Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung
Sa môn An Thế Cao dịch từ Phạn ra Hán
Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm dịch và giải

 

Đoạn năm: A-Nan biết mình có phước duyên gặp Phật, thương xót người đời nhiều nghiệp tội ít lòng tin.

1.- A-Nan biết mình được phước duyên gặp Phật ở đời.

CHÁNH VĂN:

A-Nan nghe Phật thuyết xong, sửa lại y áo chỉnh tề, đầu mặt cúi sát đất bạch Phật: “Tuy nhiên cúi xin đức Thế Tôn, chúng con có phước duyên được gặp đức Như Lai, khắp cho ân đức lớn lao, mong Ngài thương nghĩ đến tất cả chúng sanh, vì họ mà làm ruộng phước, khiến cho họ được thoát khổ”.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh đây cho ta thấy, sau khi tôn giả A-Nan nghe Phật bốn lần khai thị chỉ dạy xong, Ngài sửa y áo chỉnh tề rồi gieo đầu mặt lạy sát đất, lòng nghỉ đến chúng sanh đời sau, nên đem tâm thành khẩn thưa với Phật, để cho chúng sanh được lợi lạc. Sửa y áo chỉnh tề, năm vóc đầu mặt chưn tay thân thể lạy sát đất là biểu lộ cử chỉ và tâm ý rất mực tôn kính cảm tạ lượng từ bi giáo hóa của Phật.

Người đời quan niệm đỉnh đầu là cao quý nhất, kế đến là thân thể. Nên nói thương cha mẹ nơi tâm, thờ cha mẹ trên đầu. Đỉnh đầu là chỗ cao khiết thiêng liêng, chỉ đối với bậc tôn kính nhất mới cúi đầu sát đất lạy. Vậy mà Thường Bất Khinh Bồ Tát gặp bất cứ ai Ngài cũng cúi đầu xá lạy miệng nói: “Xin kính lạy ngài, ngài là vị Phật tương lai”. Làm như vậy, dù bị người dời cho là khùng điên, khinh mắng, rượt đánh, Bồ Tát cũng vẫn làm y như vậy mỗi khi gặp bất cứ ai. Bởi dưới mắt Bồ Tát, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều đáng kính trọng. Ngày nay dù họ có mê muội trong dục vọng làm kiếp chúng sanh, nhưng một kiếp nào đó trong tương lai, họ sẽ tu hành giác ngộ. Đem đầu mặt lạy sát đất ngoài ý nghĩa hết mực tỏ lòng cung kính ra còn có ý nghĩa là tự diệt trừ tâm ngã mạn của mình.

“Tuy nhiên cúi mong đức Thế Tôn chúng con có phước duyên được gặp đức Thế Tôn trong đời”. Câu nầy tôn giả A-Nan biểu lộ lòng tôn kính tuyệt đối tin thọ lời khai thị của đức Phật, không còn có điều gì nghi ngờ. Nhưng ở đây A-Nan mở đầu lời bạch Phật bằng chữ “Tuy nhiên” mang ý nghĩa: Chỉ cho tất cả chúng sanh những người chưa có thiện duyên nghe Phật khai thị, không tin Phật pháp, A-Nan mặc nhiên đại diện thưa Phật thương xót đến họ. A-Nan lạy bạch Phật mở đầu bằng chữ “Tuy nhiên cúi xin đức Thế Tôn…” còn nói lên ý nghĩa: Con và đại chúng trong pháp hội đây nhờ tu bồi phước đức thâm sâu, nên đời nầy mới có cơ duyên gặp Phật nghe pháp. Còn thân phận của các chúng sanh thiếu thiện duyên không gặp Phật thì chắc phải chịu đọa đày trong tăm tối lâu dài khó có ngày gặp đức Như Lai. “Mong Ngài trải lòng từ bi bình đẳng nghĩ thương tất cả chúng sanh đó, khắp vì họ mà làm vô thượng ruộng phước để cho họ có cơ duyên gieo hạt giống Bồ đề”. Bất cứ ai, hễ thành tâm y theo lời Phật dạy mà tu tâm sửa tánh thì nhất định phấ mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Đừng tìm đạo ở nơi nào ngoài ta. Đạo tại tâm, Phật tại tâm. Tâm thanh tịnh là đạo, là Phật, là giác ngộ giải thoát. Tâm không thanh tịnh dù có chạy rong tin theo ông kia xưng là Phật sống, bà nọ xưng là Bồ Tát tái thế cũng vô ích chẳng được gì, lắm lúc trở thành kẻ cuồng loạn. Tổ Ấn Quang nói: “A-Di-Đà là phước điền thứ nhứt, niệm Phật vãng sanh là đại phước điền. Kẻ thiện căn lợi trí tin sâu chuyên trì lời Phật dạy, Tổ khuyên chân thật, tuyệt đối muôn đời không hư dối”.

