KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN ƯU BÀ ĐỀ XÁ
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Đại sư Tỳ Mục Trí Tiên
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Ghi nhận về sự phiên dịch:

Kinh chuyển Pháp Luân, do Như lai thuyết giảng đầu tiên. Ưu Ba Đề Xá là tên gọi của nghĩa môn, do Bồ-tát Thiên Thân khai thị. Đức Phật thuyết Kinh này cho ai? Thuyết cho năm người là Kiều Trần Như… Nghĩa ấy lưu hành ở phương này (Hán). Chắc chắn có người đứng đầu. Đó là vào thời nhà Ngụy, có Cao Trọng Mật, người vùng Bột Hải làm chức Phiêu kỵ đại tướng quân Khai phủ nghi đồng Tam ty ngự sử trung úy, ông thường mong cầu nghĩa lý đúng đắn, chọn lựa chân thật lược bỏ giả tạo, cho nên thỉnh cầu Pháp sư Tỳ Mục Trí Tiên, cùng đệ tử là Cù Đàm Lưu Chi, ở tại chùa Kim Hoa trong thành Nghiệp, đưa ra phần Ưu Ba Đề Xá (chú giải) của nghĩa môn này.

Bắt đầu dịch từ ngày mồng một tháng tám (kiến Dậu) năm thứ ba niên hiệu Hưng Hòa nhà Đại Lương, đến ngày mười một tháng mười một (Canh Tý) thì xong, gồm ba ngàn chín trăm bốn mươi hai lời (3942). Sa môn Đàm Lâm đối chiếu bản dịch mà ghi nhận.

 

KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN ƯU BÀ ĐỀ XÁ
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Đại sư Tỳ Mục Trí Tiên

Tôi nghe như vậy:

Một thời, Đức Bà-già-bà trú tại núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương-xá, cùng sự hiện diện của chúng Đại Tỳ-kheo Tăng và Bồ-tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Trí Viên Đại Hải, người có biện tài ưa giảng nói pháp: Trí Viên Đại Hải có biện tài ưa giảng nói pháp, có hai loại trú trì chuyển pháp luân của Như Lai. Những gì là hai? Đó là:

  1. Trú trì chúng sinh.
  2. Trú trì pháp.

Này Trí Viên Đại Hải, có biện tài ưa nói pháp! Hai loại trú trì chuyển pháp luân của Như Lai ấy, nói cho đến hết Tu-đa-la này.

Chánh pháp luân Tu-đa-la thù thắng này có nghĩa gì?

Đấng Mâu-ni vương không thể nghĩ bàn, không thể gọi, không thể nói, không thể lường, không thể dụ, như hư không, không đoạn-không thường, thuận nhập nhân duyên, vắng lặng, vắng lặng thù thắng, vắng lặng tối thắng, vắng lặng bậc nhất, như chân lý thật không hư vọng.

Như Lai chuyển pháp luân vô thượng giảng nói Tu-đa-la này. Người Thanh văn, đệ tử của Như Lai, đệ tử Thanh văn ấy được các tiên nhân cùng khen ngợi. Vì nhân duyên ấy cho nên nay con xin được giải thích. Giải thích như thế nào? Đấng Đại Mâu-vi vương với vô lượng công đức, vì sao chuyển luân không thể nghĩ bàn, không thể xưng lường, toàn thiện không cấu, vắng lặng bậc nhất này?

1. Vì nghĩa gì gọi là Tu-đa-la thù thắng?

2. Vì nghĩa gì gọi là Thế Tôn?

3. Vì sao Đức Như Lai ở tại núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vươngxá, chuyển pháp luân của hai loại trú trì tại đây mà không ở nơi khác?

4. Vì nghĩa gì gọi là Như Lai?

5. Vì nghĩa gì gọi là pháp luân?

6. Lại nữa, Đức Thế Tôn có bao nhiêu chuyển, bao nhiêu hành mà chuyển pháp luân?

7. Lại nữa, Thế Tôn ở đây nói là chuyển. Vì sao pháp môn không sinh của Như Lai, nói tất cả pháp là không vận chuyển, không xoay về? Cho nên biết vậy là cuối cùng không khởi lên. Nếu chuyển ở đây, làm sao tránh được Tu-đa-la kia? Tu-đa-la kia thì không cần tránh.

