Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung
Sa môn An Thế Cao dịch từ Phạn ra Hán
Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm dịch và giải

 

Đoạn ba: Bổn phận thầy trò.

1.- Thầy trò mỗi người đều có bổn phận.

CHÁNH VĂN:

A-Nan lại bạch Phật rằng: “Người thường thế gian hoặc là đệ tử có ý ác đối với bậc thầy hay với người đạo đức thì tội đó như thế nào?

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây tôn giả A-Nan nêu rõ vấn đề để hỏi đức Phật về tội trạng của người thường và người đệ tử có ác ý đối với bậc thầy hay với người đạo đức để hầu mong được Phật giảng giải cho tôn giả mà cũng là cho tất cả chúng ta đều cùng thấu hiểu. Nói cách khác, tôn giả nêu ra hai vấn dề: 1/- Người thường ở đời cũng như người có theo học đối với người đạo đức hoặc bậc thầy thì phải có bổn phận tôn kính. Không có lòng kính trọng bậc sư trưởng hay người đạo đức tức là mặc nhiên nuôi dưỡng tăng trưởng lòng ngã mạn, ngã ái, ngã chấp. 2/- Không có tâm kính trọng thầy và người đạo đức là phạm tội thiếu bổn phận và tội ác ý. Trong kinh Hiền Ngu và kinh Báo Ân Phật có kể câu chuyện quả báo do lòng bất kính như thế nầy: “Trong thời quá khứ thuở đức Phật Ca Diếp ra đời hóa độ chúng sanh, có vị Tỳ kheo trẻ tuổi ỷ mình tụng kinh tiếng tăm giọng điệu hay, nên một bửa nọ nói lên khinh vị Tỳ kheo già tụng kinh tiếng ồ ề như chó sủa. Vị Tỳ kheo già biết được tâm khinh mạn, nên khởi lòng từ bi nói với Tỳ kheo trẻ kia rằng: Ngươi khinh ta, nhưng ngươi có biết ta chứng quả A la hán rồi không? Nên đi sám hối gấp để tránh mắc quả báo thảm ác. Vị Tỳ kheo trẻ nghe khuyên như vậy thất kinh, liền đi sám hối, nhờ đó mà khỏi đọa địa ngục, nhưng phải mắc quả báo súc sanh làm 500 kiếp chó và kiếp cuối cùng sanh vào nhà người lái buôn làm thân con chó trắng, được người lái buôn rất mực thương mến săn sóc nuôi nấng. Một hôm người lái buôn cùng các đồng bạn đi buôn xa có dẫn chó theo. Giữa đường mọi người ăn uống ngủ nghỉ. Chó thừa cơ hội chủ ngủ say, lén ăn hết các thức ăn ngon của chủ. Khi người lái buôn thức dậy thấy các thức ăn ngon đã bị chó ăn hết sạch, tức giận chặt bốn chưn chó quăng xuống hồ rồi bỏ đi. Chó đau đớn quằn quại kêu la thảm thiết. Tôn giả Xá Lợi Phất dùng huệ nhãn thấy cảnh thương tâm như vậy động lòng từ bi đem bát cơm đến cho chó ăn, chó vui mừng được nghe tôn giả an ủi thuyết pháp khởi tâm hối hận, mấy ngày sau chó mạng chung, thoát kiếp được sanh vào làm con trai của người Bà la môn ở nước Xá Vệ được đặt tên là Quân Đề. Một ngày nọ, tôn giả Xá Lợi Phất đi khất thực ngang qua nhà người Bà la môn, cậu bé Quân Đề bây giờ được bảy tuổi vừa thấy tôn giả liền khởi lòng mến mộ vô cùng, khẩn cầu xin cha cho được theo tôn giả xuất gia, người Bà la môn ép bụng chiều con mà bằng lòng. Cậu được tôn giả Xá Lợi Phất xuống tóc cho xuất gia thọ giới Sa di để hầu trọn đời bậc ân sư đã tiếp độ mình chứ không thọ đại giới Tỳ kheo. Sa di Quân Đề hết lòng hầu hạ phụng sự Sư phụ và tinh tấn tu hành”.

Nhờ đời trước tạo nhân xuất gia tinh tấn tu hành thanh tịnh mà đời nầy Quân Đề có thiện duyên được gặp đức Phật Thích Ca ra đời, tôn giả Xá Lợi Phất độ cho xuất gia, và giờ đây chuyên tâm tu hành nên chứng thành đạo quả A la hán. Nho gia nói: Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sanh”. Nghĩa là làm người biết bổn phận, phải hết tâm chí với bổn phận, thì gần với đạo vậy. Người ở trong đời dù là học trò, người thường hay người có chức phận đều phải biết bổn phận nhiệm vụ của mình. Biết ý thức bổn phận nhiệm vụ là biết hiếu thảo cha mẹ, thuận hòa anh em, tôn kính sư trưởng, quý trọng người hiền đức, yêu thương làng nước, chúng sức cùng lòng sống chết với bà con dân tộc, như thế là bậc quân tử ở đời. Đạo Phật dạy từ bi, trí tuệ, hùng lực, nhẫn nhục, tinh tiến, hiếu thuận là những điều căn bản để thực tế xây dựng nền móng vững chắc cho cuộc sống ý thức trách nhiệm, bổn phận, nhiệm vụ để vẹn toàn nhơn cách, rồi từ đó tiến xa trên con đường thánh thiện ngõ hầu viên mãn Phật cách. Có hoàn thành bổn phận nhiệm vụ của nhơn cách “kính đức, trọng đạo, bao dung” thì mới mong đạt thành Phật cách “tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”, tức là đạt đến cảnh giới vật ngã nhứt như, thiên đại vạn vật nhất thể. Có vẹn toàn nhơn cách, thì nhơn cách và Phật cách đề huề, năng lễ sở lễ tánh không tịch, như thế mới đích thực đạt cảnh giới Phật, chúng sanh đồng một thể tánh.

Bốn vị Bồ Tát tiêu biểu cho tinh thần Đại thừa Phật giáo: 1/- Địa Tạng Bồ Tát thể hiện tinh thần nhẫn nhục bao dung hiếu đạo, hàng tàng sanh dưỡng vạn vật. Hiếu là nguồn gốc của muôn hạnh lành. Đại địa bao dung hàm chứa bằng vô tâm cùng đức tánh năng sanh. 2/- Quán Âm Bồ Tát thể hiện tinh thần đại từ đại bi bình đẳng, không phân biệt thân sơ, nhơn ngã người vật. 3/- Văn Thù Bồ Tát tiêu biểu cho trí huệ minh triết, đoạn diệt vô minh, cắt đứt dứt sạch ràng buộc phàm tình ái nhiễm, thể hiện đức tánh tinh tấn giải thoát. 4/- Phổ Hiền Bồ Tát thể hiện tinh thần bình đẳng tận hư không pháp giới, hạnh chân thật tùy duyên năng độ, hằng thuận chúng sanh vô ngại như ánh trăng rằm trải dài lên vạn vật. Bốn vị Bồ Tát đã trải qua vô lượng kiếp tinh tấn nhẫn nhục từ bi hỷ xả hằng thuận phục vụ chúng sanh, tôn kính sư trưởng, quý trọng đạo pháp, quán chiếu tâm thức, tận diệt ác niệm, chuyên tu giới định huệ, do cái nhân đời đời thăng hoa nhơn cách, tích lũy công đức mà thể đạt được cái quả là Bồ Tát, tức là hoàn thành nhơn cách trọn vẹn.

CHÁNH VĂN:

Phật dạy A-Nan: Phàm làm người nên quý mến người thiện, không nên đố kỵ. Hễ ai có ý ác đối với người đạo đức, bậc sư trưởng tốt thì chẳng khác gì có ác ý đối với chư Phật.

