DUY MA CẬT KINH NGHĨA SỚ

Chùa Hoằng pháp, Trường An Hán dịch: Sa-môn Cát Tạng.

PHẨM 4: BỒ TÁT

Bồ-tát gọi đủ theo âm Phạm là Bồ-đề Tát-đỏa; Bồ-tát tức là Đạo, Tát-đỏa là chúng sinh. Đạo là pháp được tìm cầu, chúng sinh là người tìm cầu pháp. Phẩm Đệ Tử là gọi chung kính và nhường, phẩm này ghi Bồ-tát là người pháp cùng nêu. Nguyên do của phẩm này có năm nhân duyên:

1. Thứ tự sai bảo, nghĩa là trước khiến Tiểu thừa sau bảo Đại sĩ.

2. Thứ tự phá bệnh, trên phá Tiểu thừa mê muội, nay thì phá chấp trước của Đại thừa.

3. Muốn hiển đức của Tịnh Danh, nói Tiểu thừa chẳng kham nhận, nhưng chưa đủ để hiển cao đức ấy, cho nên phẩm này Đại sĩ lại từ chối mới hiển đủ đức cao xa.

4. Muốn hiển đức của ngài Văn-thù, Thanh văn chẳng kham nhận, Bồ-tát không dám đến, mà chỉ có Văn-thù đến kích phát, thế thì biết giai vị của ngài Văn-thù trên cả Đại Tiểu, độc tôn trong chúng.

5. Muốn thuật lại pháp xưa, để làm lợi ích cho chúng hội hôm nay.

Hỏi: Chỉ có hai phẩm sau này hiển đức của ngài Tịnh Danh, còn phẩm Phương Tiện có hiển chăng?

Đáp: Căn cứ theo người thì phẩm Phương Tiện là dùng phàm phu để hiển đức của ngài Tịnh Danh; phẩm Đệ Tử là đối Thanh văn mà hiển đức ngài Tịnh Danh; phẩm này thì đối với Bồ-tát mà hiển đức của ngài Tịnh Danh. Hơn nữa, phẩm Phương Tiện thì ngài Tịnh Danh tự hiển bày đức của mình, còn phẩm Đệ Tử và Bồ-tát thì người khác hiển đức ngài Tịnh Danh.

Phẩm này được chia làm hai:

  1. Sai bảo riêng bốn vị Bồ-tát.
  2. Các Bồ-tát đồng trình bày chẳng kham nhận.

Sai bảo riêng bốn người gồm bốn chương. Theo chương Bồ-tát Di-lặc thì gồm hai phần: Đầu tiên là sai bảo, kế đến là từ chối chẳng nhận.

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc rằng: “Ông nên đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.”: Đây là phần đầu, sai bảo. Sở dĩ bảo ngài Di-lặc trước, vì ngài là Bồ-tát bổ xứ, sẽ thành Phật ở cõi này, theo thứ tự từ hơn đến kém, giống như thứ tự ở phẩm Đệ Tử.

Di-lặc, Hán dịch là Từ, là họ của một Bà-la-môn ở Nam Thiên Trúc, lấy họ này làm tên. Vả lại vào thời quá khứ, khi còn làm một vị quốc vương, nhân thấy một vị Tỳ-kheo nhập từ Tam-muội đạt được mười tám lợi ích, nên phát nguyện đời đời hành từ. Hơn nữa mẹ ngài mang thai liền phát tâm Từ. Do hai nhân duyên này mà có tên là Từ.

A-dật-đa, Hán dịch là Vô Năng Thắng, là con của một vị phụ tướng của nước Ba-la-nại, lúc mới sinh đã đầy đủ tướng tốt. Vua nước Ba-la-nại tên là Phạm-ma-đạt, sợ sau này sẽ đoạt ngôi vua, muốn ngầm giết hại bèn triệu người cha dẫn Di-lặc vào triều kiến, người cha biết tâm ý của vua liền vào tâu là người cậu đã dẫn đi rồi, sau đó ông về nhà ngầm bảo người bí mật đưa Di-lặc đến nhà Bà-bà-ly ở Nam Thiên Trúc. Cậu của Di-lặc họ là Bà-bà-ly có tóc màu xanh tía có ánh đỏ, tay dài chạm đầu gối, thông minh bát đạt, đem những điều mình biết truyền dạy cho Di-lặc. Năm lên bảy tuổi Di-lặc được cho học tập, một ngày học tập, hơn cả mấy năm, cho nên đã thấu rõ cùng tận chỗ bí ảo. Người cậu muốn hiển bày tài đức của cháu, nên mới lập đại hội vô ngại, nhưng tiền của thiếu hụt, bèn sai hai người đệ tử đến nhà Di-lặc tìm kiếm thêm tài vật. Hai người đang đi trên đường bỗng nghe danh hiệu Phật liền quay đầu lại nhìn. Sau bị hổ ăn thịt, nhờ chút phước thiện này mà hai người được sinh Thiên. Người cậu ở nhà đợi lâu không thấy hai đệ tử trở về, bèn dùng gia tài của mình mở hội bố thí lớn trong bảy ngày. Cuối cùng còn một vị Bà-la-môn nhưng tài vật đã hết sạch, vì không được gì nên người này nổi giận nói rằng: “Ta có sức chú thuật có thể làm cho đầu của ngươi vỡ thành bảy phần.” Bà-ly sợ hãi, bỗng trên hư không có tiếng hai vị đệ tử sinh Thiên trước kia vọng xuống rằng: “Ông chớ lo buồn, nay đã có Phật xuất thế, có thể đến nương tựa ngài.” Bà-ly liền hỏi vị trời là ai, trên hư Bất nhị vị trời liền kể lại sự việc trước kia. Bà-ly vốn đã đọc sấm thư, biết sẽ có Phật ứng hiện xuất thế. Sau đó ông bảo Di-lặc và mười sáu người đến chỗ Phật, thấy Phật thật có ba mươi hai tướng đại nhân và tám mươi vẻ đẹp tùy hình, lát sau khiến trong tâm Di-lặc thầm nêu lên ba câu hỏi:

  1. Tôi là ai.
  2. Thân có mấy tướng.
  3. Bao nhiêu tuổi.

Đức Phật đều biết tất cả và đã trả lời đầy đủ ba câu. Lúc bấy giờ Di-lặc biết đây nhất định là Phật, liền cùng mười sáu người theo Phật xuất gia. Mười sáu người kia đã chứng quả A-la-hán, còn Di-lặc chẳng giữ lấy lậu tận, mà nguyện làm Phật, Đức Phật liền thọ ký cho.

Di-lặc bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.”: Đây là phần hai từ chối chẳng kham nhận. Theo văn gồm có ba là nêu lên, giải thích và kết luận. Đây là đoạn thứ nhất.

Hỏi: Ngài Tịnh Danh và Bồ-tát Di-lặc đều cùng giai vị Vô học. Vì sao ngài Tịnh Danh lại có thể chê trách mà Bồ-tát Di-lặc bị khuất phục?

Đáp: Gồm hai nghĩa:

  1. Cùng nhau hóa độ chúng sinh được mất tùy nghi, dài ngắn tùy ứng.
  2. Theo giai vị thì ngài Di-lặc sẽ tiếp nối tôn vị còn ngài Tịnh Danh thì đã thành Phật từ lâu xa.

Đã có nhân quả khác nhau, thì có hơn kém.

Vì sao? Con nhớ lại khi xưa, thuyết hạnh không thoái chuyển cho vua trời Đâu-suất và các quyến thuộc nghe: Đây là phần hai giải thích chẳng kham nhận. Theo văn gồm ba ý: Lý do bị chê trách, yếu chỉ chê trách và chúng đương thời ngộ đạo. Đâu-suất, Hán dịch là Tri túc thiên, vị trời này tên là San. Trời Đâu-suất thường đến nhân gian nghe thuyết pháp. Vị trời này cho rằng ngài Di-lặc sắp lên làm thầy của chư Thiên, nên dự tâm sùng kính, thường đến nghe thuyết pháp. Hạnh bất thoái chuyển tức Vô sinh pháp nhẫn, nghĩa là không còn ba loại thoái chuyển là vị, hạnh và niệm, nên gọi là bất thoái chuyển.

