DUY MA CẬT KINH NGHĨA SỚ
Chùa Hoằng pháp, Trường An Hán dịch: Sa-môn Cát Tạng.
PHẨM 13: CÚNG DƯỜNG PHÁP
Kinh có ba phần thì phần tựa và phần chánh thuyết đã trình bày xong, đến đây là phần lưu thông. Lưu thông có hai: Một là, tán thán và hai là phó chúc tức hai phẩm.
Phẩm Cúng Dường Pháp, thì pháp tức pháp rốt ráo Đại thừa liễu nghĩa, như thuyết mà tu hành là tự trưởng dưỡng pháp thân, như hành mà thuyết, tức trưởng dưỡng pháp thân người khác. Hai pháp này đều xứng hợp với tâm Phật tức cúng dường Phật, đó gọi là pháp cúng dường.
Phẩm này được chia làm hai phần:
- Đế Thích tán thán người và pháp.
- Như Lai ấn định thuật.
– Kinh đầu tiên gồm ba câu:
- Tán thán pháp được nghe.
- Tán thán người nghe.
- Kết thệ nguyện, hoằng dương và hộ trì.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân từ trong đại chúng bạch Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! con đã theo Phật và ngài Văn-thù-sư-lợi nghe trăm ngàn bài kinh mà chưa từng nghe kinh điển bất khả tư nghị tự tại thần thông quyết định thật tướng.”: Đây là câu đầu, tán thán pháp. Kinh Đại phẩm… nói rộng cho nên khó tìm, kinh này thì giản lược, cho nên khen là chưa từng có. Luận Trí Độ ghi: “Nói nhiều về trí tuệ là đối với người xuất gia, nói nhiều về phước đức là để đối với hàng tại gia.” Nay đã nói về công đức vì thế Thiên chủ xưng tán khuyên tu phước.
Như con hiểu theo nghĩa lý của Phật đã nói, thì nếu có người nào nghe kinh pháp này mà tin hiểu thọ trì đọc tụng thì nhất định được pháp này không nghi ngờ gì, huống gì đúng như lời nói mà tu hành, người này ắt đã ngăn bít được các nẽo ác, mở cửa lành, thường được chư Phật hộ niệm, hàng phục ngoại đạo, phá dẹp ma oán, tu đạo Bồ-đề, ẩn trụ nơi đạo tràng, dẫm lên dấu vết mà Như Lai đã đi: Đây là câu thứ hai khen ngợi người.
Bạch Thế Tôn! nếu có người thọ trì đọc tụng, như lời nói mà thực hành thì con sẽ cùng quyến thuộc cúng dường hầu hạ. Nếu ở thành ấp, tụ lạc, núi rừng, đồng nội có kinh này thì con cùng với quyến thuộc đồng đến nơi đó nghe nhận pháp ấy, khiến cho những người chưa tin phát sinh lòng tin, còn người đã tin thì chúng con sẽ bảo hộ họ: Đây là câu thứ ba, thệ nguyện bảo hộ.
Đức Phật nói: “Hay thay! Hay thay! Thiên đế như lời ông nói, ta sẽ trợ giúp cho ý muốn của ông. Kinh này nói rộng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.”: Đây là ý thứ hai Đức Phật thuật lại thành kinh. Thành tựu ba chương trên tức là ba ý. Đây là ý thứ nhất thuật lại việc tán thán pháp.
Này Thiên đế! Nếu có thiện nam hay thiện nữ nào thọ trì đọc tụng cúng dường kinh pháp này, tức đã cúng dường chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai: Đây là ý hai thuật lại việc tán thán người. Đầu tiên là chính thức tán thán, kế đến là so sánh. Đây là văn đầu.
