DUY MA CẬT KINH NGHĨA SỚ

Chùa Hoằng pháp, Trường An Hán dịch: Sa-môn Cát Tạng.

PHẨM 11: BỒ TÁT HẠNH

Đây là hội thứ tư, vân tập tại Am viên. Nói về lý do thì gồm năm nhân duyên:

1. Pháp được nói ra ở trên nay cần phải được Phật ấn định, mới thành kinh, sau đó mới có thể lưu thông các nơi và truyền lại nhiều đời.

2. Những việc bất tư nghị mà ngài Tịnh Danh hiển bày thì đại chúng ở phương trượng đã thấy, còn duyên ở Am viên chưa thấy, vì muốn việc hóa độ được chu tất cho nên mới vân tập về nơi đây.

3. Bồ-tát nước Chúng Hương cũng có hai nguyên do để đến đây là muốn ra mắt ngài Tịnh Danh và lễ Đức Phật, nay muốn thỏa mãn bản tâm cho nên đến hội này.

4. Phẩm trên chỉ nói về cơm thơm làm Phật sự, nay muốn nói rộng về Phật sự, có vô lượng pháp môn.

5. Trên là nói việc mượn tòa, xin cơm, lược hiện thần thông, ở đây thì dùng một bàn tay đưa cả chúng hội, một bàn tay kia thì nâng cả đại thiên, chỉ bày rộng về đạo khó nghĩ bàn.

Về phẩm Bồ-tát Hạnh: Hàng phàm phu thì tâm hành nơi sinh tử, hàng Nhị thừa thì tâm dạo chơi ở Niết-bàn, cả hai đều rơi vào Nhị biên, chẳng phải thâm nhập đạo hạnh. Nay Đại sĩ ở nước Chúng hương sắp về bản độ, cầu thỉnh thuyết về chánh hạnh của Bồ-tát, cho nên lấy đó làm tên phẩm. Toàn phẩm chia làm hai chương là chương duyên khởi và chánh thuyết. Chương nói về duyên khởi gồm mười câu:

  1. Hiển hiện điềm lành trước khi đến.
  2. Hỏi về nguyên do có điềm lành.
  3. Trả lời nghĩa điềm lành.
  4. Thỉnh ngài Văn-thù cùng đi.
  5. Ngài Văn-thù chấp nhận.
  6. Ngài Tịnh Danh dùng bàn tay đưa đại chúng đi.
  7. Đại chúng đến cúi đầu đảnh lễ Phật.
  8. Như Lai han hỏi.
  9. Phật bảo đại chúng ngồi.
  10. Đại chúng vâng mệnh mà ngồi.

Bấy giờ, Đức Phật đang thuyết pháp ở Am viên, thì bỗng nhiên mặt đất trở nên trang nghiêm rộng rãi, tất cả đại chúng trong pháp hội đều ánh sắc vàng: Đây là câu một nói về hiện điềm lành, gồm ba nghĩa:

  1. Vì có khách ở phương khác đến cho nên phải trang nghiêm nơi chốn.
  2. Phát khởi tâm tín thành kính ngưỡng cho chúng hội ở Am viên.
  3. Biểu thị cho việc chuẩn bị khai diễn pháp môn, có nhiều người ngộ đạo.

Ngài A-nan bạch Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! vì nhân duyên gì mà có điềm lành này, khu vườn bỗng nhiên rộng rãi trang nghiêm và tất cả đại chúng đều ánh sắc vàng.”: Đây là câu thứ hai hỏi về nguyên do có điềm lành. Việc làm của bậc Đại sĩ hàng Tiểu thừa không thể biết được. Vả lại khiến cho đại chúng biết Tịnh Danh sắp đến mà sinh tâm vui thích kính ngưỡng. Do hai nhân duyên đó cho nên mới hỏi.

Đức Phật bảo A-nan rằng: “Này A-nan, đó là ông Duy-ma-cật và Văn-thù-sư-lợi cùng với đại chúng cung kính vây quanh, phát tâm muốn đến đây, cho nên trước hiện ra điềm lành này.”: Đây là câu thứ ba trả lời nguyên do có điềm lành.

Bấy giờ ông Duy-ma-cật nói với Bồ-tát Văn-thù rằng: “Chúng ta cũng đến ra mắt Phật để cho các Bồ-tát đảnh lễ cúng dường.”: Đây là câu thứ tư, thỉnh Bồ-tát Văn-thù cùng đi, gồm ba nghĩa:

  1. Muốn ấn định thành kinh.
  2. Muốn cho các Bồ-tát ở cõi Hương tích thấy Phật nghe pháp.
  3. Muốn nói rõ về Phật sự có vô lượng pháp môn, không phải chỉ có cơm thơm.

Ngài Văn-thù-sư-lợi nói rằng: “Hay thay, chúng ta nên đi bây giờ là thích hợp.”: Đây là câu thứ năm, ngài Văn-thù khen ngợi đồng ý. Thời gian thích hợp, nghĩa là thời gian hoằng đạo lợi ích chúng sinh đã hội đủ ba nghĩa đã nêu trên.

Ông Duy-ma-cật liền dùng sức thần thông đặt đại chúng cùng với các tòa sư tử vào bàn tay phải rồi đưa đến chỗ Phật, khi đã đến ông bèn đặt xuống đất: Đây là câu thứ sáu, ngài Tịnh Danh hiện thần thông, tức lặp lại sự Bất tư nghị. Bàn tay chẳng lớn mà có thể nắm giữ, đại chúng chẳng ít mà lại bị chuyển đi. Thế tục thì dùng xe ngựa để đưa tiễn khách, còn bậc Đại sĩ thì dùng thần thông để đưa tiễn.