Lúc ấy, Duy-ma-cật đến nói với con rằng: “Thưa ngài Di-lặc! Thế Tôn thọ ký cho ngài một đời nữa sẽ đạt quả Vô thượng Bồ-đề.”: Đây là ý hai, yếu chỉ chê trách. Gồm hai: Đầu tiên chê trách về thọ ký, kế đó chê trách về được Bồ-đề. Chê trách về việc thọ ký, để chỉ rõ không có người được, chê trách về việc được Bồ-đề là nêu lên không có pháp để được. Tức người pháp đều không. Vả lại, chê trách thọ ký tức là nói không có nhân được, chê trách việc được Bồ-đề là hiển bày không có quả để được. Tức nhân quả đều vắng lặng. Về việc ngài Tịnh Danh và Bồ-tát sâu cạn khác nhau thì Bồ-tát Di-lặc chỉ thấy một mà chẳng thấy hai. Tuy nói dục vô thường, tán thán pháp bất thoái, nhưng chưa biết chư Thiên chấp sâu nặng việc thọ ký một đời sẽ được Bồ-đề. Dục thô tuy đã trừ mà nhiễm vi tế, vẫn còn sinh, vì thế ngài Tịnh Danh bặt dứt cả nhân quả, khiến thô tế đều trừ. Nếu căn cứ theo hai người làm lợi ích chúng sinh thì trước cần phải có Bồ-tát Di-lặc thuyết dục vô thường, tán thán pháp bất thoái để dứt trừ thô, sau đó ngài Tịnh Danh luận nhân quả đều không thể dứt trừ tế. Phá chấp thọ ký có ba là nêu lên, chê trách và kết luận. Nói một lần sinh (một đời) nghĩa là ngài Di-lặc hiện tại đã ở nhân gian, kế đến sinh lên cõi trời Đâu-suất, cuối cùng hạ sinh nhân gian mà thành Phật. Theo luận Trí Độ thì tính chung là ba lần sinh, nhưng hiện tại đã thọ sinh ở nhân gian nên không tính, sau cùng hạ sinh thành Phật thì thuộc thân Phật nên cũng không tính. Chỉ tính một thân sinh Thiên cho nên gọi là một lần sinh.

Hỏi: Nếu thế thì đồng với Tiểu thừa tức một lần sinh Thiên một lần sinh nhân gian là đắc đạo, lẽ ra là hai lần sinh, cũng gọi là nhất vãng lai, vậy nhất định là hai lần sinh vì sao nói một lần sinh?

Đáp: Nghĩa này cũng giống thế, nhưng Tiểu thừa so với thân diệt tận nhập vô dư cho nên thọ hai thân gọi là hai lần sinh. Còn ngài Di-lặc chẳng có thân diệt tận, chỉ có thân hạ sinh thuộc về thân Phật, cho nên đối với thân cõi trời mà nói một sinh.

Vậy dùng đời nào để thọ ký? Đời hiện tại? Hay đời quá khứ? Hay đời vị lai? Đời quá khứ thì quá khứ đã qua, đời vị lai thì vị lai chưa đến, nếu là đời hiện tại thì hiện tại không dừng trụ. Như lời Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo! Các ngươi ngay lúc bấy giờ cũng có sinh, cũng già, cũng chết.”: Đây là thứ hai chính thức phá, theo văn gồm ba môn:

  1. Theo môn ba thời để phá.
  2. Theo môn vô sinh để phá.
  3. Theo môn như để phá.

Căn cứ theo ba thời, trong ba thời chỉ có một sinh, vì thế không có thọ ký một đời, quá khứ là diệt thành không, vì không sinh cho nên không thể thọ ký, vị lai chưa có thì chưa sinh, cũng không thể thọ ký, hiện tại thì một niệm chẳng dừng trụ, cũng không có sinh, cho nên không thể thọ ký. Dẫn lời Phật chỉ nói hiện tại không dừng trụ, là vì nhiều người cho rằng hiện tại có sinh, cho nên dẫn chứng để phá.

Nếu dùng vô sinh để được thọ ký thì vô sinh là chánh vị, trong chánh vị không có thọ ký, cũng không đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao Di-lặc được thọ ký một đời?: Đây là môn thứ hai căn cứ theo vô sinh để xác định không có thọ ký. Phàm nói về vô sinh, ắt phải có ba thời, ba thời đã không tức là vô sinh. Hoặc giả cho rằng có ba thời mà không có thọ ký thì trong vô sinh lẽ ra có thọ ký, cho nên kế đó phải bài xích. Vô sinh là thật tướng, thật tướng là pháp chân thật, cho nên gọi là chánh; cách biệt với tà gọi đó là vị. Lý thật tướng này ngoài ngôn từ, bặt suy nghĩ, vượt bốn câu, lìa một trăm lỗi, cho nên không thể thọ ký.

Là từ “như” sinh mà được thọ ký chăng? Hay từ “như” diệt mà được thọ ký. Nếu từ “như” sinh mà được thọ ký thì “như” đâu có sinh. Nếu từ như diệt mà được thọ ký thì “như” đâu có diệt: Đây là môn thứ ba căn cứ theo như để phá thọ ký. Ngài La-thập nói đây cũng nhân nơi chỗ tồn tại mà ngăn chặn. Phàm thọ ký cần phải được “như”. Vốn chưa được mà nay được, tựa hồ có khơi. “Như” khởi thì phiền não diệt. Cũng tựa như có vật diệt trong “như”. Cho nên trước hỏi sự khởi diệt để luận về không khởi diệt, nay nói hai môn trên là căn cứ theo lý sinh vô sinh để kiểm xét về việc không có thọ ký. Nay lại bài xích về việc liễu ngộ ắt cũng không do thọ ký. Phàm nói về được thọ ký là vì thể hội được “như” nên sinh pháp nhẫn, thể hội được như nên phiền não diệt, lúc ấy sẽ được thọ ký. Vì thế hỏi rằng “là từ như sinh, hay từ Như diệt.”

Hỏi: Chỉ nên nói Pháp nhẫn sinh diệt, vì sao lại nói Như sinh diệt?

Đáp: Pháp nhẫn chẳng lìa “như”, cho nên nói như sinh diệt. Nhưng pháp nhẫn là “như”, “như” lại không sinh thì pháp nhẫn chẳng sinh; phiền não là như, như không diệt thì phiền não chẳng diệt, cho nên không được thọ ký.

Tất cả chúng sinh đều “như”, tất cả pháp cũng “như”, Thánh hiền cũng như cho đến Di-lặc cũng “như”: Trên đã căn cứ theo Như để cật vấn, ở đây lại căn cứ theo “như” để lập đồng nhau. Theo văn gồm có hai: Đầu tiên định quan hệ, kế đến là lập đồng nhau. Đây là nêu lên phàm thánh, người pháp để định quan hệ.

Nếu Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sinh cũng được thọ ký. Vì sao? Vì “như” chẳng hai chẳng khác: Đây là môn thứ hai lập đồng nhau, gồm có ba việc đồng nhau:

1. Đồng được thọ ký. 2. Đồng được Bồ-đề. 3. Đồng chứng Niết-bàn.

Ba việc này đều theo một thứ tự, trước cần phải được thọ ký, kế đến là được Bồ-đề và sau cùng là chứng quả Niết-bàn. Trong ba quan hệ này đều là trước thì nêu lên đồng nhau, sau đó giải thích lý do đồng nhau. Vì phàm thánh nhất như cho nên chẳng hai; như không thay đổi, nên gọi là chẳng khác, đây là giải thích lý do đồng nhau.

Nếu Di-lặc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả chúng sinh cũng đều được. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh tức là tướng Bồđề: Đây là môn thứ hai căn cứ theo Bồ-đề để lập sự đồng nhau.

Nếu Di-lặc được độ thì tất cả chúng sinh cũng được độ. Vì sao? Vì chư Phật biết tất cả chúng sinh rốt ráo tịch diệt là tướng Niết-bàn, chẳng cần phải diệt nữa: Đây là môn thứ ba, căn cứ theo Niết-bàn để lập sự đồng nhau.

Vì thế ngài Di-lặc chớ nên dùng pháp này mà dạy dỗ chư Thiên, thật không có gì là tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có gì là thoái chuyển cả: Đây là đoạn thứ ba, kết luận ý chê trách. Đạo bình đẳng, thật không có phát tâm, cũng không có sự lui sụt, mà dùng hạnh bất thoái để dụ dẫn họ phát tâm, chỉ cho họ về thọ ký, há chẳng phải là hư dối sao?

