KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam Tạng Bồ-đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN TRUNG
Kinh nói: Phật bảo, nầy Tu-bồ-đề! Hết thảy số cát trong sông Hằng, và nhiều nhiều sông Hằng kia, ông nghĩ sao, số cát có nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa: Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Chỉ một sông Hằng mà cát đã nhiều lắm rồi, huống chi là cát của nhiều sông Hằng.
Phật bảo, nầy Tu-bồ-đề! Ta nói thật cho ông biết, nếu có thiện nam, thiện nữ nào, lấy bảy báu có đầy khắp thế giới, như số cát sông Hằng ấy, cúng thí chư Phật, Như Lai, thì nầy Tu-bồ-đề! Ong nghĩ sao? Thiện nam thiện nữ ấy, có được phước nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn rất nhiều! Thiện nam thiện nữ kia, được phước rất nhiều.
Phật nói với ông Tu-bồ-đề: Nếu có thiện nam thiện nữ, đem bảy báu đầy khắp cả thế giới, nhiều như cát sông Hằng mà Bố thí, nhưng nay đối với pháp môn này, cho đến chỉ thọ trì bốn câu kệ, nói cho kẻ khác biết thì phước đức ấy, vượt hơn phước đức Bố thí trước đến vô lượng Atăng-kì!
Luận nói: Ở trước, đã thí dụ về cái nhiều của phước đức, tại sao ở đây nói lại nữa? Kệ nói:
Nói nhiều nghĩa sai biệt,
So sánh cũng thành hơn,
Phước sau nhiều hơn trước,
Nên lại nói dụ hơn.
Bài nầy có nghĩa gì? Trước nói thí dụ là ba ngàn thế giới để làm sáng tỏ phước đức nhiều. Nay lại nói là vô lượng ba ngàn thế giới. Tại sao trước đây, không nói thí dụ nầy? Ấy là lần hồi giáo hóa chúng sinh, giúp cho họ phát sinh lòng tin về nghĩa cao cả vi diệu. Vả lại, trước đây chưa làm sáng tỏ công đức thù thắng nào, có khả năng đưa đến Đại Bồđề. Lấy thí dụ nầy để nói về công đức ấy, nên phải nói lại.
Kinh nói: Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nơi nào có nói pháp môn nầy, cho đến chỉ nói bốn câu kệ, phải biết nơi ấy, hết thảy thế gian- Trời- Người- A-tu-la đều phải cúng dường, như cúng dường tháp miếu Phật, huống chi lại có người đem hết khả năng thọ trì, đọc tụng kinh nầy. Nầy Tu-bồ-đề! Nên biết người ấy đã thành tựu được pháp hiếm có cao tột bậc nhất. Nơi nào có kinh nầy thì nơi đó có Phật hay là nơi đó đáng tôn trọng như Phật.
Khi ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Pháp môn nầy tên là gì? Chúng con phải phụng trì như thế nào?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Pháp môn này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-lamật. Ông cứ theo tên gọi ấy mà phụng trì. Tại sao vậy? Nầy Tu-bồ-đề! Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật tức chẳng phải là Bát-nhã Ba-la-mật. Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có pháp gì để Như Lai giảng nói không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không có pháp gì mà Như Lai giảng nói cả!
Nầy Tu-bồ-đề! ông nghĩ sao? Bụi li ti trong ba ngàn đại thiên thế giới, có nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa: Số bụi li ti ấy, hết sức nhiều, thưa Thế Tôn!
Tạo sao? Nầy Tu-bồ-đề! Những bụi li ti đó, Như Lai nói không phải là bụi li ti, nên mới gọi là bụi li ti. Như Lai nói thế giới, tức chẳng phải là thế giới, nên mới gọi là thế giới.
Phật nói, nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có thể dùng ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, để thấy Như Lai không?
Tu-bồ-đề đáp: Thưa không, Bạch Thế Tôn! Tại sao? Vì Như Lai nói ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, tức chẳng phải là tướng, nên mới gọi là ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân.
Luận nói: Làm sao thành tựu được tướng tốt đó ? Có bài kệ nói:
Tôn trọng cả hai nơi,
Nhân tập chứng Thể lớn,
Phiền não nhân tập đo,
Đây chế ngự phước nhiễm.
Bài kệ này có nghĩa gì?
Tôn trọng cả hai nơi, đó là:
1. Nơi được nói kinh: Tức tùy ở nơi nào đó, nói kinh này khiến cho mọi người đều sinh ý niệm tôn trọng hết sức đặc biệt.
2. Người nói kinh: Tức là tùy những ai có khả năng thọ trì, giảng nói với lòng tôn trọng kinh luận, chứ không như bảy báu, tùy nơi mà buông bỏ, tùy người có thể cho. Phải sinh lòng kính trọng như vậy. Pháp môn này là nhân hơn hết, mà tất cả chư Phật Như Lai chứng được pháp tạo ra. Như kinh nói: Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không có pháp nào để Như Lai nói cả. Câu đó có nghĩa gì? Là không có một pháp nào là riêng của Như Lai nói, còn các Phật khác thì không nói.
Phước đức bố thí châu báu kia, là nhân của phiền não nhiễm ô, vì nó tạo nên bao chuyện phiền não. Nhân này của Phật, chỉ rõ cách lìa khỏi nhân phiền não, cho nên dùng thí dụ về vi trần. Như kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Những vi trần đó, Như Lai nói chẳng phải là vi trần, nên mới gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới, chẳng phải là thế giới, nên mới gọi là thế giới. Tại sao nói như vậy?
Bụi li ti kia chẳng phải là Thể của phiền não tham v.v… Vì lẽ đó, nên gọi là bụi li ti của đất. Các thế giới kia, không phải là lãnh vực gây nhân của phiền não nhiễm ô. Cho nên nói là thế giới. Điều này nhằm làm sáng tỏ nghĩa gì?
