KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam Tạng Bồ-đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN HẠ
Kinh nói: Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có mắt thịt không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, đúng! Như Lai có mắt thịt.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có mắt trời không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, đúng! Như Lai có mắt trời.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có mắt tuệ không?
Ong Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, đúng! Như Lai có mắt tuệ.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có mắt pháp không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, đúng! Như Lai có mắt pháp.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có mắt Phật không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, đúng! Như Lai có mắt Phật.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Hết thảy cát trong sông Hằng kia, Phật có nói là cát không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, đúng! Như Lai nói là cát.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Hết thảy cát của một sông Hằng, và có những sông Hằng với số cát như vậy, gọi là thế giới chư Phật cũng nhiều như bao nhiêu số cát của những sông Hằng ấy thì như vậy thế giới đó có nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Số thế giới ấy rất nhiều.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Hết thảy chúng sinh trong khắp tất cả số thế giới đó, với bao nhiêu tâm trụ của họ, Như Lai đều biết hết. Tại sao? Vì Như Lai nói, các tâm trụ đều chẳng phải là tâm trụ, ấy mới gọi là tâm trụ. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ không thể nắm bắt, tâm hiện tại không thể nắm bắt, tâm vị lai không thể nắm bắt.
Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Nếu có thiện nam- thiện nữ, đem bảy báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới để bố thí, thì họ được nhiều phước không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Những kẻ ấy nhờ nhân duyên nầy mà được phước rất nhiều.
Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Những người ấy được phước rất nhiều. Này Tu-bồ-đề! Nếu khối lượng phước đức ấy là có thực, Như Lai tất sẽ không nói là khối phước đức, khối phước đức.
Luận nói: Lại có nghi: Là trước đây nói Bồ-tát không thấy kia là chúng sinh, đây là ta, không thấy cõi nước Phật thanh tịnh. Tại sao? Vì không thấy các pháp, mới gọi là chư Phật Như Lai. Nếu vậy thì có người sẽ nói: Chư Phật Như Lai không thấy các pháp.
Từ đây trở xuống, kinh văn nhằm cắt bỏ nghi nầy. Nói về năm thứ mắt; Kệ nói:
Dù không thấy các pháp,
Không- không rõ cảnh mắt,
Phật có năm mắt thật,
Thấy mọi điên đảo kia.
Tại sao nói chúng sinh kia chẳng phải là điên đảo, đó là nói rõ thí dụ, để cắt bỏ nghi. Thế nên nói: Ta biết rõ các loại tâm trụ đó v.v..
Điều đó làm rõ nghĩa gì? Là chúng sinh kia chẳng phải điên đảo, mà cái thấy của họ mới là điên đảo. Điên đảo như thế nào? Kệ nói:
Mọi Thức đều điên đảo,
Do lìa khỏi niệm thật,
Không trụ nơi trí thật,
Cho nên nói điên đảo.
Bài kệ nói nghĩa gì? Mọi Thức đều điên đảo, là những đối tượng mà tâm duyên trụ, gọi là các thức, do sáu Thức sai khác này mà thường nghĩ ngợi điên đảo. Tại sao tâm trụ vào đó thì gọi là điên đảo? Kệ nói: Do lìa khỏi niệm thật, không trụ nơi trí thật, cho nên nói là điên đảo.
Như Lai nói: Các tâm trụ đều chẳng phải là tâm trụ. Câu này chỉ rõ sự xa lìa Bốn Niệm Xứ. Nghĩa này ra sao? Tâm trụ đó tức là trụ vào Niệm Xứ. Do tách lìa khỏi Niệm Xứ, nên gọi là không trụ. Vả lại, nếu trụ vào gốc rễ Bất động thì danh khác mà nghĩa một. Nếu như vậy, không trụ như thế thì nói là tâm trụ. Điều nầy chỉ rõ cái không trụ vào nghiệp nhân cứ nối tiếp mãi không dứt, nên gọi là không trụ. Chỉ rõ cái điên đảo nối tiếp kia, như kinh nói: Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ không thể nắm bắt, tâm hiện tại không thể nắm bắt, tâm vị lai không thể nắm bắt. Do cái đã qua rồi và cái chưa đến, cho nên không thể nắm bắt, còn tâm hiện tại thì phân biệt hư vọng, nên không thể nắm bắt. Như vậy là chỉ rõ tâm trụ điên đảo, các Thức thì giả dối, không quán sát cõi đời này được. Tạo sao lại nói nữa về thí dụ phước đức? Kệ nói:
Trí tuệ gốc của Phật,
Công đức không điên đảo,
Dùng tướng phước đức nầy,
Nói lại dụ cho rõ.
Bài kệ này có nghĩa gì? Lại có điều nghi: Trước đây nói tâm trụ điên đảo. Nếu vậy thì phước đức cũng điên đảo. Nếu đã điên đảo như vậy, sao gọi là pháp lành được? Trả lời nghi đó, mới chỉ ra: Tâm trụ tuy điên đảo, nhưng phước đức thì chẳng điên đảo. Tại sao? Kệ nói: Do trí tuệ căn bản của Phật. Làm sao chỉ ra căn bản đó? Như kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thực, thì Như Lai không nói khối phước đức, khối phước đức. Câu đó có nghĩa gì? Nó chỉ rõ phước đức hữu lậu là điên đảo. Do khối phước đức này là hữu lậu, nên Như Lai không nói là khối phước đức.
Lại nữa, khối phước đức ấy là khối phước đức. Tại sao vậy? Nếu nó chẳng phải là khối phước đức, thì Như Lai không nói là trí tuệ căn bản.