Cúi đầu lễ chân Phật nhiễu theo chiều bên phải bảy vòng rồi một lòng chắp tay đứng sang một bên. Các vị Bồ-tát cõi kia cũng liền xuống tòa, cúi đầu lễ chân Phật, nhiễu bảy vòng rồi đứng qua một bên. Kế đó các vị đại Đệ tử, Đế Thích, Phạm vương, Tứ thiên vương… cũng đều rời tòa cúi đầu lạy chân Phật rồi đứng qua một bên: Đây là câu thứ bảy nói về việc kính lễ khi đã đến.

Lúc ấy Đức Thế Tôn liền như pháp an ủi thăm hỏi các Bồ-tát. Câu thứ tám, Như Lai han hỏi. Rồi bảo các Bồ-tát trở về tòa ngồi: Đây là câu thứ chín, Bồ-tát vâng lời mà ngồi.

Đại chúng ngồi xong, Đức Phật bảo Xá-lợi-phất rằng: “Ông thấy thần lực tự tại mà bậc Bồ-tát Đại sĩ làm đó chăng?: Đây là chương hai chánh thuyết. Theo văn gồm hai đoạn:

  1. Ấn định, trước nói Phật sự khác nhau.
  2. Thì luận về hạnh Bồ-tát.

– Đoạn đầu lại chia làm hai:

  1. Nói riêng về công đức của cơm thơm.
  2. Nói về Phật sự bất động.

– Sở dĩ trước bảo ngài Thân Tử là có hai nghĩa:

  1. Muốn ấn định thành kinh.
  2. Dùng Đại chê Tiểu.- Dạ, con đã thấy!

– Ý ông nghĩ thế nào?

Bạch Thế Tôn! Con thấy điều ấy thật chẳng thể nghĩ bàn, ý không thể tính toán được, tâm chẳng thể suy lường mà được: Danh từ Bất tư nghị chính đã hiển bày tại nơi đây, bởi vì Nhị thừa chẳng thể suy lường nên gọi là Bất tư nghị.

Lúc bấy giờ, A-nan bạch Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay con nghe mùi hương mà xưa nay chưa từng được nghe, đó là mùi hương gì?”:

Hỏi: Trên đã nói mùi hương xông khắp tam thiên, mà phương trượng và Am viên cách nhau mấy dặm vì sao không nghe?

Đáp: Vì chẳng có phần cho nên gần mà chẳng nghe, nay sắp ấn định thành kinh, và nói về Phật sự, cho nên mới được nghe.

Đức Phật bảo A-nan rằng: “Đó là mùi hương phát ra từ lỗ chân lông của các vị Bồ-tát ở cõi kia.”: Chỉ nói hương của Bồ-tát cõi kia là nêu lên chỗ căn bản, vả lại muốn khiến cho Thân Tử tự chỉ ra mùi hương của cơm.

Khi ấy ngài Xá-lợi-phất nói với A-nan rằng: “Lỗ chân lông của chúng tôi cũng phát ra mùi hương.” Ngài A-nan bèn hỏi: “Từ đâu mà có được như thế?” Ngài Xá-lợi-phất đáp: “Đó là do Trưởng giả Duy-macật xin cơm thừa của Đức Phật ở nước Chúng hương đem về cho chúng tôi dùng ở nhà ông, cho nên tất cả lỗ chân lông đều phát ra mùi hương như thế.” A-nan lại hỏi Trưởng giả Duy-ma-cật rằng: “Mùi hương này được bao lâu thì tan hết?” Ngài Duy-ma-cật đáp rằng: “Đến khi cơm này tiêu hết.” A-nan lại hỏi: “Cơm này khi nào tiêu hết?” Duy-ma-cật đáp: “Cơm này bảy ngày thế lực mới tiêu hết.”: Ngài La-thập nói: “Có người ăn cơm thơm, cơm không khi nào tiêu, nên tâm muốn chán bỏ, cho nên chẳng khiến cho lâu tiêu.” Cũng nói rằng: “Ứng hợp với người đắc đạo, tức là mùi hương của cơm xông ướp, không quá bảy ngày ắt thành thánh đạo. Như rắn cắn đi trong vòng bảy bước, thế lực không quá bảy ngày, việc không nên để lâu, cho nên chẳng khiến để quá bảy ngày.” Ngài Tăng Triệu nói: “Bảy ngày thế lực mới tiêu hết, đó là thế lực thông thường của cơm. Nếu ứng với người nhân nơi cơm mà đạt đạo thì cần phải được chỗ ứng đắc đó sau mới tiêu.

Cát Tạng tôi cho rằng cơm có ba loại:

  1. Phàm phu cảm báo cạn mỏng nên chỉ được bảy ngày, đây là bậc hạ.
  2. Nhị thừa hơi sâu cho nên được sơ quả, khi đạt đến tâm chánh vị La-hán, rồi sau mới tiêu, đây là bậc trung.
  3. Đại thừa phát tâm cho đến bổ xứ, sau đó mới tiêu, đây là bậc thượng.

Vì ứng với ba phẩm chúng sinh cho nên đầu tiên nói bảy ngày.

