DUY MA CẬT KINH NGHĨA SỚ

Chùa Hoằng pháp, Trường An Hán dịch: Sa-môn Cát Tạng.

PHẨM 6: BẤT TƯ NGHỊ

Về việc giáo hóa chúng sinh, nếu luận chung thì có thể phân làm hai môn:

  1. Thuyết pháp.
  2. Hiện thần thông.

Phẩm Vấn Tật là nói về thuyết pháp, nay phẩm này là nói về thần thông thì dùng hình sắc và âm thanh để làm lợi ích chúng sinh. Vả lại phẩm trên đầu tiên nói về bệnh năng hóa, có hai đạo không và bi cũng là hai tuệ quyền thật, kế nói đến bệnh sở hóa, cũng có hai đạo không và bi là hai tuệ quyền thật. Nói hai tuệ năng hóa sở hóa như thế đều là nghĩa giáo hóa hàng Bồ-tát tu hành. Nay phẩm này nói về việc tu hành thành tựu liền có lực dụng to lớn vô cùng, cho nên có phẩm Bất Tư Nghị.

Hỏi: Lấy gì làm thể Bất tư nghị?

Đáp: Thông thường thì gồm ba pháp là Bất tư nghị cảnh, Bất tư nghị trí và Bất tư nghị giáo. Căn cứ theo năng hóa thì do cảnh phát trí, nhờ trí mà thuyết giáo. Muốn cho những người được giáo hóa nhờ giáo mà ngộ lý, nhân lý phát trí, cho nên ba môn này gồm thâu tất cả nghĩa. Nói Bất tư nghị cảnh, tức hai đế chân tục, nhưng hai đế chưa từng là cảnh, giáo căn cứ vào lý biểu hiện mà nói, cho nên hai đế là giáo. Nếu căn cứ theo nghĩa phát trí thì hai đế gọi là cảnh, nói chung thì hai cảnh chân tục này đều là nghĩa nhân duyên giả danh vô sở đắc, chẳng phải là cảnh giới mà hàng Nhị thừa và hạng người có sở đắc có thể tư nghị, cho nên hai cảnh gọi là Bất tư nghị. Nếu nói riêng thì chân đế tức thật tướng các pháp, vì là chỗ tâm hành diệt nên ý chẳng thể suy nghĩ đến, vì đường ngôn ngữ cũng đoạn, cho nên miệng không thể bàn luận, nghĩa là chân đế Bất tư nghị. Tục đế cũng có đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, như giả hữu thì chẳng thể nhất định là hữu, cho nên nhất định là tâm hữu diệt. Giả hữu chẳng thể nhất định là vô, cho nên nhất định tâm vô diệt. Chẳng thể nhất định cũng hữu cũng vô, chẳng hữu chẳng vô, cho nên tâm định bốn câu có sở đắc đã diệt, cũng là chỗ mà định tánh bốn câu chẳng thể nói năng, là tục đế Bất tư nghị. Kế đến nói hai trí Bất tư nghị. Thật trí tức Bát-nhã, Bát-nhã thì niệm tưởng quán đều dứt, ngôn ngữ cũng đoạn, cho nên tâm chẳng thể suy nghĩ, miệng chẳng thể luận bàn. Quyền trí thì biến động vô cùng, như lớn nhỏ dung nhập, hàng phàm phu, Nhị thừa và Bồ-tát hạ địa chẳng thể nghĩ bàn được, gọi đó là Bất tư nghị. Nói về giáo Bất tư nghị trong có hai trí là bản Bất tư nghị, ngoài hiện hình sắc âm thanh là tích Bất tư nghị, nghĩa là dùng bản mà thùy tích. Do tích Bất tư nghị bên ngoài mà hiển thị được bản Bất tư nghị bên trong, đó là dùng tích để hiển bản như Huyền nghĩa đã nói rõ.

Phẩm này chia làm hai chương:

  1. Nói về thật trí Bất tư nghị.
  2. Nói về quyền trí Bất tư nghị.

– Chương đầu có năm phần:

  1. Thân Tử nghĩ đến tòa ngồi.
  2. Tịnh Danh trách vấn.
  3. Thân Tử đáp.
  4. Tịnh Danh trách.
  5. Chúng ngộ đạo.

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất thấy trong trượng thất không có tòa ngồi liền nghĩ rằng: “Nay các vị Bồ-tát và các đại đệ tử sẽ ngồi ở đâu?”: Ngài Thân Tử sinh nghi là gồm hai ý:

1. Theo tích thì pháp thân Đại sĩ, thân tâm chẳng mỏi mệt, còn thân của Thanh văn là do nghiệp tạo, tuy tâm không còn kết sử mà thân có mỏi mệt, cho nên phát sinh dấu hiệu muốn nghỉ ngơi. Vì ngài là người tuổi cao thân thể suy yếu trong các vị đại đệ tử cho nên sinh khởi ý này trước tiên. Vì không muốn hiện vẻ mệt mỏi ra bên ngoài, lại biết rằng ngài Tịnh Danh sẽ xét biết tâm ý của mình, cho nên chỉ thầm nghĩ mà chẳng nói ra.