Do vậy, khối phước đức tức là khối phước đức.
Kinh nói: Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có thể dùng sắc thân đầy đủ để thấy Phật không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Không thể thấy Như Lai bằng sắc thân đầy đủ. Vì sao? Vì Như Lai nói sắc thân cụ túc, tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, nên Như Lai mới gọi là sắc thân đầy đủ.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Ong nghĩ sao? Có thể thấy được Như Lai bằng các tướng đầy đủ không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Không thể thấy Như Lai bằng các tướng đầy đủ. Vì sao? Vì Như Lai nói các tướng đầy đủ, tức chẳng phải là tướng đầy đủ, thế nên Như Lai mới gọi là các tướng đầy đủ.
Luận nói: Lại có điều nghi: Nếu chư Phật, nhờ pháp Vô Vi, mà được tên, thì tại sao chư Phật lại thành tựu tám mươi vẻ đẹp- ba mươi hai tướng tốt, mà được tên gọi là Phật? Để cắt bỏ nghi nầy, nên mới nói: Không thể dùng sắc thân thành tựu, không thể dùng các tướng thành tựu mà thấy được Như Lai. Vả lại, sắc thân thì chỉ gồm tám mươi vẻ đẹp- ba mươi hai tướng tốt. Như kinh nói: Vì sao? Như Lai nói sắc thân đầy đủ, tức chẳng phải là sắc thân đầy đủ, cho nên Như Lai mới gọi là sắc thân đầy đủ. Vì sao? Vì Như Lai nói, các tướng đầy đủ, tức chẳng phải là đầy đủ, cho nên Như Lai mới gọi là các tướng đầy đủ. Tại sao nói như vậy?
Kệ nói:
Thể rốt cùng Pháp thân,
Chẳng phải thân đẹp đẽ,
Chẳng phải tướng thành tựu,
Chẳng phải Pháp thân ấy.
Không lìa với Pháp thân,
Hai tướng kia là Phật,
Nên lại nói thành tựu,
Cũng không hai và có.
Hai bài kệ này có nghĩa gì? Thể rốt cùng của Pháp thân, chẳng phải là sắc thân thành tựu, cũng chẳng phải là các tướng thành tựu vì chúng chẳng phải là thân ấy.
Chẳng phải thân ấy, nghĩa là chẳng phải tướng của Pháp thân vậy. Hai thứ này, đều là Phật, tức là thân Như Lai có vậy.
Là hai thứ gì? Một là sắc thân thành tựu và hai là các tướng thành tựu. Hai pháp này không tách rời khỏi Pháp thân, cho nên thân Như Lai có thành tựu các vẻ đẹp, và được nói có. Tại sao nói có? Như kinh đã nói: Sắc thân thành tựu, các tướng thành tựu là vậy.
Kệ cũng nói: Cả hai đều là Phật. Cho nên, hai tướng đó cũng được nói là không có, vì đã nói chẳng phải là thân thành tựu, chẳng phải là tướng thành tựu. Nhưng cũng có thể nói là có, vì đã nói sắc thân thành tựu, các tướng thành tựu.
Kệ nói: Cũng không hai và có. Tại sao nói như vậy? Vì Pháp thân vốn là không, tức là theo nghĩa này mà nói: Sắc thân thành tựu, các tướng thành tựu Như Lai, vì chúng không tách rời khỏi Pháp thân. Với Pháp thân thì không thể nói như vậy được, do Pháp thân chẳng phải là Thể của hai thứ tướng kia.
Kinh nói: Phật bảo Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có nên cho là Như Lai nghĩ như vậy: Ta có nói pháp không?
Này Tu-bồ-đề! Ông chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Nếu ai nói Như Lai có nói pháp thì kẻ ấy chê bai Phật, vì không hiểu những gì mà ta nói. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói pháp, pháp Như Lai nói ấy là chẳng có pháp gì để nói được, nên mới gọi là nói pháp.
Luận nói: Lại có điều nghi: Là nếu không thể thấy Như Lai bằng sắc thân cụ túc, thành tựu, nếu không thể thấy Như Lai bằng tướng thành tựu, thì tại sao nói Như Lai nói pháp?
Từ đây trở xuống, kinh văn tập trung cắt đứt nghi nầy. Như kinh nói: Nếu ai nói Như lai có nói pháp, thì kẻ ấy chê bai Phật, vì kẻ ấy không hiểu được những gì Như Lai nói. Nghĩa này thế nào? Kệ nói:
Như Phật pháp cũng vậy,
Đã nói hai sai biệt,
Không tách lìa pháp giới,
Nói pháp không tự tướng.
Tại sao nói lại thuyết pháp, thuyết pháp ấy…?
Kệ nói: Những gì Phật nói, có hai khác nhau. Hai thứ gì?
- Những pháp mà ngài nói.
- Hết thảy những ý nghĩa.
Tại sao nói: Không có pháp nào có thể nói được, ấy mới gọi là nói pháp?
Kệ nói: Không tách lìa pháp giới, nói pháp không tự tướng. Đây là nghĩa gì? Ấy là pháp khi được nói ra thì nó đã tách lìa khỏi chân pháp giới, nên không thể thấy được tự tướng.
Kinh nói: Khi ấy, Tuệ Mạng Tu-bồ-đề thưa Phật: Ở đời vị lai, lại có chúng sinh nghe nói pháp nầy, mà sinh lòng tin sao?
Phật bảo: Này Tu-bồ-đề! Đó chẳng phải chúng sinh, chẳng phải không chúng sinh. Tại sao vậy? Này Tu-bồ-đề! Chúng sinh thì chúng sinh ấy, Như Lai nói chẳng phải là chúng sinh, ấy gọi là chúng sinh.