Di-lặc! Ngài nên làm cho các Thiên tử này xả bỏ kiến chấp phân biệt Bồ-đề. Vì sao? Vì Bồ-đề chẳng thể dùng thân để được, dùng tâm để chứng: Lần thứ hai phá Bồ-đề. Bồ-đề lấy tịch diệt làm tướng, nhưng chư Thiên lại chê sinh tử trọng Niết-bàn, tuy là tìm cầu chỗ thù thắng mà lại bị phiền lụy nên dùng con đường chân chánh để khai mở, khiến cho họ xa lìa phân biệt, há lại dùng sự thọ ký đạo quả chỉ cho họ, để tăng thêm kiến chấp sao? Bồ-đề là chân trí của bậc Đại giác, siêu việt lãnh vực hữu vô, vượt ngoài ngôn ngữ hình tướng, chẳng biết đặt lên là gì, mới gượng nói là Bồ-đề. Cho nên Bồ-đề này chẳng thể dùng thân mà được, chẳng thể dùng tâm mà chứng.

Tịch diệt là Bồ-đề, vì diệt các tướng: Trước đã phá chấp tướng. Đây là nêu chân đạo. Bồ-đề là trí năng hội, thật tướng là cảnh sở hội, cảnh đã vô tướng thì trí tịch diệt cho nên nói tịch diệt là Bồ-đề.

Chẳng quán là Bồ-đề vì lìa các duyên, chẳng hành là Bồ-đề vì Bồ-đề không có ghi nhớ: Quán do duyên mà sinh, lìa duyên thì không có quán, hành do niệm sinh, không niệm (nghĩ nhớ) thì không có hành.

Đoạn là Bồ-đề vì xả bỏ các kiến, lìa là Bồ-đề vì lìa các vọng tưởng, chướng là Bồ-đề vì ngăn ngại các nguyện: Chân đạo vô dục ngăn che các duyên.

Bất nhập là Bồ-đề vì không tham trước: Nhập nghĩa là thọ nhận sáu trần.

Thuận là Bồ-đề vì thuận như; trụ là Bồ-đề vì trụ nơi pháp tánh; đến là Bồ-đề vì đến được mé thật; Bất nhị là Bồ-đề vì lìa ý pháp; bình

đẳng là Bồ-đề vì bình đẳng như hư không; vô vi là Bồ-đề vì không có sinh trụ diệt; trí là Bồ-đề vì thấu suốt tâm hành của chúng sinh; chẳng hội là Bồ-đề vì các nhập chẳng hội; chẳng hợp là Bồ-đề vì lìa tập khí phiền não: Các nhập tức sáu nhập, trong và ngoài, trong ngoài đều không cho nên các nhập chẳng hội. Hợp nghĩa là nghiệp phiền não hòa hợp, phiền não vốn không cho nên không có chỗ hợp. Hội là căn cứ theo quả hiện tại, hợp là căn cứ theo nhân.

Không có xứ sở là Bồ-đề, vì không có hình sắc; giả danh là Bồđề vì danh tự vốn không: Ngoài không có xứ sở để lập hình sắc, trong không có cái thật để lập danh.

Như huyễn hóa là Bồ-đề vì không lấy bỏ; không loạn là Bồ-đề vì thường tự yên tĩnh; vắng lặng là Bồ-đề vì tánh thường thanh tịnh; không chấp thủ là Bồ-đề vì lìa phan duyên; không khác là Bồ-đề vì các pháp bình đẳng; không so sánh là Bồ-đề vì không thể ví dụ; vi diệu là Bồ-đề vì các pháp khó có thể hay biết: Các pháp sâu kín khó có thể suy lường, chẳng phải chỗ biết của hữu trí. Bồ-đề chẳng biết, mà không gì chẳng biết. Không biết mà không gì chẳng biết, tức là vi diệu cùng tột.

Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật thuyết pháp ấy xong, hai trăm vị trời được Vô sinh pháp nhẫn: Đây là đoạn ba, chúng đương thời ngộ đạo. Bồ-tát Di-lặc nói hữu để dứt trừ trần dục, ngài Tịnh Danh thuyết không để dứt trừ phiền não vi tế, vì thế chư Thiên hợp thời ngộ đạo.

Vì thế con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy: Chẳng kham nhận có ba nguyên nhân đã nêu lên và giải thích xong, đây là phần kết luận.

Đức Phật bảo Đồng tử Quang Nghiêm rằng: “Ông nên đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.”: Bồ-tát Di-lặc và Đồng tử Quang Nghiêm khác nhau. Bồ-tát Di-lặc là người xuất gia, Quang Nghiêm là tục gia, cho nên được sai bảo kế tiếp. Bồ-tát Di-lặc đã có chỗ hành sâu xa còn Quang Nghiêm là người mới phát tâm. Vả lại do thọ ký cho nên có tọa đạo tràng. Trên là bài bác việc thọ ký, ở đây thì bài bác việc tọa đạo tràng. Theo văn có hai là sai khiến và từ chối và đây là chương đầu.

Đồng tử Quang Nghiêm bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.”: Đây là chương từ chối chẳng kham nhận, gồm ba là nêu lên, giải thích và kết luận. Đây là phần thứ nhất, nêu lên.

Vì sao? Nhớ khi xưa con vừa ra khỏi thành Tỳ-da-ly: Đây là phần hai giải thích, theo văn gồm bảy câu. Đây là câu đầu nói về Đồng tử

Quang Nghiêm ra khỏi thành, có hai nghĩa:

  1. Muốn lợi ích chúng sinh cho nên có việc xuất thành.
  2. Quang Nghiêm muốn đến đạo tràng.

Lúc bấy giờ, ông Duy-ma-cật cũng vừa vào thành, con liền tác lễ: Cửa thành là nơi mọi người tụ hội, cho nên có thể hiển bày được nhiều công năng hóa độ. Tác lễ là vì xưa là người đồng hàng xóm, nên nay lễ theo lớn nhỏ, vả lại hạnh có sâu cạn nên kính theo tôn ti.

Và hỏi rằng: “Cư sĩ từ đâu đến đây?”. Ông đáp: “Từ đạo tràng đến đây.” Con lại hỏi: “Đạo tràng là gì?”. Ông đáp: “Trực tâm là đạo tràng vì không hư giả.”: Đạo tức là đạo quả của Phật Vô thượng Chánh biến tri. Tràng gồm hai nghĩa:

  1. Chỉ cho các đức của quả Phật cho nên văn kinh này dùng các đức của giai vị Phật làm tràng.
  2. Đã dùng quả làm đạo, dùng nhân làm tràng, nhân luôn cảm quả, nơi khởi đạo cho nên gọi là đạo tràng.

Cho nên nhân của muôn điều thiện là nguyên do đạt đến giác ngộ, là gốc của Bồ-đề, là đất vắng lặng để tu tâm, là chốn thanh tịnh để hoằng đạo. Nhưng nhân có hai:

  1. Sáu Độ vạn hạnh.
  2. Các cảnh bốn Đế…, tất cả đều có thể sinh đạo, cho nên gọi là đạo tràng, cảnh và hạnh này là đạo tràng chân thật.

Ở cội cây Bồ-đề, là nơi phát khởi đạo vi diệu, cũng gọi là đạo tràng, là đạo tràng ứng tích. Hơn nữa từ bản mà có tích, bản phát khởi ra tích, bản là tràng của tích. Trực tâm nghĩa là trong thì có tâm chân thật ngay thẳng, bên ngoài thì không hư dối, đây là nền móng cho gốc của vạn điều thiện, là tường thành của nơi tiến đạo.

Phát hạnh là đạo tràng vì có thể làm xong các việc, thâm tâm là đạo tràng vì làm tăng trưởng công đức: Tâm đã chân thật ngay thẳng thì có thể phát khởi tu hành, đã phát khởi tu hành thì không việc gì chẳng làm xong. Đã có thể phát khởi hạnh thì tâm Bồ-đề càng sâu, tâm Bồđề càng sâu thì công đức càng tăng trưởng. Tâm Bồ-đề là đạo tràng vì không sai lầm. Trực tâm nhập vào hạnh càng sâu thì biến thành tâm Bồđề, vì tâm này chánh trực cho nên chỗ nhận biết không lầm lẫn. Phàm người hoằng đạo phải có đủ bốn tâm này, bốn tâm đã sinh thì sáu Độ vạn hạnh đều thành tựu.

