DUY MA CẬT KINH NGHĨA SỚ

Chùa Hoằng pháp, Trường An Hán dịch: Sa-môn Cát Tạng.

PHẨM 10: HƯƠNG TÍCH

Nguyên nhân thành lập phẩm này gồm mười:Ba thời lợi ích, từ đầu kinh đến phẩm Pháp Môn Bất nhị là lợi ích trước khi thọ thực, còn phẩm này nói về lợi ích trong khi ăn cơm, phẩm Bồ-tát nói về lợi ích sau khi ăn cơm.

1. Bậc Chí nhân trụ ở ba việc, thuyết mười hai thể loại kinh, đó là biết tâm người khác; hai là, thuyết pháp; ba là, hiện thần thông, trên đã nói thuyết pháp, nay nói về hiện thần thông; biết tâm người khác, là tổng gom hai việc này.

2. Phật sự có hai: Một là, dùng pháp môn ở cõi này; hai là, dùng pháp môn ở quốc độ khác, trên đã nói về pháp môn ở cõi này, nay lại luận về pháp môn ở cõi kia.

3. Trong trượng thất thuyết pháp là nói về hai loại nhân quả pháp thân và nhân quả tịnh độ, trên đã nói nhân quả pháp thân, nay nói nhân quả tịnh độ.

4. Tông chỉ kinh này nói về hai tuệ, trên đã nói về pháp môn Bất nhị tức là thật tuệ, nay luận về xin cơm cõi Hương tích, là phương tiện tuệ.

5. Từ đầu kinh cho đến phẩm Vào Pháp Môn Bất nhị là nói về nhân nơi nhị mà vào Bất nhị, tức là thâu dụng trở về thể, từ phẩm này về sau là trình bày việc nhân nơi Bất nhị mà có nhị, tức là từ thể khởi dụng.

6. Từ đầu đến cuối, kinh này đều hỏi về bất tư nghị giải thoát, bất tư nghị giải thoát gồm hai loại: Một là, phẩm Pháp Môn Bất nhị tức là nói về bản bất tư nghị; hai là, phẩm Hương Tích là luận về tích bất tư nghị.

7. Chư Phật và Bồ-tát thuyết pháp thì nương vào hai pháp: Một là, nương vào thế đế; hai là, nương vào đệ nhất nghĩa đế. Pháp môn Bất nhị là nương vào đệ nhất nghĩa mà thuyết, phẩm Hương tích là căn cứ theo thế đế mà thuyết.

8. Làm lợi ích chúng sinh thì bạn tốt không nhất định, như phẩm Vào Pháp Môn Bất nhị thì nhiều người cùng nói, phẩm Phật Hương tích thì chỉ một người nói.

9. Đồ chúng gồm có hai: Một là, chúng ở cõi này; hai là, chúng ở phương khác.

Trên đã nói lợi ích của chúng ở quốc độ này, nay thì nói về lợi ích cả hai chúng ở hai cõi.

Hỏi: Xin cơm của cõi Hương tích thì gọi là phẩm Hương Tích, còn mượn tòa của Đăng Vương vì sao không gọi là phẩm Phật Đăng Vương?

Đáp: Trên gọi Bất tư nghị là từ ý chung để đặt tên, nay nói Hương tích là căn cứ vào riêng để đặt tên, bởi vì muốn lập phẩm cách nhau, cho nên chung riêng đắp đổi nêu lên.

Hỏi: Mượn tòa Đăng Vương với xin cơm cõi Hương tích có gì khác nhau?

Đáp: Trên là nói dùng lớn nhập vào nhỏ, còn ở đây nói nhỏ dung chứa lớn. Vả lại trên nói là im lặng cảm đến, còn ở đây là nói sai khiến hóa nhân, đều thay nhau hiện để hiện thị bất tư nghị. Phẩm này chia làm hai phần:

  1. Nhân quả tịnh độ.
  2. Chúng đương thời được lợi ích.

– Nhân quả tịnh độ lại được chia hai:

  1. Quả tịnh độ.
  2. Nhân tịnh độ.

– Trong phần quả tịnh độ có hai ý:

  1. Nêu pháp môn ở cõi kia.
  2. Luận về ý giáo hóa của hai cõi.

– Đầu tiên gồm ba câu:

  1. Ngài Thân Tử nghĩ đến thọ thực.
  2. Ngài Tịnh Danh ban cho cơm.
  3. Đại chúng thọ thực.

Lúc bấy giờ ngài Xá-lợi-phất nghĩ rằng: “Đã đến giờ thọ thực, các vị Bồ-tát này sẽ dùng nơi đâu?”: Ngài Thân Tử nghĩ đến việc thọ thực là gồm ba nhân duyên:

1. Thân tâm đều mỏi mệt, tức thuộc phàm phu.

2. Tâm tuy không mệt, nhưng thân nên được bồi dưỡng, là Nhị thừa; cả hai đều không mệt là pháp thân Đại sĩ. Ngài Thân Tử đã thọ thân hình do kết nghiệp tạo ra, thì tâm tuy không mỏi mệt, nhưng hình cần phải nuôi dưỡng. Phép của Phật xưa, nếu quá giờ thọ trai thì không ăn. Nay giờ sắp đến, cho nên mới khởi niệm như thế.

3. Từ đầu bộ kinh đến đây phần nhiều nói về pháp Bồ-tát, hàng Thanh văn không được vui lắm, vì thế nghĩ đến việc thọ thực.

Tịnh Danh lập trượng thất trống, ngài Thân Tử gỏ cửa, đều là đắp đổi nhau kích phát mà hoằng dương đạo lớn lợi ích chúng sinh. Nhưng chỉ nghĩ đến việc các Bồ-tát sẽ thọ thực ở nơi đâu, mà không nghĩ đến Thanh văn, vì các đệ tử tự có pháp khất thực riêng.

