8. THIỀN

Kính thưa quý vị,

Hôm nay tôi trình bày về pháp môn thiền. Thiền là một pháp môn tu trong muôn ngàn pháp môn tu của đạo Phật.
Gần đây, người ta hướng về thiền rất nhiều. Đến nỗi thiền như một hấp dẫn lực, một thứ thời trang. Nhất là đối với tuổi trẻ, khi nghe đến thiền như là một nhân duyên kỳ ngộ, thích thú, bị quyến rủ ngay. Họ không ngần ngại rủ rê lôi kéo đi tu thiền, mà chẳng cần biết loại thiền gì.

Chính vì cái tính chất hấp dẫn của thiền, khiến cho người ta có thể nghĩ rằng, đây là thời đại thiền; thiền là đại diện cho Phật giáo!? Nên không cần đem tâm trí suy xét phân minh, khi cầu học thiền. Miễn nghe ai nói nơi nào có tu thiền là họ nhào tới. Nhất là khi nghe nói ngồi thiền thì hồn được đi vào thế giới thiên thai. Ngồi thiền thì được cái cảm giác trong người lành lạnh, nong nóng, âm ấm, cảm thấy siêu việt nọ kia. Ngồi thiền thì thấy khói xanh đỏ nơi lổ tai, xì hơi lổ mũi. Ngồi thiền thì được xuất hồn, ngao du đến các cõi bồng lai tiên cảnh. Ngồi thiền mà cảm thấy ngứa nơi ót, lạnh xương sống, nóng nơi đầu, vỡ xương sọ, đó là được tiếp điện từ cõi trên, hoặc ông thánh nọ bà tiên kia giáng nhập cho thấy cái này, cho biết cái kia, xuất hồn chỗ nọ. Tu thiền là con đường tu tắt, thành Phật gấp!

Ôi thôi đủ luận điệu, đủ phương cách để mê hoặc quyến rủ. Họ không cần suy xét người dạy thiền là hạng người nào. Nên những kẻ nhẹ dạ hiếu kỳ, thiếu kiến thức căn bản giáo lý đạo Phật dễ lầm tưởng đó là chân thật thiền, liền say đắm.

Họ đắm say đến nỗi bỏ công việc làm ăn, bỏ nhà cửa vợ con, để theo học tập cái loại thiền mê hoặc lòng người đó. Thật là tội nghiệp! Trước kia tôi cũng hiếu kỳ, lại bị bạn bè rủ rê, nên đã có một dạo tôi đi theo tu học thiền với một người trần tục, mà đội lớp tự xưng là Phật là thánh. Ông ta bảo: “Ngồi thiền không nên tưởng đến Phật, Bồ Tát chi hết. Chỉ cần tưởng nhớ đến ông ta là đủ, là sẽ thấy cảm giác nóng sau ót, lạnh xương sống, ấm nơi đầu v.v… đó là lúc sắp được xuất hồn, lên thiên giới dạo chơi nơi tiên cảnh. Xuất hồn đâu không thấy, mà tôi chỉ thấy những bạn tôi say mê theo lối thiền kỳ quặc này, bây giờ có đứa trở thành ngây dại, có đứa lờ đờ tàng tàng điên điên, có đứa bỏ vợ bỏ chồng bỏ con, có đứa gia đình phân tán không còn hạnh phúc như xưa. Ông ta dạy đừng tụng kinh. Tụng kinh thì hao hơi, tổn khí, bệnh hoạn. Họ còn dám đại ngôn bảo rằng, khi có lâm nạn, bịnh hoạn, hoặc chết, cứ tưởng niệm đến họ là họ đến cứu ngay. Họ là Phật là Bồ Tát.

Thưa quý vị,

Có Phật nào Bồ Tát nào tự xưng tự hào như vậy đâu? Xin quý vị xem kinh Thủ Lăng Nghiêm đọan nói về Đại thừa Tâm giới thì sẽ thấy họ là ma mị tà nhơn, hiện hình mưu đồ phá hoại Phật giáo.