2. Luận theo bản, ngài Tịnh Danh và ngài Thân Tử là hai bậc Đại, Tiểu, cùng nhau độ chúng sinh, cho nên ngài Tịnh Danh tạo trượng thất trống để tiếp khác, Thân Tử nghĩ đến tòa ngồi để phát khởi giáo pháp.

Trưởng giả Duy-ma-cật biết được ý nghĩ ấy, liền nói rằng: “Thưa ngài Xá-lợi-phất! Thế nào, nhân giả vì pháp đến hay vì tòa ngồi mà đến?”: Đây là ngài Tịnh Danh sắp luận đến “đạo không cầu”, cho nên nhân việc ấy mà cật vấn. Vì sao? Vì nghĩ đến tòa tức hiển vết tích có cầu mà đến, có cầu thì trái lý, chẳng phải là nguyên do đến.

Xá-lợi-phất nói rằng: “Tôi vì pháp mà đến chẳng phải vì tòa mà đến.”: Trên xác định hai sự thật, mà Thân Tử tiến thoái đều bị chướng ngại (thua kém), nếu vì pháp thì lẽ ra chẳng nên nghĩ đến tòa ngồi, nếu nghĩ đến tòa, thì sao gọi là vì pháp? Nhưng Thân Tử chỉ đáp một ý hỏi, vốn vì pháp, nhưng thân thể mỏi mệt, cho nên cần tòa ngồi. Vả lại thân thể có an ổn thì mới thâm nhập được pháp, vì thế mà nghĩ đến tòa ngồi, rốt cuộc là vì pháp.

Duy-ma-cật nói rằng: “Thưa ngài Xá-lợi-phất! Phàm người cầu pháp thì chẳng tham tiếc thân thể, huống gì là tòa ngồi. Vả lại người cầu pháp chẳng phải có sắc thọ tưởng hành thức mà cầu, chẳng phải có cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc mà cầu. Này ngài Xá-lợi-phất! Phàm người cầu pháp chẳng chấp trước Phật mà cầu, chẳng chấp trước pháp mà cầu, chẳng chấp trước chúng (tăng) mà cầu. Phàm người cầu pháp chẳng thấy Khổ mà cầu, chẳng đoạn Tập mà cầu, không chứng Diệt, tu Đạo mà cầu, vì sao? Vì pháp không hý luận, nếu nói ta nên thấy khổ, đoạn tập, chứng Diệt, tu Đạo thì đó là lý luận mà chẳng phải là cầu pháp. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Pháp tên là tịch diệt, nếu hành sinh diệt là cầu sinh diệt chẳng phải cầu pháp, pháp gọi là vô nhiễm nếu nhiễm nơi pháp cho đến Niết-bàn thì đó là nhiễm trước mà chẳng phải là cầu pháp. Pháp không có chỗ thực hành, nếu thực hành nơi pháp thì đó là chỗ thực hành mà chẳng phải là cầu pháp. Pháp không lấy bỏ, nếu có lấy bỏ thì đó là lấy bỏ mà chẳng phải là cầu pháp. Pháp không có nơi chốn, nếu chấp trước nơi chốn thì đó là chấp trước nơi chốn, mà chẳng phải là cầu pháp. Pháp gọi là vô tướng, nếu tùy theo tướng mà biết, thì đó là cầu tướng chẳng phải là cầu pháp. Pháp chẳng trụ, nếu trụ nơi pháp thì đó là trụ pháp, chẳng phải là cầu pháp. Pháp chẳng thể thấy nghe hay biết, nếu thực hành theo thấy nghe hay biết thì đó là thấy nghe hay biết mà chẳng phải là cầu pháp: Đây là thâu nhiếp sáu căn làm bốn dụng là mắt thấy, tai nghe, mũi, lưỡi, thân là hay và ý căn là biết.”

Pháp là vô vi, nếu hành hữu vi là cầu hữu vi chẳng phải là cầu pháp. Vì thế ngài Xá-lợi-phất như người cầu pháp đối với tất cả pháp phải nên không tìm cầu: Chương này nói về hạnh không tìm cầu, có hai yếu chỉ:

1. Hiển bày lý thật tướng, vượt ngoài bốn câu, dứt bặt trăm lỗi, đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, chẳng thể dùng có không… để cầu thật tướng. Đó tức là giải thích cảnh Bất tư nghị.