Bố thí là đạo tràng vì không cầu mong phước báo; trì giới là đạo tràng vì các nguyện đầy đủ; nhẫn nhục là đạo tràng vì không chướng ngại tâm chúng sinh; tinh tấn là đạo tràng vì không biếng trễ; thiền định là đạo tràng vì tâm nhu hòa; trí tuệ là đạo tràng vì thấy rõ được các pháp: Đây là sáu độ vô sở đắc đều phát sinh đạo, cho nên gọi là đạo tràng.

Từ là đạo tràng vì bình đẳng với chúng sinh; Bi là đạo tràng vì nhẫn chịu sự lao khổ; Hỷ là đạo tràng vì vui thích chánh pháp; Xả là đạo tràng vì đã đoạn yêu ghét. Trước nói về sáu độ vô đắc, còn đây thì nói về bốn đẳng vô duyên. Tâm Từ nghĩa là muốn ban vui cho chúng sinh. Từ chỉ giả tưởng dùng để ban vui cho chúng sinh, vui do từ mà khởi. Lại thấy chúng sinh chịu khổ, trong lòng xót thương tức là nhập vào tâm Bi, thấy chúng sinh được vui thì tâm sinh hoan hỷ cho nên gọi là Hỷ. Do Từ mà sinh ái, ái sinh chấp trước, chấp trước sinh phiền não. Bi sinh ưu phiền, ưu phiền sinh não loạn, não loạn thì sinh ghét. Từ bi tuy là thiện, nhưng phiền não cũng do đó mà sinh cho nên cả hai phải xả bỏ, chỉ một bình đẳng mà thôi gọi đó là hạnh Xả.

Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu sáu thông; giải thoát là đạo tràng vì đạt được bội xả; phương tiện là đạo tràng vì hay giáo hóa chúng sinh; bốn nhiếp là đạo tràng vì hay nhiếp phục chúng sinh: Ngài La-thập nói rằng:

1. Tuệ thí, tuệ thí có hai loại, đó là dùng tài vật để bố thí cho người hạ căn và dùng pháp để ban phát cho người thượng trí.

2. Ái ngữ, ái ngữ cũng có hai loại, đó là đối với người hạ căn thì dùng ngôn từ nói ôn hòa để làm vui, đối với người thượng trí thì dùng pháp ngữ để dẫn dụ, tất cả đều từ tâm ái mà xuất phát ra ái ngữ.

3. Lợi hành, lợi hành cũng có hai loại, đó là đối với người hạ căn thì nói phương tiện khiến cho họ được lợi ích thế gian, còn đối với người thượng trí thì lập bày phương tiện làm cho họ được lợi ích Phật pháp.

4. Đồng sự, đồng sự cũng có hai loại, đó là đồng sự với người ác thì dùng thiện pháp để giáo hóa họ, còn đồng sự với người thiện thì làm cho họ tăng trưởng thiện căn .

Tùy theo người mà hòa nhập, đồng làm một nghề nghiệp với họ, cho nên gọi là đồng sự.

Đa văn là đạo tràng vì như những điều đã nghe mà thực hành: Nghe mà chẳng thực hành thì cũng giống như chim thú nghe vậy.

Phục tâm là đạo tràng vì chánh quán các pháp: Tâm tức là tánh, cang cường thì thấy tà, điều phục thì thấy chánh.

Ba mươi bảy phẩm là đạo tràng vì xả bỏ các pháp hữu vi: Ba mươi bảy phẩm là nhân để đạt đến Niết-bàn, là vô vi.

Đế là đạo tràng vì chẳng hư dối thế gian: Tiểu thừa thì nói tứ đế, Đại thừa thì nói Nhất đế. Nay nói đế tức là Nhất đế vậy, nhất đế tức là thật tướng. Pháp thế tục là hư vọng nghĩa là nói có mà lại thành không, nói không mà thành có, như thế tức là dối gạt người. Thấy các đế khác giải thích ắt là trừ hoặc chướng của ngã nhưng chưa tránh khỏi vọng tưởng, thì cũng dối người. Nay Nhất đế không có các lỗi trên, cho nên không dối gạt người. Từ Nhất đế cho đến các pháp vô ngã là thật tướng của các pháp, nghĩa là trong Nhất đế khác câu khác vị. Do Nhất đế này mà thành tựu Phật đạo, vậy Nhất đế là nhân Phật cho nên gọi là đạo tràng. Duyên khởi là đạo tràng vì vô minh cho đến lão, tử đều vô tận. Mười hai duyên khởi do nhân duyên tương sinh mà vô cùng vô tận. Ngộ được nguyên do này thì tâm trí tuệ tự sáng suốt, tâm trí tức là đạo tràng.

Tất cả phiền não là đạo tràng vì biết như thật. Chúng sinh là đạo tràng vì biết vô ngã, tất cả pháp là đạo tràng vì biết các pháp vốn không. Thật tánh của phiền não, vô ngã của chúng sinh, nghĩa không của các pháp đều là nguyên do sinh khởi đạo.

Hàng ma là đạo tràng vì chẳng khuynh động; ba cõi là đạo tràng vì không có chỗ đến; sư tử hống là đạo tràng vì không sợ sệt; Lực, Vô sở úy, Bất cộng pháp là đạo tràng vì không có các lỗi; tam minh là đạo tràng vì không còn ngăn ngại: Hàng phục các ma quân mà không bị lay động, dạo chơi trong ba cõi mà không tùy nhiễm chỗ đến, diễn pháp âm vô úy mà chẳng khó, đầy đủ ba mươi hai nghiệp của Phật không thiếu sót, ba minh, thông đạt không ngăn ngại. Đó đều là nguyên nhân phát sinh đạo lớn.

Một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng vì thành tựu Nhất thiết trí: Pháp Nhị thừa, dùng ba mươi bốn tâm để thành đạo. Pháp Đại thừa chỉ dùng một niệm, hoát nhiên đại ngộ, đầy đủ Nhất thiết trí. Phàm có tâm thì có xứ sở, có xứ sở thì có cương giới, bờ cõi cương giới đã hình thành thì trí có ngằn mé, trí có bờ mé, thì chiếu không cùng khắp. Bậc chí nhân không tâm, không tâm thì không có bờ cõi, không bờ cõi thì không cương giới, bờ cõi cương giới đã không thì trí không ngằn mé, trí không ngằn mé thì chiếu soi cùng khắp, cho nên có thể dùng một niệm, một thời mà biết cùng tận tất cả pháp. Nhất thiết trí tuy là đứng đầu của hạnh, nhưng cũng là một trong vạn hạnh. Cái mà do vạn hạnh tụ hội thành thì đó là đạo vô thượng. Cho nên trước nêu lên các pháp đều là tràng.

Như thế, thiện nam! Nếu Bồ-tát có thể y cứ theo các Ba-la-mật giáo hóa chúng sinh thì tất cả những việc làm cho đến nhấc chân, đặt chân đều là từ đạo tràng mà có, đều ở nơi Phật pháp vậy: Nếu có người

đúng theo các độ đã nêu để giáo hóa chúng sinh, người ấy đi thì dạo chơi nơi đạo tràng, dừng thì trụ ở Phật pháp.

Khi Duy-ma-cật thuyết pháp này xong, thì năm trăm trời người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác: Đây là đoạn thứ bảy, chúng đương thời được lợi ích.

Cho nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy: Đây là phần kết luận.

Đức Phật bảo Bồ-tát Trì Thế rằng: “Ông nên đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.”: Bảo bốn vị Bồ-tát, gồm hai đôi, đó là Bồ-tát Di-lặc và Trì Thế là hai vị Đại sĩ xuất gia, Quang Nghiêm và Thiện Đức là hai vị Bồ-tát tại gia. Căn cứ theo nghĩa mà luận thì chung cho muôn hạnh, theo ba nghĩa mà luận thì công năng sinh đạo gọi là đạo tràng, ý nghĩa tâm ý vui vẻ gọi là pháp lạc, công năng cứu vật gọi là pháp thí. Chương này gồm hai phần, đầu tiên là sai bảo, sau là từ chối chẳng kham nhận.

