9. ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT KHI THAM THIỀN

Thưa quý vị,

Mục đích của tu thiền là minh tâm kiến tánh. Nghĩa là cần phải trừ bỏ lòng vọng động nhiễm ô điên đảo, để hồi quang phản chiếu nhận chân tự tánh của mình. Ở đây nói nhiễm ô, tức là vọng tưởng chấp trước. đảo điên tức là nhận giả làm chơn, lấy tà làm chánh, nghĩ tưởng cuồng loạn. Tự tánh tức là đức tánh trí huệ của mình cũng thanh tịnh sáng chiếu như đức tánh của Như Lai.

Chư Phật và chúng sanh đều đồng thể đức tánh trí huệ Như Lai, không sai không khác. Nếu xa lìa hết vọng tưởng chấp trước, đức tướng trí huệ Như Lai sẽ hiển bày. Như thế, chúng sanh là Phật rồi vậy. Ngược lại, nếu không xa lìa được vọng thì mãi mãi vẫn còn là chúng sanh. Bởi chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, mãi mê say đắm trong ngũ dục nhiễm ô lâu đời, không thể trong chốc lát mà có thể dứt sạch vọng tưởng, giác ngộ suốt thông bản tánh chơn tâm của mình được. Vậy phương pháp dứt trừ vọng tưởng như thế nào?

Đức Phật Thích Ca cũng như các thiền tổ xưa nay đã nói đến rất nhiều phương pháp. Nhưng phương pháp đơn giản nhất không gì bằng “hết vọng thành chơn”. Chỉ có một chữ “hết” thôi. Nghĩa là dứt sạch hết tâm vọng nhiễm trần duyên, để được thanh tịnh định huệ sáng chiếu.

Muốn sạch hết trần duyên, để được định huệ, thì phải tập trung tư tưởng. Muốn tập trung tư tưởng, trước nhất phải nhiếp phục sáu căn, để không duyên trước sáu trần, và như vậy, sáu thức không từ đâu mà sanh vọng nhiễm được. Vọng thức đã không sanh, thì chân tâm hiển bày, tức là kiến tánh thành Phật.

Thiền tông do Bồ Đề Đạt ma đem từ Ấn Độ sang Trung Hoa, rồi truyền đến Lục tổ Huệ Năng. Từ tổ Huệ Năng về sau, thiền tông truyền bá rộng rãi khắp nhân gian. Áng sáng thiền rạng rỡ một thời ở Trung Hoa đời thời đại Đường, Tống, mà cổ kim chưa từng thấy.

Có điều Đạt Ma Tổ sư cũng như Lục tổ Huệ Năng căn dặn thiền sinh rằng: “Điều cần yếu của người tu thiền là dứt sạch các duyên, một lòng tinh chuyên, một niệm không sanh, tức thấy Phật tánh”. Dứt sạch các duyên, tức là dứt trừ vạn duyên vọng niệm. Một khi vạn duyên dứt sạch thì vọng niệm không do đâu mà sanh khởi. Đây là điều kiện tiên quyết để kiến tánh đắc đạo của người tu thiền. Nếu điều kiện tiên quyết này không tâm tâm niệm niệm, chuyên chú thực hành, thì không những tham thiền không được kết quả gì, mà cả đến vào cửa thiền cũng vẫn còn chưa đủ tư cách nữa thay, huống hồ là chuyện kiến tánh! Nên Đạt ma nói:

“Ngoại tức chư duyên
“Nội tâm vô đoan
“Tâm như tường bích
“Khả dĩ đạt đạo.

Nghĩa là:

“Ngoài dứt các duyên
“Trong không nghĩ lường
“Tâm như tường vách
“Có thể đạt đạo.

Bởi vạn duyên còn dính mắc là còn trói buộc, tức là còn ái dục danh lợi, thì tâm niệm còn loạn động sanh diệt dập dồn, thế sự đa đoan còn lôi kéo mãi, thế thì còn đâu tĩnh tâm để nói đến tham thiền, minh tâm, kiến tánh???