8. Lại nữa, nếu ở đây nói về pháp trú trì chúng sinh, thì trú trì các chúng sinh ấy là gì? Trong Bát nhã Ba-la-mật, Như Lai bảo Tôn giả Tubồ-đề: Giả sử Như Lai còn phải trải qua kiếp số để nói về chúng sinh. Chúng sinh có thể có chúng sinh, sinh diệt chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay đều thanh tịnh. Như Lai lại ở nơi kinh Vô Cấu Danh Xưng (Kinh Duy Ma) nói: Nếu trú vào tưởng pháp, thì đó là bệnh lớn.

Nếu pháp của chúng sinh đều không thể đạt được, vậy thì Thế Tôn sẽ trú trì nơi nào mà Chuyển pháp luân? Việc này cần phải được giải thích.

9. Lại nữa, Thế Tôn vì nghĩa gì mà từ bỏ trú xứ rộng lớn, nơi có nhiều người tụ tập, vô lượng người thù thắng ở bên cạnh, các vườn đầy hoa, cây tươi đẹp vi diệu trang nghiêm. Tại Ba-la-nại, nơi ít người qua lại, dưới bóng mát của cây Ba-tra-ly, trong vườn Lộc mà chuyển pháp luân? Về nhân duyên này cần được giải thích.

10. Lại nữa, đầu tiên Thế Tôn ngồi nơi nào để, chuyển pháp luân?

11. Lại nữa, khi Thế Tôn chuyển pháp luân có bao nhiêu chúng sinh bỏ ác làm thiện?

12. Nói tóm lại, chỉ rõ như thế nào để trú trì chúng sinh và trú trì pháp?

13. Đây đều là những vấn nạn.

Từ đây trở xuống là phần giải thích.

Nay nói pháp kia, vì nghĩa gì mà được rộng lớn, không nhơ bẩn vào bậc nhất, không thể xưng lường, không thể nghĩ bàn, không thể hủy hoại? Vì chánh giác rất sâu xa không lay động.

Đức Thế Tôn đã giảng nói kinh này. Hơn nữa, nay lại nói về sự

rộng lớn không nhơ, không thể xưng lường, đã được chúng sinh trong ba cõi đều ca ngợi. Vì sao Thế Tôn lại nói Tu-đa-la thù thắng xa lìa tất cả lỗi lầm, không thể suy lường này? Về nghĩa này nay sẽ giải thích.

Đức Thế Tôn sợ rằng trong hội kia có các chúng Trời, A-tu-la, Người, Rồng và Dạ-xoa, Cưu-bàn-trà… nghe chuyển pháp luân, tâm sinh nghi ngờ, không biết Đức Thế Tôn có bao nhiêu loại trú trì mà chuyển pháp luân? Thế Tôn quán sát tâm ngờ vực của chúng sinh, vì đoạn trừ mối nghi ngờ đó, cho nên Ngài nói hai loại trú trì mà chuyển pháp luân. Nghĩa này thế nào? Kệ nói:

Người thế gian-Trời-Rồng-Tu la…,

Pháp chủ quán sát biết tâm nghi, Vì nghĩa lý đoạn hết nghi ngờ, Cho nên thuyết Tu-đa-la này.

Lại nữa, vì có diệu lực Đại Bi, muốn đem lại lợi ích cho chúng sinh, cho nên Thế Tôn nói kinh này.

Đại Bi Thế Tôn nói về nghĩa này là sao? Nay nói Đức Thế Tôn đối với các chúng sinh như vậy, biết là không có chúng sinh, vì các pháp đều như thành Càn-thát-bà. Trú trì chúng sinh và trú trì pháp, biết như vậy rồi mới chuyển pháp luân. Nghĩa này thế nào? Kệ nói:

Biết rõ thế gian là vô ngã,

Hư ảo như thành Càn-thát-bà,

Trú trì chúng sanh-trú trì pháp,

Như lai dùng Đại Bi tuyên thuyết.

Vì thị hiện năng lực của mình cho nên có thể nói nghĩa. Thế gian lại không có khả năng trú trì, chỉ có Phật mới có khả năng tạo ra hai loại trú trì. Lại không có người nào có khả năng chuyển pháp luân, như Ta đã chuyển. Còn có nghĩa nữa, kệ nói:

Không phải là cung điện cõi Trời,

Không phải nhà của A-tu-la,

Loài phi nhân sống ở Long cung,

Có chúng sanh thuộc loại như vậy,

Không thể xưng gọi vào bậc nhất,

Xa lìa lỗi lầm-diệt ba khổ,

Trời và Người cung kính lễ lạy,

Khéo léo chuyển pháp luân bậc nhất.