Lúc bấy giờ, Cư sĩ Duy-ma-cật biết được ý nghĩ đó liền nói rằng: “Đức Phật nói tám giải thoát, nhân giả đã vâng làm, há tâm muốn ăn xen lẫn với nghe pháp sao?”: Đây là câu thứ hai, ngài Tịnh Danh dâng cúng thức ăn. Theo văn gồm có hai: Đây là chê trách suy nghĩ của Thân Tử. Trong tám giải thoát, hai giải thoát trước là quán dục giới bất tịnh, ngài đã thọ trì, sao nay lại nghĩ đến thức ăn ở cõi Dục (đoàn thực). Vả lại Phật nói tám giải thoát chính là nói món ăn thượng diệu vô dục, tư dưỡng pháp thân, sao lại nghĩ đến thức ăn bất tịnh, để nuôi dưỡng nhục thân. Phàm luận về tâm ưa thích pháp sâu xa, thì chẳng nghĩ đến thân thể, huống gì là còn mang việc ăn uống trong tâm ý?

Nếu muốn ăn thì hãy đợi trong giây lát, tôi sẽ cúng cho ngài một bữa ăn chưa từng có: Đây là phần chính thức nói về việc hiến cúng thức ăn. Theo văn gồm có bốn:

  1. Đồng ý hiến thức ăn.
  2. Chỉ nơi đặt thức ăn.
  3. Đại chúng chẳng thế lấy.
  4. Khiến hóa nhân xin cơm.

Nói đợi chốc lát tức chẳng trễ thời gian thọ thực; nói “sẽ hiến cho ngài một bữa ăn chưa từng có”, vì thông thường là ăn để nuôi dưỡng nhục thân, nay hiến cúng thức ăn để trưởng dưỡng pháp thân cho nên gọi là chưa từng có. Chẳng tự hóa ra là vì sợ dẫn đến tâm hiềm nghi cho là không thật, hơn nữa muốn khiến cho chúng sinh ở quốc độ này thấy được cõi nước thanh tịnh. Lại nhân nơi cơm thơm mà được ý hoằng đạo và việc giáo hóa ở hai cõi lưu thông, đây kia đều được lợi ích. Vì thế mà chẳng biến hóa ra.

Lúc bấy giờ Cư sĩ Duy-ma-cật liền nhập Tam-muội, dùng sức thần thông: Đây là câu thứ hai, chỉ nơi đặt thức ăn. Nhập định hiện thần thông, là hiển thị thần lực của ngài Tịnh Danh khiến cho đại chúng kính 6 người trọng pháp.

Hiện bày cho đại chúng: Khiến cho đại chúng thấy được cõi tịnh độ kỳ diệu, mà phát tâm cầu sinh tịnh quốc.

Thấy được thế gian phương trên, cách đây hơn bốn mươi hai hằng sa cõi Phật có một cõi nước tên là Chúng Hương: Đây là nêu lên số dặm xa gần và tên cõi nước.

Đức Phật trụ ở cõi này hiệu là Hương Tích, đang trụ thế: Đây là nêu hóa chủ.

Mùi hương ở nước ấy là bậc nhất so với mùi hương của trời người trong cõi Phật ở mười phương: Tuy nêu lên quốc độ có mùi hương, nhưng sợ tâm kính tin chưa sâu, cho nên nay lại khen là đệ nhất thì sẽ phát tâm hy hữu.

Ở cõi nước ấy không có Thanh văn và Bích-chi-phật, chỉ có chúng đại Bồ-tát thanh tịnh: Trên là nói về hóa chủ và quốc độ, đây là nêu lên hàng đồ chúng. Nói “chỉ có Bồ-tát” là muốn làm cho người phát tâm Đại thừa. Luận không có Thanh văn tức bài xích Tiểu thừa là thấp kém.

Thường được nghe Phật thuyết pháp. Trong nước này, tất cả các vật đều được tạo bằng mùi hương, như lầu gác, đất thơm kinh hành, vườn hoa… đều là hương. Mùi thơm của thức ăn ở đây lan tỏa khắp mười phương vô lượng thế giới. Lúc ấy Đức Phật ấy và các vị Bồ-tát đang cùng nhau thọ thực: Đã có quốc độ, đồ chúng, nay kế tiếp nêu lên giáo môn.

Các Thiên tử đều có hiệu là Hương Nghiêm, cũng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cúng dường Đức Phật và các Bồ-tát cõi ấy: Trên nói các Bồ-tát đều là ở giai vị Sơ địa trở lên, nay nói Thiên tử là ở giai vị trước Thập địa.

Đại chúng ở cõi này đều thấy rõ: Trên là nói về sở kiến, nay dùng thần lực, khiến cho mọi người đều nhìn thấy, tổng cộng có mười câu kinh.

Lúc bấy giờ, Cư sĩ Duy-ma-cật hỏi các vị Bồ-tát rằng: “Các nhân giả! Vị nào có thể đến nhận cơm ở cõi Phật kia?”: Đây là câu thứ ba nói về việc đại chúng không thể nhận cơm được. Theo văn lại gồm bốn câu:

  1. Ngài Tịnh Danh hỏi.
  2. Đại chúng im lặng.
  3. Cư sĩ chê trách.
  4. Ngài Văn-thù đáp.

Sở dĩ đầu tiên phải hỏi là vì đã hiện cõi kia là hiển thị việc người không có thần lực thì không thể làm, người có thần lực mới khiến đến nhận cơm.

Vì sức oai thần của ngài Văn-thù-sư-lợi, cho nên tất cả đều im lặng: Ngài Văn-thù sắp hiển thị đức của ngài Tịnh Danh, cho nên dùng thần lực khiến cho mọi người đều im lặng. Vả lại việc lợi ích là ở bên cư sĩ, xin cơm đãi khách thì nên tự lấy về.