Này Thiên đế! Giả sử có các Như Lai đầy khắp trong cõi tam thiên đại thiên như mía, tre, lau, lúa, mè, rừng, lùm cây. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào hoặc trong một kiếp hoặc không được một kiếp mà cung kính cúng dường tôn trọng ngợi khen, dâng các vật cần dùng, cho đến sau khi Đức Phật diệt độ, tôn trí xá-lợi toàn thân của mỗi Đức Phật trong tháp bảy báu, ngang rộng bằng tứ thiên hạ, cao đến trời Phạm thiên, trang nghiêm rực rỡ dùng tất cả hoa hương, anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc tốt đẹp bậc nhất, hoặc một kiếp hoặc chưa đến một kiếp mà cúng dường. Này Thiên đế! Ý ông thế nào? Người đó làm việc phước đức ấy có nhiều chăng. Thích Đề-hoàn Nhân thưa: “Bạch Thế Tôn! Rất nhiều, dẫu cho trong một trăm ngàn ức kiếp cũng không nói hết được.” Đức Phật nói rằng: “Nên biết! Người thiện nam, thiện nữ ấy nghe kinh điển bất khả tư nghị giải thoát này tin hiểu, thọ trì, đọc tụng tu hành, thì phước đức lại hơn người làm việc cúng dường kia. Vì sao? Vì quả Bồ-đề của chư Phật từ đây sinh ra. Tướng Bồ-đề không có hạn lượng, vì nhân duyên phước đó không có hạn lượng: Đây là phần thứ hai luận về so sánh.
Đức Phật bảo Thiên đế: “Vào thời quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy ở đời có Phật hiệu là Dược Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế giới tên là Đại trang nghiêm, kiếp tên là Trang nghiêm. Đức Phật này thọ hai mươi tiểu kiếp, có ba mươi sáu ức na-do-tha Thanh văn, mười hai ức Bồ-tát. Này Thiên đế! Lúc bấy giờ có Chuyển luân thánh vương tên là Bảo Cái, đầy đủ bảy báu, cai trị cả bốn thiên hạ. Vua có một ngàn người con, đều đoan chánh, mạnh khỏe, có thể tiêu diệt được oán địch. Khi ấy vua Bảo Cái cùng với quyến thuộc cúng dường Dược Vương Như Lai, dâng các vật cần dùng đến hết năm kiếp.” Năm kiếp đã qua, vua bảo các người con rằng: “Các con cũng phải dùng thân tâm cúng dường Đức Phật như ta vậy.” Ngàn người con vâng lời cha nên cúng dường Dược Vương Như Lai, dâng tất cả các vật cần dùng cũng trọn năm kiếp”: Đây là phần thứ ba, dẫn chuyện xưa, thuật lại để thành tựu cho việc Thiên đế kết thệ nguyện hộ trì Phật pháp. Theo văn gồm có năm:
- Nói về duyên khởi của pháp cúng dường.
- Chính thức nói về pháp cúng dường.
- Nghe pháp cũng được lợi ích.
- Hợp cổ kim.
- Tổng kết.
Đây là câu đầu.
Có một người con của vua tên là Nguyệt Cái ngồi một mình suy nghĩ rằng: “Có việc cúng dường nào thù thắng hơn việc cúng dường này chăng?” Do sức oai thần của Phật trên không trung có vị trời nói: “Này thiện nam! Có pháp cúng dường là hơn hết các việc cúng dường khác.” Hỏi: “Thế nào là pháp cúng dường?” Đáp: “Ông nên đến hỏi Đức Dược Vương Như Lai, ngài sẽ nói cho ông nghe về pháp cúng dường.” Nguyệt Cái liền đến nơi Dược Vương Như Lai, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi đứng qua một bên mà bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Trong các việc cúng dường thì pháp cúng dường là tối thắng, vậy thế nào là pháp cúng dường.” Đức Phật bảo rằng: “Này thiện nam! Pháp cúng dường là kinh sâu xa vi diệu mà Đức Phật đã nói ra: Câu thứ hai, chính thức nói về pháp cúng dường, kinh sâu xa, tức là kinh Phương đẳng liễu nghĩa rốt ráo.”