LỜI GIẢI:

Đức Phật giảng cho tôn giả A-Nan, ở đời nên quý mến người thiện. Thấy người làm thiện nên tùy hỷ vui mừng khuyến khích học theo. Tùy hỷ vui mừng khuyến khích điều thiện là nguyện thứ năm “ngũ giả tùy hỷ công đức” một trong mười đại nguyện của đức Bồ Tát Phổ Hiền. Người nào mà thấy người khác làm việc thiện, việc công đức đã không sanh tâm tùy hỷ khuyến khích khen ngợi, lại còn dèm pha đố kỵ, làm cho người thối thất đạo tâm bố thí, cúng dường, giúp đỡ, làm thiện, vị tha là xem như phá hoại tâm Bồ đề của mình và người, như thế chẳng khác ác ý với chư Phật, vô tình tự hủy hại Phật tánh của chính mình. Theo tinh thần Tịnh độ tông thì người thiếu tâm tùy hỷ công đức sẽ ảnh hưởng đến hoa sen là cha mẹ của người đó trên cảnh giới Cực Lạc cũng theo đó héo tóp dần.

Bậc sư trưởng (trừ ngụy tăng, tà sư) khai đạo dẫn đường hoằng dương Phật pháp làm không biết bao công đức lành. Tâm hạnh của sư trưởng là tâm hạnh Phật. Hành nghi của sư trưởng là hành nghi của Bồ Tát, người nào đem ác ý tà tâm chê bai hủy báng là dựng cờ ngã mạn ngã si, xây tường bất kính Tam Bảo. Đối với người hiền đức được người đời kính trọng tin tưởng, mình đã không có lòng quý mến gần gũi để học hỏi, lại sanh lòng đố kỵ dèm pha, thị phi xuyên tạc tại cho người khác cũng sanh lòng nghi kỵ, thì tội ác cũng đồng như mắng nhiếc thánh hiền. Vì sao? Vì rằng người hiền đức tạo các nhân thánh hiền và làm gương mẫu khuyến hóa người đời ăn hiền ở lành để hiện đời được thánh hiền che chở, đời sau được làm thánh hiền.

Như vậy, bậc sư trưởng đạo hạnh là hình bóng của Phật, Bồ Tát. Người hiền đức là hình bóng của thánh hiền. Đạo hạnh hiền đức có năng lực an định xã hội, thanh bình quốc gia, người người lợi lạc. Đạo hạnh hiền đức là sức sống của niềm tin, là cây cổ thụ che mát cuộc đời, là nơi nương tựa tinh thần cho đời sống nhơn loại tiến bộ hạnh phúc. Thế nên Phật nói: “Ác ý với bậc sư trưởng đạo hạnh, ác ý với người hiền đức tức là ác ý với Phật”. Ác ý với Phật phải mắc tội ngũ nghịch, nhận lấy quả báo đạo vào địa ngục vô gián, thường gọi là địa ngục A tỳ kiếp thống khổ, khó hy vọng thoát ly.

CHÁNH VĂN:

Thà lấy cây cung vạn thạch tự bắn vào mình chớ không thể ác ý đối với bậc sư trưỏng tốt và người đạo đức. Phật hỏi: “Nầy A-Nan, tự bắn vào thân mình có đau không?” A-Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn, đau lắm, đau lắm”. Đức Phật nói: “Cũng như vậy đó, người ôm giữ ác ý đối với người đạo đức, bậc sư trưởng tốt, là tạo thảm kịch đớn đau như tên bắn vào thân”.

LỜI GIẢI:

Một thạch nặng bằng 120 cân. Vạn thạch là ý nói sức to nặng vô cùng. Cung vạn thạch là một loại khí giới lợi hại thời cổ xưa, môt lần có thể bắn được nhiều mũi tên và đi rất xa hơn cung thường.

Bậc thầy tốt là bậc thầy có tài dức, trí thức và đạo hạnh vẹn toàn. Người đạo đức là người có tu tâm dưỡng tánh, tâm nghĩ điều lành thiện lợi tha, lời nói hiền hòa chân thật, làm việc nghĩa giúp đời giúp đạo. Đức Phật bảo ngài A-Nan, kẻ có tà tâm ác ý xuyên tạc thị phi khinh chê bậc sư trưởng tốt, người lành thiện là tự tạo cái nhân đau khổ. Cung vạn thạch bắn vào thân làm cho thân tan nát đớn đau không sao tả hết, thì cũng như thế đó, ác ý đối với bậc sư trưởng tốt, người đạo đức, thì ác ý biến thành mũi tên độc bắn vào tâm làm cho tâm Bồ đề tan nát, đọa lạc trong ba đường ác thống khổ vô lượng kiếp. Cái đau nhức của thân thể chỉ một đời. Cái thân thịt xương máu mủ bất tịnh nầy do tinh cha huyết mẹ đất nước gió lửa họp lại mà thành, chậm mau trước sau gì rồi cũng phải chết, phải tan rã. Nhưng cái tâm Bồ đề là tâm trí huệ giác ngộ giải thoát, nó sống mãi mãi trong tinh thần, là tánh linh của mỗi chúng sanh. Tâm Bồ đề chưa được hiển hiện trọn vẹn như Phật Bồ Tát là vì bầu trời tánh linh còn nhiều vô minh chưa thanh tịnh. Cũng như bản tánh của mặt trời là sáng ấm chiếu khắp muôn loài mãi mãi tồn tại, nhưng trần gian lại u tối là vì mây mù che lấp. Bản tánh của mây thì khi tan khi hợp, mây tan thì mặt trời xuất hiện chiếu sáng. Kẻ ác ý đối với bậc sư trưởng tố, người đạo đức là tự hủy nát tâm Bồ đề, tự chuốc lấy quả báo ác.

CHÁNH VĂN:

Phật dạy làm người đệ tử không nên khinh mạn đối với bậc thầy, không nên ác ý đối với người đạo đức, phải xem các bậc thầy như Phật, không nên khinh mạn đố kỵ, thấy họ làm việc lành thiện nên khởi tâm tùy hỷ công đức. Người có giới đức thì cảm động đến các trời, thiên long, quỷ thần đều kính trọng. Phật dạy, thà đem thân quăng vào lửa, dùng dao bén cắt thịt mình, cẩn thận chớ đố kỵ với bậc thiện nhơn. Đố kỵ với người lành thiện thì tội không phải nhỏ, nên phải cẩn thận cẩn thận lắm vậy, hỡi các người ơi!

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây đức Phật khuyên dạy hàng đệ tử rằng, người có tâm hạnh lành thì cảm động đến trời đất quỷ thần, thế nên phải kính trọng quý mến chớ nên sanh tâm đố kỵ. Ở đây đức Phật đặc biệt chỉ rõ bổn phận người đệ tử tuyệt đối không được khinh mạn với bậc thầy và không được ác ý đối với người đạo đức. Chẳng những tuyệt đối không nên khinh mạn ác ý mà còn phải đem lòng kính trọng các vị như Phật Bồ Tát. Thấy các vị làm việc lành thiện nên học theo hạnh Bồ Tát Phổ Hiền mà khởi tâm tùy hỷ công đức, tận tâm tận lực giúp đỡ tán trợ để cho việc thiện được mau chóng thành tựu tốt đẹp. Như thế tức là thân kính trọng, miệng khen ngợi, ý vui mừng, dưng phẩm vật cúng dường, được như thế mới là tròn đầy hạnh tùy hỷ công đức. Thì như công dụng của chiếc đồng hồ là chỉ giờ khắc. Tất cả bộ phận để cấu tạo thành đồng hồ đều hướng về mục đích chỉ giờ khắc mới hình thành được đồng hồ. Cũng như thế đó, chân thành đem thân miệng ý khen ngợi trợ giúp người lành thiện, công đức lành thiện thành tựu, thì người có tâm tùy hỷ công đức cùng với người tâm hạnh lành thiện, được công đức khác. Nghĩa là cùng người làm thiện, ta khích lệ khiến cho người tân tiến thiện mỹ hóa. Như thế ta với người lành thiện công đức chan hòa không hai. Lợi lạc thù thắng như thế nào, tại sao ta không làm? Ta tụng mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền hằng ngày; ta đọc kinh sách giáo lý của Phật dạy hằng bao năm; ta lắm lần đem giáo lý khuyên giảng với bà con bạn bè, nhưng tại sao ta cứ sống theo tâm tánh phàm phu ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái? Ăn chay tụng kinh, tu thiền niệm Phật, luận giảng giáo lý cao siêu để thỏa óc hiếu kỳ thì có lợi ích gì cho sự tìm hiểu Phật lý? Nếu thâm ý nhằm để cho người ta thấy mình là thông bác học rộng hiểu nhiều thì không phải là tâm nguyện của Phật ra đời hoằng pháp lợi sanh, lại cũng không phải là phương pháp phát triển đạo hạnh khai triển Phật tánh của đạo Phật. Đạo hạnh không phát triển, tất nhiên Phật tánh không thể hiển bày, thì làm sao thăng hoa thánh thiện, tiến đến quả vị giác ngộ giải thoát?