Tôi thấy hiện tượng mất thần trí bình thường của các bạn tôi. Tôi nghe lời họ nói kỳ quái, tôi bắt đầu lo ngại e dè và khủng khiếp. Tôi nhớ lại lời quý Thầy ngày xưa khi ở quê nhà dạy thiền mà tôi đã nhiều lần xin theo học. Khi giảng Thiền, quý Ngài dẫn lời Phật, lời Tổ, chứ chưa bao giờ dám lỗ mãng tự xưng thay thế Phật, đừng niệm Phật tụng kinh. Niệm danh hiệu tôi (kẻ tự xưng là Phật, là Thánh) là đủ rồi! Thật quá sức hàm hồ lộng ngôn!!! Các bậc Thầy tôi ở Việt Nam cũng như Trung Hoa, mỗi lần giảng kinh đều dẫn lời Phật lời Tổ và đều khuyên người niệm Phật tụng kinh tham thiền để được định tâm kiến tánh. Như Ngài Thiền Tổ Tông Bổn dạy rằng:

Hữu Thiền vô Tịnh Độ vạn nhơn đắc nhứt
Vô Thiền hữu Tịnh Độ vạn nhơn thất nhứt
Hữu Thiền hữu Tịnh Độ du như đới giác hổ
Hiện thế vi nhơn sư, lai sinh tác Phật Tổ.

Tạm dịch:

Tu thiền mà không tu Tịnh Độ thì vạn người đắc đạo một người.
Không tu thiền mà tu Tịnh Độ thì vạn người chỉ có một người không đắc đạo.
Nếu tu cả thiền và Tịnh Độ thì chẳng nào như cọp có sừng,
Hiện đời làm thầy người, đời sau làm Phật làm Tổ.

Trong câu thứ ba của bài kệ trên mang ý nghĩa cọp vốn đã mạnh rồi, vốn là chúa tể sơn lâm ,mà lại có thêm sừng nữa thì không ai địch nổi. Cũng như tu thiền lại thêm tu Tịnh Độ hay tu Tịnh Độ lại thêm tu thiền, mà thường gọi là Thiền Tịnh song tu, cả hai hỗ trợ cho nhau thì dễ dàng mau chóng đạt đến kiến tánh thành Phật, chứng quả vô thượng Bồ đề.

Xưa nay chư Phật Tổ các Bồ Tát lấy kinh nghiệm bản thân dạy đời. Các Ngài cũng đã trải qua những năm dài tháng rộng với thời gian đăng đẵng khổ luyện, tuyệt dứt tất cả phàm tánh, lòng tịnh trong sạch sáng như trăng rằm. Nên kinh nghiệm của các Ngài là kinh nghiệm chứng đắc chân lý muôn thuở. Lời dạy của các Ngài là lời dạy chánh pháp ngọc vàng. Đời sống của các Ngài là thể hiện chân lý chánh pháp. Nên các Ngài là tấm gương sáng soi, là mực thước muôn đời cho chúng sanh nhân loại biết hướng đời mình trên đường thánh thiện giác ngộ.

Hành giả có thể lấy một bài kệ, một câu nói của chư Phật chư Tổ, các Bồ Tát để ngày ngày suy nghiệm, để tự kiểm thảo lấy mình, để hành trì thực sống với chính mình, thế cũng đủ chứng đạo. Như vua Lê Dụ Tôn không con, lòng lo âu cho ngôi vàng sẽ không người kế vị. Nhà vua đi chùa cầu tự, tìm gặp các cao tăng thiền đức để học hỏi đạo thiền. Một hôm nhà vua đến tham bái Hương Hải thiền sư, trong khi đàm đạo, nhà vua hỏi:

– Bạch Tôn Đức, ý Phật Tổ ra làm sao? Nghĩa lý thiền đạo như thế nào? Làm sao được kiến tánh đạt đạo?

Hương Hải thiền sư thản nhiên hiền hòa mỉm cười không đáp ngay câu hỏi của nhà vua, nhìn ra vườn trúc cành lá rung rinh như đùa giỡn với mây trời gió thoảng, khiêm tốn chậm rãi, Ngài đáp:

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức
Đương lai diện thượng đổ sư nhan.

Tạm dịch:

Nghe lại điều mình thấy mỗi ngày,
Suy đi nghĩ lại kỹ càng hay
Chớ tìm tri thức trong cơn mộng
Có thế mới mong gặp được Thầy.

Thiền Tăng không đáp thẳng câu hỏi, cũng không giải thích ý nghĩa nghi vấn của nhà vua. Bởi thiền là ly văn tự ngữ ngôn, lấy tâm truyền tâm, trực chỉ chơn tâm, kiến tánh thành Phật.

Ở pháp hội Linh Sơn, Đức Phật truyền trao cành hoa và y bát cho thiền tổ Ca Diếp chỉ bằng nụ cười. Ở chùa Thiếu lâm, Đạt Ma tổ sư truyền y pháp cho Thần Quang Huệ Khả chỉ bằng tiếng hét “đem tâm đến đây ta an cho”. Ở núi Hoàng mai, Ngũ tổ Hoàng Nhẫn truyền tâm pháp cho Lục tổ Huệ Năng chỉ bằng cây thiền trượng gõ vào đầu cối giã ba cái.