Trì Thế bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.”: Theo văn gồm có ba là nêu lên, giải thích và kết luận. Đây là phần đầu.

Vì sao? Nhớ lại khi xưa, lúc con trụ nơi tinh xá, có ma Ba-tuần cùng với hai ngàn Thiên nữ, giống như trời Đế Thích trỗi trống nhạc đàn ca đến chỗ con, ma cùng với quyến thuộc đảnh lễ nơi chân con rồi chắp tay cung kính đứng về một phía. Trong tâm con suy nghĩ rằng đây là trời Đế Thích nên nói rằng: “Quý thay! Kiều-thi-ca! Tuy là có phước báu nhưng chớ có buông lung, nên quán năm dục vô thường để cầu gốc thiện, ở nơi thân mạng tài sản mà tu pháp bền chắc.”: Đây là phần hai giải thích chẳng kham nhận. Theo văn lại có ba:

  1. Lý do bị chê trách.
  2. Yếu chỉ chê trách.
  3. Khen ngợi ngài Tịnh Danh.

Đây là đoạn thứ nhất. Âm Phạm gọi là Ba-tuần, Hán dịch là Sát giả, nghĩa là thường muốn đoạn dứt tuệ mạng của người khác, còn gọi là ác trung ác. Ác có ba hạng: Ác, đại ác và ác trung ác. Nếu có người đối xử ác với mình, mình cũng dùng ác để đối xử lại thì gọi là ác; nếu có người không cung kính mình, mà mình vô cớ giết hại người ấy thì gọi là đại ác; nếu người đến cúng dường, đã không nghĩ đến việc báo ân mà còn hại họ, thì gọi là ác trung ác. Về hạng này thì ma Ba-tuần là đứng đầu. Chư Phật thường muốn chúng sinh an ổn, mà ma này lại nhiễu loạn phá hoại chúng sinh, cho nên gọi là đứng đầu về ác trung ác. Các ngoại đạo gọi ma Ba-tuần là chủ cõi Dục, còn có tên là Hoa tiễn. Trời Đế Thích là đệ tử của Phật, ma biết Bồ-tát Trì Thế không nghi ngờ, cho nên hóa hình trời Đế Thích đến. Bồ-tát không khởi tâm quán xét tâm của ma cho nên không thấy. Giải thích rằng: Ngài Trì Thế là nhục thân Bồ-tát, khi nhập định quán xét thì biết, không nhập định thì quán chẳng biết. Kiều-thi-ca là họ ở thời quá khứ. Ba pháp bền chắc là thân, mạng và tài bảo. Thân là vô thường phải nên xử dụng làm điều thiện, mạng đã nguy ách nên phải tận dụng để hành đạo, tài sản là của năm nhà, nên cần phải bố thí. Những việc này vô thường không thể phá hoại, cho nên gọi là pháp bền chắc.

Ma vương liền nói với con rằng: “Thưa Chánh sĩ! Ngài nên thọ nhận hai ngàn Thiên nữ này để hầu hạ quét dọn.” Nhân Bồ-tát thuyết pháp mới trá ngụy làm điều thiện, thật ra muốn dùng Thiên nữ để nhiễu loạn. Con liền nói rằng: “Này Kiều-thi-ca! Không nên dùng môn phi pháp này để thí cho Sa-môn Thích tử chúng tôi, đây không phải là vật tôi cần.”: Trên đã dạy hành bố thí, kia đã thuận, theo lý cần phải thọ nhận, nhưng chẳng phải là vật cần thiết, cho nên không nhận.” Phàm ý của người bố thí là muốn cho người phải thọ nhận, cho nên nói chớ từ chối cốt yếu là khiến cho ta phải thọ nhận. Nói Sa-môn Thích tử là để nêu lên lý không thể thọ nhận của mình, mà chẳng phải trái nghịch với thiện tâm của người bố thí.

Chưa dứt ngôn từ thì ông Duy-ma-cật đến nói với con rằng: “Đây chẳng phải là Đế Thích, mà là ma đến nhiễu loạn ngài đấy!” Ông Duyma-cật lại nói với ma rằng: “Ngươi nên cho ta, ta đây mới nên thọ nhận.”: Đây là đoạn hai nói về yếu chỉ chê trách. Theo văn gồm hai ý:

  1. Nói rõ ma không phải Đế Thích để chê trách Bồ-tát Trì Thế không biết sự dối trá của ma.
  2. Tiếp nhận Thiên nữ để hiển thị việc Bồ-tát Trì Thế không thể phát khởi thiện căn cho các Thiên nữ. Đây là ý thứ nhất.

“Như ta đây mới nên thọ nhận”, vì ta là hàng bạch y, mới nên nhận người nữ. Vả lại bố thí là để trừ tâm keo bẩn, lợi ích chúng sinh, chẳng nên chọn lựa người thí, đã có thể hành bố thí thì nên cho ta, ta là người nhận những Thiên nữ này.

Ma vương kinh sợ suy nghĩ rằng: “Ông Duy-ma-cật đến não loạn ta chăng?” Ma muốn ẩn thân trốn đi mà không thể ẩn được, dù dùng hết thần lực mà không thể đi được. Bỗng nghe trên hư không có tiếng nói rằng: “Ba-tuần! Nên cho ông ấy Thiên nữ thì mới có thể đi được.”: Ma vì sợ hãi cho nên miễn cưỡng mà cho. Ma dùng hết sức mà chẳng thể đi tức là hiển thị sự yếu kém của tà lực, sự mạnh mẽ của đạo lực, để so lường sự nặng nhẹ nên dùng việc cho Thiên nữ có sức thù thắng mà chẳng thể đi được và việc cho Thiên nữ ngài Tịnh Danh.

Lúc bấy giờ, ông Duy-ma-cật bảo các Thiên nữ rằng: “Ma vương đã đem các ngươi cho ta.”: Hiển thị về lễ của tam tòng, đã thuộc ma thì chịu sự dạy dỗ của ma, thuộc về Bồ-tát thì theo sự giáo hóa của Bồ-tát cho nên thọ nhận mà giáo hóa.

Nay các ngươi nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi ông lại tùy chỗ ứng hợp mà thuyết pháp khiến cho họ phát đạo tâm:

Dạy dỗ pháp Bồ-tát gồm có ba:

  1. Khiến phát tâm Bồ-đề.
  2. Dạy tu hạnh Bồ-tát.
  3. Làm cho chứng đắc Phật đạo.

Nay vì sắp chỉ bày hạnh Bồ-tát cho nên trước tiên khiến họ phát tâm.

Ông lại nói rằng: “Các ngươi đã phát đại tâm rồi thì có pháp lạc để có thể tự vui chẳng nên vui theo năm dục nữa.”: Đây chính là nói về hạnh Bồ-tát. Sở dĩ nói pháp lạc là gồm có hai nghĩa:

1. Các Thiên nữ tuy đã phát đạo tâm nhưng chỉ mới vào Phật pháp, chưa có thể hưởng pháp lạc một cách sâu xa, nếu gặp năm dục lại có thể nhớ đến cho nên vì thế mà thuyết pháp để dùng pháp lạc thay cho năm dục lạc.

2. Vì tánh của người nữ gặp vui thú thì theo, như cá theo nước cho nên nói pháp lạc. Đã được pháp lạc thì thấy rõ sự sai trái của năm dục mà chẳng sinh tham đắm.

Thiên nữ liền hỏi rằng: “Thế nào là pháp lạc?” Đáp: “Thường vui thích kính tin Phật, vui thích nghe pháp, vui thích cúng dường chúng Tăng, vui thích lìa năm dục.”: Bốn câu này là nói về tứ tín. Tứ tín: Tin Phật là lương y, tin Pháp là thuốc hay, tin Tăng là người thăm bệnh, tin giới là pháp cấm ngăn, nếu đầy đủ bốn tín này tức bệnh phiền não hết. Sở dĩ đầu tiên nêu lên bốn tín là vì thiên ma lấy sự bất tín làm gốc, đã xoay tà trở về chánh, cho nên trước nói tín. Thích lìa năm dục tức là tín giới, vì ái dục nhiều thì hủy giới.

