Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung
Sa môn An Thế Cao dịch từ Phạn ra Hán
Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm dịch và giải

Đoạn bốn: A-Nan hỏi cách cư xử.

1.- A-Nan hỏi cách cư xử của người Phật tử.

CHÁNH VĂN:

A-Nan lại bạch Phật: “Vào thời mạt pháp, các đệ tử học Phật cùng với việc đời hằng ngày tương duyên sanh tồn, liệu lý việc nhà hệ lụy đến thân miệng thì phải làm cách nào trong trần mà không nhiễm trần.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây tôn giả A-Nan hỏi Phật, hằng ngày người ta sống lăn lộn trong cõi đời mà có lòng tu học Phật thì có trở ngại không? Đây là câu hỏi rất thiết thực cho người sơ phát tâm học đạo vốn có tánh e dè khi muốn bước vào cửa Phật tìm hiểu đạo lý để tu dưỡng tinh thần, đồng thời câu hỏi của A-Nan cũng để đánh tan thói đời của những người thường viện lý do vì còn bận rộn gia đình, còn nặng nợ thế gian chưa tu học được. Họ nghĩ sai lầm rằng, hễ tu là ăn chay, cạo đầu, mặc y phục nâu sòng, ngồi lim dim, lần tràng hạt, mặc cho thân bằng xã hội thịnh suy. Họ có cái hiểu biết lệch lạc như thế, hoặc họ cố ý hiểu sai lệch như thế để họ tiếp tục sống đời phóng túng với thói quen dục lạc thế gian thỏa tình nhục dục. Họ đâu có biết cổ đức tiên hiền đời nào cũng khuyên người tu tâm sửa tánh để tạo cho mình và gia đình có được cuộc sống hạnh phúc, xã hội an lành, quốc gia thạnh trị. Đạo Nho dạy: Trước phải tu thân, rồi sau mới ổn định được gia đình. Muốn trị quốc an dân, thì trước phải tu thân tề gia. Các bậc hiền thánh còn khuyên chúng ta mỗi ngày nên ba lần tự phản tỉnh để quán xét mình. Thực hành được như thế thì tâm an lý đắc.

Tôn giả A-Nan thấu rõ tâm lý người đời, viện đủ thứ lý do để từ chối học đạo, tu thân sửa tánh, nên Ngài lại bạch hỏi Phật: “Học đạo có làm trở ngại việc gia đình, xã hội không?” E rằng có kẻ sợ học Phật không làm lợi cho gia đình hạnh phúc, trở ngại sự nghiệp thế gian phát triển, nên tôn giả A-Nan khởi lòng đại bi mà hỏi Phật như vậy. Câu hỏi nầy nhắm vào hàng tại gia nhiều hơn. Người đời đâu ý thức thế gian vô thường, quốc độ nguy biến. Thở ra mà không hít vào là kết thúc mạng sống. Tai ương hoạn nạn bịnh hoạn xảy ra bất cứ lúc nào. Còn mạnh khỏe không lo tu tâm sửa tánh làm lành tạo phước, đến khi vô thường đến, họa hoạn xảy ra, dù có muốn tu tâm sửa tánh, làm lành tạo phước cũng không làm sao kịp. Cổ đức khuyên nhắc chúng ta: “Đến khi khát nước đào giếng sao kịp”. “Đời nay không sớm tự độ lấy thân, lại đợi đến đời nào mới độ”. Biết bao người trong lúc no cơm ấm áo, gặp kinh điển, chùa viện thanh tịnh, bạn hiền, thầy đạo hạnh, lại khất hẹn không chịu tu học Phật, bỏ mất cơ hội thuận duyên, để miên man trong tình trường danh lợi, đùng một cái mất hết rồi sanh ra tiếc nuối. Người đời lắm kẻ không hiểu ý nghĩa sâu xa của lý đạo nhiệm mầu có năng lực tạo hạnh phúc tiến bộ cho mình. Đã có biết bao nhiêu người sống trong cảnh nghèo, thiếu phương tiện, khi đến với đạo, được đạo pháp giáo dưỡng trở thành người hữu dụng cho đời. Sự kiện nầy ở vào các triều đại Lý Trần, và thời đại trước, sau 1963 là bằng chứng hùng hồn. Cũng đã có biết bao cặp vợ chồng không được êm ấm, khi biết quy y Tam Bảo, thường cùng nhau nghe kinh thuyết pháp, sau đó trở nên tin tưởng nhau, thương yêu nhau hơn. Có những gia đình cha mẹ hướng dẫn con đi chùa thường xuyên để nghe pháp, làm công quả, con cháu trở nên hiền ngoan, gia đình trở nên hạnh phúc. Nếu mọi người biết sống theo giáo lý đức Phật, sống trọn vẹn đời sống đạo, thì cá nhân được hạnh phúc, xã hội an định, quốc gia thạnh trị, thế giới hòa bình. Thế thì người tu học Phật chẳng những không chướng ngại hạnh phúc gia đình, phát triển sự nghiệp xã hội, mà còn tăng trưởng hạnh phúc, sự nghiệp bền chắc thêm.

Vậy thì người tại gia có được giác ngộ giải thoát không? Được, nếu nghiêm chỉnh áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày. Như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, ái ngữ, niệm Phật, tụng kinh, thiền định, tinh tấn không ngừng thì sẽ đạt đạo giải thoát như người xuất gia.

Người xuất gia mà keo kiết lợi dưỡng danh dục ích kỷ, thì chẳng khác mang đá đi trên đường gai sỏi hố hầm, buộc trói thêm gai đá vào thân. Thế nên người biết học Phật, thực hành lời Phật dạy, thì ngay trong đời này đã được quả tự tại an lành hạnh phúc, và đời sau chắc sẽ được quả báo giác ngộ giải thoát.

Trong các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Duy Ma Cật v.v… có nói đến không biết bao là cư sĩ nghiêm chỉnh thọ trì giới luật chánh tâm ủng hộ Phật pháp, tu hạnh Bồ Tát hoằng hóa chúng sanh. Các ngài đã thể hiện đời sống thanh cao trần bất nhiễm trần. Thân tuy cư sĩ mà lòng thuần chân phụng sự đạo pháp, tận trung quốc dân, tận hiếu phụ mẫu, tận thiện xã hội, tận hòa làng nước, lo trước cái lo muôn loại, khổ trước cái khổ mọi người, vui sau cái vui chúng sanh. Chúng sanh đắm chìm trong tham dục, các ngài tận lực khuyến dắt họ ra khỏi vũng bùn lầy lội, tham dục. Chúng sanh lặn hụp trong danh lợi, dục lạc trần gian, các ngài hết lời khuyên can níu kéo. Chúng sanh sống trong lo âu thù hận, các ngài đem hết tâm tình khuyến giải để được an lành thanh thoát. Chúng sanh mê đắm ngũ dục vô thường, các ngài tỉnh thức tự tại trong hoàn cảnh thường lạc để kêu gọi hướng đạo. Thế là hoa sen trong bùn mà không nhiễm bùn, ở trong trần ai mà không nhiễm trần ai. Chúng sanh sâu dày nghiệp chướng tạo nên lắm điều chướng ngại thương tâm. Đức Phật lăn xả vào để giáo hóa chịu không biết bao là trở ngại nhọc nhằn. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Tùng Địa Dõng xuất, các đại Bồ Tát thăm hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Ngài thiểu bệnh thiểu não an lạc chứ? Những chúng sanh được độ thọ nhận giáo hóa của Ngài dễ chứ? Đức Phật đáp: “Không có chút gì phiền muộn mệt mỏi”. Đây là tấm gương sáng cho những ai muốn sống đời vị tha.