Này ngài A-nan! Nếu Thanh văn chưa vào chánh vị nếu ăn cơm này thì đến khi đạt được chánh vị cơm mới tiêu, người đã vào chánh vị, nếu ăn cơm này thì đến khi đạt được tâm giải thoát, cơm ấy mới tiêu. Nếu người chưa phát tâm Đại thừa ăn cơm này thì đến khi phát tâm cơm mới tiêu, người đã phát tâm ăn cơm này thì đến khi đạt Vô sinh nhẫn cơm mới tiêu; người đã được Vô sinh nhẫn ăn cơm này thì khi đạt đến Nhất sinh bổ xứ cơm mới tiêu. Ví như có loại thuốc thượng vị, người uống vào khi nào trừ hết độc rồi thuốc mới tiêu. Cơm này cũng như thế, trừ hết các độc phiền não rồi cơm mới tiêu: Có người cho rằng cơm là một pháp môn mà chẳng phải cơm để ăn, cho nên mới làm cho người đắc đạo. Nay chư Phật lấy cơm làm pháp môn, hiện một lực dụng này khiến chúng sinh nhập đạo. Như có kinh ghi: “Bồ-tát có mũ trời chiếu pháp tánh, khi đội mũ này vào thì tất cả pháp tánh hiện nơi tâm.” Hỏi: Ăn cơm thơm vì sao được đắc đạo?

Đáp: Chư Phật có ngôn từ nói khéo léo, thì cũng có món ăn khéo léo, cho nên nghe lời nói, hay nếm mùi vị đều được đạo. Vả lại thế gian có thuốc để trị thân bệnh, thì nay trị tâm bệnh cũng có thuốc, đó chính là cơm thơm vậy. Ngài La-thập nói: “Khi ăn cơm này thì thân an tâm tịnh, phát tâm chưa từng có, cơm còn như thế hà huống gì đạo ư?” Đã có diệu quả này ắt phải có diệu nhân. Tin thích vô cùng, đạt sâu nhân quả, đạt nhân quả tức liễu duyên khởi, liễu duyên khởi kiến thật tướng, vì thế mà đắc đạo.

Ngài A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! thật chưa từng có, cơm thơm như thế có thể làm Phật sự”: Từ đây trở xuống là phần thứ hai, nói về Phật sự bất đồng. Theo văn gồm có hai:

  1. Chính thức nói về Phật sự bất đồng.
  2. Giải ngộ nhập vào môn này, đạt được lợi ích lớn.

Ngài A-nan khen là vì cơm thơm đã bổ ích cho thân mà còn khiến cho được đắc đạo, cho nên gọi là chưa từng có. Phật sự nghĩa là giáo hóa chúng sinh làm cho họ ngộ đạo đó là việc của chư Phật.

Đức Phật nói: “Đúng thế! Đúng thế! Này A-nan! Hoặc có cõi Phật dùng ánh sáng Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng các Bồ-tát làm Phật sự.”: Kinh Hoa Nghiêm Như Lai im lặng, Bồ-tát thuyết pháp, kinh này Đức Thích-ca vô ngôn còn Tịnh Danh thì hoằng đạo.

Có cõi Phật dùng hóa nhân để làm Phật sự: Như Phật Tu Phiến Đa Châu thân đã diệt độ, lưu lại hóa Phật để làm lợi ích chúng sinh.

Có cõi Phật dùng cây Bồ-đề làm Phật sự: Phật đạt Bồ-đề nơi gốc cây, cho nên gọi là cây Bồ-đề. Cây này tùy theo chỗ thấy nghe mà phát ra hình thể âm thanh, đều khiến cho người ngộ đạo, cho nên dùng cây làm Phật sự.

Có cõi Phật dùng y phục ngọa cụ mà làm Phật sự: Ngày xưa khi vua cõi Diêm-phù-đề được đại y của Phật. Lúc bấy giờ khắp thế gian đang bị dịch bệnh, vua bèn dùng chiếc y này treo lên cao, để cho mọi người thấy rõ, mọi người đều quy về nương tựa, do đó bệnh được lành, tin kính càng sâu, nên được giải thoát.

Có cõi Phật lấy việc ăn uống làm Phật sự, có cõi lấy vườn rừng, đài gác làm Phật sự: Cõi nước Chúng hương lấy hương làm đất, vườn rừng, khiến người ngộ đạo, tức là việc này.

Có cõi dùng ba mươi hai tướng đại nhân và tám mươi vẻ đẹp phụ làm Phật sự, có cõi dùng thân Phật làm Phật sự: Hoặc giả hiện tướng quý và vẻ đẹp của chân hình khiến người đắc đạo. Vả lại như Bình-sa Vương tặng tượng Phật cho vua Phất-ca-sa, nhân đó mà vua này ngộ đạo, thân Phật nghĩa là thân hiển hiện hoàn toàn.

Có cõi lấy hư không làm Phật sự, chúng sinh ứng theo duyên mà được vào luật nghi: Chúng sinh căn tánh bất đồng, người thích hữu thì giữ thân để chỉ dạy hữu, người thích không thì diệt thân để hiển thị vô. Như ngài Văn-thù-sư-lợi diệt hết sắc tướng, hiện tướng hư không để giáo hóa vua A-xà-thế, như kinh Mật Tích đã nói.

Có cõi dùng các dụ mộng, huyễn, bóng, tiếng vang, ảnh trong gương, mặt trăng trong nước, sóng nắng làm Phật sự: Có lúc khiến cho chúng sinh cảm mộng mà ngộ đạo, hoặc hiện các tướng huyễn hóa sóng nắng, không hiện hình sắc chân thật mà khiến cho họ được lợi ích. Có cõi dùng âm thanh ngôn ngữ văn tự làm Phật sự, hoặc có cõi Phật thanh tịnh, vắng lặng vô ngôn, không chỉ, không biết, không tạo tác, không làm để làm Phật sự.