2. Muốn khiến cho người tu hành khế hội lý thật tướng, cũng là làm cho đoạn dứt tất cả tâm có sở đắc. Vì sao? Phàm tâm có chỗ mong cầu thì có chỗ chấp trước, có chỗ chấp trước thì có chỗ bị trói buộc, không thể xa lìa huống hồ lại còn trái với thật tướng nữa. Cho nên phải làm cho tâm không cầu, vì tâm không mong cầu thì tâm hành đoạn dứt, ngôn ngữ diệt tận, tức thật trí Bất tư nghị. Vì thật tướng chẳng thể cầu nên bên ngoài không số lượng, vì thật trí chẳng thể cầu nên bên trong vô tâm, cảnh trí thầm hợp, duyên và quán đều vắng lặng, đó là lý cùng cực, thật chẳng thể nghĩ bàn.

Khi nói những lời này xong thì năm trăm Thiên tử được Pháp nhãn tịnh trong các pháp: Vì ngộ duyên quán đều vắng lặng, trong ngoài thầm hợp, thì trần lụy có sở đắc đều dứt bặt cho nên gọi là pháp nhãn tịnh. Nhưng Pháp nhãn tịnh có hai loại: Nếu căn cứ theo Tiểu thừa thì quả Tu-đà-hoàn đạt được Pháp nhãn tịnh, còn theo Đại thừa thì Bồ-tát Sơ địa đạt được Pháp nhãn tịnh, vì Sơ địa đã kiến đạo. Ngài Tăng Triệu nói: “Đoạn văn này là nói đến Pháp nhãn tịnh của Đại thừa.”

Lúc bấy giờ Trưởng giả Duy-ma-cật hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi rằng: “Thưa nhân giả! Ngài dạo đi trong vô lượng ngàn vạn ức a-tăng-kỳ cõi nước, thì thấy cõi Phật nào mới có tòa sư tử tốt đẹp thượng diệu do công đức tạo thành?”: Đây là ý thứ hai nói về quyền trí Bất tư nghị. Trên luận về vô sở cầu để khế hội thật tướng, vì khế hội thật tướng cho nên có thể ban cho chúng sinh tất cả những điều mà họ mong cầu. Theo văn có thể chia làm hai:

  1. Lược nêu quyền trí Bất tư nghị.
  2. Giải thích rộng quyền trí Bất tư nghị.

– Văn đầu có thể chia làm mười câu:

  1. Ngài Tịnh Danh hỏi.
  2. Ngài Văn-thù trả lời.
  3. Ngài Tịnh Danh mượn tòa.
  4. Phật Đăng Vương dời tòa.
  5. Đại chúng tán thán.
  6. Tịnh Danh mời các Bồ-tát thăng tòa.
  7. Bồ-tát theo lời chỉ dẫn mà lên tòa.
  8. Ngài Tịnh Danh chỉ dạy Thanh văn lên tòa.
  9. Ngài Thân Tử… không thể lên tòa được.
  10. Một lần nữa chỉ dạy, bảo lễ bái Đức Đăng Vương.

Đây là câu thứ nhất, ngài Tịnh Danh sở dĩ hỏi là vì muốn khiến cho đại chúng tự chọn loại tòa tốt đẹp nhất, thì nên nói để ban cho, vì thế mới hỏi. Hai, vì muốn chúng đương thời khởi tâm kính tín, nếu chẳng hỏi mà lấy ban cho thì đó là do huyễn hóa tạo ra, nay hỏi mới ban cho thì biết thật có tòa đem đến. Sở dĩ mượn tòa của phương khác là có hai nghĩa:

  1. Muốn nhân việc đến đi mà khiến cho việc giáo hóa ở hai quốc độ lưu thông nhau.
  2. Muốn hiển bày quả y báo công đức của chư Phật thù thắng vi diệu, khiến cho đại chúng khởi tâm cầu Phật.

Văn-thù-sư-lợi nói rằng: “Cư sĩ! Cách đây ba mươi sáu hằng hà sa cõi nước về phương Đông có một thế giới tên là Tu-di tướng, Đức Phật ở thế giới này hiệu là Tu-di Đăng Vương nay vẫn còn trụ thế. Thân Đức Phật này cao tám mươi bốn ngàn do-tuần, tòa sư tử của ngài cao tám mươi bốn ngàn do-tuần trang nghiêm bậc nhất.”: Thứ hai, ngài Vănthù-sư-lợi đáp. Ngài Tăng Triệu nói: “Về do-tuần thì ở Thiên Trúc tính ra số dặm không nhất định, thượng do-tuần bằng sáu mươi dặm, trung do-tuần bằng năm mươi dặm, hạ do-tuần bốn mươi dặm.”