2.- Phật dạy cách làm thế gian sự mà không có thế gian ý.

CHÁNH VĂN:

Phật nói: Nầy A-Nan! Người có thọ giới pháp của Phật, thành tín phụng hành, hiếu thuận cha mẹ, dè dặt cẩn thận hành vi, quy kính Tam Bảo, hiếu dưỡng cha mẹ, tận trung quốc dân, trong tâm ngoài thân cẩn trọng hành thiện, tâm miệng hợp nhau, như thế cho dù làm việc thế gian mà không có ý thế gian.

LỜI GIẢI:

Đức Phật trả lời câu hỏi của tôn giả A-Nan, Ngài mở lượng từ bi giải nghi chỉ rõ đường lối cho hàng tại gia cư sĩ biết thế nào là phương pháp sống của người Phật tử chưa thoát ly gia đình.

Người phát tâm tu học Phật, điều căn bản là phải tiếp thọ giới pháp của Phật. Giới pháp mà đức Phật chế ra là quy củ có thừa đủ năng lực đưa con người trở nên hiền lương thánh thiện, mô phạm cho đời. Điều rất căn bản cho bước đầu của người tu học Phật không thể thiếu, là quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, tiếp theo đó tiến lên bước nữa là thọ Thập thiện giới, Bồ Tát giới, Bát quan trai giới, tu tịnh nghiệp, tham thiền. Tất cả những điều trên đây đều là sinh hoạt giáo học hành trì thiết yếu của người cư sĩ tại gia. Được xưng là Phật tử thì phải chí tâm thành tín thọ trì, y giáo phụng hành. Không lãnh thọ hành trì những điều trên đây mà xưng là tin Phật, là Phật tử, ấy là lạm xưng. Dù hiểu biết giáo lý đầy bụng, phục vụ Phật pháp suốt đời, mà không thành tâm quy y thọ trì giới pháp, viện lý do nầy khác để chối từ, kinh Phật gọi đó là người mới từ ba đường ác ra, hoặc sắp rơi vào đường ác, nên nghiệp chướng sâu dày trở ngại sự phát tâm thọ trì giới pháp, mang tà niệm hộ trì Tam Bảo, phụng hành Phật đạo. Dù cho họ thông minh tài trí, quyền quý giàu sang mà không tin thọ giới pháp, thì đó cũng chỉ là hình thức một trong tám nạn của “thế trí biện thông” mà thôi. Nếu không tu tâm bồi đức, thì không tránh khỏi nghiệp lực dẫn dắt vào con đường trầm luân tối tăm.

Điều cần yếu trước nhất là người tu học Phật là hiếu thuận cha mẹ, kính thờ sư trưởng, đấy là con đường sáng bằng thẳng đưa đến chân lý đạo giải thoát. Về tinh thần Đại thừa Phật pháp thì ngài Địa Tạng Bồ Tát thể hiện cho cái đức Hiếu. Địa Tạng có nghĩa là đại địa tàng chứa chở che. Vạn vật từ đất sanh trưởng, đến lúc hủy hoại dù tốt xấu sạch dơ cũng lại trở về đất, đất lại thản nhiên dung nạp. Thành hình từ đất và hoại hình về đất. Đức tánh nhẫn nhục dung nạp của Địa Tạng Bồ Tát như đại địa, đủ để làm tấm gương soi sáng cho người học Phật, cũng còn là pháp học căn bản của hiếu thuận vậy.

Người có lòng hiếu thuận thì tánh nhứt định dung hòa có thể tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, vô lượng phước huệ cũng từ đây sanh trưởng. Người học đạo giác ngộ cũng khởi đi từ hiếu kính cha mẹ, kính thờ sư trưởng, hòa thuận mọi người. Người chân thành hiếu thuận thì không dám làm điều xấu ác với tha nhơn, không dám kiêu mạn với bất cứ ai, khởi tâm động niệm trong mọi thời lúc, tạo tác hành vi trong mọi trường hợp đều thận trọng nhớ đến nhân quả.

Quy y Tam Bảo, ở đây đặc biệt lưu ý hành giả là quy y tự tánh Tam Bảo. Nghĩa là xoay lại nội tâm quy y chính tự tánh Tam Bảo của mình. Quy y Phật tức là quay về nương tựa tự tánh sáng suốt của chính mình. Quy y pháp tức là quay về nương tựa tự tánh từ bi hỷ xả của chính mình. Quy y Tăng tức là quay về với tánh thanh tịnh hòa hợp của chính mình. Trong người mình có đầy đủ đức tánh sáng suốt, từ bi, hỷ, xả, thanh tịnh, hòa hợp, tức là có đủ đức tánh Tam Bảo, gọi là tự tánh Tam Bảo. Nhưng từ lâu vọng động dong ruỗi theo dục lạc trần cảnh làm cho tự tánh Tam Bảo lu mờ. Giờ đây nhờ Phật khai thị chỉ bày, chúng ta có dịp hồi tâm xoay lại tự tánh để khai triển tiến lên cảnh giới đồng thể Tam Bảo như chư Phật. Chúng ta nào khác gì đứa trẻ mồ côi, trước khi cha mẹ mất có cất ngọc trong chéo áo và căn dặn khi nào đói khổ thì lấy ra dùng. Nhưng bé mồ côi kia quá u mê ham chơi mà quên lời cha mẹ dặn dò, lại đành cam phận sống trong cảnh nghèo đói lang thang. Đến khi sực nhớ lại lời cha mẹ dặn dò năm xưa, đứa trẻ mồ côi lấy ngọc cất trong chéo áo ra dùng thì lập tức không còn sống đời bần cùng lang thang nữa. Cũng giống như thế, nay chúng ta nhờ sư trưởng hướng đạo, học hiểu giáo pháp của Phật, xoay lại sống nội tâm phát huy Phật tánh từ bi hỷ xả thanh tịnh hòa hợp thì ngay đó chấm dứt lầm lạc khổ đau, trở nên thong dong an lành thanh nhàn giải thoát.