Tất cả thế gian khó tin, khó thọ nhận, sâu xa vi diệu khó thấy, thanh tịnh không nhiễm ô, không phải là điều mà tư duy phân biệt có thể biết được: Không thể phân biệt nghĩa là trí tuệ phân biệt không thể đến được; tư duy không thể được nghĩa là cần phải do thiền định mới đạt được. Vả lại cần phải có chánh quán, sau đó mới đạt được, chẳng phải do phân biệt chấp tướng, suy nghĩ mà được.
Thuộc về pháp tạng của Bồ-tát: nói chung thì Phật pháp gồm có hai tạng:
- Thanh văn tạng, thuyết cho Tiểu thừa.
- Bồ-tát tạng thuyết cho Đại thừa.
Dùng ấn Đà-la-ni mà ấn định: Đà-la-ni là “hành”, dùng niệm trí làm thể, ghi nhớ các pháp chẳng quên gọi là niệm, biết các pháp chẳng sinh là trí.
- Văn trì tức là giữ gìn giáo pháp chẳng quên.
- Tư trì, tức là giữ gìn nghĩa chẳng để mất, vì giữ gìn nghĩa chẳng mất cho nên chẳng thể biến cải, vì thế gọi là ấn.
Lại giải thích rằng trì có nhiều môn, nhưng đây là thật tướng tổng trì, dùng thật tướng ấn định kinh này là kinh sâu xa.
Đến bất thoái chuyển: Thực hành kinh này một cách sâu xa thì được bất thoái.
Thành tựu sáu độ, khéo phân biệt nghĩa, thuận pháp Bồ-đề, vượt trên các kinh, vào đại Từ bi. Do từ bi cho nên biết kinh sâu xa này, biết kinh sâu xa ắt nhập từ bi. Vì kinh này dạy Bồ-đề, giáo hóa làm lợi ích chúng sinh cho nên có thể nhập Từ bi.
Lìa các việc ma và các tà kiến, thuận pháp nhân duyên: kinh sâu xa này nói về nhân duyên, chẳng phải nhất định có không cho nên thuận với nhân duyên.
Không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, không, vô tướng, vô tác, vô khởi, có thể khiến cho chúng sinh ngồi nơi đạo tràng: Trước ngồi nơi đạo tràng, chính là nhập kim cang Tam-muội, nếu luận chung các hạnh thì tất cả đều có thể khởi đạo, nên gọi là đạo tràng. Kinh sâu xa này có thể khiến cho ngồi hai đạo tràng này.
Mà chuyển pháp luân, chư Thiên, rồng, quỷ thần, Càn-thát-bà… thảy đều khen ngợi, có thể làm cho chúng sinh nhập vào kho tàng Phật pháp, gom nhiếp tất cả trí tuệ của hiền thánh, thuyết đạo tu hành của Bồ-tát. Nương vào nghĩa thật tướng các pháp mà nói pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt: Chẳng nương vào thật tướng mà giải nói vô thường thì phá thường mà chấp trước vô thường. Nếu nương vào thật tướng mà giải nói vô thường thì phá thường mà chẳng chấp trước vô thường, đó là nói về nghĩa tuyên thuyết.
Có thể cứu độ những chúng sinh phá huỷ cấm giới: Bốn loại ngũ nghịch thì Tiểu thừa chẳng thể cứu độ, còn Đại thừa thì cứu được tất cả.
Các ma và ngoại đạo cùng những người tham trước đều sợ hãi: Ngoại đạo là kiến, kẻ tham trước là ái, kinh sâu xa có thể chuyển các ái và kiến này thì ái và kiến sinh sợ hãi.
Chư Phật và các hiền thánh đều khen ngợi, trái sinh tử khổ, thuận với Niết-bàn an lạc, mười phương ba đời chư Phật đều nói ra: Từ trên đến đây chính thức nói về pháp.
Nếu nghe các kinh như thế mà tin hiểu, thọ trì đọc tụng: Đây là nói về việc như pháp mà tu hành. Xứng hợp với tâm Phật gọi là cúng dường.