Như thế A-nan! Các oai nghi đi đứng, các việc làm của chư Phật đều là Phật sự: Có tịnh độ chân thật đều là pháp thân Bồ-tát, ngoài thì không ngôn thuyết, trong không suy nghĩ, mà đạt ngộ siêu việt nơi sự, chánh quán thật tướng mà đắc đạo.

Này A-nan! Có bốn ma, tám mươi bốn ngàn phiền não mà chúng sinh phải bị lao khổ, thì chư Phật dùng các pháp này làm Phật sự: Ngài La-thập ghi: “Phật sự có ba:

  1. Lấy thiện làm Phật sự, nghĩa là thuyết pháp, phóng ánh sáng….
  2. Lấy vô ký làm Phật sự, như hư không….
  3. Lấy bất thiện làm Phật sự, như nêu lên các phiền não.

Thầy thuốc có ba bậc, bậc hạ thì dùng thuốc trở thành chẳng phải thuốc, bậc thứ nhì có thể dùng thuốc làm thuốc, bậc thượng là lương y, có thể dùng vật chẳng phải thuốc làm thuốc. Tám mươi sáu ngàn tức là từ ba độc và đẳng phần, bốn pháp này là gốc của phiền não, từ mỗi một gốc, khởi lên hai mươi mốt ngàn, tổng cộng là tám mươi bốn ngàn. Từ tám mươi bốn ngàn lại khởi lên vô lượng ngọn ngành cành lá, cho nên gọi là môn. tám mươi bốn ngàn pháp môn thì kinh Hiền Kiếp ghi: “Có vị Bồ-tát tư duy rằng nên hành Tam-muội gì để chóng được tám mươi bốn ngàn các độ, nhân đó mà hỏi Đức Phật. Đức Phật đáp: “Có Tam-muội tên là Liễu pháp bản, Bồ-tát thực hành Tam-muội này thì sẽ chóng được tám mươi bốn ngàn các độ.” Các độ, tức là công đức của Phật, có ba trăm rưỡi môn, mỗi một môn đều lấy sáu độ làm nhân, tức thành hai ngàn mốt độ dùng để đối trị với sự khổ hoạn của bốn đại, sáu suy. Bốn đại là bốn nguyên tố cấu tạo thành thân người, tu tập các độ thì được pháp thân tịnh, cho nên dùng để đối trị với bốn đại. Sáu suy, nghĩa là sáu trần là giặc ác làm pháp thiện của người bị suy giảm, tu tập các độ thì đạt được cảnh giới Phật, chẳng sợ sáu trần, cho nên dùng để đối trị. Bốn đại là bên trong, sáu suy là bên ngoài. Trong ngoài này đều do phiền não phát khởi cho nên đối trị tam độc và đẳng phần, mỗi mỗi đều có hai mươi mốt ngàn, tổng cộng thành tám mươi bốn ngàn.

Đó gọi là vào pháp môn của tất cả chư Phật. Bồ-tát vào pháp môn này, hoặc thấy tất cả các cõi Phật trang nghiêm tốt đẹp mà không lấy làm vui mừng, chẳng tham trước, chẳng cống cao, hoặc thấy tất cả cõi Phật bất tịnh cũng chẳng lo buồn, chẳng ngại, chẳng lánh, chỉ ở nơi cõi Phật mà sinh tâm thanh tịnh, vui mừng cung kính khen ngợi việc chưa từng có. Chư Phật Như Lai có công đức bình đẳng nhưng vì giáo hóa chúng sinh mà hiện các cõi nước khác nhau như thế.

Này A-nan! Ông thấy cõi nước của chư Phật có bao nhiêu đất mà hư không thì không có bấy nhiêu như thế, thấy sắc thân của chư Phật có bao nhiêu mà tuệ vô ngại không có bấy nhiêu: Đây là phần hai nói về việc thâm nhập môn này thì được lợi ích. Theo văn gồm ba ý:

  1. Nói về đức bằng nhau.
  2. Nói về tên hiệu đồng.
  3. Tiểu thừa chẳng lường được.

Đức bằng nhau gồm có hai: đầu tiên nói về Phật tuệ bằng nhau, kế đến nói về các công đức khác đồng nhau. Phật tuệ bằng nhau nghĩa là vào pháp môn này thì biết rằng các cõi Phật đều là ứng vật mà hiện, thì trí tuệ năng ứng đó đâu có khác? Cho nên đối với tịnh hoặc uế chẳng sinh chẳng buồn.

Này A-nan! Sắc thân, oai tướng, chủng tánh giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ đại Bi, các oai nghi, và thọ mạng, thuyết pháp giáo hóa, thành tựu chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật, đầy đủ Phật pháp của chư Phật, tất cả đều đồng đẳng: Trên là nói về tuệ đồng đẳng, đây là luận về các đức khác đồng đẳng.

Hỏi: Hóa nghi của chư Phật khác nhau, vì sao nói là đồng đẳng?

Đáp: Chư Phật đồng có đủ tất cả phương tiện vì thế nên đồng đẳng.

Cho nên gọi là Tam-miệu Tam-phật-đà: Trước nói về đức đồng đẳng, đây nói về hiệu giống nhau. Nhưng hiệu có nhiều môn, lược nêu lên ba, kế đến thì nêu lên mười, tức đã hiển bày vô lượng. Nay lược thuyết. Đây là hiệu thứ nhất chánh biến tri, hiểu biết không điên đảo là chánh, biết cùng khắp gọi là biến, quyết định pháp tướng gọi là tri.