2.- A-Nan xót thương người đời nhiều ác, kém đức tin. 

CHÁNH VĂN:

Lời Phật dạy chí chân chí thiết, mà người tin Phật quá ít oi, đời nầy xấu ác nhiều, chúng sanh nguyền rủa lẫn nhau, thật đáng đau lòng lắm vậy! Nếu có tin lời Phật cũng chỉ một hoặc hai thì làm sao hoán cải cõi đời ác trượt nầy, nên mới tồi tệ đến như thế.

LỜI GIẢI:

Đây là lời thương than của tôn giả A-Nan đối với chúng sanh trong đời nầy, nhiều xấu ác kém lòng tin. Lời Phật dạy thống thiết chân thật như trong pháp hội Bát Nhã, đức Phật nói với trưởng lão Tu Bồ Đề rằng: “Lời nói của Như Lai là chân thật ngữ”. Chân là không giả dối, không có hư vọng. Thật là không có mị ngụy. Chân thật ngữ là lời nói đúng như sự thật, như chân lý, hợp với căn cơ, trước sau duy nhất, không mâu thuẫn sai khác. Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, lời nào lời nấy của Phật nói ra đều hợp chân lý căn cơ, chẳng những khế hợp thời Phật tại thế cách đây gần ba ngàn năm, mà cho đến ngày nay thời đại tối cực văn minh, giáo pháp của Phật vẫn là ngọn đèn soi tỏ cho những phát minh tiến bộ của nhân loại về mọi phương diện liên hệ nhân sanh vũ trụ và hạnh phúc tiến bộ. Thế nên tin theo lời Phật dạy mà hành trì thì nhất định được an vui tiến bộ. Nhưng người đời vô minh vọng tâm loạn tưởng không tin không hành, nên tự tạo cho mình phiền khổ, lại còn gây đau thương đổ vỡ cho người khác. Tôn giả A-Nan thống thiết than: “Mà người tin Phật quá ít oi!”.

Nhưng tại sao đời lại ít người tin giáo pháp của Phật? Đây, chúng ta hãy nghe tôn giả A Nan xót thương người trần thế mà trầm thống thương than: “Đời nầy xấu ác nhiều, chúng sanh nguyền rủa lẫn nhau, thật đáng đau lòng lắm vậy!” Người trong cõi đời phần nhiều tạo mười nghiệp ác do thân miệng ý, nên nguyền rủa nhau, tổn hại nhau, đây là điều đáng thương đáng tội nghiệp của nhân thế. Đã vậy, người đời thích tin giả tin tà, không tin chân thật, nhận giả làm chân, không chịu tin điều chân thật. Đây là hành vi ngu muội của chúng sanh, do ít thiện căn, phước đức mỏng, phiền não sâu dày, nghiệp chướng trầm trọng mà tạo thành. Cho dù họ có gặp chánh pháp và thiện hữu tri thức đi nữa, thì ngay đó họ cũng nẩy sanh tà tâm, theo tà làm quấy, thật đáng thương, đáng tiếc lắm! Nên kinh đây nói: “Nếu có tin lời Phật cũng chỉ một hai mà thôi”. Đây là chỉ số lượng chúng sanh chân chánh tin lời Phật dốc lòng thực hành quá ít, vạn người chỉ được một hai mà thôi. Điều nầy chính như ngài Tu Bồ Đề trong pháp hội Bát Nhã cũng đã thưa với Phật: “Bạch đức Thế Tôn, có rất nhiều chúng sanh được nghe những lời đức Phật giảng nói như thế rồi, họ có sanh lòng chân thật tin không?” Phật bảo ngài Tu Bồ Đề rằng: “Ông chớ nói như thế. Sau khi Như Lai dịet độ năm trăm năm sau, có người trì giới tu hành, đối với lời dạy của ta mà hay sanh tín tâm, điều nầy là thật”. Thời đại của chúng ta đây cũng thuộc về năm trăm năm sau Phật diệt độ, người chuyên tâm chánh tín trì giới tu hành, trong chuyên cầu tam vô lậu học giới định huệ, ngoài tu thập thiện, lục độ cũng có, nhưng con số thật hiếm hoi. Họ có tin Phật đọc kinh sách. Nhưng phần nhiều đọc để thỏa trí óc tìm hiểu rồi lý luận, chứ tâm tánh không thấm nhuần lời Phật dạy. Nghĩa là trí có tăng trưởng mà tâm tánh vẫn phàm thường. Nên đối với những người chân tâm chánh hạnh, Phật nói: “Nên biết người nầy, không phải chỉ đời nay hay tin lời Phật nói, mà đối ở một vị Phật đều trồng thiện căn, cho đến ở vô lượng ngàn vạn Phật cũng đã trồng thiện căn, nghe kinh điển Phật, khởi niệm thanh tịnh tín, được vô lượng phước đức”. Nghĩa là Phật diệt độ năm trăm về sau, như thời đại chúng ta đang sống đây, vẫn có người thanh tịnh tín tâm trì giới tu phước đức, tuy số lượng ít ỏi, nhưng vẫn có, thì biết hạng người nầy đã nhiều đời gặp Phật, nghe thấy kinh điển giáo lý của chư Phật.

