HOA NGHIÊM KINH YẾU GIẢI
華嚴經要解
宋溫陵白蓮寺比丘戒環集
Đời Tống, tỳ-kheo Giới Hoàn chùa Bạch Liên ở Ôn Lăng biên tập
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

 

Thay lời dẫn nhập

Khi bộ Di Đà Sớ Sao được chuyển ngữ, một đồng tu quen biết chúng tôi đọc xong tác phẩm ấy, đã vô cùng hâm mộ kinh Hoa Nghiêm. Nhất là sau khi phẩm Tịnh Hạnh được chuyển ngữ, chị càng ao ước có một tài liệu khái lược kinh Hoa Nghiêm hòng dễ ghi nhớ, góp phần củng cố niềm tin nơi Tịnh Độ. Tuy bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao của ngài Thanh Lương đã có bản dịch tiếng Việt, nhưng theo chị, văn chương của Tổ quá cô đọng, cao huyền, bản dịch tiếng Việt thiếu hẳn chú thích, lời văn lại không trôi chảy, rõ ràng cho lắm, khiến cho nhiều chỗ chị đọc đi đọc lại mà không hiểu ý Tổ muốn dạy điều gì.

Bài giảng kinh Hoa Nghiêm của Hòa Thượng Tịnh Không lại quá dài, quá rộng, nên nghe giảng xong, rất khó nắm vững và ghi nhớ ý chính trong mỗi phẩm kinh. Hơn nữa, cho đến nay, lão hòa thượng giảng kinh Hoa Nghiêm chưa hoàn tất, mà những phần Hòa Thượng đã giảng cũng chưa được chuyển ngữ đầy đủ. Do đó, muốn học thấu đáo kinh Hoa Nghiêm đã khó, lại càng khó hơn. Vô tình, chúng tôi tìm thấy bản Hoa Nghiêm Kinh Yếu Giải của pháp sư Giới Hoàn đời Tống vừa ngắn gọn, vừa hệ thống hóa giáo nghĩa trong kinh Hoa Nghiêm khá đơn giản và rành rẽ, nên đánh liều dịch ra.

Ưu điểm của tác phẩm này là đã nêu ra những điểm chánh yếu của mỗi phẩm, vạch ra rành rẽ cấu trúc của kinh, khiến cho người đọc gần như có một tấm bản đồ về Hoa Nghiêm trong tay. Điểm đáng tiếc là có những giáo nghĩa hết sức đặc sắc như tứ pháp giới vô ngại, thập huyền môn… lại hoàn toàn không được ngài Giới Hoàn nhắc tới.

Chúng tôi chỉ hy vọng bài chuyển ngữ thô lậu này sẽ giúp cho những ai căn cơ hèn kém như chúng tôi dễ nắm được những ý chính của kinh Hoa Nghiêm để rồi khi có cơ duyên đọc bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao sẽ thấy dễ hiểu hơn.

Mùa Vu Lan năm 2018, Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
kính bạch.

Lời mở đầu

Mùa Đông năm Canh Tuất, tiên sư là lão hòa thượng Minh Quán thị tịch, ngoài chuyện bận bịu lo liệu tang ma, buồn thương, lo nghĩ vấn vít nhiều nỗi. Do vậy, nhớ lại trong các trước tác do thầy để lại, đã từng ghi chép khi Ngài hành hóa tại Chiết Đông, có hành trì, tu tập Hoa Nghiêm đạt được cảnh giới thần diệu chẳng thể nghĩ bàn, ngay lập tức dấy khởi phép Quán, nghiệp tận, tình không, rỗng rang vô ngại.

Do vậy, tôi liền ẩn cư tại giảng đường Quang Minh ở Hương Cảng, đọc tụng đại kinh để hồi hướng cho thầy tôi, vừa đọc, vừa ghi chép để giúp cho việc cầu học, nghiên cứu, và cũng tra duyệt toàn bộ các trước thuật thuộc loại biên tập những điểm trọng yếu trong kinh Hoa Nghiêm để làm tài liệu tham cứu. Trong số đó, có bộ Hoa Nghiêm Yếu Giải của tỳ-kheo Giới Hoàn ở Ôn Lăng đời Tống, giải thích khéo léo, ý nghĩa phong phú, đọc đi đọc lại chẳng chán. Do vậy, tôi vội đem in ra nhằm mong giúp đỡ người đọc sau này, tôi cũng đem chương Hoa Nghiêm Tam Muội của quốc sư Hiền Thủ1 in ghép vào sau, hòng cùng mở toang kho báu vậy.

Tháng Mười Một năm Phật lịch 2514 (1971), Thích Linh Chân viết tại Chân Lô núi Đại Dự.