DUY MA CẬT KINH NGHĨA SỚ

Chùa Hoằng pháp, Trường An Hán dịch: Sa-môn Cát Tạng.

PHẨM 14: CHÚC LỤY

Phần lưu thông gồm có hai, đã luận xong chương Tán thán ở trên, đến đây là chương Chúc lụy. Chúc tức phó chúc, lụy tức bằng lụy, nghĩa là phó thác lại, nhờ gánh vác trách nhiệm làm cho chánh pháp lưu thông ở đời sau, để cho chúng sinh tin hiểu, cho nên gọi là chúc lụy. Toàn phẩm được chia làm năm đoạn:

  1. Phó chúc cho ngài Di-lặc.
  2. Các Bồ-tát phát nguyện hoằng đạo.
  3. Tứ thiên vương thệ nguyện hộ trì.
  4. Bảo thị giả thọ trì.
  5. Đại chúng nghe pháp vui mừng tin nhận vâng làm.

– Đoạn đầu gồm ba:

  1. Phó chúc cho ngài Di-lặc.
  2. Di-lặc vâng lãnh.
  3. Đức Phật tán thán.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc rằng: “Này Di-lặc! Nay ta phó chúc pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tích tập từ vô lượng ức a-tăng-kỳ kiếp lại cho ông.”: Chẳng phó lại cho A-nan là vì A-nan không có thần lực, không thể hoằng truyền đạo pháp. Còn Duy-ma không phải là Bồ-tát ở cõi này nên không phó chúc. Ngài Văn-thù thì du phương không có trụ xứ nhất định nên cũng không phó chúc. Ngài Di-lặc sẽ thành Phật ở cõi này, dùng thần lực tuyên thuyết lưu thông, và lại muốn thành tựu công nghiệp cho Di-lặc.

Hỏi: Luận Trí Độ ghi: “Kinh Pháp Hoa là pháp bí mật nên phó chúc cho Bồ-tát, kinh Bát-nhã chẳng phải bí mật nên trao phó cho Thanh văn, kinh này chưa nói về việc Thanh văn được thọ ký thành Phật thì chẳng phải là pháp bí mật, vì sao lại phó chúc cho Bồ-tát?

Đáp: Bát-nhã có hai:

  1. Chung cho Nhị thừa.
  2. Riêng cho Bồ-tát.

Trong Đại phẩm thì pháp Bát-nhã nói chung cho hàng tam thừa, cho nên phó chúc cho Thanh văn. Kinh này tuy chẳng phải là bí mật nhưng chỉ nói về pháp môn bất khả tư nghị giải thoát của Bồ-tát, chẳng phải hàng giai vị thấp có thể biết được, thì há Nhị thừa có thể lường được sao? Cho nên phó chúc cho Bồ-tát chẳng gởi gắm cho Thanh văn.

Các kinh như thế, sau khi Phật diệt độ, vào thời mạt pháp ông phải dùng thần lực tuyên bố lưu thông nơi cõi Diêm-phù-đề, chớ nên để đoạn dứt. Vì sao? Vì ở đời vị lai sẽ có những thiện nam, thiện nữ, rồng, quỷ thần, Càn-thát-bà, La-sát… phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thích đại pháp. Nếu không cho họ nghe những kinh như thế thì sẽ mất lợi ích về pháp thiện. Còn nếu những người này nghe được những kinh ấy thì họ sẽ vui thích tin tưởng, phát tâm hy hữu, đảnh lễ thọ nhận rồi tùy theo chỗ thích hợp của chúng sinh mà diễn nói: Bốn câu trước là chính thức phó chúc cho Di-lặc, đoạn này là bảo Di-lặc tuyên dương diệu pháp.

Di-lặc nên biết! Bồ-tát có hai tướng. Thế nào là hai tướng:

  1. Thích những câu văn bóng bẩy tầm thường.
  2. Không sợ nghĩa sâu xa, thâm đạt pháp như thật.

Người ưa thích những câu văn bóng bẩy tầm thường là Bồ-tát mới học. Nếu đối kinh điển sâu xa không nhiễm trước mà chẳng sợ hãi, lại có thể vào trong đó nghe rồi dùng tâm thanh tịnh thọ trì, đọc tụng, đúng như lời dạy mà tu hành, thì nên biết rằng đó là những người tu tập đạo hạnh đã lâu: Hai câu trước nói về việc phó chúc hoằng truyền, còn câu này là nói về nghi thức phép tắc chung, để khuyên răn. Gồm ba đôi:

  1. Luận chung về hai hạng người sâu cạn.
  2. Luận về hai lỗi của người thọ pháp.
  3. Luận về hai lỗi của người thuyết pháp.

Đầu tiên là luận về hai hạng người sâu cạn, nếu người thích câu văn bóng bẩy thì nên trao cho họ văn cú, nếu người thích pháp sâu xa thì nên chỉ dạy cho họ nghĩa lý. Văn là phương tiện để đạt được diệu chỉ, nhưng hạng người mới học trí còn cạn mỏng, chưa thể quên lời đạt lý, chỉ thích lời văn trau chuốt. Nghĩa tức là diệu chỉ sâu xa, dứt ngôn từ bặt ý, nếu chẳng phải là người có đủ trí dũng thì ai có thể lãnh thọ, cho nên căn cứ theo văn nghĩa mà luận về hai hạng người sâu cạn.