Cư sĩ Duy-ma-cật nói: “Các nhân giả không hổ thẹn sao?”: Sở dĩ ngài Tịnh Danh chê trách là thuộc về người mới học, vả lại trước đã nói về việc cấp tòa ngồi thì hàng Thanh văn chẳng thể lên, nay luận về cúng thức ăn thì đại chúng chẳng thể lấy được, đó đều là hiển thị quả Như Lai thù thắng, cũng là nêu lên ngài Tịnh Danh có đạo pháp cao tột, để khiến cho mọi người vui thích mến mộ.

Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: “Như Đức Phật dạy chớ khinh người chưa học.”: Nên khen thưởng người chưa thành tựu đạo pháp, làm cho họ chẳng tự khinh mình mà tiến tu đức hạnh, vì thế mà cư sĩ Tịnh Danh chê, ngài Văn-thù dụ dẫn đều là để thành thục cho họ.

Lúc bấy giờ ngài Duy-ma-cật vẫn ngồi yên lặng tại tòa trước đại chúng mà hóa hiện ra một vị Bồ-tát có đầy đủ tướng đại nhân và vẻ đẹp tùy hình sáng chói rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả đại chúng. Ngài Duy-ma-cật bảo vị Hóa Bồ-tát rằng: “Ông hãy đến thế giới phương trên, cách đây hơn bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có một cõi nước tên là Chúng Hương, có Đức Phật hiệu là Hương Tích đang cùng với các Bồ-tát ngồi thọ trai, ông hãy đến đó và y theo lời tôi dặn mà thưa rằng: “Duy-ma-cật xin cúi đầu lễ nơi chân Thế Tôn, vô cùng cung kính thăm hỏi Thế Tôn hằng ngày đi đứng ít bệnh, ít não, có sức khỏe và được an ổn chăng? Nguyện được phần cơm thừa của Thế Tôn, đem về cõi Ta-bà làm Phật sự, khiến cho những người thích pháp nhỏ sẽ được pháp lớn, và cũng làm cho danh tiếng của Như Lai vang khắp.”: Đây là câu thứ tư, khiến hóa nhân xin cơm. Theo văn gồm có bốn:

  1. Chính thức nói đến việc sai khiến hóa nhân.
  2. Hóa nhân vâng mệnh.
  3. Đức Phật cõi kia ban cho cơm.
  4. Đem về bản độ.

Đầu tiên sở dĩ muốn sai khiến hóa nhân, vì khi mượn tòa của Phật Đăng Vương là thầm cảm ứng thật bất tư nghị, nay xin cơm ở cõi Hương tích, sai khiến hóa nhân là việc kỳ đặc. Vả lại muốn dẫn Bồ-tát ở phương trên đến đây, khiến cho mọi người ở cõi này đều thấy, mến mộ cao đức mà tiến tu đạo hạnh. Vả lại muốn dùng pháp môn này làm lợi ích cho đại chúng ở cõi kia. Vì các nhân duyên ấy mà phải khiến hóa nhân đến xin cơm.

Lúc ấy vị hóa Bồ-tát đang ở trước chúng hội, liền bay lên phương trên, mọi người đều thấy vị này bay đến nước Chúng hương, đảnh lễ nơi chân Đức Phật, lại nghe tiếng bạch rằng: “Duy-ma-cật xin cúi đầu lễ nơi chân Thế Tôn, vô cùng cung kính thăm hỏi Thế Tôn hằng ngày đi đứng ít bệnh ít não, có sức khỏe và được an ổn chăng? Xin được phần cơm thừa của Thế Tôn đem về cõi Ta-bà làm Phật sự, để khiến cho những người thích pháp nhỏ sẽ được thấm nhuần đạo lớn và cũng làm cho danh tiếng của Như Lai vang khắp.”: Đây là câu thứ hai, hóa nhân vâng mệnh đến phương kia. Hỏi Như Lai ít bệnh ít não, nghĩa là tịnh uế tuy khác, nhưng đã thị hiện có thân, thì không thể không có bệnh khổ. Vả lại chúng sinh bệnh thì Bồ-tát có bệnh, chúng sinh chưa tránh khỏi bệnh, vì thế chư Phật chẳng thể không bệnh. Thăm hỏi có hai:

  1. Hỏi thăm về sở ly.
  2. Hỏi về sở đắc.

Ít bệnh là hỏi về thân, ít não là hỏi thăm về tâm. Hai lời hỏi thăm này thuộc về sở ly. Sức khỏe là thăm hỏi về thân, an lạc là hỏi thăm về tâm. Hai lời thăm hỏi này thuộc về sở đắc. “Nguyện xin được món cơm thừa của Như Lai.” Bồ-tát ở cõi kia thiện căn đã sâu dày, mà cảm nên cơm thơm, còn chúng sinh ở cõi này, ý chí thấp kém nên chỉ xin phần cơm thừa.

Các Đại sĩ ở cõi kia thấy vị hóa Bồ-tát liền khen là điều chưa từng có, bèn hỏi Đức Phật Hương Tích rằng: “Vị thượng nhân này từ đâu đến, cõi Ta-bà ở nơi đâu? Sao gọi là người thích pháp nhỏ?”: Đây là câu thứ ba nói về Đức Phật ở cõi kia ban cho cơm. Theo văn lại gồm bảy câu:

  1. Các Đại sĩ hỏi.
  2. Phật đáp.
  3. Hỏi lại.
  4. Đáp.
  5. Chính thức ban cho cơm.
  6. Các Đại sĩ muốn đi.
  7. Như Lai khuyên dạy.

Đầu tiên sở dĩ hỏi là vì muốn hiển thị uế độ này xấu ác, nêu lên duyên tịnh quốc độ, khiến người sinh tâm chán ghét sâu nặng mà tiến tu đạo hạnh. Vả lại các vị Đại sĩ ở cõi kia tuy được thần thông, nhưng chưa thể thường hiện tiền vì các vị này chưa biết cho nên thưa hỏi Phật.