Phước đức kia là nhân của bụi phiền não nhiễm ô, thế nên đối với bụi “vô kí” bên ngoài ấy thì phước đức căn lành là gần, huống chi là phước đức căn lành nầy, lại có khả năng thành Phật Bồ-đề, thành tựu được tướng đại trượng phu, vượt hơn hết mọi phước đức. Do vậy, ai thọ trì, diễn nói kinh nầy thì có khả năng thành Phật Bồ-đề, vì phước nầy vượt hơn phước bố thí. Tại sao? Vì tướng đó, đối với Phật Bồ-đề, chẳng phải là tướng và đó cũng chẳng phải là Pháp thân cho nên mới gọi là tướng đại trượng phu. Dùng tướng nầy mà thọ trì, diễn nói kinh, thì phước đức nầy có khả năng thành Phật Bồ Đề, nên phước nầy chẳng có gì hơn được nó. Vả lại, phước đức nầy có khả năng hàng phục phước của bố thí bảy báu. Phước thọ trì kinh có sức hàng phục biết là dường nào! Thành thử, phước thọ trì kinh là tối tôn, tối thắng. Nó cao hơn hết đối với mọi phước đức của Bố thí Ba-la-mật.
Kinh nói: Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu thiện nam thiện nữ, đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng, để bố thí; nhưng có kẻ khác, thọ trì pháp môn này dù chỉ một bài kệ và giảng cho người khác nghe, thì phước nầy nhiều gấp vô lượng A-tăng-kì.
Bấy giờ, khi đã nghe Phật nói kinh nầy, hiểu sâu nghĩa cốt yếu, Tubồ-đề tủi khóc sùi sụt, gạt lệ bạch Phật: Thật là hiếm có, thưa đấng Thế Tôn! Thật là hiếm có, thưa đấng Thiện Thệ! Phật nói pháp môn sâu xa như vậy. Con từ khi được tuệ nhãn tới nay, chưa từng được nghe pháp môn như thế này. Tại sao vậy? Vì Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật tức chẳng phải là Bát-nhã Ba-la-mật. Nếu ai nghe kinh nầy mà sinh lòng tin thanh tịnh, thì phát sinh được Thật tướng, nên biết người đó đã thành tựu được phước đức hiếm có bậc nhất.
Bạch Thế Tôn! Thật tướng tức chẳng phải là tướng, cho nên Như Lai mới gọi tên Thật tướng là Thật tướng.
Thưa Thế Tôn! Con nay được nghe pháp môn như thế này, tin- hiểu và thọ trì, không thấy khó khăn lắm. Nếu ở đời sau có chúng sinh nào nghe được pháp môn nầy, và tin- hiểu- thọ trì, thì người ấy là hiếm có bậc nhất. Tại sao? Vì người ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Tại sao? Vì tướng ngã, tức chẳng phải là tướng, và tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả tức chẳng phải là tướng. Tại sao? Vì khi lìa hết mọi tướng tức là Phật.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu ai nghe kinh nầy, mà không kinh, không sợ, không khiếp thì phải biết người đó thật là hiếm có. Tại sao? Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói Ba-la-mật thứ nhất, tức chẳng phải Ba-la-mật thứ nhất. Như Lai nói Ba-la-mật thứ nhất ấy, thì vô lượng chư Phật cũng nói là Ba-la-mật. Do vậy, nên gọi là Ba-la-mật thứ nhất.
Luận nói: Từ đây trở đi, văn kinh tập trung nói rõ phước đức thọ trì, là hơn hết thảy mọi phước đức. Nghĩa nầy như thế nào? Bài kệ nói:
Thân khổ nhưng vượt hơn,
Nghĩa hiếm có cao tột,
Bờ trí tuệ khó lường,
Cũng không giống pháp khác.
Chắc thật hiểu nghĩa sâu,
Hơn Tu-đa-la khác.
Nhân lớn và thanh tịnh, Phước hơn trong mọi phước.
Hai bài kệ trên có nghĩa gì? Thân mình, mạng sống mình nặng hơn châu báu, thế mà còn bỏ được. Bỏ vô lượng thân như vậy để bố thí, thì phước đức ấy vẫn không bằng phước đức thọ trì kinh nầy. Tại sao vậy? Do khi bỏ thân mạng thì thân và tâm đều khổ, huống chi là vì pháp mà bỏ thân ư? Vì nghĩ tới cái khổ của thân, nên Tuệ Mạng Tu-bồ-đề càng tôn trọng pháp, nên buồn khóc mà rơi lệ.
Như kinh nói: Khi ấy, nghe Phật nói kinh nầy, hiểu sâu nghĩa cốt yếu nên Tu-bồ-đề khóc tủi, sụt sùi… Pháp môn này hiếm có, là vì sao? Tu-bồ-đề dù có mắt tuệ, nhưng từ ấy đến giờ vẫn chưa từng được nghe pháp môn này. Do vậy nên gọi là hiếm có.
Như kinh nói: Con từ trước cho đến ngày nay dù đã có tuệ nhãn, nhưng chưa từng được nghe pháp môn như thế nầy…
Vả lại, pháp môn nầy là bậc nhất, vì tên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Tại sao nó trở thành nghĩa cao tột?
Như kinh nói: Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật chẳng phải là Bát-nhã Ba-la-mật? Vì sao lại nói bờ trí bên kia như thế? Do bờ trí bên kia ấy không có ai lường nổi, cho nên nói chẳng phải Bala-mật.
Lại nữa, pháp môn nầy không giống bất cứ pháp môn nào khác. Tại sao? Vì trong đó có Thật tướng, còn các thứ khác thì chẳng phải Thật tướng. Ngoại trừ Phật pháp, mọi nơi khác đều không thật. Do mọi chỗ khác đó chưa từng có, chưa từng sinh lòng tin.
Từ nghĩa nầy, mà kinh nói: Thưa Thế Tôn! Nếu có ai được nghe kinh nầy mà sinh lòng thanh tịnh, thì có khả năng phát sinh Thật tướng. Nên biết, người ấy đã thành tựu công đức hiếm có bậc nhất.
Lại nữa, pháp môn nầy chắc thật, cao đẹp sâu dày. Vì sao? Vì thọ trì kinh nầy, sự suy lường tu tập mà không khởi tướng ngã vv.
Không khởi tướng ngã v.v…, chỉ rõ là có thể đón lấy cảnh giới không có tướng điên đảo. Tướng ngã v.v… tức chẳng phải là tướng, nó chỉ rõ việc có thể đón nhận cảnh giới không có tướng điên đảo. Hai điều ấy, nói rõ Ngã Không, Pháp Không là trí vô ngã. Cứ lần lượt như vậy.