“Hiếu dưỡng cha mẹ, tận trung quốc dân”. Đây là những điều sinh hoạt hằng ngày của người Phật ttử phải ghi nhớ. “Thế nào là hiếu dưỡng cha mẹ?”. Cứ là đem trọn hết hiếu tâm cung dưỡng cha mẹ no ấm, mạnh khỏe, vận dụng tâm thành ý hòa hầu hạ cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui. Dốc ý chí nỗ lực tạo sự nghiệp như cha mẹ kỳ vọng, để cho cha mẹ vui lòng mãn nguyện. Khéo khuyên cha mẹ phát tâm quy y Tam Bảo, thọ trì giới pháp, tu tâm sửa tánh hành thiện, hộ trì Phật pháp, ấy là phụng dưỡng thân thể và huệ mạng của cha mẹ. Được như thế là tròn hiếu đạo.

Thế nào gọi là “Tận trung quốc dân?”. Phật dạy chúng ta phải trung thành với quốc dân, tận lực phục vụ xã hội, hoàn thành trách nhiệm, thanh liêm với chức vụ. Đối với Phật pháp, người Phật tử phải ý thức tự đặt cho mình trách nhiệm hộ trì chánh pháp đạo thống, tận lực phát huy giáo nghĩa Phật Đà để quốc dân thuần lương, tận tâm hiệp trợ bồi dưỡng nhân tài để chúng sanh được thấm nhuần đạo pháp lợi lạc nhân sanh, đó là kỳ vọng của Phật, về ý nghĩa tận trtung quốc gia.

“Trong tâm ngoài thân cẩn trọng hành thiện”. Làm việc thiện với tâm thành, thân tâm tương hợp, chứ không phải làm thiện để cầu danh thủ lợi, hay để được tiếng khen. Nên kinh nói: “Thân miệng hợp nhau”. Nhiều người làm thiện vì danh lợi, miệng nói đạo đức sặc mùi từ bi hỷ xả mà trong lòng tà niệm, như thế chỉ được phước hữu hạn không đạt được phước báo ba la mật. Làm thiện với tâm chấp trước, không vô tư thanh tịnh. Nên chỉ được quả báo nhân gian hữu hạn. Cũng ý nghĩa nầy, người Phật tử ủng hộ bậc chân tăng hành đạo thì phước đức tăng trưởng vô lượng. Ngược lại, hộ đạo cho những hạng tà tăng thì phước đức chẳng những không tăng trưởng mà còn tổn phước nữa là khác. Vì sao? Bởi vì kẻ tà tăng tâm niệm hành vi tà ngụy, mà lại đem tâm lực tài vật ủng hộ cúng dường thì giúp họ được phương tiện để lợi dưỡng tự đắc làm tổn thương đạo pháp, phá sản niềm tin của những người có tâm thành chánh tín muốn học Phật.

Học đạo không tìm minh sư hướng dẫn, hộ đạo không lựa chân tăng cúng dường trợ giúp, làm thiện với tâm niệm không thanh tịnh là rơi vào tà đạo chứ không phải Phật đạo, ấy là kết duyên làm quyến thuộc với chúng ma chứ không phải quyến thuộc Bồ đề Tam Bảo, và như vậy quả báo sẽ phải sanh về cảnh giới ma. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật bảo tôn giả A Nan rằng: “Ông nay muốn chứng đắc đạo quả Vô tượng Bồ đề, thì tâm phải hoàn toàn thanh tịnh để chân tánh diệu tâm hiển bày, tâm miệng chân trực, tuyệt đối không có tướng quanh co xen gữa”. Kinh Quán Vô Lượng Thọ xác định: Tâm chân trực là tâm chí thành thanh tịnh, tâm của đại Bồ Tát.

Ở đây, ý chỉ của Phật khuyên người hành đạo nên chân trực thân miệng ý. Đem ba nghiệp thân miệng ý chân trực hành đạo, giúp đời thì nhất định sẽ được quả báo chơn thừa vô tượng. Nên trong Nghi Thức Hồng Danh Sám Hối nói: “Con nay phát tâm không phải để cầu được phước báo của nhơn thiên, Thanh Văn, Duyên Giác hay cả dến quyền thừa Bồ Tát đi nữa con cũng chẳng cầu, mà chỉ một lòng cầu được quả tối thượng thừa, nên con phát tâm bồ đề”. Đem thân miệng ý chân trực trung thành hành đạo thì dù làm việc đời cũng thành việc đạo, việc nhỏ cũng được phước báo lớn. Nên Phật pháp nói: “Tà nhơn thuyết chánh pháp, chánh pháp biến thành tà. Chánh nhơn thuyết tà pháp, tà pháp biến thành chánh”. Cũng trong ý nghĩa này, kinh đây nói: “Như thế cho dù làm việc thế gian mà không có ý thế gian”.

3.- A-Nan cầu xin Phật giảng giải ý nghĩa thế gian sự, thế gian ý.

CHÁNH VĂN:

A-Nan thưa với Phật: Thế nào là thế gian sự? Thế nào là thế gian ý? Thật khó phân biệt.

LỜI GIẢI:

A-Nan nghe Phật nói thế gian sự mà không thế gian quả, thật chưa lý giải tường tận ý nghĩa nầy, nên lại thưa Phật: “Thế nào là thế gian sự? Thế nào là thế gian ý?” Tại sao có thẻ làm thế gian sự mà không có thế gian ý xen tạp chỉ huy? Để mọi người thấu rõ ý nghĩa, phân biệt việc làm, nên tôn giả A Nan lại bạch hỏi Phật lần nữa, để Phật minh xác giải thích tường tận.

CHÁNH VĂN:

Phật nói: Là đệ tử Phật có thể mua bán kinh doanh thương nghiệp, đúng cân đủ thước, không nên lừa dối, làm đúng tình lý, không trái lương tâm lý tánh tự nhiên, tống táng, hôn thú, di cư đều là thế gian sự.

LỜI GIẢI:

Thế gian sự thì vô số kể không thể nào nói hết. Ở đây đức Phật chỉ nêu vài việc làm thí dụ để giảng giải cho chúng ta hiểu rõ Phật pháp bất ly thế gian pháp. Phật pháp không trở ngại thế gian pháp. Thế gian pháp là điều mà chúng ta thường nhựt sinh hoạt, như ăn, uống, ngủ nghỉ, thân quyến bằng hữu, ân nghĩa giúp đỡ, hôn quan tang tế, mà hành giả công phu tu tập Phật pháp cũng sinh hoạt ở trong những sự vụ lớn nhỏ hằng ngày đó. Nhưng hành giả tu Phật có khác với kẻ thường tình là thấu rõ thế gian mộng huyễn, các pháp vô thường, nên thanh t hản buông thả, khởi lòng vị tha phương tiện dùng giả hiển thật, lấy huyễn độ chân, nên ở trong đời làm việc đời mà không nhiễm đời. Như hoa sen trong bùn mà không dính mùi bùn hôi tanh.