Lúc bấy giờ Trưởng giả Duy-ma-cật hiện sức thần thông: Đây là câu thứ ba, ngài Tịnh Danh mượn tòa. Ở phẩm Hương Tích có Bồ-tát kia đến, cho nên sai khiến hóa nhân đến đó, cõi Phật Đăng Vương không có đại chúng tập hội, cho nên chỉ thầm hiện thần thông, vả lại hai phẩm này cùng nhau nói về những việc kỳ đặc. Ở đây thì luận về việc dùng lớn nhập vào nhỏ, phẩm kia thì nói nhỏ dung chứa lớn. Cho nên phẩm kia thì nói sai khiến hóa nhân phẩm này thì thầm cảm ứng.

Tức thời Đức Phật ở cõi kia dời ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng trang nghiêm thanh tịnh vào trong trượng thất của ông Duy-macật: Đây là câu thứ tư, Đức Phật Đăng Vương dời tòa. Ngài Tịnh Danh cho dù có dùng sức thần thông đến lấy, nhưng nếu Đức Phật ở cõi kia không dời, thì cũng không có cách gì mà đặt vào trượng thất được.

Các vị Bồ-tát, các đại đệ tử, Đế Thích, Phạm vương, Tứ thiên vương… thấy điều xưa nay chưa từng thấy là ngôi nhà của ông Duy-macật rộng lớn dung chứa cả ba mươi hai ngàn tòa Sư tử mà không ngăn ngại, ở thành Tỳ-da-ly và bốn thiên hạ ở cõi Diêm-phù-đề không bị chèn ép, tất cả đều thấy y nguyên trạng thái như thế: Đây là câu thứ năm, chúng đương thời tán thán.

Hỏi: Dùng lớn nhập vào nhỏ, nhỏ chẳng tăng, lớn chẳng giảm có thể là Bất tư nghị, nay đã nói trượng thất kia rộng lớn, thế thì nhỏ tăng, vì sao nói là chẳng tính lường?

Đáp: Từ trong mà nhìn thì thấy trượng thất rộng lớn, từ bên ngoài mà nhìn thì bản tướng vẫn như cũ vậy không tăng.

Hỏi: Từ bên ngoài mà nhìn, bản tướng như cũ, có thể là ngoài chẳng tăng, từ bên trong mà nhìn thì thấy trượng thất rộng lớn, lẽ ra bên trong có tăng sao?

Đáp: Ngài Tịnh Danh thật có thể chẳng làm tăng ở bên trong nhưng muốn hiển hai loại Bất tư nghị là tòa lớn nhập trượng thất nhỏ, mà bên ngoài trượng thất tướng vẫn như cũ, đó là đại tiểu Bất tư nghị. Hai, muốn nói trong ngoài thất Bất tư nghị, chỉ một trượng thất mà từ bên trong nhìn thì thấy lớn, từ bên ngoài mà nhìn thì nhỏ như một trượng vuông, cho nên nói trong ngoài Bất tư nghị. Giải thích rằng bên trong chẳng lớn, vì người thấy trượng thất dung chứa tòa, rồi cho rằng biến đổi thất nhỏ, nên kế đó nói bản tướng vẫn như cũ. Vì bản tướng như cũ, cho nên tướng bên ngoài chẳng lớn, trong cũng chẳng tăng.

Lúc ấy Trưởng giả Duy-ma-cật mời Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cùng các vị Bồ-tát Thượng nhân đến ngồi nơi tòa sư tử, nhưng phải tự hiện thân đứng cao bằng tòa: Đây là câu thứ sáu, mời các vị Bồ-tát thăng tòa.

Tức thời các Bồ-tát đã được thần thông liền hiện thân hình cao bốn mươi hai ngàn do-tuần mà ngồi nơi tòa sư tử, còn các Bồ-tát mới phát tâm và các đại đệ tử đều không thể lên được: Đây là câu thứ bảy, theo lời chỉ dẫn mà lên tòa ngồi.

Bấy giờ ông Duy-ma-cật mời ngài Xá-lợi-phất lên ngồi ở tòa sư tử: Đây là câu thứ tám, chỉ dạy Thanh văn.

Ngài Xá-lợi-phất nói rằng: “Thưa Cư sĩ! Tòa này quá cao rộng, tôi không thể lên được.”: Câu thứ chín nói về hàng Thanh văn không thể lên tòa được. Có hai nghĩa:

  1. Do thần lực của ngài Duy-ma-cật chế ngự, muốn làm cho chúng sinh biết sự hơn kém giữa Đại Tiểu thừa, nên đặt như thế.
  2. Tòa công đức của chư Phật, chẳng phải là chỗ ngồi của những người không có công đức, lý phải hợp như thế mà chẳng phải do sức chế ngự.

Ông Duy-ma-cật nói rằng: “Thưa ngài Xá-lợi-phất, ngài hãy đảnh lễ Đức Phật Tu-di Đăng Vương thì mới ngồi trên tòa được: Đây là câu thứ mười, khuyên lễ Đức Phật Đăng Vương. Đã là Đức Đăng Vương nếu khởi thân lễ ngài thì nhờ thần lực của Phật mà được ngồi.