Luận nói: Lại có điều nghi: Là nếu bảo chư Phật nói, thì mọi pháp không chỗ nói, không lìa khỏi Pháp thân. Thế thì không ai có khả năng tin được pháp giới sâu xa đó. Từ đây trở xuống, đoạn kinh văn nầy dùng để đoạn trừ nghi ở trên. Kệ nói:
Người nói-pháp nói-sâu,
Không phải không người tin,
Không chúng sinh chúng sinh,
Chẳng thánh chẳng không Thánh.
Tại sao nói: “Này Tu-bồ-đề! Chẳng phải chúng sinh, chẳng phải không chúng sinh?”
Kệ nói: Không phải chúng sinh là chúng sinh, không phải Thánh cũng không phải không Thánh. Câu này có nghĩa gì?
– Nếu ai tin kinh này thì người đó chẳng phải là chúng sinh.
Chẳng phải là chúng sinh, nghĩa là chẳng phải không có Thánh Thể.
Không phải không có Thánh Thể là chẳng phải Thể của phàm phu.
Không phải không là chúng sinh, là do có Thánh Thể. Người đó chẳng phải là chúng sinh phàm phu, chẳng phải không là chúng sinh Thánh Thể. Như kinh nói: Tại sao? Này Tu-bồ-đề! Chúng sinh mà chúng sinh ấy, Như Lai nói chẳng phải là chúng sinh, ấy mới gọi là chúng sinh.
– Như Lai nói: Chẳng phải chúng sinh, là chẳng phải chúng sinh phàm phu.
Do vậy nên mới nói chúng sinh mà chúng sinh. Vì chúng sinh Thánh Nhân, cho nên mới nói chẳng phải là chúng sinh.
Kinh nói: Phật dạy: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Không có một pháp nhỏ nào để Như Lai được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy!
Này Tu-bồ-đề! Đối với Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, ta không có pháp nào để được dù là chút ít, mới gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Pháp này bình đẳng, không cao thấp, mới gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Do không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, mới được bình đẳng Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Hết thảy pháp lành, đều được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Này Tu-bồ-đề! Nói pháp lành, thì pháp lành đó Như Lai nói chẳng phải là pháp lành, ấy mới gọi là pháp lành.
Luận nói: Lại có điều nghi, là: Nếu Như Lai không được một pháp nào gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, thì như thế là lìa quả chứng tối thượng, mà xoay chuyển để được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng?
Đoạn kinh văn sau sẽ dẹp bỏ nghi đó, chỉ ra pháp phi chứng, gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Nghĩa này thế nào? Kệ nói:
Không có pháp nhỏ nào,
Biết Bồ-đề vô thượng,
Pháp giới không thêm bớt,
Tự tướng toàn bình đẳng.
Có phương tiện vô thượng,
Lìa hết pháp hữu lậu,
Cho nên pháp chẳng tịnh,
Tức là pháp thanh tịnh.
Bài kệ này nói rõ nghĩa gì? Lãnh vực Bồ-đề kia không có một pháp nào có thể chứng, nên gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Như kinh nói: Thế Tôn không có một chút pháp nào để Như Lai được pháp Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Điều đó có nghĩa gì? Kệ nói: Pháp giới không thêm bớt. Không thêm bớt là pháp đó bình đẳng, nên gọi là Vô Thượng, vì không còn gì cao hơn nó nữa.
Như kinh nói: Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp đó bình đẳng, không cao thấp, nên gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Vả lại, chư Phật Như Lai là Pháp thân thanh tịnh-bình đẳng, không sai khác, không còn ai vượt hơn chư Phật, cho nên gọi là Vô Thượng.
Như kinh nói: Do không chúng sinh, không nhân, không thọ giả, nên được bình đẳng Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Vả lại, pháp đó là vô ngã, tự thể chân thật, không còn ai trên nó, nên gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Lại nữa, pháp đó có phương tiện vô thượng đầy đủ hết pháp lành, nên gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Còn các Bồ-đề khác, thì pháp lành không được đầy đủ, lại không có phương tiện vô thượng.
Như kinh nói: Hết thảy pháp lành, đều được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Nầy, Tu-bồ-đề! Pháp lành đã nói, thì pháp lành đó Như Lai nói chẳng phải là pháp lành, nên mới gọi là pháp lành. Tại sao nói như vậy? Kệ nói: Đã lìa hết pháp hữu lậu, cho nên lậu kia chẳng phải là pháp tịnh tức là pháp thanh tịnh. Nghĩa này là gì? Pháp đó không phải pháp hữu lậu, nên gọi là pháp chẳng lành. Do không có pháp hữu lậu, nên gọi là pháp lành, và chắc chắn nó là pháp lành vô lậu.
Kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Hết thảy những khối bảy báu, giống như hết thảy núi chúa Tu-di có trong ba ngàn đại thiên thế giới, có người đem ra để bố thí, nhưng nếu có người thọ trì, đọc tụng, giảng nói kinh
Bát-nhã Ba-la-mật này, cho đến chỉ bốn câu kệ, thì phước bố thí trước, không bằng phước thọ trì kinh này, dù một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn cũng không được. Không được một phần Ca-la, không được một chút số phần, không được chút nhỏ của Ưu-ba-ni-sa-đà, cho đến toán số thí dụ cũng không bằng một chút nào…
Luận nói: Lại có điều nghi: Là nếu có đầy đủ pháp lành đạt được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng thì pháp được nói kia, không có khả năng được Đại Bồ-đề. Vì sao? Do pháp được nói là pháp vô kí. Để cắt đứt nghi này, nên nói lại lần nữa, về thí dụ của phước vượt bậc. Điều đó làm rõ nghĩa gì? Kệ nói:
Dù nói pháp vô kí,
Mà nói nhân Bồ-đề,
Thế nên một pháp báu,
Báu hơn mọi châu báu.