Đức Phật đã khuyến bảo chúng ta: Những người làm đệ tử Phật, phát tâm Đại thừa, hành Tứ nhiếp pháp thì sẽ vô ngại đối với thế gian sự. Chẳng hạn như có thể kinh doanh thương nghiệp, mua bán hàng hóa, miễn là thành tín tương kính, tâm ý chân trực tiếp vật đãi nhơn, cần lợi lạc nhân nghĩa đạo đức, chớ không cần hư danh tiền tài bên ngoài. Lợi ích hợp đạo tự lợi lợi tha ấy là “lợi hành và đồng sự” của Tứ nhiếp pháp. Các Bồ Tát muốn vào đời hóa đạo độ sanh, nhiều lúc cũng phải mang thân hình của người cư sĩ hòa quang đồng trần, dùng thân miệng ý nhiếp pháp để cảm hóa người đời. Dù ở trường hợp hoàn cảnh nào, người Phật tử vẫn giữ vững tâm lượng bao dung, ý tình chân trực trung tín như chánh pháp “thuận tình hợp lý, không trái lương tâm lý tánh tự nhiên”. Khéo biết vận dụng bốn đức “nhân ái tín nghĩa” để phục vụ xã hội, làm phước lợi nhân quần. Khéo dùng Tứ nhiếp pháp cảm hóa hướng đạo thế nhân, mà thế nhân không cảm thấy mình bị cảm hóa hướng đạo, tự nguyện hồi đầu về với đạo cả. Như thế, đệ tử Phật làm việc thế gian như thương nghiệp tống táng, hôn lễ, di cư v.v… đều hành Bồ Tát đạo, hình thái là thế gian sự mà thực chất không thế gian ý.

CHÁNH VĂN:

Là đệ tử Phật thì đối với việc thế gian ý như xin xăm bói quẻ, càu thỉnh sùng bái quỉ thần, phù chú, trù yếm, tấu sớ giải trừ, xem lựa ngày giờ tốt xấu, tất cả những thứ nầy đều không nên làm.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây, đức Phật giảng thuyết về thế gian ý để cho người Phật tử thể hội suốt thông không nên mê tín tà ma thần quỷ ngụy tạo phù phép, mà phải tu dưỡng đạo đức ngay nội tại bản tâm. Việc mê tín rất nhiều hình thái, hoặc do những loài yêu ma hiện hình người, hoặc do người nặng nghiệp tà ma tạo ra những điều thần bí quái dị nhắm đúng hiếu kỳ, hợp tâm lý sợ hải ỷ lại, để thỏa lòng tham vọng của người đời, lâu ngày thành tạp khí mê tín thần linh ma quỷ. Suy cho cùng tánh lý, ngẫm cho kỹ lời Phật dạy trong tam tạng kinh điển, hễ người có thọ trì giới pháp, chánh tâm hành thiện, chuyên cần tu bồi phước đức thì tự nhiên được các thiện thần trời người hộ trì. Sách sử xưa nay ghi rõ những bậc thuần chân tu hành, những người đạo đức dù ở núi cao rừng thẳm, hoặc nơi đồng không mông quạnh vắng vẻ, xa cách đô thị, phồn hoa, mà các thức ăn mặc thuốc men không thiếu đời sống an lành không tai ương hoạn nạn, danh thơm đạo đức rạng ngời khắp nhân gian. Trái lại, kẻ bôn ba danh lợi sống nơi phồn hoa đô hội thị thành, quên chuyện giới hạnh tu tâm dưỡng tánh làm lành bồi phước, lại có kẻ chỉ đem tâm cầu thần cúng quỷ xin xăm bói quẻ, lẽ tất nhiên chiêu cảm ác thần ác quỷ thân gần ủng hộ. Khi hết cúng tế thần quỷ, thì thần quỷ quở phát, bịnh hoạn tai ương từ đó phát sanh. Người biết thọ trì giới pháp làm việc phước đức được thiện thần ủng hộ. Phật Bồ Tát khai quang hướng đạo. ngược lại, không thọ trì giới pháp, sống phóng túng dục lạc lợi danh, cầu thần linh ma quỷ, xin xăm bói quể thì sẽ được tà ma thần linh ủng hộ lợi lộc nhứt thời, để rồi sau đó phải khốn đốn. Bởi lòng tham sân của các thần quỷ không khi nào thắng qua được giới đức. Nên cổ đức tiên hiền lấy kinh nghiệm sống của mình mà có lời thống thiết khuyên chúng ta: “Đức trọng quỷ thần kinh”. Người có đạo đức cao dày thì quỷ thần tất nhiên phải kính trọng hộ trì, mà không phải làm những chuyện mê tín xin xăm bói quẻ cúng bái cầu khẩn thượng đế ban phước trừ họa. Đức dày thì tai họa tiêu. Thiếu phước thì ác quỷ ác thần lộng hành. Phước đức song toàn thì trời người thần quỷ chung nhau hộ trì. Tổ tiên ta có lời khuyên “ở có đức mặc sức mà hưởng”. Câu nói nôm na giản dị mà mang ýnghĩa thâm sâu, thầm khuyên người đời bỏ tà tâm mê tín, dừng bước tham dục lợi danh.

Đức Phật nói: Là đệ tử Phật nên biết những điều: 1/- Không nên bói quẻ xin xăm, xem tướng đoán mạng, dự trắc vận số kiết hung họa phước, lượng định phong thủy địa lý, 2/- Không nên đồng bóng cầu cơ tin thờ quỷ thần cô tiên đồng cốt. 3/- Không nên luyện bùa ngải, phù họa quái hình trừ tà yếm quỷ trị bịnh tà ma. 4/- không nên dùng phù chú tà thuật hình nộm trấn áp. 5/- Không nên thờ cúng tà thần tà quỷ, khẩn cầu bái vọng, giống loại thầy pháp. 6/- Không nên dùng sớ văn tấu trình thiên đế thần linh, cầu xin quỷ thần giải mở oán cứu, tiêu trừ tai họa. 7/- Không nên làm việc tuyển lựa ngày giờ tốt xấu, coi tuổi định duyên đoán phận. Bảy điều trên đây là những điều thế tục mê tín, trái với lý tánh chân tâm, không hợp với đạo đức tu tâm dưỡng tánh. Cúng bái thần linh tà quỷ chỉ thêm mang lụy vào thân. Đức Phật khuyên hàng Phật tử nên chánh tín phụng thờ Tam Bảo, tu tạo phước đức để làm tư lương trên đường hạnh phúc giác ngộ. Không những đức Phật khuyên mà Khổng Tử cũng nói với môn đồ: “Kính quỷ thần mà nên xa đó”. Phật đem chánh pháp giảng nói để chúng sanh khải phát chánh trí thể đạt chân lý, nên người Phật tử sống bằng trí huệ giới đức, chứ tuyệt đối không theo thói đời mê tín. Nhân thiện tất được quả thiện. Nhân ác tất chịu quả ác. Nhân tà tất phải quả báo tà. Nhân chánh thì được quả báo chánh. Nhân quả báo ứng mảy may không sai. Người đời nông cạn, bị hạn hẹp trong lợi danh, không vận dung chánh trí trong đời sống, không chịu tu tâm dưỡng tánh hành thiện bố thí cúng dường, lại cầu xin xăm bói quẻ để cầu vận mện tốt. Hạng người như thế thật là mù quáng dại dột nhứt đời.