Dùng sức phương tiện phân biệt giải nói, chỉ bày rõ ràng cho chúng sinh để giữ gìn chánh pháp, gọi đó là pháp cúng dường: Đây gọi 700 là như việc làm mà thuyết, khiến cho mọi người ngộ được đạo pháp. Vả lại khiến cho người trưởng dưỡng pháp thân, xứng hợp với tâm Phật cũng gọi là pháp cúng dường.
Hơn nữa đối với các pháp thì phải đúng như lời nói mà tu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên, lìa các tà kiến, đạt được Vô sinh nhẫn, quyết định không có ngã, không có chúng sinh, nhưng đối với nhân duyên, quả báo, không trái nhau, không tranh cãi, lìa các ngã sở: Đây là lặp lại nghĩa “như lời nói mà tu hành” là cúng dường.
Nương nơi nghĩa, chẳng nương nơi lời: Lời là giáo, nghĩa là lý. Vốn dùng giáo mà giải thích lý, như nhờ ngón tay chỉ mặt trăng cho nên cần phải nương vào lý, mà chẳng nên nương vào giáo.
Nương vào trí, chẳng nương vào thức: Thức lấy sự chấp trước làm gốc, trí lấy sự thông đạt làm dụng. Cho nên phải nương theo trí, chẳng nương theo thức.
Y cứ theo kinh liễu nghĩa, chẳng y cứ theo kinh bất liễu nghĩa: Nghĩa mà trí nhận biết có liễu và chẳng liễu, cho nên y cứ theo kinh liễu nghĩa chẳng nên y cứ theo kinh chẳng liễu nghĩa.
Nương nơi pháp chẳng nương nơi người: Pháp tuy do người hoằng truyền nhưng người không hẳn đã hoàn toàn nương vào pháp, pháp có thứ bậc nhất định, còn người thì không có phép tắc thường nhiên, cho nên phải nương vào pháp, chẳng nương vào người. Vả lại theo một thứ tự:
1. Nương vào pháp chẳng nương vào người, như trước đã giải thích.
2. Y cứ vào kinh liễu nghĩa, chẳng y cứ vào kinh chẳng liễu nghĩa, trước tuy đã bỏ người y pháp, nhưng pháp có liễu và chẳng liễu, cho nên kế đó lược giản chẳng liễu, mà giữ lấy liễu nghĩa.
3. Y nghĩa chẳng y cứ vào lời. Căn cứ theo kinh liễu nghĩa thì có lý và có giáo, cho nên cần phải nương theo lý, mà chẳng căn cứ theo giáo.
4. Nương theo trí chẳng nương theo thức. Lý mà thức nhận biết không đủ để nương tựa. Lý mà trí nhận biết, mới có thể y cứ, cho nên cần phải nương vào trí, chẳng nên nương vào thức.
Tùy thuận pháp tướng, không có chỗ nhập, không có chỗ về, vô minh diệt hết thì các hành cũng diệt hết, cho đến sinh diệt hết thì lão tử cũng diệt hết, quán như thế thì mười hai nhân duyên không có tướng tận.
Hỏi: Diệt tức là tận, nay đã không tận, vì sao trên nói là diệt hết?
Đáp: Trước đối hư vọng cho là có sinh, cho nên nói diệt hết. Nhưng mười hai nhân duyên vốn tự chẳng sinh, cho nên nay chẳng diệt. Không diệt cho nên không tận. Trên cũng đã nói diệt hết là phá phàm phu chấp có sinh nay nói là không tận là bài bác Tiểu thừa chấp có diệt, vì thế câu sau nói lại chẳng khởi kiến.
Lại không khởi kiến: Trên đã lìa kiến giải có sinh của phàm phu, nay chẳng khởi kiến giải diệt của Nhị thừa.