Như kinh nói, tại sao? Vì người nầy không có tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Vì sao? Vì tướng ngã tức chẳng phải là tướng, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả tức cũng chẳng phải tướng. Vì sao? Vì khi lìa hết tướng đó tức là Phật.
Đức Như Lai nói cho Tu-bồ-đề nghĩa như vậy.
Kinh hãi, nghĩa là chẳng phải trong điều kiện bình thường sinh tâm sợ mà gọi kinh hãi. Do có thể bị quở trách, như là chẳng tu hành theo chánh đạo. Sợ hãi là tâm thể bị sợ sệt, vì tâm nghi cứ trào lên không dứt. Run sợ là một mực lo lắng run rẩy, tâm ấy xét cho cùng là kinh sợ bị đọa thế nên cần phải xa lìa những nơi đó. Như kinh nói: Không kinh, không hãi, không sợ. Với lại, pháp môn nầy, vượt hơn hết mọi Tu-đa-la khác.
Như kinh nói: Tại sao vậy? Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói Ba-la-mật thứ nhất, chẳng phải Ba-la-mật thứ nhất. Lại nữa, pháp môn nầy, gọi là Đại Nhân (nguyên nhân lớn). Kinh nói: Như Lai nói Ba-la-mật thứ nhất là vậy.
Lại nữa, pháp môn nầy là thanh tịnh, vì có vô lượng Phật nói. Kinh nói: Vô lượng chư Phật kia, cũng nói Ba-la-mật, nên gọi là Ba-la-mật thứ nhất vậy. Việc bố thí của cải châu báu không có được phước đức như vậy. Nên phước đức do thọ trì kinh nầy, là vượt hơn hết trong mọi phước đức.
Từ đây trở đi, văn kinh tập trung đoạn trừ nghi. Nghi điều gì? Như vừa nói: Thân kia khổ, là do người bỏ nó làm cho nó khổ. Có quả báo nhưng phước báo ấy là hèn kém. Còn người khác, thọ trì pháp môn nầy, rồi giảng nói như các Bồ-tát tu khổ hạnh, thì khổ hạnh đó cũng có quả khổ, nhưng tại sao đối với pháp môn nầy, lại không thành quả khổ? Là cắt bỏ nghi ấy.
Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói Nhẫn Nhục Ba-la-mật, tức là chẳng phải Nhẫn Nhục Ba-la-mật. Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Như ta thuở xưa, bị vua Ca Lợi cắt rời thân thể. Ngay khi ấy, ta không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Không tướng, cũng chẳng phải không tướng. Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Khi ấy, thân thể bị chia lìa, nếu ta có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả; tức ta phải sinh giận dữ. Nầy Tu-bồ-đề! Ta lại nhớ thời quá khứ, đã năm trăm đời làm vị tiên tu nhẫn nhục. Trong những đời đó, ta không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Thành thử nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa hết thảy các tướng khi phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Vì sao? Nếu tâm có chỗ trụ tức chẳng phải trụ. Do vậy, không để tâm trụ vào Sắc, không để tâm trụ vào Thanh-Hương-Vị-Xúc- Pháp. Nên để tâm không trụ vào đâu cả. Do vậy, Phật nói: Bồ-tát khi bố thí, không để tâm trụ vào Sắc.
Nầy Tu-bồ-đề! Bởi ích lợi cho hết thảy chúng sinh, mà Bồ-tát phải Bố thí như vậy. Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Hết thảy tướng chúng sinh tức chẳng phải là tướng. Vì sao? Vì Như Lai nói, hết thảy chúng sinh tức chẳng phải là chúng sinh.
Luận nói: Điều đó làm rõ nghĩa gì? Kệ nói:
Hay nhẫn nơi khổ hạnh,
Do khổ hạnh có lành,
Phước đó không thể lường,
Nghĩa tối thắng là vậy.
Lìa tướng ngã và giận,
Hoàn toàn không khổ não,
Cùng vui có Từ Bi,
Quả khổ hạnh là vậy.
Hai bài kệ nầy, có nghĩa gì? Khổ hạnh ấy dù hình thức giống như quả khổ, nhưng khổ hạnh nầy không mệt mỏi, vì có Nhẫn Nhục Ba-lamật, gọi là Đệ nhất. Bờ kia có hai nghĩa:
- Thể của Ba-la-mật là căn lành, thanh tịnh.
- Công đức của bờ kia là không thể lường được.
Như kinh nói: “Tức chẳng phải là Ba-la-mật”.
Chẳng phải Ba-la-mật, là không có người biết bờ công đức của nó. Nói chẳng phải Ba-la-mật, cho nên nó là pháp bậc nhất. Khổ hạnh nầy vượt hơn việc bỏ thân xác, huống gì là chuyện bỏ tướng ngã và tướng giận dữ.
Hơn nữa, làm việc nầy không có khổ. Không những không có khổ mà lại còn vui, bởi vì có Từ Bi.
Như kinh nói: Khi ấy, ta không có tướng ngã, cho đến không tướng, cũng chẳng phải không tướng. Điều nầy chỉ rõ là tâm Từ Bi tương ưng, nên mới nói như thế. Nếu Bồ-tát nào, không lìa tướng ngã v.v…, thì Bồtát đó sẽ thấy khổ hạnh là khổ, có khi muốn bỏ cả tâm Bồ-đề. Do đó mà nói như kinh nói là: Thế nên, nầy Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát lìa hết thảy tướng… Điều nầy nói rõ nghĩa gì? Ấy là do chưa phát sinh tâm Bồ-đề thứ nhất, nên mới có lỗi như vậy. Để đề phòng lỗi nầy, có kệ nói:
Khởi tâm không xả bỏ
Để tu hành vững chắc,
Do Nhẫn Ba-la-mật,
Luyện tâm trụ học kia.
Bài kệ này, có nghĩa gì? Bằng tâm nào, mà khởi hành tướng cho việc tu hành? Vì tâm nào mà không xả bỏ tướng tu hành? Bài kệ trả lời: Là do Nhẫn Ba-la-mật, sẽ luyện cho tâm giỏi việc tu học kia.