Vào một ngày nọ có một tín chủ giàu có, ngoài sở nhà đang ở giá hơn triệu mỹ kim, còn có năm bảy sở nhà cho mướn, với sắc mặt lo âu, thân hình tiều tụy, lên chùa quỳ trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên khấn vái xin xăm. Thường thì tín chủ khấn vái xong sắc mặt bình thản an vui ẩn hiện rồi lặng lẽ ra về, không mấy khi muốn gặp tăng ni trong Phật Học Viện, có lẽ sợ phải cúng tiền chăng? Nhưng lần nầy thì khác hẳn, tín chủ tìm gặp vị tri khách với vẻ mặt lo âu, yêu cầu được gặp Hòa Thượng Giám Đốc để được thăm hỏi vài chuyện cần cấp. Tỳ kheo Quê Mùa tôi không có mấy khi tiếp khách thập phương mà phải dừng tay đang dịch kinh, để tiếp tín chủ. Vừa thấy mặt tôi, đôi mắt tín chủ như ứa lệ với giọng buồn rầu:

– Bạch thầy! Mấy hôm rày người con không được vui. Con vừa xin quẻ xăm xấu quá, xin thầy coi dùm và phải làm sao cho tốt?

– Để vừa lòng tín chủ, xem xong, quả tình lời xăm nói hạn vận không tốt. Nhân cơ hội này muốn độ cho người tín chủ mở tâm keo kiết để biết gieo phước lành, nên Tỳ kheo quê mùa tôi hỏi: “Vậy tín chủ có tín sự linh cảm của đức Bồ Tát Quán Thế Âm không?

– Bạch thầy con tin lắm. Mỗi lần có việc gì là con lên lạy cầu Ngài đều được kết quả tốt, nhưng lần này sao lòng con cảm thấy bất an, mà xăm lại xấu quá. Xin thầy chỉ cách cho con được an.

– Vậy thì nên phát tâm ấn tống kinh. Nhà gần Phật Học Viện, mỗi tối cố gắng về cùng với chư Tăng tụng kinh cầu nguyện để tiêu tai giải hạn. Nếu đến Viện không được thì ở nhà mỗi tối nên tụng kinh Phổ Môn hoặc kinh Dược Sư cầu nguyện.

– Dạ bạch thầy! Con bận lám không thể tụng kinh được. Con lên đây cầu Phật bà cho con được có tiền vui vẻ, té ra xăm xấu thế nầy con đâu có tiền ấn tống kinh, làm việc phước thiện. Xin cảm ơn thầy, chào thầy con phải đi gấp.

– Tỳ kheo quê mùa tôi im lặng thương xót cho người tín chủ giàu có kia, đối với việc vun bồi phước đức quá ư khó khăn. Hai ngày sau nghe tin người tín chủ bị tai nạn xe vào nhà thương trong tình trạng bất tỉnh, tôi sửng sốt nhìn lên tượng Phật bất giác bật tiếng thương than: Phải chi tín chủ biết phát tâm tụng kinh, niệm Phật, làm thiện thành tâm cầu nguyện, dùng phước đức để giải tai ương, chắc có lẽ vượt qua được tai nạn đáng thương tâm! Thế nên, những gì Phật dạy, chúng ta cố gắng làm thì nhất định sẽ được an lành hạnh phúc.

4- Phật huấn thị về cung cách và bổn phận người Phật tử.

CHÁNH VĂN:

Thọ trì năm giới Phật chế là người phước đức. Phàm làm việc gì nên khải bạch Tam Bảo. Phật huyền thông thấu suốt không việc nhỏ nhặt nào mà không biết.

LỜI GIẢI:

Lời kinh trên đây là Phật khai thị cho chúng ta. Những ai thọ trì năm giới, chuyên tâm tu tập thì mới chân thật là đệ tử Phật, nhất định là người phước đức trong nhân gian. Thọ trì ngũ giới tất nhiên được năm phước đức: 1/- Trường thọ. 2/- Giàu sang. 3/- Thanh tịnh ít bệnh. 4/- Mội người kính tin. 5/- Trí huệ phước đức hơn người. Đại để các kinh luật đều nói tạo nhân tu trì ngũ giới thì được quả báo bằng phước đức như đây. Để hành vi thuần thiện, tâm ý thuần chân, Phật còn từ bi kỹ lưỡng chỉ giáo cho chúng ta phương pháp kiểm soát hành vi tâm niệm để tránh vọng tình huân tập bằng cách “khi hành sự, nên bạch Tam Bảo”, nhứt niệm thông tam giới. Nhứt tâm chánh niệm quy y Tam Bảo, thì trừ diệt được nghiệp ba đời. Trọn đời y như thế thực hành, thì không nguyện nào mà không thành, không tâm hạnh nào mà không thanh tịnh, không quả vị nào mà không chứng đắc. Thành kính khải bạch Tam Bảo mỗi khi thi hành việc gì, thì cho dù làm việc “thế sự” cũng thành “Phật sự”, hạnh chúng sanh cũng thành hạnh Bồ Tát.

Thế nào là khải bạch Tam Bảo? Phật huyền thông huệ nhãn, tàng thân khắp pháp giới, không nơi chốn nào mà không ảnh hiện. Đủ thiện duyên thì Phật ảnh hiện suốt thông tất cả. Như ba động khắp trong không gian, đủ dụng cụ hợp tầng số là có diệu dụng thu nhiếp và ảnh hiện. Như không khí khắp trong vũ trụ có năng lực nuôi sống muôn loại. Nên kinh nói: “Phật huyền thông thấu suốt, không việc nhỏ nhặt nào mà không biết”. Khải bạch Tam Bảo là đến trước tượng Phật đốt tâm hương thành kính bạch lên những việc sắp làm, mong đức Phật từ bi gia hộ cho bồ đề tâm kiên cố thuận duyên hành đạo; vận dụng hết tâm niệm hành vi thực hành thì đúng như lời Phật dạy trong kinh điển là khải bạch Pháp bảo; thỉnh ý sư trưởng, thảo luận với người đạo đức là khải bạch Tăng bảo. Làm như thế trước khi thi hành thì nhất định việc làm hợp với lý tánh lương tâm, tự nhiên cảm ứng đạo giao cùng với huyền thông chư Phật.