Vậy ý nghĩa Thiền là ở chỗ nào?

– Thiền nói cho đủ là Thiền na, tàu dịch là tĩnh lự. Nghĩa là hành giả tu thiền với cõi lòng không vướng bận, không mong cầu. Tâm hồn phải thanh thoát, thần trí phải sáng suốt để đạt đến chỗ vô tâm. Cho nên căn bản ban sơ của hành giả tu thiền là quán hơi thở, chú tâm vào hơi thở, khéo nhiếp phục năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) không để tâm duyên đắm với cảnh trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc), ngăn dứt ý tưởng loạn động, nhiếp phục tâm ý định vào một chỗ để cho tâm thuần nhất một niệm. Như đèn dầu được bóng che không bị chao động theo gió. Một khi ý thuần nhất, tâm không loạn thì huệ phát sanh. Trí huệ phát sanh đến cùng cực, không còn tâm phân biệt nhơn ngã pháp là chứng đạo. Ấy là kiến tánh thành Phật.

Mục đích của người tu thiền là xoay lại tâm mình mà quán sát kiểm điểm để gạn bỏ vọng tâm. Nên người tu thiền thường áp dụng phương pháp hồi quang phản chiếu để cho tâm định huệ sanh, sanh kiến tánh thành Phật. Một khi đã kiến tánh thành Phật thì không còn vô minh phiền não, không còn sanh tử luân hồi. Tâm đã thể nhập pháp giới tánh.. Tâm Phật với tâm mình dung thông làm một thể. Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm – Phật – chúng sanh, cả ba không sai khác”.

Phù Vân thiền sư đã nói với vua Trần Thái Tôn, khi nhà vua này chán tình đời ngang trái, lặng lẽ vào núi tìm thầy cầu đạo. Trước nhu cầu sinh tồn của triều đình và sự an nguy của quốc dân, vào thời điểm đó, thiếu vua Trần Thái Tôn thì triều đình và quốc dân bất ổn.

Trong tinh thần vị tha với ý niệm tâm vua an lạc là quốc dân an lạc, nên Phù Vân thiền sư nói với nhà vua: “Trên núi không có Phật, Phật tại tâm. Hãy lấy tâm thiên hạ làm tâm mình”. Vậy, tâm là Phật, Phật là tâm. Tâm là đạo, đạo là thiền. Tu thiền là đoạn dứt trần duyên cảnh giới ngoại tại để trở lại với chân tánh nội tâm của mình, gọi là hồi quang phản chiếu.

Một khi nội tâm thực tại sáng suốt bao la, dung thông vô ngại, không vướng bận mảy trần, thì lúc đó mới đích thực trở về cội nguồn tâm linh, kiến tánh giác ngộ đạt đạo. Vậy tu thiền là xoay về nội tâm, khai triển trí huệ để đọan diệt vô minh chấp trước, nên tổ Đạt Ma nói với Huệ Khả:

Ngoại tức chư duyên,
Nội tâm vô đoan,
Tâm như tường bích,
Khả dĩ đạt dạo.

Có nghĩa là:

Ngoài dứt các duyên,
Trong không nghĩ tưởng,
Tâm như tường vách,
Mới vào được đạo.

Tu thiền là tu đến chỗ vô tâm, tâm không phân biệt. “Vô tâm thì đạo có cơ dễ tầm”.

Như thế, nếu ai tu thiền mà nói có được ơn trên thiên giới chỉ điểm, quý nhơn giáng điển, hoặc tiếp được ngoại điển của ông thần này, bà chúa nọ, cô thánh kia, Bồ Tát khác, hoặc nói tôi đã nói chuyện với Phật này Phật kia, thì biết đó là ma thiền, ngoại đạo thiền, tà thiền chứ không phải là chơn chánh thiền của Phật giáo. Hoặc giả có kẻ xưng Phật, Thánh, Bồ Tát giảng thiền hay truyền dạy luyện tu pháp môn kỳ lạ là biết ngay đó chính là ma, ma nữ, quyến thuộc của ma, tà nhơn hiện hình chứ không phải chánh thống Phật pháp. Ai tin theo kẻ đó là gieo trồng chủng tử ma, kết thân quyến với tà thần yêu mị. Nên nhớ cõi trần thế tà nhiều hơn chánh. Nên cổ đức thường nói: “Phật cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng” là ý nghĩa này vậy.

Trên đây là vài ý nghĩ thô thiển trao gởi đến các Phật tử thường về Phật Học Viện Quốc Tế tu học hằng tuần, để tránh khỏi tẩu hỏa nhập ma hoặc rơi vào màn lưới quyến thuộc của các loài yêu tinh ma mị.