Và lại, Tâm Đệ nhất nghĩa, là đã bước vào địa thiết lập được Nhẫn Nhục Ba-la-mật, tâm nầy gọi là tâm không trụ. Như kinh nói: Thế nên, Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa hết thảy các tướng khi phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Vì sao? Điều nầy chỉ rõ nghĩa là không để tâm chấp vào đâu cả. Nếu tâm trụ vào Sắc- Thanh… thì nó không còn trụ ở Bồ-đề Phật. Đây là cách nói rõ tâm không chấp vào hành động, khi làm chuyện bố thí. Kinh văn này nói: Dựng dậy cái tâm không trụ vào đâu để làm phương tiện, vì Bố thí Ba-la-mật gồm thâu cả sáu Ba-la-mật kia.
Thế nào là tu hành, đem lợi ích cho chúng sinh mà gọi là không trụ vào việc chúng sinh? Để cắt đứt nghi nầy, như kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Bởi đem lợi ích cho hết thảy chúng sinh, nên Bồ-tát Bố thí như vậy. Câu nầy nói rõ ý gì? Kệ nói:
Tu hành lợi chúng sinh,
Phải biết nhân như thế,
Chúng sinh và tướng việc,
Cũng phải biết xa lìa.
Bài kệ này có nghĩa gì? Lợi ích là Thể của nguyên nhân. Người tu hành là làm lợi ích cho chúng sinh, chứ không phải chấp vào tướng những sự việc của chúng sinh. Những sự việc của chúng sinh là những gì? Kệ nói:
Giả danh và việc ấm
Như Lai lìa tướng ấy,
Chư Phật không cả hai,
Đã thấy được pháp Thật.
Bài kệ nầy có nghĩa gì? Tên gọi và tướng chúng sinh cùng việc làm hữu lậu đó. Vì sao người tu hành ấy, phải lìa sự tướng chúng sinh? Tức là lìa tên gọi và tướng đó? Vì tướng chẳng phải là tướng, vì nó không có thật thể. Đó là nghĩa nầy.
Chúng sinh tức chẳng phải chúng sinh, là do đâu? Vì năm ấm là chúng sinh, nhưng năm ấm kia không có Thể của chúng sinh, vì nó không thật. Như thế là làm rõ pháp vô ngã, nhân vô ngã. Vì sao? Vì tất cả chư Phật, Như Lai, đều đã xa lìa hết thảy các tướng.
Câu nầy, nói rõ hai tướng không thật. Như kệ nói: Như Lai lìa tướng đó. Chư Phật không có cả hai thứ đó, do đã thấy được pháp Thật. Ở đây nói nghĩa gì? Nếu hai cái đó là thật có thì chư Phật Như Lai phải có hai tướng đó. Tại sao? Vì chư Phật, Như Lai, thấy được sự thật.
Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời chánh chân, lời như thật, lời đúng đắn, lời không thay đổi. Nầy Tu-bồ-đề! Pháp mà Như Lai chứng, Pháp mà Như Lai nói, thì không thật cũng không dối.
Luận nói: Ở đây có chỗ còn nghi: Trong quả chứng đắc, không có đạo; thì làm sao đạo, có thể làm nhân cho quả được? Để phá nghi nầy, kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời chánh chân, nói lời chân thật, nói lời đúng đắn, nói lời không thay đổi. Bốn câu này có nghĩa gì? Kệ nói:
Quả tuy không trụ đạo,
Nhưng đạo hay làm nhân,
Lời chư Phật là thật,
Trí có bốn chủng lọai.
Bài nầy có nghĩa gì? Cảnh giới kia có bốn thứ, nên Như Lai có bốn lời thật. Thế nào là bốn? Kệ nói:
Thật trí và Tiểu Thừa,
Nói pháp của Đại Thừa,
Thọ kí cho hết thảy,
Là nói chẳng hề không.
Bài kệ này, làm sáng tỏ điều gì? Nhờ có thật trí và không nói dối, cho nên Như Lai đã nói về Phật Bồ-đề- Tiểu Thừa- Đại Thừa, thọ kí cho hết thảy, đều không phải là nói dối. Tùy vào bốn lãnh vực mà có bốn lối nói. Như kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời chánh chân, lời chân thật, lời đúng đắn, lời không thay đổi.
Không nói dối đối với Tiểu thừa, là nói về khổ đế v.v… cho Tiểu Thừa, thì chỉ là Đế, là chắc thật như vậy.
Không nói dối đối với Đại thừa, là nói pháp vô ngã chân như, thì chân như đó đúng là chân như.
Không nói dối đối với việc thọ kí, là thọ kí cho hết thảy quá khứ, hiện tại, vị lai. Nghĩa thế nào thì nói y như vậy chứ không sai lầm điên đảo.
Kinh lại nói: Nầy Tu-bồ-đề! Pháp mà Như Lai chứng, pháp mà Như Lai đã nói, đều không phải thật, mà cũng không phải dối. Tại sao nói như vậy? Kệ nói:
Tùy thuận thật trí kia,
Nói không thật- không dối,
Nghe tiếng chấp là chứng,
Nói vậy để đối trị.
Bài kệ này có nghĩa gì? Pháp chư Phật giảng nói, thì pháp đó không thể đạt được pháp kia. Quan trọng là phải tùy thuận nghĩa vì pháp nói không thể đưa đến pháp chứng kia. Tại sao? Như tiếng nghe được thì không mang ý nghĩa như vậy, cho nên là không thật. Pháp nói nầy tùy thuận vào pháp chứng kia. Do vậy nó không phải là nói dối.
Nếu vậy sao lại nói: Pháp Như Lai chứng, pháp Như Lai nói…? Đấy chỉ là nương câu chữ mà nói. Tại sao, trước thì nói: Như Lai nói lời chân thật, rồi sau lại bảo: Pháp nói đó, không phải thật cũng không phải dối? Kệ đã nói: Nghe tiếng chấp là chứng, nên nói vậy để đối trị.
Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Thí như ai vào chỗ tối thì không thấy gì. Nếu Bồ-tát trụ tâm vào sự bố thí, thì cũng như vậy. Nầy Tu-bồ-đề! Thí như kẻ mắt sáng, đêm tàn, mặt trời lên chiếu sáng, tất sẽ thấy hết thảy mọi thứ. Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tâm vào thí, thì cũng như vậy.