Này Di-lặc! Lại có hai pháp gọi là Bồ-tát mới học chẳng thể quyết định được pháp sâu xa. Hai pháp là gì? Một, những kinh điển sâu xa chưa được nghe, khi nghe thì kinh sợ sinh nghi, không thể thuận theo, hủy báng chẳng tin, mà nói rằng: Kinh này từ trước đến nay ta chưa từng nghe, kinh từ đâu đến đây? Hai, nếu có người hộ trì giải nói kinh sâu xa như thế thì không chịu gần gũi cúng dường, cung kính, hoặc ở trong đó nói xấu nói lỗi người ấy. Hai pháp này nên biết là hai pháp làm Bồtát mới học tổn hại, không thể ở nơi pháp sâu xa mà tự điều phục tâm mình: Đôi thứ hai luận về hai lỗi của người thọ pháp. Đầu tiên nói về chê pháp, kế đến hủy nhục người, cho nên khuyên răn. Mới nghe thì sợ, tìm hiểu thì sinh nghi, cuối cùng thì hủy báng. Đó là tội hủy pháp.

Khinh báng người tức chẳng thể gần gũi cung kính cúng dường, lại còn nói lỗi của người.

Này Di-lặc! Lại có hai pháp làm cho các Bồ-tát tuy đã tin hiểu mà vẫn còn bị tổn hại, không thể chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn. Hai pháp là gì? Một là, khinh khi Bồ-tát mới học, mà chẳng dạy dỗ họ; hai là, tuy tin hiểu pháp sâu xa, mà còn chấp tướng phân biệt. Đó là hai pháp: Đôi thứ ba, nói về hai lỗi của người thuyết pháp. Một là, nói về lỗi bên ngoài, tuy có hiểu sâu xa, nhưng chưa phải là tâm dụng, nên tôn mình chê người, chẳng thể dạy dỗ người nghe. Hai là, lỗi từ bên trong, tuy đã được pháp sâu xa, nhưng lại sinh kiến giải có sở đắc, cho nên phân biệt chấp tướng.

Bồ-tát Di-lặc nghe Đức Phật nói như thế, liền bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Thật là việc chưa từng có, như lời Thế Tôn đã nói, con quyết xa lìa các lỗi như thế để phụng trì pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã gom chứa từ vô số a-tăng-kỳ kiếp đến nay của Như Lai. Nếu ở đời vị lai có thiện nam, thiện nữ nào cầu pháp Đại thừa thì con sẽ làm cho họ được những kinh điển này, ban cho họ sức ghi nhớ, khiến họ thọ trì, đọc tụng thuyết lại cho người khác nghe. Bạch Thế Tôn! Nếu ở đời mạt thế có người thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết cho người khác nghe, đó là do thần lực của Di-lặc kiến lập cho họ: Ý thứ hai, ngài Di-lặc vâng chỉ. Ban cho họ niệm lực, nghĩa là khiến cho họ khi đã nghe thì không bao giờ quên mất.

Đức Phật nói: “Hay thay! Hay thay! Di-lặc! Như lời ông nói, ta trợ giúp cho ông được vui thích thêm.”: Ý thứ ba Như Lai tỏ lời tán thán.

Bấy giờ các vị Bồ-tát chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! sau khi Như Lai diệt độ, con cũng truyền bá pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đến khắp cõi nước trong mười phương, và sẽ chỉ dẫn những người nói pháp được kinh này.”: Thứ hai, các Bồ-tát tự thệ nguyện hoằng truyền. Bồ-tát Di-lặc truyền bá ở coĩ này, các Bồ-tát thì xiển dương khắp mười phương.

Lúc bấy giờ bốn vị Thiên vương bạch Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Khắp các nơi như thành ấp, tụ lạc, núi rừng, đồng ruộng, nếu có người đọc tụng giải nói kinh điển này thì con sẽ đem các quyến thuộc đến nghe pháp, bảo vệ người ấy, khiến cho trong khoảng một trăm dotuần không có người thừa cơ làm hại: Thứ ba, bốn vị Thiên vương phát nguyện hộ trì.

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo A-nan rằng: “Ông hãy thọ trì kinh này, mà lưu truyền rộng rãi cho đời sau.” A-nan thưa rằng: “Dạ con đã thọ trì rồi. Bạch Thế Tôn! kinh này nên đặt tên là gì?” Đức Phật dạy: “Kinh này tên là Duy-ma-cật Sở Thuyết, cũng gọi là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Pháp Môn. Ông nên thọ trì như thế.”: Thứ tư, khiến thị giả thọ trì. Trước bảo, kế đến là đảnh lễ thọ nhận Phật chỉ, thứ ba là hỏi tên kinh, thứ tư là đáp đề kinh.

Phật nói kinh này xong, Trưởng giả Duy-ma-cật, Bồ-tát Văn-thùsư-lợi, A-nan và trời, người, A-tu-la cùng đại chúng nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ: Thứ năm, đại chúng đương thời vui vẻ, tin nhận vâng theo.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15