như thế. Muốn rõ nên tham khảo kinh Địa Tạng và kinh Lăng Nghiêm. Tiếp đến đây là đoạn thứ sáu nói về tâm ý thế gian tạo tác ác nhân cảm thọ ác báo.

6- Tâm ý thế gian là nguyên nhân của nghiệp báo.

CHÁNH VĂN:

18/ Sao người đời như thế
Nghịch chánh, tin quỷ thần
Tấu xin điều may mắn
Cúng bái tổn hại thân.

19/ Chết đọa mười tám ngục
Trải qua ngục Hắc thằng
Tám nạn liên tiếp chịu
Hoàn phục thân người khó.

20/ Nếu khi được làm người
Man rợ chẳng nghĩa lý
Si cuồng không mắt tai
Chưn què lại câm ngọng.

21/ Dại khờ không rõ sự
Việc ác cứ trói lôi
Luân lưu trong chúng ác
Mang hình loài lục súc.

22/ Bị người mổ xẻ thân
Lột da cắt cổ họng
Đền oan trái đời trước
Đem thịt thân trả người.

23/ Vô đạo đọa ác đạo
Cầu thoát thật khó thay
Thân người đã khó được
Phật pháp khó dịp nghe.

LỜI GIẢI:

Kệ thứ mười tám nói tâm ý của người đời là nguyên nhân khơi dậy các ác nghiệp. Vì thế mà tôn giả A-Nan cảm thương than thở “Vì sao người đời như thế?!” Chúng sanh ý nghĩ việc làm thường trái ngược chánh pháp, tà tri tà kiến mê tín quỷ thần “nghịch chánh, tin quỷ thần”. Đức Phật dạy chúng ta rằng, quỷ thần đại để phân làm hai loại là Tứ thiên vương và quỷ ngục trong ba đường ác, cả hai đều chưa ra khỏi sáu nẻo luân hồi, tri kiến bất chánh, năng lực hữu hạn, kiến giải nhiều sai lầm, chỉ có thể kính mà không thể tin theo. Người tu học Phật nên trai giới nghiêm tịnh phát tâm từ bi cảm hóa quỷ thần khiến cho họ phát tâm hồi đầu Phật pháp. Thế mà nhân gian tập quán sâu dày mê tín khẩn cầu quỷ thần xá miễn nghiệp tội, ban phước cho người. Nếu tự mình không biết sám hối tội lỗi đã làm, gắng công tu bồi phước đức như kinh Hoa Nghiêm nói: “Tội từ tâm sanh do tâm sám, tâm đã diệt rồi tội liền tiêu” thì việc “tấu xin điều may mắn”, việc sát sanh, rượu thịt, đoạt mạng sống, lấy máu xương cúng bái chỉ thêm tổn hại lòng nhân từ mà thôi. Xin xăm, bói quẻ, cầu kiết, tránh hung, ý dồ cầu may miễn họa đều là vọng tâm mê tín. Giả sử xin xăm bói quẻ mà tai họa được miễn trừ, không tu tâm làm phước thiện mà được phần phước báo thì luật nhân quả thế gian và xuất thế gian bị đảo lộn, có thể như thế được ư? Sự thật mặt trời mặt trăng có thể rơi rụng, quả địa cầu có thể nổ tung, chứ luật nhân quả muôn đời bất biến.

Kệ thứ mười chín nói về kẻ không tin nhân quả làm điều tội ác, cầu xin quỷ thần thì sẽ phải đọa vào địa ngục thứ mười tám là địa ngục nặng nhất. Nghiệp ác do người tạo, nghiệp lực chiêu cảm tội nhơn, nên địa ngục nầy có núi dao, dầu sôi, hầm phẩn sôi, băng lạnh, cối đá nghiền, sắt thiết cưa, trụ đồng nung đỏ, nước đồng sôi v.v… ngày đêm hành phạt. Ngoài ra có địa ngục vô gián, tám thứ lạnh nóng kinh hoàng, cưa chặt, thiêu đốt đủ thứ hình phạt thảm khốc không lời lẽ bút mực nào có thể kể xiết. Những ai ác tâm chống phá sự hoằng pháp, hủy báng người tu hành, ly gián Tăng già lục hòa, ngăn cản trở ngại người nghe pháp học đạo, làm công quả đều phải đọa ba đường ác đạo, khi ra khỏi lại phải mắc bát nạn. Nghe được Phật pháp phát tâm hành trì thì nhất định lìa khổ được vui. Chống phá trở ngại làm cho người mất cơ hội tốt trên đường tu hành thánh thiện giác ngộ, cản ngăn người mộ đạo có ý chí xuất gia tất nhiên là chuốc lấy quả báo ác. Cổ đức nói, Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Thói thường người đời vì tự ái, ích kỷ, đố kỵ, bè phái, nên càng muốn làm cho thỏa mãn phàm tâm xuẩn động, nhưng đâu có biết tạo ác trong giây lát mà phải thắc mắc quả báo tan thương muôn đời. Cứ xem anh em Ngô Đình Diệm nhận lấy ác quả báo nhãn tiền thì đủ cảnh cáo cho những ai còn hăng máu trong mê muội tạo tội ác.