Đức Phật lại nói: Người trì giới thanh tịnh, thì tự nhiên đức hạnh cảm động đến các trời thần tôn trọng. Như đời Đường Trung Hoa có ngài Tuyên luật sư chuyên trì giới luật, san định luật nghi, công đức đó đã cảm động đến con của Bát Xoa Thiên Vương hóa thân làm thị giả hầu cận hộ vệ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu người trì giới thanh tịnh đầy đủ thì được tất cả Như Lai khen ngợi”. Được các đức Phật khen ngợi, đương nhiên được tất cả quỷ thần cung kính hộ trì. Phật lại nói: “Thà tự ném thân mình vào lửa dữ mà chết, thà dùng gươm dao bén tự cắt thân mình để chết, như thế đều không gọi là khổ. Đố kỵ người hiền làm việc thiện phải gánh chịu quả báo thảm khốc lớn, đau khổ gấp bội bội phần nhiều hơn, nên phải hết sức cẩn trọng”. Muốn rõ nhân quả báo ứng, nên xem các kinh sách: Nhân Quả Nghiệp Báo, Nhân Quả Nghiệp và Luân Hồi, Phương Pháp Cải Đổi Vận Mạng.

CHÁNH VĂN:

A-Nan lại bạch Phật: “Người làm thầy có thể tùy ý la mắng đệ tử không cần theo đạo lý, nhân lỗi nhỏ làm thành to, như thế có thể không tội lỗi chăng?” Đức Phật đáp: Không thể được! Không thể được! Tình nghĩa thầy trò, ân nghĩa tương cảm tự nhiên rất là sâu đậm, sư đệ thăm hỏi tương thân tương kính như nhau.

LỜI GIẢI:

A-Nan hỏi Phật về cung cách làm thầy có thể tự ý la rầy áp chế học trò bất cứ lúc nào mà không cần y theo đạo lý chánh đáng, hoặc học trò phạm lỗi nhỏ lại cố ý làm thành to, vị thầy như vậy có phải tội không? Đức Phật đáp: Không thể như vậy được! Người làm thầy không thể vô lý tùy ý la rầy quở phạt học trò. Lại cũng không được đem lỗi nhỏ của học trò làm cho to chuyện. Cái nghĩa thầy trò, cái tình sư đệ tương thân tương kính, ân đức tình nghĩa hợp với tánh đức tự nhiên, như tình cha mẹ với con cái. Ân tình phụ mẫu cốt nhục cho cái thân, ân tình sư đệ giáo huấn cho cái trí. Thân nhờ trí mà phát triển nhơn cách làm nên thánh hiền. Trí nhờ thân hoạt dụng để đạt đến mục đích. Thân trí tương đồng hỗ trợ. Phụ tử sư đệ tương đồng tưởng nhớ viếng thăm. Đệ tử kính thương thầy như cha mẹ. Thầy thương dạy đệ tử như con cái. Thầy đem hết hiểu biết kinh nghiệm một đời truyền dạy đệ tử. Đệ tử đem hết tâm thành kính trọng lãnh thọ nơi thầy. Thầy phải có tâm niệm mong cho học trò hơn thầy thì tông môn mới phổ chiếu huy hoàng, nhơn gian mới được an cư lạc nghiệp. Cha mẹ phải nuôi dưỡng cái tâm hy vọng con cái hơn mình thì gia đình mới hạnh phúc, xã hội mới tiến bộ.

CHÁNH VĂN:

Trách phải hợp lý, dạy phải hợp đạo, điều gì không muốn ai làm cho mình thì chớ nên làm cho người khác, tôn giữ rộng truyền lễ nghĩa giới pháp, chớ tạo oán hờn kiện tụng.

LỜI GIẢI:

Ở đây đức Phật giảng dạy về bổn phận làm thầy phải giáo dục học trò chánh đạo quy cũ, chớ để học trò ôm lòng oán hận. Nếu học trrò có lỗi lầm mà bất đắc dĩ phải cần đến sự rầy phạt mới sửa dạy được thì thầy có thể rầy phạt, nhưng phải chân tình chan chứa tình thương, tâm ái hộ thương xót muốn học trò nên, vì không cách nào khác, với mục đích cảnh cáo cải thiện học trò để về sau không còn tái phạm thì mới rầy phạt. Tuyệt đối không nên trách phạt học trò với lòng căm tức sân hận, do vậy Phật nói: “Trách phạt hợp lý dạy phải hợp đạo”. Con người khác thú vật nhờ có tri thức, hơn thú vật chính là đặc điểm biết đạo lý. Lý là chân lý, tánh lý, lý tự nhiên là đại đạo mà thánh hiền cổ kim đều tôn thuận. Đạo xử thế của Nho gia là tam cương ngũ thường tứ đức. Đạo xuất thế của nhà Phật là Ngũ giới, Thập thiện, Tam vô lậu học, Tứ vô lượng tâm, Lục độ, minh tâm kiến tánh, bất nhị pháp môn tất cả đều là giáo nghĩa của đại đạo. Người có năng lực thể hiện trọn vẹn tinh thần đại đạo là tạo cho mình tất cả khoa kỹ phát minh tiến bộ, đem phước lợi hạnh phúc cho đời. Khi nào con người biết áp dụng những điều của đại đạo thì lúc đó nhơn gian giảm thiểu đi nhiều tiếng kiêu than trầm thống do con người tạo ra. Do đó con người cần phải được giáo dục theo tinh thân đại đạo của Phật pháp, nhơn loại cần phải được hướng dẫn theo tinh thần lợi tha xả kỷ để trở thành người lương thiện, lưu tâm làm việc thiện, thì kết quả tự nhiên cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia nhơn loại thanh bình hạnh phúc. Được vậy, tuy sống ở trần gian mà thanh bình an vui như cõi Cực lạc.

“Điều gì không muốn ai làm cho mình thì chớ nên làm cho người khác. Tôn giữ rộng truyền lễ nghĩa giới pháp, chớ tạo oán hờn kiện tụng”. Nho gia chú trọng lễ nghĩa. Phật giáo chú trọng giới luật. Lễ nghĩa và giới pháp là triết học thực hành, là thiện quả tất yếu của sự hưởng thọ hạnh phúc chân thiện mỹ hóa nhơn loại mà các thánh triết tiên hiền Phật Bồ Tát đều tận lực nhất chí tôn trọng duy trì hoằng dương. Một xã hội tiến bộ là xã hội đạo đức. Một xã hội văn minh hạnh phúc là xã hội biết tôn giữ lễ nghĩa luật pháp. Thượng tôn lễ nghĩa luật pháp làm căn bản giáo dục, thì con người phát triển lương tâm đạo đức, thì gia đình hòa thuận, xã hội an bình, quốc gia tiến bộ.