Số lượng chân tâm chánh tín tu hành ít oi, trong lúc đó các loại trùng mối cỏ gai trong Phật pháp lại nhiều, tránh sao khỏi khuấy nhiễu sư tử kiên thệ, hệ hại vườn hoa đạo pháp. Trong Phật pháp còn phải sư tử trùng, còn có gai nhiễu hại nhan nhãn, huống hồ là thế gian dãy đầy ác trược, đạo đức ngày một suy đồi, luân lý bại hoại? Thế nên tôn giả A-Nan thương than cho phong hóa nhân gian suy tàn băng hoại: “Thế gian ác trược như vậy bảo sao mà không tồi tệ đến thế!”.

3.- A- Nan thương xót chúng sanh mà cầu Phật trụ lâu ở đời.

CHÁNH VĂN:

Sau khi Phật diệt độ, kinh pháp tuy còn mà không có người tin, rồi dần dần suy tàn tán diệt! Than ôi! Đau lòng lắm thay! Sẽ phải nương cậy vào đâu, cúi xin đức Thế Tôn vì thương xót chúng sanh mê tối lầm lạc, chưa nên vào Niết bàn.

LỜI GIẢI:

Đây là lời nói tôn giả A-Nan trầm thống thốt lên từ cõi lòng thương xót chúng sanh dày đặc vô minh mê chấp tham dục tạo thành khổ nạn, cầu xin Phật lưu trụ ở đời lâu thêm để giáo hóa cứu độ quần mê. Đức Phật ra đời là ứng hóa thân rồi thị hiện tịch diệt, còn pháp thân thường trú thì bất biến khắp pháp giới. A-Nan lo ngại sau khi Phật tịch diệt Niết bàn rồi, kinh điển mang chứa phương pháp tu hành vẫn còn trên thế gian này, nhưng e sợ không có người chân tâm chánh niệm tin thọ hành trì, như thế thì chánh pháp của Phật sẽ từ từ bị suy vi đến chỗ tuyệt diệt.

Căn cứ pháp vận Phật pháp, thì một ngàn năm sau Phật Niết bàn, gọi là thời kỳ chánh pháp, người tin Phật chánh tâm, chánh tín, chánh hạnh thọ trì giới pháp còn nhiều, tu chứng cũng nhiều. Đến hai ngàn năm sau Phật Niết bàn thì gọi là thời kỳ tượng pháp, cách Phật xa dần, kinh điển lưu truyền pha lộn sai lầm dần dần nhiều, nhưng vẫn còn không tí người tu hành thiền định, an lạc trong thiền định. Đến hai ngàn năm sau Phật Niết bàn gọi là thời kỳ mạt pháp, cách Phật lâu xa, người tu học dần dần ra ngoài chánh pháp, không như chánh pháp, chỉ thích luận bàn mưu toan danh lợi, nên số lượng chứng đắc chẳng được là bao gọi là phàm vượt thánh, ta đa chánh thiểu. Lại còn có nạn quyến thuộc của ma vương giả dạng đệ tử Phật tu hành tự xưng chứng thánh, mê hoặc lòng người, tạo thành lớp người loạn tâm mê tín ùn ùn a dua tin theo, tưởng đó là Phật thánh hiện thân giáng thế. Điều hiển nhiên và thạnh hành trong thời mạt pháp là pháp môn tu thiền, khó phân biệt được đâu là thiền Phật thiền ma. Chánh tà lẫn lộn khiến cho người tu dễ nhầm lẫn đưa đến tình trạng cuồng tâm tán trí mà nhà thiền gọi là tẩu hỏa nhập ma. Nhưng may thay còn pháp môn Tịnh độ, phương pháp niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh Cực lạc là cái phao duy nhất để cứu người trầm luân trong thời mạt pháp, nên số người tu Tịnh độ không phải là ít và số người vãng sanh không phải là hiếm.