Vui thích quán năm ấm như oán tặc, vui quán tứ đại như rắn độc, vui quán nội nhập như không tụ. Vì các Thiên nữ tham trước ái dục rất sâu nặng quen với sắc thân đẹp đẽ đã lâu, dù đã phát tâm sinh tín, nhưng dục tình ngăn trệ khó đổi dời, cho nên bài bác ấm giới, khiến sinh tâm chán ghét, vui thích tùy thuận giữ gìn đạo tâm, làm cho chẳng rơi vào ba cõi và thích Nhị thừa.

Vui thích làm lợi ích chúng sinh, vui thích cung kính phụng sự thầy, vui thích thực hành bố thí cho tất cả, vui thích trì giới một cách kiên cố, vui thích nhẫn nhục nhu hòa, vui thích huân tập thiện căn, vui thích thiền định không tán loạn, vui thích lìa cấu nhiễm được trí tuệ sáng tỏ, vui thích tâm Bồ-đề rộng lớn: Trên là nêu việc hộ trì tâm đạo, nghĩa là tự phát tâm và khiến người khác phát tâm, cho nên gọi là rộng lớn.

Vui thích hàng phục các ma, vui thích đoạn phiền não, vui thích thanh tịnh cõi Phật, vui thích thành tựu tướng tốt cho nên tu các công đức, vui thích trang nghiêm đạo tràng: Đạo tràng như dưới cội cây Bồđề, nơi Đức Thích-ca văn Phật thành đạo, rộng ba ngàn hai trăm dặm, đất kim cang là tràng. Chư Phật mỗi mỗi đều tùy theo quốc độ lớn nhỏ mà phân định đạo tràng có rộng hẹp, không có số nhất định.

Vui thích nghe pháp sâu xa không sợ sệt, vui thích ba môn giải thoát mà không vui thích phi thời: Ba môn giải thoát là không, vô tướng, vô tác; bị trói buộc nên dùng ba môn này để mở, cho nên gọi là thoát. Đây là chỗ vào của ba thừa nên gọi là môn. Nhị thừa vào ba môn giải thoát này chưa đến cùng tận, giữa đường đã thủ chứng cho nên gọi là phi thời, là điều mà bậc Đại sĩ chẳng vui thích.

Vui thích gần bạn đồng học, vui thích ở nơi không đồng học mà tâm không ngăn ngại, vui thích giúp đỡ ác tri thức, vui thích gần gũi Thiện tri thức, vui thích tâm hoan hỷ thanh tịnh, vui thích tu tập vô lượng pháp đạo phẩm: Đó là pháp lạc của Bồ-tát. Đầu tiên nêu lên pháp lạc, kế đến dùng hỏi đáp để giải thích, bây giờ là tổng kết.

Bấy giờ, ma Ba-tuần nói với các Thiên nữ rằng: “Ta muốn cùng các ngươi trở về Thiên cung.”: Trước kia nghe trên hư không phát ra âm thanh nên sợ mà cho, chẳng phải thật tâm, cho nên nay nói muốn cùng nhau trở về, sợ các Thiên nữ không chịu đi nên dùng Thiên cung để dụ dẫn. Thiên ma là quyền biến, trước muốn khiến ngài Tịnh Danh giáo hóa nên đem Thiên nữ đến, nay muốn Thiên ma truyền việc giáo hóa, nên cần phải để dẫn đi.

Các Thiên nữ nói rằng: “Ngài đã đem chúng tôi cho Cư sĩ này, đã có pháp lạc, chúng tôi rất vui thích, không còn vui thích năm thứ dục lạc nữa.”: Đã thuộc về người khác rồi, lại có pháp lạc nữa, thì lý do gì mà trở về nữa? Thiên ma nói rằng: “Cư sĩ nên xả bỏ các Thiên nữ này, vì người xả bỏ tất cả những vật đã có chính là Bồ-tát.”

Ông Duy-ma-cật nói rằng: “Ta đã xả rồi, ngươi hãy dẫn đi, khiến cho tất cả chúng sinh đều được đầy đủ pháp nguyện.”: Ma biết tâm của ngài Tịnh Danh không nhiễm trước, vốn chỉ vì hóa độ mà thôi, nay việc giáo hóa đã xong, cho nên thuận theo sự cầu xin của Thiên ma. Sở dĩ ngài Tịnh Danh thí xả các Thiên nữ, là vì trước muốn độ cho nên nhận, bởi nếu là của người khác thì dạy sẽ không nghe theo, nay lại muốn cho các Thiên nữ về Thiên cung truyền hóa, cho nên thí xả. Vả lại trước chỉ bày phước điền cho nên nhận, nay làm thí chủ cho nên xả, lại trước thì hiển uy lực, sau thì nêu ân đức; trước nhận Thiên nữ để khiến họ tu hành, sau thí xả Thiên nữ mà khởi nguyện. Cư sĩ cho Thiên nữ trở về với ma thì nguyện của ma được đầy đủ, cho nên nhân đó mà phát nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sinh được đầy đủ pháp nguyện.” Đây là nguyện của ngài Duy-ma-cật.

Bấy giờ, các Thiên nữ hỏi ông Duy-ma-cật rằng: “Chúng tôi làm thế nào để ở nơi ma cung? Xưa ở cung ma thì lấy năm thứ dục làm vui, nay ở nơi Bồ-tát thì dùng pháp lạc làm vui, bây giờ trở lại cung ma thì phải tu nghiệp gì?” Duy-ma-cật nói rằng: “Này các chị! Có một pháp môn gọi là Vô tận đăng, các chị nên tu học.” Muốn đem sự sáng tỏ cùng khắp của đại pháp, chiếu phá sự tối tăm si mê của ma cung, cho nên mới nói pháp này.

Vô tận đăng ví như dùng một đèn mồi sáng trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối tăm đều được sáng, sáng mãi mãi không bao giờ tắt. Như thế này các chị! Một vị Bồ-tát khai đạo cho trăm ngàn chúng sinh khiến cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi đạo tâm của họ cũng không bao giờ diệt tận, tùy chỗ thuyết pháp mà tự tăng trưởng tất cả các pháp thiện, đó gọi là Vô tận đăng. Các chị tuy ở cung ma, nhưng dùng pháp môn Vô tận đăng này để làm cho vô số Thiên nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì đó là đã báo ân Phật và cũng là đã làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Bây giờ các Thiên nữ liền cúi đầu đảnh lễ chân ông Duy-ma-cật rồi theo Thiên ma trở về Thiên cung, bỗng chốc không còn thấy nữa: Hết đoạn văn này là yếu chỉ chê trách.

Bạch Thế Tôn! Duy-ma-cật có sức thần thông tự tại và trí tuệ biện tài như thế: Đây là lời tán thán ngài Tịnh Danh.

Cho nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy: Đây là đoạn ba, tổng kết.

Đức Phật bảo Trưởng giả Thiện Đắc rằng: “Ông nên đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.”: Chương này cũng gồm hai phần là sai bảo và từ chối chẳng kham nhận. Đây là phần đầu.

Thiện Đắc bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.”: Đây là phần hai, từ chối chẳng kham nhận, gồm ba đoạn là nêu lên, giải thích và kết luận. Đây là đoạn đầu.

Vì sao? Nhớ lại khi xưa, còn ở nhà cha mẹ con có lập hội đại bố thí để cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn và tất cả ngoại đạo, kẻ nghèo cùng, cô độc, người ăn xin… trong vòng bảy ngày. Đây là phần hai giải thích chẳng kham nhận. Theo văn gồm có ba:

  1. Lý do bị chê trách.
  2. Yếu chỉ chê trách.
  3. Lợi ích.

“Ở nhà cha mẹ” nghĩa là lấy tài sản từ cha mẹ, phân biệt chẳng phải từ phi pháp mà được tài vật. Lại nói: “Từ tổ khảo truyền thừa, đã có lập pháp hội này, nay Thiện Đắc kế tục, nối nghiệp xưa. Mở pháp hội này thì ba năm gom góp tài sản, bảy ngày bố thí, mở rộng bốn cửa, dựng phướn cao thông báo cho khắp thiên hạ, những ai cần vật gì hãy đến nhà ta, sau đó dùng hết tài sản mà bố thí. Pháp thí này có hai:

  1. Mời Bà-la-môn, ngoại đạo, thực hành pháp cúng tế để cầu phước trời.
  2. Chỉ bố thí mà thôi. Ngài Thiện Đắc theo cách bố thí trước.