Đức Phật dạy rằng: “Ở thế giới phương dưới cách đây bốn mươi hai hằng sa hóa độ có một thế giới tên là Ta-bà, Đức Phật cõi này hiệu là Thích-ca Mâu-ni còn đang trụ thế, hiện ở đời ác năm trược diễn nói đạo pháp cho chúng sinh thích pháp nhỏ nghe. Ở cõi Ta-bà này có một vị Bồ-tát tên là Duy-ma-cật trụ nơi bất tư nghị giải thoát thuyết pháp cho các Bồ-tát khác nghe, nên sai vị hóa Bồ-tát này đến khen ngợi danh hiệu ta và cõi nước này, để cho các Bồ-tát ở cõi kia tăng thêm nhiều công đức: Đây là câu Đức Phật đáp. Ta-bà, Hán dịch là tạp hội, tạp ác. Kinh Bi Hoa ghi: “Nhẫn độ chúng sinh, nhẫn thọ ba độc”, tên cõi theo việc của người cho nên gọi là nhẫn.

Các vị Bồ-tát ở nước Chúng hương thưa rằng: “Vị đó như thế nào mà tạo ra vị Bồ-tát có đức lực vô úy thần túc như thế?”: Đây là câu thứ ba, hỏi lại một lần nữa. Trước là hỏi chung về quốc độ này, nay thì hỏi riêng về ngài Tịnh Danh. Vả lại muốn hiển đức của ngài Tịnh Danh, cho nên phát khởi việc Bồ-tát ở cõi kia đến cõi Ta-bà.

Đức Phật đáp: “Thật lớn, vị Bồ-tát này thường sai Hóa Bồ-tát đi khắp mười phương để làm Phật sự lợi ích chúng sinh.”: Đây là câu thứ tư, Đức Phật trả lời.

Bấy giờ, Đức Phật Hương Tích dùng bát ở cõi Chúng Hương đựng đầy cơm thơm rồi trao cho vị Hóa Bồ-tát: Đây là câu thứ năm, Đức Phật chính thức ban cho cơm. Đức Phật Hương Tích đã làm lợi ích ở phương trên, nay muốn làm lợi ích cho phương dưới, cho nên ban cơm.

Lúc bấy giờ chín trăm vạn Bồ-tát đều nói lời rằng: “Chúng con muốn đến cõi Ta-bà cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, gặp ông Duy-ma-cật và các vị Bồ-tát.”: Đây là đoạn thứ sáu, chúng Bồ-tát muốn đến Ta-bà.

Hỏi: Cõi nước ở phương trên thù thắng, việc giáo hóa đã tinh thuần, vì sao lại muốn đến cõi này?

Đáp: Đức của các Bồ-tát chưa được viên mãn cho nên muốn theo tất cả các Đức Phật để lãnh thọ những điều chưa nghe. Vả lại xưa đã có nhân duyên cho nên nay đến vậy. Hai, ở cõi kia có các người tu hành chưa sâu, mà có duyên ở cõi này, nhưng chưa có thể tự đến, cần phải nhờ các vị đại Bồ-tát dẫn dắt. Ba, các chúng sinh ở cõi này thấy các vị Đại sĩ cõi kia đến thì được lợi ích sâu xa.

Đức Phật nói rằng: “Được, các ông nên đến đó, nhưng phải thu nhiếp mùi hương nơi thân các ông chớ làm cho chúng sinh cõi kia khởi tâm mê hoặc đắm nhiễm.”: Đây là câu thứ bảy, Như Lai dặn dò khuyên bảo. Trước dặn dò về thân, kế đó khuyên về tâm. Thu nhiếp mùi hương nơi thân, giáo môn hai cõi khác nhau, ở đây thì do nghe mà sinh hiểu, ở cõi kia thì ngửi mùi hương thì tham đắm, cho nên cần phải thu nhiếp.

Hỏi: Nếu thế vì sao chẳng thâu nhiếp mùi hương của cơm?

Đáp: Do thần lực của Phật có thể ngăn chặn gốc hoặc của họ, mà phát khởi đạo tâm, cho nên chẳng thu nhiếp.

Lại phải xả bỏ thân hình vốn có của các ông chớ để cho những người cầu đạo Bồ-tát ở cõi kia phải hổ thẹn? Vì ở cõi này thấy thì vui thích cần cầu, còn ở cõi Ta-bà thấy thì hổ thẹn, cho nên phải thu nhiếp thân hình.

Hơn nữa, các ông đến cõi kia chớ đem lòng khinh chê mà sinh ý tưởng ngăn ngại. Vì sao? Vì mười phương cõi nước đều như hư không: Đây là ý thứ hai, khuyên về tâm, có hai câu: Một, nêu lên pháp thân độ mà khuyên bảo, tịnh uế đều không tức là thật tướng, quốc độ bình đẳng là nơi cư trụ của pháp thân chư Phật chưa từng có hơn kém, cho nên chớ khởi tâm cao thấp.

Chư Phật vì muốn hóa độ các người thích pháp nhỏ, cho nên không hiện ra hết quốc độ thanh tịnh: Thứ hai nêu ra cõi ứng tích để khuyên răn. Chư Phật tùy theo thời mà hiện tịnh uế, phương trên là tịnh duyên, mà ẩn uế độ, cõi dưới là uế duyên mà ẩn tịnh độ.