Luận nói: Lại có chỗ nghi: Nếu Thánh Nhân, nhờ pháp Vô Vi chân như mà được tên, thì chân như đó, phải hiện diện bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Tại sao không trụ tâm? Nhưng đến khi được Phật Bồ-đề, thì chẳng phải không trụ? Nếu chân như, thật có bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, thì tại sao có kẻ chứng được có người không chứng được? Để cắt đứt nghi nầy, nên thí dụ vào chỗ tối v.v… Điều này làm sáng tỏ nghĩa gì? Kệ nói:
Thời và Xứ thật có,
Nhưng không được chân như,
Vô trí trụ nơi pháp,
Có trí đều chứng được.
Bài kệ nầy có nghĩa gì? Mọi lúc là quá khứ, hiện tại, vị lai. Mọi nơi là ba cõi. Nếu thật sự có pháp chân, thì tại sao chúng sinh lại không chứng được? Kệ đã nói: Là vô trí, mới trụ chấp nơi pháp, kẻ không có trí mới để tâm trụ chấp vào pháp. Điều này lại có nghĩa là không thanh tịnh. Ai có trí thì tâm không trụ chấp vào pháp, thế nên họ có thể chứng được chân như. Do nghĩa đó, nên chư Phật Như Lai thanh tịnh nhờ chân như mà được tên. Vì vậy, tâm có trụ thì không được Phật Bồ-đề. Lại thí dụ nầy là làm rõ nghĩa gì? Kệ nói:
Tối-sáng-ngu-vô trí,
Kẻ sáng như có trí,
Đối trị và đối pháp,
Là được pháp vắng lặng.
Bài kệ này, có nghĩa gì? Thí dụ về tối sáng là pháp tương tự. Tối là không trí. Sáng như mặt trời là chỉ cho có trí. Có mắt làm rõ nghĩa gì? Kệ nói: Đối trị và đối pháp, là được pháp Vô Vi. Cứ theo thứ lớp như vậy. Lại nữa, có mắt là để ví với chủ thể đối trị. Đêm tàn là ví cho hiện tượng bị đối trị, là bóng tối tan hết. Ánh mặt trời chiếu rọi, là pháp chủ thể trị ngay tại chỗ. Như kinh nói: Như có người đi vào chỗ tối, thì không thấy gì…
Kinh nói: Lại nữa, nầy Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam thiện nữ nào, thọ trì, đọc tụng, tu hành pháp môn nầy, thì được Như Lai lấy trí tuệ Phật mà biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, hiểu rõ người ấy là đã thành tựu được vô biên công đức. Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam thiện nữ nào, trong buổi sáng, đem thân nhiều như cát sông Hằng để bố thí, buổi trưa lại đem thân như cát sông Hằng Bố thí, buổi chiều cũng đem thân nhiều như cát sông Hằng để bố thí. Cứ thế, bỏ thân nhiều như cát sông Hằng vô lượng, và cứ như thế trải qua trăm ngàn ức Na-do-tha kiếp, đem thân bố thí. Nhưng nếu có người, được nghe pháp môn nầy, sinh lòng tin, không nhạo báng chê bai thì phước nầy sẽ hơn phước bố thí vô lượng A-tăng-kì, huống chi lại còn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu hành và diễn nói cho người khác!
Luận nói: Từ đây trở đi, lại nói về nghiã gì? Kệ nói:
Tu hành theo pháp nào?
Được những phước đức gì?
Lại thành tựu nghiệp gì?
Nói những chuyện như thế.
Tu hành theo pháp nào là chỉ rõ hạnh kia. Bày tỏ như thế nào? Kệ nói:
Danh tự ba thứ pháp,
Thọ trì-nghe-rộng nói,
Tu theo người và mình,
Được nghe là tu trí.
Bài kệ này có nghĩa gì? Do danh tự kia mà được văn tuệ. Ở đây có ba thứ:
- Thọ.
- Trì.
- Đọc tụng.
Làm sao biết được? Kệ nói: Thọ trì- nghe- nói rộng. Thọ trì tu hành là nương vào pháp tổng trì. Còn đọc tụng tu hành thì nương vào văn tuệ rộng. Tụng-tập rộng nhiều, cũng gọi là văn tuệ. Đấy là ba cách tu hành theo danh tự. Như kinh nói: Lại nữa, Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam thiện nữ nào, thường hay thọ trì, đọc tụng pháp môn nầy…
Người tu hành đó, được gì? Kệ nói: Tu theo người khác và mình. Được nghe là tu trí. Nghĩa nầy thế nào?
Là tướng tu được của kẻ khác và của chính mình. Thế nào là tu theo kẻ khác và chính mình? Nghĩa là nghe và tu theo thứ lớp như vậy, là theo người khác để nghe pháp, rồi mình tự suy nghĩ mà tu hành.
Vừa nói: Do danh tự mà tu hành, đó chính là mình. Kệ nói:
Đấy là tự thuần thục,
Ngoài ra hoá chúng sinh,
Việc làm thời gian dài,
Phước hơn trong mọi phước.
Bài nầy có nghĩa gì? Lấy văn tuệ hình thành từ lời nói mà tu hành, là tự mình thuần thục cho mình. Ngoài ra là nói rộng pháp để giáo hóa chúng sinh.
Được phước đức gì, là chỉ cho việc tính kể phước nầy là hơn hết thảy. Kệ nói: Việc làm và thời gian lâu dài, phước nầy hơn hết mọi loại phước. Phước đức xả thân tu pháp ấy, hơn xa phước đức xả thân bố thí. Hơn thế nào? Là về mặt sự thì vượt hơn, là bởi thời gian lâu dài, tức là trong một ngày xả nhiều thân, lại làm nhiều lúc. Như kinh nói: Nầy Tubồ-đề! Nếu có thiện nam thiện nữ nào, buổi sáng đem thân nhiều như cát sông Hằng bố thí… cho đến… nếu lại có người nghe pháp môn nầy, sinh lòng tin không chê bai thì phước nầy, hơn xa phước bố thí kia vô lượng A-tăng-kì, huống chi lại còn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu hành, diễn nói cho kẻ khác…
Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Nói tóm lại, kinh nầy có vô biên công đức, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể, so lường. Pháp môn nầy, Như Lai nói cho người phát tâm Đại thừa, người phát tâm Tối thượng thừa. Nếu ai có khả năng thọ trì, đọc tụng, tu hành kinh nầy và diễn nói rộng cho mọi người đều biết, thì Như Lai biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy đã thành tựu được vô lượng công đức, không thể nghĩ bàn, không thể tính, không có bờ bến. Những người như vậy, mới đủ năng lực gánh vác đạo Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng của Như Lai. Tại sao? Nầy Tu-bồ-đề! Nếu ai ham pháp Tiểu Thừa thì không thể thọ trì, đọc tụng, tu hành kinh nầy, không thể giảng nói cho kẻ khác được. Nếu ai còn thấy ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả mà thọ trì, đọc tụng, tu hành pháp môn nầy và giảng nói cho kẻ khác, thì không bao giờ có chuyện đó!