Bấy giờ, Duy-ma-cật vào pháp hội nói với con rằng: “Thưa trưởng giả! Phàm lập đại hội bố thí chẳng phải như ông đã làm, mà nên mở hội pháp thí, đâu cần phải mở hội thí tài vật này.”: Đây là phần thứ hai, yếu chỉ chê trách. Ngài Tịnh Danh khi đã hết bảy ngày, mới đến chê trách, là có ba nghĩa:

  1. Vì tục thí đã xong, sắp mở pháp thí, cho nên trước chê trách chỗ làm của Thiện Đắc để nói lên hai hội thí có hơn kém.
  2. Kỳ hạn bảy ngày đã mãn, mãn thì thành công, thành ắt chấp trước, cho nên đến hết bảy ngày mới đến chê trách.
  3. Ngài Thiện Đắc và Tịnh Danh đều vì lợi ích chúng sinh, Thiện Đắc bố thí tài sản, ngài Tịnh Danh bố thí pháp.

Nếu trước chẳng dùng tài vật dụ dẫn thì không thể dùng pháp để dẫn dắt họ. Sở dĩ dùng pháp để chê tài thí, vì tài vật chỉ nuôi dưỡng nhục thân, còn pháp thí thì trưởng dưỡng pháp thân. Vả lại tài thí chỉ được quả báo ở cõi Dục, pháp thí thì được quả báo ở ba cõi và ra khỏi ba cõi. Tài thí thì có trước sau, pháp thí thì không có trước sau. Tài thí thì có hết, pháp thí thì không bao giờ hết. Tài thí thì người ngu người trí đều làm được, pháp thí thì chỉ người trí mới biết, cho nên dùng pháp chê tài.

Con hỏi rằng: “Thế nào là hội pháp thí?” Ông đáp: “Hội pháp thí không trước không sau, một lúc cúng dường tất cả chúng sinh, đó là hội pháp thí. Tài thí chẳng thể cùng lúc mà thí được. Pháp thí có hai, đó là:

  1. Thuyết pháp cho người nghe gọi là pháp thí, đây là dùng một âm thanh diễn thuyết, một lúc đến khắp cả chỗ.
  2. Bồ-tát phát khởi mỗi một hạnh đều vì lợi ích tất cả chúng sinh cho nên không trước không sau.

Vả lại khi khởi tâm Từ, thì mười phương đều duyên, cùng lúc đồng thí, cho nên không trước không sau.

Vì sao? Nghĩa là dùng tâm Bồ-đề mà khởi tâm Từ: Trước nói về bốn đẳng tâm là vì pháp thí do tâm Từ mà lập ra, cho nên đầu tiên phải nói đến. Hai nữa bốn tâm vô lượng có thể cùng lúc duyên khắp pháp giới, cho nên đầu tiên phải nêu lên. Phàm phu khởi tâm Từ là vì cầu sinh Phạm thiên, Nhị thừa khởi tâm Từ là cầu công đức, Bồ-tát khởi tâm Từ là vì cầu Phật đạo, độ thoát chúng sinh. Nay muốn khiến cho Thiện Đắc cầu Phật đạo mà khởi tâm Từ cho nên nói dùng tướng Bồ-đề mà khởi tâm Từ. Vả lại từ là muốn ban vui, tâm này duyên với niềm vui của Phật mà ban cho chúng sinh. Dùng Bồ-đề mà khởi Từ, thì ắt là lòng Từ chân thật, có thể làm lợi ích chúng sinh.

Vì muốn cứu độ chúng sinh mà khởi tâm Bi rộng lớn: Tâm Bi ý tại cứu khổ, nếu dùng thật cứu khổ làm bi thì tâm Bi rất lớn.

Vì giữ gìn chánh pháp mà khởi tâm Hỷ: Muốn làm cho ta và người đều giữ gìn được chánh pháp, hỷ do đây mà sinh. Hỷ vốn là tâm vui thích người khác xa lìa được phi pháp, ý này giữ chánh pháp. Nếu lấy việc giữ gìn chánh pháp làm hỷ, thì hỷ mới chân thật.

Vì nhiếp trí tuệ mà thực hành tâm Xả: Phàm phu và Tiểu thừa vì bỏ oán thân cho nên hành tâm Xả, nay muốn khiến cho người vì bình đẳng trí tuệ xả bỏ tất cả để hành tâm Xả. Trong tâm Xả chỉ thấy chúng sinh không khởi ý tưởng phân biệt, đồng với vô minh, muốn khiến cho trong tâm Xả mà hành trí tuệ.

Vì nhiếp tham lam bỏn sẻn mà khởi Đàn ba-la-mật, vì giáo hóa người phạm giới mà khởi Thi-la ba-la-mật, vì vô ngã pháp mà khởi Sằn-đề ba-la-mật, vì lìa tướng thân tâm mà khởi Tỳ-lê-da ba-la-mật, vì tướng Bồ-đề mà khởi Thiền ba-la-mật, vì Nhất thiết trí mà khởi Bátnhã ba-la-mật: Trước đã nói bốn đẳng làm pháp thì nay luận về sáu độ là pháp thí. Bồ-tát khởi hạnh, mỗi một hạnh đều có ba ý:

  1. Cầu Phật đạo.
  2. Độ chúng sinh.
  3. Chẳng trái thật tướng.

Cho nên văn này dùng ba đôi để luận về sáu Ba-la-mật. Hai Ba-la-mật đầu tiên là phá tâm bỏn sẻn tham lam của chúng sinh mà khởi đàn, nhiếp người phạm giới mà khởi giới. Hai Ba-la-mật kế tiếp thì dùng hai không mà khởi hai hạnh, vô ngã khởi nhẫn là nhân không; lìa tướng thân tâm khởi tinh tấn là pháp không. Hai Ba-la-mật sau cùng là hai trí Bồ-đề, là Nhất thiết chủng trí cho nên khởi thiền định, và Nhất thiết trí khởi Bát-nhã. Bát-nhã là thật tuệ, dùng tâm Tát-bà-nhã khởi Bát-nhã. Vả lại Bồ-đề trang nghiêm phước đức của Phật, Bồ-đề là chỉ hạnh của Phật cho nên trước nói tịch diệt là Bồ-đề, thì trí là chỉ hạnh, vì khởi thiền thì chỉ (dừng). Tất cả trí là quán hạnh của Phật cho nên khởi Bát-nhã, thì Bát-nhã là quán. Giáo hóa chúng sinh mà khởi không, giữ chúng sinh thì phế bỏ nghĩa không, giữ nghĩa không thì xả bỏ chúng sinh, khéo đạt thật tướng. Rỗng rang nơi tâm, suốt ngày hóa độ chúng sinh mà suốt ngày chẳng trái không.

Chẳng phế bỏ pháp hữu vi mà khởi vô tướng: Tùy thuận giáo hóa mà còn hữu, nên gọi là chẳng bỏ pháp hữu vi, biết hữu thường vắng lặng, nên gọi là khởi vô tướng.

Thị hiện thọ sinh mà khởi vô tác: Tùy các cõi mà hiện hình gọi là thị hiện thọ sinh. Biết sinh vốn vô sinh nên gọi là vô tác.

Hộ trì chánh pháp mà khởi sức phương tiện: Phàm muốn kiến lập chánh pháp, ắt phải có phương tiện khéo léo.

Vì độ chúng sinh mà khởi bốn Nhiếp pháp, vì kính phụng tất cả mà khởi tâm trừ diệt pháp mạn, đối với thân, mệnh, tài mà khởi ba pháp kiên cố, trong sáu niệm khởi pháp tư niệm; sáu niệm tức là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới và niệm Thiên.

Đối với sáu pháp hòa kính mà khởi tâm chất trực: Tức là dùng tâm Từ khởi thân, miệng, ý nghiệp là ba; bốn là, được lợi dưỡng nhiều thì cho người cùng hưởng; năm, giữ giới thanh tịnh; sáu là, tu tuệ lậu tận. Không có trực tâm thì không thể đủ sáu pháp này, không có sáu pháp thì không biết làm thế nào để hòa hợp với chúng, mà chẳng có đại kính thuận. Thân, miệng, ý từ là nội tâm đồng, đồng giới tức là hạnh đồng, đồng kiến tức là hiểu biết đồng, đồng lợi tức là tài vật đồng, đồng hạnh thì pháp đồng. Vả lại đồng kiến là tâm đồng, đồng giới là thân đồng, đồng lợi để tư dưỡng thân tâm thì bên ngoài đều đồng các hạnh. Khi xưa hàng Nhị thừa thường hay tranh cãi, cho nên Đức Phật chế ra sáu pháp hòa kính này.