Bài kệ này có nghĩa gì? Dù có bảo rằng những pháp được nói là vô kí, nhưng nó vẫn có khả năng, khiến người ta đạt Đại Bồ-đề. Tại sao? Do tách lìa khỏi những pháp được nói này thì không thể được Đại Bồ-đề. Từ ý nghĩa đó, mà pháp này có khả năng làm nhân cho Bồ-đề.
Lại nữa, nói vô kí là không đúng. Tại sao? Pháp của ông mới là vô kí, còn pháp của tôi là kí.
Kệ nói: Thế nên nói là một pháp báu, báu hơn mọi châu báu. Do vậy, pháp được nói này, quí báu vượt hơn cả châu báu như núi Tu-di đến A-tăng-kì lần.
Như kinh nói: Nếu có người thọ trì, đọc tụng, giảng nói kinh Bátnhã Ba-la-mật này, dù chỉ bốn câu kệ thì phước bố thí kia, không bằng một phần trăm phước trì kinh này v.v… Đây chỉ rõ nghĩa gì? Kệ nói:
Số-lực-không giống hơn,
Không giống nhân cũng vậy,
Hết thảy pháp thế gian,
Không thể làm thí dụ.
Ở đây bài kệ muốn nói nghĩa gì? Nó chỉ rõ phước thọ trì kinh này, vượt hơn phước bố thí trước. Thế nào là vượt hơn? Một là số vượt hơn, hai là lực vượt hơn, ba là vượt hơn về bất tương tợ (không có cái gì giống như nó), bốn là vượt hơn về nhân. Thế nên kệ nói: Hết thảy các pháp thế gian, không thể lấy làm thí dụ được; cho nên nó vượt hơn về số. Như kinh nói: Không được một phần trăm, cho đến tính toán thí dụ cũng không bằng được. Do số là vô hạn rồi, nên nó thâu gồm mọi tính đếm… – Vượt hơn về sức, là như kinh nói: không bằng một phần Ca-la.
– Vượt hơn, vì không có cái gì tương tự như nó, là phước đức này, không có phước nào giống nó, vì phước này không thể đếm được. Như kinh nói: Tính đếm không thể nào theo kịp nổi.
– Vượt về nhân, là nhân quả không tương tự; vì nhân quả này, vượt hơn nhân quả kia. Như kinh nói: Cho đến không bằng một phần Ưu-bani-sa-đà. Pháp này là tối thắng, không có pháp nào ở đời mà thí dụ cho nó được. Kệ nói: Hết thảy pháp thế gian, không thể lấy làm thí dụ được. So với nó thì mọi phước kia, quá nhỏ nhoi. Do vậy, nên không có pháp nào thí dụ cho nó được.
Kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao?Có nên cho là Như Lai nghĩ như vậy: Ta độ chúng sinh chăng? Ông chớ nhìn thấy như vậy. Tại sao? Vì thật ra không có chúng sinh nào Như Lai độ cả.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu Như Lai thật sự có độ chúng sinh, thì Như Lai có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói có ngã tức chẳng phải là có ngã; nhưng kẻ phàm phu ngu si ấy cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề! phàm phu ngu si , Như Lai nói chẳng phải là phàm phu ngu si, nên mới nói là phàm phu ngu si .
Luận nói: Lại có điều nghi: Là nếu pháp này có tướng bình đẳng, không cao thấp thì tại sao Như Lai gọi là độ chúng sinh? Đoạn kinh sau này là để cắt bỏ nghi đó. Nghi nào phải cắt bỏ? Kệ nói:
Pháp giới: chân Bình đẳng,
Phật không độ chúng sinh,
Vì giả danh cùng ấm,
Không xa lìa pháp giới.
Bài kệ này có nghĩa gì? Chúng sinh cứ đem giả danh hợp cùng năm ấm. Danh ấy và ấm, không lìa pháp giới. Kệ nói: Không lìa pháp giới. Pháp giới ấy không hề sai khác, nên Kệ nói: Bình đẳng, chân, pháp giới. Do vậy, Như Lai không độ một chúng sinh nào. Kệ nói: Phật không độ chúng sinh. Như kinh nói: Tại sao? Vì không có chúng sinh nào mà Phật độ.
Phật nói: Này, Tu-bồ-đề! Nếu thật có chúng sinh mà Như Lai độ thì Như Lai có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Điều nầy làm sáng tỏ nghĩa gì? Kệ nói:
Chấp ta độ là lầm,
Do chấp lấy pháp ấy,
Chấp cho độ chúng sinh,
Không chấp thế nên biết.
Bài kệ này có nghĩa gì? Nếu Như Lai có tâm như vậy: “Trong năm ấm, có chúng sinh đáng độ”, thì đó là lỗi chấp tướng, vì đã đắm chấp vào pháp đó. Kệ nói: Chấp rằng ta độ là một lỗi lầm, là vì cứ chấp giữ pháp đó, chấp trong năm ấm có chúng sinh, rồi chấp giữ chúng sinh để mà độ, khiến họ được giải thoát. Có tướng là như vậy.