Nầy Tu-bồ-đề! Bất cứ ở đâu, nếu có kinh nầy thì cả thảy thế gian, Trời, Người, A-tu-la đều nên cúng dường. Phải biết rằng nơi đó chính là tháp Phật, đều phải nên cung kính đảnh lễ, đi nhiễu quanh và đem các thứ hương hoa, mà rải nơi đó.
Lại nữa, nầy Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam thiện nữ nào, thọ trì, đọc tụng kinh nầy, mà bị khinh rẻ là tại sao?
Là tội nghiệp đời trước của người ấy, đáng lẽ bị đọa vào cõi ác đạo, nên đời nầy mới bị người khinh rẻ; nhưng rồi các tội nghiệp đời trước đều sẽ tiêu tan hết và người ấy sẽ chứng được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Nầy Tu-bồ-đề! Ta nhớ ở thời quá khứ, cách đây vô lượng A-tăng-kì kiếp, ở chỗ Phật Nhiên Đăng, ta gặp tám mươi bốn ức Na-dotha trăm ngàn vạn ức chư Phật và đều thờ phụng, cúng dường, không bỏ sót vị nào. Nếu lại có người, ở đời sau và đời sau nữa, thường hay thọ trì- đọc tụng, thì công đức mà ta đã cúng dường chư Phật so với công đức nầy, không bằng một phần trăm một phần ngàn, một phần muôn ức cho đến tính đếm thí dụ cũng không bằng!
Nầy Tu-bồ-đề! Ở đời sau và đời sau nữa, nếu có thiện nam thiện nữ nào, thọ trì, đọc tụng, tu hành kinh nầy, thì phước đức của họ, nếu ta nói thật đầy đủ, nếu ai nghe được thì tâm họ sẽ cuồng loạn, nghi hoặc, không tin.
Nầy Tu-bồ-đề! Nên biết, pháp môn nầy là không thể nghĩ bàn. Do vậy, quả báo của nó cũng không thể nghĩ bàn.
Luận nói: Phải nên thành tựu nghiệp tu hành nào? Nay xin nói rõ việc ấy. Kệ nói:
Chẳng phải cảnh giới khác,
Chỉ nương lời Phật dạy,
Mong được nghe- tin pháp,
Đầy đủ cõi vô thượng.
Thọ trì pháp chân diệu,
Tôn trọng thân được phước,
Cùng xa lìa mọi chướng,
Có thể mau chứng pháp.
Thành tựu mọi uy lực,
Được báo lớn nhiệm mầu,
Nghiệp cao ngời như thế,
Đúng pháp biết tu hành.
Ba bài kệ nầy nói nghĩa gì? Nói đến việc không thể nghĩ bàn, là chỉ ra cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Không thể tính kể so lường, là chỉ riêng địa vị chư Phật, không chung cùng với Thanh Văn. Pháp nầy chỉ nói cho chúng sinh, thuộc Đệ nhất Đại Thừa. Điều nầy chỉ rõ là phải nương tựa vào chư Phật, Bồ-tát.
Đại Thừa là pháp tu hành của bậc Đại thừa rất nhiệm mầu và hơn hết.
Ai tin theo Tiểu thừa thì không có khả năng nghe pháp nầy. Đây là chỉ rõ lòng mong cầu được nghe và tin vào pháp. Như kinh nói: Nói tóm lại, kinh nầy có vô biên công đức, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể so lường. Như Lai nói cho người phát tâm Đại thừa, cho người phát tâm Tối thượng thừa.
Mong nghe là câu-lời không thể nghĩ bàn, được phước đức không thể nghĩ bàn. Đây là chỉ rõ tính đã đầy đủ, vì mọi phước đức và căn lành đã đầy đủ.
Nói câu văn, lời văn không thể nghĩ bàn, là như kinh nói: Đều thành tựu vô lượng công đức, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể, không có biên vực.
– Những người như thế, mới gánh vác nổi đạo Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng của Như Lai. Câu nầy chỉ rõ sự thọ trì chân diệu pháp.
Thọ trì pháp nghĩa là gánh vác Đại Bồ-đề. Như kinh nói: Những người như thế, mới đủ khả năng gánh vác đạo Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng của Như Lai.
Ở bất cứ nơi đâu, ai được cúng dường, nên biết người đó nhất định thành tựu vô lượng công đức. Như kinh nói: Ở bất cứ nơi đâu, mà có kinh nầy thì cả thảy thế gian- Trời- Người- A-tu-la đều nên cúng dường. Phải biết nơi đó, chính là tháp Phật, đều phải nên cung kính, lễ bái, đi nhiễu quanh, đem các thứ hương hoa rải cúng nơi đó.
Thọ trì, đọc tụng kinh nầy mà bị người khinh rẻ, là chỉ rõ phải biết lìa khỏi mọi chướng ngại. Vì sao bị người khinh rẻ là để gỡ mình ra khỏi mọi chướng ngại? Do người đó, đã có nhiều công đức lớn. Như kinh nói: Hết thảy tội nghiệp đời trước đều tiêu tan hết.
– Ở trước Phật Nhiên Đăng, cúng dường chư Phật, thì công đức ấy ít hơn công đức thọ trì kinh nầy vào đời mạt thế. Ở đây chỉ ra pháp mau chứng đạo Bồ-đề, do có nhiều phước đức trang nghiêm cho nên mau chóng đầy đủ.