Thiền môn quy củ của Phật giáo, người nhập đạo phải biết công quả gánh nước, tưới cây, hầu thầy, học thuộc kinh, luật. Năm năm căn bản chuyên học giới luật, sau đó mới đem tâm học tập kinh điển, niệm Phật tham thiền (Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền). Hành giả của đạo Phật do truyền thống giáo dục căn bản thâm hậu vững chắc như vậy, nên được cơ duyên vun bồi phước đức, tâm thức hành nghi ung đúc đạo đức thâm sâu, tâm hạnh thuần thục, cung cách oai nghi tỏa rạng đạo phong, khiến cho người đời một khi trông thấy là cảm nơi lòng một nguồn an lành mát dịu, tự nhiên khởi tâm kính mộ, học đạo Bồ đề. Do phương thức giáo dục quy củ, thời gian và giới luật đủ để huân tập thâm hậu thấm nhuần, nên ân tình sư đệ, ân nghĩa giáo dưỡng chân thành miên viễn, thân giáo cảm hóa nhơn sanh, khẩu giáo khai trí người lành, ý giáo truyền đăng tục huệ đem lại Phật nhựt quang huy cho tông môn, pháp luân thường chuyển lợi lạc nhơn quần xã hội.

Ngày nay hoàn cảnh đổi thay, người hành đạo phần nhiều không được thấm nhuần giáo dục căn bản lễ nghĩa giới luật, giáo pháp chưa nhập tâm, oai nghi chưa thấm nhuần nên thường sanh tâm hoạn tưởng không cần nương tựa sư trưởng học tập, không cần hời gian hành đạo, không tuân theo luật nghi quy củ thiền môn thọ giới từ thấp lên cao, nên đã phạm vào cái lầm lỗi tháng trước vào chùa, tháng sau làm thầy, nay đến nhà này, mai đến nhà khác, lang bang khắp chốn, vọng ngữ tự tôn, khoa trương mình là đệ tử ngài này, có bằng cấp nọ, thầy của vị kia, quen biết ông lớn để mong cầu lợi dưỡng. Thậm chí còn đang taam phạm thượng giảng nói thị phi bài xích chê trách các bậc thầy tiền bối. Khiến cho kẻ sơ tâm mới tìm học đạo ngại ngùng, niềm tin Phật tử bị lung lạc, kẻ ngoại đạo nhân đây xuyên tạc Phật pháp. Do thiếu tiếp nhận căn bản giáo dục chưa thấm nhuần giáo lý, thiếu thời gian hành đạo cần thiết khi phát tâm nhập đạo xuất gia, do vậy không tạo cho mình được cái đạo phong, không đủ ý thức về nhân quả, nghiệp báo, nên người phụng sự Phật thường biến thành “sư tử trùng thực sư tử nhục” trong Phật pháp.

Người có tiếp nhận thiền môn quy củ, tất được giáo dục đạo đức can bản, hành trì nghiêm chỉnh lễ luật thì tâm an lý đắc, oán hận tiêu trừ, sư đệ thân kính, nhơn ngã hài hòa, ấy là thể nhập tánh lý đại đạo.

CHÁNH VĂN:

Đệ tử cũng như vậy, sư đệ ân nghĩa chân thành, thầy phải tròn bổn phận thầy, đệ tử phải tròn bổn phận đệ tử, chớ bài báng nhau, ôm lòng ác độc tạo nên oán hận, việc nhỏ xé thành to, hậu quả tự thiêu hủy mình.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây Phật khuyến cáo chúng sanh hãy nên tôn trọng giữ lấy tình thầy trò, phải thực hành tròn đầy bổn phận tương thân tương kính không nên đôi bên hủy báng nhau.

“Đệ tử cũng vậy” câu đây đặc biệt nhằm thuyết giảng bổn phận người đệ tử phải tuân theo lễ luật, tôn sư trọng đạo, thầy trò đôi bên ân nghĩa chân thành, làm thầy phải hết lòng lo giáo dưỡng đệ tử, làm đệ tử phải đem hết tâm dạ phụng sự thầy, ai tròn phận nấy tuyệt đối chớ gây gỗ bài báng.

“Ôm lòng ác độc tạo oán hận”. Bổn phận làm thầy phải tận tâm giáo dục học trò. Nếu học trò lỗi lầm thì nên đem lòng từ mẫn dùng ái ngữ khuyên giáo xử phạt, chớ nên ôm giữ nỗi buồn giận nơi lòng. Học trò nếu có điều bất mãn nên trình bạch với thầy để giải tỏa thỏa đáng nỗi u uất thắc mắc, không nên ác ý ôm lòng oán hận đối với bậc thầy hiền và người đạo đức.

“Việc nhỏ xé thành to”. Làm bậc thầy phải có lòng khoan dung độ lượng, thương dạy học trò, chớ nên vì học trò phạm điều lỗi lầm nhỏ lại cố ý thêu dệt thành to vô tình tạo oán hận giữa thầy trò xung đột, kết quả “đem lửa tự thiêu hủy mình”. Học trò cũng không nên vì bất mãn mà ác ý bới móc lỗi của thầy, không nên bịa đặt truyền rao điều thầy nhẫm lẫn. Cổ nhớn nói: “Cứ xem bạn của họ thì biết được họ” cứ xem thầy thì biết trò; cứ xem trò thì biết thầy”. Lại cũng có câu: “Người ưa nói chuyện thị phi, chính họ là người thị phi”. Vương Dương Minh nói: “Cùng chung với bạn bè mà thường thấy mình không phải thì mình luôn luôn tiến bộ, như thế mới mặc nhiên cảm hóa điều không phải của bạn”. Cầu thầy học đạo trước hết phải tự thấy mình kiến thức và đạo đức yếu kém thì mới tiến bộ trên quang lộ chân thiện mỹ hóa nhơn cách.

CHÁNH VĂN:

Là người đệ tử phải biết kính thuận với bậc thầy tốt, cẩn thận chớ nên ác ý chống đối thầy. Ác ý đối với thầy không khác gì ác ý đối với Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ, như thế thì trời không che, đất không chở.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây Phật thuyết minh tội ác của học trò bội thầy phản đạo. Cổ đức nói: Quy y Phật không đọa địa ngục; quy y Pháp không đọa ngạ quỷ; quy y Tăng không đọa súc sanh. Vì sao được như vậy? Vì Phật là bậc vô thượng y vương; Pháp là thuốc thần diệu trừ bệnh; Tăng là bậc thiện tri thức hướng đạo nhơn sanh đồng thời cũng là ruộng phước thanh tịnh, nên đối nghịch ba ngôi Tam Bảo tức là tà tâm, mà thuận hướng về Tam Bảo là chánh tín. Người muốn đắc đạo thì nên thành tâm y theo lời Phật mà sống, bằng không thì mong muội nổi trôi theo vọng tình huân tập, hụp lặn trong biển khổ trầm luân. Phật nói: “Chúng sanh không biết quy y Tam Bảo thì vĩnh kiếp đọa lạc ba đường ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”. Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng nói: “Phật là giác ngộ; Pháp là chân chánh; Tăng là thanh tịnh. Quy y bậc giác ngộ nhị túc tôn; quy y chân chánh pháp ly dục tôn; quy y thanh tịnh Tăng chúng trung tôn”. Lại nói: “Từ nay về sau xưng giác ngộ là Thầy, không sanh tà mê, thiểu dục tri túc, xa lìa tài sắc, gọi là nhị tôn túc. Tự tâm quy chánh, niệm niệm không tà kiến. Bởi do không tà kiến nên không nhơn ngã cống cao tham ái, chấp trước, gọi là ly dục tôn. Tự tâm quy y thanh tịnh, nên đối tất cả cảnh giới ái dục của trần gian không nhiễm trước gọi là chúng trung tôn. Nếu rõ ý nghĩa và y như thế tu hành thì gọi là tự quy y. đây chính là tự tánh Tam Bảo thường tự chứng minh”. Lại nói: “Kẻ phàm phu không hiểu, suốt ngày đến đêm, thọ tam quy giới, nếu nói quy y Phật, thì Phật ở đâu? Nếu không thấy Phật thì bằng vào đâu mà quy y, như vậy là nói không thật. Các thiện tri thức mỗi người phải tự quán sát chớ dụng tâm sai lầm, kinh Phật nói rõ là quy y Phật của chính mình, chứ không nói quy y Phật nào khác ngoài tâm. Bằng không quy y Phật tự tánh thì không có chỗ sở y. Nay đã tự ngộ rồi thì các người phải quy y tự tâm Tam Bảo, trong điều phục tâm tánh, ngoài kính quý tha nhơn, thế gọi là tự quy y vậy”. Qua lời giảng của Lục Tổ Huệ Năng, làm cho ta rõ ý nghĩa quy y là hồi quang phản chiếu, hồi quy bản tánh chân tâm. Từ đây khiến cho chúng ta lại càng tín thành thâm sâu lời dạy của Phật.