Chẳng khởi kiến gọi là cúng dường pháp tối thắng: Kết luận cúng dường pháp là thù thắng đệ nhất. Cúng dường pháp phân biệt có hai: Nếu khởi kiến đối với các pháp thì chẳng phải là cúng dường pháp tối thượng, nếu đối với các pháp không khởi kiến thì gọi là cúng dường pháp tối thượng.
Đức Phật bảo: “Này Thiên đế! Vương Tử Nguyệt Cái theo Phật Dược Vương nghe được pháp như thế thì liền được nhu thuận nhẫn.”: Phần thứ ba nghe thuyết về cúng dường pháp đạt được lợi ích. Tâm nhu hòa, trí tùy thuận, kham lãnh thọ thật tướng, chưa đạt đến vô sinh là nhu thuận nhẫn. Thuận nhẫn có hai:
- Giai vị ba mươi tâm trước mười Địa.
- Địa thứ sáu trở về trước.
– Vô sinh cũng có hai:
- Tại Sơ địa.
- Tại Địa thứ bảy.
Liền cỡi y báu và vật trang sức trên thân cúng dường Đức Phật rồi bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, con sẽ thực hành pháp cúng dường, thủ hộ chánh pháp, nguyện được thần lực của Như Lai gia hộ kiến lập cho, để cho con hàng phục được ma oán, tu hạnh Bồ-tát.” Đức Phật biết rõ tâm niệm của Vương tử, mà thọ ký rằng: “Ở đời vị lai ông sẽ giữ gìn thành trì chánh pháp.” Này Thiên đế! Vương tử Nguyệt Cái lúc ấy thấy được pháp thanh tịnh, nghe được Phật thọ ký liền dùng tín tâm xuất gia tu tập pháp thiện, tinh tấn không bao lâu thì đạt được năm thần thông, đầy đủ đạo Bồ-tát, đắc môn Đà-la-ni, biện tài vô ngại. Sau khi Phật diệt độ, ông dùng sức thần thông, Đà-la-ni, biện tài đã chứng được, trong mười tiểu kiếp tùy thuận theo sự chuyển pháp luân của Dược Vương Như Lai mà phân bố. Tỳ-kheo Nguyệt Cái vì hộ trì chánh pháp, tinh tấn tu hành nên ngay nơi thân này đã hoá độ được trăm vạn ức người không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mười bốn na-do-tha người phát tâm Thanh văn và Bích- chi-phật cùng với vô lượng chúng sinh được sinh về cõi trời: Trên nói về nhu thuận nhẫn, ở đây nói đạt được năm thần thông tức là Vô sinh nhẫn. Vì có đủ hai nhẫn thì sẽ đúng như lời nói mà tu hành, nên gọi là cúng dường pháp. Vả lại cũng đúng như tu hành mà nói, làm cho nhiều người ngộ đạo thì cũng gọi là cúng dường pháp.
Này Thiên đế! Vua Bảo Cái khi xưa đâu phải là ai khác, mà nay chính là Đức Phật Bảo Diệm Như Lai, một ngàn người con tức là một ngàn vị Phật ở hiền kiếp, mà vị đầu tiên hiệu là Ca-la Cưu-tôn-đà và vị thành Phật cuối cùng hiệu là Lâu-chí. Nguyệt Cái Tỳ-kheo thì chính là ta: Đây là phần thứ tư, hợp cổ kim. Hiền kiếp ở trời Tịnh cư vào thời kiếp sơ thấy trong ao có một ngàn hoa sen báu, tức biết có một ngàn vị Phật xuất thế. Lâu-chí, Hán dịch là Đề Khấp, sự tích đã có ghi ở kinh khác.
Như thế Thiên đế nên biết điều quan trọng này vì cúng dường pháp là pháp cúng dường thù thắng nhất trong các pháp cúng dường, không gì có thể so sánh được. Thế nên ông phải dùng cúng dường pháp mà cúng dường chư Phật: Phần thứ năm, tổng kết nêu lên cúng dường pháp là tối thắng.