Đa-tha A-già-độ: Hán dịch là Như Lai, cũng gọi là Như khứ, thể hội được Như mà Lai (đến), gọi là Như Lai; thể hội được Như mà khứ (đi), gọi là Như khứ, như Phật mà lai (đến), gọi là Như Lai, như chư Phật đồng nhập Niết-bàn (khứ) gọi là Như khứ.

Phật-đà: Hán dịch là Giác. Giác có hai:

  1. Tỉnh thức từ giấc ngủ phiền não chướng, đồng Nhị thừa.
  2. Tỉnh thức từ giấc ngủ sở tri chướng, khác với Nhị thừa.

Phiền não chướng tức bốn trụ phiền não, sở tri chướng tức chướng ngại Nhất thiết trí của Như Lai, tức vô minh trụ địa hoặc.

“Này A-nan! Nếu ta nói rộng về nghĩa của ba hiệu này thì trong một đời ông cũng không lãnh thọ hết. Như tất cả chúng sinh đầy dẫy trong tam thiên đại thiên thế giới này đầy đủ niệm tổng trì và đa văn đệ nhất như A-nan thì trong một kiếp cũng không thể lãnh thọ hết. Như thế A-nan! Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật không có hạn lượng, trí tuệ biện tài cũng bất khả tư nghị.” A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! từ nay trở đi không dám tự cho mình là đa văn nữa.” Đức Phật bảo A-nan rằng: “Này A-nan! Chớ nên thoái tâm. Vì sao? Ta nói ông là người đa văn đệ nhất trong hàng Thanh văn chứ không phải trong hàng Bồ-tát. Hãy thôi A-nan! Người có trí không nên so sánh với

Bồ-tát. Tất cả những biển sâu còn có thể dò được, nhưng Thiền định, Biện tài, Tổng trì, tất cả công đức của Bồ-tát thì không thể lường được. A-nan! Các ông hãy gác qua việc làm của Bồ-tát đi, ông Duy-ma-cật hiện bày sức thần thông trong một chốc lát mà tất cả Thanh văn, Bíchchi-phật biến hóa trong trăm ngàn kiếp vẫn không thể được: Đây là ý thứ ba nói về đức, danh của Bồ-tát hàng Tiểu thừa chẳng thể suy lường, tức là nêu tổng quát về bất khả tư nghị của Phật.

Lúc bấy giờ, các Bồ-tát ở nước Chúng hương chắp tay bạch Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Khi mới thấy cõi này, chúng con liền sinh khởi ý tưởng cho là thấp kém, nay tự hối trách, dẹp bỏ tâm này, vì sao? Vì phương tiện của chư Phật không thể nghĩ bàn, vì độ thoát chúng sinh nên tùy thuận hiện quốc độ khác nhau: Đây là đoạn thứ hai, các Bồ-tát Chúng Hương xin được ban cho pháp để trở về bản độ. Theo văn gồm ba câu:

  1. Cầu thỉnh.
  2. Thuyết.
  3. Lãnh ngộ.

Đầu tiên lại gồm hai câu: Một là, tự hối lỗi; hai là, xin pháp. Tự hối lỗi là nói về việc ở quốc độ kia tuy có tôn phụng thánh giáo nhưng khi thấy cõi này bất tịnh thì ý tưởng hạ liệt tự sinh, cho rằng Phật và Bồ-tát có hơn kém. Vì thế khi nghe được Phật sự ở cõi này nên mới tự hối trách.

Dạ, Bạch Thế Tôn! Chúng con xin Thế Tôn ban cho một ít pháp để trở về bổn độ thường hằng nghĩ đến Như Lai: Câu thứ hai cầu xin 67 nghe pháp. Có năm nhân duyên:

1. Cõi này tuy là dùng văn tự nhưng lại cần pháp ở cõi kia; cõi kia tuy vô ngôn mà cũng cần pháp cõi này. Hai cõi giáo hóa lưu thông, đây kia cùng lợi lạc.

2. Đã là Bồ-tát ắt phải biến hóa mười phương, cho nên cầu xin văn tự để dạy dỗ các quốc độ khác.

3. Thế giới Chúng hương, có những người chẳng đến ắt sẽ hỏi pháp yếu, cho nên cần phải thừa thọ thuyết khác về trao lại, giống như mồi đèn tiếp nhau.

4. Khiến các Bồ-tát thật biết được ân đức của Phật. Chỉ ăn cơm thơm, tự nhiên ngộ đạo, nghe được pháp khổ hạnh này mà lên bậc Thánh, thế thì biết ân Phật thật sâu dày mà tự khuyên tu tập đức hạnh.

5. Tuy lời phó chúc ở cõi kia, mà ý nghĩa thật ở cõi này.

Đức Phật bảo các Bồ-tát rằng: “Có pháp môn tận vô tận giải thoát, các ông nên học.”: Đây là câu thứ hai, Đức Phật thuyết, gồm có ba: đầu tiên nêu hai môn để khuyên tu học, kế đến giải thích hai môn để giải thích về việc khuyên tu, cuối cùng kết luận hai môn để kết luận việc khuyên họ. Đây là ý đầu tiên.

Thế nào là tận? Đó là pháp hữu vi, thế nào là vô tận? Đó là pháp vô vi: Đây là giải thích hai môn. Hữu vi thì hư vọng ắt sẽ trở về diệt tận, cho nên gọi là hữu vi. Hai câu này là nêu lên pháp được học.