Thân mạng của ta nhờ cha mẹ mà có. Huệ mạng của ta nhờ sư trưởng mà được. Tâm hiếu thảo cha mẹ như thế nào, thì tâm phụng thờ sư trưởng cũng như vậy. Thân nầy một đời rồi trả về cát bụi. Huệ mạng muôn đời thăng tiến đến bậc thánh hiền. Thế nên cẩn trọng không nên ác ý đối với sư trưởng bằng như ác ý đối với Tam Bảo, cha mẹ. Ác ý bội phản sư trưởng thì quỷ thần ghét bỏ, trời đất chẳng dung. Phật giải đáp bổn phận thầy trò cho A-Nan đến đây là trọn nghĩa lý.

2.- Hành nghi của thầy trò.

CHÁNH VĂN

Quán xét người đời mạt thế, những bọn người ác bất trung bất hiếu, không có nhân nghĩa, không hợp nhân đạo.

LỜI GIẢI:

Cách sau Phật Niết bàn hai ngàn năm gọi là bước vào thời mạt thế. Mạt thế là thời kỳ thế gian vật dục phúng túng hưng thạnh, phong hóa lễ luật pháp tắc biến thái băng hoại, nhơn tâm đạo đức suy vi. Đồng thời thế gian văn hóa đồi trụy, Phật pháp biến thể hiển bày trạng thái phân hóa suy tàn, con người tâm trí gian xảo buông lung tạo nhiều tội ác.

Trong thời mạt thế, người ác dãy đầy, đại để có bốn loại: 1/- Bất trung: Quốc gia lấy dân làm gốc, lấy nguyên thủ làm tôn, lấy tận trung làm trước. Đối với quốc gia, nguyên thủ tài đức, chức vụ mình đang có mà không tận trung là đại ác. 2/- Bất hiếu: Gia đình lấy cha mẹ làm tôn, nên trước phải hiếu kính. Trong giới kinh Phật nói: Nếu có người suốt trăm năm vai phải mang cha, vai trái cõng mẹ, cha mẹ đại tiểu tiện trên thân, một lòng cung dưỡng cha mẹ đầy đủ các thức ăn ngon mặc ấm quý nhất trên đời, cũng chưa báo đền được ơn cha mẹ trong giây lát. Kinh Bồ Tát Giới nói: “Hiếu là pháp chí đạo, cũng gọi là giới”. Thế nên làm con bất hiếu cha mẹ là đại tội. Người cộng sản tự mình khinh thường hiếu nghĩa nên đấu tố cha mẹ, lại còn giáo dưỡng tuổi trẻ, xúi xử người khác đấu tố, ấy là tâm địa hùm beo lang sói, tội ác biết dường nào! Cha mẹ mà còn đem tố khổ không chút tiếc thương thì thử hỏi trên đời nầy họ còn biết kính thương ai nữa? Bảo sao họ trị dân không thống khổ, trị nước không đổ nát đói nghèo lạc hậu! 3/- Không nhân nghĩa: Đối với mọi người trong xã hội không nhân không nghĩa, trái ngược với luân thường đạo lý, thiếu mất nhân tánh lương tâm, tiêu hủy tình người. Nhân là từ bi đối với tất cả. Nghĩa là xử sự hợp tình hợp lý. Nếu xử sự bất nhân bất nghĩa là đại ác. Như người cộng sản đấu tố cha mẹ, giết người như phác cỏ cây. Đấy là hiện thân của quỷ Dọa Xoa La Sát. 4/- Chẳng thuận nhân đạo: Đạo Nho dạy ngũ luân thập nghĩa: Phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ để, phu nghĩa, phụ thích, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung. Đạo Phật dạy ngũ giới, thập thiện đều là những phương thức thực tế xây dựng đạo làm người, là đạo lý xây dựng con người lương tri thánh thiện để thực hiện xã hội tiến bộ an lành hạnh phúc. Sách Tả Truyện nói: “Người mà bỏ cái đạo làm người thì yêu quái hưng thạnh”. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Phá căn bản giới thì tà ma yêu quỷ hưng thạnh trong đời”. Thế nên, lìa bỏ ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và phá căn bổn giới, tức là phá bỏ nhân đạo, hủy hoại nhân luân, thì xã hội hổn loạn băng hoại, cực kỳ đại ác vậy. Trong đời mạt pháp nầy không ít người phạm phải bốn tội đại ác nêu trên. Trong chốn thiền môn, kẻ xuất gia bê tha giới luật, tu nhảy bậc, chẳng thọ giới trì trai, mà lại còn manh tâm sửa kinh chế luật, tham vọng quyền danh lợi dưỡng, mê chấp ngã mạn cống cao tự đại, hãm hại bậc bậc chân Tăng tôn trưởng, khinh thường hòa hợp tăng, hạnh nầy cũng không ít trong cửa Phật, tội ác hơn hẳn bốn hạng trên kia. Đấy là hiện tượng bất hạnh của thời mạt pháp.

CHÁNH VĂN:

Các ma tỳ kheo ở trong tứ chúng chỉ nghĩ nhớ đến lỗi người, tự mình không dứt ác, đố kỵ người hiền đức lương thiện, làm cho họ bị tổn hoại, chẳng nghĩ đến làm thiện, chỉ nghĩ đến việc bạo hành đố kỵ người hiền, việc công đức tự mình đã không làm mà còn hại người khác đang làm để cho bại hoại, làm cho ý đạo tuyệt dứt không thể thực hành.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây, đức Phật giảng nói cho tôn giả A-Nan biết, vào thời mạt pháp cách Phật Niết bàn lâu xa, như thời đại chúng ta đang sống đây và về sau nữa, trong hàng xuất gia có tỳ kheo do ma ngụy trang làm những hành vi ngôn ngữ vô luân thất đức trái ngược giới luật để cho Phật pháp sớm băng hoại. Về việc xấu ác nầy, đặc biệt kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển sáu, đức Phật huyền ký rất rõ.

Khi thế đạo nhân tâm suy vi, lòng người nhiều nghi ngờ, thì hiện tượng tăng già đối với giới luật kinh điển phần nhiều yếu kém, ham thích hình thức lợi dưỡng quyền danh, tăng đoàn thiếu thanh tịnh hòa hợp, làm cho chư thiện thần xa lánh, chính là lúc chúng tà ma nhân cơ hội xâm nhập ngụy trang làm tăng đoàn, hoặc cư sĩ hộ đạo dùng xảo thuật mưu thần chước quỷ khiến cho người chân chất thật thà bị mê hoặc tưởng họ làm việc Phật pháp nên tin theo. Những ma tỳ kheo nầy, nếu tự thấy mình yếu kém thì họ liên kết với kẻ lợi danh hoặc luồn cúi làm tay sai cho quan quyền hầu dựa vào đấy để tạo thế lực, đồng thời ý đồ để cho người tâm đạo trí đức thức giả nghi ngờ khó phân định, sanh tâm khinh chê xa lánh các bậc tỳ kheo đạo hạnh chân tu, từ đó Phật pháp thiếu người hộ đạo hoằng pháp, dần dần nhân gian lu mờ đạo pháp.