Lại nữa, vô lượng khổ, đầy đủ vô lượng, sau đó mới được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khi mới tu hạnh Bồ-tát, nếu nghe nói điều này, thì tâm sinh khiếp nhược. Để trừ bỏ sự khiếp nhược đó, Như Lai chỉ rõ nghĩa giác ngộ thanh tịnh không nhơ này. Nếu vô lượng khổ, đầy đủ vô lượng, sẽ được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác với vô lượng công đức để chỉ rõ pháp luân này. Kệ nói:

Các thứ vàng, ngọc và châu châu

Vợ con-đất nước đều bố thí,

Đầu-mắt-tay chân cùng xương tủy,

Tất cả đều bố thí tốt đẹp,

Các loại khổ hạnh và trì giới,

Hiếm có được thân tướng như Phật,

Công đức không thể nào nói được,

Vì người nghi sợ mà chỉ rõ.

Với ý tăng thượng, quán sát tâm chúng sinh đủ vô lượng công đức cho nên Phật chuyển pháp luân. Lại nữa, người chưa phát tâm Bồ-đề, Thanh văn và Duyên giác Thừa, muốn đi vào cảnh giới Niết-bàn, ở trong Đại thừa, vì vậy đem nghĩa này chỉ cho họ.

Lại còn có, ý tốt đẹp, nếu có Thanh văn-Duyên giác Thừa…, đi vào cảnh giới Niết-bàn, thì sẽ không còn chuyển pháp luân vô thượng nữa. Kệ nói:

Tâm Tiểu thừa rời xa Từ Bi,

Muốn tiến vào hai cõi Niết-bàn,

Đấng Mâu-ni thuyết ra kinh này,

Khiến an trú trong Thừa bậc nhất.

Lại nữa, người có phước này được lợi ích hoan hỷ. Nghĩa này chỉ rõ mọi sự tốt đẹp nhất trên đời cũng không sánh nổi với sự chuyển pháp luân, không thầy nào bằng thầy của ta. Kệ nói:

Nếu đã quy y với Đức Phật,

Nay quy y-sẽ còn quy y,

Mâu-ni tùy hỷ với người ấy,

Thuyết cho nghe Tu-đa-la này.

Cả kẻ nương theo ngoại đạo, cùng có lợi ích. Nghĩa này chỉ rõ với thân mầu nhiệm không nhơ, được trang nghiêm với các công đức. Thầy của ông không thể so sánh, vì thầy của ông không có khả năng khiến cho ông đạt được pháp thiện vô lậu. Kệ nói:

Nương vào những hạng ác tri thức,

Như Lai thấy rõ khắp thế gian,

Bởi vì dẫn dắt cho người ấy,

Thuyết cho họ nghe kinh báy này.

Tất cả các trí kiêu mạn vắng lặng thêm lợi ích. Để chỉ rõ nghĩa

này, bậc Nhất thiết trí của ta hôm nay mới chuyển pháp luân vô thượng.

Làm sao ông thành người Nhất thiết trí? Kệ nói:

Đức Phật lần đầu chuyển pháp luân,

Có thể trừ Thường-Đoạn điên đảo,

Không thể nào chuyển pháp luân tịnh,

Đó không phải là Nhất thiết trí.

Mong cầu quả báo tốt đẹp rộng lớn vô thượng, ruộng phước lợi ích, là chỉ rõ quả báo không thể nghĩ bàn, có khả năng ban cho chúng sinh; nếu ai có khả năng chuyển pháp luân vô thượng, bố thí cho người kia, thì kẻ đó chắc chắn sẽ được quả báo to lớn. Kệ nói:

Nếu như có người có thể chuyển,

Chánh pháp luân vô thượng diệu kỳ,

Người bố thí phần ít như vậy,

Được quả báo không gì sáng bằng.

Lại nữa, Bồ-tát tu hành đạt được quả báo lợi ích. Để chỉ ra nghĩa này, Thế Tôn nói: Pháp luân của Ta có khả năng đem lại lợi ích to lớn, Ta đã tu hành trải trăm ngàn khổ hạnh, qua vô lượng ức Na-do-tha kiếp, có khả năng thí xả những thứ khó thí xả, ví như biển tuôn tràn trong tâm không dừng lại.

