Giá Thú
(Sau khi, Thanh nam, Thiếu nữ đã thương nhau, cha mẹ đôi bên đã chứng lễ thành hôn rồi; bấy giờ cả họ đều dẫn nhau đến chùa Phật trong xứ, đối trước Tam Bảo: phái thiện nam, phái tín nữ phân biệt ngồi sắp hàng hai bên; ở giữa; gần ngoài, cặp tân lang tân phụ ngồi giữa ngó vô bàn Phật, còn hai nhà sui gia ngồi hai bên ngó qua lại kế trước đôi trẻ. Sát trước bàn Phật thì, thiết một pháp tọa: trên thỉnh một vị pháp sư ngồi, dưới kế đó các vị tăng chúng ngồi…
Trước hết, đâu đó đều đứng dậy tại chỗ, hướng mặt vào bàn Phật, còn Pháp sư đứng trước bàn Phật, xướng lạy các danh hiệu của Tam Bảo:)
Nhứt tâm đảnh lễ thập phương thường trụ chư Phật. (1 lạy)
Nhứt tâm đảnh lễ thập phương thường trụ tôn pháp. (1 lạy)
Nhứt tâm đảnh lễ thập phương thường trụ hiền thánh tăng. (1 lạy)
Nhứt tâm đảnh lễ bổn sư Thích -ca Mưu -ni Phật Thế Tôn. (1 lạy)
Nam mô Thất ca chi Phật mẫu đại Chuẩn đề Bồ -tát. (1 lạy)
(Tiếp tụng ba biến chú Chuẩn Đề, để cầu cho đôi trẻ đều được như ý muốn, vì uy thần của chú này, linh ứng thích họp theo như ý muốn của người, nên thần chú này tỷ là “ngọc như ý” nghĩa là: ngọc “ma ni bửu chú”, dịch là như ý; nguyên ngọc này kết tinh sanh ở trong óc của Đại bằng kim súy điểu; về sau, Long Vương lấy ngọc ấy để nơi lổ tai. Thiện Hữu thái tử xuống thỉnh về, để cầu ngọc ấy hiện ra đủ thức cần dùng, bố thí cho chúng sanh, tùy ý muốn chi thì, ngọc nó hiện cho vật nấy, nên gọi là “ngọc như ý”. Mà Thần chú này hiển hiện cũng như thế, nếu thành tâm đọc để cầu nguyện.)
Khể thủ qui y tô tất đế, đầu diện đảnh lễ thất cụ chi, ngã kim xưng tán đại Chuẩn đề, duy nguyện từ bi thùy gia hộ. Nam mô táp đa nẫm, tam miệu tam bồ đề, cụ chi nẫm đát điệt tha án, chiết lệ chủ lệ Chuẩn Đề, ta bà ha.
(Pháp sư chứng truyền cho cặp tân lang phụ thọ lãnh pháp tam qui: đôi trẻ tự mình rập tiếng đồng xướng:)
Đệ tử qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. (xướng 3 lần)
Đệ tử qui y Phật cánh, qui y pháp cánh, qui y tăng cánh. (3 lần)
Nay con: tin về Phật, tin về Pháp, tin về tăng. _ Nay con: về với Phật rồi, về với Pháp rồi, về với tăng rồi. Chúng con đồng thụ một giới ” bất tà dâm”.
(Nếu có thể thọ đủ năm giới thì, xướng lên mà thọ luôn: còn như chưa kham đặng, thì, ít nhứt, cũng phải lãnh 1 giới thứ 3 đó, để giữ trọn đời. Đoạn rồi, đâu an vị lại đó, để nghe thầy Pháp Sư giảng đạo lý do Phật dạy cho mỗi phần tử giữa gia đình, gia tộc, nhân quần, xã hội và đạo đức:
Kinh ưu bà tắc giới, ghi lời của đức Thích -ca Mưu -ni dạy cho Trưởng giả tử là Thiện Sanh về phương pháp “tăng trưởng gia tài, thân mạng” phải thực hành những điều kiện dưới đây:
Phật kêu Trưởng giả tử mà bảo: Thiên Sanh! Phàm là người có trí thức, nên đoạn trừ cho triệt để sáu điều tệ ác nầy:
1′) ưa thích ghiền gập say sưa;
2′) ưa thích đánh, chứa cờ bạc;
3′) ưa thích ngủ sớm dậy trưa;
4′) ưa rủ bạn du hí du thực về nhà;
5′) ưa giao thiệp với ác hữu;
6′) ưa giết súc vật để ngon miệng và ưa ham phỉnh gạt phụ nữ của người để làm đĩ điếm”.