Như kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói có ngã, tức là chẳng phải có ngã, nhưng kẻ phàm phu cho là có ngã. Nghĩa này là gì? Kệ nói: Không nên chấp như vậy, nên biết. Điều này có nghĩa là gì? Do nó không có thật nghĩa, vì vậy không nên chấp lấy nó. Nói không chấp, nhưng các phàm phu lại chấp, nói không chấp là chấp. Lại nữa, Tu-bồđề! Phàm phu ngu si ấy, Như Lai nói không phải ngu si. Do không phát sinh pháp Thánh nhân, nên nói chẳng phải ngu si.
Kinh nói: Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có thể dùng tướng thành tựu để thấy Như Lai không?
Tu-bồ-đề thưa: Như con hiểu nghĩa, Như Lai đã nói, thì không thể lấy tướng thành tựu để thấy Như Lai.
Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Này Tu-bồ-đề! Không thể lấy tướng thành tựu để trông thấy Như Lai.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu lấy tướng thành tựu để thấy Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương phải là Như Lai. Thành thử, không thể lấy tướng thành tựu mà thấy Như Lai được.
Luận nói: Lại có điều nghi: Là dù không thể lấy tướng thành tựu để thấy Như Lai, do nó không phải Thể của Như Lai. Tướng thành tựu lấy Pháp thân Như Lai làm Thể, nhưng Pháp thân Như Lai thì phải lấy tướng thành tựu để biết. Biết được Pháp thân Như Lai là tướng phước thành tựu.
Đoạn kinh văn này nhằm cắt bỏ nghi. Cắt bỏ nghi ra sao? Kệ nói:
Chẳng phải tướng sắc thân,
Để so biết Như Lai,
Chư Phật chỉ Pháp thân,
Chuyển Luân Vương chẳng Phật.
Bài kệ này có nghĩa gì? Có kẻ nói: Phước đức thành tựu đó là tướng của quả báo. Do tướng thành tựu đó, cho ta biết thế mạnh của phước đức, sẽ đem lại quả Đại Bồ-đề. Và như thế, thì Như Lai đã nhờ tướng thành tựu, mà được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Để ngăn chận ý đó, kinh nói: Nếu dùng tướng thành tựu để thấy Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương đúng là Như Lai. Do vậy, không nên thấy Như Lai bằng tướng thành tựu. Đấy là nghĩa gì? Kệ nói:
Không quả báo tướng đẹp,
Nương phước đức thành tựu,
Đạt được chân Pháp thân,
Nên phương tiện khác tướng.
Bài kệ này có ý gì? Pháp thân, là thân trí tướng. Phước đức là thân khác tướng.
Kinh nói: Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:
Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh tìm ta,
Người ấy hành tà đạo,
Không thể thấy Như Lai.
Diệu Thể của Như Lai,
Tức Pháp thân chư Phật,
Thể Pháp, không thể thấy,
Thức không thể nhận biết.
Luận nói: Hai bài kệ này có nghĩa gì? Kệ nói:
Chỉ thấy sắc-nghe tiếng,
Người ấy không biết Phật,
Vì Pháp thân chân như,
Không phải cảnh của Thức.
Bài kệ này có nghĩa gì? Pháp thân Như Lai không nên thấy và nghe như vậy. Không nên thấy và nghe như vậy, nghĩa là không nên dùng sắc và tiếng để thấy-nghe như thế.
Những ai không có khả năng thấy? Là hạng phàm phu không thấy được.
Kệ nói: Chỉ thấy sắc-nghe tiếng, người ấy không biết Phật.
Như kinh nói: Đó là người tu tà đạo, không thể thấy được Như Lai.
– Người ấy là hàng phàm phu, không có khả năng thấy Pháp thân chân như.
Như kinh nói: Diệu Thể của Như Lai, tức là Pháp thân chư Phật. Pháp Thể không thấy được, Thức cũng không có khả năng biết.
Kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có thể dùng tướng thành tựu, để được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng chăng?
Này, Tu-bồ-đề! Ông chớ có nghĩ là Như Lai dùng tướng thành tựu, mà được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
– Này Tu-bồ-đề! Nếu ông nghĩ, Bồ-tát phát tâm Chánh Đẳng Chánh
Giác Vô Thượng, nói các pháp là tướng đoạn diệt. Tu-bồ-đề! Ông chớ có nghĩ như vậy. Tại sao? Vì Bồ-tát phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, không nói là các pháp có tướng đoạn diệt.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam thiện nữ nào, lấy bảy báu có đầy ắp trong số thế giới nhiều như cát sông Hằng đem mà bố thí ; nhưng nếu có Bồ-tát biết hết thảy pháp là vô ngã, chứng Vô Sinh Pháp Nhẫn, thì công đức này, vượt xa công đức bố thí kia.
Này Tu-bồ-đề! Vì các Bồ-tát không chấp lấy phước đức, mà có kết quả như thế.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát không chấp phước đức?
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nhận phước đức mà không chấp giữ phước đức. Thế nên nói Bồ-tát thọ nhận phước đức.
Luận nói: Có kẻ khởi tâm như vậy: Nếu không nương tựa vào phước đức, để được Đại Bồ-đề, thì các Đại Bồ-tát tất sẽ mất phước đức, mất quả báo.
Đoạn kinh văn sau này nhằm cắt đứt nghi đó. Cắt đứt như thế nào?
Kệ nói:
Không tổn nhân công đức,
Và quả báo tốt kia,
Được thắng nhẫn không mất,
Do được quả vô cấu.
Nêu tướng thắng phước đức,
Cho nên nói thí dụ,
Là phước đức không báo,
Như vậy nhận không chấp.