Lại nói kiếp trước, khi còn làm thân Ma Na Bà, cả vợ con Ta đều xả thí.

Lại nói kiếp trước, khi làm vua Phạm Đức, Ta đã cho cả hai đứa con đáng yêu, tâm Ta không nảy sinh hối tiếc.

Lại nói kiếp trước, lúc làm vua Thiện Nha rất đoan nghiêm, Ta đã đem cô con gái Tôn Đà Lợi đẹp nhất trong các cô con gái, để cho Bà-la-môn.

Lại nói kiếp trước, khi làm vua Đức Tạng chứng được Đà-la-ni, trong suốt bảy ngàn năm Ta chưa từng nằm một lần nào.

Lại nói trong kiếp trước, làm Thái tử của vua Bất Tư Nghị Công Đức Bảo Đức, tuổi còn trẻ mà Ta tinh thông tất cả nghĩa luận, đã vì chúng sinh mà giảng nói.

Lại nói kiếp trước, làm Tiên Thân Trấp, Ta đã bị cắt tay chân của mình mà không sinh giận hờn, còn giảng nói pháp nhẫn cho họ.

Lại nói kiếp trước, làm vua Nguyệt Quang, Ta đã tự chặt đầu để bố thí mà không sinh hờn giận.

Lại nói kiếp trước, làm thân đồng tử của vua, Nhất thiết chúng sinh Sở Hỷ Kiến, lúc Ta mười hai tuổi, đã ăn hương đốt thân để cúng dường Phật pháp, tâm không cảm thấy hối tiếc.

Lại nói kiếp trước, Ta làm y sư trị bệnh cho vua đã chữa khỏi mọi chứng bệnh nan y cho tất cả loài người trong cõi Diêm-phù-đề.

Tất cả vô lượng điều khổ não như vậy, Ta đều đã làm và đem lại cho chúng sinh rất nhiều lợi ích. Ta đã chứng ngộ được các hạnh khổ của Bồ-tát như vậy và đã thị hiện đắc quả, thị hiện lợi ích. Thế Tôn đã giảng nói Tu-đa-la này. Kệ nói:

Nếu nhân tố ban đầu như vậy,

Khổ hành-xả thân mạng rất nhiều,

Người nghèo khó khốn khổ xin ăn,

Tùy theo mong cầu đều giúp cho,

Xa lìa tất cả những lỗi lầm,

Pháp luân vắng lặng vào bậc nhất,

Thuyết giảng không hủy hoại bậc nhất,

Vì vậy nay Ta chuyển pháp luân.

Vì nghĩa gì gọi là Thế Tôn? Bởi vì có khả năng tiếp nhận mọi sự cúng dường, cho nên gọi là Thế Tôn.

Lại có nghĩa khác, như phần giải thích về tâm Bồ-đề, trong đó chỉ rõ.

Vì sao Như Lai ở trong núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương-xá, chuyển pháp luân của hai loại trú trì mà không ở nơi khác, vấn nạn như vậy không thích hợp. Tùy theo xứ sở nào thì vấn nạn về điều này sẽ không cùng tận.

Đức Thế Tôn nếu ở tại nơi chốn khác để du hành, cũng có vấn nạn này, vậy thì không cùng tận. Lại có nghĩa khác; như phần giải thích về tâm Bồ-đề, trong đó chỉ rõ.

Vì nghĩa gì mà gọi là Như Lai? Nay sẽ nói nghĩa đó.