Như kinh nói: Nếu có người, ở đời sau và đời sau nữa, thường hay thọ trì, đọc tụng, tu hành kinh nầy, thì công đức ta cúng dường chư Phật nói trên, thua xa công đức nầy. Không bằng một phần trăm, một phần ngàn vạn ức, cho đến tính đếm thí dụ cũng không thể bằng…
Nên biết, pháp môn nầy là không thể nghĩ bàn, nên được quả báo cũng không thể nghĩ bàn. Điều nầy làm rõ nghĩa gì? Kệ nói: Thành tựu mọi uy lực, được quả báo lớn nhiệm mầu… nghĩa là đã gồm thâu bốn Thiên Vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Phạm Thiên Vương v.v… do uy lực đã thành tựu. Nếu ai nghe việc nầy mà tâm họ mê loạn, là do quả báo việc thọ trì kinh tối thắng tuyệt diệu, không thể nghĩ bàn, điều nầy chỉ rõ, là nó không nằm trong phạm vi của trí tính kể suy lường, trụ vào pháp môn đó mà tu hành, thì thành tựu công đức như vậy. Do đấy, người tu hành các nghiệp nên biết. Như kinh nói: “Nên biết, pháp môn nầy, là không thể nghĩ bàn, nên quả báo của nó, cũng không thể nghĩ bàn.”
Kinh nói: Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng như thế nào? Trụ như thế nào? Tu hành như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?
Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Bồ-tát nên sinh tâm như vậy: Ta nên diệt độ hết thảy chúng sinh, giúp họ bước vào cảnh Niết-bàn Vô Dư. Diệt độ cả thảy chúng sinh như vậy rồi nhưng không có một chúng sinh nào, thật sự được diệt độ cả!
Tại sao vậy? Nầy Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nào có tướng chúng sinh, tướng nhân, tướng thọ giả, thì không phải là Bồ-tát. Vì sao? Nầy Tubồ-đề! Thật ra, không có pháp nào, gọi là Bồ-tát phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng cả.
Luận nói: Tại sao, trước đã nói ba thứ tu hành, nay còn nói lại nữa? Điều nầy có gì hay hơn? Kệ nói:
Nơi nội tâm tu hành,
Còn nghĩ ta: Bồ-tát,
Đó là chướng ngại tâm,
Trái với đạo không trụ.
Bài kệ nầy có nghĩa gì? Nếu Bồ-tát đối với chính mình, đã tu hành ba cách ở trên, mà còn sinh tâm nghĩ: Ta đã trụ nơi Đại thừa Bồ-tát, ta đã tu hành như thế, đã làm chủ tâm như thế. Tức là Bồ-tát đã phát sinh tâm phân biệt nên bị cản trở tu tập Bồ-đề. Kệ nói: Nơi nội tâm tu hành, còn nghĩ ta Bồ-tát, đó là cản trở tâm. Cản trở tâm nào? Kệ nói: Trái với đạo không trụ. Như kinh nói: Tại sao? Nầy Tu-bồ-đề! Thật ra, không có pháp nào gọi là Bồ-tát phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng cả.
Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Ở chỗ Phật Nhiên Đăng, Như Lai có pháp gì để được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Theo con hiểu nghĩa mà Phật nói, thì khi Thế Tôn ở chỗ Phật Nhiên Đăng, không có pháp gì để được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Nầy Tu-bồ-đề! Ở bên Phật Nhiên Đăng thật không có pháp nào để Như Lai được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có pháp nào để Như Lai được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng thì Phật Nhiên Đăng đã không thọ kí cho ta: Ở đời sau nầy, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Do không có pháp nào để được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cho nên Phật Nhiên Đăng, mới thọ kí cho ta như vậy: Ma- na- bà! Ở đời sau, ông sẽ thành Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni. Tại sao? Tu-bồ-đề thưa: Như Lai tức là thật chân như.
– Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có ai nói Như Lai được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, thì người ấy nói không thật.
– Nầy Tu-bồ-đề! Thật sự không có pháp để Phật được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
– Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng thì điều ấy không thật mà cũng không dối. Thành thử Như Lai nói hết thảy các pháp, đều là Phật pháp.
– Nầy Tu-bồ-đề! Nói hết thảy các pháp, thì hết thảy pháp ấy, tức chẳng phải hết thảy pháp, cho nên mới gọi là hết thảy các pháp.
Luận nói: Trong đây có điều nghi ngờ: Nếu không có Bồ-tát, thì tại sao Thích- ca Như Lai ở bên Phật Nhiên Đăng tu hạnh Bồ-tát? Để phá nghi nầy, kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề!Ông nghĩ sao? Ở bên Phật Nhiên Đăng, Như Lai có pháp nào để được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng không? Thưa không, Bạch Thế Tôn! v.v… Ở đây làm sáng tỏ nghĩa gì?
Kệ nói:
Do sau khi thọ kí,
Nhiên Đăng hành chưa hơn,
Các hành Bồ-đề kia,
Tướng hữu vi không thật.
Bài kệ nầy có nghĩa gì? Khi ở bên Phật Nhiên Đăng, Như Lai chưa tu hạnh Bồ-tát đệ nhất. Vì sao? Lúc ấy, trong các hạnh tu của ta, không có một pháp nào để được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Nếu ở bên Phật Nhiên Đăng, ta đã chứng Bồ-đề, thì sau nầy chư Phật sẽ không thọ kí cho ta. Cho nên lúc ấy, ta tu hành chưa thành Phật. Kệ nói: Sau khi được thọ kí, ở bên Phật Nhiên Đăng, ta chưa tu hạnh cao là vậy.
Có kẻ chê bai: Do không có Bồ-đề, nên không có Phật Như Lai. Nghĩa là vẫn một mực, họ cho là không có chư Phật.
Để phá nghi nầy, kinh nói: Tại sao? Tu-bồ-đề thưa: Như Lai tức là Chân như thật. Thật có nghĩa là không điên đảo. Chân Như có nghĩa là không bao giờ đổi khác.
Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có ai nói: Như Lai được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, thì câu ấy làm sáng tỏ nghĩa gì? Kệ nói: Các hạnh Bồđề kia. Câu ấy có nghĩa gì? Nếu ai nói hạnh Bồ-tát kia là có thật, thì đó là giả dối. Như vậy, Như Lai được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, nếu ai nói là được, thì đó cũng là giả dối. Còn nói các hạnh Bồ-đề kia, nếu ai chế nhạo là Như Lai không được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng thì… để cắt đứt nghi này, như kinh nói: Pháp Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng mà Như Lai được là không thật, không dối. Câu nầy có nghĩa gì? Do Như Lai đã được Bồ-đề. Kệ nói: Tướng hữu vi là chẳng thật. Tướng hữu vi là tướng năm ấm, pháp Bồ-đề kia không có Sắc v.v… và các tướng. Đây lại có nghĩa thế nào? Kệ nói:
Bồ-đề tướng phi tướng,
Do không nói hư vọng
Pháp đó- pháp chư Phật,
Tướng tự Thể hết thảy.
