Tu Tập Hồi Hướng Công Đức
Theo Tinh Thần Bồ Tát

Thiện Phúc

 

Theo Phật giáo, hồi hướng được làm với lòng ước nguyện để chuyển đổi những thiện hành trở thành nguyên nhân để giúp một người đạt được toàn giác. Hồi hướng được làm cũng để có ước nguyện rằng thiện căn của các bạn sẽ không bị biến mất.

Nói cách khác, trong Phật giáo tu tập Hồi Hướng cũng có nghĩa là tu tập Bố Thí. Hành giả tu tập Hồi Hướng với mục đích cuối cùng là đạt được giác ngộ tối thượng. Tuy nhiên, trước hết, trong tu tập, nhằm tạo nhân lành cho tha nhân tiếp tục tiến tu trên đường tu tập, hành giả phải vì tất cả chúng sanh hữu tình mà hồi hướng những thiện căn của mình bằng sự hợp nhất của phương pháp và trí tuệ. Theo truyền thống Tây Tạng, cái được hồi hướng là thiện căn của một người được hồi hướng. Sở dĩ chúng ta hồi hướng thiện căn để chúng không bị mất đi. Phật tử chúng ta hồi hướng vì tất cả chúng sanh hữu tình; tuy nhiên, mục đích cuối cùng của chúng ta vẫn là đạt được giác ngộ tối thượng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không hồi hướng? Bồ Tát Shantideva nói rằng: “Cho dù có bao nhiêu hành vi xuất sắc mà các bạn đã thực hiện trong vô lượng kiếp, nhưng sự bố thí hay cúng dường Như Lai đó, tất cả sẽ tàn lụi trong một cơn giận dữ.” Điều này xảy ra nếu chúng ta không chịu hồi hướng thiện đức của mình.

Do đó, chúng ta phải hồi hướng những thiện căn của mình nếu chúng ta không muốn những thiện căn này bị hủy diệt đi bởi một cơn giận dữ. Khi chúng ta hồi hướng, giống như là thiện căn của chúng ta được bỏ vào một nơi an toàn. Chúng ta hòa trộn thiện căn của mình với thiện căn của những đấng Chiến Thắng và những pháp tử của các ngài. Giống như một giọt nước, thiện căn của bản thân của chúng ta, được hòa trộn với biển cả, thiện đức của những đấng Chiến Thắng, và như vậy giọt nước sẽ không biến mất cho đến khi nào biển cả khô cạn. Theo giáo thuyết nhà Phật, hồi hướng và cầu nguyện có đầy quyền năng. Qua quyền năng của hồi hướng và cầu nguyện mà ngài Xá Lợi Phất đã trở thành bậc đại trí tuệ trong các bậc trí tuệ. Thiện đức của chúng ta cũng giống như một con ngựa và sự cầu nguyện của chúng ta như là dây cương. Một thí dụ khác là vàng. Nó có thể được tạo thành một bức tượng hay một đồ dùng thông thường. Tất cả tùy thuộc vào người thợ bạc. Điều này giống như trường hợp của những kết quả của công đức của chúng ta.

Tùy thuộc vào sự hồi hướng và cầu nguyện của chúng ta, kết quả của công đức chúng ta sẽ cao hay thấp. Chúng ta, những người Phật tử thuần thành nên luôn nghe theo lời chỉ dẫn của các bậc cổ đức trong Phật giáo cũng như trong các kinh điển Phật giáo mà hành trì một cách thông minh, nghĩa là phải chọn những cách tu thích hợp với trường hợp cá nhân của mình.

Nếu cần thì có thể sửa đổi cho phù hợp. Hạ thủ công phu cho tới khi nào những phiền não căn bản như tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến đều bị nhổ tận gốc, thì tự nhiên ta thấy thân tâm vượt thoát khỏi ngục tù của sinh tử, ngũ ấm và tam giới. Nói tóm lại, hễ Hình Ngay thì Bóng Thẳng.

Nếu bạn muốn gặt quả vị Phật, bạn phải gieo chủng tử Phật. Hình đẹp xấu thế nào, bóng hiện trong gương cũng như thế ấy, lời Phật dạy muôn đời vẫn thế, biết được quả báo ba đời, làm lành được phước, làm dữ mang họa là chuyện đương nhiên. Người trí biết sửa đổi hình, kẻ dại luôn hờn với bóng. Trước cảnh nghịch cảnh thuận cảnh, người con Phật chơn thuần đều an nhiên tự tại, chứ không oán trời trách đất. Ngược lại, người con Phật chơn thuần phải dụng công tu hành cho đến khi thành Phật quả.