CHÁNH VĂN:

Người có giới đức thì chư thiên thiện thần tận lực kính hộ, chư thiên hóa hiện để phục dịch, trời rồng quỷ thần đều kính phục. Tôn quý giới luật xưa nay chưa có điều chẳng cát tường, đâu phải lo ngại điều chẳng lành ư?

LỜI GIẢI:

Ở đây đức Phật dạy, tất cả hành vi tâm niệm chỉ có hành vi tâm niệm đạo đức giới hạnh là rất được chư thiên quỷ thần tôn sùng kính hộ. Người có lòng chuyên trì giới pháp của Phật, tâm đắc giới pháp là người đạo đức. Đạo đức tùy thuộc tâm chánh cần tu học, ngày ngày tinh tiến thăng cao, chư thiên thiện thần cùng nhau ra sức ủng hộ người đạo cao dức trọng một lòng giữ giới hoằng đạo, nên kinh nói: “Người có giới đức chư thiên thiện thần tận lực kính hộ”.

Chẳng những được chư thiên thiện thần kính hộ, mà các vị ấy còn hóa hiện thân để hầu hạ phục dịch. Như đời nhà Đường Trung Hoa có cư sĩ Lý Thông Huyền và ngài Thích Đạo Tuyên luật sư là những người được thiện thần hóa thân trường kỳ hộ trì phục dịch. Những chuyên thiên thần hóa hiện hộ trì phục dịch người chuyên trì giới luật đạo đức thì nhiều, có ghi rõ trong bộ Cao Tăng Truyện. Tám bộ quỷ thần sở thuộc Tứ thiên vương vâng lịnh Trời Đế Thích có bổn phận cung kính ủng hộ người tinh nghiêm giới hạnh, nên kinh nói: “Chư thiên hóa hiện phục dịch, trời rồng quỷ thần đều kính phục”.

Đức Phật trước giờ vào Niết bàn còn ân cần dặn dò lần chót: “Giới pháp còn thì đạo pháp còn. Dù cho ta có ở đời ngàn vạn năm mà đệ tử ta không chuyên tâm thọ trì giới pháp, thì sự có mặt của ta trên cõi đời chẳng lợi ích gì. Người tôn trọng thọ trì giới pháp mới thật là đệ tử của ta, sẽ gặp ta trong cảnh giới gt”. Thế nên, giới pháp chính là cương lãnh, là mạng sống của đạo pháp vậy. Nên trong Giới Kinh nói: “Phải kính trọng giữ gìn giới luật như giữ gìn đôi tròng con mắt. Giới như đèn sáng lớn soi sáng đêm tối tăm. Giới như ngọc ma ni cứu giúp kẻ đói nghèo. Giới như thuyền bè tốt đưa người qua biển khổ”. Giới luật có năng lực đưa con người thánh thiện thăng tiến, nên kinh đây nói: “Tôn quý giới luật xưa nay chưa có điều chẳng kiết tường.

Thế mà có người không hiểu năng lực thần diệu của giới luật, nên khi nghe nói thọ trì giới luật Phật chế thì liền nghĩ ngay là thọ giới thì bị gò bó mất tự do. Họ còn trề môi cho rằng, thời đại văn minh nầy giới luật không còn thích hợp nữa. Thực tế nghĩ cho kỹ, không giới luật là không đạo đức, không hạnh phúc tiến bộ. Bằng chứng kẻ trộm cướp, xì ke ma túy là những kẻ không tuân pháp luật, nên tâm trí họ lúc nào cũng lo sợ bị phát giác, hành vi họ lúc nào cũng lén lút, có tự do thanh thản đâu? Cha mẹ con cháu không sống theo luật hiếu hòa tôn ty thì gia đình sẽ tan gia bại sản. Người dân không sống trật tự hỗ tương, không tuân theo luật nước thì quốc gia sẽ loạn lạc thống khổ. Kẻ lái xe trên xa lộ không theo luật sẽ gieo rắc tai nạn tan thân mất mạng. Người học Phật, nhất là người xuất gia mà không tôn trọng giữ gìn giới pháp thì cho dù tận lực hoạt động Phật sự, kết quả chỉ gây đổ vỡ cho Phật pháp và tăng đoàn mà thôi. Thế nên nhớ vâng theo lời Phật dạy, tôn trọng chuyên trì giới luật thì được cát tường, như kinh đây nói: “Tôn quý giới luật… đâu phải lo ngại điều chẳng lành ư?”

CHÁNH VĂN:

Đạo thì bao la trùm che khắp đại địa, kẻ không thấu đạt lý nầy, lại tự làm chướng ngại cho chính mình.

LỜI GIẢI:

Đạo ở đây là chỉ cho chân như, bản tánh chân tâm. Muốn đạt bản tánh chân tâm thể nhập lý đạo thì phải đoạn vọng tâm mê hoặc mới minh tâm kiến tánh, đạt thành tâm lượng bao la. Phật pháp thường nói chân tâm như hư không, phiền não như đám mây ở hư không. Chân tâm bao la không biên giới, không nhiễm trước, nên tâm chư Phật Bồ Tát độ sanh không chướng ngại. Với lòng đại bit trí giác ngộ vô biên, nên các ngài thấy tâm chúng sanh là tâm mình, thân chúng sanh là thân mình, khổ vui của chúng sanh là khổ vui của mình, mình với chúng sanh không hai, nên các ngài tự tại trong đại nguyện độ sanh. Cũng như hư không bao trùm vạn vật, hư không chẳng thấy chật, vạn vật của ngoài hư không. Nên kinh nói các pháp không ngoài tâm. Người dời không hiểu lý nầy nên chấp lấy tiểu tâm phàm phu mà bỏ đại tâm Phật tánh, nên phải sanh tử luân hồi khổ đau kiếp kiếp. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tánh chân giác thanh tịnh hồn nhiên khắp trùm pháp giới tùy theo nghiệp lực chúng sanh mà nhận biết tâm đó”. Do vọng niệm tà kiến của chúng sanh đắm nhiễm cảnh trần mộng huyễn, nghiệp chuyển xa dần đại thể chân tâm, thấy mình khác Phật, tâm mình khác tâm Phật, nhận giả làm chân, tách rời bản thể Phật tánh bao la thanh thịnh giác ngộ giải thoát. Như bọt nước trong biển cả, như không khí trong bình, như vàng làm thành đủ loại sắc tướng nữ trang rồi danh xưng cũng theo đó có khác, đâu biết mình vốn là đại thể của nước biển cả, mình vốn là đại thể không khí vũ trụ bao la, mình vốn cùng là một loại tinh ròng vàng khối. Thế nên kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Diệu minh chân tâm như nước trong biển cả, bỏ đại thể nước trong, chỉ nhận thấy một bọt nước mà cho là toàn thể nước biển cả”. Có đáng thương cho chúng sanh quá đổi mê lầm không? Tự bỏ quên chân tâm Phật tánh bao la tự tại, để đuổi bắt chấp chặt phàm tâm tục lụy nhỏ hẹp buộc ràng! Có khác nào đứa con sanh trong nhà giàu sang quyền quý lại bỏ đời sống sang trọng hạnh phúc để theo sự cám dỗ của bạn ác rượu chè hút sách để rồi cam chịu sự đói rách lang thang. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm Phật và tâm chúng sanh không sai khác. Mê là chúng sanh, ngộ là Phật”. Chúng ta sanh ra đời không gặp Phật là điều thiếu phước duyên, một nạn trong tám nạn “Phật tiền, Phật hậu”. Nhưng còn may mắn gặp được giáo pháp của Phật, thấy được các bậc chân tu đạo đức, thì phải nên phát tâm học đạo Bồ đề, thọ trì giới pháp, tinh tấn tu tâm sửa tánh làm lành. Tham đắm dục lạc thế gian mà chi, ra đời bằng hai bàn tay trắng, khi từ giả cuộc đời cũng chỉ hai bàn tay trắng mà thôi. Cổ nhơn đã khuyên ta:

Đời sống chẳng đầy trăm
Lòng hằng lo ngàn năm
Thế gian mộng huyễn khổ
Sao chẳng tâm tu hành.

CHÁNH VĂN:

Việc thiện ác do tâm người làm. Họa phước đều do người tạo. Thiện ác phước theo người như bóng theo hình, như vang theo tiếng.

LỜI GIẢI:

Đến đây, đức Phật thuyết giảng rõ ràng, thiện ác do tâm người tạo, họa phước theo sát với người. Tâm tạo nhân, thân chịu quả, quả xúc tác thành nhân, thân tác dụng lại tâm, hình thành nhân quả tương tục, thân tâm tương tác buộc ràng với nhau không chạy trốn đau khỏi. Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói: “Đệ tử vốn tạo các ác nghiệp, đều do vô thỉ tham sân si, ừ thân miệng ý mà sanh ra”. Ác nghiệp hay thiện nghiệp đều do thân miệng ý tạo. Muốn được phước báo, mà cứ mãi tạo ác nghiệp thì làm sao tránh được tai ương hoạn nạn? Tham vọng không cùng mà lại than trách đất trời, oán hận tình đời? Qua đoạn kinh trên, ta thấy lòng từ bi của đức Phật vô lượng vô biên, không phước lành nào mà Ngài không giảng nói, không việc tiến bộ lợi ích nào mà Ngài không khuyên nhủ, không cội nguồn ác trược nào mà Ngài không trình bày, không pháp môn tu hành nào mà Ngài không khai thị, thế mà chúng sanh như mù như điếc mãi miết dong ruỗi.

Sáng chạy tây, rồi tối chạy đông
Đời người dong ruỗi tợ như ong
Trăm hoa hút nhụy về làm mật
Rốt cuộc thân tàn một kiếp không.

Không nghe theo lời Phật dạy để tu tĩnh tiến thân trên đường hạnh phúc giác ngộ giải thoát, lại mãi đắm chìm trong dục tình danh lợi thế gian là cố ý phớt lờ đối với hảo ý bi nguyện hóa độ của Phật, phản bội tánh linh tự quy y Phật của mình. Cũng như con không nghe lời cha mẹ khuyên dạy để lo học hành tiến thân lập nghiệp, lại nghe theo bạn ác rượu chè cờ bạc là con bất hiếu ngỗ nghịch. Người dân không biết nghe theo tiếng gọi của non sông, sĩ phu hữu trách theo gương các bậc anh hùng trung thành phục vụ dân tộc xứ sở lại vì quyền lợi riêng tư chạy theo ngoại bang là kẻ phản quốc. Kẻ quên lời Phật tha thiết khuyên dạy là kẻ bất hảo, tự mở cửa vào nẻo luân hồi trầm luân. Con không nghe lời cha mẹ dạy bảo là con bất hiếu, tự mình chiêu mộ bạn ác hư đốn khổ nghèo. Dân không theo gương các bậc anh hùng dân tộc để tận trung phục vụ xứ sở quê hương là người dân bất lương vong bản, lập ác đảng tà thuyết làm đổ nát quê hương gây đau thương dân tộc thì sử sách đời đời ghi đó là kẻ phản quốc phi nhơn. Tận trung hay vong bản, hiếu nghĩa hay phản bộ, tất cả đều do tâm tạo. Tâm nhẹ lợi danh thì được thanh nhàn tự tại có dịp gần thiện tri thức người hiền đức, gặp Phật gặp thánh. Ngược lại thì gặp ác nhơn hoạn nạn tai ương, yêu ma dẫn đường đưa đến đọa lạc. Nên kinh Hoa Nghiêm đã xác định tất cả khổ vui thánh phàm đều do tâm: “Nếu người muốn thấu rõ ba đời tất cả các đức Phật thì nên quán tánh của pháp giới, sẽ thấy rõ tất cả đều do tâm tạo. “Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhứt thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhứt thiết duy tâm tạo”. Nhưng khổ thay, Phật đem trọn cuộc đời hết lời khuyên giảng, kinh điển chỗ nào cũng có, cửa chùa rộng mở khắp chốn cùng nơi, nhưng không mấy người đời bước vào để nghe đạo nhiệm mầu giải thoát, mà cứ đua chen nhau vào chỗ đèn mầu huyền ảo dục lạc trần gian! Phật Tổ đã phải rơi lệ than thở: “Niết bàn hữu lộ vô nhơn đáo. Địa ngục bế môn hữu khách tầm”. Phật pháp nói Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.

CHÁNH VĂN:

Người có giới hạnh là có đạo đức ứng hợp với chân tánh tự nhiên, chư thiên hộ trì, sở nguyện không trái ý, cảm động mười phương, đức tánh bằng trời, vun bồi công đức vĩ đại, thánh hiền ngợi khen, khó có thể nghĩ bàn.

LỜI GIẢI:

Đức Phật hết lời khen ngợi người có giới hạnh. Có giới hạnh là công đức sâu rộng lớn như trời biển, đồng thời Phật cũng khuyến khích mọi người nên phát tâm tu trì giới pháp. Học Phật phải nhận rằng phàm chỉ trì giới cho riêng mình là tiểu thừa giới, tiểu thừa tâm. Tự mình thọ trì giới pháp mà còn nghĩ đến làm lợi ích chúng sanh, khuyến khích chúng sanh cùng với mình phát tâm tu tập Phật pháp là đại thừa giới, đại thừa tâm. Người trì giới, đồng thời phát từ bi tâm làm lợi ích chúng sanh tự nhiên cùng với Phật Bồ Tát cảm ứng tương giao, được chư Phật Bồ Tát tùy duyên hiện tướng, tâm nguyện tương ưng cùng đại thể bản tánh Phật chúng sanh thanh tịnh, nên kinh đây gọi là “ứng hợp bản thể chân tánh tự nhiên”.