Bấy giờ, vị Hóa Bồ-tát đã thọ nhận bát cơm liền cùng chín trăm vạn Bồ-tát nhờ oai thần của Phật và của ông Duy-ma-cật tự nhiên biến khỏi nước Chúng hương, trong giây lát đã đến nhà ông Duy-ma-cật:

Phần thứ tư, Hóa Bồ-tát trở về bản độ, theo văn gồm có tám:

  1. Từ cõi kia trở về.
  2. Tịnh Danh đặt trà đãi khách.
  3. Bồ-tát ngồi tòa.
  4. Hóa nhân trao cơm cho cư sĩ.
  5. Chúng vân tập.
  6. Tịnh Danh khuyên dùng cơm.
  7. Thanh văn nghi ngờ.
  8. Bồ-tát chê trách.

Lúc bấy giờ Cư sĩ Duy-ma-cật liền hóa ra chín trăm vạn tòa sư tử cao rộng trang nghiêm như trước: Đây là câu thứ hai, trên nói mượn tòa, còn ở đây thì nói là hóa hiện ra, cả hai đều là hiển bày kỳ đặc cho nhau.

Các vị Bồ-tát đều đến ngồi nơi tòa ấy: Câu thứ ba, Bồ-tát ngồi tòa. Hóa Bồ-tát liền dâng cái bát đựng đầy cơm lên ngài Duy-ma-cật, mùi thơm của cơm lan tỏa khắp thành Tỳ-da-ly và tam thiên đại thiên thế giới. Câu thứ tư, trao cơm cho ngài Tịnh Danh. Hương trời nếu nghịch gió thì lan xa bốn mươi dặm. Nay nhờ phước báu của Phật mà xông khắp tam thiên thế giới.

Bấy giờ, các Bà-la-môn, cư sĩ… trong thành Tỳ-da-ly nghe được mùi hương của cơm này thì thân tâm khoan khoái, khen là điều chưa từng có. Lúc ấy trưởng giả Chủ Nguyệt Cái dẫn tám mươi bốn ngàn người đến trượng thất của ngài Duy-ma-cật thì thấy trong đó có rất nhiều vị Bồ-tát và các tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ trang nghiêm, tất cả đều rất vui mừng đảnh lễ các vị Bồ-tát và các đại đệ tử rồi lui lại đứng qua một bên: Đây là câu thứ năm, chúng vân tập. Trước là nói chúng hiển, kế là nói đến chúng mật ẩn. Trưởng giả Chủ Nguyệt Cái, nước kia không có vua, chỉ có năm trăm trưởng giả cùng nhau trị quốc, Nguyệt Cái được mọi người tôn trọng cho nên lập làm chủ.

Các vị thần đất, thần hư không và chư Thiên ở cõi Dục, cõi Sắc nghe mùi hương này cũng đều đến trượng thất của Cư sĩ Duy-ma-cật: Đây là nói đến chúng ẩn mật tập hội. Tiểu thừa cho rằng sắc giới không có tỵ thức, làm sao mà ngửi được mùi hương? Lại nói “nhờ vào thức mà nghe được, nếu trước đã chẳng nghe thì cũng không nhân nơi đâu mà nhờ.” Còn Đại thừa thì giải thích rằng, vì không có điều nhỏ nhặt nào mà không quán sát, cho nên nghe được mùi hương mà đến.

Bấy giờ, ông Duy-ma-cật nói với ngài Xá-lợi-phất rằng: “Này các nhân giả, các ngài có thể dùng cơm có vị cam lộ của Như Lai.”: Câu thứ sáu ngài Tịnh Danh khuyên dùng cơm. Trước mượn tòa thì mời chung Đại và Tiểu, xin cơm thì chỉ mời Thanh văn là để hai ý hiển bày nhau. Vả lại hàng Thanh văn thấp kém thấy cơm ít mà người thì nhiều ắt chẳng dám ăn, cho nên chỉ mời Thanh văn. Cơm trời Tu-đà gọi là Cam lộ, cơm ở tịnh độ, hơn cả cơm của trời người nên gọi là châu cam lộ. Niết-bàn gọi là cam lộ, người ăn cơm này ắt sẽ được Niết-bàn. Đây là trong nhân nói quả.

Cơm này do tâm đại bi của Như Lai huân kết thành, chớ nên dùng tâm ý hạn lượng mà ăn, thì sẽ không tiêu: Cơm này là quả của đại Bi, từ đại Bi sinh khởi, và do mắt từ nhìn thấy, cho nên gọi là do đại Bi huân kết. Cho rằng ít chẳng thể cung cấp đầy đủ cho nhiều nên gọi là tâm ý hạn lượng. Vì chẳng xứng với thí chủ, cho nên nói không tiêu. Đây là nêu lên pháp thọ thực.

Lại có những Thanh văn khác nghĩ rằng: “Cơm này rất ít mà đại chúng ai cũng phải ăn. Đây là câu thứ bảy, hàng Thanh văn nghi. Nói 66 những Thanh văn khác là những vị ngoài các đại đệ tử Xá-lợi-phất. Ngài Thân Tử tuy là Tiểu thừa nhưng trí tuệ rất cao xa, dám lường với thần đức của các Bồ-tát cho nên chẳng sinh ý niệm này.

Vị Hóa Bồ-tát nói: “Chớ dùng trí hẹp đức nhỏ để so lường phước tuệ vô lượng của Như Lai. Đây là câu thứ tám, Bồ-tát chê trách. Đức nhỏ tức là ít có phước đức để trang nghiêm. Trí hẹp, tức ít có trí tuệ để trang nghiêm, há có thể lấy nhỏ để so lường với lớn sao?

Nước trong bốn biển còn có thể cạn, chứ cơm này không khi nào hết, dẫu cho tất cả mọi người đều ăn một vắt lớn như núi Tu-di, ăn đến một kiếp cũng không hết được. Vì sao? Vì đó là phần cơm dư thừa của đấng có vô tận giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, đầy đủ các công đức, không bao giờ hết được: Tất cả mọi người đều ăn, tức là người bấy giờ rất nhiều, đoàn thực như Tu-di, tức là vắt cơm rất lớn. Một kiếp là nói thời gian lâu dài mà còn chẳng thể hết, huống gì chỉ một chúng hội đây. Kế đến nêu lên năm thân để giải thích. Năm thân là chánh quả, cơm thơm là y báo. Vì chánh quả vô tận cho nên y báo cũng vô tận. Vả lại năm thân là bản, cơm thơm là tích; bản đã vô tận, thì tích cũng chẳng cùng.