Như Bồ-tát thì chẳng tận hữu vi chẳng trụ vô vi: Từ đây trở xuống là nêu lên hai môn năng học. Lại gồm ba câu: Trước nêu chung hai hạnh, kế đó giải thích riêng hai hạnh; và cuối cùng tổng hợp giải thích hai hạnh. Nhưng chẳng tận hữu vi và chẳng trụ vô vi gồm hai môn:

  1. Chẳng tận hữu vi là vào hữu vi để giáo hóa chúng sinh, chẳng trụ vô vi là phương tiện chẳng chứng không. Đây là xả bỏ vô vi mà vào hữu vi để bài xích Thanh văn trụ vô vi bỏ hữu vi.
  2. Cõi uế có khổ, cho nên gọi là hữu vi, cõi tịnh không có khổ, cho nên gọi là vô vi. Các Bồ-tát nước Chúng hương, thích tịnh độ, bỏ uế độ tức là bỏ hữu vi mà trụ vô vi.

Nay vì muốn chê trách những vị này nên nói chẳng trụ vô vi chẳng bỏ hữu vi. Trước bài xích Thanh văn, còn đây thì chê trách Bồ-tát. Nhưng những người trụ ở tịnh độ, thật không có lỗi này, đó chỉ là mượn nơi kia để bài xích nơi đây mà thôi.

Thế nào gọi là chẳng tận hữu vi? Đó là chẳng lìa đại Từ, chẳng bỏ đại Bi: Đây là ý hai, giải thích riêng hai môn, tức hai ý: trước giải thích chẳng tận hữu vi. Bậc Đại sĩ lấy việc độ sinh làm bản hoài, nay vào hữu để giáo hóa chúng sinh là bản hoài của Bồ-tát, cho nên trước nói chẳng tận hữu vi. Từ bi là nền móng để vào đạo, là gốc để lập đức, cho nên đầu tiên phải nói đến. Hàng Thanh văn không có tâm này cho nên trụ ở vô vi.

Phát tâm Nhất thiết trí một cách sâu xa mà không để cho quên mất. Trước nói về tâm độ sinh, nay nói về tâm cầu Phật đạo, cũng là tâm đại nguyện. Vả lại tâm Bồ-đề này, cội gốc sâu bền khó có thể đổ ngã, cho nên trải qua kiếp số càng thêm sáng tỏ mà không quên mất.

Giáo hóa chúng sinh đến cùng tận mà không bao giờ nhàm chán, đối với tứ nhiếp pháp thường nghĩ thuận thực hành theo, bảo vệ chánh pháp không tiếc thân mạng, thường trồng các thiện căn mà không hề mỏi mệt: Dưới thì hóa độ chúng sinh, trên thì cầu Phật đạo, đây là gốc của các đức. Nhưng giáo hóa chúng sinh, thực hành bốn nhiếp, hai câu này thành tựu cho nghĩa độ sinh nói ở trước. Hộ trì chánh pháp, trồng các thiện căn, hai câu này thì thành tựu cho nghĩa cầu Phật đạo đã nêu trên. Dùng các đức này làm sum suê cành lá, khiến cho cây đạo ngày càng xanh tốt. Đây là nghĩa chẳng tận hữu vi. Các nguyện hạnh nói ở sau là thuộc về cành lá đều có thể làm cho tươi tốt, để thành tựu cho nghĩa chẳng tận.

Chí thường an trụ nơi phương tiện hồi hướng: Làm điều thiện thì không nhất định, chỉ tùy ý mà thành. Nếu có phương tiện khéo léo, và hồi hướng về Phật đạo thì chẳng rơi vào ba cõi và Nhị thừa, mau thành chánh giác, vì thế mà tâm nên thường an trụ.

Cầu pháp không biếng trễ, thuyết pháp không bỏn sẻn, siêng năng cúng dường chư Phật vì thế vào sinh tử mà không sợ sệt, đối với sự vinh nhục tâm không vui buồn, chẳng khinh người chưa học, kính người đã học như Phật, người bị phiền não trói buộc thì làm cho họ phát khởi chánh niệm, đối với niềm vui xa lìa chẳng cho là quý, chẳng tham đắm điều vui của mình mà nên mừng cho điều vui của người: Phàm phu thấy người khác vui thú thì sinh tâm chán ghét, thấy người khác khổ thì tâm vui mừng, đắm trước cái vui của mình, chán ghét cái khổ của mình. Bồtát khi thấy người vui thì hoan hỷ, thấy người khổ thì phát khởi tâm bi, chẳng đắm trước điều vui của mình, tâm an ổn với cái khổ của mình.

Ở nơi thiền định thì tưởng như địa ngục: Thiền có ba loại: Đại thừa, Tiểu thừa và phàm phu. Phàm phu thiền thì phần nhiều sinh ngã mạn, Nhị thừa thiền thì chỉ hay thiêu đốt gốc thiện, làm hư hoại Phật thọ (tâm Bồ-đề), vì thế mà quán như địa ngục.

Sống trong sinh tử xem như vườn rừng: Sinh tử tuy khổ nhưng là nhân của đạo lớn, Bồ-tát thích dạo chơi ở đó, tưởng như vườn nhà.

Thấy người đến cầu pháp tưởng như bậc thầy giỏi: Người đến cầu tuy muốn tự lợi, nhưng thật sự đem lại lợi ích cho mình, cho nên tưởng như thầy giỏi.