Với Cha Mẹ, bổn phận làm con có năm điều:
1′) Chăm lòng hiếu kính, sớm viếng tối thăm, làm sao cho Cha Mẹ thường được vui lòng.
2′) Mỗi bữa, thức dậy sớm, đốc suất người giúp việc, công việc làm ăn, chăm nom cần kiệm.
3′) Thay thế Cha Mẹ những việc nhọc nhằn.
4′) Thường nhớ ân đức của Cha Mẹ sanh thành dưỡng dục rất khổ.
5′) Cha Mẹ khi đau ốm, phải chăm lo trông giữ, cơm cháo thuốc men.
Với con, Cha Mẹ cũng có năm điều:
1′) Nên dạy con bỏ những thói: xấu, hèn, dở, dữ, mà tập rèn các nết: tốt, hay, hiền lành.
2′) Nên dạy con gần gũi người trí thức.
3′) Nên nhắc con cần mẫn học hành.
4′) Nên định gia thất họp với ý con.
5′) Tùy tài sản sở hữu, công bình cho con cái.
Đạo thờ thầy, phận làm trò có năm điều:
1′) Kính mến đức và, sợ nể uy của thầy.
2′) Phải tuân theo lời chỉ giáo.
3′) Giặt quần áo, hầu hạ siêng năng.
4′) Ham học hỏi, tìm tòi, chớ chán lười.
5′) Thầy qua đời rồi, thường trông gương lành đức tốt.
Với đệ tử, phận làm thầy cũng có năm điều:
1′) Thương dạy không biết mỏi, cần cách dạy sao cho học trò mau thông hiểu.
2′) Cốt sao cho đệ tử của mình chóng hay hơn đồ đệ của người.
3′) Nhắc nhở khuyến khích, để cho học trò đừng quên điều đã thấy biết.
4′) Chỗ nào nghi ngờ, mắt mỏ, nên giải thích cho rành rõ.
5′) Muốn cho đệ tử sẽ khôn khéo sáng suốt hơn mình.
Với chồng, phận làm vợ có năm điều:
1′) Chồng đi làm việc về, nên đứng dậy, ra tiếp đón.
2′) Chồng đi khỏi, nên lo quét dọn, cơm nước, kính đợi nhau.
3′) Nên thủ tiết kiên trinh, chứ nên ngoại tình hoa nguyệt.
4′) Chồng có quở trách: phải thì, xin lỗi, chăng thì, lời lẽ nhỏ nhẹ phân trần; chớ chẳng nên nổi giận nói trả theo. Phải vâng lời chồng dạy bảo; không được lấy của chung, giấu để xài riêng.
5′) Mỗi tối, nên xem xét nhà cửa, đâu đấy kiểm điểm rồi, sẽ đi ngủ.
Với vợ, người chồng có năm điều:
1′) Khi đi, lúc về nên kính đón lẫn nhau.
2′) Chớ nên ăn uống trái giờ, hành hạ vợ nhọc lòng nấu dọn.
3′) Vợ muốn cần dùng y phục, đồ nữ trang, nên tùy sức, tùy phận cho sắm.
4′) Những của sở hữu đều phú cho vợ chiếu cố.
5′) Không nên theo ngoại tình mê đắm khiến nội trợ ghen tương.
Bà con, bậu bạn, chòm sóm giữa chúng nhân
đối đãi với nhau, chung có năm điều:
1′) Có người làm việc tệ ác, nên giảng dứt lẫn nhau.
