Duyên khởi của Huệ Tế Cư Duyệt Kinh Thất

Phật pháp chính là pháp chung của hết thảy tứ thánh lục phàm trong mười pháp giới, không ai chẳng nên học, mà cũng không một ai chẳng thể học được vì Phật pháp chính là tâm pháp. Con người ai không có tâm? Nhưng ai là kẻ nhận biết cái tâm? Trong cõi đời cố nhiên chẳng thiếu kẻ thông minh, thấu hiểu rộng rãi, nhưng do họ chuyên chú trọng rong ruổi tìm cầu bên ngoài, chẳng biết xoay lại chiếu soi bên trong, dẫu suốt ngày sử dụng cái tâm, suốt ngày nói tới cái tâm, nhưng rốt cuộc chẳng biết tâm là vật gì! Vì sao vậy? Vì chỉ có tri thức biện định sự vật, chứ trọn chẳng có trí huệ thấu hiểu tận cùng tâm tánh. Thiên hạ ngày nay đã loạn lạc đến tận cùng, phế kinh điển, phế luân thường, bỏ lòng hiếu, vứt lòng thẹn, đúng là muốn cho con người trong khắp cả cõi đời trọn chẳng khác gì các loài cầm thú mới thôi! Ôi, đáng than thay!

Xét kỹ nguyên do bình trị hay loạn lạc từ xưa đến nay, không lúc nào chẳng lấy gia đình làm căn cứ. Nếu mọi người dân đều dốc lòng hành hiếu – hữu, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, biết nhân, rõ quả, sửa ác, hướng lành, như vậy thì cõi đời nào chẳng bình trị, gia đình nào chẳng được hưng thịnh, có khi nào nhân tài chẳng dấy lên đông đảo, có lẽ đâu thiên hạ chẳng hưởng thái bình ư? Hiện thời, thiên tai nhân họa liên tiếp xảy ra đều là vì những gã theo Lý Học đả phá, bài xích nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi, khiến cho bậc thượng chẳng gắng sức, biếng làm lành, bậc hạ không có gì để kiêng sợ, dám làm chuyện ác! Kéo dài đã lâu gần như đã tan nát, đến khi gió Âu vừa thổi đến thì cái đạo làm người hầu như chấm dứt. Xét đến cội nguồn chính là vì bọn Lý Học bàn xuông lý tánh, vứt bỏ nhân quả mà ra! Học thuyết gây lầm lạc đến mức như thế, chẳng đáng sợ hay sao?

Nay muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm để thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui, mà bỏ đạo “tu chân ngay trong cõi tục, hiểu nhân rõ quả” của đức Như Lai thì làm sao yên được? Ấy là vì đức Như Lai gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành, đối với mỗi người đều dạy trọn hết chức phận của chính mình thì gia đình hết sức hòa thuận, con người quen thói lễ nghĩa, nhân nhượng. Tiến hơn bước nữa là tu pháp môn Tịnh Độ thì chính là dùng pháp thế gian để tu pháp xuất thế gian, chẳng lìa những xử sự luân thường trong hằng ngày mà vào thẳng biển pháp của Như Lai. Dẫu cho căn cơ kém hèn cũng có thể cậy vào Phật từ lực để được liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này.

Cư sĩ Ngô Huệ Tế sau khi được nghe Phật pháp, buồn thương sâu đậm vì hết thảy những người cùng hàng chưa được thấm gội ân Phật giáo hóa. Do vậy, đặc biệt thỉnh các loại sách Phật đơn giản, gần gũi để tặng cho hàng sơ cơ nhằm mong họ sẽ từ cạn mà tiến vào sâu, do học phép bậc Hạ mà sẽ thấu đạt những pháp bậc Thượng. Lại tính cất riêng một gian nhà ở trong nhà của chính mình, đề biển là Huệ Tế Cư, tích tập các thiện thư chánh tri kiến và những sách Phật khế lý khế cơ nhằm mong những người cùng họ, cùng thôn đều cùng được xem đọc, sẽ cùng sốt sắng giữ vẹn hạnh hiếu hữu, cùng tu Tịnh nghiệp, ngõ hầu khi sống sẽ dự vào bậc thánh, bậc hiền, khi mất sẽ về cõi Cực Lạc. Dụng tâm đáng gọi là khẩn thiết, châu đáo, thiết tha!

Mong sao các thiện sĩ đến đây xem kinh ai nấy đều sanh lòng cung kính, sanh ý tưởng khó gặp gỡ, đối với những pháp nên vâng giữ ắt sẽ tận tụy thực hành, đối với những điều nên kiêng dè ắt sẽ đoạn trừ hết sạch. Do vậy [những chuyện như] mong thành thánh thành hiền, liễu sanh thoát tử, trong thân hiện tại sẽ vĩnh viễn hưởng lắm phước, con cháu được hưởng tốt lành lâu dài sẽ đều đạt được. Ấy là vì dùng chánh trí huệ để tu hành đại đạo luân thường của thế gian và diệu pháp Tịnh Độ xuất thế gian viên đốn nhất, giản tiện nhất. Do vậy, đối với thân, đối với nhà, đối với mọi người, đối với sanh tử đều giúp đỡ trọn khắp. Ý nghĩa của [tên gọi] Huệ Tế Cư là như vậy đấy, chứ không phải ông ta xằng bậy dùng pháp danh của mình để đặt tên cho [duyệt kinh thất], muốn cho người khác nhớ mãi chẳng quên đâu nhé! Vì vậy, tôi nêu tỏ ý nghĩa ẩn kín này để thưa cùng những bậc thông sáng mai sau! (Tháng Sáu mùa Hạ năm Kỷ Tỵ, tức năm Dân Quốc 18 – 1929)