Xả bỏ tất cả vật mình có mà xem là đầy đủ Nhất thiết trí, thấy người phá giới thì khởi tâm muốn cứu hộ, quán các pháp Ba-la-mật là cha mẹ: Câu đầu nói về bố thí, nghĩa là xả bỏ thân mạng tài sản ắt sẽ đầy đủ Nhất thiết trí. Câu kế là nói về giới, giới để bảo vệ người, hủy giới không có sự bảo hộ. Bồ-tát tự có sự bảo hộ, bảo hộ mà không có người bảo hộ. Câu sau là nêu chung bốn Ba-la-mật, vì hạnh chuyển càng sâu thì pháp thân từ đó sinh ra, cho nên xem như cha mẹ.

Các pháp đạo phẩm tưởng như quyến thuộc: Pháp mà giúp sức cho ta là ba mươi bảy phẩm, như người thì có quyến thuộc giúp đỡ mà thành tựu các việc.

Phát khởi thực hành các thiện căn không có hạn lượng, dùng các việc trang nghiêm tịnh độ để trang nghiêm Cõi Phật của mình, thực hành bố thí không hạn lượng, đầy đủ các tướng quý và vẻ đẹp phụ, trừ các điều xấu, thanh tịnh thân miệng ý. Hoặc tài bảo ít mà tâm đầy đủ, hoặc tài bảo nhiều mà tâm thiếu kém. Nay hai việc gồm đủ cho nên nói là mở cửa đại thí (thực hành bố thí không hạn lượng). Bố thí này là nhân của các tướng quý và vẻ đẹp. Khi hành bố thí ắt phải thanh tịnh ba nghiệp. Nhân đã tịnh thì quả báo thắng diệu sẽ theo đó mà cảm nên.

Trải qua vô lượng kiếp số mà tâm vẫn dõng mãnh, nghe vô lượng công đức của Phật mà ý chí không mỏi mệt. Dùng kiếm trí tuệ để chém trừ giặc phiền não. Ra khỏi ấm giới nhập, gánh vác chúng sinh, vĩnh viễn khiến cho được giải thoát. Dùng đại tinh tấn phá dẹp ma quân, thường cầu vô niệm, trí tuệ thật tướng: Chẳng khởi bốn câu hữu vô tà niệm là chân trí tuệ.

Thực hành thiểu dục tri túc (ít ham muốn và biết đủ), mà chẳng bỏ pháp thế gian, chẳng phá oai nghi mà có thể tùy thuận thế tục. Chẳng làm mất oai nghi pháp tắc của đạo mà có thể tùy thuận thế gian, ngước lên hay cúi xuống khắp thiên hạ đều cho là đồng với ta, mà ta lại khác với họ.

Phát khởi tuệ thần thông để dẫn dắt chúng sinh, được niệm tổng trì, chẳng quên những điều đã nghe, khéo phân biệt các căn cơ, dứt trừ tâm nghi cho chúng sinh, dùng nhạo thuyết biện tài để diễn nói pháp một cách vô ngại, thanh tịnh mười nghiệp thiện, thọ nhận phước trời người, tu bốn vô lượng, mở đường Phạm thiên, khuyến thỉnh thuyết pháp, tùy hỷ khen ngợi điều thiện, được âm thanh của Phật, thân miệng ý đều thiện, được oai nghi Phật. Tu tập pháp thiện sâu dày, dần dần thăng tiến, dùng pháp Đại thừa giáo hóa thành tựu cho Bồ-tát tăng, tâm không phóng dật, chẳng mất các điều thiện. Thực hành các pháp như thế, thì gọi là Bồ-tát chẳng tận hữu vi: Có thể tự hành và hóa tha như đã nêu, thì công đức ngày càng tăng là chẳng tận hữu vi.

Thế nào là Bồ-tát chẳng trụ vô vi. Đó là tu học không mà chẳng lấy không làm chỗ chứng ngộ, tu học vô tướng vô tác mà chẳng lấy vô tướng vô tác làm chỗ chứng: Đây là giải thích chẳng trụ vô vi, dùng trí phương tiện, quán không chẳng chứng không, gọi là chẳng trụ vô vi.

Hỏi: Đại và Tiểu thừa đều luận đến ba loại không, vậy có gì khác biệt?

Đáp: Nhị thừa quán không thì chỉ được ngã không, Đại thừa quán không thì không có pháp nào chẳng không, đã không có pháp nào chẳng không thì pháp không cũng không; pháp không cũng không thì nhất định chẳng chứng không. Nhị thừa vô tướng thì chỉ có tận đế, còn Đại thừa vô tướng thì vô tất cả tướng. Nhị thừa vô tác thì chẳng tạo tác sinh tử, còn Đại thừa vô tác thì vạn pháp đều chẳng tạo.

Tu học vô khởi chẳng lấy vô khởi làm chỗ chứng: Ngài Tăng Triệu nói: “Các pháp do duyên hội hợp mới có, duyên tan thì không còn. Vậy pháp nào có trước để đợi duyên mà khởi. Đây là môn riêng của không quán. Có người cho rằng vì các pháp thể không là không, không có tướng không để chấp thủ là vô tướng, không có quả tạo ra gọi là vô tác, không có nhân để sinh là vô khởi.

Quán vô thường mà không nhàm chán gốc thiện quán vô thường là để đối trị với thường, đâu phải là đoạn diệt, chẳng thực hành gốc thiện?

Quán thế gian khổ mà chẳng ghét sinh tử, quán vô ngã mà dạy người không nhàm mỏi: Quán vô ngã nghĩa là nhân không, tuy không mà hữu cho nên giáo hóa chúng sinh không mỏi mệt.

