Duyên khởi của Nghi Hưng Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã

Phật pháp là tâm pháp. Tâm pháp ấy ai nấy đều sẵn đủ, không ai chẳng có; là gốc của hết thảy các pháp thế gian hay xuất thế gian, chỉ mình đức Thích Ca Thế Tôn ta triệt ngộ, triệt chứng. Do thương xót sâu xa chúng sanh mê muội nên [đức Phật] tùy thuận căn cơ của chúng sanh, giảng những pháp nói về tự tánh của chính cái tâm này và Ngũ Giới, Thập Thiện, Lục Độ, vạn hạnh, cũng như nhân quả ba đời, luân hồi trong lục đạo, cùng với tín nguyện niệm Phật, vượt thoát tam giới theo chiều ngang v.v…

[Phật pháp] được truyền vào Trung Quốc từ thời Đông Hán hai ngàn năm qua, vua, quan, vĩ nhân, bậc trí huệ các đời phần nhiều đều sùng phụng, tu trì, lưu thông rộng rãi. Thử đọc các sách vở, chỉ qua một chuyện tạo dựng chùa tháp trong các đời, ta đã có thể hình dung được Phật pháp trong thuở trước hưng thịnh [như thế nào]! Từ cuối đời Thanh đến nay, vận nước ngày một suy, chiến tranh liên tiếp nổ ra, bậc triết nhân mất đi, bọn tầm thường ngày một đông đảo, tất cả tăng chúng đại đa số đều chẳng tự chấn chỉnh, hưng khởi, tự ruồng rẫy, tự vứt bỏ, đến nỗi Phật pháp bại hoại sát đất. Tăng chúng đã thiếu người đề xướng; Nho sĩ trọn chưa hề đọc kinh Phật, chẳng hề một lần thân cận bậc cao tăng, chỉ vâng giữ những lời lẽ cong vạy của gã Xương Lê (Hàn Dũ), coi Phật pháp là dị đoan, hại đời, hại đạo, đến nỗi những kẻ tầm thường trong xã hội đồng thanh phụ họa, trở thành hiện tượng xấu ác “đuổi Tăng, chiếm đoạt tài sản, hủy Phật, diệt pháp”, đạo đức đắm chìm, chôn vùi, cũng như có lắm hành động trái nghịch, vượt phạm vi [đạo đức] của Nho Giáo hết sức bắng nhắng trong cõi trần.

Nếu hết thảy mọi người ai nấy đều tuân thủ Ngũ Giới, Thập Thiện, biết rõ sự lý nhân quả ba đời và lục đạo luân hồi thì lẽ đâu có những hiện tượng còn thua cầm thú ấy! Truy cứu đến cái gốc họa, chẳng thể không quy tội cho những lời lẽ cong vẹo của gã Xương Lê! Lại có những kẻ ngu phu ngu phụ tuy có tâm chuộng điều lành, nhưng chẳng được biết tới Phật pháp chân thật, thường tưởng luyện đan vận khí là Phật pháp. Tuy có lòng tốt nhưng chỉ bồi đắp được chút phước thế gian hoặc lọt vào ma đạo, đáng cảm khái, than thở sâu xa lắm thay! Do mỗi nơi có nhân duyên riêng biệt mà có chỗ trước kia Phật pháp được hưng khởi lớn lao rồi rốt cuộc trọn chẳng còn tiếng tăm, dấu vết, hoặc chỉ còn đôi chút hình tướng đến nỗi đại đa số mọi người như đang ở trong đêm dài chẳng thấy được mặt trời; há có phải là Phật pháp bất hạnh hay là lũ chúng ta đại bất hạnh vậy?

Cần biết rằng: Phật pháp chính là pháp tận lực giữ vẹn luân thường, là pháp ngầm giúp đạt đến bình trị tột bậc, là tin tưởng một cách trí huệ, chẳng phải là mê tín, là tích cực, chứ không phải tiêu cực, là cứu thế, chứ không phải yếm thế, là làm cho người khác cùng được tốt lành, chứ không chỉ nhằm tốt lành cho riêng mình, là hợp với nhân sanh, chứ không phải trái nghịch nhân sanh. Do người đời chẳng biết chân tướng của Phật pháp nên đến nỗi đối với pháp “có ích lớn lao cho quốc gia, xã hội, cũng như hữu ích cho thân tâm, tánh mạng của mỗi người” này, lại gán cho đủ mọi cái tên xấu xa để chê bai, bài xích, khiến tự lầm, lầm người, chẳng đáng buồn ư? Tri kiến của những kẻ cùng hàng thật nông cạn. Lúc thoạt đầu do chưa từng nghiên cứu nên cũng ôm giữ những thứ tri kiến như trên. Nếu hơi nghiên cứu một chút thì mới biết vua, quan, vĩ nhân, bậc trí trong các đời đều phụng hành, tu trì, lưu truyền rộng rãi ngõ hầu có thể thấu hiểu tận cùng chân lý trong vũ trụ, giải quyết được nguyên do của nhân sanh, cải cách được lề thói xã hội, củng cố nền tảng nước nhà, thúc đẩy nền văn minh trên thế giới, hiểu rõ trọn khắp cội nguồn của các pháp.

Than ôi! Thế giới ngày nay chẳng phải là một thế giới đáng sợ hãi lớn lao ư? Trung Quốc ngày nay chẳng phải là Trung Quốc đang theo kiểu mẫu địa ngục ư? Lòng người ngày nay chẳng phải là lòng người theo lề thói ma thuật ư? Chúng ta ở trong hoàn cảnh hiểm ác này, nếu chẳng cực lực đề xướng Ngũ Giới, Thập Thiện, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, tỏ rõ sự lý luân hồi lục đạo do đức Phật đã nói thì con người sẽ chẳng khác gì cầm thú! Dùng những điều này để tụ tập những người cùng chí hướng, tùy phần, tùy sức đề xướng tu trì. Nhưng trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, chỉ có một pháp “dốc lòng tu điều lành thế gian, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương” là thiết yếu nhất, là phổ thông nhất, thực hiện dễ nhất mà lại đạt thành tựu dễ nhất. Ấy là vì nếu chẳng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận thì còn là tội nhân trong thế gian, làm sao mong được Phật gia hộ? Nếu chẳng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ai có thể đoạn sạch Phiền Hoặc, liễu sanh thoát tử ngay trong đời này?

Do vậy, đức Phật ta nghĩ thương những kẻ chẳng thể nhanh chóng đoạn Phiền Hoặc, đặc biệt nói ra pháp “cậy vào Phật từ lực để liễu sanh tử” này, ngõ hầu hết thảy dù phàm hay thánh đều cùng có thể hoàn tất [đạo nghiệp] ngay trong đời này. Viễn công đại sư đời Tấn tận lực hoằng dương pháp này. Từ đời Tấn tới nay, hơn một ngàn năm trăm năm, những bậc cao nhân Tăng – tục kế tiếp nhau hoằng dương. Cho đến ngày nay chúng ta đều cùng được Văn Huân tu trì, may mắn chi hơn?