Chân chánh thực hành pháp thiện mà khởi tịnh mạng: Phàm làm việc thiện, chẳng dùng tâm tà tức là chánh mạng.

Tâm thanh tịnh, hoan hỷ khởi tâm gần gũi bậc Hiền thánh, chẳng ganh ghét người khởi tâm điều phục: Gần bậc Thánh thì sinh niềm vui thanh tịnh, thấy ác không có tâm ghét bỏ.

Dùng pháp xuất gia mà khởi thâm tâm: Xuất gia thì thâm nhập Phật pháp, hành trì tịnh giới.

Như thuyết mà hành để khởi đa văn, dùng pháp Vô tránh để lập nơi an tịnh: Giận dữ luận tranh thì sinh ồn náo, không còn tranh cãi thì sống nơi nhàn tịnh.

Hướng đến Phật tuệ mà khởi thiền định: Phật tuệ sâu xa, nếu chẳng có định thì chẳng thể phát khởi. Mở sự trói buộc của chúng sinh mà khởi hạnh tu tập. Hạnh mình nếu không tu thì đâu thể giải thoát cho người khác.

Dùng đầy đủ tướng tốt và thanh tịnh cõi Phật mà khởi nghiệp phước đức, biết tâm niệm của tất cả chúng sinh, tùy cơ thuyết pháp mà khởi trí nghiệp, biết tất cả pháp, chẳng lấy chẳng bỏ, nhập vào nhất tướng mà khởi tuệ nghiệp. Phán định tổng quát sáu độ có thể chia làm hai, ba độ trước là phước, ba độ sau là tuệ. Nếu đầy đủ phước tuệ thì như xe có đủ hai bánh, chim có đủ đôi cánh. Phước và tuệ mỗi mỗi được chia làm hai môn. Hai môn của phước đức:

  1. Trong cảm được tướng hảo.
  2. Ngoài cảm được cõi nước thanh tịnh.

– Hai môn của tuệ:

  1. Chiếu hữu gọi là trí.
  2. Chiếu không gọi là tuệ.

Đoạn tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả pháp bất thiện mà khởi tất cả thiện nghiệp: Đoạn tất cả phiền não nghĩa là trừ phiền não chướng, tức là tuệ nghiệp. Tất cả chướng ngại là báo chướng, tất cả pháp thiện khởi tất cả nghiệp thiện là nghiệp chướng, là nghiệp phước.

Được tất cả trí tuệ, tất cả pháp thiện mà khởi tất cả pháp hỗ trợ Phật đạo: Lại tổng kết phước tuệ.

Thiện nam! Như thế chính là hội pháp thí: Nếu Bồ-tát trụ ở hội pháp thí này làm vị đại thí chủ cũng là làm phước điền cho tất cả chúng sinh, khởi hạnh lợi ích chúng sinh gọi là thí chủ; thọ nhận vật cúng dường nên gọi là phước điền. Người bố thí pháp đầy đủ hai đức này, còn người bố thí tài vật chỉ làm thí chủ mà chẳng làm phước điền.

Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật thuyết pháp ấy xong thì hai trăm Bà-la-môn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lúc bấy giờ tâm con được thanh tịnh và khen là việc chưa từng có, liền cúi đầu đảnh

lễ nơi chân ông Duy-ma-cật, rồi cởi chuỗi Anh lạc giá trị trăm ngàn dâng cúng, nhưng ông không nhận: Đây là phần ba nói về chúng được lợi ích. Đã bố thí bảy ngày mà còn lại vật này, tức là vật rất có giá trị. Dâng cúng cho ngài Duy-ma-cật tức biểu hiện tâm sùng kính pháp thí. Vả lại ngài Tịnh Danh biết qua bảy ngày ban phát, nhưng vẫn chưa hết, cho nên mới thuyết về pháp thí để Trưởng giả Thiện Đắc thí xả hết những vật quý giá. Ngài Tịnh Danh không chịu nhận bởi còn thuyết pháp chê trách tài thí, vả lại muốn sau đó chỉ dạy pháp thí bình đẳng, khiến Thiện Đắc phải ân cần hơn, nên không nhận.

Con nói rằng: “Thưa cư sĩ! Xin ngài nhận lấy, tùy ý ban phát.” Lúc ấy ông Duy-ma-cật mới nhận rồi phân làm hai phần, một phần ban cho một người ăn xin nghèo cùng nhất trong hội này, một phần kia thì cúng dường Đức Nan Thắng Như Lai: Trên tuy đã chỉ bày pháp thí, nhưng chưa dạy cho Thiện Đắc về pháp tài thí cho nên mới thí cho bậc tôn quý nhất và người thấp hèn nhất, để nêu bày tâm bố thí bình đẳng, thành tựu ý nghĩa tài thí cho Thiện Đắc. Trên nói về tài thí của Thiện Đắc và pháp thí của ngài Tịnh Danh nhưng chưa nói việc vận tâm nhị thí, cho nên mới thí cho bậc trên hết và kẻ dưới cùng, đó gọi là vận tâm bố thí.

Tất cả chúng sinh đều thấy Đức Nan Thắng Như Lai ở cõi nước Quang Minh: Vì Đức Phật này có oai đức thù thắng, cõi nước thanh tịnh, muốn phát khởi chúng sinh trong hội thí này cầu sự tốt đẹp, cho nên trước cúng dường, sau mới khiến cho họ thấy.

Lại thấy chuỗi anh lạc trên thân Đức Phật biến thành đài báu bốn trụ, bốn phía đều được trang nghiêm mà không chướng ngại nhau: Đây là vì Thiện Đắc mà hiện quả báo vi diệu như thế. Đài báu bốn trụ là biểu thị cho bốn Tâm vô lượng của Phật quả, cao thì vượt lên, thấp thì che phủ không chướng ngại nghĩa là một đức chẳng ngại tất cả đức.

Bấy giờ, ông Duy-ma-cật hiện thần biến xong liền nói rằng: “Nếu thí chủ dùng tâm bình đẳng thí cho một người ăn xin thấp hèn nhất giống như tướng phước điền của Như Lai, không phân biệt bình đẳng nơi đại Bi, không cầu quả báo thì gọi đó là đầy đủ pháp thí. Những người ăn xin trong thành thấy thần lực và lời thuyết pháp đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác: Đây cũng là văn nói về việc chúng hội được lợi ích.

Cho nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy: Đây là đoạn thứ ba kết luận chẳng kham nhận. Các kinh nói về phước điền có khác nhau, có kinh cho rằng bố thí cho phàm phu thì phước báo kém, thí cho bậc Thánh thì quả báo tốt hơn. Đây là căn cứ theo tốt xấu của ruộng mà đạt được phước nhiều hay ít. Nay nói quý và tiện đồng một tướng thì gồm hai nghĩa:

  1. Phật là kính điền thù thắng nhất, chúng sinh là bi điền cao nhất cho nên nói đồng đẳng.
  2. Chúng sinh và Phật đồng là thật tướng, cho nên vốn Bất nhị, căn cứ theo chánh quán mà thí, vì thế mà bình đẳng.

Văn ghi “bình đẳng nơi tâm đại Bi”, ngài Tăng Triệu giải thích rằng: “Đối với việc tế độ tôn ti nhất tướng, thì nên dùng tâm bình đẳng mà bố thí cúng dường, cho nên gọi là bình đẳng nơi đại Bi.” Lại giải thích rằng: Đại Bi là Phật, nay thí cho người ăn xin thấp hèn nhất đồng với tướng đại Bi của Phật cho nên nói là bình đẳng nơi đại Bi. Đây chính thật là tài thí mà gọi là pháp thí, là vì được bình đẳng quán chẳng phải là năng lực của tài thí, cho nên nói là đầy đủ pháp thí.

Cứ như thế, mỗi mỗi Bồ-tát đều nói về bản duyên của mình, thuật lại lời ông Duy-ma-cật đã nói, và đều bạch Phật rằng: “Con không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.”

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15