Như thật mà đến cho nên gọi là Như Lai. Pháp nào gọi là Như? Niết-bàn gọi là Như. Chúng sinh và pháp, hai loại đó không Như. Như Thế Tôn nói: Các Tỳ-kheo! Đệ nhất Thánh đế là pháp không hư vọng, gọi là Niết-bàn. Hiểu biết cho nên gọi là Lai. Khác âm thanh luận về cảnh giới, biết văn tự luận về cảnh giới, như người thế gian nói: Người này sinh đến đây. Đây là trình bày về nghĩa gì? Đây là trình bày về trí tuệ đầy đủ. Nghĩa Lai là như vậy: Niết-bàn gọi là Như. Hiểu biết gọi là Lai. Vì Chánh giác về Niết-bàn, cho nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, Không-vô tướng-vô nguyện gọi là Như, vì như tất cả hạnh đó, cho nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, bốn Thánh đế này gọi là Như. Chẳng phải là người khác thấy rõ tất cả hành đó, cho nên gọi là Như Lai. Lại nữa, hết thảy pháp Phật như vậy gọi là Như. Từ pháp đó đi đến trong cõi người này cho nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, Như gọi là sáu Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Bát nhã. Chánh giác các pháp ấy đã đến, cho nên gọi là Như Lai. Thật sự thí xả, an trụ nơi tuệ vắng lặng là Như. Như các pháp vô thượng, đều đạt chánh biến tri cho nên gọi là Như Lai. Tất cả Bồ-tát như vậy ở mười địa Hoan hỷ, Ly cấu, Minh, Diệm, Nan thắng, Hiện tiền, Viễn hành, Bất động, Thiện tuệ, Pháp vân, đó gọi là Như. Như các pháp vô thượng đều đạt Chánh biến tri, cho nên gọi là Như Lai. Như là tám đạo đạt đến cho nên gọi là Như Lai. Vì có Bát nhã Ba-lamật và đủ phương tiện đạt đến đầy đủ, cho nên gọi là Như Lai.

Hoặc gọi là Như Khứ. Nói Như Khứ là hoặc dùng Như mà nói, cho nên gọi là Như Khứ.

Lại nữa, Như Khứ là đi không trở lại, cho nên gọi là Như Khứ.

Vì nghĩa gì gọi là Pháp luân? Nay sẽ nói: Vì Thể của pháp là luân (bánh xe) cho nên gọi là Pháp luân. Ví như ở thế gian, Thể của chất đồng là bình, cho nên gọi là chiếc bình đồng. Vì Thể của gỗ làm bánh xe cho nên gọi là bánh xe gỗ. Đây cũng như vậy, Thể của pháp làm bánh xe, cho nên gọi là bánh xe pháp (pháp luân), là chỉ rõ như vậy.

Sao gọi là pháp? Nghĩa là ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề. Pháp này là bánh xe, cho nên gọi là bánh xe pháp.

Lại nữa, tự Thể của mọi pháp vốn có nghĩa giác ngộ, là nghĩa của pháp luân.

Lại nữa, tất cả pháp vốn có nghĩa trang nghiêm thù thắng.

Lại nữa, là nghĩa lấy-bỏ. Những nghĩa như vậy, đều gọi là pháp luân.

Bỏ đi những vật gì? Là bỏ hữu vi. Nhận lấy những vật gì? Là nhận Niết-bàn.

Lại nữa, có khả năng phá tan tất cả phiền não, cho nên gọi là bánh xe. Pháp Vương vận chuyển bánh xe đúng thời, bánh xe trị vì thiên hạ như bánh xe của Luân vương, vầng ánh sáng soi chiếu trong tất cả thế gian như vầng tinh tú sáng ngời.

Lại nữa, bánh xe pháp là vòng bánh xe không có hai bên đoạnthường mà đều là bất định.

Lại nữa, bánh xe không sinh, như nhân duyên sinh.

Lại nữa, bánh xe không hai, như mắt và sắc, cho đến ý và pháp đều không hai, cho nên biết.

Bánh xe không nắm bắt được, bởi vì pháp ba đời không thể nắm bắt được.

Lại nữa, bánh xe không, vì lìa mọi kiến chấp,

Lại nữa, bánh xe vô tướng là quán sát tất cả tướng, lìa các tướng. Lại nữa, bánh xe Vô nguyện, vì lìa ba cõi. Tất cả phân biệt mà không khác gì những bánh xe khác, vì tất cả pháp đều không phân biệt.

Lại nữa, trong Tu-đa-la A-na-bà-đạt-đa Long vương, Đức Thế Tôn bảo Long vương: Hiền Thủ Long vương! Lại nữa, pháp luân thật sự không làm hư hoại hành, như vậy gọi là luân, ba đời bình đẳng không có bánh xe tự Thể, vì lìa hai thứ kiến chấp có-không.

Lại nữa, bánh xe lìa, vì thân không nhiễm.

Lại nữa, bánh xe không vướng mắc, vì lìa tâm-ý, ý thức… Bánh xe không có xứ sở, vì bỏ tất cả sự sống theo nghiệp hữu vi.