Lúc ấy, với một bát cơm như thế mà chúng hội đều no đủ lại vẫn còn. Các Bồ-tát, Thanh văn chư Thiên ăn cơm này rồi thì thân được an ổn khoái lạc, thí như các Bồ-tát ở cõi Nhất thiết lạc trang nghiêm, và các lỗ chân lông đều thoảng ra mùi hương vi diệu giống như mùi hương của các cây cối ở nước Chúng hương: Quả tịnh độ có ba là niệm thực, thí thực và thọ thực. Hai chương trước đã xong. Đây là chương thứ 3.

Bấy giờ, ngài Duy-ma-cật hỏi các Bồ-tát ở nước Chúng Hương rằng: “Đức Hương Tích Như Lai thuyết pháp như thế nào?” Các Bồ-tát đều đáp rằng: “Đức Phật ở nước tôi không dùng văn tự để thuyết pháp mà dùng các mùi hương để làm cho trời người được vào luật hạnh. Các vị Bồ-tát đều ngồi dưới cây hương nghe mùi hương vi diệu này liền đạt được Tam-muội Nhất thiết đức tạng. Được Tam-muội này rồi thì Bồ-tát có được tất cả các công đức: Từ trên đến đây nói lấy cơm thơm làm Phật sự. Từ đây trở xuống là phần thứ hai nói về nghi thức giáo hóa của hai cõi. Đầu tiên nói về việc giáo hóa ở cõi tịnh, kế đến là luận về pháp môn ở cõi uế.

Hỏi: Trên đã nói Phật Hương Tích vì chúng mà thuyết pháp, vì sao nói không dùng văn tự?

Đáp: Ở quốc độ ấy chẳng phải hoàn toàn không có ngôn ngữ, nhưng chính là dùng mùi hương làm Phật sự, như ở cõi này dùng âm thanh cũng có nhờ vào sức thần thông… mà ngộ đạo, đều là từ số nhiều mà luận. Văn kinh ghi: “Thuyết pháp bất tất phải dùng ngôn từ, ngay nơi mùi hương mà thông đạt cũng gọi là thuyết pháp vậy.” Các vị Bồ-tát hỏi ông Duy-ma-cật rằng: “Đức Thích-ca thuyết pháp như thế nào?”: Đây là ý thứ hai nói về pháp môn ở cõi này, gồm có bốn: hỏi, đáp, khen ngợi và thuật. Đây là câu hỏi.

Ngài Duy-ma-cật đáp: “Chúng sinh ở cõi này cang cường khó giáo hóa, cho nên Đức Phật dùng ngôn từ lẽ cứng rắn để điều phục họ: Đây là câu trả lời, gồm có ba là pháp, dụ và hợp. Pháp thuyết lại có ba là nêu lên, giải thích và kết luận. Đầu tiên nêu lên. Về việc Phật hóa độ, tổng quát có thể chia làm ba môn:

  1. Lời nói nhu hòa.
  2. Lời cứng rắn.
  3. Xen lẫn cả hai (tạp thuyết).

Tạp thuyết như khen thiện chê ác.

Nói đây là địa ngục, là ngạ quỷ là súc sinh, đây là chỗ hiểm nạn: Đây là giải thích về điều phục. Chỗ hiểm nạn tức trước nói ba đường ác là ba, nay nói năm nạn, tất cả đều là chỗ hiểm nạn.

Là chỗ của người ngu sinh về: Chỗ của ngoại đạo sinh là sinh Vô tưởng thiên, thọ năm trăm kiếp cho nên là Niết-bàn, mạng chung khởi tà kiến, bác bỏ, không tin có Thánh đạo mà rơi vào địa ngục Vô gián. Vì Thánh nhân không sinh vào nơi đây, cho nên gọi là nơi sinh của người ngu.

Đó là thân của tà hạnh, là quả báo của thân tà hạnh, là khẩu tà hạnh, là quả báo của khẩu tà hạnh, là ý tà hạnh, là quả báo của ý tà hạnh, là sát sinh, là quả báo của sát sinh, là chẳng cho mà lấy, là quả báo của việc chẳng cho mà lấy (trộm cắp), là tà dâm, là quả báo của tà dâm, là vọng ngữ, là quả báo của vọng ngữ, là lưỡng thiệt, là quả báo của lưỡng thiệt, là ác khẩu, là quả báo của ác khẩu, là lời vô nghĩa, là quả báo của lời vô nghĩa, là tham lam ganh ghét là quả báo của tham lam ganh ghét, là sân hận, là quả báo của sân hận, là tà kiến là quả báo của tà kiến:

Trên là nói về tám nạn ở đây nêu lên nhân quả của mười điều ác.

Đó là bỏn sẻn, là quả báo của bỏn sẻn, là phá giới, là quả báo của phá giới, là giận hờn, là quả báo của giận hờn, là biếng nhác là quả báo của sự biếng nhác, là loạn ý, là quả báo của tâm ý tán loạn, là ngu si là quả báo của ngu si: Đây là nhân quả của sáu điều xấu. Mười điều ác làm chướng ngại thế gian, còn sáu điều xấu là chướng ngại xuất thế gian.

Đây là kiết giới, là giữ giới, là phạm giới, là nên làm, là không nên làm, là chướng ngại là không chướng ngại, là đắc tội là lìa tội, là sạch là nhơ, là hữu lậu là vô lậu, là tà đạo là chánh đạo, là hữu vi là vô vi, là thế gian là Niết-bàn.