Quán tịch diệt mà vĩnh viễn chẳng tịch diệt. Quán xa lìa mà thân tâm thường tu thiện: Xa lìa có ba:

  1. Lìa năm dục.
  2. Lìa phiền não.
  3. Vì các pháp tánh không nên xa lìa.

Xa lìa là tên khác của vô vi, tuy thấy vô vi mà xa lìa nhưng thân tâm chẳng lìa pháp thiện hữu vi.

Quán không có chỗ trở về mà trở về nơi thiện: Các pháp đầu tiên không từ đâu đến thì cuối cùng cũng không có chỗ trở về dù biết không trở về, mà thường trở về pháp thiện.

Quán vô sinh mà dùng pháp sinh để đảm đang tất cả, quán vô lậu mà chẳng đoạn các lậu: Quán vô lậu là khác với phàm phu, thị hiện thực hành hữu lậu, cho nên nói là chẳng đoạn là khác với Nhị thừa.

Quán không có chỗ làm mà dùng việc làm giáo hóa chúng sinh, quán không vô mà chẳng bỏ đại Bi, quán chánh pháp vị mà chẳng theo Tiểu thừa, quán các pháp hư vọng, không bền chắc, không có chủ, không có nhân, vô tướng, phước nguyện chưa tròn nhưng chẳng luống bỏ phước đức, thiền định, trí tuệ: Tuy biết các pháp vô ngã, vô chủ nhưng chẳng cho rằng công đức là hư giả mà không tu tập.

Tu những pháp như thế gọi là Bồ-tát chẳng trụ vô vi: Đây là câu tổng kết ý nghĩa chẳng trụ vô vi.

Vả lại vì đầy đủ phước đức nên chẳng trụ vô vi, vì đầy đủ trí tuệ thì chẳng tận hữu vi: Từ đây trở xuống là phần thứ ba tổng hợp giải thích hai hạnh. Trên tuy đã nói về chẳng tận chẳng trụ, nhưng nay lại phải tổng hợp mà giải thích. Tu phước đức ắt là phải vào hữu, nếu trụ ở vô vi thì phước đức chẳng đủ. Đầy đủ trí tuệ nên biết hữu là như huyễn, vì chẳng làm cho nhiễm trước, cho nên chẳng tận vô vi. Vả lại biết đó là tánh thì ắt phải chiếu khắp các pháp. Nếu phế bỏ hữu vi thì trí tuệ chẳng đủ.

Vì đại Từ bi nên chẳng trụ vô vi: Từ đây trở xuống là câu thứ nhất, lấy đôi phước tuệ làm tổng, cũng là tự lợi. Còn ba đôi nêu dưới đây là biệt, là lợi tha. Từ bi và bản nguyện là mở rộng môn phước. Môn phước có hạnh nguyện. Từ bi là đức, câu dưới nói về nguyện. Tu Từ bi tức bỏ vô mà vào hữu.

Vì nguyện đầy đủ cho nên chẳng trụ chẳng tận, vì gom nhóm thuốc pháp nên chẳng trụ vô vi, tùy bệnh cho thuốc nên chẳng tận hữu vi: Từ đây trở xuống là hai đôi khai môn trí tuệ. Đôi đầu là căn cứ gom nhóm thuốc, đôi sau là căn cứ theo biết bệnh, nhưng gom nhóm thuốc ắt phải theo thầy. Nếu chẳng trụ vô vi, phế bỏ hữu vi, thì cách biệt với quần sinh, đâu có thể trao cho thuốc được, cho nên phải chẳng tận hữu vi.

Vì biết bệnh của chúng sinh nên chẳng trụ vô vi, vì trừ bệnh cho chúng sinh nên chẳng tận hữu vi: Biết bệnh chúng sinh thì ắt phải chiếu hữu, nên chẳng trụ vô vi, trừ bệnh cho chúng sinh thì cần phải vào hữu cho nên chẳng tận hữu vi.

Bậc chánh sĩ Bồ-tát đã tu tập các pháp này chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi, đó gọi là pháp môn tận vô tận vô ngại, các ông cần phải tu học: Đây là câu thứ ba tổng kết hai môn để khuyên tu học môn tận chẳng tận. Tổng kết pháp thể sở học là pháp môn vô ngại. Tổng kết hạnh năng học là chẳng tận hữu vi. Không có sự ngăn ngại của việc thiếu đức là chẳng trụ vô vi, không có sự ngăn ngại của độc thiện, cho nên gọi là vô ngại.

Hỏi: Chẳng tận hữu vi, lại có nghĩa của tận chăng? Chẳng trụ vô vi, lại có nghĩa trụ chăng?

Đáp: Bồ-tát xả bỏ hai loại sinh tử, thì tận hữu vi, chứng đại Niếtbàn, đó là trụ vô vi; trước nói chẳng tận, khiến vào hữu độ sinh, chẳng trụ là chẳng khác với Nhị thừa thủ chứng.

Lúc bấy giờ, các vị Bồ-tát cõi kia nghe thuyết pháp này xong thì vô cùng hoan hỷ, dùng các loại hoa có đầy màu sắc hương thơm vi diệu, rải khắp cõi tam thiên đại thiên để cúng dường đức Phật và kinh pháp này cùng các Bồ-tát, rồi cúi đầu đảnh lễ chân Phật, tán thán đây là pháp chưa từng có, nói rằng: “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni mới có năng lực ở cõi này mà khéo léo thực hành các phương tiện.” Nói rồi bổng nhiên biến mất ở đây mà trở về nước Chúng hương: Đây là phần thứ ba nói về lãnh ngộ, vui mừng tán thán Đức Phật, trở về bản độ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15