Lại nữa, bánh xe thật, vì tri kiến rất chân thật.

Lại nữa, bánh xe đế, vì tu tập chân chánh không hư hoại.

Lại nữa, bánh xe không cùng tận, vì chỉ bày không cùng tận.

Lại nữa, bánh xe pháp giới, vì tất cả pháp đều vận hành.

Lại nữa, bánh xe thật tế, vì giới hạn trước-sau không phải là bánh xe giới hạn.

Lại nữa, bánh xe Như Như, vì tự Thể của các pháp không có tự Thể, đã là bánh xe vô vi thì tất cả mọi đều ngờ vực đều quán sát xác định rõ ràng.

Lại nữa, bánh xe thường còn, vì sự tập hợp của tánh thánh.

Lại nữa, bánh xe Không, vì không nhận thấy tất cả vật trong ngoài.

Lại nữa, bánh xe Vô tướng, vì tất cả tướng đều không phân biệt.

Lại nữa, bánh xe Vô nguyện, vì tất cả pháp không bám theo duyên.

Lại nữa, bánh xe vô vi, vì tất cả lời giảng nói đều Không cho nên không thể nêu bày.

Như vậy, Đức Thế Tôn đã giảng nói về pháp luân. Những sự việc trên đây đều là nghĩa của pháp luân.

Lại nữa, Thế Tôn có bao nhiêu chuyển, bao nhiêu hành?

Chuyển pháp luân, nghĩa đó nay sẽ nói:

Pháp luân đã chuyển ba lần có mười hai hành.

– Chuyển lần thứ nhất: Đây là Khổ Thánh đế. Đây là Tập Thánh đế.

Đây là Diệt Thánh đế.

Đây là Khổ-Diệt-Đạo Thánh đế.

– Chuyển lần thứ hai:

Đây là Khổ Thánh đế, cho nên biết.

Đây là Khổ-Tập, cho nên đoạn.

Đây là Khổ-Diệt, cho nên chứng.

Đây là Khổ-Diệt-Đạo, cho nên tu.

– Chuyển lần thứ ba:

Đây là Khổ Thánh đế, đã biết. Đây là Khổ-Tập, đã đoạn Đây là Khổ-Diệt, đã chứng.

Đây là Khổ-Diệt-Đạo, đã tu.

Đây là nói ba lần chuyển như vậy

Khổ Trí-Tập trí-Diệt trí-Đạo trí như vậy Khổ đế có trí chuyển ba lần như vậy Tập đế như vậy, Diệt đế như vậy.

Đạo đế có ba chuyển lần trí. Đức Phật thuyết giảng có mười hai hành nói như vậy. Vì sao? Bởi vì hành khác biệt như vậy ở trong Khổ đế có trí chuyển ba lần. Tập đế hành khác, Diệt đế hành khác, Đạo đế hành khác, đều có trí chuyển ba lần.

Đây là nói về có mười hai hành như vậy.

Khổ là năm ấm. Tướng của Khổ là năm ấm, đó gọi là Khổ. Tướng của khổ kia là Không, thông đạt về Không này, thì gọi là khổ trí Thánh đế. Ái sử là nhân của năm ấm kia, thấy nhân thì gọi là Tập. Nếu chẳng phân biệt, không phân biệt, không nhận lấy, không tiếp xúc nhân của ái, thấy rõ nhân, thì gọi là Trí tập Thánh đế. Nếu năm ấm kia cuối cùng diệt giới hạn trước không đến-giới hạn sau không đi-giới hạn giữa không đạt được, đó gọi là Diệt. Biết rõ nó như vậy thì gọi là Diệt trí Thánh đế.

Nhận biết như thế, đấy gọi là Trí diệt Thánh đế. Nếu Đạo đã được rồi, duyên lấy khổ trí-tập trí-diệt trí, tướng bình đẳng kia là trí không hai, thì đó gọi là Khổ-Diệt-Đạo trí Thánh mà khi nói Thánh đế như thế? Vì nếu phân biệt chân lý này thì không cùng tận. Hơn nữa, biết bốn Thánh đế như vậy sẽ được giải thoát. Đó là biết khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ, về sau mới có được phương tiện. Bốn Thánh đế như vậy, nghĩa này theo thứ tự mà nói như vậy.