Khi ấy các vị Bồ-tát mới phát tâm và các đại đệ tử đảnh lễ đức Tu-di Đăng Vương Như Lai, thì liền được ngồi trên tòa sư tử. Ngài Xálợi-phất lại nói: “Thưa Cư sĩ! Thật là việc chưa từng có, ngôi trượng thất nhỏ này đã dung chứa các tòa ngồi cao rộng như thế mà nơi thành Tỳda-ly không bị ngăn ngại, vả lại các thành ấp, tụ lạc và các cung điện của trời rồng quỷ thần ở bốn thiên hạ trong cõi Diêm-phù-đề chẳng bị ép chật: Từ đây trở xuống là phần hai, giải thích Bất tư nghị. Theo văn gồm có năm:

  1. Thân Tử lên được tòa tán thán.
  2. Ngài Tịnh Danh giải thích.
  3. Ngài Ca-diếp khen và chê.
  4. Chúng đương thời được lợi ích.
  5. Ngài Tịnh Danh một lần nữa tán thán pháp môn Bất tư nghị.

Cư sĩ Duy-ma-cật nói rằng: “Thưa ngài Xá-lợi-phất! Chư Phật và Bồ-tát có một pháp môn giải thoát gọi là Bất tư nghị.”: Câu thứ hai, ngài Tịnh Danh giải thích. Thể giải thoát tức hai trí quyền thật, chỉ là một chánh quán, nhưng vì chúng sinh cho nên gọi nhiều tên khác nhau. Hoặc gọi là giải thoát, hoặc gọi là Niết-bàn, hoặc có tên là Bát-nhã, lại còn đặt tên là Nhất thừa. Nay nói giải thoát là gồm hai nghĩa:

  1. Thể vô ngại.
  2. Dụng tự tại.

Tự tại nghĩa là phàm muốn làm mà chẳng có khả năng, tức bị trói buộc, nếu vừa nghĩ tức có thể được, là giải thoát khỏi sự không có khả năng nên gọi là giải thoát. Bậc Đại sĩ có năng lực như thế, hàng phàm phu, Nhị thừa và Bồ-tát hạ địa chẳng biết được năng lực này nên gọi là Bất tư nghị. Đây là nêu lên danh từ giải thoát.

Nếu Bồ-tát trụ ở giải thoát này thì có thể nhét núi Tu-di cao rộng vào hạt cải mà vẫn không thêm bớt, bản tướng của núi Tu-di vẫn như cũ, Tứ thiên vương và trời Đao-lợi vẫn không hay biết đã vào trong đó. Chỉ có những người được độ mới biết núi Tu-di nhét vào hạt cải mà thôi, đó gọi là pháp môn Bất tư nghị giải thoát: Từ đây trở xuống là mười ba lần giải thích dụng của giải thoát. Tức dùng tích hiển bản, mười ba lần chia làm ba: Đầu tiên gồm mười một việc, căn cứ theo quả y báo là pháp bên ngoài để giải thích Bất tư nghị, kế đến một việc, là căn cứ theo thân hình bên trong để nói về Bất tư nghị, một việc thứ mười ba là căn cứ theo âm thanh để nói về Bất tư nghị. Đầu tiên nói về lớn nhập vào nhỏ mà không tăng giảm. Có người cho rằng lớn thật chẳng nhập vào nhỏ, nhưng vì sức thần, khiến cho chúng sinh thấy nhập. Có người cho rằng lớn thật có nhập vào nhỏ cho nên chúng sinh mới thấy. Ở đây cho rằng có đủ hai nghĩa trên: Nghĩa chẳng nhập, có thể khiến thấy nhập, nghĩa thật có nhập, vì thích ứng tùy duyên.

Hỏi: Lớn nhỏ đã chẳng tăng giảm, vì sao nói là dung nhập?

Đáp: Có người cho rằng đã gọi là Bất khả tư nghị cho nên cảnh giới bậc Thánh suy cùng tột thì chẳng có cách gì để giải thích. Có người cho rằng lớn không có tướng lớn, cho nên lớn có thể nhập vào nhỏ, nhỏ vô tướng nhỏ, nên có thể dung chứa lớn. Nay cho rằng hai cách giải thích này đều chẳng đúng, nếu không có tướng lớn nhỏ thì chỗ nào mà có dung và nhập. Nếu nhỏ lớn đã có tánh nhất định thì chẳng dung chứa cũng có tánh nhất định, chẳng dung thì nhất định chẳng dung, mà chẳng thể khiến cho người thấy dung được, cho nên có định tánh nhỏ lớn thì sẽ không có dung nhập. Nay nói dung nhập là nhân duyên giả danh dung nhập. Lớn là lớn của nhỏ, cho nên lớn nhập vào nhỏ, nhỏ là nhỏ của lớn, cho nên nhỏ có thể dung chứa lớn.