Lại nữa, Bồ Tát độ sanh tùy duyên hiện tướng, tùy căn cơ nghiệp thức chúng sanh thích hợp thân hình gì thì các ngài hiện tướng “đồng sự, lợi hành” theo Tứ nhiếp pháp mà không trái với bản thể chân tánh tự nhiên. Nếu người học Phật hiểu được nghĩa lý nầy thì chỉ cần tự thân chuyên trì giới luật, tinh tấn làm việc phước đức, chẳng phải cần cầu thần linh tự nhiên cảm ứng chư Phật Bồ Tát Thiên Long Bát Bộ hộ trì, không tâm nguyện nào mà không thành, không đạo hạnh nào mà không viên mãn. Tức là người chuyên trì giới luật với tâm lượng vị tha, thường nghĩ tưởng đến lợi ích của chúng sanh, xả thân hành đạo thì tất nhiên được chư Phật Bồ Tát Thiên Long Bát Bộ hộ niệm, nên việc làm khởi đầu dù gặp phải bất cứ nghịch duyên ma chướng, nhưng sau đó thuận tâm như nguyện. Muốn đạt đến hữu cầu tất ứng, thì tâm phải đồng tâm Phật, miệng nói lời Phật nói, thân làm các hạnh Phật làm, tự hành hóa tha, như thế nhứt định cảm động mười phương pháp giới, tâm hạnh xứng tánh, vô vi vô tác, rạng ngời như nhựt nguyệt, đem nguồn ấm mát cho vạn loại sanh trưởng, cùng với vạn vật dung hợp đồng nhất thể.

Do chánh tâm chuyên trì giới pháp, thành ý tu thiện, lợi ích chúng sanh, từ đó có được công đức tự lợi lợi tha to lớn, cảm đến thành hiền thế gian và xuất thế gian đều tán thán hộ trì bất tận, nên kinh đây nói: “Cảm động mười phương, đức sánh bằng trời, vun bồi công đức vĩ đại, thành hiền ngợi khen, khó có thể nghĩ bàn”. Người tu học Phật chỉ biết năng lực của sự trì giới và công đức hoằng pháp làm thiện chuyển động đến chư Phật Bồ Tát Bát Bộ Thiên Long. Nên năng lực thần thông có, khi nào chính lòng ta thật sự thanh tịnh làm việc công đức chứ không phải chạy tìm bên ngoài nhờ thần linh, hồn tinh quỷ mị giáng điển dựa thế lực người nầy kẻ khác để tu hành phụng sự Phật pháp. Như thế là tà pháp chứ không phải là chánh pháp.

CHÁNH VĂN:

Kẻ trí hiểu sự đạt lý trọn đời không drơi vào đường tà, khéo y như lời Phật dạy thì có thể đạt đạo giải thoát.

LỜI GIẢI:

Trên đây là lời Phật khai thị cuối cùng trong bổn kinh nầy. Phật dạy rằng chỉ có kẻ trí mới thấu rõ thân mạng mình, mới thành tâm thật ý phụng hành lời Phật dạy. Ở đây Phật gọi kẻ trí tức là chỉ cho người trí tuệ rõ sự đạt lý, đạo hạnh khiêm cung. Thấu rõ thân mạng tức là đạt mạng, tức là hiểu rõ y báo chánh báo mà mình đang sống. Nói cách khác là nhận rõ thân thể, tâm trí và hoàn cảnh mình đang sống. Tức là thông đạt lý nhân duyên sanh các pháp, nhân quả báo ứng tự nhiên, mà người đời thường gọi là thiên mạng, và thói quen quan niệm là trời đã định vậy rồi.

“Trọn đời không rơi vào đường tà”. Do rõ sự đạt lý, thông hiểu y báo chánh báo của mình do nghiệp quả nhân duyên chứ không phải thần linh tinh quỷ ban phước giáng họa, nên trọn đời không bao giờ nghi ngờ mê hoặc theo tà thuyết tà thân mê tín dị đoan để phải rơi vao quỷ đạo mê hoặc của hạng tà kiến tà hạnh mù quáng cầu được an lành hạnh phúc hoặc cầu được tiên thiên ân điển ban huệ. Người trí tuệ là người nhân lấy trách nhiệm hiện đời mình đang sống, và y theo lời Phật dạy tu tâm sửa tánh, cố gắng tạo nhân lành thiện để có được quả an lành sáng sủa hiện đời và đời sau, chứ không bao giờ oán trời trách người, hay lười nhác tu dưỡng mà ước mong quả tốt.

“Khéo ý như lời Phật dạy thì được đạt đạo giải thoát. Chữ khéo ở đây tức là sau khi nhận định đạo lý rõ ràng, y theo lời Phật dạy, chọn pháp môn tu hành, thích hợp căn tánh hoàn cảnh của mình, quyết tâm trì tải giữ giới, hằng thuận chúng sanh, tủy hỷ các công đức lành, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, thiết tha tam vô lậu học tinh tấn hành trì giới, định, huệ ngày thêm kiên cố, để xứng tánh tự tại vô ngại với chướng duyên như thuyền lướt sóng, ấy là lái thuyền đời lướt trên sông mê bể khổ xuôi mái về bến giác. Nên kinh đây nói là “khéo y như lời Phật dạy thì dạt đạo giải thoát”. Tức là thành tâm thiết ý y giáo phụng hành vậy.

Nếu người tại gia cũng “khéo y như lời Phật dạy” chuyên tâm tinh tấn hành trì thì cũng chứng được đại đạo bồ đề xuất thế gian, thành Bồ Tát, thành Phật. Xưa nay đã biết bao người y theo lời Phật dạy phát tâm chánh niệm tu hành gặt hái kết quả hiện đời được an lành, khi từ giả cõi đời nầy được sanh về cảnh giới giải thoát. Khi độc xong kinh đây, chúng ta mới thấy người tại gia cũng như xuất gia không có gì trở ngại về phương diện hành đạo, miễn là như lý như pháp, khéo y theo lời Phật dạy thì sẽ có đời sống mỹ mãn hạnh phúc tiến bộ, hiện đời tăng thêm giá trị tôn kính an lạc đời sau sẽ được quả báo thánh thiện.

Tiếp theo dưới đây nói về tôn giả A-Nan sau khi được đức Phật bốn lần khai thị ở bốn đoạn kinh trên, tự mình cảm thấy được phước duyên may mắn gặp Phật nghe pháp thấu hiểu lời Phật giảng truyền cảm nhận được nguồn an lạc vô biên. Tôn giả lại nghĩ đến những chúng sanh thiếu phước duyên không được gặp Phật nghe pháp, khó tránh khỏi mê lầm tà tâm tạo ác nghiệp, tôn giả động lòng thương xót chúng sanh mà cầu thỉnh Phật trụ ở đời, đây là nhờ nghe pháp mà được tâm đắc.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9