Chúng ma tỳ kheo kết giao với chúng quỷ cư sĩ suốt ngày tâm ý nghĩ đến quyền danh, kết bè dựa thế để phá hủy các chân tỳ kheo đạo hạnh. Các vị chân tỳ kheo nầy tâm tâm niệm niệm hành trì giới luật, hoằng dương Phật pháp, kiến thiết đạo tràng, đào tạo nhân tài, trừ tà hiển chánh. Trong lúc đó chúng ma tỳ kheo thường dùng đủ thủ thuật quỷ kế phá hoại nhằm mục đích để các chân tỳ kheo thối tâm nguyện hoằng truyền Phật pháp lợi lạc nhơn sanh, để rồi từ đó các thức giả có tâm đạo e ngại xa lánh không còn nhiệt tình hộ pháp. Nên kinh nói: “Việc công đức tự mình không làm mà còn cố tâm phá hoại người khác đang làm để cho bại hoại, làm cho Phật pháp lu mờ, ý đạo tuyệt dứt không thể thực hành”. Lão Tử nói: “Cường lương giả, bất dắc kỳ tử”. Kẻ bá đạo cường bạo tung hoành đời nào cũng có. Theo lời Phật huyền ký thì thời mạt pháp chúng ma tỳ kheo ngụy làm tăng để làm băng hoại sự hòa hợp thanh tịnh của Tăng đoàn, dùng đạo tạo danh vọng riêng tư, làm hư hỏng giềng mối thanh cao của đạo pháp, ngày một thêm nhiều. Sự nhiễu loạn trong Phật pháp khó dập tắt, chỉ còn phương pháp là người chân chánh xuất gia phải nghiêm trì giới luật thanh tịnh để trang nghiêm Phật pháp, người tại gia phải cẩn trọng trong việc biết chọn bậc minh sư để học đạo và chánh tâm hộ pháp. Nếu có nhiều người biết tôn trọng nghiêm trì giới luật, biết chọn bậc minh sư tu học thì trong Phật pháp giảm thiểu đi tình trạng suy đồi. Người xuất gia mà tâm đắm trước chức tước quyền danh lợi dưỡng thường kết thân với chánh quyền thì gọi là ác thế tỳ kheo, cũng gọi là ma tỳ kheo tức là hình thức tỳ kheo, mà tâm chất ma. Trái lại tỳ kheo có đời sống khác hẳn hạng ma tỳ kheo trên kia thì gọi là thiện thế tỳ kheo. Chân tỳ kheo tức là tỳ kheo tâm chất Phật. Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp hiện tượng trên đây hiển bày thật rõ mười mươi. Người có tâm đạo nên hết sức cẩn trọng khi phát tâm tu học.

CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo tham dục vụ tục, nhiều mưu cầu lợi dưỡng, gồm chứa tiền của tự hủy hại mình, trọng tiền của, xem thường đạo nghiệp, chết đọa đường ác địa ngục vô gián, ngạ quỷ súc sanh.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây đức Phật cho thấy hạng ác thế tỳ kheo trọng tiền của hơn là đạo nghiệp, tất phải chiêu cảm quả báo trong ba đường ác. Hạng này tâm thức ngập đầy chất độc lợi dưỡng quyền danh, sống vì hơn thua, mưu đồ tiền của danh vọng, chứ không vì sự nghiệp giác ngộ giải thoát, hoằng pháp lợi sanh.

Riêng về xuất gia, trong Phật pháp có ba ý nghĩa: 1/- Xuất thế tục gia: Ra khỏi nhà thế tục của cha mẹ bà con quyến thuộc. 2/- Tại gia xuất gia: Hạng người nầy thân tuy tại gia mà đời sống thanh tịnh, tâm thường hằng để nơi đạo pháp, như các vị đại Bồ Tát có lúc hiện thân trưởng giả, cư sĩ dùng phương tiện thiện xảo hóa độ chúng sanh. 3- Xuất gia tại gia: Hạng người nầy thân tuy xuất gia mà tâm dày đặc ích kỷ, tham vọng quyền danh lợi dưỡng, luồn cúi người quyền thế, chuyên tâm chiều lòn tín chủ để thủ lợi, xem chùa như tư gia của mình, lấy việc cúng bái làm kế kinh nhai, hài lòng với tiền thu được, chẳng nghĩ đến lục hòa tăng đoàn, hoằng truyền Phật pháp, mặc cho đời đau khổ, mặc cho đạo suy vi, họ chẳng lưu tâm để ý. Hạng người này tuy hình thức xuất gia, nhưng tâm chất là thế tục, không phải đệ tử Phật. 4/- Xuất gia xuất gia: Hạng người nầy đầu tròn áo vuông, xuất gia thọ giới chuyên tâm hành đạo, bất nhiễm dục trần, chuyên trì tam vô lậu học, quyết chí nhất tâm kiến tánh, tâm nguyện thiết tha hoằng pháp lợi sanh, xa lánh quyền danh thanh thế, tinh tấn trao dồi đạo hạnh không ngừng.

“Gom chứa tiền của tự hủy hại mình, trọng tiền của, xem thường đạo nghiệp”. Câu kinh nầy cho ta thấy đức Phật thường cảnh giác giáo huấn các tỳ kheo đời mạt pháp thật là thống thiết. Ai gom chứa xem trọng tiền của thì người đó tự hủy hại mình. Xưa nay người đời thường nói: “Một nhà no ấm, ngàn nhà oán trách”. Với tinh thần này thì người thế gian còn nên thí xả cứu giúp, huống nữa là người xuất gia đệ tử Phật lại không thấu hiểu đạo lý nhân quả báo ứng hay sao mà lại tham tâm gom chứa tiền của? Đáng thương hại hơn nữa, biết khuyên người bố thí, trì giới tu hành mà mình lại không bố thí buông xả, kẻ xuất gia mà lại tự hào hảnh diện có chùa to Phật lớn, tiền nhiều, bổn đạo đông, rồi bằng vào đó, sanh tâm tự cao tự đắc, để cho cỏ gai danh lợi sanh trưởng phủ lập đài tâm giác ngộ hồi nào không hay. Trọng tiền tài, ái danh vọng, tự đắc tự hào, khinh thường đạo nghiệp, bất kính tôn trưởng chân tăng, khinh nghèo trọng giàu ba hiện tượng gốc Bồ đề tâm đã bị mối mục bật rễ rồi! Cho dù nay thân xuất gia nhưng tâm đã chìm đắm nhiễm ô trong bụi trần danh lợi chức quyền. Chùa to tiền nhiều mà không biết chuyên tâm trì trai giữ giới tu hành, lo cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, thì đó là điều kiện thuận nhanh để vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như kinh nói: “Gom chứa tiền của tự tán hại thân, trọng tiền của khinh thường đạo nghiệp, chết đọa đường ác địa ngục vô gián, ngạ quỷ, súc sanh”. Đức Phật và liệt vị tổ sư cổ đức đã từng cảnh giác: Tham vọng một đời với thân bất tịnh tạm bợ, phải chịu quả báo kiếp kiếp triền miên khổ đau trong ba đường ác, rõ như thế há không tỉnh ngộ hồi tâm ư? Sao không biết thức thời:

Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.

CHÁNH VĂN:

Chưa bỏ nghiệp ác trên đây, thì làm đời xuất gia để cầu cái gì? Phải nên nghĩ đến việc báo ơn Phật. Phải nên trì kinh giữ giới, đoạn ác để đắc đạo. Đạo không thể không học, kinh không thể không đọc, thiện không thể không làm. Hành thiện, bồi đức là giúp tâm đức lìa khổ, siêu xuất sanh tử.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh nầy Phật giảng rõ mục đích của người xuất gia phải làm gì và bỏ điều gì. Không thể mang danh xuất gia xưng là thầy mà thói phàm tục còn đầy ấp nơi tâm, ngày ngày chạy dựa quyền thế, hay tìm cách chiều lòn tín chủ để được lợi dưỡng hoặc lại mưu tính kinh doanh thế sự. Kinh nói: “Chưa bỏ nghiệp ác thì đời nầy xuất gia để cầu cái gì? “. Còn nặng phàm phu nghĩ đến thế sự, tụng kinh niệm Phật chỉ nhằm mục đích làm thỏa mãn nhu cầu người tín chủ mà chính mình không tự giác phản tỉnh trau dồi đạo hạnh thì phước đức từ đâu tăng trưởng? Phước đức yếu kém thì làm sao có thể đền trả bốn ơn sâu nặng? Như Kinh nói: “Phải nghĩ đến việc báo ơn Phật”. Hễ biết nghĩ đến ơn Phật đã dày công giáo hóa thì đương nhiên nghĩ đến ơn cha mẹ sanh dưỡng, ơn sư trưởng giáo dục, ơn thí chủ cúng dường, ơn những người đã hy sinh tạo dựng đất nước, giữ gìn lãnh thổ lãnh đạo quốc gia. Không tinh tấn sáng chiều tụng niệm, không chuyên tâm nghiêm trì giới luật, không nghĩ đến việc hoằng dương lợi ích chúng sanh, để ngày luống qua ngày nhàn không luận bàn thị phi thế sự, thì tâm tánh hành nghi không từ đâu mà huân tập đạo hạnh, kinh điển không để tâm tụng đọc thì không thể nào giáo lý nhập tâm. Như kinh nói: “Phải trì kinh giữ giới, đoạn ác để đắc đạo. Đạo không thể không học, kinh không thể không đọc, việc thiện không thể không làm”. Không chuyên tâm trì giới tham thiền niệm Phật tụng kinh thì đạo hạnh không từ đâu tăng trưởng. Không nhất chí nghiền đọc kinh điển thì giáo lý không thể nào nhập tâm thì không thể nào “thâm nhập kinh tạng trí huệ như hải”. Trí huệ yếu kém thì trí phàm che lấp. Như vậy không còn tâm lực trên đền bốn ơn nặng, dưối cứu giúp ba đường khổ”. Phật Bồ Tát nghĩ đến chúng sanh khổ, nên lấy chúng sanh làm tâm. Người tu theo hạnh Phật lấy việc báo ân Phật làm tâm hạnh tự độ, độ tha, tức là thuận hợp tâm Phật. Với ý nghĩa nầy, nên nghĩ đến ơn Phật là bao hàm ý nghĩa chuyên tâm giới hạnh, đền đáp ơn cha mẹ sư trưởng quốc gia đàn na thí chủ và tất cả chúng sanh. Muốn thành Phật đạo thì trước phải nghĩ đến báo đáp thâm ơn. Muốn ơn trọn trả, đạo quả được thành thì chỉ có cách là tự hành hóa tha, trì trai giới hành thiện, nghiên đọc kinh điển, thuyết giảng Phật pháp đó là phương pháp báo ơn cứu khổ. Nên kinh nói: “Hành thiện, rải đức là giúp tâm thức lìa khổ, siêu xuất sanh tử”.

Người xuất gia nếu giữ vững sơ tâm nhập đạo, y theo lời Phật dạy mà hành trì thì công đức dư sức để thành chánh quả. Nên cổ đức nói: “Sơ tâm xuất gia là tâm thành trinh nguyên nhiệt tình buổi ban đầu đến với đạo. Lúc nhiệt tình tâm học đạo là lúc tâm hồn trong trắng Phật hiện diện nơi tâm, và lúc nào cũng thấy sống an lành thanh tịnh trong không khí đạo. Nên thời điểm đó niệm Phật, Phật hiện tận mắt, hình ảnh Phật trang nghiêm hiển hiện ngập tràn trong tim óc. Nhưng cảnh giới an lành thanh thoát nầy khó còn mãi, thường xảy khỏi tâm trí và mờ lần trong tư tưởng để rồi sau đó biến mất với những người tham trước dục lạc lợi danh. Nên cuối cùng chỉ còn lại hình tướng xuất gia mà tâm đầy phàm tục. Miệng họ vẫn niệm Phật tụng kinh mà lòng không còn tha thiết, tim óc không còn hiển hiện hình ảnh Phật như thuở mới phát tâm. Miệng niệm mà thực tình tâm óc không niệm nên không thấy Phật, do đó mất đi tâm cảnh an lành thanh thoát của buổi ban đầu mới đến với đạo. Đây là điểm mấu chốt cốt tủy mà hành giả đạo Phật thường mắc phải nhưng không dễ gì nhận ra. Chính vì không nhận rõ nguyên nhân sâu thẳm của tâm thức biến thái, nên hành giả tự dần dần đào thải mình khỏi lý đạo lúc nào không hay, để tâm tánh thánh thiện buổi sơ tâm đến với đạo lại chìm sâu vào lớp khói mù đạo tục. Như kẻ đi trong đêm sương thấm ướt áo lúc nào chẳng biết. Một khi đã dính mắc sâu nặng danh lợi ngũ dục là tự buông bỏ mục đích cầu giác ngộ giải thoát, hậu quả khó thoát khỏi quả báo luân hồi. Muốn tránh khỏi tình trạng bất hạnh nầy, hành giả phải luôn luôn ghi khắc sâu chắc nơi lòng là: Giữ vững sơ tâm cầu đạo, giờ giờ khắc khắc phải quán chiếu nội tâm, kiểm soát hành nghi, kịp thời sửa sai, nghe lại tiếng lòng.

CHÁNH VĂN:

Thấy người hiền đức chớ nên khinh mạn, thầy người lành thiện chớ nên nhạo báng, không nên nhân lỗi nhỏ mà làm cho lớn tội, xử sự trái pháp vô lý thì mắc phải tội, tội phước đều có chứng cứ, vậy mà không cẩn thận ư?

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh đây Phật dạy chúng ta sửa đổi tập khí cổ hủ, cải thiện tánh tình để cho tâm lý tiến bộ, cẩn thận không để thân tâm tạp nhiễm.

Thói thường kẻ phàm phu thấy người hiền đức được đời kính trọng tin tưởng nể vì, mình không được bằng thì lại sanh tâm đố kỵ thị phi mỉa mai chê bai hủy báng, nhiều lúc còn xem như thù địch, đây là bệnh thái tâm lý ích kỷ, tinh thần không được lành mạnh chánh thường. Phật dạy người Phật tử nên sưa đổi tâm lý để cho ngày một thêm tân tiến chân thiện mỹ. Nghĩa là thấy người hiền dức, bậc thầy đạo hạnh nên thành tâm cung kính, cúng dường, hộ trợ để giúp đời, hoằng pháp lợi sanh.

Đời nhà Đường ở Trung Hoa có ngài Ấn Tông pháp sư vốn là một vị cao tăng chủ trì chùa Pháp Tánh, tăng chúng đông số trăm. Lục Tổ Huệ Năng sau khi được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát, theo lời căn dặn của thầy, Huệ Năng phải rời khỏi tòng lâm Hoàng Mai ngay đêm đó để lánh về phương Nam đến huyện Tứ Hội, nhưng vẫn bị kẻ ác theo dõi muốn hại, để tránh nạn, Hụê Năng phải giả dạng nhập bọn thợ săn ẩn tích suốt mười năm. Một ngày nọ quán biết cơ duyên hoằng pháp đã đến lúc thuần thục, Huệ Năng tìm đến chùa Pháp Tánh trong lúc pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Đại Bát Niết Bàn cho đại chúng. Huệ Năng thấy hai nhà sư đang nhìn lá phướn bay, một vị cho phướn động, một vị cho là gió động. Hai nhà sư đang hồi hăng say viện dẫn lý lẽ “phướn động, gió động” tranh luận sôi nổi, khiến cho tăng chúng vây quanh hào hứng theo dõi cuộc tranh luận của hai sư. Huệ Năng với thân hình chất phác, tóc tai hờm sờm, bước vào lên tiếng: “A! Chẳng phải gió động, mà cũng chẳng phải phướn động. Chính tâm hai nhân giả động đấy!” Mọi người kinh ngạc tỉnh ngộ trố mắt nhìn Huệ Năng. Riêng Ấn Tông đảnh lễ Huệ Năng rồi hỏi: “Hành giả nhất định không phải là người thường”. Tuy Huệ Năng còn là hình thức một cư sĩ, hình dáng thô lậu, nhưng qua câu nói khiến cho Ấn Tông đảnh lễ tôn làm thầy, cầu hỏi yếu nghĩa huyền diệu đạo lý. Huệ Năng nói: “Hoàng Mai không giáo truyền, chỉ luận kiến tánh, không luận thiền định giải thoát”. Ấn Tông hỏi: Tại sao không luận thiền định giải thoát?”. Huệ Năng nói: “Thiền định giải thoát là nhị pháp, không phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp không hai”. Ở đây ta nên chú ý, Huệ Năng sở tu sở truyền là nhứt thừa thượng pháp, trực chỉ chân tâm, minh tâm kiến tánh, nên nói “chỉ luận kiến tánh, Phật pháp là pháp không hai”. Người học đạo phải suy ngẫm kỹ ý nghĩa nầy để dẹp tâm phân biệt, diệt tâm nhơn ngã, hạ cờ kiêu mạn, đoạn sạch gai gốc tự ái ích kỷ danh lợi đang tiềm phục nơi tâm thức. Huệ Năng nói tiếp: “Phàm phu thấy hai, trí giả đạt đạo thấy tánh không hai, tánh không hai tức là Phật tánh”. Ấn Tông nghe xong hoan hỷ lãnh thọ, xuống tóc cho Huệ Năng, nguyện phụng thờ như bậc thầy. Lục Tổ Huệ Năng được Ấn Tông hộ trì giúp đỡ nên thuận duyên khai Đông Sơn pháp môn hoằng dương thiền pháp rộng độ nhân gian, khởi đi từ đấy.