Hỏi: Nhỏ đã chẳng tăng vì sao lại có thể dung chứa lớn?

Đáp: Như cái gương một tấc treo trên tường mà có thể chiếu soi cả thiên hạ, vạn vật trong thiên hạ đều hiện rõ trong gương, mà vật chẳng giảm, gương chẳng tăng.

Lại rót hết nước bốn biển lớn vào trong lỗ chân lông, mà không khuấy động các loại thủy tộc như cá, trạnh, ngoan-đà… tướng trạng của bốn biển vẫn y nhiên, các loại Rồng, Quỷ thần, A-tu-la… chẳng hay chẳng biết mình đã bị đưa vào đó, các loại chúng sinh này cũng không loạn động. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Nếu Bồ-tát trụ ở pháp môn Bất tư nghị giải thoát này, có thể nắm lấy cõi tam thiên đại thiên thế giới nhanh như vòng xoay của người thợ gốm rồi đặt vào bàn tay phải mà ném ra ngoài hằng hà sa thế giới, mà những chúng sinh trong thế giới đó chẳng hay chẳng biết nơi mình đến, rồi trả về chỗ cũ, mà mọi người đều không có một ý tưởng nào rằng có qua lại, và thế giới ấy vẫn y nhiên. Lại nữa, ngài Xá-lợi-phất! Nếu có chúng sinh thích trụ lâu ở đời mà có thể độ được, thì Bồ-tát liền kéo dài thời gian bảy ngày thành một kiếp, khiến chúng sinh ấy cho là một kiếp, hoặc có chúng sinh nào không thích trụ lâu mà có thể độ được, thì Bồ-tát rút ngắn một kiếp còn bảy ngày, làm cho chúng sinh kia cho là bảy ngày: Từ trên đến đây là căn cứ theo pháp thể tự tại để nói về Bất tư nghị. Một việc này là căn cứ theo việc kéo dài và rút ngắn thời gian để nói về Bất tư nghị.

Hỏi: Trước căn cứ theo pháp thể để luận lớn nhỏ dung nhập đã không tăng giảm, nay nói về thời gian dài ngắn, vì sao lại nói có kéo dài và rút ngắn?

Đáp: Bất tư nghị có nhiều môn, chẳng phải là một loại. Trước nói không tăng giảm mà luận Bất tư nghị, nay lại nói tăng giảm để luận Bất tư nghị.

Hỏi: Không tăng giảm có thể là Bất tư nghị, đã có tăng giảm, sao gọi là chẳng thể lường?

Đáp: Hàng phàm phu, Nhị thừa và Bồ-tát hạ vị, chẳng thể rút ngắn một kiếp thành bảy ngày, chẳng thể kéo dài bảy ngày thành một kiếp, bậc Đại sĩ thì có thể làm được, cho nên gọi là Bất tư nghị. Vả lại rút ngắn một kiếp thành bảy ngày mà vẫn rõ ràng là một kiếp, tuy kéo dài bảy ngày thành một kiếp mà vẫn chỉ là bảy ngày. Vì thế gọi là Bất tư nghị.

Hỏi: Vì sao được như thế?

Đáp: Giống như người nằm mộng một đêm thấy hưởng vui thú trải qua trăm năm, mà một đêm chẳng dài thêm, một trăm năm chẳng ngắn lại. Chỗ làm của Đại sĩ cũng như thế.

Thưa ngài Xá-lợi-phất! Bồ-tát trụ ở Bất tư nghị giải thoát có thể gom tất cả những việc tốt đẹp trang nghiêm cõi Phật về tại một cõi để chỉ bày cho chúng sinh. Bồ-tát có thể đặt tất cả chúng sinh của cõi Phật vào bàn tay phải của mình rồi bay qua mười phương, chỉ rõ cho tất cả mà chẳng lay động bản xứ. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Những vật cúng dường cho chư Phật của mười phương chúng sinh, Bồ-tát có thể làm cho hiện tất cả trong một lỗ chân lông. Lại tất cả bao nhiêu vì sao, mặt trời, mặt trăng trong các cõi nước mười phương đều có thể làm cho hiện trong một lổ chân lông. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Bao nhiêu loại gió lớn trong mười phương thế giới, Bồ-tát đều hút vào miệng mà thân không tổn hại, các cây cối bên ngoài vẫn không bị gãy đỗ. Lại khi mười phương thế giới bị kiếp hỏa thiêu cháy hết, thì Bồ-tát thâu hết lửa vào bụng mình, lửa vẫn cháy như cũ mà không làm hại thân thể. Lại vượt qua hằng hà sa cõi Phật ở thế giới phương dưới lấy một cõi Phật đặt vào một nơi ở phương trên cách đó hơn hằng hà sa cõi Phật, như cầm một cây kim ghim vào một lá táo mà không làm não loạn. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Bồ-tát trụ ở pháp môn Bất tư nghị giải thoát dùng sức thần thông hiện thành thân Phật, hoặc hiện thân Bích-chi-phật, hoặc hiện thân Thanh văn, hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thân Phạm vương hoặc hiện thân Thế chủ, hoặc hiện thân Chuyển luân vương. Vả lại các thứ âm thanh lớn, vừa, nhỏ trong mười phương thế giới, Bồ-tát đều có thể biến thành tiếng Phật diễn nói các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, đồng thời có thể làm cho tất cả đều nghe được những pháp mà chư Phật ở mười phương đã nói. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Nay tôi chỉ nói sơ lược sức thần của giải thoát Bất tư nghị của Bồ-tát như thế. Nếu nói đầy đủ thì cùng kiếp cũng không thể hết được.