Lại nữa, tướng bình đẳng là sao? Gọi Thánh đế là pháp không hư vọng. Vì không hư vọng cho nên gọi là đế. Mỗi mỗi tự tướng đều không hư vọng. Pháp không hư vọng như vậy là tướng bình đẳng.

Lại nữa, tướng thù thắng là sao? Thù thắng thì tướng khổ là bức bách, tướng Tập là có khả năng sinh khởi, tướng Diệt là vắng lặng, tướng Đạo là tướng xuất ly.

Lại nữa, mười hai hành hoặc nghịch-hoặc thuận, có mười hai phần chuyển theo nhân duyên sinh.

Lại nữa, rộng khắp các Tu-đa-la đều nói: Phân biệt đúng đắn thì có thể phân biệt. Quán sát bất thiện cho nên sinh ra vô minh, không phải là pháp có sinh ra, như vậy cho đến nhiều nỗi khổ tụ tập, nó có và diệt như vậy.

Chuyển pháp luân mười hai hành ở bên cạnh, nếu nhận biết đầy đủ về Tam bảo.

Lại nữa, Thế Tôn nói chuyển trong này, vì sao pháp môn không sinh mà Như Lai giảng nói tất cả pháp? Vì không chuyển-không quay về, cho nên biết như vậy. Vì cuối cùng không phát khởi theo thứ tự như vậy. Nghĩa đó nay sẽ giải thích.

Nơi kia nói Chân đế nơi này nói Thế đế, lại nói vào lúc này. Đây là đối trị với sự tin nhận cho nên nói đến nghĩa này, đã nói vì vậy nay vẫn nói.

Hơn nữa, đây là nghiệp ban đầu của Bồ-tát, cho nên nói như vậy. Người đạt được địa Đại thừa, không tranh luận như vậy.

Nếu pháp và chúng sinh đều không thể nắm bắt được, vậy thì Đức Thế Tôn sẽ trú trì ở nơi nào mà chuyển pháp luân? Nghĩa đó nay sẽ giải thích.

Vì tâm Đại Bi, Đức Phật không chấp giữ chúng sinh, cũng không chấp giữ vào pháp, nhưng thường trú trì chúng sinh và pháp, cho nên đã chuyển pháp luân.

Lại nữa, trong Tu-đa-la Long vương hỏi Đức Thế Tôn, nói: Như hư không chuyển gọi là chuyển pháp luân. Lại nữa, đây là Thế Tôn dùng phương tiện, vì các pháp không có tên gọi mà mượn tên gọi giảng giải.

Vì vậy kệ nói:

Tất cả các pháp không có tên,

Lập ra tên để gọi pháp.

Thế Tôn theo pháp vốn như vậy không chấp giữ chúng sinh, nhưng vì đối trị giáo hóa chúng sinh, cho nên nói pháp. Dù không chấp lấy pháp nhưng thường xuyên giảng nói rộng về tất cả các pháp.

Lại nữa, trong kinh Bát Nhã Ba La Mật và Vô Cấu Danh Xưng nói: Vì biết chân lý thật, cho nên Như Lai nói chân lý thế gian. Như vậy là không có lỗi.

Lại nữa, Thế Tôn vì nghĩa gì mà trừ bỏ nơi chốn rộng lớn thoáng mát với vô số cây-hoa đẹp đẽ trang nghiêm, có vô lượng người thù thắng, đều tập hợp về đó, để đến thành Ba-la-nại là nơi ít người lui tới, dưới bóng mát cây Ba-tra-ly, trong vườn Lộc uyển mà chuyển pháp luân? Nghĩa đó nay sẽ giải thích.

Quá khứ xa xưa, Đức Thế Tôn đã từng ở nơi đó (Ba-la-nại). Trong sáu mươi ngàn ức na-do-tha hội, Thế Tôn thực hiện bố thí rộng khắp. Nơi đó, Ngài đã từng cúng dường sáu mươi ngàn ức na-do-tha Đức Phật. Cũng ở nơi đó, đã có chín mươi mốt ngàn ức Đức Phật chuyển pháp luân. Nơi đó thường có nhiều vị tiên tu hạnh vắng lặng. Vì có các công đức to lớn như vậy, cho nên Đức Thế Tôn đến nơi đó để chuyển pháp luân. Về nghĩa này đã giải thích, nay lại nói thêm. Lại trong kinh Quảng Phổ có kệ nói rằng:

Ta thực hiện bố thí pháp hội,

Sáu mươi ngàn ức na-do-tha,

Cũng đã từng cúng dường chư Phật,

Sáu mươi ngàn ức na-do-tha.