Trước nói tám nạn, mười ác, sáu điều xấu, đó là ba khoa chỉ nói về chỗ xa lìa, từ văn này trở xuống là gồm nêu lên lấy và bỏ. Phạm và chẳng phạm là căn cứ theo nghĩa chỉ (ngăn), nên làm và chẳng nên làm là căn cứ theo nghĩa hành (thực hành). Chướng ngại tức là phạm chỉ giới, chẳng hành thiện là chướng ngại thánh đạo. Là đắc tội, hai việc trước là tội. Lìa tội tức là trì chỉ và tác hành.

Vì tâm của những người khó hóa độ như khỉ vượn, cho nên dùng biết bao nhiêu pháp để chế ngự tâm họ, thì mới có thể điều phục được. Ví như voi ngựa bướng bỉnh khó điều phục, phải đánh đập đau đến thấu xương rồi mới điều phục được: Đây là phần ví (dụ) thuyết. Ngài Lathập nói: “Ngựa có năm loại:

  1. Vừa thấy bóng roi liền chịu phục.
  2. Đánh rồi mới chịu phục.
  3. Lấy dùi nhọn đâm vào da mới chịu phục.
  4. Đâm thủng da xuyên đến thịt mới chịu phục
  5. Đánh đập đau thấu xương mới chịu phục.

Chúng sinh có căn cơ lợi độn cũng có năm loại như thế:

  1. Chỉ thấy vô thường nơi người khác thì liền ngộ đạo.
  2. Thấy tri thức vô thường thì tâm ngộ.
  3. Thấy anh em thân thích vô thường thì tâm mới ngộ.. Thấy cha mẹ vô thường thì tâm mới ngộ.
  4. Tự thân vô thường chịu vô cùng thống khổ, cất tiếng than khổ rồi sau đó mới ngộ.

Vì những chúng sinh cang cường khó giáo hóa như thế cho nên dùng tất cả những lời khổ thống thiết mới đưa họ vào khuôn phép: Đây là phần hợp dụ: Không có móc và dùi thì không biết lấy gì để điều phục voi ngựa, chẳng có ngôn từ khổ thì không biết lấy gì để điều phục người khó hóa độ.

Các vị Bồ-tát cõi kia nghe lời này rồi đều nói là việc chưa từng có, cũng như Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni ẩn dấu thần lực tự tại vô lượng kia, dùng pháp mà kẻ nghèo ưa thích để độ thoát chúng sinh. Các Bồ-tát cũng chịu nhiều lao khổ, liêm khiết, dùng vô lượng đại Bi

để sinh vào cõi Phật này: Đây là câu thứ ba, Bồ-tát cõi kia khen ngợi. Đầu tiên khen ngợi Phật, kế đó khen ngợi Bồ-tát. Pháp mà kẻ nghèo ưa thích, nghĩa là chúng sinh ở cõi này không có pháp tài Đại thừa, tức là nghèo, chỉ có căn cơ Tiểu thừa, nên gọi là ưa thích. Đức Phật ẩn dấu đức lớn, dùng pháp nhỏ để giáo hóa chúng sinh như kinh Pháp Hoa ghi: “Cởi bỏ y phục quý giá mà mặc áo quần thô xấu để dạy dỗ đứa con nghèo hèn”, cho nên đồng với kẻ thô lậu kia, thuận với điều họ thích mà hóa độ họ.

Ngài Duy-ma-cật nói rằng: “Bồ-tát ở cõi này đối với chúng sinh, luôn có lòng đại bi bền vững, đúng thật như lời các ngài đã khen. Nhưng Bồ-tát ở cõi này làm lợi ích chúng sinh trong một đời còn hơn ở cõi kia tu hành cả trăm ngàn kiếp. Vì sao? Vì ở cõi Ta-bà này có mười pháp thiện mà ở cõi tịnh khác không có. Những gì là mười? Đó là:

  1. Dùng bố thí nhiếp phục kẻ bần cùng.
  2. Dùng tịnh giới để nhiếp phục người phá giới.
  3. Dùng nhẫn nhục để nhiếp phục kẻ sân hận.
  4. Dùng tinh tấn để nhiếp phục kẻ giải đãi.
  5. Dùng thiền định để nhiếp phục tâm tán loạn.
  6. Dùng trí tuệ để nhiếp phục người ngu si.

Đây là đoạn thứ tư, ngài Tịnh Danh lược thuật, thành tựu cho ý tán thán giáo pháp ở cõi này.

Hỏi: Tịnh độ không có người nghèo, chẳng cần phải bố thí, vả lại nếu không có người ngu si thì cần gì phải giáo hóa?

Đáp: Si có hai loại:

  1. Không liễu ngộ được tất cả pháp, cho nên gọi là si.
  2. Chưa ngộ được pháp sâu xa của chư Phật gọi là si.

Ở cõi uế có cả hai loại si này, còn ở tịnh độ chỉ có loại si thứ hai mà thôi. Nay căn cứ theo môn thứ nhất vậy.

7. Thuyết cách trừ nạn để độ người bị tám nạn. . Dùng pháp Đại thừa để độ người Tiểu thừa.

8. Dùng các thiện căn để cứu giúp người vô đức.

9. Thường dùng bốn nhiếp để thành tựu chúng sinh.

Thuyết trừ nạn nghĩa là dùng pháp Tiểu thừa hóa độ chúng sinh. Dùng pháp Đại thừa để độ người ưa thích pháp Tiểu thừa nghĩa là dùng pháp Đại thừa để hóa độ Tiểu thừa. Dùng thiện căn để độ người vô đức, nghĩa là dùng nhân thiên thừa để giáo hóa chúng sinh. Đó là đầy đủ năm thừa vậy.

Hỏi: Mười việc này vì sao lại hơn việc tu hành ở cõi kia?