2′) Có người xảy gặp cơn rủi ro, như tai nạn, tật bịnh, nên chăm nom, cơm thuốc, tiếp giúp với nhau.
3′) Không được đem chuyện trong nhà của người nọ, để nói hành với người kia.
4′) Thường thân mật qua lại, kính khen lẫn nhau về việc tốt, điều hay đã làm; dẫu có điều xung đột chi, nên nhẫn nhịn lẫn nhau, chẳng nên cố chấp giận thù.
5′) Giữa chúng nhân, kẻ giàu người nghèo, giai cấp bất đồng, nên giúp lẫn nhau, có miếng ngon vật lạ gì, cũng nên chia sớt, cùng hưởng với nhau.
Với tôi tớ hầu hạ, phận làm chủ nhân có năm điều:
1′) Muốn sai bảo ra làm việc gì, nên biết trước những cơn: đói, khát, lạnh nực của chúng nó đã.
2′) Lúc mà chúng có bịnh hoạn, nên mời thầy thuốc điều trị; nuôi nó như nuôi con.
3′) Không đặng đánh, mắng ngang tàn: chúng có sái quấy điều chi, nên xét cho rõ hư thật, đáng tha thứ thì thôi, như không thể dung, sẽ răn trị nó.
4′) Chúng có chút ít của riêng gì, chẳng đặng hà lạm đoạt đi.
5′) Cấp cho vật gì phải công bình.
Đối với chủ nhân, phận nô bộc có năm điều:
1′) Mỗi buổi sớm, phải lo thức dậy trước, chớ đợi chủ nhà kêu.
2′) Những việc gì nên thì, tự mình gia tâm làm, chớ để chủ nhà nhọc lòng sai, nhắc.
3′) Tiết thương tài vật của chủ nhà, chớ nên khinh thường vứt bỏ.
4′) Chủ nhà lúc ra vào, cần phải đón rước.
5′) Chỉ nên xưng tụng cái đức tốt chung, chẳng nên hủy bán cái tật xấu riêng của chủ nhơn ông.
Đối với phái xuất gia tăng dà, thiện tri thức,
phái tại gia cư sĩ có năm điều:
1′) Đem cái tâm chân thực, để cung kính hướng ứng.
2′) Tôn trọng vâng thờ, chớ nề cực nhọc.
3′) Thường hỏi học đạo lý, nhứt là vấn đề tà chính, mê giác, nên hỏi cho rành.
4′) Nên chăm nghe, gắng nhớ, để rán tu.
5′) Xin giải quyết về tông chỉ “niệm Phật vãng sanh” rồi, chuyên tu “trì danh” cho tiện.
Với phái cư sĩ, nhà sư đáp lại bằng năm điều này để mở mang chỉ vẽ:
1′) Dạy tu phép “lục độ” là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ.
2′) Dạy: đi, đứng, ngồi, nằm, nói, cười, chào, hỏi cho nhằm uy nghi, lễ hạnh, để khỏi nết thô, tướng tục.
3′) Dạy: lời nói nên coi chừng nhau với việc làm, nghĩa là, nên nói ít mà làm nhiều, chẳng nên làm ít mà nói nhiều.
4′) Dạy nên siêng đảnh lễ Tam Bảo; thương xót cả thảy chúng sanh, dù nhỏ như kiến ong.
5′) Dạy: từ tu niệm Phật, cho đến làm được việc lành chi, cũng đều hồi hướng về tịnh độ, để sau khi đắc bồ đề đạo rồi, trở lại thế giới này, đặng mà giải thoát cho chúng sanh.
Phật thuyết đến đó, kêu con của ông Trưởng giả mà dặn dò lại rằng: “Thiện Sanh! Như trên các điều khoản là, để tạo thành hạnh phúc, tăng trưởng tài mạng cho nhân đạo giữa gia đình cũng như giữa xã hội! Nếu chư thiện nam, tín nữ đều thật hành các biện pháp ấy”.
Đến đây là rồi, đại chúng và hai họ đều đứng dậy bái tạ Tam Bảo, lui ra đàm đạo, giải tán.)