Bài kệ này, có nghĩa gì? Dù không dựa vào phước đức để được Bồđề Chân Như, nhưng không mất phước đức và quả báo. Tại sao? Ấy là do thành tựu được trí tuệ trang nghiêm và công đức trang nghiêm.
Tại sao còn nói lại về thí dụ, nương vào công đức? Kệ nói: Được thắng nhẫn không mất, bởi được quả vô cấu. Nghĩa này là gì? Có người khởi tâm như vậy: Các Đại Bồ-tát được Vô Sinh Pháp Nhẫn, là do có trí tuệ xuất thế gian, mà không màng tới phước đức và quả báo. Để ngăn chận ý đó, và chỉ rõ không mất phước đức, lại còn được công đức thanh tịnh thù thắng nữa, cho nên không mất.
Như kinh nói: Tại sao Bồ-tát phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, không nói các pháp có tướng đoạn diệt? Nếu lại có Bồ-tát, hiểu biết hết thảy pháp là vô ngã, đạt được Pháp Nhẫn Vô Sinh, có được hai thứ vô ngã, không sinh hai thứ tướng vô ngã, thì được thọ nhận mà không chấp giữ.
Như kinh nói: Phật bảo, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thọ nhận phước, nhưng không chấp vào nó. Cho nên nói Bồ-tát nhận lấy phước đức.
Tại sao Bồ-tát nhận phước đức, nhưng không chấp vào nó? Kệ nói: Phước đức là không quả báo, như vậy nhận mà không chấp. Như vậy nghĩa này thế nào? Chấp giữ phước đức đó, thì chỉ được quả báo hữu lậu. Vì là quả báo hữu lậu, cho nên phước đức đó đáng bị quở trách mà cứ giữ lấy, nên gọi là chấp trước, làm vậy là trái đạo. Phước đức này không báo. Không báo là không có quả báo hữu lậu. Do vậy, nhận phước đức đó, chứ không nên chấp trước.
Kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu có ai nói: Như Lai là đi lại-là đứngngồi-nằm thì kẻ đó không hiểu về những nghĩa ta đã nói. Tại sao? Vì Như Lai là không đi về đâu, không từ đâu mà đến nên mới gọi là Như Lai.
Luận nói: Nếu các Bồ-tát không nhận quả báo, thì làm thế nào chúng sinh thọ dụng được phước đức của các Bồ-tát? Kệ nói:
Phước đức này ứng báo,
Để hóa độ chúng sinh,
Nghiệp tự nhiên như vậy,
Chư Phật hiện mười phương.
Bài kệ này, có nghĩa gì? Ấy là nêu rõ sự hữu dụng của Hóa thân chư Phật. Pháp thân chư Phật thì không tới lui, qua lại. Nên Kệ nói: Nghiệp tự nhiên như vậy, Chư Phật hiện mười phương. Đấy lại có nghĩa gì? Kệ nói:
Phật Hóa thân tới lui,
Như Lai luôn bất động,
Ở trong cõi pháp giới,
Chẳng một cũng không khác.
Ở đây chỉ rõ nghĩa không đi, không lại. Như kinh nói: Như Lai là gì? Là không từ đâu tới, không đi về đâu. Nghĩa này thế nào? Nếu Như Lai là có tới-lui-sai-khác, thì không nói Như Lai là thường trụ được. Thường trụ là không biến đổi, không khác.
Kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam thiện nữ, lấy bụi li ti của ba ngàn đại thiên thế giới, rồi lại lấy thế giới như bụi li ti chừng ấy mà nghiền nát, làm A-tăng-kì bụi li ti. Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Số bụi li ti đó có nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa: Số bụi li ti đó rất nhiều, bạch Thế Tôn! Tại sao? Vì bụi li ti đó, nếu có thực thì Phật đã không nói là bụi li ti. Tại sao? Vì Phật nói bụi li ti, tức chẳng phải là bụi li ti. Cho nên Phật mới nói là bụi li ti. Thế Tôn, Như Lai nói ba ngàn đại thiên thế giới, tức chẳng phải thế giới, nên Phật mới nói ba ngàn đại thiên thế giới. Tại sao? Nếu thế giới có thật, thì đó là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng, tức chẳng phải là một hợp tướng cho nên Phật mới nói là một hợp tướng.
Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Một hợp tướng thì không thể nói, nhưng kẻ phàm phu thì tham đắm vào chuyện đó. Tại sao?
Này Tu-bồ-đề! Nếu có ai cho là Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến… thì này, Tu-bồ-đề! Ông nghĩa sao? Những gì kẻ ấy nói có đúng đắn không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không chánh ngữ! Vì sao? Vì Như Lai nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến tức chẳng phải là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, cho nên mới gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến.
Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, đối với mọi pháp nên biết như thế ấy. Quan niệm như thế, tin như thế. Không trụ tướng pháp như thế. Tại sao?
Này Tu-bồ-đề! Nói tướng pháp, thì tướng pháp ấy, Như Lai nói chẳng phải là tướng pháp, nên mới gọi là tướng pháp.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có Đại Bồ-tát, đem bảy báu đầy khắp thế giới vô lượng A-tăng-kì để bố thí; nhưng nếu có thiện nam thiện nữ nào, phát tâm Bồ-đề, thọ trì, đọc tụng, nói cho kẻ khác biết kinh Bát-nhã Ba-lamật, cho đến chỉ bốn câu kệ, thì phước này hơn phước bố thí kia đến vô lượng A-tăng-kì. Thế nào là nói cho kẻ khác, mà không gọi là nói, ấy mới gọi là nói?