Kệ hai mươi nói về tội nhơn sau khi chịu cực hình trong ba đường khổ xong, nhân duyên ác tập vẫn còn, nên khi làm người thường gặp tai nạn. Kinh Phật nói chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi, chủng tử thiện ác đều vốn tự có trong tâm thức, nên khi đầu thai, tùy theo lực lượng của chủng tử nào mạnh thì nghiệp dẫn theo đó mà thọ sanh. Chúng ta thật lòng tự hỏi, mỗi ngày chúng ta có được bao nhiêu lần nghĩ đến Phật Bồ Tát, có mấy lần thiết tha nghĩ đến phải tinh tấn tu hành để cầu giác ngộ giải thoát sanh tử luân hồi, có mấy lần thao thức nghĩ đến thương giúp chúng sanh, cứu giúp quốc gia dân tộc, và tính thử bao nhiêu lần nghĩ đến chuyện thị phi, bao nhiêu lần khởi tâm tham sân si hơn thiệt. Căn cứ vào tâm niệm sinh hoạt hằng ngày thì chúng ta rõ hơn ai hết, biết được ta có thiện tâm nhiều hay ác tâm nhiều, chánh tâm nhiều hay tà tâm nhiều, và câu trả lời hiện ra trước mắt cái nào nhiều thì cái đó có sức mạnh tạo thành nghiệp lực sẽ dắt ta đi. Đi về đâu thì quá rõ!?

Tập khí của con người đáng sợ nhưng cũng đáng quý, nên phải cẩn thận. Nếu tạo thành tập khí niệm Phật ăn chay làm thành thì thật đáng quý, ngược lại, tập khí sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, cờ bạc, rượu chè, ích kỷ, thị phi, hơn thua thì thật đáng sợ. Dù cho có bằng cấp địa vị giàu sang quyền uy mà mang trong người những tập khí đáng sợ nầy thì cũng thuộc hạng ngu si độc ác, chẳng khác người năm giác quan không thông, lòng chồng chất độc ác, tâm tư mê hoặc điên đảo. Ác nhân dẫn đến ác quả. Ác quả tạo ra ác nhân. Như người vui thuốc vui rượu làm nhân đưa đến ghiền thuốc ghiền rượu là quả. Ghiền rượu ghiền thuốc là nhân bắt phải vui rượu vui thuốc là quả. Cứ thế nghiệp lực xoay vần thống khổ bất tận.

Kệ hai mươi mốt và hai mươi hai nói về chúng sanh không tin nhân quả, tạo nhiều tội ác đọa vào địa ngục chịu đủ thứ hình phạt thống khổ xong, khi được sanh làm người lại phải ở nơi nghèo khổ hạ tiện, thiếu văn hóa giáo dục, thân hình tật nguyền, sáu căn không đầy đủ, ngu si dốt nát, bạn ác thân gần. Từ địa ngục ra, trước khi làm thân người cũng đã phải trải qua làm kiếp ngạ quỷ đói khổ thân hình bị thiêu đốt, kiếp súc sanh chịu cảnh lột da cắt xẻ bầm nướng. Thấy súc vật chịu cảnh cầy sâu chở nặng, người cưỡi đánh, giết thị đớn đau đáng thương, tất cả đều là quả báo đền trả của chúng sanh mà trước kia do không tin nhân quả nên tạo ra nhân ác. Kinh Phật nói:”Nghiệp quả lôi kéo thật khó trốn thoát.