Hỏi: Ngoại đạo và Nhị thừa cũng có thể biến các âm thanh của tất cả vạn vật, thì đâu khác gì với bậc Đại sĩ?

Đáp: Phàm phu ngoại đạo không thể ứng hợp đầy đủ với vạn tượng, không thể biến đổi hết âm thanh của vạn tượng, cho nên khác với bậc Đại sĩ. Vả lại bậc Đại sĩ có thể khiến âm thanh vang đến cõi trời Hữu đảnh mà không có âm thanh để nghe, có thể hiện hình khắp mười phương mà không có tướng để có thể thấy, còn phàm phu và Nhị thừa thì không như thế. Cho nên gọi là Bất tư nghị.

Lúc bấy giờ, ngài Đại Ca-diếp nghe thuyết pháp môn Bất tư nghị giải thoát thì liền khen ngợi là điều chưa từng có, rồi nói với ngài Xálợi-phất rằng: “Ví như có người phô bày các màu sắc hình tượng trước mặt những kẻ mù, thì những kẻ mù đâu thể thấy được. Tất cả các Thanh văn cũng như thế! Nghe pháp môn giải thoát Bất tư nghị này không thể hiểu được. Nếu người trí nghe được thì ai mà chẳng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chúng ta vì sao lại đoạn mất thiện căn ấy, nơi pháp Đại thừa này thì cũng như hạt giống hư thối.”: Đây là câu thứ ba, ngài Ca-diếp tán thán để hỗ trợ xiển dương đạo lớn, chê trách Tiểu thừa, làm cho Bồ-tát chẳng thoái tâm thù thắng còn hàng Thanh văn tự cảm thấy rất kém cỏi và hổ thẹn, lại khiến cho người chưa phát tâm nhân đây mà phát tâm, khiến cho người thích Tiểu thừa nhân đây xoay chuyển tâm ý.

Hỏi: Đoạn trước nói lớn nhập vào nhỏ, thì chỉ người được độ mới thấy, Thân Tử đã như kẻ mù đối trước hình tượng làm sao có thể thấy được tòa lớn nhập vào thất nhỏ?

Đáp: Tất cả chúng sinh có thể tổng quát chia làm ba loại:

1. Chẳng thấy lớn nhập vào nhỏ, cũng chẳng biết nguyên nhân việc ấy, đây là hàng phàm phu chẳng được thấy nghe.

2. Tuy thấy lớn nhập vào nhỏ mà chẳng hiểu là thế nào, tức là hàng Nhị thừa.

3. Thấy được lớn nhập vào nhỏ, lại có thể liễu ngộ việc này, đây là hàng Bồ-tát thượng thượng căn. Đoạn trước nói: “Chỉ có người đáng được độ mới có thể thấy.” Đây là chỉ cho hàng Bồ-tát thượng thượng căn. Ngài Thân Tử cho rằng đã thấy mà lại mờ mịt chẳng hiểu, cho nên dụ như người mù.

Tất cả hàng Thanh văn nghe pháp môn Bất tư nghị giải thoát đều kêu la than khóc, âm thanh vang đến khắp cõi tam thiên đại thiên thê giới, còn tất cả Bồ-tát thì vui mừng vâng lãnh pháp ấy: Vì chỗ mất quá lớn lao, cho nên mới tạm nói là kêu la than khóc, chớ hàng Nhị thừa vui buồn đều đã vĩnh viễn đoạn trừ, khóc nhỏ còn không có huống gì kêu la chấn động đến tam thiên? Ngài Ca-diếp sắp nói đến sự khác nhau giữa Đại Tiểu thừa khi khen chê thì đều nghe, cho nên người không có phần thì dẫn đến than khóc tuyệt vọng, người đã có phần thì vui mừng lãnh thọ.

Nếu có vị Bồ-tát nào tin hiểu pháp môn Bất tư nghị giải thoát thì tất cả chúng ma không thể làm gì được: Mới chỉ tin hiểu mà các ma không thể não loạn huống gì là người thực hành theo.