Xứ sở tốt đẹp Ba-la-nại,

Có Tiên nhân xa xưa thù thắng,

Các hàng Trời-Rồng vào bậc nhất,

Thường ca ngợi xứ sở thuyết pháp.

Chín mươi mốt ức Phật trước kia,

Ta nhớ lại thù thắng vô thượng,

Ở trong khu rừng tuyệt vời này,

Chuyển pháp luân vô thượng bậc nhất.

Nơi này có Tiên nhân thù thắng,

Tịch tĩnh với số na-do-tha,

Thường an trú trong vườn Lộc Uyển,

Cho nên gọi là xứ Tiên nhân.

Trong khư rừng thù thắng như vậy,

Chuyển pháp luân vô thượng bậc nhất.

Đã chuyển như vậy, lại vì pháp-người đã chuyển như vậy.

Lại nữa, lần đầu tiên Đức Thế Tôn đã ngồi ở nơi nào để chuyển pháp luân? Nghĩa đó nay sẽ giải thích.

Đức Thế Tôn đã ngồi nơi điện Đại viên với vô lượng màu sắc vi diệu thanh tịnh, với nhiều châu báu trang nghiêm, trên tòa sư tử mà chuyển pháp luân. Đây là nói ở chỗ nào? Trong kinh Quảng Phổ nói như thế này: Các Tỳ-kheo! Có chư Thiên ở mọi nơi, biết ở thành Bala-nại sắp chuyển pháp luân, để có lợi ích to lớn, cho nên xây điện Đại viên rất rộng rãi, trang nghiêm và tráng lệ. Cung điện đó chiếm một chu vi rộng bảy trăm do-tuần. Trên hư không, chư Thiên dùng lọng báu, cờ phướn để trang nghiêm. Các Thiên tử cõi Dục trong hư không ở phía trên, đem tám mươi bốn ngàn tòa sư tử dâng lên cúng dường Như Lai. Cúng dường Như Lai rồi tất cả thỉnh cầu: Chỉ mong Như Lai an tọa trên tòa sư tử của con mà chuyển pháp luân. Tất cả các Thiên tử đều trông thấy Đức Thế Tôn an tọa trên tòa sư tử mà họ đã dâng cúng để chuyển pháp luân. Đức Thế Tôn đã làm thỏa ý muốn của tất cả Thiên tử như vậy.

Lại nữa, khi Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, có bao nhiêu chúng sinh đã bỏ điều ác-làm điều thiện? Nghĩa đó nay sẽ giải thích.

Có năm Tỳ-kheo như Kiều Trần Như…, lại có chư Thiên với số sáu mươi ức. Lại có tám mươi ức chư Thiên ở cõi Sắc. Lại có tám mươi bốn ngàn ức người thế gian.

Thế Tôn nói pháp ở chỗ nào? Kinh Quảng Phổ kia có kệ nói:

Các Tỳ-kheo A-nhã-cư-lân…

Cùng với năm Tỳ-kheo như vậy,

Chư Thiên gồm có sáu mươi ức,

Đều đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Tám mươi ức chư Thiên cõi Sắc,

Được pháp nhãn thanh tịnh vô thượng,

Có tám vạn bốn ngàn ức người,

Được pháp nhãn thanh tịnh thù thắng.

Tóm lại, trú trì chúng sinh thị hiện nói pháp cho chúng sinh. Trú trì là thị hiện nói pháp.

Lại có nghĩa khác: Trú trì chúng sinh là chỉ rõ cho biết tám vạn bốn ngàn pháp trong tâm hành của chúng sinh. Trú trì là chỉ rõ khiến nhận biết tám vạn bốn ngàn pháp tụ với hào quang tỏa sáng đem lại nhiều lợi ích.

Lại còn có nghĩa: Trú trì chúng sinh đây là chỉ rõ pháp bình đẳng nơi chúng sinh. Trú trì là chỉ rõ chúng sinh bình đẳng. Pháp trú trì là chỉ rõ pháp bình đẳng. Vả lại, đây là chỉ rõ hai loại Thế đế.