Kệ thứ hai mươi ba không tin Tam Bảo; không tin nhân quả báo ứng; không thọ trì Ngũ giới, Thập thiện; không lưu ý Tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả; luân lý đạo đức chẳng cần biết, sống theo phàm tâm tục tánh nên phải đọa lạc vào ác đạo. vì vậy kinh đây nói: “Vô đạo đọa ác đạo, cầu thoát thật khó thay”. Khi thoát ra ba đường ác làm thân người sáu căn đầy đủ nguyên vẹn tay chưn giác quan đã là khó rồi, mà phát tâm thành tín Phật pháp lại càng khó hơn. Trong lục đạo luân hồi, nhơn đạo là quý hơn cả. Vì nhơn đạo trung bình không khổ sở ngu si đói khát bức bách quá đổi như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng không sân hận gây hấn đấu tranh như A tu la và cũng không quá sung sướng triền miên hưởng thụ phước lạc đến quên tu như cõi trời. Ba đường ác đạo ít có Phật Bồ Tát vào thuyết pháp độ sanh đã đành mà cõi sân hận đấu tranh A tu la và sung sướng hưởng lạc thú như cõi thiên thượng cũng ít gặp Phật hóa độ. Cõi nhơn gian vừa khổ cũng vừa vui đủ cơ độ thức tỉnh người nhân thức được vô thường mộng huyễn, con đường thiện ác thăng hoa đọa đày phân minh. Thế nên các bậc Bồ Tát, thánh nhơn và chư Phật thường hiện ra cõi đời này để thuyết pháp độ sanh. Và xưa nay các bậc thánh hiền Bồ Tát Phật cũng khởi đi từ con người. Đối với kẻ nghiệp chướng sâu dày, tập khí bất thiện chứa đầy tâm thức thì không thể dễ dàng mang tâm thành đến với Phật pháp và chánh tín nhân quả luân hồi. Nên kinh đây tôn giả A Nan nói: “Thân người đã khó được, Phật pháp khó dịp nghe” là vậy. Tiếp dưới đây là đoạn bảy, tôn giả A-Nan kết luận bằng kệ chuyển hóa.

7- Kết thúc băng lời chuyển hóa.

CHÁNH VĂN:

24/ Thế Tôn vì chúng sanh
Giúp ba cõi nhờ ơn
Pháp cam lồ tưới khắp
Khiến chúng sanh phụng hành.

25/ Những ai được kiến tánh
Thương nghĩ đến quần sanh
Khai thông đường chánh đạo
Kẻ tuệ căn thoát khổ.

27/ Ơn nào hơn ơn Phật
Cứu đời chuyển pháp luân
Nguyện hết thảy chúng sanh
Thấm nhuần pháp cam lồ.

28/ Thuyền bát nhã đến bến
Phật pháp chở đại thiên
Ngã nhơn đồng một thể
Phát nguyện vô thượng chân.

LỜI GIẢI:

Bài kệ hai mươi bốn là tán thán ơn đức của Phật đối với chúng sanh. Đức Phật đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh làm cho tất cả mọi loài trong ba cõi sáu đường đều có cơ hội thấu hiểu Phật pháp thoát kiếp sanh tử luân hồi.

Kệ hai mươi lăm nói chúng sanh một khi phát tâm tin Phật pháp, y theo Phật pháp, tu hành theo Phật pháp thì được trí huệ giải thoát sanh tử, rồi lại hóa độ gia hộ cho quần sanh cũng được minh tâm kiến tánh giác ngộ thành A la hán Bồ Tát. Nên kệ nói: “những ai được kiến tánh, thương nghĩ đến quần sanh, khai thông đường chánh đạo, kẻ tuệ căn thoát khổ”. Thế nên với Phật pháp hễ ai phát tâm Bồ Tát thương nghĩ đến chúng sanh mà tự mình cố gắng tu học rồi đem sự tu học đó hóa độ người, bất cứ là ai hễ chịu thành tâm tiếp thọ, chánh pháp chánh tâm phụng hành cũng đều được thành đạo chứng quả giác ngộ giải thoát cả.