Luận nói: Thí dụ nghiền nát bụi li ti đó, nhằm làm sáng tỏ nghĩa gì? Kệ nói:
Thế giới thành vi trần,
Dụ này làm rõ nghĩa,
Vi trần nát như bột,
Chỉ rõ phiền não dứt.
Bài kệ này có nghĩa gì? Kệ nói: Trong pháp giới này chẳng phải một, cũng chẳng phải khác. Chư Phật Như Lai ở trong pháp giới Chân như, chẳng phải một trụ xứ, cũng chẳng phải khác trụ xứ. Đó là chỉ cho nghĩa này. Nói thí dụ về thế giới bị nghiền nát thành bụi li ti, thì thí dụ ấy chỉ rõ cái gì? Kệ nói: Bụi li ti nghiền mịn như vậy, là chỉ hết sạch phiền não. Thí dụ này, không phải nói bụi li ti tập hợp lại. Còn thí dụ về không phải một, thì nghĩa nó ra sao? Kệ nói:
Bài kệ này có nghĩa gì? Như bụi li ti nghiền mịn chẳng phải có ở một chỗ, do không có hình thức tụ tập; cũng không ở nhiều chỗ khác nhau, vì gom góp bụi li ti khác nhau là chuyện không thực hiện được. Ấy là do khác nhau, nên không ở một chỗ. Chư Phật Như Lai xa lìa phiền não chướng ngại như thế. Chư Phật Như Lai trụ trong pháp giới, chẳng phải một chỗ, cũng chẳng phải khác chỗ. Đó là dụ về ba ngàn thế giới, làm một hợp tướng. Không phải là tập họp, nghĩa đó là gì?
Như kinh nói: Như Lai nói: Một hợp tướng, tức chẳng phải là một hợp tướng, nên Như Lai mới nói là một hợp tướng. Nếu thật sự có một hình thức tụ tập, thì Như Lai không nói bụi li ti tụ tập. Như vậy, nếu có thật một thế giới, Như Lai không nói là ba ngàn đại thiên thế giới. Như kinh nói: Nếu thế giới là thật có, thì đó một hợp tướng, chỉ những kẻ phàm phu thì tham vướng mắc vào chuyện ấy. Do sự tụ tập kia, không có một hình thức nào để bám lấy, nó là giả dối, phân biệt; cho nên phàm phu mới chấp lấy sai lầm. Nếu có cái thật đó, thì chỉ có chánh kiến mới biết sự sai lầm kia. Tại sao phàm phu vô cớ chấp lấy một vật không có? Như kinh nói: Phật bảo Tu-bồ-đề: Một hợp tướng là điều không thể nói, mà những kẻ phàm phu thì tham chấp vào chuyện như vậy v.v… Điều ấy nhằm chỉ rõ cái gì? Kệ nói:
Chỉ chạy theo âm thanh,
Phàm phu chấp điên đảo,
Đạt đạo không chỉ một,
Phải xa lìa ngã-pháp.
Như kinh nói: Tại sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu có ai nói: Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến… cho đến: Gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến… Điều này lại có nghĩa gì? Kệ nói: Đạt đạo không phải chỉ có một, mà phải xa lìa ngã- pháp. Nghĩa này là gì? Chẳng phải là không ngã-không pháp, lìa hai cái nầy mà được Bồ-đề! Thế nào là được Bồ-đề? Là lìa xa hai kiến chấp đó thì mới được Bồ-đề. Kệ nói: Phải xa lìa ngã-pháp. Điều này lại còn có nghĩa gì? Kệ nói:
Thấy ngã tức không thấy,
Thấy giả dối không thật,
Đó là chướng vi tế,
Thấy chân như xa lìa.
Cho nên nói ngã kiến thì không còn thấy gì. Mọi thứ nghĩa đều không có thật, mà chỉ là giả dối phân biệt, cho nên là vô ngã. Thành thử, Như Lai nói: Bị ngã kiến thì không còn thấy. Vì nó không thật, mà không thật là không có vật. Từ nghĩa này, nên nói ngã kiến, tức là nói đến nhận thức sai lầm. Như vậy rõ ràng ngã kiến, thì không còn thấy gì! Còn chấp lấy pháp thì cũng là không thấy pháp. Như kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Bồtát phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng đối với mọi pháp, nên biết như vậy, thấy như vậy, tin như vậy và không trụ vào tướng pháp như vậy. Điều này lại còn có nghĩa gì?
Do còn chấp vào tướng pháp, tức là không còn thấy tướng, như bị ngã kiến kia, tức không còn thấy. Tại sao hai kiến này, đều gọi là không thấy?
Kệ nói: Đó là chướng ngại rất nhỏ, thấy chân như là lìa được nó. Điều này là sao? Là thấy có ngã, thấy có pháp, đó là những chướng ngại rất nhỏ. Do không thấy hai lí đó, vì vậy khi thấy được pháp, thì mới xa lìa được hai thứ đó.
Kệ nói: Thấy chân như là lìa được nó. Lại nữa, biết như vậy, thấy như vậy, tin như vậy thì điều ấy có nghĩa gì? Kệ nói:
Hai trí và tam-muội,
Xa lìa được như thế,
Hóa thân hiện rõ phước,
Là phước không cùng tận.
Bài kệ này có nghĩa gì? Đây là chỉ rõ trí thế gian, trí Đệ nhất nghĩa, và nương tựa vào Tam-muội thì lìa khỏi được mọi chướng kia. Cho nên nói lại về thí dụ phước vượt hơn như đã nói ở trước. Ở đây muốn chỉ rõ cái gì? Kệ đã nói: Hóa thân hiện rõ phước, đó là phước không cùng tận. Điều nầy còn có nghĩa gì? Tuy chư Phật tự nhiên hóa hiện các thân tạo nghiệp, nhưng các Hóa thân của chư Phật để nói pháp, thì có vô lượng công đức vô lậu, không bao giờ dứt.