Đáp: Cõi này lại có mười pháp ác, cho nên mười đức được tăng trưởng, cõi kia thuần là thiện không có đất để thi ân đức. Như nơi có nhiều người bệnh thì thầy thuốc có công cứu chữa tất cả, nếu không có người bệnh, thì thầy thuốc không có điều kiện để sử dụng nghề của mình. Cho nên trăm ngàn kiếp tu hành không bằng một đời tu hành.

Các Bồ-tát cõi kia nói rằng: “Bồ-tát thành tựu mấy pháp mà nơi cõi này thực hành không lầm lỗi để được sinh tịnh độ.”: Từ trên đến đây là đã nói về quả tịnh độ, từ đây về sau là nói về nhân tịnh độ. Luận quả tịnh độ là làm cho hiện tại được lợi ích, luận nhân tịnh độ là làm cho vị lai được lợi ích vãng sinh. Trước hỏi, sau đáp. Ý câu hỏi là Tịnh Danh khen ngợi cõi này và Bồ-tát ở cõi này tu hành trong một đời hơn cả cõi kia tu hành trong trăm ngàn kiếp, nếu thế thì người có công hạnh sâu xa có công năng cứu độ chúng sinh, người có công hạnh cạn mỏng muốn trụ ở uế độ giáo hóa người, sợ rằng chẳng thể tự cứu, cũng chẳng làm lợi ích chúng sinh, như một ít nước nóng mà đổ vào băng, trái lại càng kết thành băng, vì thế cho nên mới hỏi dùng pháp gì để có thể chính mình không bị khổ hoạn, mà lại còn làm lợi ích cho chúng sinh, khiến cho tự và tha đều sinh tịnh độ.

Ngài Duy-ma-cật nói: “Nếu Bồ-tát thành tựu tám pháp sau đây mà ở này thực hành không lầm lỗi thì được sinh tịnh độ.”: Đây là phần ngài Tịnh Danh trả lời, gồm có ba là nêu lên, giải thích và kết luận. Đây là phần một.

Tám pháp là gì? Đó là:

  1. Làm lợi ích cho chúng sinh mà không mong cầu được báo đáp.
  2. Thay thế chúng sinh mà chịu mọi sự khổ não.
  3. Tất cả công đức mình tạo ra đều ban cho tất cả chúng sinh.

Đây là phần giải thích riêng tám pháp. Bốn pháp trước thuộc hóa tha, bốn pháp sau thuộc về tự độ. Bốn pháp trước tức Từ, Bi, Hỷ, Xả, làm lợi ích chúng sinh mà chẳng mong báo đáp, đó là tâm từ, vì tâm Từ là ban vui cho nên không mong đáp trả. Chịu khổ thay chúng sinh tức là tâm bi.

Hỏi: Chúng sinh thọ khổ là quả báo của nghiệp gây tạo từ trước, làm sao có thể thay thế được?

Đáp: Giáo hóa làm cho người sinh thiện diệt ác, lìa khổ được vui cho nên gọi là thay thế. Các công đức tạo được đều ban cho chúng sinh tức là nói về tâm Hỷ. Lấy sự hoan hỷ mà trừ tâm tật đố, cho nên có thể ban phát hết cả.

4. Tâm bình đẳng đối với chúng sinh đều khiêm nhường vô ngại:

Đây là nói về tâm Xả. Xả đối trị với yêu ghét, tâm ấy bình đẳng, đã dùng tâm bình đẳng lại có thể hạ thấp mình mà tôn trọng người gọi đó là khiêm nhường, đối với oán thân không ngăn ngại.

5. Đối với Bồ-tát thì xem như Phật, đối với những kinh chưa được nghe, thì khi nghe không sinh nghi ngờ: Câu đầu kính người, câu sau nói về chẳng nghi pháp. Bồ-tát là chiếc cầu của bốn loại chúng sinh, là bậc kế thừa Tam bảo, xem các ngài như Phật thì công đức sẽ tăng trưởng, vì thế cần phải kính người. Kinh do Đức Phật nói ra thì liền tin nhận, nhưng chẳng vì chưa nghe mà sinh nghi ngờ, cho nên cần phải tin pháp.

6. Không chống trái với hàng Thanh văn: Trên nói kính người trọng pháp là tự học xứ, là câu thứ năm, còn đây thì học từ nơi đâu? Chẳng khởi sân nhuế là câu thứ sáu. Ba thừa tuy khác mà chỗ quy về chỉ là một, cho nên chẳng nên trái nghịch.

Thấy người được cúng dường thì không ganh ghét, mình được lợi lộc thì không nên tự cao, ngay nơi đó mà tự điều phục tâm mình: Đây là câu thứ bảy, đối với việc thọ dụng chẳng nên khởi phiền não, người gieo trồng thì người thu hoạch chẳng nên sinh ganh ghét, mình gieo trồng thì mình được, có gì mà tự cao? Hai nơi này, khéo tự điều phục.

Thường xét lỗi mình chẳng nói đến lỗi người, luôn dùng nhất tâm cần cầu các công đức: Đây là câu thứ tám, đối với việc tu hành nên xa lìa lỗi lầm mà tích tập điều thiện. Tỉnh xét lỗi mình thì lỗi mình tự tiêu, nêu lỗi của người thì lỗi về nơi mình, hai pháp trên là xa lìa lỗi lầm.

Các điều ác dễ tăng trưởng, công đức khó đầy đủ, nếu chẳng nhất tâm cần cầu thì không làm sao mà thành tựu: Đây là tích tập điều thiện. Tám pháp đã nêu và giải thích xong, đây là câu tổng kết.

Ông Duy-ma-cật và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi ở trước đại chúng nói pháp này rồi, thì có trăm ngàn trời người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mười ngàn Bồ-tát chứng được Vô sinh pháp nhẫn: Trên nói về nhân quả tịnh độ, nay là chương hai nói về đại chúng đương thời đạt lợi ích.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15