Kệ hai mươi sáu, A-Nan đặc biệt khuyen chúng ta môt lòng chí thành hướng về Phật cầu tu học Phật pháp để tạo phước báo. Được thân người là khó, chúng ta đã được; được cơ duyên nghe Phật pháp là khó, chúng ta đã nghe. Như vậy chúng ta tuy sanh vào thời mạt pháp cách Phật lâu xa mà chúng ta được như vậy thì phải biết rằng có nhiều phước duyên thiện căn, nếu không nắm lấy cơ hội này phát tâm tinh tấn tu hành để tiến thân, để một khi mất thân nầy đọa lạc ngàn muôn ức kiếp chẳng dễ gì được lại thân với sáu căn đầy đủ và gặp Phật pháp. Bài kệ trên đây tôn giả A-Nan còn cho chúng ta biết, chỉ những người có phước duyên mới có tâm hướng về Phật, nghĩ đến việc tu học Phật pháp. Nói hướng về Phật là phát tâm quy y theo Phật, lấy Phật làm mục đích để tiến đến, lấy giới định huệ, tứ hoằng thệ nguyện, lục độ, tam quy ngũ giới pháp làm phương tiện hành trì. Như vậy, chúng ta sống có mục đích là Phật, hướng đi là giác ngộ giải thoát, phương tiện là giới định huệ và cứu cánh là quả vị Phật. Kệ đây nói: “Kiến tánh ngộ vô sanh”. Kiến tánh là thấy rõ chân lý, nhất chân pháp giới. “Ngộ vô sanh” nghĩa là tâm trí thanh tịnh khai thông, Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh, Tịnh độ tông gọi là nhứt tâm bất loạn, cả hai đều là “Kiến tánh (thấy chân lý) ngộ vô sanh”. Ruộng phước điền là chỉ cho Tam Bảo. Chúng sanh nên quy y, nên gieo trồng giống lành vào ruộng phước điền để được quả bất sinh bất diệt, thường, lạc, ngã, tịnh. Gieo bằng cách nào? Là trì giới và tu hạnh lành như Lục độ, Tứ nhiếp pháp, Bát chánh đạo.

Kệ hai mươi bảy nói ơn đức của Phật lớn lao không ơn đức nào bằng. Bởi vì nếu không có Phật hiến trọn đời thuyết pháp độ sanh thì chúng ta đâu có biết thế nào là tội phước nhân quả luân hồi, và như thế đâu có cơ hội thấu rõ cội nguồn thật tướng của vũ trụ vạn vật, và cũng không từ đâu mà thấu rõ được chính mình có khả năng thánh thiện có thể thành Phật Bồ Tát, để rồi từ đó cố gắng tu hành tiến lên quả vị Phật thánh. Ngài đã thắp ngọn đèn trong đêm tăm tối. Ngài đã mở lối cho vạn loại sanh linh đang lạc loài trong rừng sâu. Ngài là người dẫn đường cho kẻ mất phương hướng như chúng ta. Ngài là bà mẹ hiền săn sóc đàn con bơ vơ đói rách lâu ngày. Vậy thì ơn nào hơn ơn Phật? Muốn đền ơn Phật chi còn có cách duy nhất là phát tâm y theo lời Phật dạy mà tu hành.

Kệ hai mươi tám nói giáo pháp đức Phật như thuyền Bát Nhã có năng lực diệu dụng đưa chúng sanh đến bờ Niết bàn giác ngộ. Người y theo giáo pháp của đức Phật mà nghiêm chỉnh tu hành thì chẳng khác nào như hành khách lên thuyền để qua sông, tự độ, nên kệ nói “thuyền bát nhã đến bến”. Độ tha là “Phật pháp chở đại thiên”, có nghĩa là Phật pháp có năng lực chuyển hóa chúng sanh trong cõi tam thiên đại thiên thế giới đồng đến bỉ ngạn, đồng chứng Bồ đề, đồng được tự tại giải thoát. Đạt đến cảnh giới ngã nhơn đồng một thể, tánh tướng nhứt như, nhứt chân pháp giới bình đẳng cứu cánh viên mãn. Người tu học Phật nên noi theo gương Phật, phát tâm Đại thừa, tu hạnh lợi tha thượng cầu thành Phật, hạ hóa chúng sanh, tức là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Xuất thế pháp của nhà Phật là đoạn phiền não, thế pháp của nhà Nho là cách vật. Người Phật tử nguyện pháp môn vô lượng thệ nguyện học, cũng như môn đồ Nho gia là trí tri. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, tương tợ thế pháp của Nho gia là thành ý chánh tâm. Tinh thần lợi tha xuất thế của nhà Phật là “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, cũng như tinh thần xử thế của nhà Nho là “tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ”. Xuất thế pháp của nhà Phật bao gồm thế gian pháp. Người tu Phật pháp khởi đi từ nhơn cách. Nhơn cách hoàn thành thì đạo cách mới thành. Thế nên Phật pháp bất ly thế gian pháp, đạt lý thế gian pháp tức là đạt chân lý Phật pháp. Nên kệ nói: “Phát nguyện vô thượng chân”, tức là nguyện cho nhứt thiết chúng sanh đồng viên chủng trí, đồng đăng bỉ ngạn, đồng thành Phật đạo.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9