Bài kệ này, có nghĩa gì? Bồ-đề đối với Sắc… là chẳng phải tướng; đối với Vô Sắc… là tướng. Đó tức là tướng Bồ-đề. Cho nên kệ nói: Bồ-đề tức là tướng của phi tướng, vì không mà nói đó là hư dối, cho nên Như Lai nói, hết thảy các pháp là Phật Pháp v.v… Câu ấy có nghĩa gì? Do
Như Lai đã chứng được pháp như vậy. Kệ nói: Pháp đó là Pháp của chư Phật, hết thảy đều là tướng tự Thể. Tướng tự Thể là chẳng phải Thể của tự Thể. Đây là làm sáng tỏ điều gì? Là thể Chân như của hết thảy các pháp. Pháp Bồ-đề kia, Như Lai đã chứng. Cho nên nói: Hết thảy các pháp, đều là Phật pháp. Không còn trụ vào tướng của các Sắc xứ v.v… Hết thảy các pháp của Sắc v.v… là chẳng phải pháp. Như vậy, các pháp là chẳng phải pháp, tức là pháp của các pháp, do nó không có tướng của pháp, nên thường không nắm giữ tướng của pháp.
Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ví như người có thân to đẹp.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân to lớn đẹp đẽ, chẳng phải là thân to đẹp, thế nên Như Lai nói là thân to đẹp.
Luận nói: Thí dụ về thân to lớn, để nói rõ nghĩa gì? Kệ nói:
Nương tựa Pháp thân Phật,
Nói thí dụ thân lớn,
Thân lìa hết mọi chướng,
Và trùm khắp các cảnh.
Công đức và Thể lớn,
Do vậy nói thân to,
Chẳng phải thân là thân,
Nên nói chẳng phải thân.
Hai bài kệ nầy có nghĩa gì? Là hoàn toàn xa lìa khỏi chướng ngại của phiền não, chướng ngại của trí hiểu biết, là Pháp thân đầy đủ hoàn toàn. Đây lại nói đến nghĩa gì? Có hai thứ nghĩa: Một là trùm khắp hết thảy. Hai là công đức lớn, nên gọi là thân lớn. Kệ nói: Công đức và Đại Thể là vậy.
Trùm khắp hết thảy, là chân như của mọi pháp, đều không khác nhau nên Kệ nói: Chẳng phải thân tức là thân, do vậy mới nói là chẳng phải là thân. Như kinh nói: Thế Tôn, Như lai nói thân người lớn đẹp, tức chẳng phải thân lớn đẹp cho nên Như Lai mới nói là thân lớn đẹp. Câu nầy có nghĩa gì? Chẳng phải thân là không có các tướng.
Gọi chẳng phải thân lớn, là có Thể Chân Như như vậy tức là thân lớn đẹp. Như kinh nói, gọi là thân lớn đẹp.
Kinh nói: Phật bảo: Nầy Tu-bồ-đề: Bồ-tát cũng như vậy. Là nếu nói: Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sinh, thì đó chẳng phải là Bồ-tát.
Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Lại có thật pháp nào gọi là Bồ-tát chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Thật không có pháp nào gọi là Bồ-tát. Thế nên, Phật nói: Hết thảy các pháp, là không ngã, không chúng sinh, không nhân, không thọ giả.
Nầy Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nghĩ: Ta trang nghiêm cõi nước Phật, thì không gọi là Bồ-tát. Tại sao vậy? Vì Như Lai nói: Trang nghiêm cõi nước Phật, thì trang nghiêm cõi nước Phật đó, tức chẳng phải là trang nghiêm, nên mới gọi là trang nghiêm cõi nước Phật.
Nầy Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông suốt lí vô ngã, pháp vô ngã, thì Như Lai gọi đó chính là Bồ-tát, Bồ-tát thật sự.
Luận nói: Trong đây có điều nghi: Là nếu không có Bồ-tát, thì chư Phật cũng không thành Đại Bồ-đề, chúng sinh cũng không bước vào Đại Niết-bàn, cũng không có cõi nước Phật thanh tịnh. Nếu như vậy, thì có ý nghĩa gì? Các Đại Bồ-tát phát tâm, là để khiến cho chúng sinh bước vào Đại Niết-bàn, khởi tâm tu hành cõi nước Phật thanh tịnh…
Từ đây trở xuống, kinh văn tập trung cắt bỏ nghi nầy. Cắt bỏ nghi đó như thế nào? Kệ nói:
Không đạt chân pháp giới,
Khởi ý độ chúng sinh,
Làm thanh tịnh cõi Phật,
Sinh tâm là điên đảo.
Bài kệ nầy có nghĩa gì? Nếu khởi tâm như thế tức là điên đảo, chẳng phải là Bồ-tát. Vậy phải khởi những tâm gì mới gọi là Bồ-tát? Như kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thấu suốt lí vô ngã, pháp vô ngã, thì Như Lai gọi đó chính là Bồ-tát, Bồ-tát. Đây nói rõ nghĩa gì? Kệ nói:
Chúng sinh và Bồ-tát,
Biết các pháp vô ngã,
Chẳng Thánh trí tự tin,
Thành Thánh do có trí.
Bài kệ nầy làm rõ nghĩa gì? Khi thấu suốt lý vô ngã, pháp vô ngã, thì giữa chúng sinh và Bồ-tát, những ai là chúng sinh, những ai là Bồ-tát? Đối với pháp ấy tin bằng trí hiểu biết của mình, ví như hiểu biết chuyện thế gian là trí phàm phu, hiểu biết chuyện xuất thế gian là trí Thánh nhân, người đó gọi là Bồ-tát. Định nghĩa nầy thâu gồm cả Bồ-tát thế đế và Bồ-tát xuất thế đế. Do vậy, nên lặp lại hai lần Bồ-tát, Bồ-tát. Như kinh nói: Như Lai gọi đó là chính thật Bồ-tát, Bồ-tát.