Ngài Đại Ca-diếp nói những lời này xong thì có hai ngàn Thiên tử phát tâm A-nậu Bồ-đề: Đây là câu thứ tư, đại chúng phát tâm. Ngài Ca-diếp đã là Thanh văn, tự thân lại chê bai Tiểu thừa là kém, khen Đại thừa thù thắng, cho nên theo lý thì tất nhiên chư Thiên nghe được phải phát tâm cầu Phật.

Bấy giờ, Cư sĩ Duy-ma-cật nói với ngài Đại Ca-diếp rằng: “Thưa Nhân giả! Những người làm ma vương ở trong mười phương vô lượng cõi nước đều là các Bồ-tát trụ nơi pháp Bất khả tư nghị giải thoát, dùng sức phương tiện hiện làm ma vương để giáo hóa chúng sinh.”: Đây là câu thứ năm, ngài Tịnh Danh tán thán Bất khả tư nghị; mười ba nghĩa trên là chỉ thuật về thuận dụng của Bất tư nghị, chưa nói đến nghịch dụng cho nên nghĩ chưa đầy đủ. Vì thế nhân nơi lời tán thán của ngài Ca-diếp mà lại nói đến nghịch dụng. Vả lại nhân ngài Ca-diếp hỏi: “Người có tin hiểu Bất khả tư nghị thì ma chẳng não loạn”, nhưng ở mười phương cũng có Bồ-tát tin hiểu lại bị ma quấy nhiễu, đó là vì sắp nói đến Đại sĩ Bất khả tư nghị có chỗ làm tự tại muốn sách tấn người mới phát tâm, cho nên hiện làm ma vương, chẳng phải là sức ma có thể làm được. Đây là nói về Bất tư nghị để thành tựu cho ý của ngài Ca-diếp.

Thưa ngài Ca-diếp, vô lượng Bồ-tát ở mười phương hoặc có người đến xin tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, tủy, não, máu, thịt, da, xương, xóm làng thành ấp, vợ, con, nô tỳ, voi, ngựa, xe cộ, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, đồi mồi, y phục, thức ăn thức uống, những người đến xin như thế phần nhiều là các Bồ-tát trụ ở Bất tư nghị giải thoát đã dùng sức phương tiện đến thử thách để làm cho các Bồ-tát kia thêm kiên cố: Đây là nói về nghịch dụng của Đại sĩ, gồm có hai loại:

1. Thị hiện làm thiên ma.

2. Thị hiện làm người ăn xin, Bồ-tát còn kết nghiệp chưa đạt được rốt ráo bố thí độ, vì thế Bồ-tát Bất tư nghị đến cầu xin làm cho họ không còn tâm tham tiếc, đầy đủ kiên cố cùng tận, lại cũng làm cho chúng sinh biết sức kiên cố của họ, và cũng làm cho họ tự biết sức kiên cố của mình.

Hỏi: Đại sĩ Bất tư nghị soi xét căn cơ của chúng sinh đâu phải nhờ vào sự ép buộc thử thách?

Đáp: Nay đến cầu xin, đồng như cách thức của ma, cho nên nói là thử thách. Vả lại cũng từ sự thử thách này mà sau đó mới tiến tu.

Vì sao? Vì Bồ-tát trụ ở Bất tư nghị giải thoát này có sức oai đức lớn, cho nên mới thực hành việc bức bách, để chỉ bày cho chúng sinh những việc khó làm như thế, còn kẻ phàm phu thấp kém thì không có thế lực, không thể làm việc bức bách Bồ-tát được, thí như loại long tượng dày đạp thì lừa ngựa chẳng thể chịu đựng nổi: Đây là giải thích khả năng hành bức bách thử thách của Bồ-tát như cắt đoạn tay chân người, khiến người xa lìa vợ con, cưỡng xin quốc thành tài vật, làm họ sinh lo buồn, tuy trước mắt làm cho họ chịu khổ một ít, nhưng vĩnh kiếp được an lạc lớn. Kế đến nêu lên long tượng và lừa để thí dụ. Dụ này gồm hai nghĩa: Có khả năng và không có khả năng. Con voi xuất sắc nhất trong loại voi gọi là long tượng, chứ chẳng phải là long và tượng.

Đó gọi là trụ ở môn trí tuệ phương tiện của Bồ-tát Bất tư nghị giải thoát: Thể Bất tư nghị thì có cảnh, trí và giáo, nhưng chính là dùng hai trí làm thể, cho nên nay tổng kết, trí tuệ tức thật trí, phương tiện tức quyền trí, hai trí này không ngại cho nên gọi là môn. Vả lại thông qua sự vật mà ngộ nhập, cho nên gọi là môn. Lại chánh quán chưa từng có quyền thật, nhưng vì chúng sinh cho nên gượng lập hai, hai này có thể thông với chẳng hai, cho nên gọi là môn.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15