Quán nhìn toàn suốt pháp vận và thế vận thì đích thực như lời tôn giả A Nan đã tiên tri: “Từ từ suy tàn tán diệt”. Quả thật chúng ta ngày càng thấy rõ ràng, tà sư ma đạo người đời đua chen nhào vô với lòng tin mạnh mẽ tạo thành phong trào, trong lúc chân sư chánh dạo thì người đời lại ít thích ít tin. Tôn giả A-Nan than: “Than ôi! Thật đau xót lắm thay!”. Trên là đau xót Phật pháp suy tàn, giáo hóa không người tin theo thực hành, dưới là đau lòng thấy chúng sanh mê vọng trong lợi danh giả huyễn, đua đuổi theo tà sư tà pháp tự tạo khổ, không có cách nào cứu độ được. Phật pháp là ánh sáng dẫn đạo hạnh phúc cho nhơn loại, mà nhơn loại không tin, Phật pháp suy vi thì chúng sanh ngu muội khổ nạn, từ đây về sau còn biết nương tựa vào đâu để được an lành hạnh phúc?

Phật là con mắt của thế gian, là ruộng phước điền của chúng sanh, bậc đạo sư của muôn loài, A-Nan thỉnh Phật ở lâu trong đời làm nơi nương tựa cho chúng sanh, giáo hóa để cho chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, cái vui Niết bàn tịch tĩnh viên mãn thanh tịnh. Văn trường hàng của kinh đến đây là kết thúc.

Tiếp theo sau đây tôn giả A-Nan nói hai mươi tám bài kệ. Trước khi giảng hai mươi tám bài kệ nầy, tưởng cũng nên lược nói kinh Phật gồm có mươi hai thể loại mà thuật ngữ thường gọi là mười hai phần giáo hay mười hai bộ kinh. Nếu đứng về thể tài quy nạp mà nói thì kinh Phật không ngoài ba thể loại trường hàng, kệ tụng và mật chú.

1- Trường hàng thuộc về tán văn, phát huy nghĩa lý tận trí châu khắp viên mãn.

2- Kệ tụng thuộc thể thi ca, nhưng không chú trọng luật tắc hợp vận bình trắc. Kệ tụng có nhiều thể hoặc ba chữ, bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, chín chữ, tuy không luật tắc nghiêm khắc như thi ca, nhưng loại câu ba chữ, bốn chữ, năm chữ v.v… cứ bốn câu là một bài kệ, có thể hòa khúc hợp ca, nhằm mục đích tóm tắc tinh nghĩa kinh trường hàng để hành giả dễ tụng dễ nhớ dễ thuộc, dễ thâm nhập lý kinh từ cạn vào sâu, tiềm tàng công năng tự nhiên hoán cải tam nghiệp của hành giả trên đường thánh thiện. Kinh nầy là thể loại ngũ ngôn, tức là loại câu năm chữ.

3- Mật chú. Kinh đây tuy không có mật chú, nhưng thường là các chú Đại Bi, Vãng Sanh, Lục Tự đại minh chân ngôn v.vv… người Phật tử ai cũng biết. Đại để mà nói thì mật chú bảo tồn cổ âm, ngữ âm của Phật thánh còn mang tên các thiện thần trong pháp giới, nên ngữ âm của mật chú phần nhiều hàm chứa ngôn ngữ của lục đạo chúng sanh rất nhiều nghĩa lý. Do vậy mật chú thường để nguyên âm không dịch nghĩa, ai nấy đều quen, mặc nhiên tiếp thọ, thành tâm tụng niệm đều được linh nghiệm lợi ích. Mật chú vì không dịch nghĩa, để nguyên âm tụng đọc, mặc nhiên tín thọ, hành giả cảm nhận thần lực uy linh của mật chú, vì thế nên cũng gọi mật chú là thần chú, là chân ngôn. Chẳng hạn như Lục tự đại minh chân ngôn “Án ma ni bát mi hồng”. Các cổ đức đại sư đều giải thích đại ý rằng:

Án, nghĩa là thân, là pháp thân trùm khắp pháp giới.

Ma ni, nghĩa là liên hoa thanh khiết

Bát mi, nghĩa là bảo trì, giữ gìn

Hồng, nghĩa là tâm ý, chân tánh Phật tâm. Tổng hợp toàn mật chú “Án ma ni bát mi hồng” có nghĩa là bảo trì ba nghiệp thân khẩu ý thanh khiết như liên hoa, như pháp thân, như chân tánh Phật tâm. An ma ni bát mi hồng thể nhập cùng chân tánh Phật tâm pháp thân làm một thể. Nên ngôn ngữ mật chú đầy đủ linh diệu ý nghĩa viên mãn chí chân chí thiện.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9