Ta thấy pháp sư Ấn Tông đường đường là bậc danh tăng, viện chủ ngôi chùa Pháp Tánh danh tiếng vang lừng, tăng chúng đông đảo, nhưng khi thấy Tổ Huệ Năng là bậc thông bác đạo hạnh ẩn tàng dưới hình thức thô lậu, lại do chính tay mình xuống tóc làm tăng, rồi cũng chính mình xin được tôn thờ người ấy làm thầy. Điều nầy cho chúng ta thấy đúng là tinh thần “tôn hiền trọng đạo, xả kỷ vị nhơn”, làm được như vậy phải là người phi thường, lòng đã sạch ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái mới lập nổi đại công đức, đại thiện nghiệp, lưu danh thơm gương sáng đến hậu thế.

“Thấy người lành thiện không nên nhạo báng”. Phật dạy chúng ta chớ nên làm trở ngại người biết làm thiện. Bảy đời đức Phật đều dạy: “Các điều ác đừng làm, nên làm các điều lành, phải thanh tịnh tâm ý, đó là ý nghĩa chân thật lời dạy của các đức Phật”. Người làm việc thiện dù người đó là thân hay thù, làm thiện nhiều hay ít, ta nên tùy hỷ khen ngợi để cho họ phấn khởi phát tâm hành thiện hơn nữa, tùy hỷ khuyến khích là cơ duyên để cho họ quay về đường thiện, đồng thời tự vấn tự kích phát chính bản thân ta tại sao sa sút tâm lành không hành thiện như họ. Trái lại thấy người làm việc lành thiện ta biếm nhẻ chế nhạo dèm pha làm cho họ đâm ra thối tâm nhụt chí hành thiện, tức là ta đem nước sôi tưới vào cội tâm Bồ đề của người, đồng thời bới gốc Bồ đề tâm của ta cho khô héo. Người tu học Phật phải biết tùy hỷ khuyến hóa hỗ trợ người làm việc lành thiện, phải khéo khuyến hóa người trở thành người chân thiện mỹ, đó mới gọi là lành thiện lợi tha đệ nhứt trong nhân gian. Trái lại, có cử chỉ lời nói làm trở ngại, làm hoài nghi, làm thối tâm người hành thiện, nhất là trở ngại kẻ ác đang hướng về thiện, ấy là người đệ nhất ác trong thế gian.

Thế nào gọi là trở ngại người lành thiện? Như thấy có người bố thí giúp đỡ người nghèo khó hoạn nạn, cúng dường chư tăng, xây chùa đúc tượng, đi chùa nghe thuyết pháp quy y công quả, đã không khuyến khích lại biếm nhẻ, nhạo báng cười cười khinh ngăn cản, đó là tội ác đệ nhất. Kẻ tà tâm ác ý gây trở ngại người làm việc lành thiện, dù cho họ thuộc giàu sang quan chức học thức, hay đến cả kẻ làm cha mẹ đi nữa, mà đối với đạo đức Phật pháp không có tâm tán trợ cũng gọi đó là kẻ vô minh, tâm chất yêu ma, chướng ngại phá hại người lương thiện có tâm chí tiến thân trên đường chân thiện mỹ.

“Không nên nhân lỗi nhỏ mà lmà cho lớn tội”. Phàm là sư trưởng đối với đệ tử nên có lòng thương như con nhỏ, cứ giới pháp như chánh lý đem hết tâm trí khả năng mà dạy dỗ để bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia đạo pháp. Dùng ân đức để giáo hóa học trò, nếu chúng có lầm lỗi nên từ hòa thống thiết khuyên dạy, chớ nên khuấy động tội nhỏ thành to, hình phạt nặng nề, trách mắng thậm tệ, như thế chẳng những tránh được đệ tử ôm giữ lòng oán hận, mà còn cảm hóa đồ đệ cải ác theo thiện, trở thành người hiền lương quân tử, nên nói “ân đức sư trưởng vượt hơn cha mẹ” là ý nghĩa nầy vậy.

“Xử sự trái pháp vô lý thì mắc phải đại tội, tội phước đều có chứng cứ, vậy mà không cẩn thận ư?” Câu kinh nầy, đức Phật khuyên chúng ta phải để tâm lưu ý đến nhân quả. Đặc biệt, bậc sư trưởng có bổn phận giáo dưỡng đệ tử, hướng đạo môn đồ và thể hiện mô phạm cho người trần thế kính ngưỡng. Nên sư trưởng tâm lượng ích kỷ danh lợi công cao, đạo hạnh yếu kém thì không tránh khỏi xử sự pháp vô lý, ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái ngự trị nơi tâm thức và hành vi làm di lụy tạo thành đồ đệ bất hạnh bất tri như kinh luật nói: “Chẳng còn biết kính các bậc thượng trung hạ tọa, nào có khác đám Bà la môn ồn ào tụ tập ăn nói hồ đồ. Bất kính thượng trung hạ tọa, Bà la môn tụ hội vô thù”. Như thế thanh danh tông môn bị tổn thương, niềm tin đạo pháp dần dần bị phá sản, quốc gia xã hội phải gánh thêm đám người khuyển mã thất hạnh, đạo pháp phải chịu thêm nạn ký sinh trùng. Trách nhiệm của bậc thầy quan trọng như vậy, nên Phật pháp gọi Hòa thượng là thân giáo sư, là Sư trưởng. Thân giáo sư hay sư trưởng là người mang trọng trách bồi dưỡng tri thức nhơn cách huệ mạng cho đệ tử thành người trượng phu làm rồng voi chuyên chở đạo pháp, đồng thời cũng là trượng phu quân tử ở đời, là kẻ sĩ của quốc gia dân tộc. Do đó nên Hòa thượng, Sư trưởng phải đủ cả khẩu giáo, ý giáo và thân giáo là khuôn thước mô phạm hướng đạo đệ tử.

Cổ đức nói: “Nuôi con mà không dạy dỗ như nuôi heo. Nuôi đệ tử mà không dạy dỗ như nuôi beo. Làm điều bất thiện người biết được thì bị trừng phạt. Làm điều bất thiện người không biết được thì quỷ thần trách phạt. Dùng thuốc giết người bị đọa mười tám tầng địa ngục. Dạy đệ tử nhầm lẫn bị đọa mười chín tầng địa ngục”. Huống nữa là chủ trì ngôi già lam Tam Bảo, lãnh đạo tăng đoàn, mô phạm thiên hạ mà không chánh tâm tịnh ý chuyên trì giới luật, bồi dưỡng phước đức, như pháp y lý hành đạo hóa tha, thì tội phước báo rõ ràng, tự quán biết, tự nghiêm trị chẳng phải thêm lời luận bàn. Cổ đức dạy: “Cư xử cư xử cư dị xử nan! Tri kỷ tri bỉ. Tiên trách kỷ hậu trách bỉ”. Đây là chỉ nam tu tĩnh tiến thân.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9