Tại sao? Vì người diễn nói, mà không gọi là nói, ấy mới gọi là nói?
Tại sao nói như vậy? Kệ nói:
Khi chư Phật nói pháp,
Không nói là Hóa thân,
Sở dĩ nói như vậy,
Đó mới là chánh thuyết.
Bài kệ này có nghĩa gì? Nếu chư Phật hóa thân khi nói pháp, thì không nói là ta Hóa thân, cho nên những gì các vị nói ra, đều là chánh thuyết. Nếu không nói như vậy, thì chúng sinh đang giáo hóa sẽ không sinh tâm cung kính. Vì sao? Vì cho là không có khả năng đem lợi ích cho chúng sinh, vì họ cho những điều nói ra ấy, không chánh đáng. Do vậy, không nói ta là Hóa thân Phật.
Kinh nói:
Hết thảy pháp Hữu Vi,
Như sao-màng-đèn-huyễn,
Sương-bọt-mộng-chớp-mây,
Nên quán xét như thế.
Luận nói: Lại có điều nghi là: Nếu chư Phật Như Lai thường nói pháp cho chúng sinh, tại sao nói Như Lai nhập Niết-bàn? Để cắt bỏ nghi này, Thế Tôn đã nói kệ thí dụ, nghĩa đó thế nào? Kệ nói:
Không Hữu Vi chẳng lìa,
Các Như Lai Niết-bàn,
Pháp Hữu Vi có chín,
Dùng diệu trí chánh quán.
Bài kệ này có nghĩa gì? Chư Phật Niết-bàn chẳng phải là pháp Hữu Vi; cũng không lìa pháp Hữu Vi. Tại sao? Do chư Phật được Niết-bàn, Hóa thân nói pháp, hiện rõ việc làm ở thế gian, đem lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Điều này chỉ rõ là chư Phật không trụ ở Niết-bàn, không trụ nơi thế gian.
Tại sao chư Phật hiện rõ mọi chuyện trong đời này, mà không trụ vào trong pháp Hữu Vi? Kệ nói: Pháp Hữu Vi có chín thứ. Dùng diệu trí chánh quán. Nghĩa này là sao? Như các ngôi sao v.v… đó là những hiện tượng tương đối, phải có chín thứ chánh quán. Chín thứ chánh quán này, đối với chín cảnh giới, cần biết nên quán cảnh giới nào. Kệ nói:
Thấy tướng cùng với Thức,
Khí-thân-sự thọ dụng,
Pháp quá khứ-hiện tại,
Quán cả đời vị lai.
Chín thứ pháp quán như thế nào? Như các vì sao tuy có đó, nhưng không hiện ra, là vì ánh sáng mặt trời chiếu quá sáng. Có khả năng thấy tâm pháp cũng như vậy. Như có người mắt bị kéo mây, nên thấy lông nhỏ như các màu sắc nhảy múa. Quán pháp Hữu Vi cũng như vậy, thấy toàn là những điên đảo mê lầm.
Lại nữa, ngọn đèn Thức cũng như vậy, nó nương tựa vào tham ái mà trụ.
Lại như huyễn, vì nơi nương tựa này cũng như vậy, các vật trên thế gian này, mọi thứ đều khác nhau, không có một thật thể nào cả!
Lại như sương, vì thân này cũng như vậy, trụ lại trên đời ngắn ngủi.
Lại như bọt nước, vì mọi sự thọ dụng cũng như vậy, vì ba pháp là thọ nhận-ý tưởng và nguyên nhân là không nhất định.
Lại như chiêm bao, vì pháp quá khứ cũng như vậy, duy chỉ có niệm.
Lại như chớp, vì pháp hiện tại cũng như vậy, do sát-na không trụ.
Lại như mây, vì pháp vị lai cũng như vậy, vì chủng tử khi còn trong thức A-lại-da, làm hạt giống cội gốc của muôn pháp. Hãy quán chín thứ pháp như vậy. Được công đức gì, thành tựu trí nào? Kệ nói:
Quán tướng và thọ dụng,
Quán việc ở ba đời,
Trong các pháp Hữu Vi,
Được tự tại vô cấu.
Bài kệ này có nghĩa gì? Quán pháp Hữu Vi có ba thứ:
1. Quán pháp Hữu Vi để quán Thức thấy tướng.
2. Quán thọ dụng để quán cõi thế gian, ở đâu, thân tướng nào, thọ dụng những gì.
3. Quán sự vận hành của Hữu Vi, do pháp nào, do điều gì mà ba đời chuyển biến khác nhau. Cứ quán hết thảy các pháp như thế, thì đối với các pháp thế gian, dù ở trong đó mà vẫn được tự tại. Kệ nói: Ở trong pháp Hữu Vi, đạt được tự tại vô cấu.
Kinh nói: Phật thuyết xong kinh này, Tu-bồ-đề và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các Đại Bồ-tát, hết thảy chúng TrờiNgười-A-tu-la-Càn-thát-bà nơi thế gian v.v… nghe Phật nói, đều vui mừng, tin nhận, vâng làm.
Pháp tổng trì của Phật: Hiếm có,
Cú nghĩa sâu xa nào tính kể,
Nghe Tôn giả nói rồi-nói rộng,
Đem phước này ban cho quần sinh.