Vạn duyên dứtt sạch, một niệm không sanh, đó là điều kiện tiên quyết của việc tham thiền, phát huệ, chứng đắc Phật tánh. Đây là điều kiện tiên quyết cũng là điều mà ngàn xưa chư Phật, ngày nay chư tổ, và mai sau chư hiền thánh tăng đều thực hành như thế. Ai cũng biết điều đó. Nhưng làm sao đạt thành được điều đó bây giờ?

Như trên đã nói, tạp niệm hết sạch, vọng tưởng không sanh, tâm bất động không nhiễm trước ngoại cảnh, y nhiên như tường vách, liền ngay đó huệ khai giác ngộ. Không phải cần tìm cầu đâu hết. Hễ còn phân biệt cao thấp chấp trước là trái ngược tôn chỉ của thiền, là nghiêng lệch yếu chỉ thiền tông rồi vậy. Nếu thể nghiệm được lý để trừ sự, thì hiểu được tự tánh xưa vốn thanh tịnh. Nên phiền não và bồ đề, sanh tử và Niết Bàn, tất cả thứ đó chỉ là giả danh vô thật, không có can hệ gì với bản tánh chân tâm thanh tịnh của ta cả. Như áng mây với mặt trời. Sao rơi với trăng sáng. Như sóng gợn lăn tăn với mặt nước hồ thu, ngàn năm không in bóng. Như muôn ngàn sông suối xuôi dòng về đại dương. Việc đời chỉ như bóng bọt mộng huyễn. Thậm chí đến cái thân tứ đại của ta đây, và cả đến núi sông, địa cầu v.v… muôn hình vạn trạng của thế gian này đối với tự tánh chơn như của ta cũng chỉ như là bọt nước trên biển cả, lúc tan lúc hợp. Bản thể chơn tâm vốn ngời sáng vô ngại hồn nhiên, nên người tu thiền không dại khờ lao mình đuổi bắt những giả tưởng hư huyễn sanh diệt, hơn thiệt thị phi của thế gian để rồi mang lấy buồn vui, khổ đau, vinh nhục, đói no phước họa v.v… Các hiện tượng tương đối của cuộc đời, nếu ta thấu triệt, vô tâm, vô trước, tức là vạn duyên dứt trừ. Vạn duyên đã dứt trừ thì vọng đâu mà sanh nữa? Như Đạo Hạnh thiền sư đời Lý nói:

“Tác hữu trần sa hữu,
“Vi không nhứt thiết không.
“Hữu không như thủy nguyệt,
“Vật trước hữu không không.

Tạm dịch:

“Có thì có tự mảy may,
“Không thì cả thế gian này đều không,
“Kìa xem bóng nguyệt dòng sông,
“Ai hay không có, có không lạ gì.

Tóm lại, một niệm không sanh, vạn duyên không thành, tự tánh hiển lộ sáng chiếu. Đó là điều kiện tiên quyết của người tu thiền, để đạt đến minh tâm kiến tánh, giác ngộ thành Phật.

Người tu thiền xả bỏ tất cả, chỉ còn tâm thanh tịnh, ý chân thật. Tâm tánh ngời sáng như ánh trăng rằm đến độ không còn thấy mình có tu, có đắc, vắng bặt sở học sở tri, như vị thiền Tăng đã nói:

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
“Học hành không thiếu cũng không dư,
“Hôm nay, tính lại đà quên hết,
“Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.

Tu thiền muốn đạt đến “như như” thì phải khởi đi từ phương pháp căn bản tu quán-đếm-hơi-thở, gọi là tập sổ tức quán. Quán đếm hơi thở cho đến khi tâm nhập lưu vong sở, tức là thâm nhập không còn thấy mình năng quán, hơi thở sổ quán, đạt đến trạng thái tâm thản nhiên tịnh lạc, ấy là đạt định nhập thiền.